Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Hoa Nghiêm Kinh [Truyện,Truyền] Kí [華嚴經傳記] »» Bản Việt dịch quyển số 2 »»

Hoa Nghiêm Kinh [Truyện,Truyền] Kí [華嚴經傳記] »» Bản Việt dịch quyển số 2

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Truyện Ký Kinh Hoa Nghiêm

Kinh này có 5 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 | 5 |
Việt dịch: Thiện Thuận - Quảng An - Viên Châu - Ngộ Bổn

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

6- GIẢNG GIẢI (Những vị Tăng giảng giải kinh Hoa Nghiêm) [66]:
6.1- Thích Pháp Nghiệp ở Nam Lâm, sống vào đời Đông Tấn (317-420):
Không rõ Sư họ gì, thuở nhỏ đã có chí siêu phàm, thoát ly trần thế. Đến tuổi niên thiếu, Sư xuất gia, phong cách cao đẹp, thọ học với nhiều thầy, nên hiểu rộng, tư duy sâu, được người đương thời tôn trọng. Tuy Sư đã xem tất cả kinh điển, nhưng thường cho là chưa đủ để đạt đến nghĩa lý sâu xa.
Về sau, gặp sa-môn Phật-đà-bạt-đà-la (359-429) người Ấn Độ, Sư liền thỉnh dịch kinh Hoa Nghiêm. Đích thân Sư ghi chép, lượng định nghĩa lý, không kể ngày đêm. Trải qua vài năm, bỗng nhiên Sư ngộ được yếu chỉ.
Có lần, Sư đến thăm người bạn, vị ấy bảo: “Phép tắc của Thánh giáo tại nơi đây!”. Vì vậy, Sư đã đích thân đọc bản Phạn, lại nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi học hỏi, cho nên ngày càng thông đạt nghĩa lý. Từ đó, Sư xiển dương yếu chỉ sâu mầu của kinh Hoa Nghiêm, và trở thành bậc thầy kiệt xuất. Mấy trăm vị Sa-môn như Đàm Bân... đều ngưỡng mộ hướng về phương Bắc, cung kính thọ nhận lời dạy cao quý. Vì vậy, chánh pháp được lưu truyền là bắt đầu từ Sư. Vì Thánh giáo mới khai phát, nên chưa thể trình bày chi tiết, chỉ nêu khái quát mà thôi.
Sư soạn bộ Chỉ Quy 2 quyển, hiện đang lưu hành ở đời. Sau không biết Sư viên tịch ở đâu, các bậc tiên hiền chỉ ghi sơ lược vài nét về đạo hạnh của Sư. Thật buồn thay!
6.2- Cầu-na-bạt-đà-la ở chùa Trung Hưng, tại Kinh đô, sống vào đời Tống (420-479):
Cầu-na-bạt-đà-la (394-468) (Hán dịch là Công Đức Hiền), người Trung Ấn Độ, vốn thuộc dòng dõi Bà-la-môn, vì xiển dương giáo pháp Đại thừa, nên người đời gọi là Ma-ha Diễn.
Thuở nhỏ, Sư học tập uyên bác các luận về Ngũ minh, nghiên cứu tinh tường thiên văn, toán học, y học, chú thuật… Về sau, nhờ đọc và hiểu được nghĩa lý của A-tỳ-đàm Tạp Tâm Luận, Sư càng tin sâu Phật pháp, rồi cạo tóc xuất gia, chuyên cần học tập. Đến khi thọ giới cụ túc, Sư đã tinh thông ba tạng Kinh, Luật, Luận. Chẳng bao lâu, Sư từ biệt vị thầy dạy pháp Tiểu thừa và theo học với vị thầy dạy pháp Đại thừa.
Một hôm, vị Thầy thử Sư bằng cách bảo lấy hòm kinh đem ra, Sư liền lấy bộ Hoa Nghiêm dâng lên Thầy. Thầy vui mừng và khen rằng: “Con có duyên rất lớn đối với giáo pháp Đại thừa”. Thế là, Sư bắt đầu đọc tụng và diễn giảng kinh này, không ai có thể chất vấn được.
Chẳng bao lâu sau khi thọ giới Bồ-tát, Sư cảm thấy có duyên với phương Đông, nên theo thuyền vượt biển. Giữa đường gặp nạn, Sư ra sức niệm danh hiệu mười phương chư Phật và danh hiệu bồ-tát Quán Thế Âm. Cả thuyền đều được cứu thoát. Nhờ tâm chí thành của Sư nên có kỳ tích như thế.
Vào năm Nguyên Gia thứ 12 (435), Sư đến Quảng Châu. Bấy giờ, Thứ sử Xa Lãng dâng biểu lên Tống Văn Đế (424-454), nhà vua sai sứ ra nghinh đón. Sư vừa đến Kinh đô, vua sắc những vị danh tăng như Huệ Nghiêm, Huệ Quán đến thăm hỏi Sư ở Tân Đình. Thấy vẻ tinh anh thanh thoát của Sư, cả hai đều kính ngưỡng. Tuy các Ngài nhân việc phiên dịch mới kết giao, nhưng rất vui mừng như gặp lại bạn chí thiết. Ban đầu, Sư trụ ở chùa Kì Hoàn. Không bao lâu, Tống Văn Đế triệu thỉnh diện kiến, vua càng thêm khâm phục.
Nhà thông tài thạc học Nhan Diên Chi ở Lang Da cũng cung kính đến thăm hỏi học đạo. Thế là các danh sĩ xa gần ở Kinh đô cũng tấp nập kéo về. Đại tướng quân Vương Nghĩa Khang ở Bành Thành và thừa tướng Vương Nghĩa Tuyên ở Nam Tiếu đều tôn Sư làm Thầy. Không bao lâu, chúng tăng thỉnh Sư dịch kinh. Vì vậy, Sư vân tập hơn 700 vị Sa-môn Nghĩa học[67] dịch kinh Tạp A-hàm (50 quyển) tại chùa Kì Hoàn, kinh Đại Pháp Cổ (2 quyển) tại chùa Đông An và kinh Thắng Man (1 quyển) tại quận Đơn Dương. Tổng cộng hơn 100 quyển.
Về sau, Thừa tướng muốn thỉnh Sư giảng kinh Hoa Nghiêm, nhưng Sư tự nghĩ chưa thông tiếng Hán, cảm thấy hổ thẹn vô cùng, nên ngày đêm lễ bái sám hối, cầu bồ-tát Quán Thế Âm thầm cảm ứng. Đêm nọ, Sư mộng thấy có người mặc đồ trắng, lưng đeo kiếm, tay cầm một cái đầu người, đi đến trước mặt Sư, hỏi:
- Sao Thầy buồn vậy?
Sư trình bày đầy đủ sự việc trên. Vị ấy bảo:
- Đừng buồn gì cả!
Vừa dứt lời, vị ấy rút kiếm chém đứt đầu của Sư, thay vào đầu mới, rồi bảo nó cử động, và hỏi:
- Có đau không?
Sư đáp:
- Không đau!
Lát sau, Sư tỉnh dậy, trong lòng vui mừng khôn tả vì đã thông thạo tiếng Hán. Từ đó, Tăng tục xa gần đều khâm phục sự thành cảm của Sư, cầu thỉnh Sư giảng kinh. Sư bèn giảng kinh Hoa Nghiêm hơn mấy mươi lần.
Cuộc đời của Sư có rất nhiều điều linh cảm, ở đây chỉ dẫn ra vài việc: Cuối năm Nguyên Gia (453), Thừa tướng thường thấy những điềm mộng quái dị, nên đến thưa hỏi. Sư bảo: “Kinh đô sắp có loạn lạc”. Chưa đầy một năm, quả nhiên, bọn phản loạn muốn soán ngôi. Cho đến việc Thừa tướng có âm mưu dấy binh, Sư đã 3 lần can gián. Lần nọ, Hiếu Vũ Đế (454-465) ngước nhìn từ xa, Sư đã biết trước ý của vua[68]. Hoặc Sư cầm gậy trúc nhảy xuống sông, bỗng có một đứa bé đưa Sư vào bờ. Hoặc Sư dâng hương khấn nguyện dưới lầu, quỷ thần đều đi nơi khác[69]. Khi lâm triều thì vua quan kính ngưỡng, ở Điếu Đài thì cứu giúp muôn dân[70].
Từ nhỏ đến cuối đời, tay Sư thường cầm bình hương, chưa có lúc nào tạm rời. Mỗi lần thọ trai xong, Sư thường lấy thức ăn dư phân phát cho chim chóc. Chim quen dần nên đến đậu trên tay Sư để ăn.
