Để sống hạnh phúc bạn cần rất ít, và tất cả đều sẵn có trong chính bạn, trong phương cách suy nghĩ của bạn. (Very little is needed to make a happy life; it is all within yourself, in your way of thinking.)Marcus Aurelius
Cho dù người ta có tin vào tôn giáo hay không, có tin vào sự tái sinh hay không, thì ai ai cũng đều phải trân trọng lòng tốt và tâm từ bi. (Whether one believes in a religion or not, and whether one believes in rebirth or not, there isn't anyone who doesn't appreciate kindness and compassion.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hãy tin rằng bạn có thể làm được, đó là bạn đã đi được một nửa chặng đường. (Believe you can and you're halfway there.)Theodore Roosevelt
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Ngay cả khi ta không tin có thế giới nào khác, không có sự tưởng thưởng hay trừng phạt trong tương lai đối với những hành động tốt hoặc xấu, ta vẫn có thể sống hạnh phúc bằng cách không để mình rơi vào sự thù hận, ác ý và lo lắng. (Even if (one believes) there is no other world, no future reward for good actions or punishment for evil ones, still in this very life one can live happily, by keeping oneself free from hatred, ill will, and anxiety.)Lời Phật dạy (Kinh Kesamutti)
Trong sự tu tập nhẫn nhục, kẻ oán thù là người thầy tốt nhất của ta. (In the practice of tolerance, one's enemy is the best teacher.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Từ mảnh đất tâm »» Năm Mươi Năm Phật Giáo Việt Nam Tại Mỹ »»

Từ mảnh đất tâm
»» Năm Mươi Năm Phật Giáo Việt Nam Tại Mỹ

Donate

(Lượt xem: 2.769)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Từ mảnh đất tâm - Năm Mươi Năm Phật Giáo Việt Nam Tại Mỹ

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Năm nay, 2016, đánh dấu 50 năm Phật Giáo Việt Nam có mặt tại Hoa Kỳ, tính từ năm 1966, khi mà Cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân đến Mỹ dạy tại Đại Học UCLA và ở lại luôn để truyền bá Phật Giáo Việt Nam tại đây. Vì vậy, Cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân là vị sơ tổ của Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ. Nhưng trước hết xin nhìn thoáng qua một chút về bối cảnh Phật Giáo Mỹ.

Một Chút Bối Cảnh Phật Giáo Mỹ

Chuyện kể rằng, vào năm 458 sau Tây Lịch, một nhà sư Phật Giáo gốc Trung Hoa sống ở Afghanistan có tên là Hwui Shen [Huệ Thâm] cùng với 4 nhà sư Phật Giáo khác đã đến Mễ Tây Cơ. Ở đây những vị sư Phật Giáo này đã đem Phật Pháp truyền bá cho dân địa phương. Nhưng rồi các vị sư này cũng đã trở về Trung Hoa và viết một bản tấu chương để trình bày về chuyến đi kỳ thú này cho vua Tàu vào thời Lưu Tống (420-479 sau Tây Lịch).(1) Tính theo thời gian thì những vị sư Phật Giáo này đã đến Tân Thế Giới trước Columbus cả ngàn năm – Columbus khám phá Tân Thế Giới vào năm 1492. Bản tấu chương của Huệ Thâm sau đó vào hậu bán thế kỷ thứ 18, đã được một nhà nghiên cứu văn học Trung Hoa người Pháp làm việc cho Viện Academy Of Inscriptions And Belles là M. De Guignes phát hiện trong văn khố Tàu và dịch ra vào năm 1761. Tài liệu của M. De Guignes cũng đã được nhà báo Mỹ Charles G. Leland tán đồng trong tác phẩm “Fu-Sang On The Discovered Of America By Chinese Buddhist Priests In The Fifth Century” [Fu-Sang Trên Cuộc Khám Phá Mỹ Châu Bởi Các Tu Sĩ Phật Giáo Thế Kỷ Thứ 5] xuất bản năm 1875.(2) Đến năm 1885, Edward Payson Vining xuất bản tác phẩm “An Inglorious Columbus; or, Evidence That Hwui Shen And A Party Of Buddhist Monks From Afghanistan Discovered America In The Fifth Century A. D.” [Một Columbus Tầm Thường; hay, Chứng Cứ Huệ Thâm Và Nhóm Các Tu Sĩ Phật Giáo Từ A Phú Hãn Khám Phá Mỹ Châu Vào Thế Kỷ Thử 5 Sau Tây Lịch], nói về cuộc hành trình khám phá Tân Thế Giới của nhà sư Trung Hoa Huệ Thâm và nhóm tu sĩ của ông. Trong tác phẩm của Vining còn cho biết thêm rằng tên của nền văn minh lâu đời tại Trung Mỹ là Maya -- nền văn minh Maya đã phát triển trong một khu vực bao gồm miền đông nam Mễ Tây Cơ, trọn nước Guatemala và Belize, nhiều phần phía tây của Honduras và El Salvador (3) -- cũng là tên của Hoàng Hậu nước Kapilavastu (Ca Tỳ La Vệ) tại Ấn Độ vào thế kỷ thứ 6 trước Tây Lịch. Hoàng Hậu Maya chính là Mẫu Thân của Thái Tử Tất Đạt Đa (Siddhartha Gautama) mà sau này thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni Buddha). Cũng theo Vining, tên nước Guatemala ở Trung Mỹ là chữ ghép của chữ Guatama (tiếng Phạn là dòng họ Cồ Đàm của Phật) và chữ mala (tiếng Phạn nghĩa là tràng hoa).(4)

