Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Pháp Tập Yếu Tụng Kinh [法集要頌經] »» Bản Việt dịch quyển số 2 »»

Pháp Tập Yếu Tụng Kinh [法集要頌經] »» Bản Việt dịch quyển số 2

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.38 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.5 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Pháp Tập Yếu Tụng

Kinh này có 4 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 |
Việt dịch: Nguyên Thuận

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
(Download file MP3 -0Mb
Font chữ:

PHẨM 12: CHÁNH ĐẠO

[1]
Bốn Đế Tám Chánh Đạo
Quán sát bằng trí tuệ
Phá tan ái luân hồi
Như gió thổi tung bụi
[2]
Ai thấy Bốn Thánh Đế
Tịch tĩnh nên quán sát
Diệt trừ phiền não chướng
Như mưa thấm ướt bụi
[3]
Tối thượng Tám Chánh Đạo
Dấu Pháp Bốn Thánh Đế
Đạo này tên vô vi
Tuệ đăng chiếu ngu ám
[4]
Vi diệu Tám Chánh Đạo
Diệu nghĩa Bốn Thánh Đế
Vô dục Pháp tối thượng
Minh nhãn khéo quán sát
[5]
Tuệ là báu thế gian
An lạc chứng vô vi
Ai biết thọ chánh giáo
Vĩnh đoạn sanh già chết
[6]
Tất cả hành vô thường
Soi thấy bằng trí tuệ
Nếu khéo biết khổ này
Hành Đạo tịnh vết khổ
[7]
Tất cả hành là khổ
Soi thấy bằng trí tuệ
Nếu khéo biết khổ này
Hành Đạo tịnh vết khổ
[8]
Tất cả hành là không
Soi thấy bằng trí tuệ
Nếu khéo biết khổ này
Hành Đạo tịnh vết khổ
[9]
Tất cả pháp vô ngã
Soi thấy bằng trí tuệ
Nếu khéo biết khổ này
Hành Đạo tịnh vết khổ
[10]
Ta đã giảng dấu Đạo
Ái dục như tên bắn
Hãy nên tự khích lệ
Thọ trì lời Phật dạy
[11]
Ta đã giảng dấu Đạo
Nhổ gai ái kiên cố
Hãy nên tự khích lệ
Thọ trì lời Phật dạy
[12]
Đạo này là duy nhất
Thấy Chân được thanh tịnh
Dẫn đến diệt ách khổ
Phá tan chúng ma binh
[13]
Đạo này là duy nhất
Thấy Chân sẽ chứng Quả
Dẫn đến diệt ách khổ
Phá tan chúng ma binh
[14]
Đạo này không gì hơn
Tĩnh lặng như hồ sâu
Như Năng Nhân nhập định
Giữa chúng luôn giảng Đạo
[15]
Nhập Đạo thấy sanh tử
Đắc Đạo cứu giúp người
Vượt qua biển ái dục
Liễu sanh qua bờ kia
[16]
Cứu cánh Đạo thanh tịnh
Trừ sạch gốc sanh tử
Biện tài vô lượng cõi
Thấy rõ tuyên giảng Đạo
[17]
Chảy xiết đổ vào biển
Nước chảy sẽ mau đầy
Thuyết Đạo cho người trí
Khéo đến uống cam lộ
[18]
Trước chưa nghe Pháp luân
Chuyển vì thương chúng sanh
Ai phụng sự tu hành
Kính lễ vượt ba cõi
[19]
Ba niệm mà niệm thiện
Ba niệm sẽ lìa ác
Từ niệm mà có hành
Diệt cấu là chánh đoạn
[20]
Ba quán sẽ chuyển niệm
Tất đắc Đạo vô thượng
Đắc ba trừ ba kết
Tu vô lượng định niệm
[21]
Khéo trừ lậu ba cõi
Tu định chế phục ý
Trí tuệ thiền định lực
Đã định nhiếp ngoại loạn
[22]
Thế gian pháp sanh diệt
Mỗi thứ đều vô biên
Giác ngộ được giải thoát
An vui vô cùng tận
[23]
Tích thiện được quả lành
Mọi nơi được tiếng thơm
Hành trì Tám Chánh Đạo
Tu Đạo uống cam lộ
PHẨM 13: LỢI DƯỠNG

