Nếu chúng ta luôn giúp đỡ lẫn nhau, sẽ không ai còn cần đến vận may. (If we always helped one another, no one would need luck.)Sophocles
Càng giúp người khác thì mình càng có nhiều hơn; càng cho người khác thì mình càng được nhiều hơn.Lão tử (Đạo đức kinh)
Sự kiên trì là bí quyết của mọi chiến thắng. (Perseverance, secret of all triumphs.)Victor Hugo
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Hãy học cách vui thích với những gì bạn có trong khi theo đuổi tất cả những gì bạn muốn. (Learn how to be happy with what you have while you pursue all that you want. )Jim Rohn
Hãy lắng nghe trước khi nói. Hãy suy ngẫm trước khi viết. Hãy kiếm tiền trước khi tiêu pha. Hãy dành dụm trước khi nghỉ hưu. Hãy khảo sát trước khi đầu tư. Hãy chờ đợi trước khi phê phán. Hãy tha thứ trước khi cầu nguyện. Hãy cố gắng trước khi bỏ cuộc. Và hãy cho đi trước khi từ giã cuộc đời này. (Before you speak, listen. Before you write, think. Before you spend, earn. Before you retire, save. Before you invest, investigate. Before you critisize, wait. Before you pray, forgive. Before you quit, try. Before you die, give. )Sưu tầm
Kẻ ngốc nghếch truy tìm hạnh phúc ở xa xôi, người khôn ngoan gieo trồng hạnh phúc ngay dưới chân mình. (The foolish man seeks happiness in the distance, the wise grows it under his feet. )James Oppenheim
Người vấp ngã mà không cố đứng lên thì chỉ có thể chờ đợi một kết quả duy nhất là bị giẫm đạp.Sưu tầm
Hãy thận trọng với những hiểu biết sai lầm. Điều đó còn nguy hiểm hơn cả sự không biết. (Beware of false knowledge; it is more dangerous than ignorance.)George Bernard Shaw
Một người trở nên ích kỷ không phải vì chạy theo lợi ích riêng, mà chỉ vì không quan tâm đến những người quanh mình. (A man is called selfish not for pursuing his own good, but for neglecting his neighbor's.)Richard Whately

Trang chủ »» Danh mục »» THUYẾT GIẢNG GIÁO PHÁP »» Trí tuệ hoan hỷ »» Phần Một: Những Nguyên Tắc Chung - 1. Ánh Sáng Trong Ðường Hầm »»

Trí tuệ hoan hỷ
»» Phần Một: Những Nguyên Tắc Chung - 1. Ánh Sáng Trong Ðường Hầm

Donate

(Lượt xem: 12.232)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Trí tuệ hoan hỷ - Phần Một: Những Nguyên Tắc Chung - 1. Ánh Sáng Trong Ðường Hầm

Font chữ:


Cuộc sống chúng ta được định hình bởi tâm thức; ta trở thành những gì ta suy nghĩ.

Kinh Pháp cú
Eknath Easwaran dịch sang Anh ngữ

Mục đích duy nhất của kiếp nhân sinh là thắp lên một ngọn đèn trong tối tăm dày đặc của sự hiện hữu đơn thuần.

Carl Jung
Memories, Dreams, Reflections
(Ký ức, giấc mơ và suy tư)
Richard Winston và Clara Winston dịch sang Anh ngữ

Nhiều năm về trước, tôi từng bị nhốt chặt trong một cái máy fMRI, một loại máy quét não bộ mà đối với tôi trông giống như chiếc quan tài hình trụ màu trắng. Tôi nằm trên một mặt bàn phẳng dùng trong thí nghiệm, tựa như một cái lưỡi le ra rồi rút vào trong một hình trụ mà người ta bảo tôi là có chứa thiết bị quét não. Tay, chân và đầu tôi bị ràng rịt chặt chẽ đến nỗi gần như không thể động đậy, và một dụng cụ chắn răng được nhét vào miệng để giữ yên quai hàm. Toàn bộ quá trình chuẩn bị ấy, như bị giữ chặt trên bàn v.v... đều khá thú vị, vì những kỹ thuật viên đã lịch sự giải thích về những gì họ làm và nhằm mục đích gì. Ngay cả việc bị đưa vào trong máy cũng tạo cho tôi một cảm giác có phần nào êm ả, cho dầu tôi có thể hiểu được là với một trí tưởng tượng phong phú, người ta hẳn phải cảm thấy như đang bị nuốt chửng.

Nhưng rồi nhiệt độ bên trong máy nhanh chóng tăng lên. Vì bị giữ chặt toàn thân nên tôi không thể chùi đi những giọt mồ hôi đang chảy ròng xuống trên mặt. Việc gãi một chỗ ngứa thôi cũng đã là chuyện không tưởng - và quái lạ thay, khi hoàn toàn không có cách gì để gãi thì sao thân thể lại ngứa ngáy đến thế! Chính trong cái máy quét lại phát ra tiếng kêu vo vo thật lớn như tiếng còi báo động.

Trong những điều kiện như thế, tôi ngờ rằng chẳng mấy ai muốn ở trong máy quét fMRI dù chỉ khoảng một giờ. Thế nhưng tôi và một số vị tăng sĩ khác đã tình nguyện làm việc ấy. Chúng tôi cả thảy có 15 người,(1) cùng đồng ý trải qua kinh nghiệm không thoải mái ấy như một phần trong cuộc nghiên cứu khoa học thần kinh mà đứng đầu là các Giáo sư Antoine Lutz và Richard Davidson, tại Phòng nghiên cứu Waisman, nghiên cứu về hình ảnh và ứng xử của não bộ (Waisman Laboratory for Brain Imaging and Behavior), thuộc trường Đại học Wisconsin ở Madison. Mục đích của cuộc nghiên cứu là khảo sát ảnh hưởng của việc hành trì thiền quán trong thời gian dài đối với bộ não. “Thời gian dài” ở đây có nghĩa là tổng cộng đã có khoảng từ 10.000 đến 50.000 giờ hành trì thiền quán. Trong số người tình nguyện, những người trẻ tuổi đã có khoảng 15 năm hành thiền, còn một số các vị lớn tuổi hơn thì đã tu tập thiền định lên đến 40 năm.

Theo tôi hiểu thì máy quét fMRI có khác biệt với loại máy theo chuẩn MRI [trước đây], vốn sử dụng từ trường mạnh mẽ kết hợp sóng vô tuyến, cùng với sự hỗ trợ của máy vi tính để tạo ra một hình ảnh tĩnh rất chi tiết của các cơ quan bên trong và cấu trúc thân thể. Tuy máy quét fMRI cũng sử dụng kỹ thuật từ trường và sóng vô tuyến như vậy, nhưng có thể cung cấp bản ghi những thay đổi trong các hoạt động hoặc chức năng của não bộ qua từng thời điểm. Sự khác nhau giữa kết quả của máy quét MRI và máy fMRI cũng tương tự như khác biệt giữa một tấm hình và một cuộn phim video. Bằng cách sử dụng kỹ thuật fMRI, các nhà khoa học thần kinh có thể quan sát những thay đổi trong nhiều vùng khác nhau của bộ não khi đối tượng nghiên cứu được yêu cầu thực hiện những thao tác nhất định, chẳng hạn như lắng nghe âm thanh, xem video hay thực hiện một hoạt động tâm thần nào đó. Một khi những tín hiệu từ máy quét được xử lý bởi máy vi tính, kết quả cuối cùng hơi giống như một đoạn phim quay cảnh não bộ đang làm việc.

Thao tác chúng tôi được yêu cầu thực hiện là luân phiên thay đổi giữa việc thiền quán theo một số phương thức nhất định với việc buông thư tâm thức trong một trạng thái bình thường hoặc trung dung: cứ 3 phút thiền quán rồi theo sau là 3 phút buông thư. Trong thời gian thiền quán, chúng tôi phải nghe một số âm thanh mà theo hầu hết các chuẩn mực đều có thể được mô tả là rất khó chịu, chẳng hạn như tiếng kêu thét của phụ nữ hay tiếng khóc của một em bé sơ sinh. Một trong những mục tiêu của thử nghiệm này là để xác định xem những âm thanh khó chịu ấy có ảnh hưởng gì đến não bộ của các thiền giả lão luyện. Liệu các vị có bị gián đoạn sự định tâm hay không? Liệu những vùng não liên quan đến sự bực bội và giận dữ có bị kích hoạt không? Hoặc cũng có thể sẽ không có một tác động nào cả.

Trong thực tế, nhóm nghiên cứu đã nhận thấy là khi những âm thanh gây khó chịu này được phát ra thì hoạt động trong các vùng não có tương quan với tình mẫu tử, sự cảm thông và những trạng thái tâm thức tốt đẹp khác lại thực sự gia tăng.(2) Sự khó chịu đã làm kích hoạt một trạng thái an định, trong sáng và bi mẫn thâm sâu.

Sự khám phá này đã giúp nắm hiểu được tinh yếu của một trong những lợi ích chính mà pháp môn thiền Phật giáo mang lại: đó là khả năng vận dụng những hoàn cảnh khó khăn - và những phiền não thường đi kèm với chúng - như một cơ hội để khai mở sức mạnh và tiềm năng của tâm thức con người.

Nhiều người chưa từng khám phá được khả năng chuyển hóa hay tầm mức to lớn của sự tự tại nội tâm do khả năng ấy mang lại. Chỉ riêng việc đối mặt với những thách thức nội tâm và ngoại cảnh đến với họ mỗi ngày cũng đã khiến họ chẳng còn được mấy thời gian cho việc quán chiếu tự tâm - để làm điều có thể gọi là “một bước lùi về tinh thần”, nhằm xem xét lại những phản ứng theo thói quen của mình đối với các sự kiện hằng ngày và cân nhắc xem có thể có những lựa chọn khác hay không. Trải qua thời gian, một cảm giác xơ cứng về tính tất yếu [của những sự việc đó] sẽ hình thành: “Tôi là như vậy đó, cuộc đời này là như vậy đó, tôi không thể làm gì để thay đổi những điều ấy.” Trong hầu hết các trường hợp, người ta thậm chí không hề ý thức được là họ nhận biết về chính mình và thế giới chung quanh theo cung cách đó. Khuynh hướng vô vọng căn bản này sẽ lắng xuống không khác gì một lớp bùn dưới đáy sông, luôn tồn tại nhưng không nhìn thấy được.

Sự vô vọng căn bản tác động đến con người, bất chấp mọi hoàn cảnh. Ở Nepal, nơi tôi lớn lên, những tiện nghi vật chất là điều vô cùng hiếm hoi. Chúng tôi không có điện, điện thoại, lò sưởi hay máy điều hòa không khí, và cũng không có cả nước máy. Mỗi ngày đều phải có người đi bộ thật xa xuống đồi, đến một con sông và múc nước sông vào một cái vại, khuân vại này trở lên đồi, đổ nước vào một thùng lớn rồi hì hục quay xuống để múc đầy vại nước lần nữa. Phải lên xuống 10 lần như thế mới có đủ nước dùng chỉ trong một ngày. Rất nhiều người không kiếm đủ thức ăn để nuôi gia đình. Mặc dầu người châu Á theo truyền thống thường e dè không muốn bộc lộ cảm xúc, nhưng sự lo âu và tuyệt vọng vẫn lộ rõ trên nét mặt và trong cách đi đứng giữa cuộc đấu tranh sinh tồn mỗi ngày của họ.

Trong chuyến đi giảng pháp lần đầu tiên ở phương Tây vào năm 1988, tôi đã ngây thơ tin rằng với tất cả những tiện nghi vật chất sẵn có, người ta hẳn phải tự tin và hài lòng hơn rất nhiều với cuộc sống của họ. Nhưng thay vì như thế, tôi lại phát hiện rằng [nơi đây người ta cũng] có nhiều khổ đau không kém gì ở quê tôi, tuy là dưới những dạng thức khác và nảy sinh từ những nguyên nhân khác. Đối với tôi thì đó là một hiện tượng rất kỳ lạ. Tôi hỏi những người đón tiếp tôi: “Tại sao lại như vậy? Ở đây mọi thứ đều quá tuyệt. Quý vị có nhà đẹp, xe đẹp, việc làm tốt. Tại sao vẫn có nhiều người khổ đau như thế?” Tôi không dám nói chắc là chỉ đơn giản vì người phương Tây cởi mở hơn trong việc nói ra những vấn đề bất ổn của họ, hay vì những người tôi hỏi chỉ muốn tỏ ra lịch sự, nhưng chẳng bao lâu tôi đã nhận được nhiều câu trả lời hơn cả sự mong đợi.

Trong một thời gian ngắn, tôi biết được rằng những vấn đề như kẹt xe, đường xá đông đúc, những hạn chót [gấp gáp] phải hoàn tất công việc, những hóa đơn tính tiền, những hàng dài chờ đợi ở ngân hàng, bưu điện, phi trường hay tiệm bán thực phẩm... đều là những nguyên nhân phổ biến tạo ra căng thẳng, bực bội, bất an và giận dữ. Những rắc rối trong quan hệ giao tiếp ở gia đình hay nơi làm việc là những nguyên nhân thường xuyên gây rối loạn cảm xúc. Cuộc sống của nhiều người quá bận rộn đến nỗi, cuối cùng thì, chỉ việc qua hết một ngày dài cũng đủ để họ phải ước ao sao cho cả thế giới này và hết thảy mọi người hãy biến mất đi trong chốc lát. Rồi một khi họ đã thực sự xoay xở để vượt qua được một ngày và bắt đầu nghỉ ngơi thư giãn thì cứ như là điện thoại sẽ réo vang hay con chó hàng xóm sẽ bắt đầu cao giọng sủa, và thế là chút cảm giác hài lòng mà họ vừa có được đã ngay lập tức tan theo mây khói.

Nghe họ giải thích như thế, tôi dần dần hiểu ra rằng những thời gian và nỗ lực mà người ta dành cho việc tích lũy và duy trì tài sản vật chất, hay “tài sản bên ngoài”, đã cho họ rất ít cơ hội để vun trồng và nuôi dưỡng những “tài sản bên trong” - tức là những phẩm hạnh như tâm từ ái, đức nhẫn nhục, hạnh bố thí và sự buông xả. Sự mất quân bình này đã khiến cho người ta đặc biệt dễ tổn thương khi phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng như ly hôn, bệnh nan y hoặc những khổ đau triền miên về mặt tâm lý hay thể chất. Trong thập niên vừa qua, khi đi thuyết giảng về thực hành thiền quán và giáo lý đạo Phật khắp nơi trên thế giới, tôi đã gặp những người hoàn toàn bất lực khi phải đối mặt với những thách thức mà cuộc sống mang đến. Một số người sau khi mất việc làm đã bị nung nấu bởi nỗi lo sợ đói khổ, sợ mất nhà cửa và sợ rằng mình sẽ không bao giờ có khả năng gượng dậy được nữa. Một số người khác phải vật lộn với chứng nghiện ngập hoặc với gánh nặng lo toan cho con cái, hay cho những thành viên khác trong gia đình đang chịu đựng những rối loạn nghiêm trọng về cảm xúc hay ứng xử. Và một số đông đáng ngạc nhiên biết bao người khác nữa hoàn toàn tê liệt vì [những hội chứng như] suy sụp, trầm cảm, tự căm ghét hay mặc cảm tự ti tàn khốc.

Rất nhiều trong số những người vừa nói trên đã từng thử áp dụng một số phương pháp để vượt qua những mô thức tâm lý bệnh hoạn hay tìm cách đối phó với những tình huống căng thẳng. Họ thấy đạo Phật hấp dẫn vì đã đọc sách hay nghe nói rằng đạo Phật đưa ra một phương pháp mới lạ để chiến thắng khổ đau, đạt đến một mức độ an bình và hạnh phúc. Nhưng thường thì chúng ta sẽ bị một cú sốc khi thấy các giáo lý và pháp môn tu tập mà đức Phật đã chỉ bày từ 2.500 năm trước không hề có mục đích chế phục hay xóa bỏ các cảm giác như cô đơn, không thoải mái hay sợ hãi, vốn luôn ám ảnh cuộc sống hằng ngày của ta. Ngược lại, đức Phật dạy rằng chúng ta chỉ có thể đạt được sự giải thoát duy nhất bằng cách bao dung với các nguyên nhân gây phiền não.

Tôi có thể hiểu được sự nản lòng của một số người khi tiếp nhận lời dạy này. Riêng tôi, tuổi thơ và những năm đầu mới lớn lên đã chìm sâu trong bất an và sợ hãi đến nỗi tôi chỉ có thể nghĩ đến điều duy nhất là trốn chạy!

Chạy tại chỗ

Càng buông thả cho tham ái (hay bất kỳ cảm xúc phiền não nào khác) bộc lộ, ta sẽ thấy nó càng muốn bộc lộ nhiều hơn.

Ngài Kalu Rinpoche
Gently Whispered
(Ôn ngôn tế ngữ)
Elizabeth Selandia biên tập và chú thích bản Anh ngữ.

Là một đứa trẻ vô cùng mẫn cảm, tôi đã bị cảm xúc của chính mình khống chế. Tâm trạng tôi thay đổi đột ngột tùy theo ngoại cảnh. Nếu được ai đó mỉm cười hay nói một câu dịu dàng với mình, tôi sung sướng trong nhiều ngày liền. Một bất ổn nhỏ nhặt nhất - chẳng hạn như khi không qua được một lần kiểm tra, hay bị ai đó rầy la - cũng đủ làm tôi muốn biến mất [khỏi cuộc đời]. Tôi đặc biệt lo sợ khi phải tiếp xúc với những người lạ: tôi bắt đầu run rẩy, cổ họng như nghẹn lại và thấy chóng mặt.

Những lần khổ sở chiếm số lượng vượt xa so với những lúc thoải mái, và trong hầu hết tháng năm đầu đời tôi chỉ duy nhất tìm được sự nhẹ nhõm bằng cách chạy trốn lên những ngọn đồi quanh nhà, ngồi một mình trong hang động nào đó trên ấy. Những hang động này là nơi rất đặc biệt, đã từng có nhiều thế hệ hành giả Phật giáo vào ẩn cư thiền định dài ngày. Gần như tôi có thể cảm nhận được sự hiện diện của các ngài cũng như sự an tĩnh tâm hồn mà các ngài đã đạt được. Tôi thường bắt chước thế ngồi của cha tôi, Tulku Urgyen Rinpoche, một thiền sư vĩ đại - và các đệ tử của Ngài, làm như thể mình đang ngồi thiền. Tôi chưa được chính thức chỉ dạy [cách ngồi thiền], nhưng cứ ngồi nơi đó, cảm nhận sự hiện hữu của các bậc thầy tiền bối, và một cảm giác yên tĩnh dần len lỏi vào trong tôi. Thời gian như ngừng lại. Thế rồi, điều tất nhiên là khi rời hang để xuống đồi về nhà, tôi thường bị bà tôi la mắng vì đã vắng nhà. Bất kỳ chút an tĩnh nào mà tôi vừa bắt đầu cảm nhận được sẽ lập tức tan biến.

Mọi việc khả quan hơn đôi chút vào khoảng năm 9 tuổi, khi tôi bắt đầu tu tập chính thức với cha tôi. Thế nhưng - cũng có chút xấu hổ đối với một người đi khắp thế giới để giảng dạy pháp môn thiền quán khi phải thú nhận điều này - trong khi tôi yêu thích ý tưởng thiền quán và những hứa hẹn của pháp môn này, tôi lại thực sự không thích ngồi thiền. [Khi ngồi thiền] tôi thường thấy ngứa ngáy, đau lưng, rồi chân cẳng tê dại đi. Có quá nhiều tư tưởng ào ạt đi qua tâm đến nỗi tôi thấy mình không thể nào tập trung được. Tôi thường bị phân tâm bởi những câu tự hỏi như: “Chuyện gì sẽ xảy đến nếu có một trận động đất, hay một cơn bão?” Tôi đặc biệt sợ hãi những trận bão quét qua vùng tôi ở, thường rất khủng khiếp, đầy những ánh chớp và tiếng sấm sét. Quả thật, tôi đích thị là mẫu hành giả chân thành nhưng chưa bao giờ thực hành thiền quán.

Cha tôi là một trong những vị thiền sư giỏi nhất, và một thiền sư giỏi luôn yêu cầu các đệ tử nói ra những kinh nghiệm thiền quán của họ. Đó là một trong những phương cách để vị thầy đánh giá sự tiến bộ của đệ tử. Thật khó có thể che giấu sự thật trước một bậc thầy thiện xảo trong việc nhận biết các dấu hiệu của sự tu tiến, và càng khó hơn nữa khi vị thầy đó lại chính là cha mình. Vì thế, mặc dầu tôi cảm thấy mình sẽ làm cho Ngài thất vọng, nhưng tôi không có cách nào khác hơn là phải thú thật với Ngài.

Hóa ra sự chân thật lại là cách ứng xử tốt nhất mà tôi có thể chọn. Các bậc thầy lão luyện thường đã tự thân trải nghiệm hầu hết các giai đoạn khó khăn của sự tu tập. Đạt được sự định tâm hoàn hảo ngay trong lần đầu tiên ngồi thiền là điều cực kỳ hiếm có. Nhưng ngay cả những hành giả hiếm có ấy cũng đã từng học được từ bậc thầy của các ngài và từ những bản văn do các bậc thầy xưa đã viết về những khó khăn đa dạng mà người tu tập thường phải đối mặt. Và điều tất nhiên là một người đã từng dạy dỗ hàng trăm đồ đệ qua nhiều năm dài chắc chắn đã từng nghe qua hết thảy mọi lời than thở hay những thất vọng, ngộ nhận có thể có, vốn sẽ nảy sinh trong quá trình tu tập. Một bậc thầy như thế sẽ tích lũy được những kiến thức sâu rộng đến mức dễ dàng quyết định chính xác phương pháp đối trị cho một vấn đề cụ thể nào đó, cũng như nhận biết qua trực giác phải làm sao để truyền dạy [cho đệ tử] một cách chuẩn xác.

Tôi mãi mãi biết ơn cha tôi về cách dạy dỗ từ ái của Ngài khi tôi thú thật là quá vướng kẹt một cách vô vọng vào những vọng niệm đến nỗi không thể làm đúng theo dù chỉ là những hướng dẫn thiền tập đơn giản nhất, chẳng hạn như chú tâm vào một đối tượng hình sắc. Trước hết, Ngài bảo tôi đừng lo lắng, vì sự phân tán tâm ý là điều bình thường, nhất là khi mới bắt đầu [tu tập]. Khi người ta vừa bắt đầu tập thiền thì đủ mọi sự việc sẽ đột nhiên hiện khởi trong tâm trí họ, như những cành nhánh cỏ cây bị cuốn đi trong dòng sông chảy xiết. Những “cành nhánh cỏ cây” này có thể là cảm thọ của thân thể, hoặc cảm xúc, ký ức, dự định, và ngay cả những ý nghĩ như “Tôi không thể thiền tập!” Vì thế, việc bị cuốn trôi theo những vọng niệm ấy cũng là điều tự nhiên, hoặc bị vướng kẹt với những ý nghĩ hoang mang tự vấn đại loại như: “Tại sao tôi không thiền tập được? Tôi có gì bất ổn không? Mọi người trong thiền phòng đều có vẻ như làm theo được những chỉ dẫn, tại sao đối với tôi lại khó khăn đến thế?” Rồi Ngài giải thích rằng, bất kỳ điều gì hiện lên trong tâm trí tôi, vào bất kỳ thời điểm nào, cũng đều đúng là điều để tôi chú tâm đến, vì dầu sao thì đó cũng là nơi tâm ý tôi đã hướng vào.

Cha tôi giải thích thêm, chính hành vi chú tâm đó [là tác nhân] sẽ dần dần làm chậm lại “dòng sông vọng niệm” cuồn cuộn kia, nhờ thế tôi mới thể nghiệm được một khoảng cách nhỏ giữa những gì tôi đang nhìn thấy với sự nhận biết đơn thuần về cái thấy đó. Nhờ tu tập, khoảng cách ấy dần dần sẽ ngày càng được kéo dài thêm. Dần dần, tôi sẽ không còn đồng nhất mình với những tư tưởng, cảm xúc và cảm giác mà tôi đang thể nghiệm, và bắt đầu đồng nhất với sự tỉnh giác đơn thuần nhận biết về kinh nghiệm.

Tôi không thể nói rằng cuộc đời của tôi đã tức thời chuyển hóa nhờ những lời chỉ dạy này, nhưng nhờ đó mà tôi được thoải mái hơn rất nhiều. Tôi không cần phải chạy trốn sự tán loạn hay để cho chúng cuốn tôi [đi mất hút]. Tôi có thể “chạy tại chỗ” - có thể nói như thế - và vận dụng bất kỳ điều gì xảy đến với tôi (những tư tưởng, cảm giác, cảm thọ) như là những cơ hội giúp tôi trở nên quen thuộc hơn với tâm thức mình.

Kết bạn

Chúng ta phải bằng lòng làm một người phàm tục, nghĩa là chấp nhận mình đúng thật như đang hiện hữu.

Chogyam Trungpa Rinpoche
The Myth of Freedom (Thần thoại của sự tự do)

Người Tây Tạng gọi thiền quán là gom, tạm dịch là “trở nên quen thuộc với”. Theo định nghĩa này thì sự tu tập thiền trong truyền thống Phật giáo có lẽ tốt nhất nên được hiểu như một tiến trình tìm hiểu, làm quen với tâm thức mình. Thật ra điều này rất đơn giản, cũng giống như khi gặp ai đó trong một bữa tiệc. Ta tự giới thiệu: “Chào bạn, tôi tên là…” và rồi ta sẽ cố gắng tìm một điểm quan tâm chung của cả đôi bên: “Tại sao bạn đến đây? Ai mời bạn đến?...” Tuy nhiên, trong suốt thời gian trao đổi đó, ta luôn quan sát người đối diện, quan tâm đến màu tóc, hình dáng khuôn mặt, xem tầm vóc cao hay thấp v.v...

Việc tập thiền quán, hay tìm hiểu tâm thức chính mình, ban đầu cũng giống như thế: một sự giới thiệu với người lạ. Mới nghe qua thì có vẻ hơi lạ lùng, vì hầu hết chúng ta thường có cảm giác rằng mình đã biết hết những gì đang diễn ra trong tâm. Nhưng sự thật điển hình là chúng ta quá quen thuộc với dòng chảy của tư tưởng, cảm xúc và cảm thọ đến nỗi hiếm khi ta ngừng lại để quan sát một cách riêng lẻ từng hoạt động [của tâm thức] và đón chào mỗi hoạt động ấy với sự rộng mở mà ta thường dành cho khách lạ. Rất thường khi những kinh nghiệm của ta đi qua sự nhận biết ít nhiều có phần giống như những hợp thể tâm thần, cảm xúc và cảm thọ - một tập hợp của nhiều chi tiết nhưng lại hiện ra như một tổng thể đơn nhất và độc lập.

Lấy một thí dụ hết sức đơn giản, giả sử bạn đang lái xe đến sở làm và đột nhiên gặp lúc kẹt xe. Mặc dầu tâm thức bạn chỉ ghi nhận sự kiện [lúc đó] như là “kẹt xe”, nhưng thật ra là có rất nhiều điều cùng lúc đang xảy ra. Bạn thả nhẹ chân ga và nhấn mạnh hơn chân thắng. Bạn quan sát những chiếc xe đằng trước, đằng sau và hai bên đang chạy chậm dần và ngừng hẳn. Dây thần kinh trên tay bạn ghi nhận cảm giác đang ghì tay lái trong khi dây thần kinh trên lưng và đùi bạn ghi nhận sự xúc chạm với ghế ngồi. Có thể có tiếng còi xe vọng vào qua cửa sổ. Đồng thời bạn có thể nghĩ rằng: “Thôi chết rồi! Mình sẽ trễ buổi họp sáng nay mất!” và trong chớp mắt, bạn bắt đầu bị cuốn đi theo một kiểu “kịch bản” tâm thần liên quan đến việc bị trễ. Có thể ông chủ sẽ giận dữ; có thể bạn sẽ bỏ lỡ mất thông tin quan trọng; hoặc có thể lẽ ra bạn đã phải thuyết trình trước các đồng nghiệp. Thế rồi tim bạn bắt đầu đập hơi nhanh hơn và cũng có thể mồ hôi bắt đầu toát ra. Có thể bạn cảm thấy tức giận với những người đang lái xe phía trước và bắt đầu nhấn còi xe trong sự nôn nóng mất bình tĩnh. Cho dù cùng lúc có quá nhiều diễn biến như thế - cả về thể chất, tâm thần cũng như cảm xúc, nhưng tất cả lại chỉ hiện ra trong tâm thức ta như một kinh nghiệm gắn kết duy nhất.

Theo các nhà khoa học nhận thức mà tôi đã từng trao đổi, thì khuynh hướng gắn kết tất cả những thành tố khác nhau của kinh nghiệm thành một khối duy nhất là biểu trưng cho sự vận hành bình thường của ý thức con người. Não bộ chúng ta liên tục xử lý nhiều luồng thông tin đa dạng đến từ các giác quan, thẩm định chúng dựa trên kinh nghiệm quá khứ và chuẩn bị để cơ thể đáp ứng theo những phương cách thích hợp nào đó, chẳng hạn như bài tiết [kích thích tố] adrenaline vào máu để nâng cao sự cảnh giác trong những tình huống có nguy cơ tiềm ẩn. Đồng thời, những vùng não nối kết với ký ức và sự trù hoạch bắt đầu nảy sinh những tư tưởng như: “Đằng trước kẹt xe bao xa? Mình có nên móc điện thoại di động ra gọi cho ai đó chăng? Có lẽ mình nên ráng chờ thêm chút nữa. Mình nghĩ cách đây không xa hẳn phải có một lối ra. Mình có thể thoát ra bằng lối ấy và đi đường khác. Ái chà, chiếc xe đằng kia đang cố vượt lên phía trước bằng cách chạy bừa lên lề cấm…” Hơn thế nữa, vì những vùng não tương quan với lý luận, ký ức và sự trù hoạch đều nối kết chặt chẽ với những vùng não sản sinh các phản ứng cảm xúc, nên bất kỳ tư tưởng nào sinh khởi cũng đều mang sắc thái tiêu biểu của một loại cảm xúc nào đó - mà như trong trường hợp kẹt xe, hoặc kiểu phản ứng của tôi đối với giông bão [vừa kể ở đoạn trên], thì thường là [cảm xúc] khó chịu.

Đa phần những tiến trình này xảy ra cùng lúc, vượt ngoài tầm [nhận biết] của ý thức thông thường. Chỉ có chưa đến 1% thông tin mà não bộ nhận được từ các giác quan thực sự được ý thức quan tâm. Não bộ tranh giành sự chú ý hạn chế đó bằng cách loại bỏ những gì nó thấy là không cần thiết và tập trung vào những gì có vẻ quan trọng. Thường thì đây là một phương cách xử lý [thông tin] rất hữu ích. Nếu chúng ta tỉnh giác nhận biết chính xác hết thảy mọi giai đoạn của một tiến trình hoạt động đơn giản, như chỉ bước đi từ phòng này sang phòng khác, chúng ta sẽ nhanh chóng choáng ngợp bởi quá nhiều chi tiết như nhấc chân này lên, đặt chân kia xuống, rồi những thay đổi nhỏ nhặt trong bầu không khí quanh ta, cho đến màu sắc của bức tường, độ lớn của âm thanh v.v… đến nỗi rất có thể ta sẽ không đi được bao xa. Và nếu ta có cố gắng xoay xở để đến được căn phòng kia, hẳn khi đến nơi rồi ta cũng không còn nhớ nổi mình muốn đến đó để làm gì!

Tuy nhiên, điều bất lợi của cách xử lý [thông tin] này là cuối cùng ta sẽ nhầm lẫn [khi nhận biết về] một phần rất nhỏ của chuỗi kinh nghiệm tương tục như là toàn bộ kinh nghiệm ấy. Điều này có thể gây bất ổn khi ta phải đối mặt với một trạng thái khó chịu hay với một cảm xúc mạnh. Sự chú ý của ta tập trung vào khía cạnh mãnh liệt nhất của bất kỳ điều gì ta đang trải nghiệm, như đau đớn trong cơ thể, nỗi lo sợ đến trễ, sự bối rối khi thi hỏng hay buồn khổ khi mất một người bạn... Nói chung, tâm thức ta chạy theo một trong hai hướng khi phải đối mặt với những tình huống như thế: Ta cố tìm cách trốn chạy hoặc là hoàn toàn bó tay khuất phục. Chúng ta nhìn kinh nghiệm của mình như một “kẻ thù nghịch” [mà ta phải trốn chạy], hoặc như một “ông chủ” [mà ta phải nghe theo] khi nó hoàn toàn chi phối tư tưởng và điều khiển mọi phản ứng của ta! Thậm chí khi ta tìm được cách nào đó để tạm thời thoát khỏi những gì đang gây phiền toái - như bật ti-vi lên, đọc một cuốn sách, hay lướt web [để tiêu khiển] - thì vấn đề bất ổn cũng chỉ tạm lắng xuống một thời gian ngắn và lại ngấm ngầm gia tăng sức mạnh, vì lúc này nó còn được pha lẫn với nỗi sợ hãi [của ta là] phải đối mặt với nó sau đó.

Khi tôi kể với cha tôi những bất ổn tôi đã gặp khi tu tập thiền quán, lời khuyên của Ngài là đưa ra một con đường trung dung giữa hai [cách phản ứng] cực đoan như trên. Thay vì cố sức ngăn chặn những vọng niệm hay buông xuôi đầu hàng chúng, ta có thể chào mừng chúng như những người bạn: “Sợ hãi ơi, chào bạn! Ngứa ngáy ơi, chào bạn! Các bạn có khỏe không? Ở lại thêm chút nữa để chúng ta có thể làm quen với nhau nhiều hơn nhé!”

Phương pháp đón nhận những tư tưởng, cảm xúc và cảm thọ một cách ôn hòa như thế thường được gọi là chánh niệm, tạm dịch từ chữ drenpa trong tiếng Tây Tạng, có nghĩa là trở nên tỉnh giác. Chúng ta trở nên tỉnh giác về tất cả những tiến trình vi tế của tâm và thân, vốn thường vuột ra khỏi sự nhận biết vì ta chỉ chú tâm vào “hình ảnh lớn”, tức là cái khía cạnh nổi bật nhất của kinh nghiệm đã chiếm mất sự chú ý của ta, làm cho ta phải bó tay khuất phục, hay thôi thúc ta phải [tìm cách] trốn chạy. Sự tu tập chánh niệm sẽ dần dần phá vỡ “hình ảnh lớn” ấy ra thành những mảnh vụn nhỏ hơn, dễ đối phó hơn, chợt hiện chợt mất thật chớp nhoáng trong sự nhận biết của chúng ta, nhanh chóng đến độ đáng kinh ngạc.

Thực tế có phần kỳ lạ khi ta nhận ra rằng tâm thức trở nên khó nắm bắt biết bao khi ta muốn thân thiện với nó. Những tư tưởng và cảm giác trước đây có vẻ như hết sức mạnh mẽ và kiên cố, [thì nay sẽ] tan biến gần như ngay lúc vừa sinh khởi, như một làn khói mỏng bị thổi tan đi trong cơn gió mạnh. Cũng giống như nhiều người khác lúc mới bắt đầu tu tập chánh niệm, tôi thấy thật khó quan sát dù chỉ một phần mười những gì thoáng qua tâm trí mình. Tuy nhiên, dần dần rồi dòng chảy ào ạt của những tư tưởng cũng tự chúng trở nên chậm dần đi một cách thật tự nhiên, và khi ấy tôi nhận biết được rất nhiều điều.

Trước hết, tôi bắt đầu thấy rằng tính chất kiên cố và bền vững mà tôi gán cho những cảm xúc phiền não hay vọng niệm thật ra chỉ là một ảo tưởng. Một nỗi sợ hãi trong chớp nhoáng được thay thế khi một cảm giác ngứa ngáy bắt đầu, nhưng cũng chỉ kéo dài trong chốc lát đến khi hình ảnh một con chim bên ngoài song cửa lôi kéo sự chú ý của tôi; rồi có thể ai đó bật ra tiếng ho, hay một câu hỏi chợt hiện lên trong đầu: “Không biết trưa nay mình sẽ ăn gì nhỉ?” Và một giây sau, nỗi sợ hãi trở lại, cơn ngứa ngáy mạnh mẽ hơn, hay người ngồi phía trước trong phòng thiền của cha tôi lại đổi thế ngồi...

Việc theo dõi những vọng tưởng đến và đi trở nên gần giống như một trò chơi, và trong lúc trò chơi này diễn ra, tôi bắt đầu cảm thấy an tĩnh và tự tin hơn. Dù không chủ ý, tôi vẫn thấy mình bớt sợ các tư tưởng và cảm giác, bớt thấy phiền toái bởi những vọng niệm. Thay vì là một người lạ mặt hắc ám nắm quyền kiểm soát, tâm thức tôi ít nhất cũng đã chuyển đổi thành một người đồng hành thú vị, dẫu chưa được hoàn toàn là một người bạn.

Dĩ nhiên, tôi vẫn có thể bị cuốn hút theo các vọng tưởng và mơ mộng mông lung, hoặc vẫn còn nổi trôi qua lại giữa các trạng thái trạo cử và hôn trầm. Một lần nữa, cha tôi lại khuyên tôi đừng quá lo lắng về những điều như thế. Sớm hay muộn thì tôi cũng sẽ nhớ ra và quay về với nhiệm vụ đơn thuần là quán sát bất kỳ điều gì đang diễn ra trong giây phút hiện tại. Điều quan trọng là không tự phê phán chính mình vì những giây phút thiếu chú ý đó. Hóa ra đây lại là một bài học rất quan trọng, vì quả thật tôi thường tự phê phán mình về sự tán tâm. Nhưng rồi một lần nữa, lời dạy chỉ đơn thuần quán sát tâm thức lại tạo ra một sự nhận biết đáng kinh ngạc ở đây. Hầu hết những gì gây bất ổn cho tôi đều hàm chứa trong đó những phê phán về kinh nghiệm của mình. “Tư tưởng này tốt. Tư tưởng này xấu. Ồ, tôi thích cảm giác này. Không, tôi ghét cảm giác này lắm.” Trong nhiều trường hợp, nỗi sợ đối với sự sợ hãi còn mạnh mẽ hơn cả bản thân sự sợ hãi. Đôi lúc tôi có cảm giác như thể là có hai khoảng không gian tách biệt trong tâm thức tôi: một không gian chứa đầy những tư tưởng, cảm giác và cảm thọ mà tôi bắt đầu dần dần nhận biết, và một không gian kín đáo khác ở phía sau chứa đầy những yêu ma lăng xăng tán chuyện.

Cuối cùng, tôi nhận biết được rằng, hai khoảng không gian này không thật sự cách biệt nhau. Những tạp niệm lăng xăng phê phán vẫn luôn đi kèm với bất kỳ những gì tôi suy nghĩ và cảm nhận, nhưng chúng quá mờ nhạt đến nỗi tôi đã không nhận biết. Bằng cách áp dụng cùng một quá trình quán sát ôn hòa đối với kiểu “bình luận tại chỗ” đang diễn ra trong tâm thức như thế, tôi bắt đầu thấy rằng những tư tưởng và cảm xúc này rất mong manh và giả tạm. Khi chúng hiện khởi và tan biến, những phê phán ngấm ngầm che giấu của chúng bắt đầu giảm bớt sức mạnh.

Trong mấy năm được tu tập riêng với [chỉ dẫn của] cha tôi, sự chuyển đổi tâm trạng qua lại giữa hai thái cực vốn đeo bám tôi từ lúc ấu thơ đã có phần giảm thiểu. Tôi không còn quá dễ dàng chịu ảnh hưởng của những lời khen ngợi, hay khủng hoảng trước những rối rắm hay thất bại. Thậm chí tôi đã thấy phần nào dễ dàng hơn trong việc trò chuyện với nhiều vị khách thường xuyên đến tham vấn cha tôi.

Thế nhưng, không bao lâu sau thì hoàn cảnh của tôi thay đổi và tôi phải đối mặt với một thử thách, đòi hỏi tôi phải vận dụng những gì đã học ở một mức độ sâu sắc hơn nhiều, vượt ngoài cả sự tưởng tượng trước đây của tôi.

Sự đối trị và phòng vệ

Ở Tây Tạng, có một rễ cây cực kỳ độc hại tên là tsenduk; chỉ ăn vào một chút thôi cũng đủ mất mạng. Nhưng đồng thời loại cây này cũng có thể được dùng như dược thảo.

Tulku Urgyen Rinpoche
Như thị - Q. I.
Erik Pema Kunsang dịch sang Anh ngữ

Năm lên 11 tuổi, tôi được gửi từ tịnh thất của cha tôi ở Népal đến tu viện Sherab Ling ở Ấn Độ, một hành trình dài khoảng hơn 3.000 dặm (hơn 4.800 km) để bắt đầu một chương trình học rất nghiêm ngặt về giáo lý và hành trì Phật pháp. Đây là lần đầu tiên tôi xa nhà, xa gia đình và là lần đầu tiên lên máy bay. Trên chuyến bay từ Kathmandu đến Delhi cùng với một vị sư lớn tuổi hơn - có nhiệm vụ đi theo để giúp đỡ - tôi chìm trong một cơn khủng hoảng. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu phi cơ bị hỏng hay máy bay bị sét đánh? Trong đầu tôi choáng đầy những hình ảnh chiếc máy bay đâm nhào xuống từ trời cao rồi vỡ nát tan tành trên mặt đất, và tôi siết tay vào thành ghế ngồi thật chặt, đến nỗi đau cả lòng bàn tay. Máu dồn lên mặt khi phi cơ cất cánh và tôi ngồi cứng đơ trong lòng ghế, mồ hôi vã ra đầy mình.

Thấy tình cảnh khó chịu của tôi, người đàn ông ngồi bên cạnh mỉm cười với sự tự tin của một du khách từng trải và bảo tôi rằng thật ra không có gì phải lo lắng cả. Ông ta cười nói, phi cơ rất an toàn và chuyến bay ngắn ngủi - chỉ trong một giờ thôi - nên máy bay sẽ hạ cánh trước cả khi tôi kịp nhận ra điều đó. Những lời tử tế của ông giúp tôi bớt căng thẳng đi đôi chút, và trong chốc lát tôi cố ngồi yên thực hành quán sát tâm thức mình như đã được học. Thế rồi, thình lình chúng tôi gặp phải một vùng nhiễu động. Chiếc máy bay lắc mạnh và người đàn ông [tốt bụng vừa mới trấn tĩnh tôi] gần như muốn văng ra khỏi ghế, hốt hoảng la ầm lên. Trong suốt thời gian còn lại của chuyến bay, tôi ngồi bất động, hình dung đến một tình huống xấu nhất. Quên cả việc quán sát tâm thức, tôi kể chắc như mình sắp chết.

May mắn thay, 13 giờ đồng hồ đi xe từ Delhi tới Sherab Ling không có nhiều biến động như thế. Trong thực tế, khi chúng tôi đến gần những ngọn núi nơi tu viện tọa lạc, phong cảnh trải rộng ra và chuyến đi trở nên thật thích thú.

Có điều tôi không được biết là có một buổi lễ đã được tổ chức ở tu viện để chào mừng tôi đến. Nhiều vị tăng của tu viện đứng xếp thành hàng từ trên đồi nhìn xuống đường để chờ đón tôi, với những cái trống thật to nặng và những cây kèn nghi lễ dài đến hai mét rưỡi. Hồi ấy vùng này chưa có điện thoại liên lạc, nên đám đông đã phải chờ đợi khá lâu. Cho đến lúc có một chiếc xe đến gần, họ liền bắt đầu thổi kèn và nổi trống lên. Nhưng khi xe dừng lại, một phụ nữ Ấn trẻ tuổi bước xuống - hiển nhiên không phải là tôi - và nghi thức đón tiếp hoành tráng ấy đột ngột dừng lại trong sự lúng túng khi người phụ nữ ngơ ngác bước đi qua mấy cánh cổng.

Lại thêm một thời gian nữa trôi qua trước khi người ta nhìn thấy chiếc xe chở tôi hiện ra trên đường, và các thầy lại bắt đầu thổi kèn, đánh trống. Nhưng khi xe tiến đến gần cổng chính, lại một nhầm lẫn khác cắt ngang nghi lễ đón tiếp ấy. Số là, ngay cả đến lúc trưởng thành tôi cũng không phải một người cao lớn lắm, khi ấy tôi lại còn là một đứa trẻ quá thấp bé, đến nỗi đầu tôi bị che khuất bởi tấm chắn bùn theo kiểu cũ của chiếc xe hơi. Từ chỗ đứng của họ, các nhạc công thấy dường như không có ai ngồi ở ghế trước của xe cả. Không muốn nhầm lẫn thêm lần nữa, họ liền hạ kèn, bỏ dùi trống xuống và tiếng nhạc ngỡ ngàng dứt ngang.

Khi cửa xe mở và tôi bước ra thì tiếng chiêng trống nhiệt thành đón chào vang lên ầm ĩ, đến nỗi tôi cảm nhận được sự chấn động đến tận xương tủy. Tôi không chắc là âm thanh của nhạc khí, hay quang cảnh toàn những người lạ mặt xếp thành hàng đón chào tôi, điều nào đáng sợ hơn. Tất cả nỗi hãi hùng đã bao trùm lấy tôi trên máy bay bây giờ lại ào ạt trở về, và tôi đi nhầm vào một lối khác. Nếu không có vị sư [lớn tuổi hơn] đi cùng, tôi không dám chắc là mình có qua được cánh cổng tu viện hay không.

Đó không phải là điềm báo tốt đẹp cho những ngày ở lại Sherab Ling của tôi. Nép mình giữa dãy Hy Mã Lạp Sơn về phía đông và phía bắc, cùng với một dải đồng bằng bát ngát về phía tây và phía nam, bản thân tu viện là một cảnh đẹp vô cùng. Nhưng bất chấp điều đó, phần lớn những ngày ở đây của tôi vẫn cực kỳ khổ sở. Sự mẫn cảm và bất an trước đây trở lại với sức mạnh không cưỡng nổi, đánh bại cả những nỗ lực hết sức của tôi để chào đón chúng như cha tôi đã dạy. Tôi thường khó ngủ và những chuyện nhỏ nhặt cũng đủ khơi dậy một chuỗi dài những tư tưởng phiền não. Chẳng hạn, tôi vẫn còn nhớ rõ như in, một buổi sáng nọ thức dậy, tôi phát giác một vết nứt nhỏ xíu trên khung kính cửa sổ phòng ngủ của mình. Thế là trong nhiều tuần sau đó, tôi đã khủng hoảng khi nghĩ đến việc có thể bị thầy quản trị la mắng vì tưởng rằng tôi là thủ phạm làm bể cửa kính, và nghĩ đến những phiền toái nhiêu khê để thay cửa kính ấy.

Những buổi tu tập chung theo nhóm đặc biệt khổ sở. Lúc ấy tu viện có khoảng 80 vị tăng thường trú và tất cả đều có vẻ thân quen với nhau, cùng đi từ lớp học tới thiền phòng, cười nói, đùa giỡn với nhau. Tôi là một người lạ trong nhóm họ. Ngoại trừ bộ tăng phục, tôi không cảm thấy bất kỳ điểm chung nào giữa tôi với họ. Khi chúng tôi cùng ngồi trên chánh điện để cử hành các nghi lễ, tất cả bọn họ đều biết rành hơn tôi từng lời kinh, từng thao tác phải làm, và tôi tự hỏi liệu có phải là họ đang theo dõi để chờ xem tôi có phạm sai lầm hay không. Hầu hết các khóa lễ ấy được đệm bằng tiếng kèn, tiếng trống và chập chõa - một loại âm nhạc đôi khi chói tai đến mức khiến tim tôi đập thình thịch và đầu óc quay mòng mòng. Tôi rất muốn bỏ chạy ngay ra khỏi chánh điện, nhưng với sự dòm ngó của biết bao người khác thì không có cách gì thoát ra được cả.

Những giây phút duy nhất tôi thật sự thấy thoải mái là khi được học riêng với các vị thầy đỡ đầu: Ngài Drupon Lama Tsultrim đã dạy tôi ngôn ngữ, nghi quỹ, giáo lý, và ngài Saljay Rinpoche dạy tôi tu tập thiền. Tôi cảm nhận một mối liên kết đặc biệt gần gũi với ngài Saljay Rinpoche, một vị thầy rất thông tuệ, có cái đầu hơi vuông vuông, tóc bạc, và mặc dầu đã hơn 80 tuổi, khuôn mặt Ngài gần như không có những vết nhăn của tuổi già. Trong tâm trí tôi như vẫn còn nhìn thấy Ngài, một tay xoay chiếc kinh luân cầu nguyện(3) và tay kia lần xâu chuỗi mala - một xâu chuỗi dùng để đếm số lần tụng những câu mật chú (mantra), tức là một kết hợp đặc biệt những âm tiết cổ xưa để trở thành một câu nguyện cầu, hay thông thường hơn có thể được dùng để hỗ trợ cho việc tu tập thiền. Ngài từ bi và nhẫn nại đến nỗi tôi đã xem Ngài gần như là một người cha thứ hai, và có thể trình lên Ngài tất cả những khó khăn của mình, dầu lớn lao hay nhỏ nhặt.

Những hồi đáp của Ngài bao giờ cũng dẫn đến kết quả cuối cùng như một bài học sâu sắc. Chẳng hạn, một buổi sáng nọ trong lúc gội đầu tôi bị một chút nước lọt vào tai. Tôi làm đủ cách để nước chảy ra, như dùng khăn lau phía trong tai, lắc đầu, se nhỏ một mẩu khăn giấy rồi vê trong lỗ tai... nhưng tất cả đều vô hiệu. Khi tôi thưa việc này với Saljay Rinpoche, Ngài khuyên tôi đổ thêm nước vào tai và nghiêng đầu cho nước chảy ra hết. Tôi thật ngạc nhiên khi điều này hóa ra lại hiệu nghiệm!

Rinpoche giải thích rằng, đây là điển hình của một nguyên tắc đã được đức Phật chỉ dạy từ xa xưa: vận dụng chính sự bất ổn làm pháp đối trị [bất ổn, hay lấy độc trị độc]. Tôi rụt rè hỏi Ngài, liệu phương pháp này có thể vận dụng để đối trị với tư tưởng và cảm xúc hay không? Ngài nhìn tôi với vẻ dò hỏi, và ngay sau đó tôi chợt nhận biết là tôi đang tuôn ra toàn bộ câu chuyện đời mình, rằng tôi đã thường xuyên bất an như thế nào, rằng có những lúc nỗi sợ hãi tấn công mãnh liệt khiến tôi gần như ngạt thở, rằng tôi đã nỗ lực như thế nào để quán sát tâm thức một cách ôn hòa và không phê phán như cha tôi đã dạy, và những thành tựu nhỏ nhoi của tôi ở Nepal, khi mọi thứ đều quen thuộc, và rồi tất cả những khó khăn cũ đã trở lại với tôi một cách dữ dội hơn như thế nào trong môi trường mới mẻ và xa lạ này...

Ngài lắng nghe cho đến khi tôi đã cạn lời và đáp lại bằng câu chuyện sau đây:

- Ở Tây Tạng, đâu đâu cũng có những con đường dài vắng vẻ, nhất là ở miền núi, nơi không có nhiều thị trấn hay thôn xóm. Việc đi lại luôn nguy hiểm, vì gần như lúc nào cũng có những băng cướp ẩn nấp trong các hang động hay sau những tảng đá lớn bên đường, chờ dịp để nhảy ra tấn công ngay cả những khách bộ hành có sự cảnh giác cao nhất. Nhưng liệu người ta có thể làm được gì khác? Để di chuyển từ nơi này đến nơi khác, họ vẫn phải đi qua những con đường ấy. Tất nhiên là họ có thể đi theo từng đoàn, và nếu đoàn người thật đông thì có thể bọn cướp sẽ không tấn công. Nhưng không phải lúc nào cũng thế, vì các băng cướp thường thấy rằng với đoàn người càng đông thì càng có khả năng cướp được nhiều của cải hơn. Đôi khi người ta cố gắng tự phòng vệ bằng cách thuê người đi theo bảo vệ, nhưng cách này cũng không hiệu quả lắm.

Tôi hỏi:
- Tại sao lại không?

Ngài cười:
- Vì bọn cướp luôn hung bạo hơn và có vũ khí tốt hơn. Hơn nữa, nếu phải đánh nhau thì người ta càng có nhiều nguy cơ bị thương tích.

Ngài nhắm mắt, đầu gục xuống, và tôi nghĩ có lẽ Ngài đã ngủ gục. Nhưng tôi chưa kịp nghĩ cách gì để đánh thức thì Ngài đã mở mắt ra và kể tiếp:

- Những khách bộ hành khôn ngoan, khi bị bọn cướp tấn công sẽ thương lượng với chúng: “Tại sao chúng tôi lại không thuê các vị làm người bảo vệ nhỉ? Chúng tôi có thể trả tiền cho các vị ngay bây giờ, và sẽ trả thêm nữa khi đi được đến nơi đến chốn. Như thế sẽ không cần phải đánh nhau, sẽ không có ai bị thương và các vị sẽ được nhiều tiền hơn so với việc cướp đường. Và sẽ ít nguy hiểm cho các vị hơn, vì không ai lùng bắt các vị trên núi nữa; và cũng ít nguy hiểm cho chúng tôi, vì các vị mạnh mẽ hơn và có vũ khí tốt hơn bất cứ người bảo vệ nào khác mà chúng tôi có thể thuê được. Nếu các vị giữ an toàn cho chúng tôi trên suốt con đường, chúng tôi còn có thể giới thiệu các vị với những người khác và không bao lâu các vị sẽ kiếm được nhiều tiền hơn so với những gì hy vọng kiếm được bằng vào sự cướp bóc. Các vị có thể có một mái nhà xinh xắn, một nơi để nuôi nấng gia đình. Các vị không còn phải ẩn núp trong hang động, rét cóng vào mùa đông và nóng bỏng vào mùa hè. Ai cũng có lợi cả.”

Ngài ngừng lại, chờ xem tôi có hiểu được bài học này không. Nét mặt tôi hẳn đã tố cáo rằng tôi không hiểu gì cả, nên Ngài nói tiếp:

- Tâm thức con là quãng đường dài hoang vắng, và những vấn đề bất ổn mà con miêu tả đó là những băng cướp. Khi biết là có cướp, con sẽ lo sợ không dám đi qua đó. Hoặc con “thuê” sự tỉnh giác làm người bảo vệ, nhưng xen lẫn trong [sự tỉnh giác] đó là niềm hy vọng và sự sợ hãi khi nghĩ rằng: “Nếu mình quán sát các tư tưởng, hẳn là những vấn đề bất ổn sẽ mất đi.” Dù chọn cách nào trong 2 cách ấy thì những vấn đề bất ổn của con vẫn chiếm ưu thế. Chúng luôn có vẻ lớn lao và mạnh mẽ hơn so với con.

Lựa chọn thứ ba là hành xử như một khách bộ hành khôn ngoan và chào mời các vấn đề bất ổn hãy đến với con. Khi con sợ hãi, đừng cố tìm cách chống trả hay chạy trốn sự sợ hãi. Hãy thương lượng với nó: “Này sợ hãi, hãy ở lại đây! Hãy làm người bảo vệ cho ta! Hãy chứng tỏ cho ta thấy mi lớn lao và mạnh mẽ như thế nào!” Nếu con thường xuyên làm như thế thì cuối cùng rồi nỗi sợ hãi chỉ còn là một phần trong kinh nghiệm của con, vốn chợt đến chợt đi [không nhất định]. Con sẽ thấy thoải mái với nó, thậm chí còn có thể dùng nó như một cơ hội để nhận biết được năng lực của tâm. Tâm thức con phải mạnh mẽ lắm mới tạo ra được những vấn đề lớn lao như vậy, đúng không?

Tôi gật đầu. Điều Ngài nói có vẻ hợp lý. Ngài nói tiếp:

- Khi con không còn kháng cự với một cảm xúc mãnh liệt như sự sợ hãi, con sẽ tự do hướng năng lượng ấy theo một chiều hướng xây dựng hơn. Khi con “thuê” những vấn đề bất ổn làm người bảo vệ, chúng sẽ chứng tỏ cho con thấy tâm thức của con mạnh mẽ như thế nào. Chính sự dữ dội của chúng sẽ giúp con nhận biết là con mạnh mẽ đến đâu.

Ðột phá

Cách tốt nhất để thoát khỏi [một trở ngại] bao giờ cũng là vượt qua được nó.

Robert Frost
A servant to servants
(Nô dịch của những nô dịch)

Tôi chưa bao giờ nghĩ về những cơn giông bão cảm xúc mà tôi đã phải chịu đựng như là bằng chứng cho thấy năng lực của chính tâm thức tôi. Hay nói đúng hơn, tôi đã được nghe những lời dạy về điều đó, đặc biệt là từ cha tôi khi Ngài thường xuyên chỉ ra rằng những cảm xúc phiền não thật ra chính là sự biểu hiện của tâm thức - cũng theo cách tương tự như sức nóng dữ dội là sự biểu hiện, hay được tạo ra, từ mặt trời chẳng hạn. Nhưng cũng giống như hầu hết những người mới bắt đầu tu tập quán sát tâm thức, tôi đã chú tâm nhiều hơn đến việc loại bỏ những tư tưởng và cảm xúc gây phiền não thay vì thực sự nhìn thẳng vào căn nguyên của chúng. Như Saljay Rinpoche đã chỉ rõ, những nỗ lực tu tập tỉnh giác của tôi gắn liền với niềm hy vọng và sự sợ hãi: hy vọng là bằng cách quán sát tư tưởng sẽ làm cho những tư tưởng khó chịu cuối cùng rồi cũng mất dần đi, và sợ hãi rằng khi chúng lại trỗi dậy thì tôi sẽ mãi mãi không dứt bỏ được.

Bây giờ nhớ lại, tôi có thể thấy rằng những cố gắng ban đầu của tôi cũng chẳng khác gì với những phương thức điển hình mà người ta thường dùng đến khi đối mặt với những tình huống thách thức hay cảm xúc mãnh liệt. Tôi đã cố nghĩ cách vượt qua những bất an và khủng hoảng, nỗ lực nhọc nhằn với giả định rằng có điều gì đó cực kỳ sai lầm, và chỉ cần tôi có thể loại bỏ được các vấn đề bất ổn ấy đi thì mọi việc sẽ tốt đẹp; cuộc đời tôi sẽ sung sướng, thanh thản và không chút ưu phiền.
Điểm cốt yếu trong bài học của ngài Saljay Rinpoche là hãy xem xét đến khả năng rằng, những tư tưởng và cảm xúc đã làm tôi mất ngủ ban đêm và làm cho tim tôi đập thình thịch như con chim sa bẫy ban ngày, thật ra là những biểu hiện của điều gì đó rất đúng đắn, như thể tâm thức tôi muốn bộc lộ ra bên ngoài rằng: “Hãy nhìn tôi đây này! Hãy xem tôi có thể làm được những gì đây này!”

Một số người có khả năng nắm bắt tức thời sự chuyển đổi triệt để ấy. Tôi được nghe rằng cha tôi là một người như thế. Ngay khi vừa được nghe giáo pháp về tự tánh của tâm, Ngài đã trực nhận ngay rằng hết thảy mọi kinh nghiệm đều chỉ là sự tạo tác từ năng lực vô hạn của tâm - như thường được mô tả trong các bản văn Phật giáo như là “sự phô diễn nhiệm mầu của tâm tỉnh giác”. Thật không may là tôi không được nhanh nhạy như thế. Tiến trình [tu tập] của tôi thuộc loại “hai bước tiến, một bước lùi”, như cách nói của những đệ tử mà tôi được nghe sau này, lúc bắt đầu giảng pháp. Tôi đã phải trải qua một cơn khủng hoảng để rồi cuối cùng mới có thể đối mặt với những sợ hãi của mình và nhận biết được căn nguyên của chúng.

Cơn khủng hoảng này xảy ra trong năm đầu tiên của khóa ẩn tu 3 năm ở Sherab Ling - một giai đoạn tu tập khắt khe theo những hình thức tinh yếu và chuyên sâu của thiền học trong Phật giáo Tây Tạng, vốn chỉ có thể được khẩu truyền từ một bậc thầy đã nhận truyền thừa - cũng bằng cách khẩu truyền - và tinh thông đến mức có khả năng truyền lại cho một thế hệ thiền sinh khác. Truyền thống khẩu truyền giáo pháp cho thế hệ nối tiếp như thế là một kiểu niêm phong để bảo vệ giáo pháp với hình thức nguyên thủy trong một dòng truyền thừa không gián đoạn đã hơn ngàn năm qua. Những giáo pháp này được trao truyền trong một khung cảnh biệt lập, ngăn cách hoàn toàn - theo đúng nghĩa của từ - với thế giới bên ngoài, như một phương cách để giảm thiểu tối đa sự quấy nhiễu nhằm có thể tập trung trực tiếp và chuyên chú hơn vào cảnh giới nội tâm.

Bởi vì lúc đó tôi chỉ mới 13 tuổi nên không chắc là sẽ được chấp nhận tham gia khóa ẩn tu này. Nói chung thì cơ hội tham gia chỉ dành cho những học tăng lớn tuổi hơn tôi, đã có một nền tảng vững chắc trong những thực hành cơ bản như tu tập chánh niệm. Nhưng vì ngài Saljay Rinpoche sẽ là vị giáo thọ chính của khóa tu, và tôi thì quá thiết tha muốn được học với Ngài, nên tôi đã khẩn khoản nhờ cha tôi thay tôi thỉnh cầu. Cuối cùng, lời cầu xin của tôi đã được chấp thuận. Tôi vui mừng dự lễ phát nguyện cùng với những học tăng khác và dọn vào ở trong căn phòng ẩn tu của mình.

Nhưng không bao lâu thì tôi đã hối tiếc về quyết định của mình. Đối phó với những niệm tưởng và cảm xúc phiền não trong bối cảnh thông thường là điều khó khăn đối với hầu hết mọi người - nhưng ít nhất vẫn còn có những cơ hội để tiêu khiển, nhất là trong thời đại ngày nay luôn sẵn có những thứ như truyền hình cáp, Internet, điện thư, điện thoại di động... Ngay cả việc tản bộ trong rừng chốc lát cũng có thể giúp tâm thức được thông thoáng đôi chút. Nhưng trong bối cảnh của một khóa ẩn tu 3 năm thì những cơ hội như thế rất hạn chế.
Có những buổi giảng pháp và thực hành tu tập chung theo nhóm - mà lúc đó tôi vẫn còn ghét - và những thời khóa dài tu tập một mình, hoàn toàn cách biệt, là những lúc không có gì khác để làm ngoài việc quán sát tâm thức. Sau một thời gian, ta có thể bắt đầu cảm thấy rơi vào tình trạng bế tắc: những khó chịu nhỏ nhặt được cảm nhận như là rất lớn lao, và những niệm tưởng, cảm xúc mạnh hơn thì trở thành những mối đe dọa khổng lồ đầy uy lực.
Saljay Rinpoche đã so sánh kinh nghiệm này với việc dự tính đi chơi trong công viên hay một nơi hoang dã. Bạn chuẩn bị thức ăn và mọi thứ cần dùng cho một ngày thư giãn trong một khung cảnh xinh đẹp. Nhưng chẳng bao lâu sau khi bạn chọn được địa điểm và thu xếp xong mọi thứ, các quan chức của nhà cầm quyền kéo đến với mệnh lệnh từ đức vua hay ngài thủ tướng, cấm bạn không được rời khỏi công viên trong bất kỳ điều kiện nào. Lực lượng cưỡng chế bao vây quanh bạn và nghiêm cấm không cho bạn rời khỏi chỗ. Mặc dầu bạn cố gắng lấy lòng họ bằng nụ cười, nhưng họ vẫn đứng yên một chỗ, mặt lạnh như tiền, kháng cự mọi thôi thúc tự nhiên để cười đáp lại. Toàn bộ kinh nghiệm của bạn thay đổi ngay trong giây phút đó. Thay vì tận hưởng vẻ đẹp của khung cảnh xung quanh, bạn chỉ còn có thể nghĩ đến một điều duy nhất là làm sao trốn thoát. Khốn nỗi là không có lối thoát nào cả!

Tôi bắt đầu né tránh những buổi tu tập chung theo nhóm bằng cách trốn trong phòng riêng. Nhưng trong một chừng mực nào đó thì điều này lại còn tồi tệ hơn nữa, vì tôi không thể trốn tránh chính tâm thức tôi. Tôi run rẩy, vã mồ hôi, rồi phải cố dỗ giấc ngủ. Cuối cùng, tôi không còn lựa chọn nào khác hơn là phải vận dụng những gì tôi đã được dạy - bắt đầu một cách thật nhẹ nhàng, theo những bài học đầu tiên mà cha tôi đã dạy: chỉ đơn thuần quán sát những niệm tưởng và cảm xúc khi chúng hiện khởi và mất đi, rồi chú ý đến bản chất giả tạm nhất thời của chúng. Sau ngày đầu tiên, tôi thấy mình đã có thể chào mừng chúng, và theo một cách nào đó, tôi trở nên bị mê hoặc bởi sự đa dạng và cường độ của chúng - một kinh nghiệm mà một đệ tử của tôi đã miêu tả như nhìn qua kính vạn hoa và chú ý xem các mô thức thay đổi như thế nào.

Đến ngày thứ ba thì tôi bắt đầu hiểu ra những gì Saljay Rinpoche muốn nói khi đề cập đến “những người bảo vệ”, không phải qua sự suy diễn lý trí, mà đúng hơn là một sự thể nghiệm trực tiếp: rằng như thế nào mà những niệm tưởng và cảm xúc có vẻ như áp đảo hoàn toàn [tâm thức ta] thật ra lại chính là sự biểu hiện của năng lực rộng lớn vô hạn và sức sáng tạo không ngừng của chính tâm thức ấy.

Hôm sau, tôi chường mặt ra khỏi phòng và bắt đầu tham gia trở lại vào những buổi tu tập chung theo nhóm với một sự tự tin và sáng suốt lớn hơn tôi đã từng mơ ước.

Tôi không thể nói là mình không bao giờ còn trải qua bất kỳ “cú sốc” nào nữa về mặt tinh thần hay cảm xúc trong suốt thời gian còn lại của khóa ẩn tu. Thậm chí cho đến bây giờ, đã gần 20 năm qua, tôi vẫn còn trải nghiệm tất cả những gì mà một con người bình thường phải trải qua. Tôi không phải là người có thể được bất kỳ ai đó xem như đã giác ngộ. Tôi cũng có lúc trở nên mệt mỏi như bao người khác. Có đôi khi tôi thấy nản lòng hay tức giận, hoặc buồn chán. Tôi trông mong đến giờ được nghỉ trong lịch giảng dạy. Tôi rất dễ dàng bị cảm lạnh...

Tuy nhiên, sau khi học qua đôi chút về sự tu tập tâm thức, tôi thấy rằng mối quan hệ với những kinh nghiệm này đã được chuyển hóa. Thay vì bị chúng áp đảo, khống chế hoàn toàn, tôi đã bắt đầu đón mừng những bài học có được từ chúng. Ngày nay, bất kỳ thử thách nào mà tôi phải đối mặt đều trở thành những cơ hội để nuôi dưỡng một mức độ tỉnh giác sâu sắc và rộng khắp hơn - với sự tu tập, quá trình chuyển hóa đó trở nên ngày càng tự nhiên hơn, tương tự như cách thức mà một nhà bơi lội tự động dồn nhiều năng lượng hơn đến cơ bắp của mình khi gặp một vùng biển động, và càng vươn lên mạnh mẽ hơn, tự tin hơn sau cuộc thử thách đó. Cùng một quá trình như vậy đã xảy ra với tôi khi nổi giận, mệt mỏi hay buồn chán. Thay vì chú tâm vào chính sự biến động tinh thần hay cảm xúc, hoặc tìm kiếm nguyên nhân của chúng, tôi sẽ cố gắng nhìn chúng đúng thật như chúng đang trình hiện: [chỉ là] một đợt sóng của tâm thức, một sự biểu hiện năng lực vô ngại của nó.

Vì thế, nói chung thì cho dù cuộc đời tôi không lấy gì làm hoàn hảo, tôi cũng thấy mãn nguyện. Và lạ thay, tôi mang ơn những cảm xúc bất ổn mà tôi đã phải trải qua lúc nhỏ. Những chướng ngại chúng ta phải đối mặt trong cuộc sống có thể tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự thay đổi.

Trong một chuyến đi Canada gần đây, tôi gặp một học viên mô tả điều ấy như sau:

“Tôi vẫn luôn có vấn đề lo âu, nhất là trong công việc. Tôi có cảm tưởng là tôi làm việc không đủ tài năng hoặc không đủ nhanh nhẹn; rằng người khác đang chê bai sau lưng tôi; và rằng bởi tôi không được nhanh nhẹn, tài ba như những người khác, hẳn là tôi sẽ bị mất việc. Và nếu như bị mất việc, tôi làm sao nuôi sống bản thân và gia đình? Làm sao tôi kiếm đủ tiền cho chi phí sinh hoạt? Những tư tưởng ấy cứ tiếp nối, tiếp nối mãi cho đến khi tôi thực sự tự mình cảm thấy như đang trải nghiệm sự hãi hùng của kiếp sống lang thang không nhà, ngửa bát van xin từng đồng xu của khách qua đường.

“Cách duy nhất để tôi có thể lấy lại bình tĩnh là tìm một ‘điểm sáng ở cuối đường hầm’, khát khao hy vọng rằng hoàn cảnh sẽ thay đổi, rằng tôi sẽ có một công việc khác dễ dãi hơn, hoặc áp lực công việc rồi sẽ giảm bớt. Hoặc có thể tôi sẽ gặp một người quản lý mới [dễ chịu hơn]. Hoặc có thể là những kẻ nói xấu sau lưng tôi sẽ bị đuổi việc...

“Thế rồi tôi bắt đầu nhìn lại chính sự bất an của tôi, và thấy rằng vấn đề không nằm ở công việc, mà ở những tư tưởng tôi đang nghĩ về công việc của mình. Đi tìm một ‘điểm sáng ở cuối đường hầm’ không phải điều gì khác hơn là mặt trái của sự sợ hãi - hy vọng rằng một sự thay đổi trong tình thế hẳn có thể cứu tôi ra khỏi sự khủng hoảng. Dần dần, tôi bắt đầu nhận ra rằng hy vọng và sợ hãi đều không phải gì khác hơn là những tư tưởng bồng bềnh trôi qua tâm trí tôi. Chúng thực sự chẳng liên quan gì đến chính công việc của tôi.

“Ngay lúc đó, tôi chợt hiểu ra rằng ánh sáng tôi đang tìm kiếm chính là con đường hầm, và con đường hầm mà tôi cảm thấy đang vướng kẹt trong ấy cũng chính là ánh sáng. Sự khác nhau duy nhất giữa chúng là góc nhìn của tôi - là cách thức tôi chọn để nhìn nhận hoàn cảnh của mình.

“Sự chuyển đổi góc nhìn như thế đã tạo ra tất cả sự khác biệt. Khi tôi cảm thấy lo âu hay sợ hãi, tôi có thể nhìn vào những tâm niệm ấy và thấy rằng mình có sự chọn lựa. Hoặc là tôi đầu hàng chúng, hoặc cũng có thể quán sát chúng. Và nếu tôi chọn cách quán sát chúng, tôi sẽ học được nhiều hơn về chính mình cũng như năng lực sẵn có của tôi trong việc quyết định sẽ phản ứng như thế nào trước những sự kiện xảy ra trong đời mình.”

Câu chuyện của học viên này làm tôi nhớ lại kinh nghiệm của mình trong cỗ máy quét fRMI - cũng có thể tạm xem như một loại đường hầm, trong ấy những thử thách như sức nóng, tiếng động, tiếng thét la và kêu khóc có thể dễ dàng làm cho ta bấn loạn, nhưng chính những điều đó cũng có thể trở thành cơ hội giúp ta khám phá một cảm giác an bình, trong sáng và từ mẫn mạnh mẽ hơn nhiều. Quá trình tu tập từ thời trẻ và những kinh nghiệm tiếp theo đến nay đã cho tôi thấy rằng, những gì ban đầu có vẻ như tăm tối thì về bản chất không chắc thật gì hơn là một cái bóng được tạo ra nhờ có ánh sáng chân thật của tâm thức.

Chú thích:
1. Eric Swanson khi kể về cuộc nghiên cứu này nói là có 8 vị thiền giả tham gia. Rất có thể là trong nhóm 15 người được nói ở đây đã có sự phân chia thành 2 nhóm tùy theo số năm hành thiền.
2. Xem sách “Regulation of the Neural Circuitry of Emotion by Compassion Meditation: Effects of Meditative Expertise” của Lutz, A., Brefczynski-Lewis, J., Johnstone, T., Davidson, R. J. (2008) - PLoS ONE 3(3): e1897.
3. Kinh luân: một loại pháp khí đặc biệt của người Tây Tạng, được dùng để xoay tròn trong tay khi cầu nguyện.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 14 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Truyện cổ Phật giáo


Nguyên lý duyên khởi


Hát lên lời thương yêu


San sẻ yêu thương

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.117.188.105 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...