Con người chỉ mất ba năm để biết nói nhưng phải mất sáu mươi năm hoặc nhiều hơn để biết im lặng.Rộng Mở Tâm Hồn
Có những người không nói ra phù hợp với những gì họ nghĩ và không làm theo như những gì họ nói. Vì thế, họ khiến cho người khác phải nói những lời không nên nói và phải làm những điều không nên làm với họ. (There are people who don't say according to what they thought and don't do according to what they say. Beccause of that, they make others have to say what should not be said and do what should not be done to them.)Rộng Mở Tâm Hồn
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Hãy lặng lẽ quan sát những tư tưởng và hành xử của bạn. Bạn sâu lắng hơn cái tâm thức đang suy nghĩ, bạn là sự tĩnh lặng sâu lắng hơn những ồn náo của tâm thức ấy. Bạn là tình thương và niềm vui còn chìm khuất dưới những nỗi đau. (Be the silent watcher of your thoughts and behavior. You are beneath the thinkers. You are the stillness beneath the mental noise. You are the love and joy beneath the pain.)Eckhart Tolle
Muôn việc thiện chưa đủ, một việc ác đã quá thừa.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Nếu bạn nghĩ mình làm được, bạn sẽ làm được. Nhưng nếu bạn nghĩ mình không làm được thì điều đó cũng sẽ trở thành sự thật. (If you think you can, you can. And if you think you can't, you're right.)Mary Kay Ash
Khi mọi con đường đều bế tắc, đừng từ bỏ. Hãy tự vạch ra con đường của chính mình. (When all the ways stop, do not give up. Draw a way on your own.)Sưu tầm
Chúng ta sống bằng những gì kiếm được nhưng tạo ra cuộc đời bằng những gì cho đi. (We make a living by what we get, we make a life by what we give. )Winston Churchill
Bạn có thể trì hoãn, nhưng thời gian thì không. (You may delay, but time will not.)Benjamin Franklin
Việc người khác ca ngợi bạn quá hơn sự thật tự nó không gây hại, nhưng thường sẽ khiến cho bạn tự nghĩ về mình quá hơn sự thật, và đó là khi tai họa bắt đầu.Rộng Mở Tâm Hồn

Trang chủ »» Danh mục »» THUYẾT GIẢNG GIÁO PHÁP »» Cẩm nang phóng sinh »» Đại sư Ấn Quang dạy về phóng sinh »»

Cẩm nang phóng sinh
»» Đại sư Ấn Quang dạy về phóng sinh

Donate

(Lượt xem: 7.454)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Cẩm nang phóng sinh - Đại sư Ấn Quang dạy về phóng sinh

Font chữ:


Việc giữ giới không giết hại, thực hành phóng sinh, [hình thức bên ngoài] thì cạn cợt dễ thấy, nhưng chân lý ý nghĩa thâm sâu thì không dễ thấu hiểu rõ ràng. Nếu không thấu hiểu rõ ràng ý nghĩa, thì ví như có thực hành được theo hình thức bên ngoài, trong tâm chắc chắn cũng không thể có được sự chí thành khởi lòng thương xót vật loại. Lợi lạc phúc đức từ việc phóng sinh cũng sẽ do tâm lượng hẹp hòi như thế mà trở thành nhỏ nhoi cạn cợt. Ví như gặp người kém hiểu biết ngăn cản chê bai, liền có thể vì thế mà thối thất, đánh mất tâm nguyện. Do đó mà đã có rất nhiều người để mất tâm lành, buông xuôi theo kẻ xấu.
