Tôn giáo không có nghĩa là giới điều, đền miếu, tu viện hay các dấu hiệu bên ngoài, vì đó chỉ là các yếu tố hỗ trợ trong việc điều phục tâm. Khi tâm được điều phục, mỗi người mới thực sự là một hành giả tôn giáo.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Thước đo giá trị con người chúng ta là những gì ta làm được bằng vào chính những gì ta sẵn có. (The measure of who we are is what we do with what we have.)Vince Lombardi
Hãy làm một người biết chăm sóc tốt hạt giống yêu thương trong tâm hồn mình, và những hoa trái của lòng yêu thương sẽ mang lại cho bạn vô vàn niềm vui và hạnh phúc.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Bạn có thể lừa dối mọi người trong một lúc nào đó, hoặc có thể lừa dối một số người mãi mãi, nhưng bạn không thể lừa dối tất cả mọi người mãi mãi. (You can fool all the people some of the time, and some of the people all the time, but you cannot fool all the people all the time.)Abraham Lincoln
Thành công là tìm được sự hài lòng trong việc cho đi nhiều hơn những gì bạn nhận được. (Success is finding satisfaction in giving a little more than you take.)Christopher Reeve
Khi mọi con đường đều bế tắc, đừng từ bỏ. Hãy tự vạch ra con đường của chính mình. (When all the ways stop, do not give up. Draw a way on your own.)Sưu tầm
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Cơ học lượng tử cho biết rằng không một đối tượng quan sát nào không chịu ảnh hưởng bởi người quan sát. Từ góc độ khoa học, điều này hàm chứa một tri kiến lớn lao và có tác động mạnh mẽ. Nó có nghĩa là mỗi người luôn nhận thức một chân lý khác biệt, bởi mỗi người tự tạo ra những gì họ nhận thức. (Quantum physics tells us that nothing that is observed is unaffected by the observer. That statement, from science, holds an enormous and powerful insight. It means that everyone sees a different truth, because everyone is creating what they see.)Neale Donald Walsch

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Học đạo trong đời »» Xử thế bất cầu vô nan »»

Học đạo trong đời
»» Xử thế bất cầu vô nan

Donate

(Lượt xem: 3.029)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Học đạo trong đời - Xử thế bất cầu vô nan

Font chữ:


Diễn đọc: Văn Tuấn

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Hôm nay, chúng ta sẽ tiếp tục đề cập đến điều tâm niệm thứ hai, trong nguyên tác Hán văn chép điều này là “Xử thế bất cầu vô nan” (處世不求無難) và được giải thích là: “Thế vô nan tắc kiêu xa tất khởi.” (世無難則驕奢必起). Hòa thượng Trí Quang ghép cả hai ý này để dịch trọn thành một câu là: “Ở đời đừng cầu không khó khăn, vì không khó khăn thì kiêu xa nổi dậy.”

Trong chữ Hán, hai ý nghĩa nan (khó khăn) và nạn (tai nạn, hoạn nạn) đều được diễn đạt bằng cùng một chữ 難 và có thể đọc là nan hay nạn đều được. Vì thế, trong câu này chúng ta cũng có thể hiểu cụm từ “vô nan” theo cả hai ý nghĩa, hoặc là không có khó khăn, hoặc là không có hoạn nạn.

Người Anh có câu ngạn ngữ: “Life is not a bed of roses.” - Cuộc sống không phải bao giờ cũng dễ dàng. Đó là một thực tế. Dù là con người ở phương Đông hay phương Tây, dù là cách đây hàng ngàn năm hay ngay trong thời hiện đại này, chúng ta vẫn luôn phải đối diện với thực tế ấy. Vì thế, việc mong cầu cho cuộc sống này không gặp khó khăn hay không bao giờ trải qua hoạn nạn, chắc chắn chỉ là một mong ước hão huyền và không bao giờ có thể trở thành sự thật. Điều tâm niệm thứ hai khuyên ta: “Ở đời chẳng cầu không gặp khó khăn”, và như thế rõ ràng đây là một quan điểm hết sức thực tế.

Điều hết sức hiển nhiên là bất kỳ ai trong chúng ta cũng đều phải chấp nhận đối diện với khó khăn trong từng giai đoạn khác nhau của cuộc đời mình, nên tâm lý sẵn sàng chấp nhận, không tránh né bao giờ cũng giúp ta có được ưu thế của người chủ động, thay vì để cho hoàn cảnh đẩy ta vào tư thế của người luôn phải giải quyết hậu quả của những chuyện đã rồi.

Nếu chưa tin vào điều này, quý vị có thể nhìn lại chính cuộc đời mình. Ngay cả trong giai đoạn êm ả nhất của đời người là thuở ấu thơ, liệu chúng ta có khi nào được sống một thời gian nào đó thực sự không gặp bất kỳ khó khăn nào chăng? Nếu quý vị cũng giống như tôi và bao nhiêu người khác, câu trả lời chắc chắn sẽ là không. Ngay cả những bài học đầu đời cũng đòi hỏi chúng ta rất nhiều nỗ lực để vượt qua. Hãy nhìn các em bé lần đầu tiên được đưa đến trường mẫu giáo. Đối với các em, thật không dễ dàng chút nào khi phải bắt đầu làm quen với một môi trường mới. Nhiều em bộc lộ rõ sự sợ hãi, hốt hoảng; một số em khác cố sức bày tỏ sự phản đối. Nhưng điều tất nhiên là chúng ta vẫn phải buộc các em chấp nhận môi trường mới, vì ta biết chắc những khó khăn đó rồi sẽ được các em vượt qua. Tuy nhiên, cần nhắc lại điều này để thấy rằng, ngay từ những giai đoạn đầu tiên đến với cuộc đời thì con đường duy nhất để trưởng thành của mỗi chúng ta đều là phải vượt qua khó khăn. Mà khó khăn thì luôn hiện hữu trong mọi giai đoạn của cuộc đời. Hay nói khác đi, đó là điều kiện tất yếu để mỗi chúng ta có thể thực sự trưởng thành.

Tôi nhớ những ngày đầu mới học bơi. Thật khủng khiếp và đầy thách thức, đến nỗi nhiều hôm tôi đã nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Cảm giác hãi hùng những lúc hụp xuống nước và sặc liên tục làm tôi hoàn toàn mất bình tĩnh, trong khi cố quẫy đạp thế nào thân thể cũng chẳng chịu nổi lên... Nhưng rồi cuối cùng tôi cũng có thể bơi được, dù không giỏi lắm. Điều tất nhiên là khi nhớ lại bất kỳ giai đoạn nào trong cuộc đời, đều có những khó khăn nhất định mà ta đã từng vượt qua. Đối với người khác, có thể đó chỉ là những điều vụn vặt không đáng nói - như chuyện học bơi của tôi chẳng hạn - nhưng đối với chính bản thân ta thì mỗi một lần vượt qua khó khăn như thế đều là một kỳ tích khó quên. Và sự trưởng thành của mỗi chúng ta đều là sự nối dài và lặp lại của vô số những kỳ tích như thế.

Nhìn từ góc độ này, những khó khăn mà chúng ta phải vượt qua trong cuộc sống không chỉ là điều đương nhiên phải chấp nhận, mà còn là điều kiện tất yếu để giúp ta trưởng thành, phát triển mọi kỹ năng của mình.

Như vậy, chúng ta đã thấy được rằng khó khăn chướng ngại là cần thiết để rèn luyện và học hỏi trong cuộc sống. Nhưng tất nhiên không phải lúc nào ta cũng phải sống trong khó khăn, chướng ngại. Vậy những khi không có khó khăn chướng ngại trong cuộc đời thì sao? Bản Hán văn nói rằng, những lúc ấy thì “kiêu xa tất khởi” (驕奢必起), nghĩa là sự kiêu căng tự mãn và xa hoa phung phí tất yếu sẽ sinh khởi.

