Sự hành thiền trong kinh "Treasury of Knowledge" (Kho Tàng Hiểu Biết) mô tả theo kết cấu truyền thống của các đại thiền sư. Văn bản rất quan trọng vì các vị mô tả và giải thích giáo nghĩa của đức Phật, lời chỉ dẫn cũng rất quan trọng vì đó là từ kinh nghiệm thật chứng thiền của ngài. Trước tiên, chúng ta hãy bắt đầu với sự cấu tạo theo truyền thống được mô tả thiền theo dạng năm lỗi có thể khiến cho sự hành thiền sai lạc, tám cách để loại bỏ những lỗi này.
NĂM LỖI
Khi hành thiền, bạn phải nhận diện kinh nghiệm xảy ra khi ngồi và những lỗi để được diệt bỏ. Có năm lỗi phải loại bỏ qua tám điều đối trị. Năm lỗi này ngăn chặn thiền quán phát triển được mô tả bởi tôn giả Vô Trước theo lời dạy của Bồ-tát Di Lặc trong kinh "Differentiation of The Middle Way from The Extremes" (Sự Khác Biệt Của Trung Đạo Từ Hai Cực Đoan). Văn bản này cho biết nếu tâm có thể an trú trên một đề mục, thì tâm ấy trở nên dễ uốn nắn và vững chãi trong định nên hành giả có thể điều khiển tâm theo ý của mình. Trái lại tâm bình thường như cỡi ngựa hoang, khi chúng ta cởi con ngựa hoang chúng ta không thể dừng trụ một chỗ và không thể đi đâu tùy ý muốn. Nhưng nếu tâm đã thuần thục và dễ uốn nắn, chúng ta tùy ý muốn tâm, làm gì cũng được. Chúng ta có thể dùng tâm để gia tăng trí tuệ và sự hiểu biết, nếu chúng ta cần năng lực phi thường, khả năng nhìn thấu suốt, chúng ta có thể thành công như ý. Cách để ta đạt được một tâm như thế phải qua sự loại bỏ năm điều lỗi trong thiền quán.
Thứ nhất là giãi đãi lười biếng ngăn chặn ta áp dụng thiền quán vì sau khi nhận lời chỉ dạy hành thiền chúng ta không khởi sự thực tập. Có ba loại giãi đãi. Thứ nhất là hôn trầm, không thích làm gì hết trừ ngủ nghỉ. Thứ hai, quyến luyến hành vi thế tục nên kết quả không hứng thú thực hành giáo pháp hay thiền quán. Thay vào đó dấn thân vào các hành động thế tục như săn thú, nói dối, gạt người vv... những hành động này chỉ để vui chơi, suy tư nhiều về nó nên thành thói quen. Mặc dù có tinh tấn, nhưng nó làm chướng duyên cho sự tu tập giáo pháp. Đây gọi là bám víu vào hành động tiêu cực. Thứ ba là thoái chí và tự cáo lỗi, kết quả do nghĩ "ai cũng hành thiền được, nhưng tôi thì không thể, người khác thông hiểu giáo pháp, nhưng tôi thì không." Sự thật là ai cũng có thể hành thiền và tiến lên, nhưng vì ta đánh giá thấp khả năng mình, đây gọi là tự chối bỏ.
Lỗi thứ hai là quên bẵng lời chỉ dạy, vì thiếu sự tỉnh giác về cách ngồi thiền đúng. Khi hành thiền, bạn cần phải thật rõ ràng những gì mình phải làm, những lỗi nào cần phải loại bỏ, những đối trị nào cần phải loại trừ, và những đối trị nào cần phải áp dụng. Vì thế bạn cần phải nhớ kỹ lời chỉ dạy.
Lỗi thứ ba là chướng duyên sững sờ và xao động. Hai lỗi này có thể hợp lại làm một. Tâm sững sờ bị lu mờ và buồn chán. Trạng thái tâm này thuộc dạng mất sự trong sáng khôn lanh. Vi tế hơn, tâm có một chút trong sáng nhưng rất yếu ớt. Có hai loại trạo cử. Loại thô tế là khi bạn cứ suy nghĩ về hành vi quá khứ hay những cuộc vui đã qua nên tâm không có thể yên để chuyên chú vào đề mục nào. Trong dạng vi tế, bạn có chút ít sự yên tĩnh tâm, nhưng vẫn có ý niệm vi tế lãng vãng phát khởi. Vậy có hai loại sững sờ và hai loại trạo cử làm chướng duyên trong lúc thiền quán khiến cho tâm mất đi sự tĩnh lặng và trong sáng.
Lỗi thứ tư là ứng dụng quá thấp, khi sự buồn chán xảy đến hay trạo cữ nổi lên trong khi hành thiền, bạn đều nhận ra, nhưng không áp dụng pháp đối trị. Nếu không đối trị thì không thể phát triển thiền quán.
Lỗi thứ năm là ứng dụng quá nhiều. Thí dụ, chán nản hay trạo cữ có thể xảy đến, dùng pháp đối trị ngay thì lỗi kia tự dứt. Nhưng bạn lại cứ tiếp tục dùng pháp đối trị mặc dù không còn cần thiết nữa. Đây lại là lỗi. Khi hết trạo cử thì bạn chỉ nên an trú thản nhiên.
Mặc dù buồn chán và trạo cữ có cá tánh riêng, nhưng đối với việc hành thiền thì bị ảnh hưởng. Chướng duyên của chúng giống nhau nên có thể coi như một lỗi. Hệ thống này liệt kê năm lỗi. Hệ thống trong kinh "The Stages of Meditation"(Giai Tầng Thiền Quán) của tôn giả Liên Hoa Giới cho là sáu lỗi.
TÁM ĐỐI TRỊ
Để cho thiền quán được tiến triển, bạn phải loại bỏ năm lỗi. Trước tiên bạn phải nhận ra những lỗi này, rồi bạn phải áp dụng cách loại bỏ chúng, pháp ứng dụng này gọi là tám pháp đối trị.
Như mô tả trước, có tám pháp tâm vương. Trong tám tâm này, sự biến chuyển xảy ra. Quá trình tâm thức này đôi khi tốt đôi khi xấu. Quá trình tâm thức này được diễn tả trong dạng năm kết hợp: Hình thể, xúc, cá tánh, sự kiện tâm linh, và thức. Bài này diễn tả những chuyển biến xảy ra trong các tâm vương này. Phân tích các kết hợp của sự kiện tâm linh có 51 pháp như giãi đãi, quên lãng vv.... năm lỗi này và tám pháp đối trị nằm trong 51 pháp.
Lỗi thứ nhất là giãi đãi, là một chướng duyên có năng lực khá mạnh đối với thiền quán. Có bốn sự kiện đối trị sự giãi đãi này. Thứ nhất là khao khát hay hứng thú đối với thiền, có nghĩa là bạn thích hành thiền và vui sướng được ngồi thiền. Bạn có thể nói là bạn quyến luyến đối với sự hành thiền, nhưng sự luyến ái này là tích cực, nên dùng từ khao khát vì luyến ái cái gì đó là tiêu cực và độc hại. Nếu như luyến ái ngồi thiền thì sự luyến ái này là tích cực, vì nó có thể mang đến tích cực. Nếu bạn thích hành thiền, thì tự nhiên sự giãi đãi sẽ tiêu mất không còn ngăn trở sự tu tập của bạn. Nếu luyến ái tiêu cực thì không mang đến kết quả tốt.
Đối trị thứ nhì là nhiệt tâm. Nếu bạn thích thú vào động cơ tu tập, thì bạn không cần phải bắt buộc để thiền quán, sẽ tự động có nhiệt tâm tự nhiên để thiền quán.
Đối trị thứ ba cho giãi đãi là lòng tin. Mặc dù giống với cách đối trị thứ nhất, khát vọng có nghĩa là bạn có môt cái gì đó để khao khát mong cầu trong khi lòng tin là tin tưởng vào cái gì đó rất tôn quý.
Đối trị thứ tư được gọi là (thuần thục) cũng được dịch là dễ uốn nắn hay linh hoạt. Có nghĩa là tâm bạn rất sẵn sàng bất cứ lúc nào để hành thiền. Bạn không cần phải nghĩ "Ồ! Bây giờ tôi đi ngồi thiền thật là mệt, rất khó." Không có sự mềm dẻo của tâm thuần thục và thân linh hoạt bạn không thể có chân định, mà chỉ là nhất tâm. Chúng ta có thể dùng năng lực để tâm có được nhất điểm, nhưng nếu chúng ta có sự linh hoạt mềm dẻo, thì tâm tự nhiên sẽ an trú không cần dùng sức. Bốn đối trị này sẽ loại bỏ lỗi của sự giãi đãi.
Đối trị thứ năm là tỉnh giác để đối trị sự quên lãng lời chỉ dạy của thiền quán. Bạn có được trạng thái mà bạn sẽ không thể quên. Tỉnh giác có ba. Thứ nhất, bạn có sự sắc bén và trong sáng khiến tâm không quên. Thứ hai, mặc dù tâm sắc bén và chuyên chú, rất ít vọng tưởng phát sanh vì thiền quán không khái niệm nên tâm tự động chuyên nhất tâm vào đề mục. Thứ ba, vì bạn tin tưởng và có lòng tin, có sự mềm dẽo và dễ uốn nắn của sự thuần thục, hành thiền sẽ trở thành niềm vui thích và thoải mái. Ba khả năng này khiến cho bạn hành thiền không quên được lời chỉ dạy.
Lỗi thứ ba là hôn trầm và loạn động. Thứ nhất, bạn cần phải nhận ra loạn động hay hôn trầm xảy ra khi ngồi thiền. Khi bạn nhận diện ra chúng thì nên áp dụng pháp đối trị ngay. Có ba pháp để loại bỏ. Thứ nhất, khi bạn nhận diện ra hôn trầm, bạn nên hình dung trong tim bạn một bông sen bốn cánh có điểm trắng ngay giữa. Hình dung bông sen trên đỉnh đầu cao bốn ngón tay trên tóc. Khi trạo cử hay nhiều vọng tưởng, bạn hình dung bông sen đen úp xuống, bốn cánh đen trong tim có một điểm đen ở giữa. Hình dung nó đi xuống đất, dưới chỗ ngồi độ bốn ngón tay. Đối trị thứ hai cho hôn trầm là mở mắt to, nhìn thẳng lên. Để loại bỏ trạo cữ, khép mắt lại phân nửa, nhìn xuống, thư giãn toàn thân. Đối trị thứ ba cho chán nản là ngồi nơi quang đản, mở tất cả cửa sổ làm phòng sáng lên cho mát và mặc đồ nhẹ. Xao động thì phòng phải được ấm và nên mặc đồ dày.
Lỗi thứ tư là ít vận động nên bạn bị giao động và buồn chán trong khi hành thiền và không làm gì cả. Khi đó bạn sẽ bị bao phủ bởi năng lực này và vì thế không thể tiến đến giải thoát. Khi bạn nhận ra rằng mình bị buồn chán và giao động trong lúc ngồi thiền bạn cần phải nhớ áp dụng pháp đối trị ngay. Vì dùng pháp đối trị đúng thì sẽ loại trừ lỗi này.
Lỗi thứ năm là quá năng nỗ, có nghĩa là khi bạn ngồi thiền không có năm lỗi này, bạn không cần phải làm gì cả. Chỉ cần an trú vào trạng thái thiền. Như thế sẽ không có lỗi năng nỗ.
Tóm lại, tám pháp đối trị này có thể loại trừ năm lỗi.
SÁU NĂNG LỰC, CHÍN GIAI ĐOẠN VÀ BỐN KẾT HỢP
Trong kinh "The Treasury of Knowledge" có hai giáo pháp giảng dạy từ hai truyền thống khác nhau. Thứ nhất là thiền chỉ theo truyền thống kết cấu do các thiền sư và các vị thánh tăng tiền bối biên soạn. Văn bản chỉ dạy thiền quán rất dễ hiểu. Thứ hai là loại thiền chỉ theo lời chỉ dạy từ sự thực tập theo truyền thống, do các vị thánh tăng đắc đạo diễn tả kinh nghiệm có được từ kinh nghiệm thiền quán. Cách diệt trừ các lỗi để phát triển khả năng trong khi ngồi thiền. Sau đây là thiền theo truyền thống thứ nhất.
Có sáu năng lực để loại trừ các lỗi trong khi thiền định và làm cho tâm được yên. Sáu năng lực này sẽ đem lại chín giai đoạn khiến cho tâm yên.
Chín giai đoạn an tâm có được từ sáu năng lực và bốn loại cam kết.
Năng lực thứ nhất là năng lực nghe để nhận lãnh lời chỉ dạy. Phát triển giai đoạn đầu của định gọi là trụ hay an trú tâm. Tâm bình thường hay phân tán bởi vọng, nên cần phải trụ tâm lại để khỏi bị pháp trần làm xao lãng. Điều này đạt được nhờ vào năng lực nghe. Bạn nghe lời chỉ dạy của đức Phật giáo huấn trong bài bình luận, và sự giảng dạy của các vị thiền sư hay thánh tăng. Qua đây, bạn hiểu thông cách hành thiền, an trú tâm thế nào. Ngài Marpa nói rằng nghe và suy gẫm lời dạy như ngọn đuốc chiếu rọi bóng đêm vì nếu bạn có nguồn ánh sáng này, bạn sẽ thấy nơi bạn tới có nguy hiểm gì không.
Năng lực thứ nhì là Tư duy hay phản ảnh, có nghĩa là bạn sẽ duyệt qua lời dạy bằng trí suy luận hợp lý. Với năng lực này bạn sẽ phát sanh giai đoạn hai của sự an tâm, gọi là an trú tiếp nối. Giai đoạn đầu bạn trụ tâm khoảng năm phút, giai đoạn hai có thể lâu hơn, mười phút chẳng hạn. Hai năng lực này thành tựu cam kết thứ nhất, gọi là kỷ luật hay kiểm soát. Cam kết thứ nhất, tâm được kiểm soát và chuyên chú bằng kỷ luật.
Năng lực thứ ba là tỉnh giác. Điều này tựa như pháp đối trị cho không quên lời chỉ dạy trên. Năng lực tỉnh giác phát sanh giai đoạn ba của sự an tâm gọi là tái thành lập sự an trú. Có nghĩa là khi hành thiền, vọng tưởng sẽ sanh và bạn sẽ nhận biết bạn bị phóng tâm, bạn có thể trở về trạng thái an trú, liên tục như thế. Đây là trạng thái tái thành lập để trụ tâm. Năng lực này từ năng lực tỉnh giác vì bạn nhận biết tâm xao lãng bởi vọng tưởng. Với sự tỉnh giác bạn nghĩ "tôi sẽ không bị vọng lôi kéo" và trở về trụ tâm vào thiền. Năng lực tỉnh giác này phát sanh giai đoạn bốn của an tâm, gọi là tăng cường sức an trụ, lúc trước tâm chuyên chú rộng, bây giờ sự chú tâm hẹp lại. Sự chú tâm vào đề mục sẽ hẹp dần, mục đích để tâm chú mục vào đề mục rất vi tế.
Chúng ta làm cách nào để ngăn chận vọng tưởng tiếp tục phát sanh? Văn bản cho biết tâm rộng thênh thang, vọng cứ liên tiếp nổi lên và phóng đi tứ phía. Tâm phải được thu vào trong và làm hẹp lại. Trạng thái này là tăng cường sự an trú, giai đoạn thứ tư của định. Năng lực cần thiết là năng lực thứ ba của tỉnh thức. Chúng ta cần ghi nhớ lời dạy của đức Phật, lời bình luận và sự giảng dạy. Chúng ta cũng cần phải cảnh giác sự xao lãng để khi bị phóng tâm ta biết trạng thái này ngay, không bị lôi cuốn vào vọng tưởng, chỉ để chúng yên và trở lại an trú trong thiền. Thỉnh thoảng khi hành thiền vọng tưởng nổi lên ta nghĩ, "ý tưởng này quan trọng, tôi phải suy tư thêm". Vì thời gian ngồi thiền ngắn hạn, bạn nên tự nghĩ bạn sẽ suy tư về ý tưởng đó thêm khi hết thời gian thiền tập.
