Ngày... tháng...năm..Tôi thấy ngại cho các cô thiếu nữ bỡ ngỡ đi bên cạnh “chàng”. Tim các cô đập rộn lên mỗi khi mắt gặp mắt. Mộng của họ đang xây sẽ đẹp được bao lâu?
Ngày... tháng... năm...Tôi vẫn còn nhớ mãi câu Bình nói lúc xưa: “Anh không giàu, không sang nhưng anh có một tấm lòng. Nếu em thấy rằng tình yêu chân thành của anh đủ làm cho em sung sướng thì anh sẽ ở bên cạnh em, săn sóc em mãi mãi!”
Tình yêu ấy bây giờ ở đâu? Bình săn sóc tôi vào lúc nào?
Ngày... tháng... năm...Tôi muốn không bao giờ khóc nữa! Tại sao những giọt nước mắt quí hóa lại dùng để khóc một chuyện vô duyên như thế được! Bình đã lầm, tôi không phải là người lấy chồng mục đích để xoay một cái “vé cơm trường kỳ”.
Ngày... tháng... năm....
Nếu cuộc đời là một canh bạc thì tại sao khi biết mình thua rồi con bạc không may ấy không phủi áo đứng dậy một cách sảng khoái, tự nhận là mình “thua non”? Tại sao lại cứ nhất định luyến tiếc, lần lữa mong gỡ lại, mà có khi càng thua càng cay, càng gỡ càng rối? Có ai gỡ lại được một canh bạc hạnh phúc không?
Ngày... tháng... năm...
Đã lâu tôi không muốn nhắc đến bệnh hen của tôi nữa. Tôi đã quen chịu một mình. Khi nghẹt thở tôi uống một viên thuốc, nếu không khỏi thì hai viên, chờ đến khi cơn bệnh thối lui. Những viên thuốc độc ấy tôi coi như thuốc tiên. Nhưng biên giới giữa thần tiên và ma quái cũng cách nhau không xa.
Ngày... tháng... năm...
Tôi cảm thấy hình như sắp có một đứa con nữa. Một nguồn sinh mệnh mới để an ủi tôi, theo tôi. Và một món nợ mới trả không bao giờ hết, theo Bình.
Tôi tỏ ý muốn về nhà, về quê hương tôi, Bình tán thành ngay và giúp tôi sửa soạn hành lý còn sốt sắng hơn tôi nữa!
Ngày... tháng... năm...
Sau bao nhiêu ngày lo chạy các thứ giấy tờ: giấy khai sinh, giấy bảo đảm, giấy nhận quốc tịch, giấy tiêm thuốc trồng đậu và cuối cùng là vé máy bay, tôi đã đủ mọi điều kiện để trở về.
Có ai sắp từ giã nơi mình sống, trải qua những kỷ niệm vui buồn mà không luyến tiếc? Những ngày cuối cùng, hình như lương tâm Bình phát hiện nên đối với tôi tử tế hơn. Anh bớt dùng những cử chỉ và lời nói nặng nề cay nghiệt. Có lẽ anh muốn tôi có một ấn tượng không đến nỗi xấu lắm khi con tôi hỏi thăm về cha nó sau này.
Chỉ còn vài hôm nữa tôi sẽ trở về với cha mẹ tôi. Quê hương tôi nơi có nắng ấm quanh năm, có gia đình, có những người bạn của quê hương đầy thông cảm, chắc tôi sẽ tìm lại được nguồn vui đã mất!
********************
- Anh đã dặn xe đến đón chưa?
- Anh đặt tiền rồi, thế nào họ cũng đến, em đừng lo. Em ngủ trước đi nhé. Anh còn phải viết một bức thơ cho ba má em thực là... thực là...
Bình bỏ lửng câu nói, anh không tìm được một chữ gì đúng với ý mình. Bình đến bàn viết kéo ngọn đèn xuống thực thấp cho Trang khỏi chói mắt. Làm xong cử chỉ ấy Bình chợt thấy mình đã khác thường. Xưa nay anh chỉ cố ý kéo đèn thực cao mỗi khi Trang lên giường trước anh, Bình cố ý trêu nàng khi anh bực mình, mà cái bực mình thì hình như là bạn cố tri, chẳng mấy khi rời khỏi anh.
Bị ánh sáng chói vào mắt Trang không ngủ được, nàng quằn quại trên giường, hết lấy tay che mắt, lại lấy khăn che mặt, hết nằm sấp lại nằm nghiêng. Bình biết những lúc ấy Trang không thể nào ngủ được dù nàng có thay đổi mấy chục kiểu nằm khác nhau.
Lắm khi chính Bình cũng rất buồn ngủ nhưng anh cố thức để xem và anh rất thỏa mãn nhìn dáng điệu đau khổ của Trang, Trang đè nén, cơn giận đã như một bát nước đầy chỉ cần thêm một giọt là đủ để tràn, nhưng Trang cố thử thách mình bằng cách không giận dữ, không chống cự.
Sau bao nhiêu tháng nghiên cứu kỹ tính nết chồng, Trang biết Bình là người không thể dùng lời nói để tìm ra lý lẽ, và cũng không thể làm dữ với anh vì anh sẽ dữ hơn. Bình như có tính cách của người bị chứng bệnh “ngược đãi cuồng” thích nhìn người khác đau đớn. Những lúc ấy Trang chỉ chịu đựng và trong thâm tâm, một làn sóng ngầm nổi dậy, Trang nghĩ cách thoát thân mà Bình không thể làm tổn thương được.
Bình đốt một điếu thuốc lá ngồi suy nghĩ. Đêm đã khuya bên ngoài không còn một tiếng động nào ngoài tiếng gió thổi rất mạnh. Mỹ ngủ say từ lâu, Trang tuy nằm im nhưng Bình biết nàng chưa ngủ.
Mười hai giờ rồi một giờ. Bình càng nhìn đồng hồ càng bực mình. Quái văn chương anh ngày thường vẫn nhiều lắm, nhưng đến lúc cần dùng thì chúng trốn đâu mất cả. Bức thư hơn một tiếng đồng hồ vẫn chưa đếm đủ năm dòng. Bình càng nóng ruột muốn làm cho chóng xong thì hình như ngòi bút cũng làm khó dễ với anh. Đã thế đồng hồ thì hình như càng chạy nhanh hơn. Trang chỉ còn ở lại đây một lúc nữa thôi, năm giờ sáng nàng sẽ rời khỏi nơi này và không biết bao giờ mới trở lại!
Bình nhớ lúc Trang tỏ ý muốn về nước anh thấy một sự sung sướng lạ lùng mới mẻ, nhất là Trang lại định đem cả con Mỹ đi theo. Anh đã chán cái cảnh vợ ốm con khóc, cảnh thiếu tiền tiêu riêng. Anh ghét không muốn về nhà thăm mẹ và các bà chị vì họ hay khuyên anh điều này điều nọ, đến khi lập gia đình anh tưởng sẽ được làm chúa tể trong nhà, không ngờ Trang cũng có đến hàng tá “thập giới” để khuyên anh: nào là phải về thăm mẹ, nào là đừng đánh bài lắm, nào là phải tập lịch thiệp một chút, nào là yêu cầu anh học một cái gì chuyên môn... nhiều lắm, đến nỗi anh phát ghét cho là tất cả mọi người cùng về hùa với nhau để khủng bố anh.
Suốt bốn tháng Trang bận rộn công việc xin giấy tờ, nhiều thứ giấy rất phiền phức về vấn đề quốc tịch, nhưng Bình cũng chẳng hề giúp nàng gì cả, vì đó không phải là việc của anh, không quan hệ đến anh. Bây giờ sắp xa nhau, lấy công tâm nghĩ lại Bình thấy mình đã tàn ác với Trang quá, không những thế số mệnh cũng tàn ác với nàng nữa. Trong lúc anh chưa tập được tính yêu trẻ con, bao nhiêu khó nhọc đều đổ dồn cho Trang cả, nay Mỹ hơi lớn thì đứa bé thứ hai đến với nàng. Khi biết chắc cái được gọi là “tin vui” kia anh điên cả người, chỉ sợ Trang đổi ý. Anh băn khoăn mãi không dám hỏi, đến khi thấy Trang vẫn quả quyết đi anh mới yên tâm nhưng hơi hối hận, và càng thấy mình có lỗi đối với mẹ con nàng hơn.
Viết xong thư, Bình đem lại giường cho Trang xem, hai người cùng cúi đầu bên cạnh ngọn đèn đầu giường thì thầm đọc.
Bình nói rất khẽ:
- Chúng mình chỉ còn hai tiếng đồng hồ nữa thôi! Biết bao giờ mới được gặp lại.
Trang chỉ gục đầu vào ngực anh im lặng. Phải còn bao giờ gặp lại nữa!
- Em về thăm nhà ít lâu rồi lại sang. Hay nếu có thể thì anh sang với em, Anh có thể dạy tiếng Anh ở đâu cũng sống được!
Trang cố nói với Bình những lời hứa hẹn rất ngọt ngào để anh yên lòng cho nàng đi, vì dù sao, nếu anh đổi ý thì Trang cũng khó lòng ra khỏi nơi này.
Trong giây phút sắp xa nhau, bây giờ Bình mới thấy trong tay đã có ngọc quí mà không biết. Chuyện đời là thế, người ta chỉ tiếc khi đã mất, hay sắp mất một thứ gì vẫn thuộc quyền sở hữu của mình, và vẫn bị mình coi như sỏi đá. Xưa nay anh đã từng nghe tất cả bạn bè khen anh tốt số, thèm thuồng hoàn cảnh của anh, Bình vẫn coi thường, coi như sự hưởng thụ sinh hoạt cao hơn khả năng anh tạo được là trời sinh ra anh để được sung sướng như vậy, đó là lẽ tất nhiên, không có gì đáng kể.
Trong lúc các bạn cùng một lứa như anh phải quần quật, làm ngày làm đêm để cung cấp cho gia đình đầy đủ, vì họ có những bà vợ chỉ biết đợi chồng đem tiền về nhà tiêu xài, lại còn bắt chồng cung phụng cho cả họ ngoại xa gần bên vợ nữa.
Bình chỉ phụ trách một nửa gánh gia đình, còn nửa gánh nặng hơn, Bình thân tặng cho Trang, không hề muốn biết trong gánh có gì và nặng hay nhẹ. Sự thực hai người cũng phải trải qua nhiều thử thách xót xa mới đến được chỗ “thông cảm” như vậy.
Nhưng được cái này mất cái khác, Bình không có cái thú là người quan trọng nhất nhà như các bạn. Mọi gia đình khác, người chồng được coi như linh hồn, như cột trụ chính, nếu không có linh hồn ấy thì gia đình phải vất vả long đong không ít.
Còn Bình, nói dại nếu lỡ anh có trúng phong trúng gió thì gia đình anh vẫn đứng vững, như không có chuyện gì xảy ra, Trang vẫn đủ sức nuôi con khôn lớn ăn học đàng hoàng như ai vậy, không vì sự vắng mặt của anh mà cạn hết nguồn sống! Điều này làm Bình thấy chạm đến lòng tự ái của kẻ “đại trượng phu” lắm lắm. Nhưng dù sao anh cũng đã làm cho nhiều người ao ước!
Giờ đây Trang sắp đi anh mới thấy tiếc ngẩn tiếc ngơ: vì lỡ mất Trang thì trong đời anh còn biết tìm đâu ra một người vợ không phải là một bà chằng “vừa xinh vừa ngu” lại vừa đảm đang như Trang!
Trang thì thầm:
- Em sẽ trở về!
Anh biết Trang hứa không có bảo đảm nhưng cũng phải giả vờ tin, tin để có cớ công khai nói với mọi người, không ai có thế trách anh đã bạc đãi Trang để nàng phải về quê ngoại trong lúc con còn dại, lại thêm mới bắt đầu thai nghén. Cả hai cùng biết là hứa giả, tin vờ nhưng cũng cứ “diễn xuất” y như thực, và trong một lúc tình cảm nổi dậy chân thành quá, cả hai cùng đã thành công trong sự lừa người, lừa mình mà kết quả chẳng biết sẽ đưa tới đâu!
- Mỗi tháng anh nhớ đưa cho me một ít tiền tiêu vặt cho me vui. Me đã già rồi, bây giờ anh không thăm nom, lúc chết, làm đám ma to, tốn bạc nghìn thì có ích gì cho me?
- Anh đối với các chị tử tế một chút, đừng lãnh đạm quá như thế! Dù sao..
- Anh sẽ nghe em tất cả!
Trang vẫn tưởng “đi là hết”, nhưng bây giờ nàng mới thấy không đành, Trang vẫn thấy cần phải thu xếp dặn dò tất cả mọi công việc, săn sóc những người chung quanh từng ly từng tí một.
Còn Bình, anh trở lại ngoan ngoãn như lúc mới gặp Trang lần đầu tiên,anh hứa sẽ sẵn sàng làm theo tất cả ý nàng muốn, dù Trang bảo vá trời lấp biển gì cũng nhận lời tất cả.
Tiếng còi xe vang dội ngoài cửa làm Trang tỉnh giấc. Nhìn đồng hồ thấy đã đúng năm giờ, Trang vội đánh thức Bình và con Mỹ dậy, mặc áo rất vội vàng. Trời cuối tháng chạp, gió sớm thổi từng cơn rét như cắt. Bà Ba cũng đã thức dậy, Trang nghe tiếng bà bật đèn, và khóc nấc từng cơn se sẻ. Có lẽ chỉ có một mình bà tiếc Trang, không phải vì thương Trang nhưng vì thương con Mỹ. Bà cô già không chồng sống rất cô độc, bà đã có rất nhiều lý do để thương Mỹ. Lý do thứ nhất là bà vẫn thường đeo nó trên lưng và nhắc mãi việc chính tay bà đã bế nó ra khỏi nhà thương, đã trả tất cả mọi tiền phí tổn sinh nở thuốc men ba đô la rưỡi. Bà luôn luôn khoe: “Chỉ trả có ba đồng rưỡi mà bế được cháu tôi về nhà, hạnh phúc biết bao!” Trước kia tất cả tình thương của bà hiến hết cho Đức Chúa trời rồi đến bọn chó mèo, nhưng từ ngày có con Mỹ, thứ tự phải xếp lại, nhất là Chúa Trời, thứ hai là Mỹ rồi mới đến bọn chó mèo. Bà dành phần bế con Mỹ, thì thầm với nó giọng đầy nước mắt:
- Cầu Chúa phù hộ cháu tôi, bình yên chóng lớn.
Ngoài cửa tiếng còi xe lại thúc giục. Trang nhìn căn phòng một lần cuối cùng rồi bước nhanh ra sân. Một làn gió lạnh thổi tạt qua mặt làm Trang rùng mình. Trang nhìn quanh như để từ giã nơi đã sống với nhiều kỷ niệm vui buồn. Bên phải là một bãi cỏ rộng mênh mông, nơi đây chiều chiều nàng vẫn đẩy xe cho Mỹ đi chơi, bên trái là vườn rau của bà Ba, sáng chiều nào bà cũng lo vun tưới rất cẩn thận, nhiều lần bà đi vắng suốt ngày Trang tưới giúp cho bà mỏi rã rời cả người. Cả ba cùng đi im lặng không ai nói gì, sợ phá tan cái không khí tĩnh mịch ban mai, sợ nghe giọng nói cảm động của mình, hay sợ phải nhắc đi nhắc lại những lời dặn dò quá nhiều lần rồi, chắc chắn là mình không thích nói mà người khác cũng không thích nghe.
