Những người tu hành bên Tây Tạng phân ra rất nhiều bậc, từ bậc thấp kém là bọn mê tín, ỷ lại cho đến bậc cao viễn là mấy vị tự tại, thần thông. Nhưng đó là nói về trình độ cao thấp, còn xét về phương thức tu tập, ta có thể phân ra hai hạng: hạng tu chùa và hạng tu thiền. Tu chùa là các sư trì giới, lập hạnh nguyện, nương nhờ giới hạnh mà lần đến chỗ giải thoát. Còn tu thiền là các sư quyết được trí huệ bằng vào sự nhập định nơi núi vắng rừng sâu.
Những vị tu thiền thường cho rằng việc sống đời hiền đức với giữ gìn tịnh hạnh ở chùa vốn là tốt thật, cần thật, song chẳng qua chỉ là buổi ban sơ để giúp cho mình bước lên con đường thanh cao hơn, còn lấy đó mà làm cứu cánh giải thoát thì trọn không thể được.
Còn những vị tu chùa thì cho rằng tu chùa là dễ hơn, tiện cho phần đông chúng tăng. Giữ gìn tịnh hạnh, làm việc phước đức, đọc tụng kinh kệ, gác mình ngoài vòng danh lợi, mấy sự ấy vừa sức với hết thảy mọi người. Tuy đến cõi giải thoát có lâu hơn thật, song chắc chắn hơn, vững vàng hơn. Còn tu thiền là đi đường ngay nẻo tắt, tuy nhanh chóng nhưng lại rất cam go. Một đàng như đi vòng theo hòn núi mà lần lên đỉnh, còn một đàng thì như từ chân núi mà lướt thẳng lên, vượt qua đá cao, vực thẩm. Cứng rắn lắm, hùng dũng lắm thì mới tới nơi tới chốn, còn yếu ớt, dụ dự, bỏ dở thì nguy to, thường hại tới tánh mạng, có khi vì thất nguyện mà sa vào mấy đường đọa lạc cũng không chừng.
Thực tế là những vị tu thiền ít hay sống chung trong các nhà chùa. Mấy vị này ở tịnh thất( ) và ẩn chốn đồng cát mênh mông, hoặc nơi non cao có tuyết phủ. Trong các vị tu thiền, cũng có lắm sở ý khác nhau. Người thì thấy kinh sách giảng giải chẳng thỏa chí mình, nên muốn tìm chổ yên tịnh để tự giải quyết những vấn đề cao siêu. Kẻ thì muốn đắc thuật thần thông, ngồi một chỗ mà hóa phép mầu và hàng ma phục quỷ. Có vị nghĩ rằng chắc là còn những pháp lý siêu tuyệt hơn những pháp lý mà Phật Thánh giảng độ chúng sanh, nên quyết thiền định đặng tìm cho được. Cũng có vị cho rằng dẫu làm đến bao nhiêu việc thiện cũng không đưa mình ra ngoài vòng luân hồi, chẳng bằng lên núi cao nhập định, diệt phiền não mà chứng đắc Niết-bàn cho nhanh. Ngoài ra, còn nhiều sở ý, nguyện vọng khác nhau nữa của những vị tu thiền.
Phần lớn những vị này đều xuất thân từ trước nơi nhà chùa. Song vì có nguyện vọng lớn, chí hướng cao, không thỏa mãn với sự mở mang chậm lụt của hàng tăng chúng nơi chùa, nên xin phép vị trụ trì mà tách xa, vào tịnh thất. Hễ tu thiền, nhập thất thì chẳng còn giữ phận sự hằng ngày của một thầy tăng. Tùy ý sắp xếp sinh hoạt của mình sao cho thuận tiện đều được. Song muốn cho dễ tấn hóa và khỏi lạc lầm, phải nhờ những vị cao tăng điểm đạo truyền pháp và dắt dẫn cho.
Sở ý của hạng tu thiền đã nhiều điều khác nhau, thì sự nhập thất và cảnh tịnh thất cũng rất khác nhau.
Nhập thất tức là ngăn cách mình ra bằng một tấm vách, một bực đất, một dấu ghi. Trong một hạn định nào đó, mình không được qua khỏi chỗ ngăn ấy. Đối người sơ cơ thì cần sự ngăn cách bằng tường, đất, dấu ghi. Với bậc huyền bối cao siêu, không cần lấy vật chất làm giới hạn; về tinh thần, lúc nào các ngài cũng thấy mình tách ra với thế cuộc, với sự thấp kém thông thường.
