Hãy học cách vui thích với những gì bạn có trong khi theo đuổi tất cả những gì bạn muốn. (Learn how to be happy with what you have while you pursue all that you want. )Jim Rohn
Điều người khác nghĩ về bạn là bất ổn của họ, đừng nhận lấy về mình. (The opinion which other people have of you is their problem, not yours. )Elisabeth Kubler-Ross
Đối với người không nỗ lực hoàn thiện thì trải qua một năm chỉ già thêm một tuổi mà chẳng có gì khác hơn.Sưu tầm
Mất lòng trước, được lòng sau. (Better the first quarrel than the last.)Tục ngữ
Điều bất hạnh nhất đối với một con người không phải là khi không có trong tay tiền bạc, của cải, mà chính là khi cảm thấy mình không có ai để yêu thương.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Chúng ta thay đổi cuộc đời này từ việc thay đổi trái tim mình. (You change your life by changing your heart.)Max Lucado
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác. Kinh Pháp cú
Trời sinh voi sinh cỏ, nhưng cỏ không mọc trước miệng voi. (God gives every bird a worm, but he does not throw it into the nest. )Ngạn ngữ Thụy Điển
Đừng làm cho người khác những gì mà bạn sẽ tức giận nếu họ làm với bạn. (Do not do to others what angers you if done to you by others. )Socrates
Chúng ta có thể sống không có tôn giáo hoặc thiền định, nhưng không thể tồn tại nếu không có tình người.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Hương lúa chùa quê - Phần 1: Hồi ký của Hòa thượng Thích Bảo Lạc »» Nguyện Ước »»

Hương lúa chùa quê - Phần 1: Hồi ký của Hòa thượng Thích Bảo Lạc
»» Nguyện Ước

Donate

(Lượt xem: 3.255)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Hương lúa chùa quê - Phần 1: Hồi ký của Hòa thượng Thích Bảo Lạc - Nguyện Ước

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Nhìn lên trời bầu trời cao lồng lộng, nhìn xuống đất mặt đất rộng thênh thang. Dù vậy, tầm nhìn của đôi mắt vẫn có giới hạn, phần cao chỗ rộng mà ta cố dùng nhiều hình dung từ hướng người theo tri thức của ta, nó cũng chỉ nằm trong ốc đảo, như con ếch nằm dưới đáy giếng trông lên trời và vũng nước chung quanh nó, đang sống nhởn nhơ với cái thế giới riêng tư không ai xâm phạm tới. Có biết đâu rằng bầu trời cao rộng ấy chỉ là một phần của các hành tinh đang vận hành trong không gian như các nhà khoa học đã và đang khám phá.

Nếu so với Phật nhãn - con mắt của bậc tu chứng - thì nhà khoa học về tầm nhìn, chỗ biết kém xa gấp trăm ngàn vạn lần. Qua tiến trình tu chứng, Đức Phật đã khám phá được ngoài thế giới chúng ta đang sống còn có vô số thế giới khác; cũng như ngoài cõi trời này, còn có tới những 33 cõi trời của cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc. Sự khác biệt giữa học hỏi đạt được của nhà khoa học; và do tu chứng nên các nhà đạo học, không thể dùng toán số, phương tiện hay thí dụ sánh ví được. Mặt đất dù rộng bao la theo tầm nhìn và hiểu của ta, nhưng chưa phải ta thấy đúng hết mà chỉ mới đúng được một phần. Vì trong thế giới diệu vợi vô cùng tận đó, ta không thấy hết đâu là biên giới, bến bờ nên tưởng như vĩ đại lắm, kỳ thật nếu đi sâu hơn chút nữa qua so sánh này để thấy sự hơn kém giữa biển cả, núi non, đất liền: tam sơn, tứ hải, nhất phần điền. Cái ta nhận là mênh mông bất tận đó, giờ đây trông nhỏ bé vô cùng, không thấm đâu cả. (Trích lời tựa sách “Thoáng Quyện Ân Từ” của tác giả).

Nhìn lui lại quá khứ, không phải để luyến tiếc tự mãn, tự hào, nhưng để học hỏi, quán xét, rút kinh nghiệm những gì lợi ích cần làm và những điều sai lầm xấu ác nên tránh. Năm 1957, lúc đó một thiếu niên 15 tuổi phát tâm xuất gia, tâm hồn trong trắng tựa tờ giấy nguyên tuyền chưa có chữ viết. Như đứa bé tập đi, tôi học từ cách đi, đứng, nằm, ngồi là bốn oai nghi của người xuất gia. Nhưng chắc một điều chỉ học là chính, còn những chuyện bên lề đỡ, tránh, né, trượt, ngã, vấp, té… không có kinh nghiệm, cũng chẳng có dự tính, lại còn vô phương đối phó, chống đỡ. Nhưng được cái là tuổi trẻ ngây thơ chân thật, dễ giáo hóa, dễ thích nghi với hoàn cảnh nên học được nhiều kinh nghiệm quý báu hữu ích trong đời sống tu tập.

Nhắc lại thời dĩ vãng thân thương chất trực tôi có nhận định: học đâu biết đó, ngoài ra không biết gì thêm hay có khi học mà cũng chẳng biết gì. Đường đi nước bước, chỉ theo đường thẳng mà không biết đường cong và hầm hố, chông gai, chướng ngại dàn bày nên dễ bị sa sụp. Đó là tất cả sự thật ở đời mà người tu trẻ cũng y hệt như bao nhiêu người khác. Đi xa hơn một chút trong việc tiếp xử: một mực tin người, vì thế bị lợi dụng có khi phải táng thân mất mạng qua những lời tâng bốc, tán dương ca tụng mà không hay biết; cho tới lúc nhìn lại đã rơi vào chỗ thân tàn lụn bại, làm vật hy sinh một cách đáng thương! Trong trường đời, ai chưa gặp đắng cay, thất bại, khoan nói tới suôn sẻ thành công. Những thử thách ở đời, theo tôi là thước đo giá trị con người để định vị đúng vai trò của họ trong tương lai. Nói đến tương lai của Phật giáo phải nhìn qua nhiều góc cạnh đa diện mà cá nhân là thành phần quyết định của tập thể.


Thế hệ kế thừa

Trong đêm liên hoan mừng tôi được Giáo hội tấn phong giáo phẩm Hòa Thượng (18 tháng 10 năm 2003) do chúng đệ tử xuất gia tổ chức tại tự viện Pháp Bảo, Sydney, trong lời cảm niệm tôi bày tỏ bốn điều vui để chia sẻ với tăng ni và Phật tử tham dự:

1. Những gương mặt kỳ cựu từ đầu vào thập niên 80, hôm nay đã quy tụ hầu như đông đủ. Sau 25 năm - một phần tư thế kỷ - mỗi người một hướng trong sinh kế; và trong số đạo hữu Phật tử kỳ cựu cũng có người đã vào nằm yên trong lòng đất lạnh.

2. Ngôi chùa Pháp Bảo từ ngày còn nhỏ tí teo, cho tới nay đã được xây lên tầm cỡ như quý vị thấy đó, nó không đơn giản như chúng ta ngồi đây, tưởng tượng hình dung. Nhìn lại đoạn đường đã đi qua là cả một sự phấn đấu không ngừng trong tinh thần nhẫn nại. Thật quả là một kỳ công, nhờ hồng ân Tam Bảo và long thần hộ pháp mật thùy gia hộ.

3. Điều đáng tán dương là mỗi thành viên Phật tử của bổn tự đều biết tu tập đạo giải thoát, sửa đổi thân tâm trở nên thiện lương theo chân tinh thần của người Phật tử.

4. Sau những tháng năm dài qua nhiều thử thách, nhất là thành phần nhân sự luôn luôn thay đổi. Nhưng vẫn giữ được vị thế ưu việt của một ngôi tự viện mà người chủ trì như bác lái đò đưa khách sang sông. Bao nhiêu đợt khách xuống lên, ông lái vẫn vững tay chèo cho khách được cập bến bình an. Nhờ sự kiên trì tha thiết như thế mà Pháp Bảo ngày nay đã có người kế thừa để dòng pháp mạch mãi được lưu lộ không bị ngưng trệ nghẽn thông.

Kế thừa không có nghĩa là thừa hưởng một gia tài đồ sộ có sẵn của cha ông để lại mà làm sáng đẹp, triển khai phát hiện giá trị tâm linh tức là thừa kế trí tuệ của Như Lai để đạt đến giải thoát thành Phật. Như thế, người xuất gia cần phải dũng mãnh hăng hái dấn thân để thừa tiếp sự nghiệp bằng cách tiến bước đi tới. Như qua câu chuyện của Lama Lobsang Rampa Rinpoche kể lại trong tiểu sử của ông: “Khi tôi lên năm tuổi, tôi được đưa đến trường nhập học. Lúc ấy tôi chỉ mới lên năm. Chiều hôm ấy, cha tôi nói rằng sáng hôm sau tôi sẽ được gởi vào trường. Và ông bảo tôi: “Cha mẹ sẽ không tới đó để hỗ trợ con đâu. Mẹ con sẽ không có mặt ở đó, bởi thế nào bà cũng rơi nước mắt, và nếu như con thấy mẹ khóc thì chắc con sẽ tiếp tục quay lại để nhìn theo bà; và trong gia đình ta chưa từng có một người đàn ông nào mà lại quay lưng nhìn về phía sau bao giờ cả. Ta cũng sẽ không có mặt ở đó, bởi vì sau khi lên ngựa, nếu như con ngoái nhìn trở lại, thế thì con sẽ chẳng còn là con ta nữa, thế thì cánh cửa của gia đình này sẽ mãi mãi khép lại với con. Những gia nhân sẽ chào tạm biệt con sáng mai. Hãy nhớ, không được phép quay lại nhìn sau khi đã lên lưng ngựa. Chưa từng có người nào trong gia đình ta mà lại ngoái lại nhìn lui cả.” Đứa bé năm tuổi thức dậy lúc bốn giờ sáng hôm sau và dẫn ngựa ra. Những gia nhân vẫy tay chào tạm biệt. Ngay khi nó bước ra, có một gia nhân nhắc nhở: “Cậu chủ nhỏ! Hãy cẩn thận! Người ta có thể quan sát cậu từ xa cho tới tận ngã tư, cha cậu đang theo dõi từ trên gác đấy. Không được ngoái lui lại nhìn trước khi cậu đến ngã tư. Mọi đứa trẻ trong nhà này đều đã phải khởi hành như thế cả, nhưng chưa từng có ai ngoái lui nhìn lại về sau.” Người hầu cũng nói với cậu: “Nơi cậu được gởi đến học không phải là một trường bình thường. Những đấng nam nhi vĩ đại của đất nước này đều đã từng học ở đó. Sẽ có một cuộc khảo hạch nhập học rất khó khăn. Vì thế dù bất cứ điều gì xảy ra, cậu hãy cố gắng mọi cách để vượt qua được kỳ thi nhập học, bởi nếu cậu thất bại, sẽ không còn chỗ nào dành cho cậu trong căn nhà này nữa.”

