Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Chư Phật khởi lòng từ bi, mở bày nhiều phương tiện, nhưng chỉ một đường vãng sinh dễ dàng khế hợp cơ duyên. Xét lòng chí thành và chuyện cảm ứng của các bậc tiền bối trong các sách về điềm lành thì có sa-môn Văn Thẩm, tì-kheo Thiếu Khang ghi trong Cao tăng truyện[1],Luận vãng sinh[2]. Tất cả đều trình bày các việc thật, ghi chép theo thứ tự những điều hiếm thấy, minh chứng cho duyên chí thành cảm hóa, hiển bày Phật lực khó nghĩ bàn, khiến cho xưa nay không đoạn dứt, tăng tục đều hướng về, tiếp nối đạo phong, trùng hưng đại sự. Vì muốn khiến cho những người phát tâm vững chắc không nghi ngại, những người chưa phát tâm có con đường để bước, nên tôi ghi lời tựa này.
1. PHÁP SƯ HUỆ VIỄN ĐỜI ĐÔNG TẤN (317-420)
Sư người Nhạn Môn, chọn Lô sơn[3] để ẩn cư hơn ba mươi năm, thân không hề rời núi, chân không bước vào thế tục, khi tiễn khách thì lấy suối Hổ[4] làm ranh giới. Tuy kinh sách học thông uyên bác, nhưng sư chuyên tâm hoằng dương Tịnh độ tây phương. Sư lập Tịnh độ đường ở chân núi, sớm tối lễ sám. Có quan Tạ Linh Vận[5], cao nhân Lưu Di Dân[6]… đều bỏ vinh hoa của thế tục, cùng tu Tịnh độ. Tất cả gồm có một trăm hai mươi ba người khởi lòng tin, ở trước tượng Phật Vô Lượng Thọ, lập đàn thệ nguyện, Di Dân viết văn khen ngợi pháp môn Tịnh độ, cảm được tiên nhân cỡi mây đến nghe, hoặc cất tiếng tụng kinh, âm thanh vang theo gió. Vào ngày 6 tháng 8 năm Nghĩa Hi thứ 12, ngài thấy Đức Phật A-di-đà và Thánh chúng nghinh tiếp từ xa, liền phó chúc mọi việc rồi, nằm nghiêng hông phải mà hóa, hưởng thọ tám mươi ba tuổi.
2. PHÁP SƯ ĐÀM LOAN ĐỜI TỀ
Sắc sống gần núi Ngũ Đài, thông hiểu các kinh sách. Nhân tìm được mười quyển kinh Tiên của Trung Quốc mà muốn tìm Đào Ẩn[7] để học thuật tiên. Sau đó gặp được tam tạng Bồ-đề, ông hỏi:
-Trong Phật pháp có phép trường sinh bất tử hơn kinh tiên của Trung Quốc không?
Tam tạng khạc nhổ xuống đất, ngạc nhiên hỏi:
- Nơi nào trong nước này có phép trường sinh bất tử? Tu theo kinh Tiên dẫu được sống lâu, khi hết tuổi thọ cũng phải đọa lạc.
Ngài Tam Tạng liền trao cho một quyển kinh Quán vô lượng thọ và nói:
-Đây mới là phương pháp của bậc Đại tiên, hãy theo đây mà thực hành, sẽ thường được giải thoát, mãi mãi lìa xa sinh tử. Loan liền lấy lửa đốt kinh tiên. Bỗng nhiên vào giữa đêm, Loan thấy một Phạm tăng đi vào phòng bảo rằng:
-Ta là bồ-tát Long Thụ.
Rồi bồ-tát nói kệ:
Lá rụng không thể bám lại cành
Thóc chưa thu, không thấy trong kho
Bóng câu qua cửa, chẳng tạm dừng
Việc qua rồi đâu thể trở lại
Việc chưa đến làm sao tìm được?
Hiện tại đang ở đâu?
Bóng câu khó trở lại.
Pháp sư biết đã đến lúc qua đời, liền tập hợp hơn ba trăm đệ tử, Ngài tự bưng lư hương xoay mặt hướng tây, răn dạy môn đồ, khuyên mọi người tin Tịnh độ tây phương. Sáng sớm mọi người đồng cất tiếng niệm Phật, sư liền viên tịch. Cách năm dặm về phía tây của chùa có một chùa ni, mọi người ở đó nghe có âm nhạc trên không từ phía tây đi về phía đông. Trong chốc lát lại nghe từ phía đông đi về phía tây.
3. THIỀN SƯ ĐẠO TRÂN ĐỜI LƯƠNG
Sư trụ ở Lô sơn, chuyên tu niệm Phật. Nhân thực hành pháp thủy quán[8], sư mộng thấy hàng trăm người lên thuyền chuẩn bị đi về tây phương, liền xin đi theo, nhưng người trên thuyền không cho, Trân nói:
-Bần đạo một đời chuyên tu tịnh nghiệp Tây phương, vì sao không cho đi?
Người trên thuyền trả lời:
-Nghiệp của thầy chưa viên mãn, chưa tụng kinh A-di-đà và chưa dựng nhà tắm cho tăng.
Thế rồi mọi người trên thuyền đều xuất phát. Trân khóc lóc đến mệt mỏi mà ngủ thiếp đi. Sau đó, tỉnh giấc sư liền tụng kinh, cúng dường việc tắm rửa cho tăng. Một thời gian sau, sư lại nằm mộng, thấy có một người đứng trên lâu đài bạc, đưa tay nói rằng:
-Thiền sư Đạo Trân! Nghiệp của sư đã viên mãn, sự dụng tâm tu rất tốt, cho nên chúng tôi đến báo cho biết, sư nhất định sẽ được vãng sinh.
Đêm đó sư viên tịch, trên đỉnh núi sáng rực như có mấy nghìn ngọn đuốc, mùi hương thơm lạ tỏa khắp chùa. Về sau người ta tìm được trong hòm kinh một bản tồn sinh di kí mà lúc còn sống sư không nói cho mọi người biết.
4. TĂNG NHAI ĐỜI HẬU CHU (557-581)
Sư ở chùa Đa Bảo thuộc Ích châu. Bản tính sư thường ít nói, không thích vui đùa. Mỗi khi dạo chơi núi rừng thì ở đó suốt cả ngày. Có người hỏi lí do?
Sư trả lời:
-Vì tôi nghĩ con người cần phải nhẫn.
