Một người chưa từng mắc lỗi là chưa từng thử qua bất cứ điều gì mới mẻ. (A person who never made a mistake never tried anything new.)Albert Einstein
Hãy nhớ rằng hạnh phúc nhất không phải là những người có được nhiều hơn, mà chính là những người cho đi nhiều hơn. (Remember that the happiest people are not those getting more, but those giving more.)H. Jackson Brown, Jr.
Nụ cười biểu lộ niềm vui, và niềm vui là dấu hiệu tồn tại tích cực của cuộc sống.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Thật không dễ dàng để tìm được hạnh phúc trong chính bản thân ta, nhưng truy tìm hạnh phúc ở bất kỳ nơi nào khác lại là điều không thể. (It is not easy to find happiness in ourselves, and it is not possible to find it elsewhere.)Agnes Repplier
Hạnh phúc và sự thỏa mãn của con người cần phải phát xuất từ chính mình. Sẽ là một sai lầm nếu ta mong mỏi sự thỏa mãn cuối cùng đến từ tiền bạc hoặc máy điện toán.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Hạnh phúc giống như một nụ hôn. Bạn phải chia sẻ với một ai đó mới có thể tận hưởng được nó. (Happiness is like a kiss. You must share it to enjoy it.)Bernard Meltzer
Hãy học cách vui thích với những gì bạn có trong khi theo đuổi tất cả những gì bạn muốn. (Learn how to be happy with what you have while you pursue all that you want. )Jim Rohn
Bạn nhận biết được tình yêu khi tất cả những gì bạn muốn là mang đến niềm vui cho người mình yêu, ngay cả khi bạn không hiện diện trong niềm vui ấy. (You know it's love when all you want is that person to be happy, even if you're not part of their happiness.)Julia Roberts
Mỗi cơn giận luôn có một nguyên nhân, nhưng rất hiếm khi đó là nguyên nhân chính đáng. (Anger is never without a reason, but seldom with a good one.)Benjamin Franklin

Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Kinh Đại Bát Niết-bàn »» QUYỂN 39 - Phẩm KIỀU-TRẦN-NHƯ - Phẩm thứ mười ba - Phần một »»

Kinh Đại Bát Niết-bàn
»» QUYỂN 39 - Phẩm KIỀU-TRẦN-NHƯ - Phẩm thứ mười ba - Phần một

Donate

(Lượt xem: 12.047)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Kinh Đại Bát Niết-bàn - QUYỂN 39 - Phẩm KIỀU-TRẦN-NHƯ - Phẩm thứ mười ba - Phần một

Font chữ:


Diễn đọc: Diệu Pháp Âm
Khi ấy, đức Thế Tôn bảo ông Kiều-trần-như rằng: “Sắc [ấm] là vô thường. Nhờ phá trừ sắc [vô thường] này mà đạt được sắc giải thoát, thường còn. Thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Nhờ phá trừ [những thọ, tưởng, hành] thức [vô thường] này mà đạt được [thọ, tưởng, hành] thức giải thoát, thường còn.

“Kiều-trần-như! Sắc tức là khổ. Nhờ phá trừ cái sắc [là khổ] này mà đạt được cái sắc giải thoát, an vui. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy.

“Kiều-trần-như! Sắc tức là không. Nhờ phá trừ cái sắc [là không] này mà đạt được cái sắc giải thoát, chẳng phải không. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy.

“Kiều-trần-như! Sắc là vô ngã. Nhờ phá trừ cái sắc [vô ngã] này mà đạt được cái sắc giải thoát, chân ngã. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy.

“Kiều-trần-như! Sắc là bất tịnh. Nhờ phá trừ cái sắc [bất tịnh] này mà đạt được cái sắc giải thoát, thanh tịnh. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy.

“Kiều-trần-như! Sắc là tướng của sanh, già, bệnh, chết. Nhờ phá trừ cái sắc [là tướng của sanh, già, bệnh, chết] này mà đạt được cái sắc giải thoát, chẳng phải tướng của sanh, già, bệnh, chết. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy.

“Kiều-trần-như! Sắc là nhân của vô minh cho đến sanh. Nhờ phá trừ cái sắc [là nhân của vô minh cho đến sanh] này mà đạt được cái sắc giải thoát, chẳng phải nhân của vô minh [cho đến sanh]. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy.

“Kiều-trần-như! Sắc là nguyên nhân của bốn sự điên đảo. Nhờ phá trừ cái sắc [điên đảo] này mà đạt được cái sắc giải thoát, chẳng phải nguyên nhân của bốn sự điên đảo. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy.

“Kiều-trần-như! Sắc là nguyên nhân của vô số pháp xấu ác như thân nam, thân nữ, ham muốn sự ăn uống, ái dục, tham lam, sân hận, tật đố, tâm xấu ác, tâm keo kiệt bủn xỉn... những sự ăn uống [nuôi sống] bằng cách nhai nuốt, [nuôi sống] bằng thức, [nuôi sống] bằng tư tưởng, [nuôi sống] bằng cảm xúc; sự sanh ra bằng trứng, bằng bào thai, bằng sự ẩm ướt, bằng cách biến hóa... cho đến năm món dục lạc, năm sự ngăn che... Những pháp như vậy đều có nguyên nhân từ sắc. Nhờ phá trừ sắc này mà đạt được cái sắc giải thoát, không có vô số sự xấu ác như vậy. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy.

“Kiều-trần-như! Sắc là trói buộc. Nhờ phá trừ cái sắc trói buộc mà đạt được cái sắc giải thoát, không trói buộc. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy.

“Kiều-trần-như! Sắc là sự lưu chuyển. Nhờ phá trừ cái sắc lưu chuyển mà đạt được cái sắc giải thoát, không lưu chuyển. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy.

“Kiều-trần-như! Sắc chẳng phải nơi quay về nương dựa. Nhờ phá trừ cái sắc này mà đạt được cái sắc giải thoát, là nơi quay về nương dựa. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy.

“Kiều-trần-như! Sắc là ung nhọt [đau đớn đáng ghê tởm]. Nhờ phá trừ cái sắc [như ung nhọt] này mà đạt được cái sắc giải thoát, không phải ung nhọt. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy.

“Kiều-trần-như! Sắc không phải vắng lặng yên tĩnh. Nhờ phá trừ cái sắc [không vắng lặng yên tĩnh] này mà đạt được cái sắc Niết-bàn, vắng lặng yên tĩnh. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy.

“Kiều-trần-như! Nếu ai rõ biết những điều như trên, người ấy đáng gọi là sa-môn, bà-la-môn, thành tựu trọn vẹn các pháp của sa-môn, bà-la-môn.

“Kiều-trần-như! Nếu lìa pháp Phật thì không hề có sa-môn, bà-la-môn, cũng không có các pháp của sa-môn, bà-la-môn. Tất cả ngoại đạo chỉ tự xưng một cách giả dối, không hề có đạo hạnh chân thật. Tuy họ khởi sanh tư tưởng rằng [trong nhóm của họ] có sa-môn và bà-la-môn, nhưng thật không thể có. Vì sao vậy? Nếu không có các pháp sa môn, bà-la-môn, làm sao nói là có sa-môn, bà-la-môn?

“Ta thường ở giữa đại chúng này lên tiếng [thuyết giảng Chánh pháp rền vang như tiếng] sư tử rống; các ông cũng nên ở giữa đại chúng lên tiếng [thuyết giảng Chánh pháp rền vang như tiếng] sư tử rống.”

Bấy giờ, có vô số ngoại đạo nghe những lời ấy rồi sanh lòng giận dữ, nghĩ rằng: “Nay ông Cồ-đàm nói rằng trong chúng ta không có sa-môn và bà-la-môn, cũng không có các pháp sa-môn và bà-la-môn. Chúng ta phải làm sao tìm mọi cách thích hợp để nói với ông Cồ-đàm rằng trong số chúng ta cũng có sa-môn và có pháp sa-môn, cũng có bà-la-môn và có pháp bà-la-môn.”

Lúc ấy, trong chúng [ngoại đạo] có một Phạm chí đứng lên nói rằng: “Thưa các vị, lời nói của ông Cồ-đàm chẳng khác nào lời của người điên, làm sao có thể khảo xét? Những người điên ở thế gian khi thì ca hát, nhảy múa, lúc lại khóc lóc, cười đùa, hoặc chưởi mắng, hoặc ngợi khen, đối với kẻ oán người thân đều không thể phân biệt. Sa-môn Cồ-đàm cũng giống như vậy. Hoặc có khi nói là sanh trong gia đình vua Tịnh Phạn, có khi lại nói là không sanh; có khi nói là sanh ra rồi liền đi bảy bước, có khi lại nói là không đi; có khi nói là thuở nhỏ học tập các môn học thế gian, có khi lại nói là người [tự mình] rõ biết tất cả; có khi ở trong cung điện thọ hưởng khoái lạc, sanh ra con trai, có khi lại chán ngán, chê trách đó là xấu xa hèn hạ; có khi chính mình tu tập khổ hạnh sáu năm, có khi lại quở trách sự khổ hạnh của các đạo khác; có khi nói là theo học với các ông Uất-đầu-lam-phất, A-la-la... được nghe nhận những điều chưa biết, có khi lại nói rằng các ông ấy không hiểu biết chi cả; có khi nói là chứng đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề dưới gốc cây bồ-đề, có khi lại nói là không có đến chỗ cây ấy, không có chứng đắc gì cả; có khi nói rằng thân này của ta tức là Niết-bàn, có khi lại nói thân này diệt mất rồi mới là Niết-bàn. Những lời Cồ-đàm nói ra [như vậy] thật không khác gì lời của người điên, sao các vị lại vì đó mà ưu sầu, bối rối?”

Những người bà-la-môn liền đáp rằng: “Thưa ông! Chúng tôi hôm nay làm sao có thể không ưu sầu? Trước kia, sau khi xuất gia, sa-môn Cồ-đàm thuyết dạy những lẽ vô thường, khổ, không, vô ngã, bất tịnh. Những đệ tử của chúng tôi nghe vậy lấy làm sợ sệt: ‘Làm sao chúng sanh lại là vô thường, khổ, không, vô ngã, bất tịnh?’ Nên họ chẳng tin theo lời ấy. Nay ông Cồ-đàm lại đến rừng Sa-la này, vì đại chúng mà thuyết dạy rằng có những pháp thường, lạc, ngã, tịnh. Những đệ tử của chúng tôi nghe được lời này rồi, ắt sẽ bỏ chúng tôi mà đi, tin theo lời dạy của Cồ-đàm. Vì nhân duyên ấy mà chúng tôi vô cùng sầu khổ.”

Bấy giờ lại có một vị bà-la-môn nói rằng: “Này các vị! Hãy lắng nghe cho kỹ lời tôi nói đây! Sa-môn Cồ-đàm xưng là người tu hạnh từ bi, lời nói ấy là hư dối, không chân thật. Nếu có lòng từ bi, sao lại dạy các đệ tử của chúng ta thọ nhận giáo pháp của ông ấy? Kết quả của [sự tu hạnh] từ bi là thuận theo ý người khác, nay ông ấy làm trái ý nguyện của chúng ta, sao có thể nói là từ bi?

“Nếu nói rằng sa-môn Cồ-đàm không bị tám pháp của thế gian đắm nhiễm, cũng là lời hư dối. Nếu nói Cồ-đàm có ít ham muốn, lòng tự biết đủ, vì sao hôm nay lại cướp mất những lợi ích của chúng ta?