Trong cuốn tự truyện của mình, vị Lama kể lại rằng khi ngồi trên lưng ngựa “nước mắt bắt đầu chảy, nhưng làm sao tôi có thể ngoái nhìn lại căn nhà, nhìn lại cha mình? Tôi đang ra đi vì một cái gì không biết. Tôi còn quá nhỏ, nhưng tôi không được phép nhìn lại, bởi chưa hề có ai trong gia đình tôi từng quay lưng nhìn lại. Nếu cha tôi mà thấy được, ông ấy sẽ đuổi tôi khỏi gia đình mãi mãi. Vì thế tôi cố gắng tự chủ và nhìn về phía trước. Tôi không bao giờ nhìn lại.”

Đứa trẻ tới trường. Cậu bé mới năm tuổi - người ta không biết khả năng cậu tới đâu. Vị hiệu trưởng nói: “Cuộc khảo thí nhập học ở đây rất khó. Mi hãy ngồi ở cổng và nhắm mắt lại, không được mở mắt ra chừng nào ta chưa trở lại - dù bất cứ điều gì xảy ra. Đây chính là thử thách nhập học của mi. Nếu như mở mắt thì mi sẽ bị trả lại về nhà, vì kẻ nào không có nổi sức mạnh ấy bên trong chính hắn để ngồi đây và nhắm mắt trong một chốc lát thì sẽ không thể nào học được gì cả. Cánh cửa học tập sẽ khép lại. Vậy thì mi sẽ chẳng xứng đáng. Hãy đi và làm chuyện khác đi.”

“Đứa bé ngồi gần cổng trường với đôi mắt nhắm. Đám ruồi nhặng bắt đầu quấy rối, nhưng nó biết rằng nó không được phép mở mắt ra, bởi một khi đã mở mắt thì vấn đề chấm dứt. Có những đứa trẻ đi vào và đi ra cổng trường, vài đứa bắt đầu xô đẩy nó, số khác trêu chọc nó, nhưng nó quyết định sẽ không mở mắt, kẻo hỏng hết mọi chuyện. Và nó nhớ lại những gia nhân trong nhà đã bảo với nó rằng, nếu như nó không vượt qua được kỳ thi thử thách nhập học, ngôi nhà người cha sẽ vĩnh viễn đóng lại với nó.”

“Một giờ trôi qua, rồi hai giờ trôi qua - nó vừa ngồi nhắm mắt vừa sợ rằng, biết đâu mình sẽ lầm lẫn mà lại mở mắt ra chăng. Chung quanh có rất nhiều cám dỗ để xem: con đường đông đúc, trẻ em chạy chơi chung quanh, lũ ruồi đang quấy rối nó, một số đứa khác lại trêu chọc và ném sỏi vào nó. Nó muốn mở mắt ra xem vị thầy đã tới hay chưa. Một giờ trôi qua, hai giờ trôi qua, ba giờ, bốn giờ - nó đã ngồi đó suốt cả sáu giờ! Sáu giờ sau, vị thầy đến nói: “Này con, cuộc thi nhập học của con đã xong. Hãy đi vào, con sẽ trở thành một thiếu niên có ý chí mạnh mẽ. Con sẽ có quyết tâm trong con để làm bất cứ điều gì con muốn. Ngồi được năm hay sáu giờ nhắm mắt ở lứa tuổi này quả là một sự kiện lớn.” Vị thầy ôm lấy nó và nói: “Con đừng lo, người ta đã sai những đứa bé đó trêu chọc con đấy. Người ta sai chúng phá con một chút để dụ xem con có mở mắt ra không.”

Vị Lama viết: “Lúc đó, tôi nghĩ rằng người ta đã đối xử với tôi quá nghiêm khắc, nhưng bây giờ, lúc gần cuối đời, tôi cảm thấy lòng tràn đầy biết ơn với những người đã từng nghiêm khắc với tôi. Họ đã đánh thức một điều gì đó trong tôi, một sức mạnh ngủ ngầm nào đó đã trở nên hoạt động.”

(Hành trình nội tại của Osho do Chánh Tín biên dịch).

Cách giáo huấn kiểu ấy theo tôi thật là tuyệt vời, một phương pháp xoáy sâu vào tâm lý hơn cả giáo dục mười lần để lưu ấn tượng vào tâm thức trẻ vô cùng hữu hiệu. Nhìn chung, cả đôi bên đều cố gắng chịu khó nhẫn nại đầy can trường mà đạt đến mục đích. Con đường Phật đạo dài lâu hun hút trong vô số kiếp luân hồi, hành giả cần phải trải qua bao nhiêu cuộc ma sát nẩy lửa mới toại thành tâm nguyện. Để người kế thừa có được cái quyền và được tự do xếp đặt công việc mà tôi gọi nôm na là giao việc phải tin tưởng. Với nhận định “người có trách nhiệm nhất là vị thầy phải xét xem trình độ khả năng của người thích hợp để giao phó công việc. Kinh nghiệm cho ta thấy một số những công việc không hoàn tất hay thành tựu là do những điều kiện hoặc hoàn cảnh làm trở ngại. Yếu tố tài chánh cũng góp phần không nhỏ trong công việc, nếu biết theo đúng phương pháp, tinh thần rõ ràng, sòng phẳng. Hãy ngồi lại kiểm điểm những ưu khuyết điểm, người trách nhiệm phải chỉ rõ những điểm sai, đưa ra cách giải quyết để khắc phục. Người nhận việc nên lắng nghe, nhận khuyết điểm sửa sai; chắc chắn công việc của tổ chức sẽ được duy trì… Trước khi muốn giao việc phải nhắm tới người nhận việc có đủ khả năng hay không? Hoàn cảnh có thuận lợi để người ấy nhận lãnh vai trò được giao phó không? Đừng kiểm soát quá chặt chẽ hay xen vào những việc nhỏ, khiến khó xử, cho dù thân thiết như cha con hay thầy trò cũng vậy. Phàm làm việc gì cũng phải có lập trường và dứt khoát; đối với người lãnh đạo mà tư tưởng lúc thế này, lúc thế khác, tức là không quyết định dứt khoát, chắc chắn khiến cho công việc khó trôi chảy mà nhiều lúc công việc hoằng pháp bị đình đốn ngưng trệ.” Tuy nhiên người thực hiện Phật sự cũng phải biết lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm của sư trưởng, bằng hữu để bổ túc cho việc làm của mình được đầy đủ đạt kết quả tốt. Như thế mới xứng đáng kẻ hậu sinh biết chu toàn trách nhiệm của mình trong sứ mạng tuyên dương giáo pháp làm hưng long Tam Bảo.


Buông xả không có nghĩa buông xuôi

Con người sống ở đời, chúng ta ưa nắm bắt quá nhiều, bằng chứng hiển nhiên: đứa bé mới sinh ra đời hai tay đã nắm chặt không mở. Nắm giữ nhiều thứ mà cụ thể là tiền bạc, của cải, danh vọng, địa vị, tình yêu, sự nghiệp, tham lam, nóng giận, hơn thua, được mất, khổ vui, nhiễm tịnh… Người ta phải khổ nhọc vất vả mất công săn đuổi suốt đời mà kết quả tay trắng vẫn hoàn trắng tay, vì chẳng giữ được gì khi hơi thở chấm dứt.

Sự thật này không đủ sức thuyết phục con người từ bỏ những ham muốn trần tục, nên ai nấy cố ra sức trong thời xuân trẻ chiếm hữu, tranh đoạt lúc về già cho bằng được, dù phải hy sinh đến thế mấy, người ta vẫn cố níu bám không chịu buông xả. Kể cả người đệ tử Phật chưa đi sâu vào Phật lý cũng không ngoại lệ, trong mấy cái tầm thường như chuyện ăn, ngủ, làm việc, giải trí, tình dục, bạn bè, tiếp xử, giận ghét, ghen tức, thù hận v.v… Thế nên, suốt cả cuộc đời con người cứ đuổi theo những danh vọng hão huyền, những bóng hồng trong tâm tưởng, cho tới lúc hơi tàn lực kiệt, hỏi mấy ai từ bỏ, buông xả? Bầu nhiệt huyết hay sự hăng say của con người lúc trẻ là vậy, hễ cái gì đã lọt vào tay là cố siết chặt hơn mạnh thêm kẻo sợ buông mất. May nhờ Đức Phật ra đời chỉ dạy lý vô thường, luật nhân quả… mà chuyển hóa được tâm ý người đời. Nếu như suốt đời bạn chưa hề chứng kiến cảnh tử biệt sanh ly của người thân, làm sao bạn có thể hiểu được đời vô thường để dự liệu tới phiên mình. Bạn chưa đau khổ vì người yêu thì không có đủ kinh nghiệm trong tình trường như những người thất bại khác. Để tiến trên con đường đạo một cách vững chãi và an lạc, Đức Phật dạy chúng ta buông xả, cho chí hai tay đã buông xuống hết vẫn chưa gọi buông xả. Như câu chuyện chàng Vô Não cầm dao rượt đuổi theo Đức Phật khi xưa, là một bài học vô cùng thâm thúy với những ai có quan tâm. Hầu hết chúng ta cũng hệt Vô Não, cứ nghĩ rằng hai tay mình phủi sạch là bỏ hết không còn giữ lại gì. Buông xả như thế quá dễ, quá giản dị ai làm lại chẳng được. Cái khó là buông cái tâm kia mới quan trọng, một khi tâm bám chấp chưa chịu lơi, liệu có gì buông nổi không? Nêu dẫn thêm chuyện đời nay: Một hôm gặp đạo hữu Chúc Cảnh tới chùa Pháp Bảo lễ Phật, thường thì ông đi xe đạp từ nhà rồi bỏ xe lên xe lửa, tới trạm gần chùa xuống xe, ông mới đạp xe vào chùa. Ông tuổi 86, kể ra như thế cũng hãy còn khỏe hơn nhiều người khác đi đứng không tự nhiên. Đốt hương lễ Phật xong ra ngoài gặp tôi, tôi chào đón và hỏi: Lâu nay sao ít thấy ông đi chùa?

Ông vừa cười vừa trả lời:

- Độ này sao trong người lôi thôi quá!

- Có nghĩa là…

- Nghĩa là các cơ bắp đã trở nên mỏi mệt, đi đứng chậm chạp không còn như lúc trước, tụi nhỏ (đám con) không cho ra ngoài một mình, vì sợ té ngã phải mắc công nằm nhà thương.

- Theo tôi, ông vẫn còn đi xe đạp ngon lành mà!

- Coi vậy chớ hay quên bất tử lắm ông ơi!

- Nhưng có một thứ mà ông không bao giờ quên đâu. Đó là tiền, ông đồng ý?

- Ừ hé! Cũng là chuyện lạ đời chứ!

Nói chung không những tiền bạc mà bất cứ thứ gì hễ tâm bám chấp thì không cách nào buông bỏ được. Ở đời năm thứ tình, tiền, danh lợi, ăn uống, ngủ nghỉ như bám sát chúng ta không rời gang tấc, nên ai cũng khổ lụy, than van nhưng không thoát ra được. Riêng tôi chưa buông xả hết, nhưng ngồi kiểm điểm lại cũng gặt hái được nhiều điều khả quan:

Không sử dụng Iphone, không xài business cards, không lái xe, không nữ sắc, không cà phê, không thuốc lá, không ủi quần áo, không có thẻ tín dụng, không bỏ công phu… Nếu chỉ có thế, lại cũng chẳng khác gì người buông hai tay; còn cái tâm kia mới ác liệt chứ. Tự cung khai lý lịch tắt ngang của tôi thế này: tánh tôi hay nóng giận đổ lửa, nhưng nay tuổi lớn rồi, hạ hỏa rất nhiều. Nếu phải kể, nó đã giảm xuống tới bảy chục phần trăm. Thêm một điều tệ hại khác là tánh độc tài mà ở đời chẳng mấy ai ưa, tôi đã vun vén nó vươn lên tới tột đỉnh. Ai làm không vừa ý là nẹt, chê liền tại chỗ… và tôi đã thất bại với các vị cộng tác ở chùa, ít ra cũng làm phật lòng vài ba Phật tử buồn phiền không ít. Việc đó giúp tôi khắc phục cải thiện, sửa sai mãi, cho tới nay sau nhiều năm đãi lọc, đã bỏ được đến sáu chục phần trăm. Hiện giờ tôi đang áp dụng điều cần hành: việc ác đã sanh khiến cho tiêu diệt, là một trong bốn pháp chánh cần giúp hành giả trong tiến trình tịnh hóa thân tâm.

Theo tôi, người chiến sĩ có thời kỳ hưu chiến, còn tăng sĩ không có chế độ nghỉ ngơi đó, họ phải luôn luôn chiến đấu ngày đêm trừ ba độc tham - sân - si để thanh tịnh ba nghiệp: thân - khẩu - ý. Tham sân si trừ dứt là một bước tiến nhảy vọt như cây đã đốn gốc dù có mạnh đến mấy cũng không đủ sức vươn lên được nữa. Thân cây rễ cái yếu đi thì các rễ phụ không có gì đáng kể, đáng lo cả. Vấn đề là ta phải sửa soạn đất tâm bằng phẳng bơm năng lượng vào mầm Bồ Đề cho cội tuệ giác sum suê đâm chồi nảy lộc, kết quả giải thoát an lạc, niết bàn tịnh cảnh.


 
Bầu trời cao rộng

Suốt mấy hôm liền, trời Đông Kinh trở lạnh đến độ tàn nhẫn, có hôm tôi phải mặc đến 5 lớp áo nhưng vẫn cảm thấy chưa thấm đủ vào đâu so với cái lạnh cắt da của tiết trời cuối đông Nhật Bản. Đôi khi hai tay bị tê cóng lúc có dịp ta phải ra ngoài nên trông như có vẻ thừa thải, lúng túng mặc dầu vẫn biết tay chân là bộ phận quan trọng của cơ thể.

Sứ Quán Úc tại Tokyo báo cho hay bằng điện thoại là tôi đã có visa. Khi chưa nhận được giấy tờ gì, tôi đã nhiều lần hối thúc họ sớm đúc kết hồ sơ cho trường hợp hi hữu xin nhập cảnh vào Úc của tôi bằng nhiều cú phone không mấy được hài lòng, vì hồ sơ của tôi đã được chính phủ trung ương chấp nhận từ ba tháng trước. Mặc dầu vậy, khi đã hay tin có giấy chiếu khán chính thức, tôi không cảm thấy khoái mà lại đâm ra lo là bởi nhiều duyên cớ.

Trước đó không lâu, tôi có nhận được một điện tín hỏa tốc của một người không tên đánh đi từ Cabramatta, lưu ý tôi mấy việc khi tới Úc. Không phải những lời hăm dọa cản ngăn được con đường tôi đang đi mà là những bủa vây, dọa dẫm nói về những gì đang xảy ra tại Úc, nhất là tại Sydney, thuộc về các tổ chức, hội đoàn Phật giáo làm tôi đâm lo ngại đến độ phải dè dặt.

Một tháng sau, tôi lại nhận được một lá thư thật thâm tình của người quen cũ, cũng với thái độ e dè, úp mở, anh ấy viết cho tôi rất nhiều về những sự việc mà tôi tạm gọi là không mấy tốt đẹp của một vài hội đoàn Phật giáo. Cho tới giờ này, khi đã đặt chân tới Úc, tôi mới nhận ra là anh bạn vì ở quá xa Sydney nên chưa nắm rõ được hết mọi diễn tiến của vấn đề cho thật trọn vẹn. Nhưng khi vừa tới nơi, tôi cũng đã viết phúc đáp cho anh ấy để đa tạ lòng tốt mà anh đã dành cho tôi trong việc đã kể ra một số các dữ kiện làm hành trang nhập cuộc.

Vừa lấy xong visa, tôi phải lo một chỗ ngồi trên phi cơ cho chuyến đi mạo hiểm sắp tới, mặc dù tôi đã có sẵn trong tay từ hơn hai tháng trước. Khi tới quầy vé của hãng Philippine Air Lines ở phố Yuraku-Cho-Tokyo ghi tên giữ chỗ, tôi mới cảm thấy tấm vé như dài thêm ngày tháng hơn ra. Họ buộc tôi phải chờ bốn tuần lễ và chỉ được quyền ghi tên hờ để chờ xem có hành khách nào thiếu may mắn vào giờ chót hủy bỏ chuyến bay như trường hợp bị đau ốm, tai nạn chẳng hạn, để tôi mới có thể chen vào thế chỗ được. Thôi đành ghi tên đại cho ngày sang Úc của tôi là 15/2.

Những ngày sau đó, những mối lo ngại trong tâm cứ luôn bám sát quanh tôi. Tôi gọi điện thoại thẳng lại cho bổn bộ tức văn phòng chính của hãng máy bay ở Nagacho để xác định lại một lần nữa là tôi đã có ghi ở chi nhánh rồi, để may ra hối thúc họ xếp đặt một chỗ ngồi cho tôi. Thật tình tôi nóng lòng muốn biết chắc ngày đi của tôi để giã từ mấy người quen thân cũng như tiện việc báo tin cho bên Úc hay để một số quý đạo hữu tiện bề hướng dẫn.

Đối với tôi, Úc Châu là một xứ mà mọi việc hãy còn xa lạ, ngỡ ngàng! Tôi những tưởng văn phòng chính của hãng máy bay có đủ thẩm quyền để tin tưởng được, nào ngờ họ vẫn lập luận bằng những điều mà tôi không muốn nghe thêm nữa. Họ nói thêm:

- Xin ông gắng chờ, chúng tôi sẽ dành ưu tiên số một cho ông, khi nào có chỗ trống chúng tôi sẽ báo cho ông ngay.

Tôi trả lời là tôi tin tưởng vào lời văn thương mại của ông là sự thật. Độ một tuần sau, tôi điện thoại lại văn phòng hãng một lần nữa để biết kết quả ra sao. Họ cho hay là họ cũng muốn có một chỗ để tôi đi cho rảnh nợ, nhưng hiện lúc đó việc sắp xếp một chỗ ngồi như thế hình như vượt ngoài khả năng của họ. Thật là buồn năm phút, tôi liền sắp đặt kế hoạch, chả cần nói chuyện với mấy ông airmen chính hiệu nữa. Tôi trở lại hòa hoãn với chi nhánh, nơi tôi đã có dịp tiếp xúc lần đầu. Nhìn vào tấm vé có ghi dấu ám hiệu ưu tiên của tôi, cô thư ký bấm loạn xà ngầu vào máy tính computer, vừa cười vừa bảo tôi là OK. Tôi đâm ra lo ngại, bèn hỏi lại một lần nữa cho chắc là cô không đùa đấy chứ? Cô ân cần chỉ cho tôi từng nút chấm đỏ đã có người và phần còn thừa ra một khoanh trống trắng dành cho ông khách báo khổ chính là tôi. Cô cũng lại giở món chưởng nhà nghề ra để đáp lễ tôi bằng một đòn đau điếng là “Chắc ông hài lòng rồi chứ?”

Tôi lanh mồm chưởng tiếp bằng một đòn tâm lý nhẹ cân rằng tiền tôi đã bỏ ra, tôi muốn có được một cái quyền tối thiểu như ý. Theo như tấm vé có ghi sẵn hàng chữ đỏ là khi nào quý khách muốn đi, xin ghi tên giữ chỗ trước đó 72 tiếng đồng hồ. Thế thì tại sao quý vị hành hạ tôi quá! Cô ta coi bộ áp dụng thử ngôn ngữ nhà nghề không khá đối với một ông khách chậm hiểu, bèn hạ giọng:

- I am sorry.

Tôi bèn làm một màn cảm ơn cô ta và trở về trong niềm vui nho nhỏ. Từ đó mới yên chí là mình đã biết chắc chắn ngày giờ lên đường để còn lo xếp, gói hành trang cho một chuyến đi không hẹn ngày trở lại.

Ngày đi càng gần kề, công việc càng dồn dập khiến tôi suýt ốm và sụt giảm mất mấy kí lô. Gia tài sự nghiệp của tôi chẳng có là bao nhiêu, ngoài sách vở ra, tôi không còn bất cứ món đồ quý giá nào khác. Sách đối với tôi là một thứ gia bảo vô giá nên luôn luôn được trân trọng, giữ gìn. Một số bạn bè biết ý nên khi muốn tặng tôi quà, thay vì mua thứ nọ vật kia kềnh càng vô ích, lại biếu tôi vài cuốn sách nghiên cứu, tôi rất hài lòng. Cho đồ đạc vào thùng xong, tôi còn phải ỳ ạch khuân ra bưu điện để gởi. Mỗi thùng đồ phải bị giới hạn do quy định của luật lệ giao lưu quốc tế. Có vài lần, vì muốn nhét thêm mấy quyển sách nhỏ vào một lỗ trống nào đó của chiếc thùng rồi khệ nệ mang tới bưu điện để còn phải cân lại, bị họ buộc phải tháo ra, coi bộ thật vất vả và tốn công. Tưởng những lần như vậy đã làm cho tôi sáng mắt ra, nhưng vì cái cân quá độ ở nhà nên tôi vẫn bị buộc phải lấy bớt đồ ra nhiều lần nữa.

Ân nhân và thân hữu khi hay tin tôi sắp rời xa Nhật, điện thoại tới thăm hỏi thật thâm tình và mời dự nhiều buổi tiệc chia tay rất cảm động qua những lời nhắn gởi đúng nghĩa Việt-Nhật đề huề. Thượng Tọa Kyjyo Nishimura, ông thầy bảo đảm của tôi đã dặn dò chí thiết. Ông bảo rằng:

- Thay vì trở lại Việt Nam, ông lại đi sang một chân trời xa lạ khác, nghịch chiều với Nhật Bản, thế thì khi nào trở lại thăm chơi?

Tôi nghẹn ngào đến rơi nước mắt. Tôi trả lời thầy như đùa là chừng nào có đủ tiền tôi sẽ ghé thăm xứ Anh Đào thơ mộng và cũng để thăm thầy luôn thể, lúc đó chắc thầy già lắm! Thầy như không được mấy hài lòng với câu nói hư hư thực thực của tôi. Sau cùng, thầy chỉ dặn tôi cố gắng giữ gìn sức khỏe là điều trên hết. Tôi hứa là xin thầy cứ yên tâm, vì từ khi đặt chân tới Nhật cho tới ngày rời khỏi là 7 năm, tôi chưa tốn tiền đi bác sĩ. Khí hậu lạnh xứ đảo mà cơ thể tôi cũng chịu đựng được nổi thì đối với một xứ nóng có vẻ Việt Nam như Úc, tôi nghĩ, mọi việc sẽ được tốt đẹp. Thầy yên tâm và tin những lời tôi là sự thật.

Trong số các thân hữu, anh T.C.T đã khóc trước mặt tôi thật sự. Theo anh, đối với tình gia đình, anh chưa từng tỏ ra quyến luyến nhiều, nhưng đối với tôi, T. phải mủi lòng khi nói lên lời từ giã để đưa tôi về một xứ xa mà anh em thường cố ý đùa là “qua bên kia thế giới”.

Sáng 15 tháng 2, bầu trời Tokyo như tối sầm lại khiến tôi đâm lo, nếu chẳng may có tuyết rơi hay sương mù làm cản con tàu mang số 431 của tôi lại thì bất hạnh cho tôi quá, vì đã báo tin tôi tới Sydney ngày giờ hẳn hoi rồi.

Hôm tiễn tôi ra phi trường có thầy C.T., M.T., A.T. và các anh TCT, NTB, NVT. Chuyến bay cất cánh lúc 14 giờ mà tôi phải rời nhà từ 10 giờ cho kịp, vì từ Tokyo tới phi trường Narita phải mất gần 3 giờ tàu điện kể cả xe bus. Đến nơi, tôi chỉ còn thừa 45 phút để cân hành lý và qua các thủ tục xuất cảnh thông thường. Trái với dự định là sẽ có một chầu cà phê mạn đàm để cho thỏa tấm chân tình mà chư vị đã ưu ái dành cho, mọi người chỉ có thì giờ để nghỉ tại phòng đợi không đầy 10 phút, và như chưa ai tỏ được ra câu gì thì chiếc loa oan nghiệt đã réo gọi hành khách liên hồi, khiến chúng tôi đành cắt ngang câu chuyện để người đi chỉ kịp ngoái cổ, vẫy tay chào kẻ ở lại và người ở lại như không mấy hài lòng cho một việc chia tay quá vội đến như thế! Cổng vào phi cơ khép lại để tách biệt hẳn hai lối đi dành cho hành khách và người đưa tiễn. Tâm trạng tôi lúc đó thật khó mà diễn tả ra được bằng lời. Thôi xin giã từ tất cả và chúc lành đến với mọi người. Tôi một mình khuất hút đi vào bên trong mấy lớp cửa kính để còn nhìn lại bên ngoài thấy mọi người còn đang đứng đó đợi chờ… Qua khu cấm địa thứ nhất, tôi trình vé máy bay và họ đưa số thứ tự chỗ ngồi đã ấn định sẵn. Cổng oan nghiệt số hai cũng sắp được mở ra để cho hành khách, nếu là người đi biệt như tôi, phải trả lại những giấy tờ cần thiết cho chính phủ Nhật. Tôi trình visa, họ đòi thẻ ngoại kiều và passport. Sau khi xem các giấy tờ của tôi xong, viên chức Bộ Di Trú lật qua lật lại cái thông hành của tôi, vì ông vốn biết giấy ấy vừa mới hết hạn hôm tháng 11 năm rồi. Ông ta bèn mở một màn đạo đức giả hỏi tôi:

- Giấy của ông đã hết hạn thế này sao chính phủ Úc cũng chấp thuận cho nhập cảnh định trú vĩnh viễn?

Tôi không muốn dài dòng tốn thì giờ vô ích vì chuyến bay cũng sắp tới giờ, hơn nữa, người Nhật họ cũng muốn cho mình đi cho rảnh nợ, có điều thiếu thắp hương đưa tiễn thôi. Tôi chỉ cười và nói rằng “Mặc dầu giấy tờ của tôi như vậy đó mà họ thuận cho tôi đi mới hay.” Ý tôi muốn nói là ông có tức thì đi kiện đi nhưng theo phép xã giao sơ đẳng, tôi không tiện diễn đạt ra thành lời. Thấy tôi ăn nói khó nghe, ông ta bỏ sang màn khác, bèn hỏi tôi đi rồi còn trở lại Nhật nữa không? Tôi hạ mình xuống 90 độ và chậm rãi đáp:

- Thưa ông, nếu có đủ điều kiện tôi sẽ tới thăm quý quốc, ngại gì, nhưng mà liệu lúc đó quý ông có cho tôi nhập cảnh nữa không?

Ông ta tỏ ra lúng túng hiện ra trên nét mặt qua câu nói thật lễ độ và có hàm lưỡi câu ở bên trong. Tôi giao hoàn món nợ tiền khiên qua tay ông là thẻ ngoại kiều mà tôi hằng canh cánh bên mình trong suốt thời gian du học. Ông cười trừ, vì biết là đã thua trí một người đồng chủng giống da vàng đã từng ăn ở, học hỏi, giải trí nơi đất Phù Tang văn vật qua nhiều năm tháng. Ông ta bảo:

- Được rồi, xin thành thật cám ơn sự lao khổ của ông trong thời gian lưu trú tại nước chúng tôi.

Mới nghe qua câu nói, ta có cảm nghĩ thật là đạo đức, nhưng đối với tôi câu ấy có phần trêu tức nên cảm thấy không được hài lòng một chút nào cả. Cổng oan trái số ba sắp diễn ra. Tôi đi vào một lối đi xa hun hút, lạnh lùng như một tên tử tội sắp bị đem ra hành quyết. Tại đây, họ buộc tôi phải bỏ tất cả hành lý xách tay ra để cho qua máy rà. Theo tôi, có lẽ họ kiểm soát vật nguy hiểm chăng? Tôi nhận lại đồ ở phía bên kia, cách chỗ tôi đứng chừng năm thước. Họ lục soát tôi đến độ thậm tệ khắp cả mình không còn sót một chỗ nào cả, xin lỗi, chỉ còn chừa một chỗ bất khả xâm phạm mà thôi. Một viên cảnh bị bóp nhằm cái máy tính bỏ túi áo và hỏi tôi vật gì cứng cứng, tôi cho hay là món đồ an toàn không phương hại tới luật pháp quốc gia. Họ thấy tôi không còn chỗ nào đáng nghi nữa, bèn xin lỗi, cho đi. Từ đó vào tới thang máy bay, con đường xa tít bí mật. Tôi đi biền biệt khuất dần có một mình, nhỏ dần.

Vào ngồi được an toàn trong lòng phi cơ tôi mới nghĩ rằng chuyến đi này đã được thành tựu. Lúc đó vừa đúng 13 giờ 45 phút. Vì một vài trục trặc về kỹ thuật nên chuyến bay bị trễ độ 30 phút tức 2 giờ 30 phi cơ mới cất cánh.

Động cơ máy bay chuyển động làm hành khách rợn người. Tiếng máy phóng thanh inh ỏi lưu ý mọi người thắt dây nịt an toàn, rồi toàn thân phi cơ từ từ nhúc nhích. Tôi biết mình sắp được nhấc bổng lên cao xa dần mặt đất. Độ 15 phút sau, con tàu trù trừ rồi chuyển bánh, chổng đầu lên cất cánh nhẹ nhõm rời khỏi phi đạo vùng lên!

Thế là tôi đang giã từ xứ Nhật thân yêu. Bầu trời Tokyo như nhỏ lại, xa dần. Tôi hận mình đã bỏ lộn mấy cuốn sách vào va li đồ thừa ký phải gởi theo giá đắt lúc nảy, giờ đây không có gì đọc cho vui. Ngồi cùng hàng với tôi còn có 4 người Phi Luật Tân trẻ tuổi khác. Họ đang trở về nước sau một chuyến du lịch ngắn. Họ bắt chuyện hỏi tôi đi đâu. Tôi trả lời là cuộc hành trình của tôi còn dài và sẽ đi trót tuyến đường còn lại khi tới Manila, nghĩa là tôi còn phải đổi chuyến bay để sang Sydney. Họ lấy làm tiếc là một việc kém vui, vì 4 nam nữ thanh niên này đều xuống khi tới lãnh thổ họ. Ngồi lâu tôi không biết phải làm gì cho hết giờ, bèn mượn báo Japan Times để đọc cho tỏ ra ta cũng là một “foreign passenger” hạng nặng. Thật tình tôi đâu có chú tâm tới những gì có ở trong trang báo! Tôi đang để tâm tới tận đâu đâu xa thăm thẳm, mù khơi! Nhìn ra bên ngoài, tôi thấy toàn một màu mây trắng. Trước khi đi, một vài thân hữu cũng căn dặn tôi khi gần đến thủ đô Phi, chịu khó nhìn ra phía ngoài để thấy bầu trời Việt thân yêu, để mà thương cho thân phận lưu lạc, chia lìa. Tôi cố ý nhìn, nhưng trời sắp nhá nhem tối.

Lúc phi cơ hạ cánh tại phi cảng quốc tế Manila thì đã suýt soát 7 giờ. Máy bay đang hạ dần xuống và hành khách lại được lưu ý về dây nịt an toàn. Tôi cũng nịt lại cho nó được bảo đảm. Trời ơi! Phố thị như tươi hẳn ra với ánh đèn màu xanh đỏ giống hệt như thủ đô Sài Gòn thuở nào!

Bầu trời xứ Phi vào đêm quang đãng quá! Nóng ơi là nóng! Những cục nợ áo ấm mang từ Nhật sang khiến tôi cởi bỏ ra không kịp. Lúc đó mới thấy như thừa đồ ra không biết nên bỏ vào đâu cho tiện. Tôi lại mấy gian hàng gần đấy để mua một cái túi ni lông xách tay mới có thể giải quyết được tận gốc cái sự luộm thuộm này. Nghe tôi hỏi mua, cô bán hàng mặc dù không chuyên bán món này vẫn nhờ người tìm cho tôi một cái bao nylon (hình như chỉ để dùng thì phải) với cái nhìn soi mói. Tôi hỏi giá, cô ta bảo xin biếu ông chớ giá cả gì. Tôi cám ơn trong niềm vui khó tả và cứ nghĩ họ tốt như thế này với một du khách xa lạ như tôi.

Tại phòng đợi, ngoài tôi ra, còn có một thanh niên người Nhật, sang Úc theo chương trình du học lữ hành (vừa học vừa xem qua cách sinh hoạt) tự túc ngắn hạn một năm, không còn bất cứ một người mũi tẹt da vàng nào khác. Một tiếng đồng hồ sau, tôi lại càng thấy xa lạ hơn khi có một chuyến bay khác vừa trút hành khách đủ cả các sắc dân mà tôi không thể nào phân biệt nổi là người của nước nào cả. Tôi nói với anh ấy:

- Anh nhìn xem, ở đây chúng ta không tìm thấy bóng dáng của một người như mình đi cùng chuyến nữa mà là người của năm châu bốn biển.

Anh ta khom người liếc xem và nói rằng câu nói của tôi gợi cho anh nhớ nhà và muốn trở về ngay, chớ không muốn đi tiếp nữa.

- Trước khi đi Úc, tôi đã gặp sự chống đối của gia đình vì tôi là con cả, anh nói tiếp.

Câu nói chân tình của anh làm tôi đâm ngại, mặc dầu tôi cũng đang mang một tâm trạng đa diện, xô bồ lúc này.

Lúc 8 giờ tối, độ 300 hành khách được đưa tới một nhà hàng sang trọng cách đó chừng 500 thước bằng xe bus để dùng cơm tối. Thay vì chuyến bay 211 khởi hành đi Sydney lúc 9 giờ 15 như trong vé đã ghi, bây giờ lại được đổi lại là 10 giờ 40 tức 23 giờ 40 giờ Nhật Bản, nên bữa cơm được kéo dài hơn một tiếng đồng hồ để hành khách khỏi có cái cảm giác dư thừa thì giờ.

Sau khi cơm nước xong, họ đưa chúng tôi trở lại phòng đợi. Đồng hồ đã chỉ 10 giờ 30, rồi 10 giờ 40 mà cũng không thấy ai nhúc nhích. Không khí nhốn nháo của hành khách trong phòng khiến cho nhân viên hàng không khó chịu, hay là họ khó chịu ngay chính họ vì đã gây ra sự chậm trễ này. Mọi người chỉ mong được thông báo là phi cơ bị trễ vì bất cứ một lý do nào đó để được an tâm. Nhưng tất cả vẫn ngồi yên bất động. Tôi đâm ra lo và hỏi anh bạn Nhật phải chăng chúng ta đã nghe lầm chuyến bay. Nếu chẳng may mọi người đã đi hết mà chúng ta còn ngồi đây thì anh nghĩ sao? Lúc đó gương mặt anh ta trông thật thảm não làm sao! Tôi biết anh ta không còn để ý đến chuyến bay nữa. Anh trả lời tôi rằng còn có mọi người đang chờ chớ không riêng gì chúng ta đâu mà bận tâm. Dù vậy, tôi vẫn chưa an lòng, vì họ toàn là những người xa lạ nói đủ các thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Ý, Bồ, Bỉ, Ả-Rập… ai mà hiểu cho nổi. Đúng 11 giờ rưỡi, mọi người mới được gọi lên xe bus ra cổng số 2 để đến chiếc phi cơ số 211 đang chờ ở đó từ lúc nào. Con tàu cũng khá lớn đủ để chứa được độ trên dưới 300 hành khách. Mọi chỗ ngồi đều có người choáng hết cả. Phi cơ bắt đầu cất cánh lúc 12 giờ 10 ngày 16. Tất cả chúng tôi đều quá mệt mỏi vì buồn ngủ nên hình như chẳng ai để ý tàu ra khỏi phi đạo từ lúc nào. Ai nấy đều cố dỗ giấc ngủ hay chợp mắt một chút cũng đủ sức để chịu đựng qua đêm. Lúc này đây là lúc tôi nghĩ rất nhiều về xứ Việt thân yêu, vì ở đó có biết bao nhiêu kỷ niệm đậm đà. Tôi ước gì con tàu chuyển hướng để cho tôi đi về đất mẹ tôi mơ! Và khi đó tôi cảm nghe tâm trạng mình cũng không lấy gì làm khác với anh bạn người Nhật đã bộc lộ lúc nãy. Tôi đâm ra câm nín lạ thường để nhìn ra ngoài những tảng mây to tướng trắng đục đang lững lờ trôi dạt trong bầu trời xa lạ, xanh lơ! Sao tôi lại có thể đi được như thế này? Thế thì ngày về xứ Việt của tôi hãy còn xa lăng lắc, vì tôi đang nghĩ tới tấm giấy chiếu khán định trú vĩnh viễn tại Úc.

Chỉ trong vòng 3 năm sau, tôi có quyền thay đổi quốc tịch. Tôi đang nghĩ tới lúc đó tôi không còn là Vietnamese nữa mà sẽ là Australian chính hiệu. Ý nghĩ của tôi lúc đó đã tới hồi nặng ký và đầu óc đâm ra căng thẳng thậm tệ. Tôi cố dỗ giấc ngủ để tìm lấy một chút bình an cho tâm hồn, nhưng tôi nào có chợp mắt được! Tôi lại lo lắng là tại phi trường Sydney có nhiều người đang đợi tôi qua nhiều giờ mòn mỏi. Như dự định thì chuyến bay sẽ tới nơi lúc 7 giờ 45 sáng nay. Tôi nhìn vào đồng hồ, kim đã chỉ 1 giờ 30 mà con tàu như hãy còn dật dờ luyến tiếc xứ hoa lệ trời Phi nên chưa chịu bay bổng nhanh hơn như ý tôi muốn.

Phó mặc cho dòng ý thức đi qua, tôi không muốn nghĩ gì khác hơn là chuyến bay sớm tới đích để may ra có tìm lại cho mình được một chút thanh thản, an bình nào không, còn như theo cái đà này, đầu óc tôi chắc sẽ vỡ tung ra mất trước khi đặt chân lên đất Úc. Tôi cố nhắm mắt lại để quên những hình ảnh quen thuộc cứ hiện về rõ mồn một. Còn con đường tương lai nữa! Rồi đây tôi phải làm gì? Phương pháp áp dụng ra sao? Và những gì tôi phải đương đầu khi tới Úc? Bao nhiêu ý nghĩ hỗn độn, xô bồ làm tôi khó chịu. Thật đúng như mấy câu thơ:

Đi là chết trong lòng một ít
Vì chẳng mấy khi muốn mà lại được đi
Xin rất nhiều nhưng chấp nhận chẳng bao nhiêu...

Trời sáng dần, tôi nhìn ra bên ngoài, nhiều đám mây trắng mỏng man dại dật dờ như muốn làm quen với con tàu mang nhiều hành khách sang xứ Úc xa xôi, nhưng làm sao mây đuổi theo cho kịp vận tốc quá nhanh của con tàu nặng trĩu hai cánh xòe đang lướt gió ngàn theo một lối mòn quen thuộc qua những chuyến đi về cố hữu lâu nay?

Thật đẹp, phương đông một màu hồng đỏ ửng, tôi không còn phân biệt nổi đâu là bến bờ, lãnh thổ quốc gia. Trời cao, đất thẳm, mây bay, mấy trăm mạng con người đang lơ lửng giữa độ cao 4000 thước như đi không muốn nổi, vì vận tốc quá nhanh của phi cơ khiến cho ta không còn có cái cảm giác quân bình được nữa.

Vừa đúng 9 giờ sáng, mọi người như ức đoán mơ hồ là con tàu đang lướt nhanh về phía ranh giới Úc, khiến ai nấy đều thò đầu nhìn ra ngoài. Máy bay thấp dần, núi đồi trùng điệp với những cánh đồng cò bay thẳng cánh khiến cho ai nấy mỏi mắt dõi nhìn… Hằng gì xứ Úc rộng có khác, tôi nghĩ thầm trong bụng. Lúc 9 giờ 40, phi cơ hạ cánh. Tôi cứ nghĩ đó là phi trường Sydney. Phi cơ vừa tắt máy, hành khách được thông báo là hành lý cứ để nguyên tại chỗ. Thì ra vì lý do đình công nên máy bay không thể đến trực tiếp Sydney được. Tại đây hành khách được dẫn đi như đàn gà con bước theo chân mẹ. Ai nấy đều có vẻ dại khờ đến độ quê mùa, cho dù to con lớn xác như dân Đức, Anh… cũng cần có kẻ dẫn dắt, chỉ đường, vì xứ này đâu phải là quê hương của chính họ!

Sau khi trình giấy tờ để được đóng dấu Melbourne vào tấm vé nhỏ cầm nơi tay, tôi mới hay là mình đã ghé một nơi không định trước. Một lúc sau, mọi người lại trở lại phi cơ để tiếp tục chuyến bay độ một giờ nữa. Tàu hạ cánh mọi người thở phào nhẹ nhõm vì biết rằng chuyến đi như vậy được xem như an toàn. Hành khách sắp hàng ra cửa để làm thủ tục nhập cảnh vào Úc. Tới lượt tôi, mặc dù tôi đã điền đầy đủ phiếu lý lịch được phát cho tôi trên máy bay hơn 3 giờ trước, viên chức sự vẫn nằng nặc phang thêm một câu:

- How long do you stay in Australia?

Tôi phần đã mệt, phần nóng lòng không biết bên ngoài cửa còn có ai đủ can đảm chờ chuyến bay trễ 5 tiếng của tôi không, không trả lời mà chỉ đưa tay chỉ vào góc bên phải của tờ giấy Visa có ghi chữ “Indefinite”. Ông ta có vẻ hài lòng, đóng dấu cái cộp rồi khoát tay cho tôi đi để người sau kế tục. Đến chỗ nhận hành lý, tôi chờ cho đồ đạc của mình đi qua để nhận lại đủ số 3 thùng. Khi nhận được đồ, tôi nhìn lại thì thiên hạ đã chớp mất hết trọi mấy cái xe đẩy. Tôi phải khó khăn lắm mới chạy lại được đàng góc xa đẩy một cái xe ỳ ạch lại để khuân đồ lên rồi đưa ra ngoài. Thay vì bị mở va li kiểm soát từng món như những người ra trước, tôi lại đẩy thẳng xe ra ngoài theo cánh cửa tự động mà chẳng thấy có ai để ý tới mình.

Thôi thì nhẹ nhõm, phơi phới. Nhìn về phía tay phải ở đằng xa, tôi đã thấy quý bác, các anh chị cầm cờ Phật giáo vẫy chào, mừng thầy đến. Tôi đưa tay cao đáp lễ mọi người rồi tiếp tục đẩy xe đồ đi ra. Mọi người đều vui vẻ, hài lòng phụ giúp tôi đưa đồ ra khỏi xe. Thấy quý bác vui vẻ, tôi cũng vui lây, mặc dầu trong người tôi cảm thấy không được khỏe lắm sau một thời gian dài lo lắng cộng thêm sự mất ngủ. Được mọi người thăm hỏi, tôi cũng nói chuyện huyên thuyên, giờ nghĩ lại không biết lúc ấy mình đã nói những gì? Có điều chắc chắn là mặt mày tôi hốc hác đến độ khó coi. Một ký giả báo “Sydney Morning Herald” đến xin chụp một tấm hình theo lối xã giao thượng đẳng. Họ đã tỏ ra hết sức lịch sự với một người có lối ăn mặc khác thường như tôi và tấm hình chụp được biết sẽ được đăng trên báo để trình với dân bản xứ là có một ông sư người An Nam vừa đặt chân tới bản địa và định đặt bản doanh luôn tại vùng đất Sydney văn vật này.

Do cách ăn mặc lạ mắt của tôi mà nhà báo tò mò muốn tìm hiểu về gốc tích cùng sự nghiệp gia phong. Tôi buộc lòng phải nói thật cái học nghiệp không mấy khá ở một xứ xa và những dự định trong tương lai. Thật tình thì tôi không muốn hình mình được đưa lên báo, vì mặt mày xấu xí qua nhiều đêm mất ngủ. Vả lại, tôi cũng muốn hoạt động âm thầm, không cần ai biết tới.

Ra khỏi phi trường Sydney, tôi mới thấy rõ mình thật sự đã có mặt tại Úc Châu mà từ lâu tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Thay vì sang Hoa Kỳ, Gia Nã Đại… tôi lại chuyển hướng để đến đây với một ý niệm chân thành là muốn gần gũi để săn sóc tinh thần cho đồng bào Phật tử từ mọi lớp tuổi, nếu thấy hợp cảnh, thuận duyên. Tôi cùng đi với quý bác, mấy anh trên xe hơi thẳng về ngôi chùa không tên số 1. Bởi vì chùa đã được khánh thành, hay nói đúng hơn là lễ An vị Phật đã được thực hiện trước đó 2 tháng, nhưng mọi người đều dành cho tôi cái quyền ưu tiên là đặt tên cho ngôi chùa chưa có tên này. Ai cũng nghĩ là chuyện khôi hài, nhưng đó lại là sự thật.

Tôi không muốn viết thêm dài hơn nữa những gì sau đó mà chỉ muốn đúc kết một chuyến đi. Có người chắc sẽ thắc mắc hỏi: Tại sao lại dùng đề tài kỳ cục, khó hiểu, tôi xin được trả lời rằng cái đầu tóc và chiếc áo nhà tu cũng đã khác đời rồi, thì mong quý vị cũng niệm tình hoan hỉ…


Trưởng dưỡng đạo tâm

Đề cập tới trưởng dưỡng đạo tâm ở đây e không ổn. Vì có người sẽ nêu lên câu chất vấn: Nếu vậy xưa nay quý thầy, quý sư cô ở chùa làm gì? Mới nghĩ vấn đề dường như không thực tế, nhưng chính ra nó đúng thực với đời thường. Vì đời đạo song hành kia mà! Mượn câu nói của Khổng Tử áp dụng trong trường hợp của đời người: “Tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh” (người 30 tuổi phải có sự nghiệp tức là công việc làm ổn định, đến khi đã 40 tuổi không còn sai lầm nữa và từ 50 tuổi trở đi người ta lo tu tâm dưỡng tánh).

Mặc dù lúc trẻ người ta cũng để ý tới đạo, nhưng niềm tin không sâu bằng lúc đã bước vào tuổi trung niên. Ở vào lớp tuổi này con người đã chững chạc, vững các mặt gia đình, con cái, sự nghiệp, tiếp xử… mặt tư tưởng cũng xoáy sâu vào hướng tâm linh, ta nghĩ tới tuổi già và đường tu niệm có nhiều thuận duyên thích hợp. Thử tạm chia cuộc đời của người tăng sĩ ra thành 3 giai đoạn:

- Tăng sinh từ Sa di lên Đại Đức: 10 tuổi đến 25 tuổi

- Hoằng pháp từ Đại Đức lên Thượng Tọa: 25 tuổi đến 40 tuổi

- Kiến lập đạo tràng: từ 40 đến 70 tuổi.

Giai đoạn ba cũng là thời kỳ mà vị giáo phẩm dành thì giờ nhiều hơn cho việc tu niệm để trưởng dưỡng đạo tâm thiết thực nhất. Từ trưởng dưỡng đây có nhiều ý nghĩa mang tánh cách chuyên môn mà một người tăng trẻ chưa già dặn đủ kinh nghiệm để theo đuổi. Phải đợi tới lớp tuổi 60 trở lên tất cả mọi việc đều đã sẵn sàng thầy dành thì giờ tu niệm, quán chiếu sâu các pháp: vô thường, khổ không, vô ngã là 3 pháp ấn. Vì nó mang dấu ấn sẵn như vậy không thể khác được. Thời kỳ này ở đời gọi là hưu trí, nhưng trong đạo là thời gian quan trọng đối với người tăng sĩ. Tùy theo khả năng và tâm nguyện, thầy tự lập thời khóa công phu và làm việc. Có vị say mê trong việc dịch kinh, viết sách, làm thơ, có vị nhập thất ẩn tu dứt hết mọi duyên bên ngoài. Nếu không còn bận lo chùa chiền, đệ tử, bổn đạo… thầy rảnh rang tâm trí để trọn vẹn thì giờ vào việc tu tập, quả là điều lợi lạc biết bao nhiêu.

