Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Hào phóng đúng nghĩa với tương lai chính là cống hiến tất cả cho hiện tại. (Real generosity toward the future lies in giving all to the present.)Albert Camus
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Trực giác của tâm thức là món quà tặng thiêng liêng và bộ óc duy lý là tên đầy tớ trung thành. Chúng ta đã tạo ra một xã hội tôn vinh tên đầy tớ và quên đi món quà tặng. (The intuitive mind is a sacred gift and the rational mind is a faithful servant. We have created a society that honor the servant and has forgotten the gift.)Albert Einstein
Điều kiện duy nhất để cái ác ngự trị chính là khi những người tốt không làm gì cả. (The only thing necessary for the triumph of evil is for good men to do nothing.)Edmund Burke
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Kẻ bi quan than phiền về hướng gió, người lạc quan chờ đợi gió đổi chiều, còn người thực tế thì điều chỉnh cánh buồm. (The pessimist complains about the wind; the optimist expects it to change; the realist adjusts the sails.)William Arthur Ward
Đôi khi ta e ngại về cái giá phải trả để hoàn thiện bản thân, nhưng không biết rằng cái giá của sự không hoàn thiện lại còn đắt hơn!Sưu tầm
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)

Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH TẠP BÚT - TRUYỆN KÝ »» Bóng thời gian »» Chùa Kim Huê »»

Bóng thời gian
»» Chùa Kim Huê

Donate

(Lượt xem: 8.255)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       


Bóng thời gian - Chùa Kim Huê

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Diệu Kim kính dâng giác linh Hòa thượng Chánh Quả

Chùa Kim Huê nằm bên con rạch Cái Sơn, cách cầu Cái Sơn chừng nửa cây số. Con rạch nhỏ, chảy uốn lượn từ bờ sông Sa Đéc, chỗ có họp chợ náo nhiệt, lên tới cầu Nàng Hai, rồi băng tuốt vô đồng. Một bên bờ rạch là lộ xe mang tên “đường nhà đèn”, vì có nhà đèn – tức nhà máy điện – ở gần đầu cầu Cái Sơn. Phải nói cho rõ là cầu Cái Sơn 3, vì có ba cây cầu xi măng nhỏ nằm song song nhau chắn ngang con rạch. Cây cầu thứ ba là điểm bắt đầu của con lộ xe. Con lộ đó là huyết mạch giao thông duy nhất của xe đò lục tỉnh chạy từ Sa Đéc lên Long Xuyên, xuống Rạch Giá. Đường rải đá nhỏ, bánh xe xóc lên nhịp nhàng như sóng nước, ai có tánh buồn ngủ khi đi xe sẽ được dỗ giấc mau chóng.

Nhưng đá thì đá, vẫn không nhiều bụi bốc lên, chỉ phe phẩy dưới vòng bánh xe như một lớp khói mờ mờ. Những chuyến xe đò của những năm 1930 là một cái gì tuyệt vời lắm. Nó chở trong mình nó những chuyến phiêu lưu kỳ thú, nó sình sịch nổ máy như kể cho người dân quê nghe về những chuyện trên đường, những vùng đất xa xôi mà họ chưa từng đặt chân tới.

Ngày ấy, dân quê chẳng có mấy dịp đi ra ngoài, họ quanh quẩn với miếng vườn miếng ruộng, có chút ít sản vật thì đem ra chợ Sa Đéc gần đó bán buôn, đổi chác. Không gian của họ thu gọn giữa bốn bề cây lá quanh nhà, yên tĩnh, bằng lòng. Cho nên chỉ có dân chợ và bạn hàng là khách thường xuyên của hai hãng xe đò Tân Phát, Huê Mỹ. Bảy năm sau, có thêm vài hãng khác mở ra, cạnh tranh với hai hãng này bằng cách đến tận nhà rước khách.

Nói là hãng cho lớn, chớ chỉ chừng mươi chiếc xe cũ kỹ, mỗi chiếc gần bốn chục chỗ ngồi mà máy xe được cải tiến từ máy Renolt, Trắc-xông, Tricoen bốn chỗ, thậm chí cả máy xe cút kít. Mỗi bận đề máy không nổ thì có tay quay dự phòng. Và cứ chạy một khúc thì dừng lại đổ nước vô bình giải nhiệt đặt tuốt trên mui. Đất đồng bằng chằng chịt sông rạch, cặp con lộ nào cũng có mương nhỏ dẫn nước vô đồng, nên gọi mương lộ, anh lơ chỉ việc xách lên một thùng “tắm” cho máy là xe lại tiếp tục vươn vai phóng về phía trước. Tiếng sình sịch vừa mệt lại vừa vui, giống như một người chạy thở hào hển nhưng vẫn náo nức với hành trình phiêu lãng của mình.

Dẫu sao, như vậy tỉnh lỵ Sa Đéc vẫn còn “oai” gấp mấy lần so với các huyện, chẳng hạn Nha Mân còn lọc cọc xe ngựa, hành khách lắc lư theo nhịp gõ của “chú mã” u buồn, đi vài cây số mà tưởng xa thăm thẳm. Chưa kể, ở Sa Đéc cứ năm giờ sáng mỗi ngày lại có một chuyến xe đò đi Sài Gòn, chiều tối quay về, là nỗi háo hức bí ẩn đối với biết bao người. Chỉ nghe đến hai tiếng Sài Gòn đã thấy biết bao rạo rực trong lòng. Và tiếng xe lăn trong trời mờ sương đã đánh thức cả một vùng quê yên tĩnh.

Gọi là vùng quê cũng đúng vì hai bên con lộ cây cối um tùm, thậm chí sau đó một bót lính đã mọc lên để canh chừng “Việt Minh” len lỏi vào. Núp sau những hàng cây sầm uất đó, cũng có vài căn nhà lớn xây theo kiểu Pháp. Nhưng vẫn không xóa được cái cảm giác thôn quê nơi đây. Phía bên kia con rạch lại càng um tùm hơn vì không có lộ xe mà chỉ là đường đất nhỏ quanh co với những cây cầu khỉ nối nhau cắt dọc những khu vườn. Bót lính nằm ở bên này, và bước thêm vài trăm bước đã gặp ngôi chùa giấu mình sau lớp rào kín cổng.

Hòa thượng Chánh Quả lẹp kẹp đôi guốc vông bước ra sau chùa. Ông đi thử coi đôi guốc mới đóng có vừa chân không. Hôm qua, Hòa thượng ngồi đẽo khúc gỗ vông rồi lấy cái vỏ xe đạp đóng vô làm quai. Ông không cắt xén chi nhiều, cứ để cái quai thiệt bự bao trùm gần hết bàn chân, “để đi xa không mỏi”, ông nói vậy. Thầy giáo thọ Huệ Hòa lắc đầu: “Thấy ông cụ mà thương. Nhưng nhìn cái quai dầy mo, tôi đã... mỏi chân.” Cả chùa, ai cũng mang guốc vông, nhưng không ai có được cái quai guốc đặc biệt như Hòa thượng.

Tiếng lẹp kẹp nhỏ nhẹ kéo dần ra sân rồi dừng lại bên mấy chậu thược dược. Cái giống hoa quý phái này không biết Hòa thượng xin được ở đâu mà bây giờ rực rỡ vươn mình giữa đám hoa đồng cỏ nội trong chùa. Cái màu đỏ tía của nó nổi bật trên nền vàng cam của bông vạn thọ, trắng phớt của bông soi nhái, và tím dịu của bông dừa... Bông hoa nở ngập sân chùa như quên đi tiếng súng nổ xa xa, át cả tiếng đại bác gầm đâu đó... Một chút thanh bình, yên tĩnh len lỏi vào thiền môn, giúp cho dân quanh vùng tìm được sự chở che, an ủi. Nên người ta gọi đó là “chùa Bông” một cách dân dã, gần gũi, và thường lui tới xin hoa về chưng cúng. Thầy Huệ Hòa đệ tử của Hòa thượng, đặc biệt yêu thích bông hoa, nên càng để tâm chăm sóc. Tết tới, vạn thọ nở đỏ cả chùa, thơm ngát lên tới chánh điện.

Hòa thượng vói tay lấy cái gáo dừa cán dài múc nước trong nửa mảnh lu bể gần đó tưới cho cây thược dược. Ông kêu: “Thiện Tâm à, con coi châm nước vô lu.” Chú Thiện Tâm đang xách nước tưới mấy luống hoa, vội mang đến một thùng cho Hòa thượng. Hòa thượng ngó vị tăng trẻ: “Đi đứng cho nhẹ nhàng. Làm gì cũng phải giữ chánh niệm.” Chú Thiện Tâm giựt mình, dạ nhỏ. Chắc lúc vội, chú bước chân hơi mạnh. Thảo nào mà nước sánh ra làm ướt bộ quần áo bằng vải ta màu đà. Chú len lén xách đôi thùng tránh xa chỗ Hòa thượng. Chú vừa tưới cho xong mấy luống vạn thọ cuối sân, vừa liếc trông chừng cái bóng mặc bộ đồ hàng màu vàng nhạt, bóng ngời lên trong nắng sớm. Hòa thượng chuộng loại vải đó vì mặc rất ấm.

Chú Thiện Tâm rất thích hình ảnh ông cụ cúi xuống bên khóm hoa, nhưng như thói quen, chú vẫn sờ sợ thế nào ấy và rồi cứ né. Mà đâu chỉ mình chú, cả chùa, cả mấy bà Phật tử cũng sợ Hòa thượng. Ông nổi tiếng về giới luật, đố ai dám rục rịch không tuân. Chú Thiện Tâm nhớ lại tuần trước, một cô gái vào chùa hỏi đúng tên một huynh đệ của chú. Thế là Hòa thượng gặng hỏi: “Ông đi đâu mà quen cổ? Ông xưng danh xưng tánh hay quá ha! Ở chùa này hồi nào tới giờ ông có thấy mấy cô trẻ trẻ lui tới hay không?...” Vị huynh đệ của chú mặt xanh như tàu lá, xin sám hối cả buổi chiều.

Hèn chi, chú Thiện Tâm nghĩ, Phật tử tới chùa này chỉ toàn mấy ông, mấy chú, mấy bà lớn tuổi, không hề thấy bóng một cô nào trẻ trung, nhan sắc. Chú Thiện Tâm sợ lắm, bởi vì nếu vi phạm giới luật thì Hòa thượng sẽ đuổi ra khỏi chùa. Mà xin được vô đây đâu phải dễ. Tổ đình Kim Huê là nỗi ước ao của những người xuất gia như chú. Thiện Tâm nhớ lại ngày xưa chú ở Cái Gia gần Mỹ Thuận, còn là một cậu học sinh tiểu học, ngày nào đi học cũng ghé ngang chùa Long Hòa chơi. Thấy quý thầy xách nước tưới hoa, chú vui tay nhào vô tưới tiếp. Rồi thầy cho chú ăn cơm, riết rồi ở luôn trong chùa mà đi học. Chú mê cảnh thiền môn tự lúc nào không rõ.

Thế là xin xuất gia và bắt đầu tầm sư học đạo. Hòa thượng Long Hòa gởi chú lên chùa Bà Soàn, sau đó lên chùa Bông, tức Kim Huê, để thọ pháp cùng Hòa thượng Chánh Quả. Lúc bấy giờ Hòa thượng Chánh Quả nổi tiếng khắp vùng vì đã là Hội viên của Hội nghiên cứu Phật học Nam Kỳ và là Giảng sư của Trường Phật học Lưỡng Xuyên, Trà Vinh. Hòa thượng cũng hợp tác chặt chẽ với Hòa thượng Từ Vân ở Tân Thuận Tây, Cao Lãnh, khắc in một số bản kinh luật chữ Hán như Sa-di luật giải, Tỳ-ni nhựt dụng, Bồ Tát giới, 24 oai nghi, Quy Sơn cảnh sách, Tứ thập nhị chương... lưu truyền khắp miền Tây. Tên tuổi của Hòa thượng làm rạng rỡ cho chùa Kim Huê, và số tu sĩ xin về chùa tu tập ngày càng nhiều.

Nhưng vào thì khó, mà ra thì... dễ ợt. Cho nên ai nấy ráng thủ mình giữ gìn giới luật để ông cụ vừa lòng. Ông thường nói: “Tu thì tu, không tu thì ra đời, tôi không có buộc ai hết.” Vậy mà đệ tử của Hòa thượng ai cũng tự giác “buộc” mình vào cảnh chùa thanh tịnh, nghiêm trang này, vì biết rằng đường tu có khó khăn như vậy thì kết quả mới tốt đẹp.

Chú Thiện Tâm lại giật mình nhận ra mình đang nghĩ ngợi lung tung. Chú tưới nốt cho xong luống hoa cuối cùng, thấy bóng áo của Hòa thượng cũng đã khuất tự lúc nào. Chú cất đôi thùng vào kho rồi xối ào mấy gáo nước lên người. Nước mát lạnh làm chú tỉnh táo thêm ra. Hy vọng hôm nay chú học bài mau lẹ. Chú nhìn ra vườn, nắng đã lên lưng chừng đọt chuối, là độ 8, 9 giờ. Lá chuối xanh nõn xòe đôi cánh rộng như đôi cánh của một con bướm khổng lồ, khẽ phất qua phất lại trông thật đáng yêu.

Khi chú Thiện Tâm đã xong phần tắm gội, bước vào phòng học thì thấy huynh đệ đã ngồi vào bàn ngay ngắn. Sau bữa cháo sáng điểm tâm, ai có công việc lao động của người ấy gọi là chấp tác, chẳng hạn ra ruộng, cuốc đất, tưới cây, nhổ cỏ, lau chùa, quét sân... và bây giờ phải ngồi học nghiêm chỉnh. Cái thời khóa biểu ấy cứ đều đều mỗi ngày, nhịp nhàng khắc lên cuộc đời tu hành những vết rất cũ mà cũng rất mới. Chú Thiện Tâm nghĩ có lẽ mãi mãi không có gì lạ xảy ra nơi đây, không có gì có thể làm chú ngạc nhiên, kinh động. Bởi ngày nào cũng y như ngày ấy, thầy trò chú cứ lặp đi lặp lại những công việc quen thuộc tưởng chừng rất cũ.

Nhưng thật ra, chú vẫn cảm nhận có cái gì rất mới chứa đựng trong nó. Bởi luống hoa hôm nay đã không giống luống hoa hôm qua, tiếng chuông hôm nay cũng khác tiếng chuông hôm qua, và bài học cũ nhưng mỗi lần đọc lại chú cũng thấy mình đã lĩnh hội khác đi, chiêm nghiệm khác đi... Chú cảm nhận lòng mình mỗi ngày một thay đổi, nên chú nhìn gì cũng thấy nó mới hơn, lạ hơn... Thời gian trôi bình thản mà vẫn nhanh nhẹn lạ kỳ phía sau cánh cổng chùa kín đáo.

Chú Thiện Tâm chấm đầu bút lông vô nghiên mực, viết mấy chữ Hán lên tờ giấy. Bên cạnh chú là chú Thiện An đang lẩm nhẩm bản kinh. Chú muốn nhoẻn miệng cười với Thiện An mà không dám. Thầy giáo thọ Huệ Hòa đang đi tới đi lui giữa hai hàng cột, tay cầm cây thước dài đến phát ớn, tuy rằng cây thước ấy không hề đánh ai. Lớp học im phăng phắc đến nghe rõ tiếng con ong bầu vo ve. Chà, con ong này làm tổ ở đầu kèo lâu dữ ha. Có đến cả năm rồi không ít. Bữa nào nó cũng bay tới bàn học như trêu chú vậy.

Cái tính nghịch ngợm bỗng trỗi dậy. Chú Thiện Tâm sẵn tay cầm cây bút lông quơ ngang con ong. Nhưng con ong đã lượn một vòng tuyệt đẹp tránh được cái “xuất chiêu” của chú. Chỉ khổ nỗi, đầu bút đầy mực đã vảy văng vào áo chú Thiện An một đốm to tướng. Chú Thiện An bị bất ngờ, la “ái” lên một tiếng. Cả phòng học ngẩng lên nhìn về phía chú Thiện An. Thầy Huệ Hòa xách cây thước thủng thỉnh đi tới. Bước chân thầy nhẹ nhàng mà sao từng tiếng dội vang như sấm vào những lồng ngực trẻ đang đập liên hồi kỳ trận sau những dãy bàn học. Thầy hỏi:

– Ai la đó?

Chú Thiện An lúng túng, mặt đỏ nhừ rồi chuyển qua xanh dờn xanh lét. Chú lắp bắp:

– Dạ, dạ... con...

Thầy Huệ Hòa nhịp cây thước lên bàn:

– Con phải không?

– Dạ.

– Tại sao làm kinh động đại chúng?

– Dạ, tại... tại...

Chú Thiện An nhìn đốm mực trên áo rồi liếc qua chú Thiện Tâm mặt mày cũng đang xám ngoét im thin thít cạnh bên. Chú Thiện An cứ cà lăm:

– Dạ tại... tại con ong...

– Con ong làm sao?

– Nó... nó bay theo con...

– Vậy rồi la lên?

– ... ... ...

– Con ong có gì đáng sợ không? Nó bay kệ nó. Nó đâu có biểu chú giỡn với nó.

– Dạ. – Chú Thiện An cúi đầu. – Bạch thầy, con có lỗi.

– Chiều nay chú quỳ hương.

Thế là chú Thiện An bị phạt. Chúng tăng không lạ gì cái chuyện phạt vạ trong chùa. Sư phụ Huệ Hòa rất ghét tánh trững giỡn, mà mấy vị đệ tử trẻ chưa bỏ hết thói nghịch ngợm, nên hầu như ngày nào cũng có phát lồ, quỳ hương. Mỗi bữa lên quả đường đều có phát lồ, mỗi tối tụng kinh xong đều có quỳ hương. Tuy vậy, trong chùa đông người mà vẫn êm ru. Giỡn thì giỡn, đệ tử vẫn sợ thầy một phép.

Nhưng lần này chúng tăng ngạc nhiên vì thấy người bị phạt là chú Thiện An. Chú được xem là hiền lành nhất chúng, ai bảo gì cũng làm, ai nói gì cũng nhịn. Cách đi cách đứng của chú cũng nhẹ nhàng, như nép mình sau người khác, như không dám làm ai chú ý. Vậy mà chú lại bị phạt vì cái tội giỡn, làm kinh động đại chúng, nghe mới kỳ.

Bây giờ chú quỳ đó, mặt hơi buồn nhưng không có vẻ gì giận dỗi, hờn trách. Chú chỉ buồn vì đáng lẽ giờ này chú được ngồi vào bàn học như thường lệ, thì phải quỳ tại đây. Chú nhớ sách vở quá, nhớ cuốn kinh, cây viết. Chú cố lẩm nhẩm lại bài học để đừng phí thời giờ, vì ngày mai sư phụ bắt trả bài mà không thuộc thì “chết”. Cuốn kinh nào, cuốn luật nào cũng bằng chữ Hán, chưa được dịch ra quốc ngữ, nên người học phải đọc được chữ trong nguyên văn lẫn dịch nghĩa rõ ràng. Coi như đang học một “ngoại ngữ” vậy. Khó thì khó, nhưng vẫn là một hạnh phúc đối với chú Thiện An vì các chùa khác đâu có lớp dạy như thế. Chú đã chẳng lặn lội từ Cao Lãnh xuống tận đây để xin xuất gia, cầu pháp hay sao?

Cái ngày chú ra đi, tiếng súng kháng Pháp đã vang trở lại khắp miền Nam. Hai mươi lăm tuổi, chú rời xa người vợ hiền và một con trai, một con gái, tìm đến cửa thiền. Nhà chú ở xã Hòa An, Cao Lãnh, không gần một ngôi chùa nào. Chú nghe danh chùa Bông, lặn lội cả nửa ngày đường mới tới.

Đó là một buổi trưa năm 1950, trời cũng hanh nắng như thế này, cây lá cũng đứng im chờ gió như thế này. Sau giấc nghỉ trưa, tăng chúng thức dậy ngồi vào bàn học. Có chừng ba mươi vị đang tề chỉnh ôn luyện dưới sự chỉ dẫn của thầy giáo thọ Huệ Hòa. Hình ảnh đó làm chú xúc động đến ngất ngây. Thiêng liêng quá, khát khao quá. Làm sao chú có thể hòa nhập được vào đó để mà học hành cho thỏa những ngày thơ ấu cơ cực! Nhà chú nghèo lắm, cha mẹ đâu có lo khai sanh cho con, nên chú không được đến trường. Hồi đó kiếm một đồng xu cũng trần ai, đừng có mơ tưởng chuyện học. Nhưng rồi cha mẹ chú cũng cố gắng kiếm tiền cho con theo được lớp tư thục bên ngoài. Thầy giáo làng chỉ đủ vốn dạy cho học trò biết đọc biết viết. Và chú đem tất cả vốn liếng ấy vào chùa.

Thầy Huệ Hòa thu nhận chú làm đệ tử, cho vào lớp học. Huynh đệ học trước, họ giỏi giang, lanh lợi, còn chú học sau, thầy phải dạy bài riêng. Cho nên bây giờ chú vừa quỳ hương vừa cố gắng ôn lại bài. Hy vọng không làm sư phụ giận một lần nữa vì cái tội lười học.

Tàn cây hương thì kẻng báo giờ tan học cũng vừa điểm. Đã bốn giờ chiều, là giờ công phu. Sau đó thọ trì lúc sáu giờ, rồi tiếp tục học bài đến chín, mười giờ trước khi đi ngủ. Chú Thiện An mừng rơn khi chạm tay đến cuốn vở, tưởng chừng như xa nó lâu lắm vậy. Các vị sư trẻ ngồi quây quần thành từng nhóm, cứ bốn, năm người dùng chung một cây đèn dầu. Chú chung nhóm với Thiện Tâm, Thiện Tánh, Thiện Mỹ. Giờ tự học nên các chú cũng thoải mái đôi chút. Chú Thiện Tâm bối rối khều tay chú Thiện An hỏi nhỏ:

– Giận tui không?

– Dạ, có gì mà giận.

– Sao chú hổng khai ra tui...

Chú Thiện An mỉm cười:

– Khai ra thì cả hai đều bị phạt. Mình em bị phạt cũng đủ rồi.

– Ờ há...

Chú Thiện Tâm gục gặc đầu hiểu ra. Nét mặt chú đầy vẻ cảm động trước nghĩa cử của sư đệ. Chú lại khều Thiện An:

– Nè, bài học có chỗ nào không hiểu không, tui chỉ cho.

– Dạ cám ơn sư huynh. Chừng nào có thắc mắc thì em nhờ sư huynh giúp đỡ.

Chú Thiện Tâm yên lòng khi thấy sư đệ mình hỷ xả như vậy. Chú ngóng cổ nhìn quanh như để canh chừng thầy giáo thọ, rồi quay lại xì xầm với chú Thiện Tánh, Thiện Mỹ:

– Tính sao mấy huynh? Dứt khoát là đi há?

– Thì huynh làm sao tụi em làm y vậy.

Chú Thiện An giựt mình. Trời ơi, sư huynh chú đang bàn chuyện gì vậy? Chú mở to đôi mắt nhìn ba người. Chú Thiện Tâm ngắt chú một cái đau điếng:

– Con mắt của chú cầm bằng thỉnh sư phụ tới đây.

Chú Thiện An vội cụp mắt xuống, cố lấy lại vẻ bình thản. Chú Thiện Tâm bèn tiết lộ:

– Tụi anh đang bàn kế đi học ngoài trường tiểu học, không cho sư ông biết.

Sư ông là Hòa thượng Chánh Quả. Chú Thiện An biết sư ông rất ghét tu sĩ đi học chữ quốc ngữ. Giờ huynh đệ chú lại bàn cách lén đi...

– Nè, ông đừng có méc nghen ông.

Chú Thiện Tánh dặn vậy thôi chứ chú thừa biết chú Thiện An rất hiền, đâu có tánh lẻo mép. Chú Thiện An mỉm cười gật đầu, mắt ánh lên niềm vui thích. Cả bốn người lại chăm chú cúi xuống quyển kinh. Gió xào xạc ngoài vườn chùa, đẩy vầng trăng lên tận những đọt me đọt xoài, phảng phất mùi lá non chua chua quyến rũ.


°

Sáng bảnh mắt mà những giọt sương vẫn còn đọng trên những chiếc lá xanh mướt và luyến tiếc không muốn rời những nhụy hoa li ti phấn vàng, thở vào vườn chùa một hơi lành lạnh thơm thơm. Chú Thiện An mở to đôi cánh cửa cho hơi thơm ấy lùa vào tổ đường, trong trẻo ập vào buồng phổi của chú. Chú khoan khoái hít một hơi dài trước khi chạy xuống bếp dọn cháo lên cho đại chúng điểm tâm. Cháo trắng ăn với củ cải hoặc tương kho, muối mè, là món duy nhất của nhà chùa. Đến trưa mọi người mới được ăn ngọ, và rồi nhịn luôn cho tới sáng hôm sau.

Chú Thiện An cẩn thận xếp những cái chén sành thành mỗi mâm bốn cái. Mùi cháo nấu nhừ tỏa lên thơm lừng làm chú quên đi sự thanh bần của cảnh chùa quê.

Hòa thượng Chánh Quả cũng ngồi cùng quá đường với đại chúng. Ăn xong, ông bắt đầu giảng một đoạn kinh. Tối nào Hòa thượng cũng tụng Bảo Tích hoặc Hoa Nghiêm, và tụng đến đoạn nào thì sáng ra giảng ngay đoạn ấy. Sáng nay, như thường lệ, giảng xong ông hỏi: “Con thấy sao, Thiện Tâm?” Chú Thiện Tâm học giỏi, lanh lợi, thường được Hòa thượng “khảo bài” như thế. Ngoài chú Thiện Tâm còn có chú Thiện Quả cũng lanh lợi không kém vì trước kia khi chưa xuất gia chú làm xã trưởng, ghép với tên chú thành “xã Biện.” Hai ông học trò cưng này sáng nào cũng đứng lên trả lời ý nghĩa của đoạn kinh mà chính mình lĩnh hội được sau khi nghe Hòa thượng giảng.

Nhưng sáng nay, Hòa thượng hỏi xong mà mãi không nghe chú Thiện Tâm trả lời. Hòa thượng nhìn suốt lượt, rõ ràng chú không có ngồi trong quá đường. Hòa thượng hỏi thầy giáo thọ Huệ Hòa: “Thiện Tâm đâu? Còn Thiện Tánh, Thiện Mỹ nữa?” Thầy Huệ Hòa đứng dậy chắp tay: “Bạch sư phụ, ba chú ấy đi học rồi ạ.” “Học cái gì?” “Dạ học ở trường tiểu học.” “Học chữ Việt phải không? Học để làm quỷ làm ma, viết thơ cho con gái chớ gì!” Câu này Hòa thượng răn đe không biết bao nhiêu lần. Thầy Huệ Hòa ấp úng: “Dạ, xin thầy...” “Không có xin gì hết. Ông là ông giáo mà ông bao che cho tụi nó há! Tôi đuổi hết ba đứa.” Thầy Huệ Hòa hoảng hồn, nhưng cứ một mực dạ thưa, chờ Hòa thượng nguôi giận. Chúng tăng xanh mắt sợ cho ba vị huynh đệ dám bạo gan phá vỡ luật lệ của ông cụ.

Trong lúc đó thì chú Thiện Tâm, Thiện Tánh, Thiện Mỹ hì hục chạy cho lẹ thoát khỏi sự kiểm soát của Hòa thượng. Ba chú phải đi đường tắt, lội qua một con mương nhỏ. Ôi thôi, áo tràng thì lột ra, quần thì xăn ống lên tới bắp chuối chân cho khỏi ướt, tay ôm cặp, tay quơ mấy cọng cỏ mọc bùm sùm dưới mương. Mấy chiếc lá nham nhám cứ quẹt vô tay ngứa ngứa, có cọng còn tặng luôn lên áo các chú vài đốm bùn hăng hắc, thiệt dễ sợ!

Ra tới trường, ngồi học mà trống ngực ba chú còn đánh liên hồi. Chú nào cũng lớn bộn, mà vẫn cố lấy cho được cái bằng tiểu học. Thầy giáo hứa cho các chú học song song tiểu học với trung học và học nhảy lớp cho mau. Chỉ còn cách đó các chú mới theo kịp chương trình, nhưng đòi hỏi các chú phải nỗ lực rất nhiều.

Nỗ lực thì không sợ. Thức khuya dậy sớm mà học. Nhịn ăn nhịn ngủ mà học. Chỉ có điều, làm sao xin phép được Hòa thượng thì mới tính chuyện học lâu dài. Trống trường điểm, ai nấy ra về, chính là lúc ba chú nhớ lại thực tế hoàn cảnh của mình. Cả ba nhìn nhau rồi chạy ù đường tắt về chùa.

Tới chùa, ba chú không dám vô liền mà thập thò ngoài cửa sau để coi động tĩnh thế nào. Nghe rõ tiếng Hòa thượng rầy thầy Huệ Hòa:

– Ông nói là ông cho phép tụi nó phải không? Giỏi dữ ha.

– Bạch thầy, con nghĩ sau này nước nhà sẽ phát triển chữ quốc ngữ, cũng nên cho các chú theo học để làm phương tiện hoằng pháp độ sanh.

– Độ sanh đâu hổng biết, mà coi chừng tụi nó bị người ta rù quến.

– Dạ con thấy đạo hạnh của các chú không đến nỗi nào.

– Nhưng tôi nói đuổi là đuổi nghen. Ông giáo mà chứa, tôi đuổi luôn ông giáo.

Thầy giáo thọ Huệ Hòa dạ dạ cho qua chuyện. Chờ tiếng guốc Hòa thượng đi lên nhà trên, thầy đưa tay ngoắc ba chú:

– Vô đi. Đừng nói gì hết, ông cụ có la thì đổ hết cho thầy.

Ba chú đệ tử mừng rơn vì có sư phụ chở che. Sư phụ còn bày ra một kế làm Hòa thượng nguôi ngoai. Thế là suốt mấy hôm liền, ba chú trốn mặt ông cụ. Hễ ông cụ ra nhà trước thì ba chú vòng xuống nhà sau, ông cụ ra nhà sau thì ba chú vòng lên nhà trước. Tới bữa, lén bới một tô cơm chan đại chút nước tương ra ngồi sau hè mà ăn. Sư phụ Huệ Hòa an ủi:

– Ráng đi tụi con. Thông cảm ông cụ thuộc thế hệ trước nên dĩ nhiên có phần không “cấp tiến.” Nhưng không có công lao của ông cụ thì bây giờ mình đâu được như thế này.

Không cần sư phụ nói, ba chú cũng hiểu và vẫn một lòng tôn kính Hòa thượng. Thậm chí, ba chú thấy buồn nao nao vì mỗi ngày không còn nghe Hòa thượng giảng kinh trên quá đường, nhớ tiếng guốc của Hòa thượng gõ nhẹ nhàng bên khóm hoa... Ba chú chỉ mong Hòa thượng nguôi giận để thầy trò được gần gũi như xưa...

°

Hòa thượng ngồi tẩn mẩn sửa lại cái quai guốc. Tiếng búa gõ cộc cộc làm con chim đậu trên nhánh xoài giựt mình. Nó chớp cánh bay vút lên để vọng lại một tràng kíu ríu kíu ríu nghe xót cả ruột. Hòa thượng ngước nhìn lên. Mi mắt già nua với nếp nhăn sụp xuống vẫn cố dõi tìm con chim nhỏ. Nó đâu rồi? Xuống đây con. Ta đâu có đuổi mà con bay dữ vậy. Ờ thôi ta không đóng nữa, ta dẹp cây búa đây. Đôi guốc này hơi nặng, ta định sửa lại cho dễ đi. Thôi, mang đỡ vậy, hôm nào sửa cũng được. Xuống đây con, ta cho mấy hột gạo...

Con chim nhỏ bay một vòng rồi sà lại chỗ cũ. Cái cánh nâu lốm đốm trắng của nó khép vào bên hông có vẻ yên lòng. Hòa thượng kêu: “Huơ, Thiện Tâm ơi, đem cho thầy nắm gạo!” Tiếng Hòa thượng vọng ra vườn chùa, chỉ có tiếng lá xạc xào đáp lại. Hòa thượng giật mình. Ông cứ quen miệng kêu Thiện Tâm. Hòa thượng chợt nhớ ba đứa nhỏ. Mấy ngày nay tụi nó đi đâu? Ông biết ba chú không bỏ chùa, bỏ thầy, mà chỉ trốn ông thôi. Tội nghiệp. Hòa thượng chép miệng. Thiện Tâm lanh lợi nhứt, chắc là đầu đảng cho hai đứa kia. Ba đứa căn tánh đều thông minh, đạo hạnh, nhưng cuộc đời biết bao phức tạp, làm sao lường trước được. Đường tu gian khổ, nếu một phút không cẩn trọng là phá vỡ cả công trình bao nhiêu năm. Ông giữ gìn cho các chú vì ông thương các chú, không đành lòng nhìn sự nghiệp các chú gãy đổ. Các chú như con chim nhỏ kia, thà cứ đậu trên nhánh cây trong vườn chùa, ông còn có thể bảo bọc, chở che, chớ nó bay đi xa biết làm sao tránh được lằn đạn mũi tên...

Kíu ríu... kíu ríu...

Con chim lại kêu, nhưng tiếng kêu nhẹ hơn, thanh hơn. Hòa thượng chống tay đứng dậy. Ừ, để ta đi lấy gạo cho con...

°

Lớp học trong chùa vui vẻ trở lại vì ba chú Thiện Tâm, Thiện Tánh, Thiện Mỹ đã được Hòa thượng tha thứ. Thật ra Hòa thượng không nói tiếng “tha”, mà ông “lơ” đi khi thấy mặt ba chú xuất hiện trong quá đường. Ông không nhắc, không hỏi han tới vụ học chữ quốc ngữ nữa, dù biết rằng ba chú vẫn tiếp tục. Cái hôm con nhỏ Kim Anh trong xóm, cũng là bạn học của ba chú, vừa chạy vô chùa vừa la bài hãi báo tin: “Thầy ơi thầy đậu rồi! Thầy ơi thầy đậu rồi!”, báo hại ba chú trốn gần chết. Hòa thượng chống gậy ra hỏi: “Đậu cái gì? Ai đậu?” Nhỏ Kim Anh lắp bắp như có ai nhét đậu phộng vô miệng nó: “Dạ... dạ... thầy Tâm, thầy Mỹ, thầy Tánh đậu tiểu học ạ.” Hòa thượng “hứ” một tiếng rồi chống gậy lộp cộp đi vô. Ở ngoài hè, ba chú thiếu điều muốn ôm chầm lấy sư phụ Huệ Hòa.

Bốn thầy trò mặt tươi như hoa, bởi cái bằng tiểu học coi vậy chớ đâu phải dễ lấy. Nhớ hồi mới vô học, thầy giáo Sĩ phải kèm thêm Pháp văn vào ban đêm cho ba chú theo kịp bạn bè, vừa kèm vừa trêu: “Thầy Tâm chia verb chữ nào, giống nào cũng thêm s.” Cả ba đã hơi nản nản. Nhưng không ngờ sau đó lại học tiến bộ vượt bực khiến thầy giáo Sĩ cũng ngạc nhiên. Được thầy khen, ba chú càng siêng học. Chẳng những vậy, đi học về, chú Thiện Tâm lại càng siêng tụng kinh, chúc tán, cúng ngọ, thậm chí dạy kinh cho mấy chú tiểu mới vô nữa. Chú cáng đáng nhiều việc thay cho sư phụ Huệ Hòa khiến sư phụ càng thương và ủng hộ các chú đi học chữ quốc ngữ. Hòa thượng thấy các chú tuy đi học mà không bỏ bê việc tu, cũng không rầy nữa. Nghe Hòa thượng “hứ”, các chú biết ông cụ mừng lắm mà còn... giả bộ.

Chú Thiện Tâm vẫn ngồi kế chú Thiện An trong lớp. Thầy giáo thọ vẫn cầm cây thước đi tới đi lui giữa hai hàng cột. Con ong bầu vẫn vo ve trước mặt các chú. Chú Thiện Tâm định chu miệng thổi phù vô cánh con ong, sực nhớ lại mấy cây hương dài thòn đang chờ mình... Chú định chọc con ong thôi chớ đâu có ghét nó. Cái bụng tròn tròn thấy thương ghê! Con ong bay một hồi rồi rút lên cái tổ của nó trên đầu kèo. Chú Thiện Tâm không thèm nhìn nó nữa, cầm cuốn kinh lên đọc:

– Bồ đề bổn vô thọ. Minh cảnh diệc phi đài. Bổn lai vô nhất vật. Hà xứ nhạc trần ai.

Chỗ chú ngồi gần sát phòng Hòa thượng nên Hòa thượng nghe rất rõ giọng chú. Hòa thượng vẫn thường lắng tai nghe các đệ tử đọc bài. Và ông chống gậy đi ra mỗi lần có chú nào đọc sai câu gì đó.

– Thiện Tâm coi kỹ sách, có phải con đọc chữ nhạ thành chữ nhạc không?

Chú Thiện Tâm nhìn lại trang kinh. À, vì đọc lẹ quá nên chú líu lưỡi, nhạ thành nhạc.

Tiếng guốc của Hòa thượng đã khuất vào phòng tự lúc nào.

Vừa tan học, chú Thiện Tâm vội cất sách vở rồi chạy ào xuống nhà bếp. Chiều nay chùa nấu chè cúng rằm, mấy bà Phật tử đã xách nếp, đường, đậu lủ khủ vô chùa. Chú phải coi điều động tiếp họ. Trong đám có bà Tám Bê là lanh lẹ nhất, giỏi nghề nấu nướng. Bà thường là “bếp trưởng” mỗi khi chùa có đám. Ai ăn món của bà nấu đều khen ngon. Nhưng bù lại, bà có tật hay gắt gỏng, chê bai người khác. Bữa nay cũng vậy, vừa bước vô bếp chú đã nghe tiếng bà càu nhàu với dì Sáu Nhỏ:

– Tui đã nói là phải nấu đậu cho thiệt mềm. Ba xồn ba xực như vầy ăn sao được.

Dì Sáu lấy đũa bếp đánh tơi những hạt đậu xanh đãi vỏ vàng óng ra, trả lời:

– Mềm vầy thôi chớ mềm sao nữa!

– Thôi thôi để đó cho tui. Mất công một chút mà nó ngon, của đâu đem làm dở ẹt, vừa ăn vừa tức.

– Cái bà này! Làm như có mình bà biết nấu. Giỏi dữ!

Lời qua tiếng lại một hồi sinh ra cãi vã, và vọng tới tai Hòa thượng. Ông chậm rãi đi xuống bếp:

– Cái gì om sòm vậy ha?

Bà Tám với dì Sáu mạnh ai nấy phân trần giành phần phải về mình, mong được Hòa thượng phán xử cho công bằng. Hòa thượng ngồi làm thinh, lắng tai nghe. Hồi lâu, chẳng thấy ông nói gì, mà đứng dậy mang guốc lẹp kẹp đi lên, vừa đi vừa lẩm bẩm:

– Mấy bà dữ quá!

Bà Tám với dì Sáu chợt tẽn tò, ngồi im thin thít. Mấy bà khác cũng ngó nhau, mắc cỡ.

Nồi chè nếp đã nhừ, vậy mà còn có chút đường lại không ai nhớ để vô.

°

Chú Thiện An giở hũ chao hột ra. Mùi ngậy ngậy của hạt đậu nành ủ kín phất lên mũi chú thật quen thuộc. Đây là món ăn chủ lực của chùa, và các chú đều rất thuần tay chế biến. Ba bữa trước, chú đã nấu đậu nành suốt từ sáng tới chiều cho thật mềm, rồi lấy thúng vớt ra, còn lại trong nồi chừng một tô nước cốt luộc đậu. Chú đổ tất cả đậu vào hũ sành đem ủ. Bây giờ thì chú trút phần đậu đó vô phần nướt cốt hôm nọ. Chú làm thêm các gia vị để ướp. Theo công thức, cứ hai ký đậu thì một muỗng canh tiêu xay, một xị rượu đế loại ngon, trộn cho đều hạt đậu. Chú lại lấy một cái nồi đất lường muối đổ vào rang. Cứ hai lon đậu thì dùng một lon muối hột. Vừa rang, chú vừa né những hạt muối nổ dòn rôm rốp, bắn tung lên cao. Đến khi nồi muối hoàn toàn không còn hạt nào nổ nữa, thì chú trút cả nồi đang còn nóng rực như thế vào phần đậu đã ướp lúc nãy. Khói bốc lên nghi ngút. Chú để yên hũ đậu nơi ấy, chờ qua một đêm. Sáng mai chú sẽ nấu một ấm nước sôi đổ vào, rồi đem hũ ra phơi nắng. Phơi vài nắng là ăn được. Những hạt đậu nhũn ra có màu vàng như mật ong, muốn ăn phải pha thêm nước cho loãng ra, thêm chanh hoặc giấm, đường vào nữa. Thế là có một thứ nước sóng sánh đủ vị chua, mặn, ngọt. Rau lang, rau muống, cải trời, bắp chuối... đầy vườn, đem luộc thật dòn và xanh, chấm vào thứ nước ấy, ăn được mấy chén cơm đầy.

Hầu như quanh năm, ở chùa chỉ có món tương chao giản dị này, mà da dẻ các chú hồng hào, tinh thần minh mẫn lạ kỳ. Mấy bà Phật tử thường nói các chú, các thầy được “Phật nuôi.” Chú Thiện An mỉm cười một mình. Chú làm cho mau để còn sửa soạn hành lý cho Hòa thượng đi Sài Gòn vào ngày mai. Hòa thượng đi thăm Hòa thượng Hành Trụ ở chùa Tăng Già bên cầu Ông Lãnh. Hòa thượng Hành Trụ có về chùa Long An ở Sa Đéc này mở lớp học cho ni chúng, là vị Hòa thượng có công hạnh rất lớn. Hai ông cụ rất quý nhau và thỉnh thoảng ông cụ dưới này lên thăm ông cụ ở Sài Gòn.

Mà thật ra, chú có cần chuẩn bị gì nhiều cho Hòa thượng Chánh Quả. Hành lý của ông chỉ là một tay nải gồm một y áo qua đêm, mua thêm một ổ bánh mì lạt nhét vào, đi đường xa đói bụng thì Hòa thượng lấy ra ăn. Vậy thôi. Nhưng chú cũng phải chuẩn bị kỹ càng chứ. Rủi tay nải đứt quai. Rủi áo Hòa thượng sứt chỉ... Lại thêm cây dù đen có cái ngoéo làm tay cầm, chú cũng phải kiểm tra từng cây căm, mí vải.

Mờ sáng, Hòa thượng đã bước ra cổng chùa cho kịp chuyến xe đò năm giờ. Hòa thượng cặp cây dù đen vô nách, vai bên kia là cái tay nải cùng màu nâu với chiếc áo tràng lình xình như một ông lão nhà quê. Dưới chân vẫn là đôi guốc vông có cái quai bằng vỏ xe thiệt bự. Nhiều lần thầy Huệ Hòa nói với Hòa thượng: “Sư phụ đi lên thành, mà hổng chịu lấy cái áo tốt ra mặc!” Hòa thượng cười: “Có ai biết thầy đâu mà diện!” Quả thật, người đi đường làm sao biết vị sư già lẹp kẹp đôi guốc lội bộ từ bến xe tới tận chùa Tăng Già dưới cái nắng chang chang của Sài thành lại chính là vị Hòa thượng tiếng tăm của miền Tây Nam Bộ. Ông lẫn vào dòng người với tiếng guốc khua nhẹ trên đường phố, thanh thản bắt nhịp với tiếng xe cộ đông đúc, tiếng chợ búa ồn ào, không tên, không tuổi.

°

Đi Sài Gòn chuyến đó về, Hòa thượng ngã bệnh. Thật ra, Hòa thượng về rồi bắt tay vào sửa lại ngôi chùa. Ngày xưa chùa vốn mang tên Hội Khánh, do Hòa thượng Từ Lâm thành lập năm 1806. Trải qua bốn đời trụ trì thì bị gián đoạn, chỉ còn hai mẹ con một bà cụ già ở lại trông coi. Chùa lợp lá, nhỏ nhoi khiêm tốn, chưa tiếng tăm gì. Cho tới một ngày có vị sư tên Chánh Tín từ Châu Đốc ghé thăm. Trên đường đi nhập hạ ở Ba Tri, bước chân dun rủi ông đến chùa Bông, thế là hai mẹ con cụ già năn nỉ ông ở lại trông nom ngôi cổ tự.

Sư Chánh Tín trụ trì từ năm 1908 đến 1920 thì trao lại cho Hòa thượng Chánh Quả. Ngày ấy, Hòa thượng Chánh Quả là đệ tử của Hòa thượng Từ Phong ở chùa Giác Hải, Chợ Lớn, người sáng lập Hội Nghiên cứu Phật học Nam kỳ và tạp chí Từ Bi Âm. Hòa thượng Chánh Quả vâng lệnh sư phụ đi về phía Nam hoằng dương chánh pháp, phát triển Phật giáo ở miền Tây Nam Bộ. Sa Đéc lúc ấy phong cảnh hữu tình, khí hậu ôn hòa, và đã là một tỉnh lỵ có nền văn hóa khá cao trong vùng. Hòa thượng Chánh Quả dừng chân tại đây và mở những lớp học Phật pháp đầu tiên, quả không hổ danh đệ tử của Hòa thượng Từ Phong. Lớp học kéo dài nhiều năm đã đào tạo một thế hệ tu sĩ tài cao đức trọng như Huệ Hòa, Huệ Phát, Trí Quang, Trí Châu, Huệ Hưng, Thiện Quả, Như Ngọc, Như Trinh, Như Châu, Như Kỉnh... Hòa thượng Trí Tịnh cũng từng thọ giới Tỳ kheo với Hòa thượng Chánh Quả tại chùa Bông.

Ngôi chùa có một bề dày lịch sử như thế, nhưng bây giờ mái ngói cũ kỹ, vách lá đơn sơ, nên Hòa thượng quyết định sửa lại cho chúng tăng đủ điều kiện tu học. Ông chọn ngày 19 tháng 9 âm lịch, năm 1955. Chọn là chọn sao cho thuận tiện, chứ Hòa thượng không hề lật sách bói toán ra xem như lệ thường ở thôn quê Nam Bộ. Các đệ tử lén lén mở sách coi rồi trình lên Hòa thượng: “Bạch thầy, ngày đó là ngày thượng lương, gia chủ phải thọ tử, xin thầy dời lại hôm khác.” Hòa thượng xua tay: “Mấy ông tu mà còn tin ba cái vụ mê tín đó. Khổ quá! Công tôi dạy dỗ mấy ông giáo lý đầy bụng, mà bây giờ mở sách bói toán ra coi ha!” Không ai dám cãi Hòa thượng. Thế là ngày ấy cứ tiến hành gác đòn dông.

Chẳng hiểu sao, chùa xây xong thì Hòa thượng ngã bệnh. Kẻ tin, người bài về cái ngày “thượng lương”. Nhưng nỗi buồn bao phủ lên đại chúng vẫn là sự mất mát rất lớn khi ông cụ ra đi. Bao nhiêu công tác Phật sự vẫn rất cần bóng mát của Hòa thượng hướng dẫn, bao nhiêu ước mơ, hoài bão của lớp trẻ vẫn rất cần Hòa thượng đôn đốc, động viên. Mọi ngày Hòa thượng vẫn nói: “Mấy thầy lớn rồi, phải tự bay đi, tôi có sống đời theo mà dạy hoài được đâu!” Thật ra đại chúng vẫn mong được Hòa thượng chăm chút. Bây giờ Hòa thượng nằm đó, báo hiệu gốc cổ thụ sẽ không còn tỏa bóng được nữa. Đại chúng luân phiên nhau chăm sóc Hòa thượng, nhưng trực tiếp và gần gũi nhất là hai chú Thiện An và Thiện Tâm.

Chú Thiện An bưng vào phòng một tách cà phê nhỏ và một chén cháo cho Hòa thượng điểm tâm. Chú thấy Hòa thượng ngồi dựa lưng vào vách, kê cái gối phía sau. Từ hôm bệnh tới giờ, ông cụ toàn ngồi chứ không chịu nằm, ngay cả ngủ cũng ngủ ngồi. Chú Thiện An khe khẽ dâng cháo lên Hòa thượng. Hòa thượng bảo chú: “Con đỡ ta xuống đất đi tới đi lui vài bước cho khỏe người.”

Chú Thiện An lật đật tìm đôi guốc vông của ông cụ, rồi nhẹ nhàng đỡ vai cho ông cụ bước đi. Tiếng guốc nghe yếu ớt quá làm chú Thiện An muốn bật khóc. Tự nhiên chú thấy thương Hòa thượng hơn lúc nào hết. Nhớ mấy lúc Hòa thượng “khó khăn”, nhắc nhở từng li từng tí, chú và các chú kia đã than thở, và luôn tìm cách tránh né. Nhưng bây giờ, gần gũi Hòa thượng bao nhiêu ngày, chú nhận ra sự giản dị, thân tình chứa bên trong lớp vỏ nghiêm khắc. Và khi chú đưa tay ra đỡ dìu Hòa thượng, chú cảm nhận Hòa thượng nhỏ bé, dễ thương làm sao! Lòng tôn kính xen lẫn lòng yêu mến, nâng niu cứ dâng lên trong chú. Chú đâm ra ngơ ngẩn, dâng cháo lên Hòa thượng mà quên đưa muỗng. Hòa thượng lắc đầu: “Thằng nhỏ này bữa nay làm sao vậy!”

Hòa thượng ăn xong, kêu chú vấn dùm một điếu thuốc. Thứ thuốc rê Cao Lãnh thơm đậm đà, vấn sâu kèn cho ông cụ bập vài hơi ấm bụng. Hòa thượng cười cười, đôi má già nhăn nheo theo từng đám khói thuốc. “Coi chừng thầy nghen, thấy thầy không hút nữa là đi đó!” Chú Thiện An sợ xanh mặt. Dẫu biết sanh lão bệnh tử là quy luật, nhưng chú không thể nào bình thản được như ông cụ. Ông cụ nói mà tưởng chừng ông cụ sắp đi chơi đâu đó, sắp đi Sài Gòn hổng bằng! Khỏe re, vui vẻ, nhẹ nhàng.

Trời ơi, chú Thiện An chợt hoảng, rủi ông cụ “đi” liền bây giờ thì sao. Chú lập cập chạy ra kêu chú Thiện Tâm. Nghe chú kể lể sự tình, chú Thiện Tâm cười ngất: “Ông nhát quá ông ơi! Ông cụ còn ăn cháo ngon lành mà. Đi đâu mà đi! Nói bậy không hà!” Rồi chú chạy vô thay ca cho chú Thiện An.

Chú Thiện An quanh quẩn ngoài vườn, đi kiếm cái thùng xách nước tưới mấy chậu thược dược của Hòa thượng. Tự hôm rày hình như cây hoa cũng buồn hay sao, mà không còn xanh mướt khoe mình trong nắng nữa. Nó quặt cả cái thân dài ngoằn xuống miệng lu bể tưởng chừng ai đã bẻ nó vậy. Chú Thiện An nâng cây hoa lên, lấy một sợi dây chuối cột nó vào nhánh tre cắm cạnh bên làm trụ. Cây hoa đứng yên được, rồi đón những giọt nước mát từ tay chú Thiện An.

Nắng chấp chới gọi con chim nào rất quen bay về khu vườn chùa kêu một hồi lảnh lót. Tiếng kêu như kể lể chuyện gì, làm chú phải ngước lên nhìn. Chà, con chim có cánh nâu lốm đốm trắng nhỏ như một búp sen. Mi nói gì vậy chim? Đừng có làm ồn, sư ông đang bệnh mi có biết không? Bay đâu về mà um sùm hối hả quá vậy? Đói không, ta cho nắm gạo nghen! Kíu ríu, kíu ríu... Gạo nè, ăn đi. Nuốt từ từ thôi. Sư ông mà ra vườn được, chắc sẽ quở mi là không có oai nghi gì hết trơn! Sư ông khó lắm, mi biết không? Mà có khó như vậy mình mới nên chim à. Chỉ sợ mai mốt không còn ai răn đe, dạy dỗ thì mình hư thôi. Ta lại ít học nên ta lo lắm. Ta không bằng một li của hòa thượng.

Hồi xưa Hòa thượng con nhà Nho giáo nên văn hay chữ tốt, sau ra làm ông biện cho làng Tân Hòa ở Cái Gia Lớn, gần Mỹ Thuận. Hòa thượng làm biện mà ham vân du đây đó, đi chùa này chùa kia nghiên cứu Phật giáo. Một lần, về tới nhà thì phát hiện vợ mình đã dan díu với ông xã trưởng. Nhưng Hòa thượng chẳng hề ghen tuông giận dữ, mà còn kêu ông xã tới nói rằng: “Tôi cám ơn anh xã ở nhà đã gánh vác giùm vợ con tôi. Nay tôi muốn đi tu, vậy xin anh bảo bọc họ suốt đời.” Rồi Hòa thượng xuất gia luôn. Vốn chữ Hán sẵn có đã giúp Hòa thượng học kinh luật mau hiểu, tinh thông, trở thành vị đệ tử được Hòa thượng Từ Phong trao truyền sứ mạng hoằng pháp ở miền Tây.

Tới đây thì chim biết rồi phải không? Ờ mà còn một chuyện chắc mi chưa biết đâu. Không biết có phải là huyền thoại không, nhưng dân chúng truyền tụng dữ lắm. Những năm loạn lạc do Pháp xâm chiếm, bọn con cái nhà giàu lợi dụng tình thế ấy mà đi ăn cướp. Có một đứa bị chính quyền truy nã. Cha mẹ nó năn nỉ Hòa thượng nhận nó làm đệ tử để trốn đỡ trong chùa. Hòa thượng chịu nhận. Thế là chính quyền hay tin, cho rằng Hòa thượng bao che tụi cướp nên tìm bắt Hòa thượng. Lúc đó Hòa thượng đang ở chùa Phước Huệ, nghe tiếng quân lính kéo tới mà không thèm trốn. Hòa thượng cứ nằm tỉnh bơ trên giường, vậy mà lạ thay, bọn lính như bị mờ mắt tìm hoài chẳng thấy. Lục lọi hồi lâu chúng chán nản bỏ đi. Thật tình cái ông đệ tử trời đánh kia cũng đâu có tu nổi, nhưng Hòa thượng chỉ muốn giáo hóa cho hắn trở lại làm một con người lương thiện. Hòa thượng công đức vậy đó, mà bây giờ như ngọn đèn treo trước gió, vui vẻ gì mà chim hót han, kể lể um sùm...

Chú Thiện An nhìn con chim mổ tới hạt gạo cuối cùng, rồi chú đứng dậy xếp gọn chiếc thùng vào kho. Chợt nghe phía trước chùa có tiếng lao xao chào hỏi. Thì ra Hòa thượng Vĩnh Tràng ở chùa Hương vô thăm ông cụ. Chùa Hương còn có tên là Phước Hưng, một ngôi cổ tự cũng danh tiếng ở Sa Đéc. Hòa thượng Vĩnh Tràng nhìn quanh: “Ủa, chưa có ai vô hả?” Chúng tăng đáp lời: “Bạch thầy, chưa có ai.” Hòa thượng Vĩnh Tràng cười: “Mấy vị kia ra chùa rủ tôi vô thăm thầy Chánh Quả. Tôi nói thôi mấy ông đi trước, tôi tắm rửa cái đã. Vậy mà vô tới đây chưa thấy ông nào.” Chúng tăng nhìn nhau thầm nể ông cụ.

Hòa thượng Vĩnh Tràng tu hạnh Bồ Tát Vô Ngại thuộc pháp môn Tịnh Độ. Ông đã từng phát nguyện đi bộ ra Hà Nội thỉnh về một cái mõ bằng gỗ quý, đội mõ trên đầu đi bộ trở về chùa Hương. Cái mõ nặng khoảng mười lăm ký, không rời xuống đất trừ lúc Hòa thượng ăn uống, nghỉ ngơi, và mỗi bước Hòa thượng đi là một triếng niệm Phật A Di Đà. Đôi chân của Hòa thượng là đôi chân Bồ Tát, làm sao các vị kia theo kịp!

Hòa thượng Vĩnh Tràng vô tới cửa buồng Hòa thượng Chánh Quả. Hòa thượng Chánh Quả nhác trông thấy cái dáng ốm ốm mặc bộ quần áo bằng vải xả tang lình xình thì biết ngay người bạn đồng tu của mình. Hòa thượng Chánh Quả tuy giỏi thông kinh luật nhưng vẫn rất kính nể Hòa thượng Vĩnh Tràng dù ông không có một lần nào giảng pháp. Đường tu có tám mươi bốn ngàn pháp môn, chỉ cần người tu chuyên trì một pháp môn cho đến rốt ráo. Hạnh Bồ Tát của Hòa thượng Vĩnh Tràng quả không thua hạnh hoằng pháp của Hòa thượng Chánh Quả. Hai vị kính nhau mà lại thương nhau trong tình huynh đệ.

Hòa thượng Vĩnh Tràng ngồi xuống mép giường, nói giọng tỉnh khô nhưng đầy vẻ trêu đùa Hòa thượng Chánh Quả: “Bữa nay vô thăm sư huynh để nói pháp sư huynh nghe.”Ái chà, lại nói pháp cho vị pháp sư danh tiếng của miền Tây! Hòa thượng Chánh Quả cũng đáp lại giọng thành khẩn: “Ừ, huynh nói đi.” “Nguyện sanh Tây phương Tịnh độ trung. Cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu. Hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh. Bất thối Bồ Tát vi bạn lữ.” Hòa thượng Chánh Quả bật cười: “Bồ Tát hay quá ha!”

Rồi hai ông cụ nhìn nhau mà cười. Tiếng cười như xuyên thủng không khí thâm u trong căn buồng, tiếng cười vượt ra không gian rộng lớn bên ngoài lay động từng cành cây ngọn cỏ. Tiếng cười nhẹ nhàng thanh thản của những con người đã trút mọi lo âu phiền não của thế gian, sẵn sàng ra đi theo quy luật vô thường, nhưng cái thường còn của các ngài vẫn âm thầm tỏa sáng như vầng mặt trời, đánh thức những thế hệ mai sau...

°

H

ai chú Thiện An và Thiện Tâm mỗi người cầm một cây búa lớn chuẩn bị chặt hàng cây trước chùa. Chẳng hiểu sao mấy ngày nay Hòa thượng Chánh Quả cứ nói: “Đám cây bịt bùng quá, đốn bớt đi.” Thì chính ông cụ trồng nó chứ ai, giờ lại than là bịt bùng. Thầy Huệ Hòa nói: “Thôi, cứ làm theo ý ông cụ.” Nhưng cả đại chúng đều linh cảm có chuyện gì sắp xảy ra.

Chú Thiện An cầm cây búa đi tới đi lui vẫn không hạ được búa nào. Người chú lâng lâng khó chịu. Chú dụi mắt nhìn hoài hàng cây quen thuộc. Ừ, chú đâu có lầm. Sao cây nào cũng ủ rủ, lá cứ gục xuống như gốc rễ đứt lìa tự bao giờ? Hồi sáng này lên tụng kinh, xá Tổ, chú cũng dụi mắt mấy lần. Chú thấy rõ ràng mặt ông Tổ nào cũng buồn hiu buồn hắt. Nhìn đến gương mặt của Đức Phật cũng vậy, chú cũng thấy rõ ràng Phật đang trầm xuống. Một lát sau, cái cảm giác kia mới tan biến đi, các bức tượng mới trở lại bình thường trong mắt chú. Bây giờ tới lượt hàng cây, chú lại thấy nó ủ rủ buồn bã. Sao kỳ vậy? Chú kể cho chú Thiện Tâm nghe. Chú Thiện Tâm bảo: “Tại ông nghĩ đến Hòa thượng nhiều quá nên sinh ra ảo giác.”

Chú Thiện An ngồi thừ ra một hồi, mắt chú mới trở lại bình thường, và chú mới có can đảm đốn hạ hàng cây. Sân chùa trống trải hẳn, những tia nắng mặt trời rọi xuống chói chang rực rỡ như những vòng hào quang của Đức Phật. Chú Thiện An bỗng lo hơn. Không lẽ hào quang ấy là để rước Hòa thượng đi? Hòa thượng yếu lắm rồi. Hôm nay chú và chú Thiện Tâm phải ẵm Hòa thượng. Nhưng ông cụ nói: “Hai đứa yếu quá. Để Huệ Phát ẵm thầy.” Huệ Phát to con, mạnh mẽ, còn hai chú thì mảnh khảnh, thấp bé. Cái đà này chắc ông cụ không còn sống được bao lâu. Chú Thiện An tin vào cái điềm mà chú đã thấy trên mặt tượng Phật và hàng cây, nhưng chú chỉ dám thổ lộ cùng chú Thiện Tâm mà thôi.

Đốn cây xong, chú Thiện An đi tìm mấy gốc chuối lá ta trồng vào chỗ trống để sân chùa bớt trơ trọi. Mấy hôm, rễ chuối vẫn chưa bén, nên lá héo đi, ngả màu vàng vàng. Nhưng chú Thiện An đâu còn thời gian lo lắng cho mấy cây chuối, chú phải túc trực bên giường của Hòa thượng. Đã là ngày thứ mười hai kể từ lúc bắt đầu bệnh, và cũng là ngày thứ mười hai Hòa thượng không hề đặt lưng xuống giường.

Từ sáng, Hòa thượng không ăn điểm tâm nữa, vấn thuốc cho ông, ông cũng không hút. Mi mắt Hòa thượng sụp xuống không trông thấy được gì, lâu lâu ông lại hỏi: “Bây giờ mấy giờ rồi?” Các thầy và các sư cô thay phiên vào tụng kinh cho Hòa thượng nghe, thỉnh thoảng ông mỉm cười “phê bình”: “Mấy cô tụng nghe hay quá. Mấy thầy tụng không hay bằng.” Rồi Hòa thượng lại hỏi giờ và ngồi thẳng dậy theo tư thế bán già.

Hơn 11 giờ, hơi thở Hòa thượng dần tắt, sắc mặt vẫn điềm nhiên, an lạc và tư thế ngồi không thay đổi. Đại chúng kính cẩn quỳ xuống niệm thật rõ câu Nam-mô A-di-đà Phật...

Hôm đó, âm lịch là ngày Tân Dậu, mười ba tháng giêng năm Bính Thân, nhằm ngày 24 tháng 2 năm 1956. Chùa Kim Huê đưa tiễn vị Hòa thượng được xem là Tổ sư trong lịch sử hoằng pháp của mình. Và từ đó chùa Kim Huê được gọi là chùa Tổ.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 14 chương »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Rộng mở tâm hồn và phát triển trí tuệ


Đường Không Biên Giới


Giọt mồ hôi thanh thản


Truyện cổ Phật giáo

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.138.106.15 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (228 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...