Nhưng đó chỉ là đoàn thám hiểm, dù là những tu sĩ Phật Giáo, chỉ đến rồi đi mà không có chủ đích ở lại để truyền bá Phật Giáo, nên Phật Giáo đã không thể bén rễ tại lục địa Mỹ Châu. Mãi cho đến giữa thế kỷ thứ 19 sau Tây Lịch, ảnh hưởng của Phật Giáo mới thực sự bắt rễ vào Hoa Kỳ qua giới văn nghệ sĩ trí thức như nhà văn nhà thơ và triết gia Henry David Thoreau (1871-1862), nhà thơ Ralph Waldo Emerson (1803-1882), và nhà thơ Walt Whitman (1819-1892). Đặc biệt, thi hào Henry David Thoreau là người dịch Kinh Pháp Hoa sang tiếng Mỹ đầu tiên, “White Lotus Of The Good Law” [Diệu Pháp Bạch Liên Hoa Kinh].(5) Còn thi phẩm “Leaves Of Grass” [xuất bản năm 1855] của thi hào Whitman thì có bài thơ “Passage To India [Hành Trình Đến Ấn Độ] mà trong đó ông đi tìm lẽ sống trong triết lý Ấn Độ và Phật Giáo.(6)

Đó là con đường của Phật Giáo đi vào thế giời Tây Phương thông qua giới văn nghệ sĩ và trí thức. Nhưng, tất nhiên, Phật Giáo cũng được du nhập vào Mỹ qua con đường của những người di dân, mà trong trường hợp này là những di dân từ Hoa Lục vào Miền Tây Hoa Kỳ giữa thế kỷ thứ 19 qua phong trào đi tìm vàng và họ chủ yếu sống tập trung tại vùng Vịnh San Francisco. Theo Giáo Sư Trần Quang Thuận trong tác phẩm “Phật Giáo Mỹ,” vào cuối thế kỷ thứ 19, trên khắp nước Mỹ có khoảng hơn 400 ngôi chùa Tàu được dựng lên, nhưng đến nay đa phần đã biến mất.(7)

Trong tác phẩm “Phật Giáo Khắp Thế Giới” của Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng, phần “Phật Giáo Tại Hoa Kỳ,” nói đến tổ chức Phật Giáo đầu tiên có ảnh hưởng rộng lớn tại Mỹ là Hội Thông Thiên Học Phật Giáo (Buddhist Theosophical Society) được thành lập vào năm 1875 tại New York bởi hai vị Nam Phật Tử Henry Steel Olcott và Nữ Phật Tử Petrova Blavatsky.(8) Đại Tá Henry Steel Olcott cũng là người sáng chế ra lá cờ Phật Giáo Thế Giới đầu tiên và đã được Đại Hội Phật Giáo Thế Giới tại Tích Lan (Sri Lanka) vào năm 1950 công nhận là cờ Phật Giáo Thế Giới. Chúng ta cũng không thể không nói đến công đức của thiền sư Nhật Soyen Shaku truyền bá Thiền Nhật Bản tại Mỹ đầu tiên vào năm 1893 ở thành phố Chicago khi ông tham dự Đại Hội Tôn Giáo Thế Giới tại đây. Và một môn đệ của thiền sư Soyen Shaku là thiền sư Daisetz Teitaro Suzuki, tác giả của bộ sách có ảnh hưởng rất lớn đến xã hội Mỹ là bộ “Essay in Zen Buddhism (Thiền Luận) được ấn hành tại Mỹ năm 1927 -- bộ Thiền Luận 3 cuốn này đã được Trúc Thiên và Tuệ Sỹ dịch và phố biến tại miền Nam trước năm 1975.

Từ nửa thế kỷ qua, nhờ uy tín và nỗ lực hoằng pháp của Đức Đạt Lai Lạt Ma theo truyền thống Phật Giáo Tây Tạng, Cố Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa theo truyền thống Phật Giáo Trung Hoa, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh theo truyền thống Phật Giáo Việt Nam mà Phật Giáo Mỹ đã phát triển sâu rộng không những trong giới trí thức văn nghệ sĩ mà còn phổ cập đến quần chúng các giới, nhất là các phương thức tu tập thiền để điều trị thân tâm bệnh.

Theo Bách Khoa Từ Điển Toàn Thư (Wikipedia)(9) thì số lượng Phật Tử tại Mỹ đã gia tăng tới 170% từ năm 1990 tới 2000 để trở thành tôn giáo lớn hàng thứ 4 tại Hoa Kỳ sau Thiên Chúa Giáo, Do Thái Giáo, và vô thần. Theo Robert Alexander Farrar Thurman, là nhà văn, giáo sư về Phật Giáo Ấn Độ và Tây Tạng tại Đại Học Columbia, cũng là người chuyên dịch sách Phật Giáo Tây Tạng, thì số Phật Tử Mỹ vào thập niên 1990s đã lên từ 5 tới 6 triệu người.(10) Maia Duerr trong bài viết “How Buddhism Came to The West,” [Phật Giáo Đến Tây Phương Như Thế Nào] cho đăng trên trang mạng www.pbs.org vào năm 2010, cũng cho rằng số lượng Phật tử Mỹ đã lên đến con số 6 triệu người và số Phật tử trên thế giới lên tới 1.2 tỉ người.(11) Theo tác giả Đào Văn Bình trong bài khảo luận “Phật Giáo Tại Hoa Kỳ” thì dựa trên cuộc khảo sát của Journal for the Scientific Study of Religion cho biết có tới 26,125,000 người Mỹ hay 12.6% tổng dân số Hoa Kỳ nói rằng Phật Giáo ảnh hưởng tới đời sống tâm linh của họ.(12) Từ thập niên 1990s đến nay, 2016, đã trên 20 năm, chắc chắn số lượng Phật Tử tại Mỹ còn nhiều hơn nữa, đặc biệt khi làn sóng người Việt tị nạn và di dân đến Mỹ trong hai thập niên qua đã tăng vọt đáng kể.