Vào tháng Giêng năm Thái Thủy thứ 4 (468), cảm thấy thân không được khỏe, Sư cáo từ Tống Minh Đế (465-472) và các quan. Ngày lâm chung, Sư đứng trông xa và nói rằng: “Thấy hoa trời và tượng Phật, Bồ-tát”; gần đến giờ Ngọ thì thị tịch, thọ 75 tuổi. Tống Minh Đế đau xót vô ngần, phúng điếu rất trọng hậu. Các quan dự tang lễ cũng buồn thương khôn xiết.
6.3- Lặc-na-ma-đề ở Trung Ấn Độ, sống vào đời Ngụy (386-534):
Lặc-na-ma-đề (Hán dịch là Bảo Ý) người Trung Ấn Độ. Sư có kiến thức sâu rộng, lý sự đều thông, tụng thuộc một ức bài kệ (mỗi bài kệ có 32 chữ), rất giỏi Thiền học, có chí hoằng pháp.
Vào năm Chính Thủy thứ 5 (508) đời Bắc Ngụy (386-534), Sư đến Lạc Dương, cùng ngài Bồ-đề-lưu-chi[71] dịch các bộ luận như Thập Địa Kinh Luận, Pháp Hoa Kinh Luận v.v…, tổng cộng 24 quyển. Sư vốn có tư chất phi thường, huệ giải siêu việt, thông thạo tiếng Hán, thấu tỏ nghĩa lý uyên áo. Tuyên Vũ Đế (500-516) thường thỉnh Sư giảng kinh Hoa Nghiêm, Sư giải thích, khai ngộ cho mọi người, luôn phát huy được ý nghĩa sâu mầu.
Một hôm, Sư đang ở trên pháp tòa, bỗng có người tướng mạo như Thái quan[72], cầm hốt và lệnh, đến nói rằng:
- Thiên đế bảo tôi đến đây thỉnh Pháp sư giảng kinh Hoa Nghiêm.
Sư đáp:
- Nay pháp hội này vẫn chưa hoàn mãn, đợi ta giảng xong sẽ vâng lệnh đến. Tuy nhiên, chỉ một mình ta đâu thể làm cho pháp sự thành tựu được, mà cần phải có Đô giảng[73] thiêu hương[74], Duy-na[75] xướng tụng; nên thỉnh ngay hôm nay.
Sứ giả theo như lời Sư dạy, chư Tăng trong pháp hội đều thấy rõ.
Sau đó, pháp sự sắp hoàn mãn, lại thấy Sứ giả ấy đến nói:
- Vâng lệnh Thiên đế nên tôi xuống đây nghinh đón Ngài.
Sư mĩm cười, vui vẻ nói lời từ biệt với đại chúng. Vừa dứt lời, Sư an nhiên thị tịch ngay tại pháp tòa. Các vị Tăng như Đô giảng, Duy-na v.v… cũng đồng thời thị tịch. Cả nước nghe thấy thế, đều cho là lạ.
6.4- Thích Trí Cự ở Bắc Đài, sống vào đời Ngụy (386-534)[76]:
Sư họ Lưu, xuất gia từ thuở nhỏ, thờ ngài Đàm Vô Tối[77] làm Thầy. Sư có tư chất thông minh, học vấn uyên bác. Lúc đầu, Sư đọc kinh Hoa Nghiêm đến mấy mươi lần, nhưng vẫn không hiểu được nghĩa lý, trong lòng vô cùng buồn bã, nên ngày đêm tâm càng chí thành khẩn thiết.
Một đêm, Sư mộng thấy bồ-tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng, phóng ánh sáng. đến bảo Sư rằng:
- Ông theo ta đi về phương Nam, ta sẽ cho ông thuốc uống để hiểu rõ yếu chỉ kinh văn.
Tỉnh mộng, Sư nói điều này với những người cùng chí hướng, nhưng tiếc là quên hỏi phương Nam ở đâu. Những người cùng chí hướng nói:
- Bậc Thánh đã chỉ đi về phương Nam, cứ nên vâng mệnh, lo gì không đến được?
Sư liền khăn gói lên đường. Đi được ba ngày, Sư gặp một ao nước trong xanh, bên trong có cây xương bồ[78], cành lá to lớn, lòng rất vui mừng. Đào lên thì thấy rễ quấn quanh đến mấy thước[79], bằng bầu xe. Bất chợt Sư nghĩ rằng, đó là thuốc của bậc Thánh trao cho, liền lấy uống. Mấy ngày sau, Sư trở nên thông minh hơn trước, những điều uẩn khúc lâu nay chợt sáng tỏ, mà ý thú siêu phàm nhập Thánh, thật là vượt hẳn bậc Tiên hiền.
Từ đó, Sư đi khắp nơi giảng kinh Hoa Nghiêm hơn 50 lần và soạn chú sớ 10 quyển. Về sau, Sư thị tịch ở Bắc Đài, thọ 70 tuổi.
6.5- Thích Huệ Quang (468-537) ở chùa Đại Giác, Nghiệp Hạ, sống vào đời Tề (479-502)[80]:
Sư họ Dương, người Trường Lô, Định Châu (Hà Bắc), Năm 13 tuổi, Sư theo cha đến Lạc Dương. Ngày mồng 8 tháng 4, Sư đến lễ ngài Phật-đà-phiến-đa[81] xin thọ Tam quy. Ngài Phật-đà lấy làm lạ về ánh mắt sáng rực của Sư, rồi thầm nghĩ: “Đây hẳn là người có khí tiết đặc biệt”, nên cố mời Sư ở lại. Sau đó, Ngài bảo Sư tụng kinh, Sư cầm lên xem và cảm thấy như đã từng học từ trước, nên thông hiểu nghĩa lý sâu xa, thấu suốt yếu chỉ vi diệu.
Đến cuối Hạ, sau khi được ngài Phật-đà độ cho xuất gia, Sư thuyết giảng những kinh luật đã học cho mọi người nghe, ngôn từ đã trong sáng, nghĩa lý lại thông suốt, nên người đương thời gọi Sư là “Thánh Sa-di”. Đối với những vật dụng có được, Sư đều đem ban phát cho mọi người; không động tâm tới những lời khen chê, khiến mọi người càng trọng khí độ cao xa của Sư.
Ngài Phật-đà nói: “Sa-di này chẳng phải là người tầm thường. Nếu thọ Đại giới, trước hết nên cho nghe Luật, bởi vì Luật là nền tảng của trí huệ, nếu không thì trí huệ không khai phát”. Do đó, Sư được học tập luật hạnh. Đến khi thọ giới Cụ túc, Sư đã nghe nhiều, hiểu rộng và nghiêm trì Giới luật. Gần được 4 Hạ, Sư giảng luật Ma-ha Tăng-kỳ và từ đó chỉ theo nghiệp bút nghiên, ghi lại những điều đã nghe, đồng thời dùng ý để lượng định, đối chiếu và giải thích.
Một hôm, ngài Phật-đà âm thầm xem văn Sư viết, rồi gọi Sư vào, bảo rằng: “Ta độ ông là mong truyền Thánh quả. Sao cứ khư khư chỉ chạy theo ngôn ngữ thế gian? Ông chỉ có thể làm một bậc Pháp sư cao minh, chứ đạo quả ông không có phần”.
Gặp lúc ngài Phật-đà-phiến-đa và Lặc-na-ma-đề vừa mới dịch kinh Thập Địa, Sư xem cả 2 bản dịch này và phân chương, giải thích; cho nên, công của Sư là lớn nhất. Sư còn soạn sớ cho bộ luật Tứ Phần và nêu rõ chỉ thú, nhờ đó Luật tông cũng được hưng thịnh. Về sau, Sư nghe kinh Hoa Nghiêm, tuy đã tỏ ngộ được yếu chỉ sâu xa, nhưng vẫn nghiền ngẫm những chỗ tinh vi, nhiều phen tư duy khảo xét. Sau khi trải qua nhiều gian khó, truy tầm dấu vết, nghiền ngẫm những điều ẩn kín, Sư đã thấu rõ nghĩa lý uyên áo và trở thành bậc thầy tài giỏi.
Sư thường giảng dạy kinh Hoa Nghiêm và cho rằng: “Căn bản của Chánh pháp không có kinh nào hơn kinh này. Nếu ai thuyết giảng kinh này thì phải cung kính; mỗi lần giảng thì thân tâm phải thanh tịnh, cho đến thính chúng cũng như vậy, phải cởi giày dép để dưới thềm. Mỗi người cần phải trang nghiêm hương hoa, chắp tay cung kính, tỏ lòng tôn trọng pháp, bởi vì ngàn năm khó gặp vậy”.
Đối với việc phán giáo, Sư phán định giáo pháp của Đức Phật ra làm ba giáo: Đốn, Tiệm, Viên[82] và là người đầu tiên xếp kinh Hoa Nghiêm vào Viên giáo. Sư còn chú sớ yếu chỉ sâu xa của các kinh như Niết-bàn, Duy-ma, Thập Địa, Địa Trì… được người đương thời kính trọng. Các danh hiền đời Tề như quan Tư đồ Cao Tán, Tào bộc xạ Cao Long Chi, cho đến quan Tư Mã Lệnh Hồ Tử Nhu v.v… đều kính Sư như bậc Thánh.
Có lần trời hạn hán, người dân đến thỉnh Sư. Sư liền đến bên ao ở Tung Nhạc[83] thắp hương cầu mưa. Chẳng bao lâu, trời mưa như trút nước, tràn ngập khắp nơi, dân chúng đều được lợi ích. Đó là nhờ sự thành cảm của Sư nên mới ứng hiện mầu nhiệm như thế.
Cuối thời Bắc Ngụy, Sư nhận chức Quốc Tăng Đô ở Kinh đô, không bao lâu chuyển sang chức Quốc Thống, nên được gọi là Quang Thống Luật sư.
Mấy ngày trước khi viên tịch, Sư đi xe đến nhà Tào bộc xạ. Sư vừa ra khỏi cổng chùa, thì nóc nhà tự nhiên sụp đổ. Có lần, Sư ngồi luận bàn công việc, bỗng nhiên có một hòn đá rơi trước ngọn bút, nhìn theo thì không biết từ đâu, mới biết đây chính là tướng thị tịch. Từ đó, Sư phát bệnh, hơn 40 ngày sau, Sư an nhiên thị tịch tại chùa Đại Giác ở Nghiệp Thành, hưởng thọ 70 tuổi.
Trước đây, Sư thường nguyện sanh về cõi Phật, nhưng không xác định cõi nào. Khi sắp tịch, nhìn thấy Thiên chúng xuống nghinh đón, Sư mới nguyện sanh về cõi An Dưỡng[84]. Liền đó, các vị Hóa Phật trong cõi Tịnh hiện đầy hư không, Sư thưa: “Cúi mong chư Phật nhiếp thọ cho con được toại nguyện”. Chỉ trong khoảng khảy móng tay, Sư thị tịch.
Sư soạn Hoa Nghiêm Kinh Sớ 4 quyển, đồng thời trước tác Huyền Tông Luận, Đại Thừa Nghĩa Luật, Nhân Vương Thất Giới và Tăng chế[85] gồm 18 điều, nghĩa lý trong sáng, được người đương thời xem trọng.
6.6- Thích Tăng Phạm (476-555) ở chùa Đại Giác, Nghiệp Hạ, sống vào đời Bắc Tề (550-577):
Sư họ Lý, người Bình Hương (Hà Bắc). Thuở nhỏ, Sư từng học thông các sách, nên được người đương thời gọi là Kho sách[86].
Năm 23 tuổi, Sư thông hiểu Lưu Lược[87], lại tinh thông đến cả Thất diệu[88], Cửu chương[89], thiên văn, chú thuật, nên thường có hơn ngàn người theo học. Dù tuổi thanh xuân, nhưng Sư không nghĩ đến việc lập gia đình, mà chỉ để tâm vào Phật pháp, từng đốt ngón tay để cúng dường.
Năm 29 tuổi, vừa mới nghe giảng kinh Niết-bàn, Sư đã biết kinh Phật rất sâu kín. Vì vậy, Sư đến lễ ngài Tăng Thỉ ở Nghiệp Thành xin xuất gia. Đầu tiên, Sư học kinh Niết-bàn, mong thấu triệt nghĩa lý của kinh. Sau đó, Sư học kinh Pháp Hoa, Hoa Nghiêm nơi ngài Hiến Công ở Lạc Dương, lại học Luật nơi ngài Huệ Quang, lãnh hội được nhiều điều mới lạ. Sau một thời gian, Sư bắt đầu du phương giáo hóa, đem lại nhiều lợi ích an vui cho người dân vùng Tề, Ngụy. Mỗi lần Sư thuyết pháp, thính chúng có hơn ngàn người.
Thứ sử Giao Châu Đỗ Bật đến chùa Hiện Nghĩa ở Nghiệp Hạ[90] thỉnh Sư giảng kinh Hoa Nghiêm vào mùa Đông. Sư giảng đến phần Địa thứ 6, bỗng có một con chim Nhạn từ phía Đông của tháp bay vào giảng đường, đậu đối diện với pháp tòa, nằm yên nghe pháp. Sư giảng xong, nó từ từ bay ra theo phía Tây của tháp, rồi biến mất. Hôm khác, vào mùa Hạ, Sư cũng giảng kinh Hoa Nghiêm ở tại chùa này, có một con chim sẻ bay đến phía Tây Nam pháp tòa, nằm yên nghe pháp suốt 3 tháng Hạ. Có lần, Sư giảng kinh Hoa Nghiêm ở Tế Châu, cũng có một con chim bay đến nghe pháp. Sư giảng xong, nó liền bay đi. Đây là những điềm lành cảm ứng đến loài vật. Nếu không phải là đạo nhuần thấm đến cõi u minh thì làm sao như thế?
Một lần khác, Sư đang giảng kinh Hoa Nghiêm, có vị tăng hủy báng rằng: “Kiệt-đẩu[91]! Ông mà biết gì?” Ngay đêm ấy, có vị thần cầm roi đánh vị tăng chết đi sống lại mấy lần. Những người chứng kiến cảnh đó vô cùng kính sợ.
Lần nọ, Sư nghỉ đêm tại một ngôi chùa khác đúng vào ngày Bố-tát. Có vị tăng lên pháp tòa muốn Thụ nghĩa[92], nói rằng: “Lập nghĩa, luận bàn về pháp tướng để lãnh hội sâu xa ngôn giáo của Phật, cần gì phải thuyết giới vì tăng đã thường nghe”. Vừa dứt lời, bỗng có vị thần thân cao hơn một trượng[93], tướng mạo rất uy dũng, đến trước pháp tòa hỏi vị Thụ nghĩa: “Nay là ngày gì?” Đáp: “Là ngày Bố-tát”. Vị thần liền lấy tay kéo vị tăng xuống tòa, ngã nhào sắp chết. Kế đó, thần hỏi một vị Thượng tòa khác và cũng giống như trước. Từ đó, Sư nỗ lực nghiêm trì việc Bố-tát cho đến trọn đời, dù là việc tăng hay việc riêng, Sư đều không gửi dục[94], cho đến bị bệnh nặng cũng ngồi xe đi đến trong tăng để nghe giới.
Những ngày sắp viên tịch, Sư thỉnh tượng Phật vào phòng, chí thành lễ lạy sám hối những nghiệp nhân đã tạo trước đây. Vào đúng giờ Ngọ, ngày 2 tháng 3 năm Thiên Bảo thứ 6 (555), sau khi dặn dò đệ tử, Sư thị tịch tại chùa Đại Giác ở phía Đông đất Nghiệp Hạ, hưởng thọ 80 tuổi.
Lúc đầu, Sư theo Nho học. Sau đó, Sư bỏ Nho theo Phật, ngày càng kính tin Phật pháp, lắng niệm nơi Thiền môn, xa lìa những điều đã học, lời nói không đề cập đến danh lợi, sắc mặt không lộ nét vui buồn. Sư luôn chuyên tâm đến kinh Hoa Nghiêm để làm phước nghiệp cho đời sau; đêm đến, lạy 1000 vị Phật để làm tư lương cho đời này. Cuối đời, tuổi tác đã cao, sức khoẻ yếu dần, nhưng Sư vẫn giữ đủ ngày đêm 6 thời tâm thành lễ Phật. Những bậc anh tài từ xưa đến nay ít ai bì kịp.
Sư soạn Hoa Nghiêm Kinh Sớ 5 quyển và soạn chú sớ các kinh Thập Địa, Địa Trì, Duy-ma, Thắng Man.
6.7- Thích Đàm Diễn ở Trị Châu, sống vào đời Bắc Tề (550-577):
Sư họ Hạ Hầu, người châu Nam Duyện, lúc mới sanh ra, răng đã mọc đầy đủ. Năm 7 tuổi đi học, Sư thông minh xuất chúng. Năm 18 tuổi, Sư đỗ Tú tài.
