Bạn có thể trì hoãn, nhưng thời gian thì không. (You may delay, but time will not.)Benjamin Franklin
Việc đánh giá một con người qua những câu hỏi của người ấy dễ dàng hơn là qua những câu trả lời người ấy đưa ra. (It is easier to judge the mind of a man by his questions rather than his answers.)Pierre-Marc-Gaston de Lévis
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Tôn giáo không có nghĩa là giới điều, đền miếu, tu viện hay các dấu hiệu bên ngoài, vì đó chỉ là các yếu tố hỗ trợ trong việc điều phục tâm. Khi tâm được điều phục, mỗi người mới thực sự là một hành giả tôn giáo.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Không thể dùng vũ lực để duy trì hòa bình, chỉ có thể đạt đến hòa bình bằng vào sự hiểu biết. (Peace cannot be kept by force; it can only be achieved by understanding.)Albert Einstein
Nếu muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu muốn đi xa, hãy đi cùng người khác. (If you want to go fast, go alone. If you want to go far, go together.)Ngạn ngữ Châu Phi
Chúng ta nhất thiết phải làm cho thế giới này trở nên trung thực trước khi có thể dạy dỗ con cháu ta rằng trung thực là đức tính tốt nhất. (We must make the world honest before we can honestly say to our children that honesty is the best policy. )Walter Besant
Nếu muốn tỏa sáng trong tương lai, bạn phải lấp lánh từ hôm nay.Sưu tầm
Chúng ta không thể giải quyết các vấn đề bất ổn của mình với cùng những suy nghĩ giống như khi ta đã tạo ra chúng. (We cannot solve our problems with the same thinking we used when we created them.)Albert Einstein

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Giảng giải Kinh Phổ Môn »» Bài giảng thứ ba »»

Giảng giải Kinh Phổ Môn
»» Bài giảng thứ ba

Donate

(Lượt xem: 3.125)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  Chinese || Đối chiếu song ngữ


       

Giảng giải Kinh Phổ Môn - Bài giảng thứ ba

Font chữ:

KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA
PHẨM PHỔ MÔN - BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM

Hoa Tạng Đồ Thư Quán, Cảnh Mỹ, [Đài Bắc], Đài Loan

Bài giảng thứ ba - Tháng 12 năm 1983

Số lưu trữ: 08-004-0003  

Mời quý vị mở [sách Pháp Hoa Kinh Đại Thành] quyển hạ, trang 799. [Hôm nay] chúng ta lại tiếp tục xem xét đề mục [của phẩm kinh: “Diệu Pháp Liên Hoa Kinh – Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm - Phẩm thứ 25.”] Bắt đầu từ dòng thứ 5 chép rằng:

Kinh Đại Bi nói: “Sức oai thần của vị Bồ Tát này không thể nghĩ bàn, đã thành Phật từ vô số kiếp trong quá khứ, hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai. Do nguyện lực đại bi muốn làm cho chúng sinh an vui nên hiện thân làm Bồ Tát.”

Đoạn kinh này cho thấy rằng Bồ Tát [Quán Thế Âm] là tạo nhân khi đang hưởng quả, nghĩa là đã thoát khỏi luân hồi nhưng quay thuyền từ lại [tiếp độ chúng sinh], vì ngài vốn đã thành Phật từ nhiều kiếp lâu xa.

Vậy tại sao ngài không dùng thân Phật để cứu độ chúng sinh mà lại hạ thấp xuống địa vị Bồ Tát? Điều này chúng ta vẫn thường thấy trong kinh luận. Phật là địa vị của bậc thầy. Bậc thầy có vị thế rất tôn nghiêm nên chúng ta nhất định phải tìm đến để cầu học. Cứ y theo lễ nghĩa từ xưa của người Trung Quốc thì chỉ có người học đi cầu thầy, chưa từng có thầy đi tìm học trò để dạy. Cho nên, đạo thầy trò là hết sức tôn nghiêm. Ngay như các bậc đế vương của thế gian, cũng không dám quay mặt về hướng nam để tiếp kiến, đó là theo lễ nghĩa từ xưa, phải hết sức tôn trọng. Khi hoàng đế tiếp kiến thầy phải tự mình đứng ở hướng đông, vị thầy đứng ở hướng tây, dùng lễ chủ khách mà tiếp, không dám theo lễ vua tôi. Đó là vì sự tôn trọng đối với bậc thầy. Cho nên việc học cần phải cầu học.

Hiện nay địa vị của người thầy bị hạ thấp, đó là vì sao? Vì thầy bây giờ làm gia sư, đến tận nhà dạy học, nên học sinh đối với vị thầy không tôn trọng. Thầy làm gia sư, tôi muốn mời thầy đến dạy học, muốn thầy đến giờ nào thì gọi điện thoại, thầy đến; hôm nào tôi không muốn học, [không gọi,] thầy không đến. Khi cần, gọi là đến, không cần, bảo đi là đi, như vậy làm gì có đạo thầy trò? Học sinh cầu học mà đối với bậc thầy không có lòng kính trọng, xin thưa với quý vị, dù là học điều gì cũng không thể học được.

Ngày nay nói là cầu học, chẳng phải cầu đạo. Cũng không phải cầu học vấn, vậy thì cầu những gì? Chẳng qua cầu một chút hiểu biết về kỹ thuật, khoa học kỹ thuật, như vậy thì tạm được, còn muốn cầu đạo, cầu học thì không được.

Bậc cổ đức nói rằng: “Việc cầu học, trong lòng có một phần cung kính thì học được một phần, hai phần cung kính thì học được hai phần, không có tâm cung kính thì không học được gì cả.” Phật pháp rất thực tiễn. [Về việc này] Phật pháp nói là học đạo. Không có tâm cung kính thì không thể được đạo. Ví như có đến nghe, cũng không thể nghe ra được đạo.

Vì nguyên nhân nói trên, đức Phật thật sự hết sức từ bi nên tự hạ thấp địa vị của mình xuống, chỉ làm Bồ Tát. Địa vị Bồ Tát thì đối với chúng ta cũng giống như bạn đồng học, cũng giống như học sinh cùng học một trường, ngài đã tốt nghiệp từ trước, chúng ta là học sinh khóa sau, cùng gặp nhau trong trường học mà thôi. Trò chuyện cùng nhau ở trường học thì có thể tự nhiên, tùy tiện, không giống như đối với bậc thầy tôn nghiêm, cho nên có thể tùy triện trao đổi. Đối với bậc thầy thì không thể nói năng tùy tiện. Cũng không thể có chuyện học sinh không thỉnh cầu mà đến dạy. Nhưng với [đàn anh] học cùng trường thì có thể, có thể làm người bạn không mời mà đến. Các bạn không mời tôi, tôi vẫn có thể đến chỉ dạy; các bạn không chịu học, tôi có thể lôi kéo, thúc đẩy các bạn học. Như vậy có thể được, vì là bạn đồng học nên có thể được, đối với bậc thầy thì không được. Sự tôn nghiêm của bậc thầy nhất định phải được duy trì, gìn giữ.

Cho nên, ngài từ địa vị của Phật, tức là một bậc thầy, hạ thấp xuống làm một vị Bồ Tát, nghĩa là không làm một bậc thầy đến giáo hóa chúng sinh, mà làm bạn đồng học, làm một bậc đàn anh để giáo hóa chúng sinh. Làm như vậy để tiếp dẫn chúng sinh thì có nhiều thuận lợi hơn, có nhiều phương tiện hơn.

Cho nên, bất kể là vị Phật nào, các ngài thành Phật ở một thế giới, khi đến một thế giới khác sẽ thị hiện làm Bồ Tát để giáo hóa. Điều này có thể so sánh rất giống như trong trường học hiện nay, đức Phật có thể ví như vị hiệu trưởng, nhất định phải giữ gìn sự tôn nghiêm của mình, trong khi các vị giáo sư có thể ví như các vị Bồ Tát, có thể tùy tiện, linh hoạt hơn [trong việc dạy dỗ]. Vị ấy làm hiệu trưởng ở trường này, có thể đến một trường khác làm giáo sư, tức là làm Bồ Tát. Trong Phật pháp, chư Phật, Bồ Tát thị hiện như vậy có thể nói là rất nhiều, nhiều đến vô số.

Do đó có thể biết rằng Bồ Tát [Quán Thế Âm] đã thành Phật rồi thị hiện trở lại, tại Pháp hội Lăng Nghiêm thị hiện làm vị Bồ Tát sơ địa. Hôm nay có tặng cho quý vị một bản Hoa Nghiêm soát độc, trong đó cũng có một chương tên là “Quán Thế Âm Bồ Tát”, trong đó ngài thị hiện là Bồ Tát ở địa vị Hồi hướng thứ bảy. Có thể thấy rằng địa vị mà ngài thị hiện đều là địa vị Bồ Tát, từ Bồ Tát Sơ trụ cho đến Bồ Tát Đẳng giác, gồm 41 giai vị Bồ Tát ngài đều có thị hiện, như vậy mới có thể rộng độ chúng sinh.

Đến phần sau chúng ta sẽ thấy được 32 ứng hóa thân của ngài. 32 ứng hóa thân lại thị hiện ra vô lượng vô biên thân, điều này chúng ta cần phải hiểu rõ. Quý vị nói xem, rốt lại thì Bồ Tát Quán Thế Âm là địa vị nào? Địa vị nào cũng có cả, không một chủng loại nào mà ngài không hiện thân [để giáo hóa chúng sinh].

Tiếp theo nói“Biệt hành huyền vân - 別 行玄云”. Biệt hành là một phẩm kinh, riêng một phẩm kinh này, được các vị đại đức xưa kia trích ra từ kinh Pháp Hoa và lưu hành riêng biệt nên gọi là “biệt hành”. Phẩm kinh [Phổ môn] này được in để lưu hành riêng biệt có thể nói là rất nhiều.

Chữ “huyền” là “huyền nghĩa - 玄義”, tức là nói huyền nghĩa trong bản “Biệt hành sớ - 別行疏”. Trong bản sớ giải này nói rằng: “Quán Thế Âm, theo tên gọi trong tiếng Phạn là A-na-bà-lũ-cát-để-du.” Đó là nói phiên âm từ tiếng Phạn Avalokiteśvara, Hán dịch theo ý nghĩa là Quán Thế Âm. “Quán là nói trí của người quán sát, Thế Âm là nói trần cảnh, đối tượng của sự quán sát đó.” Trần cảnh là đối tượng quán sát lại có bốn loại, trong đó đều gồm đủ.

Về trí năng quán, tức là ý nghĩa “nhập lưu vong sở” mà hôm qua đã giảng giải, cũng tức là công phu “phản văn”. Điều này là hết sức quan trọng thiết yếu.

Trí (智) có khác biệt, không phải là thức (識). Trí ở đây là trí vô phân biệt. Có phân biệt thì gọi là thức, tức là thức thứ sáu, ý thức, có sự phân biệt. Có phân biệt, có bám chấp thì là thức thứ sáu (ý thức), thức thứ bảy (mạt-na thức), không gọi là trí.

Trí là trí vô phân biệt, hay nói cách khác, đó là tác dụng được khởi lên từ tâm thanh tịnh. Các bậc cổ đức thường lấy nước để làm ví dụ so sánh. Mặt nước khi lặng yên không xao động, không gợn sóng, sẽ giống như mặt kính [phản chiếu rõ ràng hình ảnh], được ví như tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh khởi lên tác dụng, có thể soi chiếu, rất giống như công năng của một tấm kính, bên ngoài có bao nhiêu cảnh vật đều phản chiếu vào trong kính, hiện ra rõ ràng, nên so sánh giống như trí tuệ vô phân biệt, soi chiếu mọi thứ đều rõ ràng.

Nếu tâm của quý vị dao động thì sẽ giống như mặt nước có sóng gợn, vậy có tác dụng gì không? Cũng có tác dụng, cũng có năng lực soi chiếu, nhưng chỉ có điều là không được hoàn toàn. Vì sao vậy? Vì có giới hạn. Khi mặt nước có sóng gợn thì sự soi chiếu chỉ được một phần, hơn nữa cũng không được rõ ràng.

Tâm chúng ta nếu được tĩnh lặng, thanh tịnh, thì khi khởi lên tác dụng gọi là trí, quả thật là không có phân biệt. Tuy không phân biệt nhưng hết thảy đều sáng suốt rõ ràng, không phải nói không có phân biệt là không biết gì cả. Không phân biệt nhưng so với có phân biệt còn sáng tỏ rõ ràng hơn, chân thật hơn, cho nên gọi là trí tuệ.

