Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Chúng ta nhất thiết phải làm cho thế giới này trở nên trung thực trước khi có thể dạy dỗ con cháu ta rằng trung thực là đức tính tốt nhất. (We must make the world honest before we can honestly say to our children that honesty is the best policy. )Walter Besant
Cách tốt nhất để tiêu diệt một kẻ thù là làm cho kẻ ấy trở thành một người bạn. (The best way to destroy an enemy is to make him a friend.)Abraham Lincoln
Bạn có thể lừa dối mọi người trong một lúc nào đó, hoặc có thể lừa dối một số người mãi mãi, nhưng bạn không thể lừa dối tất cả mọi người mãi mãi. (You can fool all the people some of the time, and some of the people all the time, but you cannot fool all the people all the time.)Abraham Lincoln
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Không có sự việc nào tự thân nó được xem là tốt hay xấu, nhưng chính tâm ý ta quyết định điều đó. (There is nothing either good or bad but thinking makes it so.)William Shakespeare
Nếu không yêu thương chính mình, bạn không thể yêu thương người khác. Nếu bạn không có từ bi đối với mình, bạn không thể phát triển lòng từ bi đối với người khác.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Sống trong đời cũng giống như việc đi xe đạp. Để giữ được thăng bằng bạn phải luôn đi tới. (Life is like riding a bicycle. To keep your balance you must keep moving. )Albert Einstein
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Cảm tạ xứ Đức »» Chương III. Người Đức dưới mắt tôi »»

Cảm tạ xứ Đức
»» Chương III. Người Đức dưới mắt tôi

Donate

(Lượt xem: 3.339)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Cảm tạ xứ Đức - Chương III. Người Đức dưới mắt tôi

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Sau hơn 25 năm sống ở xứ Đức, tôi đã hít thở không khí của bầu trời tự do nơi đây, tôi đã ăn bánh mì, khoai tây của Đức, gạo và thực phẩm du nhập từ Á Châu. Sống đời sống tự do thoải mái tại xứ này, lời đầu tiên là tôi phải cảm ơn xứ Đức. Nếu không có xứ Đức cưu mang tôi và những người tỵ nạn Việt Nam cùng những sắc dân khác ở vùng trời tự do này thì sự sống còn và phát triển không có ý nghĩa gì nữa cả. Vì vậy, những kẻ chịu ơn nước Đức như chúng tôi phải cảm ơn, đó là một bổn phận. Tuy nhiên trong cuộc sống của xã hội này, bao giờ cũng có lẽ tương đối của nó. Chỉ có chân lý của tôn giáo mới tuyệt đối, nhưng nhiều khi điều ấy ở xã hội này cũng bị mổ xẻ, đưa lên truyền thông và truyền hình hằng ngày. Do vậy những nhận xét dưới đây của một người ngoại quốc như tôi cũng chỉ có tính cách tương đối và theo chủ quan nhận xét của người viết mà thôi.

Năm 1975 khi tôi còn ở Nhật, tôi có viết một bài nhận xét về nước Nhật, bằng tiếng Nhật, sau hơn 3 năm ở đó, nhan đề là: “Nhật Bản dưới mắt tôi”. Nếu người ngoại quốc đọc, chắc hẳn là vui, vì đúng tâm trạng của họ, nhưng người Nhật đọc, họ không vui mấy. Vì lẽ những gì người Nhật chờ đợi nơi người ngoại quốc không hoàn toàn đúng như vậy. Tôi kết luận bài viết bằng câu: “Người Nhật cũng giống như hoa anh đào, rất đẹp khi nở. Tuy có sắc nhưng chẳng có hương.” Điều ấy có nghĩa là người Nhật lịch sự, lễ phép, nhưng đó chỉ là cách xã giao thôi, chứ không phải là tấm lòng của họ. Vì mỗi một dân tộc có một dân tộc tính khác nhau, chẳng ai giống ai và cũng chỉ có một vài việc tiêu biểu nào đó xứng đáng tinh thần quốc gia, chứ còn đa phần là làm theo phản ứng của mỗi cá nhân chứ không phải là tập thể hay truyền thống. Ví dụ như việc Harakiri, nghĩa là mổ bụng của các võ sĩ Nhật khi mà việc nghĩa đáng phải làm, nhưng ngày nay truyền thống ấy hầu như không còn tồn tại nữa. Hay quý vị đã xem phim Kaminokaze, nghĩa là Thần Phong, những cảm tử quân của Nhật chủ trương một là chiến thắng, hai là chết chứ không chịu nhục và bại trận, nhưng sau 2 quả bom nguyên tử của Mỹ thả ở Hiroshima và Nagasaki vào tháng 8 năm 1945 thì tinh thần hy sinh ấy cũng không còn nữa. Đây có thể gọi là Mentalität của người Nhật. Chữ này nếu dịch cho đủ nghĩa là: tâm tánh, trạng thái tinh thần, tánh hướng, khí chất v.v... Khi người ta nhìn vào một dân tộc, đầu tiên người ta có thể đánh giá qua cái Mentalität đó.