[1]
Buồng chín, chuối sẽ khô
Cỏ lau, trúc, cũng thế
Con la chết khi chửa
Con người chết bởi tham
[2]
Bởi vậy tham vô lợi
Phải biết từ si sanh
Vì tham, ngu hại hiền
Đầu cổ rơi xuống đất
[3]
Tham lợi tánh bất thiện
Tỳ-kheo chớ có ham
Trú nơi nhiều thương luyến
Hy vọng người cúng dường
[4]
Tại gia cùng xuất gia
Nam nữ chúng ngu mê
Tham lợi lòng ganh ghét
Ta vì họ hàng phục
[5]
Kẻ ngu nghĩ cách ngu
Dục mạn ngày càng tăng
Phi pháp tham lợi dưỡng
Tịch diệt không thể đến
[6]
Những ai khéo biết đủ
Tỳ-kheo chân Phật tử
Danh tiếng chẳng ham thích
An vui là người trí
[7]
Không chấp trước mọi thứ
Không nịnh hót nơi người
Không nương người sanh sống
Nên tự hành trì Pháp
[8]
Tự lợi còn chẳng ham
Huống nữa là tiếng tăm
Trăm vị như mỡ xe
Tu hành sẽ đắc Đạo
[9]
Tỳ-kheo tham lợi dưỡng
Sẽ không đắc chánh định
Tri túc luôn tịch tĩnh
Chỉ Quán tất thành tựu
[10]
Tỳ-kheo xa danh lợi
Biết đủ chẳng mong cầu
Chỉ mặc ba Pháp y
Tu hành được an vui
[11]
Tỳ-kheo ham danh lợi
Như phòng có rắn độc
Nằm ngồi ngủ sợ hãi
Đều do tham lợi dưỡng
[12]
Tỳ-kheo ham danh lợi
Vui sướng thật thấp hèn
Một Pháp nên quán sát
Trí kém khó giải thoát
[13]
Cẩn thận luôn y giới
Không tham bậc trí khen
Tịnh hạnh chánh căn lực
Hãy nên tự tư duy
[14]
Ba Minh có đầy đủ
Giải thoát được vô lậu
Trí kém người si mê
Sẽ không nhớ biết gì
[15]
Đối với đồ ăn uống
Thọ nhận từ người khác
Mà khởi sanh pháp ác
Ganh ghét do lợi dưỡng
[16]
Lợi dưỡng kết nhiều oán
Tuy mặc ba Pháp y
Chỉ mong đồ ăn ngon
Không vâng lời Phật dạy
[17]
Phải biết lỗi lầm này
Lợi dưỡng rất đáng sợ
Trí kém chẳng nghĩ suy
Tỳ-kheo hãy xả tâm
[18]
Tỳ-kheo bậc xuất gia
Ba nghiệp phải điều phục
Lối sống phải chân chánh
Tâm thiện luôn tư duy
[19]
Bệnh vi tế khó nhẫn
Lợi dưỡng rất khó lìa
Cúng dường tâm bất động
Trời rồng sẽ lễ bái
PHẨM 14: OÁN HẬN

[1]
Chẳng oán mà sanh oán
Chẳng gây mà làm ác
Ngu mê chịu thống khổ
Hiện đời và hậu thế
[2]
Nghiệp ác trước tự làm
Sau đó hại người khác
Kẻ kia khởi tâm hại
Như chim sa vào lưới
[3]
Đánh người bị người đánh
Oán thù gặp oán thù
Chửi người bị người chửi
Phẫn nộ gặp phẫn nộ
[4]
Vì sao làm Sa-môn?
Chẳng biết Phật Chánh Pháp
Sanh ra thọ mạng ngắn
Lìa oán lại kết oán
[5]
Họ cùng hủy báng nhau
Ai nấy thốt lời sân
Tâm vui, nhẫn, bình đẳng
Nhẫn này không gì bằng
[6]
Xương gãy mà mạng chung
Ngựa bò chết tài mất
Đất nước sẽ loạn lạc
Tụ tập được trở lại
[7]
Các ông chẳng khởi ác
Pháp này được lìa oán
Kia oán ai khéo nhẫn
Gọi đó là bậc trí
[8]
Nếu biết đó nói thắng
Ngu mê cầu khoái lạc
Hiện tại không khởi oán
Vị lai cũng chẳng hận
[9]
Chẳng thể oán báo oán
Mà sẽ được an vui
Nhẫn nhục oán tự trừ
Đó là Pháp Như Lai
[10]
Nếu ai hủy mạ ta
Kia oán ta chẳng oán
Ý ai được an vui
Oán thù được dừng nghỉ
[11]
Nếu ai quen bạn lành
Cùng đi khắp thế gian
Oán ghét không lưu nhớ
Chuyên niệm cùng ý lành
[12]
Bạn lành nếu chẳng có
Tự đi không bạn lữ
Hãy xem khắp mọi nơi
Tu thiện không tạo ác
[13]
Tu học nếu không có
Bạn tốt thiện tri thức
Giữ thiện tu một mình
Đừng cùng với kẻ ngu
[14]
Tu học siêng trì giới
Cần chi bạn đồng hành?
Như rồng thích vực sâu
Như voi thích rừng hoang
PHẨM 15: TƯ DUY

