Trang đến Áo Môn (Macao) tìm được nhà một người bạn gái nữ tu. Lạy Chúa! Trang định rằng trước khi chết sẽ xưng tất cả các tội lỗi một thể, và Trang tin rằng Chúa sẽ tha cái tội nói dối cho Trang. Tuy Trang chưa rửa tội bao giờ nhưng đã từng theo các bạn đến nhà thờ nên lễ nghi và không khí không làm Trang bỡ ngỡ.
Trang có vẻ ngoan đạo làm bà sơ Cả cũng phải thương. Thỉnh thoảng mỗi lúc gặp Trang, mấy cô bạn đàn chị thì thầm:
- Đi tu đi em! Cuộc đời vật chất phồn hoa có gì đáng cho em lưu luyến! Em! Con chiên của Chúa, em ngoan đạo, em còn độc thân, hơn nữa em không có gia đình thân thích ở đây. Tôi chắc rằng em sẽ sáng suốt chọn lấy con đường Chúa đã chỉ cho em. Nơi đây u tĩnh, có đàn, có sách, có giờ cầu kinh cho linh hồn mình đuợc cảm thông với Chúa... Em nghĩ kỹ đi, cửa tu viện bao giờ cũng mở rộng đón em vào.
Ngày ngày nghe những lời ngọt ngào đầy thương yêu, lắm lúc Trang cũng thấy xiêu xiêu. Thế nhưng những buổi chiều ngồi bên bờ biển nhìn các tàu đi lại, Trang thấy quả tình Chúa chưa thực ý kêu gọi.
Trang lại trở về Hương Cảng lúc bắt đầu thấy ngạt thở và may mắn gặp lại một số các bạn quen biết từ trước lúc còn ở nội địa. Được các bạn giúp tìm một căn phòng sạch sẽ gần đường xe công cộng, ngày ngày đọc báo tìm việc làm. Một căn phòng nhỏ, một việc làm, tinh thần hình như đã có chỗ ký thác.
Đôi lúc buồn rỗi, Trang tự hỏi xem mình là ai, và có cái thân phận thế nào, thì câu trả lời không lấy gì làm hấp dẫn lắm. Trong quá khứ, thời xuân còn xanh, Trang không đi theo con đường lễ giáo đã vạch sẵn của đại gia đình phong kiến chưa tàn. Trang đã bị thời thế xô đẩy ra khỏi cuộc sống yên tĩnh, thanh nhàn, phải tự chèo chống ngược sóng, ngược gió.
Tính nết đã khó trị, lại thêm một chứng bệnh nan y. Cái tuổi của Trang bây giờ tuy cảnh già chưa đến nhưng khi không còn là mười sáu hay hai mươi thì những mầm non, nhựa sống cũng trốn đâu mất tiêu tìm hoài không thấy.
Sau khi đã tự hình dung mình một cách rõ ràng và thành thực như thế, Trang thấy buồn cười vì có mấy bạn trai trẻ cứ theo Trang đòi xin bàn tay, mà cái bàn tay của Trang nào có đẹp đẽ gì đâu! Nó không nuột nà, trắng mềm, thuôn thuôn, có những móng tay hình hạnh nhân tô màu, lại biết thêu thùa bánh mứt. Bàn tay của Trang nó xương xương, đầy những gân xanh, đầu ngón tay lại cắt tiệt cả móng! Thế mà cũng có người muốn xin được nắm lấy và hứa sẽ nâng niu trân quí suốt đời! Khả nghi quá!
Trang thương hại đem giọng đàn chị ra khuyên:
- Hạnh phúc không thể bền vững được với một người mà trong hành lý, thuốc dự trữ quan trọng hơn quần áo rét, và đơn thuốc để nghiên cứu chiếm nhiều chỗ của nhật ký. Cái tổ uyên ương mà người đang ao ước không thể xây dựng được trong một gian phòng bệnh!
Người nghe thất vọng ra về, người nói thấy hiệu lực lời mình khuyên càng thất vọng hơn! À ra thế! Trang lại hiểu thêm một chút bề sâu.
Trang đã thử từ mũi tiêm đau nghiến, cho đến những chén thuốc đen đặc, đắng có, cay có, nóng có nhưng tất cả đều vô hiệu.
Nhớ đến lời người thầy thuốc đã đỗ thứ nhì trong cuộc thi Trung y của Tàu đã lắc đầu thành thực bảo Trang:
- Bệnh suyễn không có thuốc chữa tuyệt căn. Ai bảo chữa khỏi là họ nói khoác để lấy tiền đấy thôi!
