Cũng như nhiều ngôi chùa bên Tây Tạng, ngôi chùa Chumi-Jadsa ở lưng chừng theo triền núi. Chung quanh toàn là rừng. Cảnh thật vắng lặng, duy có tiếng vượn hú và thú gọi bầy mà thôi. Xa xa, mấy hòn núi khác bao giăng, đỉnh trắng xóa giữa bầu trời xanh ngắt.
Tôi bắt đầu làm quen với sự sống nơi chùa chiền. Phong thổ mát mẻ dễ chịu. Tôi còn nhớ mãi hôm chiều tôi mới đến, lúc sư thượng tọa chức Umzè tiếp rước tôi, hồi ngài và tôi gặp nhau lần đầu. Bấy giờ vật chi đối với tôi cũng là mới lạ cả. Tôi thấy mình ở trong một hoàn cảnh khác, giữa một dân tộc khác.
Trong chùa, cột và vách đều sơn màu vàng rực. Theo tường, có nhiều bức tượng nổi, họa đủ các tích trong đời của đức Phật tổ. Có nhiều bức phướn bằng lụa rũ xuống, mỗi bức có thêu mấy chữ Án ma ni bát di hồng. Chung quanh phòng có thờ tượng cốt của chư vị thượng tọa đã tịch, người ta phụng sự nhang đèn hằng năm. Trong cảnh nửa tối nửa sáng, mấy ngọn đèn dầu khi mờ khi tỏ soi lên gương mặt vàng rực của chư vị trụ trì quá vãng làm cho mấy tượng cốt im lặng ấy dường như sống trở lại giữa cuộc đời. Thật là lạ lùng thay!
Thình lình hai vị sư đưa tôi đi bỗng thụp xuống đảnh lễ. Trước mặt chúng tôi là sư thượng tọa chức Umzè. Chính sư Gelong quen với tôi ở Paris đã giới thiệu tôi đến ông này.
Về mặt đạo đức, ông đậu đến hàng Tiến sĩ( ) và ông có học khoa huyền bí tại ngôi chùa đặc biệt ở Morou. Vì thế, ông cũng được phong chức Tiến sĩ về khoa huyền bí nữa. Từ nhỏ đến nay, tôi chưa từng gặp ai thông minh như ông. Ông lại có trí nhớ rất tinh tường và có cái bí thuật nhìn thấu suốt người đối diện với mình. Tôi thật sự rất khâm phục. Ấy là một vị trưởng lão dáng người cao gầy, đầu cạo trọc. Ông mặc y phục đại lễ màu vàng, vì ông vừa ở trong chánh điện mới ra. Với cặp sâu ẩn vào trong hố mắt, ông chăm chú nhìn tôi một lúc. Bỗng tôi nhận ra dường như bị một lưỡi gươm bằng thép đâm vào người tôi, đào bới trong đầu tôi, trong tâm hồn tôi. Trước sự soi xét ấy, tôi chẳng che dấu gì nơi thân tâm tôi được. Dường như tôi bị phân ra từng thớ nhỏ vậy. Tuy chưa gặp tôi, nhưng ông đã biết tôi rồi, vì ông thường có thư từ qua lại với sư Gelong ở Paris. Trực giác của tôi như nhận ra rằng ông là người mà tôi đã từng quen biết. Song quen nơi đâu, lúc nào, thật khó mà nhớ được. Trong khi gương mặt thanh nhã của vị đại đức này nhìn tôi và mỉm cười, tôi nhận thấy một sự thiêng liêng bí mật nào đó như trở lại giữa ông và tôi, làm cho tôi tin chắc rằng tôi đã từng quen biết và gần gũi với ông trong một thuở...
