Học Phật trước hết phải học làm người. Làm người trước hết phải học làm người tốt. (學佛先要學做人,做人先要學做好人。)Hòa thượng Tinh Không
Thành công là tìm được sự hài lòng trong việc cho đi nhiều hơn những gì bạn nhận được. (Success is finding satisfaction in giving a little more than you take.)Christopher Reeve
Hạnh phúc giống như một nụ hôn. Bạn phải chia sẻ với một ai đó mới có thể tận hưởng được nó. (Happiness is like a kiss. You must share it to enjoy it.)Bernard Meltzer
Chúng ta thay đổi cuộc đời này từ việc thay đổi trái tim mình. (You change your life by changing your heart.)Max Lucado
Phán đoán chính xác có được từ kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm thường có được từ phán đoán sai lầm. (Good judgment comes from experience, and often experience comes from bad judgment. )Rita Mae Brown
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Bạn có biết là những người thành đạt hơn bạn vẫn đang cố gắng nhiều hơn cả bạn?Sưu tầm
Từ bi và độ lượng không phải là dấu hiệu của yếu đuối, mà thực sự là biểu hiện của sức mạnh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Cuộc sống không phải là vấn đề bất ổn cần giải quyết, mà là một thực tiễn để trải nghiệm. (Life is not a problem to be solved, but a reality to be experienced.)Soren Kierkegaard
Thành công không phải điểm cuối cùng, thất bại không phải là kết thúc, chính sự dũng cảm tiếp tục công việc mới là điều quan trọng. (Success is not final, failure is not fatal: it is the courage to continue that counts.)Winston Churchill

Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Kinh Đại Bát Niết-bàn »» Lời nói đầu »»

Kinh Đại Bát Niết-bàn
»» Lời nói đầu

Donate

(Lượt xem: 16.395)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Kinh Đại Bát Niết-bàn - Lời nói đầu

Font chữ:


Diễn đọc: Diệu Pháp Âm
Kinh Đại Bát Niết-bàn là một bộ kinh đồ sộ trong kho tàng kinh điển Phật giáo, được một cao tăng miền Trung Ấn Độ là ngài Đàm-vô sấm mang đến Trung Hoa vào khoảng thế kỷ thứ 5, và cũng được chính vị này khởi công dịch sang chữ Hán. Trong Đại tạng kinh (bản Đại Chánh tân tu), kinh này được xếp vào quyển 12, kinh số 374 (40 quyển) và kinh số 377 (2 quyển Hậu phần).

Việc chuyển dịch kinh này sang tiếng Việt đã được rất nhiều bậc tiền bối nghĩ đến từ lâu. Công trình muộn màng này của chúng tôi chỉ hy vọng góp thêm được phần nào dù nhỏ nhoi trong việc giúp người đọc có sự tiếp nhận dễ dàng hơn đối với bộ kinh này. Ngoài ra, việc khảo đính và giới thiệu trọn vẹn nguyên bản Hán văn sẽ rất có ý nghĩa trong việc giữ gìn và lưu truyền kinh điển Đại thừa một cách chuẩn xác hơn, vì ngoài việc tạo điều kiện lưu giữ bản Hán văn, hình thức in ấn này sẽ giúp người đọc có thể đối chiếu, tham khảo khi có sự nghi ngại hay không rõ trong bản dịch. Điều này cũng sẽ giúp các bậc cao minh dễ dàng nhận ra và chỉ dạy cho những chỗ sai sót, để bản dịch nhờ đó càng được hoàn thiện hơn. Và dĩ nhiên, mục đích cuối cùng của tất cả những điều trên chính là để giúp cho sự học hỏi và tu tập theo lời Phật dạy được đúng hướng hơn. Bởi vì hơn ai hết, người Phật tử luôn hiểu rằng chính những lời dạy của Đức Phật được lưu giữ trong kinh điển là chỗ y cứ quan trọng và chắc chắn nhất cho con đường tu tập của mỗi người.

Mặc dù công trình đã được tiến hành với sự cẩn trọng tối đa trong phạm vi khả năng của những người thực hiện, từ việc khảo đính văn bản Hán văn cho đến việc tham khảo, chuyển dịch, chú giải... nhưng e rằng cũng không thể tránh được ít nhiều sai sót. Vì thế, dưới đây chúng tôi sẽ cố gắng trình bày đôi nét về quá trình thực hiện công việc để quý độc giả có thể có một cái nhìn tổng quát về những gì chúng tôi đã thực hiện cũng như phương cách mà chúng tôi đã vận dụng, qua đó sẽ dễ dàng hơn trong việc đưa ra những lời chỉ dạy giúp chúng tôi hoàn thiện hơn nữa công việc đã làm. Chúng tôi xin chân thành đón nhận và biết ơn mọi sự góp ý từ quý độc giả gần xa cả về nội dung lẫn hình thức của lần xuất bản này.


Kinh Đại Bát Niết-bàn

Toàn bộ bản kinh Đại Bát Niết-bàn trong lần xuất bản này gồm 8 tập, 7 tập chánh kinh và 1 tập phụ lục, được in cả 4 phần: Hán văn, chú âm, dịch nghĩa và chú giải.

Kinh in trên giấy trắng tốt, bìa cứng với chất liệu simili (giả da), tên kinh mạ nhủ vàng; bên ngoài có một lớp áo kinh in offset 4 màu.
Trọn bộ 8 tập được đựng trong 2 hộp bìa cứng, cho vào 1 thùng các-tông. Giá phát hành hiện nay là 2.000.000$ VN.



***

Kinh Đại Bát Niết-bàn
Về mặt văn bản, chúng tôi chọn sử dụng bản dịch Hán văn của ngài Đàm-vô-sấm (40 quyển) vừa được đề cập ở trên. Riêng 2 quyển cuối cùng (Hậu phần) là bản dịch của hai ngài Nhã-na-bạt-đà-la và Hội Ninh. Tuy nhiên, kinh Đại Bát Niết-bàn còn có rất nhiều bản dịch khác.

Trong kinh tạng Nguyên thủy được dịch từ tiếng Pāli (Nam Phạn) cũng có kinh này, nhưng ngắn hơn nhiều so với bản dịch trong Hán tạng được chúng tôi sử dụng. Tuy nhiên, về các chi tiết, sự kiện được đề cập đến trong kinh thì hai bản dịch này có rất nhiều điểm tương đồng. Vì thế, chúng tôi đã sử dụng bản Việt dịch kinh này của Hòa thượng Thích Minh Châu (Trường bộ kinh, kinh số 16, Mahāparinibbāna sutta) để tham khảo đối chiếu ở những chỗ có liên quan.

Trong Hán tạng còn có một số bản dịch khác. Bản dịch đời Đông Tấn (317-420) của ngài Pháp Hiển cũng có tên là Đại Bát Niết-bàn kinh, gồm 3 quyển, được xếp vào Đại Chánh tạng thuộc Tập 1, kinh số 7; bản dịch đời Tây Tấn của ngài Bạch Pháp Tổ là Phật Bát Nê-hoàn kinh (2 quyển), được xếp vào Đại Chánh tạng, Tập 1, kinh số 5. Ngoài ra còn có một bản dịch tên Bát Nê-hoàn kinh (2 quyển) đã mất tên người dịch, được xếp vào Đại Chánh tạng, Tập 1, kinh số 6. Những bản này có lẽ đều dịch từ Phạn văn Nam truyền thuộc kinh tạng Nguyên thủy nên nội dung tương tự với bản trong Trường bộ kinh do Hòa thượng Thích Minh Châu Việt dịch vừa nói ở trên. Nội dụng của các bản này chỉ được tham khảo ở một số chi tiết tương đồng khi kể lại sự kiện đức Phật nhập Niết-bàn, còn nói chung không có sự ghi chép đầy đủ những lời dạy của Phật như trong bản dịch của ngài Đàm-vô-sấm.

Một bản dịch khác đặc biệt đáng chú ý là Phật thuyết Đại Bát Nê-hoàn kinh, cũng do ngài Pháp Hiển đời Đông Tấn dịch, 6 quyển, được xếp vào Đại Chánh tạng ở Tập 12, kinh số 376. Dựa vào nội dung thì bản dịch này cũng chính là bản kinh mà ngài Đàm-vô-sấm đã dịch.