“Nếu nói rằng Cồ-đàm thuộc dòng họ cao quý, đó cũng là lời hư dối. Vì sao vậy? Xưa nay chưa từng nghe thấy việc chúa sư tử lớn tàn hại loài chuột nhỏ. Nếu Cồ-đàm thuộc dòng họ cao quý, sao hôm nay lại gây rối loạn phiền não cho chúng ta?

“Nếu nói rằng Cồ-đàm có đầy đủ thế lực mạnh mẽ, đó cũng là lời hư dối. Vì sao vậy? Xưa nay chưa từng nghe thấy việc chim chúa kim sí đi tranh giành với chim quạ. Nếu nói [Cồ-đàm thật] có sức mạnh thì việc gì lại cùng chúng ta tranh đấu?

“Nếu nói rằng Cồ-đàm có đủ trí Tha tâm, đó cũng là lời hư dối. Vì sao vậy? Nếu có đủ trí Tha tâm thì do nhân duyên gì lại không biết được tâm của chúng ta?

“Thưa các vị! Thuở trước, tôi từng được nghe các bậc trí giả kỳ cựu nói rằng: Sau một trăm năm nữa, thế gian sẽ có một con yêu tinh huyễn hoặc xuất hiện, chính là ông Cồ-đàm này đó. Nay yêu tinh huyễn hoặc ấy đang ở rừng Sa-la này, không bao lâu nữa sẽ [tự hoại] diệt mất. Vậy các vị không nên sầu não.”

Bấy giờ, có một người thuộc phái Ni-kiền đáp lại: “Thưa các vị! Nay tôi sầu khổ không phải vì việc đệ tử cúng dường cho tôi, mà chỉ vì người thế gian ngu si tăm tối không có mắt nhìn, chẳng phân biệt được đâu là ruộng phước, nên từ bỏ những vị bà-la-môn kỳ cựu có trí mà chạy theo cúng dường những người tuổi trẻ. Vì thế nên tôi sầu khổ!

“Sa-môn Cồ-đàm rất giỏi chú thuật. Nhờ sức chú thuật nên có thể làm cho một thân hóa làm vô số thân, lại làm cho vô số thân trở lại thành một thân; hoặc có thể tự thân hóa thành kẻ nam, người nữ, bò, dê, voi, ngựa... Sức tôi có thể diệt trừ chú thuật như vậy. Khi chú thuật của sa-môn Cồ-đàm bị diệt rồi, các vị sẽ được cúng dường trở lại rất nhiều, thọ hưởng sự an vui.”

Bấy giờ, lại có một vị bà-la-môn nói rằng: “Này các vị! Sa-môn Cồ-đàm thành tựu đầy đủ vô lượng công đức, vì thế các vị chớ nên tranh [hơn thua] với ông ấy.”

Đám đông ngoại đạo đáp rằng: “Kẻ ngu si kia! Sao ông lại nói rằng sa-môn Cồ-đàm có đầy đủ công đức lớn? Ông ấy sanh ra vừa được bảy ngày thì mất mẹ, đó có thể gọi là tướng phước đức hay sao?”

Vị bà-la-môn kia đáp: “Khi bị mắng chửi mà không tức giận, khi bị đánh đập mà không đánh trả, nên biết rằng đó chính là tướng phước đức lớn. Thân ông ấy có đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, vô lượng thần thông, cho nên biết rằng đó là tướng phước đức. Lòng không kiêu ngạo, thường tùy ý [người khác] mà hỏi han; lời nói ra nhẹ nhàng êm dịu, không thô tục; tuổi tác và chí khí đang lúc thanh xuân cường tráng cũng không hấp tấp, nóng nảy; [ở cương vị sẽ] làm vua trị nước có nhiều của cải nhưng không tham tiếc, buông bỏ tất cả như nhổ bãi nước bọt ra đi xuất gia; cho nên tôi nói rằng sa-môn Cồ-đàm thành tựu đầy đủ vô lượng công đức.”

Chúng ngoại đạo đáp rằng: “Lành thay! Quả thật đúng như lời ông nói, sa-môn Cồ-đàm thành tựu vô lượng thần thông biến hóa. Chúng ta không so đo với ông ta việc ấy. Nhưng sa-môn Cồ-đàm sanh ra tánh tình nhu nhuyễn, không chịu nỗi sự khổ hạnh; sanh trưởng trong cung cấm, không thấu rõ những việc ngoài đời. Ông ấy chỉ biết nói lời êm dịu mà thôi, không thông thạo các môn kỹ nghệ, sách sử, luận nghị... Hãy mời ông ấy cùng chúng ta tranh biện rõ ràng những điều cốt yếu trong chánh pháp. Nếu ông ấy thắng, chúng ta sẽ theo hầu hạ ông ấy; nếu chúng ta thắng, ông ấy sẽ phải phụng sự chúng ta.”

Bấy giờ có vô số ngoại đạo cùng họp nhau, đồng lòng đi đến chỗ vua A-xà-thế, nước Ma-già-đà. Nhìn thấy họ, nhà vua liền hỏi: “Này các vị! Các vị thảy đều tu tập Thánh đạo, là người xuất gia, lìa bỏ của cải cùng những việc gia đình. Nhân dân trong nước này đều cùng nhau cúng dường, cung kính chiêm ngưỡng các vị, không ai dám xúc phạm. Vì sao các vị lại đồng lòng họp nhau đến đây?

“Này các vị! Các vị đều thọ nhận những pháp khác nhau, giữ giới khác nhau, xuất thân từ hoàn cảnh gia đình khác nhau, mỗi vị lại tùy theo giới luật và giáo pháp của riêng mình mà xuất gia tu đạo. Nay có nhân duyên thế tục chi mà các vị một lòng hợp lại cùng nhau, như đám lá rụng bị cơn gió xoáy gom về một chỗ? Hãy nói ra nhân duyên gì mà các vị đến đây? Trẫm đây vẫn thường hết lòng ủng hộ những người xuất gia, chẳng tiếc thân mạng.”

Bấy giờ, tất cả ngoại đạo đồng tâu lên rằng: “Đại vương! Xin hãy nghe cho kỹ. Nay đại vương là cây cầu lớn của giáo pháp, là sự khuyến khích lớn của giáo pháp, là đòn cân lớn của giáo pháp, là nơi chứa đựng tất cả công đức, là tánh chân thật của tất cả công đức, là con đường của giáo pháp chân chánh. Ngài là ruộng tốt để gieo hạt giống, là căn bản của tất cả đất nước, là gương sáng của cả nước, là hình tượng của tất cả chư thiên, là bậc cha mẹ của tất cả nhân dân trong nước.

“Đại vương! Thân ngài là kho báu chứa tất cả công đức của thế gian. Vì sao gọi là kho chứa công đức? Đức vua phân xử việc nước không phân biệt kẻ oán người thân, giữ tâm bình đẳng [vô tư] như đất, nước, lửa, gió; vì thế nên tôn xưng vua là kho chứa công đức.

“Đại vương! Tuy hiện tại đời sống của chúng sanh là ngắn ngủi, nhưng công đức của vua lâu dài như những vị vua trường thọ an vui thuở xưa; lại cũng như các vua Đỉnh Sanh, Thiện Kiến, Nhẫn Nhục, Na-hầu-sa, Da-da-đế, Thi-tỳ, Nhất-xoa-cưu... Những vị vua ấy đều có đầy đủ pháp lành, nay đại vương cũng [đầy đủ pháp lành] như họ.

“Đại vương! Nhờ có nhà vua mà đất nước được an vui, nhân dân giàu mạnh, cho nên tất cả người xuất gia đều ưa thích đất nước này, [cùng đến đây] giữ giới tinh cần, tu tập đạo chân chánh.

“Đại vương! Trong kinh chúng tôi có nói: ‘Nếu người xuất gia ở tại nước nào mà trì giới tinh tấn, chuyên cần tu tập đạo chân chánh, thì vua nước ấy cũng có phần [công đức] tu thiện.

“Đại Vương! Tất cả giặc cướp vua đều đã dẹp yên, những người xuất gia không còn phải sợ sệt. Nay chỉ còn duy nhất một kẻ đại ác là sa-môn Cồ-đàm. Vua chưa khảo xét người ấy, chúng tôi rất lo sợ. Người ấy ỷ mình [xuất thân] dòng tộc cao quý, có thân hình đẹp đẽ, lại nhờ phước báo bố thí đời trước nên được cúng dường nhiều, liền dựa vào những việc đó mà sanh ra hết sức kiêu mạn. Hoặc nhân ở chú thuật mà sanh kiêu mạn. Vì nhân duyên ấy nên không chịu khổ hạnh mà vẫn thọ lãnh, chứa trữ mọi thứ áo quần, mền gối mềm mại tốt đẹp. Vì thế, tất cả những kẻ xấu ác khắp thế gian, vì sự lợi dưỡng mà tụ họp đến chỗ ông ấy làm quyến thuộc, chẳng chịu tu hành khổ hạnh. Ông ấy dùng sức chú thuật mà điều phục Ca-diếp với bọn các ông Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên...

“Nay ông ấy lại đến chỗ của chúng tôi trong rừng Sa-la, lớn tiếng thuyết dạy rằng thân này là thường, lạc, ngã, tịnh để dụ dỗ đệ tử của chúng tôi.

“Đại Vương! Trước đây Cồ-đàm thuyết dạy về vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh, chúng tôi còn có thể nhịn được; nhưng nay ông ấy lớn tiếng thuyết dạy là thường, lạc, ngã, tịnh, chúng tôi thật không nhịn được nữa. Xin đại vương cho phép chúng tôi cùng với ông Cồ-đàm kia mở cuộc tranh biện.”

Vua [A-xà-thế] liền đáp rằng: “Này các vị! Nay các ông đã nghe ai xúi giục mà trong lòng cuồng loạn chẳng yên, khác nào như nước nổi sóng, như lửa cuồn cuộn, như khỉ chuyền cành? Việc này thật đáng hổ thẹn. Người có trí nghe được ắt lấy làm thương xót, kẻ ngu si nghe được ắt phải chê cười. Những điều các ông nói đó, chẳng phải tướng trạng của người xuất gia. Nếu các ông mắc phải các bệnh thời khí hay ung nhọt, ta đều có thuốc để trị. Nếu các ông vướng phải bệnh quỷ thần thì chú thuật Kỳ-bà nhà ta có thể trừ khử. Nhưng nay các ông lại muốn dùng móng tay mà cào cấu núi Tu-di, dùng răng trong miệng mà cắn nghiến kim cương, [thật không thể cứu chữa]!

“Này các vị! Ví như có người ngu si, thấy chúa sư tử lúc đói đang nằm ngủ lại toan đánh thức, hoặc như người lấy ngón tay đưa vào miệng rắn độc, lại như người muốn dùng tay chạm vào đống tro che phủ than lửa. Nay các ông cũng [ngu si giống] như vậy!

“Này các vị! Ví như con chồn hoang [muốn] rống tiếng sư tử, như con muỗi đọ sức nhanh chậm với chim kim sí, như con thỏ [muốn] lội qua biển và đưa chân chạm đến đáy. Nay các ông cũng [điên cuồng] giống như vậy! Nếu như các ông có nằm mộng thấy mình thắng được sa-môn Cồ-đàm, thì giấc mộng ấy cũng chỉ là điên cuồng huyễn hoặc, không thể tin được.

“Này các ông! Nay các ông khởi lên ý định ấy, chẳng khác gì con thiêu thân lao vào đống lửa lớn. Các ông nên nghe lời trẫm, đừng nói thêm nữa. Tuy các ông ngợi khen trẫm là bình đẳng như đòn cân, nhưng thật không nên để cho người ngoài nghe được lời ấy.”