Về sau sư đến phía tây thành, đốt năm ngón tay trái. Tăng tục nghìn vạn người theo khóc lóc, sư nói:
- Ta giữ tâm bồ-tát, nên không khóc.
Có người hỏi đau không?
Sư trả lời:
-Tâm đã không đau thì ngón tay làm sao đau?
Khi lửa cháy đến lòng bàn tay thì tủy chảy ra. Có người hỏi sao sư chịu đựng được?
Sư bảo:
-Vì chúng sinh không nhẫn được, nên nay ta muốn khuyên mọi người nhẫn điều không thể nhẫn, đốt vật không thể đốt.
Sư lại bảo mọi người rằng:
- Trong đời mạt pháp, mọi người khinh mạn, bạo ngược ngu dốt, xem tượng Phật như thân khúc cây, nghe kinh điển như gió thoảng qua tai ngựa. Ta đốt tay, hủy thân, vì muốn khiến cho họ tin sâu Phật pháp.
Sư dạy đệ tử rằng:
-Sau khi ta diệt độ, các con nên cung cấp cho những người bịnh, những người xấu xí và súc sinh. Những vị ấy phần nhiều là chư Phật và Bồ-tát phương tiện hóa hiện. Nếu không phải bậc có đại tâm bình đẳng thì đâu thể cung kính tất cả chúng sinh. Có người thấy hoa trời rải xuống Tăng Nhai, bấy giờ sư mặc y bá nạp cầm tích trượng cùng sáu trăm vị tăng cỡi hư không đi về phương tây.
5. THIỀN SƯ HUỆ MẠNG ĐỜI HẬU CHU (557-581)
Sư người Thái Nguyên kết bạn tu với thiền sư Nam Nhạc, thực hành Phương đẳng sám[9]. Một hôm, hai sư ở dưới gốc cây nhìn nhau cười, nói: “Hai ta có thể chết ngay ở đây! Không đầy mười ngày, sau hai sư bị bệnh nhẹ cùng ngồi kết-già, xoay mặt về hướng tây,và nói: “Phật đã đến”, rồi chắp tay mà thị tịch. Hai sư đều thọ tám mươi ba tuổi. Bấy giờ có người mộng thấy chư thiên cầm tràng phan đến nói: “Lành thay!” rồi rước hai sư đi.
6. THIỀN SƯ TĨNH ÁI ĐỜI HẬU CHU (557-581)
[0104c12]
Lúc chưa xuất gia, sư vào chùa thấy biến tướng địa ngục[10], bảo với đồng bạn rằng: “Xét biết nghiệp như thế, ai có thể tránh được khổ này.”
Sau đó, Tĩnh Ái liền xin mẹ xuất gia, thường ở nơi rừng vắng. Tăng chúng hỏi sư:
-Sư nên ra giáo hóa người đời, chớ chôn vùi tài đức nơi núi rừng?
Sư trả lời:
- Đạo quí ở tự tu không phải ở nơi người. Xem thời để hành động hay ẩn cư. Nay Chu Võ[11] hủy diệt Phật pháp, ta hận là không đủ sức bảo vệ pháp.
Sư bảo đệ tử rằng:
-Ta sống ở đời không có ích gì, nên muốn xả thân!
Nói xong, ngồi kết-già trên tảng đá lớn nắm nạp y, tự tay cắt y để ở trên đá, mổ bụng, rút ruột, dạ dày treo lên cành cây rồi dùng dao khoét lấy tim, bưng đưa lên mà chết. Sư để lại thư rằng: “Những người có duyên ở trong Phật pháp, đừng sinh tâm lui sụt, nhất định làm việc thiện lợi. Tôi có ba lí do để bỏ thân này: một là tự thấy có nhiều lỗi lầm, hai là không thể hộ pháp, ba là muốn nhanh chóng được gặp Phật.
Rồi nói bài kệ:
Nguyện cho các chúng sinh
Khi nghe tôi bỏ thân
Thành tựu được thiên nhĩ
Rốt ráo đạt bồ-đề
Thân này chứa bất tịnh
Phần dưới toàn phân dơ
Từ chín lỗ chảy ra
Bỏ thân ô uế này
Nguyện sinh về Tịnh độ
Một niệm hoa sen nở
Gặp Phật A-di-đà”.
7. THIỀN SƯ KHẢI
Vào triều nhà Tùy có thiền sư Khải, ở núi Thiên Thai, người Dĩnh Châu, họ Trần. Trong thời gian giảng kinh Tịnh Danh, một đêm nọ, sư nằm mộng thấy ba bậc thềm báu từ trên không hạ xuống, có mấy mươi phạm tăng cầm hương vào phòng nhiễu quanh sư ba vòng.
Sư nói:
Ta từ khi sinh ra đến nay, thường ngồi hướng về phía Tây, niệm danh hiệu Phật A-di-đà, kinh đại Bát-nhã, Bồ-tát Quán Âm và Thế Chí. Sức oai thần đạt được chẳng thể hơn như thế.
Ta cũng thường thỉnh Quán Âm để sám hối. Từ khi mắc bịnh, ta càng tha thiết nhớ đến Tây phương. Ta nên đi theo Phật về Tây phương.
Có người đưa thuốc uống đến, sư bảo: “Bịnh không hiệp với thân, tuổi không hiệp với tâm, thuốc há có thể chữa khỏi bịnh sao! Ta sống vất vả vì than mang các khổ, chết vui mừng vì được về nghỉ ngơi. Nay Quán Âm, Thế Chí đến đón ta”. Sư bảo mọi người tụng đề kinh Pháp hoa, rồi đọc kệ khen rằng:
Đây pháp môn cha mẹ
Nhờ đó sinh tuệ giải
Vi diệu khó suy lường
Ngừng giảng từ hôm nay.
Sư lại sai tụng kinh Vô lượng thọ, rồi khen rằng:
Bốn mươi tám lời nguyện
Cõi tịnh độ trang nghiêm
Ao sen cùng cây báu
Dễ đến nhưng không người.
Sư lại bảo vị duy-na rằng: Bây giờ là lúc ta lâm chung. Hãy đánh chuông lên. Bảo mọi người tăng them chính niệm và giữ yên lặng. Ta sắp đi rồi.
Nói xong, sư liền qua đời, hưởng thọ sáu mươi tuổi. Hôm đó nhằm ngày 24 tháng 11 năm Khai Hoàng thứ 17 (597). Sư đã lập bốn mươi lăm cảnh chùa, độ bốn nghìn vị tăng, chép mười lăm tạng kinh, tạo hơn mười vạn tượng bằng vàng, bạc và gỗ chiên đàn. Sư còn được gọi là Trí Giả Pháp Không Đại Sư.