Kiêu căng tự mãn là vì thấy rằng mọi việc đều dễ dàng đối với mình, từ đó khởi tâm cho rằng mình tài giỏi hơn người khác - những người đang phải vật lộn với khó khăn chướng ngại. Xa hoa phung phí vì khi sự mưu sinh dễ dàng thì người ta không biết quý tiếc, trân trọng đối với những giá trị vật chất mình đang có. Sự khởi sinh những tâm lý này dường như là tất nhiên trong hoàn cảnh mà cuộc sống luôn xuôi chèo mát mái và chúng ta liên tục dễ dàng gặt hái từ thành công này đến thành công khác. Đây cũng chính là nguyên nhân hư hỏng của vô số những “cô chiêu cậu ấm” được lớn lên trong sự nuông chiều thái quá của các gia đình giàu có, quyền thế. Thật đáng buồn là chính vì thế mà thay vì tận dụng được “lợi thế hơn người” ngay từ lúc mới bước vào đời, thì những đứa con được nuông chiều này lại trở thành những gánh nặng cho xã hội vì sự hư hỏng của chúng. Trong trường hợp hoàn cảnh gia đình sa sút, suy sụp, thì chúng thực sự không đủ khả năng để tự mình vươn lên trong cuộc sống cạnh tranh công bằng, và vì thế thường có một kết cục không mấy tốt đẹp.

Mặc dù có phần chắc chắn là chưa hề tiếp cận với những ý nghĩa này trong mười điều tâm niệm, nhưng dường như hầu hết những người khôn ngoan giàu có đều đã hành xử theo cách cho thấy họ hiểu rất rõ điều này. Tỷ phú Bernard Marcus nói: “Một trong những điều tồi tệ nhất mà cha mẹ làm với con cái là cho chúng quá nhiều thứ, đến nỗi chúng không có cơ hội để thành công hay thất bại bằng chính năng lực của mình.” Đồng quan điểm này, tỷ phú Bill Gates nói: “Tôi nghĩ rằng tôi không nên để lại nhiều tiền cho con cái. Điều đó sẽ không tốt cho chúng và cả xã hội.” Và không chỉ nói suông, ông đã thực hiện điều đó bằng việc hiến tặng phần lớn khối tài sản của mình cho các hoạt động từ thiện xã hội thay vì giữ lại cho con cái mình. Hơn nữa, ông còn nhắc lại lời một tỷ phú khác, ông Warren Buffett, mà ông thừa nhận là phù hợp với suy nghĩ của ông. Warren Buffett đã viết câu này trong một bài báo vào năm 1986: “Tôi nghĩ rằng để lại cho những người trẻ tuổi một khối tài sản khổng lồ không phải là điều tốt.”

Hầu hết chúng ta đang làm điều ngược lại khi muốn “ủ ấm” con cái mình để tránh cho chúng hết thảy mọi khó khăn trong cuộc sống. Từ những ý nghĩa học được trong điều tâm niệm này, chúng ta rất cần phải thay đổi quan điểm trong việc giáo dục con cái.

Một trong những đức tính quý báu nhất của con người là tính khiêm cung, luôn biết tôn trọng người khác. Khi sự kiêu căng tự mãn khởi sinh thì nó giết chết đi đức tính này trong ta. Thay vì tôn trọng người khác, ta sẽ luôn nghĩ mình là tài giỏi và người khác là kém cỏi hơn mình. Điều này không giúp ta thực sự trở nên cao quý hơn bất kỳ ai, mà ngược lại nó biến ta thành kẻ hợm hĩnh, khoe khoang và đánh mất đi khả năng hòa nhập, gần gũi với mọi người quanh ta. Nguy cơ này chắc chắn sẽ giảm đi rất nhiều đối với những ai thường xuyên phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Mặt khác, xa hoa phung phí là một hệ quả khác cũng không kém phần nguy hiểm đối với một đời sống dễ duôi, trôi chảy. Do không nhận thức được những khó khăn của người phải tự làm ra của cải vật chất, những kẻ sống trong môi trường thuận lợi về vật chất của cải thường rất dễ rơi vào khuynh hướng tiêu pha phung phí, chạy theo nếp sống xa hoa với sự tốn kém tiền bạc nhiều khi hoàn toàn vô nghĩa. Điều này không hẳn là vô hại như nhiều người vẫn tưởng, vì thật ra nó biểu hiện rõ tính ích kỷ, không biết quan tâm đến người khác, cụ thể là những người không được may mắn như mình. Nhiều hình ảnh minh họa rõ nét có thể dễ dàng tìm thấy trong giới showbiz hiện nay. Với tiền bạc kiếm được một cách dễ dàng từ công chúng, họ sử dụng theo những cách mà người bình thường khó lòng tưởng tượng nổi. Chỉ cần vào Google gõ bốn chữ “túi xách tiền tỷ”, chúng ta sẽ ngỡ ngàng khi thấy những người sở hữu chúng không phải các doanh nhân thành đạt mà chỉ toàn là các ngôi sao showbiz. Và để có thể hình dung cụ thể, chỉ riêng một chiếc túi xách của họ đã trị giá đến 2,5 tỷ đồng Việt Nam - một số tiền có thể làm được hàng khối việc giúp nâng cao đời sống của biết bao người nghèo khó. Nhưng không chỉ riêng một người, rất nhiều “sao” không chịu thua kém nhau về khoản xa hoa này. Trong một bức ảnh, người ta nhìn thấy cả bốn “sao” chụp chung với 4 chiếc túi trị giá khoảng 10 tỷ đồng Việt Nam, và dường như điều này không nói lên được ý nghĩa gì tốt đẹp xét trong bối cảnh đất nước còn rất nhiều người khó khăn nghèo túng...

