Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Sự toàn thiện không thể đạt đến, nhưng nếu hướng theo sự toàn thiện, ta sẽ có được sự tuyệt vời. (Perfection is not attainable, but if we chase perfection we can catch excellence.)Vince Lombardi
Điểm yếu nhất của chúng ta nằm ở sự bỏ cuộc. Phương cách chắc chắn nhất để đạt đến thành công là luôn cố gắng thêm một lần nữa [trước khi bỏ cuộc]. (Our greatest weakness lies in giving up. The most certain way to succeed is always to try just one more time. )Thomas A. Edison
Thêm một chút kiên trì và một chút nỗ lực thì sự thất bại vô vọng cũng có thể trở thành thành công rực rỡ. (A little more persistence, a little more effort, and what seemed hopeless failure may turn to glorious success. )Elbert Hubbard
Học Phật trước hết phải học làm người. Làm người trước hết phải học làm người tốt. (學佛先要學做人,做人先要學做好人。)Hòa thượng Tinh Không
Kỳ tích sẽ xuất hiện khi chúng ta cố gắng trong mọi hoàn cảnh.Sưu tầm
Tôn giáo không có nghĩa là giới điều, đền miếu, tu viện hay các dấu hiệu bên ngoài, vì đó chỉ là các yếu tố hỗ trợ trong việc điều phục tâm. Khi tâm được điều phục, mỗi người mới thực sự là một hành giả tôn giáo.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hãy đặt hết tâm ý vào ngay cả những việc làm nhỏ nhặt nhất của bạn. Đó là bí quyết để thành công. (Put your heart, mind, and soul into even your smallest acts. This is the secret of success.)Swami Sivananda
Tôi chưa bao giờ học hỏi được gì từ một người luôn đồng ý với tôi. (I never learned from a man who agreed with me. )Dudley Field Malone

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Hát lên lời thương yêu »» Suối nguồn yêu thương »»

Hát lên lời thương yêu
»» Suối nguồn yêu thương

Donate

(Lượt xem: 7.166)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       


Hát lên lời thương yêu - Suối nguồn yêu thương

Font chữ:


Làng quê tôi ngày xưa không có giếng khoan, càng không có những nhà máy nước hiện đại như bây giờ. Nguồn nước ăn uống và sinh hoạt của cả làng chỉ nhờ vào một cái giếng chung mà không ai biết đã có tự bao giờ.

Nước giếng bốn mùa trong vắt, dù người dùng nhiều đến đâu cũng chưa bao giờ cạn. Mùa đông giá rét, nước múc lên từ giếng nóng ấm cả bàn tay. Mùa hè nóng bức, nước giếng lại mát rười rượi; được tắm nước giếng mới lấy về vào ban trưa thì sướng không gì bằng!

Năm ấy, chiến tranh thật khốc liệt. Đạn pháo nổ ì ầm suốt mấy ngày đêm, rơi cả vào trong làng. Dân làng sợ hãi kéo nhau lên thị xã ngụ cư, trong làng chẳng còn ai, cả đến gà vịt cũng chẳng dám để lại!

Rồi mấy tháng sau, cuộc chiến lắng dịu, mọi người lũ lượt kéo nhau về làng. Việc đầu tiên tất nhiên là phải đến giếng làng lấy nước. Nhưng khi đến nơi thì ai nấy đều thảng thốt: lòng giếng gần như khô cạn, chỉ còn lại một vũng nước nhỏ ngầu ngầu đục, nổi lều bều bên trên là mấy chiếc lá tre khô!

Trong khi chúng tôi đều hốt hoảng thì mấy cụ già có vẻ như vẫn thản nhiên. Họ bình tĩnh bảo mọi người lấy gàu đến múc nước. Rồi từng gàu, từng gàu nước ngầu đục được chúng tôi thay nhau múc lên khỏi giếng.

Nước dưới đáy giếng cạn dần, cạn dần. Nhưng thật bất ngờ và kỳ lạ thay, đến lúc chúng tôi tưởng như sắp múc lên gàu nước cuối cùng thì từ giữa giếng bỗng xuất hiện liên tục những sóng nước vòng tròn, trước chậm, sau nhanh dần, rồi cuối cùng chuyển thành những cuộn sóng nhỏ nổi cả lên trên mặt nước.

Rồi nước giếng dâng lên cao dần. Chúng tôi tiếp tục múc nhanh hơn. Nước không còn ngầu đục nữa mà ngày càng trong hơn, nhiều hơn. Chỉ khoảng nửa giờ sau thì những gàu nước múc lên đã hoàn toàn trong vắt như xưa, và lòng giếng cũng dâng đầy nước không còn khô cạn nữa.

Ngày ấy, tôi vẫn cho đó là điều kỳ lạ nhất trong đời mà mình đã từng được chứng kiến. Mãi về sau mới hiểu ra được vì sao có hiện tượng ấy. Đó là vì trong mấy tháng dài không người múc nước, bùn đất trong lòng giếng đã dần dần lắng xuống và bít đi mạch nước ngầm giữa giếng. Phần nước bên trên một phần thấm vào chung quanh, một phần bốc hơi, nên lòng giếng gần như khô cạn. Khi có người múc nước, bùn đất bị khuấy động và đồng thời nước bị múc cạn đi, làm cho mạch nước có khả năng bắt đầu tuôn chảy. Khi đã chảy được, nước đẩy dần lớp bùn đất lắng đọng bên dưới và khôi phục lại tình trạng như trước. Do đó, nước ngầm mới nhanh chóng dâng lên trong lòng giếng. Nếu hằng ngày đều có người múc nước, nước ngầm sẽ liên tục chảy và hiện tượng lắng bít mạch nước như trên không thể xảy ra.

Lòng thương yêu của chúng ta cũng là một mạch nước ngầm. Nếu chúng ta biết mở rộng lòng thương yêu, nguồn mạch thương yêu của chúng ta sẽ tuôn chảy mãi mãi không bao giờ cạn kiệt. Nhưng nếu chúng ta không có cơ hội – hoặc không tạo ra cơ hội – sử dụng đến khả năng thương yêu của mình, thì không bao lâu nguồn mạch ấy sẽ khô kiệt đi, không còn khả năng tuôn chảy nữa!

Điều này giải thích vì sao khi bắt đầu mở rộng lòng thương yêu chúng ta sẽ càng dễ có khả năng cảm thông và thương yêu người khác nhiều hơn nữa, thậm chí cho đến cả các loài sinh vật khác. Ngược lại, những ai chưa từng thực hành lòng thương yêu sẽ cảm thấy vô cùng khó khăn để có thể thực sự cảm thông và yêu thương người khác, nhất là khi đó không phải là một người thân ruột thịt của họ.

Nhiều hiện tượng tâm lý rất thường gặp có thể giúp chúng ta thấy rõ hơn nhận xét này. Nếu bạn có dịp tiếp xúc với những người có hoàn cảnh sống cô độc và ít khi có dịp chăm sóc người khác – chẳng hạn như những người góa vợ, góa chồng và không con cái, hoặc những người chưa từng lập gia đình... – bạn sẽ dễ dàng cảm nhận ngay được một sự khô khan và khó tính rất thường gặp ở họ. Điều này thường được biểu hiện qua thói quen lầm lì ít nói, thiếu cảm thông và đôi khi lạnh lùng trong giao tiếp. Thật ra, hầu hết những người này trước đây không hẳn đã như thế, nhưng qua một thời gian sống cô độc và không có dịp để thương yêu, chăm sóc người khác, nên “nguồn mạch” thương yêu của họ đã dần dần khô kiệt, không còn tuôn chảy được nữa. Nếu trong số họ có những người biết chọn cho mình một lối sống thích hợp, dành thời gian thỏa đáng cho các hoạt động từ thiện xã hội hoặc tiếp xúc, chăm sóc cho người khác, chắc chắn họ sẽ có thể duy trì và phát triển được khả năng thương yêu vốn có của mình.

Một ví dụ khác là điều mà chúng ta hay gọi là “bản chất nghề nghiệp”. Những người phải thường xuyên làm công việc cách ly hoặc hạn chế tiếp xúc với người khác cũng thường dễ trở nên lầm lì ít nói, và lâu dần sẽ trở thành khô khan, thiếu cảm thông và rất khó mở lòng thương yêu người khác. Trừ khi họ tự ý thức được điều này và có những sự điều chỉnh tâm lý thích hợp để có thể duy trì và phát triển được nguồn mạch yêu thương của mình.

Một người bạn tôi đã từng là bác sĩ trưởng khoa cấp cứu ở một bệnh viện lớn. Có lần anh ta tâm sự với tôi: “Môi trường làm việc của chúng tôi không cho phép có sự cởi mở trong giao tiếp. Những câu hỏi của bệnh nhân hoặc thân nhân người bệnh thường không dễ trả lời, thậm chí đôi khi không thể trả lời. Vì thế, chúng tôi chỉ có cách duy nhất là im lặng hoặc ậm ừ cho qua chuyện. Lâu dần thành thói quen.”

Mà quả đúng là lâu dần thành thói quen. Làm bạn với nhau khá lâu mà tôi rất ít khi thấy anh nói cười thoải mái như những người bạn khác. Đã có lần tôi đến nhà dùng cơm chung với vợ chồng anh – vợ anh cũng là bác sĩ – và tôi cảm nhận một bầu không khí im lặng nặng nề trong suốt bữa ăn. Có lẽ chẳng ai trong chúng ta mong muốn một cuộc sống thường xuyên như thế, nhưng chính ảnh hưởng của nghề nghiệp đã tạo nên như vậy.

Vì thế, điều tốt nhất mà mỗi chúng ta có thể tự làm cho bản thân mình là đừng bao giờ để cho nguồn mạch yêu thương của mình phải khô kiệt. Và để làm được điều đó, chúng ta không có cách nào khác hơn là phải thường xuyên khơi mở nguồn mạch ấy, bằng cách mở lòng thương yêu những người quanh ta. Cũng giống như mạch nước ngầm trong đáy giếng kia, suối nguồn yêu thương một khi được khơi mở sẽ có thể mãi mãi tuôn chảy không bao giờ khô cạn.

Nếu có một tài sản quý giá nào đó của chúng ta mà có thể dùng mãi không bao giờ hết, lại ngày càng trở nên nhiều hơn, thì đó chỉ có thể là lòng thương yêu! Vì quả thật là khi chúng ta càng thương yêu người khác thì lòng thương yêu của chúng ta càng có điều kiện để phát triển hơn lên chứ không bao giờ cạn kiệt.

Cách đây hơn 2500 năm, Lão tử đã từng nhận ra thứ tài sản quý giá này và tính chất của nó. Trong Đạo Đức Kinh, ông viết: “Ta có ba vật quý để ôm ấp gìn giữ. Một là lòng thương yêu, hai là tính kiệm ước, ba là sự khiêm hạ.”[8]

Như vậy, ngay từ thời đại của mình, khi con người còn đang sống trong những cuộc chiến tranh giết chóc triền miên giữa các thế lực chính trị tranh giành quyền lực, Lão tử đã nhận ra được rằng lòng thương yêu chính là một trong các tài sản quý giá nhất mà mỗi con người đều sẵn có. Hơn thế nữa, ông cũng biết được rằng thứ tài sản này có thể dùng hoài không hết mà còn có thể ngày càng phát triển nhiều hơn. Ông viết: “Càng giúp người khác thì mình càng có nhiều hơn; càng cho người khác thì mình càng được nhiều hơn.”[9]

Chúng ta ngày nay tự hào được sống trong một nền văn minh đỉnh cao của nhân loại với hàng ngàn phát minh khoa học mới lạ giúp cho cuộc sống con người trở nên cực kỳ tiện nghi, thoải mái, khác xa thời Lão tử, nhưng rất nhiều người trong chúng ta lại chưa từng hiểu và cảm nhận được hết những gì mà Lão tử đã từng nói ra cách đây hơn 25 thế kỷ. Quả thật là một sự thiếu sót vô cùng đáng tiếc. Bởi vì, sự thật là chỉ cần nhận ra được vốn quý thương yêu sẵn có của mình, chúng ta sẽ không phải phí nhiều thời gian chạy theo biết bao điều vô nghĩa, trong khi lại bỏ quên đi thứ tài sản quý giá vốn dĩ có thể giúp chúng ta tạo nên một cuộc sống an vui, hạnh phúc.

Hơn thế nữa, lòng thương yêu không chỉ là vốn quý của mỗi chúng ta, mà còn là một nhu cầu thiết yếu trong đời sống tinh thần. Chính vì vậy mà những ai thiếu thốn tình thương trong cuộc sống thường không thể có được một cuộc sống phát triển tinh thần bình thường. Mặt khác, khi được sống trong tình thương của người khác, chúng ta mới có thể dễ dàng phát triển lòng thương yêu. Ngược lại, khi phải sống trong một môi trường khô khan tình cảm, chúng ta thường rất khó phát triển khả năng thương yêu của chính mình; và một khi chúng ta không thể mở rộng lòng thương yêu, chúng ta cũng sẽ rất hiếm khi nhận lại được sự thương yêu từ người khác.

Chính cái vòng luẩn quẩn như thế đã nhấn chìm biết bao cuộc đời trong đau khổ, chỉ bởi suối nguồn yêu thương của họ đã cạn kiệt không một lần khơi mở. Vì thế, để thoát ra khỏi tình trạng này chúng ta phải nhận biết và chủ động thực hành thương yêu như một phương cách duy nhất để khơi mở nguồn mạch yêu thương sẵn có của mình.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 13 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Thiếu Thất lục môn


Chắp tay lạy người


Chuyển họa thành phúc


Sống thiền

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.16.51.237 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (251 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...