Thuở ấy, đức Thế Tôn còn là một vị Bồ Tát. Ngài thường nhân từ bố thí, nói ra lời lành và rất sốt sắng giúp đời. Nhờ có trí huệ đầy đủ, ngài có thể tránh được sự lầm lạc trong những cơn xúc động vì quá thương xót chúng sanh. Nhờ vậy, ngài thường giúp cho hết thảy chúng sanh đều được an vui, hạnh phúc.
Thuở ấy, có một gia đình Bà-la-môn danh giá và thông thái, thường làm tròn phận sự của mình và ăn ở chân thật. Đức Bồ Tát giáng sanh vào gia đình ấy.
Từ khi ra đời, ngài được một nhà sư ban phép lành. Lớn lên, nhờ trí thông minh sẵn có, nhờ sự cần mẫn và tìm tòi học hỏi, nên ngài thông thạo hết thảy các môn văn chương, triết học, tôn giáo và mỹ thuật.
Ngài gặp được nhiều sự may mắn và sẵn có rất nhiều đức tính có thể giúp cho ngài thành công vượt bực trên con đường danh lợi của đời sống thế tục. Song đã từng hành đạo nên tâm trí ngài trở nên trong sạch, hướng đến việc xuất gia cầu đạo chứ không màng gì những sự phú quý vinh hoa.
Ngài từ bỏ gia đình lên rừng ẩn cư, dứt bỏ tất cả sự quyến luyến thế tục, và giữ tâm thanh tịnh nhờ noi theo đạo lý trong sạch. Rồi ngài trở về giáo hoá cho hết thảy mọi người đều được thoát khỏi các nghiệp ác và được tâm yên ổn.
Tấm lòng thanh tịnh và đức từ bi của ngài tỏa rộng, khiến cho hết thảy con người và muôn thú đều muốn đến gần ngài. Và quanh ngài không còn có sự giết hại, xâm phạm lẫn nhau. Ngay cả các loài thú độc ác và hung dữ như rắn rết, hổ báo cũng trở nên hiền từ, thuần hậu.
Cuộc đời trong sạch của ngài, sự dập tắt các ái luyến, dục vọng trong tâm, và sự an định trong lòng ngài với đức từ bi vô lượng thương xót tất cả chúng sanh làm cho tất cả chúng sanh đều cảm nhận được và thương quý ngài.
Ngài dứt bỏ sự ham muốn, sống chân thật không dối gạt, không chạy theo danh lợi và những cuộc vui thế tục tầm thường. Do đó mà chư thiên ở các cõi trời cũng tìm đến ngài để tỏ lòng tôn kính và đặt niềm tin nơi sự giáo hóa của ngài.
Khi ngài ẩn cư trên núi, nhiều người kính mộ đức độ của ngài đã lìa bỏ gia đình, cha mẹ, thân quyến, xuất gia làm đệ tử của ngài.
Ngài giáo hoá cho đệ tử biết sống theo điều lành, biết phòng hộ các giác quan không chạy theo dục lạc, giữ tâm ý thanh tịnh trong cuộc sống ẩn cư, nuôi dưỡng lòng từ bi và nhiều đức hạnh khác.
Số đệ tử được ngài giáo hoá rất đông, những người được ngài độ thoát rất nhiều. Vào thời của ngài, cửa địa ngục dường như đã đóng chặt, nẻo giải thoát rộng thênh thang.
Một hôm, ngài đi vào một chốn núi sâu để ngồi thiền, có vị đệ tử là A-si-ta (Ajita) theo hầu. (Vị này là tiền thân của đức Di Lặc.) Ngài nhìn thấy trong động đá có một con cọp mẹ vừa mới sanh con, sự đau đớn làm cho nó mệt nhọc uể oải lắm.
Cọp mẹ trông rất gầy ốm, mắt sâu, da bụng xếp từng lớp. Nó nhìn mấy con cọp con vừa sanh ra như những miếng mồi. Trong khi đó, những con cọp con tỏ vẻ tin cậy nơi mẹ, chực đến gần tìm vú để bú. Song cọp mẹ bỗng gầm lên rất to, chồm đến muốn vồ lấy những con cọp con như vồ mồi.
Đức Bồ Tát nhìn thấy tình cảnh cọp mẹ muốn ăn con, lòng ngài xúc động vô cùng, tâm từ bi rung chuyển vì nạn khổ của chúng sanh.
Cho hay, đối với những bậc đại từ mẫn, dù bản thân mình chịu nạn khổ đến đâu cũng không hề nao núng, mà thấy người khác phải chịu đựng dù là một nỗi khổ nhỏ cũng đau lòng xót dạ!
Lúc ấy, đức Bồ Tát động lòng từ bi thốt lên rằng:
“Xem kìa, đó cũng là nỗi khổ trong cuộc sống ở đời! Hãy nhìn cọp mẹ với bầy con kia, chỉ vì quá đói mà quên đi tình mẫu tử, sắp ăn thịt con để được no lòng. Than ôi! Lòng vị kỷ của chúng sanh thật là đáng sợ, vì muốn giữ lấy thân mình mà phạm vào những tội ác ghê gớm, cho đến như cọp mẹ kia còn muốn ăn thịt con mình!”
Rồi ngài quay sang bảo người đệ tử: “Con hãy đi tìm món gì đó cho cọp mẹ ăn đỡ đói để cứu bầy con nó. Còn ta ở đây, ta sẽ cố làm cho nó quên cái ý định quá độc ác ấy.” Vị đệ tử vâng lời, nhanh chân chạy đi ngay.
Thật ra, đức Bồ Tát đã dùng cái phương tiện ấy để khéo léo đưa người đệ tử tránh đi nơi khác, vì trong thâm tâm ngài đã nảy sinh một ý định khác rồi. Ngài nghĩ rằng: “Ta sẵn có đây một xác thân bằng xương thịt để có thể tùy ý sử dụng, sao phải đi tìm thức ăn cho cọp ở nơi khác cho xa? Hơn nữa, dù tìm nhưng chưa chắc đã có, mà như thế thì hóa ra ta cũng không sống được trọn vẹn theo đạo từ bi. Nghĩ cho cùng, cái xác thân bằng xương thịt này cũng đâu có hoàn toàn thuộc về ta? Nó vốn giả hợp, nay còn mai mất ta không làm chủ được, nó ngày càng suy yếu, khi tan rã rồi thì nhơ nhớp, thối tha. Nay có dịp dùng nó mà cứu giúp chúng sanh, bậc hiền nhân càng thỏa ý biết bao! Người ta ở đời, vì chạy theo cuộc sống sung sướng ích kỷ, nên thấy người khác đau khổ mà đành làm ngơ, hoặc là muốn cứu giúp mà không đủ phương tiện, tài lực. Còn như ta đây, nhìn thấy chúng sanh đau khổ ta đâu có vui sướng gì! Ta lại sẵn có phương tiện mà cứu giúp, nỡ nào lại làm ngơ sao?”
Rồi ngài lại nghĩ: “Nếu ta có thể cứu giúp chúng sanh, song lại làm ngơ trước cảnh khổ, như vậy có khác nào là phạm tội. Thấy sự nạn khổ của chúng sanh, trong lòng ta nóng nảy bồn chồn như đám rừng trong cơn hỏa hoạn. Nay ta nên tự mình dứt bỏ sự sống của cái xác thân hèn hạ nhơ nhớp này, mượn dùng nó mà làm món ăn bố thí cho cọp mẹ để nó khỏi giết bầy con. Việc làm này có thể nêu gương cho những ai có lòng thương người xót vật, khuyến khích những ai chưa có đủ quyết tâm cứu vật giúp người, làm vui cho những kẻ ưa thích sự bố thí, và làm thích ý những người có lòng lương thiện…”
Suy nghĩ như vậy xong, ngài tự đến gần hang cọp, gieo mình xuống đất. Nghe tiếng động của thân ngài ngã xuống, cọp mẹ vểnh tai nhìn ra. Ấy là lúc nó vừa định vồ lấy cọp con, song đã kịp dừng lại và nhìn ra. Nó thấy một thân người vừa ngã xuống trước hang, liền mừng rỡ nhảy ra và vồ lấy, xé ra ăn một cách ngon lành.
Lúc ấy, vị đệ tử đi tìm thức ăn không có, đành quay trở lại. Đến nơi, không nhìn thấy thầy, ông tự hỏi rằng: “Thầy ta đã đi đâu rồi?” Rồi ông nhìn quanh và thấy con cọp đang ăn xác của thầy ngay trước cửa hang. Ông chợt hiểu ra mọi việc, lấy làm ngạc nhiên và cảm phục hết sức nên quên cả sự đau buồn vì vừa mất đi một bậc thầy vĩ đại. Ông kính phục cử chỉ từ bi vô lượng của thầy, tự nhủ với mình rằng:
“Ôi! Đối với loài vật chịu đau khổ mà ngài còn tỏ lòng từ bi dường ấy. Ôi! Ngài có lưu tâm đến sự sống và niềm vui của riêng mình đâu! Đức từ bi của ngài đã đạt đến chỗ cùng tột rồi vậy! Đối với sự việc cao thượng thế này thì những cuộc danh lợi bất nghĩa của thế gian chỉ là bụi bặm nhỏ nhặt mà thôi.
“Ôi! Lòng từ bi của ngài có sức mạnh phi thường vượt qua hết thảy mọi sự sợ hãi. Ôi! Tâm bố thí của ngài thật là không bờ bến, ngay đến thân mạng của mình cũng không hề tham tiếc. Cái thân mạng của ngài vốn tích chứa nhiều công đức mà ngài còn huỷ đi để bố thí, huống gì là thân xác của những kẻ thấp hèn như chúng con thật có đáng gì để tham tiếc. Ôi! Bậc đại từ đại bi đáng tôn kính thay!”
Rồi vị đệ tử trở về đem tin ấy truyền ra với các vị đệ tử khác. Hết thảy mọi người khi hay biết sự việc đều tỏ lòng kính phục và hết sức cảm động. Họ kéo nhau đến chỗ hang cọp, mang hương hoa đến cúng dường lễ bái trên khoảng đất chỉ còn trơ lại mấy khúc xương của đức Bồ Tát.
Câu chuyện trên chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện tương tự như vậy. Trong vô số những tiền thân mà ngài đã trải qua trước đây, đức Phật vì lòng từ bi thương xót đã từng cứu giúp và mang lại sự an vui, hạnh phúc cho vô số chúng sanh. Ngài không hề nghĩ đến tự thân, đã từng nhiều lần đem thân mạng mình bố thí cho những chúng sanh đói khổ.