Người Nhật rất đúng giờ và siêng năng, lễ phép. Đó là cái Mentalität của họ. Còn người Đức thì sao? Khi tôi đến Đức thấy người Đức cũng sạch sẽ như người Nhật, nhất là những khung kính cửa sổ. Tuy không dơ, nhưng các bà nội trợ vẫn siêng năng lau chùi, khiến ai đi dạo ngoài đường, khi nhìn vào thấy cũng cảm phục và khen là sạch cũng như siêng năng quá. Người Việt Nam thì không được như thế - nhà bao giờ dơ mới lau chùi, kiếng cửa sổ thì ít quan tâm đến. Họa hoằn một năm lau chừng vài lần là cùng. Đợi cho khi nào thật dơ mới lau, trong khi đó người Đức vẫn lau chùi thường xuyên. Đây là một bản chất tốt tượng trưng cho sự siêng năng. Nhưng người Đức rất khép kín và lạnh lùng. Bằng chứng thì quá nhiều để nói. Ví dụ nhà cửa lúc nào cũng đóng, không mở rộng như ở Á Châu. Có lẽ ở đây ảnh hưởng về vấn đề khí hậu chăng. Chúng tôi sinh ra ở những xứ nhiệt đới, nên lúc nào cũng thoải mái ở ngoài đường hơn là ở trong nhà. Trong khi đó người Đức thích ở trong nhà hơn là ở ngoài đường. Nhất là những cuối tuần thật lạnh lùng đáng sợ ngay cả ở những phố thị lớn. Các xứ Á Châu vào những ngày cuối tuần rất đông đảo người qua lại, thăm viếng bạn bè, chợ búa, mua sắm, du ngoạn v.v... ở đâu đâu cũng rạng rỡ nụ cười. Trong khi đó ở Đức hầu như yên lặng vào cuối tuần. Một người ngoại quốc khi mới đến xứ này họ sẽ ngạc nhiên rất nhiều cho những sinh hoạt cộng đồng như thế.

Người Đức ít chào nhau khi chưa quen biết, nhưng người Mỹ thì khác, bất kể lạ quen gì, câu xã giao đầu tiên là: “Ông, bà có khỏe không?” Còn ở người Đức thì khó gặp câu ấy lắm, khi chưa có sự hiểu biết hoặc giao hảo. Người Á Đông chúng tôi ít ra cũng nhoẻn miệng cười xã giao khi gặp nhau. Còn người Đức tìm được nụ cười rất hiếm. Đây cũng là dân tộc tính của xứ này nữa.

Người Đức cũng siêng năng, nhưng so ra với người Nhật chưa bằng phân nửa và ngày nay Đại Hàn còn siêng hơn cả người Nhật nữa. Thế nào gọi là siêng năng? Có nghĩa là làm việc chăm chỉ, không câu nệ thời gian, miễn sao công việc chạy và hãng xưởng phát triển là được. Ở Đức tới trưa thứ sáu là đã nghỉ cuối tuần, trong khi đó ở Nhật hay các nước Á Châu đến chiều thứ bảy vẫn chưa được nghỉ, có nơi còn làm việc luôn ngày chủ nhật nữa. Nếu là ở Đức sẽ phạm luật lao động, nhưng ở Á Châu thì không.

Ở Đức nghỉ hè và nghỉ lễ rất nhiều. Trong khi đó ở Á Châu một năm chỉ nghỉ lễ được 1 đến 2 tuần. Nếu có bịnh, phải lấy ngày nghỉ vào các ngày nghỉ hè ấy. Trong khi đó tại Đức và Âu Châu không có vấn đề đó. Người Nhật khi đi tìm việc làm, đến một hãng xưởng để giới thiệu mình và mong được thâu nhận với những lý do sau đây:

- Mong cho hãng của ông chủ ngày càng phát đạt. Vì có tiến triển, gia đình người thợ, người làm công mới có thể sống được.

- Muốn tiến thân theo chiều hướng tốt, khi đời sống tại hãng ấy được bảo đảm.

- Muốn tạo uy tín cho hãng trên thương trường v.v...

Đó là những lý do tiêu biểu để một kỹ sư, một công nhân được nhận vào làm trong hãng xưởng ấy. Trong khi người Việt Nam tinh thần này ít có được. Nếu có ai đó có hỏi họ rằng: “Công việc làm của anh ở sở ra sao?” Họ thường đáp: “Nhẹ lắm anh ơi! Nhưng lương khá.”

Đó là một trong những câu trả lời thiếu tinh thần trách nhiệm. Nếu là người Nhật họ sẽ bảo là: Công việc nặng nề lắm, nhưng xứng đáng với đồng lương của tôi lãnh ra. Người Đức sẽ có một câu trả lời khác: “Việc lương hướng không được phép nói cho người khác nghe.” Đó cũng là một tinh thần khép kín của dân tộc này. Làm một tuần 40 giờ mà ở đây các Công Đoàn muốn còn 35 giờ, rồi có nơi chỉ còn 30 giờ, như thế không biết làm sao để phát triển kinh tế. Chủ yếu chính là vấn đề quyền lợi và hưởng thụ của cá nhân. Trong khi đó ở Á Châu nếu quyền lợi có đòi, họ sẽ đòi cho tập thể, chứ ít đòi cho cá nhân như thế.

Người Đức ăn mặc rất giản dị, không phô trương như người Pháp. Tuy thế, trong túi người Đức có nhiều tiền để dành hơn là người Pháp. Người Pháp ăn mặc lịch sự thật, ngoại giao thật hay, nhưng trong túi rất ít tiền. Người Đức và người Âu Châu có sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của chính phủ, hãng xưởng, ngân hàng, nên tiền bạc họ có, tất cả đều đầu tư để sinh lợi, cả hai bên đều có lợi và chính phủ cũng thâu thuế được nữa. Trong khi đó người Á Châu, trong đó có Việt Nam, khi mà sự tin tưởng ở chính quyền, hãng xưởng hay ngân hàng không cao, không nhiều thì họ lấy tiền ấy chơi hụi cá nhân hoặc giữ trong nhà. Như vậy cả hai đều chẳng lợi. Chính phủ không thâu được thuế, mà tiền kia chẳng sinh ra tiền, đồng thời chính phủ chẳng biết đâu mà kiểm soát để thâu thuế nữa. Như thế là một xã hội đang bảo lưu, ít phát triển.

Về ăn uống thì người Đức rất lịch sự, tự nhiên, nhưng nhiều khi cũng khép kín. Ví dụ như trong khi ăn không được tạo thành tiếng động, trong khi đó người Nhật thì ngược lại, khi nào tạo thành tiếng lúc húp canh hay suppe v.v... chứng tỏ rằng đồ ăn ấy ngon và đúng tư cách của một người thưởng thức sành điệu. Còn người Việt Nam trong khi dùng bữa thường nói chuyện thật lớn, mời mọc thật lâu, lấy đồ ăn cho bạn bè, thân thuộc. Đó là một cử chỉ thân thiện.

Khi tôi mới đến Đức và ngay cả bây giờ cũng còn thấy nhiều điều lạ lùng. Ví dụ như bạn bè hay ngay như cả bạn trai và bạn gái mời nhau đi ăn kem, ăn nhà hàng hay xem chiếu phim v.v... phần ai nấy trả tiền, chứ không ai bao ai cả. Nếu ở Việt Nam, đây là một sự phũ phàng và xúc phạm đến danh dự của người được mời. Ở Á Châu thường thường người lớn hơn hay bao cho kẻ nhỏ hơn và người giàu hay có nghĩa cử bao dung cho mọi người bằng cách khi mời đi ăn hay xem hát thì trả tiền, chứ ở đây thì phần ai nấy trả. Ngay cả tiền bạc trong gia đình, ở đây cũng sòng phẳng, nghĩa là vợ có một số Konto riêng, chồng một sổ riêng. Ở Á Châu, nhất là Việt Nam thì không có vấn đề đó. Nghĩa là người chồng hoàn toàn tin tưởng nơi người vợ, nên giao trọn tiền bạc cho vợ quán xuyến, trông nom. Do vậy mà sự tin cậy cao hơn và tình yêu lâu bền hơn. Do đó sự ly dị ít hơn là người Đức hay người Mỹ. Người Nhật gọi vợ họ là “gia nội” có nghĩa là người ở bên trong gia đình, là một nội tướng lo chăm sóc cho gia đình, nên mọi quyền hạn ở bên trong đều do người vợ chăm lo và người chồng chỉ lo việc ngoại giao, tiếp xúc, làm việc phía bên ngoài là đủ.

Ở Âu Mỹ ngày nay quyền bình đẳng giữa nam và nữ được xem ngang hàng nhau, nên phải đối xử với nhau như thế mới phải lẽ. Tuy nhiên phái yếu thuộc về phái nữ, chứ không phải là phái nam, nên cần phải có nơi nương tựa. Đa phần chủ gia đình là đàn ông. Trừ khi chồng chết, người vợ ấy đảm nhận thêm trách nhiệm làm cha, chứ có rất ít cặp vợ chồng sống trong nhà mà người vợ đóng vai chính và người chồng đóng vai phụ. Do đó việc đối xử như thế xem ra cũng lạnh lùng.

Trong việc bình đẳng giữa nam nữ đã có ở Mỹ, Úc, Pháp từ 200 năm nay và ở Đức cũng hơn 100 năm, nhưng cho đến bây giờ so ra những việc nặng, những việc chính trị, những việc ở Quốc Hội người nữ cũng chỉ đóng vai trò rất khiêm nhường, chưa đến một phần ba của công việc, trong khi đó thiên chức của người mẹ phải sinh con và giáo dục cho con cái nên người. Việc này người cha không thể chu toàn được. Vì vậy nên người Á Châu giao toàn quyền cho nữ giới quyết định công việc trong gia đình cũng là vấn đề hữu lý thôi.

Người Pháp lịch sự, tế nhị như thế nào đối với phụ nữ tôi chưa thấy, nhưng tôi thấy người đàn ông Đức mặc áo khoác cho người nữ và nhận áo này để cất giùm cho người nữ. Đây là một cử chỉ thân thiện đáng yêu, mà không nhất thiết phải là người nữ, ngay cả những người đàn ông, đàn bà với nhau, ai lớn hơn sẽ được phục vụ như thế. Đây quả là một cái nhìn đẹp, đậm nét văn hóa của xứ Đức này. Trong khi đó những người đàn ông Việt Nam thì cục mịch hơn, hầu như chẳng ai làm việc đó. Nếu có người nào làm được, chứng tỏ rằng họ có ảnh hưởng của văn hóa Âu Châu, trong đó có văn hóa Đức, chứ tuyệt nhiên ở Việt Nam không có vấn đề đó. Người Nhật thì còn thô bạo trắng trợn hơn. Nghĩa là người vợ phải có bổn phận mặc áo, cởi giày cho chồng, chứ người chồng không làm gì để tỏ vẻ lịch sự trong những vấn đề này cả. Đây cũng là dân tộc tính của Đức và các dân tộc khác trên thế giới vậy.

