Kẻ yếu ớt không bao giờ có thể tha thứ. Tha thứ là phẩm chất của người mạnh mẽ. (The weak can never forgive. Forgiveness is the attribute of the strong.)Mahatma Gandhi
Hạnh phúc và sự thỏa mãn của con người cần phải phát xuất từ chính mình. Sẽ là một sai lầm nếu ta mong mỏi sự thỏa mãn cuối cùng đến từ tiền bạc hoặc máy điện toán.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Sự vắng mặt của yêu thương chính là điều kiện cần thiết cho sự hình thành của những tính xấu như giận hờn, ganh tỵ, tham lam, ích kỷ...Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Lo lắng không xua tan bất ổn của ngày mai nhưng hủy hoại bình an trong hiện tại. (Worrying doesn’t take away tomorrow’s trouble, it takes away today’s peace.)Unknown
Hoàn cảnh không quyết định nơi bạn đi đến mà chỉ xác định nơi bạn khởi đầu. (Your present circumstances don't determine where you can go; they merely determine where you start.)Nido Qubein
Hạnh phúc là khi những gì bạn suy nghĩ, nói ra và thực hiện đều hòa hợp với nhau. (Happiness is when what you think, what you say, and what you do are in harmony.)Mahatma Gandhi
Đừng chờ đợi những hoàn cảnh thật tốt đẹp để làm điều tốt đẹp; hãy nỗ lực ngay trong những tình huống thông thường. (Do not wait for extraordinary circumstances to do good action; try to use ordinary situations. )Jean Paul
Để đạt được thành công, trước hết chúng ta phải tin chắc là mình làm được. (In order to succeed, we must first believe that we can.)Nikos Kazantzakis

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tâm hồn cao thượng »» Phần 8: Tháng Năm »»

Tâm hồn cao thượng
»» Phần 8: Tháng Năm

Donate

(Lượt xem: 7.174)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tâm hồn cao thượng - Phần 8: Tháng Năm

Font chữ:


49.- Hy sinh
Thứ hai, mồng 9

Hôm qua tôi đang mãi chép bài thì em Xylvia rón rén vào bảo tôi rằng:
- Anh lại buồng mẹ với em. Sáng nay, em nghe thấy cha nói chuyện với mẹ. Hình như có một sự gì quan trọng và không hay cho cha. Cha ra vẻ thất vọng, mẹ đem lời an ủi. Như thế có lẽ nhà ta đến lúc xuống rồi! Anh ạ. Cha mẹ ta sẽ hết tiền. Bổn phận ta là phải hy sinh đê giúp đỡ cha mẹ, phải không anh? Nếu anh vui lòng em sẽ thưa với mẹ .Vậy anh có đồng ý với em không?
Tôi bằng lòng.
Em Xylvia dắt tôi vào phòng mẹ tôi. Lúc ấy mẹ tôi đang ngồi khâu, vẻ tư lự. Chúng tôi chạy vào ngồi cạnh mẹ tôi. Em tôi nói luôn:
- Mẹ ơi , chúng con có chuyện muốn thưa với mẹ. Mẹ tôi lấy làm ngạc nhiên, ngẩng nhìn chúng tôi. Em tôi nói:
- Thưa mẹ, có phải cha con đang đứng vào trong cảnh thất bại không?
Mẹ tôi đỏ mặt nói:
- Con nói gì thế? Không phải đâu. Ai bảo con thế? Tại sao con biết? Xylvia nói giọng quả quyết:
- Chả ai bảo con. Con biết rồi... Mẹ ơi, về phần chúng con, chúng con muốn hy sinh đôi chút. Mẹ hứa cuối tháng sẽ mua cho con cái quạt và cho anh Enricô hộp thuốc vẽ. Bây giờ chúng con không thích nữa. Chúng con không muốn cha mẹ phải tiêu nhiều mẹ ạ.
Mẹ tôi định nói thì Xylvia lại tiếp luôn:
- Anh Enricô và con đã quyết rồi. Cha chúng con còn chưa kiếm ra tiền thì chúng con còn phải tằn tiện. Chúng con xin nhịn ăn sáng và ăn tráng miệng. Như thế sẽ đỡ ít tiền chợ. Và nếu còn phải dè sẻn các thứ khác nữa như quần áo, giày dép, chúng con cũng xin vui lòng. Những đồ chơi của chúng con đem bán đi cũng được ít tiền. Rồi con sẽ làm con sen cho mẹ, con sẽ khâu giúp mẹ. Mẹ muốn sai bảo việc gì, con xin làm tất... Miễn là mẹ và cha khỏi phải lo nghĩ và được yên lòng...
Em tôi nói xong, mẹ tôi vừa cười vừa khóc, hôn chúng tôi và bảo rằng:
- Các con nghe lầm đấy. Nhờ trời, nhà ta chưa đến nỗi phải sa sút như các con tưởng. Mẹ cám ơn các con đã nghĩ và thương đến cha mẹ.
Tối đến, mẹ tôi đem chuyện nói lại với cha tôi. Nhưng người cha đáng thương của chúng tôi chẳng nói chẳng rằng.
Chúng tôi còn đang phân vân trong dạ thì bỗng sáng nay chúng tôi được một sự ngạc nhiên và vui sướng quá chừng là em Xylvia thấy ở dưới khăn ăn cái quạt mới và tôi, một hộp thuốc vẽ 12 màu!

50.- Một vụ hoả tai
(Vụ hoả tai này đã xảy ra tại thành Tôrinô trong đêm hôm 27 tháng giêng năm 1880)
Chủ nhật, ngày 14

Sáng nay, trong khi đang ngồi bàn viết tìm một đầu đề về bài luận tự do mà thầy giáo bảo làm hôm trước, chợt có hai người lính cứu hoả xin phép cha tôi vào xem bếp và lò sưởi vì họ trông thấy ngọn lửa trên ống khói (1) và không biết lửa tự nhà nào phát ra. Cha tôi bảo họ cứ vào mặc dầu lúc ấy bếp nhà tôi tắt cả. Họ xem xét các buồng và áp tai vào tường nghe những ống dẫn hơi của các nhà bên cạnh đi qua đấy xem có lửa hay không.
Cha tôi bảo tôi rằng:
- Enricô ơi! Đó là một đầu đề bài luận: "đội lính cứu hoả". Hai năm trước đây, ta đã có dịp xem họ làm việc. Con hãy viết theo lời ta kể lại.
Nửa đêm hôm ấy, ta đi xem hát ở rạp Balbô về đến phố La-Mã, bỗng thấy lửa sáng rực trời và một đám đông người đang chạy. Một nhà ở cuối phố đang cháy! Khói và lửa ở những cửa sổ trên mái bốc lên ngùn ngụt. Đàn ông đàn bà chạy ra bao lơn rồi lại chạy vào, tiếng kêu khóc inh ỏi một góc trời. Công chúng kêu gào:
- Có ai vào cứu người ta không? Họ chết cháy cả bây giờ. Các ông đội cứu hoả ơi! Các ông đội cứu hoả ơi!
Ngay lúc ấy, 4 người lính cứu hoả vừa tới, chạy thẳng vào đám cháy. Đồng thời, một cảnh tượng rùng rợn hiện ra ở trên gác thứ ba: Một người đàn bà bị ngọn lửa dồn ra bao lơn, không có lối xuống, gào khóc mất cả tiếng mà chưa ai tìm cách gì cứu được.
Những người lính cứu hoả đã vào trong rồi nhưng không sao lên được tầng thứ ba vì những xà nhà đổ xuống nghe như tiếng sấm mà khói lửa lấp hết cả lối vào. Họ liền chạy ra chỗ đầu nhà chưa cháy, phá mái, dòng day leo xuống...
Gió to ngọn lửa càng lan! Người đàn bà cháy sém cả mặt, chỉ còn chút nữa là bị thiêu sống và rơi xuống đất. Bỗng người ta thấy viên đội cứu hoả mặt đen thủi ở trong đám khói lửa hiện ra đỡ lấy người đàn bà khốn khổ ấy và trao cho một người lính khác vừa áp thang leo tới.
Người ta đang hồi hộp lo cho số mệnh ba người lính đã cùng viên đội xông vào đám cháy lúc đầu, mãi không thấy ra, thình lình thấy cửa sổ ở tầng thứ nhì tung ra, người ta vội mang thang lại thì mấy người lính ấy liền chuyền tay nhau ôm những nạn nhân ra và trao cho người lính khác đứng đón ở cầu thang: một đứa con gái, hai đứa con trai, một người đàn bà, một ông lão. Những người này đều được vô sự.
Mặc dầu ngọn lửa lem lém bên mình, viên đội cứu hoả , người đã trèo lên đầu tiên, đứng lại cho mọi người xuống hết để xuống cuối cùng.
Công chúng đều ngợi khen tất cả những người lính can đảm vừa xuống. Nhưng đến lượt viên đội là kẻ xung phong của đội, là người đã vào sinh ra tử để làm gương cho bạn đồng đội, là người sẽ phải chết theo nếu một người trong bọn lỡ thiệt mạng , vừa để chân xuống đất, thảy đều hò reo nhiệt liệt và giơ tay chào một cách kính cẩn và biết ơn.
Rồi chỉ trong giây lát, cái tên Rôbinô xưa nay chẳng ai biết đến , đã truyền khắp cửa miệng.
Con ơi như thế gọi là can đảm đấy! Đã gọi là can đảm thì không bao giờ suy luận, không bao giờ nghĩ ngợi, đi luôn đến chỗ có tiếng thất vọng kêu gào!
Hôm nào rỗi, cha sẽ đưa con đi xem đội cứu hoả diễn tập và chỉ cho con viên đội Rôbinô. Chắc con sẽ thích...
- A! May quá! Ông đội Rôbinô đây rồi!
Tôi ngoảnh lại thì hai người lính cứu hoả vào bếp ban nãy đang trở ra và đi trong sân. Cha tôi chỉ vào người bé nhất đeo lon vàng, bảo tôi:
- Con ra bắt tay ông đội Rôbinô đi!
Ông đội dừng lại, tươi cười đưa tay cho tôi bắt, xong chào cha tôi rồi ra. Cha tôi nói thêm:
- Con nên nhớ rằng: trong đời con, con sẽ bắt tay trăm, nghìn người, nhưng cha quả quyết rằng
trong trăm, nghìn bàn tay ấy hồ dễ con đã kiếm được lấy mười bàn tay có giá trị như bàn tay can đảm của viên đội cứu hoả vừa ra.
-----------------
(1) Ống khói chung của cả khu nhà có nhiều chủ ở.

51.- Quê người tìm mẹ
(Truyện đọc hàng tháng)

Cách đây vài năm có một đứa bé 13 tuổi là con một người thợ đã mạo hiểm đi một mình từ thành Giênôva sang Mỹ Châu để tìm mẹ.
Tên cậu là Marcô. Nhà cậu nghèo. Cha làm thợ kiếm không đủ ăn nên mẹ cậu phải đi ở cho một nhà ở thành Buênox Airex, thủ phủ nước cộng hoà Arhentina ở Nam Mỹ Châu. Sở dĩ mẹ cậu phải đi xa như thế là vì ở bên ấy những người làm được trả công cao.
Tại thành Buênox Arex, cha cậu có một người em họ mở hiệu buôn, nên tin tức cứ do người này nhận và gửi giúp.
Năm thứ hai, ở nhà chỉ nhận được một lá thư nói bà bị bệnh rồi thôi không tiếp được tin gì khác nữa. Cha cậu viết thư hỏi người em họ, đợi mãi không thấy trả lời. Cha cậu liền viết thẳng cho người chủ nhà, thơ bị trả lại vì đề sai địa chỉ. Sốt ruột, cha cậu làm đơn nhờ toà Lãnh sự Italia ở đấy điều tra giúp nhưng cũng vô hiệu vì có lẽ mẹ cậu tưởng nghề đi ở là hèn nên đã giấu tên để khỏi phương hại đến gia đình.
Thấy cha buồn rầu, Marco quả quyết xin cha cho phép sang Nam Mỹ tìm mẹ. Cha cậu đang phân vân, may sao lại có người bà con quen với một viên quan Ba tàu thuỷ xin cho cậu được vé hạng ba không mất tiền nên ý định của cậu được thực hiện ngay.
Một buổi chiều đẹp về tháng tư, cha cậu đưa cậu xuống tàu.
Mất 27 ngày lênh đênh trên mặt bể, cậu âm thầm chịu bao nhiêu nỗi khổ tâm: phần nhớ nhà, phần lo mẹ có khi đã qua đời, phần bị say sóng lắm khi tưởng đến phải bỏ thân trong bể cả. Một buổi rạng đông tháng năm, tàu cập bến Buênox Airex , trên sông Laplata .
Sau khi từ biệt người bạn đồng hành là một ông già người xứ Lombar, cậu xách va-li lên bộ thẳng đường vào thành phố.
Cậu hỏi thăm mãi mới tìm được phố Lox Artex là nơi người chú họ tên là Mêrelli ở đấy. Đến số nhà 171 hỏi thăm thì có một người đàn bà trả lời bằng tiếng Italia:
- Ông Mêrelli đã mất một vài tháng nay. Cửa hàng bán lại cho tôi rồi! Được tin như sét đánh bên tai, cậu xám mặt lại hỏi:
- Ông Mêrelli quen với mẹ tôi. Mẹ tôi ở cho ông Mêkinêx tỉnh này. Vậy bà có biết nhà, xin làm ơn chỉ giúp. Tôi đi từ nước Italia sang đây chỉ có việc tìm mẹ tôi.
Bà chủ động mối thương tâm, liền gọi thằng nhỏ vẫn chạy giấy cho ông Mêrelli ra hỏi, nó biết ngay và vui lòng dẫn cậu lại nhà ông Mêkinêx cách đấy không xa.
Đến nơi, cậu giật chuông, một người con gái ra mở cửa. Cậu hỏi, người con gái ấy trả lời bằng tiếng Tây Ban Nha:
- Nhà ông ấy đã dọn về Corđôva rồi.
- Thành Corđôva ở đâu, thưa cô? Người vú già người Italia , mẹ tôi đó, có đi theo không?
Người con gái chạy vào gọi cha. Một ông to lớn, râu đen ra hỏi đầu đuôi. Thấy vậy, ông thương tình mời cậu vào nhà, cấp cho ít tiền và viết một phong thư giới thiệu cậu với một người bạn ở tỉnh Larôxarioo và gửi cậu đến Corđôva. Vị ân nhân ở Labôca lại cho cậu một tấm thiếp để đưa cho một người bạn thân ở thành Rôrioo. Sau 3 ngày và 4 đêm đi thuyền trên sông Parana cậu tới thành phố Rôrioo vào một buổi sáng. Thành phố này ở ngay bờ sông, những bóng lâu đài tráng lệ phản chiếu xuống mặt sông coi rất ngoạn mục. Vào thành phố Rôrio, cậu có cảm giác như là lộn lại các thành phố khác mà cậu đã qua vì trước mặt vẫn thấy những phố dài dằng dặc, thẳng băng và chia các ngả trong một khoảng đất phẳng phiu, hai bên vẫn thấy nhà cửa trắng thấp và diêm dúa như những hoa trang trên bãi bể, trên đầu vẫn thấy những dây điện báo chằng chịt như màng nhện.
Cậu tìm được đến vị cứu tinh ghi trong tấm thiếp, vào hỏi thì người quản gia đáp:
- Ông chủ và cả gia quyến vừa mới về quê ở Buênox Airex rồi. Cậu thất vọng kêu:
- Chết chửa! Tôi làm thế nào bây giờ? Tôi một thân một mình đến đây, cần gặp ông chủ để người giúp cho một việc...
Người quản gia sừng sộ:
- Đã bảo đi vắng! Giúp cái gì? Ở đây đã thừa dân Italia lắm rồi! Mày trở về nước Italia mà xin ăn. Cậu cực nhục vô cùng, xách vali trở ra, óc rối bời bời.
Biết làm thế nào bây giờ? Từ Rôxario đến Corđôva còn cách một ngày xe lửa nữa mà trong túi chỉ còn có vài lira.
Buồn và mệt, cậu đặt cái vali xuống hè, ngồi lên, lưng dựa vào tường, hai tay bưng mặt... Chợt có người đến vỗ vai hỏi bằng tiếng Italia:
- Ngồi làm gì đây?
Cậu ngẩng nhìn thì ra ông lão đồng hương đã cùng đi với cậu một chuyến tàu. Cậu kể hết sự tình, ông già nghĩ được một diệu kế.
Ông liền đưa cậu vào khách sạn "Ngôi sao nước Italia" giữa lúc những kiều dân Italia đang ăn uống. Ông giới thiệu cậu là một đứa con nhỏ đã vượt trùng dương và chịu đói khát để đi tìm mẹ. Ai cũng có lòng thương hại cậu, vì thế trong có mười phút đã thu được 40 lira.
Sáng hôm sau, cậu lên tàu đi Rôxario, chập tối thì đến nơi.
Nhờ một vị linh mục chỉ đường, cậu tìm đến nhà kỹ sư Mêkinêx gõ cửa, có một bà già cầm đèn ra hỏi bằng tiếng Tây Ban Nha:
- Hỏi ai? Cậu đáp:
- Tôi hỏi ông kỹ sư Mêkinêx.
Bà già khoang tay vào ngực, lắc đầu đáp:
- Mày cũng hỏi ông Mêkinêx à? Đã ba tháng nay người ta cứ đến nhiễu mãi. Những tin đăng báo vẫn chưa đủ à? Dễ thường phải yết thị khắp các phố phường là ông Mêkinêx đã dọn đi Tucuman rồi người ta mới để yên?
Marcô phát uất nói:
- Trời ơi! Có lẽ tôi phải chết ở đây và không được nhìn mặt mẹ tôi!... Xin bà làm ơn bảo giùm tỉnh ấy ở đâu? Và cách bao xa?
- Thành Tucuman cách đây bốn năm trăm dặm. Marcô nức nở khóc .
Bà già thương hại bảo:
- Nhà số 3 đầu phố này có người lái buôn thường chở hàng bằng xe bò đi Tucuman. Mày thử lại hỏi xem họ có cho đi nhờ không?
Marcô lại hỏi thì người lái buôn bảo:"Hết chỗ rồi!"
Trong lưng chỉ còn 15 lira, cậu kêu van với người lái buôn xin đưa cả và đi đường có việc gì xin làm giúp.
Người lái buôn nói:
- Ta không đi Tucuman. Lần này, ta đưa hàng di Satiagơ. Vậy đến chỗ rẽ thì mày xuống. Nhưng còn phải đi bộ đến 20 ngày nữa mới đến Tucuman, mày có đi được không? Đường vắng và khó đi lắm!
- Thưa ông, được. Tôi chịu được tất cả, miễn là tìm thấy mẹ tôi!...
- Được thế hôm nay mày ngủ ở xe, mai đi sớm.
Bốn giờ sáng hôm sau, dưới trời sao lấp lánh, một đoàn xe mỗi chiếc do 6 con bò kéo cùng một đàn bò nữa để thay phiên, khởi hành trong một bầu không khí tĩnh mịch.
Khi đi đường, Marco thường bị những phu xe sai bảo và hành hạ. May nhờ được người chủ nhân đạo, bọn kia cũng không dám quá tay và mấy hôm bị chứng sốt rét, cậu được trông nom tử tế. Ngày thứ 16 là hôm cậu khỏi bệnh và cũng là hôm cậu phải rời đoàn xe để về lối Tucuman.
Sau mấy câu dặn dò, người chủ xe bắt tay từ biệt.
Marco một mình lủi thủi xách vali đi về phía tây, trong dạ buồn rầu.
Nhưng một điều làm cho cậu phấn khởi đôi chút là trước mặt cậu, ở chân trời hiện ra một dãy trường sơn, ngọn cao và trắng coi tựa dãy Alpe, cậu tưởng tượng như được ở gần quê hương cậu. Nhưng
nào có phải là núi Alpe đâu, chính là dãy núi Anđex tục gọi là "sống lưng" của Tân thế giới, đi từ Xích địa miền Nam cho đến Băng dương miền Bắc.
Hôm thứ nhất Marcô đi cho đến lúc kiệt lực rồi nằm ngủ ở cạnh gốc cây. Hôm sau lại khởi hành nhưng chậm hơn và kém phần hăng hái. Hôm thứ ba: giày rách chân đau, dạ đói! Tối đến, cậu giật mình thon thót vì người ta nói ở đây lắm rắn độc!
Mặc dầu mỏi mệt, đói khát, cậu vẫn cố đi, đi mãi, đi qua những chòm cây lạ mắt, qua những đồng mía xanh tươi, qua những đồng cỏ mênh mông, trước mặt vẫn nhìn thấy ngọn núi xanh lởm chởm trong nền trời không vẩn một đám mây.
Bốn hôm, năm hôm, một tuần lễ qua. Sức cậu đã cùng. Chân cậu đổ máu. Thì chiều hôm ấy, người ta bảo cậu:
- Tucuman còn cách đây 50 dặm.
Marcô mừng rỡ reo lên và đi rảo bước, bụng bảo dạ:
- Mẹ ơi bây giờ mẹ ở đâu? Mẹ có biết con đang ở gần mẹ không?
Khốn khổ thay cho Marcô. Nếu cậu biết rõ tình trạng mẹ cậu lúc ấy thế nào thì cậu muốn mọc ngay cánh để kịp bay đến cạnh người.
Lúc ấy, bệnh tình mẹ cậu đang ở trong thời ký trầm trọng. Vợ chồng viên kỹ sư Mêkinêx đang đứng bên giường bệnh khuyên bệnh nhân nên để cho Bác sĩ mổ thì mới có cơ qua khỏi .
Bệnh nhân đáp:
- Cám ơn ông bà có lòng nhân đức trông nom tôi tựa người nhà. Nhưng tôi không còn đủ sức để chịu sự mổ xẻ. Tôi sẽ chết. Xin ông bà để yên cho tôi chết. Chồng con tôi không có tin tức, chắc bị tai biến gì đây... Tôi còn sống làm gì?..
Vợ chồng viên kỹ sư cố nài hai ba lần nữa, song bà ta chỉ khóc và ngất đi.
Ông bà Mêkinêx hết sức chăm sóc cho người mẹ đáng khen ấy đã vì sinh kế của gia đình đem thân đến một nơi xa quê hương hơn 3000 dặm, sau khi chịu bao nhiêu nỗi cơ khổ gian lao!
Sáng sớm hôm sau, vali đeo trên lưng, Marcô, hốc hác và rách rưới, thất thểu vào thành Tucuman một thành phố mới mở vào hạng phồn thịnh nhất nước Arhentina.
Marcô đang ngẩn ngơ chưa biết hỏi ai, bỗng thấy một cửa hàng ngoài đề chữ Italia, cậu liền đánh bạo vào hỏi:
- Thưa ông, ông có biết nhà ông kỹ sư Mêkinêx ở đâu , xin ông làm ơn bảo giúp? Chủ hiệu đáp:
- Ông Mêkinêx không ở đây nữa.
Marcô choáng người, kêu lên một tiếng rồi ngã vật xuống đất. Chủ hiệu đỡ dậy, hỏi chuyện rồi bảo:
- Em đừng nản lòng. Ông kỹ sư tuy không ở Tucuman nữa, nhưng ở gần đây, đi bộ vài giờ thì tới nơi.
- Thưa ông, ở đâu? Ở đâu? Ở đâu?
- Ở bờ sông Salađinô. Ở đấy người ta đang xây một nhà máy làm đường, kỹ sư ở khu nhà bên cạnh. Đến đấy hỏi ai cũng biết.
Một người hàng xóm nghe tiếng kêu vừa chạy sang thấy vậy nói tiếp:
- Hai tuần lễ trước tôi đã vào đấy, có gặp kỹ sư . Cậu hỏi luôn:
- Thế anh có gặp người vú già nhà kỹ sư, người Italia không?
- Có , tôi có trông thấy!
Cậu sung sướng quá vừa khóc vừa nhảy lên.
Mọi người khuyên cậu nên nghỉ ngơi cho lại sức, mai sẽ đi Salađinô. Nhưng cậu khăng khăng nói:
- Cảm ơn các ông. Tôi đi cốt để tìm mẹ tôi! Dù chết ngay giữa đường, tôi cũng đi!
Vài phút sau, vali lại đeo trên lưng, cậu khập khiễng lên đường, rồi biến trong đám cây rậm rạp.
Đêm ấy là đêm ghê gớm nhất cho bệnh nhân. Bà đau đớn, rên rỉ, lắm lúc mê man. Bác sĩ bảo: bà đau về chứng bệnh thì ít mà về tinh thần thì nhiều.
Sáng hôm sau, ông bà Mêkinêx lại đưa bác sĩ vào thăm. Bác sĩ khuyên:
- Nếu bà cho mổ thì thế nào cũng khỏi, bằng không thì không còn phương gì cứu được nữa. Bà ta lắc đầu nói trong hơi thở:
- Cảm ơn bác sĩ, tôi còn có can đảm để đợi chết, chứ không còn lúc để chịu đau đớn một cách vô ích. Xin bác sĩ cho tôi chết yên lặng thì hơn!
Xong bà quay lại trối với bà chủ:
- Thưa bà sau khi tôi chết rồi xin bà làm ơn nhờ toà lãnh sự Italia gửi ít tiền tôi để dành về cho chồng con tôi. Tôi mong rằng chồng con tôi vẫn được bình yên. Và bà nhớ bảo giúp rằng lúc lâm chung tôi vẫn nhớ đến chồng tôi, hai con tôi và nhất là thằng Marcô.
Ngoài phòng có tiếng động. Mấy phút sau, bác sĩ và ông Mêkinêx cùng vào, nét mặt có vẻ khác. Hai người nói nhỏ với nhau:"Đỡ ngay lập tức "! Bệnh nhân không hiểu sao cả.
Ông Mêkinêx cất tiếng run run nói:
- Chị ơi! Tôi có một tin hay muốn báo cho chị biết. Chị hãy định thần lại để nhận tin ấy. Tin ấy sẽ làm cho chị được hài lòng.
Con ngươi bệnh nhân mở rộng .
- Chị hãy sửa soạn để tiếp một người... một người mà chị yêu mến nhất, nhớ thưong nhất! Bà Guixếpa sẻ ngẩng đầu lên nhìn tứ phía.
Kỹ sư nói tiếp:
- Người ấy đã lặn ngòi ngoi nước đến đây một cách bất ngờ... và đã ở đây rồi! Bệnh nhân thở hổn hển hỏi:
- Ai? Ai thế?
Tức thì Marcô rách rưới, lấm láp, ở ngoài bước vào. Bác sĩ đứng trong ngưỡng cửa, cầm cánh tay cậu giữ lại .
Bệnh nhân kêu ba lần:
- Chính con tôi! Con tôi! Con tôi!
Marcô chạy vào, như có phép thần thông giúp đỡ, mẹ cậu nhỏm dậy ôm lấy cậu như một con hổ đói mồi, vừa cười vừa khóc, hôn cậu và hỏi:
- Sao con lại đến đây? Con độ này lớn quá! Ai đưa con đi? Hay con đi một mình? Con có ốm không? Chính con là Marcô của mẹ? Không phải là giấc mộng chứ? Con nói cho mẹ hay...
Nói đến đây bà chợt đổi giọng và bảo:
- Khoan đã! Con sẽ nói sau. Rồi quay lại bảo bác sĩ:
- Thưa bác sĩ bây giờ tôi muốn khỏi bệnh. Tôi sẵn sàng để ngài cứu cho... Xin ngài cấp cứu cho... Con hãy ra ngoài đợi một lát...
Kỹ sư đưa Marcô ra.
Bác sĩ và y sĩ ngoại khoa mang các khí dụng vào và đóng cửa phòng lại. Lát sau bác sĩ hớn hở ra phòng bảo Marcô:
- Mẹ con đã được cứu thoát!
Marcô liền quỳ trước mặt bác sĩ khóc nức nở nói:
- Đội ơn bác sĩ đã cứu sống cho mẹ con! Bác sĩ đỡ Marcô dậy và khen:
- Con hãy đứng dậy. Con thực là một đứa trẻ phi thường. Chính con đã cứu sống mẹ con!

52.- Trường câm điếc
Chủ nhật, ngày 28

Sáng nay có người gọi cửa. Tôi nghe thấy cha tôi kêu tiếng ngạc nhiên:
- A! Bác Giorđanô!
Bác là người làm vườn cũ nhà tôi quê ở Côrđôva.
Sang Hylạp làm cho sở hoả xa ba năm, nay bác mới về, tay xách một gói lớn. Trông bác hơi già nhưng vẫn tươi tỉnh và vui vẻ như xưa.
Cha tôi mời bác vào, nhưng bác có ý vội vã từ chối và hỏi luôn:
- Nhà tôi bình yên chứ? Cháu Luizya độ này thế nào? Mẹ tôi đáp:
- Bình yên cả. Còn Luizya thì tôi mới vào thăm được mấy hôm nay.
Bác Giorđanô mừng quá, gửi gói đồ rồi vào trường câm điếc thăm con. Cha tôi cho tôi đi theo. Đi đường, bác nói chuyện với tôi, có ý buồn:
- Tội nghiệp cho em Luizya! Mới lọt lòng ra đã phải chịu cái tật xấu xa. Nghĩ nỗi tôi không bao giờ được nghe thấy tiếng em gọi "cha" và em không bao giờ được nghe thấy tiếng tôi gọi "con ơi"! , những tiếng thân yêu phát ra tự tim huyết, thì tôi buồn không biết chừng nào! May mà có người mách và giúp cho em vào trường, tôi cũng đỡ phiền. Em vào đây từ năm lên 8, tính đến nay đã 11 tuổi rồi. Chắc em đã lớn lắm rồi, cậu nhi? Em đã nói chuyện được bằng dấu hiệu chưa? Em có vui không? hở cậu?
Tôi đáp:
- Trường câm điếc đây rồi. Bác vào sẽ biết.
Chúng tôi tới cổng, người gác ra hỏi. Bác Giorđanô nói:
- Tôi là cha em Luizya. Hôm nay xin phép vào thăm. Người gác đáp:
- Các cô ấy đang chơi. Để tôi thưa với bà giáo. Mời ông vào tạm phòng khách. Vài phút sau, cửa phòng mở. Một bà giáo dắt tay một cô gái nhỏ vào.
Hai cha con nhìn nhau một lúc rồi ôm lấy nhau vừa khóc vừa mừng. Cô bé mặc áo chùng trắng, dọc đỏ, và đeo một cái yếm xanh.
Vuốt ve con xong, bác Giorđanô lùi lại ngắm nhìn con gái rồi kêu to:
- Trời ơi! Con tôi chóng lớn và xinh đẹp quá!... Thưa bà, bà là bà giáo dạy cháu. Xin bà bảo cháu ra một vài dấu hiệu để nói chuyện với tôi xem thế nào?
Bà giáo mỉm cười sẻ bảo cô bé đứng cạnh đang nhìn bà:
- Ông này là ai?
Cô bé cười và phát ra một thứ tiếng như tiếng mọ nhưng rõ ràng:
- Thưa cô, cha - con - đấy!
Bác làm vườn sửng sốt và reo lên như một người điên:
- Con tôi biết nói à? Chết chửa! Thế mà tôi không biết. Con tôi biết nói rồi. Trời ơi! Con nói nữa cho cha nghe.
Bác Giorđôna ôm và bế con lên hai, ba lần, có vẻ sung sướng lắm.
- Thưa bà thế ra cháu không phải nói chuyện bằng hiệu, bằng ngón tay? Bà giáo đáp:
- Ông Giorđanô ơi! Học bằng hiệu là lối cổ, lối ấy đã bỏ rồi . Bây giờ chúng tôi dạy theo lối mới gọi là phép "khẩu truyền" ông vẫn chưa rõ à?
- Thưa bà, tôi không hiểu, vì đã ba năm nay tôi đi ngoại quốc. Nhà có viết thơ nhưng tôi vẫn yên trí, "cháu biết nói" là "nói bằng hiệu", chứ không ngỡ cháu nói ra tiếng... Con ơi! Con có biết không? Con trả lời đi!
Bà giáo đỡ lời:
- Ông ơi! Cháu không nghe thấy gì đâu vì cháu điếc. Nhưng nhìn môi ông cử động, cháu có thể nhận ra ông nói câu gì. Tuy miệng cháu nói được, nhưng tai cháu vẫn không nghe thấy tiếng mình phát ra. Sở dĩ cháu nói thành tiếng là vì chúng tôi dạy cháu vừa vận động môi, vừa do lồng ngực và cuống họng phát ra từng "chữ" từng "vần"...
Bác làm vườn ghé vào tai hỏi con:
- Cha vào thăm, con có thích không?
Cô bé ngẩn người đứng im. Bà giáo cười bảo bác Giorđanô:
- Luizya không trả lời vì không được nhìn miệng ông nói. Bây giờ ông quay lại trước mặt cháu và nhắc lại câu ông vừa nói thì cháu hiểu ngay.
Người cha nhìn mặt con, nói:
- Cha đã về, cha không đi nữa, con có sung sướng không?
- Cha về và không bỏ con đi nữa, con rất lấy làm sung sướng. Bác làm vườn hỏi thử con mấy câu nữa:
- Tên mẹ con là gì?
- Antônia.
- Tên chị con là gì?
- Andêlacđa
- Trường này gọi là trường gì?
- Trường câm điếc.
- Hai lần mười là bao nhiêu?
- Hai mươi.
Bác làm vườn rất hoan hỉ, quay lại nói với bà giáo:
- Thưa bà, chúng tôi cảm ơn bà một trăm lần, một nghìn lần. Và xin bà tha lỗi cho chúng tôi là kẻ quê kệch, không biết giải bày thế nào để cảm ơn bà.
Bà giáo nói:
- Không những cháu đã biết nói, cháu còn biết viết và biết tính nữa. Cháu biết hết cả tên những đồ vật thường dùng, biết đôi chút về sử ký và địa dư. Hiện giờ cháu đang ở lớp sơ đẳng. Học hết hai năm nữa cháu sẽ có một nền học thức phổ thông và có thể đi làm việc. HIện đã có nhiều em học ở đây ra bán hàng cho các hãng buôn rất đắc lực... Chúng cũng làm được đủ bổn phận như người thường.
Chợt có tiếng trẻ tập đọc ở trên trường đưa xuống bác làm vườn thấy lạ, lắng tai nghe. Bà giáo bảo:
- Ông để tôi gọi một em ở lớp dự bị xuống đọc ông nghe.
Nói xong, bà ra hiệu cho người gác gọi. Lát sau người gác đưa một cô bé 8, 9 tuổi xuống. Cô này mới vào đây được ít lâu.
Bà giáo há mồm như người đọc chữ Ơ ra hiệu cho cô học trò đọc theo. Cô bé đọc:
- Ô.
- Không phải thế.
Nói xong, bà giáo liền cầm hai bàn tay học trò, một để vào cổ họng mình, một để vào ngực mình rồi tự đọc: Ơ.
Cô bé nhận kỹ luồng hơi ở ngực phát ra và đi qua cuống họng thế nào rồi bắt chước đọc lại rất đúng: Ơ...
Rồi vẫn dùng cách ấy, bà dạy cô bé đọc những chữ C và Đ. Bác làm vườn nghĩ một lúc nói:
- Thưa bà, dạy như thế này mất nhiều công và phải kiên nhẫn lắm mới được. Thiết tưởng ở trên đời này không có thứ phần thưởng gì xứng đáng để đền công các bà... Thưa bà, tôi có thể chào và cảm ơn bà đốc được không?
- Bà đốc không có đây. Nhưng có một người khác mà ông đang cảm ơn. Theo lệ ở đây thì những trò bé thường giao cho trò lớn trông nom như người chị, người mẹ trong nhà. Cháu Luizya ở đây giao cho một em 17 tuổi trông nom. Em này là con một người làm bánh ở với Luizya rất tốt. Hai năm nay, chính em ấy đã giúp Luizya mặc áo , đội mũ, đã dạy Luizya khâu vá và lúc nào cũng ở cạnh Luizya...
- A! Này! ...Luizya ơi! Mẹ con ở đây tên là gì? Luizya cười đáp:
- Catêrina, tử tế lắm!
Người gác theo hiệu bà giáo chạy đi một lúc thì có một cô câm điếc khoẻ mạnh, tươi tỉnh, tóc vàng, áo dọc đỏ và yếm xanh xuống. Trông thấy người lạ, đôi má ửng hồng, cô cuối đầu cười nụ.
Luizya chạy lại nắm tay Catêrina và nói:
- Catêrina.
Bác Giorđanô bèn bắt tay Catêrina và nói:
- Cảm ơn em. Ta chúc cho em và gia quyến em được hưởng phúc lành. Em hãy nhận lấy những lời chúc tụng thành thực của một người thợ, một người cha khốn khổ em ạ!
Cô bé chỉ vuốt ve Luizya không trả lời . Bà giáo nói:
- Ông có thể cho Luizya về ngay bây giờ.
- Xin phép bà cho cháu vè Côrđova, mai tôi sẽ đưa cháu lên. Luizya chạy vào đội mũ, khoác măng tô rồi ra với cha.
Trước khi ra về, bác Giorđôna có đưa một đồng tiền vàng xin cúng vào nhà trường, nhưng bà giáo không nhận, bỏ vào túi gilê Luizya và nói:
- Ở đây, chúng tôi không lấy một vật gì của ai cho cả. Và ông đã phí bao nhiêu mồ hôi nước mắt mới kiếm được đồng tiền... Chúng tôi rất cảm động về lòng chân thành của ông và xin cảm ơn ông .
Hai cha con chào bà giáo và dắt nhau ra. Ra đến đường, cô bé nhảy nhót kêu to:
- Hôm nay, trời đẹp quá!

53.- Đi ngoài phố
Thứ ba, ngày 30

Hôm kia, khi con ở trường câm về, con đã xô phải một người đàn bà. Lần sau, con phải có ý tứ hơn vì ở phố con cũng có bổn phận. Lúc ở nhà, khi ở trường, con đã giữ gìn cử chỉ của con được đứng đắn, cớ sao ra phố là nơi công chúng qua lại, con lại sao lãng? Con ơi! Con nên nhớ những khi gặp những người già nua, những kẻ nghèo khó, những đàn bà ôm dắt trẻ thơ, những kẻ tàn tật, những người khuân vác nặng nề, những người đầu tang tóc rối, con phải nhường bước.
Ta phải kính trọng tuổi thọ, cảnh cơ hàn, tình mẫu tử, cảnh tàn tật, sự lao khổ và sự tử vong.
Mỗi khi con thấy xe đến chân mà người ta không biết, nếu là người lớn thì con gọi bảo, nếu là trẻ con thì con chạy dắt vào.
Đứa trẻ kia đứng khóc một mình, con chạy lại hỏi han, dỗ dành hoặc chỉ bảo. Cụ già nọ đánh rơi cây gậy, con lại nhặt giúp. Gặp trẻ con cãi nhau, con đứng lại can ngăn. Gặp người lớn đánh nhau, con hãy tránh xa để khỏi phải nhìn tấn kịch thương tâm nó sẽ làm trơ rắn lòng con.
Gặp người bị trói giải qua đường, con không nên nhập bọn với những kẻ tò mò độc ác mà nhìn người ta, vì có khi họ là người oan uổng, vô tội.
Khi có đám ma đưa qua, đừng cười, nói với bạn con nữa, hãy ngả mũ chào, vì biết đâu ngày mai, nhà con cũng sẽ có người tạ thế.
Trông thấy những trẻ em trường Bà Phước xếp hàng đi qua, mù loà có, câm điếc có, què quặt có, mồ côi có, vô thừa nhận có, con nên giữ thái độ và tưởng tượng rằng đó là những số phận xấu số và những tấm lòng từ thiện của loài người đang diễn ra trước mặt con.
Có ai hỏi thăm đường, con phải trả lời cho có phép. Đừng chế nhạo ai, đừng chạy nhảy, đừng nô đùa, đừng hò reo, đừng xô đẩy, phải giữ luật đi đường. Con phải biết rằng chỉ liếc mắt trông qua cách cử chỉ của nhân dân đi ngoài phố mà người ta có thể xét đoán được trình độ giáo dục của cả một dân tộc. Ở xứ nào mà con nhìn thấy những điều thô bỉ ở ngoài đường, tất con sẽ nhìn thấy những điều thô bỉ ở trong nhà.
Nếu một mai con phải đi xa, con sẽ thấy hình ảnh thành phố con là nơi chôn nhau cắt rốn, là chốn quê hương của tuổi thơ hiển hiện luôn luôn trong óc con . Ở thành phố ấy, con đã tập đi những bước thứ nhất do tay mẹ con dắt ; ở thành phố ấy, con đã học bài thứ nhất do thầy con dạy, và ở đấy con đã làm quen với những người bạn thứ nhất trong đời con. Vậy con hãy yêu tỉnh thành con cùng là phố xá và dân sự, hễ ai nói động đến thành phố con, con phải hết lòng bênh vực.
Cha con.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 9 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.217.104.36 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (130 lượt xem) - Hoa Kỳ (4 lượt xem) - ... ...