Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác. Kinh Pháp cú
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Niệm Phật Kính [念佛鏡] »» Bản Việt dịch quyển số 2 »»

Niệm Phật Kính [念佛鏡] »» Bản Việt dịch quyển số 2

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Phương Pháp Niệm Phật

Kinh này có 2 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | Quyển cuối
Việt dịch: Thích Hồng Nhơn

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Chương Mười
Giải thích các điều nghi hoặc

Hỏi: Kinh Bát Nhã nói: "Nếu dùng sắc mà thấy ta, dùng âm thanh tìm ta, người ấy làm theo đạo tà, không thể thấy Như Lai" Vì sao trong đây nói Niệm Phật A Di Đà, vãng sanh về tịnh độ, được thấy Đức Như Lai?
Đáp: Sở dĩ trong Kinh Bát Nhã ngăn không cho thấy Như Lai vì người cầu tướng mạo và âm thinh là tìm cầu nhơn và ngã mà không cầu vãng sanh hoặc cầu vô thượng Bồ Đề, nên chỉ hành theo tà đạo không thể thấy được Như Lai. Trong Quán Kinh và A Di Đà Kinh dạy cần khởi tưởng niệm hoặc chuyên xưng danh, không cầu nhơn ngã chi, chỉ cầu vãng sinh Tịnh Độ và vô thượng Bồ Đề gọi là chánh đạo được thấy Như Lai. Nếu vọng chấp pháp thân vô tướng làm sắc tướng âm thinh để được là tà, đây là đối với Bồ Tát Địa Thượng mà nói. Quán Kinh và A Di Đà Kinh nói: "Quán một tướng hảo hoặc dùng nghe danh mà thấy được Báo thân Như Lai là đối với phàm phu hay tiểu thừa, Bồ Tát sơ phát tâm mà nói. Nếu vọng chấp báo thân quán Phật hoặc xưng danh dùng đem làm chánh, vô tướng làm tà nếu đối với Pháp thân, chỗ câu hỏi là nghiêng về vô tướng. Căn cứ vào Bát Nhã Kinh: Lúc ấy Đức Thế Tôn trước hướng về cung trời Đao Lợi, vì mẹ mà thuyết pháp. Lúc ấy Đức Thế Tôn từ cõi trời Đâu Suất đến cõi Diêm Phù Đề. Ngài Tu Bồ Đề nhớ Đức Thế Tôn nhập định quán Phật, Phật liền ở trước mặt. Trong lúc ấy có 1 thiên nữ, không biết nguyên do thấy được Thế Tôn, đã thấy Phật rồi, Thiên nữ hỏi Phật: Bạch Thế Tôn con có phải là người trước tiên thấy Phật phải không? Thế Tôn đáp: ngươi là người thấy sau cùng. Thiên Nữ thưa: Con là người đầu tiên đến đây, không có người nào có thể đến thấy Phật trước, vì sao nói con thấy Phật sau cùng. Đức Thế Tôn bảo: Có ông Tu Bồ Đề trước nhập định, trừ sạch nhơn ngã, quán thấy được pháp thân, ở trước thiên nữ, còn Thiên nữ khởi tâm nhơn ngã, quán sắc thân của ta nên thấy sau cùng. Đức Thế Tôn vì đối với thiên nữ kia, nên nói tụng rằng: "Nếu dùng sắc mà thấy ta, dùng âm thinh tìm ta, người ấy làm theo đạo tà, không thể thấy Như Lai". Bài tụng này đối với ngoại đạo vì đem lợi ích đương thời mà nói ra, không can hệ đến việc vị lai, nên không đồng với Quán Kinh. Lại nữa trong kinh Bát Nhã ngăn những người ngoại đạo, chấp tứ đại ngũ uẩn cho là thường còn, chấp sắc thân là ta, âm thinh là ta, lý do đó mà không thấy được Như Lai. Nay y theo Quán Kinh dạy, chán cõi Ta Bà, nguyện lìa sanh tử, mau sanh tịnh độ, mau chứng Bồ Đề, không cần thấy ngã tướng liền được Như Lai.
Hỏi: Trong Vãng Sanh Luận nói: Người nữ, căn khuyết và dòng nhị thừa không được vãng sanh. Vì sao trong Quán Kinh nói Bà Vi Đề Hy và 500 thị nữ đồng được vãng sanh và ở trong trung phẩm hàng nhị thừa đều đương vãng sanh là ý gì?
Đáp: Y theo Vãng Sanh Luận nói: Người nữ và hàng nhị thừa không được vãng sanh vì hai thành phần này không có tánh muốn vãng sanh. Như người nữ chỉ yêu thích thân nữ, không cầu vãng sanh Tịnh độ, không chịu niệm Phật nên luận ngăn cho là không được sanh. Hàng Nhị thừa vì căn khuyết cũng như thế, chỉ mong trụ ở trên quả, không nguyện sanh tịnh độ, không hiểu niệm Phật nên không được sanh. Quán Kinh và A Di Đà Kinh nói Hàng Nhị thừa, căn khuyết và nữ nhơn nếu hồi tâm niệm Phật, nhàm chán thân nữ, nhàm chán căn khuyết, không chấp trụ tiểu quả liền được vãng sanh. Đây là Luận Vãng Sanh đối với căn cơ và pháp mà luận. Để hiểu rõ toàn bộ chúng ta cần phải quán xuyến được 6 môn sau đây:
1- Người niệm Phật đối với Di Lặc môn.
Hỏi: Công đức niệm Phật A Di Đà so với công đức niệm Di Lăc nhiều ít thế nào?
Đáp: Niệm Phật A Di Đà công đức nhiều hơn gấp trăm ngàn muôn bội so với công đức niệm Di Lặc. Vì sao biết được? Y cứ vào Kinh nói: "Phật A Di Đà hiện tại ở địa vị giác viên quả mãn, vượt hẳn các địa, nên người xưng niệm công đức rất nhiều. Di Lặc hiện ở địa vị Bồ Tát, chưa vượt hẳn các Địa, quả vị chưa viên mãn nên xưng niệm công đức so sánh cũng ít rất nhiều.