Khi gặp pháp hội của ngài Huệ Quang, Sư xin thọ Tam quy Ngũ giới. Năm 23 tuổi, Sư đảnh lễ ngài Huệ Quang xin xuất gia và được Ngài cho thọ Đại giới. Từ đó, Sư miệt mài nghiên cứu kinh điển đến nỗi quên ăn bỏ ngủ. Tuy nhiên, đối với yếu chỉ của Tạng giáo, Sư còn có chỗ nghi ngờ, nên thường tham vấn các bậc thạc học, nhưng không ai thông đạt. Sư bèn xem đọc Tạng giáo, soạn Hoa Nghiêm Kinh Sớ 7 quyển và giảng dạy liên tục để trợ giúp việc nghiên cứu diệu lý. Sư thuyết giảng rất hùng hồn, lời lẽ trong sáng, ngôn từ khế hợp căn cơ thính chúng đương thời. Sư du hóa thuyết pháp khắp các vùng Tề, Trịnh, Yên, Triệu. Có hơn 1000 vị Tăng nghĩa học thường theo Sư nghe pháp và gần 500 vị cư sĩ theo Sư xuất gia.
Triệu Quận Vương Cao Nguyên Hải, thứ sử Giao Châu Đỗ Bật, hoàng thân quốc thích và các trọng thần triều Tề đều hết lòng kính trọng Sư. Bộc xạ Tổ Hiếu Trưng tâu lên vua cho Sư làm chức Quốc Tăng Đô để điều hòa việc đạo, hầu không mất đi cương yếu Phật pháp.
Vào ngày 18 tháng 3 năm Khai Hoàng thứ 1 (581), bỗng nhiên Sư bảo thị giả: “Vô thường đến rồi!” Bấy giờ, Sư nhất tâm niệm danh hiệu Phật Di-lặc. Tiếng niệm Phật và hơi thở bặt dứt đúng vào giờ Ngọ. Sư hưởng thọ 79 tuổi. Các vị tăng đứng hầu hai bên đều thấy nét mặt của Sư rất vui tươi.
Khi Sư còn sanh tiền, việc cứu tế chúng sanh thì ưu tiên cho người nghèo hèn, bệnh tật; việc truyền trao giáo pháp thì lấy việc hợp cơ làm đầu. Hễ thấy kinh sách hay tượng Phật, Bồ-tát, Sư liền dâng lễ thỉnh đưa. Giữa đường gặp người nghèo khổ, Sư thương xót đến rơi lệ. Sư thường thích nghe giới. Đối với những vật tanh hôi, cay nồng, Sư chẳng thèm nhìn tới. Mỗi lần muốn hạ phong, Sư bước ra ngoài để giữ tinh sạch cho phòng tăng.
Trước khi Sư thị tịch, có người mộng thấy sư Đàm Diễn mặc áo đỏ, búi tóc, tóc mai phủ xuống ngang lưng, còn 2 đồng tử đang hầu bay lên hư không, rồi biến mất ở phía Tây Bắc. Chỉ trong khoảnh khắc, Sư thị tịch. Bấy giờ, mọi người cho rằng, đó là hình trạng Bà-sa-bà-đà Dạ thiên[95], vị Thiện tri thức[96] thứ 32 trong kinh Hoa Nghiêm mà đồng tử Thiện Tài[97] tham vấn.
6.8- Thích Linh Dụ (518-605) ở chùa Diễn Không, Tương Châu, sống vào đời Tùy (581-618):
Sư họ Triệu, người Khúc Dương, Cự Lộc, Định Châu, Trung Quốc. Khi tuổi còn nhỏ, mỗi lần thấy hình tượng Sa-môn, Sư đã biết tỏ lòng cung kính; mỗi khi nghe tiếng kêu của con vật bị giết, Sư xót xa, buồn bã, lộ vẻ không vui.
Năm 6 tuổi, Sư theo mẹ đến chùa thọ Tam quy Ngũ giới, người cha dứt khoát không cho, nhưng Sư quyết không bỏ chí nguyện này. Năm 7 tuổi, Sư xin cha xuất gia. Vì thương con, nên cha chưa cho phép. Sư than: “Bảy tuổi mà không được xuất gia, thì hoại cả một đời”. Sư bèn tìm Thầy học đạo, việc học ngày càng tiến bộ.
Năm 15 tuổi, cha mất, Sư dốc lòng cư tang, trải cỏ làm giường, lấy đất làm gối, chẳng nghĩ đến thân, đến nỗi yếu gầy, phải chống gậy mới đứng được. Khi mãn tang cha, Sư âm thầm đến lễ thiền sư Bảo ở chùa Ứng Giác - Triệu Quận, cầu xin xuất gia. Nhìn thấy thần thái của Sư, thiền sư Bảo từ chối, nói rằng: “Ta chỉ là trợ duyên cho ông, chứ không phải là thầy của ông. Ông nên đến nơi tốt hơn”. Sư liền đến Định Châu thọ giới Cụ túc, tụng thuộc 2 bộ luật Tứ Phần và Ma-ha Tăng-kỳ, rồi tự viết lại. Trong vòng 8 ngày, Sư đã viết và tụng xong 2 bộ Luật này.
Sau đó, Sư đi về phía Nam, đến vùng Chương Phũ[98], học luật Tứ Phần nơi ngài Ẩn Công, nghe giảng kinh Thập Địa nơi ngài Bằng Công; sớm tối âm thầm nghiên cứu, Sư đã phát hiện những ý kỳ diệu, phân tích những nghĩa mới lạ, đều gom chép đầy đủ. Đối với Niết-bàn, Địa Luận, Sư tìm hiểu sâu rộng những bộ luận giải xưa, rồi đối chiếu nghiên cứu, đưa ra những điều mới lạ. Riêng bộ Đại Tập, Bát-nhã, Sư tự nghiền ngẫm mà liễu đạt, không cần Thầy chỉ dạy. Sư cũng học luận Thành Thật và đều thấu suốt yếu chỉ.
Được 12 Hạ, Sư bắt đầu giảng thuyết ở vùng Nghiệp Kinh, danh tiếng đã vang khắp, trình bày chỉ thú lại mới lạ, khiến thính chúng đều xin quy y và tôn Sư là Dụ Bồ-tát. Mọi người đều theo Sư thọ giới Bồ-tát, từ đó giới pháp Đại thừa được lưu truyền rộng rãi. Sư rất lưu tâm đến bộ kinh Hoa Nghiêm, nên nghiên cứu cùng tận chỉ thú kinh này, và được người đương thời gọi là “Lệnh gia”[99].
Gặp lúc Hoàng hậu nước Tề bị bệnh, muốn nghe kinh Hoa Nghiêm, Chiêu huyền thống[100] cử Sư đảm đương. Bấy giờ, có một con gà trống thường theo chúng nghe pháp. Buổi giảng vừa xong, nó liền gáy to một tiếng, rồi bay lên cao, đậu trên ngọn cây ở phía Tây Nam, qua một đêm rồi chết. Không bao lâu, Hoàng hậu lành bệnh. Đây cũng là do sự thành cảm mà có linh ứng như thế. Nhân đó, triều đình dâng cúng cho Sư 300 chiếc ca-sa, Sư nhận rồi đem phân phát cho chúng tăng.
An Đông Vương Lâu Duệ nước Tề rất trọng chư tăng. Có lần đến trước Sư, tự nhiên ông hoảng sợ đến toát mồ hôi. Sau hỏi ra mới biết đó là do khí độ đặc biệt của Sư. Từ đó, ông thờ Sư làm thầy truyền giới. Lúc Sư đến ngôi chùa trên Bảo sơn, Lâu Duệ làm thí chủ, đã dốc hết tiền của để cúng dường. Đức hạnh sâu dày của Sư đã cảm đến mọi người như thế.
Đến lúc nhà Chu diệt nhà Tề[101], Phật giáo và Nho giáo đều bị hủy diệt, nên Sư đã lẫn mình vào thế tục, thân mặc áo vải thô, đầu đội mũ gai, giống như để tang cha mẹ, một lòng cầu nguyện Phật pháp hưng thịnh như lúc trước, thì Sư mới trở lại hình thức tu sĩ. Bấy giờ, Sư hướng dẫn hơn 20 vị đồng học vào các thôn xóm vắng vẻ, ngày đọc sách đời, đêm bàn Phật lý.
Đến đời Tùy, giáo pháp lại hưng thịnh, Sư tiếp tục xiển dương Phật pháp. Đức hạnh của Sư toả sáng, nên Văn Đế hỏi các bậc anh hào, đều nói rằng: “Đức độ của pháp sư Dụ cao vòi vọi”. Nhân đó, vua hạ chiếu rằng: “Kính vấn an pháp sư Linh Dụ ở chùa Đại Từ, Tương Châu. Trẫm rất tôn trọng và hết lòng quy hướng Tam bảo, mong Pháp sư xiển dương Đại thừa, giữ gìn chánh pháp. Pháp sư phạm hạnh thanh cao, uyên bác nghĩa lý, hoằng dương Thánh giáo, dẫn dắt kẻ mê mờ. Đạo tục đều kính ngưỡng, mong làm ruộng phước. Cả nước đều ngưỡng mộ, bốn phương kéo về. Vì vậy, từ xa kính thỉnh Pháp sư cùng tạo công đức, nên hiểu ý trẫm, sớm vào Kinh đô”.
Lúc vào Trường An, Sư đã 74 tuổi, vua sai sứ đến thăm hỏi và mời Sư ở lại chùa Hưng Thiện. Vua lại hạ chiếu cho quan, triệu tập các Cao tăng chọn người làm Quốc thống. Tất cả đều suy cử Sư, nhưng Sư một mực từ chối, quyết không thay đổi, rồi dâng biểu từ chức và xin trở về, nhà vua chấp thuận. Sau đó, Bộc xạ Cao Dĩnh… dâng sớ thỉnh Sư lưu lại, vua liền hạ chiếu. Sư nói: “Là vua của một nước không nên nói hai lời. Nay Bệ hạ lại mời tôi, theo lý thật không thỏa đáng”. Thế rồi, Sư nói với đệ tử: “Từ lâu, ta đã có thệ nguyện không thân gần vua quan hoàng tộc, vì ở gần thì họ khinh chư tăng, xem thường giáo pháp; nhưng ở xa thì tất cả đều cung kính hướng về. Vì vậy, ta rất đắn đo, chưa định được ”.
Không lâu sau, vua ban chiếu lần thứ 3, cố mời Sư ở lại, nhưng Sư vẫn giữ vững ý định ban đầu. Vua bảo Tô Uy: “Trẫm biết pháp sư Linh Dụ tánh tình cương trực, là người tự tại, thật không thể khuất phục được chí tiết của Ngài”. Vua bèn sắc các quan, như Tả bộc xạ Cao Dĩnh, Hữu bộc xạ Tô Uy… đến chùa tuyên đọc Thánh chỉ, thay vua thọ giới và sám hối, lại dâng cúng 300 bộ y bằng gấm lụa, đồng thời trợ giúp việc tu sửa chùa. Vua ban bảng hiệu chùa là “Linh Tuyền tự”.
Khi Sư trở về quê hương, nhà vua nhiều lần ban chiếu thăm hỏi. Sau đó, ở vùng Nghiệp Hạ có lời truyền Sư sắp thị tịch, nên mọi người đều vân tập xin quy y, thọ giới, lại hỏi khắp thì không biết lời truyền từ đâu. Nhưng Sư cũng tin là phước mạng sắp hết; do đó, chỉ dạy cho họ điều ác, điều thiện; đồng thời sách tấn các đệ tử nên gắng tu hành.
Đến ngày thứ 7, nhằm ngày 22 tháng Giêng năm Đại Nghiệp thứ 1 (605), tại chùa Diễn Không, Sư cầm bút viết 2 bài thơ “Buồn một đời chóng qua”[102] và “Buồn vĩnh biệt”[103]. Đến canh 3, bỗng có mùi thơm lạ bay khắp phòng, mọi người đều kinh ngạc. Sư lắng tâm niệm danh hiệu Phật liên tục cho đến sáng thì thị tịch, hưởng thọ 88 tuổi. Mọi người buồn thương, làm chấn động cả vùng núi ấy. Các đệ tử an táng Sư bên cạnh chùa Linh Tuyền ở Bảo Sơn, và xây tháp tôn thờ.
Lúc sanh tiền, Sư luôn giữ mình trong sạch, chí khí ngút trời, đức hạnh cao vút, mọi hành động đều là mô phạm cho người. Một hôm, mẹ bệnh nặng, Sư trở về thăm. Trên đường đi, nghe tin mẹ đã mất và việc an táng đã xong, Sư liền quay trở về chùa, chuyên tâm hoằng đạo, dứt bỏ tình thân.
Có lần, Sư đến nơi nọ giảng pháp, gần được một nửa, chợt thấy vị Giảng chủ vẫn đang chăm bón vườn hẹ, Sư bảo:
- Việc hoằng pháp đầu tiên là dứt trừ nguồn gốc tội lỗi; nếu nghiệp ác chưa trừ, thì Phật đạo làm sao thành tựu; buổi giảng không thể tiếp tục, nên giải tán.
Nói xong, Sư đắp y, cầm tích trượng từ biệt ra đi. Vị Giảng chủ nói:
- Pháp sư cứ tiếp tục, việc này dễ giải quyết thôi.
Vừa dứt lời, vị Giảng chủ liền mượn chiếc cày của người trong xóm, cùng một lúc cày sạch 40 mẫu[104] hẹ. Điều này có thể nói rằng: Theo lời dạy mà làm.
Lần nọ, trong giảng hội, các vị Đại đức tụ tập nói chuyện, cười đùa. Khi Sư bước lên pháp tòa thì tất cả đều im lặng, rất mực cung kính. Lúc Sư xuống pháp toà, Ni chúng cũng không dám đối diện thưa hỏi.
Sư tánh khí cương trực, dứt khoát, ăn mặc giản dị. Dù người giàu sang hay kẻ thấp hèn, Sư đều đối xử như nhau, đến đi tùy họ, chưa từng đưa đón. Cho nên, người dân đất Nghiệp Hạ thường nói: “Pháp sư Đàm Diễn hạ mình trước Tăng chúng, không hạ mình trước người đời; còn pháp sư Linh Dụ hạ mình trước cả Tăng và tục”.
Sư đối đáp không cần suy nghĩ, lời nói ra đều trở thành luận. Suốt cuộc đời, Sư đều thể hiện trọn vẹn cả bi và kính trong bố thí; phân phát 1000 chiếc ca-sa cho chúng tăng, cấp phát thuốc men cho nhiều người bệnh. Hễ có thức ăn ngon, Sư cúng cho chúng tăng trước. Sư sống hòa đồng với đại chúng, không cất riêng bất cứ vật gì. Lúc truyền dạy cho người, mặt đều hướng về phương Tây.
Cả một đời, Sư không bao giờ khạc nhổ. Sư làm không chọn việc, nói không trau chuốc lời. Răn dạy người và vật, Sư không bao giờ la rầy đánh đập, cho đến chỉ bảo trẻ em, răn dạy đệ tử, Sư đều tự xưng tên mình và gọi họ là “Nhân giả”, lời lẽ ân cần tha thiết khiến người nghe phải rơi lệ. Nếu người nào lời nói trái với việc làm, thì không cho ở chung; còn không giữ đúng luật, thì phép chùa chẳng dung chứa.
Sư nguyện không truyền giới cho người nữ và Ni chúng, cũng không cho họ bước vào phòng mình. Đây là khuôn phép rộng lược để răn dạy người sau. Hòa thượng đàn đầu truyền giới Cụ túc cho Sa-di phải đầy đủ đức độ, Sư cho là rất khó, nên suốt đời không làm; còn những việc khác, Sư đều đảm nhận và làm việc với chúng rất đúng giờ. Chỉ lúc truyền giới Bồ-tát thì mới đầy đủ 7 chúng; hoặc khi giảng pháp, Sư mới cho phép người nữ vào chùa, mà phải vào sau, ra trước, đi thẳng về, không được ở lại, làm cho pháp hội trang nghiêm thanh tịnh, tiếng Sư vang khắp thiên hạ.
Sư không cho Sa-di làm thị giả. Thân mặc vải thô, không dùng gấm lụa. Quần dài thì cách gót chân 4 ngón tay. Tay áo chỉ dài đến khuỷu tay, Tăng-kì-chi[105] chỉ đến cẳng chân mà thôi. Nếu thấy y may quá mức quy định, thì sai chúng cắt bớt. Cho nên, y phục của Tăng phải đúng kích cở. Còn các vật dụng như chăn nệm bằng dạ, da hảo hạng, tiền bạc, châu báu… đều không được đem vào phòng. Tăng-kì-chi và y năm điều đắp hằng ngày đều may bằng vải thô. Nếu có người dâng cúng lụa tốt, Sư đều phân phát cho người, còn những y khác chỉ dùng những vải cũ rách mà thôi.
Năm 30 tuổi, Sư đã bắt đầu trước tác. Sư soạn Hoa Nghiêm Sớ và Chỉ Quy gồm có 9 quyển; ngoài ra còn có các bộ Chương sớ, Truyện ký… tổng cộng hơn 100 quyển, hiện đang lưu hành ở đời. Từ khi giáo pháp lưu truyền sang Trung Quốc, nghi thức giáo hóa có khác, nhưng chỉ có pháp sư Linh Dụ là người đã lập giáo và thực hành tạo được niềm tin mãi mãi về sau.
6.9- Thích Huệ Tạng (522-605) ở chùa Không Quán, Tây Kinh, sống vào đời Tùy (581-618):
Sư họ Hác, người Bình Cát, nước Triệu, xuất gia năm 11 tuổi. Khi chưa thọ giới Cụ túc, Sư đã giảng kinh Niết-bàn. Sau nghe giảng các kinh luận như luận Đại Trí Độ, kinh Thập Địa, Hoa Nghiêm, Bát-nhã…, Sư đều thông suốt nghĩa lý, ai cũng khâm phục.
Năm 40 tuổi, Sư ẩn cư ở Thước Sơn, sống đời gian khổ, gối đầu trên đá, uống nước dưới khe, lắng tâm nơi yếu chỉ sâu mầu. Sư từng nghiên cứu các kinh điển, nhưng lấy kinh Hoa Nghiêm làm căn bản. Tuy đã thấu suốt yếu chỉ sâu xa, Sư vẫn khiêm hạ, tự cho mình còn thấp kém, nên khẩn cầu bậc Thánh trợ giúp chỉ bày chỗ đúng sai. Ngay đêm đó, sự linh cảm ứng hiện. Sư nghe trong hư không có tiếng bảo rằng: “Đúng thế, đúng thế!” Nhân đó, Sư soạn nghĩa sớ, đích thân xiển dương kinh giáo, những người đến Sư học đều khen ngợi.
Vũ Thành Đế nhà Tề hạ chiếu mời sư giảng kinh Hoa Nghiêm tại điện Thái Cực. Chư tăng nhóm họp rất đông, các bậc danh sĩ cũng đều tụ hội nghe pháp. Bấy giờ, Sư được mọi người tôn vinh, tiếng tăm vang khắp. Từ đó, Sư chuyên giảng kinh Hoa Nghiêm, sự truyền học ngày càng rộng.
Gặp lúc nhà Chu hủy diệt Phật pháp, Sư tạm mang hình tướng cư sĩ ẩn mình nơi trần tục để giữ gìn Phật pháp. Đến đầu đời Tùy, Phật pháp lại hưng thịnh, Sư trở lại tướng xuất gia. Văn Đế kính trọng đức độ của Sư, nên sai sứ đến thỉnh. Vừa vào Kinh đô, Sư đến yết kiến vua ở điện Thừa Minh, trình bày yếu chỉ sâu mầu, rất hợp với ý vua. Sư được xem là một trong sáu vị Đại đức. Vua ban thêm cho Sư những lễ vật đặc biệt. Cho nên, trong 24 năm, cả bốn mùa, Sư không hề thiếu thốn.
Ngày 29 tháng 11 năm Đại Nghiệp thứ 1 (605), Sư bị bệnh nhẹ và viên tịch tại chùa Không Quán, hưởng thọ 84 tuổi. Trước khi mất, Sư di chúc không được tẩm liệm. Các đệ tử vâng lời Sư dạy, để lộ thi thể dưới chân núi; sau đó, đưa lên ngọn núi phía trước chùa Chí Tướng, núi Chung Nam[106], xây tháp tôn thờ.
6.10- Thích Linh Cán ở chùa Đại Thiền Định, Tây Kinh, sống vào đời Tùy (581-618):
Sư họ Lý, người Địch Đạo, Kim Thành. Tổ tiên của Sư làm quan được phong đất ở Thượng Đảng, nên đã dời đến ở đó.
Năm 10 tuổi, Sư rất thích nghe pháp, trong lòng ham muốn xuất gia, nhưng cha mẹ không cho. Đến năm 14 tuổi, Sư mới đến đảnh lễ xin làm đệ tử pháp sư Diễn ở chùa Đại Trang Nghiêm, đất Nghiệp Kinh, ngày đêm kính phụng, không phút giây trễ nãi. Mỗi lần vào giảng đường, Sư tưởng như ở thiên cung không khác. Năm 18 tuổi, Sư lại giảng kinh Hoa Nghiêm, Thập Địa; vừa giảng phần Tông bản, mọi người đều khen ngợi.
Gặp lúc Chu Vũ hủy diệt Phật pháp, Sư trở về nhà, nhưng vẫn nghiêm trì giới luật. Đến đời Tùy, Phật pháp lại hưng thịnh, Sư được tuyển chọn làm Bồ-tát tăng[107]. Sư giảng kinh này, thường được vua mời đến thăm hỏi, tăng tục bốn phương đều vân tập, cả nước tôn kính. Năm Khai Hoàng thứ 7 (597), vua sắc lệnh cho Sư trụ tại chùa Hưng Thiện, đảm nhận chức Sa-môn chứng nghĩa trong dịch trường.
Năm Khai Hoàng thứ 17 (597), Sư bị bệnh, bỗng chết giấc, chỉ nơi tim còn nóng, đại chúng không dám tẩm liệm. Sau đó, tỉnh lại, Sư nói: “Ta lên cung trời Đâu-suất, gặp hai pháp sư Hưu và Viễn cùng ngồi trên đài sen, ánh sáng rực rỡ, nói với ta rằng: ‘Ông và các đệ tử của ta sau này đều sanh về đây’”. Ngay lúc đó, Sư tỉnh dậy. Từ đó, Sư càng chuyên tâm vào việc giảng kinh và tu tập quán hạnh, không giao tiếp với mọi người.
Năm Đại Nghiệp thứ 3 (607), khi Sư trụ tại chùa Đại Thiền Định, có sắc lệnh tiến cử Sư làm Thượng tọa chùa Đạo Tràng. Tăng chúng ngày càng đông. Sư có công rất lớn trong việc hoằng pháp. Tháng Giêng năm Đại Nghiệp thứ 8 (612), Sư thị tịch tại chùa Đạo Tràng, hưởng thọ 78 tuổi. Các đệ tử hỏa táng Sư ở phía Bắc núi Chung Nam.
Lúc sanh tiền, Sư dốc lòng phụng trì kinh Hoa Nghiêm, y cứ vào kinh để quán tưởng Liên Hoa Tạng Thế giới hải và Di-lặc thiên cung. Đến khi bệnh nặng, mắt Sư nhìn lên trên, không nhìn mọi người; hồi lâu, mới trở lại bình thường. Sa-môn Đồng Chân đứng bên cạnh để chăm sóc, Sư bảo Đồng Chân:
- Vừa rồi, ta thấy đồng tử mặc áo xanh dẫn ta lên cung trời Đâu-suất, nhưng cái vui ở cõi trời không dài lâu, chết vẫn bị đọa lạc luân hồi, chỉ có thế giới Liên Hoa Tạng là chỗ nên hướng về.
Không bao lâu, Sư ngừng thở; giây lát thở lại, Đồng Chân hỏi:
- Sư thấy những gì?
Sư bảo:
- Ta thấy nước lớn tràn khắp, trong đó có hoa sen lớn như bánh xe, ta ngồi lên đó, đã mãn nguyện rồi.
Vừa dứt lời, Sư thị tịch.


Chú thích:
[66] Bản Hán là quyển 2 và 3.
[67] Nghĩa học: Còn gọi Giải học, là học về lý luận và giải thích danh tướng. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập III, trang 3102).
[68] Lần nọ, Hiếu Vũ Đế mở một buổi yến tiệc và thỉnh Sư đến. Bấy giờ, trong buổi tiệc, các vương công đại thần đều hội tụ đầy đủ… Hiếu Vũ Đế ngước nhìn xa xa, rồi quay lại bảo quan Thượng thơ Tạ Trang: “Vị Ma-ha Diễn này thật là thông minh tài trí, song việc già chết của Ngài đã kề cận. Trẫm sẽ thử thách. Nhất định Ngài sẽ biết ý trẫm. Sư vừa bước vào cung điện, Hiếu Vũ Đế ra nghinh đón, bảo: “Ngài Ma-ha Diễn không phí sức từ xa đến, nhưng còn một việc chưa làm xong”. Sư đáp: “Tôi từ xa đến Kinh đô đã gần 40 năm. Thiên tử đối đãi với tôi rất ân cần thâm hậu. Tôi thật xấu hổ không đáng để thọ ân trọng. Hiện nay tôi đã 70 tuổi, lại có bệnh tật. Bây giờ chỉ còn có cái chết, chính là việc chưa làm xong”. Qua lời đối đáp, thấy Sư biện tài vô ngại, vua càng thêm khâm phục và ra lệnh cho Sư ngồi kế vua. Bấy giờ, quần thần trong cung đều ghé mắt trông nhìn. (Theo Xuất Tam Tạng Ký Tập quyển 14).
[69] Tại chùa Tây Khởi ở lầu Phụng Hoàng, Mạt Lăng, vào mỗi giữa đêm, cánh cửa chùa thường phát ra tiếng, nhưng không thấy ai cả. Chúng tăng thường giật mình thức giấc. Sư bèn dâng hương khấn nguyện, quỷ thần đều bay đi mất. (Theo Thần Tăng Truyện quyển 3).
[70] Năm Đại Minh thứ 6 (462), khắp nơi đều bị hạn hán, Hiếu Vũ Đế thỉnh Sư cầu mưa. Sư liền đến Điếu Đài ở Hồ Bắc dâng hương cầu nguyện. Hôm sau, quả nhiên, gió thổi đến, mây tụ hội, mưa liên tục mấy ngày. (Theo Thần Tăng Truyện quyển 3).
[71] Bồ-đề-lưu-chi: Hán dịch là Đạo Hy. Cao tăng thời Bắc Ngụy, người Bắc Ấn Độ, là học giả hệ Du-già Đại thừa, bẩm tính thông minh, thông cả Tam tạng, tinh thông chú thuật, sớm có chí hoằng pháp. Năm 508, đời vua Tuyên Vũ Đế thời Bắc ngụy, Sư đến Lạc Dương, cùng với Lặc-na-ma-đề và Phật-đà-phiến-đa dịch kinh tiếng Phạn sang tiếng Hán. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập I, trang 576; Từ điển Phật học, trang 66).
[72] Thái quan: Tên một chức quan. Từ đời tiền Tần đến đời Đường, là người lo việc ăn uống cho vua quan; từ đời Tống trở về sau, là người quản lý phẩm vật cúng tế.
[73] Đô giảng: còn gọi Đô giảng sư, chức tăng trong Hội giảng kinh luận. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập II, trang 1543).
[74] Thiêu hương: còn gọi Niêm hương, Niệp hương, Phần hương, Chú hương. Đốt các loại hương trước tượng chư Phật, Bồ-tát, Tổ sư. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập VI, trang 5579).
[75] Duy na: xem chú thích “Đô duy-na”.
[76] Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập VII, trang 5775: Sống vào đời Lưu Tống (còn gọi là Tiền Tống 420-479) thuộc Nam triều.
[77] Đàm Vô Tối: Cao tăng Trung Quốc, sống vào thời Bắc Ngụy (386-534), họ Đổng, người Vũ An (tỉnh Hà Nam). Sư xuất gia từ thuở nhỏ, học thông kinh, luật, luận và Nho học, được mọi người tôn trọng. Lúc đầu, Sư giảng dạy Giới luật ở chùa Sùng Tôn, Hàm Đan; sau phụng sắc đến chùa Dung Giác, Lạc Dương giảng kinh Niết-bàn, Hoa Nghiêm. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập II, trang 1381).
[78] Xương bồ: Tên một thứ cây có mùi thơm, mọc trên núi, dùng làm vị thuốc. (Theo Nguyễn Quốc Hùng, Hán Việt Tân Từ điển, 1975, trang 815).
[79] Thước: Thước Trung Quốc, khoảng 0,3 mét.
[80] Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập IV, trang 3606: Sống vào đời Bắc Ngụy (386-534).
[81] Phật-đà-phiến-đa: Hán dịch là Giác Định. Cao tăng người Bắc Ấn Độ, sang Trung Quốc dịch kinh vào thời Bắc Ngụy. Sư thần ngộ thông mẫn, hiểu biết rộng các sách đạo và đời. Năm 508 đời Bắc Ngụy, Sư vâng sắc cùng các ngài Bồ-đề-lưu-chi và Lặc-na-ma-đề dịch Thập Địa Kinh Luận tại điện Lạc Dương trong suốt 4 năm mới hoàn thành. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập IV, trang 3606).
[82] Ba giáo: Đốn, Tiệm, Viên. Đốn giáo: Giáo pháp cao sâu được giảng ngay từ lúc đầu đối với những người căn cơ đốn ngộ. Tiệm giáo: Giáo pháp được giảng theo thứ lớp từ cạn đến sâu đối với những người căn cơ chưa thuần thục. Viên giáo: Giáo pháp cứu cánh viên mãn của Phật được giảng cho những người đạt đến cảnh giới Phật. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập II, trang 1568; tập V, trang 4100, 4429; tập VII, trang 6022).
[83] Tung Nhạc: còn gọi là Tung Cao sơn, Tung sơn, Sùng Cao sơn, Sùng sơn, Ngoại Phương sơn. Là núi nằm cách huyện Đăng Phong, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc khoảng hơn 5 km về phía Bắc. Núi này và Đông Nhạc Thái sơn (tỉnh Sơn Đông), Tây Nhạc Hoa sơn (tỉnh Thiểm Tây), Nam Nhạc Hoành sơn (tỉnh Hồ Nam) và Bắc Nhạc Hằng sơn (tỉnh Sơn Tây) được gọi chung là Ngũ Nhạc. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập V, trang 4653).
[84] An Dưỡng: còn gọi An Dưỡng quốc, An Dưỡng Tịnh độ, An Dưỡng thế giới. Tên khác của thế giới Cực Lạc phương Tây. Vì ở trong tịnh độ Cực Lạc này được an tâm dưỡng thân, nên gọi là An Dưỡng. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập I, trang 105).
[85] Tăng chế: còn gọi là Thanh quy, Tăng cấm; là những quy định khác ngoài giới luật được lập ra để ngăn chận sự buông lung về lời nói và hành động của tăng ni. Thời vua Hiếu Minh Đế (516-528), ngài Huệ Quang soạn Nhân Vương Thất Giới và Tăng chế gồm 18 điều, nhưng tiếc thay hiện nay đều thất truyền. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập V, trang 4279).
[86] Kho sách: Hán là Phủ khố 府庫 , theo Pháp Uyển Châu Lâm quyển 24. Phủ khố nghĩa đen là nơi cất giữ tài sản của triều đình hoặc quốc gia.
[87] Lưu Lược: Cửu lưu Thất lược, là từ gọi thay cho sách vở. Cửu lưu: Chín học phái lớn thời Xuân Thu ở Trung Hoa sau khi Khổng Tử qua đời, gồm Nho gia, Đạo gia, Âm dương gia, Pháp gia, Danh gia, Mặc gia, Tung hoành gia, Tạp gia và Nông gia, gọi là Cửu lưu. Lại có Tiểu thuyết gia, thì gọi là Thập gia. Thất lược: Tập lược, Lục nghệ lược, Chư tử lược, Thi phú lược, Binh thư lược, Thuật số lược và Phương chi lược. (Theo Từ Nguyên; Hán Việt Tân Từ điển, trang 129).
[88] Thất diệu: Còn gọi là Thất tinh, là bảy ngôi sao: 1. Nhật tinh (Thái dương), 2. Nguyệt tinh (Thái âm), 3. Hỏa tinh (sao Huỳnh), 4. Thủy tinh (sao Thần), 5. Mộc tinh (sao Tuế), 6. Kim tinh (sao Thái Bạch), 7. Thổ tinh (sao Trấn). Thông thường, 7 sao này được dùng về mặt lịch số và bói toán. Bảy sao này thêm 2 Thực tinh là La Hầu (sao Hoàng phan) và Kế Đô (sao Tuệ, còn gọi là sao Báo vĩ) thì gọi là Cửu Chấp hoặc Cửu Diệu. Chấp Diệu là gọi tắt của Cửu Chấp Thất Diệu. Pháp tu cúng tế Thất Diệu gọi là Thất Diệu cúng. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập VI, trang 5357).
[89] Cửu chương: Tên một phép tính của Trung Hoa thời cổ, còn gọi là Cửu số, Cửu chương toán pháp. Đó là: 1. Phương điền (đo ruộng), 2. Túc mễ (tính toán việc buôn bán), 3. Sai phân (phép hỗn hợp quý tiện), 4. Thiếu quảng (bình phương và lập phương), 5. Thương công (tính toán về công trình), 6. Quân thâu (vận phí xe thuyền), 7. Phương trình (phương trình thức), 8. Doanh bất túc (tỷ lệ), 9. Câu cổ (phép tam giác). (Theo Hán Việt Tân Từ điển, trang 129; Đào Duy Anh, Hán Việt Từ điển, 1994, trang 147).
[90] Nghiệp Hạ: Huyện Nghiệp, vùng đất Tào Tháo được phong vào cuối đời Hán. (Theo Từ Vựng 辭彙 , trang 1307).
[91] Kiệt-đẩu: còn gọi là Trách đẩu, dụng ngữ Thiền. Nghĩa là những người khôn ngoan, xảo quyệt, những người chẳng chịu nhận khuyết điểm về phần mình mà lại cố biện luận muốn lấn lướt người. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập III, trang 2158.
[92] Thụ nghĩa: Còn gọi Thụ nghị, Lập nghĩa. Y cứ vào luận đề đã định trong một hội luận nghị mà lập nghĩa… Trong hội luận nghị, chức quan cao nhất đưa ra luận đề đồng thời quyết định thắng thua cuối cùng gọi là Thám đề, còn gọi Đề giả, Thám Đề Bác Sĩ. Học tăng tiếp nhận thí nghiệm gọi là Thụ nghĩa giả, gọi tắt là Thụ nghĩa, Thụ giả, Lập giả. Người chất vấn hoặc cật vấn đối với luận đề gọi là Vấn giả, Nạn giả. Người phê phán, giải đáp xem có xác đáng hay không gọi là Chứng nghĩa, Tinh nghĩa. Ngưòi ghi chép toàn bộ luận nghị vấn đáp gọi là Chú ký. Người chấp hành toàn bộ các việc lặt vặt trong hội trường gọi là Hành sự… (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập VI, trang 5646).
[93] Một trượng: Mười thước Trung Quốc, khoảng 3,3 mét.
[94] Gởi dục: Nghĩa là đem ý kiến của mình ủy thác cho một vị Tỳ-kheo khác để vị này trình bày trước đại chúng, khi bản thân vì một lý do nào đó không tham dự được ngày Bố-tát tăng đoàn, tự tứ hoặc nhiều việc khác (Yết-ma). Vị tỳ-kheo nhận ý muốn ủy thác gọi là Thụ dục. Truyền đạt ý kiến được gởi này đến đại chúng gọi là Thuyết dục. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập II, trang 1166).
[95] Bà-sa-bà-đà Dạ thiên: Nguyên là Bà-san-bà-diễn-để Chủ dạ thần, là thần Chủ dạ, vị thứ 32 trong 55 vị thiện tri thức mà đồng tử Thiện Tài tham vấn. Vị thần này cứu hộ và đoạn trừ mọi sự sợ hãi của chúng sanh ở chỗ tối tăm, bảo vệ muôn vật được sinh trưởng. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập I, trang 197).
[96] Thiện tri thức: Người chân chính ngay thẳng, có đức hạnh, có khả năng giáo hoá, dẫn dắt người khác theo chánh đạo… Theo phẩm Nhập Pháp Giới kinh Hoa Nghiêm, trong quá trình cầu đạo, đồng tử Thiện Tài tham vấn tất cả 55 vị Thiện tri thức (thông thường cho rằng 53 vị Thiện tri thức), tức trên từ Phật, Bồ-tát, dưới đến trời, người, bất luận xuất hiện dưới hình thái nào, hễ người có khả năng dẫn dắt chúng sanh bỏ ác, tu thiện, vào Phật đạo đều được gọi là Thiện tri thức. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập VI, trang 5568).
[97] Đồng tử Thiện Tài: Vị Bồ-tát cầu đạo nói trong phẩm Nhập Pháp Giới kinh Hoa Nghiêm, từng đi về phía Nam tham phỏng 55 vị Thiện tri thức, gặp bồ-tát Phổ Hiền, thành tựu Phật đạo. Phật giáo Đại thừa dùng việc này để làm ví dụ chứng minh nghĩa Tức thân thành Phật, còn quá trình cầu pháp của đồng tử Thiện Tài thì biểu thị cho các giai đoạn nhập pháp giới của Hoa Nghiêm. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập VI, trang 5563).
[98] Chương là sông Chương, Phũ là sông Phũ Dương (tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc).
[99] Lệnh gia: Từ tôn xưng bậc cao quý.
[100] Chiêu huyền thống: Còn gọi Tăng Thống, Sa-môn Thống, Đạo Nhân Thống, Đô Thống. Thời Đông Ngụy, Chiêu Huyền Thống được gọi là Quốc Thống. Đây là chức tăng quan do triều đình Bắc Ngụy Trung Quốc lập ra để quản lý mọi việc của tăng ni trong toàn quốc. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập V, trang 4306, điều “Tăng Thống”).
[101] Trong thời kỳ Nam Bắc triều (420-588), Phật giáo đã trải qua hai kỳ pháp nạn dưới triều Thái Vũ Đế (đời Bắc Ngụy, 466) và Vũ Đế (đời Bắc Chu, 560). Thái Vũ Đế đời Bắc Ngụy là một ông vua tàn bạo, nghe lời sàm tấu, đã tàn sát một cách ghê gớm các tăng lữ và phá hủy kinh tượng, chùa tháp trong nước. Nhưng vận mệnh của kẻ bạo tàn không thể lâu dài được, cho nên, bốn năm sau khi thi hành thủ đoạn tàn ác trên, Thái Vũ Đế từ trần. Văn Thành Vương lên nối ngôi, nhận thấy việc làm tàn ác, vô lý và nguy hại trên, nên đã truyền phục hưng Phật giáo, nhờ đó đạo Phật dần dần lấy lại thanh thế cũ.
Đến đời Vũ Đế nhà Bắc Chu, Phật giáo lại bị tai ách lần thứ hai. Vua ra sắc lệnh bãi bỏ Phật giáo, bắt các tăng sĩ về làm dân, xung vào binh nội; chùa chiền bị biến thành phủ đệ cho các vương hầu ở, dân chúng bị ngăn cấm không cho thờ cúng Phật. Nhưng ít năm sau, Vũ Đế mất, Tuyên Đế nối ngôi, lại sắc chiếu phục hưng Phật giáo, truyền dịch kinh luận. Nhờ đó, đến đời Tùy, Phật giáo mới trở lại thịnh hành, vua quan đều quy y Phật pháp.
(Theo Lịch sử Phật giáo Trung Hoa của HT. Thích Thiện Hoa).
[102]哀速終 Ai tốc chung Buồn một đời chóng qua
今日坐高堂 Kim nhật tọa cao đường Hôm nay ngồi tòa cao
明朝臥長棘 Minh triêu ngọa trường cức Sáng mai nằm gai gốc
一生聊已竟 Nhất sanh liêu dĩ cánh Đời nay thế đã hết
來報將何息。Lai báo tương hà tức. Làm sao dứt đời sau?
[103]悲永殞 Bi vĩnh vẫn Buồn vĩnh biệt
命斷辭人路 Mạng đoạn từ nhân lộ Số hết, lìa nhân gian
骸送鬼門前 Hài tống Quỷ môn tiền Thân đến Quỷ môn quan
從今一別後 Tùng kim nhất biệt hậu Từ nay xa cách mãi.
更會幾何年。 Cánh hội kỷ hà niên. Biết bao giờ gặp lại?
[104] Mẫu: đơn vị diện tích dùng để tính ruộng, cứ 10 sào là một mẫu (tức 60 trượng vuông hay 3600 thước vuông tây).
[105] Tăng-kì-chi: Còn gọi Tăng-kha-kì-ca, Tăng-kiệt-chi, Tăng-ca-chi, Tăng-khước-kì, Tăng-cước-kì, Tăng-cước-sai. Áo lót phủ vai, che 2 nách; một trong 5 y của Tỳ-kheo. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập V, trang 4294).
[106] Núi Chung Nam: Núi ở Thiểm Tây, cách huyện Trường An, Trung Quốc 29 km về phía Tây, trải dài hơn 40 dặm, phía Đông bắt đầu từ huyện Lam Điền đến phía Tây huyện Mi. Núi này là một phần của dãy núi Thái Lãnh. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập I, trang 968).
[107] Bồ-tát tăng: Các cao tăng bị bắt buộc phải để tóc, đội mão, ăn mặc theo thế gian, trang sức chuỗi anh lạc… vào đời Vũ Đế (565-577) thời Bắc Chu, Trung Quốc. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập I, trang 595).

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 5 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Chuyện Phật đời xưa


Kinh Đại Bát Niết-bàn - Tập 2


Sống đẹp giữa dòng đời


Đừng bận tâm chuyện vặt

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.188.102.199 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập