Thêm một chút kiên trì và một chút nỗ lực thì sự thất bại vô vọng cũng có thể trở thành thành công rực rỡ. (A little more persistence, a little more effort, and what seemed hopeless failure may turn to glorious success. )Elbert Hubbard
Tôi chưa bao giờ học hỏi được gì từ một người luôn đồng ý với tôi. (I never learned from a man who agreed with me. )Dudley Field Malone
Chúng ta không có khả năng giúp đỡ tất cả mọi người, nhưng mỗi người trong chúng ta đều có thể giúp đỡ một ai đó. (We can't help everyone, but everyone can help someone.)Ronald Reagan
Phán đoán chính xác có được từ kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm thường có được từ phán đoán sai lầm. (Good judgment comes from experience, and often experience comes from bad judgment. )Rita Mae Brown
Kẻ yếu ớt không bao giờ có thể tha thứ. Tha thứ là phẩm chất của người mạnh mẽ. (The weak can never forgive. Forgiveness is the attribute of the strong.)Mahatma Gandhi
Để chế ngự bản thân, ta sử dụng khối óc; để chế ngự người khác, hãy sử dụng trái tim. (To handle yourself, use your head; to handle others, use your heart. )Donald A. Laird
Nghệ thuật sống chân chính là ý thức được giá trị quý báu của đời sống trong từng khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc đời.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Yêu thương và từ bi là thiết yếu chứ không phải những điều xa xỉ. Không có những phẩm tính này thì nhân loại không thể nào tồn tại. (Love and compassion are necessities, not luxuries. Without them humanity cannot survive.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Khi gặp phải thảm họa trong đời sống, ta có thể phản ứng theo hai cách. Hoặc là thất vọng và rơi vào thói xấu tự hủy hoại mình, hoặc vận dụng thách thức đó để tìm ra sức mạnh nội tại của mình. Nhờ vào những lời Phật dạy, tôi đã có thể chọn theo cách thứ hai. (When we meet real tragedy in life, we can react in two ways - either by losing hope and falling into self-destructive habits, or by using the challenge to find our inner strength. Thanks to the teachings of Buddha, I have been able to take this second way.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hành động thiếu tri thức là nguy hiểm, tri thức mà không hành động là vô ích. (Action without knowledge is dangerous, knowledge without action is useless. )Walter Evert Myer

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Triết học tính không và Hư vô chủ nghĩa »» Thượng Đế đã chết »»

Triết học tính không và Hư vô chủ nghĩa
»» Thượng Đế đã chết

Donate

(Lượt xem: 3.078)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Triết học tính không và Hư vô chủ nghĩa - Thượng Đế đã chết

Font chữ:

Thượng Đế đã chết – Gott ist tot - Dieu est mort – God is dead.

Descartes thú nhận rằng ông rất chuyên tâm đi tìm lẽ thực. Mais, pour ce qu’alors je désirais vaquer seulement à la recherche de la vérité. Âu châu đang bị xói mòn bởi không khí hoài nghi. Cuộc khủng hoảng chính trị, xã hội và đức tin đang trong giai đoạn sôi sục sắp bùng vỡ qua Cách Mạng Pháp 1789.

Vào thời đại của Descartes, người ta chưa đặt thành cặp tiền đề hữu thể/hư vô. Tiền đề triết học của Descartes về Cogito (penser – suy tư) thực ra chỉ là một phản đề về sự thực hữu của Thượng Đế, một dạng khác của tam đoạn luận.

Ego cogito, ergo sum

Là chúng ta thực có, vì chúng ta biết suy tư, biết hoài nghi, biết mình là sản phẩm của Thiên Chúa.

Tôi dùng từ Thiên Chúa, vì sự diễn đạt này mang nhiều chất tôn giáo hơn chất triết học.

Nếu hoài nghi thân phận của con người hay vũ trụ, là hoài nghi tác giả tạo ra con người và vũ trụ ấy, đó là tội tru di. Con người thời Trung Cổ không quan tâm mình có hiện hữu hay không, vì tất cả chỉ là vật thụ tạo từ Đấng Duy Nhất. Các tòa án dị giáo được xây dựng cùng khắp Âu châu sẵn sàng chờ đợi bất kỳ một tơ hào dù nhỏ như sợi tóc dám đụng vào các giá trị của Đấng ấy. Nhưng gốc rễ hoài nghi đã bắt đầu lan rộng. Là nhà toán học, Descartes muốn lật tung mọi định thức, mọi cơ cấu, mọi giá trị thành một đống buzzles tháo rời, để thử xem tự mình có thể ráp lại thành một thực tại nào hay không. Phương pháp của ông là hoài nghi tất cả, kể cả Thượng Đế, giá trị bất khả xâm phạm trên toàn Âu châu, vào thời đại mà chỉ cần một tí hoài nghi về quyền uy tuyệt đối của Giáo Hội La Mã, thì cái chết đã được định sẵn cho bất kỳ ai. Je pensai qu’il fallait que je fisse tout le contraire, et que je rejetasse, comme absolument faux, tout ce en quoi je pourrais imaginer le moindre doute. Tôi nghĩ là tôi phải đảo ngược tất cả, phải xem tất cả những gì trong tôi đều là phi thực, dù chỉ một tơ hào nghi ngờ, afin de voir s’il ne resterait point, après cela, quelque chose en ma créance, qui fut entièrement indubitable. Đào bới tận gốc rễ của sự hoài nghi, để tìm ra một thứ gì đó đáng tín nhiệm, một niềm tin khả dĩ thỏa mãn cho tri thức, một kết luận bất khả phủ bác. Tuy nhiên, trong sự đào bới này, Desacrtes chỉ nói đến que je fisse tout le contraire, que je rejetasse, comme absolument faux, tout ce en quoi je pourrais imaginer le moindre doute. Chữ nghĩa mà ông gọi là đào tận gốc trốc tận rễ nghe có vẻ như không chừa cái gì, nhưng tuyệt nhiên không dám động đến Thượng Đế, mà chỉ có cái Ego Cogito – tôi suy tư. Nhưng ẩn ý của Descartes ai cũng biết là ông muốn ám chỉ đến tác giả sinh ra loài người: Thượng Đế . Giáo Hội tuy không thể công khai đưa Descartes lên giàn hỏa, nhưng tên của ông bị liệt vào danh sách cấm đọc (Index Librorum Prohibitorum).