Tịnh thất có nhiều cảnh, dưới đây ghi nhận khái quát từ đơn giản cho đến phức tạp:
Có khi lập tịnh thất nơi nhà. Một vị Lạt-ma có vợ hay một người tu tại gia nguyện nhập thất trong phòng riêng, hoặc trong một gian nhà cách biệt. Khi ấy, người không hề ra khỏi thất. Trừ khi tới ngày vía Phật thì có thể đến chùa, tháp mà làm lễ rồi quay về.( )
Tùy theo bổn nguyện, có khi người được nói chuyện vắn tắt với người nhà, hoặc với một vài vị khách.
Có khi người không thấy mặt ai khác hơn là vị thị giả phục vụ cơm nước cho mình. Lúc ấy, nếu người có tiếp khách, thì khách đứng phía ngoài, có một bức màn ngăn lại, hai bên chẳng thấy mặt nhau, song có thể hỏi han nhau năm ba tiếng.
Trong một số trường hợp khác, người nhập thất chỉ tiếp xúc, trao đổi với thị giả mà thôi. Có người giữ tịnh khẩu hay cấm khẩu, chẳng nói ra một lời nào, cần lắm mới viết giấy trao cho kẻ ra vào hầu việc. Có người nhất định chẳng thấy cảnh vật ở ngoài, bèn bít cửa sổ chừa một khoảng trên thấy trời. Cũng có người bít hết cửa, chỉ để một ít chỗ hở cho không khí lưu thông mà thôi. Lại cũng có người nhất định chẳng thấy mặt ai cả. Trong trường hợp này, đồ ăn đem vào phải để ở một nơi định trước, người nhập thất tự đến lấy mà ăn. Ăn xong, đến giờ vị thị giả tự biết mà đến thu dọn chén bát về. Có người cần điều chi thì viết giấy trao cho thị giả. Cũng có người tịnh cho đến không viết chi cả. Ở ngoài đưa vào vật chi thì dùng, không đưa thì thôi, không đòi hỏi chi hết.
Nhập thất tại nhà thì không mấy lâu, nhất là đối với người lập nguyện thật gay gắt. Thường thì chừng một năm là lâu rồi, có khi ba tháng, một tháng hoặc chỉ năm ba ngày.
Thường thường, không thuận tiện lắm cho việc nhập tịnh thất ở nhà. Những tiếng xao động, những lời ăn nói với công việc của kẻ thế tục đôi khi cũng vẳng đến tai của người nhập thất, làm cho việc thiền định chẳng được hiệu quả bao nhiêu. Một số nhà chùa có cất riêng tịnh thất để dành cho người tu thiền. Tịnh thất này nhiều kiểu khác nhau. Có chỗ, người tu có thể mở cửa sổ mà ngắm cảnh sau khi xuất định. Có chỗ, chung quanh đều có bức tường chận lại, song ở trong có một cái sân trống. Vị sư có thể dạo mát nơi sân, ngồi thong thả ngoài trời, nhưng không thấy cảnh vật ở ngoài và không ai được giáp mặt với mình hết.
Đôi khi, có một chú tiểu ở nhà bếp phía sau, lâu lâu bưng cơm nước vật dụng lên. Có khi chú tiểu cất chòi ở ngoài, hoặc ở dưới chùa, mỗi ngày đem đồ ăn uống lên vài lần. Nơi vách đã đục sẵn một lỗ nhỏ có cửa khóa phía ngoài và phía trong. Chú tiểu mở khóa ngoài mà để đồ vô, rồi ra hiệu cho nhà sư biết. Cơm thì thường mỗi ngày một lần, còn nước trà thì nhiều lần.
Thường thường, thời kỳ nhập thất theo lệ là ba năm ba tháng. Có nhiều sư đúng kỳ rồi lại xin nhập nữa, nhiều lượt như vậy. Có vị nhập tịnh thất luôn cho tới mãn đời. Vì nơi ấy có sự an lạc, thỏa thích riêng, nên các ngài chẳng muốn trở về chùa, chẳng còn muốn chung lộn với phàm tăng và thế tục nữa.
Mỗi sư tu thiền đều có một vị thầy điểm đạo truyền Pháp và dắt dẫn cho. Ngay hôm nhập thất, tôn sư đến làm lễ cầu nguyện và thủ hộ. Nếu là một cuộc nhập thất gắt gao, tức là vị sư chỉ nhận đồ dùng để nơi lỗ đục vào vách và chẳng được thấy mặt ai, thì tôn sư khóa chặt cánh cửa ra vào và đóng con dấu mình vào đó mà niêm phong. Hoặc giả lâu lâu, Tôn sư đến viếng đệ tử, đặng dò xét học lực và truyền Pháp thêm. Nếu cuộc nhập thất thông thường hơn thì Tôn sư cho treo nơi cửa thất một cây phướn có ghi tên những người được phép viếng thăm. Còn nếu là cuộc nhập thất mãn đời, người ta để một cành cây khô gần vách, tỏ dấu rằng nhà sư dứt hẳn với sự việc ở trần.
