Cách tốt nhất để tiêu diệt một kẻ thù là làm cho kẻ ấy trở thành một người bạn. (The best way to destroy an enemy is to make him a friend.)Abraham Lincoln
Khi tự tin vào chính mình, chúng ta có được bí quyết đầu tiên của sự thành công. (When we believe in ourselves we have the first secret of success. )Norman Vincent Peale
Thật không dễ dàng để tìm được hạnh phúc trong chính bản thân ta, nhưng truy tìm hạnh phúc ở bất kỳ nơi nào khác lại là điều không thể. (It is not easy to find happiness in ourselves, and it is not possible to find it elsewhere.)Agnes Repplier
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Mục đích cuộc đời ta là sống hạnh phúc. (The purpose of our lives is to be happy.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nếu muốn có những điều chưa từng có, bạn phải làm những việc chưa từng làm.Sưu tầm
Chúng ta nhất thiết phải làm cho thế giới này trở nên trung thực trước khi có thể dạy dỗ con cháu ta rằng trung thực là đức tính tốt nhất. (We must make the world honest before we can honestly say to our children that honesty is the best policy. )Walter Besant

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Sức mạnh của hiện tại »» Chương 2: Ý thức là con đường thoát khổ »»

Sức mạnh của hiện tại
»» Chương 2: Ý thức là con đường thoát khổ

Donate

(Lượt xem: 11.127)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Sức mạnh của hiện tại - Chương 2: Ý thức là con đường thoát khổ

Font chữ:


Diễn đọc: Trường Tân
Đừng tạo thêm khổ đau trong hiện tại

Trong đời chúng ta ai cũng có ít nhiều khổ đau và phiền muộn. Vậy sao ta không tập để chung sống hài hòa với những khổ đau và phiền muộn đang có mặt ấy, còn hơn là cố chạy trốn chúng?

Có thể nói, phần lớn đau khổ của con người là không cần thiết. Chúng ta tự chuốc khổ cho mình khi nào ta còn để cho loại trí năng bất trị ở trong ta hoành hành(1).

Nỗi khổ mà chúng ta đang tạo ra trong hiện tại luôn luôn có nguyên nhân từ thái độ không chấp nhận hoặc chống đối một cái gì đó đang hiện diện trong đời bạn. Trên bình diện tư tưởng, sự chống đối ấy thường nằm dưới hình thức chê trách, hay phê phán ai một điều gì. Trên bình diện cảm xúc, sự chống đối của chúng ta nằm dưới hình thức phản ứng, hoặc phủ nhận một điều gì. Cường độ khổ đau của chúng ta nhiều hay ít là tùy thuộc vào mức độ chống đối ở trong lòng chúng ta với những gì đang có mặt trong phút giây hiện tại. Nghĩa là tùy thuộc vào mức độ chúng ta tự đồng hóa mình với những ý tưởng tiêu cực ở trong ta, nhiều hay ít(2).

Trí năng của bạn lúc nào cũng tìm cách chối từ và trốn tránh phút giây hiện tại. Nói một cách khác, chúng ta càng đồng hóa mình với trí năng bao nhiêu thì chúng ta càng đau khổ bấy nhiêu! Cho nên chúng ta càng sáng suốt chấp nhận phút giây hiện tại bao nhiêu, thì chúng ta càng có cơ hội thoát khỏi những khổ đau và ưu phiền bấy nhiêu – và dĩ nhiên lúc đó bạn cũng thoát ra khỏi cái đầu óc rất vị ngã ở trong bạn.

Tại sao trí năng của bạn quen thói phủ nhận và chống đối phút giây hiện tại? Bởi vì trí năng không thể vận hành và khống chế bạn nếu không có sự hiện hữu của thời gian tâm lý – đó là quá khứ hoặc tương lai – cho nên trí năng ý thức rằng cái Hiện Tại mà không bị giới hạn bởi thời gian là một mối đe dọa thường xuyên của trí năng ở trong bạn. Trong thực tế, trí năng và thời gian tâm lý là hai thứ không thể tách rời nhau ở trong bạn – chúng đi sát với nhau như bóng với hình!

Ta hãy tưởng tượng nếu trái đất mà không còn loài người cư ngụ, chỉ có loài thú và cây cỏ sinh sống, khi đó liệu có thể còn quá khứ và tương lai chăng? Liệu thời gian còn có ý nghĩa hay không? Những câu hỏi như: “Mấy giờ rồi?”, “Hôm nay là ngày mấy?”... sẽ hoàn toàn vô nghĩa! Cây sồi hay con chim đại bàng sẽ vô cùng ngạc nhiên khi nghe ai đó hỏi mấy câu hỏi trên. Có lẽ chúng sẽ hỏi lại rằng: “Lúc này là mấy giờ hả? Lúc này là Bây Giờ; thời gian là Bây Giờ, là Hiện Tại. Ngoài phút giây hiện tại ra, còn thứ gì khác nữa chăng?”.

Phải, chúng ta cần có trí năng cũng như thời gian để sống, sinh hoạt và tiến hành những hoạt động mang tính thực tiễn trên trái đất này, nhưng ta đã đi tới mức độ bị quá khứ, tương lai và trí năng quản chế cuộc đời mình, do đó ta mới chịu khổ đau và ưu phiền.