Bà Ba chỉ đưa ra đến xe, Bình cùng đi lên sân bay. Lúc Trang lên máy bay rồi Bình thấy mắt anh hình như mờ đi. Trang nhìn qua cửa kính, nàng cầm tay Mỹ dạy nó vẫy ba. Máy bay đã cất cánh anh còn với trông theo bàn tay bé nhỏ của Mỹ và hình ảnh của Trang lần cuối cùng. Gió buổi sáng ở phi trường trống trải lạnh buốt cả hai má, anh chầm chậm bước ra về không để ý đến những chiếc xe taxi vắng khách, trở ra đang chào đón. Bình đi bộ trên con đường đưa ra thành phố, anh bước nặng nề từng bước một, cố phân tích cái cảm giác phức tạp của lòng mình.
Về đến nhà, Bình nằm lăn trên giường nguyên cả áo. Con người cẩn thận khét tiếng “cái gì lấy ở đâu để lại đấy” như anh lần đầu tiên đã phá giới, làm một việc trái hẳn thói quen không thay áo trước khi lên giường. Bình để yên hai dòng nước mắt tự do chảy tràn xuống gối. Cái giường đối với anh bây giờ hình như rộng quá, và căn phòng ngày thường anh vẫn cáu kỉnh vì nhỏ hẹp bây giờ bỗng như trêu anh hóa ra rộng mênh mông. Cái gối Trang nằm vẫn còn giữ vết trũng của đầu Trang gối lên tối hôm qua. Cái khăn bông Trang vẫn đắp lên cổ phảng phất một mùi hơi quen thuộc làm anh cảm động đến lặng người.
Cái bàn Trang vẫn ngồi đánh máy những bài viết, bản văn, bản dịch, những giấy tờ riêng của Trang làm ban đêm vẫn còn đó nhưng thiếu cái bóng trên tường, cái bóng người đánh máy bên ngọn đèn đêm ấy đã in trong trí óc một hình ảnh bất di bất dịch lúc nào mà anh không hay.
Mới cách đây mấy hôm anh còn khó chịu vì tiếng máy chữ lách cách, anh gắt gỏng vì suốt ngày ở sở đã nát óc vì những tiếng động, tối về nhà lại cũng vẫn những tiếng động ấy, tức chết được, anh không còn biết trốn vào xó nào! Đâu có phải người ta sống để suốt ngày liền đêm chôn vùi trong bực mình.
Nhưng giờ phút này không còn tiếng lách cách đáng ghét nữa thì lại hình như thiếu tất cả, bây giờ mọi thứ đều ngăn nắp sạch sẽ đúng như ý anh muốn, nhưng chúng như đã mất linh hồn, làm cho không khí thành lạnh lẽo cô đơn! Xưa nay anh vẫn ước ao, vẫn tranh đấu hằng ngày để có được cảnh rộng rãi, thứ tự và im lặng thì bây giờ nó lại hóa ra trống rỗng vô vị...
Bây giờ nhìn lên bàn viết không có bóng Trang in lên tường, nhìn đến giường Mỹ, bên cạnh tường mấy lỗ vôi loang lổ nhắc anh nhớ lại những lúc anh tức giận đánh vào tay Mỹ rất đau chỉ vì con bé thích moi móc những mảnh vôi trên tường đã bị nứt rạn ra, bây giờ không còn Mỹ nữa dù anh có cho phép nó phá vỡ cả một mảng tường.
Tất cả mọi thứ đều tan biến, chỉ còn im lặng cô đơn. Bình đã được những thứ anh thèm thuồng ao ước mà đáng ghét là tâm hồn anh chỉ có những cảm tưởng trái ngược. Bình bỗng nhiên thấy mình hóa ra hai con người khác nhau mà chỉ cách nhau mới có một đêm. Anh vùng dậy ngồi vào bàn, viết cho Trang bức thư đầu tiên sau khi nàng đi.
Trang bế con nhìn qua cửa kính, nàng cầm tay con bé vẫy cho đến khi máy bay đã lên cao, bóng Bình đã mờ dần rồi mất hẳn. Cổ họng hình như có gì chẹn lấy nghẹn ngào. Trang ngả đầu vào lưng ghế, nhắm mắt lại vờ ngủ.
Máy bay đã lên cao hẳn vượt lên trên mây, nhìn xuống không còn trông thấy phi trường Kai Tak, cũng không còn những ngọn núi trùng điệp của đảo Hồng Kông. Trang nhắm mắt nhưng trí óc rất tỉnh táo. Nàng nhớ lại tất cả những gì đã trải qua. Quá khứ lần lượt diễn ra trong trí óc như một cuốn phim dài. Một cuốn phim đời do chính tay nàng tự biên tự đạo, tự diễn. Trang đã biên kịch bằng tất cả tâm cơ, nàng đã đạo diễn với tất cả sự khéo léo của mình, và đã diễn hết tâm hồn.
Trang thấy mình đã thành công một phần nào dù phải trả một giá quá đắt. Bình vui lòng thả con chim bé nhỏ ra khỏi lồng, không phải lồng son, không phải lồng sắt, nhưng là một cái lồng tình cảm vô hình mà ai đã mắc vào không dễ gì ra thoát.
Sự thực khi nhận lời kết hôn với Bình, Trang đã chán đời. Gia đình bặt hẳn tin tức, Trung Hoa đã hoàn toàn hóa đỏ, các bạn đồng học kẻ còn người mất, tất cả đều chạy tán loạn, mỗi người tự tìm đường sống không liên lạc gì với nhau được nữa. Trang lánh nạn đến Hồng Kông tìm việc làm. Trong lúc nàng cô đơn và phải tranh đấu những mục tiêu không hợp với ý thích, Trang đã chọn liều một ngã ba không biết sẽ đưa đến đâu.
Trang lấy chồng mà chỉ coi như diễn một vở kịch tất cả mọi người trên đời đều có phần diễn. Điểm khác nhau là nếu gặp vai cùng đóng với mình, ý hợp tâm đầu, đồng tài sức thì sẽ diễn hay, diễn cho đến già đến chết vở kịch gia đình hạnh phúc. Kém hơn một chút sẽ diễn vở kịch nhẹ nhàng của cuộc sống an phận không sóng to gió lớn mà cũng chẳng rực rỡ huy hoàng. Vở kịch bình an.
Nếu không may, trái tim vàng “chọn chẳng đúng nơi” cuộc đời sẽ thành ra một bi kịch.
Mà ai làm sao biết được mình sẽ đóng vai tuồng gì trên sân khấu của cuộc đời biến hóa vô thường này! Ai có thể biết trước được mình sẽ có thể tự hào vênh mặt lên bảo thầm: “Bản công chúa chẳng cần ngắm kỹ, chỉ gieo một cái là quả cầu rơi đúng ngay đầu quan Trạng”, hay là sẽ phải sụt sịt khóc ngấm khóc ngầm tìm cách đổ lỗi nào là kiếp trước vụng tu, nào là ông bà kém phúc, nào là ông tơ ngủ gật xe nhầm...
Trong cái không may Trang chỉ ngán mình! Một việc người khác phải đắn đo suy nghĩ là việc định đoạt chung thân thì Trang ngây thơ mới nghe câu hứa hẹn ngọt ngào “thương yêu săn sóc suốt đời” không bảo chứng đã vội tin ngay, tưởng ai cũng thành thực và nhiều tình cảm như mình nên mới sa lầy.
Trang chỉ còn cách tự an ủi là dù sao, tất cả mọi trường hợp trong kịch đời lúc nào nàng cũng đã đóng thật, đã hòa mình vào, đã tận dụng cảm tình chân thành, để lúc hạ màn hồi tưởng lại cũng còn dư vị say sưa ngây ngất, dù hương vị ấy lắm khi nhiều đắng cay mặn chát chứ không ngọt ngào như mong ước.