Ông với tôi chuyện vãn rất lâu. Ông hỏi thăm những sở nguyện của tôi, cuộc hành trình của tôi từ Pháp đến Tây Tạng và có hỏi qua cuộc đời của tôi ở Âu Châu nữa. Ông chăm chú đọc hết bức thư rất dài của sư Gelong bên Paris giới thiệu tôi. Kế ông lui vào chánh điện, sau một bức màn màu vàng có thêu mấy chữ Án ma ni bát di hồng rất lớn. Dường như tôi nghe có tiếng chuông ngân. Rồi thì im lặng. Thật là kỳ lạ cho cái định mạng của tôi. Chân tôi đã bước vào đất nước Tây Tạng, nơi đây tôi sẽ sống phần đời còn lại cho đến khi gởi nắm xương tàn. Tôi sắp lìa hẳn cái thân thế của một người Tây phương để sống theo như hàng du tăng lặng lẽ...
Nửa giờ sau, vị sư trở ra. Về sau, tôi mới biết rằng chính buổi ấy, ông tọa thiền để quán xét việc có nên thâu nhận tôi hay không, và cuối cùng ông chuẩn thuận. Khi trở ra, ông bèn trịnh trọng bắt ấn hộ trợ cho tôi. Cặp mắt ông chăm chú nhìn tôi dường như để nhận cho tỏ rõ một vị đệ tử mà cơ duyên vừa đưa đến, và cũng như để soi cho thấu đáo tâm hồn tôi nữa.
Tiếp đến là nghi thức điểm Đạo truyền Pháp, tức là tạo sự liên hiệp mật thiết về tinh thần giữa tôn sư và đệ tử. Buổi sáng, mặt trời vừa mọc, hết hồi niệm kinh công phu, tôi theo sư Umzè vào tăng phòng. Ông giảng cho tôi nghe mấy đoạn kinh. Sau đó, ông chỉ thật rõ phương pháp tọa thiền với những cách kềm giữ thân hình. Rồi ông nhắc tới chư Phật, chư Thánh xưa kia đã từng dũng mãnh diệt phá vô minh với các nhân duyên chằng chịt đã làm cho con người khốn đốn, trôi lăn trong luân hồi. Các ngài thắng phục rồi, bèn trở nên nhàn lạc đời đời. Song các Ngài có lòng từ bi hằng lo cứu hộ chúng sanh mãi.
Tôi ngồi thiền nơi mấy cội cây trong cảnh rừng gần đó. Ở đây, cây này tàn tạ, rã rục thì cây khác sanh nảy lên. Cũng trải qua đủ một sự sống đầy vui sướng, khổ lụy và diệt mất. Tôi nhận thấy sức mạnh của sự sống như chạy vào, làm sinh động những thảo mộc, điểu thú và côn trùng mà tiếng dội vang lên khắp rừng. Hữu ích thay là sự ngồi thiền nơi sơn lâm. Mỗi ngày mình có dịp cho tâm trí hòa nhập với sự vật chốn này.
Buổi tối tôi trở về chùa niệm kinh công phu. Kế tôi đến bạch với Thầy việc trong ngày của tôi, trình bày những nhận biết khi thiền định, và tôi lắng nghe những lời giảng giải, khuyên bảo của thầy.
Thật tôi khó mà tả hết sự thanh thú siêu việt trong cuộc đời huyền bí này. Khó mà bày tỏ sự thay đổi thâm diệu trong người tôi, một ngày qua là một ngày tôi đổi khác. Tôi không phải là một người Âu Châu nữa. Những tập tục, những tư tưởng bên ấy bây giờ tôi coi ra kỳ chướng lắm. Và đối với sự vật, tôi không thấy cảm giác khác lạ gì, tôi thành ra như những người Á Châu chung quanh tôi vậy.