Hỏi: Vì sao không niệm Di Lặc để sanh về cung trời Đâu Suất mà lại niệm Phật A Di Đà để vãng sanh về Cực lạc Tịnh độ?
Đáp: Vì Đâu Suất thiên không ra khỏi tam giới, khi báo thân thiên thượng đã hết, liền trở lại cõi Diêm Phù Đề, vì vậy nên không nguyện vãng sanh về cõi trời. Nếu vãng sanh về Tịnh độ là ra khỏi ba cõi, cắt đứt năm đường, một lần sanh về Cực lạc thẳng đến thành Phật, không còn bị đọa lạc, nên cần phải nguyện sanh. Lại nữa, cung trời Đâu Suất rất ít thời gian nhận được điều vui, còn Quốc độ của Phật A Di Đà toàn sự vui tối thắng nên gọi là Cực lạc, thời gian ở đây toàn nhận điều vui, không có hạn kỳ. Vì thế, sanh về cõi Cực lạc nhơn duyên thù thắng hơn cung trời Đâu Suất gấp trăm ngàn muôn lần. Vì sao biết được? Trong Kinh nói: "1- Thân tướng thù thắng: Chúng sanh sanh về cõi Phật A Di Đà đều có đủ 32 tướng như Phật. Người ở cung trời Đâu Suất không có tướng này. 2- Đồ chúng thù thắng: Đã sanh về cõi Tịnh độ rồi thì cùng Bồ Tát bất thối làm bạn lữ, thọ nam tử thân, không có nữ tướng. Trái lại trên cung trời Đâu Suất nam nữ ở chung lộn xộn. 3- Thọ mạng thù thắng: Chúng sanh quốc độ Phật A Di Đà tuổi thọ đồng Phật, một đời tiến đến Phật quả, không còn trở lại. Thọ mạng người ở cung trời Đâu Suất đến bốn ngàn tuổi, khi tuổi thọ đã mãn liền bị đọa lạc vào luân hồi. 4- Thần thông thù thắng: Nhơn dân cõi Phật A Di Đà đều có đủ 6 món thần thông. Người ở cung trời Đâu Suất không có thần thông. 5- Quả báo thù thắng: Chúng sanh cõi Phật A Di Đà y phục, ẩm thực, hương hoa, anh lạc, tất cả cung cụ tự nhiên hóa thành, không cần tạo tác, thọ dụng dài hạn không bao giờ dứt. Chư Thiên cung trời Đâu Suất phải tạo tái mới có, dù có y phục nhiên, hưởng không được lâu dài. Bốn ngàn tuổi đã qua, mạng sắp lâm chung có năm thứ tướng suy thoái. a- Hoa trên đỉnh héo. b- Thân toát mồ hôi. c- Đi đứng chẳng định. d- Khí lực suy nhược. e- Thân thể rung rẫy. So với Cực lạc, nhân dân gấp trăm nghìn muôn phần thù thắng.
Hỏi: Khi đương lai Đức Di Lăc hạ sanh, thuyết pháp ba hội độ các chúng sanh, được quả A La Hán vì sao không nguyện sanh về Đâu Suất nội viện mà cầu sanh về cõi Phật A Di Đà?
Đáp: Đức Di Lặc chưa hạ sanh, việc vị lai chưa thể đợi được. Vì sao được biết? Trong Kinh nói: "Sau khi Đức Thích Ca Mâu Ni nhập Niết Bàn, trải qua 56 ức, 7 ngàn muôn năm. Lúc đó tuổi thọ của con người ở kiếp thành sống lâu 8 muôn bốn ngàn tuổi, khi đó Đức Di Lặc mới ra đời. Căn cứ vào Pháp Vương Bổn Ký thì Phật Thích Ca Mâu Ni vào Niết Bàn đến nay mới hơn 1700 năm. Vì vậy thời gian ở vị lai còn quá dài, không thể chờ đợi, chúng sanh mạng ngắn ngủi sợ phải đắm chìm trong bể khổ, nhiều kiếp chịu tai ương không thể chờ đợi Phật Di Lặc ra đời. Còn Phật A Di Đà hiện đang thuyết pháp trụ ở thế giới Cực lạc, rộng độ chúng sanh, về ở Tây phương là mau chứng đạo quả so với sự chờ đợi hạ sanh của Đức Di Lặc hơn trăm vạn bội phần.
Dù người gặp Phật Di Lặc ra đời thuyết pháp ba hội, rộng độ tất cả chúng sanh, được quả A La Hán, nếu hướng về đại thừa mới đến sơ địa. Ức ức chúng sanh không gặp Phật Di Lặc, niệm Phật A Di Đà cầu sanh Tịnh độ là Bồ Tát từ Bát địa trở lên. Mau thì một niệm, mười niệm, chậm thì một ngày đến bảy ngày xưng niệm Phật A Di Đà liền sanh Tịnh độ, thật vượt hơn gặp Phật Di Lặc trăm ngàn muôn ức bội phần.
Lại nữa, ngày Đức Bổn Sư nói Kinh A Di Đà thì Đức Bồ Tát Di Lặc cũng ở trong hội ấy tên là Bồ Tát A Dật Đa. Lúc ấy Bồ Tát Di Lặc còn niệm Phật A Di Đà, hà huống chúng sanh đời vị lai đâu chẳng chịu niệm Phật A Di Đà. Lại nữa, pháp môn niệm Phật làm tiêu chuẩn cho các kinh, nên Phật có lời huyền ký, thời mạt pháp cuối cùng, các pháp bị diệt hết, chỉ còn chánh pháp niệm Phật còn trụ được một trăm năm giáo hóa chúng sanh, nên biết pháp môn niệm Phật diệu dụng không thể nghĩ bàn.