Tôi vì thế nên không ngại [bị chê bai là] lắm lời, [soạn văn này] giải bày rõ ràng ý nghĩa [của việc phóng sinh], muốn cho muôn loài vật đều được tắm gội ân đức từ bi, người người đều được vun bồi phước báu, lấy tâm thành khẩn mà đạt đến đức nhân ái sâu xa, dứt trừ nghiệp giết hại cho cả bản thân mình và muôn vật, thảy đều được sống lâu an ổn, vui hưởng tuổi trời. Lại mong có thể đem chút công đức này hồi hướng về Tây phương Cực Lạc, ắt sẽ được vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, vượt ra ngoài ba cõi, được làm đệ tử đức Phật A-di-đà, được làm bạn lành khắp trong thánh chúng. Mong rằng người đọc văn này sẽ có sự lưu tâm chú ý, nỗ lực thực hành.
Xưa nay, mỗi một niệm chân tâm tự tính của các loài chúng sinh trên cạn dưới nước, nếu đem so với chư Phật ba đời đều không khác biệt, chỉ do nghiệp lực xấu ác tích tụ nhiều đời, che chướng đi sự sáng suốt nhiệm mầu, khiến cho không thể hiển lộ rõ ràng nên phải chịu lưu chuyển trong kiếp cầm thú, lại khiến cho tri thức trở nên kém cỏi hẹp hòi, ngoài việc kiếm miếng ăn, chạy tránh cái chết thì không còn biết thêm gì khác.
Ví như có một tấm gương báu bằng đồng rất lớn, trải qua nhiều kiếp bụi bặm phủ dày, chẳng những không còn chiếu sáng, mà cho đến cái hình thể bằng đồng của nó cũng không lộ ra được, thật chẳng khác gì một món đồ bỏ đi.
Bỗng gặp một người khôn ngoan trí tuệ, biết được đây là tấm gương báu có khả năng chiếu sáng khắp trong trời đất, liền ngày ngày ra công lau chùi bụi bặm. Ban đầu ắt có thể làm lộ ra phần nào hình thể của gương, sau đó dần dần có thể khiến cho bắt đầu phát sáng. Đến khi đã lau sạch được hoàn toàn bụi bặm, ắt có thể chiếu sáng khắp trong trời đất, mà hình thể của gương cũng hiển lộ trọn vẹn. Những kẻ ngu si không có trí tuệ, đến lúc ấy mới biết quý trọng tấm gương, xem đó là vật quý báu nhất.
Nên biết rằng, sự chiếu sáng vốn là khả năng sẵn có của gương, không phải do lau chùi mà có. Nhưng tuy sẵn có khả năng ấy, nếu không gặp duyên được lau chùi bụi bặm thì dù trải qua muôn kiếp tiếp nối nhau cũng không thể có ngày tỏa sáng.
Hết thảy loài người, chư thiên cho đến tất cả chúng sinh trong sáu đường luân hồi cũng đều giống như vậy. Do nghiệp đã tạo từ vô thủy đến nay che chướng, không thể nào phát khởi hiển lộ sự sáng suốt nhiệm mầu vốn luôn sẵn có, [do đó mà] mê lầm đi ngược lại với bản tính chân thật của mình, tiếp tục tạo nghiệp phải lưu chuyển mãi trong sinh tử.
Đấng Đại Giác Thế Tôn rõ biết mỗi một niệm chân tâm tự tính của hết thảy chúng sinh so với chư Phật đều không khác biệt, do đó mới khéo léo dùng đủ mọi phương tiện, tùy theo căn cơ mà thuyết giảng Chánh pháp, khiến cho tất cả đều biết tu tập theo con đường Giới, Định, Tuệ, nhờ đó có thể dứt trừ nghiệp chướng mê lầm mà tìm lại được bản tâm vốn có, thành tựu trọn đủ phước đức trí tuệ, chứng đắc Pháp thân.
Ngài cũng dạy người đời phát khởi tâm từ bi, giữ giới không giết hại, thực hành phóng sinh, tin chắc việc bản thân mình cùng với hết thảy chúng sinh lưu chuyển trong luân hồi từ vô thủy đến nay, đã từng thay đổi sinh dưỡng và giết hại lẫn nhau, cho nên mỗi một chúng sinh kia đều đã từng là cha mẹ, anh chị em, con cái của ta, mà bản thân ta cũng từng là cha mẹ, anh chị em, con cái của những chúng sinh khác.
Những chúng sinh ấy, do nghiệp lực xấu ác nên thường sinh ra làm người hoặc làm súc sinh, luôn bị ta giết hại. Bản thân ta cũng do nghiệp lực xấu ác nên thường sinh ra làm người hoặc làm súc sinh, luôn bị những chúng sinh khác giết hại. Trải qua nhiều đời nhiều kiếp, cùng thay đổi mà sinh dưỡng, giết hại lẫn nhau như thế, không có lúc dừng.
Những việc như thế, người phàm si mê không biết, nhưng đức Như Lai nhìn thấy rõ ràng. Không suy xét đến thì thôi, nếu suy xét đến những điều như thế, ắt không sao kiềm được sự hổ thẹn [về những lỗi lầm xưa] cũng như khởi tâm thương xót biết bao cho hết thảy muôn loài.
Chúng ta may mắn có phước lành từ đời trước, nay mới được sinh làm người, nên giải trừ cừu hận, tháo gỡ oán kết, giữ giới không giết hại, thực hành phóng sinh, khiến cho hết thảy muôn loài có sinh mạng đều được quay lại sống an ổn trong môi trường của chúng, lại vì chúng mà niệm Phật, hồi hướng cầu sinh Tịnh độ, giúp chúng được độ thoát. Ví như những chúng sinh ấy do nghiệp xấu ác nặng nề nên khó được vãng sinh, chúng ta nên hồi hướng công đức của việc làm hiền thiện này cho chúng, thì nhất định khi lâm chung chúng cũng sẽ được vãng sinh về Tây phương Tịnh độ. Đã được vãng sinh rồi, ắt vượt khỏi phàm tình, nhập hàng thánh giả, thoát khỏi sinh tử, mãi mãi ra khỏi luân hồi, dần dần chứng được quả Phật.
Hơn nữa, thương yêu muôn vật, cứu thoát mọi sinh mạng là điều mà các bậc hiền thánh thuở xưa vẫn thường làm. Cho nên, kinh Thư có đoạn văn dạy rằng “chim, thú, cá, rùa... muôn loại, đều nên giữ cho được sống yên vui”. Văn vương từng ban ân trạch đến cả xương khô, huống chi đối với những loài vật có tri giác? Đến như Giản Tử cứu chim cưu, Tử Sản nuôi cá, Tùy hầu giúp rắn, Dương Bảo cứu chim hoàng tước, đều cho thấy tâm địa các bậc thánh hiền nhân từ chẳng khác gì nhau, cho dù họ không hề biết đến những ý nghĩa như: muôn loài sinh linh đều sẵn có tánh Phật, lưu chuyển lên xuống trong sáu cõi luân hồi, thay đổi làm kẻ oán người thân của nhau, cho đến việc tất cả chúng sinh trong tương lai đều nhất định rồi sẽ thành Phật. Phải đợi khi Phật pháp được truyền về phương Đông, thì những giáo lý về nhân quả ba đời, cũng như “chân tâm tự tính của hết thảy chúng sinh cùng với chư Phật đều bình đẳng không sai khác” mới được tỏa sáng khắp nơi.
Xưa nay những bậc đại thánh đại hiền, không ai là không từ bỏ sự giết hại, thực hành phóng sinh, xem đó như phương cách để xoay chuyển, ngăn cản khuynh hướng giết hại của người đời, nhằm vun bồi quả phúc, làm nền tảng cho việc chấm dứt nạn đao binh, để người người cùng được vui hưởng tuổi trời.
Người xưa có nói:
Muốn biết vì sao thế gian,
Triền miên binh lửa, ngút ngàn nạn tai,
Hãy nghe vang vọng đêm dài,
Tiếng kêu thảm thiết vạn loài sinh linh.
Lại cũng dạy rằng:
Muốn cho thiên hạ thái bình,
Phải ngưng ăn thịt chúng sinh các loài.
Cho nên có thể biết rằng, việc giữ giới không giết hại và thực hành phóng sinh chính là phương thức cứu đời tốt nhất, nhổ tận gốc rễ, lấp tận cội nguồn của mọi khổ đau trong đời sống.
Vì thế, Đại sư Trí Giả vào đời Trần từng mua đất đai ở những nơi rừng núi, sông hồ, khe suối... có đến hơn sáu mươi nơi, rộng hơn bốn trăm dặm, đều dùng để kiến lập các ao phóng sinh, lại thỉnh vua ban sắc chỉ, lập bia đá khắc vào dựng ở mỗi nơi, nghiêm cấm hẳn việc bắt cá tôm, những kẻ lén lút bắt trộm đều lập tức gặp họa. Cho đến khoảng niên hiệu Trinh Quán đời Đường, những nơi ấy vẫn còn nguyên vẹn.
Niên hiệu Càn Nguyên năm thứ hai đời Đường Túc Tông, vua ban chiếu lệnh cho các châu trong thiên hạ mỗi nơi đều phải lập ao phóng sinh, lại ra lệnh cho Nhan Chân Khanh soạn văn bia rồi dùng chu sa làm mực đỏ viết lên bia đá, trong đó có đoạn: “Vua ta cho lập ao phóng sinh khắp thiên hạ, khiến [muôn loài] trong bờ cõi đều được hưởng nhờ ơn phước, nương sức gia trì của đà-la-ni, làm khô kiệt dòng sinh tử trong biển phiền não. So ra từ trước đến nay thật chưa từng có ai làm được điều tương tự như vậy.”
Vào năm đầu niên hiệu Thiên Hi đời Tống Chân Tông, vua cũng ban chiếu yêu cầu lập ao phóng sinh trong khắp thiên hạ, như Tây Hồ ở Hàng Châu cũng chính là một ao phóng sinh được lập ra vào lúc ấy.
Đời Minh, Đại sư Liên Trì lập ao phóng sinh ở hai nơi là Thượng Phương và Trường Thọ. Ngài cũng soạn bài văn “Giới sát phóng sinh” lưu truyền khắp trong thiên hạ. Từ đó đến nay đã hơn ba trăm năm, hàng xuất gia cũng như người thế tục, kính ngưỡng vâng theo phong cách đạo hạnh cao vời của ngài mà phát tâm từ bi cứu sống sinh mạng muôn loài, quả thật số nhiều không thể kể xiết.
Có người hỏi: “Những người cô độc, những kẻ khốn cùng nghèo đói, ở đâu cũng có, sao không lo chu cấp cứu giúp cho họ, mà chỉ chuyên tâm gấp rút lo cho những loài vật chẳng liên quan gì đến ta, như vậy chẳng phải là đã đảo ngược lấy nhẹ làm nặng, bỏ việc gấp mà làm việc hoãn đó sao?”
Đáp rằng: “Nói như vậy là vì chưa rõ biết được nguyên nhân vì sao đức Như Lai dạy người phải giữ giới không giết hại, thực hành phóng sinh. Người với muôn vật tuy [hình dạng] khác nhau, nhưng tánh Phật vốn đồng như nhau. Những chúng sinh kia do tạo nghiệp xấu ác nên nay phải luân chuyển trong loài cầm thú, chúng ta nhờ có nghiệp lành đã tạo nên may mắn được sinh làm người, nếu không biết khởi lòng lân mẫn xót thương muôn vật, lại buông thả theo thế tục mà ăn nuốt xương thịt chúng sinh, thì một mai khi phước lành đã hết, nghiệp ác của những chúng sinh [bị ta ăn thịt] cũng hết, ắt khó lòng tránh khỏi phải đối mặt đền trả, chịu giết hại và bị ăn nuốt lại.
“Nên biết, nạn binh đao tai kiếp vốn đều do nghiệp giết hại [của chúng sinh] chiêu cảm mà có. Nếu không có nghiệp giết hại, cho dù tự thân có gặp phải bọn giặc cướp, ắt chúng cũng khởi tâm lành mà không giết hại ta. Hơn nữa, những nạn khổ như ôn dịch, lũ lụt, lửa cháy hoặc những tai nạn bất ngờ đều rất ít xảy ra với những người giữ giới không giết hại, thực hành phóng sinh. Cho nên biết rằng, việc bảo vệ sự sống của chúng sinh vốn cũng là bảo vệ chính mình. Người giữ giới không giết hại thì bản thân không bị chư thiên giết hại, không bị quỷ thần giết hại, không bị giặc cướp giết hại, cũng không bị giết hại bởi sự báo oán qua lại trong tương lai.
“Những người cô độc, những kẻ khốn cùng, nghèo đói, tất nhiên cũng nên tùy sức mình mà chu cấp, giúp đỡ, có lẽ nào những người giữ giới không giết hại, thực hành phóng sinh thì lại không làm những việc tạo công đức như thế hay sao? Nhưng cho dù những người cô độc đơn chiếc thật hết sức đáng thương, họ cũng chưa đến nỗi bị dồn vào chỗ chết. Còn những con vật kia nếu không có người bỏ tiền cứu gấp, ắt phải lập tức chịu lên dao thớt, bị nấu nướng đưa vào bụng người.”
Lại hỏi rằng: “Số lượng vật loại không thể tính đếm, liệu khả năng chúng ta cứu được bao nhiêu?”
Đáp: “Nên biết rằng, việc phóng sinh đó là để làm phát khởi nơi những người đồng cảm với ta cái thiện tâm tối thắng, biết bảo vệ sinh mạng muôn loài, mong cho mọi người nhận hiểu được ý nghĩa sâu xa của việc phóng sinh mà ta đang thực hiện, thì trong lòng họ mới khởi sinh sự thương xót trắc ẩn, không nỡ ăn thịt muôn loài nữa. Người ăn thịt đã thôi không ăn, người đánh bắt vật mạng ắt cũng phải tự nhiên chấm dứt. Mong rằng khi ấy thì muôn loài dưới nước trên cạn, cho đến giữa không trung, hết thảy đều được yên ổn tự do bơi lội bay nhảy trong môi trường của chúng. Như vậy thì không cần làm việc phóng sinh nữa, mà đã là phóng sinh ở khắp mọi nơi, chẳng phải cả thiên hạ này đều trở thành một ao phóng sinh lớn rồi sao?
“Nhưng ví như không thể làm cho tất cả mọi người đều được như vậy, thì chỉ cần một người không nỡ ăn thịt, cũng đã có vô số con vật trên cạn dưới nước được thoát chết, huống chi nào phải chỉ có một người? Hơn nữa, khuyến khích phóng sinh chính là vì hết thảy những người quanh ta trong hiện tại cũng như tương lai mà dứt trừ nhân xấu dẫn đến sự cô độc, khốn cùng, nghèo khó, hoạn nạn, lại tạo duyên lành để được sống lâu không bệnh tật, được giàu sang phú quý, được sống an vui, cha con, chồng vợ sum họp dài lâu cho đến tuổi già. Đó mới chính là sự chuẩn bị chu cấp cứu giúp lâu dài, khiến cho mọi người trong tương lai đời đời kiếp kiếp sẽ vĩnh viễn không bao giờ gặp phải những nỗi khổ cô độc, khốn cùng, nghèo đói... lại được thọ hưởng dài lâu những niềm vui của sự sống thọ, giàu sang... Đó chẳng phải là giúp cho trong khắp bờ cõi đều được hưởng nhờ ơn phước đó sao? Việc [tốt đẹp lớn lao] như thế, há có thể xem thường mà bác bỏ được sao?
