Để có lòng bi mẫn chân thật đối với tất cả chúng sinh, ta phải loại trừ bất kỳ định kiến thiên vị nào trong thái độ ứng xử. Cách nhìn thông thường của ta về người khác bị chi phối hoàn toàn bởi những cảm xúc phân biệt luôn dao động. Ta luôn cảm thấy gần gũi với những người ta thương yêu. Với những người xa lạ hoặc chỉ quen biết sơ qua, ta luôn cảm thấy có khoảng cách. Và rồi với những người mà ta xem như thù địch, không thân thiện hoặc cách biệt, ta luôn cảm thấy căm ghét hoặc khinh bỉ. Tiêu chuẩn cho sự phân biệt giữa bạn và thù của ta dường như rất đơn giản. Nếu ai đó gần gũi hoặc tử tế với ta, thì người đó là bạn. Nếu ai đó gây khó khăn hoặc làm hại ta, đó là kẻ thù. Kèm theo với sự yêu mến ta dành cho những người thương yêu là những tình cảm như tham luyến và sự khao khát thôi thúc ta bộc lộ những cử chỉ trìu mến, thân mật. Tương tự như thế, ta nhìn những người mà ta không ưa thích qua những cảm xúc tiêu cực như giận dữ hoặc căm ghét. Vì vậy, lòng bi mẫn của ta đối với người khác luôn bị giới hạn, thiên vị, có định kiến, và tùy thuộc vào điều kiện là ta có cảm thấy gần gũi với họ hay không.
Lòng bi mẫn chân thật nhất thiết phải là vô điều kiện. Ta phải nuôi dưỡng tâm an định để vượt lên trên bất kỳ cảm xúc phân biệt và thiên vị nào. Có một phương pháp để nuôi dưỡng tâm an định là quán niệm về tính chất không cố định của tình bằng hữu. Trước hết ta phải suy xét, không có gì bảo đảm rằng người bạn thân của ta hôm nay sẽ mãi mãi là bạn ta. Tương tự, ta có thể hình dung rằng sự ghét bỏ của ta đối với một ai đó không nhất thiết là sẽ kéo dài vô hạn. Những quán chiếu như thế làm phân tán và suy yếu đi những cảm xúc mạnh mẽ của sự thiên vị, làm giảm thiểu cảm giác rằng sự tham luyến của ta là mãi mãi không thay đổi.
Ta cũng có thể suy ngẫm về những hệ quả tiêu cực của sự tham luyến mạnh mẽ đối với những người bạn và sự căm ghét đối với kẻ thù. Tình cảm của ta dành cho một người bạn hay người ta thương yêu đôi khi làm cho ta mù quáng trước một số khía cạnh nào đó của người ấy. Ta phóng chiếu lên người ấy một phẩm chất hoàn toàn đáng yêu, tuyệt đối hoàn hảo. Và rồi ta bị sốc khi thấy điều gì đó trái ngược với những phóng chiếu của ta. Ta thay đổi từ cực đoan của sự yêu thương và khao khát sang sự thất vọng, ghét bỏ và đôi khi thậm chí là giận dữ. Ngay cả cảm giác hài lòng và thoả mãn trong một mối quan hệ với người nào đó mà ta yêu thương cũng có thể dẫn đến sự thất vọng, vỡ mộng và căm ghét. Mặc dù ta có thể cảm thấy những cảm xúc mạnh mẽ như tình yêu nam nữ hoặc sự căm ghét chính đáng là có sức thuyết phục sâu xa, nhưng sự hài lòng mà chúng mang lại chỉ là trong thoáng chốc. Theo quan điểm của đạo Phật, việc tránh xa sự chế ngự của những tình cảm như thế ngay từ ban đầu sẽ tốt hơn rất nhiều.
Hậu quả của việc bị chế ngự bởi lòng căm ghét mãnh liệt là gì? Chữ “căm ghét” trong tiếng Tây Tạng là “shedang”, hàm nghĩa là sự thù nghịch hằn sâu trong tâm hồn. Có phần nào đó không hợp lý khi ta đáp trả với sự bất công hoặc gây hại của người khác bằng sự đối nghịch. Sự căm ghét của ta không gây ảnh hưởng vật lý gì đến kẻ thù; nó không hề gây hại cho họ. Đúng hơn, chính ta là người phải gánh chịu hậu quả tồi tệ của sự cay đắng tràn ngập [tâm hồn] như thế. Nó gặm nhấm ta từ bên trong. Sự giận dữ bắt đầu khiến cho ta dần dần ăn không ngon, ngủ không yên và cuối cùng phải trằn trọc, trăn trở suốt đêm trường. Nó ảnh hưởng mạnh mẽ đến ta, trong khi những kẻ thù của ta thì vẫn vậy, thật sung sướng không biết gì đến tình trạng sa sút của ta.
