Kinh nghiệm quá khứ và hy vọng tương lai là những phương tiện giúp ta sống tốt hơn, nhưng bản thân cuộc sống lại chính là hiện tại.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Người ta có hai cách để học hỏi. Một là đọc sách và hai là gần gũi với những người khôn ngoan hơn mình. (A man only learns in two ways, one by reading, and the other by association with smarter people.)Will Rogers
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Chấm dứt sự giết hại chúng sinh chính là chấm dứt chuỗi khổ đau trong tương lai cho chính mình.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Hãy sống như thế nào để thời gian trở thành một dòng suối mát cuộn tràn niềm vui và hạnh phúc đến với ta trong dòng chảy không ngừng của nó.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Đừng cố trở nên một người thành đạt, tốt hơn nên cố gắng trở thành một người có phẩm giá. (Try not to become a man of success, but rather try to become a man of value.)Albert Einstein
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Phật pháp ứng dụng »» Nỗ lực hướng thiện trong hoàn cảnh hiện tại »»

Phật pháp ứng dụng
»» Nỗ lực hướng thiện trong hoàn cảnh hiện tại

Donate

(Lượt xem: 20.169)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Phật pháp ứng dụng - Nỗ lực hướng thiện trong hoàn cảnh hiện tại

Font chữ:


Diễn đọc: Anh Tuấn

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Bạn V.Ng. thân mến! Sở dĩ tôi không trả lời những câu hỏi của bạn lần này bằng thư riêng, là vì những điều bạn nêu ra cũng là nghi vấn chung của rất nhiều người. Vì thế, tôi trình bày nội dung giải đáp những vấn đề của bạn trong chuyên mục “Phật pháp ứng dụng” kỳ này, hy vọng có thể giúp bạn cũng như nhiều người khác giải tỏa được những vướng mắc trong sự tu tập.

Trong thư bạn nêu câu hỏi rằng:

“Phật có dạy về ngũ giới, trong đó giới không sát sanh là không giết hại đến cả côn trùng. Em là một nông dân trồng lúa, trong quá trình canh tác lâu nay hể có sâu rầy cắn phá là em phun thuốc để diệt trừ, bây giờ xem Kinh em thấy hoang mang không biết làm thế nào cho đúng. Theo anh, một nông dân đã quy y Tam Bảo và thọ ngũ giới như em thì phải làm thế nào để hằng ngày vừa không phạm giới vừa làm kinh tế đáp ứng nhu cầu của gia đình?”

Vấn đề bạn nêu ra là một mâu thuẫn nảy sinh từ ngay trong cuộc sống, vì thế không chỉ riêng bạn gặp phải. Trong Bát Chánh Đạo, Đức Phật có đề cập đến Chánh mạng và Chánh nghiệp, có thể xem là liên quan đến câu hỏi của bạn. Khi tu tập Chánh nghiệp, chúng ta giữ cho cả ba nghiệp thân, khẩu và ý đều hiền thiện, không tạo nghiệp xấu ác, và khi tu tập Chánh mạng, chúng ta phải lựa chọn nghề nghiệp chân chánh để nuôi sống bản thân và gia đình, không vì sự mưu sinh mà gây tổn hại đến mọi loài chúng sinh khác.

Về mặt giáo lý, nói chung là như vậy. Nhưng nếu nói rằng việc trồng lúa không phải là Chánh nghiệp vì giết hại sâu rầy, thì trong thực tế chúng ta biết phải chọn nghề nghiệp nào? Hơn thế nữa, trong một đất nước nông nghiệp, chính việc trồng trọt đã mang lại nguồn lương thực chính cho mọi người dân, chúng ta làm sao có thể từ bỏ công việc này? Mặt khác, việc giải quyết rốt ráo vấn đề này cũng không dễ dàng gì, bởi nếu xét đến cùng thì hầu hết các nghề nghiệp mưu sinh trong cuộc sống này đều có ít nhất một khía cạnh nào đó gây tổn hại đến chúng sinh.

Khi đọc lịch sử cuộc đời đức Phật Thích-ca, hẳn chúng ta đều nhớ câu chuyện trong buổi lễ Hạ điền, ngài đã quan sát thấy muôn loài phải tranh giành nhau sự sống. Người nông dân cày xới giết hại côn trùng, chim chóc tranh nhau bắt lấy giun dế, người thợ săn bắn giết chim... cho đến các loài thú ăn thịt cũng luôn rình rập bắt lấy những con mồi bé nhỏ...

Sự sống trong thế giới này vốn đang tồn tại theo cách đó, nghĩa là muôn loài phải tranh nhau sự sống, bằng sự giết chóc, tranh giành và gây tổn hại cho nhau. Các loài thú ăn thịt không thể sống còn nếu không cướp đi sự sống của những con mồi, nhưng cho đến các loài vật chỉ ăn cỏ cây, thực vật cũng không phải bao giờ cũng sống chung hòa bình, bởi một khi nguồn thực phẩm bị cạn kiệt, khan hiếm thì chúng cũng vẫn phải tranh chấp, giành giật lẫn nhau.