2- Niệm Phật đối với Tọa Thiền Môn.
Hỏi: Niệm Phật A Di Đà sao bằng tọa thiền, khán tâm, dùng pháp quán vô sanh?
Đáp: Niệm Phật A Di Đà vãng sanh tịnh độ mau thành quả Phật thù thắng hơn môn Vô Sanh Quán trăm ngàn vạn bội. Vì sao được biết? Kinh Duy Ma Cật nói: "Ví như ở giữa hư không tạo lập cung thất, hoàn toàn không thể thành, ở trên đất mà xây dựng cung thất tùy ý không trở ngại." Vô Sanh quán tâm cũng như vậy. Vì sao? Vì vô sanh là vô tướng, mà vô tướng tức là hư không, nên khó thành tựu. pháp môn Niệm Phật là sự lý song tu, giống như ở trên đất tạo lập cung điện, chắc chắn dễ thành. Vô sanh quán tâm như người nghèo khó chẳng có tiền bạc, học và muốn tạo lập ngôi nhà to lớn như cung điện của nhà vua, tuy cố gắng đốn cây từ nhỏ đến già chết, trọn không thành tựu, cuối cùng chỉ phí công vô ích mà thôi. Người tu Vô Sanh quán tâm vì công đức pháp dài không thể thành tựu, uổng dụng công phu không có lợi ích. Pháp môn niệm Phật không giống như thế vì niệm Phật một câu diệt trừ 80 ức kiếp tội trọng sanh tử, liền được 80 ức kiếp vi diệu công đức, như một công tử nhà giàu muốn tạo lập nhà cửa liền được thành tựu. Vì vậy, trong Quán Kinh nói: "Đức Như Lai A Di Đà có Đại Nguyện lực lâu đời, người nhớ tưởng chắc được thành tựu, chẳng đồng với vô sanh quán. Vì sao? Kinh Pháp Hoa nói: "Phật Đại Thông Trí Thắng, một đại kiếp tọa ở Đạo Tràng, Phật pháp chẳng hiện tiền, chẳng được thành Phật Đạo." Nên biết tọa thiền quán tâm thành Phật chậm, còn niệm Phật chậm nhất bảy ngày, mau thì một ngày được sanh về Tịnh độ, liền chứng vào vị Bồ Tát Bát địa, vì nhờ vào nguyện lực của Phật.
Hỏi: Công đức khán tâm nhiều hay ít so với công đức niệm Phật?
Đáp: Khán tâm công đức ít so với niệm Phật công đức nhiều hơn trăm ngàn muôn bội phần. Vì sao được biết? Y theo Quán Kinh nói: "Niệm Phật một câu diệt được 80 ức kiếp tội trọng sanh tử, được 80 ức kiếp vi diệu công đức." Một lần khán tâm chưa biết diệt được bao nhiêu tội, được bao nhiêu công đức, cũng không thấy nói diệt được bao nhiêu tội sanh tử, trái lại, niệm Phật dù tướng địa ngục hiện cũng đều tiêu diệt vãng sanh Tịnh độ. Nên biết khán tâm công đức ít hơn công đức niệm Phật.
Hỏi: Niệm Phật vãng sanh được quả báo gì, Quán vô sanh thành được quả báo gì? So hai thứ cái nào thù thắng hơn?
Đáp: Niệm Phật vãng sanh được 32 tướng, 6 thần thông, trường sanh bất tử, ra khỏi ba cõi, thẳng đến thành Phật, không có đọa lạc, Bồ Tát Thánh chúng là bạn lữ, Phật A Di Đà hiện tại thuyết pháp. Còn Quán Vô Sanh thành tựu sanh ở Trường Thọ Thiên, trải qua 8 muôn bốn ngàn kiếp, liền đọa vào ác đạo. Tu Vô Sanh quán, muôn người tu chưa có một người thành tựu. Dù may mắn được thành cao nhất cũng chỉ sanh về Trường Thọ thiên. So với niệm Phật thật cách xa ngàn muôn bội phần.
Hỏi: Y cứ vào Vô Sanh quán chỉ dạy khán tâm, tâm ấy là đỏ, là trắng, là xanh, là vàng, quán như vậy sẽ thành hay không thành?
Đáp: Vô Sanh khán tâm chẳng phải xanh, trắng, chẳng phải đỏ vàng, không nói thành hay không thành, Tâm không có tướng mạo lại không có thành tựu, hư phí công phu, nhọc nhằn có ích lợi gì? Có người vấn nạn rằng: Khi khán tâm liền được thành Phật. Người khán y thì được ấm, khán thực phẩm thì được no, khán vàng thì được đồ trân báu để dùng, khi khán tâm cũng đắc đạo. Thời nay người khán y cũng không được ấm, khán tâm cũng không chứng quả. Trong Tượng Pháp Quyết Nghi Kinh nói: Tọa Thiền không phải ở trong thời mạt pháp. Vì sao? Vì trong kinh ấy có nói rõ: "Sau khi Phật diệt độ là thời chấn pháp trong năm trăm năm trì giới kiên cố. Thời tượng pháp một ngàn năm kế tiếp tu thiền định được kiên cố. Thời mạt pháp một muôn năm niệm Phật kiên cố." Y cứ vào Pháp Vương Bổn Ký thì thời này thuộc vào thời mạt pháp hơn mấy trăm năm. Vì vậy, thời này thuộc thời niệm Phật chứ không phải là thời Tọa Thiền. Vì thế, Đại Hạnh Hòa Thượng ở trước một số thiền sư, môn đồ dạy hồi tâm niệm Phật rất nhiều, đều có thành tựu vì hợp thời cơ.
3- Niệm Phật đối với Giảng Thuyết Môn.