Hiện giờ Phật giáo đang cần có những vị chân nhân, tôn giả như thế để làm biểu tượng cho Phật pháp được trường tồn. Chỉ cần các vị ngồi đó không nói gì nhưng qua đạo phong như nói lên tất cả. Tương tự, có vị mở đạo tràng nơi non cao rừng vắng qui tụ đồ chúng dạy chuyên về Kinh, luật, luận, Kim Cang thừa hay Mật Tông, là một hình thức khác cũng chung cùng ý nghĩa nói trên. Một bậc chân sư như thế, chúng ta đang cần và luôn cầu nguyện cho tâm nguyện của người con Phật đạt thành. Hầu hết chúng ta tu tập chỉ mới đi tới giai đoạn thấy đạo hay kiến đạo. Do vậy ta cần phải đi qua giai đoạn tu đạo và chứng đạo thì mới có sự chuyển hóa và giải thoát. Có vị tỳ kheo mới làm được chút ít Phật sự hay học được giáo lý sâu mầu của Phật liền có cảm giác cho rằng cuộc đời mình đã được thay đổi. Thật tế không phải dễ dàng như vậy, vì giữa cái thấy và biết cách nhau khá xa như người tìm vàng thấy được vàng; chuyển hóa cũng giống đãi lọc tinh luyện vàng và đem vàng dùng làm gì, ấy là trị liệu vậy. Như thế cũng chỉ có tính cách tương đối, đối với đạo thời gian tu tập phải trải qua nhiều kiếp không dễ một sớm một chiều đạt được nên việc chứng đạo cũng dài lâu như thế. Cần nắm bắt ý niệm buông xả một cách tinh tế mới trị dứt chứng tham - sân - si; căn bịnh đã trừ tức là thân tâm trở nên khỏe mạnh.

Thân tâm khỏe mạnh lành lặn là người có hạnh phúc an lạc. Nhờ có sự chuyển hóa mà được an lạc nên luôn tỉnh thức, người có tỉnh thức mới suy quả tìm nhân mà chặn đứng được mọi kết quả không lành. Đó là đạt đạo giải thoát.

Nêu dẫn kinh thí dụ thêm: “Đừng bị kẹt vào một trong hai cực đoan. Những gì mà ta tiếp xúc nếu biết là chúng có tính cách nguy hại thì ta phải quyết tâm buông bỏ, đừng vướng víu. Đừng làm một điều gì để sau này ta sẽ oán trách chính ta. Phải biết từ khước nhìn và nghe những gì có thể làm cho tự thân ta ô nhiễm.” (Kinh Ưu Điền Vương, do Thích Nhất Hạnh dịch giải)

Bám víu, ôm chặt do mắc vào tánh cực đoan nên chúng sanh mê lầm đi trong nhiều kiếp luân hồi, vì thế Phật dạy chúng ta phải buông xả để được rảnh rang tự tại. Và: “Những cái gì ta đã ngỡ là của ta, cần được buông bỏ. Những giáo pháp minh sát cần phải nắm lấy để hành trì. Nếu tha thiết muốn có lợi ích chân thực thì mình sẽ đạt được tuệ giác về Không, bởi vì nhìn vào các pháp và thấy được tướng không của chúng cho nên mình biết tất cả vốn là không.” (Kinh Tu Đà Lợi, do Thích Nhất Hạnh dịch giải). Do chấp thủ ta không thấy được nghĩa không của lời Phật dạy, nên đâm ra nghi ngờ về chỗ thấy, nghe của mình, nên giờ đây: “Vị sa môn đối với tất cả các pháp, không còn có nghi ngờ gì nữa. Với những gì thấy và nghe, vị ấy thường làm phát khởi chánh niệm để nhận diện. Vị ấy là kẻ đã thực sự nghe và thấy được (bốn) sự thật, là kẻ có nền tảng và năng lượng của sự hành trì, là kẻ không còn tạo tác nghiệp thế gian, và không còn bị kéo theo sáu đối tượng của giác quan nữa.” (kinh Ma Kiệt Phạm Chí, do Thích Nhất Hạnh dịch). Đó là ý nghĩa Phật dạy về sự buông xả mà người xuất gia không thể không ứng dụng trong tu tập để đạt đến mục đích.


Nhập dòng pháp lạc

Lúc đầu mới ra diễn giảng tôi lo lắng đủ chuyện, nhìn xuống thính chúng mình không tự chủ được, mặc dù tôi có đứng lớp mà vẫn mang tâm trạng ấy, huống chi người chưa từng xuất chiêu bao giờ. Nỗi lo lắng của tôi chung qui có mấy điểm: sợ nói sai giáo lý, không giải đáp trôi những vấn nạn, khớp trước số cử tọa trí thức, quên hay lạc đề bị quê… Nhưng tôi có kỹ thuật riêng của mình như soạn kỹ dàn bài, chép các đề mục chính trong lòng bàn tay, photo trang sách cần thiết để trước mặt… Nhờ đó, mỗi lần lên bục giảng tôi nói thoải mái, dần dần thành quen không lo lắng nữa. Vả lại, cũng học hỏi thêm từ những giảng sư khác, họ chỉ dẫn nhiều điều cần thiết và tôi lấy đó làm kinh nghiệm.

Vị giảng sư phải có đủ hai tiêu chuẩn là bảo đảm thuyết phục được thính giả: hiểu giáo lý thông suốt (sâu sắc) và khoa ăn nói giỏi; ngoài ra sắc diện tươi vui, cử chỉ tự nhiên, hài hước và nghệ sĩ tánh v.v… cũng là cách để thu hút người nghe chú ý theo dõi bài giảng từ đầu chí cuối. Không có gì chán nản bằng bên trên thầy giảng còn bên dưới cử tọa ngồi ngủ gật hay nói chuyện, làm cho đôi bên đều mệt mỏi. Nhất là đừng để buổi giảng tắt ngang mà phải gây được không khí hào hứng cho mọi người thoải mái. Món bửu bối mà tôi thỉnh thoảng có đem ra xài là dừng hẳn không tiếp tục nói lúc đang giảng, nếu nghe phía dưới thính chúng nói chuyện hay nghe điện thoại. Làm như vậy, tự động người ngồi bên nhắc khéo làm cho hội trường trở nên linh hoạt cũng làm đương sự áy náy ngừng ngay động tác thiếu lịch sự của mình. Nghệ thuật diễn giảng cũng phải biết tâm lý thính chúng, nếu thấy họ mệt mỏi, giảng sư phải thay đổi ngay cách trình bày, chẳng hạn nghỉ giải lao 10 hay 15 phút hoặc mời một người lên hát hay kể chuyện vui hay chính thầy cống hiến tiết mục vui, nếu thấy hợp sở thích của mình.

Việc diễn giảng với tôi sau 5 năm đã thành quen thuộc, có khi tới hội trường mà chưa có đề tài trình bày, tôi mời thính chúng chọn chủ đề để tôi triển khai buổi giảng cho mọi người nghe. Việc đó có vẻ hơi tự phụ, vì sợ mất thì giờ soạn bài, đọc sách, biên chép nhưng đã chắc gì đầy đủ, sâu sắc ý nghĩa, nên sau này tôi bỏ hẳn cách ấy không còn áp dụng nữa. Thật vậy, một bài giảng giá trị phải có chiều sâu, còn để lại trong lòng người nghe nhiều điều bổ ích lợi lạc.

Đi nghe vị giảng sư không phải tới xem mặt vị ấy có dễ coi không, già trẻ thế nào, giọng Trung, Nam, Huế hay Bắc mà theo dõi đề tài có rõ ràng mạch lạc không, để rút tỉa bài học tu tiến, nên không giống như xem cải lương, hát bộ hay kịch nghệ. Mặc dù đây cũng là môn nghệ thuật nhưng là siêu nghệ thuật, nên có hơi kén khách một phần. Xác định như thế thì vị giảng sư không gì khác hơn là một nghệ sĩ đa năng mới đóng trọn được vai trò diễn giảng.

Những năm đầu mới định cư tại Sydney, chùa còn thiếu người tôi phải làm nốt mọi việc như trong buổi đại lễ, vừa diễn giảng đồng thời cũng là Trưởng Ban Tổ Chức. Đây bước sang phạm vi khác, tôi kể ra để quý vị Trú Trì rút kinh nghiệm. Chùa Pháp Bảo Sydney mỗi năm có 3 đại lễ: Phật Đản, Vu Lan và Tết Nguyên Đán, mỗi lần như vậy qui tụ khá đông đồng bào Phật tử. Trước lễ một tháng hay vài tuần tôi rất lấy làm lo lắng nhiều khía cạnh: thời tiết, người hợp tác, sự cố bất thường nên lần nào cũng hơi ngao ngán đại lễ diễn ra. Thế nhưng, không làm sao tránh khỏi tổ chức đại lễ cho được, nhưng nay thì tình thế hay hoàn cảnh có khác, tôi không còn bận tâm lo lắng những ngày đại lễ nữa mà xem mọi chuyện bình thường như ngày tháng năm đi qua vậy thôi.

Điều lo lắng đó của tôi chưa bày tỏ với ai, nay mới chính thức công khai ghi lại đây để lưu niệm.

Thời tiết tại Sydney vào tháng 5 dương lịch Phật Đản thỉnh thoảng có mưa, còn như lễ Vu Lan tháng 8 mưa hầu như thường xuyên. Trời không những mưa mà còn vần vũ làm giông làm gió nữa. Lễ đài dựng lên, Phật cụ trưng bày trang trí, quan khách có mặt, vũ khúc dâng hoa… đã chuẩn bị đâu đó xong xuôi. Nếu chẳng may trời không thương chiếu cố cho trận mưa, dịp lễ xem như húp cháo, là từ lóng mà quý thầy hay nói đùa vui. Từ gần 30 năm về trước, tết Quý Hợi 1983 chùa Pháp Bảo lúc bấy giờ còn thuê nhà tạm tại Lakemba, chúng tôi tổ chức hội chợ Tết, mượn công viên Willey Park của Hội Đồng Thành Phố Canterbury. Sáng hôm tổ chức lễ trời mưa tầm tả chung quanh vùng đông Sydney, lúc công phu sáng 6 giờ bên ngoài bầu trời đen nghịt, tôi tụng kinh xong, đứng nhìn ra cửa sổ thấy rầu, trong bụng cứ nghĩ: cái cảnh này thức ăn biết phải xử lý làm sao cho hết đây? Ai tới dự hội chợ Tết để bán thức ăn, trình diễn văn nghệ? Vì đây là lễ hội Tết đầu tiên của chùa bày ra trước công chúng. Tôi vẫn giữ vẻ bình tĩnh, nhưng tâm luôn cầu nguyện cho trời dứt mưa; cho tới 9 giờ sáng, mặt trời lộ hiện, tôi đốc thúc các Ban tiến hành mọi thứ cho kịp lễ khai mạc lúc 10 giờ 30. Cờ xí, biểu ngữ, các gian hàng được dựng lên chớp nhoáng và lễ diễn ra như dự định. Khách dự khá đông, thức ăn chay, bánh chưng, bánh tét được nhiều người ưa thích mua về dùng dịp Tết. Các gian hàng, nhất là bánh mứt được khách hàng chiếu cố nhiều nhất, kế đến tới các món chay thơm ngon cũng được bà con nhiệt tình ủng hộ. Đồng thời trong ngày hội chợ còn có lễ hằng thuận của Micheal Robert - Lan, nên cũng có phần xôm tụ với nhiều màu sắc hấp dẫn. Hội chợ cho tới lúc 15 giờ là chấm dứt. Sau khi Ban Tổ Chức đã thu dọn đồ đạc rút về vừa đến chùa, trời đổ mưa như thác không kịp thoát nước. Đó là trận đầu chùa thoát nạn trong sự hân hoan và tin tưởng của nhiều người. Vài năm sau, tới lễ Vu Lan là trời xáng mưa lớn vào ngay cuối tuần Pháp Bảo tổ chức lễ, nhưng có điều lạ là mưa ở đâu thì mưa mà ông trời vẫn chừa vùng chùa lại mới nhiệm mầu đầy huyền bí. Ân đức mà Pháp Bảo thừa hưởng qua nhiều lần như vậy, nên có người cá với nhau về chuyện mưa hay không trong những dịp đại lễ. Không những Phật tử mà quý thầy cũng nghĩ ông trời thương thầy Bảo Lạc nên chưa gặp tả tơi trong một cuộc đại lễ nào ở Pháp Bảo. Người trong cuộc, tôi lại không nghĩ vậy, phước đức có lúc đầy lúc vơi, làm sao có đủ cho ta tự tin được; nếu nghe vị nào bàn về sự mầu nhiệm tại chùa tôi liền đính chính: Không đâu, đó là chuyện cũ - việc của mấy năm về trước - nay chùa không còn giữ được thuần túy như vậy đâu. Quý vị chờ xem, sau lễ hãy kết luận hẳn cũng chưa muộn. Đúng là nhờ Phật gia hộ, mọi Phật sự chùa Pháp Bảo từ đầu tới nay đều thành tựu viên mãn.

Quanh năm lá vẫn xanh tươi
Cội tùng chớn chở che người thiện tâm

Nói qua về phần nhân sự ủng hộ chùa cũng tương đối đông, nhất là quý vị Ưu bà tắc, từ trước tới nay cũng vậy, có tăng chứ chưa giảm. Tại sao tôi phải lo lắng nhiều người phụ tay trong dịp đại lễ? Vì tôi e không làm xong được việc lớn nên phải lo. Chẳng hạn, những vị phát tâm vào các Ban, nhưng tới ngày lễ lại bị bịnh, đi xa, có người thân qua đời, con đau bận săn sóc, có khách ở xa tới thăm… Không phải những trở ngại sao? Hay lo là tánh tôi xưa nay. Thật ra, tới ngày lễ có nhiều người không ghi danh mà vẫn tới giúp việc đông gấp hai lần trong Ban Tổ Chức. Điều đó nên đáng mừng chứ sao lại lo nhỉ! Như của cải cha mẹ để lại con tiêu xài lâu ngày cũng phải hết; thì sự phát tâm công quả của Phật tử có gì bảo đảm còn hoài? Do suy nghĩ đơn giản như vậy nên tôi với trách nhiệm phải chu toàn trong công việc phụng sự Tam Bảo. Còn những gì là biến cố hay sự việc bất thường? Ở đời chúng ta sống không làm sao làm hài lòng được hết mọi người, có chỉ trích phê phán, gây nên những sự cố là điều không thể tránh được. Cho nên “phòng bịnh hơn chữa bịnh” là câu nói trên đầu môi của mọi người; huống chi tôi do ít phước kém tu nên có số người không thích, vì lẽ đó họ có thể thử thách xem mình có đủ sức nhẫn nại vượt qua? Thật ra từ trước giờ công việc Tam Bảo của Pháp Bảo luôn được thuận duyên trôi chảy, không gặp sự cố nào làm ngăn chướng khó khăn cả. Vẫn có khó khăn nhưng rồi mọi việc đều thành tựu như ý nguyện.

Cảm niệm chân thành để tạ ơn Tam Bảo, thầy tổ, ân sư, phụ mẫu… mật thùy gia hộ bằng nhiều phương tiện mà mắt phàm ta không nhận ra được. Nhờ hồng ân chư Phật, Phật pháp nhiệm mầu trợ duyên cho đệ tử rất nhiều trong mọi thời gian và hiện tại để làm Phật sự; gần bốn mươi năm (1967 - 2005) làm việc, từ 10 năm nay tôi lui về sống gần gũi núi rừng, thiên nhiên, thú rừng, cây cỏ… thật là an lạc và tâm đắc. Đây là nguồn pháp lạc hay tặng phẩm có được xin dâng lên hồi hướng về pháp giới chúng sanh đều viên thành Phật đạo. Nguyện cầu đất nước Việt Nam được tự do, người dân no ấm có nhân quyền và các quyền căn bản; cầu nguyện Phật pháp mãi trường tồn và thế giới chấm dứt binh đao để người người nhận chân ra được vị Phật tương lai nơi bản tâm.

Tu viện Đa Bảo vùng đồi núi Blue Mountain (Lithgow)
ngày 19 tháng 2 năm 2012
(28 tháng giêng năm Nhâm Thìn)
Tỳ kheo Thích Bảo Lạc


 
 
Thu sang

Thu đã sang rồi ai có hay
Cỏ cây thay áo dáng thân gầy
Lá vàng lác đác lìa rơi rụng
Tiếc nuối vờn lên thoảng gió bay
Thu đã sang rồi huynh có hay
Sắc thân tàn lụn những tháng ngày
Tâm tư phờ phạc so đo tính
Níu kéo được nào vụt tầm tay
Thu đã sang rồi đệ có hay
Lớp lớp bồi thêm tuổi hạ dày
Tác cao, hạnh cả chừng như đã
Tóc bạc, da mồi tệ hại thay!
Thu đã sang rồi tỷ có hay
Nương thân vào chốn cửa không này
khỏa khuây kinh kệ tu hạnh xả
Mặc cuộc phù vân mãi vần xoay
Thu đã sang rồi muội có hay
Tổ, Thầy trông cậy những ai đây?
Này huynh, này đệ, này tỷ muội
Đạo pháp chung lòng quyết dựng xây
Thu của năm nào thu vẫn đây
Núi non, đồng nội khắp đông tây
Thôn trang, phố thị cùng vũ trụ
Lững thững lưng trời xám sắc mây.

Sông Thu
Núi đồi Đa Bảo, tiết Thanh Minh 6/4/2006
Campbelltown NSW Australia
 
--------------------
Sách cùng tác giả, dịch giả

- Kiến Thức Căn Bản Phật Giáo (Tái bản tại HK)
- Như Giòng Ý Thức
- Tông Phái Phật Giáo Nhật Bản ( Dịch)
- Cho Cây Rừng Còn Xanh Lá (Thơ Sông Thu)
- Hồng Ân Khảo Luận
- Hương Sắc Thiền Quán
- Hướng Về Đông Phương Mầu Nhiệm
- Luận Đại Thừa Bảo Yếu
- Những Đóng Góp Của HPGVN Tại NSW
- Kinh Hoa Thủ (Dịch)
- Qui Sơn Cảnh Sách (Dịch)
- Cho Trọn Hiếu Ân
- Văn Thù Vấn Kinh (Dịch)
- Kinh Vô Cấu Xưng (Dịch)
- Diệu Lý Nhân Quả Báo ứng (Dịch)
- Kinh Danh Hiệu Phật (Dịch)
- Mây Nước Thanh Bình
- Kinh Tịnh Luật & Bảo Tạng (Dịch)
- Kinh Ấm Trì Nhập (Dịch)
- Đối Thoại Thiền 1
- Truyền Thống Đẹp
- Bát Nhã Lý Thú (Dịch)
- Kinh Kim Cang Bát Nhã Tinh Nghĩa (Dịch)
- Luận Giải Kinh Kim Cang Bát Nhã (Dịch)
- Kinh Kim Cang Bát Nhã Tinh Yếu Giảng Luận
- Kinh Bát Nhã Nhân Vương Hộ Quốc (Dịch)
- Kinh Bát Nhã NVHQ Thần Bảo Ký (Dịch)
- Kinh Văn Thù Sám Hối Diệt Tội (Dịch)
- Kinh Kiết Tường & Tán Dương Công Đức Chư Phật
- Đối Thoại Thiền Tập 2
- Kinh Bảo Nữ Thỉnh Vấn
- Từ Lòng Đất Nở Hoa
- Tinh Túy Những Bài Tán Phật Bồ Tát I, II, III & IV
- Tinh Hoa Bát Nhã Tâm Kinh (Dịch)
- Nhân Vương Bát Nhã (Dịch)
- Hoa đàm ngát hương
- Bách Trượng Thanh Quy (dịch)
- Kinh Đại Tập & Công đức trang nghiêm
- Nguồn mạch tinh khôi
- Thoáng quyện ân từ
- Ấn độ trầm mặc
- Chân đế - Tục đế dung thông


    « Xem chương trước «      « Sách này có 7 chương »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Đại Bát Niết-bàn - Tập 2


Nghệ thuật chết


Tự lực và tha lực trong Phật giáo


Vì sao tôi khổ

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.136.19.136 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...