Từ điển Phật Quang cho biết ngài Pháp Hiển sinh năm 340 và mất trong khoảng năm 418 đến 423. Như vậy, cũng có thể xem như đồng thời với ngài Đàm-vô-sấm (385-433). Ngài được cha mẹ cho vào chùa từ năm 3 tuổi, làm sa-di đến năm 20 tuổi thì thọ giới Cụ túc. Với sức học uyên thâm, ngài thường than tiếc với mọi người rằng kinh luật lưu hành thời ấy ở Trung Hoa có quá nhiều khiếm khuyết. Vì thế, ngài quyết tâm sang tận Ấn Độ để học hỏi và thỉnh kinh điển về. Năm 399, ngài chính thức rời Trường An để thực hiện ý định này. Tuy ngài hướng về Trung Ấn Độ, nhưng trong suốt cuộc hành trình kéo dài nhiều năm ngài đã ghé qua rất nhiều nơi khác nhau trên đường đi như Đôn Hoàng, Vu Điền... thậm chí có đến ở đảo Tích Lan (Sri Lanka) trong 2 năm. Đến năm 413 ngài mới về lại Trung Hoa, rồi cùng với ngài Phật-đà-bạt-đà-la (Buddhabhadra) (359-429) bắt đầu chuyển dịch kinh luật sang Hán ngữ. Ngài đã dịch những kinh luật như Ma-ha Tăng-kỳ luật, Phật thuyết Đại Bát Nê-hoàn kinh, Tạp A-tì-đàm tâm luận, Tạp tạng kinh...  Cứ theo những chi tiết còn được biết thì rất có thể thời điểm ngài dịch kinh Đại Bát Nê-hoàn cũng gần với thời điểm ngài Đàm-vô-sấm dịch kinh Đại Bát Niết-bàn.

Chúng tôi tin rằng hai vị này có thể đã không biết đến công trình của nhau, và Phạn bản mà ngài Pháp Hiển sử dụng có thể là do chính ngài đã mang về trong chuyến đi Ấn Độ. Vì thế, việc tham khảo thêm bản dịch này của ngài Pháp Hiển được chúng tôi cho là cực kỳ quan trọng trong việc giúp làm rõ những chỗ còn khó hiểu trong kinh văn. Trong khi ngài Đàm-vô-sấm là một cao tăng Ấn Độ học tiếng Trung Hoa để dịch kinh, thì ngược lại ngài Pháp Hiển lại là một cao tăng Trung Hoa sang Ấn Độ học Phạn ngữ. Chỉ riêng điều này cũng đủ để chúng ta có thể tin chắc rằng hai bản dịch này sẽ có rất nhiều yếu tố bổ sung cho nhau. 

Và sự thật đúng là như thế. Chúng tôi xin nêu một vài ví dụ cụ thể để quý vị có thể thấy rõ việc này. Khi dịch đến một câu nói của vị Bồ Tát Ca-diếp là: “如來常身猶如畫石。- Như Lai thường thân do như hoạch thạch.” (Thân Như Lai thường còn như hình khắc trên đá.) Chúng tôi xét thấy dựa theo ý kinh trong toàn đoạn thì nghĩa câu này có phần khiên cưỡng, thậm chí là mâu thuẫn. Khi tham khảo bản dịch của ngài Pháp Hiển thì thấy câu này được dịch là: “如來法身真實常住,非磨滅法,我意諦信猶如畫石。” (Như Lai pháp thân chân thật thường trụ, phi ma diệt pháp, ngã ý đế tín do như  hoạch thạch.) Nghĩa là: “Pháp thân Như Lai chân thật thường trụ, không phải pháp hoại diệt, lòng con đã tin chắc điều đó như khắc sâu vào đá.” Theo đây mà suy đoán thì có lẽ bản dịch của ngài Đàm-vô-sấm vì một lý do nào đó đã mất đi mấy chữ, ít nhất cũng là phần tương đương với 8 chữ Hán được chúng tôi in đậm trong câu trên. Đây là sự bổ sung về mặt văn bản, vì như đã nói, rất có thể hai vị đã dùng 2 Phạn bản khác nhau.

Trong một trường hợp khác, bản dịch ngài Đàm-vô-sấm chép là: “譬如陶師作已還破。- Thí như đào sư tác dĩ hoàn phá.” (Ví như người thợ làm đồ gốm, làm ra rồi phá bỏ.) Tất cả các bản Việt dịch đã có và cả các bản Anh ngữ đều dịch với ý tương tự như vậy, cho dù một câu như thế thật hết sức khó hiểu!

Bản dịch của ngài Pháp Hiển đã giúp chúng tôi giải tỏa khó khăn này. Trong vị trí tương đương của câu này, ngài dịch là: 譬如陶家埏埴作器有作有壞 - Thí như đào gia duyên thực tác khí, hữu tác hữu hoại.” Như vậy là quá rõ ràng! Không phải “làm ra rồi phá bỏ (!)”, mà phải hiểu là “có làm ra ắt có ngày hư hoại”. Đây được dùng để ví với các pháp thế gian được tạo tác nên không thường tồn; khác với sự giải thoát của Như Lai là không do tạo tác mà thành nên không có sự hư hoại, thay đổi.

Tuy nhiên, điều vô cùng đáng tiếc là bản dịch Đại Bát Nê-hoàn của ngài Pháp Hiển (6 quyển) ngắn hơn nhiều so với bản dịch của ngài Đàm-vô-sấm, chỉ tương đương đến hết phẩm thứ 5 của bản Đại Bát Niết-bàn, nghĩa là vừa hết quyển 10 và bước sang quyển 11 một phần ngắn, còn lại gần 30 quyển sau là không có trong bản Đại Bát Nê-hoàn. Chúng ta có thể tạm suy đoán là phần Phạn bản này tương đương với phần đầu mà ngài Đàm-vô-sấm đã mang sang Trung Hoa lần đầu tiên, và phần được thỉnh lần thứ hai có lẽ ngài Pháp Hiển không có.

Vì nhiều lý do nên sau khi so sánh cân nhắc chúng tôi vẫn quyết định chọn bản dịch của ngài Đàm-vô-sấm làm văn bản chính, và những sự tham khảo đối chiếu như trên chỉ được đưa vào phần chú giải để người đọc hiểu rõ vấn đề hơn, hoàn toàn không dám tùy tiện sửa đổi trong chính văn.


Bản in theo lối khắc gỗ thuộc Càn Long tạng. Trọn bộ kinh Niết-bàn gồm 40 quyển được chia làm 8 tập, không có 2 quyển Hậu phần.
Như trên đã nói qua về các bản văn được sử dụng để tham khảo. Bây giờ xin lược nói đôi nét về văn bản chính. Bản dịch của ngài Đàm-vô-sấm được gọi là Bắc bản, thực hiện vào triều đại Bắc Lương (397-439). Ngoài ra còn có Nam bản là bản Đại Bát Niết-bàn kinh (36 quyển) đời Tống, do nhóm của ngài Huệ Nghiêm thực hiện vào triều Tống (960-1279), được xếp vào Đại Chánh tạng quyển 12, kinh số 375. Ở đầu bản kinh văn này cho biết nhóm của ngài Huệ Nghiêm đã căn cứ vào bản Nê-hoàn kinh để bổ sung vào. (Tống đại sa-môn Huệ Nghiêm đẳng y Nê-hoàn kinh gia chi - 宋代沙門慧嚴等依泥洹經加之). (Nê-hoàn kinh ở đây có lẽ chỉ bản dịch Đại Bát Nê-hoàn kinh của ngài Pháp Hiển.)

Nam bản thật ra cũng không khác biệt nhiều với Bắc bản, vì nhóm của ngài Huệ Nghiêm đã sử dụng chính bản dịch của ngài Đàm-vô-sấm để khắc in lại, với một số thay đổi chính như đổi tựa đề một số phẩm và phân chia các quyển khác hơn. Vì thế Nam bản chỉ có 36 quyển so với Bắc bản có đến 40 quyển. Trong suốt quá trình chuyển dịch, chúng tôi sẽ cố gắng lưu ý độc giả những chỗ khác biệt này.

Ngoài ra, vì đây là một bộ kinh quan trọng nên có rất nhiều bản sớ giải đã được thực hiện qua các triều đại. Chẳng hạn như Đại Bát Niết-bàn Kinh tập giải (71 quyển, Đại Chánh tạng quyển 37, kinh số 1763) của ngài Bảo Lượng (444 – 509) vào đời Lương (502 – 557); Đại Bát Niết-bàn Kinh nghĩa ký (10 quyển, Đại Chánh tạng quyển 37, kinh số 1764) của ngài Huệ Viễn vào đời Tùy (581-618); Đại Bát Niết-bàn kinh huyền nghĩa (2 quyển, Đại Chánh tạng quyển 38, kinh số 1765) cũng vào đời Tùy... Trong quá trình chuyển dịch, chúng tôi có tham khảo các bản sớ giải này để tìm hiểu ý kinh rõ hơn.

Riêng về bản dịch Hán văn của ngài Đàm-vô-sấm, có lẽ chúng ta cần tìm hiểu đôi nét về cuộc đời vị cao tăng này nói chung, và về công trình Hán dịch kinh này nói riêng.