Trí năng của con người, để bảo đảm cho nó vai trò chủ động, luôn luôn tìm cách che mờ Hiện Tại bằng Quá Khứ và Tương Lai. Khi nguồn sống linh hoạt và tiềm năng sáng tạo vô biên, vốn không tách rời Thực Tại ở trong bạn bị thời gian tâm lý che lấp, bản chất chân thật ở trong bạn sẽ bị lu mờ. Thêm vào đó, gánh nặng của loại thời gian này càng ngày càng chất chồng, tích tụ thêm ở trong đầu bạn. Mọi người, ai cũng đều mang gánh nặng này, thế mà họ vẫn tiếp tục vun bồi thêm sức nặng cho nó, một cách vô ý thức, mỗi khi họ lãng quên hay phủ nhận phút giây hiện tại quí báu. Cho nên con người thường dùng phút giây Hiện Tại như một phương tiện chỉ để cho họ đạt đến một điều gì đó trong tương lai; trong khi tương lai chỉ là một dự phóng của phút giây Hiện Tại(3). Tương lai là một cái gì không thực sự hiện hữu trong thực tế! Sự tích lũy của thời gian tâm lý trong dòng suối tư tưởng của bạn gây nên mối phiền não lớn lao in sâu ở trong bạn từ quá khứ.

Nếu ta không muốn gây đau khổ cho chính mình và cho người khác nữa, cũng như không muốn gia tăng niềm đau quá khứ vẫn còn đeo đẳng ở trong ta, thì ta không nên tạo thêm cho mình loại thời gian tâm lý, ngoại trừ trong những trường hợp rất cần thiết cho các sinh hoạt thực tiễn mà thôi.

Nhưng làm sao để bạn chấm dứt, không tạo thêm thời gian tâm lý ở trong bạn? Chỉ cần bạn nhận chân một cách sâu sắc rằng phút giây hiện tại là những gì ta thực có. Hãy thực tập trước hết bằng cách để sự chú tâm của mình vào phút giây hiện tại. Đó phải là mục tiêu tiên quyết của đời bạn. Thay vì trước kia bạn thường sống trong thời gian tâm lý – quá khứ hoặc tương lai– và chỉ sống một cách rất hiếm hoi trong phút giây hiện tại, thì bây giờ bạn hãy thực tập an trú trong phút giây hiện tại và tránh không nghĩ tới tương lai hay quá khứ, trừ những khi rất cần thiết cho một sinh hoạt thực tế gì đó trong đời sống. Hãy luôn luôn sẵn sàng chào đón phút giây hiện tại. Thật là ý nghĩ mê muội khi bạn tiếp tục chống lại Đời Sống, chống lại những gì đang hiện hữu trong phút giây hiện tại. Không phải đời sống của chúng ta lúc nào cũng luôn diễn ra trong phút giây hiện tại sao? Hãy sáng suốt trao sự chú tâm của mình một cách toàn vẹn cho Những Gì Đang Hiện Hữu, cho những gì đang diễn ra trong lúc này. Hãy giữ một thái độ tích cực và lạc quan với đời sống rồi bạn sẽ thấy, đời sống tự nhiên sẽ tuôn chảy, và trở nên dung hòa với bạn chứ không chống đối bạn đâu.

§

Có khi phút giây hiện tại lại là một điều khó có thể chấp nhận, không hề vui vẻ, mà có khi lại còn quá sức tồi tệ thì sao ?

Cuộc sống là cuộc sống – luôn diễn ra với tất cả những gì bất ngờ và cả những biến cố, những điều không mong chờ nhất! Hãy quan sát cách trí năng bạn liên tục phán xét, và đặt tên cho nó, điều đó gây thêm đau khổ và bất an trong bạn. Bằng cách quan sát cơ chế vận hành của trí năng, bạn sẽ thoát ra khỏi thói quen chống đối của nó để bạn cho phép phút giây hiện tại được như nó đang là... Lúc đó bạn sẽ nếm được hương vị của trạng thái bình an chân thật ở bên trong, thoát khỏi các điều kiện bên ngoài. Rồi thư thả xem chuyện gì sẽ đến; tìm cách ứng xử khi bạn thấy cần.

Nên nhớ kỹ: Luôn luôn chấp nhận phút giây hiện tại trước khi ta có thể ứng xử mọi chuyện một cách thích đáng. Dù phút giây hiện tại chứa đựng bất cứ điều gì, hãy chấp nhận y như chính ta đã chọn lựa nó như thế. Trong mọi trường hợp, nên luôn luôn dung hòa với phút giây hiện tại, không chạy trốn, phán xét hay chống đối. Hãy xem phút giây hiện tại là bạn, chứ không phải kẻ thù của mình. Rồi bạn sẽ thấy, sự thực tập này sẽ đem đến sự chuyển hóa mầu nhiệm cho cuộc đời bạn.

§

Giải tỏa nỗi đau của quá khứ

Khi bạn chưa đủ sức an trú trong năng lực của phút giây hiện tại, mỗi cảm xúc ưu phiền mà bạn đã phải trải qua là dư vị của khổ đau còn sót lại trong bạn. Nỗi khổ dai dẳng này nhập vào với nỗi đau tiềm ẩn của quá khứ làm cho nỗi khổ đau càng ngày càng tích lũy dày thêm trong thân tâm bạn. Nỗi khổ đau này gồm cả nỗi đau bạn đã từng chịu đựng thời thơ ấu do sự ảnh hưởng của môi trường nơi bạn đã lớn lên.

Khối khổ đau sâu dày này là một nguồn năng lượng tiêu cực xâm chiếm cả thân tâm bạn. Quả thực, ta có thể xem nó như một thực thể khổ đau sống động, tuy không có hình dáng rõ rệt. Khối khổ đau sâu dày này gồm hai sắc thái: đang ngủ yên hoặc đang hoạt động. Thông thường nỗi đau này thường ngủ yên, hoặc chỉ ngấm ngầm ở trong ta. Nhưng nơi một người có nhiều sầu khổ, nỗi khổ ấy thường hoạt động và biểu hiện ra một cách liên tục và rõ rệt. Một số người gần như sống hoàn toàn trong cảm giác khổ đau liên tục, trong khi những người khác thì chỉ kinh nghiệm nỗi khổ ấy trong một vài tình huống như: trong một quan hệ luyến ái, trong tình trạng mất mát về vật chất hay tinh thần, v.v.

