Hai nhân vật, hai cuộc đời được trình bày trong sách này có khá nhiều điểm chung. Mặc dù họ xuất thân khác nhau, đến với đạo Phật cũng qua những nhân duyên khác nhau, nhưng cả hai đều có đủ quyết tâm thực hiện đúng theo lời Phật dạy nên cuối cùng đều đã đạt được một cuộc sống an vui hạnh phúc ngay trong hiện tại.
Suy ngẫm về cuộc đời của hai nhân vật này, chắc chắn chúng ta có thể rút ra được nhiều bài học cho chính bản thân mình. Mặt khác, khi so sánh cuộc đời của hai người, chúng ta sẽ thấy được nhiều điều thú vị, bởi trong khi những điểm tương đồng giữa họ có thể giúp nhấn mạnh hơn tính đúng thật của luật nhân quả, thì những điểm khác biệt lại có thể bổ sung cho nhau để giúp người đọc có được những hình ảnh minh họa thật khái quát và rõ nét hơn cho những bài học luân lý đạo đức được rút ra từ câu chuyện.
Có lẽ sự bổ sung cho nhau cũng là nguyên nhân chính để những người khắc bản in “Liễu Phàm tứ huấn” trước đây đã chọn đính kèm bản văn “Du Tịnh Ý công ngộ Táo thần ký” vào phần sau, và Đại sư Ấn Quang cũng tán thành giữ nguyên cấu trúc này khi khắc in thành phần phụ đính của sách An Sĩ toàn thư. Thử so sánh một số điểm tương đồng và khác biệt giữa cuộc đời của hai nhân vật đặc biệt này, chúng ta sẽ có thể cảm nhận một cách sâu xa hơn hàm ý của người xưa.
Viên Hoàng xuất thân từ một gia đình danh gia vọng tộc. Mặc dù tổ tiên ông đã phải bỏ xứ trốn đi vì sự truy bức của quan quân do có giao du với người chống đối hành vi soán ngôi của Yên Vương (Minh Thành Tổ), nhưng khi lập nghiệp ở nơi khác, họ vẫn phần nào giữ được địa vị trong xã hội, và đến đời Viên Hoàng (1533 - 1606) thì vẫn chưa đến nỗi hoàn toàn suy kiệt. Chúng ta có thể nhận ra điều này qua cuộc sống khá an ổn của Viên Liễu Phàm kéo dài đến hơn 20 năm khi ông chưa đỗ đạt.
Ngược lại, Du Đô là một hàn sĩ xuất thân quá ư nghèo khổ, ngay sau khi đỗ tú tài từ năm 18 tuổi đã phải đối mặt với gánh nặng cơm áo cho gia đình, đã phải mở trường dạy học với mục đích đơn giản nhất là nuôi sống gia đình nhưng gần như vẫn không đạt được. Vì thế, cuộc sống bi đát của gia đình ông được mô tả khá rõ nét qua hình ảnh của một đêm giao thừa khi Tết sắp đến mà “cả nhà đều buồn bã, thê lương tĩnh lặng, không khí ngập tràn đau thương chua xót”. Hơn thế nữa, hàng loạt tai họa liên tục giáng xuống gia đình ông trước đó đã khiến cho vợ ông sau chín lần sinh nở mà chỉ còn nuôi sống được hai người con, và rồi đứa con trai cũng thất lạc từ năm 8 tuổi, chỉ còn lại duy nhất một người con gái.
Du Đô sinh năm 1525, còn Viên Hoàng sinh năm 1533, hai người chênh nhau chỉ 8 năm tuổi nên có thể xem như người đồng thời, có cùng bối cảnh xã hội. Đây cũng là một yếu tố khiến cho sự so sánh cuộc đời họ càng thêm thú vị.
Viên Hoàng lấy hiệu là Học Hải, có lẽ muốn hàm ý là người học rộng, còn Du Đô lấy hiệu là Lương Thần, nói rõ ý hướng muốn thành một trụ cột của đất nước, vì tự cho mình là người tài năng, nhiều tri thức. Cả hai người đều là những kẻ tài năng nhưng có giai đoạn đầu đời không thành đạt. Tuy vậy, trong khi Học Hải chấp nhận an phận với những tiên đoán của Khổng tiên sinh về một hậu vận không tốt đẹp, thì Lương Thần lại luôn buồn phiền, đau khổ với thực trạng nghèo khó và chịu lắm tai ương, vì cho rằng mình hoàn toàn không đáng phải chịu như vậy.
Và rồi cả hai người đều thay đổi hoàn toàn cuộc sống của mình sau một lần gặp gỡ tình cờ. Viên Học Hải được gặp Thiền sư Vân Cốc, một nhân vật có thật trong lịch sử, trong khi Du Lương Thần lại gặp gỡ một nhân vật đầy kỳ bí mà ông tin chắc là thần Bếp, một vị thần trong tín ngưỡng dân gian, được gia đình ông thờ phụng.
Điểm giống nhau giữa hai trường hợp này là Thiền sư Vân Cốc cũng như thần Bếp đều là những vị cứu tinh làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời hai người. Các vị đã chỉ ra những suy nghĩ sai lầm từ trước đó và vạch rõ cho họ một con đường để thay đổi cuộc đời. Sai lầm của Viên Học Hải là chỉ biết an phận, chấp nhận số mạng như một sự an bày và không hề nỗ lực vươn lên. Trong khi đó, sai lầm của Du Lương Thần lại là sự mơ hồ giữa thiện và ác, không hề nhận biết được rằng những tâm niệm xấu ác giấu kín trong lòng mình chính là nguyên nhân của khổ đau. Viên Học Hải nhận biết sai lầm nhưng hoàn toàn thụ động, không hề có ý hối cải thay đổi, còn Du Lương Thần thì không tự nhận biết sai lầm nên đem lòng oán hận trời đất, cho rằng việc nhân quả báo ứng không hề đúng thật.
Sau khi được Thiền sư Vân Cốc chỉ dạy, Viên Học Hải đổi tên thành Viên Liễu Phàm, với ý nguyện dứt bỏ hoàn toàn khuynh hướng thụ động “quen theo nếp cũ” của những kẻ phàm tục tầm thường và tự mình nỗ lực tích cực vươn lên, sửa đổi lỗi lầm để thành người hoàn thiện. Du Lương Thần thì sau khi được nghe thần Bếp chỉ ra những tâm niệm xấu ác giấu kín trong lòng mình đã đổi tên thành Du Tịnh Ý, với tâm nguyện tự thanh lọc tâm ý, dứt bỏ hết những ý niệm xấu ác đó để tâm được thanh tịnh, và dựa trên tâm thanh tịnh đó để tránh ác làm thiện. Cả hai người đều thể hiện quyết tâm hối cải, tự sửa đổi bằng việc đổi tên hiệu.
Trong quá trình tu sửa, Viên Liễu Phàm đã nghe theo chỉ dạy của Thiền sư Vân Cốc, áp dụng việc trì tụng thần chú Chuẩn Đề để giúp an tịnh tâm ý, hỗ trợ cho việc tránh ác làm thiện. Du Tịnh Ý thì tự mình nhận ra sự khó khăn trong việc tự lực chuyển đổi tâm ý, nên đã đặt niềm tin hoàn toàn vào việc lễ bái tôn tượng Bồ Tát Quán Thế Âm và trì niệm danh hiệu ngài 100 lần vào lúc sáng sớm để cầu được sự gia trì, và nhờ đó ông luôn bắt đầu một ngày mới với tâm an tịnh. Bằng cách này, ông đã có thể duy trì được quyết tâm tránh ác làm thiện trong suốt ngày hôm đó.
Để củng cố tâm hành thiện, Viên Liễu Phàm đã áp dụng phương thức “công quá cách” của những người đi trước, nghĩa là ghi chép lại tất cả những điều tốt hoặc xấu của bản thân nhằm có thể tự theo dõi, nhận biết. Du Tịnh Ý cũng thực hiện tương tự, nhưng do ảnh hưởng niềm tin với thần Bếp, ông đã làm điều này bằng cách viết ra mọi việc thiện ác trong một lá sớ vào mỗi ngày cuối tháng và đốt trước bàn thờ thần Bếp để kính cáo. Việc tự mình ghi chép lại những điều thiện ác có công năng giúp họ thường xuyên tự xem xét lại những việc làm đã qua của mình, nhờ đó luôn sống trong sự tỉnh giác hướng thiện. Vì thế, cả hai phương pháp này đều đã chứng tỏ được sự hiệu nghiệm, đều giúp cho hai người có thể duy trì tâm hướng thiện và tu sửa ngày càng tốt hơn.
Điểm chung của cả hai người là họ đều tin vào sự hiện hữu của thần linh, một niềm tin thuộc tín ngưỡng dân gian chứ không thuộc về Phật giáo. Đức Phật dạy nhân quả như một quy luật tự vận hành theo nguyên lý “nhân nào quả ấy”, phủ nhận hoàn toàn mọi sự ban thưởng hay trừng phạt của bất kỳ thế lực siêu nhiên nào. Điều đáng chú ý ở đây là, sự khác biệt này không hề tạo thành mâu thuẫn trong niềm tin của đại đa số những người bình dân, bởi họ tin rằng cho dù luật nhân quả tự nó vận hành hay do Thượng đế điều hành thông qua các thần linh thì kết quả vẫn là như nhau, vẫn dựa trên những tiêu chí thiện ác của những hành vi mà con người đã tạo tác.
Tính thích nghi hay phương tiện thiện xảo của đạo Phật chính là ở điểm này. Thay vì cứng nhắc theo những lời Phật dạy trong Kinh điển, các bậc thầy tổ khi truyền giảng giáo lý đạo Phật đã luôn biết tùy thuận theo những niềm tin sẵn có của quần chúng bình dân. Thay vì tạo ra mâu thuẫn bằng cách vạch rõ những khác biệt và phản bác niềm tin - có thể gọi là mê tín - vào Thượng đế, thần linh, các ngài đã khéo léo dẫn dắt để chính Thượng đế hay các vị thần linh sẵn có trong lòng người dân lại trở thành những vị hộ pháp, rộng truyền lẽ nhân quả. Chính những lời giáo huấn của thần Bếp đối với Du Tịnh Ý là một ví dụ hết sức điển hình. Vì thế, sự thờ kính của Du Tịnh Ý đối với thần Bếp đã không còn là một niềm tin mù quáng nữa, mà nó trở thành một sức mạnh hỗ trợ vô cùng hiệu quả trong việc giúp ông tránh ác làm thiện. Vì tự thân ông không đủ sức “một đao dứt sạch” mọi vọng niệm tà ác, nên ông đã nhờ đến niềm tin vào thần linh. Với ý tưởng kiêng sợ vì lúc nào cũng có “thần minh chứng giám”, nên ông luôn có thể giữ mình trong trạng thái tỉnh giác, không để cho những tâm niệm xấu ác, tà vạy khởi lên và khống chế mình.
Chúng ta cũng thấy được điều tương tự trong Liễu Phàm tứ huấn, khi Viên Liễu Phàm mỗi đêm đều thắp hương kính cáo với Thượng đế về những việc đã làm trong ngày.
Và kết quả tu thân mà cả hai người đạt được đã chứng tỏ rằng phương tiện thích nghi của giáo lý đạo Phật là hiệu quả. Điều tất nhiên là một khi đã tiến sâu vào đạo Phật, với trí tuệ sáng suốt hơn thì chắc chắn đến một lúc nào đó tự họ sẽ nhận biết rõ ràng về luật nhân quả đúng như lời Phật dạy mà không còn cần thiết phải dựa vào niềm tin đối với Thượng đế hay thần linh nữa.
Chúng ta có thể tin chắc rằng chính từ quan điểm “phương tiện thiện xảo” này mà Đại sư Ấn Quang đã tán thành cũng như đích thân cổ súy cho việc lưu hành các bản văn khuyến thiện này. Cho dù chúng có pha tạp đôi phần tín ngưỡng dân gian không thực sự chân chính, nhưng với sức phương tiện dẫn dắt của Chánh pháp, các bản văn này đã mang lại lợi lạc cho rất nhiều người, nhất là đối với đại đa số quần chúng bình dân mà hầu hết đều không có nhiều tri thức.
Cho đến nay, giá trị khuyến thiện của những bản văn này có thể nói là vẫn không thay đổi. Những tâm niệm xấu ác tà vạy nằm giấu kín trong lòng mỗi người vẫn luôn tồn tại, và muốn chiến thắng được chúng để tu sửa tự thân bao giờ cũng là việc hết sức khó khăn. Vì vậy, những chia sẻ của người xưa qua tập sách này chắc chắn vẫn là bài học quý báu cho tất cả chúng ta trên con đường nỗ lực hướng thiện.
Hơn thế nữa, những khó khăn mà chúng ta phải đối mặt ngày nay trên con đường tu sửa tự thân dường như cũng không khác biệt mấy với người xưa. Tiên sinh Viên Liễu Phàm đã mô tả điều đó như là sự “quen theo nếp cũ”:
“... Người đời không ít kẻ thông minh tài trí, nhưng sở dĩ không vun bồi phước đức cho sâu dày, không phát triển nghiệp lành cho rộng khắp, ấy chỉ vì một lẽ là quen theo nếp cũ, do dự rụt rè, không đủ quyết tâm... ... nên cứ thế mà mê đắm trôi qua hết một đời.”
Và thần Bếp khi giáo huấn Du Đô cũng có đoạn nói:
“... Khi ông mở miệng buông lời, trong lòng vẫn tự biết đang làm tổn thương đức tốt, chỉ vì quen thói cũ... ... không thể dừng lại được.”
“Quen theo nếp cũ” hay “quen thói cũ” đều là căn bệnh chung của hầu hết mọi người. Đạo Phật gọi những “nếp cũ” này là tập khí và dạy rằng phải nỗ lực dứt trừ thì mới có thể đạt được thành tựu trên con đường tu tập. Chúng ta có thể hình dung một cách đơn giản về sự vận hành của tập khí như một chiếc xe đã được khởi động nhưng rồi lại hoàn toàn bị mất khả năng điều khiển. Vì thế, hướng đi của chiếc xe chính là hướng đi trước đây, và nó cứ thế mà lăn bánh, không thể thay đổi. Đó là quán tính của một vật thể chuyển động tự do. Khi không nhận thêm bất kỳ một tác động chuyển hướng nào, nó sẽ tiếp tục di chuyển theo hướng đã có.
Điều này có nghĩa là, nếu chúng ta đã quen nói dối, có tập khí nói dối, thì việc tiếp tục nói dối sẽ là một điều hoàn toàn tự nhiên, không cần đến bất kỳ một sự nỗ lực, cố gắng nào. Và cũng tương tự như thế với những thói quen xấu khác như tham lam, trộm cắp, tà dâm, uống rượu, ganh ghét, sân hận... Cho nên, việc tu sửa tự thân luôn đòi hỏi nhiều nỗ lực khó khăn, trong khi sự buông thả phóng túng “theo nếp cũ” lại nhấn chìm ta vào con đường xấu ác mà không cần phải có sự cố công gắng sức.
Chính vì thế, Khổng tử từng nói: “Thắng được người khác là có trí, thắng được chính mình mới là người mạnh mẽ.” (Thắng nhân giả trí, tự thắng giả cường.) Và trong kinh Pháp cú, đức Phật dạy:
“Dù tại bãi chiến trường,
Thắng ngàn ngàn quân địch,
Tự thắng mình tốt hơn,
Thật chiến thắng tối thượng.”
Kinh Pháp cú, kệ số 103
HT. Thích Minh Châu
dịch từ bản Pali
Tự thắng mình cũng chính là điều kiện tiên quyết để tự lập số mạng, để chuyển họa thành phúc. Vì thế, có thể nói rằng việc tự thắng mình là mục tiêu chung của tất cả những ai muốn hoàn thiện bản thân, muốn thay đổi cuộc đời mình theo hướng tốt hơn. Và điểm khởi đầu cho cuộc chiến đấu vượt qua chính mình như thế đòi hỏi mỗi chúng ta phải tự nhận biết được một cách khách quan và chính xác về tự thân mình.
Tiên sinh Viên Liễu Phàm trong cuộc đối thoại với Thiền sư Vân Cốc đã cho thấy ông nhận biết khá rõ về những nhược điểm của bản thân, những điều mà ông cho là nguyên nhân đã khiến ông có một số mạng không tốt đẹp. Thiền sư Vân Cốc đã tán thành những nhận xét về tự thân của ông và hướng dẫn phương thức để “cách mạng bản thân” như sau:
“... Nay ông đã biết rõ những điều sai trái của mình... ... vậy ông phải hết lòng hối cải, tự thay đổi... Hết thảy những việc từng làm trước đây, xem như đã chết từ hôm qua. Hết thảy những việc từ nay về sau, xem như mới được sinh ra từ hôm nay.”
Lời khuyên này cũng có thể áp dụng cho tất cả những ai trong chúng ta đã có may mắn nhận biết được sự sai trái của bản thân mình. Đó chính là quyết tâm “xóa đi làm lại” cuộc đời, đoạn tuyệt hoàn toàn với những sai lầm của quá khứ và nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc xây dựng tương lai tươi đẹp hoàn toàn mới.
Nhưng trường hợp của Du Tịnh Ý thì dường như không được may mắn như thế. Ông chịu đựng nhiều khổ đau nhưng không thấy được nguyên nhân gây khổ đau, và vì thế không thể hài lòng với những gì xảy đến cho mình. Ông oán trời trách đất chính là vì không tự biết được sai lầm của chính mình. Vì sao như vậy? Bởi những tâm niệm xấu ác của ông hầu hết đều được giấu kín trong lòng, chưa bộc lộ ra ngoài. Vì thế, người đời có thể vẫn kính trọng ông, xem ông như một bậc chính nhân quân tử, đạo cao đức trọng... Và từ thái độ kính trọng của người khác dành cho mình, ông đã quay lại tự lừa dối bản thân khi tin rằng mình “không làm điều gì sai trái cả”.
Trường hợp của Du Tịnh Ý dường như cũng là trường hợp chung của rất nhiều người trong chúng ta. Thật không dễ để tự mình nhận biết những ý niệm sai lầm khi chúng vẫn còn được che giấu kín trong lòng, chưa có gì biểu lộ ra bên ngoài. Một người có thể chưa phạm vào bất kỳ điều gì để người khác có thể xem anh ta là kẻ tham lam, ích kỷ, dâm tà, hung bạo... nhưng điều đó hoàn toàn không đảm bảo anh ta thực sự là người đạo đức hoàn thiện. Một cái nhìn kèm theo sự ưa thích khi bắt gặp một người con gái đẹp, và tiếp đó là một tâm niệm ham muốn chiếm hữu, có thể không gây ra bất kỳ sự chú ý hoặc phê phán nào từ những người chung quanh, nhưng thực sự đã gieo mầm xấu ác. Nếu có những ngoại duyên thích hợp, sẽ không ai dám chắc rằng hạt nhân khởi điểm đó lại không tiếp tục phát triển thành một lời tán tỉnh, trêu ghẹo, cho đến lún sâu hơn nữa thành một hành vi tội lỗi... Đối với những tâm niệm tham lam, sân hận, ganh ghét, đố kỵ, cay độc, hiểm ác... cũng đều như vậy. Chúng như những con rắn độc ngủ yên và có vẻ như vô hại trong tâm thức, nhưng luôn chờ dịp để vùng dậy và giết chết mọi điều lành.
Điều đáng sợ nhất là chúng ta không tự thấy được mối nguy hiểm tiềm tàng đó. Vì thế, chúng ta thậm chí còn thỏa thích “dệt mộng” với những tâm niệm xấu ác như tham lam, tà dâm, oán hận... thay vì nỗ lực diệt trừ chúng ngay khi vừa sinh khởi. Ta thích thú với những ý niệm mơ tưởng về sắc dục, hoặc những ý niệm oán hận người mà ta căm ghét, hoặc mơ mộng việc có được những tài sản không phải của ta... Và khi những điều đó chưa biến thành hành vi thực sự, ta lại hết sức ngây thơ khi tin rằng mình vẫn “hoàn toàn vô tội”.
Vì thế, những lời giáo huấn của thần Bếp không chỉ dành riêng cho Du Tịnh Ý, mà cũng sẽ vô cùng quý báu nếu chúng ta biết vận dụng để tự soi xét lại chính bản thân mình. Trong câu chuyện về Vệ Trọng Đạt, bản văn Liễu Phàm tứ huấn có dẫn lời Diêm chúa nói rằng: “Một niệm tà vạy khởi lên đã là xấu ác, không đợi đến lúc ông thực sự làm.” Điều này hoàn toàn đúng với trường hợp của Du Tịnh Ý và cũng đúng với những tâm niệm xấu ác được nuôi dưỡng ngấm ngầm của bất cứ ai.
Binh pháp xưa có câu: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng.” Trong cuộc chiến đấu vượt qua chính mình, chúng ta càng không thể không tự biết mình. Tự mình phản tỉnh, xem xét, phân tích và diệt trừ mọi tâm niệm xấu ác đang từng lúc khởi sinh trong lòng mình chính là phương thức quan trọng và hiệu quả nhất để giúp ta có thể noi gương người xưa trong việc chuyển họa thành phúc. Mong sao tất cả những ai đọc qua sách này rồi đều sẽ làm được điều đó.
Ngày đầu Xuân Ất Mùi (2015)
Nguyễn Minh Tiến