Tôn giả Tịch Thiên, Santideva, cho một ví dụ nói lên tại sao lại cần thiết có sự tỉnh giác. Ngài nói rằng vọng tưởng và ngũ độc giống như bọn cướp chúng sẽ nhìn coi người bị cướp có khỏe và mạnh không. Nếu ốm yếu chúng sẽ cướp. Nếu chúng thấy người bị cướp có vũ khí, có khí thế chúng sẽ rút lui. Giống thế, hành giả có sự tỉnh giác và nhận thức thì sẽ không mất sự thực tập. Nếu không có sự tỉnh giác thì vọng tưởng và các độc sẽ khởi sanh cướp đi thiền quán và phá hủy thiền định. Phương thức đối trị để ngừa tâm độc và vọng tưởng là có được sự tỉnh giác và nhận thức.
Tâm giống như cửa cái. Những gì bước vào, trộm cướp hay của báu đều qua cửa. Giống thế, nếu khả năng tích cực hay tiêu cực đi vào đều qua tâm. Nếu bạn đi vào nhà băng, thì có lính giữ cửa. Tâm bạn giống như cửa, cần phải có sự tỉnh giác hiện hữu luôn. Người lính không đủ, phải cần có vũ khí là sự nhận thức. Nếu cảnh giác và nhận thức luôn có mặt thì vọng tưởng và tâm độc không thể vào cướp đi những gì tích cực.
Năng lực thứ tư là nhận thức, có nghĩa là bạn biết rõ ràng những gì xảy ra. Thường thì chúng ta không nhận biết những gì xảy ra, nhưng năng lực nhận thức này cho ta hai giai đoạn an tâm, là, giai tầng thứ năm thuần hóa, giai tầng thứ sáu là hòa dịu. tâm thường tình rất khó hành thiền. Với năng lực thuần hóa chúng ta nhận ra khả năng và lợi ích của thiền. Lợi ích cho ta và người, thiền định sẽ giúp chúng ta phát sanh những năng lực phi thường và nhìn thấu suốt tăng trưởng trí tuệ. Nhận thức tất cả khả năng này là kết quả của thiền quán sẽ khiến chúng ta ham thích hành thiền để thuần hóa tâm. Năng lực nhận thức dẫn đến giai tầng thứ sáu của an tâm gọi là hòa dịu, những gì quan trọng sau khi hành thiền là trạng thái tỉnh giác và nhận thức. Với sự tỉnh giác chúng ta không quên tình huống của tâm và với sự nhận thức ta luôn luôn rất rõ những gì xảy ra. Đối với những ai muốn luyện tâm, tôn giả Tịch Thiên nói "tôi xin chấp tay lạy trước sự tỉnh giác và nhận thức”, nên nó thành quan trọng. Sự tỉnh giác và nhận thức cũng rất quan trọng trong những buổi hành thiền, và sau buổi tu tập, nên giữ sự tỉnh giác và nhận thức càng nhiều càng tốt.
Ở giai đoạn an bình này chúng ta nhận biết phẩm chất tiêu cực của sự xao lãng. Tôn giả Tịch Thiên giải thích khi ta xao lãng cũng như đang ở giữa nanh nhọn của dã thú ngũ độc, vì tâm phóng dật khởi sanh rất nhiều điều nan giải cho tâm thức sau này. Trạng huống phóng dật sẽ làm gia tăng khả năng tiêu cực của tâm càng ngày càng mạnh. Nhận biết rõ sẽ là động cơ thúc đẩy chúng ta tu tập thiền quán.
Năng lực thứ năm là tinh tấn. Năng lực này phát sanh giai tầng thứ bảy của sự an tâm, nó hoàn toàn an dịu. Giai tầng hòa dịu trước, chúng ta suy gẫm về khả năng của thiền quán và những lỗi của xao lãng để diệt bỏ chúng. Thỉnh thoảng, với chướng duyên mạnh như đau khổ, hối hận hay nóng nảy, chỉ nghĩ tới khả năng tốt của thiền không dẹp bỏ được ngay. Thay vào đó chúng ta cần sức mạnh của tinh tấn để loại bỏ tất cả chướng duyên mạnh như bám víu, vô minh v.v... có thể tạo thành giai tầng thứ bảy ổn định về thiền quán.
Năng lực của tinh tấn cũng phát sanh giai tầng thứ tám cho tâm an định, gọi là nhất tâm vì tất cả tâm xao lãng mạnh đã được loại trừ thì tâm có thể an trú một cách nhất tâm. Ở giai đoạn nhất tâm chúng ta có thể hành thiền không tốn năng lực, năng lực tinh tấn được áp dụng để giữ trạng thái nhất tâm này.
Tâm cam kết thứ nhất là điều khiển chặt chẽ sự cam kết, làm việc chung với hai giai tầng thứ nhất của tâm an định. Cam kết thứ hai là không gián đoạn, liên kết với giai tầng thứ ba qua tới giai tầng thứ bảy của an định. Cam kết gián đoạn có nghĩa là bạn an trú tâm trong trạng thái vững, thì bị gián đoạn bởi lỗi và phải dùng pháp đối trị. Bạn cứ phải lập đi lập lại như thế và sự định tâm bị gián đoạn mãi. Ở giai tầng thứ tám của nhất tâm, bạn phát sanh cam kết thứ ba là không gián đoạn. Ở điểm này tâm chuyên chú vào một điểm và an trụ ở đó không gián đoạn.
Năng lực thứ sáu là quen thuộc. Ở giai tầng này tâm an trú tự nhiên không cần sức hay kỷ luật. Cam kết thứ tư liên hệ tới năng lực có mặt tự nhiên của tâm thức; giai đoạn thứ chín là an trú trong sự bình thản, giai đoạn thứ chín với năng lực thứ sáu và cam kết thứ tư, tâm an trú trong sự bình thản, thư giãn không cần nỗ lực. Đây là giai đoạn chót của tâm an định.
Năm lỗi và tám pháp đối trị được giảng dạy trong quyển "Differentiation of The Middle Way From The Extreme", của tôn giả Vô Trước và là một trong năm trước tác của Bồ Tát Di Lặc. Lời Phật dạy chia ra thành kinh, luật và A tỳ đạt ma. Quyển "Differentiation of The Middle Way From The Extreme" là bài bình giải về A tỳ đạt ma. Chín giai đoạn của tâm an định được giảng dạy trong quyển "Ornament of The Mahayana" bởi ngài Vô Trước. Văn bản này giảng giải và đưa ra các luận điểm rõ ràng của kinh. Sáu năng lực và bốn cam kết được tìm thấy trong năm luận án của ngài Vô Trước "The Level of Sravakas." (Giai Tầng Thanh Văn Thừa).
Tóm lại, khi hành thiền, các lỗi sanh khởi ngăn chúng ta tiến triển trên đường tu tập.
Khi Bồ tát hành thiền, các vị nhận rõ các lỗi sanh khởi, nhận diện chúng và có thể dùng pháp đối trị để loại bỏ chúng. Nếu chúng ta không nhận diện được các lỗi khi hành thiền thì không thể tiến lên quả vị Phật. Qua lời giáo huấn chúng ta có thể nhận ra các lỗi này và biết dùng cách đối trị đúng theo lời giáo huấn, bạn chỉ có thể kinh nghiệm thẳng không nên chỉ học cho biết. Như khi năm lỗi phát sanh trong khi hành thiền, chúng ta nên dùng tám pháp đối trị cùng dùng sáu năng lực và bốn cam kết đối trị. Lại, qua sự tu tập, chúng ta có thể xác định rõ tầng bậc mà chúng ta đạt được. Vì thế, lời giáo huấn này rất quan trọng và chúng ta cần hiểu cho thông suốt.
KHẨU TRUYỀN THEO TRUYỀN THỐNG
Lời giảng giải về định được truyền thẳng từ thầy sang trò từ xưa. Đệ tử trước tiên nhận lời huấn thị từ thầy về định như trong sách này. Giai đoạn đầu là kinh nghiệm chưa vững. Khi bạn mới bắt đầu hành thiền, bạn thấy tâm không yên với rất nhiều ý tưởng sanh khởi, tốt cũng như xấu, giống như dòng thác chảy xuống triền núi. Khi nước đụng đáy, văng lên tung tóe tạo ra nhiều lượn sóng. Trong lúc vận công bạn cảm thấy như chưa bao giờ có nhiều tư tưởng như thế và nghĩ "tôi thật tệ". Nhưng, thật ra bạn không có sanh thêm tư tưởng, mà, trước khi vận công, bạn chưa hề nhận ra những tư tưởng trong tâm mình. Bạn không phân tách và để ý tới chúng. Hành thiền là lúc chúng ta đối diện với ý tưởng vì bạn sẽ để ý tới vọng tưởng của mình.
Khi bạn hạ thủ công phu hành thiền liên tục, bạn bắt đầu có kinh nghiệm thứ hai, kinh nghiệm kiến thức, với kinh nghiệm này bạn bắt đầu cảm nhận mình thành tựu tốt về tu tập. Kinh nghiệm này giống như dòng suối chảy xuống rãnh bên sườn đồi. Dòng suối còn thô bạo với nhiều sóng, nhưng không còn vũ bạo như thác nước.
Giai đoạn kế trong thiền dễ hơn trước, giống như dòng nước chảy chậm. Thiền quán dễ hơn nhưng vẫn chưa được trạng thái liên tục trong định không còn vọng tưởng nổi lên, nhưng không quá rối loạn. Có một cảm giác nhẹ nhàng trôi chảy vì năng lực vọng tưởng bớt đi. Giai đoạn ba này là kinh nghiệm quen thuộc.
Đoạn bốn là kinh nghiệm ổn định vì trạng thái này liên tục ổn định không còn vọng tưởng. Vào giai đoạn này bạn đạt sự vững chãi, làm chủ được tâm mình, giống như biển yên gió lặng.
Tầng năm là kinh nghiệm hoàn toàn an định. là giai đoạn chót bạn không còn bị quấy nhiễu nữa. Chỉ còn lại kinh nghiệm hỷ lạc, trong sáng và không vọng tưởng. Thí dụ, trong lúc hành thiền, bạn có thể kinh nghiệm cảm giác hỷ lạc mạnh và sau đó lại biến mất. Một hôm đột nhiên một sự trong sáng phát sanh bạn có thể nghĩ "kinh nghiệm gì đây?" Có thể bạn kinh nghiệm một trạng thái trống không không khái niệm. Đây là ba kinh nghiệm có thể xuất hiện trong định thiền chỉ. Ở giai đoạn này bất cứ gì xảy ra đều không ảnh hưởng tâm ổn định và bạn không bị ảnh hưởng bởi tình huống này. Kết quả là bạn có được một tâm trong sáng không còn buồn chán và mê mờ. Kinh nghiệm này có thể ví dụ như ngọn đèn cầy đang cháy không bị gió lay. Một khi thông suốt vạn pháp có hai khía cạnh về trí thông suốt này: Khía cạnh trong sáng và khía cạnh thanh tịnh. Trong sáng khi nhìn vạn pháp với kiến thức sắc bén, hiểu mọi vật rõ ràng từng chi tiết. Khía cạnh thanh tịnh là khi không còn vết nghi hoặc, không có giao động. Hoàn toàn trong sạch (một sự hiểu biết vô nhiễm).
Thường khi chúng ta có một vài sự vững chãi và kinh nghiệm tốt về thiền định, liền nghĩ "Thật tuyệt! Tôi trở thành thánh" Trái lại, khi kinh nghiệm xấu xảy ra, lại nghĩ "Thật tệ, tôi sai rồi." Bất cứ kinh nghiệm gì xảy ra, tốt hay xấu, bạn nên cứ tiếp tục hành trì, nếu kinh nghiệm tốt đừng nghĩ mình giỏi, nếu kinh nghiệm xấu, đừng chán nản, cứ bình thản hạ thủ công phu tiếp tục. Khi ngài Gampopa có kinh nghiệm nằm mơ thấy mạn đà la của thần Hevajra hiện ra, và khi hành thiền, vị deity của Ngài hiện ra, Ngài liền hỏi tôn sư ngài Milarepa ý nghĩa gì. Ngài Milarepa luôn luôn trả lời không gì quan trọng, không tốt không xấu, cứ tiếp tục hành trì. Đôi khi tôn giả Gampopa cũng gặp kinh nghiệm xấu khi hành trì. Có một lần cả trái đất quay tròn cho tới khi ngài nôn mửa; lúc khác, cả bầu trời tối đen làm Ngài phải bò xuống đất để tìm lối đi. Có lần Ngài nghe một tiếng động thật lớn không biết từ đâu và tưởng mình phát cuồng. Khi Ngài hỏi thầy mình, Milarepa, tôn giả trả lời, không gì quan trọng, không tốt cũng không xấu, cứ tiếp tục hành trì. Giống thế, chúng ta nên cứ tiếp tục hành thiền dù gặp kinh nghiệm tốt hay xấu.
ĐẠT ĐỊNH
Cho tới đây, theo truyền thống giáo điều và truyền miệng của thiền đã được giảng giải. Bây giờ chúng ta bàn tới kết quả của thiền hay sự thành tựu của thiền. Kết quả thiền là kinh nghiệm hỷ lạc của tâm và thân, gọi là "thuần thục". Rèn luyện là nhân, kết quả là thành thục. Trong văn bản cho biết nếu hành giả chưa đạt tới trạng thái được thuần thục, tâm lẫn thân, thì chưa thật sự đạt tới trình độ cao nhất (cam kết thứ tư) và sau rốt (thứ chín) của tâm ổn định, nếu hành giả chưa đạt tới trình độ thân và tâm thuần thục, hành giả chưa đạt định. Lời này giải thích được sự an bình. Nếu bạn có một tâm và thân hoàn toàn thuần thục, thì sự hành thiền của bạn sẽ được kinh nghiệm hỷ lạc. Nếu trạng thái nào mạnh bạn sẽ kinh nghiệm cảm xúc đó trước, trong lúc tu tập, và sau khi xả thiền. Năng lực của trạng thái thuần thục phát sanh một sự nhận thức thật minh bạch để bạn có thể thấy vạn pháp từng chi tiết nhỏ, tới những hạt nhân nhỏ nhiệm. Thật ra có tới ba khả năng đặc biệt của thân và tâm thuần thục. Cảm xúc hỷ lạc, nhận thức thật minh bạch, và cảm xúc của mười đặc tính tan biến. Mười đặc tính là: Xúc giác, thị giác, âm thanh, nghe, nếm và thời gian, nhận thức về thời gian quá khứ, hiện tại và tương lai, và nhận thức về giới tánh nam và nữ. Khi an trú trong định, bạn sẽ thấy như hòa nhập vào không gian, không còn khái niệm về mười khả năng này, dường như mọi vật đều tan biến. Rồi sau khi xả thiền, đột nhiên bạn cảm nhận thân bạn hiện ra.
MỤC ĐÍCH ĐẠT ĐỊNH
Trong kinh tạng và mật tông nói định là căn để cho tất cả pháp thiền quán. Tất cả trạng thái thiền, gồm luôn vi diệu pháp, phát xuất từ và tùy thuộc vào sự tiến triển sức định. Thí dụ, nếu bạn muốn trồng cây, cần phải có đất tốt thì cây mới lớn mau. Nếu đất khô cằn, dù bạn cố gắng nỗ lực thế nào thì cây cũng không mọc được. Giống thế, nếu bạn đạt định, thì bạn sẽ dễ phát sanh năng lực phi phàm, nhìn thấu vạn pháp và trí tuệ. Hành thiền tốt sẽ diệt trừ tất cả tiêu cực của tâm để có trạng thái an tĩnh. Không cần biết những gì xảy ra, như thân thể đau, khổ cực, chướng duyên hay rối loạn, sự đau khổ này không thể hại bạn vì tất cả điều này đã được tâm an định tiêu trừ.
Tôn giả Liên Hoa Giới (Kamalasila) nói trong quyển thứ nhất "Stages of Meditation" rằng nếu bạn có thể an trú trong trạng thái an bình, thì bạn có thể đạt sự thông thấu của chân bản thể vạn pháp. Đức Phật cũng đạt giải thoát bằng cách an trú trong trạng thái định này. Nếu bạn không thể an trú trong định, thì bạn sẽ không đạt thông suốt chân bản thể hiện tượng. Tâm sẽ giống như lông chim cuốn bay theo gió, không thể trụ lại một chỗ.