Và trong xã hội loài người cũng không hề thiếu vắng sự cạnh tranh sinh tồn. Ngay trong những đất nước văn minh và giàu mạnh nhất thì nguồn lợi nhuận của một số người vẫn thường là sự mất mát, tổn hại của một số người khác. Khi tình trạng thất nghiệp ngày càng gia tăng, chỉ cần bạn xin được một việc làm nào đó thì cũng có nghĩa là bạn đã dập tắt niềm hy vọng của một người khác.

Trong kinh Phật gọi thế giới này là cõi Ta-bà, Hán dịch là “nhẫn độ” hay “kham nhẫn”, nghĩa là thế giới của sự nhẫn chịu, chịu đựng. Sở dĩ như thế là vì tất cả chúng sinh cõi này đều do nghiệp lực tương đồng mà tái sinh vào, để cùng nhận chịu những nghiệp quả không tốt đã gây tạo từ trong quá khứ. Do nghiệp quả như thế nên muốn có được một hoàn cảnh tốt đẹp, thuận lợi cho sự tu tập dễ dàng thì e rằng không thể nào có được.

Tuy nhiên, nhìn từ một góc độ khác thì chính vì cõi thế giới này là uế trược, là khổ đau nên đức Phật mới ra đời, để chỉ bày con đường cho chúng sinh thoát khổ. Nếu như cõi thế giới này là thanh tịnh, hoàn toàn an vui, hẳn đức Phật đã không cần phải nhọc công thị hiện thuyết pháp!

Ngay cả đối với những người xuất gia, dù đã buông bỏ hết mọi ràng buộc thế tục, cũng không phải không rơi vào những hoàn cảnh tạo nghiệp. Vị tỳ-kheo khi uống một chén nước cũng là giết hại vô số chúng sinh trong đó, nên Phật dạy phải chú nguyện trước khi uống và đọc bài kệ rằng:

Phật quán nhất bát thủy,
Bát vạn tứ thiên trùng.
Nhược bất trì thử chú,
Như thực chúng sinh nhục.

Tạm dịch nghĩa:

Đức Phật quán xét thấy trong một chén nước,
Có tám vạn bốn ngàn con trùng nhỏ.
Nếu không trì chú này [trước khi uống],
Thì [uống nước vào cũng] giống như ăn thịt chúng sinh.

Dù biết rằng uống nước vào là giết hại chúng sinh, nhưng vị tỳ-kheo cũng chỉ có thể chú nguyện trước khi uống chứ không thể không uống nước, bởi đó là lẽ sống, là điều không thể tránh được. Việc chú nguyện ở đây hàm ý là vị tỳ-kheo ý thức đầy đủ về hành vi của mình và khởi tâm thương xót, cầu nguyện cho tất cả những chúng sinh đang bị tổn hại vì việc duy trì sự sống của bản thân vị ấy.

Đừng nói chi đến những công việc vì sinh kế, ngay cả việc cất bước chân đi trên mặt đất này cũng đã có thể là hành vi gây tổn hại đến chúng sinh. Cho nên, Phật dạy rằng vị tỳ-kheo khi ngủ dậy bước chân xuống giường phải đọc thầm bài kệ chú nguyện:

Tùng triêu dần đán trực chí mộ,
Nhất thiết chúng sinh tự hồi hộ.
Nhược ư túc hạ ngộ thương thời,
Nguyện nhữ tức thời sinh Tịnh độ.

Tạm dịch:

Sáng sớm đến chiều tối,
nguyện muôn loài chúng sinh,
Thảy thảy tự phòng hộ.
Chúng sinh nào vô tình,
Bị giẫm đạp mất mạng,
Xin nguyện cho tất cả,
Đều sinh về Tịnh độ.

Chính vì thế, trong bài văn Khuyên phát tâm Bồ-đề, ngài Thật Hiền viết rằng:

“Chúng ta ngày nay trong sinh hoạt thường ngày, mỗi hành vi, động tác thường phạm giới hạnh; mỗi miếng cơm, ngụm nước luôn trái luật nghi. Mỗi một ngày qua đã phạm vô số tội, huống chi trong suốt một đời, trải qua nhiều kiếp, tội lỗi sinh khởi chắc chắn là không thể nói hết!”

Một Phật tử ở Đức viết thư cho tôi, kể về những lần anh lái xe hơi đi qua những quãng đường có nhiều côn trùng. Khi xe chạy trên đường, anh biết là có vô số côn trùng bị nghiền nát, nhưng anh không thể nào tránh né chúng hoặc dừng xe lại... Anh cảm thấy bất an về điều đó nhưng không có lựa chọn nào khác.

Tương tự như thế, trong đời sống của mỗi chúng ta luôn có những trường hợp mà ta không có lựa chọn nào khác, dù biết rằng việc làm của mình đang có nguy cơ gây tổn hại cho ai đó hoặc cho các loài chúng sinh khác.

Những người sống bằng nghề đánh cá, săn bắt, chăn nuôi, trồng trọt... tùy theo mức độ khác nhau, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp, đều đang gây hại cho những chúng sinh khác. Tuy nhiên, vì sự mưu sinh cho bản thân và gia đình, không phải lúc nào họ cũng có thể đủ điều kiện để thay đổi, tìm kiếm một sinh kế khác. Trường hợp mà bạn V. Ng. nêu ra trong thư cũng là như thế.

Nhưng ngay cả những người kinh doanh, buôn bán, tưởng chừng như có thể không gây hại đến ai thì thật ra vẫn đang tranh giành sự sống cùng biết bao người khác. Sự thành công của một doanh nghiệp thường là một trong những yếu tố dẫn đến sự thất bại hay phá sản của một hoặc nhiều doanh nghiệp khác. Cho dù vô tình hay cố ý thì sự vận hành chung của nền kinh tế xã hội vẫn luôn là như vậy.

Vì thế, Phật pháp không được truyền dạy để áp dụng trong những hoàn cảnh tốt đẹp, thuận lợi và vắng mặt khổ đau. Ngược lại, Phật pháp chính là để vận dụng, tu tập và vươn lên hướng thiện ngay trong những nghịch cảnh, những hoàn cảnh bất như ý và thậm chí là đang xô đẩy chúng ta đi về hướng bất thiện.

Trong những hoàn cảnh thực tế như vậy, việc vận dụng Phật pháp chính là để nhận biết, ý thức đầy đủ về việc mình đang làm, và từ đó khởi tâm từ bi thương xót tất cả chúng sinh bị hại, phát khởi tâm nguyện cứu vớt chúng sinh, và do đó tự mình sẽ nỗ lực hết sức để hạn chế đến mức tối thiểu những tổn hại có thể gây ra cho chúng sinh hoặc cho người khác.

Khi chúng ta tu tập nuôi dưỡng tâm từ bi trong cuộc sống, trong mỗi hành vi và trong nghề nghiệp của mình, điều này sẽ dẫn dắt việc làm của ta theo hướng tích cực hơn, và lâu dần có thể chuyển hóa, thay đổi hoàn cảnh sống trở nên tốt đẹp hơn. Nghề nghiệp có thể thay đổi, nhưng điều đó không phải nhất thời có thể thực hiện được ngay mà còn tùy thuộc vào các nhân duyên, điều kiện quanh ta. Việc tu tập nuôi dưỡng tâm từ bi chính là gieo cấy những hạt nhân tốt lành để làm chuyển hóa dần dần, tạo điều kiện thuận lợi cho những thay đổi tích cực, tốt đẹp.

Trở lại trường hợp như bạn V. Ng. nêu ra, người nông dân không thể không diệt sâu rầy, nhưng nếu không có sự nhận thức đúng về việc đang làm, không khởi tâm từ bi thương xót chúng sinh bị hại, thì hệ quả tất yếu sẽ là sự lạm dụng thái quá các biện pháp diệt trừ sâu rầy. Ngược lại, nếu chúng ta khởi tâm từ bi thương xót và nỗ lực hết sức để hạn chế việc này thì kết quả sẽ khác hơn, bởi chúng ta có thể nghĩ đến nhiều giải pháp khác nữa để hỗ trợ cho việc bảo vệ cây trồng, thay vì chỉ biết lạm dụng các loại thuốc diệt sâu rầy.

Thực tế cho thấy việc nông dân lạm dụng thuốc trừ sâu đã và đang dẫn đến tình trạng kháng thuốc của sâu rầy tăng nhanh và tác hại đến môi trường ngày càng nghiêm trọng, kể cả việc gây nhiễm độc thực phẩm. Vì thế, tuy rằng không thể tránh được việc làm gây hại cho chúng sinh trong trường hợp này, nhưng việc tu tập nuôi dưỡng tâm từ bi vẫn có thể giúp ta chuyển đổi hoàn cảnh trở nên tốt đẹp hơn.

Mặt khác, nếu chúng ta quán xét theo chiều hướng tích cực thì những hoàn cảnh bất lợi và khắc nghiệt lại chính là những điều kiện tốt nhất giúp ta tu dưỡng một cách hiệu quả nhất. Khi bạn ngồi xuống trong một căn phòng ấm áp để quán niệm hay sinh khởi tâm từ bi, bạn chỉ có thể đạt được những kết quả hết sức trừu tượng, mơ hồ. Nhưng khi mỗi ngày phải tiếp xúc, nhìn thấy và cảm nhận trực tiếp những khổ đau của người khác, của những chúng sinh bị hại, bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc nuôi dưỡng và phát triển tâm từ bi, cũng như sẽ có được những lời nói, việc làm cụ thể để hiện thực hóa tâm từ bi của mình. Chính trong những môi trường, hoàn cảnh có nhiều chúng sinh khổ đau, bị hại, bạn mới có được những điều kiện tốt nhất để tu dưỡng tâm ý, để thực hiện những hành vi hiền thiện, cũng như để nói ra những lời từ ái, lợi lạc. Thật khó để chúng ta có thể hình dung được một cuộc sống tu dưỡng khi quanh ta chỉ toàn là sự an vui hạnh phúc và chẳng có một chúng sinh nào phải gánh chịu khổ đau. Sự thật là, trong hoàn cảnh như thế thì lòng từ bi chắc chắn sẽ chỉ là một khái niệm hoa mỹ mà không có bất kỳ ý nghĩa thực tiễn nào.

Nói tóm lại, những điều kiện bất toàn hay hoàn cảnh không thuận lợi tuy có thể gây ra cho ta nhiều khó khăn, bất ổn, nhưng nếu đó chính là những gì ta phải chấp nhận mà không có lựa chọn nào khác, thì chúng ta phải biết nỗ lực vươn lên hướng thiện ngay trong những hoàn cảnh thực tế đó. Nếu hiểu được như thế, sự tu tập sẽ dần dần giúp ta biết cách điều khiển mọi hành vi, lời nói cũng như ý nghĩ của mình, sao cho có thể giảm nhẹ đến mức thấp nhất những tổn hại gây ra cho người và vật cũng như môi trường sống quanh ta.

Lục tổ Huệ Năng trước khi ra hoằng pháp ở Tào Khê đã phải trải qua hơn 15 năm sống chung với một nhóm thợ săn trong rừng, hằng ngày phải chứng kiến việc họ săn bắt và giết thịt thú rừng. Chính bản thân ngài cũng bị họ giao cho nhiệm vụ canh giữ lưới bắt thú. Mỗi khi có được cơ hội, ngài lại mở lưới thả hết thú rừng đi. Ngay cả trong việc ăn uống mỗi ngày, ngài phải luộc rau rừng chung trong nồi thịt của họ rồi chọn ăn rau thay vì ăn thịt. Đối với một người đã thấu triệt giáo pháp từ bi của đức Phật, hẳn không ai mong muốn một cuộc sống như thế cả. Thế nhưng Lục tổ vẫn phải chấp nhận cuộc sống ấy, và ngài đã làm tất cả những gì có thể để giảm nhẹ đi sự tổn hại cho chúng sinh. Đó chính là lựa chọn tốt nhất cho hoàn cảnh ấy.

Trở lại với những trăn trở, băn khoăn của bạn V. Ng. Khi bạn cảm thấy bất an trước những tổn hại gây ra cho chúng sinh thì đó chính là dấu hiệu của sự cảm thông, của lòng từ bi đang được nuôi dưỡng. Chỉ khi nào bạn vô cảm, lạnh lùng trước những khổ đau, tổn hại của muôn loài, đó mới là điều đáng sợ. Sự cảm nhận và cảm thông với khổ đau của muôn loài chính là chất liệu tốt nhất để nuôi dưỡng lòng từ bi trong bạn, và chính sự nuôi dưỡng này sẽ dần dần chuyển hóa cuộc đời, chuyển hóa hoàn cảnh sống của bạn ngày càng hoàn thiện hơn. Vì thế, bạn hãy nỗ lực hết sức mình để làm những điều tốt đẹp nhất, lợi lạc nhất cho tha nhân trong hoàn cảnh hiện tại của mình, nhưng bạn không cần thiết phải luôn ray rứt tự trách mình. Bởi như tôi đã nói trên, trong hoàn cảnh sống tương đối của cõi Ta-bà này, nếu bạn cố sức đi tìm một điều kiện sống cho thật hoàn hảo, thật toàn thiện thì chắc chắn sẽ không bao giờ có được.

Cũng tương tự như thế, đối với việc bạn đang cân nhắc chuyển đổi môi trường làm việc, hãy dựa trên tiêu chí có thể làm lợi lạc cho tha nhân để quyết định sự chọn lựa. Cho dù trong bất kỳ hoàn cảnh sống hay điều kiện làm việc nào, người Phật tử luôn hướng đến một cuộc sống lợi lạc cho mọi người, hướng đến sự cứu vớt khổ đau và mang lại niềm vui cho những người quanh mình. Và đó cũng chính là ý nghĩa của hai chữ từ bi mà chúng ta luôn nhắc đến, bởi lòng từ là mang đến niềm vui và lòng bi là làm giảm nhẹ khổ đau cho người khác.

Trong thư bạn có hỏi: “Học Phật là để có sự an lạc, nhưng em càng tu thì càng thấy bất an. Có lẽ em tu sai phải không anh?”

Thật ra không hẳn như bạn nghĩ, vì như trên đã nói, khi bạn rung động và bất an trước sự tổn hại của chúng sinh, đó là tâm từ bi của bạn đang trỗi dậy. Chỉ có điều là khi bạn nhận thức đúng được về hoàn cảnh, sự việc cũng như những gì bạn có thể làm được tốt nhất trong hoàn cảnh ấy, thì sự bất an kia sẽ dần dần được chuyển hóa thành quyết tâm cứu khổ, ban vui cho muôn loài, thay vì chỉ là sự buồn phiền lo âu vì nghĩ rằng mình đang có lỗi.

Bạn cũng nên tìm đọc thêm những sách Phật giáo nói về giáo lý duyên khởi và phát tâm Bồ-đề để có một nhận thức sâu xa và đầy đủ hơn về bản chất thực sự của đời sống. Điều đó sẽ giúp bạn có được sự vững chãi và tự tin hơn khi đưa ra các quyết định quan trọng trong đời sống. Những sách như thế có rất nhiều trên website này (rongmotamhon.net) và bạn có thể tìm đọc hoàn toàn miễn phí.

Việc chọn lựa giữa môi trường làm việc bận rộn hơn so với nơi làm việc hiện nay của bạn cũng cần quyết định theo hướng như đã nói trên. Điều quan trọng để cân nhắc ở đây là sự “rất bận rộn” mà bạn nói đó có thực sự mang đến lợi lạc cho nhiều người hay không? Nếu có, thì đó sẽ là một điều kiện rất tốt để bạn ra sức phụng sự tha nhân; nhưng nếu không được vậy thì sự chuyển đổi của bạn sẽ không có ý nghĩa tích cực lắm.

Tất nhiên, những điều trình bày trên cũng chỉ mang tính định hướng chung chung mà thôi. Chính sự thực hành tu tập mỗi ngày của bạn mới quyết định việc bạn nhận hiểu và áp dụng được những gì vào cuộc sống. Tuy nhiên, bạn có thể tin chắc điều này: Phật pháp sẽ mang đến cho bạn sự an ổn thực sự trong tâm hồn, chứ không phải là ngày càng bất an như bạn tưởng. Một khi bạn nhận hiểu đúng và thực hành đúng, tôi tin chắc rằng bạn sẽ sớm cảm nhận được những lợi lạc và niềm vui trong sự tu tập.


Lời Ban Biên Tập

Sau khi đăng tải bài này, chúng tôi tìm thấy có câu trả lời khác hơn cho một thắc mắc tương tự, được một Phật tử đưa ra trực tiếp sau một buổi giảng của Thượng tọa Thích Chân Quang. Chúng tôi trích đăng nội dung hỏi đáp dưới đây để độc giả tiện so sánh, đồng thời cũng để chỉ ra những cách hiểu và diễn giải Phật pháp sai lệch cần tránh, ngay cả khi những cách hiểu này được trình bày bởi một vị khoác áo tăng sĩ.

Phần hỏi đáp này được các Phật tử ghi lại từ một buổi giảng pháp trực tiếp nhân dịp khánh thành chùa Hương Mai ở cửa biển Thị Nại (TP Qui Nhơn) vào ngày 7 tháng 9 năm 2007, khi Phật tử tham dự buổi giảng nêu câu hỏi và Thượng tọa Thích Chân Quang trực tiếp trả lời.

Thượng tọa Thích Chân Quang trả lời Phật tử

HỎI:

Người dân biển chúng con cũng muốn tu hành, cũng muốn tu được an lạc và giữ giới. Tuy nhiên, chúng con sống được là nhờ việc đánh bắt cá, nghĩa là phạm giới sát sinh. Vậy người dân biển chúng con phải làm thế nào để không bị quả báo do việc sát sinh?

(Đại diện ngư dân vốn là Phật tử chùa Hương Mai-Thị Nại-Qui Nhơn.)

ĐÁP:

Điều này rất tế nhị nhưng thực tế. Ở đây, đại đa số Phật tử chúng ta là ngư dân đánh cá. Hồi xưa, có lần, thầy ở Long Hải, Phước Hải, Bà Rịa-Vũng Tàu, nơi đó cũng toàn dân đánh cá. Phật tử nhiều lắm và rất mộ đạo. Họ thương mến chùa, thích đi chùa lắm. Họ vô lạy Phật, tụng kinh xong rồi, khuya dậy đem thuyền ra khơi đánh cá.

Khi Phật tử hiểu đạo, họ biết mình phải giữ giới sát sinh nhưng nghề ông cha để lại bao nhiêu đời nay nên họ cứ phải là đánh bắt cá, không biết làm nghề gì khác. Và do đó, họ ray rứt, phân vân giữa tội và phước. Họ cũng có hỏi Thầy câu hỏi này. Thầy đã trả lời thế này:

+ Quý Phật tử đánh cá để làm gì, đánh cá làm gì? Đương nhiên là bán phải không?

+ Ai mua? Cái người nào muốn ăn thì người đó mua.

+ Nếu bây giờ không có người nào ăn, không có người nào mua thì mình có đánh không?

+ Không! Mình sẽ kiếm việc khác làm, chứ không ra biển kiếm sống nữa.

+ Vì có người ăn cá, mình mới đánh bắt cá.

+ Nhưng nếu mình không bắt thì người ta có ăn được không?

+ Cũng không! Vậy tội do ai?

Tội cả hai! Sự thật là khi ta sát sinh, đúng là ta có tội chứ không phải không đâu. Nhưng trong tội đó, có sự bù trừ cấn qua, cấn lại như thế này.

Trước hết, người ăn lãnh bớt tội sát sinh rất nhiều. Tại vì nếu họ không ăn thì mình không đánh. Nhưng cũng vì mình đánh bắt cá nên họ mới ăn, nghĩa là ta cũng gánh một phần tội. Công bằng mà nói, ta cũng chấp nhận mình có tội.

Bây giờ, ta xem phước nằm ở đâu. Ta đặt vấn đề xa thêm: người mua cá về ăn, ăn xong họ làm gì? Nếu người ăn cá xong, có sức khỏe rồi họ quậy, đi đánh lộn, uống rượu, cờ bạc, chửi bậy… thì người đó tội chồng thêm tội. Thế thì phần ta, ta cũng sẽ tội theo họ vì ta cung cấp cái sức khỏe cho họ và đáng sợ là tội ta sẽ nặng hơn!

Theo nhân quả mà nói, nếu người đó ăn cá xong rồi, có sức khỏe, họ bắt đầu làm việc giúp đời, giúp nước, ví dụ như bác sĩ đi khám bệnh, cứu người, thầy cô giáo đi dạy học, công nhân họ đi lao động, cán bộ viên chức giúp đỡ cho dân... Nếu họ làm được phước thì ta hưởng phước theo họ.

Nói chung, làm nghề đánh cá, mình chấp nhận mang tội sát sinh. Nhưng tội phước đó còn lệ thuộc phía sau nữa. Đó là xem lại người họ ăn cá rồi, họ làm những gì. Đó là phần tội phước mình lệ thuộc vào tội phước của người ăn.

Như thế, nếu mình muốn bảo đảm người ăn đó không quậy, chỉ làm điều tốt thôi để cho mình có phước theo, thì khi mình bán cá cho ai, mình phải đưa kinh cho họ tụng, đưa nhân quả cho họ đọc, đưa giáo lý cho họ nghe, hướng cho họ biết làm điều phước thiện, rủ họ đi quy y, giữ giới. Nghĩa là làm ngư dân phải giáo hóa Phật pháp mạnh hơn người làm nghề khác. Người làm nghề khác truyền bá đạo lý một, ngư dân mình không phải chỉ đi bán cá, mà phải chịu cực hơn để truyền bá gấp mười lần người kia. Bán cho mối nào phải tặng băng đĩa, kinh sách giáo lý. Truyền bá được như vậy giúp cho xã hội tốt đẹp lên, vì mình cung cấp cá người ta ăn, và khi ăn xong, người ta có sức khỏe để làm toàn là điều tốt. Nhờ giáo hóa Phật pháp như thế, phước mình tăng lên rất là nhiều.

Lại nữa, người ta mua cá mình, người ta đưa mình tiền. Tiền đó mình làm gì? Tiền đó, đầu tiên, mình mua gạo, mua quần, mua áo, mua sắm sửa mọi thứ trong gia đình.

Chỗ còn dư làm gì? Nếu tiền dư đó đem đi đánh bài, nhậu nhẹt hay làm những điều sa đọa thì tội mình chồng thêm tội. Nhưng nếu trích một phần tiền dư đó để làm vốn cho gia đình, còn một phần để đem làm phước chẳng hạn đem giúp Thầy trụ trì cất chùa, Thầy trụ trì sẽ gánh bớt một mớ nghiệp sát sinh giùm cho mình. Ngôi chùa Hương Mai cất bằng tiền đánh cá. Chùa xây xong có nơi để mỗi ngày, nhiều người đến đây tu hành đến đây, lễ Phật, tu tập. Cho nên phần nào ta cảm thấy yên tâm khi biết nhờ vậy, nghiệp sát sinh vơi đi rất nhiều.

Ngoài ra, ta thấy con cá bơi lội dưới nước, sống để làm gì? Hoàn toàn không có mục đích gì hết. Con cá không thể học một bài học nào hết, nó không biết viết chữ, nó không biết làm phước, nó không biết nghe pháp, nó chỉ biết đẻ và sống theo bầy đàn. Cuộc sống của nó hoàn toàn vô nghĩa, và hình như điều tốt nhất của nó là dường như nó có cái phước duy nhất là dùng làm thực phẩm cho một loài khác. Trừ những con cá có tánh linh, cá thần chứ những loài cá bình thường chỉ được phước theo người ăn nó. Nếu người ăn nó mà làm điều phước thì nó được phước, ngày kia nó còn cơ hội được sinh làm người. Còn người nào ăn mà quậy thì nó lệ thuộc nghiệp người này nên bị đọa luôn. Cá sinh ra với nghiệp duy nhất là làm thực phẩm. Khi ta bắt nó, ta giúp nó làm đúng chức năng nên nó có phước. Nhưng tội của ta là lúc ta giết chết ta làm nó đau đớn. Thành thử ta chịu cái tội ở chỗ đó một chút.

Lúc đó, chia nhau mà trả nghiệp! Người đánh bắt trả một mớ, người ăn trả một mớ, chùa Hương Mai trả một mớ. Cho nên, chưa thể làm gì khác được thì ta đành phải làm cái nghề này. Nhưng mà ta cũng hy vọng một ngày nào đó khoa học chế ra được cá nhân tạo. Con người sẽ tiếp tục được ăn cá mà không có sự giết hại.

Đến lúc đó, ta sẽ không còn làm ngư dân nữa, ta sẽ làm công nhân cho những xí nghiệp, những cái xưởng và chế biến thịt cá nhân tạo ấy. Và con người vẫn được ăn ngon, khỏe mạnh để làm những điều tốt mà không gây nghiệp sát sinh. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi đến ngày đó, ta cứ rủ nhau đến chùa cùng tu hành tinh tấn vậy.

***

Nhận xét

Chúng tôi tin rằng độc giả hoàn toàn có thể tự mình nhận thức được những điều sai lệch trong phần giải đáp thắc mắc nói trên. Tuy nhiên, sau khi bài giảng này được lưu hành trên Internet, vẫn có không ít Phật tử tham gia tranh luận, cho rằng “thầy giảng rất có tình có lý”. Chúng tôi xin miễn bàn chuyện hay dở, đúng sai theo quan điểm riêng của mỗi người, nhưng chỉ căn cứ vào lời Phật dạy để đưa ra một số nhận định đối với nội dung phần trả lời trên.

1.

Trong toàn bộ nội dung trả lời không hề nhắc đến ý nghĩa căn bản nhất của giới không sát sanh chính là vì lòng từ bi, tôn trọng sự sống. Thậm chí việc đoạn dứt sinh mạng của chúng sinh lại được mô tả rất giống như một việc bình thường không đáng quan tâm lắm: “Nhưng tội của ta là lúc ta giết chết ta làm nó đau đớn. Thành thử ta chịu cái tội ở chỗ đó một chút.” (Hết trích)

Rõ ràng với cách nói này, người nói chỉ cho rằng tội lỗi của việc đoạn dứt sinh mạng kia chỉ là “một chút” thôi, chẳng có gì nghiêm trọng. Đã không có tội gì nghiêm trọng, lại không hề được nhắc nhở chút nào về lòng từ bi, tôn trọng sự sống, tất nhiên người Phật tử qua nội dung trả lời này chỉ có thể càng củng cố thêm những lý lẽ biện hộ cho sự giết hại của mình, thay vì là nhận thức được vấn đề một cách đúng thật và công bằng trên căn bản tình thương yêu bình đẳng với muôn loài như đức Phật đã dạy.

2.

Lý giải về nhân quả ở đây cũng hết sức “ngộ nghĩnh” đến mức ngay cả áp dụng vào đời sống thế tục cũng không thể chấp nhận, huống hồ là dựa trên Giáo pháp trí tuệ như thật của đạo Phật. Khi giải thích rằng người đánh cá, bán cá cho một người làm việc tốt thì được phước, bán cho một người làm việc ác thì phải chịu tội, rõ ràng người nói đang biến lý nhân quả của Phật dạy thành một đám hỏa mù hỗn độn không còn có thể phân biệt thiện ác được nữa. Khi bạn giúp cho ai đó một số tiền hoàn toàn vì lòng tốt, người ấy dùng tiền vào việc làm xấu thì họ phải tự chịu trách nhiệm trước pháp lý, chưa từng thấy tòa án thế gian nào truy cứu liên đới trách nhiệm theo kiểu này? Nếu theo cách hiểu này mà nói rộng ra, một người nông dân sau khi thu hoạch lúa hẳn phải nơm nớp lo sợ ngày đêm, vì hàng tấn lúa của ông ta bán ra, chẳng thể biết được sẽ đi đến với những người nào và họ sẽ làm việc xấu hay việc tốt, để căn cứ vào đó mà người nông dân ấy sẽ được phước hay chịu tội. Nói ngắn gọn một câu, đạo Phật không hề dạy nhân quả theo kiểu liên đới hoàn toàn vô lý như thế.

3.

Sự vô lý như trên càng trở nên sai lầm nghiêm trọng khi được áp dụng một cách “kỳ cục” vào ngay cả việc phán định tội phước của loài cá sau khi đã bị giết. “Nếu người ăn nó mà làm điều phước thì nó được phước, ngày kia nó còn cơ hội được sinh làm người. Còn người nào ăn mà quậy thì nó lệ thuộc nghiệp người này nên bị đọa luôn.” (Hết trích)

Đức Phật dạy: “Nhân thân nan đắc”, và muốn được sinh làm thân người thì phải giữ năm giới, làm nhiều điều lành... Nhưng nay theo lời giải thích này thì con cá có thể được sinh làm người chỉ đơn giản là nhờ người ăn nó “làm điều phước” chứ không phải do tác nghiệp của tự thân nó. Ngược lại, con cá có thể bị đọa là vì người ăn nó làm việc xấu ác! Thật tội nghiệp cho loài cá, đã bị cướp mất mạng sống, chịu đau đớn cắt xẻ nấu nướng làm thức ăn cho loài người mà vẫn chưa hết chuyện, còn phải chờ đợi xem người ăn mình vào rồi sau đó làm việc tốt hay việc xấu, để có thể được hưởng phước hay chịu tội. Tất nhiên cần nhấn mạnh ở đây, đạo Phật không có bất kỳ Kinh điển nào giải thích tội phước theo cách hoàn toàn vô lý như thế.

4.

Suy diễn về đời sống loài cá trong nội dung trả lời trên là hoàn toàn trái ngược với những lời dạy trong Kinh điển về tâm từ bi bình đẳng với muôn loài, được thể hiện ngay trong Tứ hoằng thệ nguyện mà người Phật tử nào cũng biết: “Chúng sinh vô biên thề nguyện độ.” Thế nhưng, sinh mạng loài cá đã bị xem như vô nghĩa bằng cách giải thích này: “Ngoài ra, ta thấy con cá bơi lội dưới nước, sống để làm gì? Hoàn toàn không có mục đích gì hết. Con cá không thể học một bài học nào hết, nó không biết viết chữ, nó không biết làm phước, nó không biết nghe pháp, nó chỉ biết đẻ và sống theo bầy đàn. Cuộc sống của nó hoàn toàn vô nghĩa...” (Hết trích)

Khi người nói hoàn toàn dựa trên những quan sát bên ngoài của chính mình để đưa ra những suy diễn trên, thì ta cũng có thể nói hoàn toàn giống như vậy đối với một vị thiền sư đang tu hành miên mật: “Ông thiền sư đó ngồi yên nhắm mắt để làm gì? Hoàn toàn không có mục đích gì hết. Ông không đóng góp được gì cho đời, không nói năng giảng giải, chỉ biết ngồi yên nhắm mắt suốt ngày. Cuộc sống của ông hoàn toàn vô nghĩa...”

Vì sao vậy? Vì mọi diễn biến trong tâm vị thiền sư ta không thể “trông thấy được”, mà chỉ căn cứ vào cái nhìn thấy được thì lại chẳng thấy vị ấy làm gì cả! Ai trong chúng ta có thể biết được những gì đang diễn ra trong tâm thức người khác? Muôn loài có sinh mạng đều có tâm thức. Trong các truyện tiền thân của đức Phật cũng kể lại nhiều đời đức Phật từng sinh làm các loài cầm thú như cọp, nai, cá, rùa... nhưng vẫn hành đạo Bồ Tát. Nếu dựa theo lý giải như trên thì làm gì có ngày ngài chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác? Vì thế, nhận thức và suy diễn như trên là hoàn toàn sai lệch với lời Phật dạy về sự bình đẳng đối với sinh mạng của muôn loài.

5.

Và sai lầm nghiêm trọng nhất trong nội dung trả lời trên là khi người nói đưa ra những lý lẽ mang ý nghĩa “bao biện” cho việc giết hại loài cá: “...hình như điều tốt nhất của nó là dường như nó có cái phước duy nhất là dùng làm thực phẩm cho một loài khác.” và “Cá sinh ra với nghiệp duy nhất là làm thực phẩm. Khi ta bắt nó, ta giúp nó làm đúng chức năng nên nó có phước.” (Hết trích)

Theo sự suy diễn và biện giải này thì tất cả những con cá khôn ngoan nhất có lẽ nên cầu nguyện mỗi ngày để được bắt ăn thịt, vì chỉ có như vậy nó mới được phước!

Và điều nguy hại nhất ở đây là nếu người Phật tử nào thiếu sáng suốt tin theo những giải thích này, người ấy sẽ nỗ lực đánh bắt nhiều cá hơn nữa vì tin rằng đó là một việc tốt, bởi họ đang giúp cho vô số con cá được phước.

6.

Cuối cùng, có thể đưa ra một nhận xét tổng quát nhất về nội dung trả lời trên là nó không giúp cho người Phật tử có thêm được chút chánh kiến nào để tự nhận thức đúng về việc họ đang làm, và cũng không đưa ra được bất kỳ lời khuyên hay giải pháp khả thi nào cho người Phật tử.

Chẳng hạn, khuyên người đánh cá khi bán cá cho ai thì kèm theo tặng băng đĩa thuyết pháp, rủ họ đi chùa, quy y Tam bảo v.v... là hoàn toàn không khả thi. Điều đó có khác nào bảo họ đừng ăn cá, đừng mua cá của tôi? Liệu có ai sẽ làm như thế? Hơn nữa, nếu mỗi ngày anh đều giết hại vô số sinh mạng lại khuyên tôi quy y, giữ giới, làm sao tôi có thể đặt niềm tin và làm theo anh? Nếu là việc tốt, sao bản thân anh không làm trước...?

Mặt khác, khi khuyên người ta “hy vọng một ngày nào đó khoa học chế ra được cá nhân tạo. Con người sẽ tiếp tục được ăn cá mà không có sự giết hại” (Hết trích) thì quả thật không có chút chánh kiến nào trong đó cả. Thay vì chỉ ra việc ăn cá chỉ là thói quen, tập khí từ nhiều đời cần dứt bỏ để chuyển sang sử dụng những thực phẩm lành mạnh khác, thì người nói lại muốn cho người ta hy vọng “được ăn cá” mà không giết hại, thật hết sức hão huyền! Hơn thế nữa, người nói còn vẽ ra viễn cảnh với “cá thịt nhân tạo” thì con người “vẫn được ăn ngon” mà không phải giết hại, thật hoàn toàn trái ngược với lời Phật dạy về chế ngự các giác quan không chạy theo ngũ dục. Nếu vẫn xem việc ăn nuốt sinh mạng chúng sinh là “được ăn ngon” thì tất nhiên người ta sẽ không bao giờ nghĩ đến việc từ bỏ thói quen xấu của mình.

Trên đây chúng tôi chỉ lược nêu những điểm sai lầm nghiêm trọng nhất chứ không làm việc phân tích đánh giá toàn bộ nội dung trên. Độc giả hoàn toàn có thể tự mình làm việc đó.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 8 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.16.69.239 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...