1. Ở đây chỉ đến 3 cảnh giới: địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh.
2. Bất động nghiệp (不動業), cũng gọi là bất động hành (不動行) (Anh ngữ: unfluctuating action, Phạn ngữ: aninjya, Tạng ngữ: mi g.yo ba’i las), được giải thích là hành nghiệp được tạo ra do sự tu tập thiền định đạt đến tâm an định bất động (Tạng ngữ: zhi gnas), và dẫn đến kết quả tái sinh vào các cõi trời Sắc giới và Vô sắc giới. (Dẫn theo sách Atisha’s lamp for the path to enlightenment của ngài Sonam Rinchen, Snow Lion Publications, ISBN: 9781-55939-082-8, trang 196.) Trong sách “How Karma Works: The Twelve Links of Dependent Arising: an Oral Teaching” của ngài Geshe Sonam Rinchen (Snow Lion Publications, 1933, ISBN: 978-1-55939-254-9), ở trang 65 cũng có đoạn giải thích về thuật ngữ này như sau: “Unfluctuating action refers to practices of deep concentration that give rise to rebirth in the upper realms of celestial beings in deep states of absorption. This kind of action can only be created if we have accomplished a calmly abiding mind.” (Bất động nghiệp dùng để chỉ cho các pháp tu tập thiền định thâm sâu dẫn đến việc tái sinh vào các cảnh giới trên của chư thiên có định lực thâm sâu. Loại nghiệp này chỉ có thể được tạo ra khi chúng ta đạt đến một tâm thức an định, không xao động.)
3. Trong hình bìa sách The Meaning of Life, chúng tôi quan sát thấy ba con vật này được vẽ ngậm đuôi lẫn nhau làm thành một vòng tròn.
4. Ở đầu đoạn này nói bức tranh có 6 phần, đó là chỉ 6 phần tượng trưng cho 6 cảnh giới: cõi trời, cõi a-tu-la, cõi người, địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Ở đây nói có 5 phần là sự phân chia theo một phiên bản khác hơn, trong đó cõi trời và cõi a-tu-la được gộp chung thành 1 phần.
5. Vì 12 hình vẽ được xếp xoay quanh vòng tròn theo ý nghĩa tiếp nối nhau, nên chúng tôi cũng đã gặp những dị bản đồ hình xếp hình biểu tượng của vô minh ở phía dưới hoặc bên cạnh, không nhất thiết luôn ở trên cùng.
6. Hai loại phiền não được nói đến ở đây là câu sinh khởi phiền não (俱生起煩惱) và phân biệt khởi phiền não (分別起煩惱). Câu sinh khởi phiền não là những phiền não do sự huân tập từ vô thủy đến nay mà có, nên con người khi sinh ra đã sẵn mang theo nó, chẳng hạn như tham dục, sân hận, si mê, kiêu mạn... Phân biệt khởi phiền não là những phiền não do học theo các tà sư, tà thuyết, tà kiến... dẫn đến nhận thức phân biệt sai lầm mà khởi sinh. Chúng tôi chọn dùng 2 tên gọi tương ứng này ở đây là vì chúng đã được sử dụng quen thuộc trong rất nhiều kinh luận.
7. Thất thập Không tính luận (七十空性論 - ūnyatā-saptati), tác phẩm luận giải của ngài Long Thụ (Nagarjuna), được trích dẫn trong Thập nhị môn luận, phần Quán nhân duyên môn, do ngài Cưu-ma-la-thập dịch sang Hán ngữ, nhưng toàn văn bản luận hiện chỉ còn bản dịch Tạng ngữ, không có bản Hán ngữ và Phạn bản cũng không còn. Tuy gọi là “thất thập” nhưng thật ra luận này có 73 bài kệ tụng, trong đó bài đầu tiên nêu tổng luận vấn đề và 2 bài cuối có nội dung khuyến tu không được tính vào, nên con số 70 là chỉ từ bài kệ tụng số 2 đến số 71.
8. Cả hai quan điểm sai lầm này được gọi là nhị chấp (二執), trong đó pháp chấp (法執) là cho rằng các pháp quả thật hiện hữu dựa vào tự tính sẵn có của chúng, và ngã chấp (我執) là cho rằng con người quả thật hiện hữu dựa vào tự tính sẵn có.
9. Thân kiến: là một trong ngũ kiến (五見), tức 5 kiến chấp sai lầm, bao gồm: (1) thân kiến (satkāyadṛṣṭi - 身見), chấp rằng thật có thân này là “ta” (tức ngã kiến) cùng với những vật sở hữu “của ta” (tức ngã sở kiến), nhưng không biết rằng thân này chỉ là sự giả hợp tạm bợ của 5 uẩn (a transitory collection of the 5 aggregates), do duyên hợp mà thành, cũng do duyên mà không ngừng biến hoại; (2) biên kiến (antagrāhadṛṣṭi - 邊見), chấp vào những điều cực đoan, thái quá, không đúng thật, chẳng hạn như chấp có, chấp không, chấp thường, chấp đoạn v.v... (3) tà kiến (mithyadṛṣṭi - 邪見), chấp vào những quan điểm tà vạy, sai lầm, không đúng thật, chẳng hạn như bác bỏ nhân quả, không chấp nhận lý duyên khởi v.v... (4) kiến thủ kiến (dṛṣṭiparāmarśa - 見取見), chấp vào học thuyết, triết lý kém cỏi sai lầm, nhưng lấy đó làm nền tảng căn bản lập luận, dẫn đến không nhận hiểu đúng về mọi sự vật, (5) giới cấm thủ kiến (śilavrataparāmarśa - 戒禁取見),\ chấp vào những cấm giới phi lý, không chính đáng của ngoại đạo, lấy đó làm căn bản, dẫn đến hành xử sai lầm, đi vào ác đạo.
10. Hành (行) - Phạn ngữ là saṃskāra, có từ căn kṛ mang nghĩa tác (作), bao hàm cả 2 nghĩa là năng tác (能作) và sở tác (所作), vì thế mang ý nghĩa chính là hành vi, tạo tác. Hành uẩn (行蘊) - Phạn ngữ là samskāra-skanda, là một trong 5 uẩn cấu thành thân tâm chúng sinh (sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn). Chữ uẩn (蘊) có nghĩa là tích chứa, nhóm họp lại, trước đây được dịch là ấm (陰), không chính xác, nhưng vì quen thuộc trong nhiều kinh điển Cựu dịch nên đến nay đôi khi vẫn còn thấy dùng.
11. Trạng thái dứt mất (state of destructedness): trạng thái ngay sau khi một hành vi đã hoàn toàn chấm dứt, cũng được dịch là trạng thái chấm dứt của hành vi (cessation of action) hay trạng thái đi vào quá khứ tính (state of pastness). Xem trong sách Cutting Through Appearances: The Practice and Theory of Tibetan Buddhism (Geshe Lhundup Sopa và Jeffrey Hopkins, Snow Lion Publications, trang 234 - ISBN: 0-937938-81-5). Những cách diễn đạt khác nhau như thế đều có một nội hàm chung là mô tả hành vi đã chấm dứt, không còn hiện hành trong hiện tại.
12. Phước nghiệp và bất động nghiệp (meritorious and unfluctuating actions): cả 2 loại này đều được xem là thiện nghiệp (virtuous actions), vì đều có kết quả tái sinh vào những cảnh giới tốt đẹp, trái với các bất thiện nghiệp (non-virtuous actions) sẽ tái sinh vào các cảnh giới xấu ác. Phước nghiệp (meritorious actions) là các thiện nghiệp dẫn đến sự tái sinh thuận lợi và được thụ hưởng các điều kiện sống tốt đẹp, còn bất động nghiệp (unfluctuating actions) là kết quả sự tu tập thiền định thâm sâu, sẽ đưa đến việc tái sinh vào các cõi trời Sắc giới hoặc Vô sắc giới. Trong một số kinh luận thì các nghiệp này được phân làm 3 loại riêng biệt: bất động nghiệp, thiện nghiệp và bất thiện nghiệp.
13. Tư nghiệp (思業, Phạn: cetana-karman, Tây Tạng: sems pa’i las, Anh: intention actions): nghiệp tạo ra bởi ý tưởng, suy nghĩ, thôi thúc có thể làm động lực khiến cho ta thực hiện một hành vi nào đó, tức thuộc về ý nghiệp (意業, Phạn:manokarmam, Tây Tạng:yid kyilas). Tư dĩ nghiệp (思已業, Phạn:cetayitva-karman, Tây Tạng: bsam pa’i las, Anh: intended actions): là nghiệp tạo ra do ý tưởng thúc đẩy hành vi đã thực sự sinh khởi, được thực hiện qua hành động (thân nghiệp: 身業, Phạn:kayakarmam, Tây Tạng: lus kyi las) hay lời nói (khẩu nghiệp: 語業, Phạn:vakkarmam, Tây tạng: ngag kyilas). Theo đức Đạt-lai Lạt-ma XIV thì hiện có 2 cách hiểu khác nhau về sự phân loại này. Cách hiểu thứ nhất cho rằng mọi hành vi tạo nghiệp đều nhất thiết phải có sự tham dự của tâm ý, do đó tư nghiệp được hiểu là bao trùm cả thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Cách hiểu thứ hai xem thân nghiệp và khẩu nghiệp cũng là những yếu tố cần xét đến, nên tư dĩ nghiệp được hiểu là có thể thuộc về một trong 3 nghiệp: thân nghiệp, khẩu nghiệp hoặc ý nghiệp. (Xem The meaning of life: Buddhist perspectives on cause and effect - Tenzin Gyatso, the Fourteenth Dalai Lama ; translated and edited by Jeffrey Hopkins, Wisdom Publications, ISBN: 978-0-861-71951-8, trang 50)
14. Định nghiệp (viniścita-karma - 定業): nghiệp đã tạo ra và việc thọ lãnh quả báo là chắc chắn, xác định được. Bất định nghiệp (aniyata-karma - 不定業): nghiệp tuy đã tạo ra nhưng tùy theo duyên mà thọ lãnh quả báo, không thể xác định chắc chắn thời gian thọ báo...
15. Định nghiệp dẫn đến chắc chắn phải thọ báo ngay trong đời này gọi là hiện báo (現報). Định nghiệp dẫn đến chắc chắn phải thọ quả báo trong một đời sau gọi là sinh báo (生報), nếu cách một đời hoặc nhiều đời sau nữa mới thọ báo thì gọi là hậu báo (後報).
16. Đây gọi là tổng báo (總報), tức là quả báo mang tính chất chi phối chung trong cả một kiếp sống. Tổng báo quyết định việc tái sinh cõi trời, làm người hay súc vật v.v... Nghiệp đưa đến tổng báo này gọi là dẫn nghiệp (引業).
17. Mãn nghiệp (滿業): là nghiệp tạo ra các điều kiện sống cụ thể, chi tiết của mỗi chúng sinh, như hình dạng, sức khỏe, gia cảnh v.v... Những điều kiện do mãn nghiệp tạo ra gọi là biệt báo (別報).
18. Đoạn văn tương ứng của bài giảng này được tìm thấy trong sách The Meaning of Life (trang 24) có khác biệt với bản văn này: Another division of actions distinguishes those done deliberately, those deliberated but not done, those done but not deliberately, and those neither deliberated nor done. (Có một cách khác, phân chia các hành vi thành: (1) các hành vi có tác ý đã thực hiện hoàn tất, (2) các hành vi có tác ý nhưng chưa thực hiện hoàn tất, (3) các hành vi được thực hiện hoàn tất nhưng không có tác ý, (4) và các hành vi không có tác ý cũng chưa được thực hiện hoàn tất.) Cách liệt kê và phân chia này có vẻ như đầy đủ hơn.
19. Một bức vẽ khác thể hiện con khỉ đang ở trên cây, chuyền từ cành này sang cành khác.
20. Những cách diễn đạt tự ngã đơn thuần (the mere self), cái tôi đơn thuần (the mere I), cá nhân đơn thuần (the mere person) đều hàm ý chỉ đến cái tự ngã, cái tôi hay cá nhân thuần túy, hoàn toàn chưa có sự gán ghép khái niệm và định danh được áp đặt bởi tâm thức người quan sát.
21. Điều kiện tiên khởi tức thời (Anh ngữ: immediately preceding condition / incessant causation, Phạn: anantaryapratyaya, Tây Tạng: de ma thag rkyen), ngài Chân Đế dịch sang Hán ngữ là Thứ đệ duyên (次第縁), ngài Huyền Trang dịch là Đẳng vô gián duyên (等無間緣). Thuật ngữ này mô tả việc một niệm trong tâm thức vừa khởi sinh trước đó, khi diệt đi làm điều kiện cho niệm tiếp theo khởi sinh. Do không có niệm trước thì cũng không thể có niệm sau, nên gọi đó là điều kiện, hay duyên; do niệm trước và niệm sau tiếp nối không gián đoạn (vô gián), khác nhau về thời điểm trước sau nhưng bản thể như nhau (đẳng), nên gọi là đẳng vô gián duyên. Lại do hai niệm không thể đồng thời sinh khởi mà phải có sự tiếp nối nhau, niệm trước làm điều kiện cho niệm sau sinh khởi, nên gọi là thứ đệ duyên.
22. Chẳng hạn như mắt nhận biết hình sắc, tai nhận biết âm thanh v.v...
23. Các khái niệm được dùng ở đây liên quan đến ý nghĩa của bốn duyên trong sự sinh khởi của tất cả các pháp. Vì thế, độc giả có thể tham khảo qua một cách đại lược như sau: (1) nhân duyên (因緣), Phạn ngữ: hetu-pratyaya, là duyên trực tiếp làm khởi sinh sự vật, chẳng hạn như hạt cam sinh ra cây cam, hoặc như con mắt (căn) là nhân, hình ảnh quả cam (trần) là duyên làm khởi sinh thức nhận biết về quả cam; (2) đẳng vô gián duyên (等無間緣) hay thứ đệ duyên (次第縁), Phạn ngữ: samanantara-pratyaya, Tạng ngữ: de ma thag rkyen, chỉ cho điều kiện tiên khởi để một niệm thức có thể khởi sinh là niệm thức vừa khởi sinh trước đó nhất thiết phải diệt mất đi; duyên này chỉ cần thiết đối với các tâm pháp, không xuất hiện với các sắc pháp, vì tâm pháp có sự tương tục không gián đoạn nên duyên này là thiết yếu; (3) sở duyên duyên (所緣緣), hay duyên duyên (緣緣), Phạn ngữ: ālambana-pratyaya, Tạng ngữ: dmigs rkyen, là đối tượng của tâm và tâm sở khi đối tượng đó được chọn và trở thành nguyên nhân làm khởi sinh thức nhận biết trong tâm, duyên này cũng chỉ có đối với các tâm pháp; và (4) tăng thượng duyên (增上緣), Phạn ngữ: adhipati-pratyaya, Tạng ngữ: bdag rkyen, chỉ việc mỗi pháp đều có khả năng làm trợ duyên trực tiếp hoặc gián tiếp cho sự sinh khởi và tồn tại, tăng trưởng của tất cả các pháp khác, ngay cả trong ý nghĩa khi nó không gây ra sự cản trở cho sự khởi sinh và tồn tại, tăng trưởng của pháp khác. Như vậy, đây là một duyên bao quát hết thảy các điều kiện nào không thuộc về 3 duyên vừa kể trước. Theo Hirakawa Akira trong sách A History of Indian Buddhism (University of Hawaii Press, 1990, ISBN: 0-8248-1203-4, trang 182) thì duyên này có nội hàm tương đương với năng tác nhân (能作因 - kāraṇahetu), là một trong Lục nhân theo giáo lý của Thuyết nhất thiết hữu bộ (說一切有部).