[1]
Quán hơi thở ra vào
Chú tâm tư duy kỹ
Thông suốt đầu đến cuối
Quán sát như Phật dạy
[2]
Đó là chiếu thế gian
Như mây tan trăng hiện
Đi đứng học tư duy
Nằm ngồi đừng quên lãng
[3]
Tỳ-kheo lập niệm này
Hiện đời và hậu thế
Thắng lợi mãi chẳng cùng
Vĩnh không đọa sanh tử
[4]
Nếu thấy thân an trụ
Sáu căn gìn giữ hộ
Tỳ-kheo luôn nhất tâm
Tự biết chứng tịch diệt
[5]
Đã có các niệm này
Tự mình luôn hành trì
Như vậy mà chẳng thể
Vĩnh không chế phục tâm
[6]
Ai tu Pháp căn bổn
Như thế vượt trần lao
Ý niệm mà khéo ngộ
Đắc định tâm an vui
[7]
Ý niệm mà khéo ngộ
Đắc định tâm an vui
Tùy thời tu các Pháp
Mới thoát sanh già chết
[8]
Tỳ-kheo ngộ ý niệm
Phải khiến niệm tương ứng
Sanh tử phiền não đoạn
Chứng đắc Đạo tịch diệt
[9]
Thường nên nghe diệu Pháp
Tự ngộ tâm ý mình
Ai giác làm thánh hiền
Sợ hãi vĩnh chẳng còn
[10]
Giác ngộ tâm tương ứng
Ngày đêm siêng tu học
Liễu giải Pháp cam lộ
Nhất định được vô lậu
[11]
Nếu ai được lợi lành
Tất đến Quy Y Phật
Cho nên ngày lẫn đêm
Nhất tâm thường niệm Phật
[12]
Nếu ai được lợi lành
Tất đến Quy Y Pháp
Cho nên ngày lẫn đêm
Nhất tâm thường niệm Pháp
[13]
Nếu ai được lợi lành
Tất đến Quy Y Tăng
Cho nên ngày lẫn đêm
Nhất tâm thường niệm Tăng
[14]
Ai khéo tự giác ngộ
Đó là đệ tử Phật
Hãy nên ngày lẫn đêm
Nhất tâm luôn niệm Phật
[15]
Ai khéo tự giác ngộ
Đó là đệ tử Phật
Hãy nên ngày lẫn đêm
Nhất tâm luôn niệm Pháp
[16]
Ai khéo tự giác ngộ
Đó là đệ tử Phật
Hãy nên ngày lẫn đêm
Nhất tâm luôn niệm Tăng
[17]
Ai khéo tự giác ngộ
Đó là đệ tử Phật
Hãy nên ngày lẫn đêm
Nhất tâm luôn niệm giới
[18]
Ai khéo tự giác ngộ
Đó là đệ tử Phật
Hãy nên ngày lẫn đêm
Nhất tâm luôn niệm thí
[19]
Ai khéo tự giác ngộ
Đó là đệ tử Phật
Hãy nên ngày lẫn đêm
Nhất tâm luôn niệm thiên
[20]
Ai khéo tự giác ngộ
Đó là đệ tử Phật
Hãy nên ngày lẫn đêm
Nhất tâm luôn niệm thân
[21]
Ai khéo tự giác ngộ
Đó là đệ tử Phật
Hãy nên ngày lẫn đêm
Nhất tâm niệm tĩnh lự
[22]
Ai khéo tự giác ngộ
Đó là đệ tử Phật
Hãy nên ngày lẫn đêm
Nhất tâm niệm không giết
[23]
Ai khéo tự giác ngộ
Đó là đệ tử Phật
Hãy nên ngày lẫn đêm
Nhất tâm niệm không trộm
[24]
Ai khéo tự giác ngộ
Đó là đệ tử Phật
Hãy nên ngày lẫn đêm
Nhất tâm luôn niệm không
[25]
Ai khéo tự giác ngộ
Đó là đệ tử Phật
Hãy nên ngày lẫn đêm
Nhất tâm niệm vô tướng
[26]
Ai khéo tự giác ngộ
Đó là đệ tử Phật
Hãy nên ngày lẫn đêm
Nhất tâm niệm vô nguyện
[27]
Ai khéo tự giác ngộ
Đó là đệ tử Phật
Hãy nên ngày lẫn đêm
Nhất tâm niệm xuất thế
[28]
Ai khéo tự giác ngộ
Đó là đệ tử Phật
Hãy nên ngày lẫn đêm
Nhất tâm niệm ý lạc
[29]
Ai khéo tự giác ngộ
Đó là đệ tử Phật
Hãy nên ngày lẫn đêm
Nhất tâm niệm tịch diệt
PHẨM 16: THANH TỊNH

[1]
Hãy nhớ tự tỉnh giác
Khi làm chớ hư vọng
Làm thiện tu hành an
Việc làm được chân thật
[2]
Người nên cầu phương tiện
Sẽ tự được tài bảo
Kia tự quán cũng thế
Ý nguyện liền đắc Quả
[3]
Nằm ngồi cầu phương tiện
Phát khởi tâm tinh tấn
Như thợ đúc vàng ròng
Tẩy trừ tâm cáu bẩn
Chẳng bị ám tối che
Vĩnh lìa già chết khổ
[4]
Chẳng đáng thẹn lại thẹn
Nên đáng thẹn không thẹn
Chẳng đáng sợ lại sợ
Nên đáng sợ không sợ
Kẻ đó sanh tà kiến
Khi chết đọa địa ngục
[5]
Ai trước lỡ làm ác
Sau ngừng không tái phạm
Là chiếu sáng thế gian
Như trăng lìa mây che
[6]
Ai trước lỡ làm ác
Sau ngừng không tái phạm
Dùng thiện để diệt trừ
Là chiếu sáng thế gian
[7]
Nếu ai lỡ làm ác
Tu thiện mà tiêu trừ
Thế gian do chấp ái
Thật nghĩa không hiểu rõ
[8]
Thiếu niên mà xuất gia
Cầu Phật Pháp vi diệu
Là chiếu sáng thế gian
Như trăng lìa mây che
[9]
Hiện đời không não hại
Lúc chết chẳng âu lo
Kia thấy Đạo vô úy
Lìa khổ được an vui
[10]
Hiện đời không não hại
Khi chết chẳng ưu sầu
Kia thấy Đạo vô úy
Tối thắng trong thân quyến
[11]
Đoạn trừ pháp ô trược
Chỉ tu pháp tịnh hạnh
Xả ái được thanh tịnh
Lìa bỏ việc xấu ác
[12]
Trì giới luôn thanh tịnh
Thanh tịnh trưởng căn lành
Ba nghiệp luôn thanh tịnh
Thanh tịnh gọi xuất gia
[13]
Tâm ái dục là ruộng
Tham sân si là hạt
Ai bố thí độ đời
Phước báo vô cùng tận
[14]
Ví như ruộng cằn cỗi
Sân hận càng lan xa
Cho nên lìa sân hận
Phước báo vô cùng tận
[15]
Ví như ruộng cằn cỗi
Si mê càng lan xa
Cho nên lìa si mê
Phước báo vô cùng tận
[16]
Ví như ruộng cằn cỗi
Kiêu mạn càng lan xa
Cho nên lìa kiêu mạn
Phước báo vô cùng tận
[17]
Ví như ruộng cằn cỗi
Tham dục càng lan xa
Cho nên lìa tham dục
Phước báo vô cùng tận
[18]
Ví như ruộng cằn cỗi
Yêu thương càng lan xa
Cho nên lìa yêu thương
Phước báo vô cùng tận
[19]
Sáu thức ý làm chủ
Ái nhiễm làm quyến thuộc
Vô nhiễm sẽ lìa ái
Nhiễm trước là ngu si
[20]
Xương cốt lấy làm thành
Máu thịt bao phủ lên
Sáu căn mở tung ra
Sáu giặc tung hoành khắp
[21]
Vướng duyên sẽ tăng khổ
Hãy quán các nhân duyên
Diệt trừ nhờ thánh hiền
Ngu bị ngoại trần nhiễm
PHẨM 17: NƯỚC DỤ

[1]
Tâm tịnh có chánh niệm
Dục lạc chẳng còn tham
Đã qua hố si mê
Như nhạn bỏ ao khô
[2]
Tâm kia đã xả bỏ
Bay lượn thăng hư không
Tu hành xuất thế gian
Phá tan chúng ma quân
[3]
Trẻ chẳng tu tịnh hạnh
Đến già không tích của
Si mê ham say ngủ
Lười biếng chẳng làm lành
[4]
Trẻ chẳng tu tịnh hạnh
Đến già không tích của
Như hạc ở ao khô
Cố giữ có ích gì?
[5]
Chớ khinh việc ác nhỏ
Cho rằng không tai họa
Giọt nước tuy cỏn con
Lâu dần cũng đầy thùng
Tội ác đầy rẫy khắp
Từ nhỏ tích tụ thành
[6]
Chớ khinh việc thiện nhỏ
Cho rằng không phước báo
Giọt nước tuy cỏn con
Lâu dần cũng đầy thùng
Phước lành đầy rẫy khắp
Từ nhỏ tích tụ thành
[7]
Ví như người qua sông
Thuyền bè buộc kiên cố
Kia qua thật chẳng qua
Thông tuệ mới qua bờ
[8]
Phật Thế Tôn đã qua
Tịnh giả qua bờ kia
Tỳ-kheo vào dục sâu
Thanh Văn buộc chặt bè
[9]
Suối này có lợi gì?
Nước luôn có tràn khắp
Nhổ ái trừ gốc rễ
Lại muốn hy vọng gì?
[10]
Thuyền phu lèo lái thuyền
Thợ cung chỉnh góc độ
Thợ mộc gọt đẽo gỗ
Bậc trí khéo điều thân
[11]
Ví như dòng suối sâu
Trong ngoài rất trong suốt
Nghe Pháp được thanh tịnh
Bậc trí sanh hoan hỷ
[12]
Ví như dòng suối sâu
Trong ngoài rất trong suốt
Bậc trí nghe diệu Pháp
Hoan hỷ vô cùng tận
[13]
Lòng nhẫn như đại địa
Bất động như hư không
Nghe Pháp dụ kim cang
Đắc Đạo thoát luân hồi
PHẨM 18: HƯƠNG HOA