Ngài là cao tăng người miền Trung Ấn Độ, xuất thân từ một gia đình Bà-la-môn, tên Phạn ngữ là Dharmaraka, Hán dịch âm là Đàm-vô-sấm, cũng còn đọc là Đàm-ma-sấm hay Đàm-ma-la-sám, dịch nghĩa là Pháp Phong. Trước ngài học giáo lý Tiểu thừa, tinh thông kinh luận, biện tài ứng đáp không ai bằng. Sau gặp được thiền sư Bạch Đầu, được nghe kinh Đại Bát Niết-bàn này liền tự sanh lòng hổ thẹn, chuyển sang tu học giáo pháp Đại thừa.

Năm 20 tuổi ngài đã có thể tụng đọc thông suốt kinh điển cả Đại thừa lẫn Tiểu thừa. Ngài lại còn giỏi về chú thuật, được vua kính trọng và người đương thời tôn xưng là Đại Chú Sư. Sau ngài đến xứ Kế Tân, mang theo 5 phẩm đầu của kinh Đại Bát Niết-bàn, cùng với kinh Bồ Tát Giới và kinh Bồ Tát Giới Bản. Tiếp đó, ngài sang xứ Quy Tư. Nhưng cả hai xứ này người dân đa phần chuộng theo Tiểu thừa, nên sau ngài lại sang đến Đôn Hoàng là kinh đô nhà Tây Lương thời bấy giờ.

Niên hiệu Huyền Thủy thứ nhất đời Bắc Lương, tức năm 412, Hà Tây Vương là Thư Cừ Mông Tốn thỉnh ngài đến thành Cô Tàng và lưu lại đó, tiếp đãi rất trọng hậu. Ngài nhân dịp này liền dành trọn 3 năm để học chữ Hán. Sau đó, ngài khởi sự phiên dịch phần đầu kinh Đại Bát Niết-bàn sang Hán ngữ. Như vậy, sớm nhất thì bản dịch kinh này cũng phải khởi đầu từ khoảng năm 416. Chúng ta nhớ lại, ngài Pháp Hiển trở về Trung Hoa năm 413 và bắt đầu dịch kinh, rồi viên tịch trong khoảng năm 418-423, vậy bản dịch kinh Đại Bát Nê-hoàn chắc chắn phải được thực hiện trong khoảng cùng thời gian này.

Vì bản kinh Đại Bát Niết-bàn ngài mang theo chưa đủ trọn bộ, ngài liền đến xứ Vu Điền,[1] tìm thỉnh được phần tiếp theo, nhưng vẫn chưa trọn bộ. Ngài lại trở về Cô Tàng tiếp tục công việc phiên dịch. Khi ấy, Thái Vũ Đế của Bắc Ngụy nghe danh ngài là người tài giỏi liền sai sứ đến đón về. Mông Tốn trong lòng lo lắng, sợ e ngài về với Bắc Ngụy tất Ngụy sẽ có nhiều chỗ dùng đến, đối nghịch với mình. Vì vậy, nhân khi ngài lên đường trở về Ấn Độ để thỉnh phần cuối kinh Đại Bát Niết-bàn sang dịch, Mông Tốn liền sai người chặn giữa đường mà hại chết. Phần cuối của kinh, được gọi là Hậu phần Đại Bát-Niết-bàn kinh, gồm 2 quyển, vì thế phải đợi đến về sau mới được hai vị sa-môn là Nhã-na-bạt-đà-la và Hội Ninh dịch vào khoảng đời Đường (618 – 907).

Ngài Đàm-vô-sấm sinh năm 385 và mất vào năm ấy là năm 433. Kinh điển do ngài dịch, người sau ghi lại số lượng không giống nhau. Theo Xuất Tam Tạng Ký Tập thì ngài dịch được 11 bộ kinh, gồm 117 quyển, nhưng theo Đại Đường Nội Điển Lục thì số kinh ngài dịch là 24 bộ, gồm 151 quyển. Số lượng thật sự còn giữ lại được đến nay trong Đại Chánh tạng là 23 bộ. Phần lớn những kinh do ngài chuyển dịch đều là kinh điển Đại thừa như kinh Bi Hoa, kinh Đại Phương Đẳng Đại Tập, kinh Kim Quang Minh... và một số bản văn trong Luật tạng. Trong số này, kinh Bi Hoa (10 quyển) đã được chúng tôi Việt dịch và xuất bản.[2]

Qua những chi tiết còn được biết về cuộc đời ngài Đàm-vô-sấm và công trình Hán dịch kinh này, chúng ta có thể thấy rõ mối quan tâm đặc biệt của ngài cũng như những gian nan vất vả mà ngài đã trải qua để có thể hoàn tất bản dịch kinh này. Thậm chí vì muốn hoàn tất bộ kinh với 2 quyển cuối, ngài đã không ngại đường xa nguy hiểm, quyết lòng lặn lội trở về Ấn Độ thỉnh kinh, để rồi cuối cùng phải bỏ mạng giữa đường đi. Cứ nghĩ đến việc này thì sẽ thấy mỗi câu mỗi chữ trong bản Hán văn mà ngày nay chúng ta còn có duyên may được đọc thật là quý giá biết bao nhiêu!

Mặc dù không tránh khỏi một vài khiếm khuyết, rất có thể xuất phát từ sự sai lệch ngay trong Phạn bản, hoặc do quá trình khắc bản qua nhiều lần đã làm thay đổi, nhưng chúng tôi vẫn cho rằng bản dịch Hán văn của ngài Đàm-vô-sấm là bản đầy đủ và ưu việt nhất trong tất cả các bản đã được nhắc đến. Có rất nhiều đoạn kinh văn hết sức súc tích và không kém phần diễn cảm, dù chưa đủ gọi là văn chương trác tuyệt nhưng cũng đủ để thể hiện được học vấn uyên thâm của người viết. Thật khó có thể tin rằng người viết ra những đoạn văn hay như thế lại là một người Ấn Độ chỉ mới học chữ Hán trong khoảng 3 năm!  

Trở lại với vấn đề Việt dịch kinh này, như đã nói từ đầu, có rất nhiều vị tiền bối trước chúng tôi đã quan tâm đến việc chuyển dịch kinh này. Vì thế, trong suốt quá trình thực hiện công việc, chúng tôi đã may mắn có cơ hội tham khảo một số những công trình đã thực hiện trước, xin nêu cụ thể dưới đây.


Toàn bộ bản thảo viết tay của Cố học giả Đoàn Trung Còn, viết trên loại giấy ca-rô tờ lớn, gồm từ quyển 12 đến quyển 42.
Trước hết là bản Việt dịch của Cố học giả Đoàn Trung Còn. Bản dịch này được dịch giả tự xuất bản trước năm 1975 từ quyển 1 đến quyển 11, chia làm 2 tập. Phần còn lại, từ quyển 12 đến quyển 42 là bản thảo viết tay, trước đây lưu giữ tại Viện Chuyên tu (Làng Vạn Hạnh, BRVT), sau đó được chuyển cho cư sĩ Chân Nguyên.[3] Khi biết chúng tôi có sự quan tâm đến các công trình Phật học, cư sĩ Chân Nguyên đã giao lại bản thảo viết tay này cho chúng tôi để xem xét việc xuất bản.

Mặc dù bản dịch này có giá trị tham khảo rất cao, vì Học giả Đoàn Trung Còn không chỉ thực hiện bản Việt dịch mà còn tra khảo nhiều tư liệu để thêm vào các chú giải cho bản dịch của mình, nhưng chúng tôi nhận thấy là không thể xuất bản vào thời điểm hiện nay vì cách dùng từ ngữ cũng như văn phong diễn đạt nói chung đều đã quá xưa cũ, không còn phù hợp và rất khó hiểu đối với độc giả ngày nay. Hơn nữa, những chú giải của ông cũng cần phải biên soạn lại, do điều kiện thiếu tư liệu trước đây, cũng như những hạn chế nhất định trong sự tham khảo đối chiếu.

Kèm theo bản Việt dịch này còn có phần viết tay toàn bộ bản Hán văn, mà theo suy đoán của chúng tôi là dựa vào bản khắc gỗ cũng được lưu giữ tại Viện Chuyên tu. Bản khắc gỗ Hán văn này thuộc Càn Long tạng, thường gọi là bản chữ Vạn; khi biết chúng tôi đang thực hiện công trình này, Đại đức Thích Thiện Thuận ở Viện Chuyên tu đã hoan hỷ cho chúng tôi mượn dùng.