Hỏi: Công đức niệm A Di Đà Phật nhiều hay ít so với công đức nghe kinh?
Đáp: Công đức niệm Phật nhiều hơn công đức nghe kinh gấp trăm ngàn vạn bội phần. Vì sao được biết? Trong Quán Kinh phần hạ phẩm hạ sanh dạy: "Có hạng người làm ác, do tạo nghiệp ác cực trọng, nên khi sắp lâm chung tướng lửa địa ngục đồng thời hiện ra. Người ấy may mắn gặp thiện tri thức vì người đó mà nói 12 bộ kinh. Người ấy nghe rồi, diệt trừ được một ngàn kiếp tội. Năng lực nghe kinh diệt tội ít, nên tướng địa ngục chưa mất. Người trí dạy niệm Nam Mô A Di Đà Phật mười niệm, diệt trừ được 80 ức kiếp trọng tội sanh tử. Tướng địa ngục mất, người ấy theo Phật vãng sanh.
Hỏi: Đọc kinh công đức nhiều hay niệm Phật công đức nhiều?
Đáp: Đọc kinh công đức ít hơn niệm Phật. Hòa Thượng Đại Hạnh nói: "Người không niệm Phật tu hành, đọc tụng kinh cũng như người đọc toa thuốc, người niệm Phật như người uống thuốc. Đọc toa thuốc thì bịnh không lành, uống thuốc vào bệnh mới thuyên giảm. Đọc kinh hành đạo công đức vẫn ít hơn niệm Phật.
Hỏi: Giảng kinh công đức nhiều ít so với công đức niệm Phật?
Đáp: Giảng kinh công đức cũng ít hơn công đức niệm Phật, trăm ngàn phần. Vì sao? Vì giảng kinh cũng như đếm châu báu, niệm Phật cũng như dùng châu báu, đếm của báu tuy nhiều không thể trừ được nghèo đói, không nói được diệt tội, không nói được công đức. Người dùng của báu tuy không được nhiều nhưng có thể cứu giúp thân mạng, được công đức vô lượng. So sánh thì niệm Phật vẫn nhiều hơn công đức giảng kinh trăm ngàn bội phần.
Lại nữa người giảng kinh như người mài đá, tuy được một phần lợi ích nhưng đều đáp lại cho người khác, làm tổn công đức của mình khi nhận người lễ bái cúng dường, tổn hại rất lớn. Vì vậy trong luận nói: "Như người nghèo ngày đêm đếm châu báu cho kẻ khác, tự mình không được nửa phân tiền, đa văn cũng như vậy." Vì thế, biết rằng công đức giảng kinh so với công đức niệm Phật ít hơn gấp trăm nghìn phần. Vì sao được biết? Trong luận Duy Thức nói: "Người học Duy Thức phải phá ngã chấp và biến kế sở chấp. Người giảng luận phần nhiều miệng luôn nói pháp, tâm phần nhiều có ngã chấp và biến kế sở chấp. Người giảng pháp không khởi ngã chấp trong muôn người mới có một người." Kinh Pháp Hoa nói: "Ngã mạn tự khoe cao, tâm siểm khúc không thật, trong ngàn muôn ức kiếp, không nghe được danh tự Phật, cũng không được nghe chánh pháp." Người giảng luận muốn tránh tâm ngã mạn tự khoe thật khó, tuy giảng kinh luận vì động cơ độ người, nhưng không bằng công đức niệm Phật. Vì vậy có một số pháp sư như Hoài Cảm, Trí Nhơn đều bớt phần giảng kinh, luận, đồng quy tâm niệm Phật.
4- Niệm Phật đối với Giới Luật Môn.
Hỏi: Công đức niệm Phật nhiều hay ít đối với công đức trì 250 giới.
Đáp: Công Đức niệm Phật hơn công đức trì giới trăm ngàn muôn bội phần. Vì sao biết được? Y theo Kinh dạy: "Người Trì giới chứng được quả tiểu thừa chỉ vừa vào hàng sơ địa là cao lắm. Kinh A Di Đà nói: "Nếu người chấp trì danh hiệu từ 1 đến 7 ngày, lâm chung Phật và Thánh Chúng rước về cõi Tịnh độ. Người sanh về cõi ấy ở vị Bất thối mà vị này thuộc về Bồ Tát ở Bát địa sắp lên. Do đó, người niệm Phật công đức nhiều hơn người trì giới hơn trăm vạn bội.
Lại nữa, căn cứ vào kinh nói thì thời này không phải là thời trì giới, mà là thời niệm Phật. Y theo kinh Tượng Pháp Quyết Nghi nói: "Sau khi Đức Bổn Sư diệt độ, trong khoảng 500 năm trì giới được kiên cố là thời chánh pháp. Tượng Pháp 1000 năm kế Tọa thiền được kiên cố, mạt Pháp một vạn năm là thời niệm Phật kiên cố." Tính đến nay đã vào thời mạt pháp khá lâu. Nên biết đây là thời thích hợp cho niệm Phật, không phải là thời trì giới nên chuyên trì giới khó thành công. Dù có người chuyên trì giới nhưng thường được danh dự lợi dưỡng, hiện ít người được A La Hán quả đa số chết rồi sanh về cõi trời, dù sanh được ở cõi trời vẫn còn ở trong nhà lửa. Đời nay, người trì giới, muôn người không có một người giữ giới trọn vẹn. Vì sao? Vì giới rất vi tế mà tâm người thời mạt pháp rất thô, giới nhiều khó giữ, người xưng danh hiệu Phật số ít dễ làm có nhiều công đức.
Hỏi: Niệm Phật được lợi ích nhiều hay ít so với trì giới?
