Xin được bắt đầu bằng câu chuyện viết về “Người Cha” rất tuyệt vời mà
tôi đã đọc trong một cuốn sách dạy làm người.
[1]
Truyện kể rằng:
“Khi ông Trời bắt đầu tạo ra người cha đầu tiên trên thế gian, ngài
chuẩn bị sẵn một cái khung thật cao. Một nữ thần đi qua ghé mắt xem và
thắc mắc: ‘Thưa ngài, tại sao người cha lại cao đến như vậy? Nếu ông ta
chơi bi với trẻ con thì phải quỳ gối, nếu ông ấy muốn hôn những đứa con
mình lại phải cúi người thật bất tiện.’ Trời trầm ngâm một chút rồi gật
gù: “Ngươi nói có lý. Thế nhưng nếu ta chỉ để người cha cao bằng những
đứa trẻ thì lũ trẻ biết lấy ai làm tầm cao mà vươn tới?’
“Thấy Trời nặn đôi bàn tay người cha to và thô ráp, vị nữ thần lại lắc
đầu buồn rầu: ‘Ngài có biết Ngài đang làm gì không? Những bàn tay to lớn
thường vụng về. Với đôi bàn tay ấy, người cha phải chật vật lắm mới có
thể găm kim đóng tã, cài nút áo cho con trai, thắt chiếc nơ hồng cho con
gái. Bàn tay ấy không khéo léo để lấy những mảnh dằm nằm sâu trong da
thịt mềm mại của trẻ.’
“Ông Trời mỉm cười đáp: ‘Nhưng đôi bàn tay to lớn vững chãi đó sẽ dìu
dắt bọn trẻ qua mọi sóng gió, cho tới lúc trưởng thành.’
“Vị nữ thần đứng bên cạnh nhìn Trời nặn người cha với một đôi vai rộng
lực lưỡng. ‘Tại sao ngài phí như thế?’, nữ thần thắc mắc. Ông Trời đáp:
‘Thế người cha sẽ đặt con ngồi đâu khi phải đưa nó đi xa? Lấy chỗ đâu
cho đứa con ngủ gật gối đầu khi đi xem xiếc về khuya? Quan trọng hơn,
đôi vai đó sẽ gánh vác cả gia đình.’
“Ông Trời thức trắng đêm để nặn cho xong người cha đầu tiên. Ngài cho
tạo vật mới ít nói, nhưng mỗi lời phát ra là một lời quyết đoán. Tuy đôi
mắt của người cha nhìn thấu mọi việc trên đời, nhưng lại bình tĩnh và
bao dung.
“Cuối cùng, khi đã gần hoàn tất công việc, Trời thêm vào khoé mắt người
cha vài giọt nước mắt. Nhưng sau một thoáng tư lự, Ngài lại chùi chúng
đi. Thành ra người đời sau không mấy khi thấy được những giọt lệ hiếm
hoi của người cha, mà chỉ có thể cảm và đoán được rằng ông ta đang khóc.
“Xong việc, ông Trời quay lại nói với nữ thần: ‘Ngươi thấy đó, người cha
cũng đáng yêu như người mẹ mà ta đã dồn công sức để tạo ra.’
Thật vậy! Bên cạnh tấm lòng bao la như biển lớn, bất tận như suối nguồn
của mẹ là một tình cha vút cao vòi vọi như ngọn Thái Sơn.
Thế nên người xưa đã ví:
“Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”
Hay:
“Công cha như núi ngất trời,
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông.”
Bởi lẽ:
“Có cha mẹ mới có ta,
Làm nên là bởi mẹ cha vun trồng.”
Chính nhờ cha mẹ mà chúng ta nên vóc nên hình, công thành danh toại.
Công ơn đó lớn tợ biển trời mà bổn phận làm con phải luôn luôn ghi nhớ,
ngõ hầu đáp đền trong muôn một.
“Núi cao biển rộng mênh mông
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!”
Như tất cả chúng ta đều biết, cha mẹ đã vì con cái mà sớm hôm tần tảo,
mưa nắng dãi dầu. Mẹ cực khổ thế nào thì cha cũng lao nhọc chừng ấy.
Nhưng vì cha thường nghiêm nghị, ít nói nên con cái không nhận ra được
tình yêu thương của cha. Thật ra thì cha cũng như mẹ, cũng thấp thỏm lo
âu những khi con vắng nhà. Dù cha không tựa cửa ngóng trông con như mẹ
nhưng bên tách trà khuya nguội lạnh cha đã lặng lẽ đợi chờ. Cha không
nói, nhưng lòng cha cũng tơ vò trăm mối!
Cho nên, chúng ta phải tập nhìn sâu, nghĩ suy cặn kẽ để thấu hiểu tình
thương sâu lắng của cha. Bởi tình thương ấy chỉ biểu lộ khi con còn thơ
ấu.
Mà thật ra, ngay khi mẹ mang thai con là cha đã thể hiện tình thương đủ
đầy rồi! Cha khoe với họ hàng, bạn bè; cha hỏi han mẹ về những động đậy
của con trong bụng ra sao, con đạp con chòi thế nào?...
Cha làm việc quên cả mệt mỏi, gánh vác hết mọi việc lớn nhỏ trong ngoài
để mẹ bớt nhọc nhằn mà lo bảo dưỡng thai nhi. Mẹ vốn đã cẩn thận trong
việc đi đứng ngồi nằm, nhưng hễ có cha là cha luôn bên cạnh mẹ để đỡ
nâng, dìu dắt.
Nếu là người cha không mấy quan tâm đến vấn đề tâm linh, tôn giáo, thì
khi mẹ sắp đến kỳ sanh nở cũng sẽ thầm vái van, cầu khẩn cho được “mẹ
tròn con vuông.” Khi con đầy tháng, thôi nôi thì chính cha là người đứng
ra lo việc cúng kiếng, cầu nguyện Phật Trời cho con đuợc khoẻ mạnh,
thông minh. Cũng có những lúc cha thay mẹ mớm cơm cho con, hát ru con
ngủ...
Không cần tìm kiếm đâu xa, nếu chịu nhìn cho kỹ, chúng ta sẽ dễ dàng
nhận thấy được tình cha qua hình ảnh những người cha trẻ chung quanh
mình.
Vâng! Mới ngày nào người cha ấy còn là một thanh niên chưng diện bảnh
bao, áo quần tươm tất, sao hôm nay trông đầy vẻ xốc xếch, luộm thuộm?
À! Thì ra chàng trai ấy bây giờ đã trở thành một người cha rồi. Khi đã
mang vào trách nhiệm làm cha thì đâu có thời giờ dòm ngó tới bản thân
mình nữa! Nếu như gia đình khá giả thì còn đỡ, bằng gặp cảnh khổ nghèo
thì cha càng gầy guộc hơn vì phải ngược xuôi bươn chải. Tuy vậy, cha vẫn
luôn dành thời gian ít ỏi để được gần con mà âu yếm, nâng niu trìu mến.
Bạn thấy đó, người cha trẻ ấy đã cõng con trên vai, có lúc đội con trên
đầu, hớn hở, nghêu ngao đi khắp xóm làng. Lỡ khi con tiểu vãi trên đầu
thì cha cũng thản nhiên mà lo rửa ráy cho con trước. Gặp khi trái gió
trở trời, con ấm đầu lạnh cẳng, chớm bệnh ốm đau là cha mẹ buồn rầu đứng
ngồi không yên, chạy ngược chạy xuôi rước thầy tìm thuốc. Lớn lên một
chút, đi đâu cha cũng dắt con theo. Con quanh quẩn bên cha suốt những
sáng chiều.
Nhất là ở miền quê, quanh năm bận bịu với nương khoai ruộng lúa, lúc nào
con cũng quấn quít bên cha, cha con làm lụng cùng nhau, hủ hỉ nói cười
dưới bóng tre, bên ao cá...
Ở chốn thành thị thì có khác, vì cuộc sống tất bật vội vàng, cha con ít
khi gần gũi, nhưng hai buổi sớm chiều cha vẫn giành phần đưa đón con đến
lớp. Cha con chở nhau trongên xe, hoặc có khi đi bộ, miệng nói líu lo
như thể trên đường không có ai ngoài hai cha con vậy!
Rồi con lớn lên, có bạn bè, dần dần rời xa vòng tay yêu thương của cha
mẹ. Con chỉ đến bên cha mẹ vào những lúc cần thiết!
Riêng cha thì vẫn tháng tháng ngày ngày dõi theo từng bước chân con. Cha
để ý, khuyên răn, nhắc nhở con dù không tự mình chăm sóc, vỗ về như mẹ.