Lúc ấy, bọn ngoại đạo lại tâu rằng: “Đại vương! Hẳn là huyễn thuật của sa-môn Cồ-đàm đã đến được chỗ ngài rồi chăng, nên mới khiến ngài sanh lòng hồ nghi, chẳng tin vào các vị thánh nhân. Đại vương không nên khinh miệt những vị đại sĩ ở đây.

“Đại vương! Mặt trăng khi tròn khi khuyết, nước trong biển cả đều mặn, núi Ma-la-diên kia, những sự vật ấy do ai làm ra? Há chẳng phải những vị bà-la-môn của chúng tôi đó sao? Đại vương lẽ nào không nghe việc tiên A-kiệt-đa ngăn dòng nước sông Hằng suốt mười hai năm trong lỗ tai [ông ấy] hay sao? Đại vương lẽ nào không nghe việc tiên Cồ-đàm hiện thần thông lớn, trong suốt mười hai năm tự biến mình thành thân Đế-thích, biến thân Đế-thích thành thân con dê đực, lại biến ra một ngàn cái nữ căn trên thân Đế-thích? Đại vương lẽ nào không nghe việc tiên Kỳ-nậu chỉ trong một ngày uống cạn nước bốn biển, khiến đất đai khô kiệt? Đại vương lẽ nào không nghe việc tiên Bà-tẩu vì vị trời Tự tại mà tạo ra ba con mắt đó sao? Đại vương lẽ nào không nghe việc tiên A-la-la làm cho thành Ca-la-phú hóa ra vùng đất chai mặn đó sao?

“Đại vương! Trong đạo bà-la-môn có các vị tiên thần lực lớn lao như vậy, hiện có thể khảo xét, vì sao đại vương lại có lòng khinh miệt?”

Vua đáp: “Các vị! Nếu các vị không tin lời ta, cố ý muốn làm, thì đức Chánh giác Như Lai hiện đang ở trong rừng Sa-la gần đây. Các ông có thể đến để tùy ý chất vấn. Đức Như lai sẽ vì các ông mà phân biệt giải đáp, phù hợp với tâm ý của các ông.”

Bấy giờ, vua A-xà-thế với các người ngoại đạo và đồ chúng quyến thuộc của họ cùng đi đến chỗ Phật. Vua cúi đầu và mặt làm lễ sát dưới chân Phật, rồi đi quanh Phật ba vòng theo chiều bên phải. Lễ nghi cung kính vừa xong, vua lui lại đứng sang một bên, bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Những ngoại đạo này muốn được tùy ý chất vấn, xin Như Lai tùy ý giải đáp.”

Phật dạy: “Được, xin đại vương cứ tạm chờ ở đó, ta tự biết lúc thích hợp [để giải đáp cho họ].

Lúc ấy, trong chúng hội có một bà-la-môn tên Xà-đề-thủ-na lên tiếng hỏi: “Cồ-đàm! Có phải ông nói rằng Niết-bàn là pháp thường còn?

Phật đáp: “Đại bà-la-môn, quả đúng như vậy!”

Bà-la-môn ấy nói tiếp: “Cồ-đàm! Nếu nói rằng Niết-bàn là thường, nghĩa ấy không đúng. Vì sao vậy? Như pháp thế gian, từ hạt sanh quả, tiếp nối nhau chẳng dứt; như từ đất sét mà tạo ra bình, từ sợi chỉ mà [dệt] thành áo.

“Cồ-đàm thường nói: ‘Nhờ tu tập pháp quán tưởng vô thường mà đạt được Niết-bàn.’ Nhân là vô thường, quả làm sao là thường?

“Cồ-đàm lại nói: ‘Giải thoát khỏi lòng tham trong Dục giới tức là Niết-bàn. Giải thoát khỏi lòng tham trong Sắc giới và Vô sắc giới tức là Niết-bàn. Diệt trừ vô minh với tất cả phiền não tức là Niết-bàn.’ Từ dục cho tới vô minh, phiền não đều là vô thường. Nhân là vô thường thì [quả] Niết-bàn đạt được đó lẽ ra cũng phải là vô thường!

“Cồ-đàm lại nói: ‘Do nhân [đã tạo] mà được sanh lên cõi trời; do nhân [đã tạo] mà phải đọa xuống địa ngục; do nhân [đã tạo] mà được giải thoát. Vì thế, các pháp đều do nhân mà sanh.’ Nếu do nhân sanh mà được giải thoát, thì giải thoát ấy sao có thể nói là thường?

“Cồ-đàm cũng nói: ‘Sắc do duyên sanh nên gọi là vô thường. Thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy.’ Như vậy, nếu giải thoát là sắc thì nên biết đó là vô thường. [Nếu là] thọ, tưởng, hành, thức thì cũng như vậy. Còn nếu lìa cả năm ấm [sắc, thọ, tưởng, hành, thức] mà có giải thoát, thì nên biết giải thoát ấy tức là hư không. Nếu là hư không thì không thể nói là do nhân duyên sanh. Vì sao vậy? Vì hư không là thường còn, là duy nhất, là khắp cả mọi nơi.

“Cồ-đàm cũng nói: ‘Do nhân mà sanh tức là khổ.’ Nếu đã là khổ, vì sao lại nói giải thoát là [an] lạc?

“Cồ-đàm lại nói: ‘Vô thường tức khổ, khổ tức vô ngã. Nếu là vô thường, khổ, vô ngã, tức là bất tịnh. Tất cả các pháp do nhân sanh ra đều là vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh, vì sao lại nói Niết-bàn tức là thường, lạc, ngã, tịnh?

“Nếu Cồ-đàm nói rằng [Niết-bàn] là thường, cũng là vô thường; là lạc, cũng là khổ; là ngã, cũng là vô ngã; là tịnh, cũng là bất tịnh; như vậy chẳng phải là nói hai lời đó sao? Tôi từng được nghe những vị trí giả kỳ cựu trước đây nói rằng: ‘Nếu Phật ra đời thì không nói hai lời.’ Nay [nếu là như vậy thì] Cồ-đàm đã nói hai lời.

“Cồ-đàm lại nói: ‘Phật chính là thân này của ta hiện nay.’ Nghĩa ấy thế nào?”

Phật dạy: “Bà-la-môn! Theo những gì ông vừa nói, nay ta sẽ hỏi ông, ông cứ tùy ý trả lời.”

Bà-la-môn đáp: “Lành thay! Cồ-đàm, [xin ông cứ hỏi]!

Phật hỏi: “Bà-la-môn! Tánh của ông là thường hay vô thường?”

Bà-la-môn đáp: “Tánh của tôi là thường.”

Phật hỏi: “Bà-la-môn! Tánh ấy có thể làm nhân cho tất cả các pháp trong [thân] và ngoài [thân] hay chăng?”

Đáp: “Đúng vậy, Cồ-đàm!”

Phật lại hỏi: “Bà-la-môn! Làm nhân như thế nào?”

Bà-la-môn đáp: “Cồ-đàm! Do nơi tánh sanh ra đại; do nơi đại sanh ra mạn, do nơi mạn sanh ra mười sáu pháp, đó là: địa, thủy, hỏa, phong, không, năm căn nhận biết [gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân], năm căn tạo nghiệp [gồm tay, chân, miệng nói và hai căn nam, nữ] và căn tâm bình đẳng. Mười sáu pháp vừa kể do nơi năm pháp mà sanh, đó là hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm và xúc chạm. Cả hai mươi mốt pháp này có căn bản là ba pháp: nhiễm, thô và đen. Nhiễm gọi là ái; thô gọi là sân; đen gọi là vô minh.

“Cồ-đàm! Hai mươi lăm pháp này đều do nơi tánh sanh ra.”

Đức Phật lại hỏi: “Bà-la-môn! Pháp đại và tất cả các pháp kia là thường hay vô thường?”

Vị bà-la-môn đáp: “Cồ-đàm! Theo pháp của chúng tôi thì tánh là thường, còn pháp đại và tất cả các pháp kia đều là vô thường.”

Phật dạy: “Bà-la-môn! Theo pháp của các ông [như vậy] thì nhân là thường, quả là vô thường. Vậy pháp của ta dạy nhân tuy vô thường nhưng quả lại thường có gì là sai?

“Này bà-la-môn! Trong pháp của các ông có [phân biệt] hai loại nguyên nhân chăng?”

Đáp: “Thưa có.”

Phật hỏi: “Thế nào là có hai nguyên nhân?”

Bà-la-môn đáp: “Một là nguyên nhân sanh ra, hai là nguyên nhân soi rõ.”

Phật lại hỏi: “Thế nào là nhân sanh ra? Thế nào là nhân soi rõ?”

Bà-la-môn đáp: “Nguyên nhân sanh ra là như từ đất sét làm thành cái bình; nguyên nhân soi rõ là như ánh đèn soi rõ đồ vật.”

Đức Phật hỏi: “Hai loại nhân này vẫn cùng một tánh [là làm nhân cho pháp khác]. Nếu là một [tánh], vậy có thể lấy nhân sanh ra làm nhân soi rõ hoặc ngược lại hay chăng?”

Bà-la-môn đáp: “Không thể, Cồ-đàm!

Phật lại hỏi: “Nếu nhân sanh ra không thể làm nhân soi rõ hoặc ngược lại, vậy có thể nói là có tướng trạng của nhân hay chăng?”

Bà-la-môn đáp: “Tuy không thể thay thế cho nhau, nhưng vẫn có tướng trạng của nhân.”

Phật lại hỏi: “Bà-la-môn! Đối tượng soi rõ của nhân soi rõ ấy có đồng nhất với tự thân nó chăng?”

Đáp: “Thưa Cồ-đàm, không!”

Phật dạy: “Trong giáo pháp của ta [cũng vậy], tuy từ nơi vô thường mà đạt được Niết-bàn, nhưng [Niết-bàn] chẳng phải vô thường, [không đồng nhất với vô thường.

“Bà-la-môn! Do nhân rõ biết mà đạt được, cho nên là thường, lạc, ngã, tịnh. Do nhân sanh ra mà có, cho nên là vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh. Vì thế, chỗ thuyết dạy của Như Lai tuy có phân thành hai [nghĩa], nhưng sự phân hai này không thật có hai [nghĩa], cho nên Như Lai không hề nói hai lời.

“Như lời ông vừa nói là đã từng nghe những bậc trí giả kỳ cựu trước đây nói rằng: ‘Nếu Phật ra đời thì không nói hai lời.’ Lời ấy đúng thay! Chỗ thuyết dạy của tất cả chư Phật ba đời trong mười phương đều không có sai biệt, cho nên nói rằng: ‘Phật không nói hai lời.’ Thế nào là không sai biệt? Nếu là có thì [tất cả chư Phật] đều nói là có; nếu là không thì [tất cả chư Phật] đều nói là không. Cho nên gọi là một nghĩa đồng nhất.

“Bà-la-môn! Đức Như Lai Thế Tôn tuy [có lúc] gọi tên [sự việc] dùng đến hai lời, nhưng đó đều là vì để làm rõ một lời. Thế nào là [dùng đến] hai lời để làm rõ một lời? Như [nói về] mắt và hình sắc là hai, [nói] sanh ra [nhãn] thức là một. Cho đến ý và các pháp [sanh ra các thức khác] cũng giống như vậy.”

Bà-la-môn [Xà-đề-thủ-na] nói: “Cồ-đàm thật khéo phân biệt những ý nghĩa như vậy. Nhưng nay tôi còn chưa hiểu chỗ nói ra hai lời để làm rõ một lời.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn liền vì bà-la-môn [Xà-đề-thủ-na] mà tuyên thuyết Bốn chân đế. Sau đó Phật dạy:

“Này bà-la-môn! Nói Khổ đế đó, cũng là hai, cũng là một; cho đến Đạo đế cũng là hai, cũng là một.”

Bà-la-môn [Xà-đề-thủ-na] liền nói: “Bạch Thế Tôn! Con đã hiểu rồi.”

Phật hỏi: “Thiện nam tử! Ông hiểu như thế nào rồi?”

Bà-la-môn [Xà-đề-thủ-na] thưa: “Bạch Thế Tôn! Khổ đế đối với tất cả phàm phu là hai, đối với thánh nhân là một; cho đến Đạo đế cũng giống như vậy.”

Phật dạy: “Lành thay! Ông đã hiểu.”

Bà-la-môn [Xà-đề-thủ-na] thưa rằng: “Bạch Thế Tôn! Nay con được nghe Chánh pháp, đã được sự thấy biết chân chánh. Con xin quy y Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng. Cúi xin đức Đại từ nhận cho con được xuất gia.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Kiều-trần-như: “Ông hãy vì Xà-đề-thủ-na mà cạo bỏ râu tóc, cho phép ông ấy xuất gia.”

Kiều-trần-như vâng lời Phật dạy, liền cạo tóc cho Xà-đề-thủ-na. Ngay lúc vừa đưa dao cạo, cả râu tóc và phiền não đều đồng thời rơi rụng hết. Xà-đề-thủ-na ngay nơi chỗ ngồi [khi ấy] liền chứng đắc thánh quả A-la-hán.

Tiếp đó lại có một vị Phạm chí họ Bà-tư-trá lên tiếng hỏi rằng: “Cồ-đàm! Theo lời ông nói thì có phải Niết-bàn là thường chăng?”

Phật đáp: “Đúng vậy, Phạm chí!

Bà-tư-trá nói: “Cồ-đàm! Ông cũng nói rằng, không có phiền não là Niết-bàn?”

Phật đáp: “Đúng vậy, Phạm chí!”

Bà-tư-trá nói: “Trong thế gian có bốn trường hợp được gọi là không.

“Một là pháp chưa xuất hiện gọi là không, như cái bình khi còn là đất sét thì gọi là không có bình.

“Hai là pháp đã dứt mất gọi là không, như khi cái bình đã vỡ thì gọi là không có bình.

“Ba là tướng trạng khác biệt nên [đã là tướng này thì] không [là tướng kia], như trong [tướng] bò không có ngựa, trong [tướng] ngựa không có bò.

“Bốn là [những sự vật] hoàn toàn không có nên gọi là không, như lông rùa, sừng thỏ.

“Cồ-đàm! Nếu do diệt trừ hết phiền não mà gọi là Niết-bàn, thì Niết-bàn tức là không. Nếu [Niết-bàn đã] là không, sao lại nói rằng có thường, lạc, ngã, tịnh?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Niết-bàn như vậy chẳng phải trường hợp là không trước [khi xuất hiện], như cái bình lúc còn là đất sét; cũng chẳng phải trường hợp là không vì dứt mất, như cái bình [sau khi] đã vỡ; cũng chẳng phải là không vì hoàn toàn không có, như lông rùa, sừng thỏ. Niết-bàn rơi vào trường hợp là không vì tướng trạng khác biệt.

“Thiện nam tử! Theo lời ông vừa nói, tuy trong [tướng trạng của] bò không có ngựa, nhưng không thể nói bò cũng là không; tuy trong [tướng trạng của] ngựa không có bò, nhưng không thể nói ngựa cũng là không. Niết-bàn cũng thế. Trong phiền não không có Niết-bàn, trong Niết-bàn không có phiền não. Vậy nên gọi là tướng trạng khác biệt, nếu là tướng này thì không có tướng kia.”

Bà-tư-trá nói: “Cồ-đàm! Nếu nói rằng cái không vì [tướng trạng] khác biệt là Niết-bàn, thì cái không vì [tướng trạng] khác biệt đó không có thường, lạc, ngã, tịnh, vì sao Cồ-đàm nói rằng Niết-bàn là thường, lạc, ngã, tịnh?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Cứ theo lời ông nói thì trong cái không vì [tướng trạng] khác biệt đó có đủ ba trường hợp không. Bò, ngựa... đó trước kia vốn không, rồi sau mới có, đó là trường hợp không trước [khi xuất hiện]; đã có rồi, về sau [diệt mất] trở lại thành không, đó là trường hợp không vì dứt mất. Còn trường hợp không vì tướng trạng khác biệt thì như ông vừa nói.

“Thiện nam tử! Ba trường hợp không ấy đều không có trong Niết-bàn. Cho nên Niết-bàn là thường, lạc, ngã, tịnh. Như bệnh ở thế gian, một là bệnh nhiệt, hai là bệnh thời khí, ba là bệnh hàn. Ba loại bệnh này có ba loại thuốc trị. Bơ [làm từ sữa] trị được bệnh nhiệt; dầu [gió] trị được bệnh thời khí; mật ngọt trị được bệnh hàn. Ba loại thuốc ấy có thể trị được ba loại bệnh hại [người].

“Thiện nam tử! Trong [bệnh] nhiệt không có bơ, trong bơ không có [bệnh] nhiệt. Trong [bệnh] phong không có dầu [gió], trong dầu [gió] không có [bệnh] phong. Cho đến trong mật ngọt không có [bệnh] hàn, trong [bệnh] hàn không có mật ngọt. Vì thế [nên các loại thuốc này] mới có thể trị bệnh.

“Tất cả chúng sanh cũng giống như vậy, có ba loại bệnh là tham, sân và si. Ba loại bệnh này có ba loại thuốc trị. Pháp quán bất tịnh là thuốc trị [bệnh] tham. Pháp quán từ bi là thuốc trị [bệnh] sân. Trí tuệ [khởi sanh từ] pháp quán nhân duyên là thuốc trị [bệnh] si.

“Thiện nam tử! Vì muốn trừ tham nên thực hành pháp quán không tham; vì muốn trừ sân nên thực hành pháp quán không sân; vì muốn trừ si nên thực hành pháp quán không si.

“Trong ba loại bệnh ấy không có ba thứ thuốc; trong ba thứ thuốc ấy không có ba loại bệnh.

“Thiện nam tử! Vì trong ba loại bệnh không có ba thứ thuốc, nên đó là vô thường, vô ngã, vô lạc, vô tịnh. Vì trong ba thứ thuốc không có ba loại bệnh, nên có thể gọi là thường, lạc, ngã, tịnh.”

Bà-tư-trá liền thưa hỏi: “Thế Tôn! Như Lai vì tôi nói lẽ thường và vô thường. Thế nào là thường? Thế nào là vô thường?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Sắc là vô thường, giải thoát [ra khỏi] sắc là thường. Cho đến thức là vô thường, giải thoát [ra khỏi] thức là thường.

“Thiện nam tử! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nào có thể quán xét từ sắc cho đến thức đều là vô thường, nên biết rằng người ấy đã đạt được pháp thường.”

Bà-tư-trá bạch rằng: “Thế Tôn! Nay con đã rõ biết về pháp thường và pháp vô thường.”

Phật hỏi: “Thiện nam tử! Ông rõ biết pháp thường và pháp vô thường như thế nào?”

Bà-tư-trá thưa: “Bạch Thế Tôn! Nay con biết rằng hình sắc của con đây là vô thường, đạt được sự giải thoát [ra khỏi sắc] là thường. [Từ sắc] cho đến thức cũng đều như vậy.”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Lành thay! Nay ông đã trả được món nợ mang thân này!”

Đức Phật quay sang bảo Kiều-trần-như: “Ông Bà-tư-trá đã chứng quả A-la-hán, hãy đưa cho ông ấy bộ y ba tấm và bình bát [khất thực].”

Bấy giờ, Kiều-trần-như vâng lời Phật dạy trao đủ y bát.

Thọ lãnh y bát rồi, Bà-tư-trá liền nói: “Đại đức Kiều-trần-như! Nay tôi nhân nơi cái thân xấu ác này mà đạt được quả báo tốt lành. Cảm phiền đại đức thay tôi đến chỗ Thế Tôn thưa rõ tấm lòng tôi: ‘Trước đây tôi là kẻ xấu ác, xúc phạm Như Lai, dám gọi trổng Phật bằng họ Cồ-đàm.’ Nguyện đại đức thay tôi sám hối tội ấy. Nay tôi không thể ở lâu trong thân độc hại này, sẽ vào Niết-bàn.”

Bấy giờ, Kiều-trần-như liền đến trước Phật, bạch rằng: “Thế Tôn! Tỳ-kheo Bà-tư-trá sanh lòng hổ thẹn, tự nói rằng mình đã ngu si dại dột xúc phạm Như Lai, dám gọi trổng Phật bằng họ Cồ-đàm. Ông ấy không thể ở lâu trong thân độc hại nên muốn xả thân, nhờ con thay mặt sám hối.”

Phật dạy: “Kiều-trần-như! Tỳ-kheo Bà-tư-trá đã thành tựu căn lành trước vô lượng chư Phật quá khứ. Nay ông ấy vâng nhận lời ta, sống theo đúng pháp. Nhờ sống theo đúng pháp nên đạt được Chánh quả. Các ông nên cúng dường [nhục] thân vị ấy.”

Lúc ấy, nghe lời Phật dạy, Kiều-trần-như trở lại nơi [tỳ-kheo Bà-tư-trá] xả bỏ xác thân, thiết lễ cúng dường.

Bấy giờ, khi xác thân đang được hỏa thiêu, [tỳ-kheo] Bà-tư-trá liền hóa hiện đủ mọi phép thần thông.

Những kẻ ngoại đạo thấy việc ấy rồi liền lớn tiếng nói rằng: “Bà-tư-trá đã đạt được chú thuật của sa-môn Cồ-đàm. Không bao lâu nữa ông này sẽ thắng được sa-môn Cồ-đàm kia.”

Bấy giờ, trong chúng ngoại đạo có một Phạm chí tên là Tiên-ni lên tiếng hỏi rằng: “Cồ-đàm! Thật có ngã chăng?”

Đức Như Lai lặng thinh.

Phạm chí Tiên-ni lại hỏi: “Cồ-đàm! Thật không có ngã chăng?

Đức Như Lai vẫn lặng thinh.

Phạm chí Tiên-ni lại hỏi đến lần thứ nhì, thứ ba như vậy, đức Như Lai vẫn lặng thinh [không đáp].

Phạm chí Tiên-ni liền nói: “Cồ-đàm! Nếu tất cả chúng sanh đều có ngã, thì cái ngã ấy phải bao trùm khắp mọi nơi, là do một đấng sáng tạo làm ra, vì cớ gì Cồ-đàm [không nói như thế mà] lặng thinh chẳng đáp?”

Đức Phật hỏi: “Tiên-ni! Ông nói cái ngã ấy bao trùm khắp mọi nơi, có phải vậy chăng?”

Phạm chí Tiên-ni đáp: “Cồ-đàm! Chẳng riêng gì tôi, tất cả những người có trí đều nói như vậy.”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Nếu cái ngã ấy bao trùm khắp mọi nơi, thì lẽ ra phải cùng lúc thọ nhận quả báo trong năm cảnh giới. Nếu là cùng lúc thọ nhận quả báo trong năm cảnh giới, vì nhân duyên gì những Phạm chí các ông tránh không tạo ác để khỏi vào địa ngục và tu tập các pháp lành để được thân cõi trời?”

Tiên-ni nói: “Cồ-đàm! Trong pháp của chúng tôi có hai loại ngã, một là cái ngã trong thân tạo tác, hai là cái ngã trong thân thường tồn. Vì cái ngã trong thân tạo tác nên phải lìa xa pháp xấu ác để không vào địa ngục và tu các pháp lành để sanh lên cõi trời.”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Theo như ông vừa nói thì cái ngã ấy bao trùm khắp mọi nơi. Như vậy, nếu nói cái ngã ấy ở trong thân tạo tác thì nên biết rằng nó là vô thường. Còn nếu nó không ở trong thân tạo tác thì sao có thể nói là bao trùm khắp?”

Tiên-ni nói: “Cồ-đàm! Theo lập luận về ngã của chúng tôi thì cái ngã ấy cũng ở trong thân tạo tác mà cũng là pháp thường.

“Cồ-đàm! Ví như có người gây ra hỏa hoạn. Khi nhà cháy thì chủ nhà đã thoát ra khỏi. Vậy không thể nói rằng nhà bị cháy thì ông chủ cũng chết cháy. Giáo pháp [về ngã] của chúng tôi cũng vậy. Thân tạo tác này tuy là vô thường, nhưng khi vô thường xảy đến thì cái ngã [trong thân] đã thoát ra khỏi. Vì thế, cái ngã theo chúng tôi là bao trùm khắp, cũng là thường còn.”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Như lời ông vừa nói, cái ngã là bao trùm khắp, cũng là thường còn, nghĩa ấy không đúng.

“Vì sao vậy? Sự trùm khắp có hai loại, hoặc là thường, hoặc là vô thường; lại có hai loại, hoặc là hình sắc, hoặc là không hình sắc. Cho nên, nếu nói đến tất cả mọi sự hiện hữu thì [trong đó] là thường, cũng là vô thường; là hình sắc, cũng là không hình sắc.

“Nếu nói chủ nhà đã thoát ra khỏi [căn nhà bị cháy] nên không gọi là vô thường, nghĩa ấy không đúng. Vì sao vậy? Nhà không phải chủ, chủ không phải nhà. Cái bị cháy và người ra khỏi [đám cháy] là hai thực thể khác nhau, cho nên mới [thoát ra] được như vậy. Về cái ngã thì không phải như thế. Vì sao vậy? Vì cái ngã [mà các ông nói đó] tức là hình sắc, hình sắc tức là ngã; ngã tức là không hình sắc, không hình sắc tức là ngã; sao lại nói rằng: ‘Trong khi hình sắc là vô thường thì cái ngã đã thoát ra khỏi?’

“Thiện nam tử! Nếu ông cho rằng tất cả chúng sanh đều cùng chung một cái ngã, như vậy là trái ngược với cả pháp thế gian và xuất thế gian. Vì sao vậy? Pháp thế gian có những tên gọi [phân biệt] như cha, mẹ, con trai, con gái... Nếu cái ngã là một, thì cha tức là con trai, con trai tức là cha; mẹ tức là con gái, con gái tức là mẹ; kẻ oán tức là người thân, người thân tức là kẻ oán; cái này tức là cái kia, cái kia tức là cái này... [không còn có sự phân biệt]. Cho nên, nếu nói tất cả chúng sanh cùng chung một cái ngã tức là trái ngược với cả pháp thế gian và xuất thế gian.”

Tiên-ni liền nói: “Tôi không nói tất cả chúng sanh cùng chung một cái ngã, mà nói là mỗi người có riêng một cái ngã.”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Nếu nói mỗi người có riêng một cái ngã, tức là có nhiều cái ngã, nghĩa ấy không đúng. Vì sao vậy? Như trước đây ông đã nói: ‘Cái ngã bao trùm khắp.’ Nếu cái ngã là bao trùm khắp thì cội gốc nghiệp quả của tất cả chúng sanh đáng lẽ phải đồng như nhau, khi chư thiên nhìn thấy [điều gì] thì Phật cũng thấy [như vậy]; khi chư thiên tạo tác [việc gì] thì Phật cũng tạo tác [như vậy]; khi chư thiên nghe được [điều gì] thì Phật cũng nghe được [như vậy]... Tất cả các pháp cũng đều như thế. Nếu chỗ chư thiên thấy không phải chỗ Phật thấy thì không nên nói rằng: ‘Cái ngã bao trùm khắp mọi nơi.’ Nếu [cái ngã] không bao trùm khắp thì đó là vô thường.”

Tiên-ni nói: “Cồ-đàm! Cái ngã của tất cả chúng sanh tuy bao trùm khắp mọi nơi, [nhưng] pháp và phi pháp không trùm khắp. Vì nghĩa ấy nên Phật tạo tác khác, chư thiên tạo tác khác. Do đó Cồ-đàm không nên nói rằng: ‘Khi Phật thấy [điều gì] thì chư thiên lẽ ra cũng thấy [như vậy] ; khi Phật nghe [điều gì] thì chư thiên lẽ ra cũng nghe [như vậy].’”

Phật hỏi: “Thiện nam tử! Pháp và phi pháp, chẳng phải do nghiệp tạo thành đó sao?”

Tiên-ni đáp: “Cồ-đàm! Đúng là do nghiệp tạo thành.”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Nếu pháp và phi pháp đều do nghiệp tạo thành, tức là đồng một pháp như nhau, sao lại nói là khác nhau? Vì sao vậy? Trong chỗ [đã thành] nghiệp của Phật có cái ngã [được làm] chư thiên; trong chỗ [đã thành] nghiệp của chư thiên, có cái ngã [được làm] Phật. Vì thế, khi Phật tạo tác [điều gì] thì chư thiên cũng tạo tác [như vậy]. Pháp và phi pháp lẽ ra cũng phải như vậy.

“Thiện nam tử! Cho nên đối với tất cả chúng sanh, nếu pháp và phi pháp là như vậy thì chỗ nhận lãnh quả báo lẽ ra không khác biệt nhau.

“Thiện nam tử! Từ nơi hạt giống mà sanh ra quả. Hạt giống ấy không hề suy xét phân biệt: ‘Ta sẽ tạo thành quả [cho hàng] bà-la-môn thôi, không tạo thành quả cho [những giai cấp] sát-lợi, tỳ-xá, thủ-đà.’ Vì sao vậy? Từ nơi hạt giống mà sanh ra quả, không hề có ngăn ngại gì [bởi sự phân biệt] bốn giai cấp như thế. Pháp và phi pháp cũng giống như vậy, không thể phân biệt rằng: ‘Ta sẽ tạo thành quả [đối với] Phật mà thôi, không tạo thành quả [đối với] chư thiên; hoặc tạo thành quả [đối với] chư thiên mà thôi, không tạo thành quả [đối với] Phật.’ Vì sao vậy? Vì nghiệp [quả] là bình đẳng.”

Tiên-ni nói: “Cồ-đàm! Ví như trong một căn phòng có trăm ngàn ngọn đèn, tuy tim đèn khác nhau mà ánh sáng đều như nhau. Tim đèn khác nhau là ví như pháp và phi pháp; ánh sáng như nhau là ví như cái ngã của [tất cả] chúng sanh.”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Ông dùng ánh sáng đèn để ví với cái ngã [của tất cả chúng sanh], nghĩa ấy không đúng. Vì sao vậy? Căn phòng với ngọn đèn là [hai thực thể] khác nhau. Ánh sáng của đèn vừa là ở nơi tim đèn, mà cũng là chiếu khắp căn phòng. Cái ngã mà ông nói đó, nếu cũng giống như vậy thì ở cả hai bên pháp và phi pháp lẽ ra đều là có ngã; và trong cái ngã lẽ ra cũng có cả pháp và phi pháp. Nếu pháp và phi pháp không [cùng] có ngã thì không thể nói rằng bao trùm khắp mọi nơi. Còn nếu cả hai đều có ngã, làm sao có thể dùng tim đèn với ánh sáng [ngọn đèn] để làm ví dụ?

“Thiện nam tử! Nếu ý ông cho rằng tim đèn và ánh sáng quả thật khác nhau, vậy do nhân duyên gì khi tim đèn khêu cao thì ánh sáng mạnh, khi tim đèn khô kiệt thì ánh sáng mất đi? Vì vậy, không nên đem pháp và phi pháp mà ví với đèn và tim đèn; [việc tim đèn có] ánh sáng như nhau mà ví với cái ngã [của tất cả chúng sanh]. Vì sao vậy? Pháp, phi pháp và ngã, cả ba thứ ấy chỉ là một thôi.”

Tiên-ni nói: “Cồ-đàm! Ngài dẫn ra ví dụ ngọn đèn, việc đó thật là không tốt. Vì sao vậy? Nếu ví dụ ngọn đèn là [ví dụ] hay thì [cũng là do] tôi đã dẫn ra trước rồi. Nếu là [ví dụ] không hay, sao ngài còn lặp lại?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Ta đưa ra ví dụ đó hoàn toàn không [lưu tâm đến việc nó là] hay hoặc không hay. Việc [ví dụ ấy là] hay hoặc không hay chỉ do nơi ý của ông nói ra đó thôi. Trong ví dụ ấy [ta] cũng nêu rõ rằng: ‘Có ánh sáng chiếu ra xa tim đèn nhưng cũng có ánh sáng ở ngay tại tim đèn.’ Vì tâm ông không bình đẳng nên mới nói rằng: ‘Đèn và tim đèn ví với pháp và phi pháp, ánh sáng ví với cái ngã.’ Vì thế ta mới vặn hỏi ông [về lẽ] ngay nơi tim đèn có ánh sáng, rời xa tim đèn cũng có ánh sáng. Pháp tức là ngã, ngã tức là pháp; phi pháp tức là ngã, ngã tức là phi pháp [cũng như tim đèn với ánh sáng vốn không phải hai thực thể khác biệt]. Tại sao nay ông chỉ nhận biết một bên, không nhận một bên? [Vì thế,] ví dụ như vậy là không tốt đối với [lập luận phía] ông, nên nay ta mới quay lại dùng chính cái ví dụ ấy để dạy bảo ông.

“Thiện nam tử! Ví dụ [ông đưa ra] như vậy là không thành ví dụ. Vì không thành ví dụ nên đối với [lập luận phía] ta là tốt, mà đối với [lập luận phía] ông là không tốt.

“Thiện nam tử! Nếu ý ông cho rằng: ‘Đối với tôi không tốt, đối với ông cũng phải không tốt.’ Nghĩa ấy không đúng. Vì sao vậy? Hãy nhìn như việc của người thế gian, [có khi] tự dùng sức mình làm hại mình, [có khi] mình làm ra mà kẻ khác dùng lấy. Ví dụ mà ông đưa ra cũng giống như vậy; đối với ta là tốt mà đối với ông là không tốt.”

Tiên-ni nói: “Cồ-đàm! Ngài vừa trách tôi có tâm không bình đẳng, nay lời ngài nói ra cũng không bình đẳng. Vì sao vậy? Nay Cồ-đàm nhận lấy việc tốt về mình, việc không tốt về tôi. Từ đó suy ra, thật không bình đẳng.”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Sự không bình đẳng của ta có thể phá trừ sự không bình đẳng của ông, [nhờ đó] nên ông được bình đẳng; vậy sự không bình đẳng của ta là tốt. Sự không bình đẳng của ta phá trừ sự không bình đẳng của ông, giúp ông được bình đẳng, [như vậy] cũng tức là ta bình đẳng. Vì sao vậy? Vì được sự bình đẳng không khác các bậc thánh nhân.”

Tiên-ni nói: “Cồ-đàm! Cái ngã thường còn [nên là] bình đẳng, sao ngài lại nói là phá trừ sự không bình đẳng của tôi? Tất cả chúng sanh đều có ngã bình đẳng như nhau, sao ngài lại nói là tôi không bình đẳng?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Ông cũng có nói việc sẽ thọ thân địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh; sẽ thọ thân cõi người, cõi trời. Nếu cái ngã trước đã là trùm khắp năm cảnh giới, vì sao lại nói là sẽ thọ thân trong các cảnh giới [khác nhau] ấy? Ông cũng nói rằng cha mẹ hợp nhau rồi mới sanh con. Nếu đứa con vốn đã có trước, sao lại nói rằng hợp nhau rồi mới có? Cho nên, một người có [thể thọ] thân ở [một trong] năm cảnh giới. Nếu ở năm cảnh giới ấy trước vốn đã có thân, vậy do nhân duyên gì phải vì [sự thọ] thân mà tạo nghiệp [lành, tránh nghiệp ác]? Cho nên [ta nói] là không bình đẳng.

“Thiện nam tử! Nếu ý ông cho rằng ngã là chủ thể tạo tác [các nghiệp], nghĩa ấy không đúng. Vì sao vậy? Nếu là ngã tạo tác, vì nhân duyên gì tự nó tạo tác sự khổ, [vốn là điều mà nó không ưa muốn]? Nhưng nay chúng sanh thật có chịu khổ, cho nên biết rằng ngã không phải là chủ thể tạo tác [các nghiệp].

“Nếu nói sự khổ này chẳng phải do ngã tạo tác, [vì sự khổ] không do nhân sanh ra, thì tất cả các pháp lẽ ra cũng đều như vậy, đều không do nhân sanh ra, vậy nhân duyên gì lại nói rằng [tất cả các pháp là] do ngã tạo tác?

“Thiện nam tử! Sự khổ, vui của chúng sanh quả thật là do nhân duyên [sanh ra]. Sự khổ, vui ấy có thể gây ra lo lắng hay vui mừng. Đang khi lo lắng không có vui mừng, đang khi vui mừng không có lo lắng. Khi thì lo, khi thì mừng, người có trí làm sao lại nói [như vậy] là thường?

“Thiện nam tử! Ông nói ngã là thường còn. Nếu nói là thường, vì sao nói rằng có mười thời kỳ [phát triển] khác nhau? Nếu ngã là pháp thường, lẽ ra không có từ thời kỳ tượng hình trong bào thai cho tới thời kỳ già suy. Như hư không kia là pháp thường, dù là một thời kỳ cũng còn không có, huống chi lại có đến mười thời kỳ [phát triển khác nhau]?

“Thiện nam tử! Cái ngã đó không phải là thời kỳ tượng hình trong thai... cho đến cũng không phải là thời kỳ già suy, vì sao nói rằng có mười thời kỳ khác nhau?

“Thiện nam tử! Nếu ngã là chủ thể tạo tác [các nghiệp], thì ngã ấy cũng có lúc thạnh lúc suy, [vì] chúng sanh cũng có lúc thạnh lúc suy. Nếu ngã là như vậy, sao lại là thường?

“Thiện nam tử! Nếu ngã là chủ thể tạo tác [các nghiệp], vì sao một người có sự nhanh nhạy [với việc này], chậm lụt [với việc kia]?

“Thiện nam tử! Nếu ngã là chủ thể tạo tác [các nghiệp], ngã ấy có thể tạo tác nghiệp của thân, nghiệp của miệng. Nếu nghiệp của thân và nghiệp của miệng là do ngã tạo tác, tại sao miệng lại nói rằng ‘Có ngã chăng, không có ngã chăng’? Vì sao tự [cái ngã ấy lại] sanh nghi ngờ [chính nó] là có hay không có?

“Thiện nam tử! Nếu ý ông cho rằng lìa khỏi con mắt mà có sự thấy, nghĩa ấy không đúng. Vì sao vậy? Nếu lìa con mắt mà có sự thấy nào khác thì đâu cần đến con mắt này? Cho đến [sự xúc chạm] của thân cũng vậy.

“Nếu ý ông cho rằng tuy cái ngã có thể thấy nhưng phải nhân nơi con mắt, nghĩa ấy cũng không đúng. Vì sao vậy? Như có người nói rằng hoa tu-man-na có thể đốt cháy xóm làng, [rồi giải thích rằng:] ‘Làm thế nào có thể đốt cháy? Là nhân nơi lửa mà có thể đốt cháy.’ Lập luận của ông về sự thấy của cái ngã cũng [vô lý] như vậy.”

Tiên-ni nói: “Cồ-đàm! Như người cầm liềm có thể cắt cỏ; cái ngã nhân nơi năm giác quan [là mắt, tai...] mà có thể thấy, nghe... cho tới xúc chạm, cũng giống như vậy.”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Cái liềm với người [cầm liềm] là [hai thực thể] khác nhau, nên khi [người] cầm liềm thì có thể làm được việc [cắt cỏ]. Còn như lìa khỏi [các] căn thì hoàn toàn không riêng có cái ngã nào khác, vậy sao có thể nói rằng cái ngã nhân nơi các căn mà làm được [những việc thấy, nghe...]?

“Thiện nam tử! Nếu ý ông cho rằng [nhờ] cầm liềm [mà] có thể cắt cỏ, cái ngã cũng giống như thế. Vậy cái ngã đó có tay hay là không tay? Nếu là có tay, sao chẳng tự cầm lấy? Nếu là không có tay, sao lại nói rằng ngã là chủ thể tạo tác [tất cả]?

“Thiện nam tử! Công năng cắt được cỏ là ở nơi cái liềm, không ở nơi ngã, không ở nơi người [cắt]. Nếu cái ngã hay người [cắt] có thể cắt được cỏ, sao phải nhờ đến cái liềm?

“Thiện nam tử! Người [cắt cỏ] có hai hành vi, một là vơ nắm lấy cỏ, hai là cầm liềm [cắt]. Cái liềm chỉ có duy nhất một công năng là cắt được mà thôi. Chúng sanh tiếp xúc với các pháp cũng giống như vậy. [Việc] con mắt có thể thấy được hình sắc là do sự hòa hợp [các điều kiện] mà sanh ra. Nếu là do nhân duyên hòa hợp mà có sự thấy, người có trí sao lại nói rằng [trong sự thấy đó] có ngã?

“Thiện nam tử! Nếu ý ông cho rằng cái thân tạo tác, cái ngã thọ nhận, nghĩa ấy cũng không đúng. Vì sao vậy? Vì trong thế gian không thấy có việc chư thiên tạo nghiệp mà Phật thọ quả!

“Nếu nói rằng chẳng phải do thân tạo tác, cái ngã cũng không do nhân [đã tạo] mà thọ [quả báo], vì sao [hàng Phạm chí] các ông lại do nơi nhân duyên để cầu sự giải thoát? [Như] thân này của ông [nếu] trước không do nhân duyên sanh ra, [thì sau] khi đạt được giải thoát rồi, lẽ ra cũng không do nhân duyên mà sanh thân. Giống như thân, tất cả phiền não lẽ ra cũng đều như vậy.”

Tiên-ni nói: “Cồ-đàm! Có hai loại ngã, một là cái ngã có nhận biết, hai là cái ngã không nhận biết. Cái ngã không nhận biết có thể nhận được thân, cái ngã có nhận biết có thể lìa bỏ thân. Cũng như cái bình [bằng đất sét] nặn ra chưa nung, sau khi nung rồi thì mất đi màu sắc trước đó, [màu sắc ấy] cũng chẳng bao giờ sanh ra trở lại. Phiền não của người trí cũng giống như vậy, đã dứt trừ rồi thì chẳng bao giờ sanh ra trở lại.”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Ông nói về nhận biết đó, là trí nhận biết hay ngã nhận biết? Nếu trí có thể nhận biết, sao ông lại nói cái ngã nhận biết? Nếu cái ngã có thể nhận biết, sao rốt cùng lại phải cần dùng đến phương tiện là trí?

“Nếu ý ông cho rằng cái ngã nhân ở trí mà nhận biết thì cũng [vô lý] như ví dụ hoa [tu-man-na đốt cháy xóm làng] đã bị bác bỏ.

“Thiện nam tử! Ví như cây gai nhọn, bản tánh của nó là có thể đâm, không thể nói là thân cây cầm gai đâm. Trí cũng giống như vậy, [bản tánh của] trí tự có thể nhận biết, sao lại nói rằng cái ngã sử dụng trí để biết?

“Thiện nam tử! Theo giáo pháp của các ông, khi ngã đạt được giải thoát, đó là cái ngã không nhận biết được giải thoát hay cái ngã có nhận biết được giải thoát? Nếu cái ngã không nhận biết được giải thoát thì nên biết rằng vẫn còn đầy đủ phiền não. Nếu là cái ngã có nhận biết được giải thoát thì nên biết rằng đã sẵn có năm tình thức và các căn. Vì sao vậy? Vì lìa ngoài các căn không riêng có sự biết nào khác nữa. Nếu có đủ các căn, sao có thể gọi là giải thoát? Còn nếu nói rằng tánh của cái ngã này là thanh tịnh, lìa khỏi năm căn, vì sao lại nói là [cái ngã] trùm khắp năm cảnh giới đều có? Lại do nhân duyên gì mà vì sự giải thoát nên tu tập các pháp lành?

“Thiện nam tử! Ví như có người muốn nhổ gai trong hư không, [thật là làm chuyện vô lý, vì làm gì có gai để nhổ?]. Ông cũng giống như vậy. Nếu cái ngã là thanh tịnh, vì sao lại nói [đến việc] dứt trừ phiền não? Nếu ý ông cho rằng không do nơi nhân duyên mà đạt được giải thoát, vậy sao tất cả chúng sanh không được giải thoát?”

Tiên-ni nói: “Cồ-đàm! Nếu là không có ngã thì [chủ thể nào] có thể nhớ lại [những chuyện đã qua]?

Phật hỏi: “Tiên-ni! Nếu là có ngã, do duyên cớ gì [người ta] lại cũng [có lúc] quên đi [chuyện cũ]? Thiện nam tử! Nếu [khả năng] nhớ lại đó là ngã, vậy do nhân duyên gì [người ta] lại nhớ những điều xấu ác, [lại có khi] nhớ những việc không muốn nhớ, [có khi] không nhớ được những việc muốn nhớ?”

Tiên-ni lại nói: “Cồ-đàm! Nếu là không có ngã thì [chủ thể nào] nhìn thấy, nghe biết?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Trong có sáu căn, ngoài có sáu trần; trong ngoài hòa hợp sanh ra sáu loại thức. Sáu thức ấy do nhân duyên [của mỗi thức] mà có tên gọi [khác nhau].

“Thiện nam tử! Ví như lửa chỉ có một [loại], nhưng khi đốt củi gọi là lửa củi, khi đốt cỏ khô gọi là lửa cỏ khô, khi đốt trấu gọi là lửa trấu, khi đốt phân bò khô gọi là lửa phân bò. Ý thức của chúng sanh cũng vậy, nhân nơi [các yếu tố] con mắt, hình sắc, ánh sáng và ý muốn thấy nên gọi là nhãn thức.

“Thiện nam tử! Nhãn thức ấy không ở nơi con mắt, cho đến cũng không ở nơi ý muốn thấy. Do cả bốn yếu tố hòa hợp [nói trên] mới sanh ra nhãn thức. Cho đến ý thức lại cũng như vậy. Nếu là do nhân duyên hòa hợp sanh ra thì người trí không nên nói rằng ‘sự thấy là ngã’... cho đến ‘sự xúc chạm là ngã’.

“Thiện nam tử! Cho nên ta nói rằng từ nhãn thức cho đến ý thức, tất cả các pháp thảy đều như huyễn hóa. Vì sao là như huyễn hóa? Vì trước vốn không mà nay thành có, đã có rồi trở lại thành không.

“Thiện nam tử! Ví như dùng bơ, bột, đường, gừng, tiêu, tất-bạt, bồ đào, hồ đào, thạch lựu, tuy tử, các thứ ấy hòa hợp gọi là hoàn thuốc hoan hỷ. Lìa khỏi sự hòa hợp ấy không có hoàn thuốc hoan hỷ. Sáu căn bên trong [hòa hợp] với sáu trần bên ngoài, đó gọi là chúng sanh, là tự ngã, là người [khác], là thần thức... Lìa khỏi sáu căn bên trong và sáu trần bên ngoài thì không hề riêng có [những thực thể được gọi là] chúng sanh, tự ngã, người [khác], thần thức... đó.”

Tiên-ni nói: “Cồ-đàm! Nếu không có ngã, vì sao lại nói: tôi thấy, tôi nghe, tôi khổ, tôi vui, tôi lo, tôi mừng...?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Nếu [do những câu] nói: tôi thấy, tôi nghe... mà cho là có ngã, vậy duyên cớ gì người thế gian cũng nói: ‘Tội lỗi ông đã làm không phải chỗ thấy nghe của tôi’?

“Thiện nam tử! Ví như bốn binh chủng hợp lại thành quân đội. Bốn binh chủng ấy tuy không phải một, nhưng cũng [gồm chung mà] nói rằng ‘quân ta mạnh mẽ’, ‘quân ta thắng địch’... Chỗ tạo thành [do sự hòa hợp] của sáu căn bên trong và sáu trần bên ngoài cũng giống như vậy. Tuy không phải là một [thể], nhưng cũng có thể rằng: tôi thấy, tôi nghe, tôi khổ, tôi vui, tôi lo, tôi mừng...”

Tiên-ni nói: “Cồ-đàm! Theo như ngài vừa nói, sáu căn bên trong hợp với sáu trần bên ngoài [gọi đó là ngã], vậy chủ thể nào phát ra âm thanh lời nói rằng: tôi làm, tôi chịu...?”

Phật dạy: “Tiên-ni! Do nhân duyên là vô minh, tham ái... sanh ra nghiệp; do nghiệp sanh ra sự hiện hữu; do sự hiện hữu mà sanh ra vô số các trạng thái của tâm, [tức là tâm sở]. Do các tâm sở sanh ra đủ mọi suy niệm vọng tưởng; do những suy niệm vọng tưởng này làm chuyển động luồng khí [trong người]; khí [chuyển động] tùy theo tâm mà xúc chạm đến cổ họng, lưỡi, răng, môi [tạo thành âm thanh tương ứng]. Do chúng sanh có tư tưởng điên đảo, [khi nghe] âm thanh phát ra liền nói rằng [đó là những tiếng]: tôi làm, tôi chịu, tôi thấy, tôi nghe...

“Thiện nam tử! Như cái chuông nhỏ gắn trên đầu ngọn cờ, do nhân duyên là gió mà phát ra âm thanh. Khi gió mạnh thì âm thanh lớn, gió nhẹ thì âm thanh nhỏ, thật không có ai làm ra âm thanh ấy.

“Thiện nam tử! Ví như sắt đang nóng [đỏ] cho vào nước liền phát ra nhiều loại âm thanh. Các âm thanh ấy thật không có ai làm ra cả.

“Thiện nam tử! Phàm phu không thể suy xét phân biệt như vậy nên nói rằng có ‘ta’ và ‘vật của ta’, rằng có bản ngã tạo tác, có bản ngã nhận chịu...”

Tiên-ni liền thưa hỏi: “Như Cồ-đàm nói: Không có cái ta và vật của ta, vậy duyên cớ gì ngài lại nói [có] thường, lạc, ngã, tịnh?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Ta cũng không nói rằng sáu căn bên trong, sáu trần bên ngoài và sáu thức là thường, lạc, ngã, tịnh. Nhưng ta thuyết dạy rằng: Trừ dứt sáu thức do sáu căn trong hợp với sáu trần ngoài sanh ra, đó gọi là thường. Vì là thường, nên gọi là ngã. Có thường, có ngã, nên gọi là lạc. Vì là thường, ngã, lạc nên gọi là tịnh.

“Thiện nam tử! Chúng sanh chán bỏ sự khổ, dứt trừ nguyên nhân của sự khổ ấy, tùy ý lìa xa, đó gọi là vô ngã. Vì nhân duyên ấy, nay ta thuyết dạy sự chân thật về thường, lạc, ngã, tịnh.”

Tiên-ni nói: “Bạch Thế Tôn! Nguyện đức Đại từ vì con thuyết dạy. Nay con phải làm thế nào để đạt được những sự thường, lạc, ngã, tịnh như thế?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Tất cả người thế gian từ xưa vốn đã luôn có đủ sự kiêu mạn rất lớn, thường làm tăng trưởng sự kiêu mạn ấy, lại cũng tạo ra những nguyên nhân của kiêu mạn, những nghiệp kiêu mạn, vì thế mà ngày nay phải thọ nhận quả báo kiêu mạn, không thể lìa xa tất cả phiền não để đạt được thường, lạc, ngã, tịnh. [Cho nên,] chúng sanh muốn lìa xa tất cả phiền não thì trước hết phải thường lìa xa sự kiêu mạn.”

Tiên-ni bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Quả đúng vậy, đúng vậy! Lời Phật dạy không sai! Con trước đây thật có nhiều kiêu mạn. Do nhân duyên kiêu mạn nên mới dám gọi trổng đức Như Lai bằng họ Cồ-đàm! Nay con đã lìa bỏ sự kiêu mạn rất lớn ấy nên mới thành tâm thưa thỉnh cầu nghe Chánh pháp. [Nguyện đức Như Lai dạy bảo cho] phải làm thế nào để đạt được thường, lạc, ngã, tịnh?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Hãy lắng nghe cho kỹ, nghe cho kỹ! Ta sẽ vì ông mà phân biệt giảng nói.

“Thiện nam tử! Nếu có thể [nhận thức rằng tất cả pháp đều là] không phải ta, không phải người khác, không phải chúng sanh, liền lìa xa [tất cả các] pháp ấy.”

Tiên-ni thưa: “Bạch Thế Tôn! Con đã rõ biết, đạt được cách nhìn theo Chánh pháp.”

Phật hỏi: “Thiện nam tử! Vì sao ông nói là đã rõ biết, đạt được cách nhìn theo Chánh pháp?”

Tiên-ni thưa: “Bạch Thế Tôn! Cái gọi là sắc đó không phải ta, không phải người khác, không phải chúng sanh; cho đến thức cũng là như vậy. Con quán xét như vậy nên đạt được cách nhìn theo Chánh pháp.

“Bạch Thế Tôn! Nay con rất muốn xuất gia tu đạo, xin Phật chấp thuận.”

Phật dạy: “Lành thay đó, tỳ-kheo!”

[Lời Phật vừa dứt,] Tiên-ni tức thời được trọn đủ Phạm hạnh thanh tịnh, chứng được thánh quả A-la-hán.

Trong chúng ngoại đạo lại có một Phạm chí họ Ca-diếp lên tiếng hỏi rằng: “Cồ-đàm! Thân này tức là mạng sống, hay thân với mạng sống là khác nhau?”

Đức Như Lai lặng thinh. [Phạm chí] lại hỏi đến lần thứ hai, thứ ba, Phật vẫn lặng thinh.

Phạm chí Ca-diếp liền nói: “Cồ-đàm! Như khi một người đã bỏ thân [đời này], chưa được thân đời sau; trong khoảng trung gian ấy chẳng phải thân và mạng sống là khác nhau hay sao? Nếu là khác nhau, vì sao Cồ-đàm [không nói là khác nhau mà] lặng thinh chẳng đáp?”

Phật nói: “Thiện nam tử! Ta có dạy rằng thân và mạng sống đều do nhân duyên, chẳng phải không do nhân duyên. Lại cũng giống như thân và mạng sống, tất cả các pháp đều [do nhân duyên] như vậy.”

Phạm chí lại nói: “Cồ-đàm! Tôi thấy ở thế gian có những pháp không do nhân duyên.”

Phật hỏi: “Phạm chí! Ông thấy như thế nào [mà nói rằng] thế gian có những pháp không do nhân duyên?”

Phạm chí đáp: “Tôi thấy lửa mạnh thiêu cháy cây cối, núi rừng; gió thổi những tàn lửa bay rơi xuống chỗ khác. Đó chẳng phải là không do nhân duyên sao?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Ta nói lửa ấy cũng do nhân mà sanh, chẳng phải không do nhân.”

Phạm chí nói: “Cồ-đàm! Những tàn lửa khi bay đi không do nơi than củi, sao lại nói rằng do nơi nhân duyên?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Tuy không có than củi, nhưng là nhân nơi gió mà bay đi. Do nhân duyên là gió nên tàn lửa [từ đám lửa] bay ra không dứt.”

Phạm chí hỏi: “Cồ-đàm! Như có một người đã bỏ thân [đời này], chưa được thân đời sau, vậy mạng sống của người này trong khoảng trung gian ấy lấy gì làm nhân duyên?”

Phật dạy: “Phạm chí! Vô minh và tham ái là nhân duyên. Do nhân duyên là vô minh và tham ái nên mạng sống được duy trì.

“Thiện nam tử! Có khi do nhân duyên nên thân tức là mạng sống, mạng sống tức là thân; có khi do nhân duyên nên thân khác với mạng sống. Người trí không nên chỉ nói một chiều rằng thân khác với mạng sống.”

Phạm chí bạch rằng: “Thế Tôn! Xin ngài vì tôi phân biệt giảng nói, khiến tôi thấu hiểu được rõ ràng về nhân quả.”

Phật dạy: “Phạm chí! Nhân tức là năm ấm, quả cũng là năm ấm. Nếu chúng sanh nào không đốt lửa thì sẽ không thể có khói.”

Phạm chí thưa: “Bạch Thế Tôn! Con đã nhận biết được rồi; con đã hiểu rõ được rồi.”

Phật hỏi: “Thiện nam tử! Ông nhận biết như thế nào? Ông hiểu rõ như thế nào?”

Phạm chí thưa: “Bạch Thế Tôn! Lửa đó là phiền não, có thể thiêu đốt trong các cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, cõi trời, cõi người. Khói đó là quả báo của phiền não. Vì là vô thường, bất tịnh, xấu xa, nhơ nhớp, đáng chán ghét nên gọi là khói. Nếu chúng sanh nào không gây tạo phiền não, những người ấy quyết sẽ không có quả báo của phiền não. Cho nên Như Lai nói: ‘Không đốt lửa sẽ không thể có khói.’

“Bạch Thế Tôn! Con đã đạt được sự thấy biết chân chánh, nguyện Phật từ bi thương xót cho phép con xuất gia.”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Kiều-trần-như rằng: “Hãy nhận cho Phạm chí này xuất gia thọ giới.”

Kiều-trần-như vâng lời Phật dạy, liền hội họp chúng tăng để nhận cho Phạm chí họ Ca-diếp xuất gia, thọ giới cụ túc. Trải qua năm ngày, Phạm chí Ca-diếp liền chứng được thánh quả A-la-hán.

Trong chúng ngoại đạo lại có một Phạm chí tên Phú-na lên tiếng hỏi: “Cồ-đàm! Có phải ngài thấy thế gian là pháp thường tồn nên nói là thường chăng? Ý nghĩa như vậy là chân thật hay hư dối? Là thường hay vô thường? Hay cũng là thường cũng là vô thường? Hay chẳng phải thường cũng chẳng phải vô thường? Là có giới hạn hay không giới hạn? Hay vừa có giới hạn lại vừa không giới hạn? Hay chẳng có giới hạn cũng chẳng phải không giới hạn? Thân này tức là mạng sống hay thân và mạng sống là khác nhau? Sau khi Như Lai diệt độ rồi là như đi [mất] hay không như đi [mất]? Hay vừa như đi [mất] vừa không như đi [mất]? Hay là không phải như đi [mất] cũng không phải không như đi [mất]?”

Phật dạy: “Phú-na! Ta không nói [ý nghĩa] thế gian thường tồn [đó là] hư dối hay chân thật. [Ta cũng không nói thế gian là] vô thường, hay cũng là thường cũng là vô thường; là chẳng phải thường chẳng phải vô thường; là có giới hạn hay không giới hạn; là vừa có giới hạn vừa không có giới hạn; là chẳng phải có giới hạn cũng chẳng phải không giới hạn; hoặc thân này tức là mạng sống hay thân và mạng sống khác nhau; hoặc Như Lai diệt độ rồi như đi [mất] hay chẳng như đi [mất]; hoặc vừa như đi [mất] vừa không như đi [mất]; hoặc không phải như đi [mất] cũng chẳng phải không như đi [mất].”

Phú-na lại hỏi: “Cồ-đàm! Nay ngài thấy được những điểm sai trái tai hại nào mà không nói đến những điều như trên?”

Phật dạy: “Phú-na! Nếu có người nói rằng: ‘Thế gian là thường tồn’ rồi cho đó là điều duy nhất chân thật, còn ngoài ra đều là hư dối. Đó gọi là [định] kiến. [Do định kiến này nên] chỗ [mà người ấy] thấy biết gọi là kiến hành, gọi là chỗ thấy biết tạo nghiệp; gọi là chỗ thấy biết vướng mắc; gọi là chỗ thấy biết trói buộc; gọi là chỗ thấy biết [gây ra] sự khổ não; gọi là chỗ thấy biết chấp giữ; gọi là chỗ thấy biết [gây ra] sự sợ sệt; gọi là chỗ thấy biết nóng nảy; gọi là chỗ thấy biết buộc ràng chằng chịt.

“Này Phú-na! Kẻ phàm phu bị cái [định] kiến [như thế] buộc trói chằng chịt, không thể lìa xa sanh, già, bệnh, chết, trôi lăn trong sáu nẻo, chịu vô số khổ não.

“Cho đến [cái định kiến rằng ‘sau khi Như Lai diệt độ rồi] chẳng phải như đi [mất] cũng chẳng phải không như đi [mất],’ cũng là như vậy.

“Này Phú-na! Ta thấy [những định] kiến ấy có sự sai trái tai hại như thế nên không vướng mắc vào, cũng không thuyết dạy [những điều ấy] với người khác.”

Phú-na lại thưa hỏi: “Cồ-đàm! Nếu [ngài] đã thấy được những sai trái tai hại như vậy nên không vướng mắc vào, cũng không thuyết dạy [những điều ấy với người khác], vậy nay Cồ-đàm thấy biết những gì, vướng mắc những gì, thuyết dạy những gì?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Sự vướng mắc vào chỗ thấy biết là pháp sanh tử. Như Lai đã lìa khỏi pháp sanh tử nên không có vướng mắc.

“Thiện nam tử! Như Lai là bậc có thể thấy biết rõ ràng và có thể thuyết dạy, không có sự vướng mắc.

Phú-na lại thưa hỏi: “Cồ-đàm! Thế nào là có thể thấy biết rõ ràng? Thế nào là có thể thuyết dạy?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Ta có thể thấy rõ [các sự thật là] khổ, nguyên nhân của khổ, [tức là tập], sự dứt trừ hoàn toàn các nguyên nhân của khổ, [tức là diệt] và con đường dẫn đến sự diệt khổ, [tức là đạo]; có thể phân biệt thuyết giảng về bốn chân lý ấy.

“Ta thấy rõ như vậy nên có thể lìa xa hết thảy mọi kiến [chấp], hết thảy mọi tham ái, hết thảy mọi sự lưu chuyển [trong sanh tử], hết thảy mọi sự kiêu mạn; vì thế ta có đủ Phạm hạnh thanh tịnh, sự vắng lặng an tĩnh không gì hơn được, và đạt được [Pháp] thân thường tồn. [Pháp] thân này cũng không thuộc về các [phương hướng] đông, tây, nam, bắc.”

Phú-na lại hỏi: “Thưa Cồ-đàm, do nhân duyên gì mà [Pháp] thân thường tồn đó không thuộc về [các phương hướng] đông, tây, nam, bắc?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Nay ta sẽ hỏi ông, cứ tùy ý mà trả lời. Này thiện nam tử, ý ông nghĩ sao, nếu trước mặt ông đốt lên một đống lửa lớn, đang khi lửa cháy ông có biết là cháy hay không?”

Phú-na đáp: “Thưa Cồ-đàm, có biết như vậy.”

Phật hỏi: “Khi lửa ấy tắt, ông có biết là tắt hay không?”

Phú-na đáp: “Thưa Cồ-đàm, có biết như vậy.”

Phật hỏi: “Nếu có người hỏi ông rằng, đống lửa trước mặt ông đó, khi đốt lên thì lửa từ đâu đến, khi tắt rồi thì lửa đi về đâu, ông sẽ đáp thế nào?

Phú-na đáp: “Thưa Cồ-đàm, tôi sẽ đáp rằng: Lửa ấy khi sanh ra là dựa vào các duyên [hòa hợp], khi các duyên trước đó đã hết, các duyên mới chưa đến thì lửa phải tắt.”

Phật nói: “Nếu lại hỏi sau khi tắt lửa đi về phương nào thì ông đáp thế nào?”

Phú-na đáp: “Thưa Cồ-đàm, tôi sẽ đáp rằng: Lửa ấy vì hết duyên nên phải tắt, chẳng đi đến phương nào cả.”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Như Lai cũng thế. Nếu có sắc vô thường cho đến thức vô thường, đó là nhân nơi tham ái mà cháy. [Nói] ‘cháy’ đó tức là sự thọ thân trong hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu. Vì thế nên khi đang cháy có thể nói rằng lửa ấy ở nơi phương đông, phương tây, phương nam hoặc phương bắc. Khi tham ái hiện tại dứt rồi, quả báo trong hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu không còn cháy nữa. Vì lửa ấy không còn cháy nữa nên không thể nói là có các phương hướng đông, tây, nam, bắc.

“Thiện nam tử! Như Lai đã diệt trừ sắc vô thường cho đến thức vô thường, nên thân Như Lai là thường. Nếu thân Như Lai là thường thì không thể nói là có các phương hướng đông, tây, nam, bắc.”

Phú-na nói: “Bạch Thế Tôn! Nay con xin nói ra một thí dụ, mong được Thế Tôn nhận nghe.”

Phật dạy: “Lành thay, lành thay! Ông cứ tùy ý nói ra.”

Phú-na thưa: “Bạch Thế Tôn! Như phía ngoài thôn lớn kia có một khu rừng sa-la. Trong rừng ấy có một cây lớn sanh ra trước cả khu rừng, đã được trăm năm tuổi. Lúc ấy, người giữ rừng thường tưới nước cho cây và tùy theo thời tiết mà chăm sóc. Cây ấy [ngày càng] già đi, hư hoại dần, rồi vỏ cây, cành lá thảy đều rơi rụng, chỉ còn lại duy nhất phần [lõi cây] chân thật.

“Thế Tôn! Đức Như Lai cũng thế, những gì già cũ đều đã trừ sạch, chỉ còn duy nhất là pháp chân thật.

“Bạch Thế Tôn! Nay con rất muốn được xuất gia tu tập Chánh đạo.”

Đức Phật liền gọi: “Lành thay, hãy đến đây, tỳ-kheo!”

Lời Phật vừa dứt, Phú-na lập tức [trở thành người] xuất gia, dứt sạch mọi phiền não, chứng đắc quả A-la-hán.

Lại có một Phạm chí tên Thanh Tịnh lên tiếng hỏi rằng: “Cồ-đàm! Tất cả chúng sanh do không hiểu biết pháp nào mà thấy rằng thế gian là thường, hoặc thấy là vô thường, hoặc cũng là thường cũng là vô thường, hoặc chẳng phải thường chẳng phải vô thường... cho đến [thấy rằng Như Lai diệt độ rồi] chẳng phải như đi [mất] cũng chẳng phải không như đi [mất]?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! [Tất cả chúng sanh] vì không hiểu biết về sắc... cho đến không hiểu biết về thức, nên thấy rằng thế gian là thường... cho đến [thấy rằng Như Lai diệt độ rồi] chẳng phải như đi [mất] cũng chẳng phải không như đi [mất].”

Phạm chí lại hỏi: “Cồ-đàm! Chúng sanh nhờ hiểu biết pháp nào mà không thấy rằng thế gian là thường... cho đến [không thấy rằng Như Lai diệt độ rồi] chẳng phải như đi [mất] cũng chẳng phải không như đi [mất]?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Chúng sanh nhờ hiểu biết về sắc... cho đến hiểu biết về thức, nên không thấy rằng thế gian là thường... cho đến [không thấy rằng Như Lai diệt độ rồi] chẳng phải như đi [mất] cũng chẳng phải không như đi [mất].”

Phạm chí thưa: “Bạch Thế Tôn! Xin ngài vì con phân biệt giảng nói về sự thường và vô thường của thế gian.”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Nếu người nào buông bỏ mọi nghiệp cũ, không tạo tác nghiệp mới, người ấy có thể rõ biết về thường và vô thường.”

Phạm chí [Thanh Tịnh] thưa: “Bạch Thế Tôn! Con đã nhận biết, con đã hiểu rõ.”

Phật hỏi: “Thiện nam tử! Ông nhận biết như thế nào? Hiểu rõ như thế nào?”

Phạm chí thưa: “Bạch Thế Tôn! Nói ‘cũ’ đó là vô minh và tham ái; nói ‘mới’ đó là [sự chấp] thủ và [hiện] hữu. Nếu người nào lìa xa vô minh và tham ái, không tạo tác [các nghiệp chấp] thủ và [hiện] hữu, người ấy rõ biết một cách chân thật về thường và vô thường.

“Bạch Thế Tôn! Nay con đã đạt được cách nhìn thanh tịnh đúng theo Chánh pháp, xin quy y Tam bảo, nguyện đức Như Lai cho phép con xuất gia.”

Phật bảo Kiều-trần-như: “Hãy cho vị Phạm chí này xuất gia thọ giới.”

Bấy giờ, Kiều-trần-như vâng lời Phật dạy, liền đưa Phạm chí Thanh Tịnh đến trước chư tăng, làm pháp kiết-ma cho vị này xuất gia. Mười lăm ngày sau đó, Phạm chí Thanh Tịnh dứt sạch phiền não, chứng đắc quả A-la-hán.



    « Xem chương trước «      « Sách này có 44 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.97.235 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (228 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...