I. Khái quát về bệnh viêm gan siêu vi E
Siêu vi viêm gan E là nguyên nhân thường xuyên nhất gây ra những cơn dịch vàng da tại các vùng nhiệt đới. Tương tự như bệnh viêm gan siêu vi A, bệnh viêm gan siêu vi E lây lan qua thức ăn, nước uống và các điều kiện ô nhiễm của môi trường. Bệnh rất hiếm khi lây lan qua đường máu.
Bệnh thường tấn công vào bệnh nhân một cách rất “âm thầm, lặng lẽ”, nghĩa là ít khi bộc lộ bất cứ triệu chứng nào đáng kể. Trong một số trường hợp khá hiếm hoi, bệnh có thể trở thành ác tính. Điều không may là trong những trường hợp này, bệnh nhân có thể dễ dàng đi đến tử vong. Vì thế, bệnh rất nguy hiểm đối với các phụ nữ đang có thai.
Cho tới nay vẫn chưa có thuốc chích ngừa cho bệnh viêm gan E .
II. Vài đặc điểm của siêu vi E
Vào năm 1955, sau một trận lụt lớn tại Ấn Độ, nước sông Yamuna đã gây ra tiêu chảy và vàng da cho hơn 30 ngàn dân địa phương. Ban đầu người ta cho rằng bệnh viêm gan siêu vi A lại một lần nữa lan tràn khắp nơi qua nước uống đã bị ô nhiễm. Nhưng sau khi xét nghiệm máu, đa số các bệnh nhân này đều có kháng thể chống lại siêu vi viêm gan A. Và từ đó họ phát hiện ra một loại siêu vi gây bệnh viêm gan mới, tương tự như siêu vi viêm gan A với khả năng lây bệnh qua thức ăn, nước uống... Đó là siêu vi viêm gan E.
Siêu vi viêm gan E được tìm thấy khắp nơi trên thế giới, nhưng nhiều nhất vẫn là các nước ở vùng nhiệt đới gần đường xích đạo. Có tên trong danh sách này bao gồm châu Mỹ Latin, châu Phi, Ấn Độ, Trung Đông, châu Á... , nhất là những nước trong vùng Đông Nam Á.
Bệnh thường bộc phát theo từng chu kỳ, khoảng 5 đến 10 năm, theo những mùa mưa lớn gây ra lũ lụt. Trong những năm 1986 đến 1988, hơn 120 ngàn dân chúng sống trong vùng Trinh Giang (Xinjiang) ở Trung quốc đã bị “trúng độc” vì siêu vi viêm gan E. Riêng tại Hoa Kỳ, siêu vi viêm gan E là nguyên nhân của hơn 50% bệnh viêm gan cấp tính thuộc loại “không A, không B” (non-A, non-B).
Tuy nhiên, nếu như đa số những người đã tiếp xúc với siêu vi A, nhất là trẻ em, đều bị lây bệnh, thì siêu vi viêm gan E chỉ gây bệnh cho một thiểu số rất ít, từ 1 đến 10%. Nhưng bệnh lại có thể dễ dàng trở nên ác tính, với khoảng 0,5% đến 4% có nguy cơ tử vong. Độ tuổi dễ mắc bệnh nhất là từ 15 đến 40 tuổi.
Bệnh trở nên rất nguy hiểm khi người bệnh là phụ nữ đang mang thai, nhất là vào 3 tháng cuối cùng. Trong những trường hợp này, hơn 20% các bào thai có thể sẽ chết trong bụng mẹ hoặc ngay sau khi ra đời.
Ngày nay, siêu vi viêm gan E đã được xem là nguyên nhân quan trọng nhất gây ra dịch viêm gan lây lan qua đường tiêu hóa.
Giống như các bệnh truyền nhiễm khác, bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có thể bị nhiễm siêu vi viêm gan E. Và tương tự như siêu vi viêm gan A, bệnh lây lan ra khắp nơi qua thức ăn, nước uống và các điều kiện ô nhiễm của môi trường.
Bệnh dễ lây lan nhất qua số lượng siêu vi trong phân của bệnh nhân thải vào môi trường. Vì thế, tại các nước chậm tiến, khi phân người vẫn được dùng trong việc canh nông, bệnh có điều kiện để lan tràn một cách dễ dàng và nhanh chóng.
Hệ thống cống rãnh thoát nước không hoàn thiện cũng là một trong những nguyên nhân thuận lợi cho sự lây nhiễm siêu vi E, thông qua việc ô nhiễm nguồn nước. Chính vì thế, dịch bệnh viêm gan E trong đa số trường hợp thường bộc phát sau các trận lũ lụt.
Tuy nhiên, nếu so sánh với bệnh viêm gan siêu vi A thì bệnh viêm gan siêu vi E có tỷ lệ lây lan thấp hơn rất nhiều. Thông thường, từ 50% đến 75% số người sống chung với bệnh nhân viêm gan A cấp tính sẽ bị lây bệnh trong một thời gian ngắn. Nhưng đối với bệnh viêm gan siêu vi E, tỷ lệ này chỉ vào khoảng 0,7% đến 2,2% mà thôi. Người ta cho rằng siêu vi viêm gan E có phần “yếu ớt” hơn nên dễ bị tiêu diệt trong môi trường tự nhiên. Chỉ cần bị đun sôi trong vòng một phút, siêu vi viêm gan E sẽ hoàn toàn bị hủy diệt. Hơn nữa, số lượng siêu vi E xâm nhập vào cơ thể cần thiết đủ để gây bệnh viêm gan phải là nhiều hơn so với trường hợp của bệnh viêm gan siêu vi A.
Bệnh đôi khi cũng lây lan qua đường máu, nhưng rất hiếm khi lây lan qua các hoạt động tình dục.
III. Xác định bệnh viêm gan siêu vi E
Cho đến nay, xét nghiệm máu vẫn là phương pháp duy nhất để xác định bệnh viêm gan siêu vi E. Tuy nhiên, xét nghiệm máu loại này thường chỉ được chỉ định khi có nghi ngờ, và vì đây là một căn bệnh tương đối mới, nên đôi khi có nhiều người không nghĩ đến.
Trong lúc bệnh đang bộc phát, men gan ALT và chất kháng thể HEV-IgM có thể sẽ tăng cao. Kháng thể này cho thấy bệnh viêm gan cấp tính vừa mới bị lây. Ngược lại, kháng thể IgG là kháng thể xuất hiện khi cơ thể đã “đánh nhau” với siêu vi trong quá khứ trước đây. Vì thế, người có kháng thể HEV-IgG sẽ được miễn nhiễm đối với bệnh viêm gan E. Tuy nhiên, thông thường thì sau một thời gian từ 5 đến 10 năm, kháng thể HEV-IgG sẽ từ từ giảm dần và không còn đủ sức để bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của siêu vi viêm gan E nữa.
Mặt khác, xét nghiệm kháng thể HEV-IgM là một phương pháp xét nghiệm máu khá cầu kỳ, phức tạp, chỉ một số phòng xét nghiệm máu đặc biệt mới được trang bị đầy đủ phương tiện để thực hiện xét nghiệm máu loại này. Vì thế, một số lớn bệnh nhân viêm gan siêu vi E cấp tính hiện nay vẫn thường bị hiểu lầm là viêm gan cấp tính một cách “khó hiểu” và “không lý do”.
Siêu vi viêm gan E tiếp tục xuất hiện trong phân của bệnh nhân từ 3 đến 8 tuần lễ sau khi có các triệu chứng của bệnh viêm gan siêu vi E cấp tính bộc phát. Vì thế, trong vòng một đến hai tháng sau khi bị viêm gan siêu vi E cấp tính, người bệnh vẫn tiếp tục lây lan cho người khác. Tuy nhiên, sau khi khỏi bệnh hẳn, cơ thể sẽ có kháng thể chống lại siêu vi viêm gan E trong một thời gian dài từ 5 đến 10 năm sau.
IV. Diễn tiến của bệnh viêm gan siêu vi E
Thông thường, các triệu chứng của bệnh viêm gan E chỉ rất nhẹ và nhất thời, kéo dài từ vài ngày cho đến vài tuần lễ. Bệnh thường không để lại những hậu quả lâu dài như trong các trường hợp của bệnh viêm gan siêu vi B, siêu vi C và siêu vi D. Tuy nhiên, bệnh có thể trở nên ác tính và nguy hiểm nhất đối với các bệnh nhân nữ đang mang thai. Tại tỉnh Trinh Giang ở Trung quốc, trong cơn dịch bệnh vào những năm 1986 đến 1988 vừa đề cập đến ở trên, người ta ước tính có khoảng 1,5% phụ nữ đang có thai trong ba tháng đầu đã tử vong vì căn bệnh này. Tỷ lệ tử vong tăng lên 8,5% đối với các phụ nữ đang mang thai vào tháng thứ 4 đến tháng thứ 6, và 21% đối với phụ nữ đang mang thai 3 tháng cuối. Điều này có nghĩa là cứ 5 người phụ nữ đang mang thai vào những tháng cuối cùng bị nhiễm bệnh viêm gan siêu vi E, sẽ có một người có nguy cơ tử vong vì căn bệnh này.
Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 15 đến 60 ngày sau khi siêu vi xâm nhập vào cơ thể. Thông thường bệnh nhân bắt đầu bị sốt nóng nhẹ, mệt mỏi, đau nhức toàn thân giống như khi bị cảm cúm. Sau đó da và mắt trở nên vàng, nước tiểu sậm màu, phân cũng đổi màu mầu nhạt như đất sét. Bụng đau lâm râm, khó chịu, buồn nôn và ói mửa... Một số ít bệnh nhân bị tiêu chảy, nổi mề đay và đau khớp xương.
Khi xét nghiệm các phân hóa tố ALT và AST sẽ thấy tăng cao, thường cùng lúc với vàng da. Trạng thái này kéo dài từ 1 đến 6 tuần. Từ lúc da và mắt trở nên vàng, siêu vi viêm gan E có thể được tìm thấy trong phân của bệnh nhân. Nếu các điều kiện vệ sinh không được đảm bảo, những siêu vi này có thể sẽ làm ô nhiễm nước uống, và vì thế sẽ lây lan cho những người chung quanh.
Cũng như bệnh viêm gan siêu vi A, đa số bệnh nhân không cần chữa trị cũng tự nhiên từ từ thuyên giảm và khỏi bệnh. Chỉ trong một số rất ít trường hợp, gan bị tàn phá một cách rất nhanh chóng và bệnh nhân có thể phải tử vong nếu không được ghép gan.
V. Điều trị bệnh viêm gan siêu vi E
Thông thường bệnh chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn, không cần điều trị tự nhiên cũng hết.
Các triệu chứng của bệnh có thể cần được can thiệp tùy theo thể trạng của mỗi bệnh nhân, mục đích là để đảm bảo sức khỏe trong những trường hợp có các triệu chứng quá nặng.
Tuy nhiên, nếu bệnh trở nên ác tính thì nguy cơ tử vong là rất cao. Thường thì ghép gan (liver transplant) là phương pháp duy nhất để có thể cứu sống bệnh nhân.
Nói cách khác, trong điều kiện thực tế hiện nay chúng ta đành chấp nhận khá thụ động trong việc điều trị bệnh viêm gan siêu vi E cấp tính khi bệnh chuyển sang ác tính. Ghép gan không phải là một phương pháp điều trị mà đa số mọi người có khả năng chấp nhận, cũng như việc thực hiện vẫn còn rất nhiều hạn chế ở các nước nghèo hoặc đang phát triển. Vì thế, tầm quan trọng của việc phòng ngừa bệnh càng phải được chú ý nhiều hơn.
° ° °
Siêu vi viêm gan E đã trở thành một trong các nguyên nhân khá thường xuyên gây ra những trận dịch vàng da, viêm gan lây lan qua thức ăn và nước uống tại các vùng nhiệt đới. Tuy bệnh khó lây lan hơn bệnh viêm gan siêu vi A, và cũng không gây ra viêm gan cấp tính như viêm gan siêu vi B, C và D, nhưng trong một số trường hợp bệnh có thể trở thành ác tính với nguy cơ tử vong cao, nhất là nếu bệnh nhân đang mang thai. Vì vậy, mối đe dọa của căn bệnh này đối với sức khỏe cộng đồng là không thể phủ nhận được.
VI. Phòng ngừa bệnh viêm gan siêu vi E
Cho đến nay người ta vẫn chưa tìm ra được thuốc chủng ngừa bệnh viêm gan siêu vi E.
Vì thế, vấn đề vệ sinh môi trường, nhất là việc đảm bảo nguồn nước sạch, cũng như cải thiện các hệ thống cống rãnh thoát nước trong thành phố ... là những biện pháp tích cực và hữu hiệu nhất để ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh đáng ngại này.
Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, những biện pháp phòng ngừa cần được áp dụng triệt để như đối với các bệnh truyền nhiễm khác. Nhất là ý thức trách nhiệm của những người đã mắc bệnh, cần quan tâm đến việc đảm bảo các điều kiện vệ sinh cá nhân để không đẩy nhanh sự lan tràn của siêu vi trong môi trường.
Vì siêu vi E khá “yếu ớt”, nên việc “ăn chín, uống chín” cũng là một biện pháp rất hữu hiệu để phòng ngừa bệnh. Như chúng ta đã biết, chỉ cần đun sôi thức ăn, nước uống trong vòng một phút là đã có thể tiêu hủy siêu vi viêm gan E một cách dễ dàng.
Hy vọng trong một tương lai gần đây, người ta sẽ khám phá ra thuốc chích ngừa viêm gan E.