Như đã hẹn, cuộc gặp gỡ lần thứ hai giữa chúng tôi diễn ra trong cảnh hoang tàn của đền Louqsor. Tôi ngồi trên một tảng đá dài có khắc đầy ám tự bên cạnh chân sư, ngài cũng ngồi xếp bằng hai chân và nhìn tôi. Quyển sổ tay của tôi đã mở sẵn, tôi cầm bút ngồi đợi, sẵn sàng ghi chép thông điệp của chân sư bằng phương pháp tốc ký.
Chân sư Ramak-Hotep không phí thời giờ với những lời khách sáo rườm rà, ngài vào đề một cách đột ngột:
– Những người khai quật các mồ mả của xứ cổ Ai Cập đã giải tỏa những sức mạnh nguy hiểm cho thế gian. Những nhà khảo cổ cũng như những kẻ đào mồ để cướp của, đã vô tình khai quật mồ mả của những kẻ ngày xưa thực hành khoa tả đạo bàng môn. Trong thời kỳ cuối cùng của lịch sử Ai Cập, những người thuộc thành phần trí thức và tăng lữ đã sa đọa rất nhiều, người ta thực hành công khai những tà thuật ma giáo và pháp môn phù thủy. Khi ánh sáng chân lý, đầu tiên được phổ biến trong nền tôn giáo chân chính cổ Ai Cập, bắt đầu lu mờ, và những tà thuyết dị đoan ngày càng lộng hành, người ta thấy xuất hiện việc tẩm xác ướp với tất cả những nghi lễ phiền toái kèm theo. Tuy nhiên, phía sau những tà giáo đã bày ra sự thực hành việc tẩm xác người với những mục đích ám muội, đen tối và tà vạy, còn có một chi phái chủ trương việc ướp xác để duy trì một sự liên lạc lâu bền với cõi hồng trần.
Lúc ban đầu thì khoa ướp xác này chỉ áp dụng cho những vị thánh vương của hoàng kim thời đại, của thời kỳ tiền sử Ai Cập và cho những vị đạo trưởng đã tiến hóa cao về phương diện tâm linh, là những bậc thầy chân chính của nhân gian, để cho thể xác đã thấm nhuần thần lực thiêng liêng của các ngài vẫn còn tồn tại lâu bền và làm phương tiện trung gian ban rải ân phước cho thế gian. Từ đó mới nảy sinh ra sự thờ phụng tổ tiên, những thi hài được tẩm ướp chất thơm chỉ là để theo một nghi lễ chánh thức nhằm mục đích để cho con cháu biết mặt những tổ tiên đã qua đời.
Thật ra đó là sự bắt chước sai lạc cách thực hành khoa ướp xác thời cổ Ai Cập để giữ gìn những di tích thánh thiện của các vị thánh vương và tăng lữ chân tu. Vì trong thời gian tàn tạ suy vong trở về sau, khi xứ này đã mất đi nguồn ánh sáng tâm linh chân chính, và người ta dùng tà thuật để kêu gọi những sức mạnh hắc ám của cõi âm ty, những người trí thức trong giới tăng lữ và giai cấp cầm quyền chỉ định rằng người ta phải ướp xác của họ sau khi chết. Người ta thực hành việc ướp xác này, hoặc vì mục đích dùng tà thuật hắc ám, hoặc vì sợ mất linh hồn trong cõi địa ngục mà họ sẽ bước vào sau khi chết, hoặc vì ngu dốt chỉ biết làm theo tập tục của số đông.
Trong hầu hết mọi trường hợp, trước khi chết mỗi người đều lo sắp đặt mọi việc và đã chuẩn bị sẵn ngôi mộ của mình từ khi còn sống. Khi đã sắp đặt xong thì đương sự hoặc một vị tăng lữ thông thạo khoa pháp môn mới kêu gọi một âm binh hay quỉ thần, có khi là một vị thần tốt lành nhưng thường thì là thần hung ác, để bảo vệ trông nom cái xác ướp của y và làm thần canh gác giữ mồ. Để bảo vệ những xác ướp đó, lúc đầu những ngôi mộ được che giấu một cách kỹ lưỡng và sau đó người ta tuyên bố với công chúng rằng người nào động chạm đến các mồ mả sẽ bị các thần linh trừng phạt một cách nặng nề kinh khủng. Dân chúng tin theo lời cảnh cáo đó và những mồ mả được tôn trọng suốt một thời gian rất lâu.
Nhưng vì các tăng lữ và giới cầm quyền càng ngày càng sa đọa nhiều hơn nên dân chúng lần lần không còn tin tưởng như trước nữa. Từ đó việc khai quật mồ mả diễn ra một cách công khai để cướp lấy vàng ngọc châu báu thường được chôn theo những xác ướp của những nhân vật quyền quí thời xưa. Trong trường hợp xác ướp là của một người có ít nhiều hiểu biết về khoa pháp môn hoặc đặt dưới sự trông nom của các nhà phù thủy, thì những vị thần linh được kêu gọi để giữ gìn mồ mả và trừng phạt những kẻ đào mồ. Những phù phép bí mật đó thường là vô cùng nguy hiểm nhưng rất hiệu nghiệm. Những mãnh lực thần bí của nó vẫn có trong những ngôi mộ khép chặt và có thể tiếp tục tồn tại ở trong đó suốt nhiều ngàn năm. Bởi vậy những nhà khảo cổ vô tình khai quật những mồ mả đó sẽ chuốc lấy những điều tai họa hiểm nghèo.
Nhưng nếu cơ nguy đó chỉ hăm dọa sự an toàn tính mạng của các nhà khảo cổ và gia đình họ mà thôi thì điều mà tôi muốn nói đây không có gì quan trọng lắm. Trái lại, vấn đề này có liên hệ đến sự an toàn của toàn thể thế giới. Đó là vì trong số những ngôi mộ của các nhân vật quyền quí và tăng lữ mà người ta khai quật lên, có những mồ mả được đặt dưới sự giữ gìn và bảo vệ nói trên. Từ trong các ngôi mộ đó, hằng hà sa số những âm binh ác quỷ bị giam hãm trong ấy từ lâu, bèn kéo ra tràn đầy khắp nơi ở cõi thế gian. Mỗi xác ướp được bốc ra và chở về những viện bảo tàng bên Âu Mỹ có mang theo những vị thần linh cùng với cái ảnh hưởng khốc hại của nó. Điều đó chỉ có thể đem đến cho thế giới những hậu quả tai hại, hậu quả với những tính chất khác nhau, thậm chí có thể gây một ảnh hưởng phá hoại đối với vận mệnh các quốc gia.
Những người Tây phương vì không có phương pháp tự vệ chống lại nên đành chịu bất lực trước những kẻ vô hình đó. Khi thế giới chúng ta hiểu rằng có nhiều thần linh hung ác bị nhốt trong những ngôi mộ cổ, thì chừng đó có thể đã là quá trễ. Vì lúc đó tất cả các mồ mả đều đã bị khai quật và những hung thần ác quỉ đã thoát ra khỏi mồ. Chúng có thể gây nhiều điều ác hại cho thế gian, và ngoài ra chúng còn gây nên những vụ phản bội trên lãnh vực quốc tế. Sự mù quáng của con người đối với những luật thiên nhiên không vì thế mà không đem sự đau khổ cho những kẻ vi phạm. Không biết gì về những mãnh lực khốc hại của khoa pháp môn phù thủy không phải là một lý do để tránh cho thế kỷ này khỏi bị cái hậu quả trừng phạt dành cho những kẻ đột nhập vào những chốn thâm nghiêm, một hành động tò mò không cần thiết chút nào cho họ.
Những hung thần ác quỉ đó, được tạo nên bằng phương pháp phù thủy, đã được giải tỏa trong thế kỷ hiện tại một số khá đông đủ để gây nên sự khủng hoảng cho thế giới. Chúng hành động từ cảnh giới vô hình, nhưng cũng rất gần với cõi thế gian, đủ để ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người trần gian.
Chúng tôi là những người luôn quan tâm đến sự tiến hóa tâm linh của nhân loại, có thể triệt hạ những mãnh lực hắc ám đó trên địa hạt của chúng, nhưng luật nhân quả ngăn cản chúng tôi tiêu diệt chúng, cũng như chúng tôi không thể ra tay giết bỏ những người trong nhân loại dù biết là họ đang gây hại rất nhiều cho kẻ khác. Chúng tôi chỉ có thể giới hạn sự can thiệp trong việc che chở cho những người tốt lành.
Những vật gì mà người ta lấy ra từ trong các ngôi mộ cổ cùng với những xác ướp, vàng ngọc, bùa chú, y phục... đều có thấm nhuần cái ảnh hưởng thần bí của ngôi mộ. Nếu ảnh hưởng đó không phải do người ta đã dùng phù phép trấn ếm quỉ thần thì việc khai quật mồ mả không có hậu quả gì, còn nếu ngôi mộ có thần linh gìn giữ thì việc đào mồ cướp của sẽ gây nên tai họa hiểm nghèo. Những nhà khảo cổ và Ai Cập học trái lại, thường không biết rõ điều đó và không biết phân biệt những ngôi mộ nào là có phù phép trấn ếm và ngôi mộ nào là không, nên họ khai quật luôn cả thứ nọ cũng như thứ kia.
Nhưng dù người ta có biết hay không, tôi cũng muốn đưa ra cho thế giới một thông điệp này: “Chớ nên động chạm đến các ngôi mộ cổ mà người ta không hiểu được tính chất hiển linh huyền bí của nó.” Người đời phải dừng tay lại ngay, không nên khai quật các mồ mả cho đến khi nào họ có được sự hiểu biết đầy đủ để nhận định được những hậu quả khốc hại của điều mà họ muốn làm.
Phần nhiều các vị vua chúa Ai Cập đều có ít nhiều quyền phép, với những ý đồ tốt hoặc xấu, vì họ được các vị tăng lữ pháp sư truyền dạy. Lúc đầu, người ta chỉ dùng những phép thuật ấy để tự vệ hoặc để trừ gian và bênh vực kẻ yếu, nhưng khi xứ Ai Cập đã mất đi những lý tưởng cao thượng của nó, thì người ta bắt đầu lạm dụng những pháp thuật này. Chẳng hạn, nhà phù thủy dùng tà thuật để ám hại kẻ thù ở cách xa, hoặc chế ngự, khuất phục người khác để thực hiện những tham vọng cá nhân của mình. Người ta cũng dùng những pháp thuật đó để sai khiến âm binh canh gác và giữ mồ. Việc khai quật những ngôi mộ cổ Ai Cập có thể đặt kẻ vi phạm dưới ảnh hưởng khốc hại của những mãnh lực huyền bí vô hình. Dẫu cho đó là ngôi mộ của một vị hiền minh và có pháp thuật cao cường, thì thế gian cũng có thể bị ảnh hưởng lây và chịu sự trừng phạt đau khổ vì đã làm động mồ mả của một đấng thánh nhân.
Tuy nhiên, những đồ bảo vật bị lấy trộm ở ngôi mộ đó sẽ không gây hậu quả tai hại, mà trái lại sẽ có một ảnh hưởng tốt lành. Nhưng nếu người sở hữu bảo vật ấy có một tâm địa bất hảo, thì họ sẽ không thừa hưởng được một ân huệ tốt lành nào cả, mà ân huệ này chỉ dành cho những người hiền lương và có tâm địa thanh cao. Đó là do ảnh hưởng tâm linh trường cửu lâu bền của một vị vua đạo đức có một tâm hồn cao quí hồi thuở sinh tiền.
Vua Toutankhamon là một trường hợp tiêu biểu cho những vị vua đó. Người có một sự hiểu biết thâm sâu về khoa huyền môn và một tâm hồn đạo đức. Sự khai quật ngôi mộ của vị vua này đã gây tai họa cho những người đào mồ và theo một cách khó hiểu, cho cả thế giới bên ngoài. Trong những năm tới đây, thế giới còn phải đau khổ nhiều và phải chịu hậu quả những sự xúc phạm mồ mả của những bậc tiền nhân thời cổ Ai Cập.
Tuy nhiên, những sự khó khăn về vật chất sẽ đưa đến một sự lợi ích về tinh thần. Bởi đó, tôi lặp lại, những người muốn tìm kho tàng ẩn giấu, hoặc do sự thúc đẩy của một sự tò mò quá đáng hơn là một tinh thần khảo cứu khoa học thật sự, mà muốn thám hiểm vào tận những nơi cổ kính có phù phép trấn ếm linh thiêng, sẽ không tránh khỏi tai họa hiểm nghèo. Nhưng ngày nào mà người ta còn được phép đến gần để viếng thăm hay chiêm ngưỡng những ngôi mộ đó, thì những kẻ nào làm kinh động đến mồ mả sẽ mắc phải những tai họa khôn lường.
Hồi thời thượng cổ, trung tâm chánh yếu của khoa pháp môn phù thủy vẫn là Ai Cập. Ngày nay, những sức mạnh thần bí đã được phát động trong quá khứ vẫn còn có ảnh hưởng đến dân tộc và xứ sở Ai Cập, và hậu quả có khi lành khi dữ. Hậu quả đó có thể là những bệnh tật, chẳng hạn như bệnh ung nhọt lở loét, một hậu quả của những mãnh lực phù phép tà vạy luôn luôn gây tác động trong xứ và ảnh hưởng đến những người dân Ai Cập thời bấy giờ.
Vậy ông hãy ghi chép và truyền bá những lời cảnh cáo này. Bây giờ ông đã hiểu lý do của sự gặp gỡ giữa chúng ta. Dẫu cho chúng ta có bị sự chống đối, khinh bị do sự dốt nát vô minh của người đời, ta cũng làm xong bổn phận mình, bổn phận của tôi, và nếu ông muốn, đó sẽ là bổn phận của ông. Định luật thiên nhiên vốn không tha thứ sự vô minh, dốt nát, nhưng trong vấn đề này, thậm chí đến cái lý lẽ đó người ta cũng không được viện ra để tự bào chữa cho mình.
Thông điệp của chân sư Ramak-Hotep đã chấm dứt. Tôi đã ghi chép lại đúng y nguyên văn và trình bày nơi quyển sách này.