Đến đây vấn đề được nêu ra là Phật Giáo Việt Nam thực sự du nhập vào Hoa Kỳ lúc nào? Có lẽ ai cũng có thể trả lời câu hỏi này, bởi vì hầu như ai cũng biết rằng Hòa Thượng Thích Thiên Ân là người đầu tiên định cư và truyền bá Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ. Nhưng, trước Hòa Thượng Thích Thiên Ân thì có vị tu sĩ Phật Giáo Việt Nam nào đến Mỹ không? Câu trả lời là có, nhưng chỉ là những du học Tăng tại Mỹ. Vậy những vị này là ai?

Du Học Tăng Phật Giáo Việt Nam Tại Mỹ Trước Năm 1975

Có thể nói vị tu sĩ Phật Giáo Việt Nam đầu tiên du học tại Mỹ là Cố Hòa Thượng Thích Quảng Liên. Theo tiểu sử đăng trên trang nhà Quảng Đức, Cố Hòa Thượng Thích Quảng Liên đi du học Mỹ vào cuối năm 1956 qua học bổng được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và Cơ Quan Văn Hóa Mỹ cấp. Cố Hòa Thượng đã học tại Đại Học Yale, thành phố New Haven, thuộc tiểu bang Connecticut, miền Đông Hoa Kỳ. Cố Hòa Thượng đậu bằng Tiến Sĩ về chuyên ngành nghiên cứu về vấn đề kinh tế, văn hóa Đông Nam Á vào năm 1960. Sau đó ngài về nước làm việc.(13)

Vị tu sĩ Phật Giáo Việt Nam khác đi du học Mỹ là Thiền Sư Thích Nhất Hạnh. Theo bài viết “Chân Dung Thiền Sư” trên báo Shambhala Sun” được dịch sang Việt ngữ và đăng trong trang nhà Thư Viện Thích Nhất Hạnh,(14) thì Thiền Sư Thích Nhất Hạnh du học tại Mỹ năm 1962 tại Đại Học Princeton, New Jersey về ngành Tôn Giáo Tỷ Giáo. Sau khi học xong tại Princeton, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh được mời dạy tại Đại Học Columbia, New York. Tháng 12 năm 1963 Thiền Sư Thích Nhất Hạnh về nước. Tháng 5 năm 1966, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh qua Mỹ trở lại và dạy tại Đại Học Cornell, New York. Chúng ta sẽ nói về sự đóng góp lớn lao của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh cho Phật Giáo tại Mỹ ở phần sau.

Theo bản tin trên báo Giác Ngộ, giới thiệu Hòa Thượng Thích Đức Nghiệp là người thuyết trình tại Đại Lễ Phật Đản Quốc Tế Vesak năm 2014 tại Hà Nội,(15) thì Hòa Thượng Thích Đức Nghiệp đi du học tại Mỹ và đậu Tiến Sĩ tại Đại Học Yale, New Haven, Connecticut, và Đại Học Columbia, New York. Nhưng không thấy ghi năm nào Hòa Thượng đi du học Mỹ. Tuy nhiên, trong bài viết “Vụ Tự Thiêu Của Hòa Thượng Thích Quảng Đức,”(16) Hòa Thượng Thích Đức Nghiệp cho biết đến biến cố pháp nạn năm 1963, ngài vẫn chưa đi du học Mỹ. Như vậy chắc chắn là ngài phải đi dụ học Mỹ sau năm 1963.

Năm 1964, Pháp Sư Thích Giác Đức du học tại Mỹ và tốt nghiệp Tiến Sĩ về Chính Trị Học năm 1970 rồi về nước dạy học.(17)

Thầy Thích Trí Siêu Lê Mạnh Thát du học Mỹ từ năm 1965 tới năm 1974 mới về nước. Thầy Lê Mạnh Thát học tại Đại Học Wisconsin, Madison, Wisconsin và tốt nghiệp Tiến Sĩ Triết tại đây.(18) Luận Án Tiến Sĩ của Thầy Lê Mạnh Thát nghiên cứu về Triết Học của ngài Thế Thân (Philosophy of Vasubandhu).

Cùng thời với Thầy Thích Trí Siêu Lê Mạnh Thát là Cố Hòa Thượng Thích Thuyền Ấn. Ngài cũng học tại Đại Học Wisconsin, Madison, Wisconsin và tốt nghiệp Cao Học tại đây, rồi về nước đầu thập niên 1970 để dạy tại Đại Học Vạn Hạnh.

Theo Giáo Sư Trần Quang Thuận trong “Phật Giáo Mỹ,” năm 1974 Hòa Thượng Thích Tịnh Từ đi du học Mỹ và bị kẹt lại sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975. Hòa Thượng ở Mỹ luôn từ đó và sáng lập Tu Viện Kim Sơn tại thành phố Watsonville, Bắc California.

Hòa Thượng Thích Thanh Nhân, hay Thích Minh Thông, viện chủ Chùa Vĩnh Nghiêm, Pomona, miền Nam California, cũng đi du học Mỹ trước năm 1975.