Tâm của phàm phu sử dụng là vọng tâm, chính là tâm phân biệt, chính là tâm bám chấp, cho nên gọi là thức. Ngày hôm qua tôi có nói với quý vị, Pháp sư Giao Quang trong sách Lăng-nghiêm chính mạch đã đề xướng việc “bỏ thức dùng căn”, có nghĩa là buông bỏ sự bám chấp, buông bỏ sự phân biệt, vận dụng trí vô phân biệt. Phải dùng trí này làm căn bản để tu nhân thì mới có thể thành tựu được Vô thượng Bồ đề.

Ở Trung Quốc từ xưa đến nay, trong pháp thế gian cũng như trong Phật pháp, việc học đều bắt đầu từ căn bản trí, điều này chúng ta nên hiểu rõ. Cư sĩ Đường Đại Viên trong sách Duy thức tân tài hiệt vị đã đề cập đến vấn đề này, hơn nữa còn trình bày rất xúc động. Ông nói rằng, từ thời Dân quốc đến nay, hệ thống giáo dục sau khi cải cách đã không còn khởi đầu từ căn bản trí nữa. Không có căn bản trí thì cũng không có hậu đắc trí, như vậy sự tu học của quý vị, theo như Đại sư Thanh Lương nói thì không rơi vào vô minh ắt cũng rơi vào tà kiến.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho ngày nay việc tu học của chúng ta rất khó thành tựu, hơn nữa còn là một nguyên nhân quan trọng. Sự tu tập căn bản trí là phải học thuộc lòng. Cho nên, không chỉ trong Phật pháp mà ngày xưa ngay cả sự học [của Nho gia] cũng khởi đầu từ việc học thuộc lòng. Quý vị có thể thấy bậc tiểu học ở Trung Quốc ngày xưa không giống với bậc tiểu học hiện nay. Bậc tiểu học thời xưa nhằm mục tiêu [rèn luyện học sinh] đạt được căn bản trí, tức là trí vô phân biệt. Đứa trẻ bảy tuổi bắt đầu học, gọi là “tựu ngoại phó”. Phó là sư phó, tức là vị thầy. Bảy tuổi bắt đầu gần gũi vị thầy, bắt đầu tách rời cha mẹ để theo thầy.

Nhà ở Trung Quốc từ xa xưa là kiểu nhà lớn, khác với kiểu nhà thu nhỏ hiện nay. Theo kiểu nhà lớn thì ngôi nhà được phân chia thành các khu vực bên trong, bên ngoài. Có một lần đến thăm Trung tâm hoạt động thanh niên Khẩn Đinh, tôi đã thấy kiến trúc ở đây đúng là cách thức kiến trúc của Trung Quốc vào thời xưa. Nhưng nơi ấy cũng chỉ có thể tiêu biểu cho kiến trúc phương nam thôi, quy mô của kiến trúc phương bắc Trung Quốc ngày xưa còn lớn hơn thế nhiều. Một ngôi nhà lớn thường xây theo kiểu “tứ hợp viện”, [nghĩa là một nhà chính ở giữa với bốn phía đều có kiến trúc phòng ốc], có rất nhiều lối đi vì được phân chia thành hai khu vực trong, ngoài. Khu vực nhà ở là bên trong, từ phòng khách trở ra đều được xem là bên ngoài. Khi mời thỉnh thầy dạy học đến, thầy ở căn phòng phía tây, phía tây là dùng để tiếp khách, đặt phòng khách, người khách đến nhà cũng ngồi phía tây. Chủ nhà ở phòng phía đông, khi tiếp khách cũng ngồi về phía đông.

Cho nên, khi mời thỉnh thầy đến dạy học thì thầy ở căn phòng phía tây, đó cũng là phòng học. Học trò gồm hết thảy con cháu trong nhà, đều theo học với thầy, không được quay vào trong nhà nữa, chỉ trừ những ngày được nghỉ học. Khi nghỉ học thì mới được vào nhà gặp gỡ cha mẹ, anh chị...

[Như vậy,] từ năm bảy tuổi thì [đứa trẻ] hằng ngày đã sống với thầy, đương nhiên thầy phải có sự quan tâm chăm sóc, dạy dỗ. Học trò trước hết học cách theo hầu thầy. Học những điều gì? Học những việc thường nhật, cách ứng xử, đối đáp, học những điều như vậy. Lại học lễ phép, học cách giao tiếp, biết tôn trọng người lớn tuổi hơn, biết cách hầu cận, phụng sự bậc tôn trưởng, học những điều như vậy.

Đứa trẻ học cách theo hầu thầy rồi, khi về nhà liền tự biết cách thức theo hầu cha mẹ, biết cách chăm sóc, phụng sự cha mẹ. Nói cách khác, việc giáo dục [khi ấy] là giáo dục cách sống thường ngày, không phải dạy kiến thức sách vở, mà là giáo dục cuộc sống hằng ngày. Học sinh ngày nay thậm chí không biết quét nhà. Quét xong nền nhà thì bụi bay khắp phòng, đó là không biết quét nhà. Người biết quét nhà thì quét đến đâu sạch sẽ đến đó mà không làm cho bụi bay lên, quý vị đã học qua điều này chưa? [Ngày xưa] từ bậc tiểu học đã học những điều như vậy. Nền nhà ngày xưa không giống như bây giờ, bây giờ đa phần đều là nền lát gạch đá mài, rất sạch sẽ. Trước đây nền nhà dùng bùn đất đắp lên, chỉ có các nhà giàu có mới lát gạch. Cho nên thuở ấy nền nhà rất nhiều bụi, nhưng khi người ta quét nhà đúng cách không làm cho bụi bay lên. Như vậy, [có thể thấy] việc giáo dục cách sống thường ngày hiện nay không còn được xem trọng.

Ngoài việc dạy dỗ những điều như trên, vị thầy còn có một mục tiêu giáo dục quan trọng khác, đó là rèn luyện căn bản trí cho người học trò. Phương pháp rèn luyện căn bản trí là cho học thuộc lòng kinh điển. Vị thầy chỉ dạy đọc từng câu, mỗi từ ngữ đều được phát âm rất chính xác, cứ từng câu, từng câu đọc lên hết sức rõ ràng, không để cho đọc sai. Tuần tự dạy như thế, dạy cho học sinh học thuộc nằm lòng. Vì vậy, đứa trẻ từ năm bảy tuổi đến khoảng chừng mười hai tuổi thì đã thuộc lòng hết thảy những sách quan trọng như Tứ thư, Ngũ kinh cho đến tác phẩm của nhiều tác giả xưa nay. Nhưng nếu quý vị hỏi về ý nghĩa, người học trò ấy không biết gì cả, vì chỉ được dạy học thuộc lòng thôi. Nghĩa là [khi học như vậy] không hề có sự phân biệt, và vị thầy cũng không hề giảng giải.

Vị thầy này được gọi là bậc thầy “khải mông” (啟蒙), tức là người khai mở, phá trừ sự tối tăm [trong đầu óc người học trò], cũng gọi là bậc thầy căn bản. Vai trò của vị thầy này là quan trọng, thiết yếu nhất [đối với đứa trẻ].

Trong giai đoạn học tập này thì có được sách vở nào cũng đều học thuộc lòng, hơn nữa còn học thuộc rất kỹ. Trách nhiệm của vị thầy là đôn đốc, thúc đẩy học trò học thuộc lòng. Có một số trẻ rất thông minh, dạy cho điều gì chỉ đọc qua một vài lần đã thuộc lòng. Trong trường hợp đó, vị thầy lại tăng thêm nội dung học nhiều hơn.

Một đứa trẻ có căn cơ trung bình thì đại khái trong một ngày có thể học thuộc khoảng ba trăm chữ, mức độ phổ biến nhất là từ ba đến bốn trăm chữ. Nếu như với ba, bốn trăm chữ đó mà đọc qua ba lần đã thuộc thì vị thầy sẽ gia tăng nhiều hơn, sẽ cho học đến sáu, bảy trăm chữ.

Về nguyên tắc thì một đứa trẻ thường sẽ học thuộc trong vòng mười lần đọc. Từ mười đến hai mươi lần đọc thì nhất định sẽ phải thuộc. Học thuộc được như vậy rồi, vị thầy lại tiếp tục cho đứa trẻ đọc thêm nhiều lần nữa. Phải đọc đến bao nhiêu lần? Phải tiếp tục đọc từ khoảng một trăm lần trở lên.

Trong Đồ thư quán của chúng ta hiện có sách Ngũ chủng di quy. Đây là một bản sách đời nhà Thanh, do Tổng đốc Trần Hoằng Mưu soạn thành. Nội dung sách dành cho bậc học vỡ lòng. Cách dạy học vỡ lòng cho trẻ từ thời xưa cho đến triều nhà Thanh vẫn như vậy.

Nếu gặp đứa trẻ hơi kém thông minh, vị thầy có thể đốc thúc trẻ phải đọc từ hai đến ba trăm lần. Vì sao phải cho trẻ đọc nhiều lần như vậy? Vì học thuộc như vậy rồi thì từ đó về sau, cho đến suốt đời cũng không quên mất. Cho đến khi đứa trẻ trưởng thành, tương lai bước vào xã hội, trước tác văn chương hoặc đối đáp ứng xử, khi cần trích dẫn kinh điển sách vở đều tự nhiên sẵn có, tùy ý viết ra, không phải mất nhiều công sức, không phải tìm kiếm sách tham khảo.

Quý vị thử nói xem, hiện nay nếu bảo quý vị viết ra một áng văn chương thì phải lật tìm sách vở tham khảo, có khi lục tìm đến đuối sức mà vẫn tìm chưa ra, như vậy có phải khổ sở lắm không? Người xưa nâng bút lên, đặt bút xuống thì [văn chương] tự nhiên tìm đến. Có được công phu như vậy đều là nhờ rèn luyện từ thuở nhỏ.

Trong Phật pháp, điều này cũng giống như Đồng tử Thiện Tài trong Pháp hội của Bồ Tát Văn Thù, cũng chính là học việc căn bản như vậy.

Học được điều căn bản này rồi thì bao nhiêu kinh sách thư tịch đều thuộc nằm lòng, chỉ cần nêu ra một câu thì biết ngay câu ấy nằm ở trong sách nào, tại trang mấy, hàng thứ mấy, tất cả đều nhớ được rõ ràng, có đủ tư cách tham học, như vậy mới đủ tư cách đi tham học.

Tham học là [tìm đến] những nơi nào có các bậc tông sư. Nho học tôn là tông sư, tức là những bậc thầy [có hiểu biết] thông suốt về một bộ kinh sách, hoặc thông thạo một lãnh vực học vấn, học thuật nào đó... Vị ấy giảng dạy ở một nơi nào đó, quý vị [liền tìm đến để] có thể gần gũi học hỏi. [Chẳng hạn như] vị ấy giảng sách Luận ngữ, quý vị đã thuộc lòng sách Luận ngữ thì quý vị có thể tìm đến để gần gũi, lắng nghe vị ấy giảng giải. Cho nên, việc giảng giải là một giai đoạn khác. Tìm học thầy, theo hỏi bạn, đi ra bên ngoài để tìm nơi tham vấn học hỏi. Tham vấn như vậy là muốn hiểu rõ được ý nghĩa kinh sách.

Vị thầy khi giảng giải không sử dụng đến quyển sách, không giống như chúng ta ngày nay, mỗi khi giảng kinh phải có quyển kinh đặt trước mặt. Vì sao vậy? Vị thầy cũng đã thuộc lòng, học sinh cũng đã thuộc lòng, nên không cần đến quyển sách. Nếu quý vị chưa học thuộc lòng thì quý vị chưa đủ trình độ để đến nghe giảng. Khi giảng giải kinh văn chính là khơi dậy hậu đắc trí, đó là trí tuệ có công năng ứng dụng lớn lao không ràng buộc, ích lợi thọ dụng không cùng tận.

Vị thầy giảng giải thường cũng không theo một phương thức nhất định nào, đến giờ giảng thì vào giảng đường. Giảng đường ngày xưa không có bàn ghế, đa số sử dụng bồ đoàn [ngồi trên mặt đất], giống như ở Niệm Phật đường của chúng ta. Ngồi trên bồ đoàn nghe giảng giải mà không cần nhìn vào sách, rồi cùng nhau nghiên cứu, thảo luận.

