Đừng chọn sống an nhàn khi bạn vẫn còn đủ sức vượt qua khó nhọc.Sưu tầm
Không có ai là vô dụng trong thế giới này khi làm nhẹ bớt đi gánh nặng của người khác. (No one is useless in this world who lightens the burdens of another. )Charles Dickens
Kẻ ngốc nghếch truy tìm hạnh phúc ở xa xôi, người khôn ngoan gieo trồng hạnh phúc ngay dưới chân mình. (The foolish man seeks happiness in the distance, the wise grows it under his feet. )James Oppenheim
Nếu muốn có những điều chưa từng có, bạn phải làm những việc chưa từng làm.Sưu tầm
Nếu bạn muốn những gì tốt đẹp nhất từ cuộc đời, hãy cống hiến cho đời những gì tốt đẹp nhất. (If you want the best the world has to offer, offer the world your best.)Neale Donald Walsch
Học Phật trước hết phải học làm người. Làm người trước hết phải học làm người tốt. (學佛先要學做人,做人先要學做好人。)Hòa thượng Tinh Không
Để đạt được thành công, trước hết chúng ta phải tin chắc là mình làm được. (In order to succeed, we must first believe that we can.)Nikos Kazantzakis
Hãy đặt hết tâm ý vào ngay cả những việc làm nhỏ nhặt nhất của bạn. Đó là bí quyết để thành công. (Put your heart, mind, and soul into even your smallest acts. This is the secret of success.)Swami Sivananda
Học vấn của một người là những gì còn lại sau khi đã quên đi những gì được học ở trường lớp. (Education is what remains after one has forgotten what one has learned in school.)Albert Einstein
Như cái muỗng không thể nếm được vị của thức ăn mà nó tiếp xúc, người ngu cũng không thể hiểu được trí tuệ của người khôn ngoan, dù có được thân cận với bậc thánh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Dưới cội Bồ-đề »» PHẦN MỘT »»

Dưới cội Bồ-đề
»» PHẦN MỘT

Donate

(Lượt xem: 3.496)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Dưới cội Bồ-đề - PHẦN MỘT

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Ngày ấy cách đây đã lâu lắm rồi, hơn 2500 năm lịch sử, với bao sự đổi thay của nhân thế, lòng người và tạo hóa. Thế mà mãi đến nay, trải qua cùng phong sương tuế nguyệt đã có rất nhiều người và nhiều giấy bút viết về Người.

Người xuất thân từ hoàng tộc, đã từ bỏ Ngai vàng, không màng danh lợi, tài sắc là những thứ mà người đời vốn tham luyến khổ đau. Sau lưng người còn biết bao nhiêu người đang chờ đợi. Nào công chúa, thái tử và hàng bao nhiêu cung nữ và cận thần khác. Thế mà người đã quyết chí giũ sạch bụi trần, nhẹ gánh thong dong để làm thân đạo sĩ, rày đây mai đó, chỉ đi xin ăn và sống đời khổ hạnh.

Có lúc Người đã đến tận cung vua của xứ Ma-kiệt-đà và khi hay tin Người là Đông Cung Thái Tử của xứ Ca Tỳ La Vệ, nhà Vua của xứ Ma-kiệt-đà đã khuyên Người hãy ở lại nơi đây và Vua sẽ nhường cho nửa giang sơn để cùng trị vì thiên hạ. Nhưng Người từ tốn tâu:

- Muôn tâu Hoàng thượng, nơi Ca Tỳ La Vệ kia là cả một ngai vàng mà hạ thần cũng đã quyết chí từ bỏ thì nơi đây dầu đức vua có thương tưởng nhường cho nửa ngai vàng, thì hạ thần này chỉ xin cảm tạ chứ không dám vâng mệnh nhận lãnh. Vì chí thần đã quyết, chỉ ra đi tìm đạo mà thôi.

- Nếu Thái Tử đã quyết thì ta đây chẳng dám trói buộc. Tuy nhiên, nếu thành được đạo quả rồi thì nhớ trở lại đây để độ cho Trẫm và Hoàng gia.

Đức Vua đã nói với Thái Tử như thế.

Chính vì giữ lời hứa trên, nên sau khi thành đạo dưới cội bồ-đề, Thái Tử đã về xứ Ma-kiệt-đà, nơi Trúc Lâm Tinh xá. Ngài đã độ cho vua tôi và muôn họ tại xứ này.

Cứ thế và cứ thế, Người đã đi về hướng núi Gaya gần sông Ni Liên. Ở đây có sông nước hữu tình, thật là đẹp tuyệt vời với một nhà tu khổ hạnh. Rồi từ đó Người lần dò lên Khổ Hạnh lâm để tìm nơi trú ẩn. Cuối cùng, Ngài đã chọn được một hang đá và tọa thiền tỉnh thức suốt sáu năm trường tại đây, bên dòng sông Ni Liên hiền hòa uốn khúc, lượn mình chảy quanh, xuyên qua bao cánh đồng trù phú, bát ngát hương thơm của lúa mạ còn xanh.

Từ nơi đỉnh Gaya đó, mỗi ngày Người chỉ ăn một hạt mè và tâm thì lúc nào cũng tỉnh thức nhập vào chánh định. Một ngày nọ, thân thể suy kiệt đến nỗi Người không thể gượng dậy để đứng lên và bỗng nhiên hoang mang với sự tu khổ hạnh của mình trong sáu năm dài ấy. Người vội gượng dậy đi từng bước xuống núi.

Núi tuy không cao lắm, nhưng với vóc dáng hao gầy, sức lực không còn, nên chỉ cần một hạt sạn nhỏ vướng chân cũng đủ làm cho Người phải chao đảo, mất thế thăng bằng. Mắt hướng về dòng sông hiền hòa và tâm thì an lạc, tự tại tuyệt vời. Người đã đến bên dòng sông tắm rửa sạch sẽ và quyết không thực hành khổ hạnh nhịn đói nữa, mà quyết định dùng cơm cháo trở lại bình thường qua sự khất thực hằng ngày.

Rồi Người lập nguyện bằng cách quăng bình bát theo dòng nước trôi và nguyện rằng: “Nếu ta thành tựu được sở nguyện thì bình bát kia hãy trôi ngược dòng sông.”

Quả nhiên như vậy. Mặc dầu dòng nước sông Ni Liên vẫn lững lờ trôi, nhưng bình bát kia, kỳ lạ thay, đã trôi ngược dòng, trở lại nơi Người đã phát nguyện.

Thế rồi theo dấu chân cũ, Người đã đi trở lại đỉnh Gaya. Từ dòng sông lên đến núi, nếu một người bình thường di chuyển chỉ cần chừng hai tiếng đồng hồ là đến. Nhưng đối với Người vào lúc này, đây là một thách thức rất cam go. Mặc dầu sau khi tắm gội xong, thân thể Người thấy nhẹ hẳn đi, nhưng sao bước chân ấy vẫn không lê gót nổi. Lúc ấy chẳng phải Người nhớ lại thuở xưa, lúc tuổi xuân xanh, đang sống trong cuộc đời Vương giả, với bao kẻ hầu người hạ và nét đẹp ngày xuân. Còn bây giờ chí nguyện vẫn chưa thành, mà tấm thân lại càng thêm tiều tụy.

Không phải thế! Bỗng ý chí Người càng cương quyết hơn lên để tiến bước. Và kỳ lạ thay! Chính ý chí, sức mạnh của nội tâm đã mang Người đến chốn cũ. Rồi Người ngồi xuống, tự nhiên trong dạ nao nao. Vì chắc rằng sẽ có điềm lành xuất hiện. Mà thật thế tự nhiên có một người con gái đến trước mặt Người và khấn rằng:

- Chính con đã nhờ được Người ban cho một đứa con bụ bẫm qua lời cầu nguyện suốt mấy năm nay và hôm nay con đem lễ này xin dâng lên Ngài. Kính mong Ngài nhận cho con với tấm lòng độ lượng.

Nhà tu khổ hạnh vẫn trầm ngâm, biết nàng đã lầm mình là thần núi. Nhưng không sao, cứ nhận lãnh sự dâng cúng ấy để nuôi thân. Ngài không nói lời nào nhưng nàng thì vẫn thì thầm khấn nguyện.