Đáp: Niệm Phật được lợi ích nhiều, không bị tổn hại, trì giới bị tổn hại nhiều, ít có lợi ích. Vì sao được biết? Căn cứ vào Kinh Mục Liên Sở Vấn nói: "Trong giới văn có ngũ thiên thất tụ, người phá giới thiên thứ nhất bị sáu trăm muôn năm đọa địa ngục, Phạm thiên thứ hai gấp bội thiên thứ nhất, thứ ba gấp bội thứ hai, thứ tư gấp bội thứ ba, thứ năm gấp bội thứ tư. Thiên nhẹ nhất cũng Phạm Đột Kiết La bị chín trăm muôn năm đọa địa ngục. Vì vậy, trong muôn người không được một, nên biết bị tổn hại nhiều, lợi rất ít. Trái lại người niệm Phật một câu trừ được tội trọng tám mươi ức kiếp sanh tữ. Vì thế, người bị tội phá giới, niệm Phật A Di Đà tội liền được trừ dứt. Vì sao được biết? Căn cứ vào Quán kinh nói: "Hoặc có chúng sanh hủy phạm 5 giới, 8 giới và cụ túc giới, người như thế phải bị đọa địa ngục, thọ khổ nhiều kiếp. Khi sắp lâm chung gặp thiện tri thức vì người ấy nói 10 oai đức của Phật A Di Đà và khen ngợi thần lực ánh sáng của Đức Phật kia và dạy người ấy niệm Phật. Người kia nghe rồi diệt trừ 80 ức kiếp tội sanh tử, vãng sanh Tịnh độ, nên biết tội phá giới niệm Phật cũng được tiêu diệt. Do đó, niệm Phật thuần ích lợi không tổn hại. Vì thế, có rất nhiều luật sư đã chuyên tâm niệm Phật nguyện vãng sanh về Cực lạc thế giới. Trong Quán Kinh cũng dạy: "Ba phẩm Bậc trung là người học luật niệm Phật vãng sanh Tịnh độ. Nên biết trì giới khổ hạnh không bằng niệm Phật.
5- Niệm Phật đối với Lục Độ Môn
Hỏi: Công đức niệm Phật nhiều hay ít so với sáu thứ Ba La Mật?
Đáp: Công đức niệm Phật nhiều hơn lục Ba La Mật gấp trăm ngàn muôn bội phần. Vì sao được biết? Y theo Kinh Duy Ma nói: "Người niệm định tổng trì, tự cầu sanh tịnh độ đều được vãng sanh tất cả việc khác không cần hỏi đến."
Hỏi: Có người cho rằng niệm Phật như đánh trống miệng, phải giải thích thế nào?
Đáp: Cũng như miệng đánh trống, vì miệng tụng tâm ghi là do đánh trống mà thành, nếu không có tâm niệm, miệng không đâu mà đánh trống được. Niệm Phật cũng vậy, tâm tin miệng xưng liền được sanh Tịnh độ, mau chứng vô thượng Bồ Đề. Nếu không có tâm miệng thì không nhờ vào đâu mà được vãng sanh. Vì thế, miệng đánh trống cũng không hại gì?
Hỏi: Vì sao không niệm Phật Thích Ca lại niệm Phật A Di Đà?
Đáp: Niệm Phật A Di Đà là do Bổn Sư Thích Ca dạy niệm, như cha mẹ sanh con phải đem giao cho thầy dạy, học vấn thành công là do thầy lập ra. Niệm Phật A Di Đà cũng vậy. Đức Bổn Sư nói kinh, ân cần khuyên niệm Phật A Di Đà để được sanh về Tịnh độ, mau chứng Bồ Đề. Đức Bổn Sư dạy niệm Phật A Di Đà như cha mẹ có nhiều con cái đang ở chỗ nguy hiểm, nhà lửa sắp cháy tan, con cái sắp bị chết thiêu, cần tìm cách cho con cái ra khỏi. Cũng vậy, Đức Bổn Sư vì Ta Bà trược ác không thể ở lâu, sợ e chúng sanh phải đắm chìm vào địa ngục, nên đem chúng sanh đồng về Tịnh độ, hưởng các điều vui, khỏi bị trầm luân, nên dạy nhớ niệm Phật A Di Đà, mà không niệm Bổn Sư. Phương pháp niệm Phật thành Phật không phải chỉ Đức Thích Ca niệm Phật Tam muội mà được thành Phật, mà Chư Phật ba đời trong mười phương đều nhơn niệm Phật tam muội mà được thành Phật. Kinh Nguyệt Đăng Tam Muội nói: "Chư Phật trong ba đời ở mười phương đều học niệm Phật tam muội, mau chứng vô thượng Bồ Đề." Nên biết Chư Phật trong ba đời nhơn niệm Phật mà được thành Phật.
Hỏi: Vì sao không niệm 10 phương Chư Phật lại riêng niệm có Phật A Di Đà?
Đáp: Chư Phật trong mười phương hiện tại, Phật A Di Đà là bậc tối thắng tối tôn bậc nhất. Trong mười phương Phật, Phật A Di Đà cùng chúng sanh kết duyên rất sâu dầy. Hiện tại Chư Phật trong mười phương, Phật A Di Đà có nguyện lực nhiếp hóa chúng sanh rất nhiều. Trong mười phương Phật, Tịnh Độ Phật A Di Đà rất tuyệt hảo. Tịnh độ Chư Phật trong mười phương thì Tịnh độ Phật A Di Đà rất gần. Danh hiệu mười phương chư Phật, niệm danh hiệu Phật A Di Đà công đức rất lớn. Vì lý do trên nên niệm Phật A Di Đà mà không niệm Phật khác.
Hỏi: Vì sao nói pháp môn niệm Phật rộng nhiếp hết các môn?
