Phúc trình mang số hiệu A/5630 là báo cáo của Phái đoàn Điều tra Liên Hiệp Quốc tại Nam Việt Nam (Report of the United Nation Fact-Finding Mission to South Viet-Nam) được soạn thảo bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha, là kết quả của một cuộc điều tra khách quan do Liên Hiệp Quốc tiến hành thông qua việc chỉ định các đại diện từ 7 quốc gia thành viên cùng một số nhân viên chuyên môn để hỗ trợ hoạt động điều tra. Phái đoàn điều tra này đã đến Nam Việt Nam ngày 24-10-1963 và đến sáng ngày 1-11 thì dự kiến sẽ hoàn tất công việc vào cuối ngày 3-11. Tuy nhiên, cuộc chính biến diễn ra trong ngày 1-11 đã làm thay đổi phần cuối kế hoạch, cũng như có thể là nguyên nhân khiến cho Phái đoàn không nhận được những tài liệu quan trọng mà Chính phủ ông Diệm đã hứa sẽ cung cấp. Ngoài ra, để chuẩn bị các phương thức và chương trình hành động sao cho khách quan và hiệu quả, trước đó phái đoàn cũng đã có 4 phiên họp trong thời gian từ ngày 14-10 đến 21-10-1963 tại New York.
Bản Phúc trình A/5630, chỉ riêng phần Anh ngữ dài 93 trang khổ lớn, gồm 4 Chương với 191 phân đoạn (paragraphs) và 16 Phụ lục (Annexes), được phái đoàn trình lên Kỳ họp thường niên lần thứ 18 của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, là tài liệu quan trọng để Đại Hội Đồng thảo luận và xem xét trong phạm vi Đề mục 77 (Item 77) theo Nghị trình Kỳ họp (Agenda) đã được Đại Hội Đồng thông qua trước đó, với tiêu đề chính là “Vi phạm nhân quyền ở Nam Việt Nam” (The violation of human rights in South Viet-Nam).
Trong thực tế, Đại Hội Đồng đã không tiến hành việc thảo luận Đề mục 77 như trong Nghị trình đã định. Lý do đơn giản là vì đối tượng bị cáo buộc vi phạm nhân quyền, tức Chính phủ Ngô Đình Diệm, đã sụp đổ sau cuộc đảo chính của Quân đội ngày 1-11-1963. Mặc dù vậy, Phúc trình này đã được chính thức công bố và có thể xem là một văn kiện lịch sử quan trọng, bởi đây là sự ghi nhận khách quan và khoa học của một tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh về những gì Chính phủ Ngô Đình Diệm đã làm tại miền Nam Việt Nam, trong phạm vi liên quan đến cuộc vận động đòi bình đẳng tôn giáo năm 1963 của Phật giáo Việt Nam. Một số luận điệu bóp méo và nhào nặn lịch sử với ý đồ xuyên tạc sẽ bị vạch trần thông qua chính những ghi nhận trung thực từ Phúc trình này.
Bản Phúc trình được thực hiện đúng vào thời điểm căng thẳng nhất của các diễn biến liên quan, khi mà trong tâm tưởng những người chứng kiến vẫn chưa hết sự bàng hoàng, căm phẫn, và khi những dòng máu đỏ trong các chiến dịch đàn áp của Chính phủ Ngô Đình Diệm vẫn còn chưa kịp khô hẳn đi trên thân thể những học sinh, sinh viên và tăng ni cư sĩ hoàn toàn vô tội. Một số lớn các vị vẫn còn đang trong vòng tù tội khi Phái đoàn tiến hành cuộc điều tra.
Thông qua những nội dung ghi nhận trong bản Phúc trình, chúng ta thấy được tư tưởng và cảm xúc của chính những nhân chứng vào thời điểm ngay trước khi Chính phủ Diệm sụp đổ, và cũng thông qua bản Phúc trình, chúng ta thấy được những biện pháp dối trá mà Chính phủ Diệm đã áp dụng để cố làm sai lệch kết quả điều tra. Và bất chấp những đề xuất có chủ ý cũng như những cản trở ngầm từ phía Chính phủ Diệm, Phái đoàn Điều tra của Liên Hiệp Quốc đã hết sức khéo léo trong các quyết định hành động của họ, dẫn đến kết quả là một nội dung Phúc trình vô cùng phong phú và đầy đủ cũng như đảm bảo tính chính xác và khách quan. Những lập luận sai lệch nhằm ý đồ “chạy tội” cho Chính phủ Diệm khi cho rằng “không có đàn áp Phật giáo” sẽ hoàn toàn bị phá vỡ khi chúng ta đối chiếu với những nội dung thực tế được ghi lại trong Phúc trình này.
Với các ý nghĩa nêu trên, sự xem xét của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc về vấn đề này hoàn toàn không cần thiết nữa, bởi không còn bất kỳ biện pháp trừng phạt nào đối với một chế độ có thể xem là nghiêm khắc nặng nề hơn là sự sụp đổ của chính nó. Trong khi đó, tính chất khách quan và trung thực cộng với phương pháp làm việc khéo léo và khoa học mà Phái đoàn điều tra đã áp dụng, tự nó đã là một sự đảm bảo chắc chắn để người đọc bản Phúc trình hoàn toàn có thể tự mình rút ra kết luận.
Khi chọn giới thiệu nội dung bản Phúc trình A/5630 này, chúng tôi hy vọng sẽ cung cấp cho độc giả một nguồn tư liệu quý giá và khách quan để hiểu đúng và hiểu rõ về cuộc vận động bình đẳng tôn giáo năm 1963 của Phật giáo Việt Nam. Toàn văn Phúc trình bằng Anh ngữ (và 5 ngôn ngữ khác là tiếng Ả Rập, tiếng Hoa, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Tây Ban Nha) có thể tìm đọc trên Internet. Tuy nhiên, ở một số nội dung quan trọng chúng tôi sẽ in nghiêng và dẫn kèm theo nguyên tác Anh ngữ để độc giả tiện so sánh.