- Đây là bát cháo nhũ mi làm bằng sữa bột mì và sữa bò. Xin Ngài nhận cho lòng thành của con.

Đoạn nàng dùng hai tay dâng lên Người. Hai tay như bất động. Tuy nhiên, người đã đỡ bát cháo nhũ mi và húp trọn một hơi không ngừng nghỉ. Đoạn Ngài nói:

- Thật ra ta chẳng phải là một vị thần linh nào, chỉ là một nhà tu khổ hạnh của núi đồi này. Vì ta quyết dấn thân theo con đường Trung Đạo nên đã dùng bát cháo của nàng. Ta xin cảm ơn nàng và hãy cho ta biết danh tánh.

- Con là Sujata, một người dân bình thường tại làng này.

Sau khi dùng bát cháo xong, Người cảm thấy nhẹ nhàng thanh thoát, tựa như những phiến mây bay thanh thản trên trời cao với bao vì sao lấp lánh trên bầu trời vào ban đêm như thế. Đã bao đêm trong sáu năm khổ hạnh, Ngài đã chiêm nghiệm về cuộc đời, về sự vô thường của nhân thế, nhưng đêm nay bỗng nhiên tinh tú lại sáng rực lên. Cao cả hơn bao giờ hết. Thật là tuyệt vời, thật là rạng rỡ.

Trong đêm ấy, Người đã đi vào cõi định và dự tính sẽ thành đạo ngay tại chốn khổ hạnh này, nhưng chư Thiên hiện ra trong gió và cung kính bảo:

- Kính thưa Ngài! Nơi đây Ngài không thể thành đạo được. Vì quả đất sẽ rung chuyển nhiều lần và đá núi này sẽ sụp xuống. Không thể được, không thể được, này người con của sự giác ngộ.

- Thế thì ta phải làm gì đây?

Nhà tu khổ hạnh đang suy nghĩ như thế thì chư Thiên tiếp lời trong gió:

- Cách bên kia dòng sông Ni Liên Thiền không xa, có một Kim Cương Tòa. Nơi ấy chính là nơi để Ngài thành đạo. Vì nơi ấy chư Phật trong quá khứ đã thành, chư Phật trong hiện tại đang thành và chư Phật trong tương lai sẽ thành. Ba đời chư Phật đều thành tựu sự giác ngộ nơi ấy. Do đó, Ngài nên đi về hướng đông kia, xin Ngài đừng từ chối.

Trong trí tuệ, trong sự tỉnh thức Người đã choàng dậy và sửa lại tấm y vàng, thong thả bước về hướng dòng sông mà ngày trước Người đã đặt chân đến. Mùa này dòng sông đã cạn bớt nước nên Người không phải vất vả tìm đò mà tự mình lội qua con sông rộng thênh thang ấy.

Vạch lau sậy và cây cỏ Người tìm đến dưới một gốc cây có tàn lá sum sê phủ kín cả một vùng. Người thấy rằng đây là chỗ lý tưởng để thiền định và đạt thành sự giác ngộ.

Bỗng đâu có hai em bé chăn cừu xuất hiện và mang trên tay những lọn cỏ kiết tường. Chúng dâng những lọn cỏ này cho Ngài và Ngài đã nhận. Nghĩ lại thuở xưa, trên bước đường thiên lý trước khi tu sáu năm khổ hạnh, Người đã chẳng nhận một nửa ngai vàng của vua ban. Còn bây giờ lại nhận những lọn cỏ của hai em bé chăn cừu, quả là điều hy hữu.

Thế là từ đó Người đã có cỏ lót để ngồi, vẫn với dáng thẳng đứng, Ngài ngồi bất động dưới cội cây ấy cho đến ngày giác ngộ. Lúc ấy vào đúng khi sao mai mọc vào ngày mồng 8 tháng 12 năm 624 trước Tây lịch, đánh dấu một sự chiến thắng hoàn toàn bằng lòng từ bi và tuệ giác của đấng Điều Ngự trước bao sự quấy phá của thiên ma và ngoại đạo. Kể từ ấy Ngài có danh xưng là Phật, hiệu là Thích Ca, cũng gọi là Bậc tỉnh thức, Đấng giác ngộ.

Tuần lễ đầu tiên, ấy Ngài quán sát về căn cơ của chúng sanh và đã thốt lên rằng: “Kỳ lạ thay! Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh.”

Câu này nếu đem phân tích, ta sẽ thấy ý nghĩa sâu sắc trong từng chữ vậy.

Nghĩa là trước khi thành đạo Ngài chưa thấy rõ Phật tánh nơi mỗi chúng sanh, mà chính sau khi thành đạo rồi, qua sự quán chiếu bằng tuệ giác, Ngài mới khám phá ra được điều đó. Do vậy, Ngài mới thốt lên là: “Kỳ lạ thay!” Ba chữ này cũng có thể hiểu là một phép mầu mà lâu nay chúng sanh, nhân loại đang tìm kiếm và cầu nguyện. Thật ra nó không ở bên ngoài, mà đang ở bên trong ta, bên trong tất cả mọi người.

Tất cả chúng sanh ở đây là chỉ chung mọi người, mọi loài. Từ loài người cho đến những côn trùng nhỏ nhiệm đang ở chung quanh Ngài, nơi cây Bồ-đề hay trong mười phương vô biên thế giới cũng đều đầy đủ. Từ những chúng sanh nơi cõi trời đến những chúng sanh nơi địa ngục. Từ những chúng sanh ở cõi Dục cho đến những chúng sanh ở cõi Sắc và Vô sắc cũng đều giống nhau! Chỉ khác biệt ở chỗ có chúng sanh thì tâm thức đã chín muồi, có chúng sanh thì vẫn còn nằm trong tối tăm mờ mịt.

“Đều có Phật tánh” nghĩa là với khả năng này, nếu có tu, tất cả chúng sanh đều sẽ thành Phật như Ngài, nhưng phải trải qua nhiều năm, nhiều tháng, nhiều a-tăng-kỳ kiếp. Phật tánh ấy cũng ví như sự chuyển hóa từ vị chát đến vị ngọt của một trái hồng khi còn ở trên thân cây. Nếu trái hồng còn xanh thì vị rất chát, nhưng qua tháng ngày hấp thụ bởi nhựt nguyệt tinh tú, mưa móc, sương rơi... hồng ấy sẽ biến thể, để đến một ngày vị sẽ ngọt lịm và khi đã ngọt lịm rồi thì không thể bị chát trở lại nữa. Nghĩa là khi đã thành chánh giác rồi thì không còn trở lại con đường luân hồi khổ đau như những vị đắng chát của cuộc đời nữa.

Nhưng vấn đề được nêu ra ở đây là, khi nào thì vị đắng chát ấy chuyển thành vị ngọt? Thời gian ấy do tự chúng ta quyết định, chứ không phải do một nguyên nhân ngoại tại nào cả.

Đến tuần lễ thứ hai, từ thiền định mà dậy, rồi Đấng Đại Giác đi về hướng đông của cây bồ-đề. Cứ mỗi bước đi, từ dưới chân Ngài nở một đóa sen. Ngay tại nơi đó, cho đến bây giờ khách hành hương khi về Thánh Địa này vẫn bàng bạc lâng lâng, vì biết rằng bên cạnh mình, trước mắt, sau lưng mình đâu đâu cũng có sự hiện hữu của Đấng Toàn Giác.

Nếu người ta bảo hoa súng là hoa thiên tử thì hoa sen là hoa quân tử, vì gần bùn mà không bị bùn dơ làm vẩn đục. Ngài bước đi 18 bước như thế trong tư thế của bậc tỉnh thức, thong thả, nhẹ nhàng, thảnh thơi như mây bay, như gió thổi. Về sau này, căn cứ theo đặc tính thoát tục của hoa sen nên người ta đã giải thích hoa sen có năm đặc tính như sau:

Đặc tính thứ nhất là đặc tính thoát tục của hoa sen. Đó là:

“Trong đầm gì đẹp bằng sen,

Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng.

Nhụy vàng bông trắng lá xanh,

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.”

Hoa sen mọc từ nơi bùn nhơ nước đọng, nhưng khi đã thoát khỏi mặt nước rồi lại tỏa ra những hương thơm tinh khiết lạ thường. Cũng như thế đó, trong cuộc lữ tử sinh của kiếp người, tất cả chúng ta đều xuất phát từ chỗ luân hồi mà thành tựu được thân ngũ uẩn này. Rồi cũng từ đây, ta phát triển Phật tâm của mình, để một ngày nào đó Phật tánh sẽ biểu lộ, như đóa bạch liên đang tỏa ngát hương thơm nơi bùn lầy nước đọng.

Đặc tính thứ hai là nhân quả đồng thời. Nghĩa là trong nhân có quả, trong quả có nhân. Không bao giờ có được một loài hoa khác nào như thế. Nghĩa là khi tỏa rạng gương sen, cũng chính là lúc nhân hạt sen đã đầy đủ nơi gương sen kia rồi. Thông thường của tất cả loài hoa là sau khi hoa tàn rồi quả mới bắt đầu ló dạng.

Đặc tính thứ ba là nhân quả dị thời. Nghĩa là nhân có ở trong lúc này, nhưng quả là gặt nơi lúc khác. Không nhất thiết là chỉ ở cùng trong một lúc. Đó là lá sen và hoa sen. Hoa và lá không cùng trên một cành, mà từ dưới đất hai chủng tử này đã phát triển riêng biệt thẳng đứng và từ đó lá sen phát triển theo phần lá. Còn bông sen phát triển theo phần bông. Chưa có một loài hoa nào khác có đặc tính như thế này.

Đặc tính thứ tư là hoa sen không phải là loài hoa để trang sức, mà chỉ dùng để cúng Phật. Nghĩa là nơi nào trang trọng là nơi đó có sự ngự trị của hoa sen. Bởi vì đặc tính quân tử của nó.

Đặc tính thứ năm và cũng là đặc tính cuối cùng. Đó là hoa sen không phải là một loài hoa để ong bướm dễ vào như những loài hoa khác. Chứng tỏ sen vẫn trinh nguyên, tự bảo vệ sự thanh cao của mình, quyết không lả lơi trước gió và trăng sao.

Ở một vùng quê nào đó, nhằm vào đêm trăng rằm sáng tỏ, ta thử dạo chung quanh một hồ sen để thưởng thức hương sen và để xem vẻ kiêu kỳ quân tử của sen thì thú vị biết chừng nào.

Ngày nay chúng ta thấy những hình ảnh tôn tượng của chư Phật và Bồ Tát, đa phần ngồi hoặc đứng trên tòa sen là tượng trưng cho những ý nghĩa vừa kể.

Bên cạnh Đại Tháp Bồ-đề nơi Đức Phật thành đạo, cho đến ngày nay những đóa sen tượng trưng bằng đá ấy vẫn còn hiện hữu và in dấu chân Ngài.

Đến tuần lễ thứ ba thì cũng từ thiền định mà dậy, Ngài đi về hướng tây của cây bồ-đề. Ngay lúc ấy Ngài đã gặp hai người thương gia Miến Điện đến đây và thấy dáng đi trang nghiêm, hình dung đĩnh đạc, tỏa ánh quang minh, nên hai vị này quỳ xuống chắp tay và xin trở thành những đệ tử tại gia đầu tiên của Đức Phật. Hai vị này lúc đó chỉ xin quy y Phật, quy y Pháp chứ không có quy y Tăng. Vì lúc ấy Tăng đoàn chưa thành lập. Hai vị này sau khi quy y bạch Ngài rằng:

- Chúng con từ xa đến, đúng là đã có nhân duyên nhiều kiếp với Ngài, nên chúng con muốn tìm một vật gì nơi thân Ngài để làm chỗ quy hướng phụng thờ sau khi về lại nước.

Ngài trầm ngâm một lúc lâu như suy nghĩ điều gì. Đoạn Ngài đưa tay lên đầu, tự bứt những sợi tóc xuống và cắt một ít móng tay sau những tháng ngày tu khổ hạnh và thiền định để trao cho hai vị thương gia này. Kể từ đó đến nay suốt hơn 2.500 năm lịch sử, tại kinh đô Ngưỡng Quang của Miến Điện, người ta thấy từ Vua chúa cho đến dân giả đã xây những chùa tháp nguy nga tráng lệ, trên tháp chỉ thếp vàng. Đó là nơi để thờ xá-lợi tóc và móng tay của Đức Phật.

Xá-lợi của Ngài hay chư vị Thánh Tăng ngày nay vẫn còn lưu bố khắp nơi. Trong đó đáng kể nhất là hai chiếc răng trong 40 chiếc răng còn lại. Một chiếc được thờ tại Kandy, cố đô của Tích Lan và một chiếc được thờ ở chùa Linh Quang tại Trung Quốc. Ngoài ra, xá-lợi xương của Ngài sau khi hỏa thiêu tại rừng Ta La nơi Kushinagara ngày nay vẫn còn hiện hữu khắp năm châu bốn bể. Ngay cả trên thiên cung hay long cung cũng vẫn đang tôn thờ xá-lợi của Ngài.

Đức Phật có ba thân. Đó là Báo Thân, Hóa Thân, và Pháp Thân. Báo Thân tức do cha mẹ sanh ra trong đời này, lớn lên xuất gia tu học, thành đạo và thị tịch Niết-bàn. Đó là một thân bằng da, bằng thịt. Nếu một người bình thường thì thân này do nghiệp chướng mà thành tựu, còn thân Phật hay thân Bồ Tát hoặc chư vị Tổ sư là do nguyện lực mà thành tựu. Ta thì nghiệp lực dẫy đầy nên bị sanh vào thời mạt pháp. Còn Phật mặc dầu cũng còn báo thân, nhưng do công phu tu tập bao đời và nguyện lực đã đầy đủ, nên đức Phật đã thành đạo trong kiếp này.

Hóa thân hay ứng hóa thân là do nguyện lực mà thành tựu mọi hạnh nguyện. Ví như đức Quán Thế Âm Bồ Tát có tới 32 hóa thân và có thể nhiều hơn nữa. Lúc muốn độ cho người nam, thì Ngài hiện thân ra nam tử. Lúc muốn độ cho người nữ, Ngài hiện ra nữ nhân v.v... Vì vậy tiếng Đức nói: “Buddha hat weder Form noch Gestalt.” Nghĩa là “Phật không những chỉ có hình thức này mà còn ở dạng thức khác nữa.” Do vậy nam hay nữ, Vua hay quan, Tể tướng hay lính hầu, tất cả hình thức ấy Bồ Tát do nguyện lực mà hóa thân tự tại vô ngại để ứng vào trong từng hoàn cảnh một để độ sanh.

Pháp thân tức là chơn thân thanh tịnh. Không đến không đi, không còn, không mất. Vì thế, trong kinh Kim Cang có đoạn nói: “Như Lai giả, vô sở tùng lai diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai.” (Như Lai tức là chẳng từ đâu đến, cũng chẳng đi về đâu, nên gọi là Như Lai.) Ấy là “như như bất động”, là diệu pháp chơn như, thường hằng bất biến vậy.

Những người thương nhân này nhận được những xá-lợi ấy chắc chắn là rất mừng và chính nhờ họ mà vua chúa Miến Điện mới có cơ hội để xây tháp, làm phước bố thí cúng dường mãi cho đến ngày nay.

Tuần lễ thứ tư, Ngài đi xa hơn một chút nữa cũng từ cơn tỉnh thức mà dậy. Nơi ấy cách cây bồ-đề chừng 200 thước, mà ngày nay khi khách hành hương đến viếng Thánh địa này khi vào cổng chính đều đảnh lễ trước khi vào bên trong. Ngài đã nói một cách dõng dạc rằng: “Không có ai khi sinh ra đã là bà-la-môn hay sát-đế-lỵ, mà tất cả sự sinh ra đời này của chúng sanh đều do nghiệp lực mà thành.”

Ở Ấn Độ ngày xưa và ngay cả ngày nay cũng thế, có sự phân chia bốn giai cấp rất rõ ràng. Đó là giai cấp Bà La Môn hay giai cấp giáo sĩ. Thứ hai là giai cấp Sát Đế Lợi hay giai cấp hoàng tộc. Giai cấp thứ ba là giai cấp Phệ Xá, tức là các thương nhân. Giai cấp thứ tư là giai cấp Thủ Đà La, chuyên làm những nghề thấp kém, hạ tiện trong xã hội, bị xem như nô lệ của ba giai cấp trên. Ngoài ra còn có một hạng thấp hèn nhất gọi là Chiên-đà-la, bị khinh rẻ đến mức không được xem là một giai cấp.

Để thấy rõ việc này, khách hành hương ngày nay có thể đi đến suối nước nóng gần Trúc Lâm Tinh xá để xem, hoặc tự lặn hụp vào dòng nước ấm ở đây thì sẽ thấy rõ ra những giai cấp như thế. Người Ấn Độ họ tự sắp theo thứ tự, tự biết và tự hài lòng với chính mình và với những gì giáo lý của họ hay đấng Phạm Thiên của họ đã đặt ra. Người thuộc giai cấp sang trọng thì lên phía trên dòng nước để tắm và người biết mình là kẻ hạ tiện bình dân thì hụp mình ở cuối dòng nước. Chỉ khác trâu bò là thân người chứ không phải thân súc sanh mà thôi.

Dĩ nhiên, từ những giai cấp dưới đã có nhiều người theo tinh thần của Phật dạy là: “Không có sự khác biệt giữa tôn giáo và giai cấp khi trong máu người cùng đỏ và nước mắt người cùng mặn.” Cho nên họ đã làm nhiều cuộc cách mạng để vươn lên từ giai cấp thấp nhất, lên đến giai cấp cao nhất để lãnh đạo xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ cũng như bây giờ. Nhưng những người như thế thì mạo hiểm lắm, phải chống chọi với tôn giáo của họ, với phong tục tập quán cổ của Ấn Độ, mới có thể ngoi lên được với đời.

Những ai chấp nhận giáo lý và lời dạy của Đức Phật, tức chấp nhận về nghiệp lực và tái sinh thì khó mà chấp nhận được những giáo lý khác không tin vào luân hồi nhân quả, nhất là giáo lý của Ấn Độ Giáo. Tất cả họ đều tin rằng: “Giai cấp Bà La Môn nhất định sanh ra từ miệng của Phạm Thiên và đã sinh ra là Bà La Môn thì suốt đời và trải qua bao nhiêu kiếp vẫn là Bà La Môn.” Điều này đức Phật nhận định khác ngay từ tuần lễ thứ tư sau khi Ngài đã suy niệm. Rồi họ bảo: Kẻ nào thuộc giai cấp hạ tiện thì phải sanh dưới chân Phạm Thiên và suốt đời như thế chứ không được hoán cải. Chỉ điều này thôi cũng không hợp với giáo lý của đạo Phật rồi. Do vậy mà Ngài đã xác minh rằng: Không phải khi sanh ra đã là một Bà La Môn là lý do đó. Người ta phải làm gì để trở thành một Bà La Môn hoặc cao hơn nữa mới là điều đáng nói, chứ “Con vua thì được làm vua, con sãi ở chùa phải quét lá đa” thì đó chẳng phải là một định mệnh vậy.

Ngày nay các học giả Tây Phương chấp nhận đạo Phật một cách dễ dàng, vì họ thấy rằng giáo lý của Đạo Phật hoàn toàn mang tính chất nhân bản và toàn thiện. Ví dụ như ở thế kỷ 20, trên 5 châu lục đã có 6 tỷ người. Trong 6 tỷ người đó, những khoa học gia tên tuổi của thế giới đã chỉ bình chọn được một người đại diện cho thế giới của khoa học. Đó là nhà Bác học Albert Einstein, là một người Đức sinh ở Neu Ulm, gốc Do Thái. Lớn lên dạy học tại Thụy Sĩ. Trước đệ nhị thế chiến (1939-1945), ông lấy quốc tịch Hoa Kỳ và là cha đẻ của thuyết tương đối. Ông đã khẳng định ba điều như sau:

- Điều thứ nhất: Tôi là người không có tôn giáo, nhưng nếu muốn lấy tôn giáo để làm niềm tin thì tôi chấp nhận Phật Giáo.

- Điều thứ hai: Phật Giáo không cần đi tìm kiếm nơi khoa học nữa, vì trong Phật Giáo đã đầy đủ tính chất khoa học rồi.

- Điều thứ ba: Nếu có một tôn giáo trong tương lai mà nhân loại có thể chấp nhận được thì đó là Phật Giáo.

Vậy thì một nhà Bác học người Tây phương, đại diện cho 6 tỷ người nói ra điều ấy đã đủ tin chưa hay còn thắc mắc và biện bạch là lúc nào “Phật cũng ở tại tâm” mà tâm ấy chẳng bao giờ chịu tu thì làm sao có thể đạt thành chánh quả, giác ngộ giải thoát được.

Ngày nay nếu ai đó có dịp sang Mỹ quốc, hãy đến con đường số 16 dẫn vào Tòa Bạch Ốc, sẽ thấy một tượng bằng đồng rất đơn giản, mà có không biết bao nhiêu khách du lịch đã dừng xe để vào đây chụp hình lưu niệm. Đó là tượng của nhà Bác Học Albert Einstein. Đã có nhiều người dí dỏm gọi ông ta là một Phật Tử nhưng chưa quy y Tam Bảo.

Đúng là vậy! Đại Triết gia Schopenhauer của Đức sinh cùng thời với Cụ Nguyễn Du của Việt Nam chúng ta vào cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Nghĩa là cách đây hơn 200 năm về trước. Ông là người đầu tiên nói về giáo lý đạo Phật trong những bài nói chuyện bằng tiếng Đức trong những sách vở của mình.

Kể từ đó, những triết gia như Nietzsche, Hermann Hesse v.v... đã ảnh hưởng triết lý Phật Giáo vào tư tưởng của mình không ít và chắc rằng những vị này cũng chưa quy y Tam Bảo bao giờ. Điều đặc biệt là những triết gia này của Đức đa phần nghiên cứu theo giáo lý Nam truyền, nên nhìn Phật Giáo dưới dạng tiêu cực. Thực sự ra thì: Buddhismus ist weder persimistisch noch optimistisch, sondern realitisch. Nghĩa là: “Phật Giáo không phải tiêu cực lẫn thụ động, mà Phật Giáo rất hợp lý.” Ngày nay, đa phần các triết gia Đức đã nhận ra được điều này nơi Phật Giáo.

Ngày nay, mặc dầu người theo Ấn Giáo vẫn tin Đức Phật là một trong 6 vị Thần của họ, nhưng người Phật Tử thì ít quan tâm vấn đề này. Ai nhận Phật thế nào cũng được, nhưng Phật chỉ là Phật của trí tuệ, của chúng sanh chứ không chỉ riêng cho người theo Ấn Giáo. Nếu Đạo Phật và Đức Phật chỉ nằm trong phạm vi của Ấn Giáo thì Đạo Phật đã không vượt biên giới để đi vào Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam, Trung Đông, Châu Mỹ, Châu Úc v.v... Phật Giáo và Đức Phật phải là Phật Giáo của nhân loại vậy.

Đến tuần lễ thứ năm Ngài đi xa hơn nữa về hướng đông của cây bồ-đề, cách đó chừng 400 m. Ngài đã nói: “Ta thầm cảm ơn ngươi. Vì nhờ ngươi mà đã che mưa nắng cho ta suốt trong thời gian hướng đến giác ngộ.”

Quả thật chưa có một bậc giáo chủ nào có một cuộc đời rõ ràng và thánh thiện như Đức Phật. Ngài đã thương yêu muôn loài như con đẻ của mình. Sau khi tìm được chân lý giác ngộ giải thoát, còn mang chúng sanh qua bên kia bờ sanh tử nữa, thì quả là trên thế gian này chỉ có một không hai, ít thấy một con người giác ngộ nào được như thế cả.

Cây cỏ vốn vô tình theo cái nhìn của loài người, nhưng những nhà thực vật và những bậc giác ngộ thì không. Cây cỏ vẫn có sự sống của nó. Nếu ta thương nó mà chăm sóc thì nó sẽ tốt tươi. Nếu ta bỏ bê không bón phân chăm sóc thì hoa kia lá nọ cũng sẽ tàn tạ theo thời gian và không còn hiện hữu với ta nữa. Vì cây không nói được tiếng người. Nếu cây cỏ nói được tiếng người thì chúng sẽ có nhiều cách phàn nàn khác nhau. Vì loài người đã đối xử với chúng tệ bạc lắm.

Trong giáo lý của Đức Phật ngày nay chúng ta thấy đa phần chư tăng đi khất thực để nuôi thân và khi đi khất thực như thế, kẻ tín thí cho vật gì cũng phải nhận hết. Sau khi về lại tinh xá thì chia đồ khất thực ra làm bốn phần như sau: Phần đầu dành cho những kẻ đồng phạm hạnh. Phần thứ hai cho những kẻ ăn xin. Phần thứ ba cho những loài súc sanh và phần thứ tư để dành cho mình dùng trong giờ ngọ.

Như vậy ta thấy Đức Phật đã thương khắp muôn loài. Không phải chỉ có loài người không thôi mà còn không biết bao nhiêu vạn sinh linh nữa.

Trong giáo lý Nam truyền, chư tăng khi đi khất thực được dùng 3 loại thịt. Đó là thịt của con vật khi bị giết chết mình không nhìn thấy, không nghe tiếng kêu, và không có sự nghi ngờ rằng con vật đó bị giết thịt vì mình. Nhưng trong tinh thần Đại Thừa thì Phật đã nghiêm cấm vị tỳ-kheo không được ăn bất kỳ loại thịt nào, nhất là trong kinh Đại Bát Niết-bàn và Bồ Tát Giới kinh. Vì để thể hiện lòng từ với tất cả chúng sanh, người tăng sĩ không dùng những bất kỳ loại thực phẩm nào được làm bằng máu thịt của chúng sanh.

Còn cây cỏ thì sao? Cây cỏ vẫn có linh hồn? Cây cỏ vẫn có thể đầu thai làm người? Dĩ nhiên là không phải thế. Loài người và những chúng sanh khác có phần tâm thức cao hơn. Sau khi chết, những tâm thức này lìa khỏi thân xác và tái sinh theo nghiệp lực của chính mình đã gây tạo từ kiếp trước hay trong kiếp này. Nếu giết một con bò thì một con bò khác sẽ không sinh ra được, nhưng nếu cắt một cành cây thì cây mẹ ấy không chết đi, mà còn cho ra nhiều cành khác nữa. Giống như cành hoa hồng hay hoa thược dược, nếu ta để thẳng, nó chỉ có một cành ra hoa, rồi ta chỉ được một hoa hồng. Nếu ta cắt hoặc tỉa bớt cành cây chính, thì ta sẽ được nhiều bông hoa hơn. Tuy nhiên, trước khi dùng những món thanh trai bằng rau đậu không máu mủ ấy, chư tăng vẫn phải chú nguyện bằng “tam đề ngũ quán”. Tam đề là:

Nguyện đoạn nhứt thiết ác.
Nguyện tu nhứt thiết thiện.
Nguyện độ nhứt thiết chúng sanh.

Chỉ từng ấy việc thôi mà chư tăng và các vị khất thực cũng đã nói lên được tấm lòng từ bi của mình rồi. Điều ấy có nghĩa là:

Nguyện bỏ tất cả các việc ác.
Nguyện làm tất cả các việc lành.
Nguyện độ tất cả chúng sanh.

Hạt cơm của tín thí nặng dường ấy. Cho nên trước khi ăn phải chú nguyện. Ngoài ra là ngũ quán, cũng phải thường chú tâm, chứ chẳng chểnh mảng khi dùng những vật thực này để nuôi mạng sống của mình. Đó là:

Nhứt kế công đa thiểu, lượng bỉ lai xứ. Nhị thốn kỷ đức hạnh, toàn khuyết ứng cúng. Tam phòng tâm ly quá, tham đẳng vi tông. Tứ chánh sự lương dược, vị liệu hình khổ. Ngũ vị thành đạo nghiệp, ưng thọ thử thực.

Nghĩa là:

- Một là tính xét công lao làm ra thực phẩm, ước lượng sự khó nhọc của người từ xa mang đến.

- Hai là tự xét đức hạnh của mình, có xứng đáng để nhận việc cúng dường thực phẩm này hay không.

- Ba là đề phòng tâm tham lam khởi lên, vì tham là cội gốc.

- Bốn là xem thực phẩm như vị thuốc hay để chữa bệnh khô gầy cho thân thể.

- Năm là vì để làm nên đạo nghiệp nên mới thọ nhận thực phẩm này.

Quả thật đây là một cuộc sống vị tha đầy đạo vị. Nếu ai mới xem qua hoặc mới làm quen, khó mà lãnh hội hết được.

Ngày xưa khi Phật còn tại thế, lúc đi khất thực, Ngài đã vào một nhà nông dân giàu có. Anh ta đã không bố thí cúng dường lại còn bảo:

- Này Sa Môn! Sao khỏe mạnh như ông mà không tự đi làm để nuôi thân lại đi xin ăn vậy?

- Tôi cũng đi làm đấy chứ!

Đức Phật trả lời thế.

- Nếu Sa Môn đi làm thì phải có cày, có ruộng, có trâu bò, có hạt giống. Tại sao chẳng thấy gì hết cả?

- Hạt giống của tôi làm đây là hạt giống của từ bi và trí tuệ, sẽ gieo vào ruộng phước của tất cả chúng sanh. Còn cày, bừa chính là sự trì giới, tinh tấn và nhẫn nhục. Trâu bò là thân hành sự tỉnh thức, siêng năng nhớ nghĩ đến mình và tha nhân.

Sau khi người chủ nhà nghe vậy liền đem cơm bỏ vào bát vàng và sớt bát cho Đức Phật. Đoạn thốt lên rằng:

- Đúng là bậc Sa Môn chân chánh. Thật xứng đáng với danh hiệu là bậc Chánh Biến Tri, là bậc Thầy của Trời và Người. Con xin đảnh lễ, xin quy y theo Phật và con xin làm đệ tử tại gia của Ngài.

Những bài pháp vô giá như thế vẫn còn phân tán khắp nơi trong tạng Nikaya hay Luật Tạng của cả Nam truyền và Bắc truyền.

Đến tuần lễ thứ sáu, Ngài đã đến bên hồ nước và ngồi tĩnh tọa nơi đây, mặc cho trời giông bão và ma quái hiện về. Đức Phật vẫn bình tĩnh và thần long lại che chở. Rồng bảy đầu hiện ra để che mưa đỡ nắng cho Ngài, khiến Ngài chẳng bị thấm lạnh. Lúc ấy Đức Phật chỉ có tấm lòng và trí tuệ, chư Thiên, loài người và tám bộ chúng đã cảm động, nên đã hộ trì Ngài qua khỏi những giông tố phũ phàng của thiên nhiên và ngoại vật.

Ngày nay hồ nước ấy vẫn còn. Chỉ thấy toàn là hoa súng, còn hoa sen đã biến dạng. Trong ấy đầy những con cá phóng sanh. Con lớn nhất chắc cân cũng được 10 kg. Rồi những con nhỏ bỏ vào hồ hay được sinh ra nơi đó bị con lớn ăn bớt. Mặc dầu hồ thì rất lớn nhưng cá thì quá nhiều.

Ngài ngồi đây suy niệm rất lâu là có nên chuyển bánh xe pháp chăng hay thị tịch vào Niết-bàn. Vì điều ấy Ma Ba Tuần rất muốn, nhưng chư Thiên và Đế Thích thì lo toan. Do vậy mà họ đã hiện ra nhiều thân khác nhau để cung thỉnh Phật ở lại với đời và Ngài đã nhận lời thưa thỉnh ấy. Theo thuyết của Đại Thừa thì trong 21 ngày của 7 tuần lễ nhập định này, đức Phật đã dùng để quán sát nhân duyên của chúng sanh và Ngài đã nói kinh Hoa Nghiêm, nhưng rất ít chúng sanh hiểu lời Ngài dạy. Chỉ có những bậc thiện căn, thiện trí mới tỏ tường. Vì vậy phần này trong giáo lý Nam truyền không thấy đê cập đến.

Đến tuần lễ thứ bảy, cũng từ định mà dậy, Ngài đã quán chiếu hoàn toàn những nơi cần quán chiếu và điều đầu tiên là Ngài muốn trở lại chốn xưa để độ cho Thầy cũ của mình là ông Uất Đầu Lam Phất, nhưng tiếc thay ông đã thác sanh về cõi trời trước đó không lâu. Sau đó Ngài quyết định đi về phía sông Hằng, nơi Vườn Nai để độ cho năm anh em Kiều-trần-như đang tu khổ hạnh tại đó. Giờ này chắc là cây bồ-đề cũng buồn lắm, vì biết rằng chắc chắn mình đã phải xa bậc Đại Giác rồi.

Tuy Đức Phật di chuyển đi nhiều nơi trong suốt 49 năm hóa độ, nhưng lúc nào đệ tử của Ngài cũng nhớ đến cây bồ-đề tại thành Gaya. Chính cây này và chính nơi Kim Cương Tòa ấy Đức Phật đã giác ngộ và ánh sáng giác ngộ từ đó tỏa đi khắp năm châu hoàn vũ như ngày hôm nay. Không những thế, chư Phật trong vị lai cũng sẽ ngồi dưới cội cây bồ-đề và nơi Kim Cương Tòa này để thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Tuy nhiên, vì thương nhớ cây bồ-đề nên nơi nào có bước chân bậc Đại Giác đặt đến là các vị Đại Đệ Tử của Đức Phật đều đến nơi Bồ-đề Đạo Tràng để thỉnh một nhánh bồ-đề về trồng nơi ấy. Dĩ nhiên nơi Vườn Nai chắc chắn cũng có sự kiện như vậy, nhưng qua phong sương cùng tuế nguyệt, chinh chiến triền miên ở những thế kỷ trước, cho nên những cây bồ-đề nguyên thủy ấy không còn nữa.

Sau khi Đức Điều Ngự độ cho 5 anh em Kiều-trần-như xong thì Ngài trở lại xứ Ma-kiệt-đà và thuyết pháp cũng như cư ngụ tại Tinh xá Trúc Lâm. Đây là nơi tụ hội đầu tiên sau khi thành lập Tăng Đoàn và lúc ấy Ngài bắt đầu kết hợp từng người một, từng nhóm một. Số lượng càng ngày càng gia tăng. Lúc nhiều nhất là 1250 vị, gồm đệ tử của các Ngài Ca-diếp, Mục Kiền Liên và Xá-lợi-phất. Một số lượng tăng sĩ đông như vậy, cho nên Đức Phật phải chọn nơi gần thành Vương Xá để mỗi ngày thuận tiện đi khất thực và chư tăng chia ra từng nhóm nhỏ để đi. Đi theo thứ lớp như trong các Luật Tứ Phần, Ngũ Phần, Thập Tụng, Ma-ha Tăng Kỳ, Thiện Kiến và Luật Pàli đều đã dạy rất rõ ràng từng chi tiết cho giới xuất gia thuở bấy giờ và ngay cả bây giờ những giới cấm căn bản ấy vẫn còn có giá trị.

Trong 12 năm đầu tiên, cả chúng tăng đều thanh tịnh, đa phần là những bậc có căn trí tối thượng thừa, nên Đức Bổn Sư đã không chế ra một giới bổn nào cả. Cho đến năm thứ 13 sau khi Ngài thành đạo, nghĩa là lúc ấy Ngài đã 47 tuổi theo thuyết của Nam tông và 42 tuổi theo truyền thống của Phật giáo Bắc tông, Ngài mới bắt đầu chế giới.

Lúc ấy đã có nhiều bậc vua chúa, hoàng hậu, công chúa, thái tử và những người giàu có đã nghe danh tiếng của Đức Phật nên đến để nghe pháp, xin quy y hoặc cúng dường Tam Bảo, cúng dường trai phạn hằng ngày cho chư Tăng v.v...

Trong thời gian này có một vị giàu có là Trưởng giả Cấp Cô Độc đến từ nước Xá-vệ, cách tinh xá Trúc Lâm này chừng 300 trăm cây số về hướng tây, đến xứ Ma-kiệt-đà để thăm người chị có chồng nơi đây. Tiện thể Trưởng Giả ghé qua để nghe những buổi giảng pháp của Đức Điều Ngự tại Tinh xá Trúc Lâm. Càng nghe càng thấm thía, càng hiểu rõ về pháp nhân duyên, về vô thường, vô ngã, khổ, không nên chẳng mấy chốc trưởng giả đã thật chứng được nghĩa các pháp. Vì vậy, vào một buổi sáng tinh sương, ông ta vào hầu Phật và bạch rằng:

- Kính bạch Đấng Đại Giác! Kính mong Ngài mở lượng hải hà gia ân cho quê hương của con cũng được nhân duyên cung đón Phật và Tăng Đoàn về nơi ấy để nghe pháp và học hỏi, cung phụng cúng dường, thì quả là nhân duyên của xứ chúng con có duyên với Ngài. Kính mong Ngài chấp nhận lời thưa thỉnh của con hôm nay.

Đức Phật dùng huệ nhãn soi thấu tâm địa cầu pháp của trưởng giả này nên đáp lời rằng:

- Điều ấy hẳn tốt! Lành thay cho người có nhân duyên với Phật Pháp! Nhưng ta sẽ cử Xá-lợi-phất đi cùng, vì với số lượng Tăng sĩ đông như vậy phải lo chuẩn bị nơi ăn chốn ở trước, sau đó ta và Tăng Đoàn sẽ đến xứ Xá-vệ.

Nghe như cởi mở cả tấm lòng, nên Trưởng giả Cấp Cô Độc vội thu xếp hành trang để cùng Ngài Xá-lợi-phất lên đường trở về lại nơi quê hương cũ. Chắc hẳn ngày ấy các Ngài đi dọc theo sông Ni Liên, rồi sông Hằng, rồi tiến vào những nhánh sông nhỏ khác để trở lại xứ Xá-vệ. Phải làm thế vì dọc theo sông thì mới có dân cư sinh sống và có nước non để uống cũng như có nơi để đi khất thực, hoặc nghỉ qua đêm. Vì 300 cây số đường bộ ấy ngày xưa chỉ đi bộ hoặc đi ngựa nên tốn nhiều thời gian lắm.

Đi dọc bên sông, Ngài Xá-lợi-phất và Trưởng Giả Cấp Cô Độc đã cho thuê người đào giếng để chuẩn bị cho chuyến hành trình xa của Tăng Đoàn đi về xứ Xá-vệ và cũng để có nước cho dân địa phương dùng nữa. Ngày xưa phương tiện giao thông chưa có, mà với một số lượng đông như thế thì chỉ có đi bộ, chứ xe nào mà chở cho hết. Có lẽ chỉ có những Ngài có thần thông là nhanh lẹ hơn ai hết, nhưng đức Phật cấm Ngài Mục Kiền Liên và các đệ tử khác thi triển thần lực. Do vậy trong trường hợp này chẳng có ai dùng đến.

Khi về đến xứ Xá-vệ, điều đầu tiên là Trưởng Giả Cấp Cô Độc trình diện dân làng và các quan chức địa phương, nói lên ý định của ông. Thế là những người lãnh đạo của 6 phái ngoại đạo lúc bấy giờ đưa ra điều kiện khắt khe và chống sự hiện diện của Đức Phật nơi xứ họ. Nghe xong, ông Cấp Cô Độc buồn lắm, nhưng Ngài Xá-lợi-phất thì thản nhiên. Đoạn Ngài hỏi những người đại diện của ngoại đạo muốn gì thì họ bảo rằng:

- Nếu đệ tử của ông Cồ-đàm mà tranh luận thắng được chúng tôi thì chúng tôi sẽ nhượng bộ để Trưởng Giả mua đất lập tinh xá. Còn nếu thua thì từ nay về sau không bao giờ ông Cồ-đàm và đệ tử được bén mảng đến nơi đây.

