Hãy nhớ rằng hạnh phúc nhất không phải là những người có được nhiều hơn, mà chính là những người cho đi nhiều hơn. (Remember that the happiest people are not those getting more, but those giving more.)H. Jackson Brown, Jr.
Tôi biết ơn những người đã từ chối giúp đỡ tôi, vì nhờ có họ mà tôi đã tự mình làm được. (I am thankful for all of those who said NO to me. Its because of them I’m doing it myself. )Albert Einstein
Đôi khi ta e ngại về cái giá phải trả để hoàn thiện bản thân, nhưng không biết rằng cái giá của sự không hoàn thiện lại còn đắt hơn!Sưu tầm
Gặp quyển sách hay nên mua ngay, dù đọc được hay không, vì sớm muộn gì ta cũng sẽ cần đến nó.Winston Churchill
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Chúng ta không có khả năng giúp đỡ tất cả mọi người, nhưng mỗi người trong chúng ta đều có thể giúp đỡ một ai đó. (We can't help everyone, but everyone can help someone.)Ronald Reagan
Thêm một chút kiên trì và một chút nỗ lực thì sự thất bại vô vọng cũng có thể trở thành thành công rực rỡ. (A little more persistence, a little more effort, and what seemed hopeless failure may turn to glorious success. )Elbert Hubbard
Nỗ lực mang đến hạnh phúc cho người khác sẽ nâng cao chính bản thân ta. (An effort made for the happiness of others lifts above ourselves.)Lydia M. Child
Tôi không thể thay đổi hướng gió, nhưng tôi có thể điều chỉnh cánh buồm để luôn đi đến đích. (I can't change the direction of the wind, but I can adjust my sails to always reach my destination.)Jimmy Dean
Sự vắng mặt của yêu thương chính là điều kiện cần thiết cho sự hình thành của những tính xấu như giận hờn, ganh tỵ, tham lam, ích kỷ...Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn

Trang chủ »» Danh mục »» THUYẾT GIẢNG GIÁO PHÁP »» Thức tỉnh mục đích sống »» Chương 7: Tìm lại bản chất chân thực của mình »»

Thức tỉnh mục đích sống
»» Chương 7: Tìm lại bản chất chân thực của mình

Donate

(Lượt xem: 16.381)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Thức tỉnh mục đích sống - Chương 7: Tìm lại bản chất chân thực của mình

Font chữ:


Diễn đọc: Trường Tân
Tại cổng vào ngôi đền thiêng Apollo ở Delphi, Hy Lạp, người ta thấy có khắc một dòng chữ: “Hãy tự biết bản chất chân thật của chính mình”. Thời Hi Lạp cổ, người ta thường thăm viếng đền Apollo để tìm hiểu về vận mệnh của mình hoặc để được thần linh mách bảo về những điều họ cần làm khi gặp một tình huống nào đó. Có thể là những người vào đền khi đọc những dòng chữ trên đã không nhận ra một chân lý rất sâu sắc, sâu sắc hơn những gì mà ngôi đền có thể cho họ biết. Nếu họ không tìm ra được chân lý ẩn giấu trong câu lệnh truyền đó thì cho dù họ có phát hiện ra được điều gì lớn lao hoặc những thông tin họ nhận được có chính xác bao nhiêu đi chăng nữa, thì rốt cục những thứ này cũng không thể giúp họ thoát khỏi cảm giác bất hạnh và những khổ đau do cái “Tôi” trong họ tạo ra. Câu nói này hàm nghĩa là: Trước khi bạn muốn hỏi một câu gì, hãy tự hỏi mình câu hỏi căn bản nhất: “Bản chất chân chính của Tôi là gì?”.

Những người mê lầm - không may là rất nhiều người vẫn còn sống trong mê lầm - suốt đời bị mắc kẹt vào sự khống chế của bản ngã, những người này sẽ nhanh nhảu nói với bạn rằng họ biết họ là ai: Nào là họ tên gì, bao nhiêu tuổi, nghề nghiệp gì, tiểu sử, ngoại hình của họ ra sao, và bất cứ những dữ liệu gì mà họ có thể tự gán ghép cho họ. Còn những người khác thì tỏ ra cao siêu hơn khi cho rằng họ là bậc bất tử hoặc là những linh hồn từ cõi trời giáng xuống. Nhưng những đấng bất tử này có thật sự biết được bản chất chân chính của mình không? Hay là họ chỉ thêm vào kho suy nghĩ của họ một mớ khái niệm nào đó có vẻ tâm linh? Biết được bản chất chân thực của chính mình là việc còn sâu sắc hơn chấp nhận một mớ khái niệm hay một niềm tin nào đó. Các khái niệm hay niềm tin thì giỏi lắm cũng chỉ là những tấm bảng chỉ đường, còn tự thân chúng thì hiếm khi có năng lực đánh bật những khái niệm vô minh có gốc rễ rất sâu chắc, những khái niệm về bản thân mà bạn nghĩ về chính mình, một phần của tình trạng hiện thời của tình trạng bị điều kiện hóa trong tâm thức của con người. Hiểu biết sâu sắc về chính mình không có liên quan gì đến những ý nghĩ bất chợt trong suy nghĩ của bạn. Hiểu biết về chính mình có gốc rễ vững vàng ở trong Hiện hữu, chứ không phải khuynh hướng tự đánh mất mình trong những dòng suy tư ở trong đầu.

Những khái niệm mà bạn tự gán cho mình

Cách bạn cảm nhận bản chất của mình quyết định những gì bạn cho là nhu cầu cần thiết và những gì là quan trọng đối với bạn trong đời sống – và những thứ quan trọng đó sẽ có năng lực tạo nên những bất ổn, hoặc gây xáo trộn cho bạn. Ta có thể xem những thứ này là tiêu chuẩn để đánh giá khả năng bạn tự hiểu mình sâu sắc đến đâu. Những gì quan trọng đối với bạn không nhất thiết là những thứ mà bạn tin tưởng hay thường nói ra, mà đó còn là những gì mà bạn làm và phản ứng của bạn đối với chúng. Vì thế bạn có thể tự hỏi mình: Cái gì có thể tạo ra trạng thái bất ổn cho tôi? Nếu những thứ nhỏ nhặt mà có khả năng gây ra sự xáo trộn cho bạn thì bạn tin rằng mình là những gì nhỏ nhặt. Đó là niềm tin vô thức của bạn. Vậy cái gì là những thứ nhỏ nhặt? Rốt cuộc, hầu hết mọi thứ đều là nhỏ nhặt, vì mọi thứ đều chóng hiện, chóng tàn.

Bạn có thể nói: “Tôi biết rằng tôi là một linh hồn bất tử” hay “Tôi chán cõi đời điên rồ này lắm rồi, tôi chỉ cần sự bình an”. Nhưng khi vừa có tiếng chuông điện thoại reo vang báo tin xấu: có thể là thị trường chứng khoán sụp đổ, có thể là hợp đồng của bạn vừa bị hủy bỏ, hay chiếc xe hơi của bạn vừa bị đánh cắp, bà mẹ vợ của bạn sẽ ghé đến thăm bạn, hoặc đối tác từ chối hợp đồng với bạn vì họ cần thêm tiền,… thì nỗi ưu tư bỗng trỗi dậy ở trong bạn và bạn cảm thấy muốn nổi điên lên. Giọng bạn đanh lại: “Tôi hết chịu đựng nổi những thứ này nữa!”. Rồi bạn lên giọng tố cáo, trách móc, bào chữa cho mình, và tất thảy đều xảy ra một cách tự động. Giờ thì quá rõ ràng cái gì là thực sự quan trọng đối với bạn. Sự bình yên ở nội tâm mà chỉ trong mấy phút trước đây là tất cả những gì bạn mong muốn đã không còn nữa, và đấng bất tử ở trong bạn cũng vừa bỏ đi đâu mất. Sự bình yên không quan trọng bằng các hợp đồng, tiền bạc, đối tác… Những thứ này quan trọng đối với ai, đối với đấng bất tử ở trong bạn? Không, chúng chỉ quan trọng đối với cái “Tôi” của bạn. Cái “Tôi” nhỏ bé luôn cố tìm cầu sự yên ổn hay trọn vẹn qua những thứ chỉ đến rồi đi, và cảm thấy âu lo hay giận dữ nếu nó không có được những thứ đó. Bây giờ thì ít ra bạn cũng biết được những gì mà bạn cho là có giá trị.

Nếu quả thật bạn muốn có sự yên bình, thì bạn sẽ chọn để có sự bình yên trong tâm hồn. Nếu yên bình là thứ quan trọng với bạn hơn bất cứ điều gì khác, và nếu bạn biết mình là một người đang thực tập để đi trên con đường tâm linh hơn là một “cái Tôi nhỏ bé”, thì bạn sẽ không phản ứng và rất tỉnh táo khi đối diện với những thách thức do một tình huống hay người khác gây ra. Ngay lập tức, bạn biết chấp nhận tình huống đó và ngay lập tức trở thành một với tình huống đó1, bạn không có ý nghĩ để tránh né, tách ly mình khỏi tình huống đó. Rồi từ mức độ tỉnh thức và chấp nhận đó mà bạn sẽ có cách đáp ứng và làm những gì mình cần làm để hóa giải tình huống. Lúc này bản chất chân chính của bạn (tức là nhận thức) sẽ đáp ứng với tình huống, chứ không phải những khái niệm mà bạn gán cho mình (“cái Tôi nhỏ bé”) sẽ đáp ứng. Như thế cách ứng xử của bạn sẽ có hiệu quả và mạnh mẽ hơn, và qua đó bạn sẽ không biến một tình huống hay người khác thành kẻ thù của bạn.

Về lâu về dài, đời sống luôn giúp cho bạn để bạn không tự lừa gạt chính mình trong chuyện cái gì thực sự có giá trị đối với bạn, bằng cách tạo ra những tình huống để chỉ ra những gì bạn thật sự cho là quan trọng. Cách bạn phản ứng với một tình huống hay với người khác, khi có thử thách lớn, là chỉ số tốt nhất để giúp bạn hiểu chính mình sâu sắc (2) đến mức nào.

Khi bạn càng nhìn đời sống với con mắt hạn hẹp của bản ngã thì bạn càng quan tâm và phản ứng với những hạn hẹp có tính bản ngã, những khía cạnh thiếu nhận thức ở người khác. “Sai lầm” ở họ hay những thứ mà bạn cho là sai lầm ở họ, sẽ trở thành giá trị con người của họ. Điều này có nghĩa là bạn chỉ thấy những biểu hiện của bản ngã ở trong họ, do đó bạn vô tình làm mạnh thêm bản ngã ở trong chính mình. Thay vì nhìn “xuyên qua” những biểu hiện tiêu cực đó của bản ngã ở trong họ, bạn lại “nhìn vào” cái bản ngã đó của họ. Vậy cái gì ở trong bạn chỉ muốn nhìn vào những biểu hiện xấu xí trong bản ngã của người khác? Đó là bản ngã của bạn.

Những người rất mê muội thường chỉ có thể cảm nhận bản ngã của họ qua hình ảnh của nó trong của bản ngã của người khác. Khi bạn nhận ra rằng những gì mà bạn khó chịu ở người khác, thì những khiếm khuyết đó cũng có sẵn ở trong bạn(3) (lắm khi, chỉ riêng bạn là người có khiếm khuyết này), thì bạn bắt đầu nhận diện được khuôn mặt trần trụi của bản ngã ở trong mình. Ở vào giai đoạn đó, bạn nhận thức rằng bạn chính là người đang gây khổ cho người khác, trong khi trước đây, lúc còn mê mờ, bạn từng nghĩ rằng chính họ đã gây khổ cho bạn. Do đó, bạn không còn xem mình là nạn nhân của những tình huống đó.

Nhưng bạn không phải là bản ngã, nên khi bạn ý thức được bản ngã ở trong mình, không có nghĩa là bạn sẽ biết mình là cái gì. Lúc đó điều mà bạn biết là: Tôi không phải là những thứ này. Nhưng nhờ biết mình “không phải” là cái gì, bạn tháo gỡ được chướng ngại lớn nhất để bắt đầu thực sự ý thức được chính mình.

Không ai có thể nói cho bạn biết bản chất chân thực của bạn là gì. Vì như vậy chỉ là cho bạn thêm một khái niệm mới vào kho khái niệm có sẵn của bạn, và điều này sẽ không giúp bạn thay đổi được gì. “Bản chất bạn là gì" không thể do lòng tin mà có. Thật ra mọi lòng tin đều là chướng ngại. Thậm chí điều này không đòi hỏi bạn phải đi tìm, vì chính bạn đã là cái đó rồi. Tuy nhiên, nếu bạn không nhận thức được, thì bản chất chân thật của bạn sẽ không chiếu soi qua thế giới này. Và khi bạn không biết bạn là gì thì bản chất chân chính đó vẫn còn nằm im trong cõi Vô Tướng, tức là căn nhà thực sự của bạn. Lúc đó bạn sẽ như một anh nhà nghèo không biết mình có 100 triệu đô la trong tài khoản ngân hàng, vì thế mà tài sản của bạn vẫn còn là một khả năng chưa được biểu hiện.

Sự sung túc

Bạn cho mình là gì cũng liên quan mật thiết đến việc bạn thấy người khác đối xử với mình như thế nào. Nhiều người thường phàn nàn rằng họ không được đối xử đúng mực. Họ nói: “Người ta không quan tâm, tôn trọng hay nhìn nhận tôi. Tôi không được đánh giá đúng mức". Nhưng khi có người đối xử tử tế với họ thì họ lại cho là người này đang che giấu một ý đồ nào đó. Họ thường nói: “Người ta chỉ muốn thao túng, lợi dụng tôi. Không ai thực sự yêu thương tôi cả”.

Như vậy lòng tin của họ về chính mình là: “Tôi chỉ là một cá thể nhỏ bé, tội nghiệp, có nhiều nhu yếu nhưng vẫn chưa được đáp ứng”. Nhận thức sai lạc căn bản này gây ra những tha hóa trong tất cả các quan hệ của họ. Họ tin là họ chẳng có gì để cho và mọi người đang chối từ, không cho họ những cái mà họ cần. Toàn bộ thực tại của họ được căn cứ trên một ảo giác sai lạc về bản chất chân chính của mình. Nhận thức sai lạc này gây tác hại cho nhiều tình huống, làm hỏng tất cả các quan hệ. Nếu ý nghĩ của họ chỉ xoay quanh sự thiếu thốn - thiếu tiền, thiếu tình yêu, thiếu sự thừa nhận - thì cảm nhận này sẽ trở thành một phần của những gì họ cảm nhận về chính mình, do đó họ luôn cảm thấy thiếu thốn. Thay vì nhìn ra những điều tốt đẹp đang có trong cuộc sống, họ chỉ toàn là thấy thiếu. Thừa nhận những gì tốt đẹp vốn có trong cuộc sống của bạn là cơ sở của mọi sự giàu có. Sự thật là: Nếu bạn cho rằng thế giới này đang từ chối, không cho bạn một cái gì, thì chính bạn là người đang từ chối cái đó với thế giới này. Bạn đang giữ nó lại vì sâu thẳm bên trong, bạn cảm thấy mình rất nhỏ nhoi và chẳng có gì để ban tặng cho cuộc đời.

Hãy thực tập như sau một vài tuần, và xem thử nó sẽ thay đổi hiện thực của đời bạn thế nào: Những gì mà bạn cho là người khác đang giữ lại, không cho bạn như một lời chúc mừng, lời khen ngợi, hay sự hợp tác, sự quan tâm…, bạn cứ cho họ những thứ đó. Bạn không có những thứ này ư? Cứ giả sử như bạn có rất nhiều những thứ đó, và từ từ nó sẽ đến. Rồi sau khi bạn đã cho đi, bạn sẽ bắt đầu được nhận lại. Nên nhớ rằng, bạn không thể nhận được những gì mà bạn đã không cho. Những gì bạn cho đi sẽ làm cho bạn nhận lại được những thứ đó. Những thứ mà bạn nghĩ thế giới đang giữ lại, không cho bạn thì thực ra bạn đã có những thứ đó rồi, nhưng thậm chí bạn không hề biết là mình đang có những thứ đó, trừ khi bạn để cho nó thể hiện ra. Kể cả sự sung túc. Quy luật về cho và nhận được Chúa Jesus diễn tả qua hình ảnh mạnh mẽ sau: “Hãy cho đi và rồi con sẽ nhận được".

Sự sung túc cũng có sẵn ở trong bạn. Đó là một phần của bản chất chân chính của bạn. Tuy nhiên, hãy bắt đầu bằng cách nhìn nhận sự sung túc ở bên ngoài. Hơi ấm của mặt trời tỏa ra trên da thịt, những bông hoa đang khoe sắc trước hiên nhà, vị ngọt của trái cây chín mọng, hay cảm giác thoải mái khi dầm mình dưới mưa, vẻ tràn đầy của sự sống trong mỗi bước bạn đi. Khi thừa nhận sự sung túc ở quanh mình thì sự sung túc ở trong bạn cũng sẽ bừng dậy. Rồi được thể hiện ra. Mỉm một nụ cười với người khách lạ cũng là giây phút bạn phát ra năng lượng. Bạn trở thành người dâng tặng. Hãy thường tự hỏi mình: “Trong phút giây này, ta có thể dâng tặng cái gì cho đời sống, tôi có thể làm gì cho người này hay tình huống này?”. Bạn chẳng cần phải sở hữu nhiều mới cảm thấy sung túc, vì nếu bạn luôn cảm thấy sung túc thì sung túc chắc chắn sẽ đến. Sung túc chỉ đến với những người đã có sẵn sung túc. Điều này mới nghe có vẻ như không công bằng, nhưng đây là một quy luật của vũ trụ. Thiếu thốn và sung túc là những trạng thái ở bên trong nội tâm được thể hiện ra bên ngoài thành hiện thực của bạn. Chúa Jesus nói về điều này như sau: “Những người đang sung túc, họ sẽ có thêm sự sung túc, còn những người đang cảm thấy còn thiếu thốn, thì những gì ít ỏi mà họ đang có cũng sẽ bị lấy đi”.

Biết mình và “biết về” mình

Có thể bạn không muốn tìm hiểu chính mình vì bạn rất sợ những thứ mà bạn tìm ra. Nhiều người có nỗi sợ hãi thầm kín rằng “họ là một con người xấu xa”. Thực ra bạn không phải là những gì mà bạn tìm ra về mình. Bạn không phải là những gì mà bạn “biết về” mình.

Trong khi nhiều người không muốn biết bản chất của họ vì sợ hãi, thì những người khác lại muốn vô cùng, họ muốn biết càng nhiều về chính mình càng tốt. Họ cảm thấy thỏa mãn với chính mình vì đã dành nhiều năm cho lĩnh vực phân tâm học, tìm tòi vào mọi khía cạnh của thời ấu thơ, hoặc đã phát hiện ra những nỗi sợ hãi và ham muốn thầm kín, đã tìm ra được rằng nhân cách và cá tính của mình được cấu thành bởi lắm tầng lớp phức tạp, rối rắm. Sau mười năm thì nhà chuyên môn về phân tâm có thể đã thấy chán ngấy câu chuyện của đời bạn và muốn nói với bạn rằng bạn đã làm xong mọi chuyện cần làm. Cũng có thể nhà tâm lý ấy sẽ tiễn bạn đi với một chồng hồ sơ bệnh lý dày cộm: “Đây. Đây là tất cả những gì nói “về bạn”. Đây là con người của bạn”. Khi mang chồng hồ sơ ấy về nhà, nỗi thỏa mãn được biết được “về mình” sẽ nhanh chóng nhường chỗ cho cảm giác chưa trọn vẹn, và ở trong bạn bỗng dấy lên một nỗi ngờ vực lẩn khuất ở đâu đó rằng “Liệu có một điều gì về bản chất của bạn đã chưa được nhận ra?”. Và quả thực là có nhiều thứ hơn về bạn – không phải là nhiều về số lượng dữ kiện, mà là nhiều về chiều sâu, phẩm chất của bạn.

Nếu bạn không lẫn lộn giữa chuyện bạn tự biết mình và những điều bạn “biết về” mình, thì việc phân tích tâm lý hay tìm hiểu về quá khứ không có gì sai. Tập tài liệu mấy nghìn trang là những mô tả “về bạn”. Nhưng đó không phải là bạn. Nó chỉ là phần hình tướng, không phải là bản chất chân thực của bạn. Vượt ra khỏi bản ngã là bước ra khỏi phần hình tướng. Tự biết mình tức là an nhiên với chính mình, an nhiên với chính mình là thôi không còn tự đồng hóa mình với hình tướng nữa.

Hầu hết mọi người tự định nghĩa mình qua hình tướng trong đời sống của họ. Những gì bạn cảm nhận, trải qua, nói, nghĩ, làm… đều là hình tướng. Hình tướng thường thu hút toàn bộ sự chú tâm của con người, vì đó là những gì mà họ tự đồng hóa với nó. Khi bạn nói “đời tôi” thì bạn đang nói về những cái mà bạn đang “có”, bạn đang nói về hình tướng, tức là tuổi tác, sức khỏe, ngoại hình, các mối quan hệ, tài chính, công việc, trạng thái suy nghĩ, cảm xúc… Những tình huống bên trong và bên ngoài, quá khứ và tương lai, tất thảy đều thuộc lĩnh vực hình tướng – các sự kiện, tức là những gì đang xảy ra, cũng vậy.

Vậy ngoài hình tướng thì còn có gì? Chính những gì làm ra hình tướng – là chiều không gian của nhận thức ở bên trong.

Sự hỗn loạn và một trật tự cao cấp hơn

Khi bạn chỉ biết mình qua hình tướng, bạn cho rằng mình biết cái gì là tốt, cái gì là xấu. Bạn phân biệt những sự kiện mà bạn cho là “tốt cho tôi” và những thứ “không tốt cho tôi”. Đây là khái niệm đầy tính chấp vá về tổng thể đời sống, mà trong đó mọi thứ đều có liên quan mật thiết với nhau, ở đó mọi biến cố đều có vị trí và vai trò của nó trong bức tranh toàn cảnh. Bức tranh toàn cảnh ở đây sâu sắc hơn là vẻ bề ngoài của mọi thứ, sâu sắc hơn đời sống của bạn hay những gì thế giới này chứa đựng.

Đằng sau những chuỗi biến cố có vẻ như rất ngẫu nhiên hay thậm chí hỗn loạn trong đời sống, cũng như trên thế giới này, ẩn giấu một trật tự và một mục tiêu cao hơn. Nhà Thiền mô tả điều này qua câu: “Trời tuyết đang rơi, nhưng từng bông tuyết rơi đúng vào vị trí đã định sẵn của nó”. Ta không bao giờ hiểu được trật tự này qua suy tư vì suy nghĩ chỉ là hình tướng, trong khi trật tự cao cấp này của vũ trụ phát xuất từ cõi Vô Tướng của Tâm, từ tính chất thông minh sáng tạo của vũ trụ. Nhưng ta có thể hé thấy nó và hơn thế nữa, ta có thể song hành với trật tự cao cấp này tức là làm một người tham dự có ý thức trong việc đưa trật tự đó đi vào thế giới này.

Khi ta đi vào một khu rừng nguyên sinh thì đầu óc ta chỉ thấy chung quanh toàn là sự hỗn loạn và không có trật tự. Thậm chí ta không phân biệt được đâu là sự sống, đâu là những gì đang tan rã và chết đi nữa, vì khắp nơi sự sống đều vươn lên từ những gì đang chết, đang hoại mục. Chỉ khi bạn có đủ tĩnh lặng ở bên trong và tiếng ồn ào của suy nghĩ ở trong bạn lắng xuống thì bạn mới ý thức được, rằng có một sự hài hòa ở đằng sau, một cái gì rất thiêng liêng, một trật tự cấp cao trong đó mọi vật đều có vị trí riêng của mình và điều đó không thể nào khác đi được đối với những gì đang có mặt và cách những thứ đó đang được thể hiện.

Trí năng bạn cảm thấy dễ chịu trong một công viên được quy hoạch rõ ràng vì công viên đó được tạo nên do sự thiết kế của đầu óc. Nó không mọc lên một cách tự nhiên. Trong khu rừng nguyên sinh có một trật tự cao cấp mà trí năng bạn không thể nào hiểu được. Trí năng bạn không thể hiểu được trật tự trong khu rừng và do đó, nó cho đấy là một sự hỗn loạn. Nhưng thứ trật tự này nằm ngoài lãnh vực tốt - xấu của tư duy. Bạn không thể dùng tư duy để hiểu được, nhưng bạn có thể cảm nhận trật tự đó khi trong đầu bạn im lắng, không vướng bận suy tư, khi bạn trở nên tĩnh lặng và cảnh giác, khi đầu bạn không cố gắng hiểu và giải thích điều gì. Lúc đó bạn sẽ được thấy vẻ thiêng liêng của khu rừng. Khi nhận ra sự hài hòa, thiêng liêng đó, bạn sẽ thấy mình không tách rời khỏi khu rừng và khi nhận ra được điều này, bạn trở thành một người tham dự đầy ý thức. Như thế, thiên nhiên có thể giúp bạn tiếp xúc với cái toàn thể của sự sống.

Tốt và xấu

Đến một lúc nào đó thì người ta sẽ ý thức được rằng ngoài những thứ như sinh ra, lớn lên, sức khỏe, niềm vui, thành tựu,… còn có sự mất mát, già nua, bệnh tật, buồn phiền, thất bại,... Thông thường thì những thứ này được cho là “tốt” và những thứ kia là “xấu”, thứ này là trật tự và thứ kia là vô trật tự. Ý nghĩa của đời sống con người thường có quan hệ với những gì họ cho là “tốt”, nhưng cái “tốt” lại luôn bị đe dọa bởi sự sụp đổ, hư hỏng, vô trật tự, đe dọa bởi sự vô nghĩa và bởi cái mà bạn cho là “xấu”, khi bạn không có một giải thích thỏa đáng và đời sống không còn ý nghĩa gì nữa. Chẳng sớm thì muộn, hỗn loạn sẽ đi vào đời sống của mỗi người dù họ có muốn ngăn ngừa chúng như thế nào chăng nữa. Hỗn loạn sẽ đến dưới hình thức mất mát, tai ương, bất lực, già yếu, chết chóc, bệnh tật. Tuy nhiên, khi một người bị hỗn loạn và mất trật tự tấn công vào đời sống kéo theo sự sụp đổ của một “ý nghĩa” nào đó, có thể đấy là lúc cánh cửa Hiện hữu đang mở ra để mời họ đi vào một trật tự cao cấp hơn.

Theo Kinh Thánh thì: “Điều thông thái của thế gian là một cái gì rất ngu xuẩn đối với Thượng Đế”. Điều thông thái của thế gian là gì? Là dòng suy nghĩ miên man, là ý nghĩa của mọi thứ do suy nghĩ miên man của bạn mà ra.

Suy nghĩ thường tách rời một sự kiện hay tình huống và cho đó là một điều tốt hay điều xấu, như thể sự kiện đó có thể tồn tại riêng rẽ, độc lập với mọi thứ chung quanh. Khi bạn quá chú trọng vào suy nghĩ, thực tại sẽ bị phân làm nhiều mảnh. Sự phân mảnh này chỉ là một ảo tưởng, nhưng khi bạn mắc kẹt vào đó, thì ảo tưởng ấy lại có vẻ rất thật. Trong thực tế, vũ trụ là một tổng thể không thể phân chia, trong đó mọi thứ liên quan mật thiết với nhau và không gì có thể nằm riêng ra được.

Sự liên quan sâu sắc của mọi sự, mọi vật hàm nghĩa là tấm nhãn “tốt” và “xấu” rốt cuộc chỉ là một ảo tưởng. Chúng luôn luôn đề cập đến một cách nhìn giới hạn vì thế mà chỉ đúng một cách tương đối và tạm thời. Điều này được minh chứng trong câu chuyện về người đàn ông thông thái trúng số được một chiếc xe. Gia đình và bạn bè tụm đến chúc mừng ông: “Ồ, ông quả là người rất may mắn”. Ông mỉm cười trả lời: “Có lẽ thế”. Trong mấy tuần đó, ông rất vui vẻ lái chiếc xe mới của mình. Một ngày kia có tay say rượu đụng vào xe ông ở trên xa lộ và ông phải vào bệnh viện vì bị thương ở nhiều chỗ. Gia đình và bạn bè chạy đến bảo: “Ông quả là không may!”. Ông lại mỉm cười, nói: “Có lẽ thế”. Khi ông đang nằm ở bệnh viện, có cơn mưa lớn đổ xuống, đất núi tuột vào ban đêm cuốn theo nhà của ông trôi xuống biển. Bạn bè và gia đình lại chạy đến: “Vậy ông cũng không may mắn lắm khi ở bệnh viện?”. Ông lại đáp: “Có lẽ thế”.

Câu nói “Có lẽ thế” của người đàn ông thông thái nói lên thái độ từ chối bình phẩm bất cứ việc gì đang xảy ra. Thay vì bình phẩm tình huống đó, ông chấp nhận và hòa nhập một cách có ý thức với một trật tự cao cấp hơn. Ông biết rằng thường thì trí năng của ông không thể nào hiểu được một sự kiện có vẻ như ngẫu nhiên nhưng lại có vị trí hay mục đích nào đó trong bức tranh chung của cái toàn thể. Thực ra không có sự kiện nào là ngẫu nhiên, cũng như không có sự vật, sự kiện nào là có thể tồn tại một cách riêng rẽ. Những nguyên tử làm nên hình hài ta cũng đã từng được trui luyện trong các tinh tú và nguyên nhân của một sự kiện thậm chí là nhỏ nhất cũng được xác định rõ ràng và liên kết với cái toàn thể theo một cách mà ta không thể hiểu được. Nếu muốn truy tìm nguyên nhân của bất cứ sự kiện nào, bạn phải lần lại phút khởi đầu của vũ trụ khi nó được sáng tạo. Vũ trụ không phải là sự hỗn loạn. Chính bản thân chữ “vũ trụ” có nguyên nghĩa là trật tự. Nhưng đây không phải là thứ trật tự mà trí năng ta có thể hiểu được dù thỉnh thoảng ta có thể hé thấy được nó.

Không phiền lòng những gì đang xảy ra

Bậc thầy tâm linh kiêm triết gia Ấn Độ J. Krishnamurti đã đi khắp thế giới hầu như liên tục trong một thời gian 50 năm dài. Ông đã gắng dùng ngôn từ để chuyển tải những gì nằm ngoài ngôn từ, nằm ngoài hình tướng. Cuối đời, trong một cuộc nói chuyện, ông làm cho khán giả khá ngạc nhiên khi ông hỏi: “Các ông muốn biết bí quyết của tôi là gì không?”. Mọi người đều chăm chú đợi nghe ông nói tiếp. Rất nhiều người trong số khán giả đã theo ông hai, ba chục năm trời mà vẫn chưa nắm được tinh túy của những lời dạy của ông. Sau cùng, qua bao nhiêu năm tháng, bậc thầy mới cho họ chiếc chìa khóa của hiểu biết, ông nói: “Bí quyết của tôi là: Tôi không phiền lòng những gì đang xảy ra”.

Ông đã không đi vào chi tiết và tôi e rằng hầu hết khán giả hôm ấy đều cảm thấy họ còn bối rối hơn trước khi nghe ông chia sẻ điều này. Tuy nhiên, hàm ý của câu nói ấy là rất sâu sắc.

Không cảm thấy phiền lòng những gì đang xảy ra có nghĩa là ở bên trong, bạn luôn song hành với những gì đang xảy ra. Ở đây, “những gì đang xảy ra” là ông muốn nói đến tính hiển nhiên của giây phút này, nó luôn luôn đã là như nó phải thế. Nó đề cập đến hình thức, đó là biểu hiện của giây phút này – giây phút duy nhất mà ta có được. Song hành với “Hiện hữu” có nghĩa là bạn có sự tương quan giữa thái độ không chống đối ở bên trong với những gì đang xảy ra ở bên ngoài. Có nghĩa là không gán cho tình huống đó một nhãn hiệu “tốt” hay “xấu” mà cứ để cho nó được thể hiện như vậy. Nói như vậy có phải là bây giờ bạn không cần phải hành động gì cả để mang lại những thay đổi trong đời sống ư? Không phải thế, ngược lại là khác. Khi hành động của bạn xuất phát từ bên trong, nơi có sự song hành với phút giây hiện tại, thì hành động của bạn sẽ có thêm sức mạnh của sự thông minh sáng tạo của chính Đời sống.

Thật thế ư?

Ở Nhật Bản có vị thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc (4) được mọi người rất kính trọng và có rất nhiều người thường đến nghe ông dạy về Thiền. Rồi một hôm bỗng nhiên có tin một thiếu nữ trẻ, con người hàng xóm của ông, mang thai. Khi bị bố mẹ trách mắng và tra hỏi ai là cha của thai nhi, cô đánh liều bảo với cha mẹ cô rằng bào thai đó là con của thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc. Rất tức giận, bố mẹ cô liền kéo đến gặp Bạch Ẩn và dùng những lời lẽ nặng nề, cáo buộc ông là cha của đứa trẻ mà con gái họ đang mang thai. Ông chỉ trả lời ngắn gọn: "Thật thế ư?".

Tin về vụ việc tai tiếng lan nhanh khắp thị trấn và bay xa sang những vùng lân cận. Uy danh của Thiền sư bắt đầu giảm sút. Không mấy người còn muốn đến học với ông nữa. Nhưng ông vẫn không nao núng. Khi đứa bé được sinh ra, bố mẹ cô gái mang hài nhi đến cho Bạch Ẩn, họ bảo: "Ông là cha nó, vậy ông hãy lo chăm sóc cho nó". Vị thiền sư chẳng nói gì, chỉ nhận lấy đứa trẻ, yêu thương và chăm sóc. Một năm sau, cô gái trẻ ăn năn thú nhận với cha mẹ rằng người cha thật sự của đứa bé là một chàng thanh niên làm ở một cửa hàng thịt trong thị trấn. Quá ân hận, họ chạy đến xin gặp ngài Bạch Ẩn để xin lỗi và mong ông tha thứ: "Chúng tôi rất ân hận, chúng tôi đến để xin đứa bé về. Con tôi nói rằng ngài không phải là cha của đứa bé". Ông trao đứa bé cho họ và cũng chỉ nói: "Thật thế ư?".

Vị thiền sư này phản ứng với mọi chuyện một cách thản nhiên: dù sự giả dối hay sự thật, dù tin tốt hay tin xấu cũng cùng một cách như nhau: "Thật thế ư?". Ông đã để cho hình tướng của giây phút này, tốt hay xấu, cứ thể hiện như thế vì ông không tham gia vào những bi kịch trong đời sống. Đối với ông chỉ có giây phút này, và giây phút này đang thể hiện ra như nó phải là vậy. Vì một biến cố không phải là một điều gì mà người khác cố ý làm ra để hại ông. Do đó, ông không phải là nạn nhân của ai cả. Ngài Bạch Ẩn hoàn toàn hòa nhập với những gì đang xảy ra và những gì đang xảy ra không còn tác động tới ông. Chỉ khi bạn phản kháng lại những gì đang xảy ra thì bạn mới bị lệ thuộc vào nó, và bất hạnh mới có thể xảy đến cho bạn.

Đứa bé được ông chăm sóc và thương yêu. Xấu chuyển thành tốt, qua năng lực của thái độ bất phản kháng. Luôn đáp ứng yêu cầu của những gì mà giây phút này đòi hỏi, ông trả đứa bé lại không chút nuối tiếc cho cha mẹ của cô gái trẻ khi họ yêu cầu ông. Đó là điều ông cần làm trong giây phút đó.

Hãy tưởng tượng nếu đó không phải là Bạch Ẩn mà là bạn, thì bản ngã của bạn sẽ phản ứng như thế nào trong các giai đoạn mà sự việc trên xảy ra.

Bản ngã và phút giây hiện tại

Mối quan hệ quan trọng nhất trong đời bạn là quan hệ của bạn với phút giây hiện tại, đúng hơn là với bất cứ hình thức nào mà giây phút này thể hiện ra, tức là những gì đang hiện diện. Nếu quan hệ giữa bạn với phút giây hiện tại là một quan hệ đầy rối rắm và trái chiều thì sự rối rắm và trái chiều đó sẽ được phản ảnh trong tất cả các quan hệ và tình huống mà bạn sẽ gặp phải trong đời sống. Bản ngã của bạn, có thể được định nghĩa một cách đơn giản: Là một cái gì ở trong bạn, mà cái phần đó luôn luôn có mối quan hệ đầy tính trái chiều với phút giây hiện tại. Nhưng ngay trong lúc này chính là lúc mà bạn có thể chọn một kiểu quan hệ mà bạn muốn có đối với phút giây hiện tại.

Một khi nhận thức ở trong bạn đã bắt đầu sáng tỏ (nếu không thì hẳn bạn sẽ không đọc cuốn sách này), bạn có thể chọn loại quan hệ nào mà bạn muốn xây dựng với phút giây hiện tại, tức là bạn chọn để xây dựng một quan hệ thân thiện hay là một quan hệ thù nghịch. Vì giây phút này không thể tách rời khỏi đời sống, nên thực ra bạn đang chọn quan hệ của bạn với chính tự thân của đời sống. Khi bạn đã quyết định rằng giây phút này là một người bạn thân thiết của bạn, thì bạn có rất nhiều năng lực để thực hiện bước đầu tiên: Trở nên thân thiện với phút giây này, chào đón phút giây này5 dù nó đến dưới hình thức nào đi nữa, và từ đó bạn sẽ nhận được những gì bạn cần. Đời sống sẽ trở nên thân thiện với bạn hơn, mọi người sẽ ân cần với bạn hơn, những tình huống tiêu cực trước đây sẽ trở nên tích cực hơn. Sự chọn lựa này của bạn sẽ hoàn toàn làm thay đổi đời sống của bạn.

Tuy nhiên, bạn phải thực hiện sự chọn lựa đó trong mỗi phút giây, tức là chọn lựa để chào đón những gì đang xảy ra trong phút giây này, cho đến khi nó trở thành cách sống tự nhiên của bạn.

Khi bạn chọn để biến giây phút này thành một người bạn thân thiết, thì đó cũng cái mốc đánh dấu cho sự kết thúc của bản ngã ở trong bạn. Vì bản ngã không thể song hành với phút giây hiện tại, tức là song hành với đời sống, vì bản chất của bản ngã – là luôn cảm thấy cách biệt với đời sống – buộc nó phải lờ đi, kình chống hay làm giảm thiểu giá trị của phút giây này. Thời gian là những gì mà bản ngã sống nhờ vào đó. Khi bản ngã ở trong bạn càng mạnh thì thời gian càng choán lấy đời bạn càng nhiều. Hầu như mọi ý nghĩ của bạn đều dính dáng đến quá khứ hay tương lai, và cảm nhận về bản thân bạn tùy thuộc vào quá khứ để có được một tư cách của mình6 và tùy thuộc vào tương lai để có được sự hoàn thiện, đầy đủ (7). Sợ hãi, âu lo, trông chờ, hối tiếc, lầm lỗi hay tức giận là những tha hóa của trạng thái nhận thức của bản ngã, thứ tâm thức nằm trong sự bó buộc của thời gian – quá khứ và tương lai.

Bản ngã cư xử với phút giây hiện tại theo 3 cách: xem phút giây hiện tại chỉ là một phương tiện để bản ngã đạt được một mục đích nào đó, hoặc xem phút giây hiện tại là một chướng ngại, hoặc xem phút giây hiện tại như là một kẻ thù. Bạn hãy nhìn cho rõ cách bản ngã cư xử với phút giây hiện tại để khi bản ngã của bạn hoạt động thì bạn có thể nhận ra và có quyết định thích hợp.

Đối với bản ngã thì phút giây hiện tại cao nhất cũng chỉ là một phương tiện để bản ngã bạn đạt được một cái gì đó. Nó chỉ hữu ích vì giây phút này sẽ đưa bạn đến một giờ khắc nào đó trong tương lai mà bản ngã của bạn cho là quan trọng hơn, cho dù giây phút đó thực sự không bao giờ đến, ngoại trừ khi nó đến dưới hình thức là phút giây hiện tại; và như thế, tương lai chẳng qua cũng chỉ là một ý niệm chỉ có ở trong đầu bạn, không phải là một cái gì có thực trong đời sống. Nói khác đi, bản ngã của bạn không bao giờ muốn có mặt ở đây vì bản ngã luôn bận rộn đi tìm một nơi chốn nào khác.

Khi mô thức cư xử này của bản ngã trở nên mạnh mẽ hơn (không may là điều này lại rất phổ biến ở nhiều người) thì phút giây hiện tại được cho và được đối xử như thể nó là một chướng ngại mà bạn cần phải vượt qua. Đây là nguyên nhân gây ra những cảm giác nôn nóng, căng thẳng, bực dọc,và bất hạnh trong đời sống của chúng ta ngày hôm nay. Đó là hiện thực đớn đau trong đời sống hàng ngày của rất nhiều người, nhưng oái oăm thay, lại là điều mà nhiều người cho là “rất bình thường” trong đời sống của họ. Lúc đó, đời sống, tức cũng là giây phút này, bị bạn biến thành một "vấn nạn" và bạn cảm thấy rằng “bạn đang sống trong một thế giới đầy dẫy các vấn nạn của bạn”. Bạn nghĩ rằng, bạn cần phải giải quyết những “vấn nạn” này, trước khi bạn cảm thấy toại nguyện, cảm thấy hạnh phúc, hay bạn mới thực sự bắt đầu cuộc sống của mình. Nhưng rồi lại có một vấn đề khác nảy sinh trong đời sống của bạn. Chừng nào mà phút giây hiện tại được xem là một vật chướng ngại, thì bạn sẽ không bao giờ là không có vấn đề. Nếu Đời Sống hay Hiện Hữu có thể nói với bạn, thì câu nói đó sẽ là: "Được. Ta sẽ là những gì mà ngươi muốn. Ta sẽ đối xử với ngươi như cách ngươi đối xử với ta. Nếu ngươi cho ta là một cái gì có vấn đề thì ta sẽ là một vấn đề cho ngươi. Nếu ngươi xem ta là một điều gây chướng ngại cho ngươi thì ta sẽ là một chướng ngại cho ngươi".

Nhưng tệ nhất là khi bản ngã của bạn xem phút giây hiện tại như một kẻ thù, không may điều này thường rất hay xảy ra. Khi bạn cảm thấy chán ghét những gì mình đang làm, bạn kêu ca về hoàn cảnh, nguyền rủa những chuyện đã hoặc đang xảy ra, hay khi cuộc hội thoại bên trong đầu bạn chỉ gồm những việc bạn nên hay không nên làm, những lời quở trách và cáo buộc... thì lúc đó bạn đang tranh cãi với hiện thực, tranh cãi với những gì vốn luôn là những việc đã rồi. Lúc đó bạn biến Đời Sống thành kẻ thù của bạn và Đời Sống sẽ nói: "Ngươi muốn gây chiến phải không? Được, ngươi sẽ được toại nguyện, ngươi sẽ có chiến tranh". Hiện thực bên ngoài, vốn luôn là cái phản ánh trạng thái bên trong của bạn, lúc đó Đời Sống được cảm nhận như là một thế giới rất thù nghịch.

Cho nên, một câu hỏi thiết yếu mà bạn phải thường tự hỏi mình là: Quan hệ của ta bây giờ với phút giây hiện tại là kiểu quan hệ gì? Hãy tỉnh táo để tìm ra câu trả lời. Bạn có đang đối xử với giây phút này như thể nó chỉ là một phương tiện để bạn đạt được một điều gì khác không? Bạn có đang biến nó thành một kẻ thù không? Bạn có xem nó là một chướng ngại không? Vì tất cả những gì bạn thực sự có chính là giây phút này, vì Đời Sống không thể tách rời khỏi phút giây hiện tại nên câu hỏi thực sự là: Quan hệ của bạn với Đời Sống là gì? Câu hỏi này là cách rất tốt để bóc trần bản ngã ở trong bạn và đưa bạn trở về với trạng thái Hiện hữu. Dù câu hỏi không nói lên được chân lý tuyệt đối (rằng tối hậu, bạn và giây phút này chỉ là một) nó vẫn là một chỉ dẫn rất hữu ích để bạn đi đúng hướng. Hãy thường tự hỏi mình câu hỏi đó cho đến lúc bạn không cần hỏi như vậy nữa.

Làm thế nào để bạn vượt ra khỏi mối quan hệ tha hóa giữa bạn với phút giây hiện tại. Điều quan trọng nhất là bạn tự xem xét nó ở trong mình, trong ý nghĩ và hành động của bạn. Lúc bạn nhận ra rằng mối quan hệ giữa bạn và phút giây hiện tại là một quan hệ trái chiều, thì ngay phút giây đó, bạn bắt đầu có mặt. Khi bạn thấy được sự thật trong quan hệ của bạn với phút giây hiện tại là khi sự Có Mặt ở trong bạn bắt đầu thức dậy. Lúc bạn thấy được đang có sự tha hóa trong quan hệ giữa bạn với phút giây hiện tại thì đó là lúc sự tha hóa đó đang bắt đầu bị tan rã. Có người bỗng bật cười to khi họ thức ngộ được điều này. Khi thấy được sự thật thì năng lực lựa chọn sẽ đến với bạn - chọn lựa để song hành và thân thiện với phút giây hiện tại, biến nó thành một người bạn thân thiết của mình.

Sự nghịch lý của thời gian

Bề ngoài thì phút giây hiện tại chính là những gì đang xảy ra. Vì những việc đang xảy ra thay đổi liên tục, do đó cuộc sống hàng ngày của chúng ta như thể bao gồm hàng nghìn phút giây như thế, trong đó những biến cố khác nhau liên tục xảy ra. Do đó thời gian được xem là sự kết nối không dứt của các giây phút như thế, lúc thì "tốt", lúc thì "xấu". Tuy nhiên, nếu bạn quan sát thời gian kỹ hơn, tức là qua trải nghiệm của bạn, bạn sẽ thấy rằng thời gian chẳng "nhiều" chút nào. Chúng ta thấy rằng chỉ có độc nhất một giây phút, giây phút này. Đời sống luôn luôn là bây giờ. Toàn bộ đời sống của bạn xảy ra trong phút giây hiện tại miên viễn. Ngay cả những phút giây của quá khứ hay tương lai chỉ thực sự hiện hữu khi bạn nhớ lại hay dự đoán về nó, và bạn làm vậy bằng cách nghĩ về nó ở trong một giây phút duy nhất: giây phút này.

Nhưng tại sao ta lại có ấn tượng như thể có nhiều giây phút như thế? Vì phút giây hiện tại thường bị lẫn lộn với những gì đang xảy ra, lẫn lộn với hình thức của giây phút đó. Khoảng không gian của phút giây hiện tại bị lẫn lộn với những gì đang xảy ra trong khoảng không gian đó. Sự lẫn lộn giữa phút giây hiện tại với hình thức của giây phút đó làm nảy sinh không những là ảo tưởng về thời gian, mà còn là ảo tưởng về bản ngã.

Ở đây có một nghịch lý, là làm thế nào mà ta có thể phủ nhận tính hiện thực của thời gian? Bạn cần nó để đi từ chỗ này đến chỗ nọ, để nấu một bữa ăn, xây một ngôi nhà, đọc một cuốn sách. Bạn cần nó để lớn lên, để học hỏi. Bất kỳ những gì mà bạn làm, dường như đều cần thời gian. Mọi thứ đều bị thời gian chi phối và cuối cùng thì như đại văn hào Shakespeare nói: "Thứ thời gian bạc nhược, đầy máu me này" sẽ giết chết bạn. Ta có thể so sánh thời gian với hình ảnh của một dòng sông hung bạo, cuốn bạn đi phăng phăng, hay một đám cháy lớn thiêu đốt hết mọi thứ.

Gần đây tôi có gặp lại một vài người bạn cũ, họ là một gia đình đã lâu rồi tôi không gặp. Tôi cảm thấy thật rúng động khi gặp lại họ. Tôi suýt hỏi: "Các bạn ốm à? Chuyện gì đã xảy ra? Ai là thủ phạm?". Người mẹ bây giờ đi đứng cần phải chống gậy. Người bà dường như thu nhỏ lại, khuôn mặt nhăn nheo. Còn cô con gái mà lần cuối tôi gặp là một thiếu nữ tràn đầy sinh lực, đầy nhiệt tình và háo hức của tuổi trẻ; thì giờ đây dường như đang mỏi mòn vì phải nuôi ba đứa con nhỏ. Tôi nhớ lại: “Ủa, đã gần 30 năm rồi”. Thời gian đã gây ra những tàn phá này. Tôi chắc là họ cũng chấn động như thế khi gặp lại tôi.

Mọi thứ có vẻ như đều bị chi phối bởi thời gian. Tuy nhiên, mọi thứ đều chỉ xảy ra ở phút giây hiện tại. Đó là một nghịch lý. Nhìn đâu bạn cũng thấy nhiều chứng cớ nhưng bạn không thể chứng minh được về tính hiện thực của thời gian – một quả táo đang thối, nét mặt bây giờ so với 30 năm về trước. Tuy nhiên, ta lại không bao giờ tìm ra bằng chứng "trực tiếp", không bao giờ cảm nhận được thời gian. Ta chỉ có thể cảm nhận được giây phút bây giờ, hay nói đúng hơn, là những gì đang xảy ra trong giây phút này. Nếu bạn chỉ căn cứ vào bằng chứng trực tiếp mà thôi thì ta sẽ không có hiện thực của thời gian, và phút giây hiện tại là tất cả những gì bạn hằng có.

Loại bỏ thời gian tâm lý

Tuy nhiên, bạn không thể xem việc loại trừ bản ngã là một mục tiêu phấn đấu trong tương lai vì khi làm như vậy, bạn chỉ tạo thêm bất mãn, tạo thêm xung đột ở nội tâm, bởi dường như lúc nào bạn cũng thấy mình chưa "đạt" được mức độ đó. Khi mục tiêu ở tương lai của bạn là thoát ly khỏi sự khống chế của bản ngã thì lúc đó bạn đang tạo cho mình thêm thời gian, mà tạo thêm thời gian tức là làm lớn thêm bản ngã. Hãy thử xem liệu những tìm kiếm về mặt tâm linh của bạn có phải là một dạng trá hình của bản ngã không. Ngay cả việc cố gắng loại bỏ "cái Tôi" ở trong bạn cũng là một hình thức trá hình khi nỗ lực đó trở thành một mục tiêu ở tương lai. Việc bạn tự cho mình thêm thời gian chính xác là thế này: Cho "bản ngã" của bạn thêm thời gian. Thời gian, tức là quá khứ và tương lai, là những gì mà bản ngã - cái “Tôi” sai lầm của bạn - tạo ra và sống nhờ vào đó. Thời gian ấy chỉ có ở trong đầu bạn. Nó không phải là một hiện hữu khách quan và cụ thể. Thời gian là một cấu trúc của trí năng, rất cần thiết cho việc cảm nhận bằng giác quan, bạn không thể thiếu được trong những mục đích thực tế, nhưng lại là một chướng ngại lớn nhất để bạn nhận biết chính mình. Thời gian là chiều ngang của đời sống, là bề mặt của thực tại. Còn chiều dọc của thực tại thì bạn chỉ chạm đến được qua cái cổng của phút giây hiện tại.

Vì thế, thay vì tạo thêm thời gian cho mình, bạn hãy loại bỏ nó. Loại bỏ thời gian khỏi nhận thức của mình là loại bỏ bản ngã của bạn. Đó là cách rèn luyện tâm linh duy nhất, đúng đắn.

Khi nói loại bỏ thời gian, ta không hàm ý việc loại bỏ thời gian đồng hồ, tức là thứ thời gian rất cần thiết cho những mục đích thực tế như xác định một cuộc hẹn, hay lập kế hoạch cho một chuyến đi xa. Hầu như thế giới này không thể nào vận hành được nếu không có thời gian đồng hồ. Cái chúng ta đang nói đến là thời gian tâm lý, tức là những ám ảnh không cùng của bản ngã về quá khứ và tương lai, cùng với sự chống đối của bản ngã, không muốn hợp nhất với đời sống, không muốn song hành với tính bất khả - không thể nào khác đi được - của phút giây hiện tại.

Khi thói quen chối bỏ phút giây hiện tại đã được loại trừ, đó là khi bạn cho phép những gì trong giây phút này được xảy ra một cách tự nhiên, thì lúc đó bạn đã loại trừ được thời gian cũng như bản ngã. Để sinh tồn, bản ngã phải làm mọi chuyện để thời gian – quá khứ và tương lai – trở thành quan trọng hơn giây phút này. Bản ngã không thể chịu được chuyện bạn trở nên thân thiện với phút giây hiện tại, ngoại trừ chỉ giây lát sau khi nó vừa đạt được một điều mà nó ham muốn. Không gì có thể thỏa mãn bản ngã được dài lâu. Chừng nào mà bản ngã còn điều khiển cuộc đời của bạn thì chừng ấy bạn còn cảm thấy bất bình, dù bạn có đạt được hay không đạt được những gì mình mong muốn. Nghĩa là bạn sẽ không bao giờ cảm thấy hài lòng với những gì mình đang có.

Thực tại được thể hiện qua hình tướng là những gì đang có mặt hay đang xảy ra. Khi còn có sự chống đối ở bên trong thì hình tướng (tức là thế giới hữu hình chung quanh bạn) là một bức tường không thể vượt qua, chia cắt bạn với Vô Tướng (tức là bản chất chân chính của bạn). Khi bạn có sự hài hòa ở bên trong với những hình tướng đang thể hiện ở phút giây này, thì lúc đó mỗi hình tướng mà bạn gặp đều trở thành một cánh cửa đưa bạn đi vào cõi Vô Tướng. Sự chia cách giữa thế giới và Thượng Đế không còn nữa.

Khi phản ứng lại với những hình tướng mà Đời sống đang thể hiện ra ở phút giây này, bạn xem thực tại chỉ là một phương tiện, là chướng ngại, hay là một kẻ thù, lúc đó bạn đang củng cố thêm cái hữu hình ở trong bạn, tức là củng cố cho bản ngã. Do đó bản ngã ở trong bạn rất thích phản ứng với hình tướng, thậm chí là ghiền thái độ phản ứng. Khi bạn càng phản ứng, thì bạn càng bị cuốn chặt vào hình tướng. Khi càng tự đồng hóa với hình tướng thì bạn càng làm cho bản ngã ở trong bạn càng mạnh hơn. Và khi đó, Hiện hữu không còn chiếu xuyên qua hình tướng để đến với bạn được nữa, hoặc nếu có thì chỉ còn rất ít.

Khi bạn không phản kháng với hình tướng, những gì Vô Tướng trong bạn sẽ trỗi dậy và trở thành Hiện Hữu ôm trọn tất cả. Đó là một năng lực im lắng nhưng to lớn hơn con người, hơn phần hữu hình nhưng mau tàn phai của bạn rất nhiều. Đây là bản chất sâu lắng và chân thật của bạn, sâu sắc hơn bất kỳ điều gì thuộc về thế giới của hình tướng.

Giấc mơ và người nằm mơ

Bất phản kháng là bí quyết giúp bạn tiếp xúc được với năng lực lớn nhất trong vũ trụ. Qua đó mà Tâm được giải phóng khỏi sự tù túng của hình tướng. Bất phản kháng ở nội tâm đối với hình tướng - những gì đang xảy ra hay đang có mặt - tức là chối bỏ một cách tuyệt đối sự có mặt của hình tướng. Sự phản kháng của bạn làm cho thế giới và mọi vật chung quanh bạn có vẻ như thực hơn, chắc chắn hơn, bền vững hơn, kể cả bản ngã, phần hình tướng của bạn. Sự phản kháng làm cho thế giới và bản ngã có một vẻ nặng nề và quan trọng, làm cho bạn tự quan trọng hóa mình và quan trọng hóa thế giới. Trò chơi của hình tướng được cảm nhận sai lạc thành cuộc đấu tranh để sinh tồn, và khi điều đó là cảm nhận sai lầm của bạn thì nó bỗng trở thành hiện thực của bạn.

Nhiều sự việc xảy ra, nhiều hình thức mà đời sống thể hiện ra đều có bản chất rất phù phiếm. Tất cả đều chóng tàn. Mỗi việc, mỗi cơ thể và bản ngã, mỗi tình huống, mỗi sự kiện, ý nghĩ, cảm xúc, ham muốn, tham vọng, sợ hãi... đều hiện ra với dáng vẻ rất quan trọng, nhưng trước khi bạn có dịp nhận biết về chúng thì tất thảy đều đi mất, đều tan biến vào cõi Vô Tướng, nơi sản sinh ra chúng. Chúng có bao giờ là điều có thực không? Chúng có phải là một giấc mơ, giấc mơ của hình tướng?

Khi tỉnh dậy vào buổi sáng thì giấc mơ đêm qua đã tan biến, và bạn nói: "Ồ, đó chỉ là một giấc mơ, đó là điều không có thực". Nhưng trong giấc mơ, chắc chắn phải có một cái gì đó là thực, nếu không, thì bạn đã không biết rằng bạn đã mơ. Khi cận kề với cái chết, có thể bạn sẽ nhìn lại đời mình và tự hỏi: “Phải chăng đó chỉ là một giấc mơ?”. Hoặc giờ đây bạn nhìn lại kỳ nghỉ phép vừa rồi, hay vở bi kịch ngày hôm qua của bạn và cảm thấy nó rất giống với giấc mơ đêm hôm qua.

Có giấc mơ và có phần chứng kiến những gì bạn nhìn thấy trong mơ. Giấc mơ là một vở kịch ngắn của những hình tướng. Đó là một thế giới tương đối có thực - chỉ tương đối thôi chứ không phải là tuyệt đối. Nhưng còn cái phần chứng kiến những gì bạn nhìn thấy trong mơ là một hiện thực tuyệt đối, trong đó hình tướng đến rồi đi. Cái phần chứng kiến những gì bạn nhìn thấy trong mơ không phải là người đang mơ. Vì cái người đang mơ đó là một phần của giấc mơ. Cái phần chứng kiến những gì bạn nhìn thấy trong mơ là cái nền của giấc mơ, cái làm cho giấc mơ có thể xảy ra. Nó là cái tuyệt đối nằm đằng sau cái tương đối, cái phi thời gian nằm đằng sau thời gian, là Tâm ở trong và nằm ở phía sau của hình tướng. Cái phần chứng kiến những gì bạn nhìn thấy trong mơ chính là nhận thức, là Tâm, là bản chất chân chính của bạn.

Thức tỉnh từ trạng thái mê ngủ của vô minh chính là mục tiêu của chúng ta. Khi bạn tỉnh dậy từ trạng thái mê ngủ của vô minh thì những bi kịch của thế gian do bản ngã tạo ra sẽ đến hồi kết thúc, và một giấc mơ hiền hòa và kỳ diệu sẽ xuất hiện. Đó chính là một cõi trời mới.

Vượt ra khỏi giới hạn

Trong đời sống của mỗi người, có lúc ta phải theo đuổi sự phát triển trên bình diện hình tướng. Đây là lúc bạn phấn đấu để vượt qua những giới hạn như sức khỏe hay tiền bạc, hay khi thu nhận một kỹ năng hay kiến thức mới, hay qua những hoạt động sáng tạo mà bạn đưa vào thế giới này một cái gì mới mẽ làm đẹp cho cuộc sống của bạn và cuộc sống của những người chung quanh. Có thể đó là một bản nhạc, một bức tranh, một cuốn sách, một dịch vụ, một chức năng, một tổ chức hay một doanh nghiệp được lập nên để bạn đóng góp phần mình vào xã hội.

Khi bạn có mặt, khi bạn chú tâm hoàn toàn vào phút giây hiện tại, thì sự Có Mặt đó sẽ đi vào và chuyển hóa những công việc mà bạn làm. Bạn sẽ có thêm sức mạnh và chất lượng trong công việc. Khi bạn có mặt thì những gì bạn đang làm không phải là một phương tiện để bạn đạt đến một mục đích (tiền bạc, danh vọng, hay sự thành công) mà qua đó, bạn tìm thấy sự thỏa mãn, sự toàn vẹn; qua đó bạn có niềm vui và sự sống động trong công việc. Dĩ nhiên bạn không thể có mặt trừ khi bạn thân thiện với phút giây hiện tại. Đó là cơ sở cho hoạt động vừa có tính hiệu quả vừa không bị ô nhiễm bởi tiêu cực.

Hình tướng có nghĩa là giới hạn. Ở đây ta không chỉ trải nghiệm những giới hạn của hình tướng mà còn phải phát triển nhận thức để vượt lên những giới hạn của hình tướng. Một số giới hạn có thể vượt qua ở bên ngoài. Nhưng cũng có những giới hạn mà ta phải học để chấp nhận nó, và chỉ có thể vượt qua nó ở bên trong. Mỗi người chúng ta, ai rồi cũng sẽ phải đối diện với nó. Những giới hạn đó, hoặc là bủa vây bạn trong những phản ứng đầy tính bản ngã, tức là bạn cảm thấy cực kỳ bất hạnh, hay bạn có thể vượt qua nó bằng con đường bên trong, bằng cách chấp nhận những gì đang có mặt một cách vô điều kiện. Đó cũng là lý do những giới hạn đó xuất hiện trong đời bạn, để dạy cho bạn bài học chấp nhận này. Trạng thái chấp nhận vô điều kiện của nhận thức mở ra cho bạn chiều không gian trực diện, đó là chiều sâu trong đời sống của bạn. Từ chiều không gian đó mà sẽ có nhiều thứ có thể đi vào thế giới này, những thứ rất có giá trị, mà trước đây chưa từng được biểu hiện. Nhiều người chấp nhận được những giới hạn rất ngặt nghèo và trở thành những bậc thầy về tâm linh hoặc là các nhà trị liệu. Nhiều người khác làm việc không kể gì đến bản thân mình để mang lại một tác phẩm đầy sáng tạo trong đời sống, hay làm giảm nỗi đau của con người.

Vào cuối thập niên 70, ngày nào tôi cũng đi ăn trưa với một hai người bạn ở một quán ăn thuộc trung tâm sinh viên của Đại học Cambridge tôi đang theo học. Có một người đàn ông đi xe lăn cũng thỉnh thoảng đến ngồi ở bàn bên cạnh; ông thường có ba, bốn người đi theo cùng. Một ngày kia, khi ông ngồi ở bàn đối diện với chiếc bàn của tôi, tôi không thể nào ngăn mình khỏi việc nhìn ông ta chăm chú, và tôi cảm thấy rúng động bởi những gì tôi nhìn thấy. Người ông gần như tê liệt hoàn toàn, thân người rất gầy yếu, đầu thì luôn cúi gục về phía trước. Một trong những người đi theo ông rất cẩn thận đút thức ăn vào miệng cho ông, có nhiều thức ăn vung vãi rơi xuống một chiếc đĩa nhỏ do một người khác giữ ở dưới cằm ông. Thỉnh thoảng ông thều thào một vài chữ rất khó nghe và một người khác cúi người ghé sát tai vào miệng ông để lắng nghe; và lạ thay người đó lại diễn đạt được những gì ông muốn nói.

Sau đó tôi có hỏi người bạn của tôi và biết rằng ông là giáo sư toán ở một trường đại học và những người đi cùng với ông là những sinh viên đã tốt nghiệp. Ông bị một căn bệnh về thần kinh khiến cho các bộ phận trên cơ thể dần dần bị tê liệt. Ông chỉ sống được nhiều nhất là 5 năm nữa thôi. Đây có lẽ là một trong những số phận bi thảm nhất đối với một con người.

Sau đó vài tuần, khi tôi đang bước ra khỏi tòa nhà thì ông lăn xe đến và khi tôi giữ giúp cánh cửa để ông lăn xe vào thì mắt tôi chạm phải mắt ông. Tôi ngạc nhiên thấy rằng đôi mắt ông rất sáng và trong. Chẳng có dấu vết gì của một con người bất hạnh. Tôi biết ngay là ông đã từ bỏ tất cả sự chống đối và sống với sự chấp nhận hoàn toàn tình trạng sức khỏe của ông.

Vài năm sau, khi đang mua một tờ báo, tôi ngạc nhiên thấy hình ông ở trang nhất một tạp chí quốc tế rất nổi tiếng. Không những ông vẫn còn sống, mà ông đã trở thành một nhà vật lý lý thuyết hàng đầu thế giới. Tên ông là Stephen Hawking. Trong bài báo, ông có nói một câu rất hay, khẳng định những gì tôi đã cảm nhận về ông vài năm trước đó khi tôi nhìn vào mắt ông: "Tôi như thế là quá hạnh phúc, chẳng còn mong muốn gì hơn những gì tôi đang có".

Niềm vui của an nhiên tự tại

Tâm lý bất hạnh và tiêu cực là một chứng bệnh của hành tinh này. Trạng thái bất hạnh và tiêu cực ở bên trong bạn tạo ra những ô nhiễm ở bên ngoài. Tâm lý bất hạnh và tiêu cực ấy đang ở khắp mọi nơi, không chỉ ở những quốc gia còn nghèo đói. Ở những nơi thừa mứa vật chất, cảm giác bất hạnh và tiêu cực đó trong con người càng thể hiện ra nhiều hơn. Tại sao vậy? Vì ở trong thế giới thừa mứa vật chất, con người thường tự đồng hóa mình với hình tướng nhiều hơn, họ thường bị cuốn hút bởi những biểu hiện khác nhau của hình tướng, nên họ càng dễ bị mắc kẹt vào gọng kềm của bản ngã.

Người ta tin rằng hạnh phúc của họ phụ thuộc vào những gì đang xảy ra, tức là phụ thuộc vào hình tướng. Họ không thấy rằng những gì đang xảy ra là những thứ rất vô thường, không bền vững. Vì những hình tướng đó luôn thay đổi. Họ nhìn vào phút giây hiện tại như thể nó đã bị làm hỏng bởi những gì đang xảy ra, và họ cho đó là những điều không nên xảy ra, hoặc ở trong họ luôn có một cảm giác chưa trọn vẹn, vì họ cảm thấy họ chưa đạt được những gì mà họ mong muốn trong phút giây này. Vì thế mà họ lãng quên sự hoàn thiện của Đời Sống ở một chiều không gian sâu lắng hơn, nơi phát xuất ra chính tự thân của Đời sống. Nơi đó sự hoàn thiện luôn có mặt, vượt lên tất cả những gì đang xảy ra hoặc không xảy ra, vượt ra ngoài hình tướng. Hãy chấp nhận giây phút này và bạn sẽ tìm ra sự hoàn thiện sâu sắc hơn bất cứ hình tướng nào mà bạn nhìn thấy. Sự hoàn thiện đó không hề bị chi phối bởi thời gian.

Niềm vui của an nhiên tự tại là niềm hạnh phúc thực sự và duy nhất mà bạn đang luôn có. Nó không thể đến qua hình tướng nào, từ cõi nào, thành tích nào, người nào, tình huống nào – hay qua bất kỳ những gì xảy ra. Niềm vui của an nhiên tự tại không thể "đến" với bạn, vì nó được phát sinh từ một chiều không gian Vô hình tướng ở trong bạn, từ Tâm, từ nhận thức, và vì thế nó đã hòa làm một với bản chất chân chính của bạn.

Hãy để cho bản ngã của bạn thu nhỏ lại

Bản ngã ở trong bạn luôn cảnh giác chống lại bất cứ điều gì làm suy giảm sức mạnh của nó. Trong bạn có một cơ cấu tự động phục hồi lại sự nguyên vẹn kích thước của bản ngã khi nó cảm thấy đang bị đe dọa hoặc suy giảm. Khi một ai đó chỉ trích hay phê bình về cái “Tôi” ở trong bạn, lập tức bản ngã của bạn sẽ cố gắng tự phục hồi lại cảm nhận về chính mình bằng cách công kích, biện minh, trách móc hay bảo vệ cho nó. Bản ngã không hề quan tâm đến chuyện người khác đúng hay sai, mà nó chỉ quan tâm đến việc tự bảo vệ cho chính nó. Đó là bảo vệ cho một hình ảnh về một nhân cách, về một cái "Tôi" có tính tâm lý ở trong bạn. Ngay cả điều bình thường như khi bạn phản ứng, lên tiếng đáp trả người gọi bạn là "thứ đồ ngu", thì hành động đó cũng là biểu hiện của cơ chế tự bảo vệ mà bản ngã thường làm một cách tự động, máy móc ngoài sự kiểm soát của ý thức bạn. Một trong những cơ cấu phục tự hồi của bản ngã phổ biến nhất là thái độ giận dữ, nó gây ra sự thổi phồng tức thời nhưng rất mạnh mẽ ở bản ngã. Tất cả các cơ cấu tự phục hồi của bản ngã tạo ra cảm giác rất thích thú đối với bản ngã, đồng thời tạo ra sự tha hóa cho chính bạn. Thái độ bạo hành đối với người khác và tự lừa dối chính mình dưới dạng những hoang tưởng trầm trọng là những thứ tạo ra sự tha hóa rất tai hại cho bạn.

Một cách rất hiệu quả để thực tập nhằm làm suy giảm bản ngã ở trong bạn là tạo điều kiện cho sự suy giảm đó xảy ra một cách có ý thức, và bạn sẽ không cố gắng để khôi phục lại nó ngay sau đó. Bạn hãy thực tập như thế nhiều lần. Ví dụ, khi có người nào đó phê bình, trách móc, hay đặt điều nói xấu bạn, thì thay vì phản ứng ngay với họ, hoặc trở nên co rúm, thu người lại, thì bạn không cần phải làm gì cả. Cứ để cho bản ngã, cho cảm nhận về chính mình bị suy giảm như thế một cách có ý thức, và bạn trở nên tỉnh táo và không phản ứng với những gì mà bạn đang cảm thấy ở trong tận chiều sâu của lòng mình. Trong vài ngày như thế, bản ngã của bạn sẽ cảm thấy bức bối và hầu như kích thước của nó bị co lại, trở nên nhỏ hơn. Nhưng rồi dần dần bạn sẽ cảm thấy có một khoảng không gian rất sống động và rộng thoáng ở trong lòng. Vì thực ra, bạn chẳng hề giảm sút gì cả mà ngược lại, bạn đang được mở rộng ra, đang trở thành lớn hơn. Khi không còn bảo vệ hay cố gắng làm mạnh những hình tướng, cái cảm nhận về tự thân do suy nghĩ bạn tạo ra, thì bạn thực sự đi qua một quá trình mở rộng không gian bên trong và cho phép an nhiên tự tại được thể hiện. Năng lực thực sự, bản chất chân chính của bạn vượt lên trên hình tướng, lúc đó sẽ được chiếu rọi qua cái hình hài già nua - hình tướng rõ ràng đang dần dần bị suy yếu của bạn. Đây cũng là điều Chúa Jesus muốn dạy ta khi Ngài bảo: "Con hãy tập để từ khước bản ngã ở trong con", hay "Ai đã đánh con má bên này, thì hãy chìa luôn má bên kia ra".

Dĩ nhiên Chúa không có ý khuyên rằng bạn hãy để cho người khác lợi dụng hay hành hung mình, hay biến mình thành nạn nhân của những người thiếu nhận thức. Trong một số tình huống, bạn vẫn có thể bộc lộ sự cương quyết bằng những lời lẽ dứt khoát. Khi lời nói của bạn không còn tính bản ngã thì lời nói ấy có sức mạnh hơn, mà lại không tạo ra phản ứng ở người khác. Nếu cần thiết, bạn có thể nói “Không” một cách rõ ràng và chắc chắn với một người nào đó, và tôi gọi đây là một chữ "Không" đầy uy lực mà không tạo ra năng lượng tiêu cực ở người khác.

Nếu bạn hài lòng với việc làm một người rất bình thường, chứ không phải là người có danh tiếng, nghĩa là bạn đang song hành với năng lực của vũ trụ. Cái mà bản ngã cho là điểm yếu thật ra lại là sức mạnh chân chính. Chân lý tâm linh sâu sắc này hoàn toàn trái ngược với những giá trị của nền văn hóa đương đại và cách cư xử mà nó định đặt cho con người.

Đạo Đức Kinh đã dạy: "Thay vì gắng làm một ngọn núi cao, hãy làm một thung lũng thấp". Làm được như thế chính là bạn đã trở về với uyên nguyên của vạn vật, và mọi thứ bạn cần sẽ đến với bạn.

Chúa Jesus cũng dạy điều tương tự như thế trong những lời răn của Ngài: "Khi được mời, con hãy đến và ngồi ở chỗ thấp hèn nhất để khi chủ nhà đến, họ sẽ bảo con lên ngồi ở một chỗ cao quý hơn. Lúc đó, trước sự có mặt của tất cả những người cùng bàn, con sẽ được mọi người kính trọng. Những người thường tự đề cao mình thì sẽ bị đưa xuống thấp; còn những ai biết khiêm nhường thì sẽ được đưa lên cao".

Một khía cạnh khác của lối thực tập giảm thiểu kích thước của bản ngã là bạn tự ngăn mình, đừng cố gắng củng cố bản thân bằng cách phô trương, muốn nổi bật lên trong đám đông, gây ấn tượng ở người khác, hay bằng cách vòi vĩnh. Thỉnh thoảng, bạn cũng thực tập ngăn mình nêu lên ý kiến khi người khác đang nói ý kiến của họ. Bạn hãy thực tập như thế và thử xem việc đó làm cho bạn cảm thấy như thế nào.

Ở ngoài ra làm sao thì ở trong cũng như vậy.

Khi nhìn lên bầu trời trong veo về đêm, ta dễ dàng nhận ra một chân lý hoàn toàn đơn giản và cực kỳ sâu sắc. Bạn nhìn thấy gì? Bạn nhìn thấy mặt trăng, các vì sao, bạn nhìn thấy dải ngân hà màu sáng bạc vắt ngang bầu trời, một ngôi sao chổi hay dãy thiên hà Andromeda láng giềng của ta cách xa ta khoảng hai triệu năm ánh sáng. Và nói một cách đơn giản hơn thì bạn nhìn thấy điều gì? Các vật thể bồng bềnh trong không gian. Thế vũ trụ gồm những thứ gì? Vật thể và không gian.

Nếu bạn không cảm thấy lặng người khi nhìn lên bầu trời quang đãng trong đêm thì bạn không thực sự đang nhìn, không ý thức được tính toàn thể của nó. Có thể bạn chỉ nhìn vào các ngôi sao và muốn đặt tên cho mỗi vì sao. Nếu bạn đã từng kinh ngạc đến lặng người khi nhìn lên không gian, thậm chí là thấy có một nỗi kinh sợ sâu sắc như khi gặp phải một điều gì huyền bí mà bạn không thể giải thích, điều này có nghĩa là trong một thoáng, bạn đã thôi không còn muốn giải thích hay đặt tên cho mọi vật. Bạn trở nên có ý thức đối với những vật thể trong không gian cũng như chiều sâu vô cùng của không gian. Hẳn là khi đó bạn đã đủ tĩnh lặng ở bên trong để nhận thấy vẻ bao la của vô vàn thế giới. Cảm giác kính sợ không chỉ là do có hàng tỉ thế giới trên bầu trời mà còn đến từ chiều sâu ẩn chứa trong những thế giới này.

Bạn không thể nhìn thấy hết sự tận cùng của không gian, không thể nghe, sờ mó hay ngửi thấy nó, thế làm sao bạn biết rằng không gian hiện hữu? Câu hỏi có vẻ hợp lý này thật ra chứa đựng một sai lầm căn bản. Bản chất của không gian là cõi không-có-một-cái-gì ở đó cả, nên nó không “hiện hữu" theo ý nghĩa thông thường của danh từ này. Vì chỉ có vật thể – tức là hình tướng – mới hiện hữu. Thậm chí gọi nó là không gian cũng là sai vì khi ta đặt tên cho nó thì ta vô tình biến nó thành một vật thể, tức là hàm ý rằng vật đó có sự hiện hữu.

Ta có thể nói như thế này: Ở trong bạn có một cái gì đó tương tự như không gian, điều đó giải thích tại sao bạn có thể nhận biết được không gian. Nhận biết được không gian ư? Điều này cũng không hoàn toàn đúng vì làm thế nào mà bạn có thể nhận biết được không gian nếu ở đó không có một cái gì để ta có thể nhận biết.

Câu trả lời vừa sâu sắc vừa thâm thúy là khi bạn nhận biết được không gian, thực ra bạn không hề nhận biết được cái gì cả, ngoại trừ nhận ra khả năng nhận biết ở trong chính bạn - khoảng không gian bên trong của nhận thức. Nhờ bạn mà vũ trụ ý thức được chính nó!

Khi mắt bạn không nhìn thấy gì cả, thì cõi không-có-một-thứ-gì-trong-đó-cả được bạn cảm nhận như là không gian. Khi tai bạn không nghe được gì cả, thì cõi không-có-cái-gì-để-nghe-cả được bạn cảm nhận như là sự tĩnh lặng. Khi giác quan, vốn được tạo ra để cảm nhận về những hình tướng khác nhau, gặp phải sự vắng mặt của hình tướng thì nhận thức của ta sẽ không còn bị che mờ bởi hình tướng nữa. Khi bạn nhìn ngắm chiều sâu vô lường của không gian và lắng nghe sự tĩnh lặng của buổi sáng tinh mơ, thì trong bạn có một cái gì đó vang dội lại như thể nó vừa nhận ra nhau. Lúc đó bạn cảm nhận được chiều sâu vô cùng của không gian chính là chiều sâu vô cùng của chính mình, và bạn biết rằng cái tĩnh lặng không hình tướng - cũng chính là bản chất chân thực của bạn - quý báu và sâu sắc hơn bất cứ điều gì trong đời bạn.

Kinh Áo Nghĩa Thư (Upanishads) của Ấn Độ cũng đề cập đến chân lý này khi nói:

"Những gì mắt không thấy được nhưng mắt lại nhờ đó mà thấy: chỉ cần nắm được điều này tức là đã nắm được tinh túy của Đạo rồi, chứ không phải là những thứ phù du mà người đời thường hay sùng bái.

Những gì tai không thể nghe được nhưng lại nhờ đó mà nghe: chỉ cần nắm được điều này tức là đã nắm được tinh túy của Đạo rồi, chứ không phải là những thứ phù du mà người đời thường hay sùng bái.

Những gì mà trí óc không thể suy lường nhưng nhờ nó mà trí năng có thể hiểu được: chỉ cần nắm được điều này tức là đã nắm được tinh túy của Đạo rồi, chứ không phải là những thứ phù du mà người đời thường hay sùng bái.”

Thượng Đế, theo kinh này, là thứ nhận thức vô hình tướng và cũng là bản thể của bạn. Mọi thứ khác đều là hình tướng tức là "những thứ phù du mà người đời thường hay sùng bái".

Cái thực tại hai tầng của vũ trụ: tức là hình tướng và Vô Tướng – tức là Có và Không - cũng là thực tại của bạn. Một đời sống quân bình, lành mạnh của một con người là một điệu múa giữa hai chiều làm nên thực tại của đời sống: thế giới hình tướng và thế giới của Vô Tướng. Hầu hết chúng ta đều tự đồng nhất mình với hình tướng, với những cảm xúc, ý nghĩ đến nỗi nửa thiết yếu bên kia – chính là Vô Tướng – biến mất khỏi cuộc đời chúng ta. Thói quen tự đồng hóa mình với hình tướng trói chặt chúng ta vào bản ngã.

Nói chung những gì mà bạn có thể nghe, nhìn, cảm nhận, sờ mó, hay nghĩ về nó chỉ là một nửa của thực tại. Tất cả những thứ đó ta gọi là hình tướng, còn Chúa Jesus thì gọi đó là "thế giới"; còn nửa Vô Tướng ở bên kia thì ngài gọi đó là "cõi trời" hay "sự sống bất diệt".

Không gian làm cho mọi vật hiện hữu, và tương tự như thế, khi không có sự tĩnh lặng thì cũng không thể có âm thanh; bạn không thể hiện hữu mà không có chiều không gian của Vô Tướng, tức là bản chất chân thật của bạn. Ta có thể gọi đó là "Thượng Đế", nếu từ này không được dùng một cách sai lạc như trước đây. Tôi thích gọi nó là "an nhiên tự tại" hơn. An nhiên tự tại có ở đó trước khi ta có Hiện hữu - thế giới của hình tướng. Hiện Hữu là hình tướng, là những gì đang xảy ra. Hiện hữu là bề mặt của sự sống. Còn an nhiên tự tại là vô hình, là hậu cảnh, nếu ta có thể nói như vậy.

Cơn bệnh tập thể của loài người là quá mê đắm với sự vật, với những hiện tượng trong đời sống, vì thế mà bị thôi miên bởi thế giới của hình tướng, bị cuốn hút bởi hình tướng. Họ quên đi phần bản chất, nằm ngoài hình thức, nằm ngoài ý nghĩ, nằm ngoài hình tướng. Thời gian làm tiêu phí đời họ đến độ họ quên mất tính chất vĩnh hằng, là nguồn gốc của họ, ngôi nhà của họ, nơi chốn trở về của họ. Sự vĩnh hằng là một thực tại sống động, bản chất chân chính của chúng ta.

Khi đến thăm Trung Quốc vài năm trước đây, tôi tình cờ nhìn thấy một cái am trên đỉnh núi gần Tây An. Trên am có đắp chữ nổi bằng vàng. Tôi hỏi một người Trung Quốc và biết được những chữ đó có nghĩa là “Phật”. Tôi hỏi tiếp là tại sao có đến hai chữ thay vì một chữ? Ông nói "Một chữ có nghĩa là ngã, còn chữ kia nghĩa là không – tức là không có ngã, tức là Vô Ngã. Cả hai chữ thì có nghĩa là Phật". Tôi lặng người đứng im. Hai chữ Vô Ngã đã bao hàm toàn bộ những dạy bảo của Đức Phật, và đối với những ai có thể nhìn ra, hai chữ này cũng bao hàm cả ý nghĩa bí mật của đời sống. Đây là hai chiều tạo ra thực tại: cõi Có và cõi Không; hình tướng và phủ nhận hình tướng, tức là chỉ rõ rằng hình tướng không phải bản chất chân chính của bạn.



CHÚ THÍCH



1. Bạn biết chấp nhận tình huống đó và ngay lập tức trở thành một với tình huống đó: Trở thành một với tình huống tức là bạn biết rõ những gì mình cần làm gì trong phút giây đó và sẵn sàng để làm điều đó. Giả dụ như bạn vừa mất việc, lại được tin vợ bạn muốn tiến hành chuyện ly dị, điều bạn cần làm là chấp nhận rằng bạn đã mất việc, một điều bạn không thể cứu vãn gì được, vì khi người khác đã quyết định cho bạn nghỉ việc, đây là một quyết định cuối cùng. Mất việc là một biến cố kinh khủng đối với bạn, hay với bất kỳ một ai trong tình huống này, vì biến cố này làm cho bạn chấn động, lung lay. Biến cố này buộc bạn phải xét lại tư cách, giá trị của con người mình. Những gì mà bạn thường tự đồng hóa mình trước đây: Tôi là một bác sĩ; Tôi là kỹ sư; Tôi là một chuyên viên điện toán, hay gì đó... bây giờ không còn nữa, bên cạnh những lo lắng về chuyện sinh kế, sống còn, bạn phải đối diện với khủng hoảng về tư cách của mình: “Tôi là ai, nếu tôi không còn làm những công việc ấy nữa?”. Nhưng biến cố này cũng là một cơ hội cho bạn nhận thức rằng bạn không thể nương tựa vào những hình tướng luôn đổi thay, biến chuyển trong đời sống: công việc làm, tình trạng hôn nhân, sức khỏe của bạn,... để tìm một tư cách, một cái gì mà bạn có thể đồng hóa và cho rằng “Tôi là cái ấy”.
2. Cách bạn phản ứng với một tình huống hay với người khác, khi có thử thách lớn, là chỉ số tốt nhất để giúp bạn hiểu chính mình sâu sắc đến mức nào: Ví dụ bạn nghĩ rằng mình không quan tâm lo lắng đến tiền bạc, sinh kế. Điều này có thể đúng khi bạn vẫn đang còn tiền bạc và có công việc ổn định. Cho đến một hôm bạn được phòng nhân sự gọi và được báo rằng hôm nay là ngày cuối cùng của bạn ở công ty, thì phản ứng của bạn lúc đó sẽ như thế nào? Hoặc sáu tháng sau, khi bạn vẫn chưa tìm ra việc làm mới. Biến cố này sẽ giúp bạn hiểu được những gì bạn cho là có giá trị đối với bạn.
3. Khi bạn nhận ra rằng những gì mà bạn thường khó chịu ở người khác, thì những khiếm khuyết đó cũng có sẵn ở trong bạn: Ví dụ bạn ghét cay ghét đắng những người thích khoe khoang thì không khéo chính bạn cũng có thói quen khoe khoang, khoác lác này, nhưng có lẽ bạn chưa nhận ra.
4. Thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc: tức là Hakuin Ekaku (1685-1768); ngài là một thiền sư có công phục hưng lại dòng Thiền Lâm Tế ở Nhật. Ngài kết hợp lại phương pháp thiền tọa và thiền công án vốn là một phương pháp thực hành truyền thống của thời ấy.
5. Trở nên thân thiện với phút giây này, chào đón phút giây này: Từ chuyện bạn phải đi trong trời mưa gió trong đêm tối, hay bạn vừa được phòng nhân viên cho hay hôm nay là ngày cuối của bạn ở công ty mà bạn đã làm bấy lâu nay, tất cả những chuyện này được bạn niềm nở tiếp nhận. Vì hiểu rằng đây là điều tất yếu trong đời sống, không thể tránh được.
6. Cảm nhận về bản thân bạn tùy thuộc vào quá khứ để có được một tư cách của mình: Nghĩa là bạn còn vướng vào những chức vị hay vai trò gì đó trong quá khứ để tìm cho mình một tư cách, không biết rằng những thứ đó đã qua đi, dù bạn có luyến tiếc thì chúng cũng không còn nữa. Bạn không biết rằng trong phút giây này bạn vẫn còn đang sống, đang có mặt với những gì đang xảy ra ở chung quanh và bạn không cần một cái gì khác ngoài phút giây này để cảm thấy an ổn và đầy đủ.
7. Tùy thuộc vào tương lai để có được sự hoàn thiện, đầy đủ: Tương tự như thế, khi phóng tâm về tương lai, bạn sẽ rơi vào trạng thái đợi chờ một cái gì đó trước khi bạn cảm thấy hạnh phúc, đầy đủ. Giật được mảnh bằng này, tậu được thêm những tài sản kia, lấy được một người hôn phối như thế nào đó,... Như thế bạn sẽ không hưởng được những gì đang có mặt trong bạn và chung quanh bạn. Dù bạn đang ngồi trước mặt vợ, chồng, con cái, thì những người thương của bạn cũng không tìm ra bạn, vì dù bạn đang ngồi đó, nhưng hồn thì đang phóng tâm về một chuyện gì ở tương lai. Bạn không biết tận hưởng những điều kiện hạnh phúc mà mình đang có trong phút giây này.
8. “Ở ngoài ra làm sao thì ở trong cũng như vậy”: Nghĩa là những biểu hiện tiêu cực ở bên ngoài của đời bạn (những khó khăn trong quan hệ luyến ái, trong quan hệ với gia đình hoặc ở công ty) chỉ là phản ảnh rõ nét những băng hoại ở trong bạn. Cho nên thay vì lo cải thiện, sửa đổi bên ngoài thì bạn nên chú tâm để chăm sóc, chuyển hóa và buông bỏ những thói quen, thái độ, cách cư xử, suy nghĩ tiêu cực,... ở bên trong mình. Bạn sẽ thấy khi mọi chuyện ở trong bạn đã thay đổi theo một chiều hướng tích cực thì mọi chuyện bên ngoài của bạn cũng sẽ thay đổi một cách tương ứng.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 11 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Đừng bận tâm chuyện vặt


Phúc trình A/5630


Lục tổ Đại sư - Con người và huyền thoại


Tư tưởng Tịnh Độ Tông

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.56.150 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...