Mục đích của cuộc sống là sống có mục đích.Sưu tầm
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Cuộc sống không phải là vấn đề bất ổn cần giải quyết, mà là một thực tiễn để trải nghiệm. (Life is not a problem to be solved, but a reality to be experienced.)Soren Kierkegaard
Nỗ lực mang đến hạnh phúc cho người khác sẽ nâng cao chính bản thân ta. (An effort made for the happiness of others lifts above ourselves.)Lydia M. Child
Sự ngu ngốc có nghĩa là luôn lặp lại những việc làm như cũ nhưng lại chờ đợi những kết quả khác hơn. (Insanity: doing the same thing over and over again and expecting different results.)Albert Einstein
Chấm dứt sự giết hại chúng sinh chính là chấm dứt chuỗi khổ đau trong tương lai cho chính mình.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Hào phóng đúng nghĩa với tương lai chính là cống hiến tất cả cho hiện tại. (Real generosity toward the future lies in giving all to the present.)Albert Camus
Trong sự tu tập nhẫn nhục, kẻ oán thù là người thầy tốt nhất của ta. (In the practice of tolerance, one's enemy is the best teacher.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Khởi đầu của mọi thành tựu chính là khát vọng. (The starting point of all achievement is desire.)Napoleon Hill

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Hợp tuyển lời Phật dạy trong Kinh tạng Pali »» VII. Con đường giải thoát »»

Hợp tuyển lời Phật dạy trong Kinh tạng Pali
»» VII. Con đường giải thoát

Donate

(Lượt xem: 4.992)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Hợp tuyển lời Phật dạy trong Kinh tạng Pali - VII. Con đường giải thoát

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc
GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT

Trong chương này, chúng ta đi đến một nét đặc thù nổi bật của giáo pháp Đức Phật, đó là con đường ‘siêu thế’ hay ‘vượt thoát thế gian’(lokuttara). Con đường này xây dựng trên nền tảng sự hiểu biết đã được chuyển hóa và tầm nhìn sâu sắc về bản chất của thế gian, phát sinh từ việc nhận thức được những hiểm họa của dục lạc giác quan, về cái chết không thể tránh được, và bản chất hung hiểm của cõi luân hồi, những đề tài chúng ta đã duyệt qua trong chương trước. Việc này nhằm mục đích đưa hành giả đến một tâm hành giải thoát vượt ra khỏi mọi cảnh giới tồn tại hữu vi, để đi đến niềm hỷ lạc không còn cấu uế và không còn khổ đau của cõi Niết-bàn mà chính Đức Phật đã đạt được vào đêm Ngài chứng đắc giác ngộ.

Chương này trình bày những kinh văn cho chúng ta một cái nhìn tổng quát về con đường vượt thoát thế gian; hai chương tiếp theo sẽ tập hợp những kinh văn chú trọng kỹ hơn vào việc rèn luyện tâm và trau dồi trí tuệ, hai chi phần chính của con đường vượt thoát thế gian. Tuy nhiên, tôi sẽ bắt đầu bằng nhiều bài kinh có dụng ý làm sáng tỏ mục đích của con đường này, soi sáng nó từ nhiều góc độ khác nhau. Kinh Văn VII, 1 (1), Tiểu Kinh Māluṅkyāputta (Trung BK 63) cho thấy rằng con đường của Phật giáo không phải được thiết kế để cung cấp lời giải đáp lý thuyết cho những vấn đề triết lý. Trong kinh này, Tỷ-kheo Māluṅkyāputta đi đến Thế Tôn và yêu cầu Ngài trả lời mười câu hỏi có tính cách suy đoán, đe dọa sẽ rời Tăng đoàn nếu yêu cầu không được thỏa mãn. Các học giả đã từng tranh luận về việc có phải Đức Phật từ chối trả lời, bởi vì trên nguyên tắc đó là những câu hỏi không thể trả lời được, hay chỉ vì chúng không liên quan đến một giải pháp thực tiễn cho vấn nạn khổ đau của kiếp người. Hai tập kinh trong Tương Ưng Bộ Kinh (Saṃyutta Nikāya) - (Tương Ưng 33:1-10 và Tương Ưng 44:7-8) - đã chỉ rõ rằng sự ‘im lặng’ của Đức Phật có một nền tảng sâu xa hơn là những quan tâm thực dụng đơn thuần. Những bài kinh này chứng tỏ rằng tất cả những câu hỏi đó đặt nền tảng trên một nhận định ngầm cho rằng sự hiện hữu phải được diễn giải theo quan điểm có một cái ngã và một thế giới trong đó cái ngã tồn tại. Vì những tiền đề này không có giá trị, nên không có câu trả lời nào được hình thành trên những tiền đề ấy có thể có giá trị, vì thế Đức Phật phải bác bỏ ngay chính những câu hỏi đó.

Tuy nhiên, trong lúc Đức Phật có những nền tảng triết lý để từ chối trả lời những câu hỏi đó, Ngài cũng bác bỏ chúng bởi vì Ngài cho rằng việc bận tâm tìm kiếm lời giải đáp cho những câu hỏi đó là không ích lợi gì cho việc tìm kiếm con đường giải thoát khổ đau. Lý do này là điểm rõ ràng trong kinh Māluṅkyāputta, với ví dụ nổi tiếng về một người bị mũi tên độc bắn trúng. Cho dù bất cứ quan điểm nào trong số đó đúng hay không, Đức Phật dạy rằng: “Có sinh, già, bệnh, chết; có buồn rầu, than van, đau đớn, thất vọng, và tuyệt vọng; và Ta đã đề ra phương cách diệt trừ chúng ngay bây giờ và ở đây.” Dựa trên hình ảnh của bối cảnh cõi luân hồi được phác họa vào cuối chương trước, lời nhận định này giờ đây mang một ý nghĩa mở rộng: “Sự đoạn diệt sinh, già, bệnh, chết” không chỉ là chấm dứt khổ đau trong một kiếp người, nhưng đó là sự chấm dứt vô lượng khổ đau do lặp đi lặp lại vòng sinh, già, bệnh, chết mà chúng ta đã trải qua trong vô lượng kiếp trong vòng luân hồi.

Kinh Văn VII, 1 (2), Đại Kinh Ví Dụ Lõi Cây (Trung BK 26) làm sáng tỏ từ một góc độ khác về mục đích của Đức Phật trong việc thuyết giảng Giáo pháp vượt thoát thế gian của Ngài. Bài kinh nói về một ‘người bộ tộc’ đã xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, với mục đích đạt đến chấm dứt khổ đau. Mặc dù rất nhiệt tâm trong mục đích ban đầu lúc xuất gia, nhưng khi vị này đạt được một vài thành công, dù là thành quả ở mức độ thấp như được công nhận và vinh danh, hay ở mức độ cao hơn như đạt được định tâm và tuệ giác, vị này trở nên tự mãn và quên mất mục đích ban đầu khi đi theo con đường của Đức Phật. Đức Phật tuyên bố rằng không có trạm dừng chân nào trên con đường - không phải giới, định, hay ngay cả tuệ giác - là mục tiêu cuối cùng của con đường tâm linh. Mục tiêu, là lõi cây hay mục đích chính yếu, là “tâm giải thoát bất động”, và Ngài thúc giục những vị đã đi trên Thánh đạo đừng bằng lòng với bất cứ những gì kém hơn thế.

Kinh văn VII, 1, (3) là một tuyển chọn các bài kinh trong Tương Ưng Bộ kinh. Những bài kinh này xác định rằng mục đích của việc thực hành đời sống tâm linh theo Đức Phật là “làm lụi tàn mọi dục vọng... tiến đến Niết-bàn tối hậu không còn chấp thủ”, và Bát Thánh đạo chính là con đường để đạt được những mục đích ấy.

Bát Thánh đạo là công thức cổ điển về con đường giải thoát, như đã được nói rõ ràng trong bài thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật, trong đó Ngài gọi Bát Thánh đạo là con đường chấm dứt khổ đau. Kinh Văn VII, 2 đưa ra các định nghĩa chính thức về từng chi phần trong Thánh đạo nhưng không chỉ rõ cụ thể làm thế nào để việc tu tập chúng được thể nhập vào đời sống của người đệ tử. Việc áp dụng chi tiết sẽ được trình bày đầy đủ vào phần sau của chương này và trong chương VIII và chương IX.

Kinh Văn VII, 3 chiếu ánh sáng vào một điểm quan trọng của con đường, khác với những gì chúng ta thường quen thuộc trong giáo pháp tiêu chuẩn của Đức Phật. Trong lúc chúng ta thường được dạy rằng việc tu tập Phật đạo tùy thuộc hoàn toàn vào nỗ lực cá nhân, bài kinh này nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tình huynh đệ đồng tu. Đức Phật tuyên bố rằng tình huynh đệ đồng tu không chỉ là ‘một nửa của đời sống tâm linh’ mà là toàn bộ đời sống tâm linh, bởi vì nỗ lực đạt đến việc hoàn thiện đời sống tâm linh không chỉ đơn thuần là một công trình cá nhân mà là công việc lệ thuộc vào các mối quan hệ thân cận với các huynh đệ đồng tu. Tình huynh đệ đồng tu đem lại cho việc thực hành Giáo pháp một bình diện không thể tránh được của đời sống con người, và kết nối những hành giả Phật giáo thành một cộng đồng thống nhất cả về chiều dọc trong mối quan hệ giữa bậc đạo sư và đệ tử, lẫn chiều ngang trong tình đạo hữu giữa những người đồng phạm hạnh cùng đi chung một con đường.

Trái với nhận định thông thường, tám chi phần của Thánh đạo không phải là những bước phải đi theo thứ tự, bước này tiếp theo bước kia. Các chi phần này có thể được mô tả thích hợp hơn như là những thành phần hơn là những bước. Tốt nhất là tất cả tám chi phần nên được trình bày đồng loạt, mỗi chi phần có sự đóng góp đặc biệt của chính nó, giống như tám sợi dây cáp đan quyện vào nhau tạo cho sợi dây cáp có sức mạnh tối đa. Tuy nhiên, cho đến khi đạt được giai đoạn ấy, điều không thể tránh khỏi là những chi phần của Thánh đạo biểu lộ một mức độ thứ tự nào đó trong quá trình phát triển của chúng. Tám chi phần thường được phân phối thành ba nhóm như sau:

1. Giới (sīlakkhandha): gồm có Chánh ngữ, Chánh nghiệp và Chánh mạng.

2. Định (samādhikkhandha): gồm có Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định.

3. Tuệ (paññākkhandha): gồm có Chánh tri kiến và Chánh tư duy.

Tuy nhiên, trong các bộ kinh Nikāya, sự tương quan này chỉ xảy ra một lần (Trung Bộ Kinh 44; I 301), trong đó điều này được gán cho ni sư Dhammadinnā, chứ không phải chính Đức Phật. Có thể nói rằng hai chi phần thuộc về Tuệ được đặt lên hàng đầu bởi vì Chánh tri kiến và Chánh tư duy là điều kiện đầu tiên đòi hỏi hành giả phải có vào lúc khởi đầu Thánh đạo. Chánh tri kiến cung cấp sự hiểu biết khái niệm về các nguyên lý của Phật đạo hướng dẫn sự phát triển những chi phần khác của Thánh đạo, Chánh tư duy là động cơ và phương hướng đúng đắn để phát triển Thánh đạo.

Trong các bộ kinh Nikāya, Đức Phật thường diễn giảng việc tu tập Thánh đạo như là một sự rèn luyện từ từ (anupuppasikkhā) mở ra theo các giai đoạn, từ bước đầu tiên đến mục tiêu cuối cùng. Việc tu tập từ từ này là một tiểu mục trong ba học phần của Thánh đạo là Giới, Định và Tuệ. Nhất quán trong các kinh văn, sự diễn giảng việc tu tập từ từ thường bắt đầu với hành động xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình và chấp nhận lối sống của một Tỷ-kheo, tức là một Tăng sĩ Phật giáo. Điều này tức khắc kêu gọi sự chú ý đến tầm quan trọng của đời sống tu sĩ trong tầm nhìn thực tiễn của Đức Phật. Trên nguyên tắc, toàn bộ việc tu tập Bát Thánh đạo mở rộng cho mọi tầng lớp xã hội, tu sĩ hay cư sĩ, và Đức Phật xác nhận rằng có rất nhiều người trong số các đệ tử cư sĩ của Ngài đã thành tựu Giáo pháp và đã đạt được ba trong số bốn quả vị tu chứng, đến quả vị Bất Lai (anāgāmi), các nhà luận giải Nguyên Thủy nói rằng cư sĩ cũng có thể chứng quả thứ tư, tức là quả vị A-la-hán, nhưng họ chỉ đạt được như vậy lúc sắp chết hay phải xuất gia ngay lập tức sau khi chứng đắc). Tuy nhiên, thực tế vẫn tồn tại sự kiện là đời sống gia đình không thể nào tránh khỏi làm phát triển rất nhiều mối quan tâm thế tục và những dính mắc cá nhân làm cản trở quyết tâm tìm cầu giải thoát. Vì thế, khi Đức Phật bắt đầu công cuộc Thánh cầu, Ngài đã thực hành như vậy bằng cách từ bỏ gia đình, sống không gia đình, và sau khi chứng đắc giác ngộ, để mở ra một con đường thực tiễn giúp đỡ người khác, Ngài đã thiết lập Tăng đoàn, là đoàn thể Tăng Ni, để cho những ai muốn cống hiến trọn vẹn cho việc thực hành Giáo pháp không bị trở ngại vì vấn đề phải quan tâm chăm sóc gia đình.

