Với tước hiệu là một văn học sĩ của Nhật Bản từ năm 1977, nhưng tôi chẳng làm gì cho văn học Nhật và ngay cả văn học Việt Nam hay văn học Đức. Vì trong văn đoàn đó đã có những bậc đàn anh, đàn chị hay đàn em tài giỏi hơn mình, nên đành làm việc âm thầm mấy chục năm nay thôi, cốt để giữ cho lòng mình thanh tịnh. Mỗi năm cho ra đời từ một đến 3 tác phẩm để ghi lại những gì đã trải qua trong cuộc đời làm tăng sĩ của mình. Đó là suy nghĩ lúc ban đầu. Đến một lúc nào đó, có nhiều người đọc sách hoặc theo dõi những bài văn của tôi và đã có cảm tình, nên đã mời làm chuyện này chuyện nọ. Nhưng xin thưa, tôi chỉ là một người tu rất bình thường trong cái tầm thường của nhân thế. Chẳng có gì đặc biệt cả, nên không dám nhận một việc gì, mà cũng không tự xưng mình là một văn học sĩ, mặc dầu tước hiệu này tôi đã có.
Văn tôi vốn nhà quê, ý tôi vốn cạn cợt. Không là văn chương triết học, cũng chẳng phải văn chương luận lý khó hiểu, mà là một loại văn nông dân, xuất thân từ đồng ruộng. Tôi cũng giống như con trâu và cái cày, chỉ có trách nhiệm cày xong thửa ruộng mà thôi. Thật ra rất đơn giản. Vì vậy tôi không là đối tượng của ai cả, mà cũng chẳng là thần tượng của nhiều người chỉ vì những ý tưởng bên trên. Chỉ có một điều, tôi nghĩ sao thì viết vậy, không hoa hòe trau chuốt lời văn. Từ đó, đối với tôi việc viết không khó mấy. Người ta nói viết là lách, nhưng tôi thì không lách. Vì tôi chỉ muốn nói sự thật và đa phần chỉ viết về sự thật của cái tốt thôi, chứ không đá động gì về sự thật của cái xấu cả. Do vậy nên không cần lách. Vì cái xấu nó vốn dĩ đã xấu rồi, đào sâu vào đó làm gì nữa?
Đó là chưa kể việc các pháp trên thế gian này đều thay đổi, nay thế này mai thế kia. Ngày hôm nay tốt, ngày mai không phải thế. Hôm qua là người hiền lương, nhưng ngày kia không phải như vậy. Do đó, để nhận xét một sự vật hay một con người quả thật là khó. Nếu có, đó cũng chỉ là chủ quan của mỗi người thôi. Từ điều đó, nếu chúng ta làm việc gì với một cái tâm bình thường, không mong cầu và quán thế gian pháp tất cả đều “như vậy” thì có lẽ rằng tâm ta sẽ đỡ phiền não hơn và lời văn của ta viết ra khi người khác đọc sẽ được lợi lạc hơn nhiều.
Giàu, nghèo, sang, hèn, địa vị cao sang quyền quý. Tất cả đều phải chết. Có cái chết thật an ổn mà cũng có những cái chết thật khổ đau. Rồi ra ai cũng thành tro bụi cả. Mới đây cả Hoàng Gia Népal, ở không xa Bhutan là mấy, đã bị chính người của Hoàng gia giết trọn 8 người trong thân tộc. Như thế gọi là gì? Là cộng nghiệp? Là khổ đau? Là tục lụy? ... Nhưng dầu gì đi nữa thì lịch sử cũng đã sang trang. Chỉ có một điều là khi sống ta làm được cái gì đó, để rồi một ngày nào đó ta phải ra đi, ít ra cũng không để lại một lời trách móc cho đời. Như thế cũng là một điều hy hữu lắm.
Đa phần khi sống thì đua nhau nói xấu lẫn nhau cho hả giận, cho đỡ tức, nhưng khi một người chết rồi thì chỉ thấy và nghe toàn chuyện tốt của người ấy. Như thế hỏi có ích gì? Người chết bấy giờ không ngồi dậy để nghe được những lời kể tốt về họ. Do vậy tôi chủ trương khi sống nên thấy và chỉ nói điều tốt về người, để trước tiên tâm mình không bận rộn với chuyện thị phi và người đối diện cũng vui khi thấy họ có một giá trị nho nhỏ nào đó trong cuộc sống. Nếu không, chẳng lẽ cuộc đời này đều vô vị hết sao?
Hôm qua, ngày 28 tháng 6 năm 2001, Đại chúng chùa Viên Giác cả Tăng lẫn tục đã làm lễ sinh nhật chúc thọ tôi ở tuổi 53 và tôi có bảo rằng: Trong cuộc sống này có những người rất phi thường, có những kẻ sống rất bình thường và riêng tôi thì chỉ là một con người tầm thường như bao nhiêu con người tầm thường khác thôi. Tuy nhiên trên đầu tôi, ở nơi hai vai tôi đều có rất nhiều trách nhiệm và ơn nghĩa của Cha Mẹ, Thầy Tổ, ơn thiện hữu tri thức, ơn quốc gia và ơn nhân loại chúng sinh. Chừng đó thứ ơn, tôi cố gắng đáp đền và nguyện cho mình phải luôn thực hành sự lợi tha mới là điều quan trọng. Còn đối với cá nhân tôi chẳng có nghĩa gì cả.
Một Đại chúng sống an hòa như thế, dĩ nhiên là tôi càng có bổn phận hơn, để như con tằm chỉ có bổn phận phải nhả tơ, để dệt nên những gấm hoa và tô điểm cho cuộc đời thêm ý vị. Chỉ có vậy và đó là kim chỉ nam trong cuộc sống của tôi. Không than trách, không oán hờn, không vị kỷ.
Cứ mỗi lần tôi ngồi yên để viết được những dòng chữ như thế này là cũng nhờ vào không biết bao nhiêu người. Có người phải lo cho cái ăn, cái mặc. Có người phải lo cho chỗ ở, chỗ nghỉ ngơi. Có người phải lo cho mình sự thiếu sự đủ. Ơn ấy há chẳng là cao cả hay sao? Do vậy mà sự thành tựu của tôi cũng là sự thành tựu của mọi người vậy.
Cứ mỗi tối khi lạy kinh Đại Bát Niết Bàn, mỗi chữ mỗi lạy như thế tôi đều niệm đến ơn chúng sanh, ơn Tam Bảo, ơn Cha Mẹ, Thầy Tổ để nếu được trong kiếp này phải trả hết đi. Nếu kiếp sau không được làm người nữa thì biết cơ hội nào mới trả được?
Riêng các vị đệ tử xuất gia thì tôi cho học hành đến nơi đến chốn, tốn kém mấy cũng không nệ hà. Và không chỉ với đệ tử của mình, mà Thầy Cô nào hiếu học ở bất cứ nơi nào trên thế giới, nếu có ý nhờ tôi và trong khả năng có thể của mình, tôi đều không từ chối. Cứ lo học cho ra trường là đủ. Đó là Pháp bảo của ngôi chùa Viên Giác này và cho Phật Giáo Việt Nam vậy.
Với tôi, nghĩa ân nặng nghìn trùng và mãi mãi ghi sâu, không bao giờ dám quên một mảy may nào cả. Vì lẽ nếu không có nghĩa ân thì mình sẽ không thành người hữu dụng được. Sống mà không có ân nghĩa chẳng khác nào cỏ cây trong trời đất. Hãy vì người mà quên mình, chứ đừng vì mình mà quên người là điều không đáng làm với người quân tử, huống gì là một trưởng tử của Như Lai.
Bởi sống với ân nghĩa như thế cho nên tôi muốn giúp đỡ hết mọi người, không những người Việt Nam mà còn người ngoại quốc nữa. Bằng chứng là kỳ này sau khi đi Bhutan, tôi đã có ý trước, khi tiếp kiến với Hoàng Hậu là muốn giúp đỡ một số thầy trong vấn đề giáo dục, học vấn và đó là căn bản để 2 thầy Gap và Dorji đề nghị tôi cho học bổng sang học Anh văn và Computer tại Úc Châu. Tôi đồng ý ngay và sau đó có liên lạc với Thượng Tọa Thích Bảo Lạc để nhờ thầy ấy cưu mang cho họ ở lại Chùa Pháp Bảo, để quý thầy ấy có cơ hội làm quen với đời sống Tu Viện của Phật Giáo Việt Nam, còn phần tôi chỉ lo cung cấp về vấn đề tài chánh và tiền học phí. Thầy Bảo Lạc cũng rất là vui khi thấy có thêm nhiều người tu học ở chùa mình. Đây cũng là bản hoài của thầy Bảo Lạc khi xây chùa là để tiếp Tăng độ Chúng mà.
Thượng Tọa Bảo Lạc xuất thân từ các Phật Học Viện nổi tiếng tại Việt Nam như Phổ Đà (Đà Nẵng), Huệ Nghiêm (Sàigòn), nên những ai cầu học và phát tâm tu niệm thì thầy ấy đều rất quý. Mà có lẽ điều này cũng chẳng riêng Thầy Bảo Lạc và tôi, hễ cứ người xuất gia có một tâm hồn phóng khoáng thì không ai nỡ từ chối những kẻ mong cầu và học hạnh giải thoát đi sau mình cả.
Dầu cho Tăng Ni ngày nay của Việt Nam ở hải ngoại còn ít, không đủ để chuyên chở những khó khăn và thuận duyên của Phật Tử Việt Nam, vốn là con số không nhỏ trong 2 triệu người ở ngoại quốc ngày nay, nhưng trong số 400 Tăng Ni ấy đã có rất nhiều Thầy Cô hy sinh thời giờ cũng như công sức của cá nhân mình để lo xây dựng Chùa Viện và đào tạo Tăng tài, hầu duy trì mạng mạch Phật Giáo tại xứ người. Dẫu cho sau này không có người Việt Nam ở tại các trụ xứ này đi chăng nữa, thì giống như trường hợp chùa Việt tại Thái Lan và Singapore cũng sẽ có người địa phương nối truyền, ta chẳng có gì để e sợ khi phát huy công việc Phật sự này cả.
Suốt trong 25 năm qua là những năm tháng đặt nền móng xây dựng, kiến thiết Chùa Viện tại ngoại quốc và 25 năm sau nữa là lo đào tạo nhân tài. Cây công đức lâu gặt hái kết quả chừng nào, thì cây nhân tài của Giáo Hội cũng thế. Phải trồng trong thế hệ này và trải qua thế hệ khác hay nhiều thế hệ nữa mới có thể có kết quả. Tôi không muốn có trái gấp để dùng, nên rất nhiều phần đầu tư tôi đều lưu tâm về vấn đề trí tuệ trước.
Để giữ lời hứa với quý vị nên tôi đã viết tác phẩm thứ 32 này, một phần để đền ơn đáp nghĩa Chính phủ Bhutan, một phần để hiến dâng cho đời cho đạo những hiểu biết cạn cợt của mình về một nền văn minh của Phật Giáo tại một xứ nhỏ của Hy Mã Lạp Sơn. Đó là những lý do chính để quyển sách này khởi đầu viết vào ngày 20 tháng 6 và chấm dứt vào ngày 29 tháng 6 năm 2001. Chỉ trong 9 ngày miệt mài viết và một ngày chuẩn bị tư liệu nữa. Tổng cộng là 10 ngày. Một tác phẩm như thế kể ra cũng vội vàng, nhưng nếu không viết, ngày tháng sẽ qua đi và trong tôi có nhiều việc sẽ trả về sự quên lãng, nên cần phải chấp bút là vậy.
Khoảng 150 trang viết tay và viết trong 10 ngày. Vậy trung bình mỗi ngày viết 15 trang và còn nhiều hình ảnh cũng như những tư liệu khác thêm vào nữa, chắc chắn quyển sách này cũng gần 200 trang, nhằm giới thiệu với độc giả một chuyến đi có một không hai trong cuộc đời tôi.
Ngày mai và ngày mốt đây còn có khóa Tu Gieo Duyên và khóa An Cư Kiết Hạ của chư Tăng Ni Âu Châu tại chùa Viên Giác, do vậy mà tôi còn phải có nhiều bổn phận khác nữa. Cho nên tác phẩm này phải viết xong sớm như thế. Sau khóa Tu Gieo Duyên là khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ thứ 13, năm nay tổ chức tại Thụy Điển, thế là tôi cùng chúng lý Viên Giác cũng phải khăn gói lên đường để hỗ trợ chung cho công việc của Giáo Hội Âu Châu và sau đó về lại chùa chỉ mấy ngày nữa là Lễ Vu Lan rồi.
Giáo Hội Âu Châu chúng tôi không có những người giỏi như Giáo Hội Úc Châu hay Mỹ Châu, nhưng được một điều là Giáo Hội chúng tôi cho đến bây giờ vẫn trên dưới một lòng, nên đã tổ chức được 13 khóa tu trọn vẹn, mỗi khóa không dưới 500 người tham dự học tập, tu niệm trong vòng 10 ngày.
Có lẽ rồi đây khi Giáo Hội lớn mạnh sẽ sinh ra nhiều cành lá khác, nhưng đó là lẽ tự nhiên của tạo hóa. Một cành cây, một hạt giống cho vào lòng đất, lúc mới lớn lên chỉ một thân cây mẹ, nhưng càng ngày càng lớn thì từ thân cây mẹ kia sanh ra nhiều cành lá chung quanh. Đó là lẽ dĩ nhiên không ai chối cãi được. Nhưng chúng ta nếu muốn tiến xa hơn nữa phải chấp nhận một điều thực tế là: Mỗi cá nhân đều có những vấn đề riêng và tất cả chúng ta ở xứ tự do này phải tôn trọng cái riêng đó, nhưng đồng thời chúng ta phải có những điểm chung. Điểm chung đó là mái nhà của Giáo Hội và giáo pháp của Như Lai. Nếu đem cái riêng để phụng sự cho cái chung, thì cái chung ấy luôn luôn tồn tại. Ngược lại nếu đem cái chung để phụng sự cho cái riêng của mỗi người, mỗi nhóm thì chắc chắn tổ chức kia dầu lớn đến bao nhiêu, vững mạnh bao nhiêu đi chăng nữa cũng sẽ có ngày tàn tạ và lúc ấy chẳng biết trách cứ ai, nếu không tự trách mình ngay từ bây giờ là thiếu tu và thiếu đức.
Hôm tôi bắt đầu viết tác phẩm này tại thư phòng chùa Viên Giác, trời rất đẹp và hôm nay đây kết thúc quyển sách này, không khí bên ngoài cũng rất tươi mát và mặt trời đã soi sáng chứa chan khắp cả đất trời vạn vật cũng như chung quanh cửa sổ của phòng mình. Tôi thấy đó là một điềm lành, một niềm vui và niềm hy vọng vậy.
Tôi xin cảm ơn tất cả mọi người, mọi loài đã vì tôi mà hỗ trợ cũng như tồn tại. Nếu có được chút hữu duyên tác phẩm này đến với quý vị thì xin hồi hướng đến mười phương vô biên thế giới và cầu nguyện cho mọi loài mọi người được thâm nhập vào Phật trí của Như Lai.
Viết xong vào lúc 10 giờ sáng ngày 29 tháng 6 năm 2001 tại thư phòng chùa Viên GiácThích Như Điển