Cách tốt nhất để tiêu diệt một kẻ thù là làm cho kẻ ấy trở thành một người bạn.
(The best way to destroy an enemy is to make him a friend.)Abraham Lincoln
Chớ khinh thường việc ác nhỏ mà làm; đốm lửa nhỏ có thể thiêu cháy cả núi rừng làng mạc. Chớ chê bỏ việc thiện nhỏ mà không làm, như giọt nước nhỏ lâu ngày cũng làm đầy chum vại lớn.Lời Phật dạy
Khi tự tin vào chính mình, chúng ta có được bí quyết đầu tiên của sự thành công.
(When we believe in ourselves we have the first secret of success. )Norman Vincent Peale
Những căng thẳng luôn có trong cuộc sống, nhưng chính bạn là người quyết định có để những điều ấy ảnh hưởng đến bạn hay không.
(There's going to be stress in life, but it's your choice whether you let it affect you or not.)Valerie Bertinelli
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Trời không giúp những ai không tự giúp mình.
(Heaven never helps the man who will not act. )Sophocles
Điều kiện duy nhất để cái ác ngự trị chính là khi những người tốt không làm gì cả.
(The only thing necessary for the triumph of evil is for good men to do nothing.)Edmund Burke
Phán đoán chính xác có được từ kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm thường có được từ phán đoán sai lầm.
(Good judgment comes from experience, and often experience comes from bad judgment. )Rita Mae Brown
Tôi tìm thấy hy vọng trong những ngày đen tối nhất và hướng về những gì tươi sáng nhất mà không phê phán hiện thực. (I find hope in the darkest of days, and focus in the brightest. I do not judge the universe.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Trong một bài nói chuyện với sinh viên tại buổi lễ trao bằng tốt nghiệp ở Đại học Stanford vào tháng 6 năm 2005, Steve Jobs, người sáng lập Công ty Apple, đã chia sẻ với các bạn trẻ nhiều câu chuyện thú vị của chính cuộc đời ông. Steve cho biết, ông đã phải rời ghế nhà trường chỉ sau 6 tháng theo học trường Reed College, lý do đơn giản là vì cha mẹ nuôi của ông không có đủ tiền. Họ đã chi ra tất cả những khoản tiền tiết kiệm, nhưng cũng chỉ đủ để đóng học phí cho ông mà thôi.
Steve sống với cha mẹ nuôi từ nhỏ, vì người mẹ ruột đã trao ông cho cha mẹ nuôi từ khi ông còn rất bé. Bà đã đặt điều kiện là những người nhận ông làm con nuôi phải cam kết cho ông theo học đại học. Thế nên, việc Steve phải bỏ học dường như là một mất mát lớn cho cuộc đời ông và đi ngược với tâm nguyện của mẹ. Nhưng rồi trong bài nói chuyện của mình, Steve đã cho biết chính việc bỏ học đã giúp ông có thời gian quay sang theo học các lớp viết chữ đẹp (calligraphy). Điều bất ngờ là chính việc này về sau đã giúp ông sáng tạo ra những máy tính cá nhân Macintosh với đặc điểm mang tính nghệ thuật cao, với rất nhiều font chữ đẹp, khác biệt hẳn với các máy tính Windows của Microsoft. Hơn thế nữa, các font chữ rất đẹp do ông và đồng nghiệp của mình tạo ra ở Apple về sau cũng được Windows sử dụng, và nhờ đó mà cả nhân loại đều được tận hưởng tính nghệ thuật của chúng. Cái mất ngày xưa của ông, khi nhìn lại đã trở thành một cái được lớn lao, không chỉ cho riêng ông mà còn là cho nhiều người khác.
Sau khi bỏ học một thời gian, Steve bắt đầu sáng lập công ty Apple từ năm 20 tuổi với tổng số nhân viên là... 2 người, và trụ sở công ty là cái garage nhỏ bé của nhà cha mẹ nuôi. Sau 10 năm làm việc chăm chỉ và sáng tạo, ông đã phát triển Apple từ cơ sở nhỏ bé đó thành một công ty trị giá 2 tỷ Mỹ kim với 4.000 nhân viên! Và chính vào thời điểm tưởng như cực kỳ vinh quang đó, ông phải gánh chịu một mất mát hết sức nặng nề: Ông bị sa thải khỏi công ty Apple do bất đồng quan điểm với người điều hành do chính ông tuyển dụng. Hội đồng quản trị của công ty đã ủng hộ người ấy và Steve Jobs phải ra đi khỏi Apple. Có vẻ như ai cũng phải thừa nhận rằng đây là một sự mất mát, một thất bại lớn lao cho sự nghiệp của ông.
Thế nhưng, trong bài nói chuyện của mình, Steve đã cho biết, chính việc bị sa thải khỏi Apple hóa ra lại là sự kiện tốt đẹp nhất trong cuộc đời ông. Nghe có vẻ như hoàn toàn vô lý, nhưng chính Steve đã cho ta biết những diễn tiến của sự việc. Thay vì rơi vào chỗ sắp ngủ yên trên đỉnh thành công, óc sáng tạo trong ông đã buộc phải thức tỉnh sau cú sốc của sự sa thải. Trong vòng 5 năm sau đó, ông thành lập 2 công ty mới: NeXT và Pixar. Công ty Pixar sáng tạo những bộ phim hoạt hình máy tính đầu tiên và dần dần phát triển thành xưởng phim hoạt hình thành công nhất trên thế giới. Công ty NeXT thì sau đó được Apple mua lại, và do đó mà Steve đã quay về với Apple. Chính những kỹ thuật mà ông sáng tạo cho NeXT đã trở thành điều kiện cần thiết giúp Apple phục hồi và phát triển trong thời kỳ này. Cho đến nay, hàng loạt những tiện ích trong thế giới di động mà chúng ta có được như iPod touch, iPhone, iPad... đều là sự đóng góp của Apple. Công ty này chiếm một thị phần rất lớn trên toàn thế giới.
Như thế đó, có những điều mà khi xảy ra chúng ta cho là thất bại, mất mát, nhưng rồi khi thời gian trôi qua, hóa ra lại chứng tỏ rằng chúng là những thành tựu hay những nhân tố tích cực, thậm chí là quyết định, cho sự thành công về sau.
Nhiều người Việt Nam khá quen thuộc với câu chuyện Tái ông thất mã, là một câu chuyện minh họa khá rõ nét cho nhận xét trên. Một ông lão sống nơi vùng biên giới bị mất con ngựa, hàng xóm đến chia buồn, nhưng rồi ít lâu sau con ngựa lại quay về và dắt theo một con ngựa khác tuyệt đẹp. Hàng xóm đến chúc mừng ông vì được con ngựa đẹp. Ngờ đâu, chẳng bao lâu sau thì con trai ông lão vì cưỡi con ngựa đó mà bị nó hất ngã gãy chân. Hàng xóm lại đến chia buồn. Nhưng rồi chẳng bao lâu sau thì chiến tranh xảy ra, tất cả trai tráng trong làng đều phải ra chiến trường, nhiều người bỏ mạng, chỉ riêng con trai ông lão nhờ cái chân gãy mà được an ổn ở nhà...
Quý độc giả hẳn sẽ cho rằng những tình tiết như trong câu chuyện như trên rõ ràng chỉ là được cố ý đặt ra theo hướng minh họa cho ý tưởng rằng những chuyện “được mất” luôn xen lẫn trong cuộc đời. Tuy nhiên, không chỉ là trong những câu chuyện kể như thế, mà chính trong cuộc đời của mỗi chúng ta cũng thường gặp không ít những chuyện thật tương tự.
Đôi khi chúng ta mất đi một cơ hội tốt để thăng tiến, nhưng điều đó lại mang đến cho ta động lực để phát triển và trau dồi những năng lực tự thân, và điều này hóa ra lại là một thành tựu có thể còn lớn hơn cả sự mong đợi của ta. Đôi khi chúng ta thành công trong một công việc, nhưng rồi chính sự thành công đó lại là nguyên nhân đẩy ta vào một giai đoạn mới đầy những căng thẳng và thậm chí là ảm đạm trong cuộc đời...
Vì thế, đường ranh giới giữa “được” và “mất” trong cuộc sống nhiều khi rất khó phân biệt, bởi chúng luôn đan xen và thậm chí là hòa quyện vào nhau. Và sự phân biệt này càng trở nên mơ hồ hơn nữa khi nhận thức của chúng ta về những khái niệm “được” và “mất” dường như chỉ dựa vào quán tính mà không có bất kỳ sự phân tích rõ nét nào.
Khi nhận thức về vấn đề “được” hay “mất”, chúng ta mặc nhiên hàm ý một sự so sánh giá trị tăng thêm hay giảm đi. Thế nhưng, giá trị so sánh đó là gì thì ta thường rất mơ hồ. Hầu hết chúng ta thường theo quán tính và nghĩ ngay đến các giá trị vật chất đo lường được, hoặc sâu sắc hơn một chút là những giá trị tri thức, văn hóa. Những nhận thức đơn thuần như thế thường là đúng nhưng chưa đủ, vì thật ra thì cuộc sống của mỗi chúng ta luôn bao hàm rất nhiều giá trị khác nữa, trong đó có cả những giá trị mà chúng ta rất ít khi lưu tâm đến. Trong một phần tiếp theo, chúng ta sẽ đề cập đến một số trong những giá trị này.
Khi tìm được một công việc mới với thu nhập cao hơn, hẳn ai trong chúng ta cũng phải xem đó là “được”. Thế nhưng, nếu công việc mới đòi hỏi quá nhiều thời gian trong ngày và những bữa cơm gia đình dần dần trở nên thưa thớt, thay vào đó là những cuộc họp căng thẳng, những lần công tác xa... liệu bạn sẽ xem đó là được hay mất? Mặt khác, sự vắt kiệt sức lực vào công việc mới cũng có thể mang đến những hệ quả tất yếu khiến bạn dần dần suy nhược sức khỏe, tinh thần không còn sảng khoái như xưa, liệu như vậy sẽ là được hay mất?
Một người ra bến xe chỉ trễ 2 phút và không kịp mua vé để lên đúng chuyến xe đã định. Ông ta có thể sẽ rất bực mình vì đã lỡ mất cơ hội đến nơi sớm hơn. Thế rồi, chuyến xe ấy gặp trở ngại, hỏng máy chẳng hạn, và chuyến xe ông ta lên sau đó hóa ra lại đến sớm hơn. Như thế là được hay mất, là may hay rủi?
Chuyến xe cuộc đời của chúng ta thường cũng không khác mấy. Theo quán tính, chúng ta luôn không ngừng chen lấn, không ngừng nỗ lực tìm mọi cơ hội để được đến “sớm” hơn người khác, để vượt qua người khác. Thế nhưng, thật ra trong rất nhiều trường hợp, “sớm hơn” chưa hẳn đã là tốt hơn! Có rất nhiều sự kiện mà nếu chọn đúng thời điểm diễn ra sẽ có thể làm thay đổi lớn lao cả cuộc đời bạn. Tiếc thay, chúng ta hầu như rất khó lòng biết được thời điểm nào là “đúng”.
Nói như thế không có nghĩa là để tạo ra sự hoang mang cho bạn trước khi đưa ra một quyết định trong đời sống, mà là muốn chỉ ra rằng khuynh hướng đơn giản hóa vấn đề của hầu hết chúng ta thường là không chính xác. Nếu bạn chỉ nhận xét một vấn đề qua bề mặt của nó, qua những giá trị vật chất dễ dàng đo đếm được, thì có rất nhiều khả năng là bạn đã bỏ qua không tính đến nhiều yếu tố giá trị khác. Và thậm chí khi bạn đã cố gắng cân nhắc mọi yếu tố được biết, thì vẫn còn không ít những ẩn số có tương quan mà rất có thể là cuối cùng sẽ làm thay đổi hoàn toàn những dự kiến của bạn.
Cuộc đời là một kịch bản kỳ thú mà không một đạo diễn tài ba nào có thể bắt chước được. Những gì thực sự diễn ra trong đời sống thường là những điều tưởng chừng như rất đơn giản sau khi đã xảy ra, nhưng lại luôn là những điều rất khó dự đoán khi chưa đến. Hãy thử nhớ lại những trận đá bóng mà bạn đã xem. Kết quả có vẻ như được chi phối bởi 22 tuyển thủ trên sân và chỉ đơn giản gói gọn trong hai từ “thắng/thua”. Mặc dù vậy, xác suất dự đoán 50/50 này vẫn luôn làm đau đầu các chuyên gia và lôi cuốn hàng triệu người xem bởi tính bất ngờ của nó. Không một chuyên gia bóng đá nào có đủ tự tin để đưa ra dự đoán kết quả “chắc chắn”, bất kể là họ am hiểu về các đội bóng đang thi đấu đến mức nào. Bất ngờ và bất ngờ... Đó là đặc thù và cũng là sức sống của bóng đá.
Những kết quả trong “sân bóng cuộc đời” cũng vậy, nhưng chúng phức tạp và đa dạng hơn rất nhiều. Chúng ta chưa bao giờ và cũng sẽ không bao giờ nhìn thấy hoặc am hiểu hết được những yếu tố tác động tạo thành kết quả của một sự việc, cho dù là sự việc đơn giản nhất. Nói cách khác, chúng ta luôn nhận thức về sự việc thông qua những yếu tố đã biết, nhưng thường quên đi là vẫn còn có những yếu tố chưa biết cũng tham gia tác động vào sự việc. Thậm chí trong rất nhiều trường hợp, ta có thể hoàn toàn không biết đến ngay cả sự tồn tại của các yếu tố đó, nói gì đến chuyện nhận hiểu về chúng? Thế nhưng, trong thực tế thì tất cả những yếu tố, dù đã biết hay chưa được biết, cũng đều góp phần tạo thành kết quả sự việc.
Tính chất tương quan phức tạp này là một sự thật mà chúng ta ít khi lưu ý đến. Chính vì sự chủ quan không nhìn thấy những hạn chế tất yếu trong nhận thức của mình về sự việc mà chúng ta thường luôn thấy “bất ngờ” khi sự việc thực sự diễn ra không đúng như ta dự tính. Nếu chấp nhận nhìn sự vật đúng thật trong mối tương quan phức tạp của nó với rất nhiều yếu tố khác, thì ít ra ta cũng biết chắc được một điều là “ta không thể biết chắc chắn kết quả sự việc”, chỉ đơn giản là vì ta không biết hết được các yếu tố tương quan tác động.
Thật ra, chính cách nhìn nhận này sẽ giúp ta có một cung cách ứng xử đúng đắn hơn, bởi không còn quá tin tưởng hầu như tuyệt đối vào những hiểu biết vốn còn hạn chế của mình. Chính nhờ đó ta mới có những sự dự phòng hay chuẩn bị cần thiết cho bất kỳ quyết định quan trọng nào.
Hơn thế nữa, mỗi một sự việc không chỉ chịu tác động từ những yếu tố xảy ra đồng thời với nó, mà vì diễn ra trong một chuỗi những sự việc tiếp nối theo dòng thời gian nên nó còn phải chịu những ảnh hưởng nhất định từ cả những sự việc xảy ra trước và sau nó. Trong những câu chuyện mà chúng ta vừa nhắc đến ở trên, tính chất liên kết các sự việc qua thời gian có thể được nhận thấy rất rõ. Việc mất ngựa của ông lão không thể trở nên đáng mừng nếu không phải nhờ đó mà ông bỗng dưng có được một con ngựa đẹp; việc có được con ngựa đẹp sẽ không trở nên đáng buồn nếu không có việc con trai ông vì nó mà bị ngã gãy chân; việc con trai ông gãy chân cũng sẽ không là một yếu tố được cho là may mắn nếu không có việc chiến tranh xảy ra và trai tráng trong làng phải ra chiến trường...
Trong bài nói chuyện của mình, Steve Jobs gọi đó là “sự kết nối các dấu chấm” (connecting the dots). Mỗi sự việc trong cuộc đời ta là một dấu chấm, và chỉ khi nhìn lại qua thời gian ta mới biết được là trong vô số những dấu chấm đó, có những dấu chấm nào đã được kết nối với nhau theo cách như Steve đã mô tả trong câu chuyện của đời ông.
Mặt khác, tất cả “những dấu chấm” đều là do chính ta tạo ra theo một cách nào đó. Vì thế, vấn đề của chúng ta là phải nỗ lực hết mình trong mỗi sự kiện chứ không cần quan tâm đến việc đi tìm sự kết nối. Chính “những dấu chấm” rồi tự chúng sẽ kết nối với nhau. Câu chuyện của Steve cũng cho ta thấy rõ điều đó. Chắc chắn là ông đã có nhiều nỗ lực khi theo học và rèn luyện môn thư pháp, nếu không thì về sau ông sẽ không có được những năng lực thực sự để vận dụng vào việc sáng tạo các mẫu máy tính cá nhân Macintosh. Dấu chấm về sau đã tự nó kết nối với dấu chấm trước đó và Steve không cần nỗ lực cho việc ấy. Ông chỉ nỗ lực trong việc học thư pháp, ngay cả khi chưa thể biết được ứng dụng về sau của việc học này.
Tương tự, việc ông sáng lập Pixar và NeXT cũng là những nỗ lực hết mình sau khi bị sa thải khỏi Apple. Bản thân ông không thể biết trước việc Apple rồi sẽ mua lại NeXT để ông có cơ hội quay về. Nhưng nếu bản thân ông không đủ khả năng hoặc không nỗ lực để mang đến sự thành công cho NeXT, chắc chắn Apple cũng sẽ không đi đến quyết định mua lại công ty này, và khi ấy các “dấu chấm” sẽ không thể kết nối như cách chúng đã thực sự diễn ra. Một lần nữa, chính năng lực sáng tạo và những nỗ lực của Steve phải được xem là yếu tố quyết định, cho dù bản thân ông không hề biết trước được diễn tiến của sự việc.
Nói tóm lại, “những dấu chấm” trong cuộc đời chúng ta sẽ luôn tự chúng biết cách kết nối thích hợp, và vấn đề của ta là hãy cố gắng nỗ lực tạo ra “những dấu chấm” sao cho thật tròn trịa và xinh xắn.
Cách nhìn sự việc một cách toàn diện sẽ giúp ta có một khuynh hướng đúng đắn hơn trong cuộc sống. Khi nhận biết được tính chất đa dạng và tương quan phức tạp giữa mọi sự việc, ta sẽ không quá đặt nặng vào kết quả của bất kỳ sự việc nào, không rơi vào quán tính vội vàng xem đó là được hay mất. Với nhận thức bao quát hơn, chúng ta dễ dàng chấp nhận mỗi một sự việc như nó đang thực sự diễn ra mà không xem nặng yếu tố được hay mất. Một quyết định sa thải thì chắc chắn là chẳng ai trong chúng ta mong muốn, nhưng khi đã nhận nó rồi thì điều tốt nhất nên làm là nỗ lực tìm kiếm một việc làm khác, chứ không phải là chìm trong nỗi ai oán vì mất việc, để rồi đi kèm theo những đêm mất ngủ hay những ngày lo lắng, bực dọc. Những điều đó chẳng giúp ích được gì, chỉ làm cho ta mất đi sự bình thản và sáng suốt cần thiết để ứng phó trong hoàn cảnh mới.
Trên thực tế, những ý niệm “được, mất” chi phối chúng ta khá thường xuyên trong cuộc sống. Rất nhiều cảm xúc luôn đi kèm theo những ý niệm này, như buồn, vui, thất vọng, chán chường, phấn khích, nôn nao... Và chính những cảm xúc này, sau khi sinh khởi lại chi phối đến mọi hành vi ứng xử của ta, từ đó có thể làm thay đổi nhiều kết quả tốt đẹp mà lẽ ra ta hoàn toàn có thể đạt được. Với một nhận thức đúng thật hơn, chắc chắn ta sẽ có khả năng giữ được sự bình thản và sáng suốt trong nhiều tình huống, và chính đây lại là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào bất cứ sự thành công nào.
Để có được một nhận thức toàn diện và đúng thật về sự việc, có lẽ chúng ta sẽ cần đến một vài phân tích chi tiết hơn. Như đã nói, ý niệm “được mất” luôn mặc nhiên bao hàm một sự so sánh các giá trị được tăng thêm hay giảm đi, và theo quán tính, chúng ta thường chỉ nhận định dựa trên những giá trị nổi bật dễ nhận biết như tiền bạc, vật chất, tri thức v.v... Thế nhưng, sự thật là cuộc sống của mỗi chúng ta còn hàm chứa rất nhiều những giá trị khác nữa.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.217.122.223 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đang online: Viên Hiếu Thành Huệ Lộc 1959 Bữu Phước Chúc Huy Minh Pháp Tự minh hung thich Diệu Âm Phúc Thành Phan Huy Triều Phạm Thiên Trương Quang Quý Johny Dinhvinh1964 Pascal Bui Vạn Phúc Giác Quý Trần Thị Huyền Chanhniem Forever NGUYỄN TRỌNG TÀI KỲ Dương Ngọc Cường Mr. Device Tri Huynh Thích Nguyên Mạnh Thích Quảng Ba T TH Tam Thien Tam Nguyễn Sĩ Long caokiem hoangquycong Lãn Tử Ton That Nguyen ngtieudao Lê Quốc Việt Du Miên Quang-Tu Vu phamthanh210 An Khang 63 zeus7777 Trương Ngọc Trân Diệu Tiến ... ...
Việt Nam (130 lượt xem) - Hoa Kỳ (4 lượt xem) - ... ...
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.