Nếu như lòng yêu thương luôn giúp tâm hồn ta rộng mở, thì sự oán ghét
hay thù hận luôn biến ta thành kẻ hẹp hòi, ích kỷ. Nhưng cho dù đó là
một sự thật không ai phủ nhận, thì việc mở lòng ra để yêu thương tất cả
mọi người quả thật không dễ dàng. Cứ cho là ta có thể sẵn lòng yêu
thương tất cả những người mà ta có dịp tiếp xúc, quen biết, nhưng làm
thế nào để có thể yêu thương được ngay cả những người không yêu thương
ta, hoặc những người mà ta đang mang lòng thù hận, oán ghét?
Sự thật là, có một khuynh hướng vô lý mà hầu hết chúng ta đều mắc phải:
Chúng ta thường không hiểu được lý do thực sự dẫn đến sự thù hận hay oán
ghét của mình! Bạn có thể chống chế điều này, biện minh bằng cách đưa ra
hàng loạt những lý do, những nguyên nhân dẫn đến sự hiềm khích của bạn
đối với ai đó... Nhưng nếu bạn bình tâm suy nghĩ lại, phân tích vấn đề
một cách khách quan, có thể là chính bạn cũng sẽ ngạc nhiên vì những
nguyên nhân bạn đưa ra chưa bao giờ thực sự đầy đủ. Bạn có thể hỏi, vì
sao tôi biết được điều đó? Bởi vì chính sự nuôi dưỡng lòng oán hận của
bạn là biểu hiện cho thấy bạn chưa hề thấu hiểu nguyên nhân đích thực
của vấn đề.
Khi có một sự mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh trong quan hệ giữa hai người,
thường thì chúng ta nghĩ rằng mình có thể nói ngay được nguyên nhân. Đó
có thể là một sự bất đồng ý kiến, hay một hành vi gây tổn thương, thiệt
hại... Tuy nhiên, những gì mà chúng ta nhìn thấy được và nêu ra đó lại
không phải là nguyên nhân thực sự. Bởi vì chúng ta chỉ ghét giận người
khác thông qua cách biểu hiện những hành vi, ngôn ngữ của họ, chứ không
phải là vì chính những hành vi, ngôn ngữ đó! Mặt khác, sự giận ghét của
chúng ta là một cảm nhận hoàn toàn chủ quan phụ thuộc vào tâm trạng ta
lúc đó.
Trong một chừng mực nào đó, chính ý thức chấp ngã, sự bảo vệ “cái tôi”,
đã ngăn cản chúng ta mở rộng nhận thức để nhìn toàn bộ sự việc một cách
khách quan và trung thực. Sự nhận thức của ta luôn xoay quanh ý niệm bảo
vệ chính mình, chống lại mọi sự xúc phạm, phê phán, bất chấp những nhận
xét, phê phán của người khác là đúng hay sai. Vì thế, sự chủ quan của ta
rất ít khi đúng đắn.
Khi một người bất đồng ý kiến với chúng ta, nhưng nếu biết khéo léo bày
tỏ ý kiến bất đồng đó một cách ôn hòa kèm theo sự tôn trọng cần thiết,
chắc chắn sẽ không thể làm cho ta ghét giận. Nhưng đa số mọi người
thường không làm như vậy. Khi đưa ra một ý kiến bất đồng, họ thường có
khuynh hướng kèm theo đó một thái độ đối kháng, thậm chí còn là bác bỏ,
phủ nhận người khác. Điều đó tạo một phản ứng tiêu cực trong sự tiếp thu
của người đối diện. Và chính đây mới là nguyên nhân dẫn đến sự mâu
thuẫn, hiềm khích giữa đôi bên.
Ngay cả khi ai đó đã có hành vi gây ra sự tổn thương, thiệt hại cho bạn,
nhưng nếu cách làm của họ cho thấy là họ đã không cố ý như vậy, hoặc có
một sự hối tiếc chân thành, điều đó cũng thường không đáng để tạo ra sự
mâu thuẫn, hiềm khích.
Vì thế, khi có một trường hợp mâu thuẫn nảy sinh thì có đến chín phần
mười nguyên nhân thực sự nằm về phía bản thân chúng ta, và chỉ có một
phần mười còn lại nằm về phía đối phương. Bởi vì sự giận ghét của ta là
do nơi nhận thức chủ quan về đối tượng chứ không phải do nơi bản thân
những hành vi, ngôn ngữ của người ấy. Như vậy, chính ta mới là người có
khả năng kiểm soát và quyết định việc mâu thuẫn ấy có tồn tại và phát
triển trong ta hay không. Ngay cả khi đối phương vẫn muốn đơn phương giữ
lấy sự hiềm khích, thì sự buông xả của chúng ta bao giờ cũng có tác dụng
hóa giải dần dần sự hiềm khích ấy.
Điều không may là hầu hết chúng ta không nhận biết như vậy, và luôn có
khuynh hướng hành xử theo với thái độ của người đang nắm giữ chỉ có một
phần mười khả năng kiểm soát sự việc! Và rồi chúng ta đổ lỗi cho hoàn
cảnh, cho người khác... nhưng chẳng bao giờ nhận ra rằng phần quyết định
luôn ở nơi chính mình.
Tính chất thụ động này biểu hiện rõ nét ở điểm là ta luôn phụ thuộc vào
đối phương. Nếu đó là một người “biết điều”, xử xự một cách khéo léo, ta
sẽ dễ dàng vui vẻ bỏ qua mọi việc, và sự mâu thuẫn sẽ bị dập tắt ngay từ
đầu. Ngược lại, nếu gặp phải một người thô lỗ, thiếu tôn trọng, ta sẽ
luôn có thái độ đối nghịch và có khuynh hướng làm cho vấn đề trở nên
nghiêm trọng hơn, khiến cho mâu thuẫn tất yếu phải nảy sinh và phát
triển. Điều này cho thấy là thật ra ta chẳng hề tự quyết được thái độ
của mình, mà luôn hành xử theo cách phụ thuộc vào thái độ của người
khác.
Nếu nhận hiểu được vấn đề, chúng ta sẽ có thể sẵn lòng làm một người
“biết điều” để chủ động hóa giải sự việc, thay vì chờ đợi một thái độ
ứng xử tốt đẹp từ người khác. Quyền kiểm soát thái độ của bản thân mình
luôn nằm ở chính ta. Vì thế, nếu chúng ta thực sự không muốn cho mâu
thuẫn phát sinh thì đối phương cũng không thể thay đổi được điều đó.
Những nguyên nhân gây ra sự oán ghét, thù hận của chúng ta đối với ai đó
luôn nằm về phía ta nhiều hơn là người đó. Nếu ta thấy một người nào đó
là “đáng ghét”, thì đó là sự nhận xét hoàn toàn chủ quan của ta, và vì
thế ta hoàn toàn có khả năng thay đổi được nhận xét ấy. Nếu hiểu được
như vậy, bạn sẽ thấy không còn có ai là người đáng ghét cả, bởi vì ghét
một người bao giờ cũng có hại cho ta, trong khi yêu thương một người
luôn mở rộng thêm khả năng đón nhận niềm vui vào cuộc sống.