Hòa Thượng Thích Thiên Ân: Sơ Tổ Phật Giáo Việt Nam Tại Mỹ

Những vị tu sĩ Phật Giáo Việt Nam được nói đến ở trên chỉ đến Mỹ du học rồi trở về nước làm việc mà không ở lại luôn để xây dựng nền móng và phát triển Đạo Phật Việt Nam tại Mỹ, trừ một số vị đến sau Cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân. Người đầu tiên làm việc này chính là Cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân (1926-1980). Vì vậy ngài là vị sơ tổ của Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân,(19) thế danh Đoàn Văn An, sinh ngày 22 tháng 9 năm 1926 (20) tại làng An Truyền, huyện Phú Vang, tỉnh Thửa Thiên Huế. Thân phụ của ngài là Cố Hòa Thượng Thích Tiêu Diêu, tự thiêu tại Huế để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật Giáo năm 1963. Ngài xuất gia với Cố Hòa Thượng Phước Hậu, Huế. Năm 1948 Thọ Tỳ Kheo Giới. Năm 1954 ngài đi dụ học tại trường Đại Học Waseda, Nhật, và tốt nghiệp Tiến Sĩ Văn Chương năm 1960 và trở về nước. Tháng 6 năm 1966, Hòa Thượng Thích Thiên Ân được Cơ Quan Văn Hóa Á Châu của Liên Hiệp Quốc mời tham gia chương trình trao đổi giáo sư giảng dạy, nên ngài đến Hoa Kỳ và dạy tại Đại Học University of California tại Los Angeles (UCLA). Một năm sau, 1967 thì hết chương trình trao đổi này nhưng ngài đã xin ở lại Mỹ để tiếp tục dạy Thiền và Phật Pháp cho nhiều người Mỹ. Lúc đầu, ngài thuê một căn chung cư ở phía nam thành phố Los Angeles để dạy thiền cho người Mỹ. Sau đó vì số người đến học thiền ngày càng đông, Hòa Thượng Thích Thiên Ân phải mua một miếng đất trên đường South New Hampshire Boulevard để lập Trung Tâm Thiền Phật Giáo Quốc Tế [Thiền Viện Quốc Tế] (International Buddhist Meditation Center [IBMC]) vào năm 1970. Tháng 10 năm 1973, Hòa Thượng Thích Thiên Ân mở Đại Học Đông Phương (University of Oriental Studies) để dạy triết học Đông Phương và Phật Học cho các sinh viên Mỹ. Năm 1974, lần đầu tiên, Hòa Thượng Thích Thiên Ân mở Giới Đàn để truyền trao giới luật cho những vị đệ tử xuất gia và tại gia người Mỹ của ngài. Theo Giáo Sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát trong chuyến thăm Chùa Việt Nam năm 2013 kể rằng, lúc đó Thầy Lê Mạnh Thát được mời làm Dẫn Thỉnh Sư hướng dẫn cho các giới tử thọ giới về các nghi thức thọ giới trong Giới Đàn này.

Sau tháng 4 năm 1975, hàng chục ngàn người Việt bỏ nước ra đi đợt đầu đã định cư tại miền Nam California. Vì đáp ứng nhu cầu truyền bá Phật Pháp cho cộng đồng người Mỹ cũng như người Việt mới định cư, Hòa Thượng Thích Thiên Ân đã xây dựng Chủa Phật Giáo Việt Nam gần Thiền Viện Quốc Tế, sát thành phố Los Angeles. Đây là ngôi chùa Phật Giáo Việt Nam đầu tiên tại Mỹ. Năm 1976, Hòa Thượng lập Chùa A Di Đà. Cũng trong năm 1976, Hòa Thượng Thích Thiên Ân lập Hội Ái Hữu Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, sau đổi thành Hội Liên Hữu Phật Giáo Việt Nam Tại Hoa Kỳ. Đây là tổ chức Phật Giáo Việt Nam đầu tiên trên đất Mỹ. Tháng 12 năm 1978, Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ ra đời mà Hòa ThượngThích Thiên Ân là Chủ Tịch Hội Đồng Lãnh Đạo, HT Thích Mãn Giác làm Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành, và GS Trần Quang Thuận làm Tổng Thư Ký.(21)

Tháng 11 năm 1980, Hòa Thượng Thích Thiên Ân viên tịch vì bệnh ung thư gan, thọ 54 tuổi. Các đệ tử người Mỹ xuất gia của Cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân gồm Sư Bà Thích Nữ Ân Từ (Karuna Dharma), Hòa Thượng Thích Ân Huệ, Hòa Thượng Thích Ân Đức, Hòa Thượng Thích Ân Giáo, v.v… Những tác phẩm mà Cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân sáng tác gồm:

- Zen Philosophy, Zen Practice,
- Buddhist and Zen in Vietnam,
- Trao đổi văn hóa Việt – Nhật,
- Phật Pháp (nhiều tác giả).

Liên quan đến Cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân và Chùa Việt Nam tại Los Angeles thì có 2 sự kiện không thể quên liên quan đến Đức Đạt Lai Lạt Ma và Cố Hòa Thượng Geshe Tsultim Gyeltsen của Phật Giáo Tây Tạng tại Mỹ.

Theo tiểu sử của Cố Hòa Thượng Geshe Tsultim Gyeltsen (22) mà Phật tử Việt Nam quen gọi ngài là Geshe La, thì vào năm 1976 ngài đến Hoa Kỳ và dạy tại các Đại Học UC Santa Barbara, USC và UCLA. Năm 1978, ngài Geshe La gặp Hòa Thượng Thích Thiên Ân lúc đó đang dạy tại Đại Học UCLA. Hòa Thượng Thích Thiên Ân nhân đó đã mời ngài Geshe La về ở chung phòng tại một chung cư nhỏ và đến ngôi chùa Việt Nam đầu tiên là Chùa Việt Nam tại Los Angeles, theo nhà báo Nguyễn Xuân Nghĩa trong bài báo viết cho báo xuân Việt Báo năm 2007 kể lại cuộc hội kiến của các đại diện Việt Báo gồm nhà văn Nhã Ca và nhà báo Nguyễn Xuân Nghĩa với Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Thành Phố Pasadena ngày 14 tháng 9 năm 2006.(23) Hòa Thượng Geshe La cũng là vị khai sơn ngôi Chùa Phật Giáo Tây Tạng tại Long Beach Thubten Dhargye Ling và ngài cũng là Thầy Bổn Sư của nhà văn Nhã Ca. Ngài đã viên tịch vào ngày 13 tháng 2 năm 2009 tại Chùa Thubten Dhargye Ling, Long Beach.

Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma Đời Thứ 14 đến Los Angeles lần đầu tiên vào năm 1979, Ngài đã đến thăm Chùa Việt Nam để bày tỏ mối đạo tình thuở ban đầu giữa Hòa Thượng Geshe La và HT Thiên Ân mà qua đó cũng là mối đồng cảm tương duyên giữa Phật Giáo Tây Tạng và Phật Giáo Việt Nam trong hoàn cảnh lưu vong, theo nhà báo Nguyễn Xuân Nghĩa trong bài báo Xuân Việt Báo 2007.

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh: Ảnh Hưởng Lớn Phật Giáo Mỹ

Một vị tăng sĩ Phật Giáo Việt Nam du học Mỹ trước HT Thích Thiên Ân, nhưng về nước rồi qua lại Mỹ năm 1966 là Thiền Sư Thích Nhất Hạnh. Dù Thiền Sư Thích Nhất Hạnh không phải là công dân thường trú ở Mỹ, nhưng ngài có công rất lớn trong việc truyền bá Phật Giáo Việt Nam trên thế giới nói chung và Hoa Kỳ nói riêng. Chỉ tại Hoa Kỳ không thôi, theo GS Trần Quang Thuận trong Phật Giáo Mỹ, Tập I, có khoảng 100 trung tâm thiền do Thiền Sư Thích Nhất Hạnh hướng dẫn trên khắp nước Mỹ.(24) Trong đó Tu Viện Lộc Uyển là nơi gần gũi nhất với cộng đồng Phật Giáo Việt Nam tại miền Nam California. Cũng như hàng trăm tác phẩm bằng tiếng Anh và tiếng Việt nổi tiếng của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh đã được ấn hành tại hải ngoại làm nhịp cầu cho người đọc và Phật Giáo giúp nhiều người Tây Phương hiểu biết và đến với đạo Phật nhiều hơn. Tiểu sử của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh được Làng Mai phổ biến như sau:

“Thầy Làng Mai (tên gọi). Tức thiền sư Thích Nhất Hạnh, vị giáo thọ đầu tiên của Làng Mai. Sinh năm 1926, tập sự xuất gia năm 16 tuổi, thọ giới Sa Di năm 17 tuổi tại chùa Từ Hiếu, Huế, pháp danh Trừng Quang, pháp tự Phùng Xuân, pháp hiệu Nhất Hạnh. Theo học tại Phật Học Đường Báo Quốc Huế, thọ giới lớn năm 1949 trong giới đàn Ứng Quang. Từ năm 1954 làm giáo thọ tại Phật Học Đường Nam Việt chùa Ấn Quang. Một trong những vị đệ tử lớn của thiền sư Thanh Quý Chân Thật, tăng cang chùa Từ Hiếu, được hòa thượng Thanh Quý truyền đăng phó pháp năm 1966 với bài kệ truyền đăng như sau:

“Nhất hướng Phùng Xuân đắc kiện Hành.
Hành đương vô niệm diệc vô tranh.
Tâm đăng nhược chiếu kỳ nguyên thể.
Diệu Pháp đông tây khả tự thành.

“Được tổ Thanh Quý phó thác làm trụ trì chùa Từ Hiếu từ năm 1968 nhưng vì có công tác hải ngoại nên đến đầu năm 2005 mới về nước được. Là người khai sáng chùa Pháp Vân (Sài Gòn), am Phương Bối (Bảo Lộc), am Phương Vân (Pháp), Đạo Tràng Mai Thôn (Pháp), tu viện Rừng Phong, tu viện Lộc Uyển, tu viện Bích Nham (Hoa Kỳ), viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu (Đức). Thầy Làng Mai thuộc thế hệ thứ 42 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 8 của phái Liễu Quán.”(25)

Phật Giáo Việt Nam Tại Mỹ Từ Năm 1975 Về Sau

Cùng đi với đợt người Việt tị nạn tháng 4 năm 1975 sang Hoa Kỳ chỉ có vài vị tu sĩ Phật Giáo Việt Nam như Hòa Thượng Thích Thanh Cát, HT Thích Thanh Đạm, Ni Sư Thích Nữ Như Chánh. Năm 1977, Hòa Thượng Thích Thanh Cát lập chùa Giác Minh tại thành phố Palo Alto, Bắc California. HT Thích Thanh Đạm, cùng Pháp Sư Thích Giác Đức, lập Chùa Giác Hoàng tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn đầu tiên. Ni Sư Thích Nữ Như Chánh thì lập Quan Âm Thiền Viện tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, theo Giáo Sư Trần Quang Thuận trong “Phật Giáo Mỹ.”

Nhưng phải đợi đến đợt vượt biên tị nạn của Thuyền Nhân Việt Nam vào những năm từ 1978 đến 1989, khi LHQ đóng cửa tất cả các trại tị nạn Đông Nam Á, thì số lượng tăng, ni Phật Giáo Việt Nam vào Mỹ mới đông đảo và mở đầu cho sự phát triển lớn mạnh của Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ. Các Tăng Ni Phật Giáo Việt Nam đến Mỹ trong giai đoạn này có thể chia ra làm 2 thành phần: vượt biên từ Việt Nam đến các nước Đông Nam Á rồi từ đó được Mỹ nhận vào định cư, và những vị du học từ các nước Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ, Tích Lan đến Mỹ để hành đạo.

Tăng sĩ Phật Giáo Việt Nam du học ở nước ngoài đến Mỹ gồm, Hòa Thượng Thích Thiện Thanh (Tích Lan), HT Thích Đức Niệm (Đài Loan), HT Thích Chánh Lạc (Đài Loan), HT Thích Chơn Thành (Nhật Bản), HT Thích Nguyên Đạt (Nhật Bản), HT Thích Trí Chơn (Ấn Độ).

Tăng ni Phật Giáo Việt Nam tị nạn đến Mỹ gồm, HT Thích Mãn Giác, HT Thích Hộ Giác, HT Thích Giác Nhiên, HT Thích Thắng Hoan, HT Thích Chơn Điền, HT Thích Hạnh Đạo, HT Thích Thanh An, HT Thích Thiện Trì, HT Thích Minh Đạt, HT Thích Pháp Tánh, HT Thích Tín Nghĩa, HT Thích Giác Lượng, HT Thích Nguyên An, HT Thích Nguyên Trí, HT Thích Hạnh Đạt, HT Thích Nguyên Hạnh, HT Thích Trí Tuệ, HT Thích Pháp Châu, HT Thích Minh Tuyên, HT Thích Minh Hồi, HT Thích Quảng Thanh, HT Thích Minh Mẫn, HT Thích Nguyên Siêu, HT Thích Thông Hải, HT Thích Minh Nguyện, HT Thích Vân Đàm, HT Thích Hạnh Tuấn, HT Thích Đức Niệm, HT Thích Viên Lý, HT Thích Nhựt Huệ, HT Thích Minh Dung, TT Thích Giác Như, TT Thích Thông Niệm, TT Thích Đồng Trí, TT Thích Tâm Tường, TT Thích Nhật Trí, Sư Bà Đàm Lựu, Sư Bà Nguyên Thanh, Sư Bà Như Hòa, Sư Bà Như Nguyện, Sư Bà Diệu Từ, v.v.. Sau năm 2000, vì nhu cầu hoằng pháp quá lớn tại Mỹ, nhiều Tăng, Ni và chùa chiền tại Mỹ đã có chương trình bảo lãnh Tăng, Ni từ Việt Nam qua làm Phật sự. Tính đến nay, theo các thông tin từ nhiều vị tăng, ni và cư sĩ, tổng cộng số lượng tăng ni Việt Nam định cư tại Hoa Kỳ có thể lên đến khoảng trên 1,000 vị và ở rải rác nhiều tiểu bang, trong đó các tiểu bang tập trung nhiều nhất là California, Texas, Washington, New York, Florida, Virginia, Georgia, Massachusetts, Pennsylvania, Utah, v.v…

Một vị Giáo Phẩm Phật Giáo Việt Nam khác dù không phải là công dân và trường trú tại Hoa Kỳ nhưng có nhiều công sức kiến tạo chùa chiền tại Mỹ, có nhiều đệ tử xuất gia và tại gia ở Mỹ, cũng như có nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ là Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Tâm Châu, Nguyên Thượng Thủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới, vừa viên tịch tại Canada vào ngày 20 tháng 8 năm 2015. Ngài đã ra khỏi nước trong vào biến cố 30 tháng 4 năm 1975 và định cư tại Pháp. Sau đó, từ năm 1977 ngài thường du hóa tại Canada và Hoa Kỳ.

Vào thập niên 1980s, khi làn sóng người Việt tị nạn đến Mỹ định cư ngày càng nhiều thì nhu cầu hoằng pháp và xây dựng cơ sở Phật Giáo Việt Nam càng gia tăng. Hiện nay theo nhiều nguồn tài liệu, có khoảng trên 300 ngôi chùa Phật Giáo Việt Nam có mặt trên 42 tiểu bang của Hoa Kỳ. Theo Thầy Thích Quang Minh trong luận án Tiến Sĩ “Vietnamese Buddhist In America” trình tại Đại Học Florida State University năm 2007, tính tới năm 2005 có khoảng 279 trung tâm Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ.(26) Theo trang nhà www.thebuddhagarden.com thì có khoảng 275 ngôi chùa Việt Nam tại Hoa Kỳ.(27) Theo danh sách chùa Việt Nam tại Mỹ được liệt kê trong Lịch Âm Dương Đối Chiếu do Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Giác Nhiên biên tập ấn bản năm 2012 do Tổ Đình Minh Đăng Quang tại Thành Phố Westminster, California, Hoa Kỳ ấn hành, thì có khoảng 337 ngôi chùa Việt trên khắp nước Mỹ -- nếu khấu trừ phần sai sót thì cũng có khoảng trên 300 ngôi chủa – chưa tính từ năm 2012 đến nay 2016 chắc chắn số chùa còn tăng hơn.

Trong số tăng, ni Việt Nam ở Mỹ thì người có công thành lập Hội Phật Giáo và tạo dựng chùa chiền nhiều nhất là Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Chơn (1933-2011). Ngài đã thành lập hơn 30 Hội Phật Giáo, và xây dựng 20 ngôi chùa lớn nhỏ tại 15 tiểu bang.(28) Trong bài viết tưởng niệm Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Chơn có tựa đề “Hòa Thượng Thích Trí Chơn, Con Đường Hoằng Pháp và Văn Hóa,” Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu cho biết HT Thích Trí Chơn đã “đã đích thân lãnh đạo tinh thần, chứng minh Ðạo Sư, hay cố vấn các Tự Viện, Hội Phật giáo, cộng đồng Phật giáo … khoảng 36 đơn vị của các tiểu bang Hoa Kỳ.” (29) Bình sinh ngài chỉ đi xe buýt từ tiểu bang này sang tiểu bang khác để hoằng pháp cho nên, ngài có biệt danh là Hòa Thượng Xe Bus.