Cha rất ít khi lên tiếng nhưng đã dạy dỗ cho con rất nhiều điều hữu ích
trong cuộc sống. Có thể nói, cha là người nhận trách nhiệm giáo dục con
cái, gìn giữ kỷ cương nề nếp trong gia đình. Mẹ nặng về tình cảm, cha
nghiêng về lý trí, nên “mẹ đánh 100 roi không bằng cha hăm một tiếng.”
Nhờ thế mà:
“Mẹ dạy thì con khéo,
Cha dạy thì con khôn”
Tục ngữ Ý có câu: “Người mẹ yêu thương con dịu dàng, người cha yêu
thương khôn ngoan” cũng là nói lên ý này.
Nói đến tình cha, trong Phật giáo có câu chuyện rất cảm động về tình
thâm phụ tử mà vua Bình-sa
[2] đã dành cho thái tử
A-xà-thế.
[3]
Truyện kể rằng: “Từ ngày hoàng hậu Vi-đề-hy
[4] thọ
thai, bà bỗng dưng khởi lên cơn thèm thuồng kỳ lạ. Bà thèm những món ăn
tươi sống, có mùi máu tanh hôi. (Dĩ nhiên là Bà đã kiềm chế được cơn
thèm ma quái đó.). Các vị quan cận thần tiên đoán rằng đứa trẻ trong
bụng hoàng hậu sau này sẽ là một đứa con đại nghịch. Nghe vậy, hoàng hậu
hoang mang lo sợ.
“Thế nhưng hoàng hậu cũng phớt lờ đi lời khuyên phá bỏ thai nhi nghịch
tử của các cận thần. Vua Bình-sa thì dứt khoát hơn. Ngài thẳng thắn bác
bỏ lời tâu trình đó và quyết giữ lại bào thai. Vua nói rằng, dẫu sau này
thái tử có giết ngài thì ngài cũng không oán trách, vì đó là giọt máu
của mình. Tình phụ tử nặng sâu đã không cho phép vua hủy hoại bào thai
dù sau này nó có là nghịch tử.
“Và sự tình quả là như thế. Khi thái tử A-xà-thế lớn lên, dù biết ngai
vàng trước sau cũng là của mình, nhưng vì không cưỡng lại được lòng tham
muốn sớm lên ngôi cực độ, lại thêm nghe lời xúi giục của Đề-bà-đạt-đa
[5]
nên thái tử đã âm mưu hành thích vua cha để soán ngôi. Cơ mưu không
thành, thái tử bị bắt quả tang. Triều đình kiến nghị rằng ‘pháp bất vị
thân’, thái tử phải chịu tội chết. Nhưng vì tình phụ tử thiêng liêng,
Vua Bình-sa chẳng những không trị tội mà còn vui vẻ nhường ngôi sớm hơn
dự định để con được tròn ước muốn.
“Thái tử A-xà-thế lên ngôi vua. Những tưởng thái tử nhận ra được tình
yêu thương thắm thiết của vua cha và tỏ lòng biết ơn vua cha đã tha tội
chết mà lo đền đáp. Ai ngờ, A-xà-thế như mất cả nhân tính, nhẫn tâm hạ
ngục cha mình và còn ra lệnh bỏ đói cho đến chết.
“Đứng trước cảnh ngộ này, mẫu hậu Vi-đề-hy vô cùng đau khổ. Biết không
thể nào khuyên ngăn được việc làm độc ác của A-xà-thế, bà đã nén lòng bi
thương tìm cách đưa thức ăn vào cho đức vua. Mỗi ngày, bà giấu thức ăn
trong búi tóc để đem vào ngục cho đức vua. Nhờ vậy vua mới duy trì được
sự sống.
“Không lâu sau, A-xà-thế phát hiện việc làm lén lút này, liền cấm bà đem
thức ăn cho vua cha. Thế là bà phải tìm cách khác. Trước khi vào thăm
đức vua, bà tắm rửa thật sạch rồi thoa mật ong vào người, hầu đức vua
được đắp đổi sự sống qua ngày.
“Cuối cùng, chuyện này cũng bị phát giác. Thế là A-xà-thế cấm tuyệt mẫu
hậu không được tới lui thăm vua cha nữa.
“Ở trong ngục, dù bị bỏ đói khát nhưng nhờ Vua Bình-sa biết thực hành
phương pháp tu tập, tĩnh tâm tham thiền, kinh hành niệm ân Tam Bảo như
lời Phật dạy nên dung sắc không thay đổi.
“A-xà-thế biết vua cha sắc diện vẫn còn tươi tắn bình thường nên đã hạ
lệnh cắt gót chân, xát muối rồi đưa vào hơ lửa. Không chịu nổi cực hình
tàn nhẫn mà đứa con bất hiếu đã bày ra, đức vua băng hà.
“Ngay khi đức vua băng hà thì cũng là lúc vợ vua A-xà-thế hạ sanh một
hoàng nam. Được tin, A-xà-thế vui mừng khôn xiết liền chạy đến tìm mẫu
hậu mà thưa hỏi rằng: ‘Mẫu hậu ơi! Con có hoàng tử rồi! Ngày trước vua
cha có vui mừng, có sung sướng và yêu thương con như thế này không hở
mẹ?’
“Mẫu hậu hướng ánh mắt u buồn về phía xa xăm rồi quay lại nhìn A-xà-thế
trìu mến: “Phụ hoàng thương con nhiều lắm. Thương con tha thiết y như
con thương hoàng tử vậy! Mẹ còn nhớ khi con còn nhỏ, con bị mụn nhọt ở
đầu ngón tay. Mụn nhọt hành con đau nhức khóc la suốt cả đêm. Mẹ dỗ hoài
mà con không nín. Cha thấy con như vậy nên đã lấy miệng ngậm ngón tay
nhọt cho con bớt nhức. Và hơi ấm trong miệng vua cha đã đem lại sự êm
dịu cho con.
“Đến lúc lâm triều, vua cha cũng bồng con theo, vừa ngậm tay con vừa
luận bàn việc triều chính. Bất thần, mụn nhọt bể ra, máu mủ vọt cả vào
miệng vua cha. Vua cha định lấy tay con ra khỏi miệng nhưng lại sợ con
đau nên người đành nuốt hết máu mủ vào bụng. Nhờ vậy mà con không còn
đau nhức nữa!.”
“Nghe đến đây, A-xà-thế giật cả mình. Một nỗi ân hận vô biên đã khiến
A-xà-thế phải thảng thốt, kêu lên thất thanh: ‘Thả cha ta ra! Thả cha ta
ra!’
“A-xà-thế vừa la vừa chạy như một kẻ mất hồn. Vừa tới nơi ngục lạnh thì
đức vua đã hóa ra người thiên cổ. A-xà-thế khóc lóc thảm thiết, đau đớn
vô cùng. Nỗi ân hận ám ảnh, dày vò lương tâm A-xà-thế mãi cho đến khi
gặp Phật, được Phật hóa độ mới thôi..”
Bạn ơi! Câu chuyện đã cho chúng ta thấy một tình cha cao cả biết dường
nào! Và trường hợp thức tỉnh của Vua A-xà-thế cũng giống như rất nhiều
người trong chúng ta:
“Ở đời ai cũng có lần,
Làm cha mẹ mới biết ơn sinh thành.
Người xưa khó nhọc nuôi mình,
Khác gì mình đã hết tình nuôi con.”
Cha thương con, một tình thương giấu kín trong lòng nên chúng ta chỉ
thấy sự nghiêm khắc của cha mà không nhận ra tấm lòng cao cả tiềm ẩn
trong từng lời nói khô khan. Chúng ta đâu ngờ rằng “tấm lòng của người
cha là một tuyệt tác của tạo hóa” đang bị chính chúng ta phớt lờ, ruồng
bỏ.
Chúng ta chạy theo nhu cầu phàm tục, văn minh vật chất, quay lưng với
huyết thống cội nguồn, không thèm nhớ nghĩ đến người cha đã một đời lam
lũ vì con. Nếu có mẹ cận kề thì cha đỡ phần cơ cực. Bằng như mẹ sớm lìa
trần thì cha phải một mình cam phận “gà trống nuôi con”, đảm trách cả
vai trò làm mẹ:
“Nghiêng mình mở hột nút ra,
Con ơi, con bú cho cha yên lòng”
Hỡi ôi! có những buổi trưa hè oi bức, bên chiếc võng đong đưa kẽo cà kẽo
kẹt, cha cất giọng khô cằn hát ru con:
“Thôi đừng khóc nín đi con,
Cha dỗ cha bồng cha hát cha cưng.
Ngủ đi con ngủ cho ngoan,
Mặt trời đã xuống hoàng hôn đã tàn.”
Rồi có những đêm trời mưa tầm tã, con nhớ mẹ khóc nấc từng cơn. Cha ôm
con vào lòng ấp ủ mà nghe uất nghẹn buồng tim. Những khi trời nóng nực,
cha ngồi suốt bên con, tay gãi lưng, tay quạt, miệng ngâm nga ầu ơ buồn
bã:
“Ví dầu nhớ mẹ khó coi,
Đêm đêm lại khóc để cha chong đèn.
Tìm vàng tìm bạc dễ tìm,
Tìm câu nhân nghĩa khó tìm con ơi!”
Biết tay mình chai sần bởi năm tháng vất vả mưu sinh sẽ làm đau da thịt
mịn màng con trẻ nên cha hết sức nhẹ nhàng khi xoa lưng con. Tiếng cha
khàn khàn, lạc lõng đã không đủ êm dịu để đưa con vào giấc ngủ say, nên
chốc chốc con lại giật mình khóc ré lên. Và thế là cha phải “năm canh
chầy thức đủ năm canh.”
Thời trẻ cha cực khổ đã đành, khi tuổi già bóng xế rồi mà vẫn còn tần
tảo:
“Cha tôi nay đã già rồi,
Vẫn còn làm lụng để nuôi cả nhà.
Sớm hôm vừa gáy tiếng gà,
Cha tôi thức dậy để ra đi làm.”
Cha ơi!
“Cha lăn lộn giữa cuộc đời,
Áo cơm đè một kiếp người gian nan.
Cha bơi lội giữa nhân gian,
Đắng cay cơ cực nguy nàn... một cha.”
Để rồi, cuộc sống khó nghèo đôi lúc đã làm cho cha rơi nước mắt. Và cha
đã khóc vì thấy mình không lo cho con được đủ đầy, để con thua sút bạn
bè. Nhìn con thiếu hụt mà lòng cha nghe đau nhói!
Có câu chuyện rằng:
“Người cha làm nghề sửa khóa, nuôi đứa con trai bại liệt đã mất mẹ. Năm
nào cũng vậy, đến mùa Noel, một công ty dịch vụ thường thuê người cha
đóng vai ông già Noel. Đêm lễ, cậu con trai nằm một mình trong căn phòng
nghèo nàn, trống vắng, vì người cha phải đến những địa chỉ qui định. Mỗi
khi đến những nhà đang sum vầy hạnh phúc, chúc những lời tốt đẹp, miệng
ông cười rất tươi nhưng lòng đau nhói. Người cha đang nghĩ tới đứa con ở
nhà một mình...
“Sau đêm lễ, người cha kể cho con nghe về ông già Noel. Nào là râu bạc
trắng, miệng ông cười rất tươi, tay ông lắc chuông vàng, vai mang túi
quà, lòng tràn đầy tình thương trẻ thơ... Và ông sẽ đi bất cứ nơi đâu,
đến không thiếu một đứa trẻ nào. ‘Thế khi nào ông già Noel đến nhà mình
hở cha?’ ‘Chắc sang năm, con ạ!’
“Một năm nữa lại trôi qua. Người cha đến công ty đăng ký việc làm và
đóng lệ phí một suất.
“Đêm Noel, cậu bé nằm mong ngóng và tưởng tượng mọi điều. Chợt ông già
Noel xuất hiện đúng như hình ảnh người cha từng kể. Đến bên cậu, ông già
Noel nhẹ nhàng âu yếm: ‘Ta biết con rất ngoan, rất yêu cha của con, con
rất tốt bụng, con rất dũng cảm, con rất... Chúc con một đêm an lành,
nhiều hồng phúc... Chúc con... ’
“Ông già Noel đi rồi, lòng cậu con trai tràn ngập hạnh phúc. Cậu nhủ
lòng sẽ kể với cha rằng ông già Noel rất nhân từ, rất yêu trẻ thơ và còn
khóc với mình nữa...”
[6]
Câu chuyện đã cho chúng ta thấy một tình cha ngọt ngào sâu lắng. Vậy mà,
chúng ta lại vô tình không đón nhận tình thương nồng ấm đó. Trái lại,
chúng ta còn buông lời hằn học, trách móc những khi ngỡ cha không chịu
đáp ứng ước muốn của mình. Để rồi khi sực tỉnh ra thì đã muộn màng, như
trong câu chuyện sau đây:
“Một chàng trai sắp tốt nghiệp đại học. Đã từ lâu anh mơ ước một chiếc
xe thể thao tuyệt đẹp được trưng bày ở cửa hiệu. Và anh đã nói với cha
điều ước muốn đó. Ngày tốt nghiệp đến, anh náo nức chờ đợi...
“Buổi sáng, người cha gọi anh vào phòng riêng. ‘Con trai, ta rất tự hào
về con’, ánh mắt ông nhìn anh thật trìu mến. Rồi ông trao cho anh một
hộp quà được gói rất trang trọng. Ngạc nhiên, chàng trai mở hộp quà và
thấy một quyển sách được bọc bằng vải da, có tên chàng được mạ vàng. Tức
giận, anh ta nói lớn tiếng: ‘Với tất cả tiền bạc mà cha có, sao chỉ tặng
con một quyển sách này thôi?’ Rồi anh chạy vụt ra khỏi nhà, vứt quyển
sách vào góc phòng.
“Nhiều năm trôi qua, chàng trai giờ đã là một nhà kinh doanh thành đạt.
Anh có một ngôi nhà khang trang và một gia đình hạnh phúc. Người cha lúc
này đã già. Một hôm anh nghĩ mình cần phải đi gặp cha. Anh đã không gặp
ông ấy kể từ ngày tốt nghiệp.
“Trước lúc lên đường, anh nhận được bức điện tín rằng người cha đã qua
đời và để lại tất cả tài sản cho con trai. Anh cần phải về ngay lập tức
để chuẩn bị mọi việc.
“Khi bước vào ngôi nhà của cha, bỗng nhiên anh cảm thấy một nỗi buồn và
ân hận khó tả xâm chiếm tâm hồn. Đứng trong căn phòng ngày xưa, những ký
ức bỗng ùa về trong anh... Và bất chợt, anh nhìn thấy quyển sách khi xưa
nằm lẫn trong những tập giấy tờ quan trọng của cha ở trên bàn. Nó vẫn
còn mới nguyên như lần đầu tiên anh nhìn thấy cách đây nhiều năm.
“Nước mắt lăn dài, anh lần giở từng trang, bỗng có vật gì đó rơi ra...
Một chiếc chìa khóa! Kèm theo đó là tấm danh thiếp ghi tên người chủ cửa
hiệu, nơi có bán chiếc xe thể thao mà anh từng mơ ước. Trên tấm thiếp
còn ghi ngày tốt nghiệp của anh và dòng chữ “đã trả đủ.”
[7]
Bạn ạ! Tình thương của cha là như vậy đó. Ngẫm kỹ lại xem, tình cảm,
kiến thức, sự nghiệp, công danh... của chúng ta đều do cha mẹ tạo nên.
Bổn phận làm con không cho phép chúng ta phụ rẫy công ơn lớn lao sâu dày
đó.
“Khôn ngoan nhờ ấm cha ông,
Làm nên phải đoái tổ tông phụng thờ.
Đạo làm con chớ hững hờ,
Phải đem hiếu kính mà thờ từ nghiêm.”
Chúng ta sống ỷ lại vào cha, dựa nương vào mẹ mà không biết rằng:
“Có cha có mẹ thì hơn,
Không cha không mẹ như đờn đứt dây.
Đờn đứt dây còn thay còn nối,
Cha mẹ mất rồi ruột rối như tơ.”
Và vị trí người cha rất quan trọng:
“Còn cha gót đỏ như son,
Một mai cha mất gót con đen sì.”
Hay:
“Còn cha nhiều kẻ yêu vì,
Một mai cha thác ai thì nuôi con.”
Hoặc là:
“Con có cha như nhà có nóc,
Con không cha như nòng nọc đứt đuôi.”
Than ôi! Chỉ những ai sớm mất cha mẹ mới nghe lòng trống trải những khi
chiều xuống; có chịu cảnh mồ côi mới nghe đau đớn xót xa những lúc đêm
về:
“Lòng riêng nhớ mẹ thương cha
Bóng chim tăm cá biết là tìm đâu.”
Hay:
“Lá vàng rơi nhẹ bên thềm,
Mồ côi mới biết nỗi niềm bơ vơ.”
Hoặc là:
“Lời ru vang vọng bốn bề,
Mà câu hiếu đạo chưa hề trả xong.”
