Mùa Xuân có lẽ là một trong những món quà tuyệt vời nhất mà tạo hóa dành
ban cho muôn loài một cách hoàn toàn bình đẳng. Vì thế, việc khám phá ra
mùa xuân trong chu kỳ vận chuyển của vũ trụ phải là một trong những khám
phá vĩ đại có ý nghĩa nhất của con người. Nhận biết được mùa xuân cũng
đồng nghĩa với việc nhận biết được chu kỳ vận hành của thời tiết trong
năm, và cũng đồng nghĩa với việc sáng chế ra lịch pháp để tính toán thời
gian trong đời sống.
Cứ nghĩ đến sự đa dạng của muôn loài động thực vật trên khắp hành tinh
này, mỗi loài đều có một đặc tính sinh trưởng riêng, nhưng tất cả đều
chịu sự chi phối chung của cái chu kỳ 12 tháng trở lại một lần, như vậy
cũng đủ để thấy vai trò kỳ diệu của mùa xuân trong đời sống của muôn
vật. Dù là những loài nhỏ bé như sâu kiến, côn trùng, hay to lớn như
trâu, bò, voi, cọp... dù là những loài cỏ hoa hoang dại hay những cây
kiểng quý giá được chăm sóc công phu... tất cả đều như cùng chờ đợi tia
nắng xuân ấm áp trở về để chuyển mình làm nên một điều gì đó trong chu
kỳ sinh trưởng của đời mình.
Khoa học ngày nay cho biết rằng sự vận hành của bốn mùa trong năm là do
những vị trí và góc độ khác nhau của trái đất trong chu kỳ xoay quanh
mặt trời và xoay quanh chính nó. Những chi tiết về điều này đã được biết
đến một cách khá cụ thể. Người ta biết rằng, với kích thước đường kính
là 12.756 km (khi đo ở đường xích đạo), quả đất của chúng ta nằm cách xa
mặt trời khoảng 150 triệu kilomét và liên tục di chuyển theo một quỹ đạo
xoay quanh mặt trời với vận tốc khoảng 107.000 kilomét trong một giờ!
Với vận tốc trung bình này, quả đất hoàn tất một vòng xoay quanh mặt
trời với thời gian là 365 ngày 5 giờ 48 phút 46 giây, chính là khoảng
thời gian của một năm mà chúng ta tính tròn là 365 ngày!
Và vì quỹ đạo này không phải là một vòng tròn tuyệt đối, nên có những
lúc chúng ta đến gần mặt trời hơn, với khoảng cách chỉ còn chừng 147
triệu kilomét, và có những lúc cách xa hơn, với khoảng cách lên đến 152
triệu kilomét. Như vậy, chúng ta thấy rằng điều tất yếu là khi đến gần
mặt trời hơn thì quả đất sẽ nóng hơn vì nhận được nhiều nhiệt lượng hơn,
và ngược lại khi cách xa hơn thì nhiệt độ sẽ thấp hơn.
Ngoài ra, quả đất cũng tự xoay quanh một trục của chính nó với thời gian
23 giờ 56 phút 4,1 giây cho mỗi vòng. Chính thời gian của mỗi vòng xoay
này là một ngày đêm mà chúng ta luôn tính tròn là 24 giờ. Trục xoay này
tạo thành một độ nghiêng khoảng 23,50 so với mặt phẳng cắt ngang của quỹ
đạo trái đất xoay quanh mặt trời, và do đó làm cho vị trí của mặt trời
vào lúc giữa trưa có lúc ở cao hơn và có lúc thấp hơn khi ta nhìn lên từ
mặt đất. Điều này tạo thành những thay đổi về nhiệt độ. Khi tia nắng
càng vuông góc với mặt đất thì nhiệt lượng truyền xuống càng nhiều hơn,
nhiệt độ trở nên cao hơn, và khi độ lệch của tia nắng càng lớn so với
đường vuông góc này thì nhiệt độ sẽ càng thấp hơn.
