Mỗi cơn giận luôn có một nguyên nhân, nhưng rất hiếm khi đó là nguyên nhân chính đáng. (Anger is never without a reason, but seldom with a good one.)Benjamin Franklin
Mỗi ngày khi thức dậy, hãy nghĩ rằng hôm nay ta may mắn còn được sống. Ta có cuộc sống con người quý giá nên sẽ không phí phạm cuộc sống này.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Chúng ta nên hối tiếc về những sai lầm và học hỏi từ đó, nhưng đừng bao giờ mang theo chúng vào tương lai. (We should regret our mistakes and learn from them, but never carry them forward into the future with us. )Lucy Maud Montgomery
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Khi gặp chướng ngại ta có thể thay đổi phương cách để đạt mục tiêu nhưng đừng thay đổi quyết tâm đạt đến mục tiêu ấy. (When obstacles arise, you change your direction to reach your goal, you do not change your decision to get there. )Zig Ziglar
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Mục đích cuộc đời ta là sống hạnh phúc. (The purpose of our lives is to be happy.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Hai Gốc Cây »» Phần III. »»

Hai Gốc Cây
»» Phần III.

Donate

(Lượt xem: 1.306)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Hai Gốc Cây - Phần III.

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Tiếng chuông xe kéo kính coong của chú Thận reo lên từ cửa ngỏ làm bà tham giật mình. Thì ra đã trưa, chồng về tới nhà rồi mà công việc làm chưa xong. Bầy lợn ủn ỉn sau chuồng cũng đang nhắc giờ cám, nhưng nồi cám cũng mới bắc lên bếp.

- Răng bữa ni thì giờ đi mau chi lạ…

Bà tham vừa nói để phân trần sự chậm trễ của mình vừa lo sắp đặt mâm cơm. Hôm nay người vợ làm món nem nướng cho chồng uống rượu trước khi ăn cơm. Bà tham có cái bí quyết riêng khi làm những món nem chả, bao giờ cũng giòn và thơm hơn mọi nơi. Ông tham vẫn tự hào bảo rằng ai ăn cơm nhà ông rồi thì khó lòng mà khen một người bếp khác. Những viên thịt heo giã mịn tròn, nhỏ, quét mỡ láng bóng được xóc từng bốn viên trong mấy cái lụi tre nhọn xếp trên đĩa đợi giờ nướng lên lửa. Giờ ông tham về, mặc dầu có hơi gấp nhưng nướng trước sẽ mất ngon, bát nước tương cũng do bà tham kho lấy. O Lý chỉ được cắt bánh tráng và làm rau sống mà thôi.

Không thấy vợ ra đón như thường lệ, ông tham đi thẳng tận nhà bếp để tìm.

- Mình mô? Em chơi không mình?

- Em ngủ, răng bữa ni mau trưa quá mình ơi.

Bà tham vừa trả lời vừa rửa vội bàn tay để lên nhà trên với chồng.

- Trưa mau là vì tiết Đại tuyết sắp hết, nay mai qua Đông chí rồi, tha hồ mà ngày ngắn đêm dài.

- Gần qua tiết Đông chí răng chưa thấy lạnh mình hỉ? Sáng ni chim khách còn kêu ỏm trên mấy cành lê trước sân.

Người đàn ông cau mặt sau câu hỏi của vợ, chim khách là loại chim nhỏ toàn mình màu đen, chỉ lớn độ gấp ba lũ chim se sẻ nhưng lại bé và thanh hơn loại sáo. Người miền Trung tin rằng khi loại chim ấy kêu trước ngõ nhà ai thì thế nào chủ nhà cũng nhận được tin lạ hoặc có bạn đến thăm. Mùa lạnh chim ít kêu chắc vì bận đi tìm nắng ở xứ khác, hoặc nghĩ rằng trời mưa ướt át chẳng ai có hứng thú mà đến thăm nhau nên chim cũng khỏi vất vả, bay lui bay tới để báo tin làm gì.

Đây chỉ là những sự tin tưởng huyền hoặc bắt nguồn từ trong dân chúng, theo kinh nghiệm bản thân của mỗi người, nhất là những người đàn bà sống cuộc sống quá trầm lặng. Đón tiếng chim để nuôi một chút hy vọng cho tâm hồn bớt vắng vẻ, rồi cứ thế, người này truyền sang người khác chẳng cần sách vở gì cả.

Quả thật, một thành phố bé nhỏ như thành phố Huế thì tin xa tới là cả một biến động, lành hay dữ cũng đáng được đón chờ. Lệ thường chim khách chỉ báo tin vui, những tin dữ dành cho lũ chim lợn, quà quạ hoặc cú mèo. Lũ chim này vừa lên tiếng kêu là đã bị người ra ném đá xua đuổi, nhưng chẳng bao giờ ai đi xua một chú chim khách.

Ông tham ngạc nhiên vì chim khách kêu phù hợp với bức công lệnh thuyên chuyển ông lên làm quản đạo trên một miền thượng du mà ông vừa nhận được sáng hôm nay.

Đổ thừa cho tiết Đại tuyết làm ngày ngắn đêm dài chứ sự thật hôm nay ông tham về sớm hơn mọi hôm để bàn bạc với vợ xem có nên đi hay không. Không muốn đi thì phải lo lễ mễ đến cụ Thượng bộ Lại mà năn nỉ xin cụ tìm cho người khác. Nếu bà tham chịu khó nhìn lên đồng hồ thì sẽ biết ngay.

- Đúng chi lạ mình hỉ, cứ mỗi lần chim khách kêu là có tin tới.

Nhưng người đàn bà cảm thấy phân vân, đi miền thượng du thì sẽ được tăng lương, thăng chức nhưng toàn là những miền khỉ ho cò gáy, ma thiêng nước độc. Mọi người sẽ cho đó là một sự bị đày, vì ở những chỗ núi rừng đó thì vui làm sao được. Đã thế mà ai về cũng bụng ỏng da vàng mang theo chứng sốt rét kinh niên, phải hàng chục năm mới dứt bệnh. Những lập luận ấy làm bà tham ngần ngại.

- Mình đã hỏi ý cậu chưa?

Ông tham lắc đầu hẹn chiều nay sẽ ghé qua bộ hỏi ý kiến cha và nhân thể thăm cụ bà, nghe cụ bị cảm.

- Hay là chiều ni mình xuống trước đi.

- Phải đó, em sẽ nấu cháo thịt bò xuống ép mạ xơi.

- Nhớ bồng Út đi theo cho ông nội bà nội thăm nghe mình.

Người vợ quay lại mỉm cười như để trả lời “sự ấy đã hẳn”, rồi vội vã đi ngay xuống bếp để nhìn lại mâm cơm một lần cuối trước khi dọn lên.

Ăn xong ông tham còn đi nghỉ trưa, bà tham còn lo nấu cháo rồi sửa soạn cho mình và cho thằng bé trước khi xuống cụ Thượng. Có thằng bé thế nào cụ bà cũng sẽ khuây khỏa mà bớt bệnh ngay. Cụ vẫn thích nghe nó đả đớt nói chuyện:

- Út con ai?

- Con ông Xam.

- Út cháu ai?

- Cháu chụ chượng.

- Sau lớn út làm chi?

- Làm chể chướng.

Một bận chẳng biết ai dạy mà thằng bé nhất định đòi làm vua, bà tham bịt miệng thằng bé không kịp, như thế tức là mang tội khi quân. Người trung thần đâu có quyền nghĩ đến những sự ấy.

Thằng bé thấy mẹ cấm lại càng nói, bà tham phải dọa nạt dỗ dành mãi nó mới chịu quên đi và xuống chức Tể Tướng. Riêng ông tham tuy không dám nói ra nhưng vẫn cười thầm, nhất là mỗi lần nghe một thằng bé khác cũng trạc tuổi ấy, con một ông bạn trong sở, khi người lớn hỏi sau này làm gì, thằng bé nhanh nhẩu trả lời “sau dớn dàm bồi”. Bố mẹ dạy mãi không được, ông tham cho là khẩu khí của mỗi đứa bé.

Nhà cụ Thượng trang hoàng tinh những thứ đồ gỗ quý nặng nề, phải mấy người mới xê dịch nổi. Những cái chóe, cái độc bình cổ, bằng sứ tráng men là kỷ niệm của những năm còn làm quan ở các tỉnh. Chung quanh treo hoành phi câu đối, trướng với liễn rực rỡ, chật cả bốn bức tường.

Mỗi khi lìa tỉnh cũ đổi sang tỉnh mới thì các quan thuộc dưới quyền hoặc các thương gia có nhiều ân nghĩa lại hùn chung tiền đặt những bức trướng trên gấm xanh gấm đỏ, thêu chữ kim tuyến vàng nổi, chung quanh có bát tiên hoặc rồng phụng.

Nhiều tiền thì chọn thứ gấm tốt, chỉ kim tuyến tốt, nên cả mấy chục năm mà chỉ và gấm vẫn còn giữ nguyên màu. Trái với những anh hà tiện không chịu bỏ thêm tiền ra thì bức trướng chỉ một vài năm là màu chữ xỉn xuống, gấm cũng mục dần, bị mấy con sâu con gián gặm hết hồ sau lớp vải lót, đẹp mấy cũng phải vứt đi.

Được cái may là trướng của cụ Thượng không phải bỏ nhiều, những bức trướng ca ngợi đức độ, sự quý phái hiển hách của gia đình như “Tướng môn xuất tướng” là ở cửa tướng thì chỉ ra những vị tướng, “Cao mại thức đức” là kẻ vừa có kiến thức lại vừa có đức độ… Đại loại những lời ca tụng ngắn như thế, nhưng nó tô điểm làm bật lên cả gian nhà mà bàn ghế toàn một loại gỗ gụ với trắc, mầu tối tăm.

Ngôi nhà rộng lớn, mái cong phủ rêu xám, tường dày đang chìm dưới bóng những cây cổ thụ già, âm thầm. Cũng âm thầm như cuộc đời mấy cô hầu bị bỏ quên trong gian phòng vắng lạnh.

Bà tham xuống xe kéo, tay bưng cái liễn cháo thịt bò còn nóng bọc gọn trong tấm khăn vuông trắng, theo sau có con bé ở bồng chú Út.

Vừa nghe có tiếng lao xao bên ngoài, nhất là cái giọng líu lo của thằng bé, cụ bà nhận ra con dâu và đứa cháu nội, cụ cho gọi vào ngay. Bà tham rón rén đặt liễn cháo lên bàn cạnh cái sập cẩn chạm, chỗ cụ bà đang nằm, xong rồi dẫn con đến trước mặt mẹ chồng bắt thằng bé vòng tay cúi đầu chào bà nội.

- Bẩm con có nấu liễn cháo nóng mang xuống để mạ xơi cho khỏe.

- Đặt bày ra, tau có đau ốm chi mô, xuống thăm là đủ rồi.

Bà tham nhất định nài nỉ đi lấy chén lấy thìa múc sẵn làm cụ hết cách từ chối.

- Thôi thì đưa đây, vì cái công của hai mẹ con mang xách.

Bà tham mừng sáng mắt, thấy cụ ăn một hồi hai chén, thằng cháu cũng được ăn ghé nửa chén. Vì bà tham làm bếp vừa ý cụ nên cụ mới ăn ngon lành như thế, lệ thường cụ vẫn khó ăn.

- Chỉ có chị nấu là vừa miệng mạ, ở đây mấy đứa hắn làm nuốt không xuống.

Bà tham dạ lí nhí hiểu ý cụ, mấy đứa ở đây là mấy cô hầu, giá đừng bận bầy con với bầy gà lợn thì bà tham đã xin đến ở hầu hạ mẹ chồng. Quan niệm hơi khác người, bà tham cho sự được bà mẹ chồng thương là điều sung sướng và đáng kiêu hãnh nhất.

Chờ mẹ chồng ăn xong, bà tham mang xuống đưa cho người lính hầu rồi mới lên thưa chuyện của ông tham với mẹ chồng.

- Mạ cũng không biết nói răng nữa, chúng bây đi xa thì mạ sẽ buồn, liệu mạ có còn sống để chờ ngày gặp lại. Nhưng nếu đó là bước đường công danh của hai vợ chồng thì có buồn có nhớ mấy cũng chịu. Mạ chừ già rồi, chỉ trông được thấy con cháu làm ăn phát đạt là mừng hơn hết.

Bà tham ngồi im lặng suốt buổi, chỉ thỉnh thoảng mới dạ đánh nhịp vài tiếng rất nhẹ. Sau cùng thấy mặt trời gần nhạt, bà vội vã đứng lên chắp tay xin phép ra về để còn lo bữa cơm chiều cho các con.

- Nhà con chiều ni xuống để hầu chuyện với cậu và để thăm mạ.

Nghe nói con trai sẽ xuống thăm mình, cụ bà mừng rỡ. Mặc dầu các con đã lớn nhưng đối với người mẹ thì ông nào bà nào cũng vẫn như thuở còn mặc quần thủng đáy chạy lon ton ngoài sân.

Phải chờ ý kiến của cụ ông mới dám quyết định, cả hai người đàn bà đều hoang mang.

Nếu đi thì từ nay ông tham sẽ thăng chức, rồi đây bà tham sẽ trở thành một bậc mệnh phụ tam tứ phẩm phu nhân chứ không phải chỉ là vợ một ông tham tầm thường nữa, mặc dầu ngày xưa cha của bà tham là ông Cử Lê đã từ chối không chịu ra làm quan vì chán nản con đường danh lợi. Ông Cử thường giảng dạy cho con cái về các học thuyết của Thiền Phật giáo và Lão giáo, thế nào là chân hạnh phúc. Khuyên các con nên tạo cho mình một cuộc sống bình thường thanh bạch hơn là đi tìm những sự đam mê xa hoa vật chất. Tất cả những cạm bẫy đều đưa người đến chỗ phiền não, nếu không thì cũng là một sự trống rỗng vô vị.

Lời khuyên của cha còn vang bên tai: “Người sung sướng không cần phải có võng lọng nghênh ngang, và những người có đầy đủ những thứ ấy chưa chắc họ đã sung sướng.”

Trên mười năm qua, người con gái chưa quên lời giảng dạy của cha, nhưng hai chữ mệnh phụ đã có một sức hấp dẫn lạ lùng. Mỗi lần thầm thì lên hai chữ ấy là người đàn bà phải cắn môi đè nén bớt những xúc động.

Cuộc đời không ngờ mà lại thay đổi, mười năm về trước, buổi sáng chủ nhật hôm ấy nếu bà tham không ghé vào hiệu Chân Thiện Mỹ để đổi tiền thì cuộc sống hôm nay sẽ có những gì?

Từ giã mẹ chồng, bà tham bế con cùng với đứa bé ở lên xe trở về nhà. Lúc xe kéo đi ngang con sông Hương, bà tham bảo người phu xe hãy chầm chậm, giá không bận về sợ các con mong thì bà sẽ xuống xe đi bộ một quãng.

Độ này qua mùa mưa nên nước sông trong xanh như màu lá, chảy dài chậm rãi, mênh mông và trầm lặng, cũng trầm lặng, cũng u buồn như đôi mắt của cô gái Huế, người ta bảo các cô gái Huế nhờ cha mẹ uống nước sông Hương, lớn lên uống nước sông Hương nên có đôi mắt đẹp. Ngày nào xa giòng sông thì đôi mắt cũng bớt quyến rũ.

Vào những buổi chiều bóng các cô lái mặc áo nối tay lả lướt chèo con thuyền nhỏ in hình xuống nước. Lẫn trong tiếng chuông chùa ngân nga vọng về, giọng hò cô lái đưa lên làm xé rách tấm lưới hoàng hôn, khua động cả giòng sông. Toàn những lời tình tứ mang nặng niềm oán trách nhớ thương một hình ảnh đi qua mà không trở lại.

Những chiếc thuyền hiện đến rồi chìm dần trong sương mù, chỉ còn văng vẳng âm thanh của giọng hò ơi xa xa.

Ngước nhìn lên phía núi, đỉnh Ngự Bình ẩn hiện trong đám khói chiều. Huế chỉ đẹp với những ai thích sự trầm lặng, kín đáo. Khách chơi đợi chiều về, thuê đò ngủ lại trên sông để thưởng thức cho đến cùng cực tài sắc của những ca nữ con đẻ của giòng sông. Đêm khuya nếu khách cảm thấy đói thì có những chiếc thuyền nan nhỏ bơi lại gần dọn cho khách nào chè, nào cháo, tiếng rao quà, tiếng gọi đò, tiếng hò mái đẩy lẫn trong giọng đàn nguyệt đệm theo khúc Nam ai, Nam bình của người ca nữ.

Giòng sông Hương thơ mộng như thế mà bắt buộc phải rời bỏ đi thì tránh sao khỏi bâng khuâng, nhất là với những kẻ từ thuở bé chưa hề xa Huế.

- Mệnh phụ.

Người đàn bà nhắc lại hai chữ ấy rồi thầm thì tiếp lời tạ lỗi với cha, nếu ông Cử còn sống hẳn ông sẽ là người khuyên con gái và con rể nên từ chối trước nhất.

Về đến nhà trời đã chập choạng tối, vì lên hai cái dốc Nam Giao hơi dài nên bà Tham bảo anh xe kéo thật chậm cho đỡ mệt. Biết rằng chồng sẽ ở lại ăn cơm với cụ Thượng nên bà tham không có gì phải hấp tấp, thỉnh thoảng mới được một buổi tối như thế này. Hôm nay chỉ có mấy mẹ con, chỉ cần hâm lại món ăn của buổi trưa, luộc thêm dĩa rau là đủ.

Mùi hương ngọc lan, hoàng lan pha vào tỏa thơm khắp vườn. Bà tham ăn xong ra ngồi trên phiến đá dưới hai gốc cây đợi chồng, cả lũ con cùng ra quây quần bên mẹ. Chỉ có Sơn là đứa con trai lớn nhất phải lo làm bài để mai còn đi học sớm.

Mai cũng bắt đầu vào trường nhưng cô bé hay làm nũng, những đứa con đầu lòng và cuối lòng vẫn được mẹ chìu nhất nên tính thường ít giống các anh em. Mai đã lên tám tuổi, nó khôn ngoan hơn các em và hay có tính mặc cảm tự tôn của người chị lớn.

- Chiều ni mạ đi mô răng không cho con đi với?

- Mạ xuống thăm bà nội.

Giọng Mai trách móc:

- Mạ cưng Út, chi cũng dành cho một mình Út, còn tụi con mạ không ngó tới, mạ bỏ mặc kệ ra răng thì ra.

Bà Tham lắc đầu ngán con bé hay lắm chuyện, bà khẽ dỗ dành con:

- Con lớn rồi, răng lại còn đi phân bì với em? Khi trưa mạ đi thì con đang ngủ. Út nhỏ, đi với mạ vì ở nhà hắn sẽ buồn, các con biết chơi với nhau chứ Út biết chơi với ai?

Con Mai vẫn không chịu thua:

- Mạ đi, ở nhà o Lý không biết xử kiện Lan với con gây nhau.

- Các con là chị em gái mà không biết thương nhau, cứ gây gổ hoài làm mạ buồn…

- Tại Lan là em mà hỗn, em thì phải biết vâng lời chị!

Lan đang mải chơi buôn bán với Cúc là em gái kế nó và hợp tính với nó nhất:

- Mời bà mua mở hàng cho tui, sáng ni tốt lắm.

- Ủa, bà ở mô tới, răng tui ngó quen?

- Tui ở Kỳ Ngộ Trang đó…

Kỳ Ngộ Trang là tên ông tham đặt cho ngôi nhà để kỷ niệm mối tình của hai vợ chồng. Đang buôn bán chợt nghe chị nó mách mẹ rằng mình hỗn, nó ngóc lên chẩu miệng một cái:

- Hỗn mô mà hỗn, ai biểu Mai ỷ thế làm chị ăn hiếp con với Cúc. Chị Mai nói cậu mạ đi khỏi thì chị là sếp, ai cũng phải nghe lời chị, rồi anh Sơn vẽ cho con nói sếp bó là xó bếp thành chị Mai giận.

Đúng y như lúc bắt đầu họp chợ, chỉ còn thiếu những tiếng oang oác của lũ vịt kêu trong lồng và tiếng rao hàng nữa là đủ âm thanh. Cổ nhân hẳn không ngoa, ba chữ “nữ” (女) hợp lại thành chữ “gian” (姦) thật là đúng, ngày nào cũng thế, người mẹ phải tìm cách giải hòa:

- Các con là chị em với nhau mà như sừng với đuôi, không có khi mô hòa thuận cho mạ mát ruột.

Con Lan reo lên sau câu nói của mẹ:

- Đứa mô sừng đứa mô đuôi chừ mạ?

- Chị là sừng, Lan với Cúc là đuôi.

- Mình là đuôi mình ngoắt ra trước đánh sừng, còn sừng chỉ biết đứng ì ra đó, Lan hí.

Con Cúc hùa với con Lan để nói trả lại chị, nhưng con Mai già dặn hơn:

- Sừng cứng lắm, đồ tụi bây là đuôi thì mềm xèo, chỉ có phủi bụi cho sừng chớ làm chi được!

Thế là chúng nó cãi nhau để xem sừng hơn hay đuôi hơn. Người mẹ lắc đầu chịu, không biết cách gì để giàn xếp cho các con thì có tiếng o Lý ở nhà bếp gọi ra:

- Mai Lan Cúc Trúc vô rửa chân đi ngủ!

- Còn sớm, cậu chưa về, chưa buồn ngủ O nợ!

Con Trúc lên giọng trả lời, rất ít nghe nó nói to trả lời ai cả. Nhà đặt tên nó là cục lì, đuổi ruồi không bay.

Nhìn lũ con gái, người mẹ không khỏi băn khoăn, rồi đây nếu đưa cả chúng nó lên xứ rừng thiêng nước độc, liệu chúng nó có đủ sức chống lại với khí hậu, với bệnh tật?

- Mệnh phụ…

Hai tiếng ấy thì thầm trong tai, người đàn bà cảm thấy ngây ngất, có phải vì mùi hoa trong đêm trở nên nồng nàn hơn đó chăng?

Vườn nhà này được cả xóm khen thơm, ai đi ngang cũng phồng ngực thở nhờ vài cái. Có những kẻ tin dị đoan hoặc ganh ghét còn dọa rằng, vườn thơm quá tất sẽ có ma, vì ma cũng thích hương. Điều này cả hai vợ chồng ông tham đều không tin, vả lại nếu ma có thích, hẳn cũng không vì thế mà ma lại đi chọc ghẹo người. Bắt người ốm yếu bệnh hoạn thì còn sức đâu mà săn sóc cây cho ma chơi, đấy là lập luận của ông tham. Bà tham chỉ chuộng những thứ hoa thơm như hoa mộc, hoa thiên lý, oanh trão, ngọc lan, ngoài ra đến độ gần Tết thế nào cũng có thêm giống thược dược. Nhất là thứ thược dược màu nhung tím, được trồng nhiều vì hoa nhắc nhở đến những kỷ niệm cũ.

Suốt bốn mùa không lúc nào ngừng hoa và hương, ngày lập khu vườn cho Kỳ Ngộ Trang, bà tham đã tự mình đứng lên trông nom tất cả, từ việc chiết từng cành, đặt từng gốc cây. Không phải ai cũng trồng được cây và cây chịu sống, chỉ những người có tay trồng cây, cũng như tay làm mắm làm dưa. Lắm bà làm gì cũng ung thối, cũng như lắm kẻ trồng cây nào chết cây ấy, hái quả nào là mùa sau cây bị tuyệt tự, dỗi không thèm ra quả nữa.

Theo bà tham, những kẻ ấy không có lòng, không chân thành với đời, với cây và cỏ cây nếu không nói được nhưng có một lối cảm thông riêng.

Đấy cũng là một trong những mối dây đã buộc hai vợ chồng ông tham lại gần nhau hơn.

- Mệnh phụ…

Hai chữ vẫn còn vang trong tai, rồi đây trên tất cả các sớ điệp, giấy tờ sẽ có những chữ được viết bằng mực đen lên son thắm “Lê thị Huyền Ngọc, mệnh phụ tứ phẩm phu nhân”. Người đàn bà nghe hai tai mình nóng lên và tim đập rộn ràng hơn. Các con trai sẽ được gọi là công tử và các con gái là tiểu thư, cách giáo dục càng phải khuôn phép chặt chẽ hơn.

Mặc dầu bà tham không phải loại người ham danh lợi, nếu có ai bảo được làm mệnh phụ mà gia đình tan nát mất hạnh phúc, hoặc chồng con bệnh hoạn thì người đàn bà sẽ xin từ chối ngay. Thà tiếp tục sống cuộc đời hiện tại với chồng con và mảnh vườn nhỏ mà bình yên; nhưng cái tin thay đổi này đã đến nhẹ nhàng chứ không gợn sóng gió, mỗi người đều có một thời, và cờ đến tay sao lại không phất, biết đâu hôm nay chẳng là thời của vợ chồng nhà ông tham.

Ngày mai, người đàn bà định bụng sẽ dậy sớm mang hương đèn sang nhà ông thầy áo đỏ xin một quẻ gia sự. Đi bói sớm bao giờ cũng thiêng hơn là để trưa, nhiều người đến hỏi làm vẩn đục tâm trí thần linh.

Lũ trẻ con đã ngoan ngoãn vào nhà rửa chân đi ngủ từ lâu, trong vườn vắng lặng, ông tham chưa thấy về. Bà tham bảo người nhà cứ khóa cửa như lệ thường, vì đã có bà thức mở cửa cho chồng.

Người đàn bà ngồi bó gối ngước mặt nhìn sao, dưới gốc cây giờ này không còn nghe tiếng chim nào nữa, tất cả đều ngủ say.

Lâu lắm mới có những phút rỗi rãi như thế này, không phải lo nợ nần, không phải lo chồng con đau ốm mà lại còn được ngồi một mình tự do suy nghĩ, thả tư tưởng chìm về dĩ vãng hay mơ chuyện tương lai.

Bổn phận làm vợ và làm mẹ quả thật đã nặng nề, từ khi lấy ông tham, người đàn bà hầu như không còn biết đến cá nhân mình nữa. Ngày còn là con gái, tuy gia đình nghèo, phải lo đủ mọi việc, mà độ ấy bà tham vẫn thấy mình đủ thì giờ mỗi đêm để ngồi ngước mặt đếm sao như thế này.

Bà tham là con gái lớn nhất của ông cử Lê, một loại sĩ phu vừa khí khái, vừa khinh đời, đầu óc chỉ có toàn những triết lý Khổng Mạnh. Ngày còn trẻ tuổi, ông đã có chân trong đảng Văn Thân, chuyên đọc làu làu bài hịch Bình Tây Sát Tả, nhất định đòi đuổi Tây để bảo vệ đạo lý cổ truyền. Đi theo nhà cách mạng Phan Đình Phùng ra trốn ở Hà Tĩnh, sau này thấy công việc của nhà ái quốc khó thành, lòng người chỉ thiết danh lợi. Quân Pháp lại hùng mạnh và văn minh hơn, mà bên trong còn có những người như Trương Quang Ngọc, Nguyễn Đình Tình, ham danh ham tiền, bắt cả vua đi giao cho người Pháp. Ông cử Lê chỉ còn một phương pháp tiêu cực nhất là rút về Huế lập gia đình, sống cuộc đời ẩn dật, vùi sâu kỷ niệm.

Ngoài văn thơ và trồng trọt, ông nhất quyết nhắm mắt bịt tai, suốt ngày ở ngoài vườn, rồi thì dạy bảo các con, cố gây cho chúng nó cái ý thức tránh phù hoa, tránh danh vọng nhất thời.

Ông chết đi, cả gia đình vẫn tiếp tục sống như thế, năm Ngọc mười bảy tuổi, bà mẹ theo lời dặn của chồng, gả cho một thanh niên con của ông bạn đồng chí ngày trước. Hai người chưa bao giờ gặp mặt nhau, chồng Ngọc muốn nối chí cha, trở ra Hà Tĩnh hoạt động, định lập một phong trào khác nhưng lâm bệnh dọc đường rồi chết.

Ngọc góa chồng năm mười tám tuổi, bà mẹ cho rằng đấy là tại số, và Ngọc trở về sống lại cuộc sống của người con gái, tưởng rằng đời mình thế là yên vì “liệt nữ bất giá nhị phu”. Cho đến ngày gặp ông tham Hải…

Gần một giờ sáng ông tham mới về đến nhà, thấy vợ còn thức để mở cửa cho mình, ông tham rất bằng lòng. Người đàn ông Việt Nam vẫn thích hành hạ vợ con như thế.

- Mình chưa buồn ngủ à?

- Em chờ mở cửa cho mình, thấy mình về trễ em bắt đầu lo, có chi không mình?

- Có chi mô, cậu khuyên nên đi, ăn Tết rồi đi liền thì vừa, rứa là chỉ còn độ hơn một tháng nữa, mình liệu mà sửa soạn.

- Mình có đói không, để em đi pha sữa.

- No gần chết.

Người vợ hơi ngạc nhiên, lệ thường những khi đi về khuya, bao giờ ông tham cũng đòi ăn uống.

- Trên nớ chừ chắc lạnh lắm mình hỉ, em phải lo may áo bông cho mấy đứa. Mà bữa ni răng mình ăn cơm trễ rứa?

- Anh không ăn cơm với cậu, nói vừa dứt câu chuyện thì cậu có khách, anh vô thăm mạ một chút rồi đi với mấy người bạn tới ăn tiệc ở nhà bà Bảo Lộc.

- Rứa mà em không biết chi cả, cứ tưởng mình hầu cơm cậu.

Ông tham cười bí mật:

- Bữa ni nhà bà Bảo Lộc có đại yến, tiếp vị hoàng tử Hoa Kỳ.

- Ủa Hoa Kỳ có vua chúa chi mô mà có hoàng tử mình?

- Rứa mới lạ.

Rồi ông tham bắt đầu tỉ mỉ kể cho vợ nghe, bà Bảo Lộc, chủ hiệu cầm đồ lớn nhất ở Thần Kinh, mọi người đều biết. Ngay cả những gia đình quan quyền cũng phải đến hỏi vay mượn mỗi khi có việc cần tiền. Với những chỗ ấy thì bà chủ không lấy lãi, tiền lãi thu ở mấy anh nghèo đến cầm đồ và bán đắt bán rẻ những món người ta cầm quá hạn đã đủ lắm rồi, với các quan, bà cần phải dựa thế. Còn gì kiêu hãnh hơn khi trong câu chuyện mà nhắc đến tên một vị quý tộc bằng giọng thân mật, không cần khai rõ, nhưng người nghe chuyện cũng thừa hiểu rằng vị ấy là con nợ của bà chủ.

Bà Bảo Lộc mới ngoài năm chục nhưng phấn son nhiều và ăn uống tẩm bổ quá dư nên béo tốt, phương phi, da thịt căng thẳng, thắp đuốc tìm cả giờ đồng hồ cũng không thấy một nếp nhăn. Mặt mày thân thể trẻ thì tính nết cũng trẻ theo, bà rất thích những buổi họp vui với những thanh niên đứng đắn, lịch sự như cánh ông tham.

Trong khi mọi người còn giữ thói cổ lỗ, thì cánh các ông này nhờ chung đụng giao thiệp nhiều với văn minh Âu Tây nên lúc nào gặp cũng không quên tìm những lời ngợi khen rất đẹp lòng bà chủ. Chẳng hạn như “Sử sách chép láo cả, nói là Hằng Nga ăn cắp thuốc trường sinh của Hậu Nghệ, sự thiệt bà chị đã giựt được trên tay Hậu Nghệ, bà chị trẻ chi lạ”. Một hôm khác đến thì nằng nặc đòi bà chị cho đàn em xin cái “rờ xết” nớ.

- Rờ xết là cái chi, anh ni tặc ngụy lắm nữa!

- Dạ rờ xết là bà chị làm răng mô ngó cũng như hai mươi tuổi đó!

Ngoài ra còn có những câu tầm thường, bữa ni bà chị có se mình răng ngó hơi ốm đi! Vì bà cân gần một tạ nên nghe khen gầy bà mừng vô cùng, thế nào bà cũng tíu tít giữ cho được người ấy phải ở lại ăn cơm với bà để hứng thêm vài câu khen lịch sự.

- Bữa ni có yến chưng với bồ câu hột sen ngự đó, anh tham phải ở lại ăn với tui cho vui.

Lệ thường anh tham với mấy người bạn ít từ chối, sự thật bà cũng có một thời gian nhan sắc chìm chim lặn cá. Đi ở làm con sen trong một hiệu cầm đồ, nhờ tính thông minh vặt, bà đã học được tất cả những mánh khóe của nghề ấy. Sau đấy lại nhân tình với ông chủ hiệu và cả thằng xe của ông chủ, có một đứa con nhưng không biết là con ai, cố nhiên là thằng xe xúi bảo cứ gân cổ lên đổ cho ông chủ.

Đấy là tất cả những bước thang vinh hiển của bà chủ cầm đồ giàu nhất Thần Kinh, còn những sự sang trọng phú quý thơm tho thì do tiền dạy. Cái cột nhà cháy mà nhét tiền vào mãi, thì rồi lâu nó cũng biến thành một cái cột chạm trổ trong cung điện, huống hồ là một người thông minh láu lỉnh như con sen nhà ông chủ hiệu cầm đồ ấy.

Muốn cho quá khứ của mình được hoàn toàn gột rửa, bà chủ chỉ giao thiệp với toàn những người giòng dõi quý phái. Biết rõ nhược điểm ấy và vốn tính hay nghịch, ông tham hẹn sẽ nhờ bà mời các bạn một bữa đại tiệc.

Chương trình ông tham sắp đặt, là đến nhà bà chủ báo tin có một vị hoàng tử xứ Hoa Kỳ, nhân dịp đi du lịch vòng quanh thế giới ghé lại Sài Gòn và có ý định sẽ ra viếng đất Thần Kinh. Hoàng tử đã giàu mà lại hoàng tử xứ Hoa Kỳ nữa, chắc phải quý phái đài các lắm.

Bà chủ hiệu cầm đồ nghe ông tham nói, cứ nhất định bắt làm sao cũng phải mời vị hoàng tử ấy đến cho bà được chiêm ngưỡng dung nhan, đồng thời để khoe với vị hoàng tử Hoa Kỳ ấy sự sang trọng sung túc của một nhà giàu xứ Huế.

Ông tham hẹn ngày, rồi đi tìm một người bạn Pháp ở Sài Gòn mới ra, bảo hắn diện thật sang, nói trẹo cái giọng đi một tí để đóng vai ấy. Cố nhiên là bà chủ đã không phụ lòng ông tham. Nhà cửa trang hoàng rực rỡ, buổi yến toàn những món ăn cầu kỳ, nem công chả phụng. Riêng phần bà chủ cũng đặt một chiếc áo gấm thượng Hải đắt tiền nhất, chân mang đôi hài thêu bằng chỉ vàng thật, tay đeo tám chiếc nhẫn kim cương.

Tối hôm ấy, ông tham và mấy người bạn, kể cả vị hoàng tử Hoa Kỳ được một bữa yến sang trọng hơn bữa yến vua ban gấp mười lần. Ông tham còn nói dóc rằng hoàng tử mới có vào yết kiến Hoàng đế Bảo Đại chứ cũng chưa gặp các vị Thượng thư, làm bà chủ sướng tít cả mắt, thấy mình được ưu tiên.

Bà tham Hải đã quá quen thuộc với cái tính nghịch ngợm quỷ quái của chồng nên chỉ cười trách yêu:

- Anh quỷ vừa vừa với, lo tu tỉnh còn để phước cho các con, con gái nhờ đức cha đó, anh liệu đi.

Nhưng ông tham không thể nào chừa được tính nghịch ngợm của mình. Ông nghiện thuốc lá nặng cũng chỉ vì nghịch, chuyên viết thư tình cho các bạn trai, cái tài văn chương đã giúp ông khỏi tốn tiền mua thuốc, các bạn muốn được việc thì lại đến nhờ ông.

Một lần sự nghịch ngợm đi quá xa, đến nỗi cụ Thượng phải gọi xuống quở cho một trận, bảo từ nay có chơi thì phải “nhắm em xem chợ”.

Chuyện bắt đầu rất tầm thường, ông tham với một người bạn đi chơi ngang nhà một thiếu nữ đẹp. Thấy bóng hồng thấp thoáng, người bạn hét lên “Chao ôi, người hay tiên mà đẹp rứa!”

- Thằng xe nhà tui quen đó, thấy hắn hay tới mượn đồ sửa xe.

Người bạn mừng rỡ, nhất quyết về viết một bức thư để ngày mai bảo thằng xe đưa hộ.

Thư qua thư về, tất cả đều do ông tham đọc và trả lời, chỉ có thằng xe là vui nhất vì được tiền uống rượu luôn. Cho đến một hôm, ông bạn nóng lòng xin được hội kiến dung nhan, người đẹp cố nhiên là phải tìm cớ thoái thác. Ông bạn tức quá, thôi thì ba bảy cũng liều, cứ đến mở cửa vào bừa, trong nhà bị gia đình người đẹp mắng cho một trận. Bố người đẹp còn tốc xe lên mách với cụ Thượng.

*********


Đợi cụ Thượng làm lễ Khai Ấn xong thì gia đình ông tham mới lên đường. Lễ Khai Ấn là lễ mở tráp lấy các thứ triện son, giấy bút ra để bắt đầu làm việc. Phải chọn ngày và giờ thật tốt, thật hợp với tuổi của chủ nhân, như thế thì quanh năm công việc mới trôi chảy. Đấy cũng là một tục lệ từ xưa, do các quan Tàu truyền lại. Có nhiều người không theo, nhưng cụ Thượng là người vừa mới vừa cũ, vẫn muốn chọn cái hay, cái tốt để gìn giữ, cụ rất sợ sau này quá theo văn minh Âu Tây thì nước Việt sẽ mất đi chăng, vì nếu cứ tiếp tục bị đô hộ mãi thì cái giống Việt Nam khó mà đứng vững.

Cụ Thượng là người đã theo học chữ Pháp trước nhất nhưng cụ cũng là người lên tiếng khi thấy có nhiều gia đình đặt tên con phải thêm chữ “Rọt” với chữ “Hăng-ri”. Không tán thành cái thứ lai căng nửa mùa, cụ rất hài lòng khi thấy con trai đã nghe lời mình, bỏ hẳn ý định làm việc với người ngoại quốc, ra sống ở ngoại quốc. Cụ bảo rằng cái quân vô nhân vô nghĩa, nó muốn đi đâu nó đi, làm gì nó làm, nhưng người quân tử, người hiểu biết vẫn nên phải ở lại đó mà gìn giữ đất nước, giúp ích cho đồng bào xứ sở.

Từ giã “Kỳ Ngộ Trang”, giao nhà và những gốc cây cho một người bà con trông nom, bà tham đã khóc đỏ mắt. Ông tham cũng thấy lòng nao nao, không nao lòng sao được, khi phải từ giã một nơi do bàn tay mình xây dựng lên tất cả, bao nhiêu vui buồn đều xảy ra ở đấy.

Chỉ có mấy đứa trẻ là vui khi nghe nói đổi chỗ mà lại đi xa, mặc dầu trước khi đi bị bà tham nhồi vào đầu một mớ, nào luân lý, nào cách đối xử, cách ăn ở thế nào cho khỏi bị chê cười. Chẳng đứa nào nhớ lấy nửa câu, chỉ có người mẹ là phải uống một cốc nước đầy sau khi giảng xong lớp luân lý cho các con.

Chiếc xe “Ford” vuông vức như cái thùng gỗ, chất đầy ngập những thứ cần thiết như thuốc men, thức ăn dọc đường và quần áo ấm cho cả gia đình chín người, bốn người lớn và năm đứa trẻ con.

Bé Trúc ở lại đợi mẹ về đón đi chuyến sau, vì còm cõi mà lên trên ấy ngộ nhỡ đau ốm thêm thì sẽ không ai săn sóc.

Ông tham trù phải đi ít nhất là năm ngày vì muốn nghỉ ngơi lại mỗi nơi để xem phong cảnh và muốn cho các con khỏi mệt, vì chưa đứa nào đã từng đi xe.

Càng xa Kinh đô, đường đi càng ngoằn ngoèo hiểm trở, nhất là khi trèo lên mấy cái đèo, xe lại càng phải ì ạch hơn, tài xế chỉ cho xe chạy số một và số hai, thỉnh thoảng lại mời cả nhà xuống cho xe bớt nóng máy.

Đèo Hải Vân đi vào lúc trưa mà mây còn trùm lên chóp núi. Lũ trẻ chỉ mong ngừng ngay chỗ có mây để nhìn lên trời xem may ra có thấy tiên, đứa nào cũng tiếc không mang theo những hộp sắt cho kín mà nhốt ít mây mang về nhà chơi. Chúng ngỡ rằng mây cũng như sợi bông gòn, ở nhà mẹ vẫn lấy chấm thuốc cho mình mỗi lúc chạy chơi bị ngã chảy máu.

Mặc dầu phong cảnh hai bên đường, chỗ hùng vĩ, chỗ thơ mộng rất gợi hứng, nhưng cả hai vợ chồng ông tham chẳng có bụng dạ nào để nhìn, để ngắm.

Cả hai đều hoang mang, vừa nghĩ đến tương lai và nhớ ngôi nhà với mấy gốc cây, nhất là hai gốc bồ đề và gốc sanh, nhớ bà con láng giềng, cha mẹ, nhớ con bé Trúc.

Cả cụ ông cụ bà đều khóc, lo sợ rồi đây không biết còn có ngày gặp lại, các bạn bè mỗi người đến thăm đều có mang theo một gói quà, gọi là để tiễn chân.

Bà tham chỉ tội nghiệp nhất là con bé Trúc, lần đầu tiên được đứng chung với mọi người, được rửa mặt mũi tay chân sạch sẽ vì sợ khách khứa chê cười. Con bé sung sướng cho đó là một ngày quá vui, vì được các chị dúi bánh, dúi đồ chơi vào tay, được mẹ hôn lên má và được bố nhìn bằng đôi mắt dịu dàng.

Người mẹ cảm thấy hối hận, tại sao lại lấy cớ nó bệnh để cho nó ở lại làm gì, đằng nào cũng do mình rứt ruột đẻ ra, nhưng cảm tình là một cái bánh, càng đông người đến chia thì phần bánh phải cắt nhỏ lại, người này dành miếng to thì người kia tất phải chịu miếng nhỏ hơn… Đấy đã hầu thành một định luật chung trong tất cả mọi gia đình đông con.

Nhà ông tham thế là còn ít, có lắm gia đình lại còn thù ghét đứa bé, tin rằng sự có mặt của đứa bé chỉ mang thêm phần xui xẻo. Muốn cho bớt xui, cả nhà phải hùa nhau mà mắng chửi hoặc mang cho người này, người khác. Đứa bé chẳng hiểu gì, tính nết lại càng lì lợm dễ ghét hơn, cái vòng lẩn quẩn không bao giờ ra thoát.

Bà tham tự hứa lên thu xếp chỗ ăn ở xong xuôi là sẽ trở về đón con bé ngay, chứ không để cho nó phải chịu xa các anh chị nó quá lâu, sợ nó buồn rồi cũng lại sinh ốm tội nghiệp.

Suốt mấy ngày đi và cả những đêm ngủ lại ở công quán, hai vợ chồng ít khi chuyện trò với nhau. Công quán là một lữ xá của chính phủ đặt ra để cho các nhân viên lúc đi đường khỏi phải lo vấn đề nhà trọ.

Cuộc sống từ nay đảo lộn, một biến chuyển quan trọng ở trong đời. Có những kẻ từ bé đến ngày vào hòm không hề di chuyển, đầu óc chỉ chụp lại mang xuống mồ một thứ phong cảnh quen thuộc, nếp sống bằng phẳng nguyên vẹn.

- Văn minh cũng lạ mình hỉ, ngày xưa muốn đi mô, thì chỉ có mấy thứ cáng hoặc võng hoặc xe ngựa, qua đèo qua núi, những chỗ vắng còn sợ ăn cướp.

Bà tham hưởng ứng lời chồng:

- Chừ cả nhà mình chất hết trong một cái xe đi có mấy ngày là tới nơi, kể cũng tiện lợi.

- Bốn ngày là tại mình cưng xe sợ nóng máy, sợ mệt, không thì còn mau hơn nữa.

Người vợ ngước nhìn chồng bằng đôi mắt biết ơn, nhờ chồng từ nay được sống thêm cuộc đời khác, mọi người sẽ không còn gọi vợ chồng bà là ông tham với bà tham nữa. Một chức vị mới, một tên mới sẽ được thay thế, chức Quản Đạo, ông tham sẽ được gọi là quan đạo, bà tham là bà Đạo, rồi tương lai cứ thế mà tiến lên. Với một người có chí và có tài như ông tham thì chẳng mấy lâu nữa đâu, bà tin chắc như thế.

Để tự an ủi sự phải đi lên chỗ khỉ ho cò gáy, ông tham bảo rằng thà như thế, ở xa các vị quan trên, khỏi bị vợ quan hành hạ bắt mua nước mắm, mua gạo giùm. Lệ thường các phu nhân vẫn hay lợi dụng, đàn bà đến mấy kiếp cũng không khác và không thay đổi. Nghe phủ nào, huyện nào có gạo thơm hoặc một món gì đặc biệt là nhờ quan phủ, quan huyện mua hộ. Mua nhiều mà rồi chẳng lẽ lại gửi kèm theo hóa đơn, có gửi cũng chưa chắc các bà đã biết đọc. Về nhà đợi dài cổ, chẳng bao giờ nghe nói đến sự trả tiền, lại chưa kể rằng mấy tháng sau ăn hết, phu nhân lại nhờ mua kỳ khác.

Người ta trách sao các quan hay ăn tiền, lý do chỉ quanh quẩn có thế, số lương không bao nhiêu, nếu không ăn tiền thì lấy đâu mang đút cho quan trên. Xã hội xây dựng trên nguyên tắc ấy, quan bé đút miệng quan lớn, cuối cùng là thằng dân đen cong lưng ra chịu trận, chịu cho đến bao giờ chịu hết nổi thì chết.

- Mình có biết mẹ quan huyện đi cáng không?

- Mình kể đi.

- Ngày xưa, thời chưa có xe như của mình, có một ông quan huyện rất hiếu thảo, muốn mẹ được nhìn cảnh phú quý của mình, mới gởi hai tên lính lệ về quê cáng mẹ lên. Cụ cố chưa bao giờ đi đâu ra khỏi thôn mà phải dùng đến cáng, nên chưa biết cách nằm cáng ra sao. Nghe con trai mời lên cáng, cụ tưởng phải bám lấy cái đòn cáng. Một lúc sau mỏi quá, cụ rên hừ hừ “không biết đi đứng chi cho khổ, làm quan có sung sướng chi mô, thà hắn cho tao đi bộ”.

Hai tên phu cáng ngạc nhiên mở trướng gấm ra nhìn mới hiểu sự tình, mời cụ nằm xuống dưới. Lúc bấy giờ cụ mới thấy làm quan là sướng.

- Chuyện của mình khi mô cũng chỉ có chừng nớ.

Rồi người đàn bà im lặng, ý nghĩ hướng về đứa con gái đang thui thủi một mình ở nhà, không biết phút này có nhớ chị nó. Bà tham cảm thấy có gì buồn, hối hận, tại sao mượn cớ nó ốm yếu để bắt nó ở lại. Hẳn con bé sẽ ngạc nhiên, nhà đang đông đảo sao bỗng trở nên vắng lặng, tất cả mọi người đều bỏ đi.

Bà tham không ngờ rằng con bé từ trước đến giờ đã quen với cuộc sống thui thủi ấy, ăn một mình, chơi một mình, ít khi được gần bố mẹ nên nó cũng chẳng biết gì mà thương mến.

Suốt ngày con bé chạy sang nhà láng giềng, có ai chơi thì chơi với, không thì nhặt các thứ gỗ về để một đống, hái lá cắm lên làm núi. Múc nước trong cái lon sữa bò để làm soong. Chơi nhà láng giềng chán, lại chạy sang nhà mình, cứ thế đến giờ ăn thì có người gọi đến cho ăn xong rồi lăn ra đất ngủ.

Nó sống không cần ai ngoài kẻ cho nó ăn mỗi ngày, ngày một gầy còm hơn, thì ra loài người khác loài vật ở một điểm ấy. Loài người cần được những cái vuốt ve, những câu nói ngọt ngào. Thú vật không bị ràng buộc bằng những thứ ấy, con thú khi biết đi biết chạy là có thể tự tìm lấy mồi cho mình, khỏi nhờ đến cha mẹ.

Hẳn vì thế mà loài người phải đặt ra hôn nhân, bắt hai người phải cưới nhau, phải ăn ở với nhau mãn đời để nuôi những đứa con mà họ đã cùng làm ra đó. Bé Trúc không nhớ cha mẹ, có người ác, thấy nó chạy chơi ngoài đường chặn lại hỏi “Mạ mô?” Nó trả lời: “Mạ đi rồi.” Nếu họ hỏi thêm mẹ nó đi đâu, nó sẽ mở tròn mắt đáp gọn hai chữ “Không biết”, rồi bỏ mặc kẻ tò mò ngơ ngác đứng đấy, nó đi tìm đồ chơi, không hề thắc mắc.

Nhìn nó càng ngày càng gầy teo, một hôm cụ Thượng bà nóng ruột thương cháu, cụ gửi thư lên bảo hai vợ chồng con trai, có nuôi thì nuôi, không thì giết nó đi chứ không nên để như thế. Bà Đạo biết mẹ giận, vội vã trở về đón, con bé lại được gần cha mẹ.




    « Xem chương trước «      « Sách này có 5 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.138.69.28 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (228 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...