Đáp: Niệm Phật tuy là một pháp nhưng có khả năng thu nhiếp rộng rãi các môn. Vì sao được biết? Xin cử thí dụ để giải thích. Niệm Phật như viên Như ý Bảo châu tuy chỉ có một viên, có thể nhiếp hết các châu báu khác. Nên Kinh Pháp Hoa nói: "Long nữ vì hiến bảo châu nên mau được thành Phật." Niệm Phật tuy là một pháp nhưng có khả năng tăng trưởng tất cả công đức, dẫn chúng sanh về Tịnh độ, mau chứng vô thượng Bồ Đề, nên niệm Phật một pháp bao gồm tất cả pháp. Kinh Duy ma nói: "Niệm định là tổng trì, bao hàm tất cả pháp." Nên một pháp Niệm Phật bao hàm các pháp.
Chương Mười Một
Niệm Phật ra khỏi Ba cõi

Hỏi: Cực lạc Tịnh độ là ở ngoài ba cõi hay ở trong ba cõi?
Đáp: Tịnh độ Cực lạc chắc chắn ở ngoài ba cõi. Nói ba cõi là cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc. Cõi dục từ Diêm Phù Đề này lên đến Lục dục thiên. Sắc giới từ Lục dục thiên lên đến Phạm chúng thiên gồm có 18 cõi gọi là sắc giới thiên. Vô sắc giới gồm bốn cõi trời từ Không vô biên xứ đến Phi tưởng Phi phi tưởng xứ. Lại nữa, tam giới hướng lên gồm có 28 cõi trời, hướng xuống đến vô gián địa ngục loài người ở giữa, như ở trong lao ngục, nên Kinh Pháp Hoa nói: "Ba cõi không yên cũng như nhà lửa." Chúng sanh thường bị sanh già bệnh chết, lo lắng tai họa, thiêu đốt không dứt, cho nên Bà Vi Đề Hy nhàm chán Ta Bà cho là nơi ngũ trược ác xứ. Vì sao gọi là ngũ trược? 1- Kiếp trược chỉ dịch bệnh, cơ cẩn, đao binh hoành hành. 2- Phiền não trược chỉ tất cả chúng sanh đều bị phiền não bức bách. 3- Mạng trược chỉ cho nhơn mạng vô thường ngắn ngủi. 4- Kiến trược chỉ chúng sanh điên đảo chấp lầm bài báng không tin. 5- Chúng sanh trược chỉ chúng sanh say mê trong dục vọng xoay quanh trong sanh tử, lấy khổ làm vui không cầu ra khỏi. Lại có ác đạo như địa ngục ngạ quỷ súc sanh đầy dẫy, các việc ác chứa nhóm. Quả thật cõi Ta Bà này là cõi trược ác. Vì vậy Chư Phật rũ lòng thương dạy nhàm chán cõi ác trược, ưa mến điều vui ở cõi Cực lạc phương Tây, nên Kinh có bài tụng:
Phật từng ngục ba cõi
Dẫn chúng sanh ra ngoài
Đấng Đại Trí nhơn thiên
Thương xót chúng mê muội
Nên mở môn cam lộ
Rộng độ các chúng sanh.
Trong Luận nói:
Vượt khỏi ngục ba cõi
Mắt như hoa sen xanh
Chúng thanh văn vô số
Nên con cung kính lễ.
Vãng Sanh Luận nói:
Quán tướng của cõi kia
Vượt khỏi xa ba cõi
Cứu kính như hư không
Rộng lớn không ngăn mé.
Quần Nghi Luận nói:
Tịnh độ vượt ngang ba cõi
Thoát khỏi tất cả năm đường
Người được vãng sanh cực lạc,
Không có danh xưng ba cõi
Thẳng đến vô thượng Bồ Đề.
Qua những lời kệ tụng trên cho thấy Tịnh Độ Phật A Di Đà ở ngoài ba cõi, nên nói người tu niệm Phật mau ra khỏi ba cõi.
Nếu muốn niệm Phật A Di Đà mau sanh Tịnh độ cần phải thành tựu ba nghiệp, thứ nhất tâm chỉ có lòng tin kiên cố, thứ hai miệng chỉ có niệm danh hiệu Phật kiên cố, thứ ba thân chỉ có cung kính, không hỏi có người không người, cao thấp già trẻ, ngày đêm thường không giải đãi gọi là kỉnh thành tựu. Không bàn về lỗi người tốt xấu, không nói suông như nói ăn, đếm của cho người, chỉ miệng niệm Phật, mỗi tiếng liên tục không dứt gọi là khẩu thành tựu. Không rơi vào tham sân phiền não, không náo loạn, đánh mắng náo loạn, oán hận, tật đố, sát, đạo, dâm, vọng là cái nhơn đọa tam đồ cùng pháp niệm Phật không tương ứng. Vì thế, chỉ có người lòng tin chắc niệm Phật, không phân biệt kẻ đạo người tục, không hỏi nam nữ, giàu nghèo, không hỏi tạo tội có nặng nhẹ, chỉ cần có lòng tin làm gốc, nếu thành tựu thì vạn bệnh đều lành, không cần thuốc thang ở thế gian, muôn thiện đều tự thành; không nhờ vào kinh sách thế gian mà sớm thành tựu muôn thiện vì nó không phải là khả năng của mình là được, cũng không phải do sức tu hành của mình mà được. Nếu y cứ vào kinh văn, người tu từ phàm phu đến sơ địa phải trải qua một Đại A Tăng kỳ kiếp. Nếu nhờ năng lực của Tam Bảo không phải trải qua nhiều kiếp. Y Kinh văn nói: Người nghe nói danh hiệu Phật A Di Đà cho đến một niệm một lòng hoan hỉ dũng mãnh, chí tâm hồi hướng liền được vãng sanh, ở vào vị Bất Thối.