24. Ở đây đề cập khái quát, ngắn gọn. Nếu mô tả đầy đủ hơn thì có 8 nỗi khổ lớn là: sinh khổ (生苦), sinh ra là khổ; lão khổ (老苦), chịu đựng sự già yếu là khổ; bệnh khổ (病苦), thân tâm có bệnh là khổ; tử khổ (死苦), không tránh được cái chết là khổ; ái biệt ly khổ (愛別離苦), thương yêu phải xa lìa là khổ; oán tắng hội khổ (怨憎會苦), gặp gỡ những người mình không ưa, nhận lãnh những điều mình không thích là khổ; cầu bất đắc khổ (求不得苦), mong cầu không đạt được là khổ; và ngũ thạnh ấm khổ (五盛陰苦), năm ấm (hay năm uẩn) không điều hòa, khiến thân tâm bất an là khổ.
25. Ở đây chỉ đến các cảnh giới như địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.
26. Căn bản vô minh (根本無明), còn gọi là vô thủy vô minh (無始無明), là vô minh không nhận hiểu đúng thật về cách thức hiện hữu của các pháp, không nhận biết phân biệt được bản thể chân thật với vọng tình huyễn cảnh. Do loại vô minh này làm căn bản mà khởi sinh các loại vô minh khác, gọi chung là chi mạt vô minh (枝末無明).
27. Dẫn nhân (引因) là nhân tạo thành dẫn nghiệp (引業) đưa đến tổng báo (總報) như đã giải thích ở một phần trước.
28. Ở đây chỉ đến những cảnh giới có đời sống tốt đẹp, thuận lợi hơn, chẳng hạn như cõi người, cõi trời hay a-tu-la.
29. Ý muốn nói là quán chiếu sự lưu chuyển của tất cả chúng sinh trong luân hồi theo cách này. Trong sách The meaning of life (cũng của Đức Đạt-lai Lạt-ma), câu văn tương ứng diễn đạt ý này rõ nghĩa hơn: Reflecting in this same way on how others travel in cyclic existence serves as a technique for increasing compassion.
30. Bài giảng này được thực hiện vào năm 1984 thuộc thế kỷ 20, nên ở đây chỉ đến thế kỷ 21. Trong thực tế, những gì diễn ra sau đó đã cho thấy dự báo của Đức Đạt-lai Lạt-ma là hoàn toàn chính xác. Chỉ mấy năm sau đó (từ tháng 10 năm 1987), một loạt các Hội thảo Tâm thức và Đời sống (Mind and Life Conference) đã bắt đầu được thường xuyên tổ chức giữa các nhà khoa học hàng đầu thế giới về các chuyên ngành tâm lý học, thần kinh học... cùng với các học giả và cao tăng Phật giáo mà nổi bật nhất là đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV. Hoạt động này được duy trì khoảng 2 năm một lần, với các hội thảo nối tiếp đều đặn vào những năm 1987, 1989, 1991, 1993... nội dung được ghi nhận đầy đủ và phát hành thành sách bằng Anh ngữ. Cho đến nay đã có 27 Hội thảo khoa học như thế được tổ chức, và gần đây nhất là Hội thảo tại Drepung Monastery, Mundgod, Karnataka, Ấn Độ, kéo dài trong 6 ngày từ ngày 17 đến 22 tháng 1 năm 2013, với sự tham dự của 20 nhà khoa học, triết gia hàng đầu trên thế giới cùng với các cao tăng Phật giáo mà tiêu biểu là Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV. Quý độc giả có thể tìm đọc sách Sống một đời vui (Tác giả: Mingyur Yongey Rinpoche, Việt dịch: Diệu Hạnh Giao Trinh và Nguyễn Minh Tiến - NXB Tôn giáo, 2003) để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
31. Những tâm thức không sai lầm - do đó dẫn đến các phẩm tính giác ngộ - được đề cập ở đây nên được hiểu trong phạm trù của 37 Bồ-đề Đạo phần, là những phẩm tính đạt được trên con đường tu tập đúng Chánh pháp, vì chỉ những tâm thức này mới phát triển không giới hạn. Các pháp hiền thiện - chẳng hạn như thuộc về Thập thiện đạo - tuy giúp mang lại một tái sinh tốt đẹp trong cõi trời hoặc cõi người, nhưng chúng vẫn là các pháp tạo tác khởi sinh từ tâm thức sai lầm, và do đó chúng chỉ là giả tạm và giới hạn.
32. Nhất thiết trí (一切智 - Phạn ngữ: sarvajña), chỉ trí tuệ thấu hiểu hết thảy mọi pháp thế gian và xuất thế gian, tức trí tuệ giác ngộ viên mãn của chư Phật.
33. Thập địa (十地) của hàng Bồ Tát, được giảng giải trong kinh Hoa nghiêm bao gồm: 1. Hoan hỉ địa (歡喜地 - Phạn ngữ: pramuditā-bhūmi), cũng gọi Cực hỉ địa, Hỉ địa, Duyệt dự địa. 2. Li cấu địa (離垢地 - Phạn ngữ: vimalā-bhūmi), cũng gọi Vô cấu địa, Tịnh địa. 3. Phát quang địa (發光地 - Phạn ngữ: prabhākarī-bhūmi); cũng gọi Minh địa, Hữu quang địa, Hưng quang địa. 4. Diệm huệ địa (焰慧地 - Phạn ngữ: arciṣmatī-bhūmi), cũng gọi Diệm địa, Tăng diệu địa, Huy diệu địa. 5. Nan thắng địa (難勝地 - Phạn ngữ: sudurjayā-bhūmi), cũng gọi Cực nan thắng địa. 6. Hiện tiền địa (現前地 - Phạn ngữ: abhimukhī-bhūmi), cũng gọi Hiện tại địa, Mục kiến địa, Mục tiền địa. 7. Viễn hành địa (遠行地 - Phạn ngữ: dūraṃgamā-bhūmi), cũng gọi Thâm hành địa, Thâm nhập địa, Thâm viễn địa, Huyền diệu địa. 8. Bất động địa (不動地 - Phạn ngữ: acalā-bhūmi), cũng gọi Sắc tự tại địa, Quyết định địa, Vô hành vô khai phát vô tướng trụ, Tịch diệt tịnh địa. 9. Thiện huệ địa (善慧地 - Phạn ngữ: sādhumatī-bhūmi), cũng gọi Thiện tai ý địa, Thiện căn địa. 10. Pháp vân địa (法雲地 - Phạn ngữ: dharmameghā-bhūmi), cũng gọi Tác vũ địa. Trong kinh Đại Bát Niết-bàn, đức Phật dạy rằng ngay cả nơi các vị Bồ Tát đã đạt đến địa vị cuối cùng trong Thập địa thì vô minh vẫn còn hiện hành ở dạng vi tế. Chính vì vậy mà ở đây 12 duyên khởi được xem là chướng ngại của Nhất thiết trí hay Phật trí, vì nó chỉ hoàn toàn chấm dứt khi ta đạt đến Phật quả giác ngộ viên mãn.
34. Thời gian hình thành trái đất (geological time), chỉ toàn bộ lịch sử hình thành và biến đổi của trái đất, chủ yếu là giai đoạn trước khi có lịch sử nhân loại. Theo những kiến thức hiện nay thì trái đất bắt đầu hình thành từ khoảng hơn 4.5 tỷ năm trước đây.
35. Chi mạt vô minh (枝末無明) như đã đề cập ở một phần trước, là loại vô minh được tích lũy dần dần trong đời sống, do học hỏi và tin nhận những khái niệm, tri thức sai lầm, khác với căn bản vô minh (根本無明) vốn đã tích lũy trong dòng tâm thức nên hiện hữu ngay từ lúc khởi đầu một đời sống mới.
36. Bảy chỉ dẫn tinh yếu này bao gồm: (1) nhận biết tất cả chúng sinh như bạn bè thân hữu, (2) suy ngẫm về lòng tốt của tất cả chúng sinh, (3) phát triển sự quan tâm đáp lại lòng tốt như thế của tất cả chúng sinh, (4) phát khởi tâm từ ái, (5) phát khởi tâm bi mẫn, (6) phát khởi quyết tâm mạnh mẽ nhận về mình mọi trách nhiệm [đối với chúng sinh] (7) phát khởi khuynh hướng vị tha hướng đến sự giác ngộ. Mục đích thực hành theo 7 chỉ dẫn này là để tạo ra và nuôi dưỡng một khuynh hướng nhận thức bình đẳng và bi mẫn đối với tất cả chúng sinh.
37. Ngài Tịch Thiên (寂天, Śāntideva) được cho là sống vào khoảng thế kỷ 7 - 8, là một cao tăng và là đại luận sư thuộc Trung Quán tông. Ngài để lại các tác phẩm quan trọng là Đại thừa Tập Bồ Tát học luận (Śikṣāsamuccaya) và Nhập bồ-đề hành luận (Bodhicaryāvatāra). Ngoài ra còn có Tập kinh luận (Sūtrasamuccaya) đã thất bản, nhưng theo Pháp sư Thánh Nghiêm thì sách này được dịch sang Hán ngữ với tên Đại thừa bảo yếu nghĩa luận (大乘寶要義論), 10 quyển, do nhóm của ngài Pháp Hộ dịch vào đời Tống. Tác phẩm Nhập Bồ-đề hành luận được lưu truyền rất rộng rãi, gần đây đã có một số bản dịch sang tiếng Việt với các tên Bồ Tát hạnh (Thích Trí Siêu dịch), Nhập Bồ Tát hạnh (Thích Nữ Trí Hải dịch), Nhập hạnh Bồ Tát (Nguyên Hiển dịch)... Trong Đại chánh tạng thì có bản dịch Hán ngữ với tên Bồ-đề hạnh kinh (菩提行經) do ngài Thiên Tức Tai dịch vào đời Tống. Bản dịch Anh ngữ có tên là A Guide to the Bodhisattva’s Way of Life.
38. Tứ nhiếp pháp (四攝法) hay Bốn phương pháp thu phục lòng người, bao gồm: 1. Bố thí nhiếp (布施攝): dùng sự bố thí để thu phục lòng người, sau đó mới dẫn dắt họ theo Chánh đạo; 2. Ái ngữ nhiếp (愛語攝): dùng lời nói ôn hòa, êm dịu và đúng thật để chinh phục người, sau đó mới dẫn dắt họ theo Chánh đạo; 3. Lợi hành nhiếp (利行攝), dùng hành động mang đến lợi lạc, giúp đỡ người khác để thu phục lòng người, sau đó mới dẫn dắt họ theo Chánh đạo; 4. Đồng sự nhiếp (同事攝): cùng cộng tác, làm việc chung một cách hòa hợp để chinh phục lòng người, sau đó mới dẫn dắt họ theo Chánh đạo.
39. Lục ba-la-mật (六波羅蜜) hay sáu pháp ba-la-mật vừa được giảng giải ở phần trên. Trình tự trước sau mà đức Đạt-lai Lạt-ma đề cập ở đây là: 1. Bố thí ba-la-mật, 2. Trì giới ba-la-mật, 3. Nhẫn nhục ba-la-mật, 4. Tinh tấn ba-la-mật, 5. Thiền định ba-la-mật, 6. Trí tuệ ba-la-mật. Tuy nhiên, theo một quan điểm khác thì sáu pháp này được tu tập đồng thời và hỗ tương cho nhau. Chẳng hạn, trong tu tập bố thí hay trì giới cũng phải có tinh tấn thì mới đạt hiệu quả cao, hoặc trong tu tập trì giới vốn cũng đã bao hàm nhẫn nhục v.v...
40. Ba mươi bảy pháp trợ đạo (Tam thập thất trợ đạo chi pháp): cũng gọi là Ba mươi bảy phẩm đạo (Tam thập thất đạo phẩm), Ba mươi bảy phần Bồ-đề (Tam thập thất Bồ-đề phần), Ba mươi bảy phần giác ngộ (Tam thập thất giác phần). Ba mươi bảy pháp này đại lược gồm có: Bốn niệm xứ (Tứ niệm xứ), Bốn chánh cần (Tứ chánh cần), Bốn như ý túc (Tứ như ý túc), Năm căn (Ngũ căn), Năm sức (Ngũ lực), Bảy phần giác (Thất giác phần) và Tám thánh đạo (Bát thánh đạo).
41. Nguyên bản dùng “the altruistic intention to become enlightened”, hiểu theo sát nghĩa là “ tâm nguyện vị tha cầu giác ngộ”. Trong nhiều bài giảng khác, đặc biệt là trong “Phát tâm Bồ-đề” (NXB Tôn giáo, 2009 - Phan Châu Pha Việt dịch), đức Đạt-lai Lạt-ma đã giảng giải rất rõ về khái niệm này: Đó là tâm nguyện cầu đạt giác ngộ không phải vì để giải thoát tự thân, mà vì hướng đến sự lợi lạc cho tất cả chúng sinh, để có được khả năng cứu giúp hết thảy chúng sinh. Tâm nguyện này chính là tâm Bồ-đề mà người tu tập theo Đại thừa phải phát khởi trước tiên như một nền tảng căn bản để bắt đầu sự tu tập theo Bồ Tát hạnh. Thuật ngữ “tâm Bồ-đề” là một khái niệm rất quen thuộc trong kinh văn Hán tạng và để diễn giải đầy đủ thì không thể dùng một vài cụm từ ngắn gọn. Do đó, chúng tôi chọn cách giữ nguyên thuật ngữ này để dịch.
42. Ở đây có sự tương đồng với khái niệm “phước tuệ song tu” trong Hán tạng.
43. Các trường phái Tân dịch được nói đến ở đây là Kagyu, Sakya và Gelug.
44. Tức là pháp du-già vận dụng các dòng năng lượng. Khái niệm khí (wind) được giải thích là “các năng lượng nội tại” hay “nội lực” (internal energies). Pháp khí du-già bao gồm những kỹ năng như là kiểm soát hơi thở (giữ hơi trong lồng ngực)...
45. Pháp du-già tứ hỷ lạc thuộc giai đoạn thành tựu, được thực hành kết hợp với du-già nội hỏa và một số pháp tu khác, chẳng hạn như kim cang trì tụng... Hành giả trước tiên phải thực hiện đủ 8 giai đoạn của du-già nội hỏa. Hơi nóng phát sinh trong quá trình này làm tan chảy giọt [tinh chất] trắng ở đỉnh đầu, theo kinh mạch trung tâm chảy dần xuống, từ đỉnh đầu đến cổ họng (1), từ cổ họng xuống đến tim (2), từ tim xuống đến rốn (3) và từ rốn xuống đến phần chót cùng của bộ phận sinh dục (4). Tiến trình này mang lại cho hành giả kinh nghiệm hỷ lạc lớn lao tương ứng với từng giai đoạn dịch chuyển. Hành giả cần phải duy trì kinh nghiệm hỷ lạc này song song với sự thiền quán về tánh Không. Sau đó, hành giả tiếp tục tạo ra kinh nghiệm hỷ lạc theo tiến trình ngược lại, nghĩa là từ phần chót cùng của bộ phận sinh dục trở lên rốn, lên tim... (Theo Clear Light of Bliss: The Practice of Mahamudra in Vajrayana Buddhism của Kelsang Gyatso Geshe - Motilal Banarsidass Publisher, 1999, ISBN: 978-8120816664 - trang 107)
46. Trong một bài giảng khác đức Đạt-lai Lạt-ma có dạy về 4 lớp tantra, bao gồm Tác tantra, Hành Tantra, Du-già tantra và Tối thượng Du-già tantra, tương ứng với sự phân chia Tác Mật thừa, Hành Mật thừa, Du-già Mật thừa và Tối thượng Du-già Mật thừa. Ba lớp tantra đầu được xem là thấp hơn, là nền tảng để dẫn lên Tối thượng Du-già tantra. (Xem Tổng quan về các pháp môn trong Phật giáo Tây Tạng - Đức Đạt-lai Lạt-ma giảng, nguyên tác A survey of the paths of Tibetan Buddhism, Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải, NXB Tôn giáo, 2013 - trang 69 - 71) Theo sự phân chia của phái Nyingma Đại Toàn Thiện thì có đến 9 thừa là: (1) Thanh văn thừa - 聲聞乘,(2) Duyên giác thừa (hay Độc giác thừa) - 緣覺乘,(3) Bồ Tát thừa - 菩薩乘,(4) Tác Mật thừa - 作密乘,(5) Hành Mật thừa - 行密乘,(6) Du-già Mật thừa - 瑜伽密乘,(7) Đại Du-già Mật thừa - 大瑜伽密乘,(8) Vô tỷ Du-già Mật thừa - 無比瑜伽密乘,(9) Vô thượng (hay Tối thượng) Du-già Mật thừa - 無上瑜伽密乘. Trong hệ thống phân chia này thì 3 lớp tantra thấp hơn ở đây được gọi là các thừa Ngoại mật, trong khi 3 thừa cao nhất được gọi là Nội mật.
47. Ngũ dục, hay 5 sự khoái lạc trong cõi Dục giới, là những khoái lạc mang lại bởi sự thỏa mãn khi 5 căn (mắt, tai, mũi, lưỡi và thân) tiếp xúc với 5 trần cảnh (hình sắc, âm thanh, hương thơm, vị nếm, sự xúc chạm). Theo đức Đạt-lai Lạt-ma thì cả 4 lớp tantra của Mật tông đều có dạy các phương pháp để vận dụng chính các dục vọng (sự khao khát ngũ dục) vào trong sự tu tập, nhưng với các mức độ khác nhau. (Sách đã dẫn trên, trang 69)
48. Về Hóa thân Phật có nhiều cách giải thích hơi khác biệt nhau nhưng vẫn tương đồng về đại thể. Theo Hoa nghiêm kinh sớ (đời Tùy) thì Hóa thân Phật có 2 dạng là Đại Hóa thân (大化身) và Tiểu Hóa thân (小化身). Đại Hóa thân ứng hiện với các vị Bồ Tát để dẫn dắt, khích lệ các ngài đạt đến quả Phật. Tiểu Hóa thân ứng hiện với hàng Thanh văn, Duyên giác và phàm phu để tạo niêm tin và dẫn dắt họ tu tập. Theo Quán Phật Tam-muội hải kinh (觀佛三昧海經) thì Hóa thân Phật có 3 dạng: (1) Đại Hóa thân thiên trượng (大化身千丈), hóa hiện hảo tướng siêu phàm, cao lớn ngàn trượng để thuyết giảng Chánh pháp cho hàng Bồ Tát, hóa thân này phàm phu không thể nhìn thấy; (2) Tiểu Hóa thân lục trượng (小化身丈六), hóa hiện tướng hảo quang minh (32 hảo tướng, 80 tùy hình) trong hình dạng con người để dẫn dắt hàng Nhị thừa và phàm phu; (3) Tùy loại Bất định Hóa thân (隨類不定化身), hóa hiện vô số hình tướng sai biệt tùy theo căn cơ, nhu cầu, phước nghiệp của chúng sinh để dẫn dắt, hóa độ. Theo đức Đạt-lai Lạt-ma trong sách Opening the Eye of New Awareness (Wisdom Publication, 1999) thì có 3 dạng Hóa thân Phật: (1) Đại Hóa thân (Tạng: mchog gi sprul sku - Anh: Supreme Emanation Body), là hóa thân viên mãn của một vị Phật toàn giác, với đầy đủ tướng hảo và thị hiện để mang lại lợi lạc cho chúng sinh, như trường hợp đức Phật Thích-ca Mâu-ni đản sinh ở thế giới này; (2) Công xảo Hóa thân (Tạng: bzo bo sprul sku - Anh: Artisan Emanation Body), là hóa thân làm lợi lạc cho chúng sinh qua hình tướng những bậc vĩ nhân tài ba siêu việt, như thầy thuốc, khoa học gia, triết gia... (3) Hóa sinh Hóa thân (Tạng: skye ba sprul sku - Anh: Birth Emanation Body / Incarnated Emanation Body), là hóa thân thị hiện sinh ra như một con người bình thường hoặc thậm chí là loài vật hay bất kỳ loại chúng sinh nào... nhằm mục đích làm lợi lạc cho chúng sinh. Để bổ sung thêm cách hiểu về Đại Hóa thân Phật (Supreme Emanation Body), ngài Geshe Kelsang Gyatso trong tác phẩm Joyful Path of Good Fortune: The Complete Buddhist Path to Enlightenment có dạy rằng: “Đại Hóa thân Phật chỉ được nhìn thấy bởi những ai có nghiệp thanh tịnh.” (The Supreme Emanation Body can be seen only by those who have pure karma.) Theo các ý nghĩa như trên, nguyên bản tiếng Anh ở đây dùng Supreme Emanation Body, chúng tôi hiểu như là Đại Hóa thân Phật, hiển lộ trong cảnh giới quán tưởng của hành giả.
49. Đề mục này do chúng tôi dựa theo sách The Meaning of Life mà thêm vào để độc giả tiện theo dõi nội dung.
50. Đại học giả Sa-kya (Sa-kya Pandita), tức Đại sư Günga Gyaicain (1182-1251). Ngài thường được biết với danh xưng Sa-kya Pandita, vốn là một danh hiệu để tôn xưng sự uyên bác của ngài. (Pandita là danh hiệu được dùng để chỉ các vị đại học giả cực kỳ uyên bác.) Đương thời ngài nổi tiếng uyên bác, đặc biệt là về Phạn ngữ, không chỉ ở Tây Tạng mà còn trong khắp vùng Mông Cổ, duyên hải Trung Hoa và Ấn Độ. Ngài được xem là một trong 5 vị Tổ khai sáng phái Sa-kya (Tát-ca) tại Tây Tạng.
51. Tên Tạng ngữ của vị này là Mang-thos Klu-sgrub-rgya-mtsho, sinh năm 1523 và mất năm 1596.
52. Theo nội dung Kệ số 7 trong Lục thập tụng như lí luận (六十頌如理論 - Yukti-ṣaṣṭhikā) của ngài Long Thụ.
53. Tên Phạn ngữ của tác phẩm này là Pañcakrama, tên Tạng ngữ là Rim pa lnga pa, bản Anh ngữ dịch là Five Stages.
54. Tiếng Tạng là sems và sems-nyid.
55. Theo phái Nying-ma thì trong Phật giáo có tất cả 9 thừa, lần lượt kể ra như sau: (1) Thanh văn thừa - 聲聞乘,(2) Duyên giác thừa (hay Độc giác thừa) - 緣覺乘,(3) Bồ Tát thừa - 菩薩乘,(4) Tác Mật thừa - 作密乘,(5) Hành Mật thừa - 行密乘,(6) Du-già Mật thừa - 瑜伽密乘,(7) Đại Du-già Mật thừa - 大瑜伽密乘,(8) Vô tỷ Du-già Mật thừa - 無比瑜伽密乘,(9) Vô thượng (hay Tối thượng) Du-già Mật thừa - 無上瑜伽密乘. - Như vậy, 3 thừa cuối cùng là tương ứng với Tối thượng Du-già Mật thừa của các phái khác.
56. Thuật ngữ Phật học gọi cách biện giải này là tha không kiến (他空見), nghĩa là nhìn nhận tánh Không của một pháp vì nó không hàm chứa bất kỳ pháp nào khác.
57. Cách giảng giải về tha không kiến bắt đầu từ khoảng đầu thế kỷ 12, nhưng chỉ khá phổ biến vào đầu thế kỷ 14 với sự phát triển của học phái Jonang, hay Tước-nam phái (爵南派), là một phái nhỏ vốn thuộc về phái Kadam.
58. Đại sư viên tịch vào năm 1959.
59. Ở đây chỉ đến 3 cấp độ trên đường tu tập, bao gồm: căn (nền tảng tu tập), đạo (phương pháp tu tập) và quả (thành tựu quả vị). Giáo lý “căn-đạo-quả” này được truyền dạy từ Đại sư Longchen-rap-jam (1308-1363).
60. Phương thức thứ nhất để thành tựu quả Phật, nhấn mạnh vào cả 2 yếu tố khí và tâm, kết quả đạt được là thân thanh tịnh và tâm thanh tịnh.
61. Phương thức thứ hai để thành tựu Phật quả, chỉ nhấn mạnh vào tâm thức, vì thế thành quả tu tập là thân không hình sắc và hỷ lạc bất biến, đều do tu tập tâm thức.