Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Tì Kheo Ni [Truyện,Truyền] [比丘尼傳] »» Bản Việt dịch quyển số 4 »»

Tì Kheo Ni [Truyện,Truyền] [比丘尼傳] »» Bản Việt dịch quyển số 4

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.32 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.41 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Truyện Các Vị Tỳ Kheo Ni

Kinh này có 4 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | Quyển cuối
Việt dịch: Chúc Giải - Huệ Hạnh - Diệu Tuyền

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Truyện 52: NI SƯ TỊNH TÚ Ở CHÙA THIỀN LÂM
Ni sư họ Lương, người Ô Thị, An Định. Tổ tiên của ni sư nhiều đời làm quan tư mã đi dẹp giặc. Cha của ni sư tên là Xán Chi, giữ chức đô hương hầu ở huyện Long Xuyên.
Ni sư tuy nhỏ tuổi, nhưng thông minh, có hiếu hạnh, nhân từ. Năm lên bảy, tự nhiên ni sư thụ trì trai giới. Thấy vậy, cha mẹ thỉnh chư tăng đến tụng kinh Niết-bàn. Nghe xong, ni sư không ăn thịt cá, chỉ dùng rau quả, nhưng không dám để cho cha mẹ biết. Nếu thấy cá, lươn, ni sư lén thả chúng.
Sau, ni sư theo sa-môn Phổ Luyện, người nước ngoài, xin thụ trì năm giới, tinh tiến gìn giữ chưa từng trái phạm, lễ Phật, tụng kinh suốt ngày đêm.
Năm mười hai tuổi, ni sư xin xuất gia nhưng cha mẹ không cho phép. Đến khi biết viết chữ, ni sư thường tự chép kinh sách. Ni sư đem tiền bạc, của cải của mình dùng vào việc công đức, không chạy theo thú vui thế gian, không mặc y phục bằng gấm lụa, cũng không trang điểm phấn son.
Ni sư sống thầm lặng như thế đến năm mười chín tuổi mới được cha mẹ cho phép xuất gia, làm đệ tử của ni sư Nghiệp Thủ ở chùa Thanh Viên. Ni sư tận tâm hầu thầy mà vẫn sợ mình làm không vừa ý thầy, siêng tu ba nghiệp sớm tối không dám biếng lười. Đối với những việc tăng sai, ni sư thường là người làm giỏi nhất, gặp điều khổ nhọc thì siêng năng, chịu khó, gặp việc thì giải quyết thỏa đáng, nên được thiện thần kính trọng, thường theo hộ trì.
Thuở ấy, có ông họ Mã, người đời cho là thần nhân. Thấy ni sư, ông ta nói: “Vị ni sư này sẽ sinh lên cõi trời Đâu-suất”.
Có lần, ni sư cùng hai ni sư khác ngồi thiền trong điện Phật, bỗng nghe trong hư không có tiếng như bò rống, hai vị kia sợ hãi, còn ni sư thì vẫn thản nhiên. Khi trở về phòng lấy đèn, vừa bước lên bậc thềm, hai vị lại nghe trong hư không có tiếng nói: “Chư ni hãy tránh đường, thiền sư Tú trở về!”.
Hôm sau, ni sư cùng mấy vị ni khác ngồi tại phòng thiền. Có một vị ni đang lúc mơ ngủ thì thấy có một người ở trong nhà nơi hàng cột đầu tiên nói: “Đừng làm kinh động ni sư Tú!”.
Thời gian sau, ni sư cùng ngồi thiền với các vị ni khác, có một vị ni tạm đứng lên, thì lại thấy có một người đưa tay ngăn lại và nói: “Đừng làm động tâm ni sư Tú! Mọi cử chỉ, việc làm đều phải tuân theo phép tắc”.
Lần nọ, ni sư muốn thỉnh pháp sư Diệu giảng luật Thập tụng, nhưng chỉ có một nghìn tiền nên sợ sự việc không thành. Đêm ấy, ni sư mộng thấy các loài chim khách, chim sáo, chim sẻ, mỗi con cưỡi xe lớn-nhỏ xứng với thân hình của nó và đồng cất tiếng nói: “Chúng tôi sẽ giúp ni sư Tú trong việc thỉnh giảng bộ luật ấy”. Thế là có đến bảy mươi thí chủ kéo nhau đến cúng dường.
Sau, ni sư lại thỉnh luật sư Pháp Dĩnh giảng lại luật Thập tụng. Vào ngày đầu tiên, nước trong bồn tắm tự nhiên thơm phức. Hôm ấy, ni sư ngồi thiền một mình, không có các vị ni khác; khi xuất thiền vì sợ ngồi một mình là phạm giới, ni sư đến hỏi luật sư. Luật sư bảo: “Không phạm”.
Một hôm, thấy chư ni chưa thực hành đúng pháp, ni sư than: “Chính pháp chưa xa mà sự tu học đã suy đồi, bản thân không lo sửa đổi cho ngay thẳng thì làm sao dẫn dắt người khác?”. Ni sư liền hành pháp ma-na-đỏa[20] để tự sám hối trước tiên. Cả chúng thấy vậy, ai cũng làm theo, xét lại những điều lầm lỗi mà hổ thẹn sám hối.
Niên hiệu Nguyên Gia thứ bảy (430), đời Tống, có sa-môn Cầu-na-bạt-ma người Ấn Độ đến kinh đô. Sư là người giữ giới luật tinh nghiêm, nên ni sư lại theo xin thụ giới. Vì đồ chúng ở chùa Thanh Viên có kiến giải không đồng, nên ni sư muốn lập một nơi ở riêng để ngoài thì giữ gìn giới luật, trong thì an trụ thiền định, hầu xứng hợp phần nào với tâm nguyện của mình.
Vào tháng 08 niên hiệu Đại Minh thứ bảy (463), đời Tống, công chúa Nam Xương và Hoàng Tu Nghi cúng dường mảnh đất ở Nghi Tri để ni sư lập tinh xá. Ni sư mặc áo vải gai, ăn lá dâu, đích thân tô bùn, lợp ngói, dốc sức làm suốt ngày đêm để tạo dựng điện Phật, đắp tượng, mọi việc đều chu toàn. Có hơn mười người sống chung với ni sư, ai cũng lấy thiền định làm sự nghiệp.