Thế là Trang hết hy vọng được làm một người bình thường.
Trở về với căn phòng nhỏ dưới chân ngọn núi đá, và đêm đêm lại ngồi dựa lưng vào cửa sổ... ngắm trăng. Dù trăng xanh hay trăng vàng, trăng béo hay trăng gầy, trăng ở trời Nam hay đất Bắc cũng đều là bạn thân của Trang cả. Có đêm ánh đèn ở nhà bên cạnh chiếu qua song cửa sổ cũng hệt như ánh trăng, thành ra trăng đến với Trang suốt cả tháng cũng như cơn bệnh cũng đến với Trang ngay ở giữa mùa hè.
Còn gì uất ức hơn những hôm trời nắng rất đẹp, Trang ngồi dựa lưng vào tường nhìn qua cửa sổ. Từng đám học sinh đi qua dưới mắt Trang. Họ cười nói vui vẻ, dáng đi mạnh dạn và tin tưởng, không có một nét lo lắng gì trên những gương mặt trong sáng ngây thơ trong bộ đồng phục của nhà trường, Trang phân biệt được đám này là trường Thánh Marie, đám kia là trường Thánh Thérèse, đám nọ là trường Đại học của chính phủ, dù là trường nào hay Thánh nào họ cũng đang đi đến một mục đích chung: bước những bước chắc chắn trên con đường học vấn.
Trang lại nhớ đến quãng đời học sinh vừa qua, đồng tiền nàng đã làm ra một cách khổ cực trong khi cơn bệnh đang lên, đem đổi lấy những bát cơm nguội lạnh, nhạt nhẽo để đi học. Nhìn theo đám học sinh khỏe mạnh đi diễn qua trước mặt, Trang gật gù tự bảo:
- Có lẽ kiếp trước mình vụng tu. Nghĩ theo phương pháp của mẹ, cái gì không thể cắt nghĩa được thì đổ tội cho kiếp trước là yên tâm, khỏi thắc mắc.
Đôi khi một vài trong số những người bạn tốt mang đến cho Trang một ít lương thực, hay thay nhau đến canh lúc Trang ngủ, những hôm nàng ốm thực nặng. Có khi Trang cố gượng lần bước đến một tiệm ăn gần nhất, trong khi ngồi đợi bát cháo nóng có những người đàn ông đàn bà trông dáng rất khỏe mạnh đến trước mặt Trang chìa ra một tấm giấy con xin tiền. Trang nghĩ thầm:
- Thực buồn cười, các người còn khỏe mạnh hơn tôi nhiều! Các người dù sao cũng không yếu, không bệnh, đằng sau ngọn núi đá kia, người ta đang đập vụn ra đấy. Công việc còn lâu và cần nhiều nhân công khỏe mạnh như các người. Ra đấy người ta sẽ hoan nghênh lắm!
****
Tìm việc được ít lâu, Bình, trong nhóm bạn Hongkong của Trang mang đến đưa cho nàng một mảnh báo cắt ở mục cần người làm. Người ta cần một thiếu nữ biết tiếng Quảng Đông, Quan thoại và tiếng Anh để giúp việc trong phòng trồng răng, giờ gặp mặt từ 9 giờ ngày mai.
Sáng hôm sau đúng 9 giờ, Trang đến nơi thấy gần chục thiếu nữ trẻ đẹp đã ngồi chờ ở đấy. Nhìn họ lại nhìn mình, Trang tuy đã uốn quăn kiểu tóc thợ thuyền rồi, và cũng giầy cao gót, bít tất “ni lông”, mặt cũng bôi xanh, vẽ đỏ như họ, nhưng sao Trang vẫn thấy hình như mình không chung một thế giới!
Lắng tai nghe cuộc nói chuyện với từng người bằng tiếng Anh ở phòng bên cạnh đưa sang, Trang coi đây chỉ là một dịp thực tập để luyện cho nhịp tim điều hòa, những lúc đi xin việc mai sau mà thôi.
Sau khi ra về, Trang chỉ nghĩ cách làm thế nào để có thể dè sẻn tiêu món tiền trong túi lâu thêm được một thời gian nữa, để đợi một việc làm khác. Sáng hôm sau thực là một sự không ngờ, Trang được thư gọi đến để qua một cuộc thử nghiệm thứ hai bằng tiếng Quảng Đông.