[1]
Ai khéo lựa nơi xứ
Lìa đường ác sanh thiên?
Ai khéo giảng Pháp nghĩa
Như khéo hái hoa xinh?
[2]
Học nhân khéo lựa nơi
Lìa đường ác sanh thiên
Khéo giảng diệu Pháp nghĩa
Khéo hái hoa công đức
[3]
Hủy rừng chặt sạch cây
Bởi rừng sanh sợ hãi
Khi rừng đã diệt rồi
Tỳ-kheo đắc tịch diệt
[4]
Đốn rừng chẳng bứng rễ
Bởi rừng sanh sợ hãi
Một tí mà chưa đoạn
Khiến ý sanh buộc ràng
[5]
Đốn rừng chẳng bứng rễ
Bởi rừng sanh sợ hãi
Tâm siết rất khó lìa
Như nghé thương luyến mẹ
[6]
Hãy tự lìa thương luyến
Khô như ao sen thu
Tâm lặng thọ chánh giáo
Phật nói tịch diệt vui
[7]
Ví như hoa khả ý
Sắc đẹp mà chẳng thơm
Lời hoa mỹ cũng thế
Không có lợi ích gì
[8]
Ví như hoa khả ý
Sắc đẹp lại ngát thơm
Lời dịu êm cũng thế
Tất được phước lợi lành
[9]
Ví như ong hút mật
Không tổn hoa sắc hương
Chỉ lấy vị rồi đi
Như Tỳ-kheo vào làng
[10]
Đừng phạm làm điều ác
Chớ nhìn việc không nên
Chỉ xem thân nghiệp mình
Là chánh hay chẳng chánh
[11]
Ví như ở mương ruộng
Gần cạnh nơi đại lộ
Trong đó mọc hoa sen
Thơm khiết rất đáng yêu
[12]
Có sanh ắt phải chết
Phàm phu ưa nơi đó
Bậc trí quyết thoát ra
Đó là đệ tử Phật
[13]
Lấy nhiều hoa xinh đẹp
Kết thành vòng trang sức
Ai rộng tích thiện căn
Đời sau sanh chốn lành
[14]
Như hoa lài diệu hoa
Thanh tịnh như hoa sen
Nếu trừ tham sân si
Tỳ-kheo tịnh ngát thơm
[15]
Như người hái hoa xinh
Chuyên ý không tán loạn
Do ngủ bị nước trôi
Thoáng chốc tử thần dắt
[16]
Như người hái hoa xinh
Chuyên ý không tán loạn
Ý dục không biết chán
Luôn bị khổ vây khốn
[17]
Như người hái hoa xinh
Chuyên ý không tán loạn
Chưa được chân tài bảo
Mãi bị khổ vây khốn
[18]
Nếu chẳng thấy tử thần
Tuệ chiếu như tịnh hoa
Tỳ-kheo qua bờ kia
Như rắn lột thay da
[19]
Nếu đoạn tham sân si
Như bỏ rễ hoa độc
Tỳ-kheo qua bờ kia
Như rắn lột thay da
[20]
Tham dục nếu đoạn trừ
Như hoa nổi trên nước
Tỳ-kheo qua bờ kia
Như rắn lột thay da
[21]
Sân hận nếu đoạn trừ
Như hoa nổi trên nước
Tỳ-kheo qua bờ kia
Như rắn lột thay da
[22]
Si mê nếu đoạn trừ
Như hoa nổi trên nước
Tỳ-kheo qua bờ kia
Như rắn lột thay da
[23]
Như người kết vòng hoa
Ý lạc tham vô bờ
Hiện đời chẳng trừ độc
Ba căn luôn siết trói
[24]
Quán thân như sành gốm
Huyễn hóa như ngựa hoang
Chặt đứt nụ hoa ma
Không đọa vòng sanh tử
[25]
Thấy thân như bọt nước
Biết đó là huyễn hóa
Chặt đứt nụ hoa ma
Không đọa vòng sanh tử
[26]
Ngã mạn nếu đoạn trừ
Như hoa nổi trên nước
Tỳ-kheo qua bờ kia
Như rắn lột thay da
[27]
Nghi ngờ nếu đoạn trừ
Như hoa nổi trên nước
Tỳ-kheo qua bờ kia
Như rắn lột thay da
[28]
Ái dục nếu đoạn trừ
Như hoa nổi trên nước
Tỳ-kheo qua bờ kia
Như rắn lột thay da
[29]
Phiền não nếu chẳng có
Tất được quả báo thiện
Tỳ-kheo qua bờ kia
Như rắn lột thay da
PHẨM 19: NGỰA DỤ

[1]
Ví như cưỡi ngựa thuần
Tùy ý đến nơi muốn
Tín giới và tinh tấn
Định tuệ sẽ đầy đủ
[2]
Đắc Pháp Đệ Nhất Nghĩa
Lợi ích vô cùng tận
Nhất tâm hành hòa nhẫn
Thoát miễn khổ luân hồi
[3]
Nhẫn hòa tâm sẽ định
Khéo đoạn các khổ não
Từ đó nhập thiền định
Như ngựa đã thuần phục
[4]
Đoạn sân được vô lậu
Như ngựa đã thuần phục
Bỏ ác đến bình thản
Sau thọ vui cõi trời
[5]
Tinh tấn giữa buông lung
Giác ngộ giữa ngủ say
Như ngựa đã thuần phục
Bỏ ác làm thánh hiền
[6]
Nếu ai biết hổ thẹn
Trí tuệ sẽ thành tựu
Đó là cầu hướng thượng
Ví như cưỡi ngựa thuần
[7]
Như ngựa nếu thuần phục
Vua mới có thể cưỡi
Khéo điều làm hiền nhân
Mới được lời thành tín
[8]
Dẫu ai giỏi huấn luyện
Như khéo huấn luyện ngựa
Lại khéo huấn luyện voi
Đâu bằng điều phục mình
[9]
Kẻ kia chẳng thể chở
Lại cũng chẳng thể đến
Chỉ ai tự điều phục
Mới đến nơi an lành
[10]
Kẻ kia chẳng thể chở
Lại cũng chẳng thể đến
Chỉ ai tự điều phục
Mới diệt mọi ách khổ
[11]
Kẻ kia chẳng thể chở
Lại cũng chẳng thể đến
Chỉ ai tự điều phục
Mới đến Đạo tịch diệt
[12]
Hãy luôn tự điều phục
Cũng như điều ngựa hoang
Ai khéo tự cấm chế
Độ thoát mọi khổ não
[13]
Như ngựa cho vua cưỡi
Nơi kia sanh hy hữu
Tỳ-kheo khéo điều phục
Giải thoát mọi khổ ách
[14]
Chỉ ai tự điều phục
Thiện ý như ngựa thuần
Cũng như voi chúa lớn
Tự điều là tối thượng
[15]
Như vua cưỡi ngựa khôn
Hiếm có ở trong nước
Tỳ-kheo khéo điều phục
Khéo đoạn siết trói buộc
[16]
Chỉ ai tự điều phục
Thiện này không gì hơn
Cũng như voi chúa hiền
Ý niệm qua bờ kia
[17]
Tự làm, tự hộ vệ
Tự quy, cầu tự độ
Cho nên hãy cẩn thận
Như buôn bán ngựa khôn
PHẨM 20: SÂN HẬN

[1]
Trừ sân lìa ngã mạn
Lánh xa các phiền não
Chẳng nhiễm nơi danh sắc
Oan gia chẳng kết giao
[2]
Sân đoạn nằm ngủ yên
Khuể diệt không ưu sầu
Phẫn nộ là căn độc
Trừ độc sanh cam lộ
Hiền thánh khéo trừ sạch
[3]
Sân hận lòng ai khởi
Làm các nghiệp chẳng lành
Nếu sau sân được trừ
Trí tuệ dần dần tăng
[4]
Chẳng thẹn chẳng xấu hổ
Lại ưa khởi sân hận
Bị sân siết trói buộc
Như tối mất đèn sáng
[5]
Lực kia chẳng phải lực
Ai lấy sân làm lực
Sân là pháp mục nát
Chẳng biết lành được khen
[6]
Phẫn nộ gần binh đao
Nhu hòa gần an tường
Hạnh nhẫn là tối thượng
Thế nên phải luôn nhẫn
[7]
Phẫn nộ người khinh chê
Ai sân nên học nhẫn
Hạnh nhẫn là tối thượng
Thế nên phải luôn nhẫn
[8]
Chẳng kể ta hay người
Phải sợ tham sân si
Nếu biết họ khởi ác
Tâm ta nên diệt trước
[9]
Lợi mình và lợi người
Vì họ ta khuyên bảo
Nếu biết họ khởi ác
Tâm ta nên diệt trước
[10]
Lợi mình và lợi người
Vì họ ta khuyên bảo
Ngu cho ta vô lực
Quán pháp cũng như thế
[11]
Trí nhẫn thắng ngu si
Kẻ ngu nói lời ác
Muốn luôn chiến thắng họ
Chỉ nên giữ im lặng
[12]
Luôn học lời bậc trí
Không cùng kẻ ngu học
Khéo nhẫn lời cấu trược
Mới gọi nhẫn cao nhất
[13]
Ai sân không nên nói
Chỗ đông hay vắng người
Ai hận khởi lửa sân
Mãi không tự thức tỉnh
[14]
Nói thật chẳng sân hận
Kẻ xin nhớ bố thí
Ba nghiệp có định xứ
Tự nhiên xứ thiên cung
[15]
Ý dừng sao có sân?
Tự kiểm dưỡng tuệ mạng
Đẳng trí định giải thoát
Biết đã chẳng còn sân
[16]
Những ai mà làm ác
Phẫn nộ khởi sanh oán
Nếu sân mà chẳng khởi
Tức là chiến thắng họ
[17]
Nhẫn nhục thắng sân hận
Thiện đức thắng tà ác
Bậc trí khéo bố thí
Chí thành thắng lừa dối
[18]
Không sân cũng không hại
Hằng nhớ hạnh chân thật
Kẻ ngu tự khởi sân
Oán thù luôn còn mãi
[19]
Sân hận tự kiềm chế
Như dừng xe chạy nhanh
Là người lái xe giỏi
Bỏ tối tiến vào sáng


Sa-môn, Chánh Đạo, với Lợi Dưỡng
Oán Hận, Tư Duy, và Thanh Tịnh
Nước Dụ, Hương Hoa, cùng Ngựa Dụ
Cộng chung Sân Hận là mười phẩm
PHẨM 21: NHƯ LAI

[1]
Tự thành Tối Chánh Giác
Không nhiễm tất cả pháp
Vô úy Nhất Thiết Trí
Tự ngộ không thầy dạy
[2]
Tự thành Tối Chánh Giác
Không nhiễm pháp thế gian
Vô úy Nhất Thiết Trí
Tự ngộ không thầy dạy
[3]
Thiện Thệ không ai hơn
Thị hiện thành Chánh Đạo
Như Lai Thiên Nhân Tôn
Trí lực đều viên mãn
[4]
Ta là Phật Thế Tôn
Lậu tận đoạn tuyệt dâm
Chư thiên cùng nhân thế
Tất cả đều quy kính
[5]
Tự ngộ không thầy dạy
Một mình không bạn lữ
Nhất tâm tu Chánh Pháp
Phật Đạo tự nhiên thông
[6]
Tự mình thắng phiền não
Thế gian chẳng ai hơn
Thông suốt trí vô ngại
Dẫn kẻ mê vào Đạo
[7]
Nay đến thành Lộc Dã
Muốn đánh trống cam lộ
Sẽ chuyển diệu Pháp luân
Mà chưa ai từng chuyển
[8]
Người trí không cùng ngu
Tùy duyên mà hóa độ
Giảng Đạo tịnh vô cấu
Tịch diệt không gì hơn
[9]
Dũng mãnh sư tử hống
Như Lai giảng Chánh Pháp
Pháp thuyết và nghĩa thuyết
Bậc giác mãi an vui
[10]
Dũng mãnh tâm chuyên chú
Xuất gia ngày đêm tu
Chư thiên thường hộ vệ
Chư Phật ngợi tán dương
[11]
Chư thiên và thế gian
Tán thán Chánh Đẳng Giác
Mau tu mà tự giác
Tối hậu lìa bào thai
[12]
Chư Phật ở quá khứ
Cùng với ở vị lai
Hiện tại Chánh Đẳng Giác
Diệt trừ khổ chúng sanh
[13]
Một lòng tôn trọng Pháp
Đã kính ai đang kính
Nếu ai sẽ cung kính
Đó là Phật Pháp yếu
[14]
Nếu muốn tự cầu Pháp
Chánh thân tối đệ nhất
Kính tin nơi Chánh Pháp
Tư duy Kinh giới Phật
[15]
Những ai không tin Phật
Họ như kẻ mù lòa
Sẽ đọa ba đường ác
Ví như có thương gia
Gặp phải quỷ bạo ác
[16]
Thuyền trưởng khéo lái thuyền
Tinh tấn làm cầu nối
Người bị dòng tộc vây
Ai thoát là trượng phu
[17]
Như Lai không ai bằng
Ái tận không vết tích
Giải thoát tâm vô lậu
Ân tuệ trời và người
[18]
Tư duy nhị quán hành
Khéo quán nhị nhàn tĩnh
Trừ tối hơn thần tiên
Khéo chứng được tự tại
[19]
Như người đứng đỉnh núi
Thấy khắp người trong thôn
Quán sát Pháp như vậy
Ví như lên lầu cao
[20]
Nếu ai luôn quán sát
Phiễn não mãi chẳng sanh
Rưới mưa Pháp cam lộ
Liên tục chẳng tận cùng
PHẨM 22: ĐA VĂN

[1]
Đa văn khéo hành thiện
Làm lành chẳng phiền não
Tu hành diệt nghiệp chướng
Đắc diệu Quả Sa-môn
[2]
Ngu mê chẳng hay biết
Khéo hành Pháp bất tử
Khéo giải ai biết Pháp
Bệnh trừ như lá chuối
[3]
Ví như nhà che kín
Tói om chẳng thấy gì
Tuy có đủ màu sắc
Có mắt nhưng không thấy
[4]
Ví như có một người
Tài trí với học rộng
Chẳng nghe tất chẳng biết
Pháp lành và pháp ác
[5]
Ví như cầm đuốc sáng
Tất thấy mọi sắc tướng
Nghe rồi khéo biết rõ
Hướng đi của thiện ác
[6]
Tuy xưng là đa văn
Giới cấm không đầy đủ
Bị pháp luật truy nã
Tu học có khiếm khuyết
[7]
Hành giả kém hiểu biết
Dẫu giới trì đầy đủ
Cũng được pháp luật khen
Nhưng tu học có khuyết
[8]
Tu học kém hiểu biết
Trì giới không trọn vẹn
Hiện đời cùng vị lai
Thọ khổ bổn nguyện tan
[9]
Đa văn vững tu hành
Trì Pháp làm bức tường
Tinh tấn hủy khó leo
Từ đó giới tuệ thành
[10]
Đa văn khéo phụng Pháp
Trí tuệ luôn định ý
Như vàng sông Thắng Kim
Ai nào có thể chê
[11]
Tài trí là đa văn
Trì giới tất đầy đủ
Cả hai được ngợi khen
Tu học được lậu tận
[12]
Đa văn như gương báu
Soi pháp không thừa sót
Soi mình và soi người
Cả hai sanh hoan hỷ
[13]
Đa văn như anh lạc
Trang nghiêm nơi thân mình
Hữu tình sanh hoan hỷ
Yêu mến vô cùng tận
[14]
Những ai tự ca mình
Ngợi khen nói danh đức
Đó đều vì tham dục
Nhưng mình chẳng hay biết
[15]
Nghe Pháp biết Kinh giới
Trừ nghi thấy chân lý
Do nghe lìa pháp ác
Đi đến nơi bất tử
[16]
Bên trong không ai biết
Bên ngoài không ai thấy
Trong chẳng thấy kết quả
Liền theo tiếng mà trụ
[17]
Bên trong đã biết rõ
Bên ngoài không ai thấy
Cả hai đều đã thành
Liền theo tiếng mà trụ
[18]
Bên trong đã biết rõ
Bên ngoài cũng thấy suốt
Người kia có trí tuệ
Chẳng theo tiếng mà trụ
[19]
Thức của tai nghe nhiều
Thức của mắt thấy nhiều
Thấy nghe chẳng kiên cố
Không tin nơi nghĩa lý
[20]
Trí sâu khéo thuyết lành
Nghe biết định ý lành
Kia chẳng dùng trí định
Mau thành kẻ buông lung
[21]
Hiền thánh yêu thích Pháp
Việc làm lời tương ứng
Dùng nhẫn tư duy không
Tâm ý tất kiên cố
PHẨM 23: TỰ MÌNH

[1]
Luôn nói lời tốt lành
Sa-môn khi đứng ngồi
Nhất tâm tu định ý
Lòng dục cầu ngừng nghỉ
[2]
Bất luận đi nằm ngồi
Một mình không buông lung
Hãy tự hàng phục tâm
Lòng vui chốn núi rừng
[3]
Ngàn ngàn vạn quân địch
Một người thắng tất cả
Chẳng bằng tự hàng tâm
Đó là thắng cao nhất
[4]
Thắng mình là tối thượng
Như tâm chúng sanh kia
Tự hàng làm Đại Sĩ
Tu hành sẽ viên thành
[5]
Chẳng trời tầm hương thần
Chẳng ma hay Phạm thiên
Là cao quý tối thắng
Bằng trí tuệ Tỳ-kheo
[6]
Trước hãy tự chân chánh
Rồi sau dạy người khác
Nếu ai tự chân chánh
Mới gọi là thượng nhân
[7]
Trước hãy tự chân chánh
Rồi sau dạy người khác
Nếu ai tự chân chánh
Chẳng mạo nhận bậc trí
[8]
Hãy tự mình tu chứng
Tùy duyên dạy bảo người
Tự mình đã điều phục
Mới có thể dạy người
[9]
Hãy luôn tự tu chứng
Khiến người sanh tín giải
Tự ta tâm chuyên nhất
Tu học của bậc trí
[10]
Vì mình hoặc vì người
Phần nhiều chẳng thành tựu
Nếu bậc Hữu Học kia
Chân chánh rồi dạy người
[11]
Thân còn Đạo sẽ còn
Pháp ác sao dung chứa?
Tự mình được điều phục
Bậc trí nói nghĩa này
[12]
Tự tâm mình làm thầy
Không theo người làm thầy
Ai tự mình làm thầy
Có được chân trí tuệ
[13]
Tự tâm mình làm thầy
Không nương người làm thầy
Ai tự mình làm thầy
Có được lợi lạc lành
[14]
Tự tâm mình làm thầy
Không nương người làm thầy
Ai tự mình làm thầy
Trí tuệ thầy trời người
[15]
Tự tâm mình làm thầy
Không nương người làm thầy
Ai tự mình làm thầy
Sống lâu hưởng phước trời
[16]
Tự tâm mình làm thầy
Không nương người làm thầy
Ai tự mình làm thầy
Tối thắng trong thân tộc
[17]
Tự tâm mình làm thầy
Không nương người làm thầy
Ai tự mình làm thầy
Không sầu giữa não phiền
[18]
Tự tâm mình làm thầy
Không nương người làm thầy
Ai tự mình làm thầy
Đoạn trừ mọi trói buộc
[19]
Tự tâm mình làm thầy
Không nương người làm thầy
Ai tự mình làm thầy
Phá tan mọi đường ác
[20]
Tự tâm mình làm thầy
Không nương người làm thầy
Ai tự mình làm thầy
Luôn làm bậc chân sư
[21]
Tự tâm mình làm thầy
Không nương người làm thầy
Ai tự mình làm thầy
Giải thoát mọi khổ đau
[22]
Tự tâm mình làm thầy
Không nương người làm thầy
Ai tự mình làm thầy
Mau chứng Đạo tịch diệt
Kinh Pháp Tập Yếu Tụng ♦ Hết quyển 2

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 4 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Tích Lan - Đạo Tình Muôn Thuở


Sống và chết theo quan niệm Phật giáo


Vầng sáng từ phương Đông


Đừng bận tâm chuyện vặt

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.216.42.225 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập