Trọn bộ An Sĩ toàn thư có 5 quyển thì đã dành trọn 2 quyển Vạn thiện tiên tư và Dục hải hồi cuồng để nói về hai nghiệp giết hại và tà dâm. Thật ra, có thể nói hai nghiệp xấu này đã chiếm hẳn một tỷ lệ rất lớn trong hành nghiệp của tất cả chúng sinh. Cho nên, nếu ai có thể chế ngự được các nghiệp xấu này thì ranh giới ngăn cách giữa phàm phu với thánh hiền hẳn cũng không còn xa xôi nữa.
Kinh Lăng Nghiêm dạy rằng, dâm dục là cội nguồn của sinh tử. Điều đó có thể nhìn thấy ngay trong cuộc sống hiện tại này, bởi do tập khí tham dục nhiều đời nên chúng sinh ở cõi này đều sinh ra từ sự dâm dục. Cũng chính vì thế mà trong Ba cõi thì cõi mà chúng ta đang sống có tên là Dục giới. Trong 4 cách sinh ra của muôn loài chúng sinh (thai sinh, noãn sinh, thấp sinh và hóa sinh) thì cách sinh ra từ bào thai (thai sinh) hay từ trứng (noãn sinh) đều là kết quả của dâm dục. Bởi vậy, muốn chế ngự được tâm tham dục mà không quán xét đến tận nguồn cội của nó thì dù cố gắng đến đâu cũng không thể nào đạt được kết quả.
Về việc tiết chế dâm dục, đức Phật chế định giới luật của bậc xuất gia là đoạn dứt hoàn toàn, tuyệt đối không hành dâm, trong khi đối với cư sĩ tại gia thì chưa phải đoạn dâm hoàn toàn mà chỉ giới hạn ở mức độ không tà dâm. Đây là một điểm linh hoạt nhằm giúp cho Phật pháp có thể đến được với những người sơ cơ để tùy theo khả năng hiện có mà dẫn dắt họ dần dần tiến tu trên đường đạo.
Thật ra, tham dục cũng là một trong các dạng thức của sự ham muốn, nhưng là loại ham muốn mạnh mẽ và nguy hiểm nhất mà hầu hết những chúng sinh thông thường đều không có khả năng cưỡng lại. Thử tưởng tượng, nếu rơi vào một hoàn cảnh cám dỗ khơi dậy ham muốn tình dục mà không có bất kỳ sự ngăn trở nào từ bên ngoài, ắt hẳn việc phạm giới sẽ rất khó cưỡng lại, trừ phi là đối với những người đã có sự tu tập quán chiếu để hiểu rõ được tác hại của sự việc trong hiện tại cũng như tương lai. Vì thế, nếu chúng ta chỉ giữ giới như một cam kết suông mà không có sự thường xuyên tu tập quán chiếu thì chắc chắn sẽ rất dễ dàng phạm vào điều giới tà dâm này khi rơi vào những hoàn cảnh có sự cám dỗ.
Vì ham muốn tình dục cũng là một dạng thức ham muốn, nên điều tất nhiên là việc kiểm soát hay đối trị với nó cũng liên quan đến toàn bộ quá trình tu dưỡng rèn luyện của ta đối với sự ham muốn nói chung. Một người sống buông thả, chạy theo mọi ham muốn bốc đồng trong đời sống thì có phần chắc chắn là chính người ấy cũng sẽ có một ham muốn tình dục vô cùng mạnh mẽ và không có khả năng tự kiềm chế. Ngược lại, một người sống tỉnh giác, luôn biết suy xét sáng suốt mọi ham muốn của mình ngay khi chúng vừa sinh khởi để chủ động kiểm soát và đối trị, thì điều tất nhiên là người ấy cũng sẽ có một khả năng mạnh mẽ hơn trong việc đối trị với những ham muốn tình dục.