Gay gắt hơn nữa, có những tịnh thất xây dưới đất, trong hang đá. Trong thời kỳ nhập thất nhiều năm hoặc trọn đời, nhà sư chẳng hề thấy ánh sáng mặt trời. Thất này, người ta gọi là động. Có cảnh động còn thấy lờ mờ. Song nếu động quanh co nhiều khúc hoặc ăn luồn vào sâu thì tuyệt nhiên tối hẳn; không khí còn tới được chớ ánh sáng bị những chỗ quanh chận lại hết. Chừng nhà sư muốn ra khỏi động, thì ra lần hồi, phải tập cho con mắt quen dần với ánh sáng mới được.
Có những chỗ tịnh thất rất xa chùa, theo sườn non, trong rừng, hoặc nơi hẻo lánh. Người ta gọi là cốc, hoặc am.( ) Trong xứ Tây Tạng, cứ tách khỏi đường cái mà đi vào sâu, lâu lâu lại thấy những cảnh am mây lưng chừng theo sườn núi, xem rất ngoạn mục. Thật là:
Phía trong, đá núi dựng lên,
Nhìn ra trước mặt, hồ xanh nước tràn!
Hoặc là:
Một bên thì núi chập chồng,
Bên kia sông rộng gương lồng bóng nga.
Hoặc nữa là:
Am mây, nhàn hạ cuộc đời,
Xem trăng lố mọc, nhìn trời rựng đông.
Ở nơi rừng núi thật rất yên tịnh, nhà sư thanh thản mà tham thiền. Tuy cũng là tịnh thất, song nhà sư không cần phải ngăn mình trong bốn tấm vách. Người có thể đi xuống suối mà múc nước, hoặc đi lấy củi, đi dạo quanh am, hoặc ngồi trên bàn đá mà tham thiền. Sự vắng lặng nơi đây rất đầy đủ, hoàn cảnh dễ cho mình tu luyện, nên chẳng cần chi giam mình trong bốn bức tường. Lâu lâu, nửa tháng hoặc một tháng, có người dưới chùa đem vật thực lên. Hoặc là nhà sư có một vài tiểu đồng lo giúp việc ấy.
Ẩn dật trên am, các vị tu thiền quyết đi theo đường ngay nẻo tắt để đạt đến chỗ giải thoát, thật không nương vào sự giáo độ( ) ở chốn già lam.( ) Thảy đều là những bậc huyền vi, tự tại, nhìn thế cuộc như bọt nước, như chiêm bao. Cũng có đôi nhà dật sĩ chán cảnh phồn hoa, bèn lui về đó mà đọc kinh sách và di dưỡng tinh thần hoặc tìm sự yên tĩnh đặng dễ bề viết sách dịch kinh.
Ngoài ra, còn có những vị sư tu trì khổ hạnh,( ) cũng là hạng người muốn đi đường tắt, từ chân núi mà lướt một hơi cho tới đỉnh núi, để ngồi một cách tự tại trên đỉnh huyền diệu, anh linh. Các vị sư này tách riêng một mình nơi chỗ xa thẳm, hẻo lánh, cất lên một cái cốc sơ sài, hay chui vào một cái động đá nào đó cũng xong. Những nơi càng xa vắng, hiểm trở, lại càng hợp với sở thích thoát tục của các ngài.
Người tầm thường nếu bị buộc ở vào cảnh ngộ của các vị sư tu thiền, chắc phải buồn rầu, chán ngán lắm, hoặc trở nên ngu xuẩn, điên dại cũng có. Thỉnh thoảng, trông thấy những cảnh tịnh thất, am mây, động đá, hang sâu, họ cũng đủ sợ sệt, kinh khủng rồi, nói gì đến sự nương mình nơi đó?
Song các vị này là những người sở ý thanh cao, tri thức quảng bác, trông rộng thấy xa. Các ngài vui tìm nơi vắng vẻ để dễ bề suy nghĩ, tham thiền. Tuy ở trong cảnh nhàn cư mà các ngài không bao giờ rỗi rảnh. Lắm khi quên cả thời giờ, không nhận ra là ngày hay đêm, vì mãi tập trung chú ý vào những sự điều dưỡng tinh thần hoặc sự hô hấp, suy xét những lẽ huyền bí, hay những vấn đề triết học tinh vi. Tâm trí để cả vào những sự suy nghiệm, hành trì, nên chẳng thấy mình cô độc, buồn chán.