Vị thầy có lúc cao hứng thì cùng học trò dạo chơi, chuẩn bị ít trà ngon, thức ăn ngon, vừa đi du ngoạn phong cảnh núi sông, vừa giảng giải cho học trò, cho nên việc học rất vui thú. Ngày nay thì việc học rất khó nhọc, nói đến học thì đa số [học sinh] đều khiếp sợ, trong khi trước đây việc học là vui thích nhất.

Chúng ta không may sinh ra trong thời đại mà việc học trở nên khó nhọc, không được hưởng niềm vui học tập như người xưa.

Việc học ngày xưa khó nhọc ở chỗ nào? Là khó trong giai đoạn tiểu học, phải học thuộc lòng là khó nhọc, [suốt những năm] từ bảy tuổi cho đến mười hai tuổi. Đến mười ba, mười bốn tuổi thì đã hết sức thảnh thơi thoải mái rồi, việc tham học rất thảnh thơi, thực sự có thể gọi là niềm vui học tập.

Việc tham học trong nhà Phật cũng vậy. Một người mới xuất gia phải mất năm năm học giới. Học giới là gì? Đó không phải là bảo quý vị học giới luật. Năm năm đó chỉ là học Sa-di luật nghi, tức là mười giới [sa-di], hai mươi bốn môn uy nghi, phép tắc sinh hoạt hằng ngày trong tự viện, cũng giống như việc huấn luyện sinh viên mới trong trường học. Nhưng việc huấn luyện sinh viên mới chỉ trong khoảng chừng một, hai tháng, còn người mới xuất gia trong nhà Phật thì thời gian huấn luyện đó là năm năm. Trong năm năm đó học những gì? Học phụng sự đại chúng, học phục vụ. Các tự viện trước đây rất đông người, tất cả công việc nặng nhọc đều do những người mới xuất gia làm, như nấu ăn, trồng rau, đốn củi, gánh nước, đó là phục vụ đại chúng. Những việc như vậy đều do người mới xuất gia làm, đó là giáo dục cách sống.

Ngoài việc rèn luyện cách sống như vậy, [thời gian còn lại] là học thuộc lòng kinh điển. Mỗi một tự viện đều có học phong, đạo phong riêng biệt. Đạo phong là hành môn, học phong là giải môn. Chẳng hạn như tông Thiên Thai tu học dựa trên kinh Pháp Hoa, nói cách khác, người mới xuất gia trong vòng năm năm phải học thuộc lòng kinh Pháp Hoa. Nếu không học thuộc lòng được thì trong tương lai sẽ không đủ tư cách vào giảng đường nghe giảng kinh, chỉ có thể đứng phía sau chờ phục vụ đại chúng, như có người gọi bưng chén nước thì mau mau chạy đi lấy, hoặc có người cần chiếc khăn lông thì lập tức mang khăn lông đến. Chỉ có thể theo hầu phục vụ như vậy, không có tư cách ngồi xuống nghe giảng kinh.

Người học theo tông Thiên Thai không chỉ thuộc lòng kinh Pháp Hoa, mà còn phải học các bộ sớ giải, chẳng hạn như Pháp Hoa kinh văn cú do Đại sư Trí Giả biên soạn, nhất định phải học thuộc lòng. Ngoài bộ sách này ra, nghĩa là Thiên Thai tam đại bộ, còn có sách Pháp Hoa huyền nghĩa thích tiêm, là bộ sách đóng bìa cứng nằm trên giá sách đằng kia, gồm ba quyển lớn, cũng phải học thuộc lòng. Lại còn một bộ Ma-ha Chỉ Quán, độ dày cũng tương tự như vậy, cũng đóng thành ba quyển.

Cho nên, tất cả những sách của tông Thiên Thai phải học thuộc lòng hết trong vòng năm năm, như vậy mới đủ điều kiện theo học tông Thiên Thai.

Thành tựu của người xưa là nhờ thực sự bắt tay vào công phu tu tập. Chúng ta ngày nay công phu gì cũng không thực hiện mà cứ nghĩ đến thành tựu, làm sao có chuyện dễ dàng như vậy. Quý vị thử nghĩ xem, chúng ta ngày nay có điểm nào có thể so sánh được với người xưa? Chỉ có một điểm là được sống sung túc tốt đẹp hơn nhiều, sự hưởng thụ của chúng ta vượt quá xa so với người xưa. Ngoài điểm đó ra thì không còn gì có thể sánh kịp người xưa.

Người xưa tu học như thế đó mà vẫn còn sợ rơi vào ba đường ác. Câu bên dưới tôi không cần đề cập, quý vị có thể tự mình hiểu rõ được.

Đoạn này nói việc quán chiếu nhất định phải vận dụng căn bản trí. Mong rằng quý vị biết xem trọng sự quan trọng thiết yếu của căn bản trí, tức là trí vô phân biệt, chúng ta nhất thiết phải nỗ lực rèn luyện.

“Năng quán” (chủ thể quán sát) tức là trí quán sát, tức là căn bản trí, “thì sáng suốt không si mê, thường biết rõ ràng, vững vàng tỉnh giác, xoay lại chiếu soi, nên gọi là quán”, tức là như phần trước đã giảng với quý vị về ý nghĩa “nhập lưu”.

“Sở quán” (đối tượng quán sát) tức là cảnh giới, vì Bồ Tát Quán Thế Âm vận dụng phương pháp này là từ nhĩ căn mà vào, đối tượng của tai là âm thanh, [nên cảnh giới ở đây] là nói âm thanh đi vào tai. Bồ Tát Quán Thế Âm vận dụng pháp môn này.

So với pháp môn mà Bồ Tát Đại Thế Chí vận dụng thì khác biệt. Bồ Tát Đại Thế Chí vận dụng pháp môn “nhiếp hết sáu căn”, Bồ Tát Quán Thế Âm thì trong sáu căn chỉ dùng một căn, chỉ dùng nhĩ căn, đó là một điểm không giống nhau, thế nhưng nói về quán chiếu, nhập lưu, thì chắc chắn là như nhau.

Hai vị Bồ Tát này đều là gương sáng cho người niệm Phật noi theo, là mẫu mực của việc thực hành công phu. Chúng ta noi theo pháp môn nhiếp hết sáu căn của Bồ Tát Đại Thế Chí mà tu hành, đó là một phương pháp tốt. Chúng ta chọn theo pháp môn chuyên nhiếp nhĩ căn của Bồ Tát Quán Thế Âm để tu tập, cũng là một phương pháp tốt. Cả hai pháp môn đều sẽ đạt thành tựu rất lớn lao.

Nói về “âm”, tức âm thanh, [có nhiều loại âm thanh], ở đây nói đến “chánh giác chi âm”, tức âm thanh chánh giác, tức là pháp âm. Hôm nay chúng ta ở trong giảng đường này giảng kinh thuyết pháp, [âm thanh này] cũng là thuộc về “chánh giác chi âm”.

Lại có “chúng sinh chi âm”, là âm thanh của chúng sinh, đó là tiếng nói, ngôn ngữ mà người thường chúng ta dùng để trao đổi, trò chuyện.

Lại có “khí thế giới chi âm”, là âm thanh các loại trong thế giới, chẳng hạn như gió có âm thanh, mưa cũng có âm thanh, thậm chí nói chung hết các loại nhạc khí, nhạc cụ, cũng là thuộc về “khí thế giới”. Chuông, mõ của chúng ta cũng thuộc về khí thế giới, mỗi khi đánh, gõ, khua lên đều phát ra âm thanh, đó gọi là “khí thế giới chi âm”. Có thể nói một cách tổng quát, hết thảy những âm thanh diễn tấu phát ra từ các loại nhạc cụ đều thuộc về âm thanh “khí thế giới”. Có rất nhiều người thích nghe nhạc giao hưởng, đó là âm thanh “khí thế giới”. Nhưng khi chúng ta ca hát, thì đó là thuộc về âm thanh của chúng sinh.

Ngoài ra còn có “tạp loại chi âm”, tức là âm thanh của tạp loại, của nhiều loài hỗn tạp, tức là bao quát hết thảy những âm thanh của quỷ thần trong sáu đường. Những âm thanh “tạp loại” này có thể tìm thấy ở đâu? Hiện nay chúng ta có rất nhiều loại thần chú, đó đều thuộc về những âm thanh “tạp loại”. Những âm thanh đó không phải là ngôn ngữ của thế gian chúng ta, cho dù được dịch từ tiếng Phạn nhưng chính người Ấn Độ nghe cũng không hiểu.

Trong số các thần chú có rất nhiều âm thanh quỷ thần, nếu quý vị niệm chú với âm thanh thật chính xác thì có thể triệu hồi được quỷ thần. Khi quý vị gọi thì họ đến, lại niệm một câu chú khác có thể mời họ đi, xô đuổi họ đi. Cho nên, thần chú có năng lực sai khiến quỷ thần, cũng có thể nói [thần chú] là những tín hiệu để ra lệnh cho quỷ thần. Nhưng quý vị phải phát âm thật chính xác. Nếu phát âm không chính xác thì quỷ thần nghe không hiểu được, họ sẽ không đến, như vậy không có tác dụng.

Cho nên việc phát âm cần hết sức chính xác. Nhưng để phát âm thật chính xác quả thực là điều rất khó, không dễ chút nào. Chỉ nói thôi thì rất đơn giản, nhưng thần chú tuy là phiên dịch theo đúng âm thanh gốc [của quỷ thần], nhất định phải có người trực tiếp truyền dạy. Không có người dạy, quý vị dựa theo chữ viết mà đọc thì sẽ không chính xác. Nếu không tin điều này, quý vị có thể thử lấy một đoạn tiếng Anh hoặc tiếng Nhật, rồi dùng chữ Trung Quốc để phiên âm ra. Sau đó, quý vị lại đọc theo đoạn chữ Trung Quốc [phiên âm] đó, như vậy có giống với âm thanh nguyên ngữ không? Quý vị dựa theo âm [của chữ Trung Quốc] mà đọc, chúng ta là người Trung Quốc, đọc âm [của chữ Trung Quốc] không sai, không một chữ nào bị phát âm sai, thế nhưng người Anh hay người Nhật nghe không thể hiểu được, không biết đoạn văn ấy nói gì. [Việc niệm] thần chú cũng giống như vậy.

Chúng ta hiện nay niệm chú [trong đạo Phật] là theo ý nghĩa để ghi nhớ. Chỉ đem hết tâm thành mà niệm, còn âm thanh không thể chính xác. Bởi vì sự truyền dạy của đức Phật Thích-ca Mâu-ni, theo ghi chép của Trung Quốc thì đến nay đã 3.010 năm. Điều này được ghi lại trong lịch sử Trung Quốc. Sự truyền thừa qua một thời gian quá lâu xa như vậy thì ngữ âm hẳn đã sớm biến đổi rồi, không còn chính xác nữa.

Cho nên nói về thần chú thì cách phát âm của tiếng Tây Tạng so ra chính xác hơn đôi chút, vì tiếng Tây Tạng là trực tiếp dùng tiếng Phạn biến đổi mà thành. Trong tiếng Tây Tạng có rất nhiều âm bảo lưu được âm gốc từ tiếng Phạn, nên so sánh thì chính xác hơn. Nhưng nếu nói hoàn toàn chính xác thì chúng ta không tin được. Ngữ âm Trung Quốc thời cổ hiện chỉ còn bảo lưu được đôi phần trong tiếng Quảng Đông, hoặc ngay cả trong tiếng Mân Nam [ở miền nam tỉnh Phúc Kiến], còn trên cả nước thì hầu như đã không còn nữa. Lấy ví dụ khi chúng ta niệm chữ “nam-mô”. Nam-mô là một âm thời cổ vốn là “nã-ma”, ngày nay chúng ta niệm là “nam-mô”, đã biến đổi khác biệt rất xa. Ngày nay chúng ta đọc chữ “nam”, chữ “mô”, căn cứ trên chữ viết thì hoàn toàn không sai, quý vị tra cứu trong từ điển cũng thấy rất chính xác, không sai. Thế nhưng người thời xưa nếu nghe như vậy thì không hiểu. Bởi vì ngữ âm thời đó so với chúng ta bây giờ có rất nhiều âm đã thay đổi.