Tôi nhận ra những sức lực tiềm ẩn trong người tôi. Tôi thám hiểm cái thân tôi, càng tìm thấy những sự mới mẽ, tôi càng lấy làm lạ lùng và mến thích. Theo sự chỉ dẫn trong kinh, tôi ngồi thiền theo kiểu kết già, chân xếp, thân hình ngay ngắn, và tôi hô hấp theo một phương pháp riêng vừa niệm những chữ linh. Lúc ấy, tôi thấy như có lửa sanh ra trong người tôi. Chính cái sức mạnh vô cùng trong người của tôi khởi sự dấy lên, nó là cái khởi nguyên của nền bí thuật, cái phát điểm của sự bí truyền. Sự nóng của nó lần lần choán trọn cái thể của tôi đương ngồi yên, và ngọn lửa ấy đi lần ở trong thân tôi, đốt tới đâu thì trong sạch tới đó.
Một hôm, ngồi thiền gần một tàn cây nhỏ đơm hoa trắng tinh, tôi vô tình hà hơi lên một đóa hoa buông hờ trước mặt tôi... Bỗng tôi thấy nó teo lại, xám và khô dường như bị đốt. Như vậy, tôi hiểu ra rằng những vị sư khổ hạnh có thể ngồi mình trần trên non cao vào mùa đông, giữa khi tuyết đổ gió tuôn là vì vậy ...
Cùng với những phép tập luyện cho thể xác tôi trở nên trong sạch, thầy tôi còn trao cho mấy bài kinh để tham thiền nhằm làm cho trí tôi trở nên thuần thục và cải hóa. Ấy là những bài trích trong bộ kinh Đại tạng Kanjour. Bộ này dịch ra từ chữ Tây Tạng thật là vĩ đại, tất cả là 108 quyển, mỗi quyển chừng một ngàn trang. Có hai bản cây to chạm trổ chận phía ngoài làm bìa. Muốn đọc hết bộ Đại Tạng Kanjour phải mất gần trọn một đời người. Song muốn đọc cho có hiệu quả thì còn phải có thầy chỉ dẫn mới được.
Thầy tôi chọn lấy những đoạn vừa với trình độ của tôi. Tôi khởi sự đọc mấy bài trong bộ kinh kỳ diệu ấy. Nhờ đọc tụng, tư tưởng của tôi thay đổi rất nhanh. Trước tôi còn quen theo tâm trí người Âu Tây, hay phân biệt, chia tách ra cái của mình với cái của người. Về sau tôi dần dần hòa nhập với tâm trí của người Á Đông, hay tham xét, hòa hợp. Bên phương Đông muốn thấu hiểu một vật nào, người ta nhập vào đó, làm một với nó, cho đến những vật mọn cũng vậy. Ở trong mỗi vật, đều có cái Phật tánh. Nhà hiền triết phương Đông bao giờ cũng sùng thượng cái tánh linh ấy. Nó thường trụ thường ẩn nơi sinh mạng mỗi chúng sanh, cho đến các loài vật nhỏ mọn như côn trùng, chim chuột...
Tâm tôi dần dần như được vào một cảnh giới mới. Tôi thấy mấy ông sư khổ hạnh mình trần, đi đâu cũng cầm theo một cây phất trần bằng lông chiên, bước tới một bước thì phất một cái để khỏi đạp nhằm và giết chết những sinh mạng của chúng sanh. Ngày trước, nếu nghe việc ấy chắc là tôi mỉm cười chê ngạo. Bây giờ, tôi thấu nỗi lòng từ bi của các vị. Mỗi khi có những vị sư ấy đi qua chỗ chúng tôi thì tôi chào hỏi một cách thành kính.