Trang ngạc nhiên không hiểu tại sao mình được chọn trong khi bao nhiêu cô khác rất xinh đẹp bản xứ và nói tiếng Anh ngon lành như tiếng mẹ đẻ lại rơi. Mãi sau Trang mới biết đấy chỉ là một cuộc bỏ thầu giá hạ. Các cô đòi lương từ 250 HK đến 300 HK, trong lúc Trang nghĩ đến sự tìm việc khó khăn ở Hương Cảng, sự cần thiết cấp bách và cái năng lực làm việc của nàng, chỉ đòi 150 HK.
Sau khi gặp mặt chủ nhân thực, một người không biết tiếng Anh, không biết tiếng Quan thoại, ông ta chỉ trả 140 HK và an ủi Trang sau này nếu làm việc giỏi sẽ được tăng thêm.
Sáng hôm sau Trang cũng khoác chiếc áo trắng, đi bít tất trắng và giầy trắng như một nữ khán hộ chính tông, bước vào phòng chữa răng bắt đầu nhận công việc. Lúc này Trang mới choáng cả người lên, vì không những Trang phải làm tất cả công việc phụ, lại làm cả thông ngôn tiếng Anh và Quốc ngữ Tàu.
Xưa nay Trang học theo chương trình ở trường là chỉ đọc một loại sách, đầy từ ngữ chính trị, và từ lúc “đổi chủ” cũng từ ngữ ấy nhưng với một đường hướng khác, văn chương thì chỉ được học những bài văn tả chiến sĩ Nga Sô, hay sự can đảm hy sinh cũng của người xứ ấy mà thôi.
Bây giờ đứng bên cạnh người lính thủy Mỹ đang há hốc mồm ra. Trang phải cắt nghĩa cho họ biết phải làm thế nào với bộ răng của họ. Đêm ấy trở về Trang phải thức mãi đến khuya để tìm trong tự điển những chữ răng siết, răng sâu, răng sưng, răng thối, những hàm răng giả với tất cả các kế hoạch để chữa một bộ răng xấu thành đẹp.
Dần dần quen đi, Trang thấy công việc đối với nàng không có gì là khó. Bà mẹ vợ ông chủ ho lao vào thời kỳ thứ ba, người chỉ còn như một bộ xương, hết đi lên lại đi xuống, sau nhà ngang, nhà bếp, Trang cũng không thấy ngứa mắt. Những lúc Trang rảnh, bà chủ lại gọi vào nhà trong nhờ dạy kèm ba đứa con gái bé, đã học ba năm mà vẫn không lên lớp được, Trang cũng không lấy làm phiền.
Trang chỉ thấy khó chịu khi mỗi sáng bước vào phòng làm việc trông thấy cái cằm đã cạo nhẵn râu xanh xanh của ông chủ, cái đầu chải bóng loáng, và cái nụ cười là lạ của ông.
Một hôm nhân dịp bà chủ đi vắng, ông hỏi Trang, giọng bí mật:
- Cô Trang, cô ở đường Thái Tử phải không?
- Vâng.
- Nhà số mấy?
- Không có số.
- Này, gần lối ấy có mấy con đường hẻm, có nhiều tiệm bán thịt chó lắm đấy! Tối nay tôi mời cô đi ăn nhé?
- Cám ơn ông, tôi không biết ăn thịt chó!
- Thử xem, ngon lắm!
Trang vẫn lắc đầu:
- Cám ơn ông, tôi không ăn.
- Tối nay tôi đợi cô 9 giờ ở bến xe nhé. Đúng hẹn đấy!
Ông nói xong, vội vàng đi vào nhà trong vì nghe tiếng bà đã về đến cầu thang.
Tối hôm ấy trời mưa bụi nhè nhẹ, Trang nằm đắp chăn kín đến ngực nhìn qua cửa sổ. Nàng tắt hết đèn để nhìn ra đêm tối cho rõ hơn. Trang tưởng tượng giờ này ông chủ đang đứng co ro ở bến xe, chốc chốc lại nhìn đồng hồ, nhưng Trang đã quyết định rồi.
Sáng hôm sau Trang bị mất việc, vì cớ ít khách hàng, không thuê người làm thêm nữa. Nhưng sự thực ra sao chỉ có mình Trang và ông chủ hiểu. Trang nghĩ thầm:
- Thịt chó tuy mình chưa ăn bao giờ, và có lẽ cũng có thể ăn được! Nhưng ăn thịt chó với ông chủ thì nhất định không, dù có phải chết đói !
Nhưng rồi Trang lại nghĩ:
- Nhưng nếu mình không chịu ăn thịt chó với ông chủ chắc không bao giờ có được một việc làm lâu dài cả! Làm thế nào?
Mấy hôm sau Bình lại tìm cho Trang một rao vặt khác, cũng là một nha sĩ cần phụ tá. Ông chủ mới đã từng là một du học sinh, có vợ Pháp. Ông treo cái biển “Pháp quốc Bác sĩ Nha y” to tướng ngoài cửa, nhưng cách tiếp khách của ông hình như chỉ muốn đuổi khách hơn là đãi khách. Để tả hình dáng ông, Trang nghĩ thầm: “Thực giống hệt một con khỉ già!”
Ông nói tiếng ngoại quốc khá, tiếp người ngoại quốc rất chu đáo. Nhưng nếu là khách hàng người Tàu thì ông lại kiêu kỳ một cách đáng ghét. Ông nói tiếng Tàu bằng giọng nhà quê, nên trừ người cùng làng với ông ra, ai mới nghe không thể nào hiểu được. Mỗi khi ông nói xong một câu, nhờ nghe quen Trang hiểu được nên phải nhắc lại một lần nữa, khách hàng mới biết ông định nói gì.
Trong khi người bệnh không hiểu được nha sĩ, những người ở trong nhà cũng không hiểu được bà chủ định sai gì, bảo gì. Thỉnh thoảng Trang lại phải thông ngôn hộ:
- Tối hôm nay bà chủ muốn ăn cháo.
- Hôm nay mua hai hào đậu phụ rán, một hào hến xào với dưa chua, một hào giá luộc lên lấy nước làm canh, còn giá vớt ra xào lại thành ra được ba đĩa, đủ ăn rồi đấy!
Đó là phần cơm trưa của ông, còn cơm phần bà cố nhiên theo kiểu Pháp.
Trang lấy làm lạ không hiểu tại sao ông bà chủ lại hà tiện đến thế!
Mỗi tháng ông thu vào vài nghìn mà ăn tiêu rất dè sẻn. Lương của Trang ông cũng chưa từng trả đủ một lần bao giờ: thế nào cũng hẹn rày, hẹn mai và trả làm hai ba lần thành ra tiền phòng, tiền ăn của Trang cũng phải trả làm hai, ba lần.
Trang làm việc nhẫn nại, bình tĩnh nhìn ngày tháng trôi qua tự nhiên, nhẹ nhàng như nước chảy dưới cầu. Nhớ đến gia đình, Trang bâng khuâng nghĩ thầm:
- Nếu ba biết mình bỏ học thế này chắc ông sẽ nghĩ: “Đáng kiếp, nó làm nó phải chịu chứ! Ai bảo muốn đi cho xa!”
Và những lời me Trang thường hay than thở lại văng vẳng bên tai Trang:
- Ba chúng con vô tình lắm. Lần me đẻ con Dung, đau sót nhau gần chết, gọi ba vào để trối. Ba còn đang vặn máy hát nghe chơi, mãi đến một giờ sau mới vào. Thấy me trối sắp chết, giá như người khác thì lo chạy thuốc men thế nào, còn ba thì con có biết sao không? Ông chỉ nói: “Thôi em cứ yên tâm mà chết đi, anh hứa sẽ xây lăng đắp mã cho em tử tế. Hai bên con đường đi vào mộ, anh cho trồng các thứ hoa bạch mai, bích đào. Ở ngoài nhìn vào sẽ đẹp lắm em ạ!” Sau bà nội phải đưa mẹ về làng thuốc thang mãi mới khỏi.
Cùng lúc những lời phàn nàn về me, Trang vẫn còn nhớ rất rõ ràng:
- Me các con thực là tào lao. Đầu mùa đông có 4 cái áo len mới, đến giữa mùa đã không còn cái nào nữa rồi! Hễ ai đến khóc lóc năn nỉ vài câu là bao nhiêu tiền bạc áo quần gì cũng trút hết. Và me đã đưa tiền cho ai vay mượn gì thì vốn lời đều biệt tích, cho đến tờ giấy vay để làm... kỷ niệm cũng không cần bảo họ viết nữa! Sau này các con dù có sắp chết đói chăng nữa cũng không được mẹ giúp đỡ đâu! Tiền me đã cho người ta... mượn hết cả rồi, và me tin rằng nếu kiếp này họ đã không trả thì sẽ phải trả... kiếp sau. Thế là me vui rồi. Còn nếu cho các con tiêu thì kiếp này đã hết sạch, mà kiếp sau cũng không còn.
Ba, me, kiếp này, kiếp trước, kiếp sau... tại sao cứ phải vấn vương?
Nhớ đến những diễn biến đã trải qua như những trang sách lật quá nhanh, Trang ngơ ngẩn nhìn quanh gian phòng vắng lạnh. Tất cả đều có thật, và cũng đều đã thành dĩ vãng xa vời, bên mình chỉ có ngọn gió bấc và “tiếng đàn violon” là vẫn còn lưu luyến. Đó là sự thật quan trọng cần phải chấp nhận. Ngoài ra, gia đình, chí hướng, tiền bạc, danh vọng, tình yêu, giờ đây tất cả đều vô nghĩa.
Những mối tình hờ đã thoáng qua, Trang không thấy một hình ảnh gì sâu đậm hết. Một đôi mắt nhìn say đắm đúng lúc, hay là một lời nói âu yếm phải giờ, chỉ có thế thôi!
Hơn nữa Trang còn cảm thấy bẽ bàng như một đứa bé con nằm mơ thấy được người ta đưa cho một dĩa bánh ngon lành. Đứa bé vì thẹn, vì sợ người ta đánh lừa mình hay vì cớ gì không biết còn chưa dám ăn vội, thì bỗng giật mình tỉnh dậy. Bên mình nào có bánh kẹo gì đâu! Những cảm tưởng Trang đối với tình yêu cũng thế, không khác gì đứa bé con lúc đã tỉnh mộng rồi!
Lòng tự ái không cho phép Trang được mơ tưởng hay phàn nàn. Trang chấp nhận hiện tại. “Cùng tắc biến, biến tắc thông” mà! Đến lúc cần phải ra đi thì hai thế giới chỉ cách nhau một làn hơi thở có khó gì đâu!
Nghĩ thế Trang như vừa thoát khỏi lưới nhện mê hồn trận của chính mình giăng ra. Trang thấy thoải mái nhẹ nhàng, tự cho là mình đã “biến tắc thông” phần tâm linh.
Bên ngoài trời vẫn mưa và đã bắt đầu trở rét. Thấy ngực hơi tức thở và ngày mai lại là Chủ nhật, Trang yên tâm lấy một viên thuốc uống. Tấm chăn len mỏng không đủ ấm, Trang kéo luôn cả chiếc áo tơi đắp lên người, và chỉ một lúc sau Trang cảm thấy hình như mình đã lâng lâng đi vào một cảnh giới khác.
Lúc tỉnh dậy, Trang ngạc nhiên thấy Bình ngồi ở bàn viết, đang nhìn nàng với một đôi mắt đầy lo lắng trìu mến.
- Tôi đến đây từ lâu. Bà chủ nhà mở cửa cho tôi vào. Tôi thấy ve thuốc Benedryl còn để ở bàn. Không biết là cô đã uống hết mấy viên và còn ngủ đến bao giờ, nhưng đã đến đây rồi tôi không thể ra về ngay được, đành ngồi nhìn cô ngủ vậy. Cô có đói hay không? Uống một cốc sữa nhé?
Trang im lặng không trả lời.
- Hôm nay tôi định mời cô đi bơi thuyền kia đấy! Cô không phải chèo, chỉ ngồi yên ngắm cảnh, tôi chèo một mình. Nhưng cô mệt thì thôi vậy!
Trang vẫn im lặng:
- Thế nào, cô có cần gặp ai bây giờ không. Tôi ngồi đây có điều gì bất tiện không. Cô đừng buồn thế, bệnh của cô không có gì khó cả, cô chỉ gắng tẩm bổ và tỉnh dưỡng ít lâu sẽ khỏi.
Bình rút trong túi ra một lọ thuốc:
- Tối hôm qua tôi tìm mấy người bạn hỏi được thứ thuốc này, không khỏi hẳn được nhưng có thể làm cho bệnh không nặng thêm. Nó chỉ là một thứ thuốc bổ và ngừa mà thôi.
- Hôm nay Chủ nhật, sao anh không đi chơi?
Bình cười rất thực thà:
- Tôi đến đây chả phải đi chơi là gì? Với lại mỗi lúc ra cửa chân tôi hình như chỉ muốn đưa đến đây rồi thôi không còn muốn đi đâu nữa!
Giọng Bình trở nên cảm động:
- Cố gắng uống thuốc nhé, đừng để phụ lòng tôi.
Và Bình bỗng nắm chặt tay Trang:
- Trang, Trang cho phép tôi... được săn sóc Trang... suốt đời nhé?
Trang không trả lời, mắt Trang hình như mờ đi, và nàng không chống cự khi thấy Bình để tay nàng lên môi.