Hôm nay là ngày 20 tháng 7 năm 2000 nhằm ngày 19 tháng 6 năm Canh Thìn, tôi viết lời kết này khi bên ngoài bầu trời rất trong và đẹp, không như những ngày tháng trước, nhất là khi bắt đầu viết cuốn sách này vào lúc 7 giờ 30 sáng ngày 7 tháng 6 năm 2000. Kể từ hôm đó đến nay hơn 43 ngày rồi, nhưng dường như trời chẳng nắng được một ngày nào trọn vẹn cả.
Hôm nay cũng đúng 7 giờ 30 phút, tôi dùng trà xong và bắt đầu viết như thường lệ, nhưng ngày hôm nay có 3 sự kiện đáng ghi nhớ.
Sự kiện thứ nhất là ngày 20 tháng 7. Ngày này vào 46 năm về trước, nghĩa là ngày 20 tháng 7 năm 1954, nước Việt Nam chúng ta đã bị chia đôi tại sông Bến Hải bởi Hiệp Định Genève. Từ vĩ tuyến 17 trở về Bắc thuộc chế độ Cộng Sản và từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam thuộc chế độ Dân chủ Cộng Hòa. Nước Việt Nam đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 là nối kết lại hai miền và đến năm 1976 Việt Nam chính thức đã thống nhất và sống dưới chế độ Cộng Sản cho đến hôm nay. Trên thế giới này hiện có gần 200 quốc gia lớn nhỏ. Đa phần theo chế độ dân chủ, lấy luật pháp để cai dân trị nước, có lẽ cũng hơn 100 nước. Có những nước không qua chế độ quân chủ mà từ thời lập quốc đến nay chỉ có một nền dân chủ. Đó là Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Suốt 200 năm lập quốc cho đến ngày nay chưa có một vị nào làm vua cả, mà chỉ toàn là Tổng Thống.
Trong gần 100 nước còn lại đó một số lớn theo quân chủ lập hiến. Nghĩa là có Vua Chúa hay Nữ Hoàng đứng đầu, nhưng chỉ có tính cách tượng trưng, còn Thủ Tướng và Quốc Hội mới có quyền biểu quyết mọi đạo luật. Trong này có các nước ở Âu Châu như Anh, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Hòa Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Ở Á Châu có các nước như Nhật Bản, Thái Lan, Bhutan, v.v...
Những nước còn lại nằm trong Liên Hiệp Pháp hoặc Liên Hiệp Anh như Úc, Canada v.v... Tuy nhiên những nước này vẫn có chủ quyền của họ. Một số nước còn lại ở Phi Châu thì có Tộc Trưởng hay sống với một đời sống hoang dã, chưa thành hình định chế nào. Ngày nay trên thế giới chỉ còn có 4 hay 5 nước theo chủ nghĩa Cộng Sản mà thôi. Đó là Trung Hoa, Việt Nam, Bắc Hàn và Cuba. Tuy nhiên các chế độ xã hội chủ nghĩa này cũng đã thay đổi đường lối để tự tồn và hướng theo chủ nghĩa tư bản. Đó là chưa kể những nước lớn như Nga, Ba Lan, Tiệp Khắc, Đông Đức v.v... đã hoàn toàn chuyển theo tư bản chủ nghĩa sau khi đã chung sống với xã hội chủ nghĩa 70 năm mà không có tiến bộ gì. Chỉ 10 năm sau khi thay đổi chủ nghĩa thì các nước này đã trăm hoa đưa nở.
Thật sự ra trong cuộc đời này chẳng có cái gì là chắc thật cả. Chủ nghĩa nào mà không hợp lòng dân rồi cũng phải đổi thay. Tất cả chỉ có tính cách giai đoạn, mà lịch sử thì luôn luôn sang trang chứ không đứng yên một chỗ. Chỉ có chân lý trí tuệ, từ bi, giải thoát và giác ngộ thì muôn đời cũng chỉ vậy thôi, không có gì để thay đổi và cũng chẳng có ai vào đó để chiếm giữ ngôi vị độc tôn cả.
Riêng ngày hôm nay là ngày Vía của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Mỗi năm Phật giáo Trung Hoa và Việt Nam làm lễ kỷ niệm Ngài 3 lần. Đó là ngày 19 tháng 2, 19 tháng 6 và 19 tháng 9, tính theo âm lịch.
Ngày 19 tháng 2 gọi là ngày Đản Sanh của Ngài.
Ngày 19 tháng 6 gọi là ngày Thành Đạo.
Ngày 19 tháng 9 gọi là ngày Nhập Niết-bàn.
Thật sự ra thì Đức Quán Thế Âm Bồ Tát không có lịch sử rõ ràng như Đức Phật Thích Ca. Vì Ngài không hiện hữu nơi cõi Ta-bà này mà Ngài là một trong 2 vị đệ tử đang hầu cận Đức Phật A-di-đà ở thế giới Tây Phương Cực Lạc. Tuy nhiên người Trung Hoa đã mang tinh thần Đại Thừa giáo ấy vào quần chúng Phật Tử, nên đã lấy sự thị hiện của một số vị Bồ Tát mà tạo ra tứ đại danh sơn ở Trung Quốc, cũng như các ngày lễ vía để kỷ niệm. Tất cả những ngày lễ này chỉ có tính cách tượng trưng mà thôi. Tuy nhiên Đức Quán Thế Âm Bồ Tát là hiện thân của từ bi, nên kỷ niệm những ngày lễ vía của Ngài cũng nhằm nhắc nhở cho chúng ta nên thực hiện hạnh nguyện này như Ngài vậy.
Sau khi đảnh lễ danh hiệu các vị Phật, các vị Bồ Tát xong thì tất cả Tăng chúng tại chùa đã đảnh lễ 12 lời nguyện của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Ngài có 32 hóa thân, do vậy mà thân nào cũng là thân của Đại Sĩ cả. Chúng ta nhớ ơn Ngài phải cố gắng thực hiện theo hạnh nguyện của Ngài.
Sự kiện thứ 3 cũng xảy ra vào ngày 20 tháng 7 năm 2000 này là chính ngày hôm nay sẽ làm lễ tuần thất thứ 3 cho Thầy Thiện Thông và sau đó tro cốt của Thầy sẽ được gởi máy bay về Việt Nam để nhập tháp tại chùa Phước Quang thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trong phần tiến Giác Linh của Thầy hôm ấy, tôi đã đọc phần cung thỉnh theo văn bạch bằng tiếng Việt trong quyển “Pháp Sự Khoa Nghi 2” của Hòa Thượng Thích Giải Hòa, tức Hòa Thượng Thích Huyền Quang, như sau:
Nhớ Giác Linh xưa:
Dòng họ thế gia,
Môn phong Nho giáo.
Tuổi thơ nhập đạo,
Chí lớn xuất trần.
Thế rồi người:
Theo Thầy học đạo chuyên cần,
Và, tùng chúng tu thân tinh tấn.
Người,
Vuông tròn bổn phận:
Phục dịch chúng ta,
Đầy đủ khả năng:
Dắt dìu Phật Tử.
Vì vậy người được:
Thầy Tổ phân đăng bổ xứ.
Phước Quang trác tích trụ trì.
Từ đó,
Người sống cuộc đời:
Một bát ba y,
Xuân thu du hóa.
Chín tuần mười hạ,
Năm tháng tịnh tu.
Và cũng như ai,
Người có nhiều:
Tăng Ni bốn chúng tùng du,
Và Phật Tử mười phương qui ngưỡng.
Người là bậc:
Sơn Môn Hòa Thượng,
Và hàng:
Hải chúng trung tôn.
Rường cột pháp môn,
Nối dòng đạo giáo.
Chơn tâm hạo hạo,
Pháp tướng nguy nguy.
Thiệu phái truyền y.
Kế đăng tục diệm.
Phật pháp chu toàn trách nhiệm,
Sư mô đầy đủ oai nghi.
Trau giồi trí tuệ từ bi,
Nuôi dưỡng pháp thân tuệ mạng.
Người:
Thờ Thầy kính bạn,
Giữ nước - giúp dân.
Trọn đời lạc đạo an bần,
Suốt kiếp nghiêm thân tấn đạo.
Hoằng dương Phật giáo,
Hàng phục ma quân.
Xử thế đãi nhân,
Tiếp tăng độ chúng.
Tùy duyên ứng cúng,
Thác chất phân thân.
Giới nghi tề chỉnh mọi phần,
Tế hạnh trang nghiêm đủ vẻ.
Lợi danh sạch sẽ,
Thân thế phôi pha.
Ai biết long xà,
Nào hay phàm thánh...
Thôi thì ba lạy này để tiễn Thầy về Phật cảnh và mong rằng giữa chốn trần ai tục lụy này nếu Thầy còn đoái thương chúng xuất gia đệ tử cũng như người tại gia nghiệp nặng trần ai thì Thầy hãy về lại Ta-bà này mà du hóa, mà độ sanh để thỏa chí người tu như trong văn cảnh sách Ngài Quy Sơn đã dạy.
“Phù xuất gia giả.
Phát túc siêu phương.
Tâm hình dị tục.
Thiệu long thánh chủng.
Chấn nhiếp ma quân.
Thượng báo tứ ân.
Bạt tế tam hữu.
Nhược bất như thử.
Tắc loạn Tăng luân...”
Như thế đó, Thầy đã hoàn thành đại nguyện. Xin cầu chúc Thầy cứ thẳng gót về Tây và nhớ thêm lần nữa là đoái hoài đàn hậu học ở ngưỡng cửa Ta-bà này vậy.
Trong phần vào sách tôi có hứa với quý vị là sẽ tường thuật về kết quả EXPO sau khi viết xong quyển sách này. Do vậy mà tôi xin lượt qua một vài điều. Đúng ra thì quyển sách này hoàn thành quá sớm, lẽ ra viết phải 3 tháng mới xong, nhưng không ngờ chỉ trong có 43 ngày thì đã hoàn thành. Dĩ nhiên phần dịch ra tiếng Đức phải cần có nhiều tháng như thế nữa, nhưng so với những tác phẩm khác thì quyển này viết hơi nhanh. Có lẽ vì ý đã có sẵn, mà EXPO thì cuối tháng 10 mới xong. Nên không thể tường thuật hết được.
EXPO khai diễn vào ngày 1 tháng 6 và kết thúc vào ngày 31 tháng 10 năm 2000. Cho đến hôm nay là gần 2 tháng, nhưng kết quả thật không như Ban Tổ Chức mong muốn. Có lẽ lỗ ít nhất là hơn hai tỷ Đức Mã. Đó là về phương diện vật chất. Chưa biết là Ban Tổ Chức sẽ tính sao. Mặc dầu đã có nhiều cách khác nhau để giảm giá vào ban ngày và ban đêm, nhưng số người đến không đông như đã dự định. Vì vậy mọi dịch vụ chỉ có tính cách cầm chừng thôi chứ không sôi nổi mấy. Ví dụ như tháng 6, tháng 7 thì lấy tiền bãi đậu xe mỗi ngày 20 Đức Mã, rồi xuống còn 10 Đức Mã, và cuối tháng 7 trở đi thì không lấy tiền. Nghĩa là người đem xe vào bãi đậu tự do cả ban đêm lẫn ban ngày, nhưng bãi đậu xe vẫn còn trống. Người ta chờ đợi nghỉ hè thì dân Đức và Âu Châu đi đông hơn, nhưng trên thực tế cho đến hôm nay thì đã nghỉ hè độ 10 ngày rồi, nhưng học sinh vẫn ít thấy, chỉ thấy dân Đức địa phương là đến nhiều. Còn người Âu Châu cũng ít lai vãng. Chỉ tiếc là những công trình xây dựng trong EXPO rất đẹp, mà tôi đã có lần xem qua, nhưng ít người đi tham quan, quả là rất đáng tiếc vậy.
Riêng chùa cũng bị ảnh hưởng lây. Nếu có các tổ chức khác bảo trợ thì không bị chi thâm vào quỹ chùa. Đằng này kết quả các buổi hội thảo thì rất tốt, cũng như những tháng ngày triển lãm các tranh ảnh khác nhau đã tạo cho người đi xem có một cái nhìn sâu sắc về Phật giáo. Các buổi hòa tấu về âm nhạc Phật giáo cũng đã thành công. Cứ mỗi tuần như vậy độ trung bình 150 người lai vãng. Một tháng 600 người và suốt 5 tháng ấy độ 3.000 người Đức. Thật ra con số ấy rất khiêm nhường, nhưng cũng đã nói lên được phần nào về sự quan tâm của người Đức đối với nền triết học Phật giáo tại đây.
Lời về mặt tinh thần mà lỗ về mặt vật chất cũng không sao. Chỉ tiếc một điều là không giống như Ban Tổ Chức Buddha Dharma Expo đã dự phòng, trong đó có Hạnh Hảo. Điều ấy cũng giống như một nhà báo Đức đã nhận xét về tổ chức EXPO tại Hannover như sau:
“EXPO không phải do chính phủ Đức đứng ra tổ chức, chỉ do những quốc gia và những tổ chức tư nhân độc lập đứng ra gánh vác, cho nên phần lỗ lã phải chịu về mình. Vả lại thành phố Hannover không có gì đặc biệt để hấp dẫn du khách, nên số khách đến tham dự ít là phải. Không lẽ người ta đến EXPO để ăn món ăn Ý hay thưởng thức Bia của Đức, thì liệu điều ấy đâu có hấp dẫn hết được mọi người, những điều ấy người ta tìm bên ngoài EXPO cũng có, nhưng dẫu sao đi nữa nước Đức sau 11 năm thống nhất Đông Tây phải chứng tỏ cho thế giới thấy rằng: Đây là sức mạnh của nước Đức, thì việc tổ chức EXPO vẫn là điều đáng ca ngợi vô cùng.”
Tôi cũng chấm dứt phần cuối cuốn sách này ở câu kết luận này. Dầu dở, dầu hay, dầu tốt, dầu xấu, dầu có, dầu không, dầu còn, dầu mất, dầu được, dầu thua v.v... nó cũng chứng minh được một điều là chúng ta đã nỗ lực và đã cố gắng. Chỉ đơn giản thế thôi và xin cầu chúc cho mọi loài mọi người thâm nhập vào bể tri kiến của Như Lai.
Viết xong vào ngày 20 tháng 7 năm 2000tại thư phòng chùa Viên Giácvào một ngày hạ đẹp trời.THÍCH NHƯ ĐIỂN