Người Đức ăn uống rất cực, chỉ bánh mì, khoai tây là chính. Trong khi đó người Pháp, Anh, Ý hoặc những người Á Châu thì có nhiều món ăn đổi bữa hơn. Bù lại người Đức ở nhà sang trọng hơn những dân tộc khác tại Á Châu và Phi Châu. Có nhiều người nói rằng người Đức dành tiền ấy để đi nghỉ hè, chẳng biết có đúng không? Nhưng khi đi nghỉ hè người Đức vẫn kéo theo những chiếc xe có giường ngủ cho đỡ tốn tiền khách sạn, chứ đâu phải họ xài tiền một cách rộng rãi đâu.

Người Đức chạy xe ngoài đường rất lịch sự, không bóp còi inh ỏi như người Việt hay người Thái Lan khi ở quê hương của họ. Họ hay giữ ranh giới, khoảng cách và không vượt qua người trước, nếu không cần thiết. Dĩ nhiên cũng có những người Đức trẻ tuổi chạy ẩu và gây ra tai nạn. Có như thế chính phủ mới có thêm tiền từ những khoản tiền phạt này. Ở những thành phố lớn như Berlin, Hamburg, Frankfurt v.v... tệ trạng đậu xe, đua xe, tai nạn xảy ra hằng năm không ít so với các nước khác tại Á Châu.

Ở Đức được một điểm tốt là bảo hiểm sức khỏe. Ai ai, kể cả ngoại kiều đều phải đóng bảo hiểm và nếu không có bảo hiểm do hãng xưởng đóng, hay đóng tự túc qua tư nhân thì xã hội cũng giúp cho vấn đề này để người bệnh có điều kiện chữa trị. Không như ở một số nước khác, khi một bệnh nhân cấp cứu, một sản phụ khi chở đến bệnh viện, điều đầu tiên nhân viên bệnh viện sẽ hỏi là bảo hiểm ở đâu? Nếu không có, việc nhập viện có nhiều trắc trở. Mặc dầu những lý do nhập viện đều cần thiết và xứng đáng cả. Tại Việt Nam ngày nay dưới chế độ Cộng Sản thì còn tệ hại hơn nữa. Không ai có quyền hơn sức mạnh của đồng tiền. Do đó người nghèo càng ngày càng khổ. Cái chết luôn bị rình rập bên mình. Vì lẽ chính phủ chẳng quan tâm gì đến những kẻ khốn cùng như thế. Trong khi đó ở Đức vấn đề này tương đối rất tốt đẹp. Không có một người dân Đức hay một người ngoại kiều nào khó khăn vì vấn đề này cả.

Về bảo hiểm xã hội ở xứ Đức này cũng rất tốt. Những người tỵ nạn lớn tuổi đến xứ Đức này trên 60 tuổi, khó tìm công ăn việc làm, do đó được trợ cấp xã hội cho đến lúc qua đời. Khi mất, nếu người ấy không có con cái lo liệu và không có bảo hiểm thì xã hội cũng cho cả tiền hòm và tiền chôn cất. Đây có thể nói là một thiên đường trên trần thế. Ở các nước xã hội chủ nghĩa ngày xưa tại Đông Âu và ngay ngày nay tại Việt Nam họ hay quảng cáo rằng các nước ấy là thiên đường của xã hội chủ nghĩa. Thế mà khi chết cũng không có chiếc chiếu để chôn và chính phủ đâu có đoái hoài tới. Một xã hội nghèo tơi tả như Việt Nam, nếu không đổi mới theo hướng tư bản từ năm 1986 đến nay thì dân chúng còn khổ sở hơn nhiều nữa. Họ quảng cáo cái gì cũng của nhân dân, nhưng tiếc thay ngân hàng lại thuộc nhà nước quản lý. Do vậy các đảng viên vẫn sống phè phởn trên xương máu của người dân thấp cổ bé họng, trong khi đó Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước v.v... đang có hằng tỷ đô-la để trong ngân hàng ở ngoại quốc. Xã hội Cộng Sản bất công như thế, khiến cho mọi người không thể tin tưởng vào cái thiên đường này, cho nên nhiều người đã ra đi tìm những thiên đường tự do thực sự nằm ngoài “thiên đường xã hội chủ nghĩa”.

Ở Đức, thỉnh thoảng mới thấy những người ăn xin hoặc say rượu. Họ đi xin không phải vì nghèo, mà vì uống rượu, hút thuốc hết tiền, nên đã ra hè phố, hoặc trạm xe điện để ngủ, đi lang thang như không có định hướng. Những trường hợp như thế cảnh sát thường lùng bắt và hướng dẫn cho họ đến những cơ quan từ thiện như Caritas hoặc nhà thờ để được giúp đỡ, nhưng đó cũng là bản chất của những người này vì thiếu học, không tự chủ nên vẫn say sưa, hút sách, cờ bạc v.v... Ở những xã hội chậm tiến việc này còn nhiều gấp năm hay mười lần như thế.

Về giáo dục học đường, có thể nói ở Đức tốt hơn cả ở Mỹ và ở Nhật. Vì lẽ người học trò khi còn học ở Tiểu Học và Trung Học không phải đóng một loại học phí nào cho nhà trường cả và ngay cả khi học xong chương trình Cử nhân, Tiến sĩ mỗi năm cũng chỉ đóng chưa tới 100 Euro tượng trưng cho bút chỉ văn phòng, thế mà sinh viên đã biểu tình để đòi hỏi được giảm. Nếu nhìn qua Nhật hoặc Mỹ, tuy số Đại Học nhiều hơn Đức, nhưng Đại Học tư nhân chiếm rất nhiều. Nếu học ngành Y khoa mỗi năm tại Mỹ và Nhật phải đóng ít nhất từ 10 ngàn đến 15 ngàn Mỹ kim học phí và những ngành khác cũng vậy. Dĩ nhiên ở Nhật cũng có nhiều loại trường như trường công lập của chính phủ thì khỏi đóng tiền học phí như ở Đức, nhưng thi tuyển vào đó rất khó, vả lại số sinh viên chỉ nhận giới hạn mà thôi.

Đại Học cổ xưa nhất của nước Đức là Đại Học Heidelberg, được thành lập từ năm 1386 và nhiều Đại Học khác được thành lập vào thế kỷ 15. Ví dụ như Đại Học Leipzig thành lập năm 1409, Đại Học Rostock thành lập năm 1419 và tổng cộng kể đến năm 1960, tại nước Đức này có 20 trường Đại Học.

Thống kê vào khóa mùa Đông của niên khóa 1994-95 tại Đức có gần 2 triệu sinh viên đi học, nhưng dĩ nhiên là ra trường rất ít. Vì lẽ chế độ học đường ở Đức rất tự do và không gò bó thời gian phải học bao nhiêu học kỳ thì ra trường. Ngoài ra, những sinh viên nghèo còn có thể nhận được học bổng từ chính phủ nữa, để sau khi ra trường khi có công ăn việc làm thì trả dần hoặc trả một lần cho chính phủ trong một nửa số tiền mượn và một nửa kia chính phủ cho sinh viên ấy. Sau này những năm 2000, 2001 hình như có nhiều thay đổi về chế độ học bổng cho Sinh viên, nghĩa là chỉ cấp cho đến 5 năm học tại Đại Học mà thôi, sau đó phải tự túc.

Ở các xứ nghèo như Việt Nam, học bổng nếu có cũng chỉ cấp cho những học sinh giỏi, chứ không phải ai cũng được cấp như tại Đức chỉ vì nghèo. Như vậy người sinh viên có cơ hội học hỏi tiến thân nhiều hơn, nếu người ấy có ý chí. Tuy nhiên, vì chế độ học đường quá dễ dãi như thế nên có ít người ra trường hơn so với lúc ghi danh vào học.

Ngược lại, ở Nhật chế độ thi tuyển vào Đại Học rất khó, nhưng nếu đã học ở Đại Học sau 8 học kỳ là ra trường, sau đó thi vào Cao Học, học 4 học kỳ nữa là xong và nếu ai học cao nữa thì học bậc Tiến sĩ từ 6 đến 8 học kỳ nữa là hoàn tất. Vì lẽ không ai có tiền nhiều để đóng cho Đại Học nên phải học nhanh, học vội ra trường để kiếm việc làm.

Năm 1994 qua bảng thống kê của Chính phủ Đức đã có khoảng 135.000 sinh viên du học tại đây. Con số ấy không phải là con số nhỏ. Dĩ nhiên tiếng Đức là một loại ngôn ngữ khó mà nhiều người ngoại quốc đến học như vậy phải nói rằng ở ngoại quốc có nhiều người có cảm tình với nước Đức này. Tuy họ thấy những việc khủng bố đốt nhà, giết người của một số thanh niên cực hữu Đức gây ra, nhưng họ vẫn đến. Vì lẽ họ tin rằng ở xứ này có luật pháp để trừng trị những người sống ra ngoài khuôn khổ của xã hội như thế! Dĩ nhiên nhân dân Đức ai cũng muốn sống hòa bình trong đó có cả người ngoại quốc nữa, nhưng vào tháng 4 năm 2002 vừa rồi tại trường học ở Erfurt, nằm ở phần đất bên Đông Đức cũ có một học sinh giết cả thầy, cô, học sinh, cảnh sát, tổng cộng 16 người một lúc, làm cho thế giới cũng ngẩn ngơ và tất cả chính giới của nước Đức cũng phải đặt lại vấn đề. Tại sao học đường lại sa đọa, mất phẩm chất đạo đức như thế? Cũng trong năm 2002 một tổ chức gọi là PISA hay kiểm tra về học lực của các học sinh trên toàn thế giới thì nước Đức ở ngoài số chỉ tiêu. Nghĩa là không đủ tiêu chuẩn. Vì thế Thủ Tướng Schröder của Đức muốn cho học sinh Trung Học học suốt ngày tại trường như các xứ khác tại Á và Âu Châu, chứ không chỉ học tới trưa là về nhà để sau đó lo chơi đùa với bạn bè mà quên làm bài tập.

Ông Thủ Tướng Schröder cũng là người cần mẫn siêng năng. Khi còn nhỏ, cha mất sớm, ông tự học, tự kiếm việc làm, đi bỏ báo để có thêm tiền trong khi học. Lớn lên sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ, ông đã gia nhập vào Đảng SPD và đã làm Thủ Hiến Tiểu Bang Niedersachsen trước khi làm Thủ Tướng Liên Bang từ năm 1998 đến nay. Mùa bầu cử của năm 2002 này chẳng biết như thế nào - Ông còn ở lại với nhân dân Đức hay ra đi thì chưa rõ, nhưng khi quý vị cầm quyển sách này trên tay thì chuyện ấy đã rõ ràng rồi. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh, con người ấy do ý chí tạo thành, mặc dầu hoàn cảnh của bản thân ông, của gia đình ông, không phải là hoàn toàn tốt đẹp như nhiều gia đình khác. Trong khi ông làm Thủ Tướng của một nước giàu nhất nhì tại Âu Châu, anh ruột ông vẫn đi làm nghề sửa chữa đường sá cầu cống, chị ruột ông vẫn làm ở những cửa hàng. Nếu mà những người này ở nước Việt Nam Cộng Sản hay Trung Hoa thì họ chắc chắn đã có chỗ ngồi thật cao, có những món tiền thật lớn để tiêu xài chứ không cần đi làm như thế.

Ở Nhật tuy không có ăn trộm, ăn cắp vặt, nhưng nhiều khi các Đảng phái khui ra những chuyện mờ ám thì thâm thủng cả hàng tỷ đô-la. Nước Đức này cũng thế, người Đức ít ăn cắp vặt, nhưng các Đảng phái chính trị, những nhà thầu, ngân hàng v.v... đã trốn thuế cũng cả tỷ tỷ đô-la. Do vậy tôi vẫn thường hay nói: Ở đâu cũng vậy, khi còn ở cõi Ta bà này là vẫn còn những tệ nạn như thế.

Khi ông bà xây một căn nhà, không nhất thiết là phải có tiền đầu tiên, mà điều căn bản là ông bà phải tính toán như thế nào để căn nhà ấy được xây lên và trả nợ ngân hàng như thế nào v.v... Vậy thì cái tâm kia mới là chính, là động lực đẩy mạnh để đi đến thành công và chắc chắn không phải bằng tiền. Vì có nhiều người trúng số, có rất nhiều tiền, do không biết tính toán, cuối cùng còn thâm thêm nợ nữa. Như vậy cái ý chí nó giúp ta thành Thủ Tướng, thành Vua, thành Bồ Tát, thành Phật và quyết chắc rằng tiền bạc nó không làm nên tư cách con người, mà nó chỉ là một phương tiện để giúp đỡ con người đi đến thành công mà thôi.

Sau khi thống nhất nước Đức, chính quyền Đức đã giúp cho các Đại Học ở phía Đông tân trang đổi mới lại với số tiền lên đến 2,4 tỷ Đức Mã, nhưng sự giáo dục phía Đông vẫn còn ì ạch, có lẽ vẫn còn ảnh hưởng bởi chính sách của chế độ cũ chăng? Năm 1994/95 có 285.000 sinh viên phía Đông ghi danh học. Tuy nhiên, số ra trường cho đến nay cũng rất giới hạn. Có nhiều sinh viên và người lao động thích sang phía Tây Đức nhiều hơn để kiếm chỗ học và việc làm, nhưng nhiều khi người Đông Đức cũng không phải dễ kiếm việc làm tại Tây Đức, vì lẽ suốt trong 40 năm xã hội chủ nghĩa họ được đào tạo khác và tinh thần trách nhiệm họ không bằng phía bên Tây Đức nên họ vẫn bị đối xử khác như thường. Đó là người Đức, còn người ngoại quốc khi đi xin việc hoặc lúc mướn nhà quả là điều khó khăn vô cùng. Nhà đăng trên báo chưa cho thuê và sự thật là vẫn chưa có người thuê, nhưng khi nghe tiếng người ngoại quốc gọi đến xin thuê, thì đa phần câu đầu tiên bị từ chối khéo là: Đã có người thuê rồi. Người Đức nếu đóng vai người ngoại quốc mới hiểu thấu tất cả những vấn đề tế nhị ấy. Mặc dầu tại đây có nhiều luật pháp để bảo vệ cho việc làm, cho việc thuê nhà, nhưng đa phần người ngoại quốc vẫn bị thiệt thòi như thường. Có lẽ đây là cái lỗi của người ngoại quốc, vì tiếng Đức quá dở nên không nắm bắt được những cơ hội tốt như những người Đức khác chăng?

Còn người Đông Đức thì sao? Người Tây Đức vẫn nghĩ rằng họ được giáo dục cao hơn, giàu có hơn và trên thực tế sau hơn 10 năm thống nhất Đông Tây Đức, chính phủ rất thành công. Vì có nhiều tiền thuế để đổ vào xây dựng cho phía Đông, nhưng cả hai phần đất nước Đông Tây vẫn chưa có một điểm chung tuyệt đối để xây dựng đất nước này ngang hàng với các quốc gia láng giềng khác.

Ngày 30 tháng 4 năm 1945 là ngày giải thể chế độ Đức Quốc Xã ở Đức, ngày mà nhân dân Đức và thế giới reo mừng, vì đã thoát ra khỏi ách độc tài thống trị của một bạo chúa Hitler cũng giống như Tần Thủy Hoàng của Trung Quốc, hoặc một Hirohito của Nhật Bản. Đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 nghĩa là 30 năm sau, miền Nam Việt Nam đã bị mất vào tay của người Cộng Sản Việt Nam phương Bắc và từ đó đến nay đã hơn 1/4 thế kỷ rồi mà cả 2 miền tư tưởng của nhân dân đâu có thống nhất được. Tuy giang sơn nối liền một mối, nhưng tư tưởng chính trị, đời sống văn hóa nhân dân miền Nam Việt Nam vẫn còn khác xa đời sống thực tế của người dân miền Bắc rất nhiều, mặc dầu tại miền Bắc Việt Nam chính phủ đầu tư vào đó không ít. Tuy nhiên cái tinh thần làm việc của xã hội chủ nghĩa mấy mươi năm qua làm sao bằng nhân dân miền Nam đã tiếp xúc với tư bản chủ nghĩa từ năm 1954 đến 1975 được. Hy vọng rồi thời gian sẽ làm cho mọi dị biệt đi đến chỗ tương đồng, nhưng bằng chứng của nước Đức và bằng chứng của Việt Nam là 2 thực thể quá hùng hồn để cho chúng ta thấy rằng tiền bạc chắc chắn không phải là vấn đề chính cho vấn đề phát triển quốc gia, mà thể chế chính trị và ý chí vươn lên của con người mới là vấn đề căn bản quan trọng nhất.

Nước Đức vẫn là nước có người đến du lịch nhiều. Vì nhiều người nghĩ rằng nước Đức an toàn hơn các nước khác tại Âu Châu như Anh hay Pháp chẳng hạn. Vì lẽ ở Đức không có thành phố nào lớn như Paris hay London, mà ở đó có rất nhiều vấn đề phức tạp. Ngay cả Berlin là thủ đô của nước Đức trong hiện tại cũng chỉ có hơn 3 triệu người, so với Paris, London trên 10 triệu người, dĩ nhiên là ở Đức ít có vấn đề hơn. Thế nhưng điều ấy không có nghĩa là không có. Ví vụ như tại phi trường Frankfurt người ta được đọc những lời khuyên bằng tiếng Đức lẫn tiếng Anh là: “Coi chừng bị móc túi.” Như thế có nghĩa là ở đây đã xảy ra những chuyện như thế. Vật giá ở Đức không rẻ hơn Pháp, Anh, nhưng chắc chắn là rẻ hơn các xứ Bắc Âu như Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan. Do vậy nhiều người đến Đức cũng là lý do chính.

Ngày nay người Nhật đến Âu Châu rất nhiều, trong đó có xứ Đức. Vì tại Đức có những thành phố cổ như Heidelberg, Trier v.v... là những nơi họ cần xem và cần đến. Nếu có ai đó đi du lịch ở Nhật mới biết - một quả táo tốt nhất của Nhật tính đến 8 USD. Một bữa ăn sáng của khách sạn độ chừng 20 USD mà thông thường ở Âu Châu tiền ăn sáng được tính chung vào tiền phòng, nhưng ở Nhật không có vấn đề đó. Năm 1972 khi tôi du học tại Nhật, 1 USD đổi được 360 Yen. Bây giờ năm 2002, 1 USD chỉ đổi còn 120 Yen. Nghĩa là đồng USD đã mất giá 1/3 sau 30 năm, hoặc giả đồng tiền Yen đã có giá? Do vậy mà từ Nhật đi sang du lịch các nước Âu Mỹ rẻ hơn khi họ chuyển đổi đồng Yen ra USD hoặc những loại tiền Âu Mỹ khác. Trong khi đó người ngoại quốc khi vào Nhật phải lo tính trước túi tiền, mặc dầu nơi đây không bị móc túi nơi phi trường hay ở những nơi đô hội, mà túi của khách bị rỗng vì giá cao cắt cổ như vậy.

Khi vào khách sạn hay lúc ăn uống, khách sẽ nhìn thấy trên bàn miếng giấy có ghi rằng: nơi đây không nhận tiền pour boire (trinkgeld). Thế nhưng giá cắt cổ như thế thì ai còn dám cho thêm tiền cho người hầu bàn? Ở Ấn Độ và Việt Nam hay ngay cả ở Đức này cũng khác. Việc cho tiền bồi bàn là chuyện bình thường. Điều ấy cũng giống như thưởng công cho họ. Trong khi ở Nhật không có thông lệ ấy. Có lẽ là cái thể diện của quốc gia chăng? Năm 2002, chúng tôi ở Ấn Độ một tuần lễ chỉ tiêu 100 USD là cùng, thế mà ở Nhật chỉ có 4 ngày nhưng phải tiêu đến cả ngàn USD. Vật giá cao nhất thế giới phải nói là nước Nhật. Trong khi đó, vật giá tại Đức tương đối trung bình, không đắt quá mà cũng không rẻ quá, nên cũng dễ thở.

Người ngoại quốc, dẫu ở tận Châu Phi, ai ai cũng biết những đồ vật có dấu hiệu Made in Germany. Ví dụ như Mercedes, BMW, Audi, Volkwagen v. v... là những sản phẩm tuyệt diệu nhất. Tuy không đẹp bằng xe Honda, Suzuki của Nhật, nhưng rất bền và chất lượng rất tốt. Đây là niềm tự hào của người Đức và vì thế người ngoại quốc đến xứ họ thăm cũng như ở lại ngày càng nhiều vì lý do chữ tín ấy rất quan trọng. Riêng người Việt Nam thì vấn đề này cần phải xét lại. Đồ Việt Nam sản xuất tương đối rẻ. Vì nhân công đông, giá thành thấp, nhưng nếu bán được thì con buôn và người sản xuất có nhiều lý do để ngụy trang cho món hàng của mình. Ví dụ như làm cho chất lượng kém đi, nhưng cũng với mẫu đó hoặc giả số lượng cũng giảm v. v... từ đó uy tín không còn đứng vững trên thương trường và dễ đi đến chỗ phá sản.

Người ngoại quốc cũng rất hãnh diện về những đồ đạc được sản xuất tại Đức. Họ đứng trước một chiếc xe hiệu Mercedes đã hơn 30 năm sử dụng nhưng máy vẫn còn chạy rất tốt nên họ đã tự hào. Họ tự hào vì họ đã chọn món hàng ưng ý, tuy có đắt hơn so với giá thị trường, nhưng rất bền. Mỗi năm Nhật Bản chắc chắn sản xuất xe hơi nhiều hơn Đức và mẫu mã cũng đẹp hơn, hợp thời trang hơn, nhưng kim ngạch xuất cảng xe hơi của Nhật không bằng tiền thâu vào của Đức khi bán xe ra thị trường.