Kinh Pháp Hoa nói: "Đối với người có trí, xin đem thí dụ để giải rõ: Ỏ trong thế gian chỉ có mẹ có thể làm cho thân con được yên ổn. Còn xuất thế gian chỉ có Chư Phật có thể làm cho chúng sanh thoát khỏi khổ ba cõi, được sanh về tịnh độ, thấy Phật, nghe pháp." Y theo kinh thì Phật có lòng từ bi, hỉ xã. Từ là ban vui, bi là cứu khổ. Chẳng luận người chịu khổ hay các loài địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh thọ khổ đều cứu tế bình đẳng, nếu còn hỏi loài nào thì không gọi là Đại Bi. Như người mẹ ở thế gian đối với con có các thứ khổ đều không nài lao nhọc. Chư Phật là đấng Đại bi, không hỏi oán thân, đạo tục, nam nữ, bình đẳng đồng đều cứu khổ hết.
Những khổ đó là gì? Là khổ của thế gian và khổ của địa ngục. Dù khổ trăm ngàn muôn vạn bội, Chư Phật đều cứu hết huống là những khổ nhỏ trong con người, nếu các Ngài không đến cứu là cùng lời dạy trong kinh trái ngược nhau. Những người đang thọ khổ cần phát tâm sám hối, làm các hạnh giới, tạo các công đức, các khổ mau trừ thì lòng tin mới thành tựu, sanh tử từ đây chấm dứt. Người không tin lời Phật dạy thì khổ không thể dứt. Trong các thứ tin, trước phải tin Tam Bảo, năng lực Tam Bảo rất bình đẳng và rộng lớn, trong thế gian không cần hỏi giàu nghèo, nam nữ chỉ có lòng cung kỉnh Tam Bảo thì tự nhiên dự được một phần giải thoát khổ đau. Muốn được giải thoát chỉ có lòng tin nơi Tam Bảo là then chốt, nếu không có lòng tin không khác gì người mù và điếc. Nên biết người niệm Phật mỗi tiếng không dứt, không bệnh nào chẳng lành, không tội nào không dứt, chắc chắn khỏi lo sợ, cũng không thối chuyển, mỗi ngày trong tầm mắt tự nhiên mở tỏ, mỗi việc làm đều hợp với kinh giáo, đi đứng nằm ngồi tâm đức không tán loạn, cũng không mất oai nghi.
Người niệm Phật dù nghe nhiều Kinh Luận đều cùng tâm hạnh tương ưng tăng thêm lòng vui vẻ, tiếp dẫn những người có lòng tin, như mẹ cứu con không từ mệt nhọc. Người không có lòng tin cần nên ngậm miệng, không nên mở lời làm cho người khác chê bai chán pháp, chẳng những chê bai người mà còn chê bai Đức Phật. Trong kinh A Di Đà, khi Đức Thích Ca Mâu Ni nói pháp môn Tịnh Độ vì tất cả chúng sanh mà nói. Sáu phương Chư Phật đều biết kinh này khó tin, e rằng chúng sanh đời sau nghi chê, nên hiện tướng lưỡi rộng dài để minh xác văn kinh này không dối trá. Gần đây, các hành giả sanh nhiều nghi hoặc và chê bai, chính vì việc ấy, nên Chư Phật có lời huyền ký, biết trong đời mạt pháp, chúng sanh không tin. Nếu có người nào có lòng tin thì tất cả Chư Phật cùng nhau hộ niệm. Tự mình không tin lời Phật dạy, là tự mình không được căn lành và không thể ở vị bất thối. Đây là lời nói của Phật A Di Đà: "Nếu chúng sanh không tạo Tịnh Nghiệp là tự mình làm chướng ngại đường vào cõi Thánh." Tất cả các kinh đều do Phật nói ra, nếu người nào tự tu hành đúng theo giáo lý, thì Chư Thiện thần luôn luôn hộ trợ, làm cho người ấy sanh lòng kính tin, tu hành không bỏ, Chư Phật sẽ hộ trợ vị ấy theo bổn nguyện lực. Người nghe mà không tin bị đọa thẳng vào địa ngục, không có ngày ra, đâu chẳng phải điều lầm to cho cả một đời sao?
Nếu người đọc kinh văn Tịnh độ, lắng lòng xét kỹ chắc chắn sẽ cùng kinh giáo tương ưng, dùng pháp niệm Phật trì giới để đoạn trừ phiền não. Chỉ cần có lòng tin sâu chắc chí thành không lui sụt, mỗi niệm tiếng Phật không dứt, không cần hỏi kẻ đạo người tục, giàu có, bần hàn, xấu tốt, nam nữ, có tội nặng hay nhẹ, chỉ cầu làm cho lòng tin thành tựu chắc có kết quả mong muốn. Nếu không có lòng tin, dù chư Phật có từ bi như cha mẹ cũng không thể cứu nổi, không thể vãng sanh. Chỉ có lòng tin thành tựu thì Chư Phật thường còn không mất, cũng không lui sụt. Tin Phật là bậc Đại Thánh tối tôn tối thượng, nên dù chúng sanh ở quá khứ hiện tại và vị lai, không cần hỏi tâm thiện ác nhiều ít Phật đều biết rõ. Nếu có người tin Phật Đại từ bi có thể cứu chúng sanh trong ba thời, dù có tạo nhiều ác nghiệp tội chướng mà phát lòng ăn năn chừa lỗi, Phật đều biết rõ và đều cứu độ đúng lúc, như người mẹ thấy con ở chỗ dơ bẩn đói lạnh quyết lòng cứu giúp chẳng bao giờ xa lìa. Dù đứa con không có lòng báo hiếu, mẹ vẫn không nài khó nhọc lo cho con cả cuộc đời, huống chi Đức Phật là bậc đầy lòng Đại Từ Bi thì lòng cứu khổ to lớn hơn cha mẹ ngàn muôn bội. Không phải chỉ có cứu khổ ở thế gian, mà còn cứu khổ lớn sanh tử. Cho nên, thế gian có lòng tin thì Phật liền cứu, cũng không hỏi tội nặng nhẹ.
Kinh Pháp Hoa nói: "Tất cả chúng sanh đều là con ta, ta là cha của chúng nó, các người nhiều kiếp bị các khổ thiêu đốt, ta đều cứu giúp ra khỏi ba cõi." Đức Phật cứu độ không luận đạo tục, nam nữ, giàu nghèo, già trẻ, tốt xấu, sang hèn và tội nặng nhẹ, chỉ cần có lòng tin, có lòng hối lỗi, lòng tin thành tựu, niệm danh hiệu Phật không dứt là Phật đến cứu. Trong kinh nói: "Tất cả chư Phật đều đến hộ niệm, đều được chẳng thối chuyển. Pháp hy hữu khó tin này chỉ cần lòng tin, không luận người có tội, hoặc người nữ không được vãng sanh. Chỉ luận có lòng tin hay không, nếu giới hạnh thành tựu đều được vãng sanh, chẳng phải là khó tin, chẳng phải là ít có. Thiện nam và thiện nữ nào có thể tin chẳng dối trá chẳng luận tội có nặng nhẹ, các bệnh đều trừ, các bệnh đều dứt, chẳng luận xa gần, chỉ giữ lòng tin, tâm mau dứt nghi hoặc, liền biết niệm Phật như mẹ cứu con nên gọi là pháp hy hữu khó tin. Khi nói kinh này rồi hằng hà sa chư Phật ở sáu phương, mỗi vị đều hiện tướng lưỡi rộng dài, chứng minh cho biết chúng sanh trong ba đời nghe Phật dạy đều được vãng sanh. Nên gọi là pháp hy hữu khó tin. Kinh nói: "Niệm một câu Nam Mô A Di Đà Phật diệt được 80 ức kiếp tội sanh tử. Tất cả Chư Phật đều hộ niệm.”
Lòng Từ Bi của Chư Phật là bình đẳng cứu khắp chúng sanh chẳng luận kẻ đạo người tục biết hối lỗi hồi hướng phát nguyện chắc Phật cứu không hề sai sót, nên chúng sanh có lòng tin niệm Phật được thành tựu thì không có tội nào không diệt hết, không có bệnh nào là không lành, không có khổ nào là không trừ, không có nổi lo nào mà không vui mừng. Nếu có người nghe liền hối lỗi rồi học, thực hành niệm Phật thì năng lực của Phật sẽ gia hộ.
Người có lòng tin mới biết Thân nghiệp không được sát sanh trộm cướp, dâm dật, cũng không được đánh đập hại tất cả chúng sanh, cũng không được ăn mặc lòe loẹt, trang sức trau dồi, gấm vóc lụa là, muôn hồng nghìn tía, quần áo đẹp xinh, khêu gợi lòng người, làm chướng đạo nghiệp dễ bị chìm vào biển khổ. Cũng làm cho người khởi ái tâm. Người mặc áo đẹp trang sức lòe loẹt làm động lòng người. Người tu hành không nên trang điểm lòe loẹt, chỉ ăn mặc giản dị. Riêng thân có 3 điều phải giữ gìn không sát sanh, trộm cướp và tà dâm.
Về khẩu nghiệp, không được uống rượu, ăn thịt, ăn ngũ vị tân, không được nói dối, nói thêu dệt, nói lưỡi hai chiều, nói lời hung ác. Nếu giữ khẩu nghiệp thanh tịnh là đối với đạo Phật tương ưng, nếu gia tâm niệm Phật thì được sáu phương Chư Phật hộ niệm. Về ý nghiệp thì không được tham, sân, si vì nó là ba độc, bỏ tham sân si chuyên tâm niệm Phật chắc thoát khỏi tam giới./.
Lời Bạt
Trăng sáng đầy trời không qua phách quế (mặt trăn), sóng dậy đầy sông nguồn gốc bắc ở thương minh (nguồn sông), dùng muôn pháp là tâm công chỉ còn ở nhất niệm, ngàn xe họp bánh đường chẳng ngoài tổng trì, đủ diệu môn tối thắng để thoát luân hồi thật thẳng tắt, chỉ có pháp môn niệm Phật căn cứ từ cõi Phật A Di Đà hiện từ thuyền vớt chúng sanh vô lượng kiếp, pháp môn Tịnh độ mở tự tánh pháp giới kết vô giá hội, đồng về trong rừng cây báu cõi Cực lạc.
Thời Đông Tấn, Đại sư Huệ Viễn Kiết Bạch liên xã, 123 xã chúng đều được tam muội, đồng được vãng sanh, đặc biệt 18 vị cao hiền hiển bày chơn tôn, bi trí cùng làm, thánh phàm đều nhiếp hết, đem thuốc của Đại y vương chữa lành các bệnh chúng sanh,như mặt nhật huệ ở trên không, bóng tối ngàn năm mau dứt, biến thế giới thành hoàng kim, người được vãng sanh vị ở bất thối, ngồi hoa sen thấy Phật chứng quả vô sanh. Như cửu khúc minh châu tuy nhỏ bằng một tất tơ mà có thể biết mùi vị của dòng nước trăm sông, muốn khô bể nghiệp cần phải niệm Phật A Di Đà. Nếu tâm luôn luôn hệ niệm Đức Phật kia thì không nhọc khảy móng tay Tây Phương cũng đến.
Có bài kệ rằng:
Duy Tâm Tịnh độ phải thừa đương.
Tự tánh Di Đà mỗi chỗ thường
Không khổ không lo là Cực lạc.
Đừng thương đừng ghét ấy Tây phương
Hà sa công đức xưa nay đủ.
Diệu bửu trang nghiêm, chẳng thể lường
Chuyên niệm chủ nhân Vô Lượng Thọ
Thấy nghe thanh sắc lộ đường đường./.
Niệm Phật Kính

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 2 quyển »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Đại Bát Niết bàn Tập 1


Phúc trình A/5630


Kinh Đại Bát Niết-bàn


Sống và chết theo quan niệm Phật giáo

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.138.120.55 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập