Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Phải làm rất nhiều việc tốt để có được danh thơm tiếng tốt, nhưng chỉ một việc xấu sẽ hủy hoại tất cả. (It takes many good deeds to build a good reputation, and only one bad one to lose it.)Benjamin Franklin
Điều quan trọng nhất bạn cần biết trong cuộc đời này là bất cứ điều gì cũng có thể học hỏi được.Rộng Mở Tâm Hồn
Kẻ bi quan than phiền về hướng gió, người lạc quan chờ đợi gió đổi chiều, còn người thực tế thì điều chỉnh cánh buồm. (The pessimist complains about the wind; the optimist expects it to change; the realist adjusts the sails.)William Arthur Ward
Hãy lặng lẽ quan sát những tư tưởng và hành xử của bạn. Bạn sâu lắng hơn cái tâm thức đang suy nghĩ, bạn là sự tĩnh lặng sâu lắng hơn những ồn náo của tâm thức ấy. Bạn là tình thương và niềm vui còn chìm khuất dưới những nỗi đau. (Be the silent watcher of your thoughts and behavior. You are beneath the thinkers. You are the stillness beneath the mental noise. You are the love and joy beneath the pain.)Eckhart Tolle
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Hãy tin rằng bạn có thể làm được, đó là bạn đã đi được một nửa chặng đường. (Believe you can and you're halfway there.)Theodore Roosevelt
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Học vấn của một người là những gì còn lại sau khi đã quên đi những gì được học ở trường lớp. (Education is what remains after one has forgotten what one has learned in school.)Albert Einstein
Con người chỉ mất ba năm để biết nói nhưng phải mất sáu mươi năm hoặc nhiều hơn để biết im lặng.Rộng Mở Tâm Hồn

Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa »» PHẨM THỨ NHÌ »»

Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa
»» PHẨM THỨ NHÌ

Donate

(Lượt xem: 5.025)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa - PHẨM THỨ NHÌ

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

PHẨM THỨ NHÌ
THUYẾT PHÁP


(Phần chánh tông)

Lúc ấy, Đại Bồ Tát Đại Trang Nghiêm cùng với tám mươi ngàn vị đại Bồ Tát khác đọc kệ khen Phật như vậy rồi, cùng nhau bạch Phật rằng: "Bạch Thế Tôn! Chúng con cả thảy tám mươi ngàn Bồ Tát, nay đối với giáo pháp của Như Lai có chỗ muốn thưa hỏi, chẳng biết Thế Tôn có rủ lòng thương mà nghe chăng?"

Phật bảo Bồ Tát Đại Trang Nghiêm và tám mươi ngàn Bồ Tát ấy rằng: "Lành thay, lành thay! Thiện nam tử, khéo biết đúng lúc thưa hỏi, hãy cứ tùy ý. Còn chẳng bao lâu Như Lai sẽ nhập Niết-bàn. Ta sẽ khiến cho sau đó chẳng còn ai nghi ngờ gì nữa. Như [các ông] có điều muốn hỏi, ta sẽ nhân đây mà giảng giải cho."

Liền đó, Bồ Tát Đại Trang Nghiêm và tám mươi ngàn Bồ Tát đồng thanh bạch Phật rằng: "Thế Tôn! Bồ Tát muốn mau thành quả Phật nên tu hành những pháp môn nào? Những pháp môn nào có thể khiến Bồ Tát mau thành quả Phật?"

Phật bảo các vị Bồ Tát rằng: "Thiện nam tử! Có một pháp môn có thể khiến Bồ Tát mau thành quả Phật. Nếu Bồ Tát nào học pháp môn ấy, có thể mau thành quả Phật."

"Bạch Thế Tôn! Pháp môn ấy gọi tên là gì? Ý nghĩa như thế nào? Bồ Tát phải tu hành như thế nào?"

Phật dạy: "Thiện nam tử! Pháp môn ấy gọi là Vô lượng nghĩa. Bồ Tát muốn tu học pháp Vô lượng nghĩa ấy, nên quán sát hết thảy các pháp: từ xưa cho đến nay tánh tướng vốn không tịch, chẳng lớn chẳng nhỏ, chẳng sanh chẳng diệt, không phải trụ, không phải động, không tiến, không lùi, giống như hư không. Chẳng hề có hai pháp, nhưng chúng sanh hư vọng chấp kể rằng: đây là cái này, đây là cái kia, thế này là được, thế này là mất... khởi lên ý nghĩ chẳng lành, tạo ra những nghiệp dữ, luân hồi trong sáu nẻo, chịu mọi thứ khổ độc. Trải qua vô lượng kiếp, không thể tự ra khỏi được. Bồ Tát quán xét thật kỹ như vậy, sanh lòng thương xót, phát tâm đại từ bi, muốn cứu bạt hết thảy khổ nạn.

"Rồi lại quán sâu vào hết thảy các pháp: pháp tướng như thế này, sanh ra pháp như thế này; pháp tướng như thế này, trụ pháp như thế này; pháp tướng như thế này, biến đổi pháp như thế này; pháp tướng như thế này, hoại diệt pháp như thế này. Pháp tướng như thế này có thể sanh ác pháp; pháp tướng như thế này có thể sanh thiện pháp. Các tướng trụ, dị, diệt lại cũng như vậy. Bồ Tát quán sát bốn tướng từ khởi đầu đến cuối cùng, tất theo đó mà hiểu biết được cùng khắp tất cả.

"Kế đó lại quán xét hết thảy các pháp: trong từng giây phút chẳng hề trụ yên, liên tục sanh ra rồi diệt đi. Lại quán xét thấy cả bốn tướng sanh, trụ, dị, diệt đều đồng thời xảy ra. Quán xét như vậy rồi, Bồ Tát hiểu rõ được căn tánh, chỗ tham muốn của từng chúng sanh. Vì tham muốn vô lượng, nên thuyết pháp vô lượng. Vì thuyết pháp vô lượng, nên nghĩa cũng vô lượng.

"Vô lượng nghĩa ấy từ một pháp sanh ra. Một pháp ấy, tức là vô tướng. Cái vô tướng như thế là chẳng có tướng nào không phải tướng. Chẳng có tướng nào không phải tướng, gọi đó là thật tướng.

"Bồ Tát trụ yên nơi tướng chân thật như thế rồi, có phát khởi lòng từ bi sẽ đúng thật minh bạch, chẳng hề hư vọng. Đối với chúng sanh, thật có thể cứu bạt mọi khổ nạn. Cứu bạt khổ nạn rồi, lại thuyết pháp cho nghe, khiến được thọ hưởng sự khoan khoái, vui vẻ.

"Thiện nam tử! Nếu Bồ Tát có thể theo như thế mà tu pháp môn Vô lượng nghĩa ấy, ắt sẽ mau đắc thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

"Thiện nam tử! Kinh Đại thừa Vô lượng nghĩa này sâu xa, cao cả hơn hết, ý nghĩa chân thật, chính đáng, tôn quý hơn hết. Ba đời chư Phật đều giữ gìn, bảo hộ; chúng ma, ngoại đạo không thể xâm nhập vào. Tất cả tà kiến sanh tử không thể làm cho hư hoại được.

"Thiện nam tử! Vì vậy nên Bồ Tát muốn mau thành Vô thượng Bồ-đề, nên tu học kinh Đại thừa Vô lượng nghĩa thâm sâu, cao cả nhất này."

Lúc ấy, Bồ Tát Đại Trang Nghiêm lại bạch Phật rằng: "Bạch Thế Tôn! Chỗ thuyết pháp của Thế Tôn không thể nghĩ bàn. Căn tánh của chúng sanh cũng không thể nghĩ bàn. Pháp môn giải thoát lại cũng không thể nghĩ bàn. Chúng con đối với các pháp mà Phật thuyết không còn nghi nan, nhưng vì tâm tánh chúng sanh còn sanh mê hoặc, nên phải thưa hỏi lại thế này.

"Bạch Thế Tôn! Từ khi Như Lai đắc đạo đến nay, hơn bốn mươi năm, thường vì chúng sanh diễn thuyết các pháp: Nghĩa của bốn tướng, nghĩa khổ, nghĩa không, vô thường, vô ngã, không lớn không nhỏ, không sanh không diệt; một tướng vô tướng, từ xưa đến nay pháp tánh pháp tướng vốn là không tịch, chẳng đến, chẳng đi, chẳng hiện ra, chẳng biến mất. Người nghe thuyết pháp, hoặc được Noãn pháp, Đỉnh pháp, Nhẫn pháp, Thế đệ nhất pháp, được quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán, quả Bích-chi Phật, hoặc phát tâm Bồ-đề, được Đệ nhất địa, Đệ nhị địa, Đệ tam cho đến Đệ thập địa. Nghĩa của các pháp đã thuyết ngày trước với nghĩa được thuyết hôm nay có gì khác nhau chăng mà nói rằng: Kinh Đại thừa Vô lượng nghĩa sâu xa, cao cả nhất này, nếu Bồ Tát tu hành ắt mau được thành Vô thượng Bồ-đề? Việc ấy là thế nào? Nguyện đức Thế Tôn rủ lòng thương xót hết thảy chúng sanh mà phân biệt rõ, giúp cho người nghe pháp hôm nay cũng như về sau không còn nghi ngờ nữa."

Liền đó, Phật bảo Bồ Tát Đại Trang Nghiêm rằng: "Lành thay, lành thay! Đại thiện nam tử, có thể thưa hỏi Như Lai về nghĩa Đại thừa thâm sâu, vi diệu, cao cả hơn hết như thế. Nên biết rằng ông có thể giúp nhiều lợi ích, an lạc cho người và chư thiên, cứu bạt khổ não cho chúng sanh. Thật là đại từ bi, có lòng tin chân thật chẳng thể hư hoại. Vì nhân duyên ấy, ông sẽ mau được thành Vô thượng Bồ-đề, lại khiến cho nhiều chúng sanh hiện tại và sau này được thành Vô thượng Bồ-đề.

"Thiện nam tử! Từ khi ta ở nơi đạo tràng dưới cội Bồ-đề thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, dùng Phật nhãn quán sát thấy tất cả các pháp không thể tuyên thuyết được. Vì sao vậy? Vì căn tánh, lòng tham muốn của chúng sanh chẳng đồng như nhau. Vì căn tánh và lòng tham muốn chẳng đồng nhau, nên phải dùng nhiều phương cách thuyết pháp. Hơn bốn mươi năm qua ta dùng sức phương tiện mà thuyết pháp, thật chưa nói rõ được lẽ chân thật đệ nhất. Vì thế mà chúng sanh tuy đắc đạo nhiều bậc khác nhau, nhưng chẳng được mau thành Vô thượng Bồ-đề.

"Thiện nam tử! Pháp tỷ như nước, có thể rửa sạch được sự dơ nhớp. Dù là nước giếng, nước ao, nước sông, nước biển... thảy đều rửa sạch được sự dơ nhớp. Pháp cũng như vậy, có thể rửa sạch được sự dơ nhớp phiền não của chúng sanh.

"Thiện nam tử! Tánh của nước chỉ là một mà thôi, nhưng giếng, ao, sông, biển... thì khác nhau. Tánh của các pháp [môn] cũng vậy, đều rửa trừ được bụi bặm trần lao, không có khác biệt. Tuy nhiên, Tam pháp, Tứ quả, Nhị đạo là phân biệt, chẳng phải một.

"Thiện nam tử! Nước ở các nơi tuy đều có thể dùng để rửa sạch được cả, nhưng giếng chẳng phải là ao, ao chẳng phải là sông, sông chẳng phải là biển. Như Lai là bậc Thế hùng tự tại đối với các pháp, thuyết diễn các pháp cũng giống như vậy. Những pháp mà ngài thuyết ra ban đầu, khoảng giữa, về sau, thảy đều có thể trừ sạch phiền não của chúng sanh. Tuy nhiên, ban đầu chẳng phải khoảng giữa, khoảng giữa chẳng phải về sau. Những pháp thuyết ra, văn từ tuy là một, nhưng vào lúc đầu, khoảng giữa, về cuối lại mang nghĩa khác nhau.

"Thiện nam tử! Ta rời khỏi cây Thọ vương đến vườn Lộc dã thành Ba-la-nại, vì nhóm ông A-nhã Câu-lân năm người mà chuyển bánh xe pháp Tứ đế, thuyết dạy rằng: 'Các pháp xưa nay vốn không tịch, chuyển đổi không dừng nghỉ, niệm niệm sanh diệt.'

"Khoảng thời gian sau đó, ta thuyết pháp ở đây và khắp mọi nơi khác, vì chư tỳ-kheo và Bồ Tát mà phân biệt giảng thuyết Mười hai nhân duyên, Sáu ba-la-mật. Cũng thuyết dạy rằng: 'Các pháp xưa nay vốn không tịch, chuyển đổi không dừng nghỉ, niệm niệm sanh diệt.'

"Nay ta ở đây, diễn thuyết kinh Đại thừa Vô lượng nghĩa. Cũng lại thuyết dạy rằng: 'Các pháp xưa nay vốn không tịch, chuyển đổi không dừng nghỉ, niệm niệm sanh diệt.'

"Thiện nam tử! Vậy nên sự thuyết pháp [của Như Lai] lúc ban đầu, khoảng giữa, hiện nay, văn từ tuy là một nhưng nghĩa khác nhau. Bởi nghĩa khác nhau, nên chỗ hiểu của chúng sanh cũng khác nhau. Bởi chỗ hiểu khác nhau, nên sự đắc pháp, đắc quả, đắc đạo cũng khác nhau.

"Thiện nam tử! Ban đầu ta thuyết Tứ đế với những người cầu Thanh văn, nhưng có tám trăm ngàn chư thiên cũng đến nghe pháp phát tâm Bồ-đề.

"Thời gian sau đó, ta giảng thuyết Mười hai nhân duyên rất thâm sâu với những người cầu quả Phật Bích-chi, nhưng có vô lượng chúng sanh phát tâm Bồ-đề, hoặc được đắc nhập vào pháp Thanh văn.

"Về sau, ta thuyết dạy Mười hai bộ kinh Phương đẳng, Ma-ha Bát-nhã, Hoa nghiêm Hải không, nói việc Bồ Tát tu hành trải qua nhiều kiếp, nhưng có trăm ngàn tỳ-kheo, vạn ức người và chư thiên, vô lượng chúng sanh được đắc quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, hoặc đắc nhập vào pháp nhân duyên của hàng Phật Bích-chi.

"Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy, nên phải biết rằng sự thuyết dạy tuy giống như nhau nhưng nghĩa lại khác nhau. Bởi nghĩa khác nhau, nên chỗ hiểu của chúng sanh cũng khác nhau; sự đắc pháp, đắc quả, đắc đạo cũng khác nhau.

"Thiện nam tử! Vậy nên từ khi ta thành đạo bắt đầu thuyết pháp, cho tới ngày nay diễn thuyết kinh Đại thừa Vô lượng nghĩa, chưa có khi nào mà chẳng thuyết những lẽ khổ, không, vô thường, vô ngã, chẳng phải chân, chẳng phải giả, chẳng phải lớn, chẳng phải nhỏ, xưa vốn chẳng sanh, nay cũng chẳng diệt, một tướng vô tướng, pháp tánh pháp tướng chẳng đến chẳng đi; nhưng có sự chuyển đổi bốn tướng của chúng sanh.

"Thiện nam tử! Hiểu theo nghĩa ấy, chư Phật chẳng nói hai lời, nhưng có thể dùng một thứ tiếng mà phổ ứng các thứ tiếng, có thể dùng một thân mà chỉ ra cho thấy số thân nhiều như số cát của trăm ngàn vạn ức na-do-tha vô lượng vô số sông Hằng. Mỗi một thân ấy, đều lại chỉ ra cho thấy các loại hình khác nhau nhiều như số cát của trăm ngàn vạn ức na-do-tha a-tăng-kỳ sông Hằng. Mỗi một hình ấy, lại chỉ ra cho thấy số hình nhiều như số cát của trăm ngàn vạn ức na-do-tha a-tăng-kỳ sông Hằng.

"Thiện nam tử! Đó là cảnh giới thâm sâu không thể nghĩ bàn của chư Phật, chẳng phải chỗ mà hàng Nhị thừa có thể biết được. Cho đến Bồ Tát Thập trụ cũng không thấu đến, chỉ có Phật với Phật mới có thể hiểu rõ.

"Thiện nam tử! Vậy nên ta nói rằng kinh Đại thừa Vô lượng nghĩa là vi diệu, sâu xa, cao cả hơn hết; ý nghĩa chân thật, chính đáng, tôn quý hơn hết. Ba đời chư Phật đều giữ gìn, bảo hộ; chúng ma, ngoại đạo không thể xâm nhập vào. Tất cả tà kiến sanh tử không thể làm cho hư hoại được. Nếu Bồ Tát muốn mau thành Vô thượng Bồ-đề, nên tu học kinh Đại thừa Vô lượng nghĩa, thâm sâu, cao cả hơn hết như thế này."

Phật thuyết như vậy rồi, liền đó tam thiên đại thiên thế giới đều chấn động sáu cách. Tự nhiên trên không mưa xuống đủ các loại hoa cõi trời như ưu-bát-la, bát-đàm-ma, câu-vật-đầu, phân-đà-lỵ. Lại mưa xuống vô số các loại hương cõi trời, các loại y phục, chuỗi ngọc, châu báu vô giá trên cõi trời. Các món ấy từ trên không trung dần dần hạ xuống cúng dường Phật và chúng Bồ Tát, Thanh văn. Lại có những món ăn đủ trăm mùi vị được nấu ở nhà bếp cõi trời, đựng trong các chén bát cõi trời, hiện ra đầy đủ, dư dật. Các loại cờ xí, lọng phướn, nhạc cụ vi diệu trên cõi trời được bày biện ra khắp nơi, trỗi lên âm nhạc cõi trời để ca ngợi, tán thán Phật.

Lại chấn động sáu cách lần nữa. Các thế giới chư Phật ở phương đông, nhiều như số cát sông Hằng, cũng mưa xuống những hoa, hương cõi trời, các loại y phục, chuỗi ngọc, châu báu vô giá trên cõi trời. Lại có những món ăn đủ trăm mùi vị được nấu ở nhà bếp cõi trời, đựng trong các chén bát cõi trời; các loại cờ xí, lọng phướn, nhạc cụ vi diệu trên cõi trời trỗi lên âm nhạc cõi trời để ca ngợi, tán thán chư Phật cõi ấy và chúng Bồ Tát, Thanh văn.

Ở phương nam, phương tây, phương bắc, bốn phương phụ, phương trên, phương dưới cũng đều như vậy.

Bấy giờ trong chúng hội có ba mươi hai ngàn vị đại Bồ Tát liền được phép Tam-muội Vô lượng nghĩa. Hai mươi bốn ngàn vị đại Bồ Tát được vô lượng vô số môn Tổng trì, có thể chuyển bánh xe Pháp của hết thảy chư Phật ba đời, chẳng để thối lui. Các vị tỳ-kheo, tỳ-kheo ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, trời, rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lầu-la, khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, vua đại chuyển luân, vua tiểu chuyển luân, các vua ngân luân, thiết luân..., quốc vương, vương tử, quan, dân, sĩ thứ, đại trưởng giả... và quyến thuộc trăm ngàn người tụ hội, nghe Phật thuyết kinh này rồi, hoặc được Noãn pháp, Đỉnh pháp, Nhẫn pháp, Thế gian đệ nhất pháp; hoặc đắc quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi Phật. Lại có những người được Vô sanh Pháp nhẫn của hàng Bồ Tát. Lại có những người được một môn Tổng trì, hai môn Tổng trì, ba môn Tổng trì, bốn môn Tổng trì, hoặc năm, sáu, bảy, tám, chín, mười môn Tổng trì. Lại có những người được trăm ngàn vạn ức môn Tổng trì. Lại có những người được số môn Tổng trì nhiều như số cát của vô lượng vô số a-tăng-kỳ sông Hằng; thảy đều có thể tùy thuận mà chuyển bánh xe Pháp chẳng để thối lui. Có vô lượng chúng sanh phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 5 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




An Sĩ toàn thư - Khuyên người niệm Phật cầu sinh Tịnh độ


Đừng bận tâm chuyện vặt


Kinh Dược sư


Pháp bảo Đàn kinh

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.117.73.18 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (228 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...