Lại nữa, thiện nam tử! Thế nào là Đại Bồ Tát tu tập hành trì kinh Đại Niết-bàn thành tựu đầy đủ công đức thứ nhì?
“Thiện nam tử! Đại Bồ Tát tu tập hành trì kinh Đại Niết-bàn, những chỗ trước đây không chứng đắc thì nay chứng đắc, trước đây không nhìn thấy thì nay được thấy, trước đây không nghe thì nay được nghe, trước đây không đến thì nay đạt đến, trước đây không biết thì nay được biết.
“Sao gọi là chỗ trước đây không chứng đắc thì nay chứng đắc? Như nói về thần thông, trước đây không chứng đắc thì nay chứng đắc.
“Thần thông có hai loại, một là nội thông, hai là ngoại thông. Ngoại thông là những thần thông mà ngoại đạo cũng có. Nội thông là những thần thông chỉ có trong đạo Phật. Lại phân thành hai loại, một là thần thông của hàng Nhị thừa, hai là thần thông của hàng Bồ Tát.
“Bồ Tát tu tập hành trì kinh Đại Niết-bàn chứng đắc những thần thông mà hàng Thanh văn và Phật Bích-chi đều không có được.
“Vì sao nói là Thanh văn và Phật Bích-chi không cùng có được? Hàng Nhị thừa khi hiện thần thông biến hóa, mỗi một tâm chỉ hóa hiện được một phép, không hóa hiện được nhiều. Bồ Tát không phải vậy, chỉ trong một tâm có thể hóa hiện đầy đủ các thân trong Năm đường. Vì sao vậy? Vì có được thế lực của kinh Đại Niết-bàn này. Đó gọi là chỗ trước đây không chứng đắc thì nay chứng đắc.
“Lại nữa, sao gọi là chỗ trước đây không chứng đắc thì nay chứng đắc? Như nói về thân được tự tại, tâm được tự tại. Vì sao vậy? Thân tâm của tất cả phàm phu đều không được tự tại: hoặc tâm tùy theo thân, hoặc thân tùy theo tâm.
“Thế nào là tâm tùy theo thân? Ví như người say rượu, trong thân có rượu. Khi ấy thân chuyển động thì tâm cũng theo đó mà động. Lại như thân mỏi mệt thì tâm cũng theo đó mà mỏi mệt. Như thế gọi là tâm tùy theo thân.
“Lại như đứa trẻ thơ, thân thể bé nhỏ, tâm cũng theo đó mà nhỏ. Người trưởng thành rồi thân lớn, tâm cũng theo đó mà lớn. Lại như có người thân thể thô nhám, tâm thường nghĩ nhớ, ao ước có được loại thuốc mỡ để thoa trên thân cho được trơn láng. Như thế gọi là tâm tùy theo thân.
“Thế nào là thân tùy theo tâm? Như nói về những việc đến, đi, ngồi, nằm, tu hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn... Người sầu não thì thân thể gầy yếu tiều tụy, người vui vẻ thì thân thể mập mạp tươi nhuận; người hốt hoảng thì thân thể run rẩy, người chú tâm nghe thuyết pháp thì thân thể vui nhẹ, thoải mái; người đau thương khóc lóc thì nước mắt tuôn trào. Như thế gọi là thân tùy theo tâm.
“Bồ Tát không phải vậy, đối với thân và tâm đều được tự tại. Như thế gọi là chỗ trước đây không chứng đắc thì nay chứng đắc.
“Lại nữa, thiện nam tử! Đại Bồ Tát hóa hiện thân tướng như hạt bụi nhỏ, dùng những thân như bụi nhỏ ấy mà có thể hiện đến khắp vô lượng vô biên cõi thế giới Phật nhiều như cát sông Hằng, không có gì chướng ngại, nhưng trong tâm vẫn thường an định không hề xao động. Như thế gọi là tâm không tùy theo thân. Như thế gọi là chỗ trước đây không chứng đắc thì nay chứng đắc.
“Thế nào là chỗ trước đây không đến mà nay đạt đến? Chỗ mà tất cả Thanh văn và Phật Bích-chi đều không thể đạt đến, Bồ Tát có thể đạt đến. Vì thế gọi là chỗ trước đây không đến mà nay đạt đến.
“Tất cả hàng Thanh văn và Phật Bích-chi tuy dùng thần thông cũng không thể biến thân như hạt bụi cực nhỏ mà hiện đến khắp vô lượng thế giới Phật nhiều như cát sông Hằng. Hàng Thanh văn và Duyên giác, khi thân động thì tâm cũng theo đó mà động. Bồ Tát không phải thế, tuy tâm không hề xao động nhưng thân biến hiện đến khắp mọi nơi. Như thế gọi là Bồ Tát tâm không tùy theo thân.
“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát hóa thân lớn như cõi thế giới Tam thiên đại thiên, rồi dùng thân to lớn ấy đi vào trong thân nhỏ bé như hạt bụi, nhưng lúc bấy giờ tâm không theo đó mà nhỏ lại. Hàng Thanh văn, Duyên giác tuy có thể hóa thân lớn như cõi thế giới Tam thiên đại thiên, nhưng không thể dùng thân to lớn như vậy đi vào trong thân nhỏ bé như hạt bụi. Việc như thế còn không thể làm được, huống chi lại có thể giữ cho tâm không tùy động theo thân? Như thế gọi là Bồ Tát tâm không tùy theo thân.
“Lại nữa, thiện nam tử! Đại Bồ Tát dùng một âm thanh có thể khiến cho chúng sanh trong khắp cõi thế giới Tam thiên đại thiên đều nghe được, nhưng trong tâm không hề nghĩ rằng mình khiến cho âm thanh ấy vang đến các thế giới, làm cho các chúng sanh chưa từng nghe mà nay được nghe. Bồ Tát từ trước cũng không hề nói rằng: ‘Ta làm cho chúng sanh từ trước chưa nghe nay được nghe.’
“Nếu người nói rằng: ‘Nhờ sự thuyết pháp của ta nên chúng sanh chưa nghe nay được nghe.’ Nên biết rằng người ấy không thể chứng đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì sao vậy? Vì nếu nghĩ rằng: ‘Ta vì những chúng sanh chưa được nghe mà thuyết pháp’, thì tâm như vậy chính là tâm sanh tử. Tâm ấy đã dứt mất nơi tất cả các vị Bồ Tát. Vì nghĩa ấy nên thân tâm của Đại Bồ Tát chẳng tùy theo nhau.
“Thiện nam tử! Thân tâm của tất cả phàm phu đều tùy theo nhau. Bồ Tát không phải vậy. Vì hóa độ chúng sanh nên tuy hiện thân nhỏ bé nhưng tâm không vì thế mà nhỏ bé. Vì sao vậy? Vì tâm tánh của chư Bồ Tát thường rộng lớn. Tuy hóa hiện thân to lớn nhưng tâm cũng không theo đó mà lớn.
“Thế nào là thân to lớn? Là thân lớn như cõi thế giới Tam thiên đại thiên. Thế nào là tâm nhỏ? Là việc làm như đứa trẻ con. Do những nghĩa trên nên Bồ Tát tâm chẳng tùy theo thân.
“Đại Bồ Tát trải qua vô số kiếp [thân] đã xa lìa việc uống rượu, nhưng tâm vẫn xao động; tâm không đau thương khổ não nhưng thân vẫn rơi lệ; [tâm] thật không hoảng hốt nhưng thân vẫn run rẩy. Vì những nghĩa ấy, nên biết rằng thân tâm của Bồ Tát tự tại, không tùy theo nhau. Đại Bồ Tát chỉ hóa hiện một thân nhưng mỗi chúng sanh đều nhìn thấy khác nhau.
“Lại nữa, thiện nam tử! Thế nào là Đại Bồ Tát tu tập hành trì kinh Đại Niết-bàn, chỗ trước đây không nghe thì nay được nghe? Đại Bồ Tát trước hết dùng tướng trạng của các âm thanh như tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng xe, tiếng người, tiếng tù và, tiếng trống, tiếng các loại tiêu, sáo... tiếng ca hát, tiếng cười đùa... mà tu tập. Nhờ tu tập nên có thể nghe được âm thanh ở các cảnh giới địa ngục trong vô lượng thế giới Tam thiên Đại thiên. Lại tiếp tục tu tập nên được nhĩ căn khác lạ, khác với thiên nhĩ của hàng Thanh văn, Duyên giác. Vì sao vậy? Chỗ được nhĩ căn thanh tịnh của hàng Nhị thừa nếu nương theo bốn đại thanh tịnh mầu nhiệm của Sơ thiền thì chỉ nghe được âm thanh trong cảnh giới Sơ thiền mà thôi, không nghe được âm thanh trong cảnh giới Nhị thiền. Cho đến Tứ thiền cũng là như vậy. Tuy có thể nhất thời nghe được âm thanh trong cõi thế giới Tam thiên đại thiên, nhưng không thể nghe được âm thanh trong vô lượng vô biên thế giới nhiều như số cát sông Hằng. Vì nghĩa ấy nên chỗ được nhĩ căn của Bồ Tát khác với chỗ được nhĩ căn của hàng Thanh văn, Duyên giác. Vì nghĩa ấy nên chỗ trước đây không nghe thì nay [tu tập kinh Đại Bát Niết-bàn này rồi sẽ] được nghe.