Một người nội trợ cầm một con dao nhỏ làm bếp rất hãnh diện và nói với bạn bè rằng con dao ấy tôi mua ở Đức, đã 25 năm rồi nhưng vẫn còn sắc bén! Như vậy là nước Đức thành công rồi! Khi người thợ làm con dao ấy họ chỉ biết chế tạo theo công thức và sản lượng, nhưng vì trách nhiệm nghề nghiệp họ không thể bớt chất thép để hạ giá thành, mà ngược lại làm đúng tiêu chuẩn thì chữ tín càng được tin hơn. Vì lý do ấy nên nhiều người Đức họ lạnh lùng cũng phải. Bởi lẽ họ nghĩ rằng tất cả những đồ được bày bán đó đều có chất lượng cao. Nếu anh chị thích thì cứ mua, chứ không cần phải hạ giá.

Người trẻ nước Đức ngày nay lớn lên họ đã chẳng phải nhọc công như cha ông họ đã trải qua những gian khổ của thời Hitler, của Đệ nhất, Đệ nhị thế chiến, hay cả 40 năm sống dưới chủ nghĩa cộng sản của Đông Đức, nên họ đã sa đọa rất nhiều và họ đã bị thế hệ đàn anh của họ cảnh cáo. Ngày nay các phong trào hippy, tự do luyến ái, ly dị v.v... đã xảy ra hằng ngày và đây là nguyên nhân của những ung nhọt trong xã hội, nếu không sớm chữa trị, chắc chắn sẽ trở thành những thời đại bệnh hoạn kế tục về sau, để nước Đức này sẽ ra sao thì những người có trách nhiệm ắt đã rõ. Tuy nhiên những phong trào sống tự nhiên, sống hết mình, sống thoải mái và không có tinh thần trách nhiệm như thế không phải chỉ có ở xứ Đức này mà nhan nhản khắp Âu Mỹ và ngay cả các nước Á Châu như Nhật Bản, Đại Hàn, Trung Hoa, Việt Nam, Thái Lan v.v...

Tôn giáo tại các xã hội Âu Mỹ ngày trước có quyền lực vô biên. Bây giờ thì thần quyền đã giảm và nhân quyền đã thăng hoa, nên ở đây mọi quyền tự do của con người được tôn trọng và bảo vệ một cách thái quá. Ví dụ như nhiều người chửi cả Thủ Tướng, Vua, Dân Biểu. Lật hết tẩy của đối phương không một chút nhân nhượng, những tổ chức tôn giáo cũng chỉ đứng vòng ngoài, làm sao vào bên trong được, trong khi luật pháp cho phép họ làm những vấn đề như thế để tuyên dương ý chí tự do.

Ngôi chùa Viên Giác được xây dựng tại Hannover từ năm 1991. Từ đó đến nay mỗi năm có hàng trăm ngàn người về chùa tham gia các lễ lớn như Tết, Rằm tháng Giêng, Lễ Phật Đản, Vu Lan và các khóa tu học v.v... Mỗi lần như thế có báo chí truyền hình hay tường thuật lại các buổi lễ và họ có phỏng vấn chúng tôi là có bị kỳ thị bởi người Đức không? Điều này phải thành thật trả lời là hoàn toàn không. Có lẽ người Đức cũng hiểu Đạo Phật là đạo hòa bình, đạo đem tình thương để hóa giải khổ đau cho nhân sinh, nên họ rất có cảm tình. Dĩ nhiên là cũng còn nhiều người Đức có ý tò mò tìm hiểu Đạo Phật là gì v.v... nhưng điều ấy không có ý xấu, mà chính là để giải tỏa những thắc mắc của họ.

Khi con người bị cuốn vào đời sống thác loạn, họ thấy như chơi vơi, lạc lõng giữa dòng đời. Do đó nhiều người đã tìm đến với Tôn Giáo, trong đó có Phật Giáo, mà Thần học sẽ giúp họ về vấn đề tâm lý trị liệu để giúp họ quân bình giữa đời sống tâm linh và đời sống vật chất một cách điều hòa hơn.

Chủ đề của chương này là «Người Đức dưới mắt tôi», tôi đã nhìn tổng quát về mọi phương diện qua 25 năm sống tại Đức. Có lẽ cũng có nhiều người Việt Nam không bằng lòng bảo: “Sao Thầy bênh vực người Đức quá, trong khi đó giá trị của người Việt Nam thì Thầy không nâng cao lên?” Hoặc giả cũng sẽ có những người Đức khó tính bảo rằng: “Đó chẳng phải là dân tộc tính của người Đức. Vì người Đức cao thượng hơn, chứ không phải như vậy.” Thì đó cũng là nhận xét của những người khác và cái nhìn đó nó khác cái nhìn của tôi. Thế thôi. Tuy nhiên, người Phật tử chúng tôi vẫn luôn cố gắng nhìn nhận mọi vấn đề sao cho đúng với bản chất thật sự của nó một cách không phán xét và chỉ luôn quán niệm rằng: “Tất cả là như thế!”


    « Xem chương trước «      « Sách này có 10 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Đừng đánh mất tình yêu


Sống thiền


Sống đẹp giữa dòng đời


Kinh nghiệm tu tập trong đời thường

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.137.175.25 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...