Trái ngược với sự xa hoa phung phí vô nghĩa đó là cuộc sống hết sức đơn giản của tỷ phú Warren Buffett, người sở hữu khối tài sản kếch xù nhưng lại sống hết sức khiêm tốn. Ông thậm chí chỉ dùng chiếc điện thoại đời cũ, miễn là có đủ các chức năng nghe và gọi...

Điều tất nhiên là chúng ta cũng không mong muốn cuộc sống của mình đầy những khó khăn bất trắc chỉ để giúp hạn chế các thói xấu kiêu xa, nhưng nhận thức được đầy đủ những ý nghĩa như trên là điều rất quan trọng giúp ta biết cách sống có ý nghĩa hơn, biết quan tâm đến mọi người quanh ta cũng như sẵn sàng chấp nhận bất kỳ khó khăn nghịch cảnh nào xảy đến, nỗ lực vượt qua để vươn lên mà không xem đó là những bất hạnh đáng nguyền rủa của riêng cuộc đời mình.

Tuy nhiên, những khó khăn theo cách vừa đề cập như trên chỉ nằm trong giới hạn của những “bài tập rèn luyện” mà bất cứ ai trong chúng ta cũng đều đã từng trải qua. Nhưng đường đời không chỉ là như thế! Có những khó khăn giúp ta tăng thêm nghị lực, ý chí, nhưng cũng có những khó khăn dường như đủ nặng nề đến mức sẵn sàng quật ngã ta. Một hóa đơn cuối tháng chưa kịp thanh toán tuy khiến ta bận lòng đôi chút nhưng có rất nhiều cách để xoay xở vượt qua, trong khi một thất bại đẩy ta đến bờ vực phá sản thì không chỉ đơn giản như thế. Trong thực tế, không ít người đã từng gục ngã hoặc chạy trốn trước những khó khăn nặng nề xảy đến cho mình, khi họ cảm thấy dường như không còn cách nào để vượt qua hay chống đỡ. Thậm chí rất nhiều người đã phải tìm đến cái chết như một giải pháp cuối cùng trong cơn tuyệt vọng.

Đối với những gian nan hoạn nạn ở mức độ đó, chúng ta không thể chỉ tự khích lệ mình nỗ lực là đủ, mà cần đến một nhận thức sâu sắc hơn về bản chất đời sống mới có thể vượt qua được. Nguyên bản Hán văn của tác phẩm cung cấp cho ta một nhận thức như thế dựa trên những lời dạy từ Kinh điển. Ngài Diệu Hiệp đã viết: “Liễu nan cảnh giới, thể nan bản vọng, nan diệc hề thương?” (了難境界, 體難本妄, 難亦奚傷) Tạm dịch: “Thấu rõ được cảnh giới hoạn nạn, biết rõ bản thể nó vốn chỉ là hư vọng, thì hoạn nạn ấy làm sao thương tổn được đến ta?”

Để tránh đi sâu vào những luận giải siêu hình có thể gây khó khăn cho một số độc giả, ở đây chúng tôi sẽ cố gắng giải thích quan điểm này theo cách đơn giản nhất. Hãy tưởng tượng, quý vị có một cơn ác mộng khủng khiếp, trong đó có thể là gia sản tiêu tan vì hỏa hoạn, những người thân yêu nhất đều chết đi... và quý vị đang bất lực đứng nhìn mọi việc xảy ra mà không thể làm gì để cứu vãn... Tất nhiên, tâm trạng hãi hùng, đau khổ khi đang trong giấc mơ ấy vẫn là rất thật đối với quý vị, cho dù đó chỉ là một giấc mơ. Và sở dĩ như thế chỉ đơn giản là vì ngay trong thời điểm ấy quý vị hoàn toàn không biết là mình đang mơ. Thế rồi, đột nhiên chuông đồng hồ báo thức reo vang giúp quý vị bừng tỉnh thoát ra khỏi cơn ác mộng. Thế là tâm trạng hãi hùng đau đơn kia cũng lập tức chấm dứt. Có thể quý vị sẽ thở ra một hơi dài nhẹ nhõm trong lòng: “Ồ may quá, chỉ là một giấc mơ.”

Trong thực tế, đời sống này của chúng ta cũng chỉ là một giấc mơ kéo dài không hơn không kém. Tất cả những gì đã xảy đến cho ta cách đây năm năm, mười năm hay lâu hơn nữa, giờ nhìn lại cũng chỉ còn là những ký ức không khác gì trong một giấc mơ. Và kết quả cuối cùng thì sao? Không ai trong chúng ta có thể mang theo được những gì mình yêu thích hay trân quý sau khi đã nhắm mắt xuôi tay lìa bỏ cuộc đời này, có khác nào như khi ta ra khỏi một giấc mơ?

Một số người có thể biện luận rằng, giấc mơ chỉ là... giấc mơ, còn những gì xảy ra trong cuộc sống đang thực sự ảnh hưởng đến cuộc sống của ta và mọi người quanh ta. Chúng ta không phủ nhận điều đó, nhưng ảnh hưởng như thế nào? Mọi cảm xúc buồn, vui, khổ đau hay hạnh phúc thực ra đều do chính ta làm chủ, nhưng đã từ lâu ta quên đi - hay đã đánh mất đi - quyền chủ động của mình, và từ đó ta khóc, cười, buồn, vui... theo với những gì mà cuộc sống mang đến cho ta. Ta trở thành con rối của ngoại cảnh mà không còn nhận ra được rằng cuộc sống này là của chính ta, rằng ta được quyền tận hưởng những phút giây đẹp nhất trong đời sống mà không nhất thiết phải phụ thuộc vào những giá trị vật chất mà ta có được hay không có được. Điều này giải thích vì sao có những người có thể sống an vui tự tại ngay trong nghịch cảnh, trong khi những người khác chỉ nghĩ đến hoàn cảnh tương tự như thế thôi cũng đã đủ để quên ăn bỏ ngủ...

Đức Phật dạy rằng tất cả các hiện tượng, sự việc xảy ra trong cuộc đời này đều chỉ là sự giả hợp của các nhân duyên. Khi nhân duyên hội tụ, ta nhìn thấy sự việc xảy ra, hiện hữu. Khi nhân duyên tan rã, mọi thứ đều không tồn tại. Vì thế, khi quán chiếu sâu vào bản chất của mọi sự vật, sự việc trong đời sống, ta thấy ra một điều là tất cả đều vô thường, giả hợp và không hề có một tự tánh tự tồn hay bản thể vĩnh hằng. Chính nhận thức đúng thật này sẽ giúp chúng ta có khả năng đối diện với bất kỳ nghịch cảnh nào mà không thể dễ dàng bị quật ngã về mặt tinh thần.

Có một câu chuyện thường được kể về một nhà thông thái, khi được đức vua yêu cầu dạy cho một triết lý cao siêu nhất đã trả lời vỏn vẹn chỉ một câu: “Việc gì rồi cũng sẽ qua đi.” Hơn hai mươi năm sau, nhà vua tìm đến nhà thông thái ấy để hết lời cảm ơn về triết lý cao siêu nhưng đơn giản này, bởi nhờ nó mà ngài đã vượt qua không biết bao nhiêu sóng gió khó khăn trong việc điều hành đất nước. Mỗi khi đối diện với bất kỳ khó khăn nghịch cảnh nào, ngài luôn nhớ lại: “Việc gì rồi cũng sẽ qua đi.” Và câu thần chú ấy đã chính xác trong mọi trường hợp. Người Mỹ thường nói: “Everything will be okay.” Phải chăng triết lý trong câu này cũng tương tự như thế?

Vì thế, điều tâm niệm thứ hai này dạy ta nhìn sâu vào cảnh giới, thực trạng của bất kỳ nghịch cảnh, bất kỳ hoạn nạn nào, để thấy rằng bản chất của nó là hư vọng, bởi luôn luôn chỉ là sự giả hợp của các nhân duyên và không thể trường tồn. Khi nhận thức rõ được bản chất hư vọng đó thì cho dù ta có vượt qua được hay không cũng không còn là vấn đề khiến ta phải khổ đau thương tổn. Tất nhiên, từ một góc nhìn thực tiễn hơn trong cuộc sống thì có đến 99,9% các trường hợp nghịch cảnh đều có thể vượt qua, hay theo cách nói vui hiện nay thường được sử dụng là chúng “không ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới”. Và ngay cả trong trường hợp hiếm hoi mà ta gặp phải những nghịch cảnh không thể vượt qua, thì hãy nhớ rằng việc chấp nhận nó trong một tâm trạng lạc quan cũng chính là một cách để vượt qua, bởi “việc gì rồi cũng sẽ qua đi”. Một cô gái chỉ vừa 25 tuổi đang tràn đầy sức sống, có học thức và đang là hướng dẫn viên du lịch, bất ngờ bị một tai nạn cướp đi cả hai chân, trở thành một người tàn tật. Quý vị sẽ hình dung thế nào về một nghịch cảnh như thế? Tất nhiên, không một ý chí hay nhận thức nào có thể giúp đưa cô trở lại thành một người bình thường như trước, nhưng việc kiên cường chấp nhận hoàn cảnh đã là một giải pháp giúp cô gái vượt qua khó khăn nghịch cảnh ấy. Trong thực tế, nhiều năm sau cô đã trở thành người sáng lập và là Giám đốc Thư viện sách nói dành cho người mù đầu tiên ở Việt Nam. Vâng, đó là một câu chuyện hoàn toàn có thật, và cô gái ấy là Nguyễn Hướng Dương, bằng tâm nguyện và ý chí của mình đã vượt qua nghịch cảnh để mang tri thức đến cho hơn 2 triệu người mù trên toàn quốc, vận động học bổng giúp 192 sinh viên khiếm thị theo học đại học, trong số đó 136 em đã tốt nghiệp, 11 em đậu văn bằng hai và 4 em đậu thạc sĩ. Và theo lời thừa nhận của Hướng Dương, chính Phật pháp đã mang đến cho cô những nhận thức đúng thật về cuộc đời và nhờ đó giúp cô đủ sức để vượt qua nghịch cảnh.

Cho nên, nhìn từ góc độ như một triết lý sống, điều tâm niệm thứ hai này chẳng những giúp chúng ta vượt qua mọi bất ổn thường xuyên trong cuộc sống, mà còn có thể được vận dụng để đối diện với ngay cả những khó khăn hoạn nạn kinh hoàng nhất của đời người. Một triết lý sống tuyệt vời như thế, điều tất nhiên là không phải chỉ dành riêng cho những bậc xuất gia, mà trong thực tế có vẻ như cần được ứng dụng nhiều hơn bởi tất cả những người thế tục, đang phải mỗi ngày đối diện với rất nhiều những khó khăn đủ loại trong cuộc sống.

Chúng ta sẽ tiếp tục bàn đến những nội dung còn lại của Mười điều tâm niệm trong các phần tiếp theo. Mong sao những chia sẻ trên đây có thể mang lại ít nhiều lợi lạc cho người đọc.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 25 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.135.184.136 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...