Việc tu tập từ từ được trình bày trong hai tập kinh: tập kinh dài hơn trong Trường Bộ Kinh và tập kinh cỡ trung trong Trung Bộ Kinh. Những điểm khác nhau chính là: tập kinh dài trình bày cách thực hành chi tiết hơn về những qui tắc ứng xử của tu sĩ và việc tự chế ngự các căn của vị Sa-môn khổ hạnh; tập kinh dài bao gồm tám loại tri kiến cao thượng trong lúc tập kinh cỡ trung có ba loại. Tuy nhiên, vì ba loại này là những tri kiến được đề cập trong lời tường thuật của Đức Phật về sự giác ngộ của chính Ngài (xem Kinh Văn II, 3(2)), như vậy chúng được xem là quan trọng nhất. Khuôn mẫu chính trong tập kinh dài về sự tu tập từ từ được tìm thấy ở Trường Bộ Kinh - kinh số 2, và Trung Bộ Kinh - kinh số 27 và 51, với một vài thay đổi trong các bài kinh 38, 39, 53, 107, và 125. Ở đây, Kinh Văn VII, 4 bao gồm toàn bộ bài kinh số 127 - Trung BK, trong đó gắn liền việc tu tập trong ví dụ dấu chân voi mà cũng là nhan đề của bài kinh. Kinh Văn VII, 5, một trích đoạn từ bài kinh 39 - Trung BK, lặp lại các giai đoạn cao hơn của việc tu tập như đã mô tả trong kinh 27 -Trung BK, nhưng bao gồm những ví dụ gây ấn tượng không có trong bài kinh số 27.

Thứ tự của Thánh đạo mở đầu bằng sự xuất hiện của Như Lai trong thế gian và lời tuyên thuyết Chánh pháp của Ngài. Sau khi nghe lời thuyết giảng của Ngài, người đệ tử khởi tín tâm và theo bước chân Đạo sư để sống không gia đình. Rồi vị ấy chấp hành giới luật để phát triển việc thanh lọc thân tâm và chánh mạng của một Sa-môn khổ hạnh. Ba bước kế tiếp - hài lòng, tự chế ngự các căn, chánh niệm và hiểu biết rõ ràng - quá trình thanh lọc hướng vào nội tâm và từ đó kết nối sự chuyển tiếp từ giới sang định.

Phần nói về việc diệt trừ năm chướng ngại (triền cái) đề cập việc rèn luyện ban đầu về Chánh định. Năm chướng ngại - tham dục, sân hận, dật dờ buồn ngủ, bất an và hối hận, và nghi ngờ - là những chướng ngại chính cho việc phát triển thiền định, như vậy chúng phải được loại trừ để tâm trở nên vững chãi và nhất tâm. Toàn bộ đoạn kinh về việc tu tập từ từ đề cập việc vượt qua năm chướng ngại một cách tổng quát, nhưng các bài kinh khác trong bộ kinh Nikāya cung cấp nhiều lời hướng dẫn thực tiễn hơn, trong lúc các bài luận giải Pāli cho thêm nhiều chi tiết hơn nữa. Các ví dụ trong bài kinh 39 - Trung BK - xem Kinh Văn VII, 5 - minh họa cảm giác giải thoát hoan hỷ mà hành giả đạt được sau khi vượt qua được năm chướng ngại.

Giai đoạn tiếp theo trong thứ tự này mô tả sự chứng đắc các tầng thiền (jhāna), đó là những trạng thái nhập định thâm sâu trong đó hành giả hoàn toàn nhất tâm với đối tượng thiền quán. Đức Phật liệt kê bốn tầng thiền theo số thứ tự, đặt tên chúng đơn giản theo thứ tự vị trí của chúng, mỗi tầng thiền sau tinh tế hơn và cao thượng hơn tầng thiền trước. Các tầng thiền luôn luôn được mô tả theo cùng công thức, được tăng cường bằng nhiều ví dụ về vẻ đẹp tuyệt vời của chúng trong nhiều bài kinh (một lần nữa, xem Kinh văn VII, 5). Mặc dù trí tuệ chứ không phải thiền định là yếu tố quan trọng nhất trong việc chứng đắc giác ngộ, Đức Phật đã nhất quán bao gồm các tầng thiền trong việc tu tập từ từ vì ít nhất là hai lý do: thứ nhất, bởi vì chúng đóng góp vào sự toàn thiện trong bản chất của Thánh đạo; và thứ hai, bởi vì sự nhập định thâm sâu do các tầng thiền mang lại phục vụ như một nền tảng để khởi sinh tuệ giác. Đức Phật gọi các tầng thiền là “bước chân của Như Lai” (Trung BK 27, 19-20) và chứng tỏ cho thấy chúng là những dấu hiệu báo trước về niềm hỷ lạc của Niết-bàn nằm ở đoạn cuối của con đường tu tập.

Từ Tứ thiền, có ba đường lối khác có thể thực hiện để tiếp tục phát triển cao hơn. Trong một số kinh văn bên ngoài các đoạn kinh nói về việc tu tập từ từ, Đức Phật đề cập bốn trạng thái thiền định tiếp theo trạng thái nhất tâm đã được các tầng thiền thiết lập. Những trạng thái thiền định này, được mô tả như là “sự giải thoát an lạc và vô sắc”, là sự thanh lọc tinh tế hơn nữa của định. Được phân biệt khác với các tầng thiền bởi tính chất siêu việt của hình ảnh tâm thức vi tế vốn là đối tượng trong các tầng thiền, chúng được đặt tên là ‘Không Vô Biên Xứ’, ‘Thức Vô Biên Xứ’, ‘Vô Sở Hữu Xứ’, và ‘Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ’.

Đường lối phát triển thứ hai là việc chứng đắc các thần thông. Đức Phật thường đề cập một bộ gồm sáu loại, được gọi là lục thông (chalabhiññā). Thần thông cuối cùng, lậu tận thông, là ‘xuất thế’ hay siêu việt thế gian và như vậy đánh dấu đỉnh cao của đường lối phát triển thứ ba. Nhưng năm thần thông kia lại thuộc về thế gian, là sản phẩm của nhập định đầy uy lực phi thường, đạt được trong Tứ thiền: thiên nhĩ thông, thần túc thông, tha tâm thông, túc mạng thông, và thiên nhãn thông.

Các tầng thiền và tứ vô sắc định tự chúng không đem đến giác ngộ và giải thoát. Mặc dù cao thượng và an tịnh, các thiền chứng ấy chỉ làm lặng yên những phiền não cấu uế vốn vẫn là nguồn nuôi dưỡng vòng sinh tử luân hồi, nhưng không thể đoạn trừ chúng. Để nhổ tận gốc những phiền não cấu uế ở mức độ cơ bản nhất, và từ đó đạt được giác ngộ và giải thoát, tiến trình thiền định phải hướng đến đường lối phát triển thứ ba. Đó là ‘quán chiếu vạn pháp đúng như thực’ đưa đến kết quả là tăng cường những tuệ giác thâm sâu về bản thể của hiện hữu và đạt đến đỉnh cao ở mục tiêu cuối cùng, là việc chứng quả A-la-hán.

Đường lối phát triển này là con đường mà Đức Phật theo đuổi trong đoạn nói về tu tập từ từ. Ngài mở đầu bằng việc mô tả hai trong ba thần thông, túc mạng thông và thiên nhãn thông. Cả ba thần thông này được làm nổi bật trong sự giác ngộ của chính Đức Phật - như chúng ta thấy trong Kinh Văn II, 3 (2) - và được gọi chung là tam minh (tevijjā). Mặc dù hai minh đầu tiên không cần thiết cho việc chứng đắc A-la-hán, nhưng có lẽ Đức Phật đưa chúng vào đây bởi vì chúng hé lộ cho thấy tầm mức rộng lớn và sâu xa của khổ đau trong vòng luân hồi, từ đó chuẩn bị tâm thâm nhập vào Tứ diệu đế qua đó khổ đau được chẩn đoán và đoạn trừ.

Đoạn kinh nói về tu tập từ từ không diễn tả rõ ràng tiến trình quán chiếu qua đó hành giả phát triển tuệ giác. Toàn bộ tiến trình chỉ được ngụ ý bằng việc đề cập kết quả cuối cùng, được gọi là lậu tận thông (āsavakkhayañāna). Từ āsava hay lậu hoặc là sự xếp loại những phiền não cấu uế được xem là đã đóng vai trò trong việc thúc đẩy vòng sinh tử luân hồi tiếp tục tiến tới. Các bài luận giải rút từ này từ ngữ căn su nghĩa là ‘trôi chảy’, Các học giả phân biệt sự khác nhau ở chỗ là sự trôi chảy này do tiếp đầu ngữ ā ngụ ý hướng về nội tâm hay ngoại cảnh; từ đó một số học giả giải thích nó là ‘xâm nhập’ hay ‘ảnh hưởng’, vài học giả khác lại cho rằng từ đó có nghĩa ‘tuôn trào ra’ hay ‘chảy ra’. Một số đoạn văn trong các kinh chứng tỏ rằng ý nghĩa thực sự của từ này độc lập về phương diện ngữ căn khi nó mô tả āsava như là những trạng thái ‘phiền não cấu uế, đưa đến tái sanh, tạo nên rắc rối, chín muồi trong khổ đau và dẫn đến tái sanh, già và chết’ (Trung BK I, số 36.47; tr 250). Như vậy, các dịch giả khác, bỏ qua nghĩa đen của từ này, đã giải thích nó như là ‘dịch bệnh’, ‘sự hủy hoại’ hay ‘lậu hoặc’. Ba lậu hoặc đề cập trong các bộ kinh Nikāya đồng nghĩa với khao khát dục lạc, khao khát hiện hữu và vô minh. Khi tâm của người đệ tử được giải thoát khỏi các lậu hoặc bằng cách hoàn tất con đường Thánh đạo của bậc A-la-hán, vị ấy duyệt xét lại sự giải thoát mới đạt được và rống lên tiếng rống của con sư tử: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những gì cần làm đã làm, không còn trở lại đời sống trong bất cứ hình thái hiện hữu nào nữa.”

1. TẠI SAO HÀNH GIẢ ĐI VÀO THÁNH ĐẠO?

(1) Mũi tên của sinh, già, và chết

1. Tôi nghe như vầy. Một thời, Thế Tôn ngụ tại thành Xá-vệ (Sāvatthī) trong rừng Kỳ-đà (Jeta), thuộc vườn Cấp Cô Độc.

2. Rồi Tôn giả Māluṅkyāputta trong lúc đang độc cư hành thiền, đã khởi lên ý nghĩ sau đây:

“Có một số quan điểm mang tính suy đoán đã bị Thế Tôn dẹp qua một bên và bác bỏ, đó là: ‘thế giới là vĩnh cửu’ và ‘thế giới không vĩnh cửu’; ‘thế giới là hữu biên’ và ‘thế giới là vô biên’; ‘thân và tâm là một’ và ‘thân và tâm là hai thứ khác nhau’; ‘Như Lai vẫn tồn tại sau khi chết’ và ‘Như Lai không tồn tại sau khi chết’ và ‘Như Lai vừa tồn tại vừa không tồn tại sau khi chết’ và ‘Như Lai không tồn tại và cũng không không tồn tại sau khi chết’. (1) Thế Tôn đã không trả lời những vấn đề này cho ta, và ta không đồng ý và chấp nhận việc này, vì thế ta sẽ đến gặp Thế Tôn để xin Ngài giải thích ý nghĩa của những vấn đề này. Nếu Ngài trả lời cho ta rằng, hoặc ‘thế giới là vĩnh cửu’... hay ‘Như Lai không tồn tại cũng không không tồn tại sau khi chết’, thì ta sẽ sống đời phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Ngài. Nếu Ngài không trả lời những vấn đề này cho ta, thì ta sẽ từ bỏ tu tập và trở về cuộc sống thế tục.”

3. Rồi vào buổi chiều tối, Tôn giả Māluṅkyāputta chấm dứt thời thiền tập và đi đến Thế Tôn. Sau khi đảnh lễ Ngài, Tôn giả ngồi xuống một bên và bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, ở đây, trong khi con độc cư hành thiền, ý nghĩ này đã khởi lên trong con: “Những quan điểm mang tính suy đoán này đã bị Thế Tôn dẹp qua một bên và bác bỏ... Nếu Ngài không trả lời những vấn đề này cho ta, thì ta sẽ từ bỏ tu tập và trở về cuộc sống thế tục.” Nếu Thế Tôn biết ‘thế giới là vĩnh cửu’ thì Thế Tôn hãy nói cho con ‘thế giới là vĩnh cửu’; nếu Thế Tôn biết ‘thế giới là không vĩnh cửu’ thì Thế Tôn hãy nói cho con ‘thế giới là không vĩnh cửu’; nếu Thế Tôn không biết ‘thế giới là vĩnh cửu’ hay ‘thế giới là không vĩnh cửu’, thì người không biết và không thấy hãy thẳng thắn trả lời: ‘Tôi không biết và không thấy.’”

“Nếu Thế Tôn biết ‘thế giới là hữu biên’... ‘thế giới là vô biên’... ‘thân và tâm là một’... ‘thân và tâm là hai thứ khác nhau’... ‘Như Lai tồn tại sau khi chết’... ‘Như Lai không tồn tại sau khi chết’... Nếu Thế Tôn biết ‘Như Lai vừa tồn tại vừa không tồn tại sau khi chết’ thì Như Lai hãy tuyên bố như thế với con; nếu Thế Tôn biết ‘Như Lai không tồn tại cũng không không tồn tại sau khi chết’ thì Như Lai hãy tuyên bố như thế với con; nếu Thế Tôn không biết ‘Như Lai vừa tồn tại vừa không tồn tại sau khi chết’ thì người không biết và không thấy hãy thẳng thắn trả lời: ‘Tôi không biết và không thấy.’”

4. – Này Māluṅkyāputta, vậy thì, có bao giờ Ta từng nói với ông: “Này Māluṅkyāputta, hãy đến và sống đời phạm hạnh theo Ta và Ta sẽ cho ông biết ‘thế giới là vĩnh cửu’... hay ‘Như Lai không tồn tại và cũng không không tồn tại sau khi chết’?”
– Thưa không, bạch Thế Tôn.
– Có bao giờ ông từng nói với Ta: “Tôi sẽ sống đời phạm hạnh theo Thế Tôn, và Thế Tôn sẽ nói cho tôi biết ‘thế giới là vĩnh cửu… hay ‘Như Lai không tồn tại và cũng không không tồn tại sau khi chết’?”
– Thưa không, bạch Thế Tôn.
– Quả đúng như vậy, này kẻ ngu si kia, ông là ai và ông đang từ bỏ cái gì?

5. Nếu có ai nói như sau: “Tôi sẽ không sống đời phạm hạnh theo Thế Tôn cho đến khi nào Thế Tôn nói cho tôi biết ‘thế giới là vĩnh cửu’... hay ‘Như Lai không tồn tại và cũng không không tồn tại sau khi chết’”, thì cho đến khi người ấy chết, Như Lai vẫn không trả lời những câu hỏi này. Này Māluṅkyāputta, giả sử có một người bị thương nặng do trúng phải mũi tên độc, bạn bè và người đồng hành, người trong bộ tộc và bà con của anh ta đem đến một y sĩ để chữa trị cho anh ta. Người này nói: “Tôi sẽ không để cho người y sĩ nhổ mũi tên độc cho đến khi nào tôi biết người bắn tôi là thuộc giai cấp hoàng tộc, Bà-la-môn, thương gia hay công nhân.” Và người ấy có thể nói: “Tôi sẽ không để cho người y sĩ nhổ mũi tên độc cho đến khi nào tôi biết tên và bộ tộc người bắn tôi... cho đến khi nào tôi biết người bắn tôi cao hay thấp hay trung bình... cho đến khi tôi biết người bắn tôi da đen, nâu hay vàng... cho đến khi tôi biết người bắn tôi sống ở làng nào, thị trấn nào, thành phố nào... cho đến khi tôi biết chiếc cung bắn tôi thuộc loại cung dài hay cung chéo... cho đến khi tôi biết dây cung bắn tôi làm bằng cây leo, cây lau hay gân, dây gai hay vỏ cây... cho đến khi tôi biết mũi tên dùng bắn tôi thuộc loại cây lau dại hay cây lau trồng... cho đến khi tôi biết mũi tên dùng bắn tôi được kết bằng loại lông gì - hoặc lông con kên kên, lông con cò, lông con ó, lông con công, hoặc lông một loài két... cho đến khi tôi biết mũi tên dùng bắn tôi được cuốn bằng loại gân nào - gân bò, gân trâu, gân nai, hay gân khỉ... cho đến khi tôi biết mũi tên dùng bắn tôi thuộc loại tên nhọn, hay tên như đầu dao cạo, hay tên móc, hoặc như kẽm gai, hoặc như răng bò hay như dao nhọn hai đầu.”

Tất cả những điều này người ấy sẽ không biết được, và trong lúc đó người ấy sẽ chết. Cũng vậy, này Māluṅkyāputta, nếu có người nói rằng: “Tôi sẽ không sống đời phạm hạnh theo Thế Tôn cho đến khi nào Thế Tôn nói cho tôi biết ‘thế giới là vĩnh cửu’... hay ‘Như Lai không tồn tại và cũng không không tồn tại sau khi chết’, thì cho đến khi người ấy chết, Như Lai vẫn không trả lời những câu hỏi này.

6. Này Māluṅkyāputta, nếu có quan điểm ‘thế giới là vĩnh cửu’ thì không thể sống đời phạm hạnh; nếu có quan điểm ‘thế giới là không vĩnh cửu’ thì không thể sống đời phạm hạnh. Dù có quan điểm ‘thế giới là vĩnh cửu’ hay quan điểm ‘thế giới là không vĩnh cửu’ thì vẫn có sinh, già, chết; có ưu sầu, than thở, đau khổ, phiền não, tuyệt vọng mà Ta đã giảng dạy phương pháp đoạn trừ ngay bây giờ và ở đây.

Nếu có quan điểm ‘thế giới là hữu biên’... hay ‘thế giới là vô biên’... ‘thân và tâm là một’... ‘thân và tâm là hai thứ khác nhau’... ‘Như Lai vẫn tồn tại sau khi chết’... ‘Như Lai không tồn tại sau khi chết’, thì không thể sống đời phạm hạnh. Nếu có quan điểm ‘Như Lai vừa tồn tại vừa không tồn tại sau khi chết’ thì không thể sống đời phạm hạnh. Nếu có quan điểm ‘Như Lai không tồn tại và cũng không không tồn tại sau khi chết’, thì không thể sống đời phạm hạnh... Cho dù có quan điểm ‘Như Lai vừa tồn tại vừa không tồn tại sau khi chết’, hay quan điểm ‘Như Lai không tồn tại và cũng không không tồn tại sau khi chết’ thì vẫn có sinh, già, chết; có ưu sầu, than thở, đau khổ, phiền não, tuyệt vọng, mà Ta đã giảng dạy phương pháp đoạn trừ ngay bây giờ và ở đây.

7. Vì vậy, này Māluṅkyāputta, hãy ghi nhớ những gì Ta đã không trả lời như là (Như Lai) không trả lời, và những gì Ta đã trả lời như là (Như Lai) đã trả lời. Và những gì Ta đã không trả lời? Đó là ‘Thế giới là vĩnh cửu’- Ta đã không trả lời. ‘Thế giới không vĩnh cửu’- Ta đã không trả lời. ‘Thế giới là hữu biên’- Ta đã không trả lời. ‘Thế giới là vô biên’- Ta đã không trả lời. ‘Thân và tâm là một’- Ta đã không trả lời. ‘Thân và tâm là hai thứ khác nhau’- Ta đã không trả lời. ‘Như Lai tồn tại sau khi chết’- Ta đã không trả lời. ‘Như Lai không tồn tại sau khi chết’- Ta đã không trả lời. ‘Như Lai vừa tồn tại vừa không tồn tại sau khi chết’- Ta đã không trả lời. ‘Như Lai không tồn tại và cũng không không tồn tại sau khi chết’- Ta đã không trả lời.

8. Vì sao Ta đã không trả lời những câu hỏi ấy? Bởi vì điều ấy không lợi ích, nó không thuộc về những điều cơ bản của đời sống phạm hạnh, nó không đưa đến nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh; không đưa đến tri kiến rốt ráo, giải thoát, Niết-bàn. Đó là lý do tại sao Ta không trả lời.

9. Và những gì ta đã trả lời? Đó là ‘Đây là khổ’– Ta đã trả lời. ‘Đây là nguồn gốc của khổ’– Ta đã trả lời. ‘Đây là sự chấm dứt khổ’– Ta đã trả lời. ‘Đây là con đường chấm dứt khổ’– Ta đã trả lời.

10. Tại sao Ta đã trả lời những điều đó? Bởi vì điều ấy lợi ích, nó thuộc về những điều cơ bản của đời sống phạm hạnh, đưa đến nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh; đưa đến tri kiến rốt ráo, giải thoát, Niết-bàn. Đó là lý do tại sao Ta trả lời.

Vì vậy, này Māluṅkyāputta, hãy ghi nhớ những gì Ta đã không trả lời như là (Như Lai) không trả lời, và những gì Ta đã trả lời như là (Như Lai) đã trả lời.

Đó là những gì Thế Tôn giảng dạy. Tôn giả Māluṅkyāputta hài lòng và hoan hỷ với lời dạy của Thế Tôn (2).

(Trung BK II, Kinh số 63: Tiểu Kinh Māluṅkyāputta, tr. 193-204)

(2) Cốt Lõi Của Đời Sống Phạm Hạnh.

1. Tôi nghe như vầy. Một thời, Thế Tôn đang cư ngụ tại Vương Xá (Rājagaha) trên núi Linh Thứu (Mount Vulture Peak); sau khi Đề-bà-đạt-đa (Devadatta) đã bỏ đi không lâu (3). Tại đó, đề cập đến Đề-bà-đạt-đa, Thế Tôn nói với chúng Tăng như sau:

2. – Này các Tỷ-kheo, ở đây, có người bộ tộc do có lòng tin đã xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, người ấy suy nghĩ: “Ta là một nạn nhân của sanh, già, chết, ưu sầu, than thở, đau khổ, phiền não, tuyệt vọng. Ta là một nạn nhân của khổ đau, là mồi ngon của khổ đau. Chắc chắn là toàn bộ khổ đau này có thể chấm dứt được.” Khi vị ấy xuất gia như vậy, vị ấy nhận được lợi dưỡng, tôn kính, và danh tiếng. Vị ấy hài lòng với lợi dưỡng, tôn kính và danh tiếng, và ý nguyện của vị ấy được hoàn mãn. Do được như vậy, vị ấy sinh ra khen mình chê người như sau: “Ta được lợi dưỡng và danh tiếng, còn các Tỷ-kheo khác thì không được biết đến, không ai trọng vọng.” Vị ấy trở nên say đắm với lợi dưỡng, tôn kính, danh tiếng ấy và khởi sinh phóng dật, rơi vào phóng dật; và vì sống phóng dật, vị ấy bị đau khổ.

Giả sử có một người cần lõi cây, tìm kiếm lõi cây, đi lang thang tìm kiếm lõi cây, đi đến trước một cây lớn thẳng đứng có lõi cây. Người ấy bỏ qua lõi cây, lớp vỏ non, lớp vỏ trong, lớp vỏ ngoài, người ấy chặt cành lá đem về, nghĩ rằng chúng là lõi cây. Rồi có một người có mắt nhìn tốt, thấy như vậy bèn nói: “Người này không biết lõi cây, vỏ non, vỏ trong, vỏ ngoài hay cành lá. Vì thế trong lúc cần lõi cây, tìm kiếm lõi cây, lang thang tìm kiếm lõi cây, đi đến trước một cây lớn thẳng đứng có lõi cây. Người ấy bỏ qua lõi cây, lớp vỏ non, lớp vỏ trong, lớp vỏ ngoài, người ấy chặt cành lá đem về, nghĩ rằng chúng là lõi cây. Cho dù người này dùng lõi cây vào mục đích gì, thì mục đích của ông ta đã không thành tựu.” Cũng vậy đối với vị Tỷ-kheo đã bị say đắm với lợi dưỡng, tôn kính và danh tiếng, vị Tỷ-kheo này được gọi là người đã lấy cành lá của đời sống phạm hạnh, và dừng lại ngang đây.

