Để có thể chế ngự được những cảm xúc phiền não, điều thiết yếu là phải loại trừ ngay từ gốc rễ của chúng, tức là sự vô minh nhận biết [vạn pháp như là] tồn tại dựa vào tự tánh sẵn có. Muốn làm được điều đó thì nhất thiết phải khởi sinh một tâm thức trí tuệ, nhận biết về các đối tượng theo cách hoàn toàn trái ngược với cách mà vô minh nhận biết về đối tượng của nó. Chúng ta phải suy ngẫm về sự thật là các đối tượng không hề hiện hữu dựa vào tự tánh sẵn có, hay hiện hữu trong tự thân và riêng thuộc về bản thân chúng. Ta cần phải phát triển lý luận để bác bỏ đối tượng mà tâm thức sai lầm nhận hiểu như là thực sự hiện hữu. Trong việc này thì chánh kiến nhận biết tánh Không là rất quan trọng. Để phát triển mức độ trí tuệ cần thiết nhằm đối trị được với [thức] vô minh này, việc đơn thuần khởi sinh một thức suy luận phụ thuộc vào lý luận là chưa đủ. Ta nhất thiết phải nâng sự nhận hiểu bằng suy luận này lên thành mức độ trực nhận chân lý vượt ngoài mọi khái niệm. Và để làm được điều đó thì cần phải có hỗ trợ của sự tập trung tâm ý. Thông qua sự tập trung tâm ý ở một mức độ sâu xa, ta có thể phát triển được thiền định vững chãi, vốn là sự hợp nhất của một tâm an định và một tâm có tuệ giác nội quán. Vì thế, điều cần thiết trước tiên là phải có được một tâm thức an định. Khi ta phát triển sự nhất tâm và khả năng của tâm thức trong việc duy trì sự chú tâm vào đối tượng quan sát của nó một cách rõ ràng và tỉnh giác, điều đó cũng hữu ích trong sự tiến triển hằng ngày của cuộc đời ta. Tâm thức ta sẽ nhạy bén hơn, tỉnh giác hơn và có nhiều khả năng hơn. Vì thế mà [ở đây] cần thiết phải có những trình bày về phương thức để đạt đến thiền định vững chãi, hay tam-ma-đề.
Những ai muốn đạt được sự an định của tâm thức thì nhất thiết phải đi đến một nơi hoàn toàn cách biệt và sẵn sàng dành một thời gian dài cho sự tu tập. Người ta cho rằng, nếu việc nỗ lực tu tập tâm an định được kết hợp với sự hành trì theo mật thừa hay mật chú thì sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, với những ai không thể tu tập được theo cách như thế mà chỉ có thể tu tập ngay trong cuộc sống bình thường, thì mỗi sáng sớm ngay khi vừa thức giấc, hãy sử dụng tâm trong sáng để quán xét xem [bản thể thực sự của] tâm thức này là gì, điều đó sẽ rất hữu ích. Thực hành này giúp tâm duy trì sự tỉnh giác cao độ, và do đó thật hữu ích cho suốt thời gian còn lại trong ngày. Để đạt đến mức độ mà những vọng tưởng vi tế trong tâm đều được dứt trừ và có sự nhất tâm ở cấp độ sâu xa, điều cần thiết trước tiên là phải kiềm chế những mức độ thô trược hơn của tâm thức như tham ái, sân hận, và những hành vi bất thiện ở cấp độ thô của thân (hành động) và khẩu (lời nói). Vì lý do này, ta cần thiết phải tu tập thọ trì giới luật.
Trong hệ thống giới luật đạo Phật, có [những giới luật dành cho] hàng cư sĩ tại gia và [dành cho] chư tăng ni xuất gia. Ngay trong hàng cư sĩ tại gia cũng có [giới luật khác nhau dành cho] những giai đoạn tu tập khác nhau. Lý do của việc này là đức Phật đã chỉ dạy nhiều trình độ tu tập để phù hợp với khả năng của những người khác nhau. Điều đó rất quan trọng. Chúng ta nên [chọn] tu tập theo [pháp môn nào] là tùy thuộc vào [khả năng và] khuynh hướng tâm linh của chính mình, và như thế ta sẽ đạt được những kết quả như ý nguyện. Khi nhận biết rằng giáo pháp được chỉ bày cho [tất cả] chúng sinh với những căn cơ và trình độ khác nhau, quý vị sẽ có thể phát triển sự tôn trọng thật lòng đối với những hệ thống tín ngưỡng khác nhau trên khắp thế giới. Cho dù những khác biệt về triết thuyết là rất lớn, thường là [ngay từ] những điều cơ bản, nhưng ta có thể thấy rằng đối với vạn loại chúng sinh [khác biệt nhau] thì những triết thuyết đó đều có thể là thích hợp và hữu ích. Ngày nay, chúng ta cần có sự tương kính và hiểu biết lẫn nhau như thế. Điều đó rất quan trọng.
Trong mối quan hệ này, tôi rất kính trọng và đánh giá cao chư vị tăng ni người phương Tây trong pháp hội này. Tuy nhiên, không nên có bất kỳ sự hối hả nôn nóng nào trong việc thọ trì giới luật. Vì đức Phật đã chỉ bày nhiều pháp môn phù hợp với những trình độ khác biệt đa dạng, nên điều quan trọng là quý vị phải tự xác định được trình độ của bản thân mình, rồi mới tiến hành tu tập dần dần theo [pháp môn nào phù hợp với] trình độ đó. Ngoài ra, tôi thấy rằng những người phương Tây nào chân thành muốn tu tập Phật pháp thì [trước hết] hãy tiếp tục làm người tốt trong cộng đồng xã hội của mình, vì điều đó rất quan trọng. Họ nên tiếp tục [sống hòa nhập] trong cộng đồng, đừng trở nên cách biệt. Tinh yếu của Phật pháp như đang được những người Tây Tạng thực hành cũng tương quan với nền văn hóa Tây Tạng, nên hẳn sẽ rất sai lầm khi cố gắng để “Tây Tạng hóa” hoàn toàn và thực hành theo một hình thức Phật giáo đã “Tây Tạng hóa”.
Hãy tiếp tục [sống hòa hợp] trong cộng đồng xã hội, tiếp tục thực hiện công việc chuyên môn của mình, tiếp tục làm việc như một thành viên trong cộng đồng, và đồng thời thực hành Phật pháp nếu quý vị cảm thấy đó là điều hữu ích cũng như mang lại hiệu quả. Chúng ta đã thành lập nhiều trung tâm [tu tập] và nên tiếp tục duy trì hoạt động của chúng. Nhưng nếu có ai đó muốn thực hành Phật pháp thì không nhất thiết phải tham gia vào một trung tâm tu tập, mà vẫn có thể tu tập ngay trong vị trí hiện tại của người ấy.
Chúng ta đã bàn về những phương thức để đấu tranh với phiền não, sau đây chúng ta sẽ tiếp tục bàn về cách thức để phát triển tâm Bồ-đề, lòng bi mẫn, cũng như cách thức để phá trừ những chướng ngại ngăn cản việc đạt đến Nhất thiết trí, tức là những chủng tử được gieo cấy vào tâm thức bởi phiền não. Trước hết ta phải thọ trì giới, vốn là nền tảng căn bản, rồi sau đó thông qua tu tập định mà tâm thức mới đạt được sự tập trung và trở nên mạnh mẽ. Tâm thức đã đạt được sự tập trung đó sẽ được sử dụng để thiền quán về tánh Không, và nhờ đó mà ta dần dần vượt qua được những che chướng [của tri kiến sai lầm hay chi mạt vô minh], rồi dần dần [vượt qua được cả] những che chướng [của vô minh] căn bản. Cuối cùng, chúng ta sẽ hoàn toàn vượt qua được vô minh [căn bản] đó, vốn chính là ý niệm về sự hiện hữu dựa vào tự tánh sẵn có. Sự dứt trừ [hoàn toàn cả 2 loại vô minh] như vậy, hay tịch diệt, được gọi là giải thoát.
Như bậc hộ trì Chánh pháp [là Bồ Tát] Long Thụ đã nói [trong tác phẩm Trung luận]: “Nhờ dứt trừ các nghiệp nhiễm ô và mọi cảm xúc phiền não mà có được giải thoát.” Các nghiệp nhiễm ô tạo ra bởi tà kiến. Những tà kiến đó vốn tạo ra bởi vọng tưởng, và mọi vọng tưởng sẽ tiêu tan thông qua [việc thiền quán về] tánh Không, hoặc là không còn hiện hữu trong tánh Không. Sự dứt trừ vọng tưởng được giải thích theo cả 2 cách như vậy. Dù là [giải thích theo] cách nào thì thực tại [cuối cùng] ấy - cái tánh Không mà trong đó mọi cảm xúc phiền não, vô minh v.v... đều đã hoàn toàn chấm dứt - cũng chính là Diệt đế, tức là giải thoát.