Đời sống của một vị ẩn cư thật là thú vị. Nhiều vị sư khi được bước vào tịnh thất và đưa tay lên khóa chốt cửa lại, bỗng thấy mình vui sướng lạ thường. Nhiều vị sư khác, đứng trên am nhìn mấy cụm tuyết đầu mùa sa xuống dưới đồng, bèn lấy làm thích chí mà nghĩ rằng trong nhiều tháng tới đây, các đường truông đều bị phủ kín không còn ai đến quấy rối mình.
Chẳng ai có thể biết hết những hành vi của các sư ẩn cư tu thiền. Thật là đủ vẻ, đủ cách, dù bao nhiêu sách vở kể cũng không xiết. Vả lại, có ở trong cuộc thì sự hiểu nhau càng hay, còn việc ghi chép thành sách vở một cách thông thường chỉ làm mất đi sự thanh cao, huyền diệu đi vậy. Tuy nhiên, soạn giả cũng sẽ tạm kể qua ít phương pháp luyện trí của các vị tu hành nhập thất ẩn cư, để quý độc giả được biết sơ qua vậy.
Có người chẳng thông kinh thuộc nghĩa, chỉ lấy đức tin của mình mà dâng lên chư Phật, thành tâm mà trì nguyện. Giả như nguyện rằng:
Quy y Phật, Pháp, Tăng già,
Cầu cho cha mẹ ông bà quá vong,
Hãy còn luân chuyển sáu vòng,( )
Mau chân giải thoát, ngưỡng mong Phật đài.
Hoặc là niệm: Nam-mô A-di-đà Phật. Hoặc là trì danh hiệu một đức Phật, một đức Bồ-tát. Những người ấy ngồi thiền mà niệm, hoặc dùng linh phù, Pháp ấn mà niệm, nhất là lễ bái mà niệm. Trì niệm hết ngày sang đêm chẳng biết mệt nhọc, niệm cả vạn, cả ức lần một câu nguyện, một chân ngôn, một danh hiệu. Nhất là chẳng quản công lễ bái. Trước bàn thờ, đối với tượng Phật, họ lạy dập đầu sát đất. Những vị chân tu có thể nhận biết việc đắc quả nhờ ở sự thành tín mà nguyện vái và lễ bái vậy.
Cũng có người theo phép Du-già,( ) tức là họ tập phương pháp hô hấp, hít vào, giữ hơi và thở ra. Cho tiện luyện tập, phải mặc loại y phục thích hợp, thoáng rộng. Luyện được thuật Du-già thì có nhiều khả năng khác thường, như ngồi trên tuyết chẳng biết lạnh, chạy bộ cả trăm cây số rất mau... Ngoài ra lại được những sự lợi ích về tinh thần: diệt hết những mê muội, giận hờn, dâm dục, con người trở nên đoan trang, ham mộ việc tham thiền đặng tiến hóa về trí đức. Hầu hết các vị sư ở Tây Tạng đều công nhận rằng: trên con đường giải thoát, hơi thở là con ngựa, còn tâm là người cỡi ngựa.
Mỗi ngày, sau khi luyện hô hấp, người ta cũng tham thiền mà chế ra những vòng phép.( ) Nói về vòng phép, thật rất đa dạng, kể ra không xiết. Mỗi sư tùy theo căn cơ, trình độ của mình mà tập luyện. Và phải có tôn sư điểm Đạo truyền Pháp và dắt dẫn cho mới được. Vòng phép là một bản họa trên giấy, trên vải, trên chất kim, trên đá, trên cây... Người ta cũng dùng cả những cờ và phướn đỏ, đèn, nhang ... hợp lại mà sắp ra vòng phép. Người ta cũng chế vòng phép vào vách phòng hay trên mặt đất, dùng phấn màu mà vẽ một cách phân biệt tỉ mỉ. Cỡ nhỏ hơn hết bằng bàn tay và cỡ lớn đường kính đến ba bốn thước. Có nhiều vị ngồi năm này đến năm kia mà luyện vòng phép. Phải được điểm Đạo truyền Pháp mới có thể luyện vòng phép. Một cái vòng phép chế ra bởi người chẳng được chân truyền không có giá trị gì hết. Ấy là một vật chết, chẳng cử động, chẳng cảm xúc, chẳng có sức linh hiển.
Các vị sư tu thiền trong tịnh thất, trong am, cốc, thường luyện vòng pháp, vẽ hình tượng rồi làm lễ khai quang điểm nhãn để biết sức nhập định của mình. Các ngài luyện phép này xong, lại luyện qua phép khác.
Các ngài cũng luyện vòng phép về tinh thần, tức là không cần phấn màu hoặc đồ vật chất nữa. Các ngài dùng tư tưởng mình mà vẽ ra một cái vòng. Hoặc là không vẽ cũng được. Rồi nghĩ đến hình dáng của một đức Phật hay Bồ-tát. Ban đầu, trong khi nhập định, chỉ thấy có một đức Phật hay Bồ-tát ấy mà thôi. Lâu dần, lại thấy có nhiều vị hầu quanh, thường thường là ba, bốn vị, có khi cả ngàn, cả muôn vị cũng có. Khi thấy đủ rồi, tức là thấy rõ ràng một vị ở chính giữa, có nhiều vị theo vây quanh, bấy giờ mới tưởng tượng thấy từng vị tản nhập lần hồi vào trong vị ở giữa. Cuối cùng chỉ còn có một vị ở giữa mà thôi. Vị này rồi cũng khởi sự tan dần. Trước hết là từ hai bàn chân, kế tới thân hình, lên đầu, và sau rốt toàn cảnh chỉ còn lại một cái chấm mà thôi. Cái chấm này sậm có, màu có, sáng suốt cũng có. Người thầy dắt dẫn theo chỗ đặc biệt này mà biết trình độ, chí hướng của đệ tử. Sau cùng, cái chấm ấy như đến người nhập định và nhập vào. Ở đây, vị thầy dắt dẫn cũng để ý tới chỗ mà chấm ấy nhập vào.
Nếu do nơi trán chỗ hai chân mày đâu lại mà nhập vào thì tốt hơn hết. Bấy giờ, người tu thiền lại cho cái chấm ấy trở ra. Hiện thành cái đầu, đến thân hình, rồi đến toàn thân vị Phật hoặc Bồ-tát cùng với tất cả các vị theo hầu. Người cứ cho hiện ra và nhập lại vào mình mãi, cho đến khi nào thuần thục hẳn mới thôi.
Cũng có vị tưởng tượng một đóa hoa sen. Hoa sen ấy nở ra. Trên mỗi cánh thấy ngự một vị Bồ-tát, và giữa hoa có một vị trung tâm. Hoa sen nở ra rồi, lại thấy khép lại. Mỗi cánh hoa khi khép vào thì phóng hào quang vào giữa hoa sen. Khi trọn cái hoa sen nở đã khép lại thành búp rồi, thì có hào quang chiếu vào người đang tham thiền. Sự nhập định về hoa sen như vậy cũng có rất nhiều cách khác nhau.
Cũng có vị nhập định, thấy chư Phật, Bồ-tát hiện đến với mình. Ngài thì ngự trên đầu, ngài thì ngự trên vai, ngài thì ngự trên cánh tay, trên bàn tay, khắp chỗ trên thân mình. Người tu hành thấy được cảnh này, lấy làm khoái lạc lắm. Bấy giờ dù ở nơi tịnh thất lạnh lẽo nhưng vẫn cảm thấy mình sung sướng vô cùng. Người ngồi thiền cũng có thể thấy chư Phật hiện đến mình, có thể nhận ra chư Bồ-tát ban phép lành thủ hộ mình và thốt lời diệu âm khen tặng mình. Bấy giờ người thỏa chí đến cực điểm. Rồi người nhập định muốn thấy các ngài hiện ra lúc nào cũng được. Người tu do đó mà hiểu được lẽ này: Phật tức Tâm, Tâm tức Phật. Ấy là đúng theo ý câu thơ của vị thánh tăng kiêm thi sĩ Milarespa:
Phật và Bồ-tát hành hào,
Do tâm xuất hiện, tản vào nơi tâm.
Nhà sư tu thiền đắc phép định cao siêu thì muốn thấy cảnh giới nào cũng được, muốn trông thấy đức Phật, đức Bồ-tát nào cũng được. Nhờ thiền định, mà người trở nên thần thông, trí tuệ và đắc chánh lý của Phật, tức là cái lý này:
Phật, tiên, thần, quỷ cõi trần,
Thảy đều bào ảnh, chẳng ngần ngại chi;
Bao nhiêu nhân vật cõi này,
Do tâm tạo tác, nhập thì vào tâm.
Và đắc cái lý ấy tức là đắc Đạo vậy.