Niên hiệu Thái Thỉ thứ ba (467), từ sự nhóm họp tu tập của chư ni, Tống Minh đế sắc lệnh đặt tên chùa là Thiền Lâm. Ni sư tự tay chép các kinh và lập riêng một đài kinh đặt ở trong chùa. Hai anh em vua rồng Sa-già-la hiện ra suốt ngày để ủng hộ ni sư, những người quen biết tới lui không ai không trông thấy.
Mỗi khi ni sư thỉnh chư tăng đến cúng dường thì đều có những hiện tượng kì lạ. Có lần, ni sư mở hội cúng dường bảy ngày. Trong lúc đang quì gối, chú tâm quán tưởng, lễ sám, ni sư bỗng thấy có hai vị tăng người Ấn Độ cùng đưa tay ra nói, một vị tự xưng là Di-khư-la, một vị tự xưng là Tì-khư-la. Cả hai vị đều mặc ca-sa đỏ thẫm như màu trái dâu chín. Thấy vậy, ni sư lấy bùn đất nhuộm y phục của mình cho giống màu ca-sa của hai vị ấy.
Hôm khác, ni sư lại mở đại hội cúng dường hai ngày, thỉnh năm trăm vị a-la-hán ở ao A-nậu-đạt[21], năm trăm vị a-la-hán ở nước Kế-tân và các vị đại đức ở kinh đô đến dự. Qua ngày thứ hai, lại thấy có một vị tăng người Ấn Độ, đại chúng ai cũng nghi ngờ và cùng đến hỏi thăm. Vị ấy nói: “Tôi từ nước Kế-tân đến đây đã một năm rồi”. Ni sư bảo người giữ cửa ngầm theo dõi, thì nhiều người cùng thấy vị ấy đi ra từ cửa Tống Lâm, nhưng mới đi được hơn mười bước bỗng nhiên không thấy nữa.
Lại nữa, có lúc ni sư tắm thì trong ngoài đều yên lặng, chỉ nghe tiếng của chiếc gáo gỗ khua mà không nghe tiếng nước chảy.
Những điềm lành kì lạ đều giống như vậy.
Văn Huệ đế và Cánh Lăng Văn Tuyên vương đời Tề kính trọng ni sư, lấy lễ mà đón tiếp và cúng dường không ngớt.
Đến khi tuổi cao, sức yếu, ni sư không thể đi lại được. Niên hiệu Thiên Giám thứ ba (504), đời Lương, vua sắc cho ni sư được ngồi kiệu vào cung.
Ngày 17 tháng 06 niên hiệu Thiên Giám thứ năm (506), [945c] tinh thần mê mẩn, ni sư cũng không ăn uống được.
Ngày 19 tháng 06, pháp sư Tuệ Lệnh ở chùa Bành Thành mộng thấy có điện một cột đẹp đẽ lạ thường. Pháp sư cho rằng, đó là cung trời Đâu-suất và thấy ni sư đang ở trong đó. Pháp sư dặn: “Khi được sinh lên cõi tốt đẹp ấy, ni sư đừng quên đón tôi”. Ni sư thưa: “Pháp sư là bậc đại trượng phu, thông hiểu kinh giáo thì tự sinh về cõi tốt đẹp ấy”. Nghe ni sư bệnh, pháp sư đến thăm và kể lại những điều trong mộng.
Ngày 13 tháng 07, bệnh tình của ni sư có phần thuyên giảm, ni sư mộng thấy tràng phan, bảo cái và nhạc khí giăng treo ở phía tây điện Phật.
Ngày 22, ni sư thỉnh những vị tăng quen biết đến để từ biệt.
Ngày 27, ni sư bảo các đệ tử:
- Thầy sẽ lên cung trời Đâu-suất.
Nói xong, ni sư viên tịch, thọ tám mươi chín tuổi.
Truyện 53: NI SƯ TĂNG NIỆM Ở CHÙA THIỀN LÂM
Ni sư họ Dương, người Nam Thành, Thái sơn[22]. Cha ni sư là một vị quan nhỏ làm việc ở Di châu. Ni sư là cô của pháp sư Đàm Duệ ở chùa Chiêu Đề.
Từ thuở bé, ni sư đã thông minh, tài giỏi và biết trau giồi đức hạnh. Lên mười tuổi, ni sư xuất gia, làm đệ tử của ni sư Pháp Hộ và theo thầy sống ở chùa Thái Hậu. Ni sư là người có tiết tháo cao vời, chuyên tu khổ hạnh, thiền định tinh nghiêm, học rộng, hiểu nhiều, giỏi cả văn lẫn nghĩa. Ni sư ăn uống đạm bạc, thường lễ bái sám hối. Càng lớn tuổi, ni sư càng tinh tiến, tụng kinh Pháp hoa suốt đêm ngày trọn bộ bảy quyển.
Tống Văn đế và Hiếu Vũ đế thường cúng dường ni sư mọi thứ cần dùng.
Niên hiệu Vĩnh Minh thứ mười (492), đời Tề, ni sư đến sống ở chùa Thiền Lâm. Từ đó, thiền pháp ngày càng hưng thịnh, người theo học ngày càng đông. Quan tư đồ Cánh Lăng vương cúng dường mọi thứ cần dùng.
Niên hiệu Thiên Giám thứ ba (504), đời Lương, ni sư viên tịch, thọ chín mươi tuổi. Nhục thân của ni sư được an táng tại làng Trung Hưng, huyện Mạt Lăng.
Truyện 54: NI SƯ ĐÀM HUY Ở CHÙA TRƯỜNG LẠC, THÀNH ĐÔ
Ni sư họ Thanh Dương, tên là Bạch Ngọc, người Thành Đô. Thuở nhỏ, ni sư thích xuất gia nhưng cha mẹ không cho phép.
Niên hiệu Nguyên Gia thứ chín (432), thiền sư Cương-lương-da-xá người Ấn Độ vào đất Thục hoằng truyền pháp môn thiền quán. Năm ấy, ni sư mười một tuổi. Lúc đó, ni sư thưa mẹ thỉnh thiền sư dạy thiền pháp và được mẹ đồng ý. Vừa thấy ni sư, thiền sư khen: “Cô bé này có căn cơ đối với Phật pháp, nên cho cô tu tập”. Thiền sư còn dặn ni sư Pháp Dục cho cô ta ở bên cạnh.