Trang kinh in theo lối khắc gỗ, lấy từ bản kinh Đại Bát Niết-bàn trong Càn Long tạng.
Tiếp đến là bản Việt dịch của Hòa thượng Thích Trí Tịnh. Chúng tôi hiện có bản dịch này do Thành hội Phật giáo TP. HCM ấn hành năm 1991. Ngoài ra, nó cũng được lưu hành trên mạng Internet tại Thư viện Hoa sen (http://thuvienhoasen.org), được ghi là do Tịnh xá Minh Đăng Quang xuất bản tại Hoa Kỳ vào năm 1990. Bản này không in kèm Hán văn và cũng không thấy ghi rõ là dịch từ bản Hán văn nào, nhưng căn cứ vào những ghi chú phân đoạn của Hòa thượng thì biết là đã dịch từ Bắc bản chứ không phải Nam bản (40 quyển chứ không phải 36 quyển). Tuy vậy, tựa đề các phẩm có sửa lại theo Nam bản, chẳng hạn như phẩm đầu tiên là phẩm Tựa (Tự phẩm) thay vì là phẩm Thọ mạng, phần thứ nhất (Thọ mạng phẩm – đệ nhất) như trong Bắc bản. Hòa thượng cũng dịch cả 2 quyển Hậu phần của các ngài Nhã-na-bạt-đà-la và Hội Ninh. Mặt khác, khi trình bày bản Việt dịch, Hòa thượng đã căn cứ vào các phẩm kinh để phân chia, không dựa theo sự phân chia các quyển như trong bản Hán văn. Trong quá trình chuyển dịch, chúng tôi có tham khảo bản dịch này của Hòa thượng ở những nơi cần thiết.

Ngoài ra còn có bản Việt dịch của cư sĩ Tuệ Khai (Phan Rang), được thực hiện với sự chứng nghĩa của Hòa thượng Thích Đỗng Minh. Chúng tôi không biết bản dịch này đã xuất bản hay chưa, chỉ sử dụng bản lưu hành trên mạng Internet tại địa chỉ: http://www.quangduc.com/kinhdien/81daibatnietban.html. Bản dịch này ghi rõ là dịch từ Nam bản đời Tống và không dịch 2 quyển Hậu phần.

Ngoài các bản Việt dịch kể trên, chúng tôi còn sử dụng 2 bản dịch Anh ngữ của kinh này. Bản thứ nhất được lưu hành trên mạng Internet tại địa chỉ: http://www.nirvanasutra.org.uk có tên là The Mahayana Mahaparinirvana Sutra, được Kosho Yamamoto dịch sang Anh ngữ từ bản Hán văn của ngài Đàm-vô-sấm, với sự hiệu đính của Tiến sĩ Tony Page (Nirvana Publications, London, 1999-2000). Bản này không dịch 2 quyển Hậu phần. Theo sự phân đoạn thì bản dịch này được dịch từ Nam bản.

Bản dịch Anh ngữ thứ hai mà chúng tôi sử dụng có thể tìm thấy trên mạng Internet tại địa chỉ http://www.zhaxizhuoma.net/DHARMA/Tripitaka/MahaparinirvanaMahayana.htm, do Charles Patton dịch sang Anh ngữ từ bản Hán văn của ngài Đàm-vô-sấm, nhưng chỉ gồm một số phẩm, không trọn bộ. Cụ thể là chúng tôi đã đọc được các phẩm thứ 1, 2, 3, 6, 10, 11 và 15. Các phẩm khác chưa thấy công bố. Bản này được dịch giả ghi rõ là dịch từ Nam bản.

Việc sử dụng các bản dịch Anh ngữ đặc biệt hữu ích khi chuyển dịch những đoạn văn mô tả mà cách dùng chữ của bản Hán văn trở nên khó hiểu vì từ ngữ với ý nghĩa được dùng hiện nay không còn thông dụng nữa. Chẳng hạn, khi bản Hán văn dùng “chân kim vi hướng - 眞金爲向” thì chúng tôi đã không khỏi có phần lúng túng. Ông Đoàn Trung Còn dịch là “vàng ròng làm hướng”, xem như không dịch chữ hướng, và mô tả như vậy thì không ai có thể hiểu được gì cả! Hòa thượng Trí Tịnh bỏ hẳn chi tiết này (và nhiều chi tiết khác) không dịch! Khi tham khảo cả 2 bản Anh ngữ đều thấy dịch chữ “hướng 向” là “windows”. Sau đó, chúng tôi liền tra khảo lại các tự điển Hán ngữ thì thấy quả thật chữ này có một nghĩa là “cửa sổ”, nhưng ngày nay chẳng mấy ai dùng đến nghĩa này. Vì thế, câu trên phải được hiểu là “các cửa sổ đều bằng vàng ròng”...

Tất cả các bản dịch kể trên đều chỉ được chúng tôi sử dụng với mục đích tham khảo thuần túy, hoàn toàn không có sự trích dẫn hay sử dụng lại bất cứ phần nào trong đó. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đặt tên Cố học giả Đoàn Trung Còn như người đồng thực hiện công trình này vì lòng tôn kính chân thành đối với những nỗ lực tiên phong trong công việc mà ông đã thực hiện trước đây một cách không mệt mỏi cho đến tận cuối đời.

Mặc dù vậy, sự tham khảo cùng lúc nhiều bản dịch đòi hỏi chúng tôi phải luôn tỉnh táo trong công việc, không để bị cuốn hút hoàn toàn theo cách hiểu của những người đi trước, vì trong một số trường hợp thì điều đó có thể dẫn đến sự hiểu sai văn kinh. Chẳng hạn, trong một đoạn kinh văn dùng cụm từ “ngũ thập thất phiền não” (五十七煩惱), các bản trước đây đều dịch là “57 loại phiền não”. Hòa thượng Trí Tịnh bỏ không dịch cụm từ này, cư sĩ Tuệ Khai và Cố học giả Đoàn Trung Còn đều dịch là 57 phiền não. Tham khảo cả 2 bản Anh ngữ cũng đều dịch là “57 illusions”... Như vậy, trong số năm vị đi trước thì đã có bốn vị cùng một ý, một vị không dịch. Nhưng chúng tôi không dám chấp nhận ngay cách dịch này, vì phân vân với con số 57 chưa từng gặp trong các kinh văn khác. Vì thế đã cố gắng thận trọng đọc qua các bản sớ giải và cuối cùng tìm được một cách giải thích hợp lý hơn. Theo đó, cụm từ này phải được hiểu là “ngũ, thập, thất phiền não”, hay nói theo văn sớ giải là: “Ngũ thập thất giả, tam chủng phiền não dã.” Như vậy thì ý nghĩa đã trở nên rõ ràng. Ba loại phiền não được tuần tự kể ra, bao gồm ngũ cái (1. Tham dục (貪欲), hay tham ái, tham đắm năm món dục lạc; 2. Sân khuể (瞋恚), hay sân hận, không chịu được những ngoại cảnh trái ý, sinh tâm giận tức; 3. Hôn trầm (惛沈), hay hôn miên, cũng gọi là thụy miên, mê ngủ nghỉ, tâm ý chìm đắm trong mê muội; 4. Điệu hối (掉悔), cũng gọi là trạo cử, là tâm thường xao động như lo lắng bất an, ân hận hối tiếc...; 5. Nghi (疑), chỉ lòng nghi ngờ, do dự, thiếu niềm tin đối với Giáo pháp, do không đủ trí tuệ phán xét chân chính. Năm loại phiên não này che lấp tâm ý sáng suốt, làm cho mê muội nên gọi là cái (蓋), nghĩa là che lấp.), thập triền (1. Vô tàm: Không quí chuộng các công đức và đối với những người có đạo đức chẳng những không kính trọng, lại sinh tâm ghen ghét, không biết tự thẹn. 2. Vô quí: Không biết xấu hổ đối với tội lỗi của mình khi bị người khác phát giác. 3. Tật: Ganh tị. Nghĩa là thấy việc hưng thịnh của người khác, tâm mình không vui. 4. Xan (khan): Bỏn sẻn không chịu bố thí tài vật, tiền của hoặc nói pháp cho người khác nghe. 5. Hối: Hối hận về những lỗi xấu mình đã làm khiến tâm bất an. 6. Miên: Mê ngủ khiến tâm mờ tối, không có năng lực tỉnh xét. 7. Trạo cử: Thân thô động khiến tâm không tĩnh lặng, không cách nào thành tựu được các thiền quán. 8. Hôn trầm: Thần thức tối tăm, thân tâm không có năng lực an trụ trong các thiện pháp. 9. Phẫn: Trước cảnh trái với ý mình thì sinh tâm tức giận mà quên mất chính niệm. 10. Phú: Che giấu tội lỗi của mình.) và thất sử (1. Tham dục (tham ở Dục giới), 2. Sân khuể, 3. Hữu ái (tham ở Sắc giới và Vô sắc giới), 4. Kiêu mạn, 5. Si hoặc, 6. Tà kiến, 7. Nghi pháp (không tin Tứ đế))”. Để chỉ ba loại phiền não này, văn kinh đã nói quá ngắn gọn, và cách viết xưa kia không có dấu chấm câu nên người đọc rất dễ nhầm lẫn.


Một trang kinh viết tay của Cố Học giả Đoàn Trung Còn, gồm chữ Hán và chú âm, viết xen kẽ theo từng dòng.
Ngoài ra, những khác biệt giữa Bắc bản và Nam bản cũng được chúng tôi đặc biệt chú ý, vì Nam bản được thực hiện dựa trên Bắc bản với những chỉnh sửa của người đi sau, nên rất có thể sẽ có những chỉnh sửa hợp lý, giúp kinh văn được rõ ràng và chuẩn xác hơn. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp mà sự chỉnh sửa tỏ ra không hợp lý, và như thế cần phải tôn trọng Bắc bản, vốn là bản được ra đời trước. Chẳng hạn, trong một đoạn kinh văn Bắc bản dùng “chư vương chúng trung” được Nam bản sửa lại thành “chư tứ chúng trung”. Căn cứ vào ý kinh đang đề cập đến một đối tượng rộng hơn là “tứ chúng”, chúng tôi tin rằng Bắc bản không có sai lầm ở đây. Nhưng các bản trước đây dịch là “ở giữa các vị vua” là không chuẩn xác, cần phải hiểu là “ở giữa các vị vua và dân chúng”, nghĩa là “chư vương, chúng trung” chứ không phải “chư vương chúng trung”.

Một số độc giả vẫn có thể sẽ đặt câu hỏi: “Vì sao phải thực hiện một bản dịch mới, trong khi đã có một số bản dịch hiện đang lưu hành?” Để trả lời câu hỏi này, về phần mình chúng tôi chỉ có thể nói là đã thực hiện công việc vì một sự thôi thúc không thể cưỡng lại khi may mắn được đọc hiểu bản kinh này từ Hán tạng. Có rất nhiều cảm xúc chân thành và mạnh mẽ mà chúng tôi tự thấy không thể không cố gắng chia sẻ cùng mọi người, và chính từ đó mà bản dịch này ra đời. Tâm nguyện chia sẻ đó của chúng tôi có đạt được hay không, điều đó xin tùy nơi sự đánh giá khách quan của độc giả. Về phần mình, chúng tôi chỉ biết cố hết sức mình trong việc này mà thôi.

Mỗi người có thể tiếp cận bản kinh này theo một cách khác nhau. Về mặt lịch sử, kinh này thuật lại suốt thời gian đức Phật chuẩn bị nhập Niết-bàn cho đến sau khi ngài nhập Niết-bàn và đại chúng phân chia xá-lợi Phật để xây tháp thờ kính. Vì thế, không ít người có thể sẽ cố gắng tìm kiếm trong kinh này những chi tiết liên quan đến sự kiện đức Phật nhập Niết-bàn, vì đây là một sự kiện cực kỳ quan trọng trong cuộc đời ngài, liên quan đến sự truyền thừa tiếp nối của Tăng đoàn Phật giáo thời bấy giờ tại Ấn Độ, và do đó cũng liên quan cả đến sự truyền bá Phật giáo về sau ra khắp nơi trên thế giới.

Về mặt học thuật, chỉ riêng độ dài của một văn bản Hán văn đã ra đời và tồn tại từ hơn 15 thế kỷ qua cũng đã đủ là một đề tài hấp dẫn các nhà nghiên cứu, vì tự nó đã là một tài liệu bảo lưu rất nhiều yếu tố cổ xưa mà ngày nay khó lòng tìm lại được.

Về mặt tư tưởng, kinh này hàm chứa hầu hết những tư tưởng quan trọng trong Phật giáo, từ những vấn đề đơn giản và gần gũi như quan điểm và lời dạy của đức Phật về việc ăn chay, cho đến những vấn đề phức tạp và trừu tượng như tánh Phật, thường và vô thường, ngã và vô ngã...

Về mặt giáo lý, kinh này ghi lại những lời dạy của đức Phật trước lúc nhập Niết-bàn, nên có giá trị như một sự đúc kết cuối cùng tất cả những gì ngài đã giảng dạy trong suốt cuộc đời. Trước một thính chúng có thể nói là đông đảo nhất, không chỉ bao gồm hầu như tất cả các đệ tử xuất gia và tại gia của Phật mà còn có rất đông đồ chúng của các giáo phái ngoại đạo đương thời, đức Phật đã tuần tự giải tỏa tất cả những nghi vấn được đặt ra vào thời điểm then chốt cuối cùng này. Nhiều vị thầy ngoại đạo đã quy phục, và tất cả bốn chúng đệ tử Phật đều không còn ai nghi ngại điều gì. Đức Phật cũng đã ân cần dặn dò về tương lai đạo pháp, về những nguyên tắc mà người đệ tử Phật cần phải tuân theo trên con đường tu tập... Tất cả những điều đó đã làm cho kinh này trở thành một trong những bộ kinh hết sức thiết yếu đối với những người học Phật.

Tuy vậy, thực tế là cho đến nay vẫn còn khá ít người biết đến kinh này. Một số người tuy cũng đã từng có cơ hội đọc qua nhưng dường như không mấy lưu tâm tìm hiểu kỹ. Và số người thực sự chuyên tâm nghiền ngẫm trọn bộ kinh này dường như rất hiếm gặp. Điều này có thể xuất phát từ nguyên nhân trước tiên là kinh này có số trang khá nhiều đối với phần lớn những người đọc thông thường. So với những kinh thông dụng như kinh A-di-đà, kinh Kim cang, kinh Địa tạng... thì kinh này dày hơn rất nhiều lần! Mặt khác, những vấn đề đề cập đến trong kinh đòi hỏi người đọc phải có một nền tảng khá vững vàng về Phật học mới có thể tiếp nhận được. Chính vì thế, rất nhiều người tuy đã thỉnh được kinh này nhưng chỉ là để đặt vào một nơi tôn nghiêm, trang trọng nhất và cất giữ như một báu vật, thay vì là thường xuyên mang ra nghiền ngẫm để tu tập theo những lời dạy trong kinh.

Rào chắn ngôn ngữ cũng là một trở ngại quan trọng. Có thể nói số người thông thạo Hán văn để đọc được kinh này trong Hán tạng ngày nay không còn bao nhiêu. Nhưng ngay cả đối với những vị này thì việc đọc trọn bộ kinh cũng không phải dễ dàng, vì chỉ riêng việc văn bản Hán văn này đã được viết ra từ cách đây hơn 15 thế kỷ cũng đã đủ để chúng ta hình dung được sự khó khăn để nhận hiểu nó một cách trọn vẹn. Vì thế, phần lớn người đọc phải dựa hoàn toàn vào bản Việt dịch, và nếu người dịch không luôn luôn tâm niệm điều này thì việc đọc hiểu bản dịch cũng không thể là dễ dàng và trọn vẹn đối với đa số độc giả. Chẳng hạn, có rất nhiều thuật ngữ là rất quen thuộc đối với người dịch, nhưng chúng lại vô cùng khó hiểu đối với những ai hoàn toàn không biết Hán văn. Do đó, nếu trong bản Việt dịch không có sự chú giải một cách toàn diện và hệ thống thì người đọc cũng khó lòng nhận hiểu.

Để giảm nhẹ khó khăn này, ngoài việc cố gắng diễn đạt kinh văn theo cách rõ ràng và dễ hiểu nhất, chúng tôi đồng thời cũng chú giải cho rất nhiều từ ngữ, thuật ngữ khó hiểu. Sau đó, tất cả các từ ngữ đã được chú giải – thường là khi chúng xuất hiện lần đầu tiên trong kinh văn – sẽ được tập hợp lại và sắp xếp theo vần ABC trong một Bảng tra cứu đặt ở phần sau cùng của bộ kinh. Như vậy, trong suốt quá trình đọc kinh, nếu gặp phải một từ ngữ khó mà không có chú giải tại chỗ, người đọc có thể sử dụng ngay bảng tra cứu này và dễ dàng tìm được sự giải thích cần thiết. Mặc dù vậy, vì số trang in quá lớn phải phân chia thành nhiều tập nên đôi khi chúng tôi cũng đặt các chú giải lặp lại ở một số nơi khác nhau. Điều này là để tạo sự thuận lợi hơn cho người đọc.

Mặt khác, bất cứ ai đã từng học qua chữ Hán đều biết được tính chất cô đọng, súc tích nhiều khi đến mức rất khó diễn đạt hết ý nghĩa của những câu văn Hán cổ. Để giúp người đọc dễ nhận hiểu hơn, trong một số trường hợp chúng tôi đã thêm vào một số từ hoặc cụm từ không trực tiếp xuất hiện trong nguyên bản, nhưng có thể được hiểu do hàm ý của câu văn hoặc đoạn văn đó.

Chẳng hạn như trong câu sau đây:

“Vì là có nên trừ bỏ [quan niệm cho rằng tánh Phật như] sừng thỏ; vì là không nên trừ bỏ [quan niệm cho rằng tánh Phật như] hư không.”

Những chữ trong ngoặc vuông là không trực tiếp xuất hiện trong nguyên bản. Nếu y theo từ ngữ mà dịch thì câu văn trên không có những phần trong ngoặc vuông này. Tuy nhiên, theo sự nhận hiểu của chúng tôi từ toàn cảnh văn kinh thì việc thêm vào các phần này vào sẽ làm rõ ý nên có thể giúp người đọc dễ hiểu hơn.

Như vậy, các phần trong ngoặc vuông là do chúng tôi căn cứ vào sự nhận hiểu của mình khi dịch để thêm vào, và được trình bày như vậy để phân biệt rõ với phần kinh văn dịch sát theo nguyên bản. Bằng cách này, người đọc có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận cách hiểu tạm xem là chủ quan của chúng tôi, để suy xét và nhận hiểu theo cách riêng của mình. Tuy vậy, chúng tôi cũng vẫn hết sức thận trọng suy xét trước khi thực hiện bất cứ sự bổ sung nào theo cách này.

Ngoài ra, phạm vi đề cập quá rộng của kinh này cũng là một khó khăn lớn đối với người đọc. Không giống như phần lớn các bộ kinh khác, thường chỉ xoay quanh một số chủ đề chính yếu, kinh này đề cập đến rất nhiều vấn đề, và mỗi một vấn đề đều có tầm vóc lớn lao, quan trọng, không thể xem nhẹ. Vì thế, việc theo dõi nắm bắt tất cả những vấn đề được trình bày trong kinh quả thật không phải chuyện dễ dàng. Do đó, để giảm bớt khó khăn này cho người đọc, sau khi đã trình bày trọn vẹn bản Việt dịch chúng tôi sẽ có một phần Tổng quan về tất cả các phần đã nêu trong kinh, tương tự như một bảng lược đồ để người đọc có thể căn cứ vào đó mà nắm bắt hoặc quay lại nghiên cứu từng vấn đề một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, người đọc cần lưu ý rằng đây hoàn toàn không phải là sự tóm tắt ý nghĩa của từng phẩm kinh hay toàn bộ kinh, vì đó là điều gần như không thể thực hiện! Phần Tổng quan này chỉ phục vụ như một bản đồ chỉ dẫn để người đọc có thể dễ dàng nhận ra vấn đề mình quan tâm hoặc còn đang vướng mắc nằm ở phần nào trong toàn bộ kinh, và như thế sẽ có thể tìm đến đó để đọc lại hoặc nghiền ngẫm kỹ hơn.

Tất cả những điểm khó khăn hoặc trở ngại trong quá trình đọc kinh như vừa nêu trên đều có thể vượt qua nếu người đọc có được một sự say mê và những xúc cảm chân thành khi đọc kinh này. Mặc dù vậy, điều đó thật không dễ có được, và không chỉ tùy thuộc hoàn toàn vào người dịch. Một bản dịch dù đã nỗ lực hoàn thiện và cung cấp mọi điều kiện thuận lợi cho người đọc, nhưng nếu chính bản thân người đọc không có sự nỗ lực và chú tâm khi đọc thì hầu như cũng không thể gặt hái được kết quả gì. Vì thế, theo thiển ý của chúng tôi thì quý vị cần phải có sự chuẩn bị chu đáo trước khi bắt đầu đọc kinh này, sao cho có thể toàn tâm toàn ý với việc đọc kinh mà không bị phân tán tư tưởng bởi bất cứ ngoại duyên nào. Nếu thực hiện được điều này, có thể nói là quý vị đã nắm chắc được đến một nửa khả năng sẽ được lợi lạc trong việc đọc kinh. Một nửa khả năng còn lại phụ thuộc vào các yếu tố mà chúng tôi sẽ trình bày tiếp theo sau đây.

Nếu quý vị đã từng nghe giới thiệu về bộ kinh này và đã hết sức mong muốn được đọc nó, thì khi quý vị đang đọc những dòng này, rất có thể quý vị đã hết sức nôn nóng muốn lướt thật nhanh qua những trang đầu để đi thẳng vào nội dung kinh. Hơn thế nữa, rất có thể trong lòng quý vị còn hình thành một ý định là sẽ đọc ngay một lần trọn bộ kinh này, để xem trong đó có hàm chứa những gì đã từng được nghe người khác xưng tán, ca ngợi hay không. Tuy nhiên, nếu điều đó là sự thật, chúng tôi xin quý vị hãy dừng ngay lại và kiên nhẫn đọc tiếp những dòng dưới đây.

Việc đọc kinh với một tâm niệm hối hả, nôn nóng chắc chắn sẽ không bao giờ mang đến cho quý vị những kết quả tích cực. Cuộc sống của chúng ta vốn đã có quá nhiều thời gian phải chạy đua, phải bôn ba hối hả và nôn nóng... Nhưng tất cả những quãng thời gian đó đều không để lại được gì làm thỏa mãn nhu cầu nuôi dưỡng đời sống tâm linh vốn luôn tồn tại trong mỗi chúng ta. Chính vì thế mà chúng ta mới phải tìm đến với đạo Phật, với kinh điển... Do đó, thật vô lý nếu ta vẫn tiếp tục hối hả và nôn nóng ngay cả khi đọc kinh!

Nếu quý vị là người bận rộn – mà trong thời đại ngày nay thì có đến 99% khả năng điều đó là đúng – và không có nhiều thời gian dành cho việc đọc kinh, quý vị vẫn nên sử dụng bất cứ quãng thời gian ít ỏi nào có được để đọc kinh một cách thật thư thả, chậm rãi. Ý tôi muốn nói là, thay vì đọc mỗi lần được 10 trang kinh với tốc độ “thông thường” của mình chẳng hạn, quý vị vẫn có thể dừng lại thật chậm rãi để chỉ đọc một vài trang thôi! Nhưng một vài trang kinh đó sẽ thực sự có đủ điều kiện để thấm sâu vào lòng và giúp khai mở kho tàng trí tuệ sẵn có trong quý vị.          

Có thể quý vị sẽ đặt câu hỏi: Đọc như thế thì đến bao giờ mới xong bộ kinh đồ sộ này? Nhưng điều đó thật ra hoàn toàn không quan trọng! Cho dù quý vị thực sự không đọc được hết trọn bộ kinh, thì mỗi một dòng kinh mà quý vị đọc qua cũng đã kịp ươm mầm trí tuệ trong tâm thức quý vị. Còn nếu hối hả cố đọc cho xong trọn bộ kinh mà không gặt hái được gì thì có khác nào chưa từng đọc kinh?

Chúng tôi khởi sự công trình này từ khoảng trước năm 2000, và cho đến khi quý vị bắt đầu đọc được những dòng này thì gần 10 năm đã trôi qua. Trong suốt thời gian đó, sự thật là chúng tôi không có đủ may mắn để được dành trọn thời gian cho việc dịch kinh, vì là người cư sĩ nên chúng tôi không tránh khỏi việc bận rộn lo toan cho cuộc sống của bản thân và gia đình. Tuy vậy, chúng tôi đã luôn cố gắng để không bao giờ cảm thấy hối hả, nôn nóng mỗi khi tiếp cận với kinh văn, cho dù đây là một công trình tưởng chừng như vượt quá những nỗ lực của chúng tôi và sự kéo dài thời gian trong công việc thậm chí đã có những lúc làm chúng tôi phải băn khoăn tự hỏi về khả năng hoàn tất.

Vì thế, nếu quý vị cảm thấy việc đọc hết trọn bộ kinh này là một mục tiêu không dễ thực hiện, thì điều đó là hoàn toàn có thể hiểu được. Nhưng chúng tôi mong rằng quý vị sẽ không vì lý do đó mà cố đọc lướt nhanh qua những trang kinh, vì chắc chắn điều đó sẽ không mang lại bất cứ kết quả tốt đẹp nào. Xin hãy tin chúng tôi, chỉ cần quý vị tiếp cận kinh văn với sự chân thành và an tĩnh, thì mỗi một trang kinh quý vị đọc qua đều có thể trở thành một bài thuyết pháp hoàn chỉnh, có khả năng khai mở trí tuệ Bát-nhã sẵn có nơi quý vị. Và nếu có thể đọc kinh theo cách như thế thì việc đọc qua trọn bộ kinh này cũng sẽ không còn là vấn đề khó khăn nữa.