3. Này các Tỷ-kheo, ở đây, có người bộ tộc do có lòng tin, đã xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, người ấy suy nghĩ: “Ta là một nạn nhân của sanh, già, chết, ưu sầu, than thở, đau khổ, phiền não, tuyệt vọng. Ta một nạn nhân của khổ đau, là mồi ngon của khổ đau. Chắc chắn là toàn bộ khổ đau này có thể chấm dứt được.” Khi vị ấy xuất gia như vậy, vị ấy nhận được lợi dưỡng, tôn kính, và danh tiếng. Vị ấy không thỏa mãn với lợi dưỡng, tôn kính và danh tiếng, và ý nguyện của vị ấy chưa được hoàn mãn. Không vì như vậy mà vị ấy sinh ra khen mình chê người. Vị ấy không say đắm với lợi dưỡng, tôn kính, danh tiếng ấy và không khởi sinh phóng dật, không rơi vào phóng dật. Do tinh cần, vị ấy thành tựu giới đức. Vị ấy hài lòng với việc thành tựu giới đức và ý nguyện của vị ấy đã hoàn mãn. Do được như vậy, vị ấy khen mình chê người như sau: “Ta đã thành tựu giới đức, ta có thiện hạnh; nhưng các Tỷ-kheo khác thì không có giới đức, theo ác hạnh.” Vị ấy trở nên tham đắm với thành tựu giới đức ấy, khởi sinh phóng dật, rơi vào phóng dật; và do phóng dật, vị ấy sống trong đau khổ.

Giả sử có một người cần lõi cây, tìm kiếm lõi cây, đi lang thang tìm kiếm lõi cây, đi đến trước một cây lớn thẳng đứng có lõi cây. Người ấy bỏ qua lõi cây, lớp vỏ non, lớp vỏ trong, lớp vỏ ngoài, người ấy chặt cành lá đem về, nghĩ rằng chúng là lõi cây. Rồi có một người có mắt nhìn tốt, thấy như vậy bèn nói: “Người này không biết lõi cây... hay cành lá. Vì thế trong lúc cần lõi cây... người ấy chặt lớp vỏ ngoài đem về, nghĩ rằng chúng là lõi cây. Cho dù người này dùng lõi cây vào mục đích gì, thì mục đích của ông ta đã không thành tựu.” Cũng vậy đối với vị Tỷ-kheo đã bị say đắm với thành tựu giới đức, vị Tỷ-kheo này được gọi là người đã lấy lớp vỏ ngoài của đời sống phạm hạnh, và dừng lại ngang đây.

4. Này các Tỷ-kheo, ở đây, có người bộ tộc do có lòng tin đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, người ấy suy nghĩ: “Ta là một nạn nhân của sanh, già, chết, ưu sầu, than thở, đau khổ, phiền não, tuyệt vọng. Ta một nạn nhân của khổ đau, là mồi ngon của khổ đau. Chắc chắn là toàn bộ khổ đau này có thể chấm dứt được.” Khi vị ấy xuất gia như vậy, vị ấy nhận được lợi dưỡng, tôn kính, và danh tiếng. Vị ấy không thỏa mãn với lợi dưỡng, tôn kính và danh tiếng, và ý nguyện của vị ấy chưa được hoàn mãn... Do tinh cần, vị ấy thành tựu giới đức. Vị ấy hài lòng với việc thành tựu giới đức nhưng ý nguyện của vị ấy chưa hoàn mãn. Dù được như vậy, vị ấy không khen mình chê người. Vị ấy không tham đắm với thành tựu giới đức ấy, và không khởi sinh phóng dật, không rơi vào phóng dật. Do tinh cần tu tập, vị ấy thành tựu thiền định. Vị ấy hài lòng với việc thành tựu thiền định và ý nguyện của vị ấy đã hoàn mãn. Do được như vậy, vị ấy khen mình chê người như sau: “Ta đã thành tựu thiền định, ta đạt được nhất tâm; nhưng các Tỷ-kheo khác thì tâm tán loạn, tâm phân tán.” Vị ấy trở nên tham đắm với thành tựu thiền định ấy, khởi sinh phóng dật, rơi vào phóng dật; và do phóng dật, vị ấy sống trong đau khổ.

Giả sử có một người cần lõi cây, tìm kiếm lõi cây, đi lang thang tìm kiếm lõi cây, đi đến trước một cây lớn thẳng đứng có lõi cây. Người ấy bỏ qua lõi cây, lớp vỏ non, cắt lớp vỏ trong đem về, nghĩ rằng chúng là lõi cây. Rồi có một người có mắt nhìn tốt, thấy như vậy bèn nói: “Người này không biết lõi cây... hay cành lá. Vì thế, trong lúc cần lõi cây... người ấy chặt lớp vỏ trong đem về, nghĩ rằng chúng là lõi cây. Cho dù người này dùng lõi cây vào mục đích gì, thì mục đích của ông ta đã không thành tựu.” Cũng vậy đối với vị Tỷ-kheo đã bị say đắm với thành tựu thiền định, vị Tỷ-kheo này được gọi là người đã lấy lớp vỏ trong của đời sống phạm hạnh, và dừng lại ngang đây.

5. Này các Tỷ-kheo, ở đây, có người bộ tộc do có lòng tin đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, người ấy suy nghĩ: “Ta là một nạn nhân của sanh, già, chết, ưu sầu, than thở, đau khổ, phiền não, tuyệt vọng. Ta một nạn nhân của khổ đau, là mồi ngon của khổ đau. Chắc chắn là toàn bộ khổ đau này có thể chấm dứt được.” Khi vị ấy xuất gia như vậy, vị ấy nhận được lợi dưỡng, tôn kính và danh tiếng. Vị ấy không thỏa mãn với lợi dưỡng, tôn kính và danh tiếng, và ý nguyện của vị ấy chưa được hoàn mãn... Do tinh cần, vị ấy thành tựu giới đức. Vị ấy hài lòng với việc thành tựu giới đức nhưng ý nguyện của vị ấy chưa hoàn mãn. Dù được như vậy, vị ấy không khen mình chê người. Vị ấy không tham đắm với thành tựu giới đức ấy, và không khởi sinh phóng dật, không rơi vào phóng dật. Do tinh cần tu tập, vị ấy thành tựu thiền định. Vị ấy hài lòng với việc thành tựu thiền định nhưng ý nguyện của vị ấy chưa được hoàn mãn. Không vì được như vậy mà vị ấy khen mình chê người. Vị ấy không tham đắm với thành tựu thiền định ấy, không khởi sinh phóng dật, không rơi vào phóng dật. Do tinh cần tu tập, vị ấy thành tựu tri kiến và thiên nhãn thông (4). Vị ấy hài lòng với việc thành tựu tri kiến và thiên nhãn thông và ý nguyện của vị ấy đã hoàn mãn. Do được như vậy, vị ấy khen mình chê người như sau: “Ta sống đã biết và thấy, nhưng các Tỷ-kheo khác thì không biết và không thấy.” Vị ấy trở nên tham đắm với tri kiến và thiên nhãn thông, khởi sinh phóng dật, rơi vào phóng dật; và do phóng dật, vị ấy sống trong đau khổ.

Giả sử có một người cần lõi cây, tìm kiếm lõi cây, đi lang thang tìm kiếm lõi cây, đi đến trước một cây lớn thẳng đứng có lõi cây. Người ấy bỏ qua lõi cây, cắt lớp vỏ non đem về, nghĩ rằng chúng là lõi cây. Rồi có một người có mắt nhìn tốt, thấy như vậy bèn nói: “Người này không biết lõi cây... hay cành lá. Vì thế, trong lúc cần lõi cây... người ấy chặt lớp vỏ non đem về, nghĩ rằng chúng là lõi cây. Cho dù người này dùng lõi cây vào mục đích gì, thì mục đích của ông ta đã không thành tựu.” Cũng vậy đối với vị Tỷ-kheo đã bị say đắm với thành tựu thiên nhãn thông, vị Tỷ-kheo này được gọi là người đã lấy lớp vỏ non của đời sống phạm hạnh, và dừng lại ngang đây.

6. Này các Tỷ-kheo, ở đây, có người bộ tộc do có lòng tin, đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, người ấy suy nghĩ: “Ta là một nạn nhân của sanh, già, chết, ưu sầu, than thở, đau khổ, phiền não, tuyệt vọng. Ta một nạn nhân của khổ đau, là mồi ngon của khổ đau. Chắc chắn là toàn bộ khổ đau này có thể chấm dứt được.” Khi vị ấy xuất gia như vậy, vị ấy nhận được lợi dưỡng, tôn kính, và danh tiếng. Vị ấy không thỏa mãn với lợi dưỡng, tôn kính và danh tiếng, và ý nguyện của vị ấy chưa được hoàn mãn... Do tinh cần, vị ấy thành tựu giới đức. Vị ấy hài lòng với việc thành tựu giới đức nhưng ý nguyện của vị ấy chưa hoàn mãn. Do tinh cần tu tập, vị ấy thành tựu thiền định. Vị ấy hài lòng với việc thành tựu thiền định nhưng ý nguyện của vị ấy chưa được hoàn mãn... Do tinh cần tu tập, vị ấy thành tựu tri kiến và thiên nhãn thông. Vị ấy hài lòng với việc thành tựu tri kiến và thiên nhãn thông nhưng ý nguyện của vị ấy chưa hoàn mãn. Không vì được như vậy mà vị ấy khen mình chê người. Vị ấy không tham đắm với thành tựu tri kiến và thiên nhãn thông, không khởi sinh phóng dật, không rơi vào phóng dật. Do tinh cần tu tập, vị ấy thành tựu giải thoát vĩnh viễn. Và vị Tỷ-kheo này không thể đánh mất giải thoát vĩnh viễn, việc này không thể xảy ra. (5)

Giả sử có một người cần lõi cây, tìm kiếm lõi cây, đi lang thang tìm kiếm lõi cây, đi đến trước một cây lớn thẳng đứng có lõi cây. Người ấy chỉ cắt lõi cây đem về biết rằng đó chính là lõi cây. Rồi có một người có mắt nhìn tốt, thấy như vậy bèn nói: “Người này biết lõi cây, lớp vỏ non, lớp vỏ trong, lớp vỏ ngoài và cành lá. Vì thế trong lúc cần lõi cây, tìm kiếm lõi cây, lang thang tìm kiếm lõi cây, đi đến trước một cây lớn thẳng đứng có lõi cây, người ấy chỉ cắt lõi cây đem về biết rằng đó chính là lõi cây. Cho dù người này dùng lõi cây vào mục đích gì, thì mục đích của người ấy đã thành tựu.” Cũng vậy đối với vị Tỷ-kheo đã thành tựu giải thoát vĩnh viễn.

7. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đời sống phạm hạnh này không phải vì lợi dưỡng, tôn kính, danh tiếng, hay vì thành tựu giới đức, hay vì thành tựu thiền định, hay vì thành tựu tri kiến và thiên nhãn thông. Nhưng chính là tâm giải thoát bất động là mục tiêu của đời sống phạm hạnh này, đó là lõi cây, và là cứu cánh của đời sống phạm hạnh (6).

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo hoan hỷ tín thọ lời dạy của Thế Tôn.

(Trung BK I, Kinh số 29: Đại Kinh Thí Dụ Lõi Cây, tr. 423-434)

(3) Lụi tàn tham dục

– Này các Tỷ-kheo, nếu những du sĩ ngoại đạo hỏi các ông: “Này hiền hữu, mục đích sống phạm hạnh dưới sự hướng dẫn của Sa-môn Gotama là gì?” Khi được hỏi như vậy, các ông phải trả lời như sau: “Này hiền hữu, làm lụi tàn tham dục (7) chính là mục đích sống phạm hạnh dưới sự hướng dẫn của Thế Tôn.”

– Này các Tỷ kheo, nếu những du sĩ ngoại đạo hỏi thêm: “Này hiền hữu, nhưng có con đường, có đạo lộ nào để làm lụi tàn tham dục không?” Khi được hỏi như vậy, các ông phải trả lời như sau: “Có con đường, có đạo lộ làm lụi tàn tham dục.”

– Này các Tỷ-kheo, và thế nào là con đường, đạo lộ làm lụi tàn tham dục? Đó chính là Bát Thánh đạo, nghĩa là Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định. Đây là con đường, là đạo lộ làm lụi tàn dục vọng.

Này các Tỷ-kheo, nếu hỏi như thế, các ông phải trả lời các du sĩ ngoại đạo như vậy.

[Hoặc các ông có thể trả lời:]
– Này các hiền hữu, đó là đoạn trừ các kiết sử... nhổ tận gốc rễ những tùy miên (những khuynh hướng tàng ẩn bên dưới)... hiểu thấu đáo sự vận hành của luân hồi... đoạn trừ mọi lậu hoặc... chứng ngộ quả giải thoát và tri kiến chơn chánh ... vì mục đích đạt được tri kiến và pháp nhãn... vì mục đích đạt được Niết-bàn tối hậu không còn chấp thủ; đó là sống đời phạm hạnh dưới sự hướng dẫn của Thế Tôn.

– Này các Tỷ-kheo, rồi sau đó nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi tiếp: “Này hiền hữu, nhưng có con đường, có đạo lộ nào để đạt được Niết-bàn tối hậu không còn chấp thủ?” Khi được hỏi như vậy, các ông phải trả lời như sau: “Có con đường, có đạo lộ để đạt được Niết-bàn tối hậu không còn chấp thủ.”

– Này các Tỷ-kheo, và thế nào là con đường, là đạo lộ để đạt được Niết-bàn tối hậu không còn chấp thủ? Đó chính là Bát Thánh đạo, nghĩa là Chánh tri kiến ...Chánh định. Đây là con đường, là đạo lộ để đạt được Niết-bàn tối hậu không còn chấp thủ.

Này các Tỷ-kheo, khi được hỏi như thế, các ông phải trả lời các du sĩ ngoại đạo như vậy.

(Tương Ưng BK V, Phẩm về Hạnh: 41-48, kết hợp, tr. 41-50)

2. PHÂN TÍCH BÁT THÁNH ĐẠO

– Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng Bát Thánh đạo, và sẽ phân tích cho các ông hiểu. Hãy lắng nghe, Ta sẽ nói.

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo vâng đáp. Thế Tôn giảng như sau:

– Này các Tỷ-kheo, và thế nào là Bát Thánh đạo? Đó là Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định.

Này các Tỷ-kheo, thế nào là Chánh tri kiến? Tri kiến về khổ, tri kiến về nguồn gốc của khổ, tri kiến về diệt khổ, tri kiến về con đường đưa đến diệt khổ. Đó là chánh tri kiến.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Chánh tư duy? Tư duy về xuất ly, tư duy về vô sân, tư duy về vô hại. Đó là Chánh tư duy.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Chánh ngữ? Từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm. Đây gọi là Chánh ngữ.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Chánh nghiệp? Từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm. Đây là Chánh nghiệp.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Chánh mạng? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử từ bỏ lối sống bất chính, sinh sống bằng nghề nghiệp lương thiện. Đây gọi là Chánh mạng.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Chánh tinh tấn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị đệ tử khởi lên ước muốn các bất thiện pháp chưa sinh sẽ không sinh khởi; vị ấy nỗ lực, vận dụng năng lượng, chuyên tâm áp dụng và cố gắng không ngừng. Vị ấy khởi sinh ước muốn đoạn trừ những bất thiện pháp đã sinh khởi... Vị ấy khởi sinh ước muốn những thiện pháp chưa sinh sẽ được sinh khởi... Vị ấy khởi lên ước muốn các thiện pháp đã sinh khởi sẽ được tiếp tục duy trì, để chúng không suy tàn, luôn tăng trưởng, mở rộng và phát triển viên mãn. Vị ấy nỗ lực, vận dụng năng lượng, chuyên tâm áp dụng và cố gắng không ngừng. Đây gọi là Chánh tinh tấn.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Chánh niệm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị đệ tử sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, loại bỏ tham ưu đối với cuộc đời. Vị ấy quán cảm thọ trên các cảm thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, loại bỏ tham ưu đối với cuộc đời. Vị ấy quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, loại bỏ tham ưu đối với cuộc đời. Vị ấy quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, loại bỏ tham ưu đối với cuộc đời. Đây gọi là Chánh niệm.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Chánh định? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị đệ tử xa lìa các dục lạc, xa lìa các pháp bất thiện, chứng và trú Sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc phát sinh do ly dục, vẫn còn tầm và tứ. Bằng cách lắng dịu tầm và tứ, vị ấy chứng và trú Nhị thiền, nội tĩnh nhất tâm, một trạng thái hỷ lạc phát sinh do định, không còn tầm và tứ. Với sự tàn lụi của hỷ, vị ấy an trú vào xả, chánh niệm tỉnh giác, vị ấy cảm nhận lạc thọ trong thân; vị ấy chứng và trú Tam thiền, mà các bậc Thánh đã gọi là ‘xả niệm lạc trú’. Với sự xả bỏ lạc và khổ, và diệt trừ hỷ và ưu phiền trước đó, vị ấy chứng và trú Tứ thiền, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Đây gọi là Chánh định.

(Tương Ưng BK 5, Phẩm Vô Minh 8.VIII. Phân Tích, tr. 19-22)

3. THIỆN HỮU TRI THỨC

Tôi nghe như vầy. Một thời, Thế Tôn cư trú giữa dân chúng bộ tộc Sakya, nơi có một thị trấn của người Sakya tên là Nāgaraka. Rồi Tôn giả Ānanda đi đến Thế Tôn, đảnh lễ Ngài, ngồi xuống một bên và bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, đây là một nửa của đời sống phạm hạnh, đó là, tình bằng hữu tốt đẹp, tình bạn đồng hành tốt đẹp, tình đồng chí tốt đẹp. (8)

– Không phải như vậy, Ānanda! Không phải như vậy, Ānanda! Đây là toàn bộ đời sống phạm hạnh, đó là, tình bằng hữu tốt đẹp, tình bạn đồng hành tốt đẹp, tình đồng chí tốt đẹp. Khi một Tỷ-kheo có một người bạn tốt, một người đồng hành tốt, một người đồng chí tốt, thì điều được mong đợi là vị ấy sẽ phát triển và tu tập Bát Thánh đạo.

Và này Ānanda, một Tỷ-kheo có một người bạn tốt, một người đồng hành tốt, một người đồng chí tốt, làm thế nào vị ấy phát triển và tu tập Bát Thánh đạo? Ở đây, này Ānanda, vị Tỷ-kheo tu tập Chánh tri kiến, đặt trên nền tảng viễn ly, ly tham, và đoạn diệt, đạt kết quả giải thoát rốt ráo. Vị ấy tu tập Chánh tư duy... Chánh ngữ... Chánh nghiệp... Chánh mạng... Chánh tinh tấn... Chánh niệm... Chánh định, đặt trên nền tảng viễn ly, ly tham, và đoạn diệt, đạt kết quả giải thoát rốt ráo. Này Ānanda, bằng cách này, một Tỷ-kheo có một người bạn tốt, một người đồng hành tốt, một người đồng chí tốt, vị ấy phát triển và tu tập Bát Thánh đạo.

Này Ānanda, cũng bằng pháp môn sau đây, có thể hiểu được làm thế nào toàn bộ đời sống phạm hạnh là tình bằng hữu tốt đẹp, tình bạn đồng hành tốt đẹp, tình đồng chí tốt đẹp: Này Ānanda, bằng cách nương tựa vào Ta như một người bạn tốt đẹp, chúng sanh phải chịu sự chi phối của sanh sẽ được giải thoát khỏi sanh; chúng sanh phải chịu sự chi phối của già sẽ được giải thoát khỏi già; chúng sanh phải chịu sự chi phối của chết sẽ được giải thoát khỏi chết; chúng sanh phải chịu sự chi phối của sầu bi, than van, đau đớn, thất vọng và tuyệt vọng sẽ được giải thoát khỏi sầu bi, than van, đau đớn, thất vọng và tuyệt vọng. Bằng pháp môn này, này Ānanda, có thể hiểu toàn bộ đời sống phạm hạnh là tình bằng hữu tốt đẹp, tình bạn đồng hành tốt đẹp, tình đồng chí tốt đẹp.

(Tương Ưng BK 5, Phẩm Vô Minh 2.II. Một Nửa, tr. 10-12)

4. TU TẬP TỪ TỪ

1. Tôi nghe như vầy. Một thời, Thế Tôn cư ngụ ở thành Xá-vệ (Sāvathi), trong rừng Kỳ-đà (Jeta) thuộc vườn Cấp Cô Độc (Anāthapiṇḍika).

2. Lúc bấy giờ, người Bà-la-môn Jāṇussoṇi đi ra khỏi thành Sāvathi vào giữa trưa bằng một cỗ xe trắng do ngựa bạch kéo. Người ấy thấy du sĩ Pilotika từ xa đi đến liền hỏi ông ta: “Tôn giả Vacchāyana đi đâu vào giữa trưa như vậy?” (9)

– Thưa Tôn giả, tôi từ chỗ Sa-môn Gotama đến đây.

– Tôn giả Vacchāyana nghĩ thế nào về trí tuệ sáng suốt của Sa-môn Gotama? Sa-môn Gotama có phải là bậc trí tuệ hay không?

– Thưa Tôn giả, tôi là ai mà có thể biết về trí tuệ sáng suốt của Sa-môn Gotama? Chỉ có những vị ngang hàng với Ngài mới có thể biết được trí tuệ sáng suốt của Sa-môn Gotama.

– Tôn giả Vacchāyana đã ca ngợi Sa-môn Gotama với lời ngợi ca tối thượng.

– Thưa Tôn giả, tôi là ai mà có thể ca ngợi Sa-môn Gotama? Trong số những vị được ca ngợi thì Sa-môn Gotama được ca ngợi như là bậc tối thượng giữa chư Thiên và loài Người.

– Tôn giả Vacchāyana thấy được lý do gì để có lòng tin vững chắc như vậy đối với Sa-môn Gotama?

3. – Thưa Tôn giả, giả sử có một người săn voi thiện xảo đi vào khu rừng có voi ở và thấy một dấu chân voi lớn, dài bề dài và rộng bề ngang. Người ấy sẽ đi đến kết luận: “Đây quả thật là một con voi lớn.” Cũng vậy, khi tôi thấy bốn dấu chân của Sa-môn Gotama, tôi đi đến kết luận: “Thế Tôn là bậc Chánh Đẳng Giác, Giáo pháp được Thế Tôn khéo giảng, và Tăng đoàn khéo hành trì.” Thế nào là bốn?

4. Thưa Tôn giả, tôi thấy ở đây có một vài người bác học thuộc dòng quý tộc thông minh, có kiến thức rộng về giáo lý của người khác, sắc bén như người chẻ từng sợi tóc; họ đi đến chỗ này chỗ kia, bác bỏ quan điểm của kẻ khác bằng biện tài sắc bén của họ. Khi họ nghe nói: “Sa-môn Gotama sẽ viếng thăm ngôi làng này hay thị trấn kia,” họ sắp đặt câu hỏi như thế này: “Chúng ta sẽ đến gặp Sa-môn Gotama và hỏi câu hỏi này. Nếu khi được hỏi như vậy, Sa-môn Gotama trả lời như thế này, thì chúng ta sẽ chất vấn giáo lý của Sa-môn Gotama bằng cách này; và nếu khi được hỏi như thế kia, và Sa-môn Gotama trả lời như thế kia, thì chúng ta sẽ chất vấn giáo lý của Sa-môn Gotama như thế kia.”

Họ nghe nói: “Sa-môn Gotama sẽ viếng thăm ngôi làng này hay thị trấn kia.” Họ đi đến gặp Sa-môn Gotama, và Sa-môn Gotama đã chỉ dẫn, khích lệ, làm phấn khởi và làm các vị này hoan hỷ bằng một bài Pháp thoại. Sau khi họ được chỉ dẫn, khích lệ, làm phấn khởi, và làm hoan hỷ bằng một bài Pháp thoại, họ không còn đặt câu hỏi như đã định, thì làm sao họ có thể chất vấn giáo pháp của Ngài? Thật ra, họ đã trở thành đệ tử của Ngài. Khi tôi thấy dấu chân đầu tiên của Sa-môn Gotama, tôi đi đến kết luận: “Thế Tôn là bậc Chánh Đẳng Giác, Giáo pháp được Thế Tôn khéo giảng, và Tăng đoàn khéo hành trì.”

5. Lại nữa, tôi đã thấy một số người Bà-la-môn học rộng, thông minh... Thật ra, họ đã trở thành đệ tử của Ngài. Khi tôi thấy dấu chân thứ hai của Sa-môn Gotama, tôi đi đến kết luận: “Thế Tôn là bậc Chánh Đẳng Giác…”

6. Lại nữa, tôi đã thấy một số gia chủ học rộng, thông minh... Thật ra, họ đã trở thành đệ tử của Ngài. Khi tôi thấy dấu chân thứ ba của Sa-môn Gotama, tôi đi đến kết luận: “Thế Tôn là bậc Chánh Đẳng Giác…”

7. Lại nữa, tôi đã thấy một số Sa-môn học rộng, thông minh... Họ không còn đặt câu hỏi như đã định, thì làm sao họ có thể chất vấn giáo pháp của Ngài? Thật ra, họ đã xin phép Sa-môn Gotama cho họ được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, và Sa-môn Gotama đã cho phép họ xuất gia. Sau khi được xuất gia, sống một mình, ẩn cư, tinh cần, nhiệt tâm, và quyết tâm, chẳng bao lâu họ tự tri tự chứng ngay trong bây giờ và ở đây, an trú trong mục tiêu tối thượng của đời sống phạm hạnh mà những người bộ tộc đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Họ nói như sau: “Chúng ta gần như bị lạc đường, chúng ta gần như bị diệt vong, vì trước đây chúng ta tuyên bố chúng ta là Sa-môn mặc dù chúng ta thật sự không phải là Sa-môn; chúng ta tuyên bố chúng ta là Bà-la-môn mặc dù chúng ta thật sự không phải là Bà-la-môn; chúng ta tuyên bố chúng ta là A-la-hán mặc dù chúng ta thật sự không phải là A-la-hán. Nhưng bây giờ chúng ta là Sa-môn, bây giờ chúng ta là Bà-la-môn, bây giờ chúng ta là A-la-hán.” Khi tôi thấy dấu chân thứ tư của Sa-môn Gotama, tôi đi đến kết luận: “Thế Tôn là bậc Chánh Đẳng Giác...”

Khi tôi thấy bốn dấu chân của Sa-môn Gotama, tôi đi đến kết luận: “Thế Tôn là bậc Chánh Đẳng Giác, Giáo pháp được Thế Tôn khéo giảng, và Tăng đoàn khéo hành trì.”

8. Khi nghe nói như vậy, người Bà-la-môn Jāṇussoṇi bước xuống từ cỗ xe ngựa trắng do ngựa bạch kéo, đắp thượng y vào một bên vai, chắp tay cung kính hướng về Thế Tôn vái lạy và nói ba lần lời tán thán như sau: “Cung kính đảnh lễ Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác! Cung kính đảnh lễ Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác! Cung kính đảnh lễ Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác! Rất có thể có một lúc nào đó tôi sẽ đến gặp Tôn Giả Gotama để đàm luận với Ngài.”

9. Rồi người Bà-la-môn Jāṇussoṇi đi đến chỗ Thế Tôn và trao đổi lời chào hỏi với Ngài. Sau khi những lời thăm hỏi xã giao chấm dứt, ông ấy ngồi xuống một bên và kể lại toàn bộ câu chuyện giữa ông và du sĩ Pilotika. Sau khi nghe như vậy, Thế Tôn bảo ông ta: “Này Bà-la-môn, nói như vậy thì ví dụ dấu chân voi chưa đầy đủ chi tiết. Để biết thế nào là đầy đủ chi tiết, hãy chú ý lắng nghe những gì Ta sẽ nói.” – “Thưa vâng, Tôn giả”, Bà-la-môn Jāṇussoṇi vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn giảng như sau:

10. – Này Bà-la-môn, giả sử có một người săn voi đi vào khu rừng có voi ở và thấy một dấu chân voi lớn, dài bề dài và rộng bề ngang. Người săn voi thiện xảo sẽ không đi đến kết luận: “Đây quả thật là một con voi lớn.” Vì sao vậy? Trong một khu rừng voi ở, có những con voi cái thấp bé để lại những dấu chân lớn, và đây có thể là một trong những dấu chân của chúng. Người thợ săn đi theo dấu chân này và thấy trong rừng voi ở có dấu chân voi lớn, dài bề dài và rộng bề ngang, và có vài cọ xát trên cao. Người săn voi thiện xảo sẽ không đi đến kết luận: “Đây quả thật là một con voi lớn.” Vì sao vậy? Trong một khu rừng voi ở, có những con voi cái cao lớn có ngà để lại những dấu chân lớn, và đây có thể là một trong những dấu chân của chúng. Người thợ săn đi theo dấu chân này và thấy trong rừng voi ở có dấu chân voi lớn, dài bề dài và rộng bề ngang, và có vài cọ xát trên cao, và có dấu do ngà voi cắt chém. Người săn voi thiện xảo sẽ không đi đến kết luận: “Đây quả thật là một con voi lớn.” Vì sao vậy? Trong một khu rừng voi ở, có những con voi cái cao lớn có ngà để lại những dấu chân lớn, và đây có thể là một trong những dấu chân của chúng. Người thợ săn đi theo dấu chân này và thấy trong rừng voi ở có dấu chân voi lớn, dài bề dài và rộng bề ngang, có vài cọ xát trên cao, có dấu do ngà voi cắt chém, và những cành cây bị gãy. Và người thợ săn thấy con voi đực dưới gốc cây hay ngoài trời, đang đi thơ thẩn, ngồi hay nằm, người ấy đi đến kết luận: “Đây quả thật là con voi đực lớn.”

11. Cũng vậy, này Bà-la-môn, ở đây Như Lai sanh ra trong đời, là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn, đã chứng ngộ với tri kiến tối thắng đối với thế giới này gồm chư Thiên, Ác ma, Phạm Thiên, với quần chúng này gồm các Sa-môn, và Bà-la-môn, với các loài Trời và loài người; và sau khi chứng ngộ, Ngài đã tuyên thuyết cho những người khác. Ngài thuyết giảng Giáo pháp tốt đẹp lúc khởi đầu, tốt đẹp ở phần giữa, tốt đẹp ở phần cuối, với ý nghĩa và cách diễn đạt đúng đắn; Ngài hé lộ cho thấy một đời sống phạm hạnh toàn vẹn và thanh tịnh.

12. Một người gia chủ hay con trai người gia chủ, hay một người sanh ở giai cấp khác nghe được Giáo pháp ấy. Sau khi nghe pháp, người ấy sanh lòng tín ngưỡng Như Lai. Khi có lòng tin rồi, người ấy suy nghĩ: “Đời sống gia đình đông đúc và đầy bụi trần; đời sống xuất gia rộng mở phóng khoáng. Trong khi còn sống ở gia đình, không dễ gì sống đời phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, và trong sạch như vỏ sò. Vậy ta nên cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.”

13. Khi đã xuất gia và thành tựu việc rèn luyện và nếp sống của vị Tỷ-kheo, từ bỏ sát sanh, vị ấy tránh xa việc sát sanh; dẹp bỏ roi kiếm, sống có lương tâm, có lòng từ, vị ấy sống biết thương xót tất cả chúng sanh. Từ bỏ lấy của không cho, vị ấy tránh xa việc lấy của không cho; chỉ nhận những gì được cho, chỉ mong nhận những gì được cho, bằng cách không trộm cắp, vị ấy sống trong sạch. Từ bỏ quan hệ tình dục, vị ấy sống độc thân, sống riêng biệt, tránh xa việc thực hành quan hệ tình dục.

Từ bỏ nói láo, vị ấy tránh xa việc nói láo; vị ấy nói đúng sự thật, gắn liền với sự thật, chân thật, đáng tin cậy, là người không lừa dối ai trong đời. Từ bỏ nói hai lưỡi, vị ấy tránh xa nói hai lưỡi; nghe điều gì ở chỗ này không lặp lại ở chỗ kia để gây chia rẽ những người này, nghe điều gì ở chỗ kia không lặp lại ở chỗ này để gây chia rẽ những người kia; như vậy vị này đoàn kết lại những người muốn chia rẽ, khuyến khích tình bằng hữu, là người vui thích hòa hợp, hoan hỷ hòa hợp, thích thú trong hòa hợp, là người nói những lời cổ động cho sự hòa hợp. Từ bỏ nói lời độc ác, vị ấy tránh xa lời nói độc ác; vị ấy nói lời dịu dàng, dễ nghe, dễ thương, thấm tận lòng người, vị ấy nói lời lịch sự, được nhiều người ưa thích và đẹp lòng nhiều người. Từ bỏ nói lời phù phiếm, vị ấy tránh xa lời nói phù phiếm; vị ấy nói đúng lúc, nói lời chân thật, nói lời tốt đẹp, nói về Chánh pháp và Giới luật; vào đúng thời vị ấy nói những lời đáng ghi nhớ, hợp lý, ôn hòa, và lợi ích.

Vị ấy từ bỏ không làm hại các hạt giống và cây cỏ. Vị ấy mỗi ngày chỉ ăn một bữa, không ăn vào buổi tối và không ăn bên ngoài thời gian qui định (10). Vị ấy từ bỏ múa hát, nghe nhạc, và xem trình diễn không thích hợp. Vị ấy từ bỏ trang sức bằng vòng hoa, trang điểm bằng dầu thơm hay thoa hương liệu. Vị ấy từ bỏ nằm giường cao giường lớn. Vị ấy từ bỏ nhận vàng bạc. Vị ấy từ bỏ nhận các hạt ngũ cốc sống. Vị ấy từ bỏ nhận thịt sống. Vị ấy từ bỏ nhận đàn bà con gái. Vị ấy từ bỏ nhận nô tỳ trai và gái. Vị ấy từ bỏ nhận dê và cừu. Vị ấy từ bỏ nhận gia cầm và heo. Vị ấy từ bỏ nhận voi, gia súc, ngựa, và ngựa cái. Vị ấy từ bỏ nhận ruộng đất. Vị ấy từ bỏ công việc môi giới đưa tin. Vị ấy từ bỏ công việc mua bán. Vị ấy từ bỏ cân đong gian lận, bán kim loại giả, đo lường gian dối. Vị ấy từ bỏ nhận hối lộ, lường gạt, lừa đảo và mánh mung. Vị ấy từ bỏ làm tổn thương, giết hại, câu thúc, cướp đoạt, trộm cắp và bạo động.

14. Vị ấy hài lòng với tấm y để che thân và với đồ ăn khất thực để nuôi sống, và đi bất cứ nơi nào, vị ấy cũng chỉ đem theo y bát mà thôi. Giống như con chim, bất cứ bay đi nơi nào, chim chỉ bay với đôi cánh là gánh nặng duy nhất của nó, cũng vậy vị Tỷ-kheo hài lòng với tấm y để che thân và với đồ ăn khất thực để nuôi sống, và đi bất cứ nơi nào, vị ấy cũng chỉ đem theo y bát mà thôi. Thành tựu giới uẩn cao thượng này, vị ấy cảm nhận trong tâm niềm hỷ lạc do không phạm lỗi lầm nào.

15. Khi mắt thấy sắc, vị ấy không nắm giữ các tướng chung và nét riêng. (11) Bởi vì, nếu vị ấy không chế ngự đôi mắt, các bất thiện pháp về tham ái hay thất vọng có thể xâm nhập, vì thế vị ấy thực hành cách chế ngự chúng, vị ấy hộ trì nhãn căn, vị ấy hành trì chế ngự nhãn căn. Khi tai nghe âm thanh... Khi mũi ngửi mùi hương... Khi lưỡi nếm mùi vị... Khi thân có sự xúc chạm... Khi ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ các tướng chung và nét riêng. Bởi vì, nếu vị ấy không chế ngự tâm, các bất thiện pháp về tham ái hay thất vọng có thể xâm nhập, vì thế vị ấy thực hành cách chế ngự tâm, vị ấy hộ trì ý căn, vị ấy thực hành hộ trì ý căn. Thành tựu hộ trì các căn cao thượng này, vị ấy cảm nhận trong tâm niềm hỷ lạc trong sáng, không vẩn đục.

16. Vị ấy trở thành một người hành động với sự tỉnh giác khi đi tới đi lui; một người hành động với sự tỉnh giác khi nhìn thẳng nhìn quanh; một người hành động với sự tỉnh giác khi co tay duỗi tay; một người hành động với sự tỉnh giác khi đắp y, mang áo bên ngoài và bình bát; một người hành động với sự tỉnh giác khi ăn, uống, nhai, nuốt; một người hành động với sự tỉnh giác khi đi đại tiện và tiểu tiện; một người hành động với sự tỉnh giác khi đi, đứng, ngồi, ngủ, thức, nói và im lặng.

17. Thành tựu giới uẩn cao thượng này, thành tựu hộ trì các căn cao thượng này, thành tựu chánh niệm tỉnh giác cao thượng này, vị ấy tìm đến một chỗ nghỉ ngơi thanh vắng: một khu rừng, dưới gốc cây, khe núi, vực sâu, hang đá, bãi tha ma, lùm cây rừng hoang, một chỗ ngoài trời, hay đống rơm.

18. Sau khi đi khất thực về và ăn xong, vị ấy ngồi xuống, ngồi xếp chéo chân (kiết già), lưng thẳng và thiết lập chánh niệm ngay trước mặt. Từ bỏ tham ái ở đời, vị ấy an trú với tâm không tham ái, vị ấy thanh tịnh tâm thoát khỏi tham ái (12). Từ bỏ sân hận, vị ấy an trú với tâm không sân hận, có lòng từ đối với sự an vui của tất cả chúng sanh; vị ấy thanh lọc tâm thoát khỏi sân hận. Từ bỏ tâm dật dờ buồn ngủ, vị ấy an trú với tâm không dật dờ buồn ngủ, hướng tâm về ánh sáng, chánh niệm tỉnh giác, vị ấy thanh lọc tâm thoát khỏi dật dờ buồn ngủ. Từ bỏ bất an và hối hận, vị ấy an trú không dao động với nội tâm an tịnh; vị ấy thanh lọc tâm không còn bất an hối hận. Từ bỏ nghi ngờ, vị ấy an trú không còn nghi ngờ, không phân vân do dự với các thiện pháp; vị ấy thanh lọc tâm thoát khỏi mọi nghi ngờ.

19. Sau khi đã từ bỏ năm chướng ngại (triền cái), những phiền não làm trí tuệ yếu đuối, xa lánh các dục lạc giác quan, xa lánh các bất thiện pháp, vị ấy chứng và trú Sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, vẫn còn tầm và tứ. Này Bà-la-môn, đây gọi là dấu chân của Như Lai, dấu cọ xát của Như Lai, dấu cắt chém của Như Lai, nhưng vị Thánh đệ tử không đi đến kết luận: “Thế Tôn là bậc Chánh Đẳng Giác, Giáo pháp được Thế Tôn khéo giảng, và Tăng đoàn khéo hành trì.” (13)

20. Lại nữa, vị Tỷ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Nhị thiền, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, với tịnh tín và nhất tâm, không còn tầm và tứ. Này Bà-la-môn, đây gọi là dấu chân của Như Lai, dấu cọ xát của Như Lai, dấu cắt chém của Như Lai, nhưng vị Thánh đệ tử không đi đến kết luận: “Thế Tôn là bậc Chánh Đẳng Giác...”

21. Lại nữa, bằng cách ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, vị Tỷ-kheo chứng và trú Tam thiền, thân cảm nhận được lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là ‘xả niệm lạc trú’. Này Bà-la-môn, đây cũng gọi là dấu chân của Như Lai..., nhưng vị Thánh đệ tử không đi đến kết luận: “Thế Tôn là bậc Chánh Đẳng Giác...”

22. Lại nữa, bằng cách từ bỏ khổ và lạc, và với sự diệt trừ hỷ và ưu đã cảm nhận từ trước, vị Tỷ-kheo chứng và trú Tứ thiền, một trạng thái không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này Bà-la-môn, đây cũng gọi là dấu chân của Như Lai... nhưng vị Thánh đệ tử không đi đến kết luận: “Thế Tôn là bậc Chánh Đẳng Giác...”

23. Khi tâm đã định tĩnh, thuần tịnh, không cấu uế, sạch phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, đạt đến mức bình thản như vậy, vị ấy hướng tâm đến Túc mạng minh. Vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại kiếp và thành kiếp: Vị ấy nhớ rằng: “Tại nơi đó ta có tên như thế này, thuộc bộ tộc này, với diện mạo như thế này, được nuôi dưỡng như thế này, cảm thọ khổ lạc như thế này, thọ mạng như thế này; và qua đời từ chỗ đó, ta tái sanh vào nơi khác; và ở nơi đó ta có tên như thế này, thuộc bộ tộc này, với diện mạo như thế này, được nuôi dưỡng như thế này, cảm thọ khổ lạc như thế này, thọ mạng như thế này; và qua đời từ chỗ đó, ta tái sanh vào nơi đây.” Như vậy, vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ với nhiều phương diện và nét đặc thù. Này Bà-la-môn, đây cũng gọi là dấu chân của Như Lai... nhưng vị Thánh đệ tử không đi đến kết luận: “Thế Tôn là bậc Chánh Đẳng Giác...”

24. Khi tâm đã định tĩnh, thuần tịnh, không cấu uế, sạch phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, đạt đến mức bình thản như vậy, vị ấy hướng tâm đến trí tuệ về sự sanh tử của chúng sanh. Với thiên nhãn minh, thanh tịnh siêu phàm, vị ấy thấy sự sống chết của chúng sanh, người thấp hèn, kẻ cao sang, người xinh đẹp, kẻ xấu xí, người may mắn, kẻ bất hạnh, vị ấy hiểu tất cả là tùy theo nghiệp của họ, như thế này: “Những chúng sanh làm các ác hạnh về thân, khẩu, ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến, sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, sẽ tái sanh vào cõi khốn khổ, cõi hung dữ, cõi thấp kém, địa ngục. Còn những chúng sanh làm những thiện hạnh về thân, khẩu, ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, và làm những nghiệp theo chánh kiến, sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết sẽ được tái sanh vào cõi tốt đẹp, vào Thiên giới.” Như vậy, với thiên nhãn thuần tịnh siêu phàm, vị ấy thấy sự sống chết và tái sanh của chúng sanh, người thấp hèn, kẻ cao sang; người xinh đẹp, kẻ xấu xí; người may mắn, kẻ bất hạnh; và vị ấy hiểu tất cả là tùy theo nghiệp của họ. Này Bà-la-môn, đây cũng gọi là dấu chân của Như Lai... nhưng vị Thánh đệ tử không đi đến kết luận: “Thế Tôn là bậc Chánh Đẳng Giác...”

25. Khi tâm đã định tĩnh, thuần tịnh, không cấu uế, sạch phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, đạt đến mức bình thản như vậy, vị ấy hướng tâm đến trí tuệ về sự đoạn tận các lậu hoặc. Vị ấy hiểu như thật rằng: “Đây là khổ. Đây là nguồn gốc của khổ. Đây là sự chấm dứt khổ. Và đây là con đường đưa đến chấm dứt khổ.” Vị ấy hiểu như thật rằng: “Đây là lậu hoặc. Đây là nguồn gốc của lậu hoặc. Đây là sự diệt trừ các lậu hoặc. Đây là con đường đưa đến diệt trừ các lậu hoặc.”

Này Bà-la-môn, đây gọi là dấu chân của Như Lai, dấu cọ xát của Như Lai, dấu cắt chém của Như Lai, nhưng vị Thánh đệ tử không đi đến kết luận: “Thế Tôn là bậc Chánh Đẳng Giác, Giáo pháp được Thế Tôn khéo giảng, và Tăng đoàn khéo hành trì.” Tuy thế, vị ấy đang trong tiến trình để đi đến kết luận như vậy. (14)

26. Khi vị ấy biết và thấy như vậy, tâm của vị ấy được giải thoát khỏi những lậu hoặc của dục lạc giác quan, thoát khỏi lậu hoặc của hiện hữu, thoát khỏi lậu hoặc của vô minh. Khi tâm đã được giải thoát như vậy, vị ấy biết được rằng: “Ta đã giải thoát.” Vị ấy hiểu: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, không còn trở lại trong bất cứ hình thái hiện hữu nào.”

Này Bà-la-môn, đây gọi là dấu chân của Như Lai, dấu cọ xát của Như Lai, dấu cắt chém của Như Lai. Đến thời điểm này, vị Thánh đệ tử đi đến kết luận: “Thế Tôn là bậc Chánh Đẳng Giác, Giáo pháp được Thế Tôn khéo giảng, và Tăng đoàn khéo hành trì.” (15) Này Bà-la-môn, tới thời điểm này ví dụ dấu chân voi đã đầy đủ mọi chi tiết.

Khi nghe như vậy, Bà-la-môn bạch Thế Tôn: “Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Tôn giả Gotama đã làm sáng tỏ Giáo pháp bằng nhiều cách, giống như ngài đã dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, làm hiển lộ những gì bị che kín, chỉ đường cho những kẻ bị lạc đường, hay giương cao ngọn đèn trong bóng tối để những người có mắt có thể thấy sắc. Con xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp, quy y Tăng. Xin Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay cho đến lúc mệnh chung, con xin trọn đời quy ngưỡng.”

(Trung BK I, Kinh số 27: Tiểu Kinh Ví Dụ Dấu Chân Voi, tr. 391-408)

5. CÁC GIAI ĐOẠN TU TẬP CAO HƠN VỚI VÍ DỤ

12. – Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ấy tìm đến một chỗ nghỉ ngơi thanh vắng: một khu rừng, dưới gốc cây, khe núi, vực sâu, hang đá, bãi tha ma, lùm cây rừng hoang, một chỗ ngoài trời, hay đống rơm.

13. Sau khi đi khất thực về và ăn xong, vị ấy ngồi xuống, ngồi xếp chéo chân (kiết già), lưng thẳng và thiết lập chánh niệm ngay trước mặt. Từ bỏ tham ái ở đời, vị ấy an trú với tâm không tham ái, vị ấy thanh tịnh tâm thoát khỏi tham ái... (như trong phần số 18 ở mục số 5) vị ấy thanh lọc tâm thoát khỏi mọi nghi ngờ.

14. Này các Tỷ-kheo, như một người vay nợ để kinh doanh, việc kinh doanh thành công nên người ấy có thể trả hết nợ cũ, và vẫn còn tiền để nuôi dưỡng vợ; khi nghĩ đến điều này, ông ta vui sướng hoan hỷ. Hoặc giả sử có một người bị bệnh, đau đớn trầm trọng, ăn uống không tiêu, cơ thể suy yếu, nhưng sau đó ông ta khỏi bệnh và ăn uống được bình thường và cơ thể hồi phục sức lực; khi suy nghĩ về điều này, ông ấy thấy vui sướng hoan hỷ. Hoặc giả sử có người bị giam cầm tù tội, nhưng sau đó người này được trả tự do, an toàn bảo đảm, không bị mất tài sản; khi suy nghĩ về điều này, người ấy thấy vui sướng hoan hỷ. Hoặc giả sử có một người nô lệ, không tự chủ được mà phải lệ thuộc vào người khác, không thể đi nơi nào người ấy muốn, nhưng sau đó người này được giải thoát khỏi làm nô lệ, được tự chủ, độc lập với người khác, trở thành một người tự do, có thể đi lại tùy ý; khi suy nghĩ về điều này, người ấy thấy vui sướng hoan hỷ. Hoặc giả sử có một người giàu có nhiều tài sản phải đi vào con đường băng qua sa mạc, nhưng sau đó ông ta băng qua sa mạc an toàn bảo đảm, không bị mất mát tài sản; khi suy nghĩ về điều này, người ấy thấy vui sướng hoan hỷ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi năm chướng ngại trong tâm chưa được đoạn trừ, vị Tỷ-kheo thấy chúng như một món nợ, một chứng bệnh, một nhà tù, một sự nô lệ, và như một con đường băng qua sa mạc. Nhưng khi năm chướng ngại ấy đã được đoạn trừ trong tâm, vị ấy cảm thấy như được thoát nợ, như được khỏi bệnh, như được ra khỏi nhà tù, như được giải thoát khỏi làm nô lệ, và như đi vào một mảnh đất bình an.

15. Sau khi đã từ bỏ năm chướng ngại, những phiền não làm trí tuệ yếu đuối, xa lánh các dục lạc giác quan, xa lánh các bất thiện pháp, vị ấy chứng và trú Sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, vẫn còn tầm và tứ. Vị ấy làm cho niềm hỷ lạc do ly dục sanh này tẩm ướt, thấm nhuần, tràn đầy sung mãn thân này, khiến cho không một chỗ nào trên thân của vị ấy không thấm nhuần hỷ lạc do ly dục sanh. Giống như một nhân viên hầu tắm khéo léo hay là người đệ tử của nhân viên hầu tắm, sau khi chất đầy bột tắm vào chậu kim loại và từ từ rắc nước vào, người ấy nhồi bột cho đến khi nước thấm ướt cục bột tắm, nhúng nước nó, để cho nước thấm nhuần từ trong ra ngoài, nhưng cục bột không bị chảy thành giọt; cũng vậy, vị Tỷ-kheo làm cho niềm hỷ lạc do ly dục sanh này tẩm ướt, thấm nhuần, tràn đầy sung mãn thân này, khiến cho không một chỗ nào trên thân của vị ấy không thấm nhuần hỷ lạc do ly dục sanh.

16. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Nhị thiền, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, với tịnh tín và nhất tâm, không còn tầm và tứ. Vị Tỷ-kheo làm cho niềm hỷ lạc do định sanh này tẩm ướt, thấm nhuần, tràn đầy sung mãn thân này, khiến cho không một chỗ nào trên thân của vị ấy không thấm nhuần hỷ lạc do định sanh. Cũng như có một hồ nước, nước trong hồ dâng lên và không có lỗ thông cho nước chảy ra từ phương đông, tây, bắc, nam, và thỉnh thoảng còn dược bù đắp bằng những cơn mưa, rồi suối nước mát từ hồ ấy dâng lên sẽ tẩm ướt, thấm nhuần, tràn đầy và làm sung mãn hồ nước, khiến cho không có chỗ nào của hồ nước là không thấm nhuần ngọn nước mát; cũng vậy, vị Tỷ-kheo làm cho niềm hỷ lạc do định sanh này tẩm ướt, thấm nhuần, tràn đầy sung mãn thân này, khiến cho không một chỗ nào trên thân của vị ấy không thấm nhuần hỷ lạc do định sanh.

17. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, bằng cách ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, vị Tỷ-kheo chứng và trú Tam thiền, thân cảm nhận được lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là ‘xả niệm lạc trú’. Vị Tỷ-kheo làm cho niềm lạc thọ không có hỷ tẩm ướt, thấm nhuần, tràn đầy sung mãn thân này, khiến cho không một chỗ nào trên thân của vị ấy không thấm nhuần niềm lạc thọ không có hỷ. Cũng giống như trong một hồ sen xanh, đỏ hay trắng, một số bông sen sanh ra và lớn lên trong nước, phát triển trong nước, không bị ra khỏi nước, và nguồn nước mát tẩm ướt, thấm nhuần, tràn đầy sung mãn từ ngọn đến gốc, khiến cho không có chỗ nào của tất cả bông sen ấy không thấm nhuần dòng nước mát; cũng vậy, vị Tỷ-kheo làm cho niềm lạc thọ không có hỷ tẩm ướt, thấm nhuần, tràn đầy sung mãn thân này, khiến cho không một chỗ nào trên thân của vị ấy không thấm nhuần niềm lạc thọ không có hỷ.

18. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, bằng cách từ bỏ khổ và lạc, và với sự diệt trừ hỷ và ưu đã cảm nhận từ trước, vị Tỷ-kheo chứng và trú Tứ thiền, một trạng thái không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Vị ấy ngồi thấm nhuần toàn thân với tâm thanh tịnh trong sáng, khiến cho toàn thân không có chỗ nào là không thấm nhuần tâm thanh tịnh trong sáng. Cũng giống như một người ngồi với tấm vải trắng trùm kín từ đầu xuống chân, khiến cho không có phần nào của thân thể người ấy là không được phủ kín bằng tấm vải trắng; cũng vậy, vị Tỷ-kheo ngồi thấm nhuần toàn thân với tâm thanh tịnh trong sáng, khiến cho toàn thân không có chỗ nào là không thấm nhuần tâm thanh tịnh trong sáng.

19. Khi tâm đã định tĩnh, thuần tịnh, không cấu uế, sạch phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, đạt đến mức bình thản như vậy, vị ấy hướng tâm đến Túc mạng minh. Vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, một đời, hai đời... (giống như bài trước, phần 23). Như vậy, vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ với nhiều phương diện và nét đặc thù. Cũng giống như một người đi từ làng mình sang làng khác, và rồi trở về lại làng của mình, người ấy có thể suy nghĩ như sau: “Ta đi từ làng của mình đến làng kia, ở đó, ta đứng như vậy, ngồi như vậy, nói như vậy, giữ im lặng như vậy; và từ làng đó ta trở về lại làng của mình.” Cũng thế, vị Tỷ-kheo nhớ lại nhiều đời sống quá khứ... Như vậy, vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ với nhiều phương diện và nét đặc thù.

20. Khi tâm đã định tĩnh, thuần tịnh, không cấu uế, sạch phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, đạt đến mức bình thản như vậy, vị ấy hướng tâm đến trí tuệ về sự sanh tử của chúng sanh... (giống như bài trước, phần 24). Như vậy, với thiên nhãn minh thanh tịnh siêu phàm, vị ấy thấy sự sống chết của chúng sanh, người thấp hèn kẻ cao sang; người xinh đẹp kẻ xấu xí; người may mắn, kẻ bất hạnh, vị ấy hiểu tất cả là tùy theo nghiệp của họ. Cũng giống như hai ngôi nhà với cửa lớn và một người có mắt tốt đứng ở giữa, người ấy thấy những người khác đi vào đi ra và đi qua đi lại, cũng vậy, với thiên nhãn minh, thanh tịnh siêu phàm, vị Tỷ-kheo thấy sự sống chết của chúng sanh... và vị ấy hiểu tất cả là tùy theo nghiệp của họ.

21. Khi tâm đã định tĩnh, thuần tịnh, sáng suốt, sạch phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vị ấy hướng tâm đến việc đoạn diệt các lậu hoặc (lậu tận thông). Vị ấy hiểu như thật rằng: “Đây là khổ... (như bài trước, phần 25-26) Vị ấy hiểu: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, không còn trở lại trong bất cứ hình thái hiện hữu nào.”

Cũng giống như trong một dãy núi có một hồ nước, trong sáng, thuần khiết, không uế nhiễm, vì thế một người có mắt tốt có thể nhìn thấy các vỏ sò, đá, sạn, và những đàn cá bơi lội qua lại hay đứng yên, người ấy có thể suy nghĩ: “Đây là hồ nước trong sáng, thuần khiết, không uế nhiễm, và có những vỏ sò, đá, sạn, và những đàn cá bơi lội qua lại hay đứng yên.” Cũng vậy, vì Tỷ-kheo hiểu như thật rằng: “Đây là khổ...” Vị ấy hiểu: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, không còn trở lại trong bất cứ hình thái hiện hữu nào.”

(Trung BK I, Kinh số 39: Đại Kinh Xóm Ngựa, tr. 601-610)

_____________________

Chú thích:

1. Trong số mười quan điểm này, các quan điểm nuôi dưỡng những ý tưởng về thế giới (loka) cũng ngụ ý nuôi dưỡng những ý tưởng tương tự về cái ngã (attā). Như vậy, cặp đầu tiên là phản đề của chủ thuyết thường hằng và chủ thuyết đoạn diệt. Quan điểm cho rằng linh hồn và thể xác giống nhau là của chủ thuyết duy vật, là một loại chủ thuyết đoạn diệt; quan điểm cho rằng linh hồn và thể xác là khác nhau thuộc chủ thuyết thường hằng. Quan điểm cho rằng Như Lai, một bậc giải thoát, vẫn tồn tại sau khi chết thuộc về chủ thuyết thường hằng; quan điểm cho rằng Ngài không tồn tại sau khi chết thuộc về chủ thuyết đoạn diệt. Quan điểm cho rằng Như Lai cả tồn tại lẫn không tồn tại sau khi chết là một triết thuyết pha trộn kết hợp những ý tưởng của chủ thuyết thường hằng và chủ thuyết đoạn diệt; quan điểm cho rằng Ngài không tồn tại cũng không không tồn tại là thuộc về chủ thuyết hoài nghi hoặc chủ thuyết bất khả tri, là những chủ thuyết phủ nhận việc chúng ta có thể biết được điều kiện của Ngài sau khi chết. Tất cả những quan điểm này, theo tầm nhìn của Phật giáo, đặt ra một tiền đề cho rằng Như Lai hiện hữu như một cái ngã. Như vậy, những quan điểm ấy bắt đầu với một tiền đề sai lầm và chúng chỉ khác nhau ở chỗ chúng đặt số phận của cái ngã theo những cách khác nhau.

2. Những người nào luôn tự hỏi về số phận của vị Tăng ấy, người hầu như đã từ giả Đức Phật để đi tìm cách thỏa mãn tính tò mò của mình về các vấn đề siêu hình, sẽ nhẹ nhõm khi biết rằng trong lúc tuổi già, Māluṅkyāputta đã nghe một thời pháp ngắn của Đức Phật về sáu căn, rồi tu ẩn cư và đắc quả A-la-hán. Xem Tương Ưng BK 35:95.

3. Đề-bà-đạt-đa (Devadatta) là người em bà con đầy tham vọng của Đức Phật, người đã âm mưu giết Đức Phật để lãnh đạo Tăng đoàn. Khi âm mưu ấy thất bại, ông ta bỏ đi và cố gắng thiết lập tông phái của riêng mình để lãnh đạo. Xem Nānamoli, Cuộc Đời Đức Phật, tr. 266-269.

4. Luận giải Trung Bộ Kinh: “Minh và pháp nhãn” ở đây nói đến thiên nhãn thông, khả năng có thể thấy được những hình sắc vi tế mà mắt người thường không thể thấy được.

5. Câu dịch này theo mẫu tự Miến-điện và mẫu tự Tích- lan trong đó đọc là asamayavimokham trong câu trước, và asamayavimuttiyā trong câu này. Mẫu tự La-tinh hình như đã đọc sai từ samaya trong hai từ ghép, và từ thānam thay vì phải đọc là atthānam. Luận giải Trung Bộ Kinh dùng từ Patisambhidāmagga để định nghĩa asamayavimokkha (nghĩa đen là “không phải tạm thời”, hoặc “vĩnh viễn” giải thoát) như là bốn đạo lộ, bốn đạo quả, và Niết-bàn, và samayavimokkha (tạm thời giải thoát) như là chứng đắc Tứ thiền sắc giới và Tứ thiền vô sắc giới. Xem Trung BK số 122. 4.

6. Luận giải Trung Bộ Kinh nói rằng “tâm giải thoát bất động” (akuppā cetovimutti) là quả A-la-hán. Như vậy “giải thoát vĩnh viễn” - như bao gồm tất cả bốn đạo lộ và bốn đạo quả - có tầm rộng lớn hơn là “tâm giải thoát bất động.” Tâm giải thoát này mà thôi được tuyên bố là mục đích của đời sống phạm hạnh.

7. Từ ngữ này có lẽ đã được mang ý nghĩa, có vẻ hơi vụng về, “để làm nhàm chán dục vọng”, hoặc “để chấm dứt thèm khát.”

8. Luận giải Tương Ưng Bộ Kinh: Khi còn một mình, Tôn giả Ānanda suy nghĩ: “Việc tu tập này sẽ thành công đối với hành giả nào dựa vào thiện hữu tri thức và vào chính nỗ lực tinh cần của mình; như vậy một nửa tùy thuộc vào thiện hữu tri thức, một nửa tùy thuộc vào nỗ lực tinh cần của bản thân.”

9. Vacchāyana là tên bộ tộc của Pilotika.

10. Xem Chú thích Chương V, số 19).

11. Tướng chung (nimitta) là những phẩm chất nổi bật của đối tượng mà khi nắm giữ thiếu tỉnh giác, có thể mang lại những ý tưởng phiền não; tướng riêng là những chi tiết thu hút sự chú ý của hành giả khi hành giả không hộ trì các căn. “Mong muốn và thất vọng” ngụ ý những phản ứng đối nghịch của ham muốn và chán ghét, bị thu hút và ghê sợ, đối với các đối tượng của giác quan.

12. Ở đây, thèm muốn (abhijjhā) đồng nghĩa với tham dục (kāmacchanda), là chướng ngại thứ nhất trong năm triền cái. Toàn bộ đoạn này nói đến việc vượt thắng năm triền cái.

13. Vị Thánh đệ tử không đi đến kết luận như vậy bởi vì các tầng thiền, cũng như tầng chứng đắc cao thượng tiếp theo không phải là giáo lý độc đáo của Phật giáo.

14. Theo Luận giải Trung Bộ Kinh, việc này chỉ ra con đường siêu xuất thế gian. Vì đến thời điểm này, vị Thánh đệ tử vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ của mình, nên vị này chưa đi đến kết luận về Tam bảo; thật ra vị này đang trong tiến trình đi đến kết luận. Bài kinh chơi chữ về ý nghĩa của nhóm từ “đi đến kết luận” theo một cách có thể thực hiện được bằng tiếng Anh cũng như tiếng Pāli.

15. Theo Luận giải Trung Bộ Kinh: Điều này chứng tỏ rằng khi vị Thánh đệ tử đã chứng quả A-la-hán, và đã thành tựu hoàn toàn nhiệm vụ của mình, ngài mới đi đến kết luận về Tam bảo.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 14 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.118.0.48 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (241 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...