Những cuộc tham thiền tập cho tôi quen với sự sống về tinh thần. Người Tây Tạng cũng như người Á Đông, rất xem thường cuộc sống vật chất, không muốn tìm tòi để phát triển lên. Họ chỉ dồn nghị lực phấn đấu để đạt những sự cứu cánh về tinh thần. Theo gương họ, tôi luyện tập để thể nhập được vào chính cái yên tịnh nơi thâm tâm tôi, mà trước kia tôi đâu có ngờ. Song cũng là một việc chẳng dễ gì làm được: phải trải qua nhiều nỗ lực gay go, hiểm trở. Và tôi khó mà thuật ra hết những trãi nghiệm trong tâm tôi. Tuy vậy tôi có thể kết luận câu này: Khi mà người ta kềm giữ thân tâm theo một qui luật nhất định thì chẳng còn sự ngăn cách giữa thân thể và tâm hồn nữa. Người phương Đông nhờ các bậc thánh nhân thành đạo trực tiếp truyền mật lý cho nên dễ lần theo chân Tiên gót Phật. Chứ người Âu Châu thì đành thối bước trước những phương pháp huyền vi. Chính phải luyện phép hô hấp lâu ngày chầy tháng và rất mực cam go, lại phải nương nhờ vào một bậc thầy dắt dẫn có tài đức nữa. Phải luyện những cách ngồi, học những lời nói, vì câu chân ngôn tùy theo cơ cuộc mà có một sức mạnh lạ thường. Thân thể tôi rung động một cách điều hòa dường như dây đàn trỗi giọng dưới ngón tay nghệ sĩ. Ở trong cảnh cao vi ấy, tâm trí rất nên trong trẻo, mình nhận ra tất cả hoàn vũ đều thay đổi và mình không còn chú ý tới những quan niệm về thời gian và không gian. Bấy giờ, cái tòa sen mười sáu cánh với một ngọn lửa ở trong tim mặc tình nẩy nở và cháy bùng ra. Khi tôi lần xuống núi trở về chùa thì chân trời ánh đỏ, vì là buổi hoàng hôn. Tôi cũng thấy những màu sắc tốt đẹp phi thường chói lòa nơi mấy hòn núi tuyết phía tây, nơi ấy có đỉnh núi thiêng Everest mà những gót chân phàm tục không dễ gì bước tới.
Thỉnh thoảng, nơi cửa thiền cũng có những vị cao tăng đáng kính ghé viếng thăm. Ấy là những vị trưởng lão rất thanh bạch, từ trên am mây du hành đến miền đồng bằng. Mấy vị Lạt-ma trong chùa hỏi thăm các Ngài. Tôi được nghe những chuyện huyền bí về đời của bậc chân tu thành đạo đã diệt sự tử sanh. Tôi nghe biết bao điều linh diệu thuật lại bởi các sư.
Lâu lâu, nơi cửa thiền thanh vắng lại nghe xướng lên một bài kệ ca ngợi lòng yêu thương của chư Phật ngàn xưa. Các Ngài là bậc tiền bối của chúng ta trên đường đạo lý, đã từng làm người như chúng ta, đã từng khổ não khóc than như chúng ta, và đã từng mắc vào cạm bẫy luân hồi. Bậc đệ tử phải hết lòng kính yêu vị tổ sư điểm Đạo truyền Pháp cho mình, kính yêu đức Lạt-ma, bậc thầy, người cha về tinh thần, người sanh ta lần thứ hai vậy.
Nhờ thầy, ta mới nghe được những tiếng gọi trong cõi thâm mật và trực tiếp giao cảm với các bậc tiên thánh trong cảnh trang nghiêm nơi điện linh. Và sự mật truyền của vị Lạt-ma từ nơi miệng thầy mà qua tai trò, sự mật truyền ấy từ đời này đến đời kia, là một cái lợi khí rất đáng quý của người tu hành được điểm chứng. Giữa tình sư đệ bao giờ cũng có một sự liên lạc về tinh thần, tâm ý đôi bên đều tương thông, tuy hai mà như một. Trò trọn gởi thân vào thầy, cả hai đồng tin nhau, vừa giúp nhau, hy sinh cho nhau trên đường tinh thần và đạo lý. Giữa cuộc hòa lạc ấy, với những tâm hồn chung hợp nhau một cách thanh bai ấy, giữa những cuộc đồng bước để lên cõi giác ngộ, thì sá kể gì những cuộc luyến ái thế thường, còn kể chi những sự mê luyến ảo não và khóc than.