Xây dựng một ngôi chùa tại Mỹ là một quá trình hy sinh lớn lao vì trải qua nhiều thử thách khó khăn về mặt tài chánh, giấy phép xây dựng, v.v... Lúc đầu tạo dựng ngôi chùa, tăng, ni Việt Nam đa phần thuê hay mua nhà ở làm nơi thờ phụng và sinh hoạt tạm, rồi sau đó mới tính đến chuyện mua đất và xây chùa khang trang rộng rãi hơn để đáp ứng với nhu cầu Phật sự ngày càng nhiều. Cũng có một số vị mua được các nhà thờ Thiên Chúa Giáo để biến thành chùa thì giấy phép sinh hoạt, cơ sở vật chất, chỗ đậu xe thuận lợi hơn. Dù khó khăn trăm bề, hiện nay cũng có hàng chục ngôi chùa Việt tại Mỹ được xây dựng khang trang, rộng lớn, và mỹ thuật tại khắp các tiểu bang. Các ngôi chùa Việt tại Mỹ hầu hết đều xây dựng theo kiến trúc chùa tại Việt Nam. Đây cũng là một trong những cách bảo tồn và phát huy nét văn hóa dân tộc và Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ.

Vậy còn số lượng Phật tử Việt Nam tại Mỹ là bao nhiêu? Để một cái nhìn tổng quan về vấn đề này, trước hết chúng ta phải tìm hiểu tổng dân số người Việt tại Mỹ bao nhiêu và tỉ lệ Phật tử so với tổng dân số người Việt đó là bao nhiêu phần trăm.

Theo Từ Điển Bách Khoa Mở, tổng số người Việt định cư tại Mỹ tính đến năm 2012 là 1,860,069 người.(30) Từ điển này cũng cho biết tỉ lệ Phật tử là 43%, Tín đồ Thiên Chúa Giáo là 30%, Tin Lành 6%, và không có đạo 20%. Trung Tâm Nghiên Cứu Pew cũng có cùng một kết luận về tỉ lệ Phật tử đối với tổng dân số người Việt tại Mỹ là 43%.(31) Nhưng thống kê của bộ ngoại giao Mỹ năm 2012 mà trang mạng của bách khoa từ điển trích dẫn thì cho biết năm 2012 có khoảng 2,200,000 người Việt tại Mỹ.(32)

Như thế, số lượng Phật tử Việt Nam tại Hoa Kỳ là ước lượng khoảng 946,000 người (43% của 2,200,000 người là 946,000).

Sinh Hoạt Của Phật Giáo Việt Nam Tại Mỹ

Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ cũng mang đủ sắc thái truyền thống Phật Giáo trong nước, gồm Phật Giáo Bắc Truyền (Đại Thừa), Phật Giáo Nam Truyền (Theraveda – Nguyên Thủy), và Phật Giáo Khất Sĩ (Hệ Phái Khất Sĩ của Tổ Sư Minh Đăng Quang).

Về sự tu tập thì Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ đa phần đều giữ đường lối tu tập truyền thống trong nước kết hợp Thiền-Tịnh-Mật, tức Thiền Định, Tịnh Độ và Mật Chú. Ngoài ra tăng, ni và phật tử Việt Nam tại Mỹ cũng tiếp thu và ứng dụng đường lối tu tập theo Thiền Chánh Niệm của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, đường lối tu tập của truyền thống Theravada, của Tổ Sư Minh Đăng Quang, của Thiền Sư Thích Thanh Từ, của truyền thống Phật Giáo Tây Tạng, Phật Giáo Đại Hàn, Phật Giáo Nhật Bản, v.v…

Sinh hoạt trong chùa Việt tại Mỹ đa phần cũng vẫn giữ quy củ sinh hoạt của thiền môn Việt Nam như sáng sớm thì tọa thiền công phu, chiều thì cúng thí thực, và tối thì tịnh độ và thiền. Đặc biệt, chùa Việt tại Mỹ tập trung các sinh hoạt chính vào mấy ngày cuối tuần Thứ Bảy và Chủ Nhật, vì phật tử đa phần đi làm việc vào những ngày trong tuần nên không có thì giờ để tham gia sinh hoạt chùa. Chủa chiền ở Mỹ còn là nơi giữ gìn các tập tục, lễ nghi, và văn hóa truyền thống của dân tộc và Phật Giáo Việt Nam. Chùa cũng là những trung tâm dạy tiếng Việt cho thế hệ con em người Việt. Chùa còn là nơi để những người Việt đến sinh hoạt và tìm lại không khí quê hương Việt Nam xa cách, nhất là vào những dịp lễ lộc cổ truyền như Vu Lan, Tết, Rằm Tháng Giêng, v.v...

Vì cộng đồng người Việt tại Mỹ đông đảo, nên các sinh hoạt của Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ đa phần nhắm vào việc đáp ứng nhu cầu tâm linh của người Việt là chính mà chưa đặt trọng tâm vào việc truyền bá Phật Giáo cho người Mỹ bản xứ. Tất nhiên, cũng có một số chùa Việt có nhiều người Mỹ đến quy y, học hỏi Phật Pháp và tu tập với các vị trú trì, nhưng số lượng chùa làm như thế vẫn còn ít.

Kết Luận

Năm mươi năm so với hai ngàn năm lịch sử Phật Giáo tại Việt Nam thì chỉ là một khoảng thời gian ngắn, nhưng so với hơn hai trăm năm lập quốc của Mỹ thì đã chiếm gần một phần năm chiều dài lịch sử của đất nước này. Trong 50 năm đó, Phật Giáo Việt Nam từ hai bàn tay trắng có thể xây dựng cơ đồ, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa và đạo học của dân tộc thành công tại xứ người như ngày hôm nay là thành tựu đáng khích lệ.

Năm mươi năm qua, Cố HT Thích Thiên Ân, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, và nhiều tăng, ni và cư sĩ Phật Giáo Việt Nam khác đã nỗ lực không ngừng đem Phật Pháp đến với người Mỹ bản xứ, và cũng đã có những thành tựu rất khả quan, như ở trên đã nói, có 100 trung tâm thiền do Thiền Sư Thích Nhất Hạnh hướng dẫn và nhiều chùa Việt tại Mỹ đón nhận nhiều người Mỹ đến tu học. Nhưng, nhìn chung, để có thể gọi là xây dựng nền móng vững chắc và lâu dài cho sự thành tựu sứ mệnh truyền bá Phật Pháp tại đất nước này, thì hai việc không kém quan trọng cần được thực hiện nhiều hơn nữa, đó là: đưa đạo Phật đến với thế hệ con em người Mỹ gốc Việt, và đến với người Mỹ bản xứ.

Mong rằng năm mươi năm tới Phật Giáo Việt Nam ở Mỹ có thể hoàn thành được sứ mệnh này.


Chú Thích:

(1) Trần Quang Thuận, Phật Giáo Mỹ, Tập I, Trung Tâm Học Liệu Phật Giáo, California, Hoa Kỳ, 2000, tr. 173

(2) Sách đã dẫn, tr. 171

(3) Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Maya_civilization

(4) Trần Quang Thuận, Phật Giáo Mỹ, Tập I, Trung Tâm Học Liệu Phật Giáo, California, Hoa Kỳ, 2000, Tr. 171-172

(5) Sách đã dẫn, tr. 183-185

(6) Sách đã dẫn, tr. 187-188

(7) Sách đã dẫn, tr. 198-199

(8) Nguồn: http://www.tuvienquangduc.com.au/quocte/01pgkhaptg-hoaky.html

(9) Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Buddhism_in_the_United_States

(10) Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Buddhism_in_the_United_States

(11) Nguồn: http://www.pbs.org/thebuddha/blog/2010/mar/17/how-buddhism-came-west-maia-duerr/

(12) Nguồn: http://daovanbinh.cattien.us/?p=38

(13) Nguồn: http://quangduc.com/a5759/hoa-thuong-thich-quang-lien

(14) Nguồn: http://www.thuvien-thichnhathanh.org/index.php/vai-net/111-vai-net/764-chan-dung-thin-s-theo-bao-shambhala-sun

(15) Nguồn: http://giacngo.vn/thuvien/giaohoiphatgiaovietnam/2014/05/08/327018 /

(16) Nguồn: http://thuvienhoasen.org/a13467/vu-tu-thieu-cua-hoa-thuong-thich-quang-duc-hoa-thuong-thich-duc-nghiep

(17) Trần Quang Thuận, Phật Giáo Mỹ, Tập I, Trung Tâm Học Liệu Phật Giáo, California, Hoa Kỳ, 2000, tr. 313

(18) Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%AA_M%E1%BA%A1nh_Th%C3%A1t

(19) Nguồn: http://www.unitedbuddhistchurch.org/s432-t7893-thiacutech-thiecircn-acircn.html ; http://www.tuvienquangduc.com.au/Danhnhanvn/htthichthienan.html

(20) Về năm sinh của Hòa Thượng Thích Thiên Ân thì có nhiều chỗ khác nhau. Theo GS Trần Quang Thuận trong Phật Giáo Mỹ Tập I, trang 267, thì HT Thích Thiên Ân sinh năm 1924. Trong một thông báo của Chùa Việt Nam mời dự triển lãm 40 năm báo chí PGVN tại Hoa Kỳ vào ngày 22-11-2015 có đính kèm tiểu sử Cố HT Thích Thiên Ân thì năm sinh của HT là năm 1925. Nguồn: https://vietbao.com/p113a245347/2/gioi-thieu-chuong-trinh-le-tuong-niem-va-trien-lam-40-nam-bao-chi-phat-giao-vn-tai-hoa-ky-va-hai-ngoai-vao-luc-03-gio-chieu-ngay

(21) Trần Quang Thuận, Phật Giáo Mỹ, Tập I, Trung Tâm Học Liệu Phật Giáo, California, Hoa Kỳ, 2000, tr. 268

(22) Nguồn: http://www.gstdl.org/teacher

(23) Nguồn: https://vietbao.com/a239841/viet-bao-dien-kien-duc-dat-lai-lat-ma

(24) Trần Quang Thuận, Phật Giáo Mỹ, Tập I, Trung Tâm Học Liệu Phật Giáo, California, Hoa Kỳ, 2000, tr. 341-353

(25) Nguồn: http://langmai.org/tang-kinh-cac/tu-dien-lang-mai/tu-dien-lang-mai-t

(26) Nguồn: file:///C:/Users/Quang/Downloads/PDF%20datastream.pdf

(27) Nguồn: http://www.thebuddhagarden.com/blog/vietnamese-temples-usa/

(26) Nguồn: http://hoavouu.com/p35a10506/01-tieu-su-va-cong-hanh

(27) Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Vietnamese_American

(28) Nguồn: http://quangduc.com/author/about/868/ht-thich-tri-chon

(29) Nguồn: http://hoavouu.com/a10593/05-hoa-thuong-thich-tri-chon-con-duong-hoang-phap-va-van-hoa-nguyen-sieu

(30) Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Vietnamese_Americans

(31) Nguồn: http://projects.pewforum.org/2012/07/18/religious-affiliation-of-asian-americans-2/asianamericans_affiliation-7-2/

(32) Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Vi%E1%BB%87t_ki%E1%BB%81u

    « Xem chương trước «      « Sách này có 28 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.118.0.48 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...