Biện chứng Cogito nổi tiếng của ông nhằm chứng minh rằng, con người biết suy tư Descartes, đang hoài nghi, và nhờ hoài nghi mà thực có.

Nên nhớ, cái tôi trong văn chương lãng mạn Âu châu đã thể hiện qua văn phong của các triết gia dẫn đến Kỷ Nguyên Ánh Sáng đã được phục hồi, đặc biệt là qua Descartes. Với ngôi thứ nhất tôi trong văn cú, Descartes xác nhận tôi nói, tôi nghĩ, tôi nhận định là nhận trách nhiệm về hiện hữu của mình trước lịch sử và trong triết học, không trốn chạy hay núp dưới bóng một giá trị vay mượn. Je pense donc je suis. Tôi suy tư, vậy tôi đang hiện diện. Descartes chưa quan tâm đến hữu thể Être như bắt đầu thời đại của Nietzsche sau này. Lúc ấy, thay vì nói hữu thể, người ta hay đề cấp đến tinh thần esprit, hay lương thức conscience.

Trong cuốn Leçons sur la philosophie de l’histoire (Vorlesungen über die Philosophie der Weltgeschichte), Hegel đã gọi hệ thống Cartésien là vùng đất sinh ra triết học (la terre natale de la philosophie). Thậm chí trong La science de la logique (Wissenschaft der Logik), Hegel ca ngợi tư tưởng của Descartes đạt đỉnh cao trong việc lồng ghép sự hiện diện của Thượng Đế vào nội dung sự có mặt Cogito của con người - la pensée la plus sublime de Descartes, selon laquelle Dieu est ce dont le concept implique en soi son être.

Descartes đã đi từ Cogito, đến chứng minh rằng Thiên Chúa là thực hữu.

Ông đưa ra những luận điểm:

• Không gì được sinh ra từ không (rien ne vient de rien): do vậy, sự vật hoàn thiện hơn không thể đến từ cái kém hoàn thiện hơn. (De même, le plus parfait ne peut être effet du moins parfait). Điều này hàm ý rằng, Thượng Đế sinh vũ trụ và con người chứ không thể có tiến trình trái ngược. Luận cứ của Descartes chỉ đúng vào thời của ông, nhưng hoàn toàn sai với thế giới KH kỹ thuật vào thế kỷ thứ XIX, con người chế ra máy bay, xe chạy, và vào thế kỷ XX lại chế ra máy tính có thể làm được những việc mà con người không tự mình làm được. Đặc biệt ngày nay con người hơn xa phép lạ của Thiên Chúa, có thể nói chuyện bằng Viber, Facebook hay Skype như thể hai người đứng trước mặt nhau.

• Ý niệm toàn hảo: trong tất cả mọi ý niệm có mặt trong tôi, có ý niệm về một đấng Thượng Đế, đấng chủ tể (souverain), toàn năng (tout puissant), vĩnh hằng (éternel) và vô hạn (infini). Ý niệm này hoàn toàn được Thượng Đế cài đặt vào tôi một cách inée ngay khi tôi được sinh ra, như dấu ấn mà nhà sản xuất in lên sản phẩm. (Cette idée est innée en moi. Dieu en me créant, a mis en moi cette idée pour être comme la marque de l’ouvrier empreinte sur son ouvrage). Đây cũng chính là tư tưởng chủ đạo vật thụ tạo trong thần học Kytô giáo.

• Thượng Đế tạo ra ý niệm toàn hảo: một ý niệm về đấng toàn hảo không thể được sinh ra từ ý niệm bất toàn. Tôi phải thừa nhận có một đấng Toàn Năng thì ý niệm về sự hoàn hảo mới có mặt. Đấng ấy chính là Thượng Đế.

• Bắt buộc phải có một đấng Toàn Hảo: tôi chỉ là một sự bất toàn, nếu không có một ít chất liệu của sự toàn hảo tự có mặt trong tôi (substance innée), thì tôi không thể có ý niệm toàn hảo.

Luận cứ của Descartes là cái cày sinh ra trước con trâu, trong khi thực tế cho thấy, con trâu có mặt rất lâu trước khi có cái cày ; và nếu không có con trâu, sẽ chắc chắn không sinh ra ý niệm về cái cày. Ý niệm về một thượng đế toàn hảo là thế giới mơ ước của con người, do con người chế tạo ra nó theo một góc độ hoàn toàn trái ngược với mọi quy ước và định luật vật lí.

Vào thời đại của Descartes, loài người chưa sở hữu máy bay hoặc bom nguyên tử. Nhưng nếu là sự toàn hảo của Thiên Chúa khiến con người chế ra máy bay, thì chẳng lẽ cũng chính cái toàn hảo của Thiên Chúa khiến con người chế ra bom hạt nhân ?

Vào thời đại của Descartes, triết học chỉ lo đi tìm cái tôi, chứ chưa dám nghĩ đến cái không tôi như thuyết duyên khởi “cái này có vì cái kia có, cái này không vì cái kia không, cái này sinh vì cái kia sinh, cái này diệt vì cái kia diệt.”. Sartre cũng nói một câu tương tự, nhưng lãng mạn hơn: Nous ne sommes-nous qu'aux yeux des autres et c'est à partir du regard des autres que nous nous assumons comme nous-mêmes – Chúng ta chỉ hiện diện trong mắt của tha nhân mà thôi, nghĩa là từ cái nhìn của tha nhân mà chúng ta xác định được chúng ta là ai.

Ngay khi Descartes tìm cách chứng minh sự có mặt của tôi, bằng sự nghi ngờ của chính tôi, ông đã dùng một tiền đề không nội hàm để cố gắng biện minh cho một tiền đề không nội hàm khác. Mặt khác, ông còn mâu thuẫn dựa vào một thuộc tính để chứng minh tính thực của chủ thể, tựa như muốn chứng minh một người chết thì nhìn vào chiếc quan tài đựng xác chết. Vào thời kỳ mà bản thể học chưa thành hình, những khám phá của Descartes, đứng trên chiều duy tâm luận, rất được tán thưởng…cho đến khi hư vô chủ nghĩa ra đời.

Tôi đã viết về thời kỳ hoài nghi với nhiều triết gia đứng lên biện minh cho hiện tính của Thượng đế trong bài Xét Lại Vụ Đánh Cuộc của Pascal.

Người sống không cần được chứng mình bằng hơi thở của hắn, dù rằng nếu hắn tắt thở thì hắn sẽ chết. Vô tình, Descartes đã tiên báo sự ra đi vĩnh viễn của cái tôi và Thượng Đế toàn năng chứa đựng trong chiếc hộp nạm vàng Cogito của ông như Hegel khen tặng.

Thuật toán của Descartes đưa ra nhiều đáp số cho cùng một câu hỏi. Ai làm việc trong các lĩnh vực khoa học đều từng biết sự châm biếm về những kết quả mang tính Cartésien, một lô độc đắc mà 10 người đánh cuộc thì có ít nhất 9 người trúng.

Như được trình bày trên phần trước, hư vô chủ nghĩa từ chối mọi giá trị, đặc biệt là giá trị thần quyền - Thượng Đế.

Nói về hư vô mà không nói đến cái chết của Thượng Đế chả khác nào nói về Long Thụ mà không nói đến Tính Không.

Báo Esprit, tờ báo triết học của trí thức Công Giáo tại Pháp, khi phỏng vấn hai triết gia hiện đại Camille Riquier và Pierre Zaoui về cái chết của Thượng Đế, đã đưa ra một nhận định như sau:

Nếu “cái chết của Thượng Đế” là giấy khai sinh của hư vô chủ nghĩa, phải chăng nó đồng nghĩa với chủ nghĩa vô thần ? Sự việc phức tạp hơn như vậy, một phần là vì, với Nietzsche, Kitô giáo cũng là một trong những nguyên nhân phát sinh ra hư vô thuyết, phần khác, vô thần không thiết yếu phải từ chối xem trọng đức tin. (Si la « mort de Dieu » est l’acte de naissance du nihilisme, l’athéisme en est-il le synonyme ? Les choses sont plus complexes, d’une part parce que, chez Nietzsche, le christianisme est aussi l’une des sources du nihilisme, d’autre part parce qu’être athée ne signifie pas nécessairement refuser de prendre la foi au sérieux.)

Như vậy, theo Esprit, xóa bỏ đức tin vào thần quyền là tất yếu của hư vô chủ nghĩa, nhưng không nhất thiết là tất yếu của vô thần chủ nghĩa.

Camille Riquier đã nhận định cùng Esprit như sau: Cái làm rõ sự khác biệt giữa Nietzsche và người Kitô giáo không chỉ thực sự nói rằng Thượng Đế đã chết, mà là “chết vĩnh viễn” và không phục sinh. Để được vậy, phải giết chết luôn Chúa Cha. Vụ giết Cha này ít ngoạn mục hơn vụ giết Con với sự biết rõ ngày giết và nơi giết. Nhưng vụ này thành công hơn nhiều. Đây là một tội ác hoàn hảo được thực hiện không để lại dấu vết, không cả sự cần thiết phải làm đổ máu - tất cả rất nhẹ nhàng, gian manh, che đậy, sâu kín đến ngay những kẻ sát nhân cũng không biết. (Ce qui distingue Nietzsche du chrétien n’est effectivement pas de dire que Dieu est mort, mais qu’il « demeure mortel » et ne ressuscite pas. Et pour cela, il fallait tuer également le Père. Ce meurtre s’est d’ailleurs fait de façon beaucoup moins spectaculaire que celui du Fils, repérable entre tous, qui a son lieu et sa date. Mais il fut en un sens bien plus réussi. Ce fut le crime parfait, accompli sans laisser de traces, sans même qu’il fût nécessaire de faire couler le sang – tout en douceur, insidieusement, intérieurement, profondément, à l’insu même de ses assassins.)

Cảm nghĩ của Camille Riquier đã nói lên sự uất ức của một tín đồ Kitô giáo. Ông thú nhận sự chết không phục sinh của Ngôi Một và Ngôi Hai đến mức độ, ngay dấu máu cũng không có và cũng chẳng biết được ai là kẻ giết Chúa. Ông cố tình kết án sự giết Chúa Ngôi Một, mang tội lỗi không kém sự giết Chúa Ngôi Hai.

Nhưng đó chỉ là cõi riêng của một triết gia đầy cảm hoài về thời vàng son nhã nhạc xiêm y của đế quyền La Mã. Còn bây giờ, không những đế quyền, mà cả thiên quyền cũng đã bị cơn lốc hư vô cuốn phăng vào tuyệt vọng. Camille lên án sự giết Chúa bằng chữ nghĩa khá hằn học, nhưng qua lời nói hằn học của vị triết gia tín đồ này, ta thấy ông thật sự thừa nhận Chúa đã chết, Ngôi Một hay Ngôi Hai cũng đã chỉ còn trơ lại hai đống đổ nát và chẳng gì mang ý nghĩa phục sinh nữa như sau khi người ta đóng đinh Jésus.

Sự thật hoàn toàn trái ngược với lời ông về sự giết người âm thầm, gian manh không đổ máu mà ông gọi là một tội ác hoàn hảo (crime parfait), cơn lốc hư vô ấy đến không vô hình, không âm thầm, và cũng không gian manh, nó đã giơ cao thanh kiếm nhân bản đẩm đầy máu cách mạng giết Chúa trước ánh sáng mặt trời, qua tuyên ngôn của Nietzsche:

Thượng Đế đã chết ! Thượng Đế vĩnh viễn chết ! Và chính chúng ta đã giết ngài ! Làm sao mà chúng ta tự an ủi lấy mình, chúng ta, kẻ sát nhân của những kẻ sát nhân ? Đấng thiêng liêng và quyền năng nhất từ bao lâu của loài người đã đổ máu dưới lưỡi dao của chúng ta. – Ai có thể rửa sạch vết máu này cho chúng ta ? Phải dùng nước gì để chúng ta có thể tự rửa sạch ? Lễ chuộc tội nào, trò chơi thiêng liêng nào buộc chúng ta phải sáng tạo ra ? Sự kinh thiên của hành động này phải chăng là quá lớn đối với chúng ta ? Chúng ta có phải phải tự buộc mình biến thành những thượng đế chỉ đơn giản - để mà chúng ta tỏ ra xứng đáng với chúng ?

(Dieu est mort ! Dieu reste mort ! Et c'est nous qui l'avons tué ! Comment nous consoler, nous les meurtriers des meurtriers ? Ce que le monde a possédé jusqu'à présent de plus sacré et de plus puissant a perdu son sang sous notre couteau. — Qui nous lavera de ce sang ? Avec quelle eau pourrions-nous nous purifier ? Quelles expiations, quels jeux sacrés serons-nous forcés d'inventer ? La grandeur de cet acte n'est-elle pas trop grande pour nous ? Ne sommes-nous pas forcés de devenir nous-mêmes des dieux simplement — ne fût-ce que pour paraître dignes d'eux ? - Die fröhliche Wissenschaft, Le Gai Savoir).

Nếu giết người mà không thấy máu, thì Camille Riquier đã vô tình thừa nhận trước khi bị đâm dao, Thượng Đế chỉ là một cái thây ma, chứ không phải người sống ?

Nếu giết Chúa xong mà ngay cả kẻ sát nhân cũng chẳng ai biết, thì tại sao con người Âu châu được Nietzsche gọi là chúng ta lại phải hoảng sợ lên đến thế ?

Từ đoạn văn trích dẫn trong Le Gai Savoir của Nietzsche, ta thấy rõ sự kinh hoảng của thời đại. Những câu hỏi nghiêm chỉnh đầy ẩn số được Nietzsche đặt ra:

Ai có thể rửa sạch vết máu này cho chúng ta ?

Phải dùng nước gì để chúng ta có thể tự rửa sạch ?

Lễ chuộc tội nào, trò chơi thiêng liêng nào buộc chúng ta phải sáng tạo ra ?

Chúng ta có phải tự buộc mình biến thành những thượng đế chỉ đơn giản - để mà chúng ta tỏ ra xứng đáng với chúng ?

Hiểu được các câu hỏi nghiêm trang của Nietzsche, là hiểu được đám tang chôn Thượng Đế vào thời kỳ ấy đã gây ra tiếng nổ chấn động đến mức độ nào.

Pierre Zaoui nhận định về cái chết của Chúa trên báo Esprit như sau:

Đúng rằng cái công thức chính xác “Thượng Đế đã chết” chỉ in trọn dấu ấn giá trị với riêng Nietzsche, ông khiến cho chúng ta hiểu rằng chủ nghĩa vô thần trước tiên được sinh ra từ hành động phủ nhận một cách bạo hành, thậm chí là sát nhân, và do đó đưa đến hư vô. Nietzsche nói, “Thượng Đế đã chết ! Và chúng ta đã giết ông ấy”. Nhưng chúng ta phải cẩn thận trước sự xảo quyệt của triết gia người Đức. Vì ai đối với ông ấy là "chúng ta" ? Ai là tác giả của thuyết hư vô ? Chính là Kitô giáo và tất cả những giá trị Kitô tồn đọng trong chúng ta, nghĩa là tất cả những gì đã hạ thấp các giá trị cao nhất của cuộc sống: sức mạnh, ý chí, sự vĩ đại, niềm vui, v.v. Từ cái nhìn này, chủ nghĩa vô thần chỉ là chủ nghĩa hư vô trong chừng mực nó chỉ là hình ảnh đại diện cuối cùng của những thuyết độc thần nguyên thủy. Xét cho cùng, điều này không sai về mặt lịch sử: không có chủ nghĩa vô thần thực sự trong thời cổ đại Hy Lạp-La Mã, bởi vì không có ý nghĩa gì trong việc phủ nhận các vị thần khi một số lượng lớn các tôn giáo và nghi lễ được cho phép, nếu không bị ảnh hưởng bởi sự tức giận hoặc cảm giác bất công theo cách của Oedipus vào đầu chuyện Oedipus ở Colonus hoặc cách của Jason ở cuối kịch Medée.

(Il est vrai que la formule exacte “Dieu est mort” ne prend sa pleine mesure qu’avec Nietzsche, ce dernier laissant entendre que l’athéisme naîtrait d’abord dans un acte violemment négateur, même meurtrier et donc effectivement nihiliste. “Dieu est mort ! Et c’est nous qui l’avons tué”, dit Nietzsche. Mais il faut faire attention à la ruse du philosophe allemand. Car qui est pour lui ce “nous” ? Qui est l’inventeur du nihilisme ? C’est le christianisme et tout ce qu’il y a d’encore chrétien en nous, c’est-à-dire tout ce qui déprécie les valeurs les plus hautes de la vie: la force, la volonté, la grandeur, le plaisir, etc. De ce point de vue, l’athéisme n’est nihiliste qu’en tant qu’il n’est qu’un ultime avatar des monothéismes primordiaux. Après tout, ce n’est pas faux historiquement : il n’y a pas vraiment d’athéisme dans l’antiquité gréco-romaine, parce qu’il n’y a pas de sens à nier les dieux quand une pluralité de cultes et de rituels est autorisée, sinon sous le coup de la colère ou du sentiment d’injustice à la manière d’Œdipe au début d’Œdipe à Colone ou de Jason à la fin de Médée.

Hai triết gia này hằn học chửi xéo Nietzsche bằng những tĩnh từ khá “hỗn hào”.

Pierre mâu thuẫn với Camille và cả với Nietzsche khi cho rằng công thức "Thượng Đế đã chết" chỉ in trọn dấu ấn giá trị với riêng Nietzsche, sao ông lại mất công gọi đó là công thức chính xác formule exacte ? Nên nhớ rằng công thức là một cái gì trở nên là mẫu mực để định đoạt một giá trị trong một phạm trù khoa học. Tôi chưa từng đọc được sự kiện Thượng Đế chết như là một công thức trước khi biết đến Pierre Zaoui. Nhưng tôi biết Pierre sử dụng từ formule để chỉ cho sự kiện lịch sử “Dieu est mort” là hậu quả rất ảnh hưởng trên toàn bộ sinh hoạt của Phương Tây sau khi Nietzsche tuyên bố, nó đã nghiễm nhiên trở thành thước đo trong mọi lãnh vực, từ văn hóa, chính trị đến khoa học và xã hội. Tên riêng của Nietzsche đã mặc nhiên là dấu ngấn lịch sử đánh dấu sự kiện trước và sau Giải Phóng Thần Quyền ; hay nói cách khác, trước Nietzsche, có nghĩa là khi thần quyền còn ngự trị trong văn hóa ; và sau Nietzsche, có nghĩa là con người được phóng thích, hoàn toàn tự do khỏi thần quyền.

Pierre còn đưa Kitô giáo ra tranh công với Nietzsce, cho rằng hư vô chủ nghĩa được chính Kitô giáo cùng với những giá trị tồn đọng trong văn hóa của nó đã làm công việc giết Chúa.

Thế thì Nietzsche ruse (xảo quyệt) ở chỗ nào ? Nếu Nietzsche ruse, thì đây là cái ruse cần thiết và chân chính.

Nhưng những nhận định của hai ông cho phép xác định được điều mà các bộ phận triết học khác của thế giới vẫn còn nghi ngờ, đó là tấm giấy khai tử của Thượng Đế, được chính các triết gia Công Giáo thừa nhận.

Pierre Zaoui trái ngược với Camille Riquier, người sau cho rằng không biết ai đã giết Chúa, còn người trước dù gán cho Nietzsche chữ la ruse - sự lường gạt, đã xác định chính Kitô giáo, chính những giá trị Kitô tồn đọng trong tâm hồn người Âu châu là chúng ta, “những gì đó” đã là nguyên nhân đánh mất các giá trị nhân bản của con người như sức mạnh, ý chí, sự vĩ đại, niềm vui: la force, la volonté, la grandeur, le plaisir. Vậy nguyên nhân cái chết của Thượng Đế do những gì của Kitô giáo làm hạ giá hay đánh mất các giá trị gần gũi nhất của nhân loại gây ra. Nietzsche chỉ là kẻ đứng lên làm ma chay cho Thượng Đế, chứ ông không phải là kẻ giết chết Thượng Đế.

Dường như không nói rõ, nhưng Pierre Zaoui cũng đang dùng trận đại dịch Covid-19 để cho rằng hậu quả đã giết Chúa khiến Thượng Đế nổi giận đang sai dịch bệnh tàn sát nhân loại, qua bài viết với tựa đề Đại dịch hôm nay là lưỡi bào tốt đối với sự kiêu căng của chủ nghĩa siêu nhân học (L’épidémie d’aujourd’hui est un bon robot contre l’orgueil transhumanist.)

Thâm ý của Pierre Zaoui ví sự khởi đầu Giết chết Thượng Đế với hành động giết lầm cha mình của Oedipus và cái kết bi thảm của Jason khi không giữ lời hứa với Medée tựa như lời cảnh cáo của cựu Giáo Hoàng Benedicto 16 khi thấy Âu châu quay lưng lại với Thiên Chúa, ngài cũng đã đưa ra lời hăm dọa rằng Chúa rất nhân từ, nhưng khi cần tàn sát để răn đe, thì chúa sẽ không do dự. Chúa từng Tạo ra Đại Hồng Thủy, từng tận diệt hai thành Sodom và Gomorrah mà không hề nhăn mặt. Văn hóa hăm dọa rất thường thấy trong thánh kinh Kitô giáo, được thể hiện qua tất cả tín đồ, chỉ khác ở cách thái và trình độ, nhưng ít khi thấy nơi các triết gia.

Cuộc cách mạng nào cũng cần một thời gian để thích nghi với cái mới. Lịch sử đã rất lúng túng với lần đầu, khi nhân dân Pháp chặt đầu vua của họ Louis XVI.

Cuộc Cách Mạng Pháp dám chặt đầu vua, nhưng chưa dám “chặt đầu Thượng Đế”, mà chỉ bài trừ Kitô Giáo tại Pháp.

Tuy nhiên, nếu không có sự kiện lịch sử chặt đầu vua, và phong trào Bài Trừ Kitô giáo (déchristianisation) cùng với sự thảm sát hằng vạn tu sĩ Công giáo, thì chưa chắc gần 100 năm sau, con người dám lật đổ Thượng Đế.

Đối với Nietzsche, sự kiện giết chúa là một sấm ngôn cho nhân loại. Nhưng sấm ngôn ấy phải có thời gian để nó thẩm thấu. Trong triết học Tây phương, tên của Nietzsche có thể còn vang dội hơn cả tên của Jesus, vì Nietzsche có lẽ là người đầu tiên cho rằng con người chính là kẻ thiết kế thần linh (le fabricateur des dieux).

Sự kiện phi thường này vẫn chưa đến tai loài người. Tiếng sấm và và tia chớp cần thời gian, ánh sáng cần thời gian, ánh sao cần thời gian, những hành động, ngay cả khi được tạo dáng, cũng cần có thời gian trước khi được nhìn thấy và nghe thấy. (Le Gai Sasoir)

(Cet événement prodigieux n'a pas encore fait son chemin jusqu'aux oreilles des hommes. La foudre et le tonnerre ont besoin de temps, la lumière a besoin de temps, la lumière des étoiles a besoin de temps, les actions, même une fois posées, ont aussi besoin de temps avant d'être vues et entendues.)

Scotty Hendricks, một học giả và là nhà khoa học trẻ Hoa Kỳ cho rằng Nietzsche rất lo âu về sự bi quan khi con người đánh mất Thượng Đế. Ông viết trên tạp chí Bigthink rằng cho dù nếu có một Thượng Đế, thế giới Tây phương ngày nay biết rằng ngài chẳng đặt con người ở trung tâm vũ trụ (như kinh thánh nói), và nhân loại lại học biết rằng mình được tiến hóa từ một chủng loại rất thấp kém. Chúng ta cuối cùng đã thấy được khuôn mặt thật của vũ trụ hoàn toàn khác với những gì thánh kinh ghi chép. Vũ trụ không còn được hình thành riêng cho nhân loại nữa. Nietzsche e sợ rằng một thế giới quan mới mẻ như vậy sẽ đưa nhân loại đến tình trạng bi quan tột độ, ‘‘một ý chí dẫn đến hư vô – will to nothingness’’, trái ngược với triết lý khẳng định sự sống mà Nietzsche chủ xướng. (link của bài báo).

Cũng theo Scotty Hendricks, Nietzsche tiên tri những thảm họa mà nhân loại sẽ phải gánh chịu khi đánh mất Thượng Đế trong hai thế kỷ sau Nietzsche. Scotty Hendricks kể ra hai cuộc thế chiến, sự xuất hiện của Đức Quốc Xã, Cộng Sản chủ nghĩa, Dân Túy chủ nghĩa…để minh họa. Nhưng theo tôi, thảm họa luôn xảy đến với nhân loại, và chúng thường xuyên đến và tàn bạo hơn ở những nơi mà văn hóa Abraham ngự trị. Vụ thảm sát người Tutsis ở Rwanda, Cuộc chiến dai dẳng ở Trung Đông, nạn đói ở Mỹ châu La Tinh trong hai thế kỷ trước, trẻ em bị cưỡng dâm, các nữ tu bị xử dụng làm nô lệ tình dục, phong trào Black Lives Matter và cuộc nổi loạn vào ngày 6 tháng hai tại Capitol ở Washington, số nạn nhân chết thảm khủng khiếp do Covid-19 ở các xứ thờ Thiên Chúa đều là hậu chứng của chất độc độc thần còn chưa hết trên thân thể nhân loại. Và nếu di chứng thần quyền này còn kéo dài bao lâu thì nhân loại cũng sẽ phải chờ đón những thảm họa không lường trước được bấy lâu.

Sự phản kháng lại Nietzsche cũng như sự chống đối lại các triết gia Ánh Sáng rất thường thấy trong hàng ngũ dòng tư tưởng thờ phụng “ thiên triều”. Nietzsche bị lợi dụng và bị tấn công từ tứ phía. Chỉ với chòm râu mép ngạo nghễ, người ta đã ví ông với Hitler và Staline.

Philippe Douroux đã viết trên báo Libération như sau:

Đức Quốc xã muốn chiếm đoạt ông. Sau chiến tranh, các triết gia Pháp đã đưa ông trở lại lĩnh vực triết học và đặt ông về cánh tả. Chúng tôi đã yêu cầu một triết gia trọng tài, Christian Godin, đưa ông vào đúng vị trí của ông: không phải tả hay hữu, mà là nơi tìm thấy niềm vui đọc sách và suy tư.

Đức quốc xã vì Đức quốc xã, cực tả cho cực tả và tại sao lại không trung lập cho trung lập, Nietzsche, tên gọi là Friedrich, được tất cả thấy họ trong ông. Triết gia được lộng ảnh cùng khắp, đáng chú ý với bộ ria mép và con mắt hung dữ, mối quan hệ rắc rối của ông với Lou Salomé và tình bạn với Paul Rée, chứng đau nửa đầu, đau bụng, ông đã bị lợi dụng hơn hết bỡi mọi phe phái cực đoan chỉ trừ cánh trung lập. Quá sôi sục, quá bùng nổ, quá dữ tợn, quá khó nắm bắt, ông chỉ có thể thu hút những người cực đoan.

Les nazis ont voulu se l’approprier. Après-guerre, les philosophes français l’ont ramené dans le champ de la philosophie et l’ont fait basculer à gauche. Nous avons demandé à un philosophe arbitre, Christian Godin, de le remettre à sa place: ni à droite ni à gauche, mais là où se trouve le plaisir de lire et de penser.

Nazi pour les nazis, ultragauche pour l’ultragauche et pourquoi pas centriste pour les centristes, Nietzsche, Friedrich de son prénom, aura tout entendu. Philosophe posterisé, remarquable par sa moustache et son œil méchant, ses relations troubles avec Lou Salomé et son amitié avec Paul Rée, ses migraines, ses maux de ventre, il aura été utilisé comme aucun autre par tous les extrêmes. C’est vrai que le centre l’a épargné, lui et sa pensée. Trop bouillonnante, trop explosive, trop violente, trop insaisissable, elle ne pouvait attirer que les extrêmes.

Không những ngôn ngữ, mà hình ảnh của Nietzsche, đều rất gần với ngôn ngữ và hình ảnh của Bồ Đề Đạt Ma trong truyền thuyết Trung Hoa. Khi được Lương Vũ Đế hỏi với sự xây dựng hằng trăm ngôi chùa cùng với sự ủng hộ Phật pháp của mình, ông muốn được đánh giá có bao nhiêu công đức. Bồ Đề Đạt Ma trả lời cộc lốc: chả có tí công đức ! Lương Võ Đế mới hỏi thế nào là đệ nhất thánh nghĩa, Bồ Đề Đạt Ma lại trả lời cũng côc lốc: chả có thánh thiết gì cả (quách nhiên vô thánh) !

Bồ Đề Đạt Ma tuyên bố chả có Phật chả có Thánh, Nietzsche tuyên bố Thượng Đế đã chết.

Nietzsche và Bồ Để Đạt Ma cả hai đều không ai chỉ vào mặt trời bên ngoài, trái lại còn che nó đi, để tạo ra vùng sáng tâm của nhân loại, nhưng mỗi người phải tự làm cho mặt trời bình minh của chính mình trồi lên khỏi mặt biển. Nietzsche đã lấy hình ảnh ánh sáng trong sấm ngôn Rig-Veda để biểu thị cho bình minh mà ông muốn trao gửi đến sự sống: Tant d'aurores n'ont pas encore lui. – So many lights that don't have him yet ! Bao nhiêu ánh sáng vẫn chưa có nó ! Dù chưa xuất hiện, thì đã có sự hội tụ của bình minh trên mặt biển.

Một số nhận định khác thì cho rằng, tấm giấy khai tử của Thượng Đế lại là tờ khai sinh của Tây phương và nhân loại.

Thế kỷ thứ XIX mở ra cánh cửa cho mọi sự trỗi dậy của tinh hoa nhân loại, đặc biệt là khoa học. Khoa học đã trở nên là một đền thờ mà mọi người có thể đến để xưng tội (référence confessionelle) thay vì đi xưng tôi trước thần linh. Bạn ngoại tình ư ? Nếu cảm thấy sự ray rứt hối hận vì hành động thiếu kiểm soát của mình, bạn có thề tìm một bác sĩ phân tâm học và thố lộ hết cả nguồn cơn. Vị bác sĩ sẽ có phương pháp khoa học để khiến bạn vơi đi sự thống khổ tâm lý và cũng sẽ tư vấn bạn không tái phạm “một cách an toàn”. Hồ sơ cá nhân của bạn sẽ được giấu kín và không bao giờ được sử dụng để trục lợi hoặc hăm dọa lại bạn. Bạn bị bệnh ư ? Hãy tìm đến bệnh viện hay bác sĩ. Đi cầu Giuse Trần Đình Long hay Võ Hoàng Yên thì không những bệnh không hết, tiền mất, mà tật còn nặng hơn. Bạn bị tai nạn ư ? Hãy khai báo với công ty bảo hiểm. Bạn muốn sinh con trai ư ? Hãy tư vấn bác sĩ sản khoa chứ đừng đến ngôi chùa ở Sài Gòn được tổng thống Obama ghé thăm. Bạn muốn cám ơn niềm hạnh phúc và sự thành công của bạn ư ? Đừng cám ơn Thượng Đế hay Phật Trời, hãy cám ơn chính bạn, bạn đã biết tạo ra hạnh phúc và sự thành công của mình, cám ơn thần thánh, dịp may sẽ không đến với bạn trong lần tới. Bạn là vị thần linh được viết hoa của chính mình, nếu bạn nhìn sang kẻ khác để cám ơn, thì nội lực của bạn sẽ biến mất vào kẻ ấy. Văn hào Pháp Romain Gary viết một câu rất đẹp trong tác phẩm Les Racines du Ciel rằng Thiên Chúa chết và vĩnh viễn biến mất, nhưng Con Người lại được sinh ra, Con Người và Chủ Nghĩa Nhân Bản - Dieu qui est mort disparu à jamais, mais l’Homme lui-même, l’Homme et l’Humanisme.

Cuộc cách mạng kỹ nghệ Âu châu là chiến thắng nổi cộm nhất sau khi loài người lật đổ Thượng Đế. Như Scotty Hendricks đã nói về ba vết thương ái kỷ (blessures narcissiques) của nhân loại bao gồm cuộc cách mạng thiên văn học Copernic thay đổi cả một vũ trụ quan, con người không phải là trung tâm của vũ trụ, cuộc cách mạng của Darwin thay đổi cả nhân sinh quan, con người chỉ là một loài thú được tiến hóa, và Freud thêm vào vết thương ái kỷ thứ ba của nhân loại rằng cho dù nhân loại phủ phục hằng thiên niên kỷ trước Thiên Chúa, thì con người cũng không thể có chủ quyền trên linh hồn của chính mình - malgré toutes les apparences et les croyances, l'homme n'était jamais le souverain de son âme. Khi con người không thể làm chủ nhân của chính mình, thì vũ trụ cũng không hề có một thiên chủ, vì con người và vũ trụ chỉ là hai hình ảnh đối xứng của nhau. Những khám phá về thiên văn vật lý, về y học, về các lãnh vực cơ học lượng tử, về điện toán…chỉ 2 thế kỷ sau khi con người lật đổ Thượng Đế vượt xa mấy nghìn năm con người sống dưới ách thần quyền.

Nhưng Nietzsche tiên đoán rằng những con ve vẫn ca hát, mặc dù mùa hè đã qua đi. Ông viết:

Và vị thánh làm gì trong rừng?" Vị thánh trả lời: “Tôi tạo ra các bài hát và hát chúng, và trong khi sáng tác các bài hát, tôi cười, tôi khóc và tôi lẩm bẩm, đây là cách tôi ngợi khen Đức Chúa Trời. Hát, khóc, cười và lẩm bẩm, tôi ngợi khen Thiên Chúa là Thiên Chúa của tôi. ” (…) Khi Zarathustra nghe những lời này, ông đã rời khỏi vị thánh (…). Nhưng khi Zarathustra còn một mình, ông tự nhủ trong lòng: “Có thể như thế sao ! Vị thánh già trong khu rừng của mình vẫn chưa nghe tin Chúa đã chết!

Et que fait le saint en forêt ?” Le saint répondit: “Je fais des chansons et je les chante, et tout en composant mes chansons, je ris, je pleure et je grommelle, c'est ma façon de louer Dieu. Chantant, pleurant, riant et grommelant, je loue ce Dieu qui est mon Dieu.” (…) Quand Zarathoustra eut entendu ces paroles, il prit congé du saint (…). Mais une fois que Zarathoustra fut seul, il se dit en son cœur: “Serait-ce possible ! Ce vieux saint dans sa forêt n'a pas encore entendu dire que Dieu est mort ! (Ainsi Parlait Zarathoustra).

Xin mượn một lời của Sartre để kết luận phần này, nhất là để trả lời cho những ai tin rằng, sau khi Thượng Đế chết đi, thì thế giới chỉ còn lại chủ nghĩa vô thần: Thượng Đế đã chết, nhưng con người không vì vậy mà vô thần. Sự thiếu vắng một đấng linh thiêng, kết hợp với sự vĩnh cửu của nhu cầu tín ngưỡng nơi con người thời đại mới, đây là vụ làm ăn lớn của ngày nay cũng như của hôm qua - Dieu est mort, mais l'homme n'est pas, pour autant, devenu athée. Ce silence du transcendant, joint à la permanence du besoin religieux chez l'homme moderne, voilà la grande affaire aujourd'hui comme hier.

Với Sartre, có lẽ nhiều người chưa quen cách chơi chữ của ông. Tôi xin mạn phép diễn nôm từ affair ra văn chương bình dân, để mọi người cùng hiểu: affaire, business, làm ăn, là danh từ chỉ về giao dịch, buôn bán. Đã là giao dịch, buôn bán, tất phải có cung cầu. Cung là sản phẩm, cầu là người tiêu dùng. Sartre muốn nói ở đây rằng mê tín từ xưa đến nay là nhu cầu, thượng đế là mặt hàng. Chúng ta chỉ như trẻ con, Thượng Đế như các con búp bế, trẻ con ném con búp bế này, thì lại đòi con búp bế khác. Chỉ khi nào chúng lớn lên, các con búp bế không cần ném cũng tự mất. Khổ nỗi, nhân loại không bao giờ trưởng thành.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 4 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Phật Giáo Yếu Lược


Đừng bận tâm chuyện vặt


Sống thiền


Truyện cổ Phật giáo

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.8.79 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...