8. TĂNG ĐẠO DỤ
Vào triều Tùy có sư Đạo Dụ ở chùa Khai Giác chuyên niệm Phật A-di-đà. Sư có tạo tượng Phật A-di-đà bằng gỗ chiên đàn caoba tấc. Sau đó, Đạo Dụ bỗng nhiên chết qua bảy ngày thì sống lại và kể rằng: “Lúc đầu thấy một hiền giả vãng sinh bên ao báu. Hiền giả ấy nhiễu quanh hoa ba vòng, hoa liền nở ra, vị ấy bước vào ngồi. Tôi cũng nhiễu ba vòng quanh hoa, nhưng hoa không nở. Tôi đưa tay vạch hoa ra, nó liền héo và rụng xuống. Phật A-di-đà bảo: “Ngươi hãy trở về nước kia, sám hối các tội lỗi, tắm gội bằng nước thơm. Khi sao Mai mọc, ta sẽ đến đón ngươi. Vì sao ngươi tạo tượng ta quá nhỏ vậy?” Tôi trả lời: “Tâm lớn thì thấy tượng lớn, tâm nhỏ thì thấy tượng nhỏ”. Tôi vừa nói xong, tượng liền trùm khắp hư không.
Sau đó, sư liền y theo lời dạy mà tắm gội bằng nước thơm, nhất tâm sám hối, thưa với đại chúng rằng: “Xin hãy niệm Phật cho tôi”.
Khi sao mọc thì hóa Phật đến đón sư. Ánh sáng chiếu khắp nhà, mọi người đều nghe thấy. Khi ấy, sư qua đời, nhằm năm Khai Hoàng thứ 8 (588).
9. PHÁP SƯ ĐĂNG
Vào triều nhà Tùy có pháp sư Đăng ở chùa Hưng Quốc thuộc Tinh Châu giảng kinh Niết-bàn. Tăng tục đến nghe, dù lớn hay nhỏ, đều được sư dạy niệm danh hiệu Phật A-di-đà, và khuyên vãng sinh. Đến năm Khai Hoàng thứ 12 (592), sư qua đời có mùi hương lạ đến nghinh tiếp. Ngày tiễn đưa sư, có mây hương bao phủ khắp làng xóm.
10. PHÁP SƯ HỒNG
Vào triều nhà Tùy có pháp sư Hồng, người Tinh Châu, cả đời tinh tấn tu tập, không cầm đến tiền bạc, thường niệm cầu Tịnh độ Tây phương, được thấy Phật A-di-đà. Khi lâm chung, sư thấy đồng tử nam và nữ từ cõi trời Đâu-suất đến đón. Pháp sư nói: “Ta muốn về tây phương, không muốn sinh lên trời”. Nói xong, sư bảo các đệ tử niệm Phật, rồi nói: “Phật ở Tây phương đến đón ta rồi”. Nói xong, sư liền qua đời nhằm năm Nhân Thọ thứ tư (604).
11. THIỀN SƯ ĐẠO XƯỚC
Vào triều Đường có thiền sư Đạo Xước, người Tinh Châu, ở chùa Huyền Trung. Sư giảng Quán Kinh đến hai trăm lần, tu tập tam-muội bảy năm và lĩnh hội pháp niệm Phật, tự xỏ tràng hạt, khuyên người niệm Phật, nói thường mỉm cười, chưa từng xoay lưng về hướng tây. Sư nói với Thiện Đạo rằng: “Đạo Xước sợ không được vãng sinh, xin sư nhập định hỏi Phật được không?”
Thiện Đạo nhập định thấy Phật cao hơn một trăm thước, thưa: “Đạo Xước đang tu niệm Phật tam-muội, không biết khi xả báo thân có được vãng sinh không? Năm tháng nào được vãng sinh?”
Phật trả lời: “Đốn cây phải luôn tay búa, không duyên đừng cùng nói chuyện, trở về nhà chớ nề hà lao khổ”. Lại dạy Xước sám hối các tội: “Một là đặt kinh và tượng Phật nơi bụi ẩm; phải tự ở yên trong phòng đối trước tượng Phật sám hối. Hai là sai khiến người xuất gia làm việc nặng; phải đối trước mười phương tăng để sám hối. Ba là xây dựng làm tổn thương các loài chúng sinh; phải đối trước chúng sinh mà sám hối.
Thiện Đạo hỏi: “Khi Đạo Xước chết có tướng lành gì khiến cho mọi người nghe hoặc thấy không?”
Phật trả lời:
-Ngày Đạo Xước chết, ta phóng bạch hào, từ xa chiếu đến phương đông. Khi ánh sáng đó xuất hiện, Đạo Xước sẽ đến nước của ta.
Quả đúng đến ngày sư chết, có ba luồng bạch hào chiếu sáng trong phòng. Thiện Đạo lại thấy pháp sư Đàm Loan trong ao thất bảo nói: “Tịnh độ đã thành, dư báo chưa hết”.
Mây tía ba lần hiện trên tháp của sư.
12. THIỀN SƯ THIỆN ĐẠO
Vào triều Đường có thiền sư Thiện Đạo họ Chu, người Tứ Châu, xuất gia từ thuở nhỏ. Khi thấy biến tướng Tây phương, sư than rằng: “Bao giờ thân gởi đài sen, tâm trụ nơi Tịnh độ?” Sau khi thụ giới cụ túc, cùng xem Quán Kinh với luật sư Diệu Khai, sư xúc động mà than rằng: “Tu các hạnh nghiệp khác đều là đi đường vòng nên khó thành. Chỉ có tu pháp quán này mới nhất định vượt thoát sinh tử.” Sau đó, hai sư đến gặp thiền sư Xước hỏi: “Có thật là niệm Phật được vãng sinh không?” Đại sư trả lời: “Mỗi người cắm một hoa sen vào bình, tu hành trong bảy ngày nếu hoa sen không héo thì được vãng sinh.”
Lại có pháp sư Anh ở Đông Đô giảng kinh Hoa nghiêm bốn mươi lần, vào đạo tràng của thiền sư Xước dạo chơi trong tam-muội rồi than rằng: “ Tôi tự hận nhiều năm tìm tòi suông trong văn sớ, chỉ uổng công lao nhọc thân tâm thôi. Đâu ngờ pháp môn niệm Phật là không thể nghĩ bàn!” Thiền sư trả lời: “Kinh chứa toàn những lời thành thật, Phật há nói dối sao!”. Thiền sư cả đời thích khất thực, thường tự trách rằng: “Đức Thích-ca còn khất thực, Thiện Đạo là hạng người gì mà ở yên một chỗ mong cúng dường”. Sư không nhận lễ, chép mười vạn quyển kinh A-di-đà, vẽ hai trăm bức biến tướng tịnh độ, thấy tháp miếu sư cũng đều tu bổ. Đạo Phật thịnh hành ở Trung Quốc, lúc ấy chưa có nhiều thiền sư.
13. PHÁP SƯ HUYỄN
Vào triều Đường có pháp sư Huyễn, người Tinh Châu. Gặp thiền sư Xước giảng Quán Kinh, sư mới bắt đầu hồi tâm, suốt năm năm chuyên niệm Phật, một ngày một đêm lễ nghìn lạy, niệm Phật bảy muôn lần. Sợ chết nên sư càng thêm tinh tấn. Sư từng mộng thấy Phật Thích-ca cùng bồ-tát Văn-thù khen ngợi kinh Pháp hoa. Sư lại mộng thấy ba con đường đi về phía tây. Đường thứ nhất dành chung cho người thế tục, đường thứ hai có cả tăng và tục cùng đi, đường thứ ba chỉ có tăng. Sư nói đó là những người vãng sinh.
14. THIỀN SƯ NGẠN
Vào triều Đường có thiền sư Ngạn, người Kinh Châu, tu nghiệp vãng sinh, thường thực hành Phương đẳng sám. Lúc sư lâm chung, có hai vị bồ-tát Quán Âm và Thế Chí hiện trên hư không. Sư liền mời thợ vẽ nhưng không ai vẽ được. Bỗng nhiên sư cảm được hai người bảo từ Tây Kinh đến muốn viếng Đài Sơn, liền đưa sư một bức tranh vẽ hai vị bồ-tát, rồi đi không để lại dấu tích. Sư bảo đệ tử rằng: “Ai có thể theo ta vãng sinh Tây phương”. Lúc đó, có đồng tử nhỏ nhất thưa: “Con xin đi theo”. Sư liền vào trong đạo tràng ngồi ngay ngắn mà qua đời, hưởng thọ tám mươi tuổi. Hôm ấy là ngày mồng 7 tháng giêng năm Thùy Củng đầu tiên.
15. THIỀN SƯ ĐẠI HẠNH
Thiền sư Đại Hạnh người Tề Châu, vào ở trong Thái Sơn, mặc áo cỏ, ăn lá cây, mong đắc Pháp Hoa tam-muội, cảm được bồ-tát Phổ Hiền hiện thân dạy sư niệm Phật A-di-đà. Sư niêm Phật trải qua hai mươi mốt ngày đến đêm nọ bỗng thấy đất bằng lưu li, mắt tâm thấy suốt Phật khắp mười phương. Sau đó, sư có chút bịnh nằm nghiêng bên hông phải mà qua đời. Sau khi an táng xong, tù quan tài có mùi hương lạ tỏa ra mấy ngày không hết, diện mạo sư giống như lúc còn sống.
16. THIỀN SƯ TẠNG Ở PHẦN CHÂU
Thường ngày, mỗi khi sư ra khỏi chùa là đi lễ bái khắp các chùa tháp và không nhận sự lễ bái của tăng tục. Sư lấy việc điều phục tâm để ngăn sáu trần, mỗi niệm đều tỉnh giác không để mất. Sư thường làm việc của tăng thay cho nô bộc, thấy y của tăng dơ rách, sư âm thầm lấy giặt sạch rồi vá. Vào mùa Hạ nóng bức sư cởi áo nằm trên cỏ cho các loài côn trùng như mòng muỗi hút máu. Ngày sư lâm chung, chư thiên tuần tự đến mời đi, nhưng sư không chịu, đợi khi Hóa Phật ở Tịnh độ đến đón, sư mới chịu vãng sanh.
17. PHÁP SƯ CẢM Ở TRƯỜNG AN
Sư trú chùa Thiên Phước, thông suốt kinh điển, nhưng lại chưa tin pháp môn Niệm Phật, bèn đến hỏi hòa thượng Thiện Đạo rằng:
- Việc niệm Phật thuộc pháp môn nào?
Hòa thượng đáp:
- Ông cứ chuyên niệm Phật, sẽ tự chứng nghiệm.
Sư lại hỏi:
- Thấy được Phật không?
Đáp:
- Lời Phật dạy sao còn nghi?
Sư bèn nhập đạo tràng niệm Phật, tu tập hai mươi mốt ngày mà chưa có ứng nghiệm gì, sư hận mình tội sâu nặng, nên muốn tuyệt thực để bỏ mạng. Hòa thượng ngăn không cho. Sau đó, suốt ba năm sư chuyên tâm niệm Phật, liền được thấy được tướng lông trắng của Phật, chứng được tam-muội. Khi lâm chung được Phật đến đón, sư chắp tay hướng về phía tây mà qua đời. Sư soạn “Vãng sinh quyết nghi luận” 7 quyển để lại đời.
18. THIỀN SƯ HOÀI NGỌC Ở THAI CHÂU
Sư họ Cao, sống ở chùa Dũng Tuyền, chỉ dùng thức ăn tự mọc, không do người trồng, không mặc y phục dệt bằng tơ tằm, sám hối hơn vạn vạn lần, tụng kinh A-di-đà và Quán vô lượng thọ ba mươi vạn biến. Sư giữ thời khóa hàng ngày niệm danh hiệu Phật năm vạn lần, phóng sinh rận, bọ chét, thường ngồi không nằm.
Vào ngày 9 tháng 6 năm Thiên Bảo thứ 6 (*), sư thấy hằng sa thánh chúng tây phương đến, có một vị cầm đài bạc trắng vào từ cửa sổ. Sư nói rằng:
- Theo lẽ công phu của tôi phải được đài vàng.
Sư liền tăng thêm niệm Phật thì nghe trên không có tiếng bảo rằng:
- Viên quang trên đỉnh đầu chiếu sáng khắp hư không.
Sư bảo các đệ tử rằng:
- Hãy lui lại, chớ chạm vào ánh sáng ấy.
Đến khi sư lâm chung, ánh sáng ấy càng rực rỡ. Sư bèn nói kệ:
Thanh tịnh sáng trong không trần cấu
Hoa sen hóa sinh là cha mẹ
Ta đã tu hành qua mười kiếp
Sinh ở Diêm-phù chịu nhiều tội
Một đời khổ hạnh đã vượt qua
Mãi thoát ta-bà, về Tịnh độ.
Nói kệ xong, thấy đài vàng hiện đến, sư mỉm cười mà thị tịch, nhục thân hiện còn ở chùa Dũng Tuyền tại Thai Châu.
19. SƯ PHÁP TRÍ Ở THIÊN THAI
Sư chuyên tu pháp môn Niệm Phật, nhưng tính rất thô tháo, không giữ luật nghi. Mọi người thường nói: “Sư sẽ phạm tội Đột-kết-la[12], bị đọa chín trăm năm ở địa ngục”, sư liền tin ngay. Do đó khi nghe kinh nói: “Một lần xưng niệm danh hiệu A-di-đà Phật, sẽ diệt được tội nặng sanh tử trong tám mươi ức kiếp, vào đài Đâu-suất ở chùa Quốc Thanh[13], ngày đêm chuyên niệm Phật. Mọi người bấy giờ không tin. Bỗng nhiên sư từ biệt khắp tăng tục, nói ta sắp vãng sinh, nhờ người thân quen thiết trai một ngày. Đến nửa đêm hôm ấy, sư không bệnh mà chết, có ánh sáng sắc vàng chiếu mấy trăm dặm, gà rừng cất tiếng gáy kinh động, người đi thuyền trên sông bảo là trời đã sáng.
20. SƯ ĐẠO NGANG Ở TƯƠNG CHÂU
Sư chuyên giảng dạy kinh Pháp Hoa. Một hôm, sư bỗng thấy các trời trỗi âm nhạc từ không trung đến bảo rằng:
- Chúng tôi ở cõi trời Đâu-suất xuống để cùng đón ngài.
Ngang nói rằng:
- Cõi trời là cội rễ của sinh tử, xưa nay ta không mong cầu. Ta chỉ nhớ nghĩ đến Tây phương thôi.
Sau đó, sư nghe tiếng nhạc từ Tây phương nghinh đón. Sư lại nói:
- Có tin đến rồi, không được nán lại lâu.
Nói xong, lư hương rời tay, sư an nhiên thị tịch trên tòa cao.
21. SƯ HÙNG TUẤN Ở THÀNH ĐÔ
Sư họ Chu, giỏi giảng kinh thuyết pháp, nhưng không có giới hạnh, sử dụng của cải cúng dường không đúng pháp. Sau đó sư hoàn tục, gia nhập quân đội chém giết, rồi vào trong tăng lánh nạn. Vào niên hiệu Đại Lịch (776), sư thấy Diêm-la vương phán mình vào địa ngục, liền nói lớn rằng:
- Hùng Tuấn nếu vào địa ngục thì ba đời chư Phật đều nói dối.
Diêm vương nói:
- Phật chưa từng nói dối.
Tuấn bảo:
- Mục Hạ phẩm hạ sinh kinh Quán vô lượng thọ nói: “Nếu người tạo tội ngũ nghịch, lúc lâm chung niệm danh hiệu Phật mười lần còn được vãng sinh. Tuấn tuy tạo tội, nhưng không phạm tội ngũ nghịch; Nếu nói niệm Phật, tôi đã niệm không thể tính cho hết được.
Nói xong, sư nương đài vãng sinh Tây phương.
22. ĐỜI TỐNG, NI SƯ PHÁP TẠNG
Ni sư ở chùa Kiến Phúc tại Kim Lăng, tu thiền đạt đến chỗ sâu xa, sư thường nói với bạn học là Vân Kính rằng: “Tôi lập thân hành đạo, chí hướng về Tây phương”.
Một hôm, bỗng ni sư bị bệnh. Lúc đầu, ni sư thấy Phật A-di-đà và các thánh chúng đến thăm. Sau đó, mọi người đều thấy ánh sáng chiếu khắp chùa, hôm ấy ni sư qua đời.
23. NI TỊNH CHÂN Ở TRƯỜNG AN
Ni sư trụ ở chùa Tích Thiện, Trường An, suốt đời mặc y bá nạp đi khất thực, không hề sân hận. Ni sư tinh chuyên niệm Phật và tụng kinh Kim Cương đến mười tám ngàn lần.
Tháng bảy năm Hiển Khánh thứ 5 (660), ni sư bị bệnh, bèn gọi đệ tử đến dạy rằng:
- Trong 5 ngày ta được thấy Phật A-di-đà mười lần. Ta còn thấy đồng tử dạo chơi trên hoa sen báu ở thế giới Cực Lạc hai lần; lại có thánh tăng năm lần thụ kí ta sẽ làm Phật, và được vãng sinh phẩm thượng.
Sư ngồi kiết già mà tịch. Đến sáng sư tỉnh lại bảo đệ tử rằng:
-Ta được quả vị Bồ-tát, đi khắp mười phương để cúng dường chư Phật.
Ni sư nói xong liền thị tịch, ánh sáng chiếu khắp chùa.
24. NI PHÁP THẮNG Ở HUYỆN NGÔ
Ni sư tinh tấn tu tập thiền định và niệm Phật. Ni sư khuyên kẻ đạo người tục đều nên tu Tịnh độ. Khi bị bệnh, ni sư tự biết không thể qua khỏi, lại mộng thấy một vị tăng đến bảo rằng:
- Bệnh ngươi không qua khỏi, phải chuyên niệm Phật!
Ni sư lại còn thấy có hai vị tăng mặc áo bày vai, cầm hoa đứng trước giường. Ni sư nói:
- Có ánh sáng chiếu khắp thân ta
Nói xong ni sư liền thị tịch.
25. NI NGỘ TÍNH Ở LẠC DƯƠNG
Ni sư ở trước A-xà-lê Chiếu ở Hành Châu phát nguyện niệm Phật muôn lần. Vào năm Đại Lịch thứ 6 (772), ni sư vào Đài Sơn tu tập bỗng bị bệnh. Nghe tiếng nhạc từ trên hư không, ni sư liền bảo:
- Ta đắc được trung phẩm thượng sinh, thấy những người cùng niệm Phật đều ở trên hoa sen trong cõi Tây phương, thân vàng sáng chói.
Bấy giờ, vào năm Đại Lịch thứ 24 (890).
26. NI ĐẠI MINH Ở DUYÊN CHÂU
Ni sư nghe thiền sư Đạo Xước giảng kinh Vô Lượng Thọ và được dạy cho pháp môn Niệm Phật. Trước khi niệm Phật, ni sư thay y phục sạch sẽ, và súc miệng bằng nước trầm hương. Ni sư giữ thời khóa niệm Phật trong tịnh thất suốt ba, bốn năm không gián đoạn. Khi ni sư lâm chung, mọi người đều thấy trong thất có ánh sáng và mùi hương trầm thủy đến rước.
27. HAI SA-DI CHÙA KHAI HÓA TINH CHÂU
Một hôm vị sa-di nhỏ hỏi vị sa-di lớn rằng:
- Thế nào! Huynh tu Tịnh độ nhé!
Vị sa-di lớn tuổi hơn vui vẻ đồng ý.
Thế rồi, hai vị sa-di cùng nhau tu tập trải qua năm năm, thì vị sa-di lớn qua đời, được vãng sinh, đến Tây phương gặp Đức Phật A-di-đà. Sa-di lớn bạch rằng:
- Con còn một sư đệ đồng tu, chẳng biết có được sinh về đây không?
Phật dạy
- Ông nhờ vị sa-di nhỏ khuyên phát tâm niệm Phật mà còn được vãng sinh. Sao lại còn nghi ngờ vị kia? Nay ông trở về Diêm-phù, gắng niệm thêm danh hiệu ta. Ba năm sau, hai người sẽ đồng được đến nơi đây gặp ta .
Vị sa-di lớn liền được sống lại, thuật rõ lại việc gặp Phật với vị sa-di nhỏ và mọi người. Từ đó hai ông càng chuyên cần tu niệm. Ba năm sau, cả hai vị sa-di đều được tâm khai, nhãn tịnh, đồng thấy Bồ-tát đến đón. Bấy giờ khắp mặt đất rung động, hoa trời rưới khắp hư không. Hai vị sa-di theo nguyện mà đồng thời vãng sinh.
28. ĐỜI TỐNG, ĐỒNG TỬ A ĐÀM VIỄN
Đồng tử thọ giới Bồ-tát năm mười tám tuổi, thờ thiền sư Hàm làm thầy, chuyên tu tịnh nghiệp, luôn hướng về Đức Phật A-di-đà để sám hối. Một đêm vào canh tư, bỗng nhiên Đàm Viễn tự niệm tụng, thầy giật mình hỏi. Ngài đáp:
- Con thấy thân Phật sắc vàng, hương hoa và tràng phan đầy cả hư không, từ phía tây đến.
Chỉ trong chốc lát Viễn qua đời, có mùi hương lạ trong phòng đến mấy ngày chưa hết.
29. ĐỒNG TỬ NGỤY SƯ TÁN Ở UNG CHÂU
Năm đồng tử mười bốn tuổi thờ thiền sư Tĩnh làm thầy, phát tâm niệm Phật ngày đêm không gián đoạn. Vào năm Vĩnh Huy thứ 3 (653), Đồng tử bị bệnh mà qua đời. Sau đó bỗng sống lại bảo mẹ rằng:
- Con thấy Đức Phật A-di-đà ở đây. Con sẽ vãng sinh theo Ngài.
Nói xong, đồng tử qua đời, hàng xóm thấy trên nóc nhà đồng tử có ánh sáng năm màu và ông vọt lên mây, bay về phía tây.
30. QUỐC VƯƠNG NƯỚC Ô TRÀNH[14]
Quốc vương nước Ô-tràng khi rỗi việc triều chính, bèn bảo các quan:
- Trẫm tuy là vua một nước, nhưng không thoát khỏi sự vô thường. Trẫm nghe kinh nói cõi Tây phương Cực Lạc là nơi nên an trụ.
Từ đó, nhà vua bèn dốc lòng ngày đêm sáu thời tu tập theo pháp môn Niệm Phật. Mỗi ngày đều trỗi nhạc, thiết trai cúng dường một trăm vị tì-kheo. Đích thân nhà vua và hoàng hậu dâng cơm cúng dường chư tăng. Hơn ba mươi năm nhà vua một lòng tinh tấn như thế, không sút giảm. Khi nhà vua lâm chung, sắc mặt vui tươi, thánh chúng từ tây phương đến rước và có nhiều điềm tốt hiện ra.
31. HOÀNG HẬU CỦA TÙY VĂN ĐẾ (581)
Tuy ở trong cung quyền quý, nhưng bà nhàm chán thân nữ, hàng ngày niệm Phật cầu về Tây phương, đến khi lâm chung có mùi hương lạ từ không tỏa khắp trong cung. Văn Đế ngac nhiên nên hỏi Xà-đề-tư-na:
- Đây là điềm lành gì?
Xà-đề-tư-na đáp:
- Ở Tây phương có đức Phật hiệu là A-di-đà, phúc nghiệp của hoàng hậu cao dày, được sinh về cõi ấy, nên mới hiện điềm lành này.
32. ĐỜI TỐNG, LƯU DI DÂN
Lưu Di Dân làm huyện lệnh Sài Tang và Nghi Xương. Về sau ông nương đại sư Tuệ Viễn ở Lô sơn để tu tập pháp môn Niệm Phật tam-muội. Được nửa năm, ông vào tam-muội thấy Phật phóng hào quang, duỗi tay tiếp dẫn. Từ đó, ông thỉnh Phật cầu tăng chú nguyện cho ông mau xả báo thân sinh về Tịnh độ. Mười lăm năm ông ẩn cư trong Lô sơn, tự biết trước ngày mất, từ biệt mọi người rồi ngồi ngay thẳng mà qua đời, thọ 57 tuổi. Bấy giờ nhằm năm Nghĩa Hy thứ 15 (419).
33. ĐỜI ĐƯỜNG, QUÁN SÁT SỨ VI CHI TẤN
Ông lập hạnh từ bi sâu rộng: xây dựng đạo tràng Tịnh độ, niệm Phật A-di-đà, sám hối cầu nguyện vãng sinh, hành bồ-tát đạo, hộ trì Phật pháp, hoằng dương chánh pháp, độ thoát chúng sinh. Vào tháng 6, ông xoay mặt về phía Tây, ngồi kiết-già chắp tay niệm Phật A-di-đà sáu mươi biến, bỗng nhiên qua đời, có mùi hương lạ tỏa khắp nhà, mọi người đều ngửi thấy, và nhiều điềm lành khác.
34. ĐỜI ĐƯỜNG, NGUYÊN TỬ BÌNH
Năm Đại Lịch thứ 9 (774) đời Đường, ông ở chùa Quán Âm, Nhuận Châu phát tâm niệm Phật A-di-đà mười ngàn biến. Sau ba tháng, ông bỗng nhiên bị bệnh. Một đêm nghe trong không trung có mùi hương lạ, và tiếng âm nhạc, ông rất vui mừng. Trên hư không lại có người bảo:
- Nhạc ồn ào vừa dứt, thì nhạc êm dịu trỗi dậy.
Hôm ấy, ông niệm Phật cả ngày rồi qua đời, được sinh về Tịnh độ, mùi hương lạ lan tỏa suốt mấy ngày mới hết.
35. ĐỜI TỐNG, NGỤY THẾ TỬ
Ba cha con Ngụy thế tử đều tu theo pháp Tịnh Độ, chỉ có người mẹ là không tin. Người con gái của thế tử mứi mười bốn tuổi thì qua đời, sau bảy ngày thì trở về báo mộng với mẹ:
- Con đã thấy cảnh Tây phương, cha cùng anh và con đều đã có đài sen, về sau sẽ được vãng sinh, chỉ riêng mẹ là không có. Nay con tạm trở về báo cho mẹ biết.
Sau đó người mẹ nghe lời con, hàng ngày niệm Phật, cuối cùng bốn người đều được vãng sinh.
36. ĐỜI ĐƯỜNG, TRƯƠNG NGUYÊN
Ông là người ở kinh đô, bẩm tính chính trực, mỗi ngày đều niệm Phật. Vào giờ thìn, ngày 3 tháng 6 năm Khai Hoàng thứ 2 (589), ông bảo người nhà làm một bữa cơm chay để đãi các vị thánh hiền. Thọ trai xong ông, đốt hương hướng về Tây phương nhất tâm niệm Phật mà mất. Khi đưa ông đến huyệt mọi người ngửi thấy mùi hương lạ và thấy ánh sáng rực trên mộ.
37. NGƯỜI HẰNG CHÂU ĐỜI TÙY
Hàng ngày ông dùng hạt đậu để đếm số lần niệm Phật. Sau khi đủ ba mươi sáu, ông cúng dường trai phạn, đầy ba mươi thạch. Sau khi thọ trai, vui mừng khen việc dùng đậu niệm Phật và đem số đậu ấy chia cho mọi người thụ trai. Bấy giờ, hai vị bồ-tát Quan Âm, Thế Chí hóa làm hai vị sư thân hình tiều tụy đến khất thực. Ông trả lời: “Đệ tử mong vãng sinh Tây phương, không gì làm trở ngại được. Hai sư đến khất thực khiến tâm nguyện con thêm sâu chặt”. Sau khi ăn xong, hai vị sư biến mất, chỉ ngửi mùi hương lạ. Cùng lúc ấy, ông bay trên hư không ra đi. Bấy nhằm tháng 9 năm Khai Hoàng thứ 8 (589).
38. TRƯƠNG CHUNG QUỲ
Ông làm nghề buôn bán gà. Năm Vĩnh Huy thứ 9, lúc lâm chung, ông thấy phía nam nhà mình có bầy gà đang chen chúc, bỗng nhiên thấy một người mặc áo đỏ đen xua gà và hô to rằng: “Mổ mắt!”. Bầy gà đó bốn lần bay lên mổ vào hai mắt ông ta chảy máu đầy giường. Đến giờ dậu có sư Hoằng Đạo ở chùa Thiện Quang chuyên niệm Phật đến bảo đặt tượng Phật trước mặt và niệm Phật A-di-đà. Bỗng nhiên có mùi hương lạ, ông bình thản qua đời.
39. NGƯỜI MỔ TRÂU BÒ Ở PHẦN CHÂU
Khi lâm bệnh nặng, ông thấy nhiều trâu bò đến vây sát thân mình. Ông bảo vợ: “Hãy mời chư tăng đến cứu ta”. Khi chư tăng đến, ông ấy nói: “Thầy tụng kinh thấy tội nặng như đệ tử có cứu được không?” Vị sư trả lời: “Trong Quán kinh nói: “Khi lâm chung niệm mười tiếng còn được vãng sinh. Phật đâu có nói dối!” ông vui mừng, liền niệm Phật. Chốc lát sau, bỗng nhiên có mùi hương lạ tỏa khắp nhà, ông liền qua đời. Mọi người đều ngửi thấy mùi hương lạ và nhìn thấy mây lành phủ kín trên nhà ông ấy.
40. PHÒNG TRỨ Ở ĐẠI CHÂU
Ông từng khuyên một người già niệm Phật, và người ấy được sinh Tây phương. Về sau, Phòng Trứ vào cõi U minh gặp vua Diêm-la và được thả về dương thế. Vua Diêm-la nói: “Ngươi sẽ sinh về Tịnh độ”. Trứ nói: “Tôi nguyện tụng kinh Kim Cương một vạn lần và kính lễ Ngũ Đài Sơn. Tâm này chưa toại nên chưa muốn vãng sinh”.
41. VỢ CỦA ÔN VĂN TĨNH
Bà người Tinh Châu, bệnh nằm liệt giường. Chồng bảo cô: “Em hãy niệm Phật A-di-đà”. Cô bèn niệm Phật không ngừng, liền thấy cõi Phật. Sau đó, cô bảo chồng: “Hãy giúp em thiết trai cúng dường. Em sắp vãng sinh Tây phương”. Thiết trai xong, cô dặn chồng nỗ lực niệm Phật rồi qua đời.
42. ÔNG BÀ HAI NGƯỜI THÔN ƯỚC SƠN, TÙY CHÂU
Hiểu rõ lí khổ không, vào ngày 29 mỗi tháng hai ông bà thỉnh hai thầy đến nhà hướng dẫn niệm Phật. Khi thiết trai, bà tự dâng cơm, ông hỏi: “Sao không sai người làm?”. Bà trả lời: “Mấy khi có thể được tự làm, nếu bảo người khác làm thì họ hưởng hết phúc”. Đến khi hai ông bà lâm chung, ánh sáng chiếu khắp nhà, nửa đêm mà sáng như ban ngày.
