Chào các bạn.
Hôm nay mình viết những dòng tâm sự này để nói lên quan điểm cá nhân về clip “Sự trăn trở của kẻ lười biếng”. Cho mình xin phép tạm gọi bạn học sinh lớp 12 trong clip là “Kẻ Lười Biếng”, tại mình cũng không rõ danh tính của bạn ấy.
Trước tiên mình xin khẳng định là mình đã xem toàn bộ clip đôi ba lần và đọc khá nhiều bình luận về clip ở các báo và mạng xã hội. Chứ không như 1 số bạn "ghen ăn tức ở", chủ quan chưa xem hết clip đã phán như đúng rồi, nào là “đề tài cũ rích, nhàm chán”, nào là “vấn đề đấy ai chẳng biết nhưng không nói ra thôi, nói ra thì có thay đổi được gì không”, nào là “cần thực hiện bằng hành động hơn là nói mồm”…
Mình nghĩ làm được 1 clip như vậy, nói lên những điều như vậy, đề xuất 1 số phương án như vậy, có thể nói là đã phần nào cụ thể hóa ý tưởng thành hành động rồi. Các bạn xin hãy nhận xét khách quan. Hãy nhìn lại xem mình đã làm được gì ngoài việc anh hùng bàn phím.
Vào chủ đề chính, mình hoàn toàn đồng tình với “Kẻ Lười Biếng” về việc nền giáo dục nước ta còn đặt nặng thành tích, thi cử nhiều, áp lực lớn, kiến thức còn thiên nhiều về lý thuyết, thiếu giáo dục kĩ năng sống cho học sinh,… Tuy vậy, vẫn có những điểm mình không đồng tình với “Kẻ Lười Biếng”. Mình nghĩ là cái gì cũng có 2 mặt đối lập: tích cực và tiêu cực. Mình nhận thấy có thể do quá bức xúc nên “Kẻ Lười Biếng” đã nhìn sự việc 1 cách phiến diện, và chỉ tập trung vào mặt tiêu cực, mà bỏ quên mất mặt tích cực.
Mình xin phân tích những điểm mình không đồng tình như sau:
1) “Kẻ Lười Biếng” nói rằng khối lượng kiến thức cơ bản mà chúng ta đang học ở chương trình phổ cập giáo dục phổ thông là quá nặng nề và cồng kềnh. Nhưng có bao giờ bạn nhìn lại, liệu học sinh đã chủ động và nỗ lực trong học tập? Mình thì mình nghĩ rằng, kết quả của giáo dục, thành hay bại, phụ thuộc vào 2 yếu tố: thứ nhất là yếu tố con người, cụ thể ở đây là người học, và yếu tố thứ 2 là môi trường, cụ thể ở đây là nền giáo dục. Mình nghĩ phương pháp học và ý thức của người học cũng ảnh hưởng rất lớn đến kết quả của giáo dục. Nếu học không đúng phương pháp, hoặc ý thức học chưa tốt, thì kể cả bạn có học ngày học đêm thì vẫn không đi đến đâu và việc cảm thấy quá tải là điều tất yếu.
Mình nhớ hồi cấp 2, mình cũng dành khá nhiều time cho việc học. Nhưng hiệu quả thì không cao và mình không hề học giỏi, thậm chí là học kém. Vì sao ư? Vì hồi đó trong lúc ngồi học mình còn nghĩ xem làm thế nào để headshot trong CrossFire, làm thế nào để perfect trong Audition, làm thế nào để up level nhanh, làm thế nào để có được đồ xịn… Nói chung là học nhiều nhưng ý thức học không nghiêm túc nên hiệu quả không cao. Khi lên cấp 3 thì mình có ý thức học hơn, phương pháp học cũng có chút tư duy hơn, nên hiệu quả của việc học tăng lên khá nhiều mặc dù time dành cho việc học là ít hơn hồi cấp 2.
Ở đây mình muốn nhận mạnh đến yếu tố con người, cụ thể là phương pháp và ý thức của người học. Tất nhiên cũng không thể không nhắc đến ảnh hưởng của yếu tố môi trường, cụ thể là nền giáo dục, và những điều này thì đã được “Kẻ Lười Biếng” trình bày rất chi tiết rồi nên mình không nhắc lại nữa.
2) Tiếp đến là quan điểm chỉ cần thu gọn chương trình học phổ thông đến lớp 9 là đủ, là có thể tự định hướng được con đường riêng cho mình ở cái tuổi 14, 15. Mình thì mình nghĩ là nếu học hết lớp 9, cộng với suy nghĩ của học sinh VN hiện nay, thì sẽ có đến ít nhất 50% số học sinh nam sẽ đi theo ngành CNTT hoặc mở tiệm nét. Tại vì sao thì có lẽ mình không cần nói các bạn cũng hiểu. Các thế hệ học sinh sau này thì mình không dám chắc, nhưng thế hệ học sinh hiện nay thì mình nghĩ là như vậy.
3) Tiếp theo là đến quan điểm “1 đứa trẻ hư chứng tỏ nhà trường thất bại, nhà trường thất bại chứng tỏ cả dân tộc thất bại”. Mình nghĩ nếu chúng ta thừa nhận quan điểm này thì trong từ điển sẽ không có định nghĩa của từ “thành công”. Trong 1 tập thể sẽ có người này người kia, người tốt người xấu, người chăm chỉ người lười biếng, người ngoan người hư. Không thể lấy 1 cá nhân ra để nhận xét cả 1 tập thể. Càng không thể lấy 1 cá nhân ra để nhận xét cả 1 dân tộc. Như vậy là vơ đũa cả nắm và không khách quan.
4) Tiếp theo là đến quan điểm “điểm số là không cần thiết vì nó tạo ra sự bất bình đẳng, sự tự phụ, tự ti, tị nạnh, cạnh khóe”. Mình nghĩ là kết quả của việc học cần được định lượng cụ thể hóa bằng điểm số. Gần giống như khi ta đi làm, thành quả lao động của chúng ta sẽ được cụ thể hóa bằng tiền lương. Người chăm học thì được điểm cao, người ham chơi thì được điểm thấp, đấy là điều đương nhiên. Không thể có chuyện người ham chơi được đánh giá ngang bằng với người chăm học. Như vậy sẽ chẳng có động lực gì để chúng ta phải phấn đấu cả.
Điểm số không hề có tội lỗi gì để nó phải bị ruồng bỏ như vậy cả. Mà tiêu cực trong điểm số nảy sinh là do người chấm điểm. Vậy tại sao không tìm giải pháp từ phía người chấm điểm, cụ thể ở đây là đội ngũ giáo viên. Tại sao không nghĩ đến việc chỉnh đốn lại đạo đức và lương tâm nghề nghiệp của 1 bộ phận đội ngũ giáo viên tha hóa?
Nếu bỏ điểm số, bạn có chắc mọi thứ sẽ trở nên công bằng và minh bạch hơn không, nếu như vẫn còn đó 1 bộ phận đội ngũ giáo viên đi dạy không phải vì cái tâm? Bằng cách nào đó, tiêu cực vẫn sẽ tồn tại và len lỏi trong những ngóc ngách của nền giáo dục. Cái mình muốn nhấn mạnh ở đây 1 lần nữa lại là yếu tố con người, và cụ thể là đội ngũ giáo viên.
5) Về quan điểm “các nhà tuyển dụng của nước mình còn quá coi trọng bằng cấp, các nhà tuyển dụng hãy nhìn vào năng lực thực sự của mỗi cá nhân, đừng đánh giá quá bằng cấp”. Mình đồng tình rằng cái gì “quá” thì cũng không tốt, nhưng không hẳn là quan điểm này không có điểm tích cực.
Theo mình thì điểm tích cực của bằng cấp đó là gỡ gạc lại 1 phần nào đấy sự công bằng trong xã hội. Bạn thử nghĩ xem, nếu không có bằng cấp, giả sử công ty X tuyển 5 nhân viên, lượng hồ sơ xin việc lên đến 5000 người, trong đó có 50 người là con ông cháu cha, 500 người là họ hàng quen biết, còn lại là những người không có điều kiện, ví dụ như gia đình cơ bản hoặc người nhà quê, hoặc người miền núi, hoặc tật nguyền… Thử hỏi công ty X có xét đến năng lực của những người không có điều kiện kia không? Hay là những con ông cháu cha, những họ hàng quen biết sẽ được tuyển dụng trước cả khi công ty tuyên bố thông báo tuyển dụng lao động đến với truyền thông?
May thay là nhờ vào việc tuyển dụng thông qua bằng cấp, nên những người không có điều kiện như trên, nhưng lại có ý chí và nghị lực trong học tập mà có được tấm bằng. Nhờ vậy mà hồ sơ xin việc của họ được nhà tuyển dụng ngó tới, nhờ đó mà họ có cơ hội được tuyển dụng.
Trên đây là những quan điểm trái chiều của mình về clip “Sự trăn trở của kẻ lười biếng”. Tuy có những điều mình cảm thấy không đồng tình về clip là vậy, nhưng không thể phủ nhận rằng clip của “Kẻ Lười Biếng” có tính xây dựng cao, thuyết trình hay, tự tin, ngôn ngữ cơ thể rất tốt. Mình cũng khá là "ghen tị" với “Kẻ Lười Biếng” ở điểm này. Và mình rất ngưỡng mộ người viết ra nội dung bài hùng biện của “Kẻ Lười Biếng”.
Mình thiết nghĩ, muốn có được sự thay đổi tích cực trong sự nghiệp giáo dục, trước tiên phải có sự thay đổi từ chính bản thân mỗi người, từ ý thức của mỗi người, mỗi học sinh, mỗi giáo viên, mỗi nhà tuyển dụng, mỗi sếp lớn đều cần phải tự kiểm điểm lại mình. Sau đó hãy xét đến lỗi của nền giáo dục. Đừng đổ hoàn toàn lỗi lên nền giáo dục.
Thân,
Trần Thanh Bình