“Tuy nghe âm thanh nhưng trong tâm không hề có tướng nghe âm thanh, không khởi các tướng hiện hữu, thường, lạc, ngã, tịnh, tướng tự chủ, tướng nương theo, tướng tạo tác, tướng nguyên nhân, tướng nhất định, tướng kết quả. Vì nghĩa ấy nên những chỗ trước đây các vị Bồ Tát không nghe thì nay được nghe.”
Bấy giờ, Đại Bồ Tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương bạch Phật: “Nếu Như Lai dạy rằng không khởi các tướng nhất định, tướng kết quả thì nghĩa ấy không đúng. Vì sao vậy? Trước đây Như Lai có dạy: ‘Nếu ai nghe được một câu, một chữ trong kinh Đại Niết-bàn này thì nhất định sẽ được thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì sao nay Như Lai lại nói rằng không nhất định, không kết quả? Nếu [quả thật sẽ] được thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề thì đó tức là tướng nhất định, là tướng kết quả. Vì sao nói rằng không [có các tướng] nhất định, tướng kết quả? Do nơi việc nghe tiếng xấu ác nên sanh lòng xấu ác. Vì sanh lòng xấu ác, ắt phải rơi vào ba đường ác. Nếu rơi vào ba đường ác thì đó chính là [tướng] nhất định, là [tướng] kết quả. Vì sao lại nói rằng không [có tướng] nhất định, không [có tướng] kết quả?”
Lúc ấy, đức Như Lai ngợi khen rằng: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử, ông khéo có thể thưa hỏi lời như thế! Giả sử chư Phật dạy rằng các âm thanh có tướng nhất định, có tướng kết quả, ắt đó không phải là tướng của chư Phật Thế Tôn, chính là tướng của Ma vương, tướng sanh tử, tướng xa cách Niết-bàn.
“Vì sao vậy? Chỗ diễn thuyết của tất cả chư Phật đều không có tướng nhất định, tướng kết quả.
“Thiện nam tử! Ví như trong lưỡi đao sáng phản chiếu khuôn mặt người, dựng đứng lưỡi đao thì thấy mặt dài, đặt nằm ngang thì thấy mặt rộng. Nếu có tướng nhất định, vì sao có việc dựng đứng lưỡi đao thì thấy mặt dài, đặt nằm ngang thì thấy mặt rộng? Vì nghĩa ấy, chỗ diễn thuyết của chư Phật Thế Tôn đều không có tướng nhất định, không có tướng kết quả.
“Thiện nam tử! Niết-bàn thật chẳng phải là kết quả của âm thanh. Nếu như Niết-bàn là kết quả của âm thanh thì Niết-bàn không phải pháp thường tồn.
“Thiện nam tử! Ví như ở thế gian, do có nguyên nhân mà sanh ra sự vật. Có nhân ắt có quả, không nhân thì không quả. Vì nhân là vô thường nên quả cũng là vô thường. Vì sao vậy? Vì nhân tạo thành quả, quả cũng tạo thành nhân. Vì nghĩa ấy nên tất cả các pháp đều không có tướng nhất định. Nếu như Niết-bàn do nhân mà sanh, thì nhân là vô thường nên quả cũng phải vô thường.
“Nhưng Niết-bàn chẳng phải do nhân sanh, nên bản thể của Niết-bàn không phải là kết quả, vì thế nên thường tồn.
“Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy nên bản thể của Niết-bàn là không nhất định, không kết quả.
“Thiện nam tử! Nhưng Niết-bàn đó cũng có thể nói là nhất định, cũng có thể nói là kết quả. Thế nào là nhất định? Niết-bàn của tất cả chư Phật đều thường, lạc, ngã, tịnh, cho nên là nhất định; đều không có sanh, già, hư hoại, cho nên là nhất định. Những kẻ nhất-xiển-đề, phạm bốn trọng cấm, phỉ báng kinh Phương đẳng, tạo năm tội nghịch, [nếu] buông bỏ tâm ấy thì nhất định sẽ chứng đắc Niết-bàn, cho nên là nhất định.
“Thiện nam tử! Như ông vừa nói, nếu người nào được nghe Phật thuyết giảng một câu, một chữ trong kinh Đại Niết-bàn này, sẽ được thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Đối với nghĩa ấy ông chưa thật hiểu rõ. Hãy lắng nghe cho kỹ, ta sẽ vì ông mà phân biệt giảng nói rõ hơn.
“Thiện nam tử! Như có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe được một chữ, một câu trong kinh Đại Niết-bàn này mà không khởi thành tướng chữ nghĩa văn tự, không khởi thành tướng [được] nghe, không khởi thành tướng Phật, không khởi thành tướng thuyết giảng, ý nghĩa như vậy gọi là tướng vô tướng. Do tướng vô tướng nên được thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Thiện nam tử! Như ông có nói, vì nghe âm thanh xấu ác nên rơi vào ba đường ác. Nghĩa này không đúng. Vì sao vậy? Không phải do âm thanh xấu ác mà rơi vào ba đường ác. Nên biết rằng kết quả ấy là do tâm xấu ác.
Vì sao vậy? Có nhiều người tuy nghe âm thanh xấu ác nhưng trong tâm chẳng sanh khởi điều xấu ác. Cho nên phải biết rằng âm thanh xấu ác không phải nguyên nhân sanh vào ba đường ác. Đó là chúng sanh do phiền não trói buộc, tâm xấu ác phát triển thêm nhiều nên phải sanh vào ba đường ác, thật chẳng phải do âm thanh xấu ác.
“Nếu như âm thanh có tướng nhất định thì tất cả những người nghe lẽ ra đều phải sanh tâm xấu ác. Nhưng có người sanh tâm xấu ác, có người lại không sanh tâm xấu ác, vậy nên phải biết rằng âm thanh không có tướng nhất định. Vì không có tướng nhất định nên cũng nhân nơi đó mà có người không sanh tâm xấu ác.”
[Lúc ấy, Bồ Tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương lại thưa hỏi:] “Bạch Thế Tôn! Nếu âm thanh là không nhất định, vì sao Bồ Tát trước đây không nghe mà nay được nghe?”
[Phật dạy:] “Thiện nam tử! Âm thanh không có tướng nhất định, chỗ trước đây không nghe, nay khiến cho các Bồ Tát được nghe. Vì nghĩa ấy nên ta dạy rằng: ‘Chỗ trước đây không nghe mà nay được nghe.’
“Thiện nam tử! Sao gọi là chỗ trước đây không thấy mà nay được thấy?
“Thiện nam tử! Đại Bồ Tát tu tập kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn, trước hết dùng các tướng của ánh sáng như là mặt trời, mặt trăng, tinh tú, đèn đuốc, ánh sáng của các loại minh châu, dược thảo... mà tu tập. Nhờ tu tập nên đạt được nhãn căn khác lạ, khác với chỗ đạt được của hàng Thanh văn, Duyên giác.
“Thế nào là khác? Chỗ đạt được thiên nhãn thanh tịnh của hàng Nhị thừa nếu dựa vào nhãn căn bốn đại ở Dục giới thì không thấy được cảnh giới Sơ thiền. Nếu dựa vào Sơ thiền thì không thấy được những cảnh giới cao hơn. Thậm chí không thể tự thấy được con mắt của mình. Nếu muốn nhìn thấy nhiều thì tối đa cũng chỉ được hết cõi thế giới Tam thiên đại thiên.
“Đại Bồ Tát không tu thiên nhãn, nhìn thấy những thân tướng hình sắc tốt đẹp đều là tướng xương trắng. Tuy nhìn thấy tướng hình sắc của các thế giới phương khác nhiều như cát sông Hằng, nhưng không khởi tướng hình sắc, không khởi tướng thường tồn, tướng hiện hữu, tướng sự vật, tướng danh tự... [Bồ Tát] khởi tướng nhân duyên, không khởi tướng thấy, không cho rằng con mắt này là tướng thanh tịnh vi diệu. Chỉ thấy có tướng nhân duyên và chẳng phải nhân duyên mà thôi.
“Thế nào là nhân duyên? Hình sắc là nhân duyên của con mắt. Nếu như hình sắc không phải nhân duyên thì tất cả phàm phu lẽ ra không sanh khởi tướng thấy sắc. Vì nghĩa ấy nên gọi hình sắc là nhân duyên.