Tất cả kinh điển Phật giáo đều hàm chứa ít nhất hai tầng nghĩa. Tầng nghĩa thứ nhất được diễn đạt bởi ngôn ngữ quy ước, giúp chúng ta nắm hiểu được những sự kiện, chi tiết được mô tả trong kinh văn. Nhưng tầng nghĩa này chỉ là một phần rất nhỏ so với những gì kinh văn muốn chuyển tải. Ví như một núi băng trôi trên mặt đại dương, cái mà chúng ta nhìn thấy được chỉ là phần chóp nhọn rất nhỏ, trong khi phần chìm sâu bên dưới mặt nước là cả một khối lượng khổng lồ. Cũng vậy, tầng nghĩa thứ nhất vừa nói trên chỉ là phần rất nhỏ so với tầng nghĩa thứ hai là những gì hàm chứa phía sau lớp vỏ ngôn ngữ.

Tuy nhiên, để tiếp cận được với tầng nghĩa thứ hai này, quý vị không thể sử dụng sự phán đoán, suy luận của trí óc, mà phải nhờ đến năng lực trực giác, tức là sự rung động hay cảm nhận trực tiếp của tâm thức, không thông qua bất cứ quá trình suy diễn nào, vì mọi quá trình suy diễn tất yếu đều bị giới hạn bởi những khái niệm mà chúng ta ai ai cũng sẵn có.

Nói cách khác, để có thể tiếp nhận được tầng nghĩa thứ hai này, ta không thể chỉ đọc kinh đơn thuần bằng trí óc, mà nhất thiết phải cần đến một tâm thức thật an tĩnh, sáng suốt. Đây chính là lý do vì sao ta không thể đọc kinh với sự hối hả và nôn nóng.

Tất nhiên, chúng ta cũng không thể phủ nhận mối tương quan giữa hai tầng nghĩa của kinh văn. Để có thể cảm nhận nghĩa kinh bằng trực giác thì trước hết chúng ta phải nắm hiểu được một cách trọn vẹn phần ý nghĩa được diễn đạt qua ngôn ngữ. Cũng như để khám phá được núi băng khổng lồ đang trôi trên đại dương kia, chúng ta trước hết phải nhìn thấy được phần chóp nhỏ nổi lên bên trên mặt nước của nó. Tương tự như thế, chính nhờ nắm hiểu trọn vẹn những ý nghĩa trên bề mặt ngôn ngữ của kinh văn mà chúng ta mới có thể làm sinh khởi trong tâm thức những hình tượng, cảm xúc tương quan, và từ đó mới có khả năng đạt đến sự trực nhận những gì kinh văn muốn nói. Quá trình này là cả một sự nỗ lực toàn tâm toàn ý và có thể sẽ diễn ra không hoàn toàn giống nhau tùy theo từng trường hợp của mỗi người.

Trong quá trình thực hiện công trình, chúng tôi luôn dành thời gian để đọc kỹ lại từng phẩm kinh sau khi chuyển dịch xong, vừa để rà soát lại những lỗi do sơ sót, vừa là để nắm hiểu ý kinh trước khi tiếp tục chuyển dịch phần tiếp theo. Mỗi lần đọc lại kinh văn như thế, chúng tôi đều có được những cảm nhận mới mẻ hơn, sâu sắc hơn đối với từng đoạn kinh văn.

Lấy ví dụ như ngay từ phẩm đầu tiên trong kinh này, mặc dù đã nghiền ngẫm cân nhắc từng câu chữ trong suốt quá trình chuyển dịch, nhưng đến khi đọc lại toàn bộ phẩm kinh chúng tôi vẫn có được nhiều sự cảm nhận mới, và phải đến lần đọc lại thứ ba chúng tôi mới có được những cảm xúc cuốn hút, say mê thực sự đối với từng câu chữ, từng chi tiết được tuần tự diễn đạt trong kinh văn.

Khi bắt đầu chuyển dịch phẩm kinh đầu tiên, chúng tôi có cảm tưởng đây chỉ là phần kinh văn mang tính “thủ tục”, vì không diễn đạt gì nhiều ngoài việc mô tả và liệt kê những đối tượng chúng sinh lần lượt kéo nhau đến xin cúng dường Phật sau khi biết tin Phật sắp nhập Niết-bàn. Thậm chí có nhiều chi tiết mô tả được lặp đi lặp lại đôi khi làm chúng tôi cảm thấy như có phần nào tẻ nhạt, vô vị. Tuy nhiên, đến khi đọc kỹ lại toàn văn kinh chúng tôi mới nhận ra được dụng ý của từng chi tiết mô tả, và trình tự xuất hiện một cách hợp lý của chúng trong kinh không chỉ đơn giản là để kể lại sự việc, mà còn có tác dụng như những nét cọ dần dần vẽ lên trong tâm thức người đọc những hình ảnh tương quan nhất định, gần như tái hiện toàn bộ khung cảnh và mọi sự kiện đã diễn ra trước lúc đức Phật nhập Niết-bàn.

Và đến lần đọc lại thứ ba thì chúng tôi bất chợt dâng tràn một nguồn cảm xúc hầu như không thể mô tả! Bức tranh hoành tráng của rừng Sa-la nơi Phật nhập Niết-bàn như hiện ra rõ rệt trong tâm thức chúng tôi, với tầng tầng lớp lớp các loài chúng sinh từ khắp mười phương vũ trụ cùng quy tụ về, từ những loài súc sinh hạ đẳng cho đến chư thiên các cõi trời, rồi đến cả chư Bồ Tát ở các cõi Phật phương xa... cho đến trong thế giới loài người là nhân dân, vua chúa, quan binh, tăng ni, cư sĩ... Tất cả đều tìm về vây quanh đấng Đại Giác Thế Tôn trùng trùng bất tận, nhưng không có bất cứ một sự chen chúc, hỗn độn nào... Ngược lại, không khí trang nghiêm và hùng tráng bao trùm cả Pháp hội, khiến cho mỗi một cá thể xuất hiện trong đó đều như tan hòa với toàn thể đại chúng, và cảm xúc chung của toàn đại chúng chính là sự bi thương và tôn kính đối với đấng Như Lai đang sắp thị hiện Niết-bàn...

Sự cảm nhận được những hình ảnh như thế khiến chúng tôi như nhất thời vượt qua mọi giới hạn của các nguyên lý vật lý thông thường, không còn chịu bất cứ một sự hạn cuộc nào trong các khái niệm như nhiều và ít, lớn và nhỏ, gần và xa... Hơn thế nữa, mọi ý niệm về thời gian và không gian cũng hầu như bị xóa sạch, với vô số hình ảnh trang nghiêm diễm lệ như đồng thời hiện ra xen lẫn nhau trong sự hóa hiện vô biên của chư vị Bồ Tát, không thể và cũng không cần thiết phải phân biệt giữa trên và dưới, trong và ngoài, trước và sau, đã qua và sắp đến...

Chính từ nơi nguồn cảm xúc này mà chúng tôi luôn có thể thực hiện công việc một cách không mệt mỏi, luôn say mê và cuốn hút vào công việc với một sự hứng khởi gần như bất tận. Và cũng chính từ kinh nghiệm tự thân này mà trong suốt quá trình chuyển dịch chúng tôi luôn trân trọng từng câu chữ, từng chi tiết nhỏ trong kinh văn, không dám tùy tiện bỏ qua hoặc để sót bất cứ điều gì. Hơn nữa, chúng tôi thiết nghĩ, có thể có những chi tiết nào đó mà khi đọc thoáng qua ta không cảm nhận được gì, nhưng lại có thể là nguồn khơi dậy cảm xúc cho chính ta trong những lần đọc lại sau này, với một tâm thức thanh tịnh và sáng suốt hơn; hoặc cũng có thể là nguồn khơi dậy cảm xúc đối với những người đọc khác...  

Tất cả những ai chỉ dừng lại trong thế giới duy lý sẽ không thể nào hình dung được những gì mà người đọc kinh này có thể cảm nhận được. Và cũng chính vì thế mà sự chú tâm đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc đọc kinh. Khi tâm thức không bị cuốn hút và phân tán bởi những yếu tố trần cảnh từ bên ngoài, chúng ta mới có thể có được sự sáng suốt cần thiết để trực nhận được những ý nghĩa sâu xa hàm chứa trong từng câu kinh. Hầu hết các kinh điển Đại thừa đều mượn việc mô tả các hình tượng, sự kiện như một phương tiện khơi dậy trực giác, và chính từ sự phát khởi được trí tuệ trực giác mà người đọc kinh mới có thể tiếp nhận được những lời dạy thuộc về Chân đế hay Đệ nhất nghĩa đế. Đó là những ý nghĩa hoàn toàn không thể đạt đến thông qua sự suy diễn.

Điều tiếp theo mà chúng tôi muốn đề cập đến nơi đây chính là đức tin. Theo suy nghĩ của riêng chúng tôi, nếu quý vị chưa có được một lòng tin sâu vững vào Tam bảo thì quý vị chưa nên vội đọc kinh này. Một số học giả có thể sẽ phản đối điều này, vì đối với họ thì việc đọc kinh chỉ là để tìm kiếm trong đó những tư tưởng triết lý, những lập luận biện minh cho điều này hay điều khác, hoặc quá lắm cũng chỉ là những chuẩn mực đạo đức nào đó... giống như vô số những sách vở thế tục khác. Mặc dù những điều này quả thật cũng có thể tìm thấy trong kinh văn, nhưng đó hoàn toàn không phải là những giá trị chân thật và rốt ráo mà người đọc kinh cần đạt đến. Và vì thế, khi đến với kinh điển Đại thừa thì các vị học giả này chắc chắn sẽ không đạt được gì khác hơn là sự hoang mang nghi ngại, hoặc chí ít cũng là một nỗi thất vọng tràn trề. Là những người Phật tử, chúng tôi hoàn toàn không mong muốn quý vị sẽ vấp phải sự hoang mang nghi ngại hay thất vọng tràn trề tương tự như thế. 

Trong rất nhiều kinh điển, đức Phật đã từng khuyến cáo rằng giáo pháp Đại thừa ví như cơn mưa lớn, chỉ có lợi cho những loài cây lớn có gốc rễ vững chắc; còn đối với những cây cỏ nhỏ yếu, chắc chắn sẽ phải bị vùi dập, nghiêng ngả, thậm chí còn có thể bị bật gốc cuốn trôi đi... Gốc rễ vững chắc ở đây chính là đức tin sâu vững nơi Tam bảo, vào đức Phật và giáo pháp do ngài truyền dạy, được ghi chép thành kinh điển. Đức tin đó hoàn toàn không phải một bản năng tự nhiên sẵn có nơi mỗi người hay một số người, mà là một thành quả tất yếu của quá trình tu tập, hành trì theo đúng lời Phật dạy. Đây chính là lý do vì sao trong lần Chuyển Pháp luân đầu tiên tại vườn Lộc Uyển đức Phật đã không hề đề cập đến tánh Phật của chúng sinh hay bất cứ một phần giáo pháp nào khác thuộc phạm vi Đại thừa.

Nhưng nói như thế cũng không có nghĩa là một sự loại trừ bất cứ đối tượng nào ra khỏi phạm vi giáo hóa của kinh này, vì sự thật là mỗi chúng ta đều có thể tự nuôi dưỡng cho mình một đức tin sâu vững bằng cách khởi sự thực hành từ những điều căn bản nhất trong Phật pháp. Nếu quý vị có thể kiên trì giữ gìn Năm giới, tiến đến việc nỗ lực thực hành Mười điều thiện và thành tâm lễ bái hình tượng chư Phật bất cứ khi nào có thể, chắc chắn quý vị sẽ sớm đạt được một lòng tin sâu vững. Lòng tin này không phải được ban cho quý vị bởi một phép lạ nhiệm mầu nào, mà sự thật là nó xuất phát từ sự an vui lợi ích tất yếu có được từ sự thực hành như trên. Và một khi đã có được lòng tin sâu vững nhờ thực hành giáo pháp, quý vị sẽ có thể tiếp nhận được những ý nghĩa sâu xa trong giáo pháp. Quý vị sẽ có thể bắt đầu nhận hiểu được từ những ý nghĩa cơ bản nhất về Tứ diệu đế, cho đến Thập nhị nhân duyên... và sau đó dần dần tiến đến việc đọc hiểu được kinh này.

Mặc dù có những khó khăn được nêu ra như trên, tâm nguyện của chúng tôi khi chuyển dịch kinh này vẫn là mong sao nó có thể đến được với tất cả mọi người, để bản hoài của chư Phật mười phương được gửi gắm nơi đây không phải chịu sự mai một bởi thời gian. Trên tinh thần đó, chúng tôi xin thành tâm cầu nguyện cho tất cả chúng sinh đều có được cơ hội tiếp xúc và lãnh thọ kinh này. 

Trong quá trình thực hiện công trình, chúng tôi đã tham khảo nhiều tư liệu, công trình hiện có, kể cả những thông tin liên quan trong các từ điển Phật học Hán ngữ, Anh ngữ cũng như Việt ngữ. Chúng tôi xin ghi nhận nơi đây những đóng góp quý báu của tất cả các tác giả, soạn giả của những công trình đã được sử dụng và xin gửi lời tri ân chân thành đến tất cả quý vị.

Cuối cùng, mặc dù bản Việt dịch trọn bộ kinh này đã đến tay quý vị, nhưng chúng tôi chưa bao giờ dám nghĩ rằng công việc chuyển dịch kinh này đã được hoàn tất. Mọi sai sót sẽ tiếp tục được loại bỏ hoặc sửa chữa, hoàn thiện ngay khi phát hiện. Vì thế, xin nhắc lại một lần nữa là chúng tôi luôn mong mỏi nhận được những ý kiến đóng góp, chỉ dạy từ tất cả quý vị. Mọi thư từ góp ý xin gửi về địa chỉ:

Nguyễn Minh Tiến
ấp 3, xã Sông Xoài,
huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu

Hoặc gửi điện thư (email) về:
nguyenminh@rongmotamhon.net

Ngoài ra, toàn bộ nội dung kinh này cũng sẽ được giới thiệu trên website Rộng mở tâm hồn (http://rongmotamhon.net) trong phần Kinh điển. Quý vị có thể vào xem và góp ý thông qua kênh giao tiếp của website này. Chúng tôi luôn sẵn lòng đón nhận và chân thành cảm ơn quý vị.

Những gì cần làm và có thể làm chúng tôi đều đã cố gắng hết sức mình. Tuy vậy, chúng tôi vẫn luôn tự biết rằng mỗi một điểm hạn chế trong năng lực và trình độ của chúng tôi đều tất yếu sẽ dẫn đến một khó khăn tương ứng cho quý vị trong quá trình đọc hiểu kinh văn. Vì vậy, chúng tôi xin chân thành nhận lỗi và mong rằng quý vị có thể niệm tình tâm nguyện vị tha của chúng tôi mà bỏ qua cho những sự yếu kém đó. Chúng tôi cũng xin thành tâm sám hối trước mười phương chư Phật vì tự bản thân mình đã không có đủ trí huệ và biện tài vô ngại để có thể diễn giảng giáo pháp Đại thừa của chư Phật theo một cách hoàn hảo nhất. Nguyện cho trong đời này và vô số đời sau nữa vẫn sẽ không ngừng tu tập theo Chánh pháp để có được năng lực hộ trì và rộng truyền giáo pháp Đại thừa ra khắp mọi nơi, làm lợi ích cho tất cả chúng sinh.

Cuối cùng, cho dù chúng tôi đã hết sức nỗ lực trong công việc, nhưng nếu không có sự đảm đương về mặt tài chánh của vợ chồng anh Nguyễn Hữu Cứ (Công ty Văn hóa Hương Trang, Nhà sách Quang Bình - http://huongtrang.net) thì có lẽ quý vị đã không thể có trong tay bộ kinh Đại thừa vô giá này. Vì thế, nhân đây chúng tôi xin có lời chân thành tri ân và tán thán công đức hỗ trợ việc lưu hành kinh điển của vợ chồng anh Nguyễn Hữu Cứ.

Nguyện đem mọi công đức có được trong việc làm này hồi hướng về tất cả chúng sinh trong pháp giới. Nguyện cho tất cả đều sớm khai mở tuệ giác vô thượng, đồng thành Phật đạo.

Những gì cần nói đã nói xong. Xin cảm ơn quý vị đã dành thời gian đọc qua hết những lời dông dài này. Bây giờ, xin mời quý vị lắng lòng thanh tịnh để bắt đầu tiếp nhận kinh văn.


Trân trọng,
NHỮNG NGƯỜI THỰC HIỆN




    « Xem chương trước «      « Sách này có 44 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Vì sao tôi khổ


Lược sử Phật giáo


Những tâm tình cô đơn


Bhutan có gì lạ

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 52.15.49.90 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - Senegal (2 lượt xem) - ... ...