Bất cứ chuyện gì xảy ra cũng có thể khơi dậy khối khổ đau sâu nặng của quá khứ này ở trong ta, nhất là khi kinh nghiệm ấy trùng hợp với những kinh nghiệm tương tự đã xảy ra trong quá khứ. Khi nỗi khổ đau xưa cũ ấy có đủ điều kiện, nhân duyên để sống dậy từ trong ta, thì dù chỉ là một ý nghĩ hay một lời nói vô tình của một người thân, cũng làm cho nỗi đau cũ trỗi dậy.

Có những niềm đau ở trong ta rất khó chịu nhưng lại vô hại như một đứa bé luôn mồm than vãn, khóc la. Nhưng có những niềm đau gây tác hại và gây suy sụp trầm trọng ở trong ta. Một số nỗi đau có tính xâm hại về thể xác, trong khi những nỗi đau khác thì xâm hại về tình cảm. Có những niềm đau khiến ta có khuynh hướng hành hung những người chung quanh hoặc những người thân của ta. Có thứ lại uy hiếp ngay chính ta! Những lúc ta bị rơi vào nanh vuốt của những nỗi đau như thế, ý nghĩ và cảm nhận của ta về cuộc đời trở nên hoàn toàn tiêu cực, chán nản và có khi ta dễ tự làm hại chính mình và những người chung quanh. Bao nhiêu tai nạn và bệnh hoạn cũng do đấy mà ra. Có những cơn đau dằn vặt, bức bách đưa nạn nhân đến chỗ tự vẫn!

Có khi ta gặp một người quen, và khi tình cờ tiếp chạm với biểu hiện của những nỗi khổ rất kinh khủng nhưng ngấm ngầm ở trong người ấy, ta sẽ cảm thấy vô cùng bất ngờ. Nhưng tốt hơn hết là thực tập nhận diện và quan sát nỗi đau ấy trên chính mình. Hãy để ý theo dõi bất cứ dấu hiệu không vui gì ở trong ta, dù dưới hình thức nào, có thể đó là dấu hiệu của khối khổ đau sâu dày xưa cũ trong bạn đang vươn mình thức giấc. Trạng thái này có thể được biểu hiện như một cảm giác bực bội, nóng nảy, u sầu, ác ý, giận dữ, phẫn nộ, u uất... hoặc có khả năng đưa quan hệ cá nhân đến chỗ bi kịch… Cho nên bạn hãy sáng suốt nhận diện nỗi khổ đau cũ ngay giây phút chúng vừa trở mình thức dậy.

Nỗi khổ đau cũ trong ta cũng muốn tiếp tục sinh tồn như mọi sinh vật khác, và nó chỉ có thể sống còn khi ta vô tình đồng hóa mình với nỗi khổ ấy một cách mê muội. Cơn đau khi đó sẽ sống dậy, chiếm hữu ta, “trở thành ta”, và sống ở trong ta. Khối khổ đau này cần ta nuôi dưỡng và tiếp tế “thức ăn”! Nỗi đau sẽ được nuôi dưỡng bằng những kinh nghiệm quá khứ trùng hợp với khổ đau cũ ở trong ta. Đó là bất kỳ những gì có thể tạo thêm khổ đau: giận dữ, hủy diệt, căm thù, sầu khổ, sự cố tình gây ra những bi kịch tình cảm, bạo hành... ngay cả bệnh tật cũng vậy. Do đó khi ta bị nỗi đau khổ cũ ở trong ta khống chế, hoành hành, nó sẽ tạo ra cho ta một tình trạng ngày càng khốn đốn, để từ đó cơn đau được tiếp tế và nuôi dưỡng bằng những thức ăn ấy. Nỗi đau quá khứ ở trong bạn chỉ muốn được bạn nuôi chúng lớn thêm bằng những nỗi đau khổ mới mà bạn vô tình tạo ra. Nỗi khổ sâu dày ấy không thể sinh sống bằng niềm hạnh phúc đang có mặt ở trong bạn. Vì nó không thể tiêu hóa được năng lượng hạnh phúc này.

Khi niềm đau khổ này đã xâm chiếm và làm chủ cuộc đời bạn, thì bạn càng có tư tưởng “muốn” khổ đau thêm. Bạn sẽ trở thành nạn nhân hay thủ phạm. Bạn thích gây đau khổ cho người khác hay bị người khác gây đau khổ, hoặc cả hai thứ. Dĩ nhiên bạn sẽ không ý thức được điều này nên khi có ai muốn chỉ ra cho bạn tình trạng này, bạn sẽ khăng khăng chối cãi rằng bạn không muốn chịu khổ đau. Nhưng khi thực sự nhìn sâu vào vấn đề, bạn sẽ thấy rằng tất cả tư tưởng và hành động của bạn đều cùng một mục đích: làm cho những đau khổ ở trong bạn được kéo dài, cho chính bạn và cho người khác. Nếu bạn ý thức một cách sáng suốt về điều này thì niềm đau dĩ vãng tự dưng sẽ được hóa giải, chấm dứt vì không ai điên dại mà lại muốn chịu khổ đau.

Thật ra, nỗi đau chỉ là bóng tối của cái bản ngã của bạn. Nó rất sợ ánh sáng của ý thức; nó sợ bị bạn khám phá ra chân tướng. Sự sống còn của nó tùy thuộc vào sự đồng hóa mê muội của chính bạn với nỗi khổ đau ấy. Cũng như vì sợ hãi, ta không dám giáp mặt với niềm đau ấy ở trong ta. Nhưng nếu ta không đương đầu với nó, không sáng suốt nhận ra nó, ta buộc phải chìm đắm trong đau khổ ấy triền miên. Khi đó nỗi đau tựa như một con quái vật hung hiểm mà ta sợ không dám đối diện, nhưng tôi đoan chắc với bạn rằng, nó chỉ là một bóng ma yếu đuối, không có thực, nên không thể lấn lướt bạn khi bạn thực sự có mặt.

Các giáo thuyết về tâm linh đã xác nhận đau khổ của con người thực ra chỉ là những ảo tưởng trí năng(4). Và đây là một sự thật. Bạn có muốn nói: “Điều này không đúng!” với tôi không? Nếu chỉ tin suông thôi cũng chưa đủ. Bạn có muốn cưu mang nỗi đau khổ này suốt quãng đời còn lại và miệng thì cứ nói rằng đó chỉ là ảo tưởng? Làm như vậy có làm cho ta khỏi khổ đau chăng? Điều quan trọng ở đây là làm sao cho ta thấu suốt được sự thật này và áp dụng điều ấy vào chính bản thân ta.

Nỗi đau khổ cũ ấy không muốn ta giáp mặt với nó; vì khi ta trực tiếp quan sát nỗi đau với bản chất thực của nó, cảm nhận năng lực của nó ở trong ta, ta sẽ không còn tự đồng hóa mình với nỗi đau ấy. Khi đó ta sẽ cảm nhận được có một sự hiểu biết, sáng suốt hơn đang hiện diện. Tôi gọi đó là Hiện Hữu. Lúc bấy giờ, bạn đang là chứng nhân hay là người mục kích nỗi đau, chứ bạn không phải là cơn đau ấy. Điều này có nghĩa là nỗi đau không còn sử dụng ta để đánh lừa làm ta nữa, và nó cũng không thể nào tự phục hồi, sống trở lại trong ta. Bạn đã khám phá ra sức mạnh sẵn có bên trong của chính mình. Bạn đang nắm được sức mạnh của phút giây hiện tại.

Khi ta đủ sáng suốt để không còn bị đồng hóa với cơn đau, khi đó cơn đau sẽ như thế nào?

Chính sự vô minh, ngu muội ở trong ta tạo ra nỗi khổ đau nên sự sáng suốt của ta về nó sẽ chuyển hóa nó. Thánh Paul đã diễn tả nguyên tắc phổ thông này một cách tuyệt vời: “Mọi sự vật sẽ lộ nguyên hình khi được phơi bày ra ánh sáng, và bất cứ vật gì khi đưa ra ánh sáng sẽ tự nó trở thành ánh sáng”.

Cũng giống như ta không thể chống lại bóng tối, ta không thể chống lại cơn đau. Cố gắng chống lại chỉ gây thêm mâu thuẫn ở bên trong và càng làm nỗi đau thêm dai dẳng. Chỉ cần quan sát nó là đủ, quan sát cũng có nghĩa là chấp nhận nó như là một phần của những gì đang diễn ra trong phút giây đó.

Nỗi khổ đau giống như một phần sinh lực của bạn bị giam hãm, phân cách với tổng thể năng lượng của bạn và tạm thời trở thành một thực thể tự trị qua một quá trình trái với tự nhiên là đồng hóa mình với trí năng. Niềm đau tự phát này đang quay ngược lại đối đầu với chính nó và với đời sống, tựa như một con thú muốn nuốt cái đuôi của nó! Bạn nghĩ tại sao nền văn minh của chúng ta có khuynh hướng muốn hủy diệt sự sống? Nhưng ngay như cả sức mạnh của sự hủy diệt đó cũng vẫn là sinh lực của đời sống.

Khi ta bắt đầu thoát khỏi sự đồng hóa với trí năng và trở thành người mục kích thì nỗi đau, vì quán tính sẽ còn tiếp tục hoành hành thêm một thời gian nữa và có khi còn cố đánh lừa ta để ta trở lại bị đồng hóa với nó. Dù bạn đã không còn tạo thêm năng lượng cho chúng bằng sự đồng hóa với chúng, cơn đau vẫn còn quán tính giống như một bánh xe đang quay, nó sẽ chạy thêm một đoạn đường nữa cho đến khi hết trớn. Trong giai đoạn này, cơ thể bạn có thể vẫn còn cảm thấy đau đớn ở phần này, phần khác nhưng cơn đau sẽ không kéo dài lâu. Hãy giữ sự tỉnh táo, sáng suốt. Hãy làm một người lính canh, chăm chú và cẩn thận cho chính nội tâm mình. Bạn cần có đủ ý thức mới có thể theo dõi cơn đau trực tiếp và cảm nhận năng lực của cơn đau. Sau đó, nó không thể còn kiểm soát được tư tưởng của bạn. Chớ để dòng suy tưởng miên man của mình hòa nhập với cơn đau, lúc đó ta sẽ bị nó đồng hóa trở lại, rồi ta lại cung cấp “thức ăn” cho nỗi đau bằng những suy tưởng miên man, không chủ đích ở trong ta.

Chẳng hạn cơn giận là năng lượng chính của nỗi khổ ở trong bạn, và bạn suy nghĩ đến những cảm xúc tức giận, cứ quay cuồng với những ý nghĩ về những gì người khác đã gây tổn thương cho bạn, hay là nghĩ về những gì bạn muốn gây tổn thương cho người khác… đó là lúc bạn bị đắm chìm trong mê mờ và trong những lúc đó “ta” trở thành nỗi khổ đau của mình. Ở đâu có giận dữ là ở đó có đau khổ đi kèm. Tương tự như thế, khi tinh thần xuống dốc, ta mê mờ chìm vào thói quen cũ, nghĩ rằng đời sống thật đáng chán, lúc đó những tư tưởng tiêu cực liền kết hợp với cơn đau cũ, và bạn dễ dàng bị nỗi đau cũ tấn công. Từ ngữ “mê mờ” tôi dùng ở đây có nghĩa là bị đồng hóa mình với những tâm tư, hay cảm xúc rập khuôn ở trong mình. Đó là lúc người mục kích, chứng nhân yên lặng ở trong bạn đã bị che lấp hoàn toàn!

Cố gắng duy trì ý thức tức là ngăn chặn sự cấu kết giữa cơn đau và thói quen suy tưởng, đem lại sự chuyển hóa những năng lượng tiêu cực ở trong bạn, như thể khổ đau là nhiên liệu thắp sáng ý thức trong bạn, càng ngày càng tỏa sáng hơn. Cũng như nghệ thuật luyện kim bí truyền thời Trung cổ, người ta có thể chuyển đổi những kim loại thường thành ra vàng. Ta có khả năng chuyển hóa khổ đau trong ta thành một nhận thức sáng suốt. Khi đó sự chia cắt nội tại sẽ không còn nữa và bạn trở thành một thực thể hợp nhất. Từ đó chúng ta có trách nhiệm sẽ không tạo tác thêm khổ đau cho mình và cho kẻ khác.

Bài tập 2: Đối Diện Với Niềm Đau Ở Trong Mình

Tôi xin tóm tắt lại tiến trình: Khi nào có một nỗi khổ ở trong bạn phát sinh, hãy yên lặng chú tâm vào những cảm xúc đang có mặt đó ở trong bạn. Chỉ cần ý thức rằng: Có một cảm xúc đau đớn đang hiện diện, hãy cho phép và chấp nhận nó như nó đang là. Đừng suy diễn gì thêm. Cũng đừng để cho cảm xúc đau đớn kia biến thành những ý tưởng tiêu cực; cũng đừng nên phán đoán hay phân tích gì cả. Bạn hãy bền bỉ an trú trong phút giây hiện tại và kiên trì làm một chứng nhân yên lặng, mục kích tất cả những gì đang xảy ra ở bên trong bạn. Không những bạn cần chú tâm vào cảm xúc đau đớn kia mà bạn cũng nên chú ý đến chính bạn – chứng nhân đang trầm tĩnh quan sát mọi chuyện trong yên lặng. Đó là sức mạnh của phút giây hiện tại, sức mạnh của sự tỉnh thức ở bên trong bạn. Rồi bạn sẽ từ tốn xem chuyện gì đang xảy ra.

§

Đối với nhiều phụ nữ, có một nỗi đau đặc biệt thường xảy ra vào thời kỳ trước khi có kinh nguyệt. Tôi sẽ đề cập và nêu lý do chi tiết sau. Trong lúc này, tôi chỉ muốn nói rằng nếu bạn có thể giữ được sự tỉnh táo và theo dõi bất cứ cảm xúc nào xảy đến bên trong bạn, thay vì bị những cảm xúc tiêu cực ấy xâm chiếm lấy bạn, đây sẽ là một cơ hội hiếm có cho bạn thực tập về sức mạnh của tâm linh và bạn sẽ nhận thức được rằng bạn đã sẵn có khả năng chuyển hóa nhanh chóng tất cả những nỗi đau cũ của quá khứ ở trong bạn.

Sự đồng hóa của bản ngã với khổ đau

Quá trình tôi vừa mô tả trên đây rất đơn giản mà hiệu quả vô cùng. Tôi mong rằng chúng ta có thể dạy cho con em của chúng ta ở trường thực tập được như một bài học vỡ lòng. Khi đã thấm nhuần nguyên tắc căn bản là luôn an trú trong phút giây hiện tại như một chứng nhân yên lặng mục kích tất cả những gì đang xảy ra ở bên trong – thấm nhuần bằng kinh nghiệm thực tập của chính mình – thì bạn có trong tay một phương pháp hiệu quả nhất để chuyển hóa thân tâm.

Điều này không phải để phủ nhận rằng đôi khi bạn sẽ gặp phải sự chống đối mạnh mẽ trong chính tự thân bạn khi phải chối từ sự đồng hóa mình với nỗi khổ cũ ở trong bạn. Đó là trường hợp bạn đã từng đồng hóa mình một cách sâu sắc với nỗi khổ đau trong suốt cuộc đời bạn và đầu tư tất cả những gì mình cho là mình với những khổ đau ấy! Điều này có nghĩa rằng bạn đã tạo ra một “cái Tôi bất hạnh” từ nỗi khổ đau này và bạn tin tưởng một cách mù quáng rằng “cái Tôi khốn khổ” ấy chính là bạn. Trong trường hợp này, nỗi lo sợ của bạn về sự đánh mất cái “tôi” giả tạo này sẽ tạo ra một phản ứng mạnh mẽ ở trong bạn khi bạn không còn tự đồng hóa mình với niềm đau ở bên trong. Nói một cách khác, bạn thà chịu khổ đau – trở thành một với nỗi đau– còn hơn là vươn tới một vị thế không quen thuộc, mà trong chuyện đó bạn có thể đánh mất cái bản ngã khổ đau, nhưng quen thuộc của chính mình.

Nếu bạn là một trong những mẫu người này, tôi chỉ mong là bạn hãy hết sức chú tâm quan sát cảm giác phản đối ở trong bạn. Hãy duy trì sự sáng suốt để thấy rằng bạn tìm thấy sự hài lòng một cách kì diệu từ trạng thái bất hạnh này của mình. Hãy để ý để thấy thêm rằng trong bạn có một nhu cầu muốn kể lể, tâm sự với người khác về nỗi khổ này – một nhu cầu không cưỡng lại được. Sự phản kháng ở trong bạn sẽ chấm dứt khi bạn dám nhìn nhận rằng bạn đang phản kháng vì phải từ bỏ sự đồng hóa của mình với niềm đau. Sau đó, bạn có thể chú tâm vào niềm đau, và có mặt với những gì đang xảy ra ở trong bạn. Làm được như vậy, bạn sẽ bắt đầu quá trình chuyển hóa nỗi đau của mình.

Chỉ có bạn là người có thể làm công việc này, không ai có thể làm thay bạn được. Nhưng nếu bạn may mắn gần gũi một người có sự tỉnh thức cao, cùng hưởng ứng và an trú trong hiện tại với những gì bạn muốn làm thì sự chuyển hóa sẽ mau chóng hơn. Trong trường hợp này, sức mạnh của ý thức sáng suốt ở trong bạn sẽ được phát triển nhanh hơn. Khi một thanh củi được đặt cạnh một thanh củi khác đã cháy sẵn, nó sẽ bắt lửa nhanh hơn và mạnh hơn. Rốt cùng, cả hai thanh củi đều cùng cháy trong một ngọn lửa lớn. Làm ngọn lửa soi đường, đó chính là một trong những nhiệm vụ lớn của một vị thầy tâm linh. Một số nhà trị liệu tâm lý cũng có thể làm được việc này nếu họ đã vượt thoát được sự kềm tỏa của trí năng, duy trì được sự tỉnh thức, sáng suốt, tự tại trong khi chữa trị cho bệnh nhân.

Nguồn gốc của cảm giác sợ hãi

Ông nói rằng sợ hãi là một cảm xúc căn bản của nỗi khổ sở trong mặt tình cảm. Do đâu và tại sao người ta có quá nhiều sợ hãi và lo lắng trong đời sống? Phải chăng có sợ một tí cũng tốt trong việc tự bảo vệ cho mình? Vì nếu ta không sợ lửa, ta có thể thò tay vào bếp lửa và bị phỏng?

Lý do ta không muốn đưa tay vào lửa, không phải vì ta “sợ” mà vì ta “biết” là ta sẽ bị phỏng nếu ta dại dột làm như thế. Ta không cần phải sợ hãi mới tránh được những hiểm nguy không cần thiết – chỉ cần có một chút thông minh và hiểu biết thông thường là đủ. Đối với các sự việc thực tế, ta có thể áp dụng những kinh nghiệm đã qua từ quá khứ. Bây giờ nếu ta bị đe dọa bằng lửa hay bằng võ lực, ta có thể kinh nghiệm sự hoảng sợ. Đây là bản năng thu rút người lại trước hiểm nguy, nhưng đây không phải là một nỗi hoảng sợ tâm lý có điều kiện mà chúng ta đang bàn ở đây.

Nỗi sợ hãi tâm lý này hoàn toàn khác xa với những nguy hiểm chắc chắn và tức thì. Nỗi sợ ấy được biểu hiện dưới nhiều hình thức: khó chịu, lo âu, băn khoăn, căng thẳng, tăng huyết áp, chán nản… Nỗi lo sợ tâm lý luôn luôn là một nỗi sợ vô cớ vì không biết chuyện gì sẽ xảy đến... chứ không phải nỗi lo sợ vì một chuyện gì đang xảy ra trong phút giây này. Chúng ta đang sống tại đây và ngay bây giờ trong khi trí năng chúng ta thì đang sống ở tương lai. Việc này tạo ra một khoảng trống của sự lo âu. Và nếu bạn bị đồng hóa hoàn toàn với trí năng và những suy tưởng miên man, bạn sẽ mất đi cơ hội tiếp xúc với năng lực và tính đơn thuần của phút giây hiện tại; lúc đó khoảng trống của sự lo âu sẽ vĩnh viễn là bạn đồng hành của chúng ta! Thật ra bạn chỉ có thể đương đầu và ứng phó với những gì đang diễn ra trong phút giây hiện tại, chứ bạn không thể đương đầu với những gì chỉ là sự phóng chiếu của trí năng và những suy tưởng miên man – Bạn không thể nào thực sự ứng phó được với tương lai, vì đó là một cái gì không có thật.

Hơn nữa, khi bạn còn đồng hóa với trí năng của mình, bản ngã bạn sẽ thống trị và điều khiển bạn một cách toàn diện như tôi đã đề cập trước kia. Do bản chất ma quái, không có thực của bản ngã, bất chấp cơ cấu phòng vệ kỹ lưỡng, bản ngã của bạn vẫn rất dễ bị tổn thương và nó thường xuyên cảm thấy rất bất an, hoặc bị đe dọa… cho dù bên ngoài bạn trông có vẻ rất tự tin. Ta nên nhớ rằng cảm xúc là những phản ứng của cơ thể đối với trí năng và những suy tưởng tiêu cực. Bạn hãy thử đặt câu hỏi: “Cơ thể của bạn liên tục nhận được tín hiệu gì từ bản ngã, cái tôi giả tạo, do sự tạo dựng của trí năng?”, “Nguy hiểm quá! Tôi đang bị đe dọa”. Và bạn thử nghĩ xem, cảm xúc nào sẽ nổi lên ở trong bạn khi bạn liên tục bị công phá vì những tín hiệu sai lầm này? Dĩ nhiên là nỗi lo sợ, và hoảng hốt.

Lo sợ xảy ra do nhiều nguyên nhân: lo thất bại, lo bị mất mát, lo bị đau ốm v.v. Nhưng cuối cùng mọi âu lo của bản ngã ở trong bạn đều qui tụ vào nỗi lo sợ lớn nhất: Sợ chết, sợ bị hủy diệt. Đối với bản ngã, tử thần lúc nào cũng chỉ chực chờ quanh đây. Trong trạng thái bạn tự đồng hóa mình với trí năng, nỗi ám ảnh của cái chết ảnh hưởng rất nhiều đến mọi tình huống trong suốt cuộc đời bạn. Chẳng hạn ngay cả lúc sự việc xảy ra có vẻ rất nhỏ nhoi, tầm thường như hai người cãi nhau và bạn nhất định cứ cho mình là đúng và người kia là sai – để bảo vệ ý kiến của mình – cũng chỉ vì bản ngã ở trong bạn sợ chết; vì hễ thua là bản ngã nghĩ rằng nó sẽ bị hủy diệt! Chiến tranh xảy ra cũng vì nỗi sợ hãi này, vô số quan hệ bị gãy đổ cũng vì mối đe dọa này.

Chỉ khi nào ta không còn đồng hóa với trí năng, đó là lúc ta đúng hay sai cũng không có gì khác biệt; do đó mê lầm và cố chấp sẽ không còn nữa. Khi đó bạn có thể phát biểu những gì mình nghĩ và cảm nhận một cách rõ ràng, nhưng không hề có sự hung hăng hay nhất thiết phải bảo vệ ý kiến của mình. Lúc đó cái ta chân thật phát xuất từ một nơi sâu xa ở trong bạn, chứ không phải từ những suy tưởng, cảm xúc miên man trên bề mặt. Hãy theo dõi kỹ bất kỳ nhu yếu bào chữa nào phát sinh ở trong bạn. Bạn đang bảo vệ điều gì? Một xác minh giả tạm, một hình ảnh trong trí bạn hay một thực thể hư cấu? Khi mục kích và ý thức được rõ thói quen lâu đời này, bạn sẽ không còn đồng hóa mình với thói quen cũ nữa. Trong ánh sáng của ý thức, những thói quen thiếu hiểu biết cũ ở trong bạn sẽ tự tan biến. Lúc đó bạn sẽ chấm dứt tất cả mọi tranh cãi, tranh chấp quyền hạn thường làm băng hoại, hư hỏng những mối quan hệ thân thiện. Dùng quyền lực của mình để chinh phục kẻ khác cũng chỉ là sự yếu đuối được che giấu bằng vũ lực. Sức mạnh chân thực là một cái gì ở bên trong, và là điều mà bạn đang sẵn có.

Như vậy, bất cứ ai còn đồng hóa với trí năng tức đã bị cắt đứt khỏi sức mạnh chân thực, hay bị cắt đứt với con người ung dung tự tại, chân thật ở trong mình, người đó sẽ không tránh khỏi sự sợ hãi, lo âu luôn bám sát mình như một người bạn đồng hành muôn kiếp. Số người đã vượt thoát ra khỏi sự kềm chế của trí năng thì còn rất ít ỏi, cho nên chúng ta có thể kết luận rằng bất kỳ ai mà ta quen hay gặp gỡ, họ đều sống trong tình trạng lo âu khắc khoải, chỉ có khác nhau là ở mức độ ít hay nhiều mà thôi. Những người này thường mang tâm trạng rất bấp bênh, giống như một cái cân lắc lư một bên là lo âu, sợ hãi và bên kia là bất an và toan tính những chuyện chưa xảy ra. Phần lớn chúng ta chỉ ý thức được điều này khi mối lo âu ngấm ngầm này được biểu lộ một cách rõ rệt.

Nỗ lực đi tìm sự nguyên vẹn của bản ngã

Một trạng thái khác của khổ đau vị ngã là một cảm giác hụt hẫng, bất toàn nằm sâu trong tiềm thức; đó cũng là bản chất của đầu óc vị ngã. Một số trong chúng ta rất hiểu rõ điều này, còn đa số thì vẫn mù mờ. Nếu ta ý thức rõ cảm giác hụt hẫng này thì mối khổ này được biểu hiện như là một sự bất ổn, thường trực của một cảm giác rằng tôi không xứng đáng, tôi bất toàn. Nếu bạn không ý thức được cảm giác hụt hẫng, khổ đau này thì nỗi khổ này được cảm nhận một cách gián tiếp qua những cảm giác như thèm khát chuyện xác thịt, mong cầu và đòi hỏi một thứ gì đó rất mãnh liệt. Trong cả hai trường hợp, chúng ta thường chạy theo những mục tiêu rất hạn hẹp, không thể cưỡng lại được của bản ngã, mong tìm sự thỏa mãn nào đó, một cố gắng để lấp đầy khoảng trống ở bên trong. Do đó chúng ta có khuynh hướng chạy theo của cải, tiền tài, danh lợi, quyền thế, tiếng tăm hay những quan hệ nam nữ… để ta có một cảm giác hài lòng, hoặc được hoàn hảo hơn… Tuy nhiên dù ta có đạt được tất cả những điều trên, khoảng trống không đáy ấy ở trong ta vẫn luôn còn đó(5)! Đó là lúc chúng ta thực sự phải đối mặt với nỗi khổ này vì chúng ta không thể tiếp tục tự dối gạt được mình!

Khi nào trí năng vị kỷ còn làm chủ con người bạn thì bạn không thể có được sự thanh thản trong tâm hồn; bạn không thể có cảm giác bình an và hài lòng ngoại trừ một vài phút giây thật ngắn ngủi: Đó là khi ta vừa đạt được một điều gì đấy hay khi có một khát khao nào trong ta vừa được thỏa mãn. Do bản ngã xuất phát từ một ấn tượng rằng có một cái “ta riêng rẽ” nên nó cần tự đồng hóa nó với những yếu tố bên ngoài. Bản ngã ở trong ta luôn cảm thấy nó vừa cần được bảo vệ, vừa cần được nuôi dưỡng luôn. Nhưng nhu yếu tự đồng hóa thông thường nhất của bản ngã thường là đồng hóa ta với chuyện sở hữu tài sản, với công việc chúng ta làm, với địa vị trong xã hội, với tiếng tăm, kiến thức và trình độ giáo dục, sắc diện, năng khiếu đặc biệt, những quan hệ trong lĩnh vực giao thiệp, dòng dõi gia đình, lòng sùng bái về một điều gì đấy. Chúng ta cũng thường tự đồng hóa mình với giống nòi, chủng tộc, quốc gia, chính trị, tôn giáo và những chuỗi đồng hóa có tính chất tập thể khác nữa. Nhưng tất cả những điều đó không phải là bạn!

Khi nghe tôi nói như thế bạn có cảm thấy hoảng hốt không? Hay là cảm thấy như mình vừa được giải thoát? Tất cả những thứ mà ta thu thập được từ bên ngoài này không chóng thì chầy, ta cũng sẽ phải buông bỏ hết. Có lẽ chúng ta khó tin được sự thật này và chắc chắn tôi cũng không muốn bảo bạn phải tin những gì tôi đang nói. Vì chính bạn sẽ tự biết sự thật này, trễ lắm là khi bạn phải đối mặt với cái chết. Cái chết không phải là để cuốn đi hết tất cả những gì không phải là “Ta” hay sao?

Như vậy bí quyết của đời sống là: “Hãy làm thân với cái chết trước khi bạn thực sự đối diện với cái chết” – và bạn sẽ khám phá ra rằng bạn thực không bao giờ chết cả.


Chú thích Chương 2:


1) Để cho loại trí năng bất trị ở trong ta hoành hành: Trong mỗi người chúng ta đều có vấn đề với chuyện nắm giữ tâm ý. Nó luôn luôn muốn phóng đi về những chuyện đã xảy ra trong quá khứ hay lo lắng về những chuyện chưa xảy ra ở tương lai. Nhiều khi bạn muốn đặt sự chú tâm của mình vào những chuyện mình cần làm, nhưng bạn không có khả năng giữ sự chú tâm của bạn vào công việc đó. Đó là lý do Eckhart Tolle gọi đây là loại trí năng bất trị.

2) Chúng ta khổ nhiều hay ít là tùy thuộc vào mức độ chúng ta tự đồng hóa mình với những ý tưởng tiêu cực ở trong ta, nhiều hay ít: Trong khi thiếu ý thức, khi có những ý tưởng hay cảm xúc tiêu cực nổi lên, chúng ta thường cho rằng mình chính là nỗi khổ đó. Ví dụ, khi có một cảm xúc lo sợ nổi lên ở trong lòng, ngay lập tức chúng ta không có ý thức và nhận lầm rằng mình chính là nỗi sợ hãi đó, và tự nhiên hành xử theo sự sai sử của nỗi sợ ấy ở trong ta.

3) Tương lai chỉ là một dự phóng của phút giây hiện tại: Bản chất không thực của tương lai là một điều không dễ gì ai cũng nhận ra. Nhưng quả thật tương lai không có thật. Đó chỉ là một tiêu điểm tưởng tượng được dự phóng từ hiện tại. Cho nên ta có thể nói: Tương lai là phút giây hiện tại chưa xảy đến; và quá khứ là phút giây hiện tại đã qua.

4) Mọi khổ đau thật ra chỉ là những ảo tưởng của chúng ta: Chúng ta khổ đau vì chúng ta tự đồng hóa mình với những ý tưởng, cảm xúc tiêu cực thường nổi lên ở trong ta. Vì không biết bản chất chân thật của chính mình, do đó trong nổ lực đi tìm nguồn cội của mình, chúng ta sáng tạo nên những con người, những nhân vật, những “cái tôi”, những Bản Ngã… không có thực để cưu mang những cảm xúc khổ đau xảy ra ở trong mình. Trong thực tế, có những cảm xúc sướng, khổ, vui, buồn khi ta trải qua một kinh nghiệm tiêu cực trong đời sống. Nhưng không nhất thiết phải có một con người, một nhân vật, một “cái tôi”, một Bản Ngã…, đứng đằng sau kinh nghiệm đó để hứng chịu những khổ đau đó. Do đó, mọi đau khổ thật ra chỉ là những ảo tưởng của chúng ta.

5) Khoảng trống không đáy: Đó là cảm giác hụt hẫng, cô đơn trong mỗi người. Chúng ta cảm thấy cô đơn, trống vắng ở trong lòng nên luôn tìm cách chạy trốn, khỏa lấp bằng sự bận rộn trong công việc, bằng quan hệ nam nữ, bằng thú vui xác thịt, sự nghiện ngập ma túy hay danh lợi,… Nhìn sâu vào cảm giác này sẽ giúp bạn nhận ra ở trong chiều sâu, bạn cảm thấy cách biệt với mọi người và mọi thứ chung quanh mình. Đó không phải là bạn, mà là cảm giác thường trực bất an của tự ngã ở trong bạn. Tự ngã luôn cảm thấy lo sợ, bất ổn, xa lạ với môi trường và thế giới chung quanh. Tiếp xúc với khoảng trống này giúp bạn thôi chạy trốn chính mình, thôi tìm cách khỏa lấp nỗi cô đơn, trống vắng ở trong mình, tức là đồng hóa mình với tự ngã, với những cô đơn trống vắng đó. Vì bạn không phải là những cô đơn trống vắng đó.



    « Xem chương trước «      « Sách này có 11 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Phật Giáo Yếu Lược


Hai Gốc Cây


Về mái chùa xưa


Các vị đại sư tái sinh Tây Tạng

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.149.244.229 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (169 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - ... ...