Đó là những con số. Chúng ta sẽ không lấy làm lạ khi với những con số
này con người có thể hiểu được một cách tường tận về sự thay đổi của bốn
mùa. Tuy nhiên, điều kỳ diệu ở đây là những con số này đã đến khá muộn
màng, chỉ trong khoảng không quá 3 thế kỷ gần đây mà thôi. Nhưng sự nhận
biết về vận hành của bốn mùa thì đã có từ rất sớm, rất có thể là ngay từ
lúc con người bắt đầu biết trồng trọt để có lương thực tự nuôi sống. Chỉ
bằng vào sự quan sát những thay đổi được lặp lại có chu kỳ trong năm,
người ta đã đưa ra được những con số và xác định các mốc thời gian khá
chính xác khi so với kết quả tính toán của khoa học ngày nay. Lấy ví dụ
như bằng sự quan sát chu kỳ lặp lại của những đêm trăng tròn, người xưa
đã tính toán được thời gian của một tháng âm lịch là khoảng hơn 29 ngày
(tháng thiếu) nhưng chưa đến 30 ngày (tháng đủ). Chu kỳ này chính là
thời gian cần thiết để bề mặt phản chiếu ánh sáng của mặt trăng được
nhìn thấy từ trái đất trở lại giống hệt như trước đó, và với kết quả
tính toán chính xác của khoa học ngày nay thì thời gian này là 29 ngày
12 giờ 44 phút!
Nhưng mùa xuân không chỉ đơn giản là một hiện tượng được tạo thành bởi
những thay đổi về thời tiết, khí hậu... do những nguyên nhân mà chúng ta
vừa mô tả. Hơn thế nữa, mùa xuân là một hiện tượng gắn liền với sự sống,
hay nói chính xác hơn là sự sinh trưởng của muôn loài. Sẽ không có mùa
xuân nếu không có sự sống trên hành tinh chúng ta, hay nói đúng hơn là
mùa xuân sẽ chẳng còn có ý nghĩa gì cả nếu không có sự sinh sôi nảy nở
của vạn vật.
Chính vì thế mà từ xưa đến nay hình ảnh mùa xuân luôn gắn liền với hoa
với bướm, với cây cỏ xanh tươi, với chim hót líu lo hay én liệng giữa
trời xanh. Cái đẹp của mùa xuân không chỉ là sự hài hòa của những màu
sắc hay dáng vẻ trong thiên nhiên, mà chính là vì nó biểu hiện một sức
sống mạnh mẽ, một sự sinh trưởng của tất cả muôn loài.
Xuân về chính là lúc khơi dậy sức sống tiềm tàng trong vạn vật. Những
chồi non đang ngủ yên trong thân cây xù xì già nua kia bỗng nhiên bừng
tỉnh giấc, phá vỡ lớp vỏ cây khô cằn để nhú mình nhô ra hé cười cùng làn
gió xuân vừa thoảng đến. Trên mặt đất cằn cỗi qua mấy tháng đông dài
lạnh giá, những lá cỏ li ti xanh nõn cũng xôn xao trỗi dậy, rủ nhau đan
kín mặt đất nhấp nhô cho đến tận chân trời... Và kìa, những thân mai già
chỉ cách đây có mấy hôm thôi còn trơ trụi những cành gầy guộc khẳng khiu
mà nay đã phủ đầy những búp xanh căng tròn mũm mĩm, nổi bật lên là những
cánh hoa vàng mảnh rực sáng như đã thấm nhuần tia nắng xuân ấm áp... Cho
đến những cánh bướm đủ màu kia hôm nay dường như cũng nhộn nhịp hơn,
đang lượn múa nhanh hơn giữa những đóa hoa dại đủ màu ven suối...
Chính cái sức sống mãnh liệt của vạn vật luôn bừng lên mỗi độ xuân về đã
làm cho mùa xuân bao giờ cũng mới mẻ và tươi thắm. Mùa xuân gắn liền với
sự sống. Cho dù đó là sự sống nhỏ nhoi của những loài côn trùng bạn chưa
từng biết qua tên gọi, hay sự sống trầm hùng của những thân cây cổ thụ
đã trải hàng thế kỷ... Tất cả đều như bừng dậy dưới nắng xuân, như muốn
bộc lộ sức sống của mình, khẳng định sự hiện hữu trong trời đất!
Vì gắn liền với sự sống nên mùa xuân từ lâu đã trở thành quen thuộc và
phổ biến trong khắp mọi nền văn minh trên thế giới. Ở những vùng khác
nhau, người ta có thể không nói cùng một ngôn ngữ, không cùng chung
những tập tục, nghi lễ giống nhau, nhưng bao giờ cũng có những cảm nhận
tương đồng về mùa xuân. Điều đó chính là vì cho dù ở bất cứ nơi đâu thì
sự sống cũng vẫn là như nhau!
Nói đến sự gắn liền giữa mùa xuân và sự sống của muôn loài, tôi chợt
liên tưởng đến những điều phi lý mà con người chúng ta đã và đang áp đặt
lên loài vật. Trong khi muôn loài nô nức đón xuân thì chúng ta lại cướp
lấy sự sống của biết bao nhiêu sinh vật để đổi lấy sự vui thích cho
riêng mình. Chỉ cần dạo qua một vòng chợ Tết ở bất cứ nơi đâu, bạn cũng
sẽ dễ dàng nhận thấy có vô số con vật đang chờ chết để phục vụ cho những
bữa ăn của chúng ta trong dịp đón xuân về! Trong đêm giao thừa, khi hầu
hết mọi gia đình đều cùng nhau đoàn tụ để đón chờ phút thiêng liêng giao
hòa giữa năm cũ và năm mới, thì khắp mọi nơi trong thôn xóm vang lên
tiếng kêu rú thảm thiết của những con vật bị giết hại! Thật vô lý khi
những niềm vui và nỗi đau buồn lại đan xen nhau một cách lạnh lùng đến
vô cảm, bởi hầu như không mấy người khi kết liễu mạng sống của một con
vật mà có được chút động tâm thương xót!
Không ít người có thể sẽ cho những suy nghĩ như thế này là kỳ lạ, thậm
chí là gàn dở, lập dị, vì quả thật chúng có vẻ như... không giống ai khi
đặt vào bối cảnh chung của đa số những người chấp nhận việc giết hại.
Tuy nhiên, chúng ta lại không có bất cứ một lập luận vững chãi, thuyết
phục nào để bảo vệ cho sự nhẫn tâm không thể phủ nhận được này.
Nếu nói rằng chúng ta có quyền giết hại loài vật để phục vụ đời sống của
mình bởi vì chúng ta có sức mạnh hơn, có thể khống chế được chúng, thì
điều đó sẽ đi ngược lại với những học thuyết đạo đức, nhân nghĩa do
chính con người chúng ta đặt ra và giảng dạy cho nhau.
Nếu nói rằng loài vật không phải là đối tượng nằm trong phạm trù của
những học thuyết ấy, thì điều đó sẽ hoàn toàn không phù hợp với những
suy nghĩ, nhận thức của chính con người. Ngay từ những truyền thuyết từ
xa xưa, chúng ta đã thấy xuất hiện vô số những con vật được nhân hóa với
tình cảm và suy nghĩ không khác với con người. Thậm chí trong đó còn có
không ít những con vật đã trở thành biểu tượng thiêng liêng được chúng
ta tôn kính. Điều đó nói lên rằng chúng ta chưa bao giờ thực sự xem loài
vật chỉ là để giết thịt! Trong một chuyến đi Huế, tôi có đến thăm mộ cụ
Phan Bội Châu và đã hết sức xúc động khi được nghe kể về con chó của cụ.
Sau khi cụ mất, nó đã bỏ ăn cho đến chết và được an táng ngay bên cạnh
phần mộ của cụ Phan, có dựng bia đá hẳn hòi. Trong cuộc sống hiện nay,
chúng ta cũng luôn dễ dàng tìm thấy những con vật có gắn bó tình cảm với
con người, thậm chí chúng còn giúp mang lại niềm vui sống cho rất nhiều
người bằng vào tình cảm thắm thiết đó.
Hơn thế nữa, việc loài vật có tri giác và tình cảm không khác chúng ta
là điều không thể phủ nhận được. Vì thế, nếu phải làm cho chúng đau đớn
và cướp đi mạng sống của chúng, thì chắc chắn một điều là tự sâu thẳm
trong lòng ta không thể tránh khỏi sự ray rức, hối hận. Chỉ tiếc là
những cảm giác tự nhiên rất thật đó lại bị chính chúng ta làm cho chai
lỳ đi qua nhiều lần lặp lại sự giết hại. Một người bạn của tôi vào thời
niên thiếu đã mất ngủ ba đêm liền chỉ vì vô tình ném viên gạch làm chết
thảm một chú chim bồ câu. Chú chim này bị vỡ đầu, máu me bê bết nhưng
vẫn còn giẫy giụa khá lâu trên sân trước khi chết hẳn. Người bạn ấy nói
với tôi rằng, cứ nhắm mắt là anh ta lại thấy cái đầu bê bết máu của con
chim, thế là không sao ngủ được! Vậy mà sau này gặp lại, tôi thấy anh ta
cắt cổ gà rất thạo, còn dám thọc cổ heo nữa, mà không lần nào phải mất
ngủ như xưa!
Nhiều người nói với tôi rằng họ rất muốn từ bỏ việc ăn thịt để không
phải giết hại loài vật nữa, nhưng lại sợ rằng bữa ăn của mình sẽ không
cung cấp đủ dinh dưỡng cho một cuộc sống khỏe mạnh. Thật ra, đây không
phải là một lý do thuyết phục, bởi vì khoa học dinh dưỡng ngày nay đã
giải tỏa hoàn toàn sự lo sợ đó. Hàng triệu người châu Âu ngày nay chuyển
sang ăn chay không phải vì lý do tín ngưỡng, mà chính là vì bác sĩ của
họ đã khuyên như thế để bảo vệ sức khỏe trong một môi trường ngày càng ô
nhiễm nặng nề hơn.
Chúng ta hãy thử làm một so sánh nhỏ. Trong 100 gram thịt heo có 21,7
gram chất đạm (protein), nhưng trong 100 gram đậu phộng có đến 25 gram
chất đạm, còn trong 100 gram đậu nành lại có đến 35 gram chất đạm! Xem
ra thì lý do dinh dưỡng quả thật là không mấy thuyết phục. Hơn thế nữa,
việc hấp thụ chất đạm thực vật còn có lợi cho sức khỏe hơn là chất đạm
từ động vật, vốn còn là nguyên nhân thúc đẩy chứng ung thư, một căn bệnh
cho đến nay hầu như vẫn còn là bất trị.
Vì thế, lý do cuối cùng để giải thích cho việc ăn thịt và có lẽ cũng là
lý do phù hợp với nhiều người nhất chính là vấn đề khẩu vị, hay nói
chính xác hơn là thói quen ăn uống. Bởi vì khẩu vị của chúng ta xét cho
cùng cũng chỉ là một thói quen lâu ngày mà thôi. Trong khoảng 100 món ăn
thông dụng của đa số chúng ta ngày nay thì e rằng đã có đến 99 món được
nấu cùng thịt cá! Nếu phải tức thời loại bỏ thịt cá ra khỏi thực đơn mỗi
ngày, chắc chắn sẽ có rất nhiều người cảm thấy... trống trải và nhạt
nhẽo đến không sao chịu được! Cho nên, những khó khăn trong việc từ bỏ
sự giết hại xem ra không phụ thuộc vào ngoại cảnh mà chính là nằm trong
yếu tố tự thân của mỗi người.
Con người vốn luôn tự hào là thông minh và dũng cảm, có thể khuất phục
được cả muôn loài và vượt qua được nhiều thử thách khó khăn trong môi
trường sống, nhưng khi phải đối mặt với chính mình lại thường trở nên
yếu đuối đến mức kỳ lạ. Không phải vô cớ mà cổ nhân đã từng nói: “Thắng
được người khác là có trí, thắng được chính mình mới là mạnh mẽ.” (Thắng
nhân giả trí, tự thắng giả cường.)
[3]
“Tự thắng” hay “thắng được chính mình” là vượt qua những khó khăn của tự
thân để từ bỏ một thói quen nào đó mà mình biết chắc là không tốt. Những
ai đã từng nghe qua chuyện kể về những người cai nghiện sẽ có thể hiểu
được phần nào những khó khăn loại này. Vì thế, nếu ai có thể thực sự
chiến thắng để từ bỏ được thói quen xấu của chính mình, người đó quả
thật rất xứng đáng được xem là mạnh mẽ.
Điều này giải thích vì sao việc từ bỏ sự giết hại lại khó khăn đến thế,
cho dù hầu hết chúng ta đều không chính thức tán thành giết hại. Cách
đây hơn 25 thế kỷ, đức Phật đã đề xướng một nếp sống theo nguyên tắc
“bất hại”.
[4] Ngài dạy những đệ tử của mình nên từ
bỏ việc ăn những thức ăn có được bằng cách giết hại loài vật, và sống
một cuộc sống không gây tổn hại cho bất cứ sinh vật nào cùng hiện hữu
quanh mình.
[5] Cho dù tất cả những ai đã nghe qua
lời dạy của ngài đều phải lấy làm kính phục và tin nhận, nhưng số người
có thể thực sự làm theo đúng như vậy lại không nhiều lắm! Và cho dù tất
cả những ai đã làm theo lời dạy của ngài đều cảm nhận được sự an vui,
lợi ích trong cuộc sống, nhưng số người có thể học hỏi làm theo họ vẫn
còn hạn chế. Nói chung, người ta có thể dễ dàng nhận ra được tính chất
hợp lý và lợi ích của một nếp sống như thế, và bất cứ ai có thể sống như
vậy đều sẽ có được sự an lạc trong tự thân cùng với sự kính trọng của
mọi người khác, nhưng tự mình có thể sống theo một nếp sống như thế lại
là một chuyện hoàn toàn khác, bởi nó đòi hỏi bản thân mỗi người luôn
phải vượt qua được những khó khăn để từ bỏ mọi sai lầm trong nếp sống cũ
trước đây của chính mình.
Mùa xuân đang trở về cùng tất cả chúng ta. Cỏ cây thay lá xanh tươi và
vạn vật đua nhau sinh sôi nảy nở. Nắng xuân ấm áp mang niềm vui đến với
muôn loài một cách bình đẳng không phân biệt. Nhà nhà cùng nhộn nhịp đón
xuân. Người người cùng rộn rã hòa theo nhịp xuân của toàn vũ trụ. Trong
không khí vui tươi đang hòa quyện cùng gió xuân lan tỏa khắp nơi nơi,
cảnh giết chóc đau đớn quả thật là những nốt nhạc hoàn toàn lạc điệu
trong khúc nhạc xuân, là những gam màu buồn tẻ không hòa hợp trong bức
tranh xuân! Thật đáng buồn thay nếu chúng ta không nhận ra được những
điều ấy, bởi vì chắc chắn là chúng sẽ làm cho niềm vui xuân của chúng ta
mãi mãi không trọn vẹn.
Trong kinh Lăng Nghiêm, quyển 8, đức Phật dạy rằng mọi hữu tình sau khi
chết đều trải qua một giai đoạn mang thân trung ấm, rồi tùy theo nghiệp
lực đã tạo mà sau đó mới thọ sinh vào một đời sống mới. Giai đoạn mang
thân trung ấm này có thể khác nhau ở mỗi chúng sinh, nhưng đa số là kéo
dài trong khoảng 49 ngày.
[6] Theo đó mà nói thì
thân trung ấm của những sinh mạng bị chúng ta giết hại chắc hẳn cũng sẽ
không vui vẻ gì trong thời gian này!
Khoa học ngày nay đã phát hiện ra một điều lý thú rất đáng cho chúng ta
suy ngẫm, đó là sự gia tăng đột ngột nồng độ các chất có hại hay độc tố
trong thịt của con vật bị giết hại khi nó phải giẫy chết trong đau đớn.
Hàm lượng độc tố này khi đi vào cơ thể chúng ta qua các món ăn được nấu
từ thịt con vật sẽ gây ra sự bất ổn cho cơ thể hoặc thúc đẩy sự phát
triển nhanh của nhiều căn bệnh hiểm nghèo. Từ lâu người ta đã biết đến
khả năng tương tự ở một số loài thực vật. Chúng có thể tiết ra độc tố
hoặc các chất có vị rất đắng để chống lại sự tấn công của côn trùng vào
thân cây. Tuy nhiên, việc những con vật bị giết có thể gây hại cho người
ăn thịt chúng bằng cách này chỉ mới được khám phá vào thời gian gần đây
mà thôi. Song song với những phát hiện loại này là hàng loạt bằng chứng
cho thấy việc sử dụng thịt động vật làm thức ăn hoàn toàn không phải
giải pháp tối ưu cho sức khỏe con người như trước đây chúng ta lầm
tưởng, mà ngược lại còn là nguyên nhân chủ yếu gây ra rất nhiều căn bệnh
hiểm nghèo như bệnh ung thư, bệnh tim mạch, huyết áp... Đa số các bác sĩ
phương Tây ngày nay đã chú trọng rất nhiều đến chế độ ăn uống của bệnh
nhân chứ không chỉ dựa vào khả năng điều trị bằng thuốc men, và hầu hết
đều khuyên chúng ta nên giảm lượng thịt cá, gia tăng các món trái cây,
rau củ, ngũ cốc trong thực đơn hằng ngày.
Như đã nói, việc từ bỏ thói quen ăn thịt thật ra không phải là một việc
dễ dàng. Hầu hết chúng ta đều vấp phải những khó khăn khi muốn thực hiện
điều này. Những bữa ăn chay đầu tiên nối tiếp nhau thường mang lại cảm
giác hết sức nhạt nhẽo, khó nuốt... Bởi vì chúng ta đã quá quen thuộc
với mùi vị của thịt cá. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể dùng lý trí để
biết rằng đó chẳng qua chỉ là vấn đề thói quen được huân tập từ lâu ngày
mà thôi. Hơn thế nữa, chúng ta có thể và nên dành thời gian để thực hiện
việc này một cách chậm rãi, đủ để cho cơ thể và nhất là khẩu vị của
chúng ta có điều kiện thay đổi thích nghi dần.
Đa số Phật tử hiện nay đều duy trì việc ăn chay vào ngày mồng một Tết,
bởi đây vừa là ngày đầu tháng giêng, vừa là ngày vía của đức Phật Di
Lặc. Chỉ riêng việc ăn chay “một ngày” này của hàng triệu Phật tử, chúng
ta cũng có thể hình dung ra được đã giúp giảm đi biết bao nhiêu sinh
mạng bị giết hại! Điều đó thật vô cùng đáng quý, và nếu chúng ta làm
được như vậy, cũng có thể xem là một món quà xuân rất có ý nghĩa để góp
phần vào việc tôn trọng sự sống của muôn loài!
Và nếu chúng ta có thể tập thói quen ăn chay đều đặn mỗi tháng 2 ngày,
vào các ngày đầu tháng (mồng một) và giữa tháng (ngày rằm), điều này sẽ
có ý nghĩa nhắc nhở ta về mục tiêu từ bỏ sự giết hại. Hơn thế nữa, nó
giúp chúng ta làm quen dần với những bữa ăn chay, giúp ta có thể ăn ngon
miệng hơn ngay cả khi không dùng đến các món thịt cá. Thật ra, một số
người còn cảm thấy rất ngon miệng khi thỉnh thoảng được đổi món, thưởng
thức những bữa chay thịnh soạn nấu nướng bởi những người đầu bếp khéo
léo.
Những ngày chay trong mỗi tháng của chúng ta có thể được tăng dần lên 4
ngày, 6 ngày hoặc 10 ngày. Đây đều là những bước tiến rất quan trọng, vì
nó thể hiện tinh thần hướng thiện và nỗ lực từ bỏ những thói quen xấu.
Song song theo đó, điều chắc chắn là chúng ta sẽ có được sự cải thiện
đáng kể cả về thể chất lẫn tinh thần. Sẽ không còn nữa cảm giác nặng nề
khó chịu hoặc nóng gắt cổ họng sau những bữa ăn căng bụng vì thịt cá.
Những món ăn được chế biến từ rau trái bao giờ cũng mang lại cảm giác
nhẹ nhàng, dễ chịu vì chúng dễ tiêu hóa và chứa nhiều loại vitamin cần
thiết cho cơ thể. Điều này đã được xác nhận bởi các nghiên cứu khoa học
nghiêm túc chứ không phải là nhận xét chủ quan của bất cứ ai. Vì thế,
chắc chắn là mỗi chúng ta đều có thể dễ dàng tự cảm nhận được.
Ngoài ra, chúng ta cũng nên cố gắng hạn chế tối đa việc trực tiếp giết
hại sinh vật. Trong thực tế, cứ mỗi lần tự tay giết chết một con vật là
bạn đang làm tổn hại đến lòng từ bi của chính mình. Chính vì thế mà sau
nhiều lần lặp lại việc giết hại, bạn sẽ trở nên chai lỳ, không còn xúc
cảm trước những đau đớn mà con vật bị giết đang phải chịu đựng. Vì thế,
ngay cả khi bạn chưa thể từ bỏ được việc ăn thịt cá thì cũng nên sớm từ
bỏ việc trực tiếp giết hại sinh vật. Điều này sẽ giúp nuôi dưỡng lòng từ
bi trong bạn, khiến bạn trở nên hiền hòa hơn và do đó mà tâm hồn sẽ được
thanh thản hơn. Cho dù việc mua thịt cá do người khác giết sẵn cũng là
một hành vi gián tiếp giết hại sinh vật, nhưng vẫn có thể tạm thời xem
là một lựa chọn tốt hơn so với việc tự tay mình giết hại con vật.
Không một điều gì có thể xem là cố định, bất biến trong thế gian này.
Người tốt có thể trở thành kẻ xấu, kẻ xấu có thể trở thành người tốt,
tất cả đều phụ thuộc vào những nỗ lực đúng hướng hoặc buông thả tự thân
của mỗi người. Mỗi chúng ta đều là người duy nhất có quyền lựa chọn cách
sống của riêng mình, và hướng đến sự tốt đẹp như thế nào chính là do nơi
sự sáng suốt phán đoán bằng trí tuệ của chính ta.
Mùa xuân bao giờ cũng mang lại niềm vui cho khắp thảy mọi nhà, nhưng có
thể tiếp nhận niềm vui đó một cách trọn vẹn hay không thì điều đó còn
tùy nơi nhận thức và việc làm của mỗi chúng ta. Mùa xuân luôn gắn liền
với sự sống của muôn loài, niềm vui xuân chính là niềm vui của muôn loài
được tồn tại và phát triển. Nếu chúng ta cứ tiếp tục gieo rắc sự đau
thương chết chóc cho những sinh vật đang sống quanh ta, thì tự trong sâu
thẳm lòng mình chắc chắn ta sẽ rất khó mà có được sự bình an thanh thản,
và vì thế cũng khó lòng hòa nhịp cùng xuân để có được một niềm vui trọn
vẹn!