“Nói chẳng phải nhân duyên, đó là Đại Bồ Tát tuy cũng nhìn thấy nhưng không sanh khởi tướng sắc, nên chẳng phải nhân duyên. Vì nghĩa ấy nên thiên nhãn thanh tịnh mà Bồ Tát đạt được khác với chỗ đạt được của hàng Thanh văn, Duyên giác. Do nghĩa ấy mà trong cùng một lúc Bồ Tát có thể nhìn thấy khắp các thế giới của chư Phật hiện tại trong mười phương. Đó gọi là Bồ Tát trước kia không thấy mà nay được thấy.
“Cũng vì nghĩa ấy, Bồ Tát có thể nhìn thấy đến những hạt bụi nhỏ mà Thanh văn, Duyên giác không thể nhìn thấy. Cũng vì nghĩa ấy, tuy tự thấy được mắt mình nhưng không hề khởi tướng thấy, chỉ thấy tướng vô thường, thấy rõ thân phàm phu chất chứa ba mươi sáu thứ, đầy dẫy những sự bất tịnh, cũng [rõ ràng] như nhìn trái a-ma-lặc đặt trong lòng bàn tay. Vì nghĩa ấy nên trước đây không thấy mà nay được thấy.
“Nếu Bồ Tát nhìn thấy tướng hình sắc của mỗi chúng sanh liền biết ngay được căn cơ của người ấy là Đại thừa hay Tiểu thừa. Bồ Tát chạm vào y phục của chúng sanh cũng biết được những căn tánh khác biệt, hoặc thiện, hoặc ác. Vì nghĩa ấy nên có chỗ trước đây không biết mà nay được biết. Một khi nhìn thấy thì [những điều] trước kia không biết nay liền được biết. Do biết như vậy nên trước kia không thấy mà nay được thấy.
“Lại nữa, thiện nam tử! Sao gọi là chỗ trước đây Bồ Tát không biết mà nay được biết? Đại Bồ Tát tuy rõ biết các tâm tham, sân, si của phàm phu nhưng không hề khởi các tướng tâm cùng tâm sở, không khởi tướng chúng sanh cùng tướng sự vật; tu tập theo Đệ nhất nghĩa nên thấy được tất cả rốt cùng đều là tướng không.
“Vì sao vậy? Vì tất cả Bồ Tát thường khéo tu tập tánh không, tướng không. Nhờ tu tập pháp không nên chỗ trước đây không biết mà nay được biết.
“Thế nào là biết? Đó là biết rằng không thật có ta và vật của ta; biết rằng tất cả chúng sanh đều có tánh Phật. Vì có tánh Phật nên những kẻ nhất-xiển-đề nếu buông bỏ tâm [nhất-xiển-đề] thì nhất định sẽ được thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Những điều như vậy đều là chỗ mà hàng Thanh văn, Duyên giác không thể biết được, Bồ Tát có thể biết. Vì nghĩa ấy nên chỗ trước đây không biết mà nay được biết.
“Lại nữa, thiện nam tử! Thế nào là chỗ trước đây không biết mà nay được biết? Đại Bồ Tát tu tập kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn nhớ lại được đời quá khứ của tất cả chúng sanh, như sanh ra trong dòng họ nào, hoặc cha mẹ, anh em, vợ con, quyến thuộc, bạn bè, kẻ thù oán... Chỉ trong khoảnh khắc của một ý niệm liền đạt được trí tuệ hết sức khác lạ, khác với trí tuệ của hàng Thanh văn, Duyên giác.
“Thế nào là khác lạ? Chỗ được trí tuệ của hàng Thanh văn, Duyên giác là nhớ biết được đời quá khứ của chúng sanh như dòng họ, cha mẹ... cho đến kẻ thù oán, nhưng có khởi các tướng dòng họ... cho đến tướng kẻ thù oán. Bồ Tát không phải vậy, tuy nhớ biết dòng họ, cha mẹ... cho đến kẻ thù oán trong đời quá khứ nhưng chẳng hề khởi những tướng dòng họ, tướng cha mẹ, cho đến tướng kẻ oán thù, [chỉ] thường khởi tướng pháp, tướng rỗng không vắng lặng. Như thế gọi là chỗ trước đây Bồ Tát không biết mà nay được biết.
“Lại nữa, thiện nam tử! Thế nào là chỗ trước đây không biết mà nay được biết? Đại Bồ Tát tu tập kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn chứng đắc Tha tâm trí khác với chỗ chứng đắc của hàng Thanh văn, Duyên giác. Thế nào là khác? Hàng Thanh văn, Duyên giác dùng trí trong một niệm tưởng biết được tâm ý của con người thì không thể biết được tâm ý ở các cảnh giới địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, chư thiên. Bồ Tát không phải vậy, trong một niệm tưởng có thể biết được khắp tâm ý của chúng sanh trong sáu đường. Đó gọi là chỗ trước đây Bồ Tát không biết mà nay được biết.
“Lại nữa, thiện nam tử! Lại còn chỗ biết khác lạ nữa: Đại Bồ Tát chỉ trong một niệm tưởng biết được tâm của Tu-đà-hoàn, từ tâm khởi đầu tuần tự cho đến đủ mười sáu tâm. Vì nghĩa ấy nên chỗ trước đây không biết mà nay được biết.
“Như vậy là Bồ Tát tu tập Đại Niết-bàn thành tựu đầy đủ công đức thứ nhì.
“Lại nữa, thiện nam tử! Thế nào là Đại Bồ Tát tu tập Đại Niết-bàn thành tựu đầy đủ công đức thứ ba?
“Thiện nam tử! Đại Bồ Tát tu tập Đại Niết-bàn buông xả tâm từ và đạt được tâm từ. Khi đạt được tâm từ, không phải do nhân duyên.
“Thế nào là buông xả tâm từ và đạt được tâm từ? Thiện nam tử! Tâm từ của phàm phu thuộc về Thế đế, Đại Bồ Tát buông xả tâm từ đó, đạt được tâm từ thuộc về Đệ nhất nghĩa. Tâm từ Đệ nhất nghĩa đó không phải do nhân duyên mà có được.
“Lại nữa, thế nào là buông xả tâm từ và đạt được tâm từ? Tâm từ nếu có thể buông xả, gọi là tâm từ của phàm phu. Tâm từ nếu có thể đạt được, tức là tâm từ của Bồ Tát không do nhân duyên mà có. Buông xả tâm từ của kẻ nhất-xiển-đề, tâm từ của kẻ phạm bốn trọng cấm, tâm từ của kẻ phỉ báng kinh Phương đẳng, tâm từ của kẻ tạo năm tội nghịch; đạt được tâm từ thương xót, tâm từ của Như Lai, tâm từ của đức Thế Tôn, tâm từ không do nhân duyên mà có.
“Sao lại gọi là buông xả tâm từ và đạt được tâm từ? Buông xả tâm từ của kẻ tật khuyết nam căn, tâm từ của những kẻ không có giới tính hoặc lưỡng tính, tâm từ của nữ nhân, tâm từ của những hạng người đồ tể, thợ săn, chăn nuôi gà, heo... Cũng buông xả tâm từ của hàng Thanh văn, Duyên giác; đạt được tâm từ của hàng Bồ Tát không do nhân duyên, không thấy có tâm từ của mình, không thấy có tâm từ của người khác; không thấy có việc trì giới, không thấy có sự phá giới. Tuy tự thấy có lòng thương xót nhưng không thấy có chúng sanh. Tuy biết có những cảm thọ khổ nhưng không thấy có người nhận chịu [khổ]. Vì sao vậy? Vì tu tập nghĩa lý chân thật đệ nhất. Đó gọi là Bồ Tát tu tập Đại Niết-bàn thành tựu đầy đủ công đức thứ ba.
“Lại nữa, thiện nam tử! Thế nào là Đại Bồ Tát tu tập Đại Niết-bàn thành tựu đầy đủ công đức thứ tư?
“Thiện nam tử! Đại Bồ Tát tu tập Đại Niết-bàn thành tựu đầy đủ công đức thứ tư có mười điều. Những gì là mười?
“Thứ nhất, cội gốc sâu vững khó có thể bị lay chuyển. Thứ hai, đối với tự thân sanh khởi tư tưởng quyết định. Thứ ba, không quán xét phân biệt phước điền với chẳng phải phước điền. Thứ tư là tu tập thanh tịnh cõi Phật. Thứ năm là diệt mất hữu dư. Thứ sáu là dứt trừ nghiệp duyên. Thứ bảy là tu tập thân thanh tịnh. Thứ tám là rõ biết các duyên. Thứ chín là lìa khỏi mọi sự thù oán đối nghịch. Thứ mười là dứt trừ cả hai bên.
“Thế nào là cội gốc sâu vững khó có thể bị lay chuyển? Cội gốc ở đây là nói đức tánh không phóng dật. Không phóng dật là cội gốc của điều gì? Đó là nói cội gốc của quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Thiện nam tử! Cội gốc các điều lành của tất cả chư Phật đều là không phóng dật. Nhờ không phóng dật mà các căn lành khác dần dần tăng trưởng. Vì có thể làm tăng trưởng các căn lành, cho nên đức không phóng dật là cao trổi hơn hết trong mọi điều lành.
“Thiện nam tử! Như dấu chân voi là lớn nhất trong các dấu chân. Pháp không phóng dật cũng vậy, là cao trổi hơn hết trong mọi pháp lành.
“Thiện nam tử! Như ánh sáng mặt trời là hơn hết trong các thứ ánh sáng. Pháp không phóng dật cũng vậy, là cao trổi hơn hết trong mọi pháp lành.
“Thiện nam tử! Như vị Chuyển luân Thánh vương là cao trổi hơn hết trong các vị vua. Pháp không phóng dật cũng vậy, là cao trổi hơn hết trong mọi pháp lành.
“Thiện nam tử! Như bốn con sông lớn là hơn hết trong tất cả các dòng sông. Pháp không phóng dật cũng vậy, là cao trổi hơn hết trong mọi pháp lành.
“Thiện nam tử! Như núi chúa Tu-di là cao nhất trong các núi. Pháp không phóng dật cũng vậy, là cao trổi hơn hết trong mọi pháp lành.
“Thiện nam tử! Như hoa sen xanh là hơn hết trong các loài hoa sống dưới nước. Pháp không phóng dật cũng vậy, là cao trổi hơn hết trong mọi pháp lành.
“Thiện nam tử! Như hoa bà-lợi-sư là cao trổi hơn hết trong các loài hoa sống trên đất. Pháp không phóng dật cũng vậy, là cao trổi hơn hết trong mọi pháp lành.
“Thiện nam tử! Như sư tử là cao trổi hơn hết trong loài thú. Pháp không phóng dật cũng vậy, là cao trổi hơn hết trong mọi pháp lành.
“Thiện nam tử! Như chim kim sí là hơn hết trong loài chim. Pháp không phóng dật cũng vậy, là cao trổi hơn hết trong mọi pháp lành.
“Thiện nam tử! Như thân hình vị La-hầu, vua của loài a-tu-la là to lớn nhất trong các thân hình to lớn. Pháp không phóng dật cũng vậy, là cao trổi hơn hết trong mọi pháp lành.
“Thiện nam tử! Như đức Như Lai là cao trổi hơn hết trong tất cả chúng sanh, dù là loài hai chân, bốn chân, nhiều chân hay không có chân. Pháp không phóng dật cũng vậy, là cao trổi hơn hết trong mọi pháp lành.
“Thiện nam tử! Như tăng chúng của Phật là cao trổi hơn hết trong các chúng hội. Pháp không phóng dật cũng vậy, là cao trổi hơn hết trong mọi pháp lành.
“Thiện nam tử! Như pháp Đại Niết-bàn là cao trổi hơn hết trong pháp Phật. Pháp không phóng dật cũng vậy, là cao trổi hơn hết trong mọi pháp lành.
“Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy nên cội gốc không phóng dật là sâu vững, chắc chắn, rất khó nhổ bật.
“Thế nào là nhờ không phóng dật mà được tăng trưởng? Đó là nói về các căn lành như đức tin, trì giới, bố thí, trí tuệ, nhẫn nhục, nghe biết, tinh tấn, nhớ nghĩ, định tâm, thiện tri thức. Các căn lành này nhờ không phóng dật mà được tăng trưởng. Nhờ tăng trưởng nên sâu vững, chắc chắn, khó bị lay chuyển.
“Vì những nghĩa ấy nên gọi là Đại Bồ Tát tu tập Đại Niết-bàn được cội gốc sâu vững rất khó lay chuyển.
“Thế nào là đối với tự thân sanh khởi tư tưởng quyết định? Đối với thân thể sanh khởi tâm quyết định rằng: ‘Thân này của ta hôm nay, trong đời vị lai chắc chắn sẽ là công cụ để đạt đến A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’ Đối với tâm cũng sanh khởi tâm quyết định rằng: ‘[Ta quyết] không khởi tâm nhỏ hẹp, không khởi tâm biến đổi, không khởi tâm Thanh văn, tâm Phật Bích-chi, không khởi tâm ma cùng tâm tự vui thú, tâm ưa thích sanh tử; [ta quyết] thường vì chúng sanh cầu được tâm từ bi.’ Đó gọi là Bồ Tát đối với tự thân sanh khởi tâm quyết định rằng: ‘Trong đời vị lai nguyện sẽ là món khí cụ để đạt đến A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’ Do những nghĩa ấy nên Đại Bồ Tát tu tập Đại Niết-bàn đối với tự thân sanh khởi tư tưởng quyết định.
“Thế nào là Bồ Tát không quán xét phân biệt phước điền với chẳng phải phước điền? Thế nào là phước điền? Từ những người ngoại đạo giữ giới lên đến chư Phật, đều gọi là phước điền. Nếu khởi lên ý nghĩ rằng: ‘Những người như thế này mới là phước điền chân thật’, nên biết rằng tâm tưởng như vậy là nhỏ hẹp.
“Đại Bồ Tát quán xét hết thảy vô lượng chúng sanh không đâu không là phước điền. Vì sao vậy? Vì khéo tu tập niệm tưởng khác biệt. Người khéo tu tập niệm tưởng khác biệt quán xét chúng sanh không thấy có việc giữ giới cùng phá giới, thường quán xét chỗ giảng thuyết của chư Phật Thế Tôn: ‘Việc bố thí tuy phân làm bốn trường hợp nhưng tất cả đều được quả báo thanh tịnh.’
Bốn trường hợp bố thí đó là gì? Thứ nhất là người cho thanh tịnh, người nhận không thanh tịnh. Thứ hai là người cho không thanh tịnh, người nhận thanh tịnh. Thứ ba là người cho và người nhận đều thanh tịnh. Thứ tư là người cho và người nhận đều không thanh tịnh.
“Sao gọi là người cho thanh tịnh, người nhận không thanh tịnh? [Đó là trường hợp] người bố thí có đủ giới hạnh, nghe nhiều, trí tuệ, rõ biết là có việc bố thí và quả báo của việc bố thí; nhưng người thọ nhận lại phá giới, hoàn toàn đắm vào tà kiến, cho rằng không có việc bố thí và quả báo của việc bố thí. Như thế gọi là người cho thanh tịnh, người nhận không thanh tịnh.
“Sao gọi là người cho không thanh tịnh, người nhận thanh tịnh? [Đó là trường hợp] người bố thí phá giới, hoàn toàn đắm vào tà kiến, cho rằng không có việc bố thí và quả báo của việc bố thí; nhưng người nhận thì giữ giới, nghe nhiều, trí tuệ, rõ biết là có việc bố thí và quả báo của việc bố thí. Như thế gọi là người cho không thanh tịnh, người nhận thanh tịnh.
“Sao gọi là người cho và người nhận đều thanh tịnh? [Đó là trường hợp] người bố thí và người nhận bố thí đều có giữ giới, nghe nhiều, trí tuệ, đều rõ biết là có việc bố thí và quả báo của việc bố thí. Như thế gọi là người cho và người nhận đều thanh tịnh.
“Sao gọi là người cho và người nhận đều không thanh tịnh? [Đó là trường hợp] người bố thí và người nhận bố thí đều phá giới, tà kiến, cho rằng không có việc bố thí và quả báo của việc bố thí. Như thế gọi là người cho và người nhận đều không thanh tịnh.”
[Bồ Tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương liền thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn!] Nếu là như vậy, vì sao lại nói rằng được quả báo thanh tịnh?”
[Phật dạy:] “Vì [quán chiếu thật tánh] không [thấy] có việc bố thí, không [thấy] có quả báo, nên gọi là thanh tịnh.
“Thiện nam tử! Nếu có người [quán chiếu thật tánh] không thấy có việc bố thí cùng với quả báo của việc bố thí, nên biết rằng người ấy không phải là phá giới, không phải hoàn toàn đắm vào tà kiến. Nếu y theo pháp Thanh văn mà nói rằng ‘không thấy có việc bố thí và quả báo của việc bố thí’ thì gọi là phá giới, tà kiến; [nhưng] nếu y theo kinh Đại Niết-bàn này mà không thấy có việc bố thí và quả báo của việc bố thí thì gọi là giữ giới, là chánh kiến.
“Đại Bồ Tát có niệm tưởng khác biệt, do sự tu tập nên không thấy chúng sanh có trì giới, phá giới; không có kẻ bố thí, người nhận bố thí và quả báo của việc bố thí. Do đó được gọi là giữ giới, là chánh kiến.
“Do những nghĩa ấy nên Đại Bồ Tát không quán xét phân biệt phước điền với chẳng phải phước điền.
“Thế nào là tu tập thanh tịnh cõi Phật?
“Đại Bồ Tát tu tập kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn vì cầu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hóa độ chúng sanh nên lìa bỏ tâm giết hại. Lại đem căn lành ấy mà chia sẻ với tất cả chúng sanh, nguyện cho chúng sanh được tuổi thọ lâu dài, có sức mạnh và oai thế, được thần thông lớn. Nhờ oai lực của nhân duyên thệ nguyện như vậy, khi Bồ Tát thành Phật trong đời vị lai, tất cả chúng sanh trong cõi Phật ấy đều được tuổi thọ lâu dài, có sức mạnh và oai thế, được thần thông lớn.
“Lại nữa, thiện nam tử! Đại Bồ Tát tu tập kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn, vì cầu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hóa độ chúng sanh nên lìa bỏ tâm trộm cắp. Lại đem căn lành ấy mà chia sẻ với tất cả chúng sanh, nguyện cho mặt đất nơi các cõi Phật đều thuần bằng bảy báu, chúng sanh được giàu có, sung túc, chỗ mong cầu đều được như ý. Nhờ oai lực của nhân duyên thệ nguyện như vậy, khi Bồ Tát thành Phật trong đời vị lai, cõi Phật ấy thuần bằng bảy báu, chúng sanh được giàu có, sung túc, chỗ mong cầu đều được như ý.
“Lại nữa, thiện nam tử! Đại Bồ Tát tu tập kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn, vì cầu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hóa độ chúng sanh nên lìa bỏ tâm dâm dục. Lại đem căn lành ấy mà chia sẻ với tất cả chúng sanh, nguyện cho tất cả chúng sanh trong các cõi Phật đều không có tâm tham dục, sân khuể, ngu si, cũng không có những nỗi khổ vì đói khát. Nhờ oai lực của nhân duyên thệ nguyện như vậy, khi Bồ Tát thành Phật trong đời vị lai, chúng sanh trong cõi Phật ấy thảy đều lìa xa tâm tham dục, sân khuể, ngu si, cũng không có những nỗi khổ vì đói khát.
“Lại nữa, thiện nam tử! Đại Bồ Tát tu tập kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn, vì cầu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hóa độ chúng sanh nên lìa bỏ tâm nói dối. Lại đem căn lành ấy mà chia sẻ với tất cả chúng sanh, nguyện cho nơi các cõi Phật thường có nhiều cây cối trổ hoa, kết trái, tỏa hương thơm, tất cả chúng sanh đều được tiếng nói có âm thanh vi diệu. Nhờ oai lực của nhân duyên thệ nguyện như vậy, khi Bồ Tát thành Phật trong đời vị lai, cõi Phật ấy thường có nhiều cây cối trổ hoa, kết trái, tỏa hương thơm, tất cả chúng sanh nơi cõi ấy đều được tiếng nói có âm thanh hết sức vi diệu thanh tịnh.
“Lại nữa, thiện nam tử! Đại Bồ Tát tu tập kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn, vì cầu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hóa độ chúng sanh nên lìa bỏ tâm nói lời hai lưỡi. Lại đem căn lành ấy mà chia sẻ với tất cả chúng sanh, nguyện cho tất cả chúng sanh trong các cõi Phật thường cùng nhau sống hòa hợp, giảng thuyết Chánh pháp. Nhờ oai lực của nhân duyên thệ nguyện như vậy, khi Bồ Tát thành Phật trong đời vị lai, tất cả chúng sanh trong cõi Phật ấy đều cùng nhau sống hòa hợp, giảng thuyết bàn luận những lẽ cốt yếu trong Chánh pháp.
“Lại nữa, thiện nam tử! Đại Bồ Tát tu tập kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn, vì cầu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hóa độ chúng sanh nên lìa bỏ tâm nói lời độc ác. Lại đem căn lành ấy mà chia sẻ với tất cả chúng sanh, nguyện cho mặt đất ở các cõi Phật đều bằng phẳng như lòng bàn tay, không có những thứ cát, sỏi, ngói, đá, gai góc, mũi nhọn; chúng sanh trong các cõi ấy đều có tâm bình đẳng. Nhờ oai lực của nhân duyên thệ nguyện như vậy, khi Bồ Tát thành Phật trong đời vị lai, cõi Phật ấy có mặt đất bằng phẳng như lòng bàn tay, không có những thứ cát, sỏi, ngói, đá, gai góc, mũi nhọn; chúng sanh đều có tâm bình đẳng.
“Lại nữa, thiện nam tử! Đại Bồ Tát tu tập kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn, vì cầu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hóa độ chúng sanh nên lìa bỏ tâm nói lời vô nghĩa. Lại đem căn lành ấy mà chia sẻ với tất cả chúng sanh, nguyện cho tất cả chúng sanh trong các cõi Phật đều không có khổ não. Nhờ oai lực của nhân duyên thệ nguyện như vậy, khi Bồ Tát thành Phật trong đời vị lai, tất cả chúng sanh trong cõi Phật ấy đều không có khổ não.
“Lại nữa, thiện nam tử! Đại Bồ Tát tu tập kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn, vì cầu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hóa độ chúng sanh nên lìa bỏ tâm tham lam, ganh ghét tật đố. Lại đem căn lành ấy mà chia sẻ với tất cả chúng sanh, nguyện cho tất cả chúng sanh trong các cõi Phật đều không có tham lam, tật đố, não hại, tà kiến. Nhờ oai lực của nhân duyên thệ nguyện như vậy, khi Bồ Tát thành Phật trong đời vị lai, tất cả chúng sanh trong cõi Phật ấy đều không có tham lam, tật đố, não hại, tà kiến.
“Lại nữa, thiện nam tử! Đại Bồ Tát tu tập kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn, vì cầu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hóa độ chúng sanh nên lìa bỏ tâm não hại. Lại đem căn lành ấy mà chia sẻ với tất cả chúng sanh, nguyện cho tất cả chúng sanh trong các cõi Phật đều cùng nhau tu tập tâm đại từ, đại bi, đạt được địa vị Nhất tử. Nhờ oai lực của nhân duyên thệ nguyện như vậy, khi Bồ Tát thành Phật trong đời vị lai, tất cả chúng sanh trong cõi Phật ấy đều cùng nhau tu tập tâm đại từ, đại bi, đạt được địa vị Nhất tử.
“Lại nữa, thiện nam tử! Đại Bồ Tát tu tập kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn, vì cầu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hóa độ chúng sanh nên lìa bỏ tâm tà kiến. Lại đem căn lành ấy mà chia sẻ với tất cả chúng sanh, nguyện cho tất cả chúng sanh trong các cõi Phật đều đạt được pháp Đại Bát-nhã ba-la-mật. Nhờ oai lực của nhân duyên thệ nguyện như vậy, khi Bồ Tát thành Phật trong đời vị lai, tất cả chúng sanh trong cõi Phật ấy đều được thọ trì pháp Đại Bát-nhã ba-la-mật.
“Như thế gọi là Bồ Tát tu tập thanh tịnh cõi Phật.
“Thế nào là Đại Bồ Tát diệt mất hữu dư? Hữu dư có ba loại. Thứ nhất là quả báo còn lại của phiền não, thứ hai là nghiệp báo còn lại, thứ ba là chấp hữu còn lại.
“Thiện nam tử! Sao gọi là quả báo còn lại của phiền não? Như có những chúng sanh quen thói tham dục. Khi quả báo đến kỳ phải đọa vào địa ngục. Đến khi ra khỏi địa ngục lại phải thọ thân súc sanh, như các loài chim bồ câu, se sẻ, uyên ương, két, chim cộng mạng, chim xá-lợi, thanh tước... hoặc cá, rùa, khỉ, hươu, nai... Nếu được thân người lại phải chịu khuyết tật nam căn, hoặc thọ thân nữ, hoặc bán nam bán nữ, hoặc không có giới tính, hoặc làm phụ nữ dâm loạn... Nếu được xuất gia, lại phạm vào trọng giới thứ nhất. Đó gọi là quả báo còn sót lại.
“Lại nữa, thiện nam tử! Như có chúng sanh đắm sâu trong sân khuể nặng nề. Khi quả báo đến kỳ phải đọa vào địa ngục. Đến khi ra khỏi địa ngục lại phải thọ thân súc sanh, như các loài rắn độc có đủ bốn cách gây độc là: mắt nhìn gây độc, đụng chạm gây độc, miệng cắn gây độc, phun nọc gây độc; hoặc sanh làm sư tử, cọp, sói, beo, gấu, mèo, chồn, chim ưng, diều hâu... Nếu được thân người lại phạm đủ 16 điều xấu ác trong luật nghi. Nếu được xuất gia lại phạm vào trọng giới thứ hai. Đó gọi là quả báo còn sót lại.
“Lại nữa, thiện nam tử! Như có những kẻ quen tập tánh ngu si. Khi quả báo đến kỳ phải đọa vào địa ngục. Đến khi ra khỏi địa ngục lại phải thọ thân súc sanh, như các loài voi, heo, dê, trâu, bọ chét, chí, rận, muỗi, mòng, kiến... Nếu được thân người lại phải chịu tật nguyền như điếc, đui, ngọng, câm, bệnh già, lưng còng, lưng gù... thiếu khuyết các căn không thể xuất gia. Nếu được xuất gia thì các căn tối tăm, ngu độn, vui thích mà phạm vào các trọng giới, thậm chí [chỉ vì mối lợi] rất ít ỏi. Đó gọi là quả báo còn sót lại.
“Lại nữa, thiện nam tử! Như có những kẻ tập quen tánh kiêu căng, ngạo mạn. Khi quả báo đến kỳ phải đọa vào địa ngục. Đến khi ra khỏi địa ngục lại phải thọ thân súc sanh, như các loài giòi phẩn, hoặc lạc đà, lừa, chó, ngựa... Nếu được sanh làm người phải chịu thân phận nô tỳ, nghèo túng, ăn xin... Nếu được xuất gia lại thường bị chúng sanh khinh khi, chê trách, phạm vào trọng giới thứ tư. Đó gọi là quả báo còn sót lại.
“Những điều như trên gọi là quả báo còn sót lại của phiền não. Những quả báo còn sót lại như vậy, Đại Bồ Tát nhờ tu tập [kinh điển] Đại Niết-bàn nên diệt hết tất cả.
“Thế nào là nghiệp báo còn sót lại? Đó là nói nghiệp báo của tất cả phàm phu, nghiệp của tất cả hàng Thanh văn. Như vị Tu-đà-hoàn chịu nghiệp còn bảy lần thọ sanh; vị Tư-đà-hàm chịu nghiệp còn hai lần thọ sanh; vị A-na-hàm chịu nghiệp còn một lần thọ sanh ở Sắc giới. Như vậy gọi là nghiệp báo còn lại.
“Những nghiệp báo còn sót lại như vậy, Đại Bồ Tát nhờ có thể tu tập [kinh điển] Đại Niết-bàn nên dứt trừ được tất cả.
“Thế nào là chấp hữu còn sót lại? Vị A-la-hán chứng đắc quả A-la-hán, vị Phật Bích-chi chứng đắc quả Phật Bích-chi. [Tuy cả hai trường hợp đều là] không còn nghiệp báo, không còn phiền não, nhưng lại chuyển hóa thành hai quả [khác nhau]. Như thế gọi là chấp hữu còn sót lại.
“Ba pháp hữu dư vừa kể trên, Đại Bồ Tát nhờ tu tập kinh điển Đại thừa Đại Niết-bàn nên diệt trừ được tất cả. Như thế gọi là Đại Bồ Tát diệt mất hữu dư.
“Thế nào là Bồ Tát tu thân thanh tịnh? Đại Bồ Tát tu tập giới không giết hại [tuần tự] khởi đủ năm loại tâm, đó là [tâm] bậc thấp, [tâm] bậc vừa, [tâm] bậc cao, [tâm] bậc cao vừa và [tâm] bậc rất cao. Cho đến việc tu tập theo Chánh kiến cũng giống như vậy.
“Năm mươi tâm tu tập này gọi là phát tâm ban đầu. Khi tu tập trọn vẹn các pháp lành, mỗi tâm như vậy đều trở thành tâm quyết định, tức thành tựu đủ năm mươi tâm nữa.
“Một trăm tâm như trên gọi là đầy đủ một trăm phước đức. Đầy đủ trăm phước đức thì thành tựu được một tướng tốt. Cứ như vậy mà dần dần thành tựu đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, gọi là thân thanh tịnh.
“Bồ Tát lại tu tập thêm tám mươi vẻ đẹp nơi thân, vì thế gian có những chúng sanh thờ phụng tám mươi vị thần.
“Tám mươi vị thần là những vị nào? Đó là mười hai vị thần mặt trời, mười hai vị Đại thiên, năm vị tinh tú lớn, thần Bắc đẩu, các vị trời như Mã thiên, Hành đạo thiên, Bà-la-đọa-bạt-xà thiên, Công đức thiên, cùng với hai mươi tám vì sao, các vị thần đất, thần gió, thần nước, thần lửa, Phạm thiên, Lâu-đà thiên, Nhân-đề thiên, Câu-ma-la thiên, Bát tý thiên, Ma-hê-thủ-la thiên, Bán-xà-la thiên, Quỷ tử mẫu thiên, Bốn vị Thiên vương, Tạo thư thiên, Bà-tẩu thiên. Đó gọi là tám mươi vị thần.
“Vì những chúng sanh ấy nên Bồ Tát tu tập tám mươi vẻ đẹp để tự trang nghiêm thân mình. Như vậy gọi là thân thanh tịnh của Bồ Tát.
“Vì sao vậy? Vì có nhiều chúng sanh tin theo tám mươi vị thiên thần ấy, nên Bồ Tát tu tám mươi vẻ đẹp, dù Bồ Tát chẳng động thân nhưng có thể khiến cho các chúng sanh kia tùy theo lòng tin mà thảy đều nhìn thấy vị thần của họ. Thấy được rồi bèn đem lòng tôn kính, thảy đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì nghĩa ấy nên Đại Bồ Tát tu tập để làm thanh tịnh thân.
“Thiện nam tử! Ví như có người muốn thỉnh vị đại vương, cần phải trang hoàng, dọn dẹp nhà cửa hết sức sạch sẽ, sắm sửa đủ mọi món ăn thức uống ngon lành, rồi vua mới ngự đến theo lời mời thỉnh. Đại Bồ Tát cũng vậy, muốn thỉnh vị Pháp luân vương A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, trước phải tu thân cho thật thanh tịnh rồi vị Pháp vương Vô thượng mới ngự đến. Vì nghĩa ấy, Đại Bồ Tát cần phải tu tập thân thanh tịnh.
“Thiện nam tử! Ví như có người muốn uống cam lộ, trước hết phải giữ thân cho thanh tịnh. Đại Bồ Tát cũng vậy, muốn uống chất cam lộ pháp vị vô thượng là Bát-nhã Ba-la-mật thì trước hết phải dùng tám mươi vẻ đẹp để làm cho thân được thanh tịnh.
“Thiện nam tử! Ví như dùng những đồ chứa tốt đẹp bằng vàng bạc đựng nước sạch thì cả trong lẫn ngoài đều sạch. Thân thanh tịnh của Đại Bồ Tát cũng vậy, dùng chứa nước A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề thì cả trong lẫn ngoài đều sạch.
“Thiện nam tử! Như loại áo lụa trắng ở Ba-la-nại rất dễ nhuộm màu. Vì sao vậy? Vì trắng tinh sạch sẽ. Đại Bồ Tát cũng vậy, nhờ thân thanh tịnh nên mau chứng đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì nghĩa ấy, Đại Bồ Tát tu tập để làm cho thanh tịnh thân.
“Thế nào là Bồ Tát rõ biết các duyên? Đại Bồ Tát không thấy có tướng của sắc, không thấy có duyên của sắc, không thấy có thể của sắc, không thấy có sự sanh ra của sắc, không thấy có sự diệt mất của sắc, không thấy có một tướng duy nhất, không thấy có nhiều tướng khác nhau, không thấy có kẻ thấy, không thấy có tướng mạo, không thấy có người nhận chịu.
“Vì sao vậy? Vì hiểu rõ nhân duyên. Đối với tất cả các pháp cũng đều giống như với sắc. Đó gọi là Bồ Tát rõ biết các duyên.
“Thế nào là Bồ Tát lìa bỏ mọi thù oán đối nghịch? Tất cả phiền não chính là thù oán đối nghịch của Bồ Tát. Đại Bồ Tát thường lìa xa phiền não, cho nên gọi là Bồ Tát lìa bỏ mọi thù oán đối nghịch.
“Hàng Bồ Tát trụ ở địa vị thứ năm trở xuống không xem các phiền não là thù oán đối nghịch. Vì sao vậy? Vì nhân nơi phiền não, Bồ Tát mới có thọ sanh. Nhờ có thọ sanh mới có thể tuần tự giáo hóa chúng sanh. Vì nghĩa ấy nên chẳng gọi phiền não là thù oán. Vậy những gì là thù oán? Đó là nói việc phỉ báng kinh Phương đẳng. Bồ Tát tùy duyên thọ sanh, chẳng sợ các cảnh giới địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, chỉ sợ việc phỉ báng kinh Phương đẳng. Tất cả Bồ Tát đều có kẻ thù oán là tám thứ ma. Lìa xa tám thứ ma ấy tức là lìa khỏi kẻ thù oán. Đó gọi là Bồ Tát lìa bỏ mọi thù oán đối nghịch.
“Thế nào là Bồ Tát dứt trừ cả hai bên? Hai bên đó là hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu và phiền não tham ái. Bồ Tát thường lìa xa hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu và phiền não tham ái, đó gọi là Bồ Tát dứt trừ hai bên.
“[Như vừa nói trên] đó là Đại Bồ Tát tu tập Đại Niết-bàn thành tựu đầy đủ công đức thứ tư.”
Bấy giờ, Đại Bồ Tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quí Đức Vương bạch Phật: “Như Phật có dạy, nếu Bồ Tát tu tập Đại Niết-bàn sẽ được đủ mười việc công đức như vừa nói. Vì sao đức Như Lai chỉ tu được chín việc mà không tu tập cõi Phật thanh tịnh?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Thuở xưa ta cũng thường tu tập đủ mười việc ấy. Tất cả các vị Bồ Tát và Như Lai, không có ai không tu tập đủ mười việc ấy. Nếu như cõi thế giới đầy dẫy mọi sự bất tịnh mà chư Phật Thế Tôn lại xuất hiện trong đó thì là việc hoàn toàn vô lý.
“Thiện nam tử! Nay ông chớ nên nói rằng chư Phật ra đời ở cõi thế giới không thanh tịnh. Nên biết rằng tâm niệm như thế là bất thiện, là hẹp hòi, là kém cỏi. Nay ông nên biết rằng ta thật không có ra đời ở cõi Diêm-phù-đề này.
“Ví như có người nói rằng riêng ở thế giới này mới có mặt trời, mặt trăng, các thế giới phương khác không có. Lời nói như vậy thật là vô nghĩa. Nếu Bồ Tát nói rằng cõi Phật này là uế trược, xấu ác, bất tịnh, các cõi Phật ở phương khác là thanh tịnh, trang nghiêm tráng lệ. Như vậy cũng là lời nói vô nghĩa.
“Thiện nam tử! Từ thế giới Ta-bà này đi về phương tây, vượt qua số cõi Phật nhiều như số cát của bốn mươi hai con sông Hằng, có một thế giới tên là Vô Thắng. Vì sao cõi ấy có tên là Vô Thắng? Vì những sự trang nghiêm tráng lệ của thế giới ấy đều bình đẳng, không có gì khác biệt so với thế giới An Lạc ở phương tây, lại cũng giống như thế giới Mãn Nguyệt ở phương đông. Ta ra đời ở thế giới ấy, nhưng vì giáo hóa chúng sanh nên thị hiện chuyển bánh xe pháp ở cõi Diêm-phù-đề này. Cũng không chỉ riêng một thân ta hiện ra ở cõi này chuyển bánh xe pháp, mà tất cả chư Phật cũng đều chuyển bánh xe pháp ở cõi này. Vì nghĩa ấy nên tất cả chư Phật Thế Tôn không có vị nào là không tu hành đủ mười việc như trên.
“Thiện nam tử! Vì có lời thệ nguyện nên trong tương lai Bồ Tát Từ Thị sẽ khiến cho thế giới này trở nên thanh tịnh trang nghiêm. Vì nghĩa ấy nên tất cả thế giới của chư Phật đều là trang nghiêm thanh tịnh.
“Lại nữa, thiện nam tử! Thế nào là Đại Bồ Tát tu tập kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn thành tựu đầy đủ công đức thứ năm?
“Thiện nam tử! Đại Bồ Tát tu tập kinh Đại Niết-bàn thành tựu đầy đủ công đức thứ năm có năm việc.
“Những gì là năm? Thứ nhất, các căn đều đầy đủ. Thứ hai, không sanh ra ở những nơi xa xôi hẻo lánh. Thứ ba, được chư thiên yêu mến, nhớ nghĩ đến. Thứ tư, thường được sự cung kính của hàng thiên ma, sa-môn, sát-lợi, bà-la-môn. Thứ năm, chứng đắc Túc mạng trí. Bồ Tát nhờ sức nhân duyên của kinh Đại Niết-bàn nên có đầy đủ năm việc công đức như vậy.”
Bồ Tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương lại thưa hỏi: “Như Phật có dạy, nếu ai tu tập bố thí sẽ được đầy đủ năm việc công đức. Nay vì sao lại nói rằng nhân nơi [kinh điển] Đại Niết-bàn mà được năm việc như vậy?”
Phật dạy: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Những việc như vậy có ý nghĩa khác nhau. Nay ta sẽ vì ông mà phân biệt giảng thuyết.
“Tính chất của năm việc công đức do tu bố thí là không cố định, không thường tồn, không thanh tịnh, không cao trổi, không khác lạ. Vì thế đó không phải là vô lậu, không thể làm lợi ích, an vui, thương xót tất cả chúng sanh.
“Nếu nương theo kinh Đại Niết-bàn này mà được năm việc công đức thì đó là cố định, thường tồn, thanh tịnh, cao trổi, khác lạ. Như thế là vô lậu, nên có thể làm lợi ích, an vui, thương xót tất cả chúng sanh.
“Thiện nam tử! Người tu bố thí thì được lìa khỏi sự đói khát. Kinh Đại Niết-bàn có thể khiến cho chúng sanh lìa khỏi bệnh khát khao tham ái trong hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu.
“Nhân duyên bố thí khiến cho sanh tử tiếp nối không dứt. Kinh Đại Niết-bàn có thể khiến cho sanh tử dứt mất, không còn tiếp nối.
“Do nhân là bố thí nên thọ nhận các pháp phàm phu. Do nhân là kinh Đại Niết-bàn nên được làm Bồ Tát.
“Nhân duyên bố thí có thể dứt được mọi sự khổ não vì nghèo túng. Kinh Đại Niết-bàn có thể dứt được tất cả mọi sự thiếu thốn pháp lành.
“Nhân duyên bố thí tạo nên số phận, quả báo. Nhân nơi kinh Đại Niết-bàn mà chứng đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề thì không còn số phận, không còn quả báo.
“Như thế gọi là Đại Bồ Tát tu tập kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn thành tựu đầy đủ công đức thứ năm.
“Lại nữa, thiện nam tử! Thế nào là Bồ Tát tu tập kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn thành tựu đầy đủ công đức thứ sáu?
“Đại Bồ Tát tu tập Đại Niết-bàn được pháp Tam-muội Kim cương. Trụ yên trong pháp Tam-muội ấy có thể phá trừ tất cả các pháp, thấy được tất cả các pháp đều là vô thường, đều là tướng chuyển động, là nhân duyên của sự sợ sệt, bệnh khổ, trộm cướp, liên tục hoại diệt trong từng niệm tưởng, không có gì là chân thật. Tất cả đều là cảnh giới của ma, không một tướng nào thật có thể nhìn thấy.
“Đại Bồ Tát trụ yên trong pháp Tam-muội ấy, tuy làm việc bố thí cho chúng sanh nhưng không thấy thật có một chúng sanh nào. Vì chúng sanh mà tinh cần tu tập các pháp Trì giới Ba-la-mật cho đến Bát-nhã Ba-la-mật cũng đều như vậy. Nếu Bồ Tát thấy có một chúng sanh nào thì không thể rốt ráo thành tựu trọn vẹn pháp Bố thí Ba-la-mật, cho đến không thể thành tựu trọn vẹn pháp Bát-nhã Ba-la-mật.
“Thiện nam tử! Ví như chất kim cương đem đối chọi với vật khác thì không vật gì không tan nát, nhưng chất kim cương thì không tổn hại chút nào. Pháp Tam-muội Kim cương cũng vậy, đem so với các pháp khác thì không pháp nào không tan rã, nhưng pháp Tam-muội này không tổn hại chút nào.
“Thiện nam tử! Như kim cương là quý nhất trong các vật báu. Pháp Tam-muội Kim cương mà Bồ Tát đạt được cũng vậy, là bậc nhất trong các pháp Tam-muội. Vì sao vậy? Khi Đại Bồ Tát tu tập pháp Tam-muội ấy, tất cả các pháp Tam-muội khác đều theo về.
“Thiện nam tử! Như các vị tiểu vương đều theo về quy thuận Chuyển luân Thánh vương; tất cả các pháp Tam-muội cũng vậy, thảy đều theo về quy thuận pháp Tam-muội Kim cương.
“Thiện nam tử! Ví như có kẻ là thù địch của cả nước, làm cho mọi người đều căm ghét và lo sợ. Nếu có người giết chết kẻ ấy, thì mọi người không ai là không ca ngợi công lao ấy. Pháp Tam-muội Kim cương cũng vậy, Bồ Tát tu tập pháp Tam-muội ấy có thể phá tan tất cả những điều thù oán đối nghịch của chúng sanh, cho nên thường được sự tôn kính của tất cả các pháp Tam-muội khác.
“Thiện nam tử! Ví như có kẻ sức lực mạnh mẽ, cường tráng không ai địch nổi. Sau lại có người đủ sức khuất phục kẻ ấy. Nên biết rằng người này sẽ được người đời khen ngợi. Pháp Tam-muội Kim cương cũng vậy, có đủ sức phá tan và hàng phục những pháp khó hàng phục. Vì nghĩa ấy nên tất cả các tam-muội khác đều về quy thuận.
“Thiện nam tử! Ví như có người tắm trong biển lớn, nên biết là người ấy đã dùng nước của các dòng sông, suối, khe rạch... Đại Bồ Tát cũng vậy, khi tu tập pháp Tam-muội Kim cương này, nên biết rằng đó là đã tu tập tất cả các pháp Tam-muội khác.
“Thiện nam tử! Như ở Hương sơn có một dòng suối tên là A-na-bà-đạp-đa. Nước suối ấy có đủ tám vị, người uống vào thì không có các bệnh khổ. Pháp Tam-muội Kim cương cũng vậy, có đủ Tám chánh đạo, Bồ Tát tu tập pháp này dứt trừ các thứ bệnh nặng ung nhọt phiền não.
“Thiện nam tử! Như người cúng dường vị Ma-hê-thủ-la, nên biết rằng đó là đã cúng dường tất cả chư thiên. Pháp Tam-muội Kim cương cũng vậy, nếu ai tu tập pháp ấy, nên biết rằng đó là đã tu tập tất cả các pháp Tam-muội khác.
“Thiện nam tử! Nếu Bồ Tát nào trụ yên trong pháp Tam-muội Kim cương, sẽ thấy rõ được tất cả các pháp, không có chướng ngại, cũng như nhìn trái a-ma-lặc để trong lòng bàn tay. Bồ Tát tuy thấy rõ được như vậy nhưng không hề khởi lên ý tưởng thấy tất cả các pháp.
“Thiện nam tử! Ví như người ngồi nơi ngã tư đường, thấy rõ được những người đi đường qua lại. Pháp Tam-muội Kim cương cũng vậy, thấy rõ được những sự sanh, diệt, hiện ra, mất đi của tất cả các pháp.
“Thiện nam tử! Ví như người lên đỉnh núi cao, nhìn ra các hướng đều thấy sáng rõ. Ngọn núi Tam-muội Kim cương cũng vậy, Bồ Tát lên đỉnh núi ấy nhìn ra các pháp đều thấy sáng rõ.
“Thiện nam tử! Ví như trong tháng xuân, trời đổ mưa lành, những giọt mưa đan khít với nhau không có kẽ hở, nhưng người có mắt sáng vẫn nhìn thấy được rõ ràng. Bồ Tát cũng vậy; tu tập pháp định Kim cương, được mắt thanh tịnh, nhìn xa về các thế giới ở phương đông, trong đó như có các thế giới hình thành hay hoại diệt đều thấy rõ, không có chướng ngại. Cho đến nhìn khắp mười phương cũng đều như vậy.
“Thiện nam tử! Như khi bảy mặt trời cùng lúc hiện ra từ núi Càn-đà, những cây cối rừng rậm ở núi ấy thảy đều khô rụi. Bồ Tát tu tập pháp Tam-muội Kim cương cũng vậy, hết thảy những cây cối phiền não đều tức thời diệt mất.
“Thiện nam tử! Ví như chất kim cương, tuy có thể phá vỡ được tất cả mọi vật, nhưng chẳng bao giờ sanh ý tưởng rằng: ‘Ta có thể phá vỡ.’ Pháp Tam-muội Kim cương cũng vậy, Bồ Tát tu tập rồi có thể phá trừ phiền não, nhưng chẳng hề sanh ra ý tưởng rằng: ‘Ta có thể phá trừ mọi phiền não trói buộc.’
“Thiện nam tử! Ví như mặt đất có thể giữ vững vạn vật, nhưng chẳng hề sanh ra ý tưởng rằng: ‘Sức ta có thể giữ vững mọi vật.’ Ngọn lửa cũng chẳng hề sanh ra ý tưởng rằng: ‘Ta có thể đốt cháy mọi vật.’ Nước cũng chẳng hề sanh ra ý tưởng rằng: ‘Ta có thể làm ướt tất cả.’ Gió cũng chẳng hề sanh ra ý tưởng rằng: ‘Ta có thể làm lay động mọi vật.’ Hư không cũng chẳng hề sanh ra ý tưởng rằng: ‘Ta có thể dung chứa tất cả.’ Niết-bàn lại cũng chẳng hề sanh ra ý tưởng rằng: ‘Ta khiến cho chúng sanh được diệt độ.’ Pháp Tam-muội Kim cương cũng vậy, tuy có thể diệt trừ tất cả phiền não, nhưng chưa từng có tâm niệm rằng: ‘Ta có thể diệt trừ phiền não.’
“Nếu Bồ Tát trụ yên nơi pháp Tam-muội Kim cương, chỉ trong một ý niệm có thể biến hóa ra thân như Phật, số nhiều đến vô lượng, hiện đầy khắp các thế giới của chư Phật trong mười phương nhiều như số cát sông Hằng. Tuy Bồ Tát ấy biến hóa như vậy nhưng trong tâm không hề có ý tưởng kiêu căng, ngạo mạn. Vì sao vậy? Bồ Tát luôn nghĩ rằng: ‘Ai là người có phép định này, có thể thực hiện việc biến hóa như thế này? Duy chỉ có Bồ Tát trụ yên nơi pháp Tam-muội Kim cương này mới có thể làm được như thế.’
Đại Bồ Tát trụ yên nơi pháp Tam-muội Kim cương, chỉ trong một ý niệm có thể hiện đến khắp các thế giới của chư Phật trong mười phương, nhiều như số cát sông Hằng, rồi trở về chỗ cũ. Tuy có năng lực như vậy, nhưng Bồ Tát cũng chẳng nghĩ rằng: ‘Ta có thể làm như vậy.’ Vì sao vậy? Vì đó là nhờ sức nhân duyên của pháp Tam-muội này.
“Đại Bồ Tát trụ yên nơi pháp Tam-muội Kim cương này, trong một ý niệm có thể dứt trừ phiền não của chúng sanh trong các thế giới mười phương nhiều như số cát sông Hằng, nhưng trong lòng không hề có ý tưởng là [mình đã] dứt trừ phiền não của chúng sanh. Vì sao vậy? Vì đó là nhờ sức nhân duyên của pháp Tam-muội này.
“Bồ Tát trụ yên ở pháp Tam-muội Kim cương này, chỉ dùng một âm thanh để diễn thuyết, nhưng tất cả chúng sanh thuộc mọi loài đều nghe hiểu được rõ ràng; chỉ thị hiện một thứ hình sắc nhưng tất cả chúng sanh đều nhìn thấy đủ mọi tướng hình sắc; chỉ trụ yên một chỗ, thân không dời chuyển nhưng có thể khiến cho chúng sanh ở các phương khác nhau đều nhìn thấy được; chỉ diễn thuyết một pháp duy nhất, hoặc thuyết về các giới, hoặc về các nhập, nhưng tất cả chúng sanh đều tùy theo chỗ hiểu mà được nghe.
“Bồ Tát trụ yên ở Tam-muội này, tuy nhìn thấy chúng sanh nhưng không hề có tướng chúng sanh. Tuy nhìn thấy kẻ nam người nữ nhưng không hề có tướng nam, tướng nữ. Tuy nhìn thấy sắc nhưng không có tướng sắc, cho đến nhìn thấy thức cũng không có tướng thức. Tuy thấy ngày và đêm nhưng không có tướng ngày và đêm. Tuy thấy tất cả, nhưng không có tất cả tướng. Tuy thấy tất cả các mối phiền não trói buộc nhưng không có tất cả tướng phiền não. Tuy thấy Tám Thánh đạo nhưng không có tướng Tám Thánh đạo. Tuy thấy Bồ-đề nhưng không có tướng Bồ-đề. Tuy thấy Niết-bàn nhưng không có tướng Niết-bàn. Vì sao vậy? Thiện nam tử! Vì tất cả các pháp vốn không có tướng. Nhờ sức của pháp tam-muội này, Bồ Tát thấy tất cả các pháp như thật, vốn không có tướng.
“Vì sao gọi là pháp Tam-muội Kim cương? Thiện nam tử! Ví như kim cương ở giữa ánh sáng ban ngày thì màu sắc không nhất định. Pháp Tam-muội Kim cương cũng vậy, ở giữa đại chúng không có màu sắc nhất định. Cho nên gọi là Tam-muội Kim cương.
“Thiện nam tử! Ví như kim cương, tất cả người đời không thể định giá trị. Pháp Tam-muội Kim cương cũng vậy, tất cả loài người và chư thiên đều không thể ước lượng biết được công đức của nó. Cho nên gọi là Tam-muội Kim cương.
“Thiện nam tử! Ví như người nghèo được của quý là kim cương, ắt lìa xa cảnh nghèo túng khốn khổ, tà độc của ác quỷ. Đại Bồ Tát cũng vậy, đạt được pháp tam-muội này ắt có thể lìa xa các khổ phiền não, các tà độc của ma. Cho nên lại gọi là Tam-muội Kim cương.
“Đó gọi là Bồ Tát tu tập Đại Niết-bàn thành tựu đầy đủ công đức thứ sáu.”