Ví dụ như tên sách “Đại Học” trong bộ Tứ thư, khi tôi nói “Đại Học” thì quý vị đều nghe hiểu được. Thế nhưng trong ngữ âm cổ, chữ “đại” (大) không đọc là đại mà đọc là thái, còn chữ “học” (學) thì đọc là giáo, cho nên [đại học] đọc là thái giáo. Chúng ta hiện nay nếu nghe người xưa đọc là “thái giáo” thì không hiểu, trong khi ngày nay chúng ta đọc là “đại học” thì người thời xưa nếu nghe cũng không hiểu. Có thể thấy rằng, chữ viết dù không thay đổi, nhưng cách phát âm luôn thay đổi theo từng triều đại.

Cho nên, chúng ta ngày nay trì tụng thần chú chỉ hết lòng cung kính mà niệm, không nên có sự phân biệt, vận dụng việc [niệm chú] này để rèn luyện trí vô phân biệt thì đây là một công cụ rất tốt. Có nghĩa là quý vị không được phân biệt, không được bám chấp, cũng không cần phải hiểu được ý nghĩa thần chú, chỉ vận dụng [việc niệm chú] để rèn luyện căn bản trí. Đây là một công cụ rất tốt.

Hết thảy những âm thanh “tạp loại” đó, gọi chung là “thế âm”. Còn về phương pháp quán sát thì hôm qua đã nói rõ với quý vị rồi, ở đây không cần lặp lại nữa.

Câu kế tiếp là: “Năng và sở đều nêu lên, cảnh và trí cùng nói đến, cho nên gọi là Quán Thế Âm.” [Từ trước] đến đây là giải thích vì sao Bồ Tát có danh hiệu Quán Thế Âm, nói về nguyên do ý nghĩa của danh xưng này.

Phần tiếp theo giảng về “Phổ Môn phẩm”.

“Phổ nghĩa là cùng khắp”, tức là phổ biến, “công hạnh trùm pháp giới, tùy tâm lợi ích vật, ứng theo thể mà hiện khắp, cho nên gọi là phổ”. Công hạnh là nói sự nghiệp của Bồ Tát làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. Công hạnh tức là sự nghiệp. [Công hạnh đó] quả thật là quá phổ biến. Trong cùng tận hư không trùm khắp pháp giới, bất cứ nơi nào có chúng sinh là Bồ Tát đều hiện đến đó để phụng sự chúng sinh, giúp đỡ chúng sinh, thỏa mãn mọi nguyện vọng của chúng sinh, có sự cầu xin thì đều ứng nghiệm. Đó là ý nghĩa của chữ “phổ”.

“Tùy tâm ích vật”, ích là lợi ích, vật đây là nói hết thảy người và vật, bao gồm hết thảy chúng sinh hữu tình trong chín pháp giới. Nếu nói làm lợi ích cho người thì ý nghĩa không bao gồm chư thiên các cõi trời, cũng không bao gồm các cảnh giới ngạ quỷ, súc sinh. [Ở đây] nói một chữ “vật” (物) bao gồm được hết thảy, như khi chúng ta nói đến động vật, thực vật, khoáng vật, thì cũng đều được bao gồm trong chữ “vật”. Cho nên, phạm vi [đề cập] của chữ “vật” lớn hơn rất nhiều so với chữ “người”.

Ý nghĩa của hai chữ “tùy tâm” rất sâu xa, nhưng ở đây không thể nói sâu vào chi tiết. Nếu quý vị muốn hiểu rõ thì nên nghiên cứu kinh Lăng-nghiêm. [Nói rõ hơn là] tùy theo tâm [chúng sinh] mà có sự ứng hiện [phù hợp], làm lợi ích cho hết thảy chúng sinh.

“Xứng thể như chu”, thể là tánh pháp, chu là chu biến. Chỉ khi “xứng thể” (hợp với tánh pháp) rồi thì mới có thể “chu biến” (hiện khắp). Bốn chữ này chúng ta thật ra không dễ dàng nhận hiểu được, chúng ta chỉ có thể nói được một chút ý nghĩa cạn cợt, nếu quý vị vận dụng tâm bình đẳng thì cũng có thể chu biến, không có sự phân biệt. Nếu có sự phân biệt thì khi ta làm một việc tốt chỉ mang lại lợi ích cho một người nào đó, nếu không phân biệt thì một việc lành [có thể làm lợi ích] đến tận cùng hư không, trùm khắp pháp giới, cho nên gọi là “phổ”.

“Môn” được dùng với ý nghĩa thông đạt, [nên trong sách giải thích] là “môn thị thông nghĩa, xuất nhập vô ủng” (môn là ý nghĩa thông suốt, ra vào không tắc nghẽn); “pháp pháp toàn chương”, chương nghĩa là hiển lộ rõ ràng, không có gì ẩn giấu bên trong, tất cả đều hiển lộ ra bên ngoài sáng tỏ rõ ràng, “sự sự vô ngại”, mọi việc đều không ngăn ngại, cho nên gọi là “môn”.

“Bồ Tát này”, tức là đang nói đến Bồ Tát Quán Thế Âm, “sức thần thông không thể nghĩ bàn, soi chiếu khắp cùng pháp giới”, là nói trí tuệ của ngài, tâm thanh tịnh của ngài, có thể đem toàn cõi pháp giới soi chiếu vào trong tâm thanh tịnh, giống như một tấm gương sáng phản chiếu tất cả, không có gì không soi chiếu.

“Muôn hình tượng trôi chảy chuyển động”, là nói đến muôn hình vạn tượng dày đặc trong pháp giới, cũng tức là y báo và chánh báo trang nghiêm của mười pháp giới, nói “trôi chảy chuyển động” là chỉ cho hiện tượng không ngừng sinh diệt của hết thảy các pháp.

“Âm thanh khác nhau, các loài khác nhau”, là như phần trước đã giảng về bốn tổng loại âm thanh khác nhau, mỗi loại đều có sự khác biệt.

Bồ Tát Quán Thế Âm có thể “thị hiện thân hình sắc ở khắp nơi, tùy căn cơ [chúng sinh] mà thuyết pháp, công hạnh nhiệm mầu ứng hiện trọn vẹn”. [Ở đây nói “viên ứng”], viên là viên mãn, ứng là khi chúng sinh có sự chiêu cảm thì Bồ Tát liền ứng hiện, đáp ứng, có sự cảm ứng đạo giao giữa hai bên, “không có gì chướng ngại, cho nên gọi tên [phẩm kinh này] là Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm.

Như trên là giới thiệu ngắn gọn về tiêu đề của phẩm kinh này.

Bên dưới trong phần chú giải có một đoạn giải thích chữ “lai ý” (來意), ý nghĩa chỗ này là “ý tứ” (意思), do bị viết sai, quý vị nên sửa lại cho đúng.

Đoạn văn nói về “lai ý” này cũng là đoạn văn ngay theo sau, tôi đã có đưa vào phần tiết mục, chúng ta đọc qua đoạn văn này thì sẽ thấy rõ ràng ý nghĩa.

“Lại có [Bồ Tát] Diệu Âm hiện hình thuyết pháp”, Diệu Âm tức là trong phẩm “Diệu Âm Bồ Tát”, [thứ 24,] ngay trước phẩm này. Bồ Tát Diệu Âm với Bồ Tát Quán Thế Âm có mối quan hệ hết sức thân thiết, giống như anh chị em trong một nhà, bởi vì hai vị cùng tu tập một pháp môn. Bồ Tát Diệu Âm cũng hiện thân thuyết pháp khắp nơi, “cứu giúp chúng sinh khổ nạn, cùng với Bồ Tát Quán Âm không khác biệt”. Nếu quý vị đem phẩm Diệu Âm Bồ Tát (thứ 24) so sánh đối chiếu với phẩm Phổ Môn (thứ 25) này, thì quý vị sẽ hiểu rõ, [hai phẩm kinh này] giống nhau về đại thể, chỉ có những khác biệt nhỏ.

Khác biệt ở chỗ nào? [Trong sách nói: “Chỉ là rộng nhưng chưa khắp, nhiệm mầu mà chưa trọn vẹn.” Nói cách khác, Bồ Tát Diệu Âm cứu độ hết thảy chúng sinh, nhưng phạm vi còn nhỏ, chưa rộng khắp. Trong thực tế, Bồ Tát Quán Thế Âm chính là từ nơi Bồ Tát Diệu Âm mà phát huy lớn rộng, rộng khắp cả pháp giới.

Cho nên trong kệ xưng tán Phật đều dùng “Diệu Âm Quán Thế Âm”, tức là hợp cả hai danh hiệu lại để cùng xưng tán.

“Bồ Tát Quán Thế Âm cũng không xa rời công hạnh này.” Hành môn của Bồ Tát Quán Thế Âm so với Bồ Tát Diệu Âm cũng đều như nhau, nhưng phạm vi rộng lớn hơn, “nên có thể ứng hiện đầy khắp đại thiên”, đại thiên tức là đại thiên thế giới.

“Không có hình tướng đến đi, gọi là hành nghiệp tự tại, thị hiện rộng khắp, nên tiến xa hơn Bồ Tát Diệu Âm.” Tiến là bước tiến, nghĩa là [Bồ Tát Quán Thế Âm] tiến xa hơn một bước, dùng pháp môn tu hành như Bồ Tát Diệu Âm nhưng phát huy lớn rộng, trải khắp pháp giới, rộng làm lợi ích chúng sinh.

“Thật ra hai vị thánh này cùng chung một đường,” hai vị thánh tức là nói Bồ Tát Diệu Âm và Bồ Tát Quán Thế Âm. Hai vị Bồ Tát này cùng tu tập một pháp môn, cùng đi chung trên một con đường, “tương vi chung thủy” (khai mở và phát triển cho nhau), Bồ Tát Diệu Âm là người khai mở (thủy), Bồ Tát Quán Thế Âm là người phát huy lớn rộng, đạt đến mức cùng cực, tức là đến mức cuối cùng không còn gì hơn được nữa (chung).

“Nên bài kệ sau đó xưng tán”, [đây là nói câu] mở đầu bài kệ, nói tiếp việc xưng tán “công đức Bồ Tát Quán Thế Âm, nhưng kết hợp nói cả về Bồ Tát Diệu Âm, nên biết rằng cả hai vị thánh cùng một con đường, tức là công hạnh Diệu Âm mà thi triển rộng thành Phổ Môn”, Bồ Tát Quán Thế Âm dựa trên công hạnh của Bồ Tát Diệu Âm mà phát huy lớn rộng, thành pháp môn thông suốt rộng khắp (phổ môn), “thị tri tương vi chung thủy” (nên biết rằng [hai vị] khai mở và phát triển cho nhau). Chữ chung thủy đem so với thủy chung thì ý nghĩa dài rộng hơn nhiều. Khi nói “thủy chung” tức là từ mở đầu cho đến cuối cùng, đến đó xem như kết thúc, nhưng nói “chung thủy” thì vĩnh viễn không có điểm kết thúc. Ví dụ như nói năm bảy mươi hai tuổi đã hết (chung), thì [có nghĩa là] ngày hôm sau bắt đầu (thủy) năm bảy mươi ba tuổi. Cho nên, “chung thủy” là tướng tương tục, nối tiếp không dứt, còn “thủy chung” là tướng đoạn diệt, kết thúc, ý nghĩa không giống nhau.

“Muốn hiểu rõ pháp môn [Diệu Âm ở] trước thì phải kết hợp tu cả hai công hạnh.” Điều này chính là dạy cho chúng ta, muốn học được [pháp môn] ứng hiện tròn đầy rộng khắp của Bồ tát Quán Thế Âm thì phải bắt đầu công phu từ [pháp môn của] Bồ Tát Diệu Âm. Vì sao vậy? [Trong sách nói:] “Tùng diệu nhi phổ, hữu thủy hữu chung, nhiên hậu viên bị, cố kế diệu âm nhi thuyết phổ môn yên.” (Từ chỗ nhiệm mầu đi đến rộng khắp, có khởi đầu, có chung cuộc, sau đó mới trọn vẹn đầy đủ, cho nên vì tiếp nối Diệu Âm mà giảng thuyết Phổ Môn.)

Phẩm Phổ Môn chính là được thuyết ra như vậy, từ nơi [pháp môn] Diệu Âm mà phát huy lớn rộng mới thuyết ra phẩm Phổ Môn. Ý nghĩa nguyên do này cũng là làm rõ ý nghĩa nguyên do của trọn phẩm kinh.

Bên dưới có hai đoạn văn, quý vị xem trong phần chú giải, đoạn đầu tiên là giới thiệu sơ lược nội dung phẩm kinh này.

Nói về Bồ tát Quán Thế Âm có ba bộ kinh, trong ba bộ kinh đó có phần nói về Bồ Tát chứ không phải những bộ kinh riêng biệt nói về ngài. Phần thứ nhất nằm trong kinh Hoa Nghiêm, quý vị có thể tìm đọc được trong sách Hoa Nghiêm soát độc. Phần này là một chương nằm trong phẩm Nhập Pháp Giới, nói về việc Đồng tử Thiện Tài đến tham vấn Bồ Tát Quán Thế Âm.

Bồ Tát Quán Thế Âm là tiêu biểu cho vị Bồ Tát hồi hướng thứ bảy. Chương kinh này trước đây tôi cũng đã từng giảng giải.

Phần thứ nằm trong kinh Lăng Nghiêm. Chúng ta theo thứ tự mà Đức Phật đã thuyết giảng các bộ kinh. Sau khi đức Phật Thích-ca Mâu-ni thành đạo thì trước tiên ngài thuyết giảng kinh Hoa Nghiêm. Sau kinh Hoa Nghiêm là các kinh thuộc bộ A-hàm. Sau A-hàm là các kinh Phương đẳng. Kinh Lăng nghiêm thuộc về kinh Phương đẳng, được thuyết giảng trước kinh Pháp Hoa. Cho nên tôi đề cập đến phần thứ hai nói về Bồ Tát Quán Thế Âm là nằm trong quyển thứ sáu của Kinh Lăng Nghiêm, chương Bồ Tát Quán Thế Âm nhĩ căn viên thông. Phần thứ ba nói về Bồ Tát Quán Thế Âm là trong kinh Pháp Hoa, đó là phẩm Phổ Môn.

Hai phần nằm trong hai kinh trước là nói về quá trình tu tập của Bồ Tát, phương thức mà ngài tu tập để đạt được thành tựu tự thân. Đặc biệt, trong kinh Hoa Nghiêm gọi tên ngài là Quán Tự Tại, chính là nhấn mạnh đến sự thành tựu của bản thân. Danh xưng Quán Thế Âm thì nhấn mạnh đến phương diện làm lợi ích cho chúng sinh. Theo ý nghĩa “tự thọ dụng” thì gọi là Tự Tại, theo ý nghĩa “tha thọ dụng” thì gọi là “Quán Âm”, là nghĩa đại từ bi đại bi.

Cho nên trong phẩm Phổ môn không đề cập đến quá trình tu tập mà ngài đã tự thân trải qua, hoàn toàn chỉ nói đến những công hạnh làm lợi ích chúng sinh của Bồ Tát. Nội dung phẩm kinh này hoàn toàn chỉ nói đến sự ứng hiện rộng khắp của ngài trong thế giới đại thiên, đem tất cả những khổ nạn của chúng sinh phân chia khái quát thành mười loại lớn, dựa theo trong kinh Hoa Nghiêm mà dùng số mười, đó là có ý nghĩa biểu thị. Hết thảy tai nạn của chúng sinh đến từ bên ngoài có bảy loại lớn, nên nói “miễn thất nạn” (tránh được bảy nạn), trong khi những khổ nạn nội tâm chính là phiền não thì có ba loại lớn: tham, sân và si. Cho nên nói “miễn thất nạn, ly tam độc” (tránh bảy nạn, lìa ba độc).

Hết thảy chúng sinh đều vẫn còn nhiều tham muốn, khổ não vì cầu mong không được thỏa mãn, nên Bồ Tát Quán Thế Âm mới “ứng nhị cầu”. Nói về hai điều cầu mong, trong thực tế bất kể quý vị có mong cầu gì cũng không vượt ra ngoài “hai điều mong cầu” đó, không nhất thiết chỉ là hai điều mong cầu ghi trong phẩm kinh Phổ môn này là cầu sinh con trai, con gái. Chẳng qua vào thời đại đức Phật thuyết giảng kinh thì người đời xem trọng nhất là có con nối dõi, ai ai cũng mong cầu có con trai ngoan, con gái đẹp. Cho nên nếu những điều này mà cầu được thì những điều khác đương nhiên không thành vấn đề. Cho nên trong tất cả những chuyện mong cầu thì chỉ nêu lên việc quan trọng nhất, những điều ít quan trọng hơn thì đương nhiên được bao gồm trong đó.

[Tránh được bảy nạn, lìa được ba độc, thỏa mãn được hai điều mong cầu, cả thảy là 12 điều.] 12 điều đó tương ứng với 12 đại nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm, cũng giống như 48 đại nguyện của Phật A-di-đà tiếp dẫn chúng sinh. Bồ Tát Quán Thế Âm dùng 12 đại nguyện để cứu khổ cứu nạn, rộng độ chúng sinh, lưu truyền giáo pháp nhiệm mầu. Giáo pháp nhiệm mầu chính là “diệu pháp” trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Cho nên phẩm kinh này thuộc phần Lưu thông trong kinh Pháp Hoa, không xếp vào phần Chánh tông.

Tiếp theo bên dưới nói “khuyến phát”, nghĩa là khuyên mọi người phát tâm. Vậy nên phát tâm như thế nào? Phần tiếp theo đề cập đến năm điều, cả năm điều này đều nằm trong kinh Pháp Hoa, cũng đều được xếp trong phần Lưu thông.

[Điều thứ nhất] “vị pháp”, là nói vì cầu pháp, “nên như Bồ Tát Dược Vương khổ hạnh phân thân”. Dược Vương Bồ Tát là phẩm kinh nằm ngay trước phẩm Diệu Âm Bồ Tát.

Từ xưa đến nay, hết thảy chư Phật, Bồ Tát, các bậc tổ sư, đại đức, không một vị nào là không vì pháp quên thân, sẵn sàng hy sinh bản thân mình vì đạo pháp.

Đại sư Huyền Trang năm xưa đến Ấn Độ cầu pháp, nếu vẫn quan tâm đến tính mạng và sự an toàn của bản thân, không chịu hy sinh sự hưởng thụ của mình, thì làm sao có thể chịu đựng được gian khổ như thế? Đó là một chuyến đi bằng đường bộ. Từ Trung Quốc đến Ấn Độ phải đi mất ba năm, không phải là một quãng đường ngắn, phải băng qua sa mạc rộng lớn, phải xuyên qua rừng rậm, rồi là núi cao, cao hơn gấp nhiều lần so với núi Alishan [ở Đài Loan] của chúng ta. Trong Thế chiến thứ hai, máy bay không thể bay qua núi ấy mà phải bay vòng để tránh, như vậy quý vị thử nói xem là cao đến mức nào! Cho nên những người ở Trung Quốc phát tâm đi sang Ấn Độ thỉnh kinh Phật, trăm người đi chỉ có khoảng mười mấy người về được, còn lại đều gặp nạn mà chết trên đường. Những người đi ấy cũng đều biết rõ sự nguy hiểm như thế, nhưng vẫn phát tâm đi, hy sinh vì cầu pháp.

Cũng giống như các vị Bồ Tát [tiền thân] được kể lại trong kinh Bản sanh. Không cần nói nhiều, cứ tự hỏi xem chúng ta có được tinh thần như vậy hay không? Nếu chỉ khó khăn một chút đã không chịu được thì làm sao mà làm, làm sao được thành tựu? Quý vị phải biết rằng người xưa cầu pháp khó khăn như thế nào, đức Phật Thích-ca Mâu-ni vì cầu nửa bài kệ mà phải xả bỏ thân mạng. Chuyện này quý vị đều biết rõ. Chúng ta ngày nay đối với pháp khí, kinh điển chà đạp không quý tiếc, thật là sai lầm! Cho dù việc in ấn ngày nay rất phát triển, nhưng vì sao chúng ta phải tôn trọng kinh điển? Bởi vì thời xưa cổ nhân cầu thỉnh về được không dễ dàng. Ngày nay chúng ta có được rất dễ dàng nhưng vẫn phải tôn trọng, phải nhớ nghĩ đến sự khó khăn của người xưa trong việc cầu pháp.

[Để có được] kinh Lăng-nghiêm, ngài Bát-lạt-mật-đế đã phải rạch thịt nơi cánh tay mình giấu kinh vào trong rồi may lại, mới có thể mang đến [Trung Quốc]. Bởi vì thời đó quân canh biên phòng không cho phép đưa kinh này ra khỏi nước, xem đó là quốc bảo, cấm không được mang sang nước khác. Ngài phải bí mật dùng phương thức như vậy để mang kinh đến Trung Quốc. Quý vị thử nói xem, khổ nhọc biết dường nào! Ngày nay chúng ta cầm đến quyển kinh, làm sao có thể không trân trọng! Đó gọi là vì pháp, tức là vì cầu pháp.

[Điều thứ hai] là “việc hoằng pháp nên giống như Diệu Âm, Quán Âm, ứng hiện đầy đủ khắp mọi nơi”. Chỉ có việc hoằng pháp mới có thể báo đáp ân đức của Phật. Hoằng pháp phải trên tinh thần giống như Bồ Tát Quán Thế Âm, trên tinh thần như Bồ Tát Diệu Âm, giảng dạy không phân biệt. Cho nên nói rằng, chúng sinh “có cảm lập tức có ứng”, cảm ứng giao hòa trong mối đạo, tuyệt đối không có sự phân biệt hai bên. Không hề phân biệt đây là người Trung Quốc, tôi sẽ giảng nhiều hơn, kia là người ngoại quốc, tôi sẽ giảng ít hơn. Như thế thì không phải là [tinh thần của] Bồ Tát Quán Thế Âm, cũng không phải [tinh thần của] Bồ Tát Diệu Âm. Phải đem hết những gì mình hiểu biết ra giảng giải, làm lợi ích chúng sinh, giúp đỡ người khác, giúp đỡ mà không có bất kỳ điều kiện nào.

Nếu như giảng kinh thuyết pháp mà đòi hỏi điều kiện, quý vị thỉnh tôi thuyết pháp một lần thì phải cúng dường tôi một số tiền, như vậy là thương lượng mua bán trao đổi, gọi là “buôn bán Phật”, mang giáo pháp của Phật ra làm vật mua bán, đó là tội lỗi phải vào địa ngục A-tỳ.

Cho nên trong tương lai nếu quý vị có phát tâm làm pháp sư để hoằng pháp, lợi lạc cho đời, thì phải biết rằng nếu làm không đúng sẽ phải chịu quả báo ở địa ngục A-tỳ, kẻo có khi vào đó rồi mà vẫn chưa biết tại sao. [Lại tự nghĩ] tôi một đời hoằng pháp lợi sinh, làm nhiều việc tốt đẹp, tại sao tôi phải vào địa ngục? Đó là vì quý vị hoằng pháp lợi sinh nhưng thật ra lại là buôn bán Phật pháp. Phật pháp cần phải được rộng truyền, làm sao có thể mang ra mua bán như hàng hóa?

Đặc biệt với những bản kinh đã in hiện nay, quý vị nhìn vào trang bản quyền sẽ thấy ghi, “Bản quyền được bảo vệ, sao chép in lại là phạm pháp”, mấy chữ này là đủ để đưa vào địa ngục A-tỳ rồi, lấy kinh bảo đảm cho việc vào địa ngục A-tỳ, đây là báo trước việc vào địa ngục.

Phật pháp phải lưu hành rộng, phải hoan nghênh việc in ấn lại, in ra càng nhiều càng tốt, sao có thể nói là không được phép in lại? Ví như quý vị là pháp sư, tự trước tác ra, chú thích, chú giải kinh điển, thì sau đó cũng nên lưu hành rộng, phải hoan nghênh việc [người khác] in ấn lại. Quý vị tự mình chú thích [kinh điển], không cho phép tự do lưu hành, nói rằng “giữ bản quyền, không được phép in lại”, như vậy là buôn bán Phật pháp, cho dù chú thích của quý vị có hay đến đâu thì đó vẫn là tạo nhân để vào địa ngục A-tỳ.