43. ĐỆ TỬ NỮ HỌ LƯƠNG Ở HẠO CHÂU
Cô Lương mù cả hai mắt. Từ khi được một vị tăng dạy khuyên niệm Phật A-di-đà, cô niệm Phật suốt ba năm không ngừng thì hai mắt mở ra được, mọi người trong thôn đều biết việc này. Khi lâm chung cô thấy Phật và Bồ-tát đều đến rước. Sau khi cô qua đời, mọi người cùng nhau xây tháp thờ. Người qua lại đều cung kính, nam nữ cả quận ấy đều hồi tâm niệm Phật.
44. ĐỆ TỬ NỮ HỌ BÙI
Giữa năm Trinh Quán (627), được vị tăng dạy niệm Phật, cô Bùi dùng hạt đậu để đếm số. Khi niệm đủ mười ba thạch, cô tự biết nơi sẽ sinh. Cô liền từ biệt hết thảy những người thân, mặc đồ đúng như pháp, niệm Phật mà qua đời, được vãng sinh Cực Lạc.
45. BÀ PHẬT TỬ HỌ DIÊU NGƯỜI THƯỢNG ĐÔ
Giữa năm Trinh Quán (627), nhờ bà Phạm khuyên, bà bèn niệm Phật A-di-đà. Khi lâm chung, thấy Phật, Bồ-tát đến đón, bà thưa: “Con chưa từ biệt bà Phạm. Thỉnh Phật tạm trụ trên không trung chờ con”. Lát sau, bà Phạm đến, bà liền bưng lư hương thản nhiên qua đời.
46. VỢ CỦA TRƯƠNG VĂN XÍ
Bà họ Tuân, phát tâm niệm Phật, vừa tròn hai năm. Một hôm, bà mộng thấy có vị tăng ở trước ao sen bảy báu liền bạch Phật: “Con bẻ một cành sen cho một người nữ thì có tội không?”. Câu nói vừa dứt, cảnh tượng liền tan biến. Ngày bà ấy xả báo thân, có mùi hương lạ tỏa khắp nhà, bà liền được vãng sinh Tây phương.
47. ÔNG GIÀ HUYỆN PHẦN DƯƠNG, TINH CHÂU
Ông thường tụng kinh A-di-đà. Năm Trinh Quán thứ 5 (632), ông mang theo lúa đến mượn một phòng trống ở chùa Pháp Nhẫn để nghỉ ngơi và niệm Phật. Lúc ông lâm chung có luồng ánh sáng rực rỡ chiếu khắp phòng, mặt mặt về phía tây mà qua đời, dáng như bước lên đài sen mà đi.
48. THIỆU NGUYỆN BẢO Ở UNG CHÂU
Ông phát tâm niệm Phật âm thanh không dứt, tự tu sám hối. Một đêm nằm mộng thấy bò kéo đài sen báu đến. Ông mắng con bò và nói: “Không phải đài này”. Ông liền niệm ba quyển kinh A-di-đà, niệm Phật một trăm tiếng. Con bò mới hoan hỷ kéo đài vàng đến. Bấy giờ, ông bay lên hư không mà vãng sinh. Chú thích:
[1] Cao tăng truyện 高僧傳: còn gọi là Lương cao tăng truyện, mười bốn quyển, Thích Tuệ Kiểu dịch vào đời Lương.
[2] Vãng sinh luận 往 生 論: tên khác của vô lượng thụ kinh Ưu-bà-đề-xá nguyện sinh kệ. Còn gọi là Tịnh độ luận.
[3] Lô sơn 廬山: tên núi, ở Cửu Giang Hà Nam, tỉnh Giang Tây, đứng cao sừng sững ở Bà Dương Hồ, bờ sông Tràng Giang.
[4] Hổ khê 虎溪: tên suối, ở trước chùa Đông Lâm, Lô sơn , Cửu Giang Hà Nam, tỉnh Giang Tây. Tương truyền pháp sư Tuệ Viễn ở đây, khi tiễn khách không qua khỏi suối, nếu qua khỏi thì liền kêu lên, cho nên gọi là Hổ khê.
[5] Tạ Linh Vận 謝 靈 運 (358~433): nhà văn học nổi tiếng thời Lưu Tống. Ông họ Trần, người Quận Dương Gia (tỉnh Hà Nam), tự Tuyên Minh. Cháu của Xa kị tướng quân Tạ Huyền. Đời gọi là Tạ Khương Nhạc, thuở nhỏ hiếu học, hiểu biết sâu rộng, giỏi thư pháp và hội họa, văn chương trác tuyệt, làm quan ở Giang Tả.
[6] Lưu Di Dân 劉遺民 (352~410): là hành giả tu pháp môn Tịnh độ đời Đông Tấn, người Bành Thành (Giang Tô Đồng Sơn), tên Trình Chi, tự Trọng Ân.
[7] Đào Ẩn 陶隱, tức Đào Hoằng Cảnh. Khi Đào Ẩn ở Cú Khúc sơn, có trồng cây tùng trước sân, mỗi khi nghe gió thổi đến cây tùng, ông rất vui. Gặp ở Đào Hoằng Cảnh, Truyện Ẩn Dật quyển hạ, Nam sử.
[8]Thủy quán 水觀: một trong mười sáu phép quán, rút ra trong kinh Quán vô lượng thọ. Còn gọi là Thủy tưởng quán, Thủy tướng quán.
[9] Phương đẳng sám 方等懺: thực hành phương đẳng tam-muội mà sám hối tội chướng của sáu căn. Còn gọi Phương đẳng tam-muội, Phương đẳng sám hối.
[10] Biến tướng địa ngục 地獄變相: biến là biến hiện, tùy theo căn cơ mà biến hiện ở địa hay Cực lạc, gọi là biến tướng.
[11] Chu Võ 周武: tức Chu Võ vương “Chiêu công năm thứ tư, Tả Truyện”: “ Chu Võ có lời thề cấp phát lương thực ở Mạnh Tân”.
[12] Cát-la tội 吉羅罪: gọi đủ là Đột-cát-la tội, tội nói lời xấu, làm việc xấu.
[13]Quốc Thanh Tự 國清寺: còn gọi là Thiên đài sơn cổ sát, ở phía nam của đỉnh Phật lũng, núi Thiên đài, tỉnh Chiết Giang.
[14] Ô-Tràng 烏場: Ô-trường: cũng gọi là Ô-trà, Ô-trượng-na (S: Udyàna). Trung quốc dịch là vườn, tức vườn của vua A-thâu-ca. Dịch âm Ô-tràng, Ô-trà đều sai. Đây là một nước thuộc Bắc Ấn (Đại Đường Tây Vực Ký, quyển 2)
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.191.225.154 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.