Chúng ta đều biết, mọi ham muốn đều chỉ là những cảm xúc nhất thời, được khởi sinh do sự giao tiếp giữa các giác quan của chúng ta (căn) với ngoại cảnh bên ngoài (trần). Không một cảm xúc ham muốn nào có thể tồn tại mãi mãi, nên chỉ cần chúng ta sáng suốt không buông thả tự thân, vượt qua được một khoảng thời gian nhất định (mà không cần làm gì cả) thì mọi cảm xúc ham muốn đều sẽ tự chúng suy yếu và tan biến. Vì thế, để rèn luyện khả năng đối trị với tham dục thì điều quan trọng nhất là ta phải luôn sống tỉnh giác và không buông thả bản thân chạy theo những ham muốn của bản thân. Lâu dần, khả năng kiềm chế trước những cảm xúc mạnh mẽ của chúng ta sẽ được gia tăng, và do đó ta sẽ không còn bị lôi cuốn, thúc đẩy chạy theo tham dục để phải thực hiện những hành vi sai trái, phạm vào giới luật.
Trong thực tế, mọi sự ham muốn của chúng ta, trong đó kể cả tham dục, vốn đều có cội nguồn, gốc rễ huân tập từ nhiều đời nhiều kiếp, cho nên mới tạo thành những bản năng tham muốn mà mỗi người đều sẵn có ngay từ lúc sinh ra. Vì thế, ta không thể mong đợi nhất thời dứt bỏ hay đối trị được tất cả, mà chỉ có thể từng bước tiến dần theo đúng hướng trên đường tu tập thì mỗi ngày sẽ giảm nhẹ dần đi, làm suy yếu dần ngọn lửa tham dục. Trong trường hợp ngược lại, với những ai sống buông thả theo sự ham muốn, thì lòng ham muốn của họ sẽ chẳng khác gì một bếp lửa thường xuyên được chất thêm củi vào, chỉ có thể mỗi ngày một cháy dữ dội hơn, thiêu đốt nhiều hơn, không thể nào tàn lụi được.
Một trong những suy nghĩ phân vân của rất nhiều người là nếu trừ bỏ hết tất cả mọi sự ham muốn, liệu cuộc sống của chúng ta có còn gì là vui thú? Cách suy nghĩ sai lầm này một phần là xuất phát từ sự thiếu suy xét, nhưng một phần lại là do chưa có sự trải nghiệm của tự thân, nên cũng tương tự như người đứng bên này sông bàn luận về cảnh vật bên kia sông, chỉ có thể suy diễn mông lung mà không thể nào có sự hiểu biết thấu đáo và đúng thật.
Về sự quán chiếu suy xét, chúng ta cần thấy rõ rằng hầu hết những cảm xúc thỏa mãn có được từ dục lạc mà chúng ta gọi là “vui thú” trong đời thường, thật ra chỉ là đối cực của những cảm xúc khổ đau, khó chịu. Vì thế, hiểu theo nghĩa này thì ngay trong cái vui đã có hạt nhân của khổ, mà đã có nhân của khổ thì việc gánh chịu khổ đau chỉ còn là vấn đề thời gian chứ không thể nào tránh được. Bởi vậy, cái vui thích khi gần gũi là nhân của khổ đau khi xa cách, cái vui thích khi được ngợi khen là nhân của khổ đau khi bị chê trách, cái vui thích khi được giàu sang là nhân của khổ đau khi bị nghèo khó... Nếu ngay từ những hoàn cảnh “vui thích” trong đời sống mà có thể tỉnh giác nhận ra và đối trị, thì cho dù nghịch cảnh có xảy đến ta vẫn có thể an nhiên tự tại mà không bị nhấn chìm vào sự khổ đau. Chính cái vui thích của sự an nhiên tự tại này mới là sự vui thích có thể lâu bền và gần gũi với đạo pháp, có thể giúp ta thuận lợi tiến xa hơn trên đường tu tập.
Về mặt kinh nghiệm tự thân, mỗi chúng ta đều có thể đã từng cảm nhận được những niềm vui trong sáng khác hơn là những niềm vui có được từ sự thỏa mãn dục lạc. Cái vui của một cuộc tụ họp nhậu nhẹt đông người chẳng hạn, có thể rất cuốn hút đối với một số người, nhưng hệ quả sau đó thì hầu như ai cũng có thể thấy được. Ngược lại, niềm vui trong sáng nhẹ nhàng khi có thể vô tư giúp đỡ được một ai đó qua cơn hoạn nạn khó khăn lại là một niềm vui mà bất cứ ai đã từng trải nghiệm đều có thể hiểu được năng lực nuôi dưỡng tinh thần của nó. Cũng vậy, niềm vui tĩnh lặng sau một khóa thiền ngắn ngày chẳng hạn, thường có khả năng giúp ta chữa lành được những thương tổn tinh thần nếu có từ trước đó, và cũng có thể giúp ta cảm thấy cuộc sống có nhiều ý nghĩa hơn, sinh động hơn với những cảm nhận tinh tế hơn từ môi trường chung quanh cũng như với những người mà ta có nhân duyên tiếp xúc. Một khi đã trải nghiệm được những niềm vui có được từ sự thực hành các thiện hạnh, chúng ta sẽ thấy không còn bị cuốn hút bởi những niềm vui giả tạm và chứa đầy nguy hại từ sự thỏa mãn dục vọng. Và vì thế, với những ai đã thực sự trải nghiệm thì câu hỏi đặt ra như trên là hoàn toàn sai lầm.
Trong thực tế, không ít gia đình đã tan vỡ chỉ vì sự buông thả nhất thời theo dục tình của người vợ hoặc người chồng, và điều đó để lại những khổ đau, thương tổn dài lâu rất khó hàn gắn cho chính họ cũng như con cái. Hạnh phúc dài lâu của cả một gia đình được mang ra đánh đổi với niềm vui thú trong thoáng chốc, quả thật là một cái giá quá đắt mà những ai sáng suốt đều không thể chấp nhận. Và nếu xét đến những hệ quả mà con cái trong gia đình ấy phải gánh chịu về vật chất cũng như về các mặt tâm sinh lý, thì quả thật những hành vi sai trái này không chỉ là thiếu khôn ngoan mà còn là một tội lỗi thực sự, trong ý nghĩa nó đã gây ra tổn hại rất nhiều cho chính bản thân và những người chung quanh.
Người khôn ngoan không đợi khi lửa cháy mới đi tìm phương tiện chữa cháy, vì điều đó là vô nghĩa và vô ích. Thay vì vậy, cần biết phòng ngừa ngay từ khi sự việc còn chưa phát sinh bằng cách luôn tỉnh giác quan sát những ham muốn của mình để có thể nhận biết và kiểm soát được chúng. Một người biết sống tỉnh giác theo giới luật thì không đợi đến khi gặp việc mới suy xét về tác hại của sự việc đó, mà cần phải thấu hiểu những sai trái từ khi những ý tưởng ham muốn chỉ vừa khởi sinh trong lòng mình. Đối với những ai biết sống tỉnh giác như thế, cho dù có rơi vào những hoàn cảnh đầy cám dỗ thì vẫn có đủ nội lực và sự sáng suốt để đối trị và vượt qua.
Trong cuộc sống thế tục, chúng ta không thể né tránh hoặc phủ nhận rất nhiều nỗi khổ niềm đau luôn vây phủ quanh ta, nhưng sống như thế nào để có thể chấp nhận những khổ đau ấy một cách tốt nhất và dần dần hóa giải được chúng, hướng đến một đời sống ngày càng tốt đẹp hơn, đó mới chính là sự lựa chọn khôn ngoan của mỗi người. Và những lời dạy của đức Phật chính là ngọn đuốc soi đường để chúng ta có thể luôn bước đi theo đúng hướng như thế trong cuộc sống này. Hơn thế nữa, với những điều giới do đức Phật chế dịnh, chúng ta sẽ trang bị được cho chính mình một tấm áo giáp kiên cố để ngăn ngừa được mọi sự tổn hại. Chỉ cần nghiêm túc sống theo giới luật, chúng ta sẽ được bảo vệ tránh khỏi hầu hết những hành vi sai trái xấu ác, mà tà dâm là một trong những hành vi xấu ác đó.
Mong sao những chia sẻ trên đây có thể giúp ích được ít nhiều cho mọi người, để cùng nhắc nhở nhau luôn sống và làm đẹp hơn cho cuộc đời này.