Khi loại bỏ được sự căm ghét và giận dữ, ta có thể phản ứng với những hành vi gây hại cho ta một cách hiệu quả hơn nhiều. Nếu ta tiếp cận sự việc bằng một tâm trí bình thản, ta có thể nhìn nhận vấn đề một cách rõ ràng hơn và phán đoán được cách tốt nhất để giải quyết. Chẳng hạn, nếu một đứa bé đang làm điều gì đó sai trái, có thể gây nguy hiểm cho chính bản thân em hoặc người khác, như là đùa nghịch với những que diêm, ta có thể trách phạt em. Khi ta đối xử theo cách thẳng thắn như thế, hành động của ta có nhiều khả năng đạt đến mục đích hơn. Đứa trẻ sẽ không phải phản ứng với sự giận dữ của ta, mà là với sự quan tâm và nhận thức của ta về sự nguy cấp.
Đây chính là phương cách để chúng ta nhận ra rằng, kẻ thù đích thực của ta thật sự nằm trong chính bản thân ta. Chính sự ích kỷ, tham ái và sân hận của ta đã gây hại cho ta. Khả năng gây hại cho ta của những kẻ mà ta xem là thù nghịch thật ra là rất hạn chế. Nếu ai đó thách thức ta và ta có thể dựa vào giới hạnh tự thân để kiềm chế không trả đũa, thì rất có thể là dù người ấy có thực hiện bất kỳ điều gì, những hành vi ấy cũng không khiến tâm ta bị xáo trộn. Ngược lại, ngay vào lúc những cảm xúc mạnh mẽ như giận dữ quá độ, căm ghét hay khao khát vừa sinh khởi trong ta, chúng lập tức làm xáo trộn tâm trí, lập tức hủy hoại sự an ổn tinh thần của ta và mở tung cánh cửa để những bất hạnh và đau khổ tràn vào phá sạch đi mọi thành tựu của ta trên con đường tu tập tâm linh.
Khi ta nỗ lực để phát triển tâm an định, ta có thể suy xét rằng, ngay chính những ý niệm về bạn và thù là có thể thay đổi và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Không một ai khi sinh ra đã là bạn hay thù của ta, và thậm chí không hề có sự đảm bảo rằng những người thân thiết sẽ mãi mãi là bạn ta. Bạn và thù được định nghĩa dựa theo sự tiếp cận và cung cách cư xử của người khác đối với ta. Những người mà ta tin là có thiện ý với ta, yêu thương và quan tâm đến ta thì nói chung được ta xem là bạn, là người thân thiết. Những người mà ta tin rằng có ác ý và muốn gây hại cho ta thì đó là kẻ thù của ta. Vì thế, ta xem người khác là bạn hay thù đều dựa trên sự cảm nhận của riêng ta về suy nghĩ và tình cảm mà họ dành cho ta. Như vậy, chẳng có ai sẵn mang bản chất là bạn hay thù của ta cả.
Ta thường nhầm lẫn giữa hành vi của một con người với chính bản thân con người đó. Thói quen này đưa ta đến kết luận rằng chỉ vì một hành vi hay lời nói cụ thể nào đó mà một người là kẻ thù của ta. Thế nhưng, [về bản chất thì] con người vốn chỉ đơn giản là con người, không hề [sẵn có những tính chất như] bạn hay thù, là Phật tử hay tín đồ Thiên Chúa, là người Trung Quốc hay người Tây Tạng... Do tác động của hoàn cảnh, người mà trước đây là đối tượng công kích của ta có thể thay đổi và trở thành người bạn thân thiết nhất của ta. Không có gì đáng ngạc nhiên với những suy nghĩ kiểu như: “Ồ, ngày trước bạn từng đối xử với tôi chẳng ra gì, nhưng giờ đây chúng ta là những người bạn rất tốt của nhau.”
Còn có một phương pháp khác để nuôi dưỡng sự an định và vượt qua những cảm xúc thiên vị, phân biệt. Đó là quán chiếu về việc tất cả chúng ta đều bình đẳng như thế nào trong ước muốn được hạnh phúc và vượt qua khổ đau. Hơn thế nữa, tất cả chúng ta đều cảm nhận được rằng, về cơ bản ta có quyền thực hiện ước muốn đó.
Chúng ta làm thế nào khẳng định được quyền cơ bản này? Rất đơn giản, đó là một phần trong bản chất tự nhiên của chúng ta. Tôi không phải là người duy nhất để có được đặc quyền ưu tiên. Bạn cũng không phải là người duy nhất giữ đặc quyền ưu tiên. Mong muốn được hạnh phúc và vượt qua đau khổ là một phần trong bản chất tự nhiên của tôi cũng như của bạn. Và nếu điều đó là đúng, thì tất cả những người khác cũng đều giống như chúng ta, đều có quyền được hạnh phúc và vượt qua đau khổ, đơn giản chỉ vì họ cũng có cùng bản chất tự nhiên như ta. Chính trên nền tảng của sự bình đẳng này mà ta phát triển tâm an định đối với hết thảy mọi người. Trong khi thiền quán, ta phải nỗ lực để nuôi dưỡng cách nhìn nhận rằng: “Cũng giống như bản thân tôi luôn mong ước được hạnh phúc và vượt qua khổ đau, tất cả những người khác cũng vậy; và cũng giống như bản thân tôi có quyền tự nhiên thực hiện mong ước này, tất cả những người khác cũng vậy.” Ta nên lặp lại ý nghĩ này nhiều lần khi thiền quán cũng như trong sinh hoạt đời thường, cho đến khi nó thấm đẫm vào nhận thức của ta.
Còn một suy xét cuối cùng là, trong xã hội loài người, hạnh phúc của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào hạnh phúc của những người khác, và ngay chính sự tồn tại của ta cũng là kết quả đóng góp của rất nhiều người. Sự ra đời của ta phụ thuộc vào cha mẹ, và rồi ta cần có sự chăm sóc và yêu thương của cha mẹ trong những năm sau đó. Cho đến phương kế sinh nhai, nơi ăn chốn ở của ta, thậm chí là sự thành công và danh vọng của ta, cũng đều là kết quả đóng góp của vô số con người. Dù là trực tiếp hay gián tiếp, có vô số những người khác liên quan đến sự tồn tại của ta - đó là chưa nói đến hạnh phúc của ta.
Nếu ta mở rộng cách suy luận này ra khỏi phạm vi một đời người, ta có thể hình dung rằng, suốt qua những kiếp sống trước đây của ta - thực ra là từ vô thủy đến nay - đã có vô số người khác từng đóng góp nhiều vô kể cho hạnh phúc của ta. Từ đó, ta đi đến kết luận: “Mình dựa vào đâu mà đối xử phân biệt? Làm sao mình có thể đối xử thân thiện với một số người và thù địch với những người khác? Mình phải vượt qua mọi cảm xúc phân biệt và thiên vị. Mình phải làm lợi ích cho tất cả mọi người, ai cũng như ai.”
THIỀN QUÁN ĐỂ AN ĐỊNH
Ta tu tập như thế nào để nhận thức được sự bình đẳng về cơ bản của tất cả chúng sinh? Tốt nhất là hãy nuôi dưỡng cảm xúc an định bằng cách chú tâm trước hết vào những người tương đối xa lạ hoặc chỉ quen biết sơ qua, tức là những người mà ta không có cảm xúc mạnh mẽ theo bất kỳ khuynh hướng nào. Từ khởi điểm đó, bạn phải quán chiếu một cách bình đẳng, rồi hướng đến bạn bè và sau đó nữa là những kẻ thù nghịch. Khi đã đạt được một cách nhìn không thiên lệch đối với tất cả chúng sinh rồi, bạn nên thiền quán về lòng yêu thương, nguyện cho chúng sinh đạt được hạnh phúc mà họ mong cầu.
Hạt giống bi mẫn sẽ phát triển nếu bạn gieo trồng trên mảnh đất màu mỡ là một nhận thức thấm đượm tình thương yêu. Khi bạn đã tưới tẩm cho tâm thức bằng tình thương yêu, bạn có thể bắt đầu thiền quán về lòng bi mẫn. Ở đây, lòng bi mẫn chỉ đơn giản là niềm mong ước cho tất cả chúng sinh hữu tình đều được thoát khỏi khổ đau.