- Dĩ nhiên là chúng tôi chấp nhận.

Ngài Xá-lợi-phất trả lời chậm rãi và rất tự tin.

Sau bao nhiêu đêm tranh luận từ thuyết nhân duyên đến nghiệp lực, tái sanh, phước tội, tâm thức v.v... Cuối cùng thì Ngài Xá-lợi-phất đã nghiễm nhiên trở thành bậc Đại Luận Sư, Đại Trí Tuệ, đánh bạt tất cả những thuyết của ngoại đạo kia. Người mừng nhất là Trưởng Giả Cấp Cô Độc. Ông thưa với Ngài Xá-lợi-phất rằng:

- Thật là cao cả! Thật là tuyệt diệu. Nếu không phải Ngài về đây lần này thì chắc là chúng ta sẽ chẳng làm được gì để cung đón Đức Phật và Tăng Đoàn.

- Quả thật, Đấng Đạo Sư đã biết trước điều ấy.

- Do vậy Ngài mới gởi bậc Đại Trí Tuệ về đây, chứ không thì con sẽ phải khổ tâm không biết là dường nào.

Trước khi làm đệ tử Phật, Ngài Xá-lợi-phất đã là một bậc trí tuệ kỳ tài của phái ngoại đạo Trường Trảo rồi (người để móng tay dài). Nay gặp những phái kia thì Ngài đóng vai là Thầy của họ, làm sao không thắng thế được. Suy nghĩ miên man như thế, đoạn Trưởng giả tiếp lời:

- Chắc là chúng ta phải tiếp lo công việc đi tìm kiếm đất đai để xây dựng tinh xá.

- Theo Ngài nghĩ là nên chọn chỗ nào?

Ngài Xá-lợi-phất hỏi thế.

- Con đã xem xét hết tất cả đất đai vườn tược trong thành này rồi, chẳng có nơi đâu thích hợp hơn vườn cây của Thái Tử Kỳ Đà.

Ông Cấp Cô Độc trả lời.

- Nếu vậy thì xin Ngài cứ tiến hành.

Những ngày sau đó chính Trưởng Giả Cấp Cô Độc thân hành đến nơi cư ngụ của Thái Tử Kỳ Đà để thương lượng giá cả. Dĩ nhiên là Thái Tử cũng chẳng muốn bán khu vườn của mình làm gì, vì có túng thiếu gì đâu. Tuy nhiên, Thái Tử cũng thách thức rằng:

- Nếu ông lót vàng hết được vườn ấy thì tôi sẽ bán cho ông.

- Việc ấy tôi sẽ thực hiện.

Ông Cấp Cô Độc trả lời.

Thế là từ đó ngày lại ngày, Trưởng giả Cấp Cô Độc cho lấy hết vàng trong kho ra và chở đến để lót vườn của Thái Tử. Một hôm Thái Tử ngự ra vườn xem thì thấy lót gần xong, nên ân hận và bảo với Trưởng Giả Cấp Cô Độc rằng:

- Tôi chỉ thử lòng ông thôi. Không ngờ ông đã lót vàng gần xong rồi.

- Thưa Thái Tử! Một bậc trượng phu, kẻ sắp đứng đầu nhân dân trăm họ không thể nói đùa giỡn như thế được.

- Nhưng ta hỏi ngươi, vì sao mà ngươi tôn kính Sa-môn Cồ-đàm như thế?

- Đâu có gì lạ! Ngài cũng là một Đông Cung như Thái Tử đây, nhưng đã lìa bỏ ngôi báu và tìm ra con đường giác ngộ để cứu khổ nhân sanh.

- Con đường ấy như thế nào?

- Đó là khổ, nguyên nhân gây ra sự khổ, phương pháp để diệt khổ và tám con đường hướng đến sự giải thoát.

- Còn gì nữa?

- Dĩ nhiên là còn nhiều lắm. Kẻ hèn này không thể lãnh hội hết một lần được, nên mới có ý cung thỉnh Phật và Tăng Đoàn về đây để thuyết pháp cho nhân dân nghe và từ đó xứ sở của chúng ta sẽ được lợi lạc nhiều hơn.

- Nếu là vậy thì ta hoàn toàn đồng ý bán khu vườn này cho ngươi. Và cũng để tỏ lòng tôn kính bậc Đại Giác ấy, những nơi nào ngươi lót vàng không được (ý chỉ những gốc cây) thì nơi đó thuộc về ta. Còn nơi nào ngươi lót được thì nơi đó thuộc về ngươi. Cả hai chúng ta đều dâng cúng lên Đức Phật vậy.

Từ đó về sau mỗi khi chúng ta tụng kinh, những trang kinh mở đầu như kinh A Di Đà chẳng hạn đều có câu:

“Như thị ngã văn, nhứt thời Phật tại Xá-vệ quốc, Kỳ Thọ Cấp Cô Độc viên, dữ đại tỳ-kheo Tăng, thiên nhị bách ngũ thập nhơn câu, giai thị Đại A-la-hán, chúng sở tri thức. Trưởng Lão Xá-lợi-phất, Ma-ha Mục Kiền Liên, ...”

Nghĩa là: “Tôi nghe như vầy, một thuở nọ Đức Phật ở tại nước Xá-vệ, nơi cây của Thái Tử Kỳ Đà, vườn của Trưởng Giả Cấp Cô Độc cùng với 1250 vị Đại tỳ-kheo Tăng. Họ đều là những vị Đại A-la-hán, mọi người đều biết đến, như Ngài Trưởng Lão Xá-lợi-phất, Ma-ha Mục Kiền Liên...”

Ngài A-nan lúc nào cũng thân cận với Đức Phật. Chính ngày Đức Phật thành đạo ở Gaya là ngày Ngài A-nan ra đời, anh em cùng cha khác mẹ với Đức Phật và chữ A-nan Đà có nghĩa là Khánh Hỷ - niềm vui của mọi người. Đến năm hai mươi tuổi, Ngài A-nan mới đi xuất gia. Như vậy, suốt hai mươi năm ấy Ngài đã chẳng nghe, chẳng làm thị giả của Đức Phật. Cho nên, trước khi nhận làm thị giả cho đức Phật, Ngài A-nan có yêu cầu năm điều, trong đó có một điều rất quan trọng. Đó là: Dầu cho Đức Phật thuyết pháp ở nơi đâu, nếu vắng mặt ngài A-nan thì sẽ lặp lại cho Ngài A-nan được nghe.

Đây cũng là một yêu cầu dễ hiểu thôi. Vì lẽ trong hai mươi năm đầu sau khi Phật thành đạo, Ngài A-nan chưa có mặt bên Phật và những lúc Đức Phật lên Thiên Cung để thuyết pháp cho mẫu hậu Ma Da hay xuống Long Cung để nói pháp nơi cung rồng Ta Kiệt La thì làm sao Ngài A-nan có thể đi theo được? Vì lẽ khi Phật còn tại thế Ngài A-nan chưa chứng được quả A-la-hán, mà mãi đến sau khi Đức Phật nhập diệt 100 ngày, nhân việc kết tập kinh điển lần thứ nhất tại động Thất Diệp thì Ngài A-nan mới được lậu tận nhờ sự cổ võ của Ngài Ca-diếp. Từ đó về sau Ngài A-nan có bổn phận ghi nhớ để truyền đạt lại những gì mình đã nghe và đã thấy biết khi làm thị giả cho Đức Phật.

Những tháng ngày Đức Phật đi giảng đạo xa như trên các cõi Trời hay Long Cung thì tinh xá Kỳ Viên nơi vườn của Trưởng Giả Cấp Cô Độc trống vắng lạ thường. Ai đến thăm cũng đều chẳng gặp Phật. Do đó Ngài A-nan nảy ra ý rằng nên về nơi Kim Cương Tòa thỉnh một cành cây bồ-đề về đây trồng. Nếu ai không có nhân duyên gặp Phật thì đi đảnh lễ chung quanh cây Bồ-đề để tỏ lòng kính ngưỡng bậc Đại Giác thì cũng có công đức như vậy.

Nghĩ là làm, sau đó Ngài A-nan mang nhánh cây Bồ-đề về tinh xá Kỳ Viên để trồng và đến ngày hôm nay, sau hơn 2.500 năm lịch sử, cây đó vẫn còn, gọi là cây Bồ-đề A-nan. Cây này không lớn lắm so với cây chính, nhưng thân cây sần sùi, vạm vỡ chứng tỏ rằng đã trải qua không biết bao nhiêu phong sương cùng tuế nguyệt. Cây này đã tồn tại với mọi người và mọi thời đại. Ngay cả khi Phật còn tại thế, trong 25 mùa an cư kiết hạ tại tinh xá Kỳ Viên, Đức Phật cũng đã nhìn ngắm cây bồ-đề này nhiều lần rồi. Trong cuộc đời Ngài, suốt 49 mùa an cư thì riêng tại đây đã hơn phân nửa ghi dấu bước chân của bậc Đại Giác rồi.

Rồi Đức Phật cùng Tăng Đoàn di chuyển qua núi Linh Thứu, Tỳ-xá-ly cũng như các miền khác của Trung Ấn Độ. Nơi đâu Ngài cũng đã để lại không biết bao nhiêu là kỷ niệm khó quên. Như nơi này Ngài độ cho chàng Vô Não, nơi kia độ cho hoàng hậu vợ của vua Ba-tư-nặc, nơi đó độ cho A-xà-thế, Đề-bà-đạt-đa, hoàng hậu Vy-đề-hy. Hoặc cuối cùng độ cho Thuần-đà, Tu-bạt-đà-la nơi rừng Sa-la Song Thọ ở thành Câu-thi-na v.v... và v.v..., tất cả là chính sử và hầu như cuộc đời của Ngài chưa có cái gì là giả sử hay huyền sử cả.

Một hôm trên pháp hội Linh Sơn ở xứ Ma-kiệt-đà, nơi Đức Phật đã giảng những bộ kinh quan trọng như Bát-nhã, Pháp Hoa, Đại Bát Niết-bàn v.v... Ngài đã đưa lên một cành hoa sen. Trong chúng hội ai cũng ngơ ngác chẳng hiểu gì, chỉ có Ngài Ca-diếp là mỉm cười hiểu ý. Từ đó chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm chính Đức Phật đã trao truyền cho Ngài Ma-ha Ca-diếp.

Chánh pháp ấy, mạch sống đạo đã giúp cho bao nhiêu người giải thoát được sanh tử trần lao là do con mắt tuệ mới thấy rõ được. Khi đã thấy rõ được chánh pháp ấy thì Niết-bàn chính là đây và chơn tâm diệu hữu vốn là đó. Tâm này chỉ có thể truyền cho tâm kia qua sự nhận biết sự thật mà thôi, còn người ngoài thì quyết chẳng hiểu được điều gì.

Sau khi kết tập lần thứ nhất thì Ngài Ca-diếp cũng lần lượt viên tịch với những vị A-nhã Kiều-trần-như. Còn tâm truyền ấy Ngài Ca-diếp đã trao lại cho Ngài A-nan để làm Đệ Nhị Tổ. Ngài A-nan cố sống cho thật dài lâu để làm cho chánh pháp được cửu trụ Ta-bà và một hôm vào rừng, lúc ấy Ngài đã 120 tuổi, nghĩa là sau khi Phật nhập diệt 70 năm, Ngài nghe một chú tiểu đọc kinh Pháp Cú rằng:

“Dẫu cho sống đến trăm năm
Mà không thấy con vịt nước
Chi bằng sống một ngày
Mà thấy con vịt nước.”

Ngài A-nan đau buồn mới hỏi rằng:

- Ai dạy con điều đó?

- Thầy của con dạy con.

- Tại sao dạy cho con đọc sai vậy?

- Thầy con là bậc thông thái làm sao sai được. Chỉ có sư ông già rồi nên có sự nhầm lẫn thì có.

- Chắc không phải vậy đâu. Đây là nguyên văn của bài kệ:

“Dẫu cho sống đến trăm năm,
Mà không thấy pháp sanh diệt.
Chi bằng sống một ngày,
Mà thấy được pháp sanh diệt.”

Thấy sự sanh diệt mới quan trọng, chứ thấy con vịt nước để làm gì? Ngài A-nan buồn quá mới than rằng: Nào ngờ đâu ta muốn sống để kéo dài thọ mạng này cho chánh pháp được dài lâu, nhưng thực tế thì không phải vậy. Do đó mà Ngài muốn thâu thần tịch diệt vào Niết-bàn.

Các vua chúa thành Tỳ-xá-ly và thành Ba-la-nại, nơi nào cũng muốn Ngài nhập diệt nơi quê hương của mình để được lợi lạc quần sanh. Vì vậy cho nên cả hai nước đem binh hùng tướng dũng đến để đòi chia được quyền thiêng liêng ấy.

Sau đó Ngài A-nan mới quyết định là Ngài nhập diệt trên sông Hằng. Ngài dùng thần lực bay lên hư không, rồi dùng lửa tam-muội để hỏa thiêu thân mình. xá-lợi từ không trung rơi xuống hai bên sông Hằng và vua chúa hai nước đã thu xá-lợi của Ngài A-nan. Sau đó mỗi bên đem về nước mình, dựng lên tháp báu để thờ xá-lợi của Ngài A-nan.

Cả hai cây bồ-đề tại Gaya và nước Xá-vệ chắc là buồn lắm. Vì hai bậc Đại Giác Ngộ đã đi rồi. Dĩ nhiên là vẫn còn chứ. Còn nhiều lắm những người ngày đêm đến đây chiêm ngưỡng, lễ bái nguyện cầu và cây thiêng kia cứ thế mà đâm chồi nảy lộc. Có người mang nước đến để tưới vào gốc cây. Có người mang sữa bò quý hiếm cũng đổ vào gốc cây để mong rằng gốc cây càng ngày càng được phát triển.

Mặc dầu cây, cành, lá bồ-đề cũng buồn thương đó, nhưng càng ngày càng đâm chồi nảy lộc xanh tươi hơn, khiến ai cũng hoan hỷ vui mừng. Mặc cho thời tiết của Ấn Độ vào mùa hè ở những nơi đó đôi khi khí trời lên đến 50 độ C. Còn mùa đông cũng không thiếu sương sa giá buốt, nhưng nhờ từ lực của Thế Tôn, nhờ lòng bi mẫn của Ngài A-nan mà những cành cây ấy càng ngày càng phát triển nhiều hơn xưa. Mới chỉ hơn một trăm năm thôi mà như một cây đại thọ đã sống qua cả mấy ngàn năm rồi.

Chữ bồ-đề có nghĩa là giác ngộ. Chữ này nguyên văn tiếng Phạn là boddhi. Trong này có hai thành tố, một là chữ “bod” có nghĩa là người, kẻ... Còn tiếp vĩ ngữ “dhi” có nghĩa là giác ngộ, hiểu biết, thông suốt. Như thế bất cứ cây nào mà các bậc Đại Giác ngồi nơi ấy giác ngộ thì cây ấy cũng sẽ gọi là cây bồ-đề.

Như Ngài Di Lặc sẽ ra đời trong chừng bảy triệu năm nữa, Ngài vẫn ngồi nơi Kim Cang Tòa này, nhưng lúc ấy Vua Rồng giúp đỡ để thành đạo, nên cây này sẽ được gọi là cây rồng (Long) và trổ bông (Hoa) đến ba lần như thế và mỗi lần Ngài độ được khoảng một triệu người giác ngộ. Ngày tháng ấy tuy xa nhưng cũng đã sắp lại gần.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 8 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Đại Bát Niết bàn Tập 1


Kinh Duy-ma-cật (Việt dịch)


Tự lực và tha lực trong Phật giáo


Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 1

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.116.36.54 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...