Vậy, hỡi những ai diễm phúc còn cha mẹ hiền, xin chớ làm cha mẹ buồn mà
lỗi đạo làm con. Cha mẹ đã dành trọn cuộc đời hy sinh cho con mà không
hề mong con đáp lại:
“Biển Đông có lúc đầy vơi,
Chớ lòng cha mẹ suốt đời tràn dâng.”
Nhưng trớ trêu thay:
“Cha mẹ nuôi con như biển hồ lai láng,
Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày.”
Cha mẹ nuôi con không mong con nuôi lại! Chúng ta đừng bao giờ khởi lên
ý niệm tính thiệt so hơn mà làm đau lòng các bậc sanh thành như trường
hợp sau đây:
“Ông Năm có hai con: một trai, một gái đều đã thành đạt, đã có gia đình
hẳn hoi. Vậy mà ông vẫn không ‘cậy vào con’ được. Đã 74 tuổi rồi mà ông
vẫn thui thủi một mình kiếm ăn bằng nghề mài dao kéo trong căn nhà trống
trước dột sau. Người con trai lớn của ông là một viên chức nhà nước cũng
có nhà, có xe nhưng tuyệt nhiên y không hề nghĩ tới chuyện phụng dưỡng
cha già.
“Những ngày ông Năm đau ốm, anh con trai ghé qua một chút, để lại ít
tiền rồi đi. Đứa con gái còn tệ hơn, cứ ghé qua là cằn nhằn cửi nhửi:
‘Già rồi mà không biết lo thân. Ba bán đất rồi về ở với con, mài dao mài
kéo được mấy đồng!’
“Tuần trước, ông Năm lại bịnh. Bà con trong xóm chạy tới chạy lui chăm
sóc. Anh con trai ghé qua: ‘Ba đưa giấy tờ đất cho con mượn thế chấp
ngân hàng, con cần một số vốn làm ăn.’ Vừa lúc đó, đứa con gái cũng xuất
hiện: ‘Ba bệnh hoài, biết chết nay sống mai? Thôi thì phân chia tài sản
cho rồi, để nằm xuống rồi phiền phức lắm!’
“Ông Năm nghe đau ở ngực. Hai đứa con ruột thịt tới chỉ đòi mượn, đòi
chia. Không đứa nào quan tâm ông đau ốm thế nào. Một người hàng xóm bưng
qua tô cháo. Những giọt nước mắt lặng lẽ chảy dài trên gương mặt già nua
tội nghiệp của ông...
“Hai ngày nay, bệnh ông Năm trở nặng. Bà con lối xóm đưa ông vào bệnh
viện. Hai đứa con ông vẫn chưa hay biết gì, chúng đang khởi đơn đòi thừa
hưởng miếng đất duy nhất của ông. Buổi chiều, tiếng người bạn già của
ông Năm hớt hải gọi vào điện thoại: ‘Chú Hai ơi! Anh Năm không qua được
nữa rồi! Chú vô bệnh viện mau.’
“Trong phòng cấp cứu, đứa con gái rên rỉ: ‘Vậy ba để miếng đất cho con
hay cho anh Hai? Đã kêu lo tính trước mà không nghe!’ Người con trai vừa
tới, ông Năm đưa mắt nhìn hai đứa con thân yêu của mình: ‘Ba đã sớm lo
liệu vì không muốn chết rồi lại nằm không yên. Ba đã làm di chúc chia
tài sản cho hai con. Chừng nào miếng đất ấy được bồi thường theo giá quy
hoạch, hai con sẽ được chia đều. Ba không cần đứa nào thờ cúng hết. Ba
không muốn nghe tụi con cằn nhằn mỗi lần cúng kiếng ba. Cứ hỏa thiêu rồi
đem tro cốt rải xuống sông. Như vậy, tụi con không cần cúng mộ nữa.’
“Nói xong những lời cuối cùng và chừng như lòng dạ cũng thanh thản, ông
Năm lặng lẽ ra đi.
“Đến bây giờ hai anh em mới thảng thốt nhìn nhau. Họ đã có những cái
mình cần nhưng những lời trăn trối của cha như ngọn roi mãi quất vào
lương tâm họ.”
[8]
Do vậy, để không biến mình thành kẻ vong ân, bạc tình bội nghĩa, ngỗ
nghịch bất hiếu, chúng ta phải lắng lòng nghe lại những lời dạy của cổ
nhân:
“Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”
SG, mùa sen nở 2007