Trước đây, người mẹ đã hứa gả ni sư cho con trai của một người cô. Ngày xuất giá, người mẹ dặn: “Con không được thay đổi mà có ý định khác”. Trước tình cảnh này, ni sư Pháp Dục lén đưa ni sư về chùa. Từ đó, ni sư dũng mãnh phát nguyện: “Nếu chí nguyện xuất gia của con không thành mà bị ép lập gia đình, thì con sẽ tự thiêu”.
Nghe tin này, Quan thứ sử Chân Pháp Sùng sai người đến đón ni sư, tập hợp các vị quan và những người có uy tín, đồng thời thỉnh chư ni tìm mọi cách để vượt qua nạn này. Pháp Sùng hỏi:
- Cô đã suy nghĩ kĩ về việc xuất gia chưa?
Ni sư đáp:
- Tôi phát nguyện xuất gia đã lâu rồi, cúi xin ông giúp đỡ cho tôi được toại nguyện.
Pháp Sùng nói:
- Được rồi!
Thế là ông cho người đến thuyết phục người mẹ của chàng trai và được bà chấp thuận.
Từ đó, ni sư xuất gia, làm đệ tử của ni sư Pháp Dục. Năm ấy, ni sư mười ba tuổi. Sau khi xuất gia, ni sư theo học và thực tập thiền quán với ni sư Pháp Dục. Vừa nhận lĩnh được thiền pháp, ni sư nhập định ngay tại tòa ngồi cuối cùng và thấy ở phương đông có hai vầng ánh sáng: một vầng màu trắng sáng rỡ như mặt trời, một vầng màu xanh mát dịu như mặt trăng. Đang ở trong định, ni sư nghĩ: “Ánh sáng màu trắng nhất định là đạo bồ-tát, ánh sáng màu xanh là pháp thanh văn; nếu quả đúng như vậy thì hãy khiến cho vầng ánh sáng xanh mất đi, vầng ánh sáng trắng sáng rực lên”. Ngay khi ni sư khởi nghĩ như vậy, vầng ánh sáng xanh biến mất, vầng ánh sáng trắng sáng rực lên. Xuất định, ni sư đem điều ấy thưa với thầy.
Ni sư Pháp Dục vốn là người giỏi về thiền quán, nghe nói vậy, hoan hỉ khen: “Lành thay!”. Lúc ấy, hơn bốn mươi người cùng ngồi thiền, ai cũng khen là điều hiếm có.
Nghe tin này, chàng thanh niên kia sinh tâm nghi ngờ, cho đó là điều tà vạy, nên đến buộc ni sư trở về nhà. Lúc ấy, ni sư mười sáu tuổi. Ni sư sai người nữ công quả canh chừng để không bị bức hại. Chàng thanh niên không biết làm thế nào, liền đi báo quan. Quan thứ sử khen ngợi, cho là điều kì lạ, nên đến hỏi ngài Cương-lương-da-xá. Ngài bảo: “Vị ni này có căn tính linh lợi, đừng làm trái ý cô ta. Nếu gia đình chàng trai muốn phân giải điều này thì chỉ là việc làm uổng công, không đáng. Bần đạo đã già rồi, cũng tùy hỉ theo cô ấy”. Quan thứ sử về giải thích cho anh ta nghe như thế.
Sau, ngay trong định, ni sư tự ngộ được Phật tính, thường trụ trong giáo nghĩa bình đẳng của Đại thừa mà không cần thầy chỉ dạy. Bấy giờ, các bậc thầy nổi tiếng tìm nhiều cách vấn nạn, nhưng không ai có thể làm cho ni sư khuất phục. Từ đó, danh tiếng của ni sư vang khắp, xa gần đều qui phục.
Niên hiệu Nguyên Gia thứ mười chín (442), đời Tống, Lâm Xuyên vương tên là Lâm Nam Duyện từ xa đến trấn nhậm nơi này. Năm ấy, ni sư hai mươi mốt tuổi. Lúc đó, phiêu kị[23] tướng quân Mục Thiểm lại đưa ni sư đến sống ở vùng Nam Sở[24]. Nam nữ, tăng tục khoảng một nghìn hai trăm người đều tôn ni sư làm thầy. Năm tháng dần trôi, ni sư nhớ về mẹ hiền nên xin trở về quê.
Ni sư là người có đức hạnh cao vời, đệ tử ngày càng đông. Ni sư cho xây tháp miếu, điện đường, phòng tăng ở phía tây bắc Thị Kiều, không bao lâu đã hoàn thành. Ni sư lại xây thêm ba ngôi chùa đều hoàn thành một cách nhanh chóng thần kì, ai cũng khen ngợi, cho ni sư là người có thần lực.
Niên hiệu Thiên Giám thứ ba (504), ni sư viên tịch, thọ tám mươi ba tuổi.
Thời gian đầu, Trương Tuấn theo cha mẹ đến sống ở Ích châu. Có lần, ông cùng đi với khoảng ba mươi người khách nhưng không tính trước là đi đâu. Họ vừa ngồi xuống thì ngay lúc đó có các loại trái cây đúng mùa thơm ngon, quí lạ tự nhiên rơi xuống. Sau, quan thứ sử Lưu Thuân có lần dẫn quân đi ngang qua đó thì cũng thấy như vậy.
Một hôm, Lương Tuyên Vũ vương định đem phẩm vật đến nhờ ni sư thiết lễ cúng dường hơn một trăm vị, nhưng vương chưa thưa với ni sư mà đến giữa trưa đã có hơn ba trăm vị tăng tự đến, cộng với những người phò tá vương là gần bốn trăm vị. Sắp đến giờ cúng dường, vương bảo người hầu đến nhờ người dọn thức ăn. Ngay khi vương sai người vào, thì chỉ thấy hai đệ tử và hai người hầu đã dọn sẵn thức ăn mà hoàn toàn không tốn công sức hay tiền của. Vương lại càng khen ngợi ni sư không ngớt lời.
Có người hỏi:
- Tôi thấy tài sản của ni sư và của các đệ tử không hơn những gia đình bậc trung mà ni sư làm gì cũng như thần biến. Sao lại có sự nhiệm mầu như thế?
Ni sư trả lời:
- Bần đạo không bao giờ cất chứa của cải cho riêng mình, nếu muốn làm việc gì thì chỉ cần năm ba tiền vàng mà thôi, rồi tự nhiên có lại, nhưng tôi không biết vì sao mà có được như vậy. Vì thế, nhiều người bàn tán cho rằng, tôi có một kho tàng vô tận.
Cùng thời ấy, có ni sư Hoa Quang, họ Tiên, là người thâm nhập về thiền quán, thông suốt nghĩa lí vi diệu, xem hết ba tạng kinh điển, thông cả học thuyết của bách gia[25], lại giỏi về văn chương. Ni sư viết những bài kệ tụng ca ngợi ni sư Đàm Huy với ngôn từ chuẩn xác, ý nghĩa thanh cao, chẳng khác gì những bài thơ trong kinh Thi.
Truyện 55: NI SƯ PHÙNG Ở CHÙA ĐÔ LANG TRUNG,CAO XƯƠNG, NƯỚC NGỤY
Ni sư họ Phùng, người Cao Xương[26]. Người đương thời kính trọng nên lấy họ để gọi ni sư.
Năm ba mươi tuổi, ni sư xuất gia, sống ở chùa Đô Lang Trung, Cao Xương, cơm rau đạm bạc, ăn ngày một bữa trưa, giữ gìn giới luật và chuyên tu khổ hạnh. Lần nọ, ni sư đốt sáu ngón tay để cúng dường tam bảo, ngón nào cũng cháy đến bàn tay. Ni sư tụng kinh Đại bát-niết-bàn ba ngày một bộ.
Lúc ấy, có pháp sư Pháp Huệ là vị tinh tiến hơn người, làm thầy y chỉ cho ni chúng cả vùng Cao Xương. Một hôm, ni sư thưa với pháp sư:
- A-xà-lê[27] chưa được hoàn hảo, Phùng sẽ làm thiện tri thức[28] cho a-xà-lê. A-xà-lê hãy đến pháp hội chùa Kim Hoa, nước Qui-tư[29] để nghe sư Trực Nguyệt thuyết giảng và sẽ nhận lĩnh được pháp thù thắng.
Nghe theo lời ni sư, pháp sư đến chùa ấy gặp sư Trực Nguyệt. Sư Trực Nguyệt vui mừng, lấy một lít rượu nho đưa pháp sư uống. Pháp sư ngạc nhiên, thưa:
- Con đến đây để cầu pháp thù thắng, sao thầy lại đưa rượu cho con uống? Rượu là vật phi pháp, con không uống đâu!
Lập tức, sư Trực Nguyệt vỗ vào lưng pháp sư và đuổi ra ngoài. Pháp sư lại nghĩ: “Ta đã từ xa đến đây mà chưa thành tựu ý nguyện, có lẽ ta không nên trái mệnh”.
Ngay đó, pháp sư uống một hơi, nên bị say, ói mửa, mê man, chẳng hay biết gì. Sư Trực Nguyệt liền bỏ đi nơi khác. Khi tỉnh rượu, pháp sư biết mình phạm giới, cảm thấy rất hổ thẹn, tự đánh mình, trách điều đã làm và muốn tự vẫn. Nhân đó, pháp sư nhập thiền định và đắc quả thứ ba[30].
Sư Trực Nguyệt trở về và hỏi:
- Đắc quả rồi sao?
Pháp sư trả lời:
- Thưa, phải!
Từ đó, pháp sư trở về Cao Xương, đi chưa được hai trăm dặm, hoàn toàn không ai báo tin mà từ xa ni sư Phùng đã gọi ni chúng ra nghinh đón.
Những việc dự đoán như thế rất nhiều. Ni chúng vùng Cao Xương ai cũng tôn ni sư làm thầy.
Niên hiệu Thiên Giám thứ ba (504), đời Lương, ni sư viên tịch, thọ chín mươi sáu tuổi.
Truyện 56: NI SƯ HUỆ THẮNG Ở CHÙA NHÀN CƯ, NƯỚC LƯƠNG
Ni sư họ Đường, người Bành Thành. Cha ni sư tên là Tăng Trí, ngụ cư tại huyện Kiến Khang. Ni sư phát nguyện xuất gia từ thuở nhỏ, nhờ bản tính ngay thẳng, điềm đạm, tự lập, ít nói, nhưng hễ nói là làm, cả ngày không ra khỏi cửa, nên hễ ai gặp ni sư cũng đều kính trọng.
Niên hiệu Nguyên Gia thứ hai mươi mốt (444), đời Tống, lúc mười tám tuổi, ni sư xuất gia, làm đệ tử của ni sư Tịnh Tú và sống ở chùa Thiền Lâm. Sau khi thụ giới cụ túc, ni sư giảng kinh Pháp hoa, theo ni sư Tự ở chùa Tập Thiện học năm môn thiền[31].
Sau, ni sư theo sư Huệ Ẩn ở chùa Thảo Đường và sư Pháp Dĩnh ở chùa Linh Căn tu tập hết các pháp quán hạnh, thấy được tướng kì lạ và có sự chứng đắc nhiệm mầu, nhưng ni sư giữ kín trong lòng. Có người biết, đến hỏi thì ni sư nói: “Tội không có nhẹ hay nặng, chỉ cần ngay đó phát lộ, thành khẩn sám hối suốt ngày đêm là được”. Kẻ sang, người hèn đều tôn kính ni sư và cúng dường không ngớt.
Niên hiệu Thiên Giám thứ tư (505), đời Lương, ni sư viên tịch, thọ tám mươi mốt tuổi, nhục thân được an táng tại núi Bạch Bản.
Truyện 57: NI SƯ TỊNH HIỀN Ở CHÙA ĐÔNG THANH VIÊN
Ni sư họ Hoằng, người Vĩnh Thế, sống ở chùa Đông Thanh Viên. Ni sư có tài năng kiệt xuất, thích tu thiền định, thông suốt kinh luật, lời nói hợp với kinh điển, tuy không giảng nói nhưng ni sư nghiên cứu tinh tường yếu chỉ kinh văn.
Tống Văn đế khen ngợi ni sư. Tương Đông vương lúc còn nhỏ khi ngủ thường giật mình hoảng sợ vì ác mộng, nhà vua bảo nên theo ni sư thụ ba qui y, thì quả nhiên nỗi sợ hãi ấy không còn nữa. Từ đó, Tống Văn đế càng khen ngợi, kính trọng, cúng dường, tiếp đãi vừa như người thân vừa như khách quí.
Đến khi lên ngôi, Minh đế lấy lễ mà đón tiếp ni sư, lại càng kính trọng và cúng dường nhiều hơn, lập đàn cúng dường, mở hội thuyết giảng liên tục. Các danh sĩ đương thời không ai không trọng vọng. Sau, ni sư đảm nhiệm chức tổng quản tự viện suốt hơn mười năm.
Niên hiệu Thiên Giám thứ tư (505), đời Lương, ni sư viên tịch, thọ bảy mươi lăm tuổi.
Lại có các ni sư Huệ Cao, Bảo Ngung đều là những vị nổi tiếng. Ni sư Huệ Cao chuyên ngồi thiền, tụng kinh, siêng làm việc chúng. Ni sư Bảo Ngung chuyên tụng kinh Pháp Hoa, thông suốt các môn quán hạnh.
Truyện 58: NI SƯ TỊNH UYÊN Ở CHÙA TRÚC VIÊN
Ni sư họ Thời, người Cự Lộc. Thuở nhỏ, ni sư đã có trí sáng như người lớn. Khoảng năm sáu tuổi, ni sư thường nhóm cát làm tháp và khắc gỗ thành tượng Phật, đốt hương lễ lạy trọn ngày vẫn không thấy đủ. Mỗi khi nghe người nói điều gì mà chưa hiểu rõ, ni sư liền hỏi lại đến khi nắm vững nghĩa lí mới thôi.
Năm hai mươi tuổi, ni sư xuất gia. Một hôm, ni sư nhớ cha mẹ đến nỗi không ăn, không ngủ, chỉ uống nước và giữ trai giới, ai can ngăn, ni sư cũng không nghe, suốt bảy ngày như thế. Từ đó về sau, ni sư ăn rau, ngày một bữa trưa, giữ giới, nhẫn nhục, chuyên tu khổ hạnh, không cần người khuyên bảo, nên thầy bạn quí kính, mọi người đều khen ngợi.
Tề Văn đế rất khâm phục, trọng vọng, cúng dường mọi thứ cần dùng và nhiều lần gửi thư qua lại thưa hỏi về Phật pháp.
Niên hiệu Thiên Giám thứ năm (506), đời Lương, ni sư viên tịch, thọ bảy mươi mốt tuổi.
Truyện 59: NI SƯ TỊNH HẠNH Ở CHÙA TRÚC VIÊN
Ni sư là người em thứ năm của ni sư Tịnh Uyên. Từ nhỏ, ni sư đã thông minh tài giỏi, có kiến thức sâu rộng, ý chí mạnh mẽ, phong thái ung dung, cử chỉ nhanh nhẹn, trội hơn mọi người.
Lớn lên, ni sư quen biết với người họ Tang là vợ của Thái Mạt lệnh Quách Hiệp. Hiệp muốn hại vợ mình nhưng điều ấy đã bị tiết lộ ra ngoài. Ni sư nhờ người anh can ngăn Hiệp nhưng Hiệp không nghe theo, ni sư lén nói cho người họ Tang biết thì cô ấy không tin. Ni sư cầm tay cô ấy mà lòng nghẹn ngào rơi lệ, rồi trở về. Một hai hôm sau, quả nhiên Hiệp đã hại vợ mình.
Năm lên mười bảy tuổi, ni sư xuất gia với ni sư Pháp Thí và sống ở chùa Trúc Viên, học luận Thành thật, luận A-tì-đàm tâm, kinh Niết-bàn, kinh Hoa nghiêm[32]. Mỗi khi gặp các bộ kinh luận, ni sư không những thông đạt yếu chỉ mà còn nghiên cứu nghĩa lí sâu xa, luận giải sâu rộng.
Cánh Lăng Văn Tuyên vương Tiêu Tử Lương đời Tề cúng dường đầy đủ mọi thứ cần dùng. Hai vị pháp sư Tăng Tông và Bảo Lượng thường khen ngợi ni sư là người đặc biệt và mời thuyết giảng với số thính chúng đến mấy trăm người. Các pháp sự trong chùa và dinh thự được tổ chức liên tục, nhưng những người tài giỏi đương thời không ai vượt trội hơn ni sư.
Cánh Lăng vương muốn chọn một người làm tăng lục[33] trong số những vị cùng lớp với ni sư, nhưng không có ai sánh bằng ni sư. Sau, có ni sư Thông Lãng là người có tài năng kiệt xuất, biện luận như thần, nên ni sư thường gần gũi ni sư Thông Lãng. Trong chúng ai cũng xem hai vị ấy là bậc tài giỏi, đáng làm gương cho người đời sau học hỏi. Tuy tuổi cao, ni sư vẫn thích thiền quán, ăn uống đạm bạc, chuyên tu khổ hạnh. Hoàng đế nghe danh, vô cùng khen ngợi.
Niên hiệu Thiên Giám thứ tám (509), ni sư viên tịch, thọ sáu mươi sáu tuổi, nhục thân được an táng tại Chung sơn.
Truyện 60: NI SƯ LỆNH NGỌC Ở CHÙA NAM TẤN LĂNG
Ni sư họ Thái, người Kiến Khang, xuất gia từ thuở nhỏ, làm đệ tử của ni sư Tịnh Diệu và ở trong thiền phòng chùa Hà Hậu.
Ni sư Tịnh Diệu là người giữ giới hạnh tinh nghiêm, có đạo nghiệp hơn người.
Lúc còn nhỏ, ni sư hầu thầy; lớn lên, càng cung kính, siêng năng, không chút biếng lười. Vừa thụ mười giới[34], ni sư đã có uy nghi đáng kính. Đến khi thụ giới cụ túc, ni sư giữ giới hạnh trong sáng tợ như băng tuyết, học thông năm bộ luật[35], nghiên cứu tinh tường giáo nghĩa vi diệu và thường giảng nói cho mọi người.
Thiệu Lăng vương đời Tống hết lòng kính phục ni sư và mời về làm chủ chùa Nam Tấn Lăng, nhưng ni sư một mực từ chối. Lăng vương không mời được ni sư, nên đem việc này trình với Nguyên Huy. Nguyên Huy ban sắc mời ni sư lần nữa. Cuối cùng, không từ chối được, ni sư về làm chủ chùa nhiều năm, không kiêu ngạo mà thẳng thắn, không khắt khe mà uy nghiêm.
Niên hiệu Thiên Giám thứ tám (509), đời Lương, ni sư viên tịch, thọ bảy mươi sáu tuổi.
Sau, lại có các ni sư như Lệnh Huệ, Giới Nhẫn, Huệ Lực… đều là những vị nổi tiếng. Ni sư Lệnh Huệ chuyên tụng các kinh như Diệu pháp liên hoa, Duy-ma, Thắng Man…, lại tu khổ hạnh, ăn uống đạm bạc, tài năng xuất chúng, đáng làm gương cho mọi người. Ni sư Giới Nhẫn thì thông minh, ham học, những gì đã xem qua thì không quên. Ni sư Huệ Lực là người thông tuệ, học vấn uyên bác, nhưng không kiêu ngạo.
Truyện 61: NI SƯ TĂNG THUẬT Ở CHÙA NHÀN CƯ
Ni sư họ Hoài, người Bành Thành. Cha ni sư tên là Tăng Trân, ngụ cư tại huyện Kiến Khang. Thuở nhỏ, ni sư đã có chí tu đạo, tám tuổi đã ăn chay.
Lên mười chín tuổi, nhằm niên hiệu Nguyên Gia thứ hai mươi bốn (447), đời Tống, ni sư xuất gia với ni sư Tịnh Tú ở chùa Thiền Lâm, trau giồi đức hạnh, sống kham khổ, không trái phạm thanh qui, chuyên tâm tìm đọc kinh luật, không bộ nào không xem qua. Sau, ni sư dốc sức nghiên cứu toàn bộ văn nghĩa của luật Thập tụng, lại theo hai vị pháp sư Ẩn và pháp sư Thẩm thụ học các phép quán sâu mầu và các môn tam-muội. Thế rồi, ni sư trở về chùa Thiền Lâm, được các thiền sinh tôn làm thầy. Từ đó, mọi người tấp nập kéo về khiến ngôi chùa trở nên ồn náo. Nhân đó, ni sư có ý định ẩn cư.
Mẹ của Lâm Xuyên vương đời Tống tên là Trương Quí Tần nghe danh ni sư, sửa ngôi nhà của mình thành chùa để cúng dường ni sư. Thời ấy tuy chưa được phép của nhà vua, nhưng bà đã vội xây dựng.
Đến ngày mồng 01 tháng 09 niên hiệu Nguyên Huy thứ hai (474), mẹ của Nhữ Nam vương là Ngô Sung Hoa tâu lên vua, vua liền ban sắc cho xây cất. Lúc ấy, bà cho xây giảng đường, chính điện, phòng ốc… hơn năm mươi gian. Vì ni sư cùng hai mươi người bạn đồng tu chuyên lấy thiền định làm vui, nên chùa có tên là Nhàn Cư. Trong mọi cử chỉ hành động, ni sư đều giữ nét thanh cao, không chạy theo vẻ hào nhoáng bên ngoài.
Vào khoảng cuối đời Tống[36] đầu đời Tề[37], đạo đức xã hội rối ren, ni sư vừa thiền vừa tịch, nên không bị cảnh trần quấy nhiễu. Văn Huệ đế và Cánh Lăng Văn Tuyên vương đời Tề rất kính trọng ni sư, lấy lễ mà đón tiếp, trang trí khắp chùa chỗ nào cũng đẹp đẽ, sáng sủa, cúng dường quanh năm chưa từng ngừng nghỉ.
Đến đời Đại Lương (502-557), đất nước thái bình, người dân có đạo đức, tăng tục đều kính ngưỡng ni sư, mọi người khắp nơi đều kéo về đông đảo. Tuy nhiên, ni sư không cất chứa tiền của cho riêng mình, được cúng dường bao nhiêu thì ban phát bấy nhiêu, có khi cúng dường cho bốn chúng, có khi dùng vào việc phóng sinh… Ni sư còn quyên góp để đúc năm bức tượng bằng vàng rất đẹp, chép hơn một nghìn quyển kinh, luật và đều được viết trên lụa, có trục cuốn, trang trí bằng vật báu rất trang trọng.
Niên hiệu Thiên Giám thứ mười bốn (515), ni sư viên tịch, thọ tám mươi bốn tuổi, nhục thân được an táng tại phía nam Chung sơn.
Truyện 62: NI SƯ DIỆU Y Ở CHÙA TÂY THANH VIÊN
Ni sư họ Lưu, người Kiến Khang. Từ thuở bé, ni sư đã biểu lộ tư chất thông minh. Ni sư xuất gia thuở nhỏ, sống ở chùa Tây Thanh Viên, giữ giới hạnh trong sạch, tâm trí sáng suốt, hết lòng kính tin tam bảo và thường bố thí cúng dường, không có tâm cất chứa của cải. Ni sư rất thích luận bàn và rất khéo ứng đối, tụng các kinh: Đại niết-bàn, Pháp hoa, Thập địa… mỗi bộ hơn ba mươi lần, lại giảng luật Thập tụng, kinh Tì-ni mẫu…, tùy hoàn cảnh mà dẫn dắt chúng sinh, đem lại rất nhiều lợi ích.
Niên hiệu Thiên Giám thứ mười hai (513), ni sư viên tịch, thọ bảy mươi tuổi.
Truyện 63: NI SƯ HUỆ HUY Ở CHÙA LẠC AN
Ni sư họ Lạc, người Thanh châu. Mới sáu tuổi, ni sư đã thích xuất gia nhưng cha mẹ không cho phép.
Đến năm mười một tuổi, ni sư không ăn các thứ bổ dưỡng, cay nồng, sống an nhàn, đạm bạc, dung mạo thanh cao, thường tụng kinh Đại niết-bàn và kinh Pháp hoa.
Năm mười bảy tuổi, ni sư theo cha đến kinh đô, tinh tiến, dũng mãnh, làm những việc người khác không làm được. Cha mẹ thương yêu nên bằng lòng cho ni sư được toại nguyện.
Năm mười tám tuổi, ni sư xuất gia và sống ở chùa Lạc An. Ni sư theo bốn vị pháp sư: Bân, Tế, Nhu, Thứ nghe giảng luận Thành thật và các kinh như kinh Niết-bàn…
Trong hơn mười năm ni sư nghiên cứu giáo lí, chư ni ở kinh đô đều theo ni sư học hỏi. Từ đó, các hội thuyết pháp diễn ra liên tiếp, mọi người khắp nơi kéo về đông đảo. Ni sư giảng nói không ngừng, thiền tụng liên tục, nhiếp tâm chính niệm quên cả ngày đêm. Tất cả vua quan, kẻ sang, người hèn… không ai không kính trọng ni sư. Thí chủ khắp nơi kéo nhau đến cúng dường quanh năm. Tất cả tài vật có được ni sư đều dùng vào việc chép kinh, đúc tượng…, hễ nơi nào cần thì ni sư đều đem đến cúng dường. Bấy giờ, những chỗ hư dột trong chùa Lạc An đều được ni sư tu bổ lại khiến cho cảnh chùa trở nên mới đẹp.
Niên hiệu Thiên Giám thứ mười ba (514), ni sư viên tịch, thọ bảy mươi ba tuổi, nhục thân được an táng ở đồi Thạch Đầu.
Thời ấy còn có ni sư Huệ Âm thường lấy việc tụng kinh, lạy Phật làm sự nghiệp.
Truyện 64: NI SƯ ĐẠO QUÍ Ở CHÙA ĐỂ SƠN
Ni sư họ Thọ, người Trường An. Thuở nhỏ, ni sư là người vui hòa, chất phác, sống trong sạch, bình dị, chuyên nghiên cứu nguyên lí biến hóa của sự vật cốt để tự sách tấn và hoàn thiện bản thân. Ni sư sống khổ hạnh hơn người, phát nguyện rộng lớn hóa độ muôn loài, không ăn thịt cá, lấy việc cứu giúp chúng sinh làm bản nguyện, mặc y phục thô xấu chỉ đủ che thân, tụng kinh Thắng Man[38], kinh Vô Lượng Thọ[39]… không kể ngày đêm. Cha mẹ thương yêu nên cho ni sư xuất gia.
Năm mười bảy tuổi, ni sư xuất gia, xem hết kinh luật, nghiên cứu văn nghĩa. Ni sư không màng đến danh vọng, chỉ lấy việc tu học làm sự nghiệp, quán cảnh để vào định, trong mọi cử chỉ đều không xao lãng, luôn sám hối, phát nguyện với những lời bi ai thống thiết khiến người nghe phải động lòng, tự chỉnh đốn lại mình.
Cánh Lăng Văn Tuyên vương Tiêu Tử Lương đời Tề rất tử tế và kính trọng ni sư. Khi vương xây chùa Đỉnh Sơn để qui tụ những vị tu thiền và thỉnh ni sư làm tri sự thì ni sư một mực từ chối, song thỉnh làm thiền chủ thì ni sư nhận lời. Từ đó, ni sư sống ở chốn thiền lâm này cho đến trọn đời. Dẫu gặp mây giăng mịt mù, tuyết rơi đầy núi, ni sư vẫn ngồi yên thiền định, chưa từng bỏ dỡ. Những phẩm vật có được do mọi người kính tin cúng dường ni sư đều dùng vào việc tô bồi phúc nghiệp, dù mảy may cũng không dám dùng riêng cho mình.
Niên hiệu Thiên Giám thứ mười lăm (516), ni sư viên tịch, thọ tám mươi sáu tuổi, nhục thân được an táng tại phía nam Chung sơn.
Truyện 65: NI SƯ PHÁP TUYÊN Ở CHÙA CHIÊU MINH, SƠN ÂM
Ni sư họ Vương, người huyện Diệm. Dòng dõi bên cha đời đời phụng thờ chính pháp. Từ nhỏ, ni sư đã có chí xuất trần. Mới bảy tuổi, ni sư đã ăn chay, sống khổ hạnh.
Năm mười tám tuổi, ni sư tụng kinh Pháp hoa, thuộc làu từ đầu đến cuối và hiểu rõ yếu chỉ của kinh. Lúc nào người ta cũng thấy có phướn lọng che ni sư. Bỗng một hôm, có một thanh niên đến xin kết hôn, nhưng ni sư từ chối.
Đến năm hai mươi bốn tuổi, ni sư được cha mẹ đưa đến chùa Tề Minh, huyện Diệm, xin phép ni sư Đức Lạc xuất gia và tu học tại đây. Từ đó, phướn lọng che ni sư tự nhiên biến mất. Ni sư xem hết kinh sách, hiểu sâu nghĩa lí các kinh. Sau khi thụ giới cụ túc, những người học đạo có tiếng tăm trong làng thời ấy không ai không kính phục lòng chí thành của ni sư.
Đến cuối đời Tống, có pháp sư Tăng Nhu đi khắp miền đông Trung Quốc thuyết giảng kinh luận. Thế là ni sư một mình lặn lội, có khi vào núi Thô[40], núi Thặng[41], rồi đến Vũ Huyệt[42], có khi lên Linh Ẩn[43], có khi qua Cô Tô[44]… Đối với chỉ thú Số luận[45] của ngài Tăng Nhu, yếu nghĩa kinh sách của ngài Huệ Cơ, ni sư đều thông suốt những chỗ vi diệu, nghiên cứu những phần sâu xa.
Vào niên hiệu Vĩnh Minh (483-493), đời Tề, ni sư lại theo pháp sư Huệ Hi học luật Thập tụng, ăn uống càng kham khổ, kiến thức càng sâu rộng. Sau đó, ni sư đến sống ở chùa Chiêu Minh, Sơn Âm, lần lượt giảng kinh luật, danh tiếng càng vang xa. Ni sư không giữ của cải cho riêng mình. Đối với những phẩm vật cúng dường ni sư đều đem sửa sang chùa chiền, đắp vẽ hoa văn giống như thần làm, lại còn chép kinh, đúc tượng… tất cả đều tốt đẹp.
Các vị như Trương Viện, Dĩnh Xuyên, Dữu Vịnh ở quận Ngô, Chu Ngung ở Nhữ Nam là những bậc nổi tiếng thời ấy đều đến kính lễ ni sư. Ba Lăng vương Tiêu Chiếu Trụ, người nước Tề ra trấn nhậm ở vùng Cối Kê, càng cung kính đón tiếp ni sư nồng hậu. Hoành Dương vương Nguyên Giản, người nước Lương khi đến quận này, cũng tôn ni sư làm thầy.
Niên hiệu Thiên Giám thứ mười lăm (516), đời Lương, ni sư viên tịch, thọ tám mươi ba tuổi.
-Hết quyển 4-


Chú thích:
[20] Ma-na-đỏa 摩那埵 (S: mānatta): phương pháp diệt tội và sám hối của một vị tì-kheo-ni khi phạm trọng tội tăng tàn.
[21] Ao A-nậu-đạt阿耨達池 (S: Anavatapta): ao ở phía bắc núi Đại Tuyết, phía nam núi Hương Túy (S: Gandhamādana, có lẽ là núi Kailana ngày nay). Tương truyền ao này là nơi bắt nguồn của bốn con sông lớn ở Thiên Trúc thuộc cõi Diêm-phù đề.
[22] Thái sơn 泰山: ngọn núi ở miền trung tỉnh Sơn Đông, xưa gọi là Đông Nhạc; một trong năm ngọn núi lớn ở Trung Quốc.
[23] Phiêu kị 驃騎: danh hiệu đời xưa đặt cho bậc đại tướng.
[24] Nam Sở 南楚: tên một vùng đất ngày xưa. Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, nước Sở ở phía nam Trung Nguyên nên người đời sau gọi vùng đất ấy là Nam Sở.
[25] Bách gia 百家: tên gọi chung các học giả Trung Quốc thời Xuân Thu Chiến Quốc gồm 189 người, mỗi người giỏi một môn.
[26] Cao Xương 高昌: một nước cổ ở Tây Vực, nằm trong khu vực Karakhoja phía đông nam huyện Thổ-lỗ-phồn, tỉnh Tân Cương ngày nay.
[27] A-xà-lê 阿闍梨 (S: acārya; Hd: quĩ phạm sư, giáo thụ): người dạy dỗ đệ tử khiến mọi việc làm của đệ tử đều trang nghiêm, đúng pháp; chính bản thân cũng xứng đáng làm bậc thầy gương mẫu cho đệ tử noi theo. Ở đây chỉ pháp sư Pháp Huệ.
[28] Thiện tri thức 善知識: người chân chính ngay thẳng, có đức hạnh, có khả năng giáo hóa, dẫn dắt người khác tu chính đạo.
[29] Nước Qui-tư龜茲國 (S: Kucīna): một nước xưa thuộc Tây Vực, nay là vùng Trung Á, tên gọi hiện nay là Kucha, là khu vực trọng yếu ở phía nam Thiên sơn thuộc Tân Cương.
[30] Quả thứ ba第三果 (S: Anāgāmin; Cg: A-na-hàm quả; Hd: bất lai): quả vị thứ ba trong bốn quả thanh văn, là quả vị của bậc thánh đã đoạn hết chín phẩm tư hoặc ở cõi Dục và không còn thụ sinh trở lại cõi Dục nữa.
[31] Năm môn thiền五門禪: năm pháp quán để dứt trừ phiền não mê hoặc. Đó là quán bất tịnh, quán từ bi, quán nhân duyên, quán giới phân biệt và quán sổ tức.
[32] Hoa nghiêm 華嚴 (S: Buddhāvataṃsaka-mahāvaipulya-sūtra): bộ kinh trọng yếu của Phật giáo Đại thừa, cũng là pháp môn tự nội chứng mà Như Lai tuyên thuyết cho các bồ-tát thượng vị như bồ-tát Văn-thù, bồ-tát Phổ Hiền sau khi Ngài thành đạo dưới cội bồ-đề.
[33] Tăng lục僧錄: chức tăng quan có trách nhiệm quản lí việc ghi chép, lưu giữ danh sách tăng ni và bổ nhiệm các tăng quan khác.
[34] Mười giới 十戒: mười giới của sa-di-ni. Đó là 1. Không được giết hại chúng sinh; 2. Không được gian tham trộm cắp; 3. Không được dâm dật; 4. Không được nói dối; 5. Không được uống rượu; 6. Không được đeo tràng hoa hay ướp nước hoa, xoa hương phấn sáp vào mình; 7. Không được làm trò nhạc, ca múa hát xướng và cố đi xem nghe; 8. Không được nằm giường cao tốt rộng lớn; 9. Không được ăn phi thời; 10. Không được cầm giữ vàng bạc của báu.
[35] Năm bộ luật五部: năm bộ luật của năm bộ phái khác nhau được năm vị đệ tử của ngài Ưu-ba-cúc-đa (tổ thứ năm) truyền từ khoảng một trăm năm sau Phật nhập diệt. Đó là Đàm-vô-đức bộ, Tát-bà-đa bộ, Di-sa-tắc bộ, Ca-diếp-di bộ và Ma-ha tăng-kì bộ.
[36] Đời Tống: từ năm 420 đến năm 479.
[37] Đời Tề: từ năm 479 đến năm 502.
[38] Thắng Man 勝鬘 (S: Śrīmālā-siṃha-nāda-sūtra; Gđ: Thắng Man sư tử hống Nhất thừa đại phương tiện phương quảng kinh): kinh gồm 1 quyển, do ngài Cầu-na-bạt-đà-la dịch vào đời Lưu Tống thuộc Nam triều, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 12. Kinh này là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho kinh điển thuộc hệ thống Đại thừa Như Lai tạng. Nội dung kinh nói về việc phu nhân Thắng Man lập mười đại nguyện, ba đại nguyện trước đức Thích Tôn, đồng thời tự nói pháp môn Đại thừa Nhất thừa, giải thích rộng thánh đế, pháp thân, Như Lai tạng.
[39] Kinh Vô Lượng Thọ無量壽經 (S: Sukhāvatī-vyūha): kinh gồm 2 quyển, do ngài Khương Tăng Khải dịch vào đời Tào Ngụy, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 12. Đây là một trong ba bộ kinh căn bản của Tịnh Độ giáo. Nội dung kinh này nói về thời Phật Thế Tự Tại Vương có một vị quốc vương xuất gia làm tăng, hiệu là Pháp Tạng, thệ nguyện hóa độ tất cả chúng sinh đến thế giới Cực Lạc.
[40] Thô 嶀: tên núi ở phía bắc huyện Thặng, tỉnh Triết Giang, Trung Quốc.
[41] Thặng 嵊: tên núi thuộc tỉnh Triết Giang, Trung Quốc.
[42] Vũ Huyệt 禹穴: tên núi ở Cối Kê, Thiệu Hưng, tỉnh Thiểm Tây ngày nay.
[43] Linh Ẩn 靈隱: tên núi ở bờ Tây hồ, thành phố Hàng châu, tỉnh Triết Giang, Trung Quốc.
[44] Cô Tô 姑蘇: tên núi ở tây nam huyện Ngô, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.
[45] Số luận 數論: tên gọi khác của Luận tạng thuộc Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ (Tát-bà-đa bộ) của Tiểu thừa.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 4 quyển »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Tiếp kiến đức Đạt-lai Lạt-ma


Hai Gốc Cây


Nguồn chân lẽ thật


Gọi nắng xuân về

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.147.55.32 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập