Hạnh phúc đích thực không quá đắt, nhưng chúng ta phải trả giá quá nhiều cho những thứ ta lầm tưởng là hạnh phúc. (Real happiness is cheap enough, yet how dearly we pay for its counterfeit.)Hosea Ballou
Người thành công là người có thể xây dựng một nền tảng vững chắc bằng chính những viên gạch người khác đã ném vào anh ta. (A successful man is one who can lay a firm foundation with the bricks others have thrown at him.)David Brinkley
Kẻ bi quan than phiền về hướng gió, người lạc quan chờ đợi gió đổi chiều, còn người thực tế thì điều chỉnh cánh buồm. (The pessimist complains about the wind; the optimist expects it to change; the realist adjusts the sails.)William Arthur Ward
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Sự vắng mặt của yêu thương chính là điều kiện cần thiết cho sự hình thành của những tính xấu như giận hờn, ganh tỵ, tham lam, ích kỷ...Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Không có sự việc nào tự thân nó được xem là tốt hay xấu, nhưng chính tâm ý ta quyết định điều đó. (There is nothing either good or bad but thinking makes it so.)William Shakespeare
Con người sinh ra trần trụi và chết đi cũng không mang theo được gì. Tất cả những giá trị chân thật mà chúng ta có thể có được luôn nằm ngay trong cách mà chúng ta sử dụng thời gian của đời mình.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Điều người khác nghĩ về bạn là bất ổn của họ, đừng nhận lấy về mình. (The opinion which other people have of you is their problem, not yours. )Elisabeth Kubler-Ross
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Người khôn ngoan chỉ nói khi có điều cần nói, kẻ ngu ngốc thì nói ra vì họ buộc phải nói. (Wise men speak because they have something to say; fools because they have to say something. )Plato

Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Pháp bảo Đàn kinh »» PHẨM THỨ I: NGUYÊN DO HÀNH TRẠNG »»

Pháp bảo Đàn kinh
»» PHẨM THỨ I: NGUYÊN DO HÀNH TRẠNG

Donate

(Lượt xem: 5.081)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Pháp bảo Đàn kinh - PHẨM THỨ I: NGUYÊN DO HÀNH TRẠNG

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Thuở ấy, Đại sư đến chùa Bảo Lâm, quan Thứ sử họ Vi ở Thiều Châu cùng các thuộc viên vào núi thỉnh, Sư liền khai duyên thuyết pháp ở giảng đường nơi Chùa Đại Phạm trong thành. Sư lên tòa, quan Thứ sử và thuộc viên hơn ba mươi người; tăng ni, cư sĩ, đạo sĩ, hơn ngàn người, đồng làm lễ, xin nghe điều cốt yếu của pháp Phật. Đại sư nói với chúng rằng:

“Chư thiện tri thức! Tự tánh Bồ-đề vốn thanh tịnh, chỉ dùng tâm này là đủ thành Phật.

“Chư thiện tri thức! Hãy nghe nguyên do đắc Pháp của Huệ Năng này. Cha Huệ Năng quê ở Phạm Dương, làm quan bị giáng, đày ra xứ Lãnh Nam làm dân thường ở Tân Châu. Thân phận không may, cha lại mất sớm, mẹ già côi cút. Mẹ con dời qua xứ Nam Hải, đắng cay nghèo thiếu, bán củi ở chợ.

“Khi ấy có một người khách mua củi, bảo mang đến nhà. Khách nhận củi, Huệ Năng được tiền, lui ra ngoài cửa, chợt nghe một người tụng kinh. Huệ Năng thoáng nghe lời kinh, tâm liền khai ngộ, bèn hỏi xem khách tụng kinh gì. Khách đáp: ‘Kinh Kim Cang.’ Lại hỏi: ‘Ngài học Kinh ấy ở đâu?’ Khách đáp rằng: ‘Tôi từ chùa Đông Thiền, huyện Hoàng Mai, Kỳ Châu lại đây. Chùa ấy là nơi Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn Đại sư đang giáo hóa, môn đồ hơn ngàn người. Tôi đến đó lễ bái, nghe giảng và thọ trì Kinh này. Đại sư vẫn thường khuyên người xuất gia, tại gia thọ trì Kinh này, sẽ tự thấy tánh thành Phật.’ Huệ Năng nghe lời ấy, lại cũng nhờ đời trước có duyên, nên được người giúp cho mười lượng bạc, bảo dùng cấp dưỡng cho mẹ già, lại khuyên nên qua huyện Hoàng Mai tham lễ Ngũ Tổ. Huệ Năng sắp đặt cho mẹ xong, liền từ giã mà đi. Chưa đầy một tháng đã đến Hoàng Mai, lễ bái Ngũ Tổ. Tổ hỏi rằng: ‘Nhà ngươi là người phương nào? Muốn cầu việc chi?’ Huệ Năng thưa: ‘Đệ tử là dân Tân Châu, Lãnh Nam. Đường xa đến đây lễ Tổ, chỉ cầu làm Phật chớ chẳng cầu chi khác.’

“Tổ nói: ‘Ngươi dân Lãnh Nam, lại là thiểu số mường mán, làm Phật sao được?’ Huệ Năng thưa: ‘Người có kẻ Nam người Bắc, Phật tánh vốn không Nam Bắc. Thân mường mán này với thân Hòa thượng tuy có khác, nhưng Phật tánh có chi khác biệt?’

“Ngũ Tổ còn muốn nói với nữa, nhưng thấy đồ chúng vây quanh, liền bảo Huệ Năng theo chúng mà làm phận sự. Huệ Năng thưa: ‘Đệ tử tự tâm thường sanh trí tuệ, chẳng rời tự tánh, tức là phước điền, chẳng hay Hòa thượng dạy làm việc chi?’ Tổ nói: ‘Tên mọi này căn tánh lanh lợi quá! Thôi đừng nói nữa, hãy đi xuống chỗ làm việc đi.’

“Huệ Năng lui ra nhà sau, có người sai bửa củi giã gạo, trải qua hơn tám tháng. Ngày kia, Tổ chợt thấy Huệ Năng, bảo rằng: ‘Ta thấy chỗ biết của ngươi có thể dùng được, nhưng e có kẻ ác hại ngươi, cho nên chẳng nói với ngươi, ngươi có biết không?’ Huệ Năng bạch rằng: ‘Đệ tử biết ý Tổ, nên chẳng dám ra phía trước, để người đừng hay biết.’

“Một ngày kia, Tổ gọi các môn đồ lại đông đủ mà dạy rằng: ‘Các ngươi nghe ta bảo đây. Người đời sanh tử là việc lớn, các ngươi suốt ngày chỉ lo cầu việc phước mà chẳng cầu ra khỏi biển khổ sanh tử. Tánh mình nếu mê, phước nào cứu đặng? Các ngươi hãy lui ra, tự quan sát trí tuệ, lấy tánh Bát-nhã nơi bản tâm mình, mỗi người làm một bài kệ đem trình ta xem. Nếu ai ngộ đạo, ta sẽ truyền pháp và y cho làm Tổ thứ sáu. Phải nhanh chóng lên, chẳng được chậm trễ. Nếu còn phải suy nghĩ là chẳng phải chỗ dùng được. Nếu thật người thấy tánh, vừa nghe lời nói liền phải thấy ngay. Người như vậy, cho dù có vung đao ra trận cũng vẫn thấy biết.’

“Đồ chúng nghe lời, lui ra, bảo nhau rằng: ‘Bọn ta chẳng cần phải lắng lòng dụng ý viết kệ trình Hòa thượng làm chi. Thượng tọa Thần Tú hiện là Giáo thọ, ắt là sẽ được. Bọn ta có làm kệ cũng chỉ uổng tâm lực mà thôi!’ Rồi tất cả đều buông xuôi, tự nghĩ rằng: ‘Từ đây về sau, chúng ta chỉ cần nương theo Sư Thần Tú, còn phải phiền lòng làm kệ mà chi?’

“Thần Tú thì lại suy nghĩ: ‘Mọi người chẳng làm kệ, vì ta đây đối với họ là thầy Giáo thọ. Còn như ta lại cần phải làm kệ trình Hòa thượng. Vì nếu chẳng trình kệ, Hòa thượng làm sao biết chỗ hiểu biết trong lòng ta sâu cạn thế nào? Ý ta trình kệ, vì cầu Pháp tức là việc tốt, nếu vì cầu ngôi Tổ tức là việc xấu, cũng như tâm phàm phu muốn đoạt ngôi Thánh, có khác gì nhau? Mà nếu chẳng trình kệ, rốt cuộc lại chẳng được Pháp. Thật là khó lắm, khó lắm!’

“Trước phòng Ngũ Tổ có ba gian mái hiên, ngài định mời quan Cung phụng là Lư Trân vẽ biến tướng kinh Lăng-già và biểu đồ truyền thừa năm vị Tổ để lưu truyền cúng dường. Thần Tú làm kệ xong, mấy phen muốn đem trình, cứ lên đến trước thềm thì trong lòng hoảng hốt, mồ hôi ra khắp mình, muốn trình mà chẳng được. Trải qua bốn ngày, đến mười ba lần như vậy, chẳng trình kệ được! Tú bèn suy nghĩ: ‘Chi bằng viết vào vách dưới mái hiên, khiến cho Hòa thượng xem thấy. Nếu Ngài bảo là hay, thì ta ra lễ bái, nhận là mình làm. Còn nếu Ngài bảo là chẳng được, thì thật uổng công bao năm ở núi, nhận sự lễ bái của người, còn tu hành gì nữa?’

“Nghĩ vậy, canh ba đêm ấy chẳng cho ai biết, tự mình cầm đèn đến viết bài kệ lên vách mái hiên phía Nam, trình chỗ hiểu biết trong tâm mình. Kệ rằng:

Thân là cây Bồ-đề,
Tâm như đài gương sáng.
Thường siêng lau siêng rửa,
Chớ để bám bụi nhơ.


“Thần Tú viết kệ rồi, lui về phòng, không ai hay biết. Lại suy nghĩ rằng: ‘Ngày mai, Ngũ Tổ thấy kệ mà vui mừng, tức là ta có duyên với Pháp. Còn nếu ngài bảo chẳng được, tức là ta ngu mê, nghiệp chướng còn nặng, chẳng thể đắc Pháp. Ý Thánh thật khó lường!’ Ở trong phòng suy tưởng mãi, nằm ngồi chẳng yên, cho đến tận canh năm.

“Tổ vốn đã biết là Thần Tú chưa được đạo, chẳng thấy tự tánh.

“Sáng ra, Tổ mời quan Cung phụng họ Lư đến chỗ vách tường mái hiên phía Nam để vẽ biểu đồ. Chợt thấy bài kệ ấy, liền bảo rằng: ‘Quan Cung phụng chẳng cần vẽ nữa. Thật đã làm nhọc ngài từ xa đến đây! Kinh nói: “Những gì có hình tướng đều là hư vọng.” Chỉ cần lưu lại bài kệ này cho người trì tụng. Y theo kệ này tu khỏi đọa nẻo ác, y theo kệ này tu, được lợi ích lớn.’ Nói rồi sai môn nhân đốt hương lễ kính, bảo mọi người đều nên tụng kệ này. Môn nhân tụng kệ đều khen: ‘Hay lắm thay!’

“Khoảng canh ba, Tổ gọi Thần Tú vào phòng, hỏi rằng: ‘Kệ của ngươi làm phải không?’ Thần Tú nói: ‘Thật là Tú này làm, chẳng dám vọng cầu ngôi Tổ, chỉ mong Hòa thượng từ bi xem coi có chút trí tuệ nào hay chăng?’

“Tổ nói: ‘Ngươi làm kệ này chưa thấy được bản tánh, chỉ như đến ngoài cửa, chưa vào được trong. Như đem chỗ hiểu biết ấy mà cầu đạo Vô thượng Bồ-đề thì quyết chẳng thể được. Vô thượng Bồ-đề vốn tự bản tâm, thấy tự bản tánh, chẳng sanh chẳng diệt. Bất cứ lúc nào, niệm tưởng nào cũng đều tự thấy biết, muôn pháp không ngăn ngại, một pháp chân thật thì hết thảy pháp đều chân thật, muôn cảnh tự như như. Tâm như như đó tức là chân thật. Nếu thấy biết được như vậy, tức là tự tánh Vô thượng Bồ-đề. Ngươi nên lui về suy nghĩ trong một hai ngày nữa, làm một bài kệ khác trình ta xem. Nếu kệ của ngươi vào được trong cửa, ta sẽ truyền pháp và y.’

“Thần Tú làm lễ lui ra. Lại qua vài ngày, làm kệ chẳng được. Trong lòng hoảng hốt, tâm thần chẳng yên, mơ màng như trong mộng, lúc đi lúc ngồi đều chẳng được vui.

“Hai hôm sau, có một chú tiểu đi ngang qua chỗ giã gạo, tụng bài kệ của Thần Tú. Huệ Năng vừa nghe qua, biết ngay bài kệ ấy chưa thấy bản tánh. Tuy chưa được dạy dỗ giáo pháp, nhưng đã sớm biết đại ý. Liền hỏi chú tiểu rằng: ‘Người tụng kệ gì vậy?’

“Chú tiểu nói: ‘Gã mường mán này, thật không biết gì sao? Đại sư có nói: Người đời sanh tử là việc lớn. Ngài muốn truyền pháp và y, nên dạy môn đồ làm kệ trình. Nếu ai ngộ được đại ý, Ngài sẽ trao y và pháp, cho làm Tổ thứ sáu. Thượng tọa Thần Tú viết bài kệ Vô tướng trên vách tường hiên phía Nam. Đại sư bảo mọi người đều nên tụng, tu theo kệ ấy khỏi đọa nẻo ác, tu theo kệ ấy, có lợi ích lớn.’

“Huệ Năng nói: ‘Này thượng nhân! Tôi giã gạo nơi đây hơn tám tháng rồi, chưa hề lên tới trước chùa. Mong được thượng nhân dẫn tôi tới trước bài kệ đó để lễ bái.’

“Chú tiểu dẫn đến lễ bái trước bài kệ. Huệ Năng nói: ‘Huệ Năng không biết chữ, xin thượng nhân đọc giùm cho nghe.’

“Khi ấy, có quan Biệt giá Giang Châu họ Trương, tên Nhật Dụng cao giọng đọc lên. Huệ Năng nghe rồi liền nói: ‘Tôi cũng có một bài kệ, mong được quan Biệt giá viết giùm tôi.’

“Biệt giá nói: ‘Ngươi cũng làm kệ, thật là việc ít có!’

“Huệ Năng nói với quan Biệt giá: ‘Muốn học đạo Vô thượng Bồ-đề, chẳng nên khinh người mới học. Người thấp hèn có khi có trí tuệ cao thượng, người cao thượng có khi không trí tuệ. Nếu khinh người thì mắc tội không kể xiết!’

“Biệt giá nói: ‘Người chỉ việc đọc kệ đi, ta viết giùm cho. Nếu người đắc Pháp, nên tiếp độ ta trước, chớ quên lời.’ Huệ Năng đọc kệ rằng:

Bồ-đề vốn chẳng phải cây,
Gương sáng cũng chẳng phải đài.
Xưa nay vốn không một vật,
Chỗ nào bám được bụi nhơ ?


“Viết bài kệ xong, đồ chúng đều kinh hãi, ai nấy sửng sốt bảo nhau rằng: ‘Lạ thay! Thật là không thể lấy vẻ ngoài để xét đoán người! Sao lâu nay chúng ta lại dám sai khiến vị Bồ-tát xác phàm này?’

“Tổ thấy mọi người kinh động, e có kẻ làm hại Huệ Năng, bèn lấy chiếc dép chà xóa bài kệ ngay đi và nói rằng: ‘Cũng chưa thấy tánh.’ Đồ chúng đều nghe vậy.

“Hôm sau, Tổ đến chỗ giã gạo, thấy Huệ Năng lưng đeo đá, giã gạo, bảo rằng: ‘Người cầu đạo, vì pháp quên mình đến thế sao?’ Lại hỏi: ‘Gạo đã trắng chưa?’ Huệ Năng thưa: ‘Gạo trắng đã lâu, còn thiếu cái sàng gạo.’ Tổ liền dùng gậy gõ lên thành cối ba cái rồi đi.

“Huệ Năng hiểu ý Tổ, trống canh ba vào thất. Tổ lấy áo cà-sa che quanh, chẳng cho ai trông thấy, rồi giảng kinh Kim Cang cho nghe. Đến câu ‘Nên sanh tâm từ nơi chỗ chẳng trụ vào đâu cả.’ Huệ Năng vừa nghe liền đại ngộ, hiểu rằng hết thảy muôn pháp chẳng rời tự tánh. Liền bạch Tổ rằng: ‘Ngờ đâu tự tánh vốn tự thanh tịnh. Ngờ đâu tự tánh vốn chẳng sanh diệt. Ngờ đâu tự tánh vốn tự đầy đủ. Ngờ đâu tự tánh vốn chẳng lay động. Ngờ đâu tự tánh sanh ra muôn pháp.’

“Tổ biết là đã ngộ bản tánh, nên bảo Huệ Năng rằng: ‘Chẳng biết bản tâm, học pháp vô ích. Nếu tự biết bản tâm, tự thấy bản tánh, tức là bậc Trượng phu; là thầy của hàng trời, người; là Phật.’

“Thọ pháp vào canh ba, chẳng ai hay biết. Tổ truyền pháp Đốn giáo và y bát, bảo rằng: ‘Nhà ngươi làm Tổ đời thứ sáu, khéo tự giữ gìn, rộng độ chúng sanh, lưu truyền đạo lý cho đời sau, đừng để tuyệt mất. Hãy nghe kệ ta đây:

Tình khởi nên gieo giống,
Vòng nhân quả loanh quanh.
Không tình cũng không giống,
Không tánh cũng không sanh.’


“Tổ lại nói: ‘Thuở xưa, Đại sư Đạt-ma mới đến đất này, lòng người chưa tin, nên truyền y này như vật làm tin, đời đời truyền nối. Còn truyền Pháp tất phải lấy tâm truyền tâm, khiến cho tự ngộ, tự chứng. Từ xưa, chư Phật chỉ truyền bản thể, chư Tổ ngầm nối bản tâm. Y là đầu mối sanh ra tranh đoạt, đến ngươi không nên truyền nữa. Nếu truyền y này thì nguy đến tính mạng. Ngươi nên mau đi đi, kẻo có người làm hại.’ Huệ Năng thưa hỏi: ‘Giờ biết đi đâu?’ Tổ đáp: ‘Gặp Hoài thì ngừng; gặp Hội thì ẩn.’

“Huệ Năng nhận y bát đang lúc canh ba, thưa với Tổ rằng: ‘Huệ Năng người miền Nam, không thông thạo đường đi ở núi này, làm sao ra được đến cửa sông?’ Tổ đáp: ‘Ngươi chẳng phải lo, ta tự đưa ngươi đi.’

“Tổ đưa ra đến bến Cửu Giang, bảo Huệ Năng lên thuyền. Ngài tự cầm chèo mà chèo đi. Huệ Năng thưa: ‘Xin Hòa thượng ngồi, để đệ tử chèo.’ Tổ nói: ‘Ta nên độ ngươi sang sông.’ Huệ Năng thưa: ‘Khi mê thầy độ, ngộ rồi thì tự độ. Độ tuy là một tiếng, mà chỗ dùng chẳng giống nhau. Huệ Năng sanh nơi biên địa, giọng nói không chuẩn, được nhờ Thầy truyền pháp, nay đã ngộ rồi, chỉ nên tự độ.’

“Tổ nói: ‘Đúng vậy, đúng vậy! Pháp Phật từ nay về sau do ngươi mà rộng truyền. Ngươi đi rồi, ba năm sau ta sẽ bỏ cõi thế. Ngươi đi may mắn, gắng sức về phương Nam. Nên ẩn nhẫn, chớ vội vàng giảng pháp, pháp Phật sẽ khó mà sanh khởi.’

“Huệ Năng từ biệt Tổ, hướng phương Nam mà đi. Ngũ Tổ quay về, luôn mấy ngày chẳng lên giảng đường. Môn đồ nghi hoặc, gặn hỏi Ngài: ‘Chẳng hay Hòa thượng có bệnh hoạn, sầu não gì chăng?’

“Ngài đáp: ‘Ta không bệnh, nhưng y pháp đã về phương Nam rồi.’

“Chúng đệ tử lại hỏi: ‘Ai được truyền thọ?’

“Ngài đáp: ‘Huệ Năng được.’

“Lúc ấy đồ chúng mới biết. Liền có vài trăm người đuổi theo, muốn cướp y bát. Trong số đó có một vị tăng tên Huệ Minh, họ Trần, trước đây từng giữ chức quan võ hàng tứ phẩm, tánh tình thô bạo, hết sức đuổi tìm. Ông này cầm đầu cả bọn, đuổi riết trong hai tháng, tới núi Đại Sưu thì bắt kịp.

“Huệ Năng đặt y bát trên một hòn đá mà nói rằng: ‘Áo này là vật làm tin, há dùng sức mà tranh được sao?’

“Huệ Năng ẩn vào cỏ rậm. Huệ Minh đuổi tới, đưa tay nhặt lấy y bát, nhấc lên không được, liền kêu lên rằng: ‘Hành giả, hành giả! Tôi thật vì pháp, chẳng phải vì y mà đến đây.’

“Huệ Năng bước ra, lên ngồi trên hòn đá. Huệ Minh lễ bái, nói: ‘Mong được ngài vì tôi mà thuyết pháp.’ Huệ Năng nói: ‘Nếu ông đã vì pháp mà đến đây, vậy nên dứt bỏ hết các duyên, chớ sanh niệm tưởng, ta sẽ vì ông mà giảng rõ.’ Một lúc lâu sau, Huệ Năng mới nói: ‘Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, ngay trong lúc ấy, mặt mũi xưa nay của Thượng tọa Minh là gì?’

“Huệ Minh nghe qua đại ngộ, lại hỏi: ‘Ngoài lời kín đáo, ý bí mật đó, còn có bí mật nào khác nữa chăng?’ Huệ Năng đáp: ‘Đã nói ra với ông, tức chẳng phải bí mật. Nếu ông tự soi xét lại mình, thì chỗ bí mật chính ở nơi ông.’ Huệ Minh nói: ‘Tôi tuy ở chỗ Hoàng Mai nhưng thật chưa tự nhận ra mặt mũi của mình. Nay nhờ ngài chỉ dạy cho, như người uống nước, nóng lạnh tự nhận ra. Nay ngài chính là thầy của Huệ Minh này vậy.’ Huệ Năng nói: ‘Nếu ông được như vậy, thì ta với ông cùng một thầy là Tổ Hoàng Mai, nên khéo tự giữ gìn.’ Huệ Minh lại hỏi: ‘Từ nay, Huệ Minh biết đi đâu?’ Huệ Năng nói: ‘Đến Viên thì dừng, gặp Mông thì ở.’ Huệ Minh lễ bái từ biệt.

“Huệ Năng sau đến Tào Khê, lại bị kẻ ác đuổi tìm, bèn lánh nạn trong đoàn thợ săn nơi huyện Tứ Hội, trải qua mười lăm năm, thường khi tùy nghi thuyết pháp với bọn thợ săn. Thợ săn thường sai giữ lưới, mỗi khi có thú vướng vào thì lén thả ra hết. Đến bữa cơm, chỉ ăn rau luộc chung trong nồi thịt. Hoặc có kẻ hỏi, liền đáp rằng: ‘Chỉ ăn rau luộc bên thịt được rồi.’

“Một ngày kia, tự nghĩ đã đến lúc hoằng pháp, không nên ẩn lánh nữa. Liền đi ra Quảng Châu, đến chùa Pháp Tánh, gặp lúc Ấn Tông Pháp sư đang giảng Kinh Niết-bàn. Khi ấy, trong chúng có hai vị tăng bàn cãi chuyện gió và phướn. Một vị nói: ‘Gió động.’ Vị kia nói: ‘Phướn động.’ Bàn cãi hồi lâu chẳng dứt, Huệ Năng bước đến nói rằng: ‘Chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động, ấy là tâm các ông động.’ Cả chúng nghe đều kinh hãi.

“Ấn Tông liền thỉnh ngồi trên, hỏi nghĩa sâu kín. Thấy Huệ Năng nói lời giản dị mà lý chánh đáng, chẳng theo văn tự, Ấn Tông mới nói: ‘Ngài chắc chắn không phải người thường! Từ lâu vẫn nghe y pháp của Tổ Hoàng Mai đã về phương Nam, chắc là ngài đây chăng?’

“Huệ Năng nói: ‘Không dám.’

“Ấn Tông liền làm lễ, xin đưa y bát ra cho đại chúng xem. Ấn Tông lại hỏi: ‘Ý chỉ truyền trao của ngài Hoàng Mai như thế nào?’ Huệ Năng đáp: ‘Trao nhận tức là không. Chỉ luận việc thấy tánh, không luận bàn thiền định giải thoát.’

“Tông hỏi: ‘Sao chẳng luận bàn thiền định giải thoát?’

“Huệ Năng đáp: ‘Vì là pháp phân biệt đối đãi, chẳng phải pháp Phật. Pháp Phật là pháp không phân biệt đối đãi.’

“Tông lại hỏi: ‘Thế nào là pháp Phật không phân biệt đối đãi?’ Huệ Năng đáp: ‘Pháp sư giảng Kinh Niết-bàn, làm rõ Phật tánh, ấy là pháp Phật không phân biệt đối đãi. Như khi Cao Quý Đức Vương Bồ-tát hỏi Phật rằng: “Những kẻ phạm bốn giới cấm nặng, làm năm tội nghịch và bọn nhất-xiển-đề có dứt mất thiện căn, tánh Phật hay không?” Phật đáp: “Thiện căn có hai: một là thường, hai là vô thường. Tánh Phật chẳng phải thường, chẳng phải vô thường, nên không thể dứt mất.” Đó là không phân biệt đối đãi. Lại nữa, một là thiện, hai là bất thiện, tánh Phật chẳng phải thiện, chẳng phải bất thiện, như vậy là không phân biệt đối đãi. Các uẩn và giới, phàm phu thấy có phân biệt, kẻ trí hiểu rõ tánh thật không phân biệt. Tánh thật không phân biệt ấy là tánh Phật.’ Ấn Tông nghe giảng giải, vui mừng chắp tay nói rằng: ‘Lũ chúng tôi giảng kinh dường như ngói, sỏi; còn Ngài luận nghĩa thật như vàng ròng!’

“Liền đó, Ấn Tông cạo tóc cho Huệ Năng, nguyện thờ làm thầy. Huệ Năng dưới cây Bồ-đề nơi ấy mà khai mở Pháp môn Đông Sơn.

“Huệ Năng này đắc pháp ở Đông Sơn, từng chịu đủ mùi cay đắng, tánh mạng mong manh như sợi tơ treo. Ngày nay cùng sứ quân và các quan viên, tăng, ni, đạo, tục đồng trong hội này. Nếu các vị chẳng nhờ duyên lành từ nhiều kiếp xa xưa, từng trong quá khứ cúng dường chư Phật, gieo trồng căn lành, làm sao lại được nghe nhân duyên đắc pháp Đốn giáo như ta vừa kể?

“Giáo pháp là do các vị Thánh trước đây truyền lại, chẳng phải tự do trí Huệ Năng biết được. Nguyện cho những ai nghe giáo pháp này, đều được thanh tịnh trong tâm. Nghe rồi, đều tự dứt lòng nghi, đồng như Thánh nhân không khác.”

Hết thảy chúng hội nghe Pháp, thảy đều vui mừng, làm lễ lui ra.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 12 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Giải thích Kinh Địa Tạng


Lục tổ Đại sư - Con người và huyền thoại


Chuyện Phật đời xưa


Truyền thuyết về Bồ Tát Quán Thế Âm

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.128.226.128 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...