“Hãy suy xét cho kỹ, việc giữ giới không giết hại, thực hành phóng sinh, xét cho cùng chính là chuyên tâm gấp rút lo cho muôn người, đâu chỉ là chuyên tâm gấp rút lo cho loài vật, sao lại cho rằng đó là đảo ngược lấy nhẹ làm nặng, bỏ việc gấp mà làm việc hoãn?”

*

Bên ngoài chùa Cực Lạc trước đây vốn đã có ao phóng sinh, nhưng do bốn phía bờ vách chưa được xây nên đất thường sụp lở, lại đã quá lâu không được nạo vét nên đáy hồ bùn đất lấp đầy [không dùng được nữa. Vì thế nên] mỗi khi có người hiền thiện muốn thực hành phóng sinh đều phải mang ra sông, tuy phát tâm lành nhưng thật khó mang lại lợi ích cho sinh mạng muôn loài. Thường thì buổi sáng thả ra, buổi chiều đã bị người khác bắt lại đến hơn một nửa. Nếu như được ở gần sông lớn, tất nhiên rất nên mang ra sông thả, nhưng với những đoạn sông nhỏ thì thật không thích hợp, [vì rất dễ bị người khác bắt lại].
Đại sư Viên Lâm thấy sự tình như vậy thì trong lòng bất nhẫn, nên mới nghĩ đến việc nạo vét lại đáy hồ này cho sâu, chung quanh đắp đất lên thành tường bảo vệ, để có nơi thuận tiện cho việc phóng sinh, mà những kẻ xấu muốn vào bắt trộm cũng không thể được. Ý định như thế thật hết sức tốt đẹp sâu xa, nhưng vẫn còn chưa khởi công thực hiện được. Nhân khi có Đại sư Giác Tam từ núi Phổ Đà đến, Ngài vừa gặp qua một lần đã thấy đạo tình tương thông khế hợp, liền mang hết công việc trong chùa giao phó lại, còn tự bản thân mình thì buông xả mọi sự, chuyên tâm tu tập tịnh nghiệp.
Đại sư Giác Tam từ khi tiếp nhận mọi việc trong chùa, lập tức muốn nhanh chóng tiến hành ngay công trình tu sửa ao phóng sinh. Nhưng công việc ấy quá lớn lao, nên sức một người thật khó thành tựu, thầy liền nghĩ đến việc kêu gọi thiện nam tín nữ trong vùng, cùng góp sức làm việc tốt đẹp này. Vì thế mới nhờ tôi viết cho đôi lời.
Tôi vẫn thường đau lòng nghĩ đến thời cuộc gần đây thật quá nhiều chuyện giết chóc thảm thương, tuy muốn cứu vãn nhưng thật bất lực. Nay nhân sự thỉnh cầu của thầy, thật xúc động đến nỗi lòng lo nghĩ của tôi, liền đem những ý nghĩa như con người với loài vật vốn đều sẵn có chân tâm bản tánh, đều tùy theo nghiệp lực mà lưu chuyển thăng trầm, cùng với những quả báo thiện ác khác nhau giữa việc giết hại và bảo vệ sinh mạng muôn loài, lược nói ra trong bài văn này.
Mong sao các vị thiện nam tín nữ cùng phát niệm lành, cùng quyên góp tài vật công sức, khiến cho công việc này được nhanh chóng thành tựu, để những con vật được phóng sinh có chỗ yên ổn sống. Những lợi ích, công đức của việc làm ấy thật vô lượng vô biên, đâu chỉ là trong một đời này được tiêu trừ tai họa, hưởng mọi phước lành, mà trong tương lai còn sẽ được báo đền ân đức, thật không biết đến bao nhiêu ngàn muôn ức kiếp mà kể.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 10 chương »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.133.113.24 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...