Khi tôi đi giảng kinh, cũng có nhiều nơi không hoan nghênh. Vì sao vậy? Vì nghe tôi nói giống như đang quở trách họ, dù rằng tôi chỉ nói lời chân thật. Lẽ ra họ nên thấu hiểu viết, xé bỏ trang bản quyền đi, in vào dòng chữ “hoan nghênh việc tái bản” thì sẽ được công đức vô lượng. Khi thấy việc [giữ bản quyền là] tạo nghiệp như vậy, tôi cố khuyên can thì họ cho rằng tôi sách nhiễu, tôi nhiều chuyện. Họ nói rằng nếu không bán sách thì làm sao có tiền để tái bản? Tiền in kinh sẽ có mọi người đóng góp, không cần phải bán. Chúng sinh có phước báo thì chư Phật và Bồ Tát tự nhiên cảm ứng, cần gì phải làm như thế? Bồ Tát Quán Thế Âm cứu khổ cứu nạn đâu có thương lượng điều kiện với ta? Nhưng chúng sinh đều lấy tâm phàm phu mong cầu Bồ Tát Quán Thế Âm giúp đỡ thì phát nguyện với Bồ Tát thế này thế khác, tương lai nhất định sẽ làm, đó là đặt điều kiện: “Bồ Tát Quán Thế Âm, xin phù hộ cho con, con được giàu có rồi sẽ cúng dường Bồ Tát.” Nếu Bồ Tát Quán Thế Âm đã có khả năng giúp quý vị làm giàu thì cần chi phải đợi quý vị cúng dường? Bồ Tát giúp cho quý vị phát tài được một triệu, quý vị cúng dường lại một trăm ngàn, thế thì Bồ Tát Quán Thế Âm lỗ vốn nặng, có lý nào lại như vậy? Đây đều là đem tâm phàm phu để đo lường tâm lượng Bồ Tát, hết sức sai lầm! Chư Phật, Bồ Tát cứu giúp chúng sinh hoàn toàn không có điều kiện.

Cho nên việc hoằng pháp phải giống như Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Diệu Âm. Các ngài là những khuôn mẫu để noi theo.

[Điều thứ ba] là “hộ pháp nên giống như thần chú hàng phục yêu ma.” Ngay tiếp theo sau phẩm Phổ Môn là phẩm Đà-la-ni (thần chú). Thần chú, như tôi đã có giảng với quý vị rồi, đó là gọi quỷ thần đến để bảo vệ Phật pháp, hàng phục yêu ma. Nhưng năng lực hàng phục yêu ma, giao tiếp với quỷ thần chỉ là một khía cạnh của thần chú, còn một khía cạnh quan trọng hơn là hàng phục yêu ma trong tâm của chính mình. Quý vị nên biết rằng, những yêu ma làm hại quý vị cũng giống như đối với một đất nước, có kẻ thù từ bên ngoài tấn công thì nhất định trong nước cũng có những kẻ phản bội, làm gián điệp, làm tình báo, trong ngoài cấu kết với nhau thì chúng mới dám ra tay. Nếu như người trong nước đoàn kết một lòng, bọn yêu ma bên ngoài dù có mạnh đến đâu cũng không dám xâm phạm quý vị.

Yêu ma bên ngoài là những gì? Quý vị hãy xem trong kinh Bát đại nhân giác, có giảng về bốn loại ma, trong đó chỉ có một loại ma bên ngoài là thiên ma, còn lại đều là bọn nội ứng trong tâm thật đáng sợ. Ma nội ứng có ba loại lớn, đó là ma năm ấm, ma phiền não và ma sinh tử. Một khi bọn ma bên trong với bên ngoài cấu kết nhau, thế lực của chúng sẽ mạnh mẽ hơn, quý vị sẽ gặp vô số tai họa khôn lường. Không có ma trong tâm, thiên ma ngoại đạo bên ngoài không thể làm gì được quý vị. Khi trong tâm quý vị không có ma, bọn ma bên ngoài sẽ rất kinh sợ, sẽ thấy quý vị thật là bậc chính nhân quân tử, chẳng những không dám xem thường quý vị mà ngược lại còn kính phục, sẽ phát tâm theo bảo vệ quý vị. Nếu như quý vị thay đổi tâm ý, trở thành giống như ma, bọn ma sẽ khinh thường quý vị. Bản chất của bọn yêu ma là như vậy. Cho nên, khi việc làm của quý vị là chân chánh, quý vị không cần quan tâm đến yêu ma, tự nhiên bọn chúng sẽ kính trọng, sẽ đi theo bảo vệ quý vị. Còn như quý vị ngày ngày theo cầu khẩn, cúng bái bọn ma, chúng sẽ nhìn quý vị như người đáng thương hại, có thể xem thường, ức hiếp quý vị. Nói cách khác, trước sau quý vị đều luôn bị bọn ma khống chế, không cách gì thoát khỏi được.

Cho nên Phật dạy: “Có thể làm việc của thế gian nhưng không được theo ý của thế gian.” Hai câu này nằm trong kinh “A-nan vấn sự Phật cát hung”, quý vị đều đã đọc qua, hết sức quan trọng. Thế nào là ý của thế gian? Đó là cùng với ma quỷ giao tiếp, chẳng hạn như đoán vận mệnh, xem tướng, xem phong thủy, giao tiếp với những quỷ thần như vậy, cầu khẩn quỷ thần ban phúc cho, phù hộ cho. Đó chính là trói buộc quan hệ với ma quỷ, cũng giống như người ta tạo ra mối quan hệ móc ngoặc với bọn đầu đảng trong xã hội đen. Quan hệ móc ngoặc ấy cũng có được chút lợi thế, bọn chúng có thế lực để nâng đỡ quý vị, nhưng quý vị phải chịu sự khống chế của chúng trọn đời, chỗ được không bằng chỗ mất.

Việc của thế gian thì chúng ta có thể làm tất cả. Việc gì thấy thích đều có thể làm, tự mình cảm thấy làm điều gì thoải mái thì cứ làm, việc gì phải hỏi quỷ thần, phải cầu ma quỷ? Không cần như vậy. Khi quý vị phát tâm Bồ-đề, thực hành Bồ Tát đạo, quỷ thần gặp quý vị sẽ phải quỳ mọp sát đất, đảnh lễ cung kính. Quý vị là bậc thánh, là đệ tử của đức Phật, họ sao có thể không tôn trọng quý vị? Ngược lại nếu quý vị cung kính sợ sệt họ, họ sẽ khinh thường quý vị. Cho dù quý vị là đệ tử Phật nhưng họ biết đó chỉ là hư danh, là quý vị mạo nhận chứ không chân chánh là đệ tử Phật, nên quỷ thần càng khinh thường quý vị. Quý vị cần phải hiểu rõ ý nghĩa đó.

Cho nên, muốn dùng thần chú để hàng phục yêu ma thì trước hết phải hàng phục ma phiền não trong tâm của chính mình, khi ấy quỷ thần bên ngoài tự nhiên không dám xâm phạm. Đây chính là hộ pháp. Trước đây trên giảng đường tôi vẫn thường giảng rằng, người hộ pháp thì trước hết là hộ pháp của chính mình. Muốn hộ pháp của chính mình thì trước hết phải gìn giữ tâm Bồ-đề của mình, không được quên mất tâm Bồ-đề của mình, giữ gìn tâm thanh tịnh của chính mình. Phải bắt đầu từ chỗ đó mà khởi làm.

Nói về thần chú thì niệm một câu “Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát” là thần chú, niệm một câu “Nam-mô A-di-đà Phật” cũng là thần chú, không cần phải dùng đến thần chú nào khác. Niệm càng nhiều chỉ càng khiến cho quý vị loạn tâm mà thôi. Thần chú này linh nghiệm, thần chú kia không linh nghiệm, khởi tâm phân biệt như vậy rồi thì không thần chú nào linh nghiệm cả. Vì sao vậy? Vì tâm quý vị không thanh tịnh. Nói “bảo vệ” tức là bảo vệ tâm thanh tịnh của chính mình. Loại thần chú nào làm cho tâm thanh tịnh thì thần chú đó sẽ linh nghiệm. Dùng đến hai loại, ba loại... tâm thanh tịnh liền rối loạn thì những thần chú ấy không linh nghiệm nữa, chẳng có câu nào linh nghiệm cả.

Cho nên quý vị phải biết rằng, một câu thì linh nghiệm, hai câu không còn linh nghiệm. Dù học thần chú nào, càng đơn giản càng tốt, mới có sự linh nghiệm. Càng nhiều càng phân tâm, trong số nhiều làm sao khỏi khởi tâm phân biệt bám chấp, hủy hoại tâm thanh tịnh của chính mình, cho nên thần chú sẽ không còn tác dụng.

[Điều thứ tư] là “tu hành nên như Nghiêm Vương chuyển hóa tà ác”, đó là nói phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương [ngay sau phẩm Đà-la-ni], đều có đủ trong bộ sách của chúng ta. Như tôi đã nói, năm điều đề cập ở đây đều có trong quyển hạ, trong một quyển sách này. Vị Bồ Tát [Diệu Trang Nghiêm Vương] này là mẫu mực tu hành. Trong việc tu hành điểm nào trọng yếu nhất? Chính là chuyển hóa tà kiến thành chánh kiến, chuyển hạnh xấu ác thành hiền thiện. Nói cách khác, Diệu Trang Nghiêm Vương tức là dũng mãnh sửa đổi sai lầm, tự hoàn thiện mình. Chuyển hóa tà ác, nói theo cách ngày nay là sửa lỗi làm mới, hoàn thiện chính mình. Biết mình có lỗi thì lập tức sửa ngay, chúng ta tu hành cũng phải noi theo giống như ngài. Chúng tu hành sở dĩ không thể thành tựu đều là vì tuy biết rõ mình có rất nhiều thói hư tật xấu nhưng lại không thể sửa chữa. Ví dụ như thói xấu lớn nhất là tâm tham lam, đối với danh lợi, năm thứ dục lạc trong sáu trần cảnh đều không buông bỏ được. Dù biết rõ ràng là cần phải buông bỏ, nhưng lại không buông bỏ được, không sửa lỗi được.

Còn thói xấu nào khác nữa không? Như là buông thả, lười nhác, chúng ta đều biết rằng nên chuyên cần tinh tấn, nhưng rồi ngày ngày cứ thích buông xuôi lười nhác. Như vậy thì không thể thành tựu. Nhất định phải tự biết lỗi lầm của mình, phải tìm phương cách sửa đổi. Nếu không sửa được thì nhất định suốt đời không thể thành tựu.

Thói hư tật xấu nào của chúng ta là nghiêm trọng nhất thì trước hết phải bắt đầu từ đó. Bởi vì thói xấu nghiêm trọng nhất mà có thể sửa được thì những việc khác nhỏ nhặt hơn sẽ có thể sửa đổi dễ dàng.

Trong quá khứ, khi tôi mới bắt đầu học Phật, tôi tự biết tật xấu lớn nhất của tôi là buông thả, lười nhác. Tự mình biết rõ, nhưng không dễ sửa đổi. Dù có người khác khuyên bảo, có noi theo người khác nhưng vẫn không hiệu quả. Cuối cùng tôi phải dùng cách nào? Tôi dùng việc giảng kinh để sửa đổi được thói xấu này. Khi tôi mới bắt đầu học giảng kinh, để giảng trong một giờ phải chuẩn bị trước khoảng 20 giờ. Mỗi tuần chỉ giảng một lần thì tôi phải dành ít nhất hơn 20 giờ cho việc chuẩn bị. Nếu không có sự chuẩn bị đầy đủ thì lên bục giảng rồi không thể đi xuống.

Cho nên, khi có một vị thầy đốc thúc, tôi vẫn cứ lười nhác, nhưng một khi lên bục giảng thì bao nhiêu là bậc thầy, có đến mấy trăm cặp mắt cùng chú ý nhìn vào, tôi không cách gì có thể lười nhác được nữa. Quả là biện pháp hay! Cho nên có người nói, sao thầy thích giảng kinh thế? Tôi nào có thích đâu? Chỉ là để sửa đổi tật xấu thôi. Tôi nói, tôi lên bục giảng mà làm học sinh thôi. Bên dưới bục giảng đều là các bậc thầy, đều là các vị giám học, người nào cũng đến để đốc thúc tôi, ngày nào cũng ngồi đó lắng nghe xem tôi có tiến bộ không. Tôi có giảng kinh đâu? Đó là tôi lên bục giảng để báo cáo, báo cáo với các bậc thầy. Tôi dùng phương pháp này để đối trị tật xấu của mình. Cho nên quý vị phải tự mình suy nghĩ tìm cách đối trị. Nếu quý vị không nghiêm túc suy nghĩ tìm phương cách tốt để đối trị, cứ tiếp tục lười nhác như vậy, thì tương lai về sau sẽ không có việc gì thành tựu cả.

Vấn đề của mỗi người đều khác nhau, không thể có một phương pháp để áp dụng cho tất cả mọi người, điều đó là không thể. Hơn nữa, vấn đề phát sinh trong mỗi thời kỳ cũng khác nhau, vài năm nay quý vị có tật xấu này, vài ba năm trước lại có tật xấu khác, không giống nhau và cũng sẽ thay đổi. Nên phương pháp đối trị cũng phải thường xuyên thay đổi. Giống như bệnh tật vậy, năm trước có bệnh một lần, năm nay lại có bệnh, nhưng bệnh không giống nhau, nếu chỉ dùng cùng một loại thuốc thì có thể hại chết người. Toa thuốc phải tùy lúc mà điều chỉnh, loại thuốc phải thường xuyên thay đổi, như vậy mới có thể chữa khỏi bệnh.

Tu hành chính là trị bệnh, hành vi của chúng ta có phát sinh tật xấu gì thì phải sửa đổi, phải làm cho trở nên đúng đắn. Cho nên nguyên tắc chung là sửa đổi sai lầm, hoàn thiện chính mình. Ví như nói, tất cả chúng ta đều biết rằng tu hành phải bắt đầu từ việc nghiêm giữ giới luật, từ đó mà điều chỉnh hành vi, ý nghĩ của thân tâm. Thế nhưng quý vị hãy xem các bản ghi lỗi, từ mấy năm nay chúng ta đã in ra bao nhiêu vạn bản, tính chung phải đến mấy chục vạn bản rồi, liệu có bao nhiêu người làm theo được? Có người nhận được bản ghi lỗi ấy rồi, rất quyết tâm làm, làm được hai ngày, ba ngày rồi thôi, sau đó lại buông thả, không làm nữa.

Sách Tự tri lục của Đại sư Liên Trì là một “bản ghi lỗi” của người xuất gia. Đại sư Liên Trì ở cương vị một bậc Tổ sư nhưng suốt một đời vẫn thực hành y theo đó. Chúng ta ngày nay thực sự xấu hổ khi mở sách này ra xem và rất muốn làm theo như vậy, chúng ta làm theo được một ngày, đến ngày thứ hai đã quên mất, từ ngày thứ ba trở đi thì quên hẳn luôn chẳng nhớ gì đến nữa. Ngài có thể trở thành một bậc Tổ sư, chúng ta làm sao có thể trở thành Tổ sư? Chỉ một điểm này đã không được như ngài, còn nói gì đến những điều khác? Ghi chép việc mỗi ngày, ghi được ba ngày, đến hôm nay bận quá nên thôi, hôm nay không cần ghi. Ngày mai, lại quên thêm một ngày nữa, thôi cứ quên đi, không cần ghi nữa. Không có tâm kiên trì, không theo đuổi dài lâu thì làm sao làm được? Làm sao có thể thành tựu? Cho nên nói: “Kiên trì là nền tảng của thành công.” Không có tâm kiên trì là một căn bệnh nghiêm trọng, cần phải sửa đổi. Chúng ta phải có sự kiên trì, phải nhẫn nại, phải theo đuổi lâu dài. Đó là điều chúng ta phải học theo Bồ Tát Diệu Trang Nghiêm Vương trong sự tu tập.

[Điều thứ năm] là “khuyên phát tâm phải giống như yêu cầu của ngài Phổ Hiền”. Khuyên phát tâm nghĩa là khuyên hết thảy chúng sinh phát tâm. Việc này phải học theo ngài Phổ Hiền.

Ngài Phổ Hiền khuyên chúng ta những gì? Trong kinh văn có bốn điều, thứ nhất là “chư Phật hộ niệm”. Quý vị không phát tâm thì thôi, nếu đã phát tâm chắc chắn được chư Phật hộ niệm. Quý vị không nên sợ sệt, không nên nghi hoặc. Nói chung đa số người tu hành học Phật, hoặc là có lòng nghi, hoặc là có tâm sợ sệt, nên không có cách nào tinh tấn được.

[Họ thường] nghi điều gì? Nghi lời Phật dạy không biết có thật đáng tin chăng? [Phật dạy] tôi không đừng mong cầu bất cứ điều gì, buông bỏ tất cả, ngày mai tôi không có cơm ăn thì biết làm sao? Ngày mai biết có ai đến cúng dường tôi không? Có ai cho tôi món gì để ăn không? Quý vị còn hoài nghi như vậy cho nên không tin Phật. Không tin Phật thì phải làm sao? Thì phải quay sang cầu người giúp đỡ.

Điều thứ hai là tâm sợ sệt. Vì có nghi ngờ nên tâm sợ sệt, cho nên [nghĩ rằng] phải dành dụm một ít tiền, phải xây dựng được một ngôi chùa nho nhỏ, phải chuẩn bị cho tuổi già sau này. Cứ làm như thời gian ở thế giới Ta-bà này hãy còn lâu lắm, không nghĩ đến chuyện rời đi. Đã niệm một câu A-di-đà Phật cầu được vãng sanh thế giới Cực Lạc càng sớm càng tốt, nhưng bên cạnh đó lại còn lo toan chuẩn bị rất, rất nhiều việc, chuẩn bị như vậy cho mấy chục năm, mấy trăm năm, mấy ngàn năm sắp tới. Quý vị thấy đó, như vậy là nói một đường làm một nẻo, trong tâm mong cầu so với hành vi bên ngoài hoàn toàn khác biệt, làm sao có thể thành tựu?

Thuở xưa, người xuất gia chỉ có ba tấm y, một bình bát, mỗi ngày ôm bát đi khất thực, cũng có khi khất thực không được gì. Dù khất thực không được gì để ăn cũng không oán trời trách người, lúc đó chỉ quay về niệm Phật suốt ngày hôm đó, hôm sau lại đi khất thực, không cầu cạnh ai. Quý vị không cầu ai thì tự nhiên được Phật hộ trì, sẽ có hộ pháp đến gia hộ. Vì sao vậy? Vì hộ pháp có trách nhiệm phải hộ trì những người tu hành. Nếu người tu hành thiếu thốn thức ăn, hộ pháp phải nghĩ cách đưa đến cho họ. Nếu như quý vị cầu cạnh người giúp đỡ, hộ pháp sẽ nghĩ rằng: “Vui thay, ta rảnh việc rồi. Ông ấy đã có cách, không cần đến ta gia hộ.” Và hộ pháp sẽ bỏ đi. [Khi ấy] Phật không có, Bồ Tát không có, hộ pháp cũng không còn nữa, người đến giao tiếp với quý vị sẽ là những ai? Đều là bọn yêu ma quỷ quái, đều là những tà thần, quý vị giao tiếp với bọn họ rồi sẽ gặp toàn những rắc rối lớn.

Khoảng mười mấy năm trước, khi tôi chừng bốn mươi lăm tuổi, Lão Hòa thượng Linh mời tôi đến chùa Đại Giác ở thành phố Cơ Long (Keelung) cùng dự an cư kết hạ và giảng kinh Lăng-nghiêm cho đại chúng. Giảng đường nằm cách điện Thiên Vương một bức tường, trong điện có thờ Bồ Tát Vi Đà. Lúc đó tôi có khuyên đại chúng rằng, người tu hành chúng ta không cần cầu cạnh tín đồ, chỉ cần tu tập cho thật tốt. Nếu chúng ta mà không đủ lương thực thì Bồ Tát Vi Đà sẽ lập tức bị cách chức điều tra, vì ông ta hộ pháp kiểu gì [mà xảy việc như thế]. [Còn nếu] chúng ta cứ mỗi ngày tìm tín đồ để hóa duyên, thì Bồ Tát Vi Đà chỉ còn hình tượng đó thôi, nhưng Bồ Tát thật không đến. Vì sao vậy? Vì Bồ Tát thấy rằng quý vị mỗi người đều có cách lo liệu, Bồ Tát không cần phải hộ trì nữa. Cho nên, chư Phật hộ niệm là khi quý vị chân chánh phát tâm, tâm địa hoàn toàn thanh tịnh thì chư Phật hộ niệm, quý vị không có gì phải lo.

Khi tôi mới vừa học Phật, gặp được Đại sư Chương Gia lần thứ hai. Trước đó tôi đã lễ bái cầu kiến ngài được một lần. Lần đầu tiên gặp ngài, ngài dạy tôi phải nhìn thấu và buông bỏ, lại dạy tôi khởi sự côgn phu từ việc bố thí. Khi gặp ngài lần thứ hai, ngài dạy tôi rằng người chân chánh học Phật thì suốt đời luôn được chư Phật, Bồ Tát và hộ pháp chiếu cố, không việc gì phải lo lắng hay thắc mắc. Tôi tin lời thầy nên từ khi bắt đầu học Phật cho đến nay, tôi không lo lắng điều gì, không thắc mắc điều gì. Nếu quý vị hỏi tôi về công việc của Đồ Thư Quán, tôi không biết gì cả. Đồ Thư Quán ra đời như thế nào, được thành lập như thế nào, tôi không biết. Đồ Thư Quán chi tiêu như thế nào, tôi không biết. Chuyện gì cũng không biết, quý vị thấy đó, nên tâm mới được thanh tịnh.

Tôi đi hoằng pháp đến đâu, người ta muốn xây chùa cho tôi. Tốt lắm! Tôi gật đầu, quý vị cứ làm đi. Nhưng làm như thế nào, tôi không biết. Tôi hoàn toàn không vướng bận. Nếu bảo tôi phải nghĩ cách mang theo bao nhiêu tiền sang Mỹ để xây chùa, tôi sẽ không làm. Tôi chỉ thong thả đi sang đó một chuyến, thế là mọi người xây chùa hoàn tất rồi mời tôi đến. Tôi nói: “Tốt lắm, vậy mỗi năm tôi sẽ đến một lần, giảng cho quý vị nghe một bộ kinh. Thật hoàn toàn không vướng bận.

Cho nên xin thưa cùng quý vị, người không có gì cả tức là có tất cả. Nếu quý vị có một thứ gì đó thì chỉ có một thứ đó thôi, và nếu mất đi thì quý vị sẽ không có gì cả. Không có gì cả thì mọi thứ đều sẵn có, quý vị hoàn toàn không vướng bận! Chư Bồ Tát đều đạt được đại tự tại, tôi tuy chưa được đại tự tại nhưng cũng được một chút tự tại. Cho nên tôi có đầy đủ lòng tin, được chư Phật và Bồ tát hộ niệm.

Lời khuyên thứ hai [của ngài Phổ Hiền] là “vun trồng cội đức”. Trồng có nghĩa là vun trồng bồi đắp. Chúng ta tự mình phải biết tu dưỡng, phải biết bồi đắp phước báo, tu sửa đức hạnh. Vậy phải khởi làm từ đâu? Từ việc giữ giới, tu định. Đó là căn bản của đức hạnh. Tu tập sáu ba-la-mật, mười ba-la-mật là căn bản của phước báo. Có đủ đức hạnh và phước báo thì dù quý vị đi đâu cũng sẽ không bao giờ thiếu thốn.

Lời khuyên này nhấn mạnh ở việc phục vụ đại chúng, vì đại chúng phục vụ. Giới luật cũng là vì đại chúng phục vụ. Quý vị xem sách Sa-di luật nghi sẽ thấy 24 môn oai nghi trong đó đều là phục vụ đại chúng.

Lời khuyên thứ ba là “nhập vào chánh định”. Đây là “tự thụ dụng” (lợi ích cho chính mình), là tu sửa tự thân. Tự mình phải đưa tâm an trụ vào chánh định, cũng giống như trong kinh A-di-đà đã nói, đem tâm mình an trụ vào chỗ “nhất tâm bất loạn, tâm bất điên đảo” (tâm chuyên nhất không rối loạn, tâm không điên đảo). Đó là tự thụ dụng.

Lời khuyên thứ tư là “phát tâm cứu độ tất cả chúng sinh”. Đây chính là tâm Bồ-đề, là tâm đại bi trong tâm Bồ-đề, là “chúng sinh vô viên thề nguyện độ” trong Tứ hoằng thệ nguyện. Phải phát khởi tâm nguyện này thì tâm của quý vị mới trở nên rộng lớn và không ích kỷ, đối với chấp ngã dù không phá cũng tự nhiên mất đi. Phá trừ chấp ngã là điều cực kỳ khó khăn. Người tu tập Tiểu thừa phá trừ loại mê chấp này không dễ, nhưng phương pháp phá trừ của Bồ Tát Đại thừa thật hết sức khéo léo mầu nhiệm. Vì sao vậy? Chỉ cần tâm của quý vị trở nên rộng lớn thì tự ngã nhỏ nhọi sẽ không còn nữa.

Đây là những điều Bồ Tát Phổ Hiền đã khuyên bảo sách tấn đại chúng ở pháp hội Pháp Hoa. Hôm nay chúng ta đọc kinh Pháp Hoa ở đây thì chúng ta cũng trở thành một phần trong Pháp hội, đương nhiên cũng nằm trong số đại chúng được Bồ Tát Phổ Hiền khuyên bảo sách tấn.

Đến đây, chúng ta đã giảng giải xong ý nghĩa của phần đề mục. Từ đây trở đi là chính thức đi vào giảng giải nội dung kinh văn.

Phẩm kinh này xét theo hệ thống cấu trúc của toàn bộ kinh, trong Phật học gọi là phân khoa, tức là phân chia kết cấu chương mục, tư tưởng trong hệ thống, được nêu lên với đề mục là “phổ môn viên ứng” (ứng hiện khắp mọi nhà). Đây là chủ đề chung của phẩm Phổ Môn. Phần tiếp theo được chia làm hai mục lớn.

Mục lớn thứ nhất là “Vấn đáp hiển đức” (hỏi đáp để hiển bày đức độ). “Hiển” là hiển thị, hiển bày, cũng là nói năng lực đức độ, sự nghiệp của Bồ Tát. “Đức” là một thành tựu, trong sự nghiệp của Bồ Tát có sự thành tựu rất tuyệt vời. Chữ đức này cùng với chữ “đắc” trong “đắc thất” rất thông dụng vào thời cổ đại.

Mục lớn thứ hai là “Văn phẩm hoạch ích” (nghe phẩm kinh này được lợi ích). Đây là nói phàm phu chúng ta, khi được nghe Bồ Tát và Phật vấn đáp, giải thích rõ ràng về việc Bồ Tát Quán Thế Âm từ vô thủy kiếp đến nay đã làm đủ mọi việc lợi ích cho chúng sanh trong tận cùng hư không, biến khắp pháp giới. Chúng ta nghe qua như vậy rồi sẽ tự mình được lợi ích. Lợi ích lớn nhất là khơi dậy niềm tin của chúng ta và khuyến khích chúng ta noi theo việc làm của Bồ Tát. Bồ tát đã có thể làm được như vậy, chúng ta nên noi gương Bồ Tát, phải học hỏi theo ngài.

Trong mục lớn thứ nhất lại chia ra có phần văn trường hàng và phần kệ tụng. Phần văn trường hàng là thể loại tản văn, phần kệ tụng dùng thể loại thi ca. [Trong kinh điển], kệ tụng đa phần là “trùng tụng” (lặp lại). Sau khi giảng đến phần cuối tôi sẽ quay lại nói rõ chỗ này với quý vị.

Trong phần văn trường hàng có “hai lần hỏi đáp”. Lần thứ nhất là thưa hỏi về Bồ Tát Quán Thế Âm. Phần thứ nhì lại chia thành hai tiểu đoạn. Tiểu đoạn thứ nhất là “Vô Tận thưa hỏi”. Vô Tận tức là Bồ Tát Vô Tận Ý, ngài là người nêu ra vấn đề.

Mời quý vị xem trong kinh văn, trang 801, dòng thứ tư từ bên trái qua:

“Lúc ấy, Bồ Tát Vô Tận Ý từ chỗ ngồi đứng dậy, vén tay áo bên vai phải, quỳ xuống chắp tay cung kính bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà Bồ Tát Quán Thế Âm có danh hiệu ấy?”

Đây là hỏi về Bồ Tát Quán Thế Âm, do nhân duyên gì được gọi là Quán Thế Âm? Phẩm kinh này là nhân nơi sự thưa hỏi phát khởi của Bồ Tát Vô Tận Ý. Chúng ta xem trong danh hiệu của Bồ Tát có ý nghĩa rất thâm sâu, biểu thị rằng phổ môn là ý nghĩa không cùng tận, “phổ môn công hạnh viên mãn ứng hiện không cùng tận”. Cho nên, [trong kinh điển] bất cứ ai đứng ra thưa hỏi thì những vị ấy đều có hàm nghĩa biểu thị.

“Pháp sư Nhược Ngu có bài tán rằng:

Thế gian vô biên bụi trần nhiễu nhiễu,
Chúng sinh vô số nghiệp mang mang.
Ái hà vô để lãng thao thao,
Thị cố ngã danh Vô Tận Ý.

Thế gian vô biên bụi mờ mịt,
Chúng sinh vô số nghiệp mênh mang,
Sông ái thẳm sâu sóng cuồn cuộn,
Bởi thế ta tên Vô Tận Ý.”

Đây là bài kệ xưng tán của một bậc cổ đức đối với Bồ Tát Vô Tận Ý. Công hạnh của Bồ Tát Quán Thế Âm cũng tương đương như được nêu trong bài kệ xưng tán này.

“Vén tay áo bên vai phải” là lễ nghi. Cho nên trong lúc thi lễ không được quên bổn phận, đó gọi là thực sự cung kính. Trong khi thi lễ, phải vạch trần tay áo để lộ vai bên phải ra. Vì sao vậy? Để thuận tiện làm việc. Nếu bậc thầy có việc sai bảo là đứng dậy làm ngay. Khi quỳ thì chỉ quỳ một chân chứ không quỳ cả hai chân. Quỳ cả hai chân thì đứng dậy không thuận tiện. Cho nên khi làm việc phải nhanh nhẹn, hoạt bát, chính xác, điều này từ xưa đến nay dạy như vậy, không thể cứ làm việc gì cũng chậm chạp, lơ đễnh. Không phải các bậc thầy muốn yêu cầu quý vị phải làm điều này điều nọ, muốn đòi hỏi quý vị phải cung kính tôn trọng. Không phải vậy. Quý vị khởi tâm cung kính một phần thì được lợi ích một phần, cung kính mười phần thì được lợi ích mưới phần, đó là chuyện riêng của quý vị. Nếu có bậc thầy nói: “Ông không được thiếu sự cung kính đối với ta. Ông không cung kính thì ta không dạy. Ông cung kính một chút, ta dạy ông một chút; ông hết lòng kính trọng, ta sẽ dạy ông hết lòng.” Ông thầy như vậy thì chỉ là phàm phu, không phải Bồ Tát. Vì sao? Vì có tâm phân biệt đối xử. Cho nên, sự cung kính tôn trọng thầy là pháp khí, là sự tu dưỡng của chính quý vị. Vị thầy cũng giảng giải cùng những điều đó, nhưng quý vị có thể tiếp nhận được bao nhiêu là tỷ lệ thuận với sự cung kính tôn trọng của quý vị. Nếu không có tâm cung kính, cho dù quý vị theo học với thầy hai mươi, ba mươi năm, nhất định cũng không có thành tựu gì.

Nếu quý vị không tin thì cứ xem trong Lục Tổ Đàn Kinh, Thượng tọa Huệ Minh theo học với Ngũ Tổ rất nhiều năm nhưng không đạt được gì cả. Nguyên nhân vì sao? Vì không có tâm cung kính. Ông chạy đuổi theo Lục Tổ, đến nơi thì nhấc bọc đựng y bát lên không nổi, lúc đó liền sinh tâm cung kính, tức thì được khai ngộ. Thật là quá rõ ràng! Bậc thầy đâu cần gì phải yêu cầu quý vị tôn trọng cung kính? Không phải, việc tiếp nhận được nhiều ít là chuyện riêng của quý vị, không liên quan đến bậc thầy, vì tâm của thầy luôn thanh tịnh. Nếu vì quý vị tôn trọng cung kính mà vị thầy khởi tâm hoan hỷ thì đó là phàm phu. Vị thầy ấy hẳn đã thối chuyển rồi.

Một bậc thầy tuyệt đối không bao giờ để tâm dao động vì sự tôn trọng cung kính của quý vị, hoặc vì quý vị không tôn trọng cung kính mà ghét giận. Nếu một vị thầy như vậy thì đó chỉ là kẻ phàm phu ở thế gian, không đáng để chúng ta theo học.

Tâm địa bậc thầy luôn thanh tịnh, tám ngọn gió đời không lay chuyển được. Do đó, thái độ ngạo mạn hay tôn kính của chính quý vị sẽ cho biết là quý vị có thể tiếp nhận bao nhiêu, có thể đạt được bao nhiêu. Đối với học sinh, bậc thầy khi giảng kinh xem qua là biết rõ người nào sẽ thành tựu được mấy phần, người nào sẽ tiếp nhận được bao nhiêu, ai được bao nhiêu. Từ đâu mà vị thầy thấy biết được? Từ nơi tâm cung kính của quý vị mà thấy biết được, không bao giờ sai lầm. Một bậc thầy cao minh thì chỉ nhìn qua là thấy biết rõ ràng, chắc chắn không thể sai lệch, cho nên không cần khảo thí, không cần gạn hỏi.

Hiện nay thì cần phải khảo thí, phải làm trắc nghiệm, mà chưa chắc đã chính xác. Kết quả trắc nghiệm cũng chưa chắc là đúng thật. Nhưng từ nơi thái độ cung kính, tùy theo sự biểu hiện của học sinh mà xem xét đánh giá thì tuyệt đối chính xác.

Cho nên các bậc cổ đức giảng dạy đồ chúng xưa nay chưa từng nghe nói có thi cử kiểm tra, nhưng bậc thầy đối với trình độ của học sinh có tiến bộ và thối chuyển đều biết rất rõ ràng.

Cho nên, trong khi làm lễ phải có đủ tâm cung kính.

“Chắp tay.” Quý vị nên nhớ rằng, chắp tay cũng là biểu hiện của sự cung kính. Mười đầu ngón tay biểu trưng cho sự rời rạc phân tán, mười ngón tay hợp lại thành một khối tượng trưng cho sự nhất tâm, vì vậy nên chắp tay phải khép sát lại với nhau. Có người chắp tay mà trong lòng bàn tay có khoảng trống, ngón tay cái thì duỗi ra. Như vậy biểu thị điều gì? Không phải nhất tâm mà là tâm tán loạn, vẫn còn tán loạn. Như vậy chỉ có hình thức, không có tâm chân thành.

Chắp tay là biểu hiện sự nhất tâm, cho nên lòng bàn tay khép sát lại, các ngón tay phải khép vào nhau. Cũng có một số người xuất gia chắp tay không đúng tư thế, không biết là khi ở giới đàn được dạy dỗ thế nào mà không hiểu điều này. Nói chung hiện nay ở các giới đàn, những vị thầy hướng dẫn lễ nghi [dẫn lễ sư] cũng rất qua loa, cẩu thả. Vì sao vậy? Vì [mỗi lần] có quá nhiều người thọ giới. Nhiều người quá thì sẽ phải làm qua loa, cẩu thả, đó là điều tất nhiên. [Thầy dẫn lễ] không đủ sức quan tâm đến từng người, không thể sửa chữa uốn nắn từng người, cho nên có rất nhiều điều không đúng pháp.

Từ hai chữ “Thế Tôn” về sau là nội dung vấn đáp. [Bồ Tát Vô Tận Ý] thưa hỏi đức Phật Thích-ca Mâu-ni về nhân duyên của danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, và vì sao Bồ Tát Quán Thế Âm có thanh danh uy thế cao cả lớn lao như vậy? Nói đến Bồ Tát Quán Thế Âm thì ai ai cũng đều biết. Ngày nay có thể nói là Bồ Tát được biết đến nhiều nhất. Trong tất cả chư Phật và Bồ tát trong Phật giáo được nhiều người biết đến thì Bồ Tát Quán Thế Âm là vị được biết đến nhiều nhất. Cũng có rất nhiều người không biết đức Phật A-di-đà, không biết đến Phật Thích-ca Mâu-ni, nhưng không có ai là không biết đến Bồ Tát Quán Thế Âm.

Trước đây tôi có nói với quý vị rằng trong tất cả kinh điển thì bản kinh được nhiều người biết đến nhất là kinh Kim Cương. [Cũng vậy,] trong tất cả chư Phật và Bồ Tát thì được nhiều người biết đến nhất là Bồ Tát Quán Thế Âm. Ý nghĩa câu hỏi của Bồ Tát Vô Tận Ý là ở chỗ này: Vì sao Bồ Tát Quán Thế Âm được nhiều người biết đến như vậy? Do những nhân duyên gì mà ngài có được những thành tựu như vậy?

Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 4 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Nguồn chân lẽ thật


Cẩm nang phóng sinh


An Sĩ toàn thư - Khuyên người niệm Phật cầu sinh Tịnh độ


Kinh Duy-ma-cật (Hán-Việt)

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.147.68.201 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...