Vào thời đức Phật, tuy xã hội Ấn Độ phân chia giai cấp và nạn kỳ thị giai cấp rất nặng nề, nhưng ngài truyền dạy pháp bình đẳng và xóa bỏ hoàn toàn giai cấp. Trong tăng đoàn, ngài đối xử bình đẳng với tất cả mọi người, cho dù là mỗi người đều có xuất thân khác nhau. Khi đã xuất gia theo Phật, dù trước đây là hàng vương tôn quý tộc hay kẻ bần tiện hạ lưu, hết thảy đều được đối xử bình đẳng như nhau. Chỉ có một sự khác biệt duy nhất trong tăng đoàn là sự khác biệt về mức độ tiến triển trên đường tu tập mà thôi. Đây chính là điểm đặc biệt trong tổ chức tăng đoàn Phật giáo mà không một tôn giáo nào khác vào thời ấy có được.
Lúc ấy, trong thành Xá-vệ, có một người rất nghèo khổ, phải làm nghề đổ phân cho thiên hạ để kiếm sống. So về sự phân chia giai cấp trong xã hội Ấn Độ bấy giờ thì anh ta bị xem là thuộc về giai cấp thấp hèn nhất. Một hôm, anh ta đang đi trên đường thì nhìn thấy đức Phật với các vị đệ tử vây quanh từ xa tiến đến, anh vội vã tìm chỗ tránh xa ra bên lề đường. Nhưng đức Phật đã nhìn thấy, liền cho gọi anh ta đến. Anh ta sợ sệt thưa rằng: “Tôi là người thấp hèn nhơ nhớp, làm sao dám đến gần ngài.”
Phật dạy rằng : “Không sao đâu! Dù anh có làm nghề gì, thuộc về giai cấp nào, thì cũng vẫn là con người, cũng có thể tu tập để ngày sau được đắc đạo như ta đây.”
Anh ta nghe Phật dạy như thế thì lấy làm lạ, có phần hoài nghi không biết mình có nghe lầm hay không, liền thưa hỏi lại: “Bạch ngài, có phải ngài vừa nói là con đây cũng có thể tu hành để ngày sau được đắc đạo giống như ngài?”
Phật dạy: “Đúng vậy, miễn là anh có niềm tin vào Tam bảo và tu tập đúng theo chánh pháp.”
Người đổ phân nghe vậy thì vui mừng khôn xiết, liền quỳ xuống ngay giữa đường mà xin được xuất gia theo Phật. Phật dạy các vị đệ tử đưa người ấy về tinh xá và nhận cho xuất gia đứng vào hàng tỳ-kheo.
Người ấy bỗng nhiên được thoát khỏi kiếp sống thấp hèn, không còn bị người trong thành khinh khi hất hủi, tự thấy vui mừng sung sướng khác nào như được tái sinh vào một đời sống mới. Từ đó cố công tu tập thiền định không một phút nào ngơi nghỉ tạm dừng. Nhờ nỗ lực tinh tấn vượt bực nên chỉ trong mười ngày đã thấu hiểu đạo lý sâu xa, chứng đắc thánh quả A-la-hán, có đủ các phép thần thông tự tại.
Bấy giờ, đức vua trong thành nghe tin rằng Phật đã nhận cho một người đổ phân xuất gia làm sa-môn thì rất lấy làm ngạc nhiên và suy nghĩ rằng: “Từ xưa nay hàng đệ tử của Phật đều toàn là những người quí phái. Nay lại có thêm một người thuộc giai cấp hạ tiện thấp hèn, vậy nếu trẫm có thỉnh chư sa-môn đến cúng dường thì làm sao phân biệt được? Rồi trong hàng sa-môn biết đối xử với kẻ hạ tiện ấy thế nào cho phải phép? Quyết định này của đức Phật hẳn là không đúng rồi. Để trẫm đích thân đến thưa với ngài.”
Nghĩ rồi, vua xa giá đi ngay đến tinh xá để gặp Phật. Gần đến tinh xá, vua nhìn thấy bên đường có một vị sa-môn đang ngồi trên tảng đá lớn mà khâu áo, dáng vẻ rất uy nghi. Khi thấy xa giá nhà vua xôn xao đi tới, vị sa-môn ấy liền khoan thai ẩn mình vào trong tảng đá, ung dung như người ta đi vào một khoảng đất trống vậy. Khi xa giá đi qua, vị ấy lại từ trong tảng đá hiện hình ra ngoài, ngồi trên tảng đá tiếp tục khâu áo như không có chuyện gì xảy ra.
Khi vào tinh xá lễ Phật rồi, đức vua mới chắp tay thưa hỏi rằng: “Khi trẫm vào đây, phía trước tinh xá thấy có vị sa-môn thần thông tự tại, ra vào tảng đá lớn như người ta ra vào chỗ đất trống. Vị ấy là ai mà có thần thông và uy nghi như thế? Trẫm lấy làm kính phục và ngưỡng mộ lắm!”
Đức Phật dạy: “Hôm nay bệ hạ đến đây gặp ta chính là vì người này đó.”
Vua ngạc nhiên chưa kịp hiểu ra, Phật liền nói: “Người ấy trước đây làm nghề đổ phân cho mọi người trong thành này. Nay xuất gia làm sa-môn, nhờ tinh tấn tu tập nên đã chứng thánh quả A-la-hán, có được thần thông tự tại, dứt sạch mọi tham muốn, ràng buộc.”
Bấy giờ, vua hiểu ra, không còn dám đem chuyện phân biệt giai cấp ra nói nữa. Đức Phật hiểu thấu trong tâm ý vua, nên muốn nhân đây dứt sạch những tư tưởng, định kiến sai lầm của vua, liền dạy rằng: “Này đại vương, chúng ta không nên dựa vào địa vị xã hội hay thành phần xuất thân mà phán đoán giá trị, phẩm chất của một con người. Người ta sanh ra ở đời có sự khác biệt nhau chẳng qua là do nơi nghiệp quả đã tạo từ trong quá khứ. Nhưng nghiệp quả đã do mình tạo thì cũng có thể do mình thay đổi được. Chỉ cần biết tu tâm dưỡng tánh, lánh dữ làm lành, tu tập theo chánh pháp, thì dù đời nay có xuất thân hèn hạ cũng có thể đạt được những thánh quả cao quý.”
Vua nghe xong liền nói: “Bạch Thế Tôn, trẫm đã hiểu rồi! Từ nay trẫm rất vui lòng mà tỏ lòng cung kính đối với tất cả các vị sa-môn, không còn phân biệt theo giai cấp xuất thân của các vị ấy nữa.”
°°°
Việc xóa bỏ sự phân biệt giai cấp đối với chúng ta ngày nay là việc rất bình thường và ai ai cũng có thể hiểu được tính đúng đắn của nó. Thế nhưng cách đây hơn 25 thế kỷ mà đức Phật đã nêu ra và thực hành được điều này trong một xã hội phân chia giai cấp rất nặng nề như xã hội Ấn Độ, điều đó quả thật là chưa từng thấy ở bất cứ tôn giáo hay nền triết học nào khác. Ánh sáng bình đẳng đó rồi sau đã dần lan ra khắp cõi Á châu, cho đến lan rộng trên toàn thế giới. Trong khi nhân loại còn chìm đắm trong những tư tưởng và định kiến sai lầm thì trí tuệ giác ngộ của đức Phật đã sớm nhận ra phẩm chất cao đẹp sẵn có nơi tất cả mọi con người. Ngài đã chỉ rõ rằng, phẩm chất chân chính trong hiện tại của một con người phải được đo lường bằng những giá trị đạo đức, còn sự giàu sang, quyền thế, cho đến những địa vị cao sang trong xã hội chẳng qua chỉ là do nơi nghiệp quả đã tạo trước đây mà thôi. Vì thế, ngài không xem trọng một vị quốc vương hơn một người đổ phân thuê cho thiên hạ, cũng như ngài xem thường một ông hoàng tham lam cùng dòng tộc với mình, nhưng lại xem trọng một anh thợ cạo nghèo khó mà có tâm hướng thiện.