Nghệ thuật sống chân chính là ý thức được giá trị quý báu của đời sống trong từng khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc đời.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Có những người không nói ra phù hợp với những gì họ nghĩ và không làm theo như những gì họ nói. Vì thế, họ khiến cho người khác phải nói những lời không nên nói và phải làm những điều không nên làm với họ. (There are people who don't say according to what they thought and don't do according to what they say. Beccause of that, they make others have to say what should not be said and do what should not be done to them.)Rộng Mở Tâm Hồn
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Trời sinh voi sinh cỏ, nhưng cỏ không mọc trước miệng voi. (God gives every bird a worm, but he does not throw it into the nest. )Ngạn ngữ Thụy Điển
Khi mọi con đường đều bế tắc, đừng từ bỏ. Hãy tự vạch ra con đường của chính mình. (When all the ways stop, do not give up. Draw a way on your own.)Sưu tầm
Bạn có thể trì hoãn, nhưng thời gian thì không. (You may delay, but time will not.)Benjamin Franklin
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Chấm dứt sự giết hại chúng sinh chính là chấm dứt chuỗi khổ đau trong tương lai cho chính mình.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tường giải kinh Duy-ma-cật »» CHƯƠNG 14. PHẨM CHÚC LỤY »»

Tường giải kinh Duy-ma-cật
»» CHƯƠNG 14. PHẨM CHÚC LỤY

Donate

(Lượt xem: 1.253)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tường giải kinh Duy-ma-cật - CHƯƠNG 14. PHẨM CHÚC LỤY

Font chữ:

SỰ CẦN THIẾT LƯU THÔNG KINH PHÁP

KINH VĂN

Bấy giờ Phật bảo Bồ Tát Di-lặc rằng: Này Di-lặc! Ta đem pháp Vô thượng chánh đẳng chánh giác đã chứa nhóm vô lượng ức a-tăng-kỳ kiếp mà phó chúc cho ông. Những thứ kinh như thế, sau khi Phật diệt độ về đời mạt kiếp, các ông phải dùng thần lực diễn nói lưu bố khắp cõi Diêm-phù-đề chớ để dứt mất. Vì sao? Về đời vị lai sẽ có những gã thiện nam, thiện nữ và thiên, long, quỉ thần, càn-thát-bà, la-sát... phát tâm Vô thượng chánh đẳng chánh giác ưa pháp Đại thừa; nếu không cho họ nghe những kinh như thế thì mất lợi lành. Hạng người như thế nghe những kinh đó tất ưa thích tin chịu phát tâm hy hữu sẽ đảnh lễ vâng thọ, rồi theo chỗ cần lợi lạc cho chúng sanh mà diễn nói pháp.

Chúc (囑) là dặn dò, giao phó, ủy thác; lụy (囑) là gánh vác việc nhọc nhằn. “Chúc là nghĩa phó chúc dặn dò, đem thật pháp vô tướng mà phó chúc cho người hộ trì hoằng kinh. Lụy là nghĩa gánh vác cực nhọc.” (Trạm Nhiên). Chúc lụy là giao phó cho người gánh vác trọng trách lưu thông kinh pháp.

Pháp thực tướng vi diệu Phật chứng đắc do công đức tu hành từ vô lượng kiếp, nay người kế thừa cũng phải tu học trải qua vô lượng kiếp như thế mới có khả năng đảm đương trọn vẹn. Truyền trao kinh pháp là lưu bố. Phật dặn bảo, ký thác cho Di-lặc ở đây chẳng khác Phật Dược Vương thọ ký cho vương tử Nguyệt Cái về sau giữ gìn chánh pháp. Nguyệt Cái đã tiếp nhận và y theo pháp truyền trao của Dược Vương mà ban bố ra mãn mười tiểu kiếp. Nay vương tử Nguyệt Cái thành Phật Thích-ca đã viên mãn việc chúc lụy kia và sự chuyển trao nay lại tiếp tục từ Phật Thích-ca qua Bồ Tát Di-lặc, dần cho đến một ngàn vị Phật trong Hiền kiếp. Dù cho Hiền kiếp có chuyển sang đại kiếp khác thì sự truyền trao cũng không dứt.

Chúc lụy còn có ý nói căn dặn kỹ càng, thận trọng truyền trao vì kinh này, tức Duy-ma-cật Sở thuyết, tuyên bày pháp bất khả tư nghì. Vì là pháp bất khả tư nghì nên thể của kinh này vô cùng to lớn, gọi là đại. Tuy bất khả tư nghì nhưng lại là pháp khả thi và thực dụng, nên dụng của kinh phổ biến cùng khắp, gọi là quảng. Thể dụng quảng đại nên kinh này gọi là Phương đẳng, tùy thuận hợp với ba thừa nên là viên giáo. Những kinh như thế mà trong đời mạt pháp chúng sinh không được nghe thì thật là mất lợi lành. Do đó mà Phật tha thiết giao lại cho Di-lặc việc lưu truyền kinh này. “Cũng có thể nói lụy tức là trọng lụy, Như Lai ân cần chí thiết phó chúc, nên gọi là chúc lụy.” (Tuệ Viễn)

Phật phó chúc pháp vô thượng, tức kinh này cho Di-lặc. Kinh này chủ sự, do y sự mà thành tựu pháp vô thượng. Di-lặc trong tương lai thành Phật là do tiếp nhận ý chỉ này. Hơn nữa, Di-lặc nghĩa là lòng từ xuất sanh từ chủng tánh Như Lai. Pháp vô thượng chẳng phải là vật truyền trao đặc biệt riêng cho người chỉ có trí tuệ, cho dù là trí tuệ siêu việt đến đâu. Người có thể đảm đương được phải đầy đủ chủng trí Như Lai và tánh đức từ bi. Vì có hạt giống trí tuệ Phật mà có thể học hiểu, thấu suốt thật tướng vạn pháp và vì có tâm từ rộng lớn mà có thể tu hành và giáo hóa chúng sanh. Di-lặc có đủ hai điều kiện trí tuệ và tâm từ nên được Phật chọn ủy thác trọng trách. Vả lại, kinh này rộng nói đạo Vô thượng là nhân, mà quả là thành tựu đạo Bồ-đề. Nhân quả đều gói trọn trong kinh này và Di-lặc lại là Bồ Tát nhất sanh bổ xứ, vì thế Phật phó chúc cho Di-lặc là thuận theo nhân quả.

Những kinh như thế, tức những kinh bất tư nghị nói nghĩa quyết định, càng phải được xiển dương sau khi Phật diệt độ về đời mạt kiếp. Thời mạt pháp và cõi Diêm-phù-đề là thời gian và nơi chốn cần thiết nhất để lưu thông và hoằng dương kinh pháp này. Vì sao? Vì thời mạt pháp là đời ngũ trược ác thế, ma đạo hoành hành, thế lực chướng ngại trùng trùng. Đây là lúc tối tăm nhất, thế giới đầy những hiểm nạn, nên chúng sanh khởi tâm ngưỡng cầu giải thoát. Ai trong chúng ta cũng cảm nghiệm được thời gian này, thế giới này đang trải qua nhiều biến động khủng khiếp của thiên tai dịch bệnh, nhân sinh sa đọa không lối thoát; các tôn giáo đều cho hiện tại là thời của ma quỷ lộng hành. Thế nhưng có cảm tất có ứng. Thời gian này cũng là lúc các vị Bồ Tát đến với thế giới này để giáo hóa chúng sanh. Đây là sự thực nên tin.

Vì ma chướng giăng phủ khắp thế gian nên Phật khuyên Bồ Tát Di-lặc khi hoằng dương kinh pháp bất tư nghị này hãy dùng thần lực diễn nói lưu bố. Dùng thần lực là bằng tất cả trí tuệ và từ bi mà thu nhiếp chúng sanh. Diễn nói cùng khắp là dùng âm thanh sư tử hống vô ngại bạt trừ bốn ma. Dùng thần lực là nói tự tánh chân tâm lưu xuất chánh pháp. Diễn nói còn là chỉ pháp phương tiện thiện xảo hoạt dụng vô cùng để tiếp nối tuệ mạng chư Phật, không để dứt mất. Tuy thời gian này là đời mạt pháp nhưng không phải không có những chúng sanh có nhân duyên sâu đậm với Phật pháp và có căn cơ bậc thượng, thuận lợi để đắc pháp. Đối với chúng sanh phát tâm vô thượng đó, họ đã có căn lành, có thắng giải, thì kinh này là phương tiện thù thắng, là đòn bẫy nâng họ mau chóng tới quả vị giác ngộ. Đối với chúng sanh chưa có căn bản nào, nghe kinh này chắc chắn sẽ vui thích phát tâm cầu giải thoát như pháp, rồi từ đó tùy lợi ích của chúng sanh khác mà lưu truyền kinh pháp, như châm mồi lửa cho ngọn Vô tận đăng vậy.

NGHỆ THUẬT LƯU THÔNG KINH PHÁP

KINH VĂN

Di-lặc! Ông phải biết, Bồ Tát có hai tướng. Sao gọi là hai? Một là, ưa những câu văn hay đẹp. Hai là, không sợ nghĩa sâu xa, hiểu được đúng như thật. Như hạng ưa về những câu văn hay đẹp, phải biết đó là Bồ Tát mới học. Nếu ở nơi kinh điển thậm thâm không nhiễm, không trước, không có chút sợ sệt và hiểu rõ được đó, nghe rồi tâm thanh tịnh thọ trì, đọc tụng đúng như lời nói mà tu hành, phải biết đó là hạng tu hành đã lâu.

Bồ Tát có hai tướng; câu văn kinh này Huyền Trang dịch rõ hơn: Có hai loại tướng ấn Bồ Tát. (略有二種菩薩相印 - Lược hữu nhị chủng Bồ Tát tướng ấn.) Tướng ấn là dấu hiệu hay biểu hiện để nhận biết. Vì việc tiếp nối tuệ mạng của chư Phật cần phải xem xét từ cả hai chiều truyền bá và thọ trì, nên trước tiên Phật chỉ ra tướng ấn của Bồ Tát là ý nói mức độ thành tựu tu học của hành giả quyết định sự thành công của việc lưu thông và tiếp nhận kinh pháp.

Thế nào là tướng ấn của Bồ Tát? Một là, người mới học ưa chuộng văn từ hoa mỹ, thường lập những nghĩa triết lý xa vời, không thực tế. Đối với những người này, khuyết điểm của họ là hiểu biết hời hợt nghĩa kinh pháp, lại thích lời bóng bẩy cao siêu, xa rời hiện thực, không ích lợi gì cho sự giải thoát, lý giải kinh pháp bằng những văn cú đặc sệt mùi triết học, thậm chí tối nghĩa. Những người như vậy, kinh văn gọi là Bồ Tát mới học. Nếu không thân cận thiện tri thức, họ sẽ đi vào tà đạo. Thiện tri thức khi tiếp cận họ, thuận theo sở thích của họ, cũng dùng văn từ hoa mỹ nhưng biện giải rõ ràng chỉ ra con đường đúng đắn dẫn họ vào chánh đạo.

Hai là, người đã vun trồng hạt giống Phật pháp từ lâu đời, tu học thuần thục, có lợi căn thích pháp Đại thừa. Nơi kinh liễu nghĩa họ đã hiểu sâu và không sợ lý thậm thâm. Những người như vậy, kinh văn gọi là hạng tu hành đã lâu. Đối với những người này, thiện tri thức chỉ cần chỉ ra yếu nghĩa của kinh pháp liền giúp họ tiến xa và nhanh hơn trên đường đạo.

Ví như ba độc tham sân si đối với hai hạng người trên, sự lợi hại có khác nhau. Người mới học, có thể biết được tham là nhân của ngạ quỷ, sân là nhân của địa ngục, si là nhân của súc sanh. Từ đó, họ quyết định xem ba độc là thù địch cần phải tiêu diệt mà cầu Niết-bàn; đây là một cực đoan. “Nếu lìa ba pháp này mà cầu bồ-đề, ví như trời và đất, chỉ (chỉ là đoạn dứt, ngừng hẳn) ba tánh độc này mà có thể thấu suốt thật tướng độc là không thể được.” (Trạm Nhiên) Tuy nhiên, từ cực đoan trên bước qua cực đoan khác cũng chẳng đúng. Nghe kinh nói dâm nộ si là giải thoát, người mới học do định tuệ không đủ, bị nghiệp thức lừa gạt, liền chấp vào văn từ, cho đó là sâu sắc rồi khởi triết lý xa vời. Đó là không tự biết mình đắm chấp vào nghĩa vô ngại, rồi từ kinh sách bước ra đời thường lại sa ngã phá giới. Trạm Nhiên viết: “Người tu phần nhiều gọi ba độc là đạo, mà đắm trước vô ngại này phá các chánh giới kiến, thì sao gọi là thấu đạt được tánh ba độc?” Ba độc không có tự tánh, nhưng ở ba độc phải thấy tánh nhân quả, không đắm nhiễm, không triệt bỏ, không sợ sệt, không tự biện biệt. Chỉ cần thuận theo nhân quả, sống đúng như pháp là đủ. Đây là Bồ Tát tu học đã lâu.

Từ đoạn kinh văn trên, ta có được bài học nhìn người và sửa mình. Đối với người, cần phải nhận ra biểu hiện căn cơ sâu cạn ở họ qua sinh hoạt đời thường; đó là căn cứ tướng ấn Bồ Tát mà nhận biết. Ai tùy thuận theo nhân quả sống đúng như pháp, tâm thanh tịnh thọ trì, đọc tụng, đúng như lời nói mà tu hành, phải biết đó là hạng tu hành đã lâu. Bồ Tát mới học là người ưa nói lời, không đạt nghĩa, trong đời thường hiện tướng như những hình thức trưng bày khoa trương; cho dù họ không có tâm gạt người nhưng lại tự gạt mình với vẻ đạo mạo siêng tu và bác học. Bồ Tát thâm học là người được nghĩa quên lời, trong đời thường hiện tướng giản dị, thậm chí hết sức tầm thường, chẳng tranh luận chữ nghĩa với người, chỉ thuận duyên giáo hóa chúng sanh.

KINH VĂN

Di-lặc này! Lại có hai pháp gọi là Bồ Tát mới học không thể quyết định pháp thậm thâm. Hai pháp là chi? Một là, những kinh điển thậm thâm chưa từng nghe, nếu nghe thời sợ sệt sanh lòng nghi, không tùy thuận được, chê bai không tin rồi nói rằng: kinh này từ trước đến giờ ta chưa từng nghe, từ đâu đến đây? Hai là, nếu có người hộ trì giải nói những kinh sâu xa như thế, không chịu gần gũi cúng dường cung kính, hoặc ở nơi đó nói lỗi xấu của người kia. Có hai pháp đấy, phải biết Bồ Tát mới học chỉ là tự tổn hại chớ không thể ở nơi pháp thậm thâm mà điều phục được tâm mình.

Bồ Tát sơ học không hiểu sâu nghĩa vi diệu của kinh pháp, như kinh văn nói là không thể quyết định pháp thậm thâm; bản Huyền Trang ghi rõ hơn: không thể đắc pháp nhẫn thâm sâu. (不能獲得甚深法忍 – bất năng hoạch đắc thậm thâm pháp nhẫn.) Vì vậy có thể xem đắc pháp vô sanh là bước ngoặc ấn chứng sở học của Bồ Tát là vững vàng, thuần thục, ở pháp hành là bất thối chuyển. Từ đây có thể nói Bồ Tát sơ học bao gồm từ người sơ phát tâm, đã vào hàng thập tín, qua tam hiền thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, cho đến thất địa. Chưa chứng pháp vô sanh, chưa đắc tâm bất thối, Bồ Tát sơ học vẫn còn nguy cơ do không đủ trí tuệ mà lạc mất chánh kiến. Do chưa thâm nhập nghĩa thậm thâm, Bồ Tát sơ học đối với kinh pháp liễu nghĩa dễ sanh tâm kinh sợ, nghi ngờ, từ đó hủy báng kinh pháp, xa lánh, thậm chí phỉ báng vu khống thiện tri thức, tự gây chướng ngại trên đường đạo, tự đào mồ chôn mình trong ba đường ác. Không ít các học giả cả đời nghiên cứu, các vị xuất gia lâu năm vẫn bênh vực luận điểm kinh pháp Đại thừa là ngụy tạo, không chính thống; điển hình như kinh Lăng-nghiêm và kinh Duy-ma-cật thường là mục tiêu cho họ hủy báng. Có hai lý do khiến họ chống đối: một là, họ không tài nào hiểu được nghĩa thâm sâu của những kinh pháp như vậy; hai là, kinh pháp đó như mũi kim tiêm đúng vào mụt nhọt đang thối rữa của họ, và vì quá đau nhức nên họ la thét từ chối chữa trị. Những người như thế chỉ tự làm tổn hại chứ không thể ở nơi pháp thậm thâm mà điều phục được tâm mình. Ưa thích khoa trương bằng văn từ hoa mỹ, không đủ trí tuệ, lạc mất chánh kiến, Bồ Tát sơ học tự làm hại mình thì nói chi việc truyền bá kinh pháp.

Chúng ta là hàng sơ phát tâm, nên tự biết khả năng tiếp nhận giáo pháp, không vội tìm tới kinh pháp liễu nghĩa. Phải biết rằng Phật, Bồ Tát, các bậc thiện tri thức tùy theo nhân duyên thuyết các pháp xứng hợp với căn cơ của chúng ta. Chỉ cần nương nơi pháp phương tiện này mà tu học, nhân thừa cũng được, thiên thừa hay nhị thừa cũng được, không nên do chấp vào thừa phái mình chọn lựa mà khởi tâm chê bai kinh điển hoặc người hoằng pháp Đại thừa.

KINH VĂN

Di-lặc! Lại có hai pháp, Bồ Tát dù tin hiểu thâm pháp, vẫn còn tự tổn hại chớ không thể chứng được vô sanh pháp nhẫn. Hai pháp là chi? Một là, khinh dễ các Bồ Tát mới học mà không dạy bảo; hai là, dù tin hiểu thâm pháp mà lại chấp tướng phân biệt.

Đến đây, kinh văn mới đề cập pháp vô sanh như là lằn ranh phân định sơ học và thâm học: Bồ Tát dù tin hiểu thâm pháp, vẫn còn tự tổn hại chớ không thể chứng được vô sanh pháp nhẫn. Dù vậy, sơ địa Bồ Tát cũng có thể coi là đã có nền tảng tu học vững vàng. Bồ Tát dù đã có thắng giải đúng đắn, dù đã trụ từ sơ địa đến thất địa, vẫn do nghịch duyên là tâm khinh mạn và tâm chấp trước phân biệt vi tế mà chẳng thể đắc pháp vô sanh.

Hành giả tu hành tự cho là đã lâu, thông hiểu Phật pháp, khởi niệm tự hài lòng với sở đắc của mình; đây là tâm kiêu mạn hết sức vi tế. Trong sáu căn bản phiền não, hành giả thâm học tuy đã điều phục và đoạn dứt ba độc và phần thô trọng của tâm mạn, nghi và bất chánh kiến, nhưng phần nhỏ nhiệm của phiền não chướng và sở tri chướng vẫn còn. Đoạn kinh văn trước là nói tâm nghi ở hành giả sơ học. Đoạn kinh văn này nói tâm mạn ở hành giả thâm học. Do đoạn dứt mạn nghi thì không khởi tà kiến, do đó kinh văn không nói đến kiến phiền não.

Từ kiêu mạn mà Bồ Tát tu lâu khởi tâm khinh mạn, thấy có mình hơn, người kém. Bồ Tát này từ chỗ tự thỏa mãn với sở học, vẫn còn thấy chuyện phiền não của chúng sanh là thực có, phải do chúng sanh tự giải quyết; hoặc do kiến chấp về nghĩa không mà chẳng giảng bày chỗ đúng sai, không chỉ ra chỗ khúc mắc của chúng sanh; kinh văn nói: khinh dễ các Bồ Tát mới học mà không dạy bảo. Đây là Bồ Tát chưa thoát được bốn tướng; sự chấp trước vi tế tiềm ẩn mà Bồ Tát này không tự biết. Hoặc như trường hợp Bồ Tát này do khởi tâm kiêu mạn về chỗ hiểu của mình, không quán căn cơ chúng sanh, gặp ai cũng thuyết thật tướng, nói pháp không tự tánh, luận về vô tu vô chứng. Chính điều này khiến chúng sanh mới phát tâm hay hàng sơ học sinh kinh sợ, nghi ngờ mà hủy báng pháp Đại thừa, không tin kinh pháp liễu nghĩa. Đây là Bồ Tát này tự làm hại mình, tự thiêu rụi rừng công đức tu học bấy lâu.

Kinh văn tiếp theo nói: Dù tin hiểu thâm pháp mà lại chấp tướng phân biệt; trong khi bản dịch của Huyền Trang ghi: Không kính trọng tha thiết với chỗ học sâu xa rộng lớn; thích giáo hóa chúng sanh bằng tài thí thế gian, không thích pháp thí thanh tịnh xuất thế gian.[1] Chúng ta sẽ đối chiếu hai cách dịch, tuy khác nhưng vẫn cùng nghĩa.

Trước hết, chúng ta xem qua chú giải của cổ đức về câu kinh văn này để tìm hiểu lý do tại sao hành giả đã học sâu hiểu rộng lại còn chấp tướng phân biệt.

La-thập nói: “Tuy chẳng sanh ngã mạn mà còn phiền não chấp tướng.” Tăng Triệu viết: “Nhân nơi tin hiểu mà sinh chấp tướng phân biệt. Tuy nói là hiểu mà thật chưa hợp chân giải ngộ.” La-thập và Tăng Triệu cùng cho là Bồ Tát tu lâu này tuy phá ngã tướng, chứng nhân không, nhưng vẫn chưa triệt để phá ngã trong pháp, chưa đắc pháp không. Chưa đắc pháp không nên không thể chứng được vô sanh pháp nhẫn. Dù chỉ còn một niệm vi tế chấp tướng pháp thì việc truyền bá và tiếp nhận pháp Phật chưa hoàn toàn trọn vẹn.

Huệ Viễn đứng trên lập trường thực dụng mà nói: “Khinh người mới học mà không chịu dạy bảo, tức đối với người mà sinh khởi lỗi lầm, trái với lợi tha. Tuy liễu pháp sâu xa mà lại chấp tướng phân biệt, là đối với lý khởi lỗi lầm, trái với tự lợi.”[2] Do chấp tướng mà không thể phát huy tính thực dụng của kinh pháp. Dụng của kinh pháp chẳng thể khởi phát thì việc truyền thừa không thành.

Khuy Cơ đi từ thể đến dụng khi giải thích câu kinh trong bản dịch của Huyền Trang: Không kính trọng tha thiết với chỗ học sâu xa. Chỗ học sâu xa rộng lớn là thể. Chưa thâm nhập thể quảng đại nên không thấy tánh tướng của tội phước thực là không; vì chưa thấy được đạo lý này mà không thể đắc giới thể của Bồ Tát, dụng tâm còn ngăn ngại, chỉ thấy ích lợi trước mắt ví như tài thí, không thấy lợi ích mai sau ví như pháp thí. Đây là nói hành giả tuy tu học đã lâu, nhưng chưa thực sự triệt ngộ nên chỗ giảng pháp còn hạn chế ở pháp tướng.

Trạm Nhiên căn cứ bản La-thập nói: “Tuy hiểu thâm pháp nhưng chấp tướng phân biệt thứ lớp thềm bậc. Chấp tướng phân biệt sinh tưởng quyết định, lại là pháp động niệm, không phải đạo rốt ráo.” Do đó, bán tự hay mãn tự, ngũ thời bát giáo chỉ là phương tiện không thể đạt cùng tột chỗ không lời. Tuy nhiên, Trạm Nhiên không cho đây là nghĩa quyết định, mà nhấn mạnh nghĩa biết dùng phương tiện mới là viên dung. Nếu biết dùng phương tiện thật khéo thì tuy ba thừa, ngũ thời bát giáo, liễu nghĩa hay bất liễu nghĩa, thuyết giảng hay im lặng đều là dụng tâm chuyển biến tự tại, không đắm chấp một pháp, tự tâm cùng chúng sanh không chống trái. Do không hiểu chỗ dụng tâm này mà Bồ Tát tu lâu tuy tin hiểu thâm pháp vẫn khởi tâm chấp tướng phân biệt cao thấp ở các thừa giáo và thời pháp. Ngược lại, nếu hiểu lý lẽ này thì việc lưu truyền kinh pháp tự thông.

Chúng ta cũng có thể hiểu việc không kính trọng chỗ học sâu xa là do hành giả quá tin vào sở học tích tập lâu năm của mình mà chủ quan tùy tiện giảng thuyết những ý nghĩa không đúng như pháp, nhưng lại nhất định cho đó là đúng. Có lẽ vì ý này mà trong bản dịch tiếng Anh (có thể là bản sớm nhất, hoàn thành năm 1928), Izumi Hokei (1884-1947) viết: “Mặc dù họ (tức hành giả tu học lâu) thông hiểu giáo pháp thâm sâu, nhưng lại giải thích theo ý mình.”

Cũng do kiến chấp về sở đắc, Bồ Tát thâm học chẳng quan tâm đến hàng sơ học, chỉ lo tu sự cho riêng mình. Do chấp về sự, hành giả hết sức dụng công thí xả, loại trừ các tướng mà chẳng biết mình đang chấp tướng phân biệt. Hành giả tuy tu lâu, nhưng vẫn chưa thoát khỏi một niệm về vô tướng, vẫn còn xoay trở trong sự đối đãi của cái có tướng và cái vô tướng; đây là chấp về lý. Buông bỏ cái có tướng, lại dính mắc cái vô tướng, thì lý sự không viên dung. Lý sự lệch lạc như vậy thì việc lưu truyền và tiếp thọ kinh pháp chẳng thể thông. Tài thí là cái có tướng, pháp thí là cái vô tướng. Bản Huyền Trang ghi: “Thích giáo hóa chúng sanh bằng tài thí thế gian” là nghĩa biểu pháp cho việc ra sức buông bỏ cái có tướng; và: “Không thích pháp thí thanh tịnh xuất thế gian” là nghĩa biểu pháp cho sự dính mắc, không chịu thí xả cái vô tướng. Có thể do ý này mà bản dịch Anh văn của Charles Luk dịch ý, không dịch chữ: “Despite their faith in the deep Dharma, still give rise to discrimination between form and formlessness.” (Dù tin pháp thậm thâm, vẫn khởi phân biệt tướng và vô tướng.)

TIẾP NHẬN SỰ TRUYỀN THỪA

KINH VĂN

Bồ Tát Di-lặc nghe Phật nói như thế rồi, bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, thật chưa từng có! Như lời Thế Tôn đã nói, con quyết xa lìa các lỗi như thế, xin vâng giữ pháp Vô thượng chánh đẳng chánh giác đã chứa nhóm từ vô lượng a-tăng-kỳ kiếp của Như Lai. Nếu vị lai có gã thiện nam, tín nữ nào cầu pháp Đại thừa, con sẽ làm cho tay người đó được những kinh như thế và cho họ cái sức ghi nhớ để thọ trì đọc tụng, diễn nói cho người. Bạch Thế Tôn! Nếu đời sau có người thọ trì, đọc tụng, diễn nói kinh này cho người khác, đó chính là thần lực của Di-lặc lập nên.

Phật nói: Hay thay! Hay thay! Di-lặc này! Như lời ông nói, ta sẽ giúp cho ông vui thêm.

Bồ Tát Di-lặc sau khi nghe Phật nói liền tán thán: chưa từng có; là minh chứng lý do tại sao cần thiết lưu truyền kinh này về sau, nhất là vào thời mạt pháp, đồng thời là sự sáng tỏ lời Phật dạy về hai tướng ấn Bồ Tát và những lỗi lầm Bồ Tát có thể phạm phải khi tiếp thọ và lưu truyền kinh pháp. Di-lặc là bậc đẳng giác nhất sanh bổ xứ tất nhiên chẳng có những sai phạm trên, nay quyết xa lìa các lỗi như thế, là để các Bồ Tát từ thập địa trở xuống noi gương mà xả bỏ chấp trước phân biệt trong sự truyền thừa chánh pháp nói chung và bản kinh này nói riêng. Quyết xa lìa là trên nhân địa phải thường xuyên cảnh giác không để sai phạm, bảo đảm gìn giữ và phát huy pháp vô thượng cho đến khi việc chúc lụy thành tựu mới thôi. Pháp Vô thượng chánh đẳng chánh giác vốn thường trụ, chẳng phải mới sanh ra hay sẽ có được, nên gọi là đã chứa nhóm từ vô lượng a-tăng-kỳ kiếp. Vâng giữ pháp vô thượng là xứng tánh mà tâm an trụ nơi thật tướng vô tướng.

Bồ Tát Di-lặc nhận lãnh sự phó thác của Phật là kế thừa ở hiện tại. Nếu vị lai; ý nói việc lưu thông truyền bá từ bây giờ trở về sau. Sự truyền thừa kinh pháp phải đúng như vương tử Nguyệt Cái tiếp nhận pháp cúng dường từ Phật Dược Vương, trải qua vô số kiếp tu hành thành Phật Thích-ca và phó chúc cho Di-lặc; cứ thế tiếp nối vô cùng tận. Sự tiếp nối đó hàm ý trong lời xác nhận chính thần lực của Di-lặc sẽ bảo lưu chánh pháp về sau, không để đoạn mất.

Chúng ta lưu ý kinh văn viết: Nếu vị lai có gã thiện nam, tín nữ nào cầu pháp đại thừa; nghĩa là pháp giải thoát không chỉ hạn chế ở giới tăng sĩ mà mở rộng cho tất cả mọi người. Đã nói đến hàng cư sĩ, tất nhiên phải công nhận giá trị vượt bậc vươn xa của kinh này, như kinh văn viết: làm cho tay người đó được những kinh như thế. Pháp giải thoát bất tư nghị mà kinh này tuyên thuyết nhất định được Bồ Tát Di-lặc xiển dương và phổ biến rộng rãi chính là do tính dụng khả thi của kinh pháp, như đã nói đó là ý nghĩa mấu chốt của phẩm Bất tư nghị. Đến đây kinh văn giải thích rất rõ tại sao pháp bất tư nghị lại có thể thực hiện được. Vì mọi người đều có thể thâm nhập và nhiếp thọ pháp vô tướng nên kinh văn nói họ có cái sức ghi nhớ và nhất là ai cũng có thể thực hành cho đến viên mãn; như kinh nói: thọ trì đọc tụng, cũng như có thể truyền bá sâu rộng; kinh văn viết: diễn nói cho người. Tất cả lý sự thực dụng và khả thi đó có được chính là do bản tâm của mỗi người vốn là tâm Phật. Nếu tự giác diệu tâm thì trí tuệ hiển hiện và tâm từ lưu xuất; đây không phải là thần lực của Di-lặc là gì? Chính vì thế mà Phật hai lần khen ngợi Di-lặc, chứng minh cho trí tuệ và tâm từ là đảm bảo đầy đủ cho việc kế thừa và truyền bá kinh pháp và tuệ mạng của Như Lai. Vì thế kinh nói Phật tùy hỷ mừng cho Bồ Tát Di-lặc, nghĩa là chứng nhận vị Phật tương lai sẽ tiếp nhận trọn vẹn sự truyền thừa đúng như pháp.

KINH VĂN

Bấy giờ các Bồ Tát chắp tay bạch Phật rằng: Sau khi Như Lai diệt độ, chúng con cũng ở các cõi nước trong mười phương truyền bá cùng khắp pháp Vô thượng chánh đẳng chánh giác và sẽ dẫn dắt những người nói pháp được kinh này.

Lúc đó bốn vị Thiên vương bạch Phật rằng: Ở các chỗ hoặc thành ấp, tụ lạc, núi rừng, đồng nội có quyển kinh này, có người đọc tụng, giải nói, con sẽ đem các quyến thuộc đi đến chỗ đó để nghe pháp, ủng hộ cho người đó mỗi phía trăm do tuần, không để người cố ý tìm làm hại.

Bấy giờ các Bồ Tát phát nguyện theo lời Phật dặn dò mà thực hiện sau khi Như Lai diệt độ; tức tâm nguyện tiếp nối tuệ mạng và bản nguyện độ sanh của Thế Tôn. Tuy Di-lặc sẽ kế thừa pháp tối thượng và đắc thành chánh quả ở cõi này, nhưng pháp Phật chẳng phải riêng có ở cõi Ta-bà mà trùm khắp pháp giới, nên các Bồ Tát nguyện tiếp thọ và lưu thông pháp Vô thượng chánh đẳng chánh giác cùng khắp cả mười phương. Bản dịch của Huyền Trang ghi nhận có nhiều Bồ Tát “từ các thế giới phương khác cũng đến đây giữ gìn đại pháp”.[3] Bằng cách nào? Chính là các ngài khai mở con đường đạo, tức ý giáo; hành vi đối nhân tiếp vật biểu diễn làm gương, là thân giáo; và tuyên thuyết kinh pháp, là ngữ giáo, để dẫn dắt chúng sanh nói đúng như pháp, làm được như lời nói, và nghĩ đúng như ý chỉ kinh pháp, cụ thể là bản kinh Duy-ma-cật sở thuyết này.

Tâm nguyện của chư Bồ Tát chỉ nhằm một mục đích duy nhất là lưu thông pháp giải thoát bất khả tư nghị. Như Huệ Viễn nói: “Chắp tay bạch Phật; là lời hứa nhận lưu thông. Sau khi Như Lai diệt độ; là nêu thời gian lưu thông. Các cõi nước mười phương; là nơi lưu thông. Diễn nói cùng khắp; là việc lưu thông. Diễn nói rộng khắp pháp A-nậu Bồ-đề; tức nói về việc lưu truyền pháp chứng ngộ để khiến người tu học. Lại sẽ dẫn dắt các người thuyết pháp được kinh này; là truyền giáo pháp, khiến người giáo hóa kẻ khác.”

Pháp giải thoát vô thượng tuy khả thi nhưng trong sự thực hành không phải không có chướng ngại, nhất là trong đời ngũ trược ác thế đầy dẫy những thế lực ám chướng do cộng nghiệp của chúng sanh gây ra. Chính vì vậy mà việc hộ pháp nhất thiết phải được quan tâm hàng đầu. Đây là lúc bốn đại kim cang thần hộ pháp thể hiện trọng trách của mình.

Bốn vị thiên vương, còn gọi là Hộ thế thiên vương, là những vị thiện thần hộ pháp, thuộc chư thiên bộ trong Phật giáo, cai quản bốn châu ở bốn phương thế giới là Đông thắng thần châu, Tây ngưu hóa châu, Nam thiệm bộ châu và Bắc cu lô châu. Họ là Đông phương Trì quốc thiên vương (Dhṛitarāṣṭra) mặc giáp trụ, tay cầm pháp khí là đàn tỳ bà biểu thị lòng bi êm dịu như tiếng đàn. Vị thiên vương này vì bảo hộ chúng sanh mà luôn tự điều phục tâm như chỉnh dây đàn không cho lạc âm, hộ trì cõi nước an lành ví như gìn giữ thân tâm thanh tịnh. Tây phương Quảng mục thiên vương (Virūpākṣa) có thiên nhãn quán sát thế giới, biểu trưng cho trí tuệ tồi phục những ác hiểm, pháp khí là con xích long quấn quanh người sẵn sàng thu phục tà ma ngoại đạo và viên ngọc như ý biểu trưng cho pháp bảo viên mãn. Nam phương Tăng trưởng thiên vương (Virūḍhaka) với pháp khí là thanh gươm báu phá trừ vô minh, gìn giữ chủng tử thiện lành cho chúng sanh, tâm từ trải rộng, lúc nào cũng bảo hộ, thôi thúc chúng sanh tăng trưởng trí tuệ, từ bi và công phu tu tập. Bắc phương Đa văn thiên vương (Vaiśramaṇa) luôn thủ hộ đạo tràng của Như Lai, lắng nghe Phật pháp, nên pháp khí là bảo tháp Bát-nhã nhiếp thọ chúng sanh và chiếc lọng to lớn che trùm bảo vệ cõi nước.

Tứ thiên vương gánh vác trách nhiệm bảo hộ việc lưu thông kinh pháp, bạt trừ hai chướng là phiền não và sở tri chướng như Tướng tông thường nói, phá tan ba chướng là nghiệp chướng, hoặc chướng, và trí chướng như trong kinh Kim quang minh tối thắng vương, hay bốn chướng trở ngại Bồ-đề là xiển-đề, ngoại đạo, Thanh văn và Duyên giác chướng như ở kinh Vô thượng y, hoặc năm chướng là phiền não, nghiệp, sinh chướng, pháp chướng và sở tri chướng như Đại nhật kinh sớ viết. Chúng ta có thể kể ra vô số chướng ngại trên đường tu. Nhưng dù có vô lượng ngăn trở, Bồ Tát tùy thuận chúng sanh hiện thân thiên vương mà hộ pháp. Đây là Bồ Tát dùng phương tiện khéo léo tùy cơ hiện thân thiên vương mà nhiếp hóa chúng sanh.

Sự bảo hộ việc lưu thông kinh pháp, san bằng mọi chướng ngại trên đường tu của chúng sanh thường xuyên mọi nơi từ chỗ đông người như thành ấp, tụ lạc đến vùng hoang vắng như núi rừng, đồng nội, miễn sao có kinh thậm thâm này xuất hiện và có người chuyên tâm thọ trì. Kinh pháp và người đọc tụng, giải nói tự có sức mạnh giải thoát thần diệu thu nhiếp chúng sanh đang đau khổ chìm đắm trong luân hồi. Các vị thiên vương hộ pháp tự nguyện cùng các quyến thuộc đến nghe kinh, biểu diễn làm gương mẫu thu hút chúng sanh hội tụ về; gọi là ủng hộ, cổ vũ việc truyền thừa. Có quyển kinh này là lý giáo. Có người đọc tụng là sự hành. Bảo vệ lý sự vẹn toàn bằng cách tham dự nghe pháp, là văn tư tuệ. Bạt trừ chướng ngại chung quanh, không để người cố ý tìm làm hại; là bảo vệ sự tu hành.

Hộ pháp là một phần của việc bảo lưu và truyền thừa pháp Phật. Ngoài nghĩa hộ pháp, hình ảnh bốn vị thiên vương còn là nghĩa biểu trưng cho thành tâm cố gắng đóng góp của cư sĩ tại gia đối với chánh pháp. Chúng ta nên trân trọng những người không hề tiếc công tiếc của đang gây dựng cộng đồng Phật giáo lớn mạnh khắp nơi hiện nay.

KINH VĂN

Bấy giờ Phật bảo A-nan rằng: Ông hãy thọ trì lấy kinh này, rộng nói khắp truyền cho đời sau.

A-nan thưa: Dạ! Con đã thọ trì rồi.

Sau khi bốn thiên vương phát nguyện hộ pháp, Phật căn dặn A-nan thọ trì lấy kinh này, rộng nói khắp truyền cho đời sau. Trên là Phật phó chúc pháp vô thượng cho Di-lặc, đại diện cho Bồ Tát. Giờ Phật ký thác kinh này cho A-nan, đại biểu hàng Thanh văn. Trước kia nơi vườn Lộc Uyển, Phật thuyết Tứ đế, về sau ở Kỳ thọ viên giảng Bát-nhã, kinh này lại được thuyết vào thời Phương đẳng, nhưng tuyên bày nghĩa thật tướng viên mãn rốt ráo, nên kinh là viên giáo, chẳng thuộc thông giáo. Theo Huệ Viễn: “Kinh này gồm ba hội. Hội thứ nhất đức Phật thuyết (tức phẩm đầu Phật quốc và phần lớn phẩm 2: Phương tiện, gồm luôn hai phẩm cuối Pháp cúng dường và Chúc lụy), hội thứ hai ông Duy-ma thuyết (tức phần cuối phẩm 2 cho đến hết phẩm 10: Phật Hương Tích), hội thứ ba thì đức Phật và ông Duy-ma đồng thuyết (tức phẩm 11: Hạnh Bồ Tát và phẩm 12: Thấy Phật A-súc)”. Kinh này nói chỗ tột cùng của pháp giải thoát bất nhị nên bình đẳng, chẳng phân biệt Bồ Tát và nhị thừa, nên Phật khuyến khích A-nan thọ trì, nghĩa là y kinh này mà tu học, đồng thời lưu bố sâu rộng về sau.

A-nan nhận lãnh lời phó chúc của Phật. Kinh văn chép câu trả lời của tôn giả thật quả quyết: Con đã thọ trì rồi. (我已受持要者。- Ngã dĩ thọ trì yếu giả: Con đã thọ nhận gìn giữ chỗ cốt yếu rồi.) Thực vậy, xem lại phẩm Hạnh Bồ Tát, Phật thuyết về Phật sự với đối cơ chủ yếu là A-nan; từ đó Phật chỉ pháp quán thâm nhập sâu vào nghĩa cõi nước và sắc thân chư Phật. A-nan đã tham thấu liễu nghĩa bát cơm Hương Tích, món cơm thơm ấy có thể làm Phật sự, từ tướng cơm mà thấy được mùi hương vô tướng; nghĩa lý tột cùng như vậy nên gọi là quan trọng. Chẳng ngại dùng bốn ma và tám mươi bốn ngàn phiền não làm Phật sự, chứng được các tướng chính là pháp độ của Như Lai. Lý sự viên dung như vậy nên là thiết yếu. Thông được một tướng là thấu suốt tất cả tướng đều là tướng Phật; đây là yếu chỉ. Như Cát Tạng nói: “Yếu chỉ tức là thật tướng. Thật tướng gồm nhiếp các pháp, khi được yếu chỉ tức được các pháp.” Nắm được yếu chỉ ấy, tức A-nan đã thọ trì rồi, xứng đáng nhận lãnh lời phó chúc và truyền thừa của Phật vậy.



KINH VĂN

Bạch Thế Tôn! Kinh này tên là gì?

Phật bảo A-nan: Kinh này tên là Duy-ma-cật sở thuyết, cũng gọi là Bất khả tư nghị giải thoát pháp môn. Ông nên thọ trì.

Cho dù A-nan giác ngộ muộn hơn so với các đại đệ tử khác của Phật, nhưng chỉ với danh xưng đệ nhất đa văn và trí nhớ tuyệt vời, tôn giả cũng đáng được Phật giao phó trọng trách lưu thông kinh pháp. Vai trò trùng tuyên kinh pháp khi tăng đoàn kiết tập pháp tạng về sau đã chứng minh điều này. A-nan nhận thấy trách nhiệm ở tương lai nên hỏi Phật: Kinh này tên gì? Đây là vì chúng sanh mà hỏi. Do hỏi mà có tên kinh. Kinh này tên là Duy-ma-cật sở thuyết, cũng gọi là Bất khả tư nghị giải thoát pháp môn.

Đại sư Thiên Thai Trí Giả tổng kết kinh Phật có bảy cách đặt tên, gọi là Thất chủng lập đề (七種立題) căn cứ vào ba hạng mục là nhân (人), pháp (法) và dụ (譬). Bảy cách đó là:

- Đơn nhân lập đề (單人立題): lấy tên người đặt tên kinh, như kinh Phật thuyết A-di-đà, trong đó Phật là người nói kinh, A-di-đà là người được nói đến.

- Đơn pháp lập đề (單法立題): lấy pháp đặt tên kinh, như kinh Niết-bàn, trong đó Niết-bàn là pháp.

- Đơn dụ lập đề (單譬立題): lấy ví dụ đặt tên kinh, như kinh Phạm Võng, trong đó lưới trời Phạm thiên có vô số mắt lưới nhưng không xen tạp, là ví dụ cho pháp môn vô lượng chẳng ngăn ngại nhau.

- Nhân pháp lập đề (人法立題): lấy người và pháp đặt tên kinh, như kinh Văn-thù Vấn Bát-nhã, trong đó Văn-thù là người, Bát-nhã là pháp.

- Pháp dụ lập đề (法譬立題): lấy pháp và ví dụ đặt tên kinh, như kinh Diệu Pháp Liên Hoa, trong đó Diệu Pháp là pháp, Liên Hoa là dụ.

- Nhân dụ lập đề (人譬立題): lấy người và ví dụ đặt tên kinh, như kinh Như Lai Sư Tử Hống, trong đó Như Lai là người, Sư Tử Hống là dụ.

- Cụ túc lập đề (具足立題): lấy đủ ba hạng mục nhân, pháp và dụ đặt tên kinh, như kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa nghiêm, trong đó Đại Phương Quảng là pháp, Phật là người, Hoa nghiêm là dụ.

Theo trên, nếu tên kinh này là Duy-ma-cật sở thuyết thì đó là nhân pháp lập đề, trong đó Duy-ma-cật là người, sở thuyết là pháp. Nếu tên là Bất khả tư nghị giải thoát pháp môn thì đó là đơn pháp lập đề. Trong bản dịch của Huyền Trang, đức Phật dạy tên kinh này là Thuyết Vô Cấu Xưng Bất khả tư nghị tự tại thần biến giải thoát pháp môn (說無垢稱不可思議自在神變解脫法門), trong đó Thuyết Vô Cấu Xưng là người, pháp bất khả tư nghị giải thoát là pháp, tự tại thần biến là dụ cho thể và dụng, nên đây là cụ túc lập đề. Ngoài ra, khi A-nan hỏi tên kinh, bản dịch của Huyền Trang có thêm câu hỏi: Con thọ trì như thế nào? (我云何持 - Ngã vân hà trì?) Đây cũng là A-nan vì chúng sanh mà hỏi.

A-nan hỏi tên kinh và cách thọ trì. Phật nêu tên kinh và bảo tôn giả hãy thọ trì như vậy (如是受持 - như thị thọ trì); nghĩa là theo tên kinh mà tiếp nhận tương xứng với pháp nghĩa. Bất khả tư nghị là chẳng thể dùng ý thức mà luận thật tướng, là ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt. Tự tại là ở pháp tướng mà diệu dụng phương tiện. Thần biến là pháp thật tướng vô tướng khó nghĩ bàn lại vô cùng thực dụng, là ở tất cả tướng mà chứng tướng hóa sanh của chân tâm tự tánh. Giải thoát là không bị trói buộc ở tất cả tướng, là xa lìa hai tánh đối đãi. Pháp môn là cửa ngõ thâm nhập pháp thân.

Khuy Cơ giải thích: “Nêu chung một tên mà thọ trì, tức cách thọ trì. Bất khả tư nghị là siêu việt sự suy lường của tình thức và ngôn ngữ. Tự tại tức là nhậm vận, nghĩa là tự do. Thần biến tức là diệu dụng của thông quả, chuyển biến vô cùng, không mà rõ ràng là có. Giải thoát tức định quả vô lậu, thoát khỏi định chướng nên gọi là giải thoát. Hoặc cho rằng định quả là tự tại thần biến, chân như ly hệ gọi là giải thoát. Pháp môn là giáo năng thuyên, tức là giáo pháp hiển bày nghĩa sở thuyên.”

TÍN THỌ PHỤNG HÀNH

KINH VĂN

Phật nói kinh này rồi, trưởng giả Duy-ma-cật, Văn-thù-sư-lợi, Xá-lợi-phất, A-nan v.v... và các hàng trời, người, a-tu-la, tất cả đại chúng nghe lời Phật nói đều rất vui mừng tin nhận kính vâng làm theo.

Phật nói kinh này rồi, Duy-ma-cật, các Bồ Tát, Thanh văn cùng chúng sanh trong ba cõi hiện diện ở vườn xoài bấy giờ đều hoan hỷ y giáo phụng hành. Kinh này thuyết nghĩa thật tướng vô tướng, chỉ thể nhập và tự chứng thực bởi mỗi người nên kinh chủ về sự. Đây là điểm chủ yếu nhất của bản kinh, nên ngay từ phẩm đầu tiên, kinh văn trực tiếp đi vào việc làm và thành tựu của chư Bồ Tát, nói thẳng nghĩa truyền thừa và tiếp nhận pháp vô thượng.

Kinh văn cuối cùng kết lại bằng câu: tin nhận kính vâng làm theo (信受奉行 - tín thọ phụng hành). Tín là đối với kinh này hoàn toàn tin tưởng, chẳng khởi tâm nghi ngờ. Thọ là tiếp nhận. Phụng là cung kính y theo giáo pháp. Hành là thực hiện. Bản kinh mở đầu và kết thúc nhất quán không khác.

Tầm quan trọng của y giáo phụng hành thấy rất rõ từ cuối phẩm Thấy Phật A-súc cho đến hết kinh, theo đó có thể chỉ ra mười chỗ kinh văn lặp lại những chữ như: tin hiểu, thọ trì, đọc tụng, diễn nói, như pháp tu hành. Đây là con số khá nhiều so với các kinh khác, nhưng không phải vì vậy mà nghĩa trùng lặp, vì mỗi chỗ lặp lại về sau càng có nghĩa sâu hơn. Chúng ta xem lại bên dưới.

Lần một, ở cuối phẩm 12, Thấy Phật A-súc, Xá-lợi-phất thưa với Phật về những lợi ích cụ thể. Nếu có được kinh điển này chẳng khác được kho tàng pháp bảo tùy ý sử dụng tự độ độ tha. Nếu ai đọc tụng là lợi mình; giải thích nghĩa lý kinh này, là lợi người; đúng như lời nói tu hành, là làm như trí chứng; tất sẽ được chư Phật hộ niệm, là tự tâm tương ưng với bản nguyện của Phật. Nếu ai có thể biên chép thọ trì kinh này, là y kinh liễu nghĩa; hoặc có thể giảng được chỉ một bài kệ bốn câu, là thông suốt các pháp, được Phật thọ ký quả Vô thượng. Đây là nói lợi ích cụ thể.

Lần hai, đầu phẩm 13, Pháp Cúng Dường, Thiên đế thưa với Phật đây là kinh bất khả tư nghị tự tại thần thông quyết định thật tướng chính là Pháp thân đức. Kinh là phương tiện. Bất khả tư nghị là lý thể thậm thâm. Tự tại thần thông là sự diệu dụng. Quyết định là quả đức. Thật tướng là pháp thân. Do thiện xảo phương tiện, lý sự viên dung, nhất định chứng đắc pháp thân thường trụ. Do nghĩa lý của Phật nói cõi chúng sanh là Phật quốc, tận và vô tận không hai, vạn pháp là Phật pháp, nếu ai nghe mà tin hiểu, thọ trì, đọc tụng thì quyết được pháp này không nghi; chính là Bát-nhã đức. Huống chi đúng như lời nói mà tu hành, thời người đó ngăn bít các nẻo ác, mở cửa lành, thường được chư Phật hộ niệm, hàng phục ngoại đạo, dẹp trừ ma oán; đây là giải thoát đức. Ta thấy nghĩa của tín thọ phụng hành từ lợi ích cụ thể qua ba quả đức của đại Niết-bàn, rõ ràng mức độ sâu hơn.

Lần ba, cũng do Thiên đế nguyện bảo hộ kinh và ủng hộ người thọ trì, đọc tụng, đúng như lời nói tu hành, sẽ cúng dường hầu hạ là làm thân bình an đầy đủ, và cùng đến nghe thọ kinh pháp là tâm ta và người đều an lạc. Lần ba là nguyện bảo hộ của Đế thích, tín thọ phụng hành bước đầu đưa vào nghĩa pháp cúng dường.

Lần bốn, Phật bảo Thiên đế nếu có người đủ tín tâm thọ trì, đọc tụng, cúng dường kinh pháp này thời chính là cúng dường chư Phật; đây là gom hai nghĩa kế thừa và lưu truyền kinh pháp thành nghĩa pháp cúng dường trọn vẹn.

Lần năm, Phật muốn nói đến công đức vô lượng của việc cúng dường pháp nên trước đem phước đức của tài cúng dường để Đế thích so sánh. Vì sao? Quả bồ-đề của chư Phật đều từ kinh này sanh ra; đây là giải thích riêng việc kế thừa, tiếp nhận kinh pháp là duyên nhân chúng sanh thành Phật.

Lần sáu, Phật Dược Vương dạy vương tử Nguyệt Cái: Nếu người nghe những kinh như thế mà tin hiểu, thọ trì, đọc tụng, dùng sức phương tiện phân biệt giải nói, chỉ bày rành rẽ cho chúng sanh, giữ gìn chánh pháp; đó gọi là pháp cúng dường. Khác với trên nói về nghĩa kế thừa và tiếp nhận, đây là nhấn mạnh nghĩa lưu bố kinh pháp bằng cách diễn nói, giảng giải tường tận cho chúng sanh. Từ lần ba đến lần sáu nói về tín thọ phụng hành, kinh văn đã hoàn thiện nghĩa pháp cúng dường.

Lần bảy, bắt đầu phẩm này, Bồ Tát Di-lặc nhấn mạnh tính khả thi và thực dụng của pháp giải thoát, vì nếu kinh pháp này được lưu bố, phổ biến rộng rãi đến tay mọi người, ai ai cũng khả năng hiểu và có thể thực hành trọn vẹn việc kế thừa và lưu thông pháp, tức là ai ai cũng có cái sức ghi nhớ để thọ trì, đọc tụng, diễn nói cho người.

Lần tám là bốn thiên vương nguyện bảo vệ kinh pháp, khuyến khích ủng hộ người trì kinh, không để họ bị tổn hại. Khác với nguyện bảo hộ của Đế thích ở trên lấy cúng dường hầu hạ làm lợi ích ban đầu của việc tín thọ phụng hành, đây nhấn mạnh nghĩa hộ pháp là một phần quan trọng không thể thiếu trong sự truyền thừa pháp giải thoát, có thể thấy trong ý: không để người cố ý tìm làm hại.

Lần chín, nghĩa của tín thọ phụng hành hoàn chỉnh trong sự tiếp nhận của A-nan đối với lời Phật phó chúc. Do thọ trì như pháp mà đạt yếu chỉ của kinh pháp, và từ thông suốt yếu chỉ của pháp giải thoát mà thành tựu việc lưu thông kinh pháp. Chúng ta thấy rất rõ dụng ý của Phật ở đây khi phó chúc cho A-nan, là một đệ tử trong hàng Thanh văn lại nắm được yếu chỉ thọ trì pháp giải thoát. Vậy ai là Thanh văn, ai là Bồ Tát? Có thể thấy dụng tâm bình đẳng của Phật ở đây. Đó chính là tột cùng pháp tối thượng mà Phật trao lại vậy.

Lần mười là lần sau cùng ở cuối kinh, chủ yếu là nói đại chúng y giáo phụng hành. Tức là chỉ nói riêng nghĩa chúng sanh tiếp nhận kinh pháp mà tu hành, vì trên đã nói nghĩa lưu truyền do Bồ Tát và Thanh văn đảm đương rồi. Trong đoạn cuối này, có ngầm ý nghĩa việc lưu truyền tâm pháp của Phật chủ yếu do hàng xuất gia đảm nhiệm, hàng cư sĩ tại gia chỉ việc y giáo phụng hành là đủ. Người gánh vác được việc truyền thừa là tăng nhân xuất gia, tuy là số ít người, nhưng chuyên tu hơn, còn người cư sĩ hãy còn quá nhiều bận bịu đời thường. Đây là sự thực phải công nhận.

Đến đây, tập sách về kinh Duy-ma-cật kết thúc với tâm nguyện của tôi gói gọn trong một câu thật ngắn: Tín thọ phụng hành.

Viết xong tại Reseda, California, Hoa Kỳ

Lương Trần Pháp Giác
Cẩn bút

Liên lạc với tác giả xin email về gnoulnart@gmail.com

_____________________________________

CHÚ THÍCH

[1] Bản dịch ngài Huyền Trang liệt kê trong phần này có bốn điều. Đoạn trích dẫn ở đây là điều thứ 3 và thứ 4. Nguyên văn: “三者甚深廣大學處不深敬重。四者樂以 世 間財施攝諸有情, 不樂出世 清淨法施。 - Tam giả thậm thâm quảng đại học xứ bất thâm kính trọng. Tứ giả nhạo dĩ thế gian tài thí nhiếp chư hữu tình, bất nhạo xuất thế thanh tịnh pháp thí.” Xem Đại Chánh tạng, Tập 14, số 476, trang 587, tờ c, dòng 12-14. Việt dịch: Thích Nữ Tịnh Nguyên.

[2] Duy-ma kinh nghĩa ký - Tuệ Viễn.

[3] Nguyên bản: “爾時會中所有此界及與他方諸來菩薩。 - Nhĩ thời hội trung sở hữu thử giới cập dữ tha phương chư lai Bồ Tát.” Xem Đại Chánh tạng, Tập 14, số 476, trang 588, tờ a, dòng 1.

____________________________________

LỜI CẢM TẠ

Chân thành cảm tạ tất cả tác giả, dịch giả và các nhà xuất bản, các trang mạng Phật giáo đã cung cấp các tài liệu tham khảo bên dưới. Tôi cũng xin lỗi vì đã không trực tiếp liên hệ để được sự cho phép của quý vị, nhưng thiết nghĩ vì mục đích hoằng pháp lợi sanh nên kính xin quý vị chấp nhận lời xin lỗi chân thành này.

______________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

KINH

- Duy Ma Cật Sở Thuyết - Dịch giả: Tuệ Sỹ, nhà xuất bản Phương Đông, 2008

- Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh - Hán dịch: Cưu-ma-la-thập, Việt dịch: Thích Duy Lực, 1991

- Kinh Duy Ma Cật - Hán dịch: Cưu-ma-la-thập, Việt dịch và chú giải: Đoàn Trung Còn, Nguyễn Minh Tiến, nhà xuất bản Tôn Giáo, 2005

- Kinh Duy Ma Cật - Việt dịch và chú giải: Nguyễn Minh Tiến, nhà xuất bản Liên Phật Hội, bản in 2019

- Kinh Duy Ma Cật - Dịch giả: Thích Huệ Hưng, Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản, 1999

- Kinh Thuyết Vô Cấu Xưng - Hán dịch: Huyền Trang, Việt dịch: Thích Nữ Tịnh Nguyên

- Ordinary Enlightenment, A Translation of The Vimalakirti Nirdesa Sutra - Charles Luk, 1972

- The Holy Teaching Of Vimalakirti - Robert A. F. Thurman, 1976

- The Recorded Teachings Of Vimalakirti - Ven. Anzan Hoshin sensei, 1992

- The Vimalakirti Sutra - Burton Watson, 1997

- The Exposition Of Vimalakirti - Izumi Hokei (1884-1947), 1928

- Kinh Đại Bát Niết Bàn - Việt dịch: Thích Trí Tịnh

- Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Hán dịch: Thật Xoa Nan Đà; Việt dịch: Thích Trí Tịnh

- Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện - Việt dịch: Thích Trí Tịnh

- Kinh Hiền Kiếp - Hán dịch: Trúc Pháp Hộ, Việt dịch: Linh Sơn đại tạng kinh, daitangkinh.org

- Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật - Việt dịch: Thích Trí Tịnh

- Kinh Nhân vương hộ quốc Bát-nhã Ba-la-mật-đa - Hán dịch: Bất Không; Việt dịch: Thích Nữ Tịnh Nguyên

- Kinh Pháp Hoa - Hán dịch: Cưu-ma-la-thập, Việt dịch: Thích Trí Tịnh

- Kinh Thủ Lăng Nghiêm - Việt dịch: Tâm Minh Lê Đình Thám

- Kinh Viên Giác - Việt dịch: Thích Huyền Vi


SÁCH VÀ TÀI LIỆU CHÚ GIẢI KHÁC

- A Celebrity Falls Sick - Dzongsar Khyentse Rinpoche

- Bồ Tát Có Bệnh - Ni sư Như Đức

- Bồ Tát Tại Gia Bồ Tát Xuất Gia - Thích Nhất Hạnh, 1991

- Chú giải Kinh Duy Ma Cật - Tăng Triệu, Việt dịch: Hồng Đạo - daitangkinh.org

- Duy Ma Cật Và Lý Tưởng Người Cư Sĩ - Daisaku Ikeda (nguyên tác: The First Millennium of Buddhism, 2009), dịch giả: Nguyên Hảo

- Duy Ma Kinh Lược Sớ - Trạm Nhiên, daitangkinh.org

- Duy Ma Kinh Nghĩa Ký - Huệ Viễn, daitangkinh.org

- Duy Ma Kinh Nghĩa Sớ - Cát Tạng, daitangkinh.org

- Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn - Huệ Hải thiền sư, dịch: Thích Thanh Từ, Phật Học Viện Quốc Tế, 1990

- Đường Tu Không Hai - Minh Tâm, 1991

- Expository Commentary on the Vimalakirti Sutra - BDK English Tripiṭaṭka, 2012 (tức bản Anh văn của Chú giải Kinh Duy Ma Cật của Thánh Đức thái tử)

- Faces of Compassion - Taigen Dan Leighton, 2012

- Huyền Thoại Duy Ma Cật - Tuệ Sỹ, nhà xuất bản Phương Đông, 2006

- Kinh Duy Ma Cật Giảng Giải - Thanh Từ Toàn Tập, tập 10

- Kinh Kim Cang Giảng Lục - Thái Hư đại sư, Việt dịch: Thích Huệ Hưng

- Kinh Kim Cang Tông Thông - Tăng Phụng Nghi; Việt dịch: Thích Huệ Đăng

- Kinh Lăng Già Tâm Ấn - Cầu Na Bạt Đà La, Hám Sơn sớ giải, Việt dịch: Thích Thanh Từ, 1975

- Luận Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn - Cư sĩ Giản Kim Võ, Việt dịch: Lê Hồng Sơn, 2013

- Luận Đại Thừa Trăm Pháp Minh Môn - Hòa thượng Tuyên Hóa lược giảng, Buddhist Text Translation Society, 2004

- Lược Giải Kinh Duy Ma Cật - Thích Trí Quảng, 1991

- Phật Quang Đại Tự Điển - Việt dịch: Hòa thượng Thích Quảng Độ

- Tây Vực Ký - Pháp sư Huyền Trang, Nguyễn Minh Tiến Việt dịch, NXB Liên Phật Hội, 2022.

- Teachings of Vimalakirti - Sangharakshita, 1995

- The Lectures Notes of The Vimalakirti Sutra - Khenpo Sodargye, 2018

- Thiền Ba La Mật - Trí Giả Đại Sư, Thích Đạt Ma Ngộ Nhất dịch, 2009

- Thuyết Vô Cấu Xưng Kinh Sớ - Khuy Cơ, daitangkinh.org

- Thực Hành Con Đường Bồ Tát Qua Kinh Duy Ma Cật - Đương Đạo, Thiện Tri Thức xuất bản, 2001

- Tôi Học Phật - Tuyển tập Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, 2019

- Triệu Luận - Tăng Triệu, Việt dịch: Hòa thượng Thích Duy Lực, 2002

- Tư Tưởng Duy Ma Cật Từ Một Góc Nhìn - Hòa thượng Thích Thái Hòa, 2018

- Tự Điển Phật Học Hán Việt - Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, 2004

- Vimalakirti The Awakened Heart - Joan Sutherland, 2016

    « Xem chương trước «      « Sách này có 15 chương »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Nghệ thuật chết


An Sĩ toàn thư - Khuyên người bỏ sự giết hại


Hương lúa chùa quê - Phần 1: Hồi ký của Hòa thượng Thích Bảo Lạc


Quy Sơn cảnh sách văn

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.191.171.26 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...